Skip to main content

Thẻ: Tìm việc

Lối mòn tìm việc là rào cản sự nghiệp với nhiều người

Trong bối cảnh, tình hình kinh tế khó khăn các doanh nghiệp dần hạn chế công tác tuyển dụng. Nếu các bạn bước vào “lối mòn” trong quá trình tìm việc thì sẽ rất khó để bạn có được công việc trong thời điểm hiện nay.

Lối mòn tìm việc là rào cản sự nghiệp với nhiều người
Lối mòn tìm việc là rào cản sự nghiệp với nhiều người

Liệu “lối mòn” tìm việc có gọi tên bạn, hãy xem tiếp bài viết dưới đây.

Như thế nào là lối mòn?

Theo một vài định nghĩa: “Lối mòn là một dạng lối đi không do con người chủ ý tạo nên nhưng đi dần theo thời gian tạo thành đường”

Còn đối với quá trình tìm việc ,“lối mòn” là cách mà các ứng viên vẫn hãy làm dù không đem lại nhiều hiệu quả. Về lâu dài, đi theo “lối mòn” làm chúng ta sẽ ngại thay đổi, không muốn bỏ công sức và thời gian để có kết quả tốt hơn.

Đâu là những “lối mòn” thường thấy khi tìm việc?

Rải CV cho nhiều vị trí hoặc nhiều công ty

Lối mòn “rải CV” đã không còn xa lạ đối với các bạn sinh viên mới tốt nghiệp, nhưng nhiều người đã có kinh nghiệm đi làm vẫn còn dùng cách này. Mục đích chính là để tăng cơ hội được mời tham gia phỏng vấn và có được công việc phù hợp. Tuy nhiên, lối mòn này mang lại rủi ro nhiều hơn cơ hội.

Chỉ với một CV xin việc bạn sẽ rất khó để trình bày một cách cụ thể và nêu nổi bật được khả năng của mình cho vị trí đang tuyển. Việc gửi CV cùng lúc cho nhiều công ty mà không có sự xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ khiến bạn tốn thời gian cho những công ty không phù hợp với bản thân, thậm chí là ra quyết định sai. Bên cạnh đó, nếu không có sự tập trung nhất định cho mỗi vị trí cũng sẽ gây khó khăn cho bạn khi tham gia phỏng vấn.

Lời khuyên:

Hãy dành thời gian để nghiên cứu và phân tích về những vị trí mà bản thân quan tâm nhiều nhất. Xem xét các yêu cầu của nhà tuyển dụng dành cho vị trí này trước khi ứng tuyển. Như vậy bạn sẽ biết được nên trình bày CV như thế nào và đề cập đến kỹ năng, kinh nghiệm nào.

Hãy tạo nhiều hơn 1 CV cho các vị trí mà bạn đang quan tâm, bởi lẽ hầu hết các nhà tuyển dụng sẽ có sự ưu tiên cho CV có sự tối ưu hóa cho doanh nghiệp của họ. Điều chỉnh màu nền của CV khớp với màu chủ đạo của công ty cũng là một cách.

Trình bày quá nhiều thông tin trong CV

Nếu bạn nghĩ rằng CV dài hơn 3 trang sẽ giúp bạn được đánh giá cao hơn ứng viên khác có thể bạn đã đi “lối mòn” tìm việc. Trong vòng sàng lọc CV, mỗi nhân viên tuyển dụng chỉ bỏ ra khoảng 6s để xem 1 CV.

Với số lượng lớn CV được gửi về, họ phải chọn lọc nhanh những ứng viên phù hợp bằng cách bắt “keyword” khớp với yêu cầu công việc. Nên nếu bạn trình bày quá nhiều kinh nghiệm không liên quan hoặc không liệt kê những keyword đắt giá cũng sẽ làm bạn “trượt” vòng này.

Lời khuyên:

Hãy đảm bảo rằng CV được trình bày chủ yếu về giá trị mà bạn có thể mang lại và kinh nghiệm làm việc trước đó. Tốt hơn hết bạn nên có số liệu minh chứng cụ thể về kết quả công việc để tạo niềm tin cho nhà tuyển dụng. Một số thông tin có liên quan trực tiếp cho vị trí đăng tuyển như địa chỉ thường trú, năm sinh, địa chỉ email, chứng chỉ, thông tin về học vấn.

Không nghiên cứu về công ty ứng tuyển

Một trong những lối mòn rất nhiều người vẫn đang đi trong quá trình tìm việc là không nghiên cứu đầy đủ về công ty mà mình đang ứng tuyển và sẽ phỏng vấn. Nếu bạn không dành thời gian nghiên cứu về công ty bạn đang tự đặt mình vào thế bất lợi so với ứng viên khác.

Như vậy nội dung trình bày trong CV chỉ mang tính cung cấp thông tin chung và thiếu sự “customize”. Bên cạnh đó, trong quá trình phỏng vấn bạn cũng sẽ gặp khó khăn nếu nhận các câu hỏi mang tính thăm dò về sự hiểu biết về công ty và công việc.

Khi bạn nghiên cứu về công ty, bạn có thể trình bày về khả năng giải quyết một số thách thức mà công ty đang phải đối mặt trong tương lai.

Không những vậy, nghiên cứu trước và trình bày thông tin phù hợp còn thể hiện rằng bạn quan tâm đến công ty. Các doanh nghiệp đều đang muốn tuyển những ứng viên quan tâm đến công ty vì họ tin rằng những ứng viên đó sẵn sàng nỗ lực hết mình để học hỏi trong công việc hoặc mang lại giá trị cao nhất cho tổ chức.

Lời khuyên:

Dành thời gian để nghiên cứu về công ty là điều ít nhất bạn có thể làm vì đây thường là một trong những câu hỏi thường gặp nhất trong cuộc phỏng vấn.

Gần như mọi công ty đều có trang web riêng và có phần giới thiệu về doanh nghiệp của họ. Bạn có thể đọc trước khi chuẩn bị CV và gửi thư ứng tuyển hoặc trước ngày tham gia cuộc phỏng vấn.

Sẽ rất tuyệt vời nếu bạn biết sứ mệnh của công ty là gì hoặc họ coi trọng điều gì. Nếu không chứng minh được rằng bạn đã nghiên cứu về công ty hoặc thể hiện cách bạn phù hợp với các mục tiêu và giá trị của công ty sẽ khiến bạn gặp bất lợi trong quá trình tìm việc.

Không xem trọng “Cover letter” 

Một “lối mòn” khác mà nhiều ứng viên khác thường đi vào đó là không xem trọng  “Cover letter”. Thực tế, nhiều ứng viên chỉ gửi mỗi CV qua email cho nhà tuyển dụng mà không hề có phần giới thiệu sơ lược hoặc chỉ viết đôi ba dòng cho có lệ. Điều này làm họ rơi vào “Blacklist” của nhà tuyển dụng hoặc rất lâu mới nhận được hồi âm.

Thư xin việc đóng một vai trò quan trọng để nhà tuyển dụng đánh giá nhanh độ tiềm năng của ứng viên. Và một trong những vấn đề mà người tìm việc gặp phải là khiến người đang xem xét sơ yếu lý lịch của họ bối rối.

Ví dụ, nhiều người muốn chuyển đổi nghề nghiệp và ứng tuyển vào một công việc mà mình chưa có kinh nghiệm trước đó nhưng lại không nêu rõ điều đó trong Thư xin việc.

Thư xin việc là cách để bạn chia sẻ nhiều hơn về lý do tại sao bạn quyết định nộp đơn ứng tuyển. Nếu bạn đang cố gắng chuyển đổi nghề nghiệp thì thư xin việc sẽ là một phần quan trọng trong việc xác định liệu bạn có được cân nhắc cho công việc hay không.

Lời khuyên:

Trong thư xin việc của bạn, hãy trình bày chi tiết lý về nguyện vọng, mục tiêu và highlight các kinh nghiệm nổi bật có thể mang lại giá trị cho công ty mà bạn đang ứng tuyển.

Nếu bạn gửi một lá thư xin việc có nhiều lỗi, không phù hợp với vị trí đang tuyển hoặc có những lỗi đơn giản như sai tên hoặc tiêu đề, thì bạn sẽ khiến quá trình tìm việc của mình khó khăn hơn nhiều. Thư xin việc nên được cá nhân hóa cho người sẽ xem xét đơn ứng tuyển của bạn.

Đảm bảo rằng bạn sử dụng đúng tên công ty và chức danh công việc trong Cover letter và đọc lại trước khi đính kèm với sơ yếu lý lịch để đảm bảo rằng bạn đã cung cấp đủ thông tin cần thiết và chính xác.

Chỉ tìm việc trên các nền tảng truyền thống

Hiện nay có rất nhiều kênh để các doanh nghiệp, bộ phận HR tổ chức hoạt động tuyển dụng và thu hút các ứng viên tiềm năng. Do đó, nếu bạn chỉ đang nộp đơn ứng tuyển ở các nền tảng tuyển dụng truyền thống thì khả năng tìm được công việc phù hợp rất khó.

Vì mỗi ngày sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm CV (Curriculum Vitae) được nộp qua nền tảng truyền thống tỉ lệ chọi cho một vị trí là khá cao.Trong khi đó, nếu sử dụng nhiều nền tảng có thể giúp tăng cơ hội để bạn tìm được công việc và nhận được phản hồi từ nhà tuyển dụng sớm hơn.

Lời khuyên:

Hiện nay, nhiều nhà tuyển dụng sẽ xem xét các tài khoản truyền thông xã hội, trang web cá nhân, ảnh của ứng viên, v.v. để đánh giá tính chân thật của họ trong buổi phỏng vấn

Hãy thiết lập tài khoản và tạo hồ sơ về bạn tên LinkedIn và giới thiệu về kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn, kỹ năng và thành tích trước đây của bạn. Đây cũng là nền tảng giúp bạn tiếp cận được nhiều cơ hội phù hợp được giới thiệu trực tiếp từ nhà tuyển dụng hoặc các connection.

Ngày nay khi nền kinh tế thị trường đang có sự suy giảm, cơ hội để tìm được công việc sẽ càng khó khăn hơn. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn nhận ra được những “lối mòn” mà bạn vô tình mắc phải và lời khuyên để giúp bạn có được phương pháp tìm việc hiệu quả hơn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo VietnamWorks

Nhiều người trẻ Trung Quốc quẹt Tinder để tìm việc

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tình trạng thất nghiệp tăng cao, nhiều người trẻ Trung Quốc chọn cách quẹt ứng dụng hẹn hò Tinder để tìm kiếm việc làm.

Nhiều người trẻ Trung Quốc quẹt Tinder để tìm việc
Nhiều người trẻ Trung Quốc quẹt Tinder để tìm việc

“Tôi đã xem nhiều loại quảng cáo và hồ sơ khác nhau trên Tinder. Tôi nghĩ ‘Tại sao tôi không quảng cáo bản thân ở đây để được biết đến nhiều hơn?”, một người dùng là cử nhân ngành thiết kế thời trang chia sẻ.

Đây là một trong số ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc chuyển sang Tinder để tìm kiếm cơ hội việc làm trong bối cảnh con số thất nghiệp sau đại học ngày càng tăng.

Theo Cục Thống kê Trung Quốc, với tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên trên 20%, các sinh viên mới tốt nghiệp đã dùng đủ chiến thuật để giành lợi thế trên thị trường việc làm – từ theo đuổi bằng cấp cao hơn đến tìm kiếm sự giúp đỡ từ tâm linh.

Quẹt Tinder là chiêu tìm việc mới nhất. Các ứng dụng hẹn hò cực kỳ phổ biến ở Trung Quốc. Thống kê năm 2022 có tới 275 ứng dụng.

Không rõ có bao nhiêu người tìm việc trên Tinder, nhưng chắc chắn phổ biến hơn hai ứng dụng khác là Bumble và Hinge, mặc dù nó không được truy cập chính thức ở Trung Quốc.

Tuy nhiên khó khăn khi truy cập Tinder thực sự là một trong những lý do khiến một số thanh niên Trung Quốc coi đây là nền tảng lý tưởng, bởi lẽ đa phần người dùng học ở nước ngoài hoặc làm việc cho các công ty quốc tế.

Một sinh viên tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, tên Xing chia sẻ cuộc gặp gỡ tình cờ qua Tinder đã mở ra sự nghiệp cho cô. Vài tháng trước khi tốt nghiệp ngành Triết học năm 2020, cô đã quen biết một người đàn ông qua app này. Suốt thời kỳ đầu mới quen, cô chia sẻ với anh những lo lắng và không chắc chắn về tìm việc làm.

Người đàn ông – hiện là chồng sắp cưới của Xing – làm việc cho một công ty công nghệ lớn ở Bắc Kinh và đã cho cô một số lời khuyên hữu ích để đảm bảo có được suất thực tập tại công ty. Xing đã giành được vị trí thực tập sinh, từ đó mở ra cơ hội trúng tuyển sau này.

“Điều tuyệt vời ở Tinder là bạn có thể kết nối với những người bên ngoài vòng kết nối xã hội thông thường của mình”, Xing nói.

Cô gái cũng cho biết nhiều người trên Tinder có công việc tốt. Và không giống như LinkedIn, Tinder tạo ra bầu không khí thân mật hơn vì cuộc trò chuyện đầu tiên thường bắt đầu bằng cuộc sống cá nhân.

Trên thực tế, một số người dùng đã bắt đầu sử dụng Tinder như một sự thay thế cho LinkedIn – dịch vụ đã rút khỏi thị trường Trung Quốc vào tháng 5/2023.

Ứng dụng này có một số tính năng hữu ích cho người tìm việc: Nó cho phép người dùng kết nối với những người bên ngoài vòng kết nối xã hội. Nhiều người dùng đưa tên của nhà tuyển dụng và trường đại học vào hồ sơ Tinder và có thể sàng lọc người dùng dựa trên giới tính, độ tuổi và sở thích.

Vào tháng 6, một người dùng nữ trên nền tảng Xiaohongshu đã chia sẻ bài đăng có tiêu đề “Mẹo tìm việc trên Tinder” thu hút hàng nghìn lượt thích và được nhiều người nhờ chỉ mẹo.

Trong bài đăng, người dùng tên Bagel đã đưa ra sáu lời khuyên chính: chỉ quẹt phải những người đàn ông trong ngành mục tiêu của bạn; bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách hỏi về công việc của họ; dần dần chia sẻ những khó khăn của mình và xin lời khuyên; làm cho cuộc trò chuyện có cảm giác như một “người đàn ông thành công” thì có nhiều khả năng được giúp hơn; thể hiện lòng biết ơn bằng cách mời đi ăn tối và tặng một món quà; cố gắng nhắm mục tiêu đến những người đàn ông có loại tính cách nhất định trên Myers-Briggs Type Indicator – một bài kiểm tra tính cách cực kỳ phổ biến ở Trung Quốc vài năm nay.

Ở cuối bài đăng, Bagel nói rõ rằng cô đã sử dụng phương pháp này để thuyết phục một người phù hợp trên Tinder giúp cô chỉnh sửa hồ sơ và giới thiệu với nhà tuyển dụng.

Xu hướng quẹt Tinder tìm việc đang gây ra làn sóng chia rẽ quan điểm ở Trung Quốc. Yang Yutong, giám đốc nhân sự tại một công ty ở Thượng Hải, cho biết hiểu lý do sinh viên mới tốt nghiệp sử dụng những phương pháp này. Bà gợi ý rằng ngày nay, người trẻ cần khai thác mọi lợi thế có thể để được tuyển dụng.

“Cá nhân tôi cho rằng việc sử dụng các ứng dụng hẹn hò để kết nối với những người cùng ngành nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm là sáng tạo và phù hợp với thế hệ trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đề phòng những kẻ lừa đảo, nói dối thông tin vì các động cơ phía sau”, Yang nói.

Yang cho biết thêm, trong thị trường việc làm ngày nay, sinh viên mới tốt nghiệp có rất ít lựa việc làm. Các nhà tuyển dụng ưu tiên những ứng viên có nhiều năm kinh nghiệm.

Trong một số trường hợp, các công ty thậm chí ngừng tổ chức hội chợ việc làm vì không có ý định tuyển người mới tốt nghiệp. “Các ông chủ không quan tâm đến sự sẵn sàng học hỏi của ứng viên mà quan tâm năng suất”, Yang nói.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Tinder cảnh báo người dùng cố gắng sử dụng tài khoản của họ cho mục đích kinh doanh đang vi phạm nguyên tắc cộng đồng của nền tảng.

“Các nguyên tắc của chúng tôi củng cố chính sách rằng người dùng nên sử dụng Tinder để tạo kết nối cá nhân chứ không phải kết nối kinh doanh. Đây không phải là nơi doanh nghiệp kiếm tiền và các cá nhân bán hàng, gây quỹ, tìm việc”, người này nói.

Xu hướng này cũng gây ra phản ứng dữ dội từ một số người dùng Tinder. Một người dùng Xiaohongshu phản pháo Bagel trong một bài đăng có tiêu đề “Thật nực cười khi sử dụng ứng dụng hẹn hò cho công việc”.

Theo quan điểm của người này, việc phụ nữ sử dụng Tinder để tìm kiếm các mối quan hệ nghề nghiệp củng cố định kiến có hại về việc phụ nữ phụ thuộc vào nam giới để có cơ hội nghề nghiệp. Ngoài ra việc này khiến những người muốn tìm đối tượng hẹn hò trên ứng dụng khó khăn hơn.

“Nếu ai đó sử dụng ứng dụng hẹn hò theo cách lôi kéo và tính toán, điều đó sẽ gây tổn hại cho người dùng với mục đích thuần túy. Cố tình tiếp cận người khác để xin việc là ích kỷ”, người này nói.

Một số khác phản bác rằng trên Tinder có rất nhiều người không trung thực. “Rất nhiều người trên các ứng dụng hẹn hò tuyên bố đang tìm kiếm các mối quan hệ lâu dài nhưng thực chỉ muốn tình một đêm. Thay vì chỉ trích xu hướng, tốt hơn hết bạn nên đề phòng những kẻ nói dối đó”, một người khác viết.

Wu Qianqian, sinh viên năm cuối tại Đại học Sydney, cho biết việc sử dụng Tinder để tìm kiếm cơ hội việc làm không khác gì việc tạo các nhóm xã hội mới thông qua nền tảng này – một thói quen rất phổ biến đối với những người dùng ứng dụng hẹn hò ở Trung Quốc. Cô dẫn ví dụ năm 2020 đã dùng Tinder để tuyển thành viên mới cho một mạng lưới sinh viên quốc tế Trung Quốc mà cô lập ra.

“Các ứng dụng hẹn hò giúp mở rộng mối quan hệ. Mọi người sử dụng các ứng dụng này để hẹn hò, kết bạn, thậm chí để kiếm tiền. Không có gì sai khi biến nó thành lợi thế của bạn cả”, Wu nói.

Tính đến hết năm 2022, doanh thu của Tinder là khoảng gần 1.8 tỷ USD.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

9 sự thật khiến những người tìm việc ngây thơ phải thức tỉnh

Hầu hết người trẻ bắt đầu đi tim việc luôn mong muốn tìm được công việc ở những công ty lớn với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, liệu có dễ dàng như bạn nghĩ?

9 sự thật khiến những người tìm việc ngây thơ phải thức tỉnh

Nếu bạn đang tìm kiếm một công việc thì tiêu chí của bạn dành cho công việc đó là thế nào? Nó có cần phù hợp với ước mơ từ nhỏ?

Mức lương khủng? Nơi làm việc tại quận 1? Hay đơn giản là khiến bạn muốn gắn bó cả đời? Tất cả sẽ chỉ là ảo tưởng nếu như bạn không hiểu được 9 vấn đề then chốt dưới đây:

Những tin tuyển dụng bạn thấy chỉ là phần nổi của tảng băng.

Tất cả những đầu việc hiện nay giống như tảng băng trôi, số tin tuyển dụng mà được đăng tải trên mạng chỉ là phần nổi, hầu hết phần chìm chính là những công việc được giới thiệu dựa trên các mối quan hệ.

Đừng vội thất vọng với sự thật này. Bạn hoàn toàn có thể tận dụng những mối quan hệ để tìm kiếm sự nghiệp cho mình bằng cách mở rộng mối quan hệ trong lĩnh vực mà bạn quan tâm và đầu tư cho các mối quan hệ đó.

Đừng ngại, vì đây chính là một cách cực kỳ thông minh và hiệu quả hơn rất nhiều so với việc “rải” CV.

Thế giới ảo quan trọng hơn bạn nghĩ.

Rất nhiều nhà tuyển dụng hiện nay tìm hiểu ứng viên qua mạng xã hội. Cho nên, nếu bạn từng xem thường nó thì hãy thay đổi quan điểm ngay đi.

Sẽ thế nào nếu như nhà tuyển dụng tìm kiếm tên bạn trên Facebook và thấy ảnh đại diện là những hình ảnh hở hang, phản cảm hoặc hình chó mèo không hề thể hiện con người của bạn.

Dù có nhiều mặt trái nhưng mạng xã hội vẫn là một công cụ hữu ích để giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân. Hãy thật cẩn thận khi sử dụng công cụ này vì nó cũng có thể là con dao hai lưỡi khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

Nếu muốn người khác dạy, bạn phải sẵn sàng học.

Những bạn trẻ mới ra trường thường bị các công ty nhìn nhận là thiếu kiên nhẫn, chậm tiếp thu và lười. Nhưng sự thật có thể là vì họ chỉ răm rắp nghe và làm theo người đi trước mà không có tinh thần học hỏi.

Nên nhớ rằng, nếu bạn muốn học hỏi, bạn phải cởi mở và sẵn sàng để học. Không ai có thể cầm tay bạn làm, không ai đi theo bạn từng bước. Tất cả phải đến từ sự chủ động của chính bạn.

Bất cứ chỗ làm việc nào cũng có ưu và khuyết điểm.

Dù làm việc ở tòa nhà Bitexco hay một công ty gia đình nhỏ cũng đều có những thế mạnh và thách thức riêng của nó.

Khi đi làm, bạn có thể gặp người quản lý khó tính nhất quả đất, có thể phải rót nước pha trà, có thể dành cả đêm ở lại công ty chỉ để hoàn thành công việc hay nhiều thử thách mệt mỏi hơn. Thế nhưng đừng coi đó là hạn chế mà hãy xem đó như một cơ hội.

Việc bạn hứng thú với một công ty nào đó không phải do ngoại cảnh quyết định, tất cả đều là do bạn. Nếu bạn nghĩ đây là cơ hội tốt để học hỏi thì mọi yếu tố bên ngoài không còn quan trọng, chính sự nỗ lực của bản thân bạn sẽ trả lời tất cả.

Nhảy việc nhiều chưa chắc đã giỏi.

Nhiều người trẻ cho rằng, việc nhảy việc thường xuyên sẽ làm gia tăng bề dày thành tích trong CV của họ. Làm ở nơi này vài tháng rồi nhảy sang nơi khác cho đến khi nào tìm được nơi trả lương cao nhất. Nhưng có lẽ tất cả chỉ là bề nổi của vấn đề.

Nếu muốn làm chuyên gia ở lĩnh vực mà bạn muốn, hãy đầu tư thời gian và nghiêm túc rèn luyện. Sớm xác định được hướng đi chính là cách nhanh nhất giúp bạn thành công và kiếm được nhiều tiền chứ không phải bản CV đẹp long lanh.

Tiền không rơi từ trên trời xuống.

Khá nhiều người mang suy nghĩ lạc hậu rằng, chỉ cần tấm bằng đại học họ sẽ có được công việc hấp dẫn với mức lương cao vời vợi. Sự thật không hề đơn giản như vậy. Lúc thực sự đi làm, bạn sẽ nhận ra rằng:  làm ra tiền chưa bao giờ khó đến thế.

Thật vậy, để một công ty có thể trả tiền cho bạn, bạn phải bỏ ra một phần công sức để khiến công ty đó vận hành. Luôn là mối quan hệ cho – nhận, nếu chỉ nghĩ từ một phía, chắc chắn bạn sẽ không tồn tại lâu trong môi trường làm việc khốc liệt này.

Không cho không ai cái gì.

Mối quan hệ cho – nhận luôn tồn tại khi bạn đi làm, hãy ghi nhớ điều đó. Không ai mang tiền đến cho không bạn. Không ai dâng khách hàng cho bạn. Không ai cầm tay chỉ bạn từng bước. Điều đó chỉ có cha mẹ làm cho bạn thôi.

Khi đi làm, bạn phải tự thân vận động, phải tự học hỏi, tự tạo nên thành công của riêng mình. Những giấc mơ sẽ trở thành sự thật nếu như bạn ngừng mơ.

Chỉ khi biết cách thương lượng, bạn mới nhận được mức lương thỏa đáng.

Nhiều người sau khi đi làm một thời gian, than phiền rằng họ bị trả lương thấp hơn so với công sức mình bỏ ra.

Thật ra, nguyên nhân chỉ xuất phát từ 2 lý do đơn giản: một là họ không biết cách đề nghị tăng lương, hai là họ không biết lý do tăng lương của mình là gì.

Kinh tế học đã chỉ ra rằng, những ông chủ chỉ muốn trả cho nhân viên mức lương thấp nhất với giá trị lớn nhất họ làm ra.

Vì thế đừng mơ rằng bạn làm 10, sẽ nhận được 10. Nếu bạn đang nhận được 8 hãy yêu cầu họ tăng lương, hoặc khiến họ thấy rằng dù có bỏ ra gấp đôi thì vẫn không tìm được ai thay thế bạn.

Việc kiếm tiền có thể giết chết giấc mơ của bạn.

Bạn đã từng mơ sẽ trở thành nhà văn, họa sĩ hay đại loại là những ngành nghề khó kiếm ra tiền? Nếu có ắt hẳn bạn sẽ cảm thấy thật khó khăn khi sống được với ước mơ này. Chắc chắn bạn sẽ tìm một nghề “kiếm cơm” khác, và khi đó áp lực công việc sẽ khiến bạn quên hẳn giấc mơ ban đầu.

Trước khi nuôi ước mơ, bạn phải nuôi thân mình. Bạn có thể sắp xếp để vừa kiếm sống vừa hiện thực hóa giấc mơ của mình bằng cách làm nhiều việc cùng lúc.

Nhưng nó có thể sẽ hại bạn. Hãy cân nhắc thật kỹ khi chọn lựa nghề nghiệp mục tiêu của mình vì sức khỏe và thời gian của mỗi người là có hạn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips 

8 câu hỏi giúp ứng viên ‘đánh giá ngược’ nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn

Trong buổi phỏng vấn, Nhà tuyển dụng thường dùng những câu hỏi, tình huống để đánh giá xem đây có phải là ứng viên tiềm năng của công ty hay không. Một số bạn vì chưa chuẩn bị kỹ nên dễ rơi vào thế bị động, chỉ biết lắng nghe và trả lời khiến cho cuộc phỏng vấn có xu hướng diễn ra “một chiều”.

Là một người tìm việc đã bao giờ bạn nghĩ đến chuyện nên đặt câu hỏi ngược để đánh giá công việc và Nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn hay không?

1. Một ngày làm việc của nhân viên trong vị trí này diễn ra như thế nào?

Là một ứng viên và là nhân viên tương lai của công ty, bạn cần tìm hiểu kỹ cụ thể những công việc hằng ngày sẽ diễn ra như thế nào.

Tất cả những công việc trên bản mô tả (Job Description) chỉ đại diện một phần nào đó những nhiệm vụ bạn phải hoàn thành thôi.

Do đó bạn cần thêm những thông tin chi tiết hơn từ người phỏng vấn, điều này sẽ giúp bạn dễ dàng hình dung công việc sắp đến, đồng thời đánh giá xem vị trí này có thật sự phù hợp với kỹ năng và kinh nghiệm của mình hay không.

2. Nhân viên sở hữu những tính cách gì thì phù hợp với văn hóa hiện tại của công ty?

Đây là dạng câu hỏi giúp ứng viên đào sâu và có cái nhìn cận cảnh hơn về văn hóa công ty. Bạn sẽ hiểu thêm những giá trị ẩn sâu bên trong được cho là quan trọng nhất với toàn công ty và cho mỗi cá nhân làm việc tại đó.

Môi trường văn hoá của doanh nghiệp còn tác động đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động, sự gắn bó lâu dài của nhân viên. Nếu cơ sở vật chất và trang thiết bị là “phần xác” của doanh nghiệp, thì văn hóa doanh nghiệp là “phần hồn” của doanh nghiệp, do đó bạn cần hiểu rõ văn hóa để tránh bị “shock” khi làm việc tại đây.

3. Anh/chị nghĩ gì về nơi làm việc hiện tại?

Bạn nên khéo léo hỏi về những nhận xét hay ý kiến của người phỏng vấn về nơi làm việc hiện tại.

Sau đó, cẩn thận quan sát thái độ của họ khi trả lời câu hỏi này, nếu họ trả lời với một sự thoải mái và nhiệt tình, đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang ở môi trường làm việc lý tưởng khiến nhân viên vui vẻ. Nếu ngược lại, bạn nên cân nhắc về sự lựa chọn của mình.

4. Đâu là thang đo đánh giá sự thành công tại vị trí này?

Câu hỏi này giúp bạn hiểu rõ hơn về cách công ty đo lường, đánh giá công việc, cũng như lộ trình thăng tiến trong tương lai.

Qua đó, bạn sẽ hiểu thêm những thông tin hữu ích như KPI và người đánh giá công việc của bạn. Đồng thời bạn cũng nên hỏi thêm về tần suất, thời gian đánh giá, chỉ tiêu đo lường…

5. Cơ hội phát triển nghề nghiệp ở đây diễn ra như thế nào?

Ở câu hỏi này, người phỏng vấn sẽ chia sẻ cho bạn biết rõ hơn về các chính sách đào tạo và phát triển mà công ty dành cho nhân viên.

Là một sinh viên mới tốt nghiệp, có lẽ bạn không biết rằng, nếu không có cơ hội phát triển thì tinh thần và động lực của nhân viên sẽ bị suy giảm. Và kết quả là, họ có thể không tập trung vào công việc và không cố gắng làm tốt công việc hơn, thậm chí hơn 60% nhân viên sẽ chán nản muốn nghỉ việc nếu không có cơ hội thăng tiến.

Do đó, bạn nên suy nghĩ lại nếu công ty không có lộ trình thăng tiến và đào tạo nhân viên rõ ràng.

6. Ai sẽ là người làm việc trực tiếp với bạn?

Bạn không nên chỉ quan tâm đến sếp của mình mà còn nên biết thông tin về những đồng nghiệp bạn sẽ làm việc cùng, bởi họ đóng góp vai trò vô cùng quan trọng tới hiệu suất công việc của bạn và cả quá trình đánh giá chéo.

Sẽ rất tuyệt vời nếu bạn được cộng tác với những người năng động, vui vẻ và có tinh thần làm việc nhóm tốt.

7. Điều gì gây khó khăn và thách thức nhất ở vị trí công việc này?

Là một nhân viên trong vị trí mới bạn nên hiểu rõ những thách thức và khó khăn mà công việc này mang lại. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát về những vấn đề mà mình có thể sẽ gặp, hiểu được mức độ, quy mô để có sự chuẩn bị tốt nhất cho bản thân trong thời gian sắp đến.

8. Hỏi xem Nhà tuyển dụng đánh giá bạn như thế nào và họ có nghĩ bạn phù hợp với vị trí này hay không?

Câu hỏi này giúp Nhà tuyển dụng thấy được bạn có sự đầu tư rất cao đối với vị trí này. Bạn sẽ khiến bản thân ở vị thế chủ động hơn trong cuộc hội thoại, để Nhà tuyển dụng đưa ra những nhìn nhận khách quan về mình và từ đó có cơ sở phấn đấu, đáp ứng những kỳ vọng của công ty.

Bên cạnh đó, qua nhận xét chuyên môn của Nhà tuyển dụng bạn cũng sẽ biết được mình có bao nhiêu phần trăm cơ hội được chấp nhận để có sự chuẩn bị cho bản thân.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Tham khảo: timviecnhanh