Skip to main content

Thẻ: ngành hàng tiêu dùng

Hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) là gì? Gồm những mặt hàng nào?

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số thông tin về thuật ngữ hàng tiêu dùng nhanh (Hàng tiêu dùng nhanh có tên viết tắt trong tiếng Anh là FMCG) như: hàng tiêu dùng nhanh là gì, ngành hàng tiêu dùng nhanh bao gồm những mặt hàng nào và hơn thế nữa.

Hàng tiêu dùng nhanh là gì
Hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) là gì? Gồm những mặt hàng nào?

Với giá trị thị trường (Market Size) được dự kiến sẽ vượt mức 15000 tỷ USD vào năm 2025 và tăng thêm hơn 300 tỷ USD trong giai đoạn từ 2022 đến 2026, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được xem là một trong những ngành hàng có giá trị lớn nhất toàn cầu.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:

  • FMCG là gì?
  • Hàng hoá đóng gói là gì?
  • Sự khác biệt giữa hàng tiêu dùng nhanh và hàng hoá đóng gói là gì?
  • Sự khác biệt giữa hàng tiêu dùng nhanh và bán lẻ là gì?
  • Một số lưu ý về khái niệm hàng tiêu dùng nhanh mà bạn nên hiểu.
  • Mô hình hàng tiêu dùng nhanh là gì?
  • Thuật ngữ hàng tiêu dùng nhanh nên được hiểu như thế nào.
  • Các kiểu hay danh mục hàng tiêu dùng nhanh chính là gì?
  • Ngành công nghiệp hàng tiêu dùng nhanh.
  • Toàn cảnh về thị trường hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam.
  • Mối quan hệ giữa hàng tiêu dùng nhanh và thương mại điện tử là gì?
  • Hàng tiêu dùng nhanh trong bức tranh lớn hơn là hàng hoá tiêu dùng.
  • Các doanh nghiệp hay thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu trong ngành hàng hàng tiêu dùng nhanh.
  • Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến ngành hàng hàng tiêu dùng nhanh là gì?

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) là gì?

Hàng tiêu dùng nhanh hoặc ngành hàng hoá tiêu dùng nhanh trong tiếng Anh có nghĩa là FMCG, thuật ngữ đề cập đến các sản phẩm được bán hay tiêu thụ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn với chi phí thấp.

Thông thường, các sản phẩm thuộc hàng tiêu dùng nhanh có thời hạn sử dụng tương đối ngắn do nhu cầu của người tiêu dùng cao hoặc vì chúng dễ hư hỏng.

Vì bản chất là những mặt hàng được mua thường xuyên, tiêu thụ nhanh (hàng ngày), giá bán thấp và được bán với số lượng lớn, các sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh có doanh số rất cao.

Các sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh chủ yếu được phân phối tại những nơi mà người tiêu dùng tiện mua sắm chẳng hạn như các cửa hàng tạp hoá, siêu thị, chợ (truyền thống), hay các cửa hàng tiện lợi.

Theo thống kê từ Statista, dung lượng thị trường của ngành hàng tiêu dùng nhanh sẽ đạt giá trị khoảng hơn 15000 tỷ USD vào năm 2025 và tăng thêm hơn 300 tỷ USD trong giai đoạn từ 2022 đến 2026.

Hàng hoá đóng gói (CPG) là gì?

Hàng hoá đóng gói (CPG), có nghĩa là hàng hoá đóng gói tiêu dùng hoặc hàng đóng gói tiêu dùng, khái niệm đề cập đến các sản phẩm mà người tiêu dùng mua sắm thường xuyên như mỹ phẩm, quần áo, đồ ăn hay thức uống.

Sự khác biệt giữa hàng tiêu dùng nhanh và hàng hoá đóng gói là gì?

Trong khi cả hàng tiêu dùng nhanh và hàng đóng gói đều là những thuật ngữ đề cập đến các hàng hoá được tiêu dùng (Consumer Goods) một cách thường xuyên và với giá bán thấp, giữa chúng cũng có những sự khác biệt nhất định. Vậy sự khác biệt lớn nhất giữa hàng tiêu dùng nhanh và hàng đóng gói là gì?

Hàng tiêu dùng nhanh là một tập con của hàng hoá đóng gói.

Về mặt tổng thể, hàng hoá đóng gói hay hàng đóng gói mang ý nghĩa bao quát hơn và bao gồm luôn cả hàng tiêu dùng nhanh.

Trong khi hàng đóng gói, tức hàng tiêu dùng đóng gói bao gồm tất cả các sản phẩm được người tiêu dùng tiêu thụ một cách thường xuyên với số lượng lớn, hàng tiêu dùng nhanh chỉ bao hàm các sản phẩm được tiêu thụ nhanh.

Mức tiêu thụ nhanh (rất nhanh) và chậm chính là sự khác biệt lớn nhất giữa các sản phẩm thuộc hàng tiêu dùng nhanh và hàng hoá đóng gói.

Ví dụ: Trong khi bạn có thể mua khẩu trang một cách thường xuyên nhưng lại không mua nó hàng ngày, ngược lại, các sản phẩm như giấy vệ sinh hay kem đánh răng bạn cần sử dụng hàng ngày.

Khẩu trang chính là sản phẩm thuộc hàng đóng gói còn kem đánh răng hay giấy vệ sinh lại thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Hàng tiêu dùng nhanh và hàng đóng gói khác nhau về cách đạt được doanh số bán hàng.

Ở khía cạnh người làm marketing và kinh doanh, một sự khác biệt khác giữa các sản phẩm thuộc hàng tiêu dùng nhanh và hàng đóng gói đó là vì các sản phẩm tiêu dùng nhanh được tiêu thụ nhanh hơn và thường xuyên hơn, số lượng các sản phẩm được bán cũng như cách đạt được doanh số sẽ dễ dàng hơn so với các sản phẩm đóng gói tiêu dùng.

Sự khác biệt giữa ngành hàng tiêu dùng nhanh và bán lẻ là gì?

Sự khác biệt giữa hàng tiêu dùng nhanh và bán lẻ là gì?
Sự khác biệt giữa hàng tiêu dùng nhanh và bán lẻ là gì?

Trong khi bán lẻ đề cập đến phương thức bán hàng mà cụ thể ở đây là bán lẻ các sản phẩm cho tiêu dùng cuối (thay vì bán sỉ qua trung gian), hàng tiêu dùng nhanh lại bao hàm một tập hợp các thành phần trong chuỗi giá trị như nhà sản xuất và người bán (đại lý hay siêu thị), bán các sản phẩm là hàng hoá vật lý thông qua các nhà bán lẻ khác nhau.

Nếu bán lẻ mô tả cách các doanh nghiệp mua bán hàng hoá, thì hàng tiêu dùng nhanh mô tả cách các hàng hoá được tiêu thụ (số lượng và tần suất) bởi người tiêu dùng mà ở đây là tiêu dùng nhanh.

Một số lưu ý về khái niệm hàng tiêu dùng nhanh mà bạn nên hiểu.

  • Hàng tiêu dùng nhanh bao gồm tất cả các sản phẩm không bảo quản được lâu, dễ hao mòn, không bền hay tiêu thụ một lần (nondurable products) chẳng hạn như kem đánh răng hay giấy vệ sinh, khác hoàn toàn với các sản phẩm không (lâu) hao mòn (durable good) chẳng hạn như xe hơi hay tủ lạnh.
  • Các sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh có biên lợi nhuận trên từng sản phẩm thấp tuy nhiên lại bán được với số lượng lớn và doanh số cao.
  • Các sản phẩm điển hình của hàng tiêu dùng nhanh là bia rượu, nước ngọt, sữa, trái cây hay giấy vệ sinh.
  • Trái ngược lại với các sản phẩm tiêu dùng nhanh là sản phẩm tiêu dùng chậm (SMCG) chẳng hạn như đồ đạc hay các thiết bị gia dụng.

Mô hình hàng tiêu dùng nhanh là gì?

Mô hình hàng tiêu dùng nhanh là khái niệm mô tả cách thức vận hành kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh, về bản chất, đó cũng là mô hình kinh doanh giống như nhiều mô hình kinh doanh ở các ngành khác.

Theo McKinsey, một mô hình hàng tiêu dùng nhanh tiêu chuẩn thường tập trung vào 5 “bí mật” sau đây:

  • Hoàn thiện việc xây dựng thương hiệu thị trường đại chúng (Mass Market) và đổi mới sản phẩm. Điều này có thể giúp mang lại tỷ suất lợi nhuận gộp thường cao hơn khoảng 25% so với những doanh nghiệp không có hoặc thương hiệu kém phổ biến khác.
  • Xây dựng mối quan hệ với các cửa hàng tạp hóa và các nhà bán lẻ khác để cung cấp khả năng tiếp cận liền mạch cho người tiêu dùng. Bằng cách hợp tác với các cửa hàng, đồng thời liên kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng của họ, các công ty hàng tiêu dùng nhanh đảm bảo rằng hàng hoá của họ sẽ được phân phối rộng rãi, đây chính là rào cản cho các thương hiệu mới muốn gia nhập thị trường.
  • Gia nhập các thị trường đang phát triển sớm và tích cực phát triển các chủng loại của sản phẩm khi người tiêu dùng trở nên giàu có hơn. Điều này mang lại một nguồn tăng trưởng vô cùng lớn – tạo ra 75% mức tăng trưởng doanh thu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh.
  • Thiết kế các mô hình vận hành nhất quán và giảm thiểu chi phí. Mô hình dựa trên sức mạnh tổng hợp này đã giữ cho chi phí quản trị và chi phí chung luôn ở mức 4 đến 6% doanh thu.
  • Các chiến lược M&A được sử dụng để củng cố thị trường và tạo đà cho tăng trưởng hữu cơ (tăng trưởng tự thân – Organic Growth) sau khi mua lại. Sau khi cập nhật danh mục đầu tư của họ với các thương hiệu và danh mục mới, các công ty hàng tiêu dùng nhanh sẽ áp dụng các phương pháp kinh doanh và phân phối tối ưu hiện có để phát triển các thương hiệu và danh mục.

Thấu hiểu thuật ngữ hàng tiêu dùng nhanh.

Như đã phân tích ở trên, sở dĩ được gọi là hàng tiêu dùng nhanh vì nó bao gồm các sản phẩm là hàng hoá (Goods) được tiêu thụ nhanh (Fast Moving) bởi những người tiêu dùng (Consumer).

Các sản phẩm là hàng hoá tiêu dùng (Consumer Goods) được chia thành 3 danh mục con khác nhau là: hàng hoá lâu bền (Durable Goods), hàng hoá không lâu bền (Nondurable Goods) và dịch vụ (Services).

Trong khi các sản phẩm thuôc hàng hóa lâu bền có thời hạn sử dụng từ 3 năm trở lên, các sản phẩm thuộc hàng hóa không lâu bền có thời hạn sử dụng dưới một năm.

Hàng tiêu dùng nhanh là phân khúc hàng tiêu dùng (CG – Consumer Goods) lớn nhất, bao gồm các sản phẩm là hàng hoá không lâu bền, các sản phẩm này thường được tiêu thụ ngay sau khi mua và có thời hạn sử dụng ngắn.

Nếu bạn để ý quan sát, bạn sẽ thấy rằng gần như tất cả mọi người trên thế giới đều sử dụng các sản phẩm là hàng tiêu dùng nhanh mỗi ngày, từ những lần mua hàng ở các quầy tạp hoá nhỏ đến những đơn hàng lớn hơn ở các siêu thị hay trung tâm mua sắm.

Về mặt tiêu thụ tổng thể, hàng tiêu dùng nhanh chiếm hơn một nửa tổng chi tiêu của người tiêu dùng.

Các kiểu hay danh mục hàng tiêu dùng nhanh chính là gì (bao gồm những mặt hàng nào)?

Như đã phân tích ở trên, hàng tiêu dùng nhanh bao gồm những hàng hóa không lâu bền, hoặc hàng hóa có vòng đời ngắn và được tiêu thụ với tốc độ nhanh.

Hàng tiêu dùng nhanh có thể được chia thành nhiều chủng loại hay danh mục khác nhau bao gồm:

  • Thực phẩm chế biến: Các sản phẩm như bơ, pho mát, ngũ cốc hay mì ống đóng hộp.
  • Thực phẩm được chế biến sẵn: Những sản phẩm có thể ăn hay tiêu dùng được ngay mà không cần chế biến.
  • Đồ uống: Nước đóng chai, nước tăng lực hay nước trái cây.
  • Đồ nướng: Bánh quy, bánh sừng bò và bánh mì tròn.
  • Thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh và đồ khô: Trái cây, rau, đậu, mực tôm cá, nho khô hay các loại hạt.
  • Thuốc: Aspirin, thuốc giảm đau và các loại thuốc khác có thể mua không cần kê đơn.
  • Sản phẩm tẩy rửa: Baking soda, nước tẩy rửa lò nướng, và nước lau cửa sổ, nước lau sàn hay lau kính.
  • Mỹ phẩm và đồ vệ sinh cá nhân: Bao gồm các sản phẩm như sản phẩm chăm sóc tóc, kem tẩy trang, kem đánh răng hay xà bông.
  • Đồ dùng văn phòng: Bút, tập vở, bút chì hay bút tẩy.

Ngành công nghiệp hàng tiêu dùng nhanh.

Cũng tương tự các ngành công nghiệp khác như ngành công nghiệp thương mại (Commerce Industry) hay ngành công nghiệp F&B (F&B Industry), ngành công nghiệp hàng tiêu dùng nhanh là ngành có giá trị hàng chục ngàn tỷ USD và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi tiêu của người tiêu dùng (hơn 50%).

Toàn cảnh về thị trường hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam.

Theo số liệu từ Statista, ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ khá nhanh trong những năm gần đây.

Nhờ vào sự phát triển tổng thể của nền kinh tế Việt Nam, khi người dân có mức thu nhập trung bình cao hơn, mức sống được cải thiện tốt hơn, kéo theo đó là tỷ lệ tiêu thụ các sản phẩm thuộc hàng tiêu dùng nhanh cũng tăng lên.

Đô thị hóa cũng là một động lực khác thúc đẩy sự tăng trưởng ở mức hai con số của thị trường hàng tiêu dùng nhanh trước đại dịch COVID-19.

Vào năm 2020, bất chấp những khó khăn do đại dịch, tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng năm của ngành hàng tiêu dùng của cả nước vẫn đạt 6,8% và dự báo sẽ đạt ít nhất 9% vào năm 2021.

Ở cả thành thị và nông thôn Việt Nam, chi tiêu hàng tháng cho các sản phẩm tiêu dùng nhanh đang tăng lên trong những năm qua.

Mặc dù mức chi tiêu cho các sản phẩm này của người dân sống ở thành thị cao hơn nhiều so với người dân sống ở nông thôn, khoảng cách này đang ngày càng được thu hẹp.

Trong khi các sản phẩm sữa (và được chế biến từ sữa) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi tiêu hàng tiêu dùng nhanh của người dân thành thị, các mặt hàng tạp hóa đóng gói (packaged grocery) lại chiếm tỷ trọng cao nhất ở khu vực nông thôn.

Bất chấp sự khác biệt trong cách chi tiêu, chăm sóc cá nhân, thực phẩm đóng gói và sữa vẫn là những danh mục sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh có tốc độ tăng trưởng giá trị cao nhất.

Bên cạnh số ít các thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh lớn của Việt Nam như Vinamilk hay Masan, phần lớn các thương hiệu còn lại là những doanh nghiệp nước ngoài như Unilever của Vương Quốc Anh, P&G của Mỹ hay Acecook của Nhật Bản.

Mối quan hệ giữa hàng tiêu dùng nhanh và thương mại điện tử là gì?

Mối quan hệ giữa hàng tiêu dùng nhanh và thương mại điện tử là gì?
Mối quan hệ giữa hàng tiêu dùng nhanh và thương mại điện tử là gì?

Nếu như trước đây, ngành hàng tiêu dùng nhanh gắn liền với thương mại truyền thống, thì giờ đây, khi người tiêu dùng toàn cầu đang ưu tiên mua sắm từ các kênh thương mại điện tử, khi thương mại điện tử (eCommerce) mang lại những tiện ích mà các cửa hàng truyền thống không thể làm được, mọi thứ đã thay đổi tương đối nhiều.

Theo một báo cáo của Nielsen, các hàng hóa phổ biến nhất được mua qua các kênh trực tuyến liên quan đến du lịch, giải trí hoặc hàng hóa lâu bền (Durable Goods) chẳng hạn như thời trang và sản phẩm điện tử.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cũng cho thấy, khi các doanh nghiệp đang xác định lại hiệu quả của các kênh thương mại điện tử, các sản phẩm tiêu dùng nhanh như hàng tạp hóa cũng sẽ phát triển mạnh trên các nền tảng thương mại điện tử như Tiki hay Shopee.

Các doanh nghiệp hay thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu trong ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Nestlé, Procter & Gamble (P&G) và Coca-Cola là những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh lớn nhất thế giới.

Ví dụ với Nestlé, tập đoàn có trụ sở tại Thụy Sĩ này hiện có hơn 2.000 thương hiệu (nhãn hàng) ở nhiều danh mục hay chủng loại sản phẩm khác nhau.

Trong khi mức doanh số có thể có được từ hàng tiêu dùng nhanh như đã phân tích là vô cùng lớn, do những rào cản lớn về chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu hay các hoạt động marketing khác, khả năng giành được thị phần từ ngành hàng này là vô cùng khó khăn.

Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến ngành hàng tiêu dùng nhanh là gì?

  • Hàng tiêu dùng nhanh bao gồm những thành phần chính là gì?

Như đã phân tích ở trên, hàng tiêu dùng nhanh là thuật ngữ mô tả các hàng hoá tiêu dùng nhanh hay hoặc hàng tiêu dùng nhanh.

Về mặt tổng thể, hàng tiêu dùng có thể được chia thành 3 danh mục con khác nhau là: hàng hoá lâu bền (Durable Goods), hàng hoá không lâu bền (Nondurable Goods) và dịch vụ (Services).

  • Thương hiệu hay sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh là gì?

Là các thương hiệu hay sản phẩm trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. Dầu gội Clear hay Bột giặt OMO chính là các thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh (FMCG Product).

Kết luận.

Thông qua bài viết phân tích tương đối chi tiết từ MarketingTrips, hy vọng bạn có thể hiểu được những lý thuyết căn bản như hàng tiêu dùng nhanh là gì, các khái niệm hay thuật ngữ xoay quanh ngành hàng tiêu dùng nhanh và hơn thế nữa.

Xem thêm:

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Nguồn: MarketingTrips