Skip to main content

Thẻ: ví điện tử

Ngân hàng Mizuho chi 170 triệu USD mua cổ phần MoMo

Tờ Nikkei cho biết, Ngân hàng Mizuho sẽ chi 20 tỷ yen (170 triệu USD) để mua 7,5% cổ phần M-Service, đơn vị sở hữu ví điện tử Momo.

Ngân hàng Mizuho chi 170 triệu USD mua cổ phần MoMo
Source: Newbium

Thương vụ dự kiến diễn ra ngay cuối năm nay, nhằm tạo đòn bẩy cho hoạt động kinh doanh bán lẻ của Mizuho tại Việt Nam.

MoMo cho biết hiện không đưa ra bình luận gì về thông tin này.

Tờ Nikkei bình luận, Mizuho đã bị tụt hậu so với các đối thủ trong đầu tư ra nước ngoài, nhưng muốn bắt đầu tích cực khai thác các khu vực tăng trưởng ở châu Á.

Ngân hàng Nhật Bản giờ đặt mục tiêu có vị thế lớn hơn trong lĩnh vực tài chính Đông Nam Á khi dân số và nền kinh tế của khu vực tiếp tục tăng trưởng.

Khoản đầu tư vào M-Service diễn ra sau khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu chung bậc 1 của Mizuho – một chỉ số về sức khỏe tài chính của công ty – đạt mục tiêu 9% và gần đây đã tăng lên 9,6%. Mizuho đã đầu tư vào Vietcombank vào năm 2011. Việc đầu tư vào M-Service được cho là sẽ giúp các bên tăng cường hợp tác trong thị trường bán lẻ Việt Nam.

M-Service được thành lập vào năm 2007, có hơn 1.400 nhân viên và đặt trụ sở chính tại TP HCM, cùng các văn phòng tại Hà Nội, Đà Nẵng.

Họ sở hữu ví điện tử MoMo, với hơn 20 triệu người sử dụng tại Việt Nam. Công ty này đang cố gắng biến MoMo thành một siêu ứng dụng cho phép người dùng truy cập vào nhiều dịch vụ, tận dụng hơn 50% thị phần của mình.

Tháng 1/2021, MoMo công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (Series D) từ các nhà đầu tư Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital , cùng các nhà đầu tư đang là cổ đông hiện hữu Warburg Pincus, Affirma Capital, và Tybourne Capital Management.

Vòng gọi vốn này do Goodwater, một quỹ đầu tư tài chính đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ) và Warburg Pincus cùng dẫn dắt.

Vào tháng 10/2021, Decision Lab – đơn vị nghiên cứu thị trường uy tín tại châu Á cũng đánh giá MoMo là ví điện tử được nhiều người dùng nhất tại Việt Nam với tỷ suất sử dụng lên đến 86% (cách xa vị trí thứ hai là 64%) trong báo cáo “Sự trỗi dậy ví điện tử tại Việt Nam” (The rise of E-wallet in Vietnam).

Nếu thương vụ này thành công, MoMo sẽ là kỳ lân thứ 3 của Việt Nam sau VNG năm 2014 và VNPAY (thuộc VNLIFE) năm 2020.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Nguồn: Nikkei

‘Khách hàng số’ của ngân hàng – Ví điện tử tăng vọt

Báo cáo 9 tháng của VPBank cho biết, số lượng khách hàng số (digital user) tại ngân hàng mẹ đã đạt gần 1,7 triệu vào cuối quý III, tương đương tăng 33% so với cuối 2019. Một trong những động lực đến từ định danh điện tử (eKYC) mà ngân hàng này triển khai từ hồi tháng 7.

Trước đó, các ngân hàng tham gia thí điểm eKYC cũng cho biết kết quả khả quan trong tháng đầu triển khai. Sau một tháng triển khai, đến tháng 9, HDBank có 35.000 khách hàng mới đăng ký trên ứng dụng và 15.000 tài khoản đã xác thực thông tin trực tuyến.

Cùng thời gian này, TPBank ghi nhận đã xử lí thành công cho gần 30.000 lượt đăng kí mới thông qua phương thức mở tài khoản trực tuyến và định danh khách hàng điện tử.

Đánh giá về sự đón nhận tốt đối với eKYC, Payoo – một trung gian thanh toán lớn tại Việt Nam lý giải rằng hình thức này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian xử lý, giảm sai sót chủ quan do con người, giảm chi phí nhân sự… Về phía người dùng, eKYC giúp họ tiết kiệm thời gian và được trải nghiệm tốt hơn những tiện ích mà quá trình này mang lại.

“Trước đây việc định danh người dùng có thể mất đến 24 giờ nếu nhân sự xử lý thủ công. Tuy nhiên, hiện nay công tác này có thể được xử lý tức thời nhờ giải pháp eKYC ứng dụng công nghệ AI”, Đại diện Payoo, đánh giá.

Không chỉ nhờ eKYC, Covid-19 cũng là động lực thúc đẩy lượng “khách hàng số” của các ngân hàng, và cả ví điện tử. Đến tháng 9/2020, Ví Việt – nền tảng ngân hàng số của LienVietPostBank có 3 triệu người dùng và 50.000 đại lý.

“Covid-19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn cho ngành ngân hàng. Trong một thời gian rất ngắn, chúng ta đi được bước tiến dài so với trước”, ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank, nhận xét.

Ông Nguyễn An Nguyên, Nhà sáng lập và CEO Trusting Social, nhà dịch vụ hạ tầng giải pháp tài chính và hiện cung cấp giải pháp eKYC cho 50% ngân hàng ở Việt Nam, đánh giá lĩnh vực ngân hàng số (Digital Banking) 9 tháng qua phát triển “mãnh liệt”.

“Chúng tôi mất 6 năm để hợp tác được khoảng 50% ngân hàng bán lẻ và công ty tài chính nhưng chỉ trong vài tháng nay, chúng tôi đã có thêm sự hợp tác của 50% khách hàng”, ông Nguyên nói.

Các ví điện tử cũng nhộn nhịp đón thêm người dùng mới. Tháng trước, MoMo cán mốc 20 triệu người dùng, gấp đôi con số 10 triệu của năm 2019. Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch MoMo cho biết, đại dịch giúp họ có thêm 10 triệu khách hàng trong thời gian ngắn, lượng người dùng mà trước đó mất 9 năm để có được.

Hay như SmartPay, một ví điện tử chỉ mới “chào sân” hồi tháng 5/2019 cũng đã sở hữu được 1,5 triệu người dùng cá nhân và 300.000 tiểu thương, theo số liệu công bố vào tháng trước.

Để tận dụng lợi thế của nhau trong việc thu hút và phát triển “khách hàng số”, ngân hàng và ví điện tử có xu hướng bắt tay hơn đối đầu. LienVietPostBank đã hợp tác với một ví điện tử để triển khai dịch vụ nhận kiều hối; CIMB cho phép đăng ký mở tài khoản trên một ví điện tử, Bản Việt cũng cho phép người dùng một ví điện tử đăng kí mở tài khoản tiết kiệm trên ứng dụng ví đó.

“Tôi nghĩ mỗi bên đều có thế mạnh riêng, tại sao lại không tận dụng lẫn nhau. Đây là một đại dương xanh, mỗi bên đều có phân khúc của mình, nếu kết hợp với nhau thì rất tốt và tối đa hóa tiềm năng”, ông Huỳnh Ngọc Huy, nhận định.

Ông Nguyễn Bá Diệp nói MoMo có một năm tăng trưởng vượt dự đoán. Theo ông, Covid-19 mang lại cho công ty nhiều lợi ích hơn là nguy cơ. Trong đó, các ngân hàng cũng trở nên “thân thiện” hơn. “Ngày xưa, chúng tôi đến từng nơi thuyết phục họ. Giờ thì ngược lại, họ thuyết phục chúng tôi làm nhanh hơn”, ông nói.

Ông Marek E. Forysiak, Chủ tịch SmartPay, không cho rằng có sự cạnh tranh hay cản trở về công nghệ đối với bộ 3 ví điện tử, Mobile Banking và cả Mobile Money (tiền di động). Ông nói vấn đề chỉ nằm ở hành vi của người dùng.

Theo ông, khoảng 90% thói quen giao dịch của người Việt là dùng tiền mặt nên đây là một thị trường rất lớn cho cả 2 loại hình dịch vụ thanh toán phi tiền mặt kể trên.

“Chúng ta cần tất cả những hình thức đó để chuyển hóa từ giao dịch tiền mặt sang phi tiền mặt. Càng có nhiều giải pháp thì càng có cơ hội gia tăng giao dịch phi tiền mặt.

Vấn đề tôi quan tâm là cơ quan quản lý cần gỡ bỏ hơn nữa các rào cản của quá trình chuyển hóa sang phi tiền mặt”, ông Marek E. Forysiak, chia sẻ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo VnExpress

Ví điện tử của Shopee thắng lớn so với đối thủ tại thị trường Indonesia

ShopeePay, dịch vụ ví điện tử trong ứng dụng (in-app) chính thức của Shopee đã hoạt động vượt trội so với các nền tảng cạnh tranh trong ba tháng qua, trích dẫn theo một cuộc khảo sát gần đây từ công ty tư vấn MarkPlus.

Theo một nghiên cứu được thực hiện từ 502 người dùng điện thoại thông minh, ShopeePay đã chiếm được 26% thị trường ví điện tử của Indonesia khi Covid-19 thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử.

Shopee vượt trội hơn so với các công ty như Ovo (liên kết với Grab) (24%), GoPay của Gojek (23%), Dana (19%) và LinkAja (8%).

Ngoài ra, cuộc khảo sát cũng cho thấy trung bình mọi người chi tiêu nhiều hơn với ShopeePay. Giá trị giao dịch trung bình trên ShopeePay là 149.000 rupiah (10,07 USD), trong khi mọi người chi 134.000 rupiah (9,05 USD) trên Ovo, Dana và LinkAja, 109.000 (7,36 USD) là giá trị giao dịch trung bình trên GoPay.

“Người được hỏi cho biết ShopeePay giảm giá hấp dẫn hơn các ví điện tử khác. Nó cũng được coi là dễ sử dụng nhất”, Ông Rhesa Dwi Prabowo, người đứng đầu ngành công nghệ cao, bất động sản và hàng tiêu dùng của MarkPlus, cho biết.

Sự phát triển này theo sau gã khổng lồ internet Đông Nam Á là Sea, nhà điều hành Shopee, tăng gần gấp đôi doanh thu quý 2 lên 1,29 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự tăng trưởng liên tục của mảng thương mại điện tử.

Theo báo cáo thu nhập gần đây nhất của Sea, Shopee có thể ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 187,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 510,6 triệu USD.

Đồng thời, công ty cũng cho biết đơn vị dịch vụ tài chính kỹ thuật số SeaMoney của họ cũng đã nhận thấy sự chấp nhận ngày càng tăng của người tiêu dùng khi họ nhận thấy sự tích hợp sâu hơn với Shopee.

Các dịch vụ hoạt động dưới SeaMoney bao gồm ShopeePay, ShopeePayLater và AirPay, cùng các thương hiệu khác.

Sea cho biết tổng khối lượng thanh toán cho SeaMoney vượt 1,6 tỷ USD trong quý 2 năm 2020. Công ty cũng lưu ý rằng hơn 45% tổng đơn đặt hàng của Shopee tại Indonesia, thị trường lớn nhất của nền tảng mua sắm trực tuyến, được thanh toán bằng SeaMoney.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Cathy Nhung | MarketingTrips 

Theo TechInAsia

Quyết đấu cùng Moca và Momo – VinID dồn lực phát triển ví điện tử

Nhiều khách hàng lo lắng VinID có thể sẽ loại bỏ thẻ cứng tích điểm vốn được sử dụng lâu nay để tập trung phát triển app trên smartphone.

Mặc dù chưa có phát ngôn chính thức từ Công ty Cổ phần OneID (đơn vị sở hữu VinID) nhưng có vẻ đồn đoán này không phải là không có cơ sở khi gần đây đơn vị này đang dốc toàn lực phát triển ví điện tử, cạnh tranh trực tiếp cùng Moca, Momo.

Khi ví điện tử trờ thành xu thế tương lai…

Năm 2019 tập đoàn Vingroup được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cho ví điện tử VinID Pay. Việc VinID chính thức bước vào cuộc đua khốc liệt với 26 đối thủ khác trong lĩnh vực thanh toán điện tử không quá khó hiểu khi ví điện tử đang trở thành xu thế tương lai và tiềm năng của thị trường trong nước quá hấp dẫn.

Tại Việt Nam, thanh toán trực tuyến được dẫn dắt bởi chuyển khoản qua ngân hàng và COD (thanh toán khi nhận hàng), vẫn được xem là tùy chọn thanh toán phù hợp cho thương mại điện tử.

Tuy nhiên theo dự báo của IDC trong sách trắng “Châu Á trong kỷ nguyên mới của thanh toán điện tử”, đến năm 2022, phương thức COD sẽ nhường chỗ cho hình thức thanh toán mới như ví điện tử hay thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ.

Nghiên cứu này được thực hiện trên 10 thị trường: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Theo Báo cáo của IDC 2020 và Ngân hàng thế giới, mỗi người Việt chi tiêu khoảng 176 USD/người/năm qua thẻ tín dụng, mức tiêu dùng thẻ ghi nợ bình quân ở mức 103 USD/người, tiêu dùng ví điện tử ở mức 36 USD/người. Trong thanh toán, tỷ trọng giao dịch dùng tiền mặt vẫn ở mức 80%.

Tại Việt Nam, hiện tiền mặt vẫn giữ ngôi đầu trong giao dịch thanh toán. Vị trí số 2 thuộc về chuyển khoản ngân hàng và ví điện tử chỉ đứng thứ 3.

Nhưng đến năm 2030, thanh toán qua ví điện tử sẽ giữ ngôi đầu, thẻ tín dụng sẽ đứng thứ hạng 2 và chuyển khoản qua ngân hàng đứng thứ 3.

Giao dịch bằng tiền mặt không nằm trong top 3 phương thức giao dịch phổ biến trong giai đoạn này.

Tiềm năng bùng nổ ví điện tử càng rõ ràng hơn trong vài năm vừa qua các doanh nghiệp nội địa lẫn có vốn đầu tư nước ngoài đều liên tục rót tiền nhằm thu hút người dùng.

Theo nghiên cứu công bố gần đây của Cimigo, tính đến cuối 2019, 90% thị phần người dùng ví điện tử thuộc về ba tay chơi gồm MoMo, Moca và ZaloPay và việc VinID “tham chiến” với nhiều lợi thế khiến thị trường càng thêm sôi động.

Thẻ cứng VinID sắp biến mất trên thị trường?

Ra đời vào năm 2016 và cho tới 5 năm sau, hiện thẻ cứng VinID vẫn chỉ như một chiếc thẻ chăm sóc khách hàng (CSKH) quen thuộc của các hệ thống siêu thị, thương mại khác với chức năng đơn thuần chỉ là tích điểm từ các giao dịch, quy đổi ra khuyến mãi cho những lần mua sắm sau.

Ứng dụng VinID ra mắt vào năm 2018 đã đánh dấu bước “tiến hoá” từ thẻ Chăm sóc khách hàng “vật lý” dạng thẻ cứng sang ID điện tử, tích hợp trong smartphone – vật bất ly thân của khách hàng mang lại sự tiện lợi và thân thiện hơn khi sử dụng, đặc biệt là vấn đề bảo mật.

Thay đổi này cũng mở ra nền tảng mới để phát triển VinID không chỉ dừng ở tấm thẻ tích điểm mà trở thành “mã số cá nhân” đa tính năng với những tiện ích đa dạng, phong phú dành cho khách hàng.

Đặc biệt, sau khi tiến hành mở rộng tệp khách hàng với loạt tiện ích dịch vụ đa dạng và chính thức nhập cuộc đua thanh toán điện tử, ví điện tử này gần như dùng toàn lực phát triển app với hàng loạt chương trình “siêu khuyến mãi” tập trung cho đứa con cưng này còn thẻ cứng vật lý gần như bị bỏ rơi.

“Tôi mở thẻ cứng VinID từ 2017, nhưng hơn một năm nay đã chuyển hẳn sang dùng app trên điện thoại vì thẻ cứng bây giờ ngoài dùng để tích điểm khi đi mua hàng tại VinMart và các hệ thống của Vingroup thì không sử dụng được bất cứ tính năng nào khác.

Những chương trình tăng tỷ lệ tích điểm hay được tặng quà, quay số trúng thưởng…cũng thấy người dùng app hưởng lợi”, chị Nguyễn Mai Chi (Nam Từ Liêm , Hà Nội) cho biết.

Ngay như mới đây, VinID công bố dành tới 23 tỷ đồng tri ân khách hàng nhân dịp sinh nhật 5 năm, nhưng đối tượng được hưởng khuyến mại này vẫn chỉ là những khách hàng dùng app.

Gần đây một số nguồn tin cho biết VinID sẽ chính thức khai tử thẻ cứng tích điểm vốn được sử dụng từ lâu để nâng lượng khách hàng vốn có cho ví điện tử.

Mặc dù chưa chính thức công bố nhưng với những gì đang diễn ra thì có lẽ việc thẻ cứng của VinID biến mất trên thị trường cũng chỉ là chuyện một sớm một chiều. Đây cũng là xu hướng tất yếu tại các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như Amazon.

Khách hàng của tập đoàn này thường sử dụng thẻ Visa hoặc Master Card liên kết với Amazon để tích điểm thay vì chỉ sử dụng thẻ với chức năng tích điểm. Bên cạnh đó Amazon còn khuyến khích khách hàng tích điểm qua ứng dụng nhằm đảm bảo tính bảo mật, tiện dụng cũng như được hưởng nhiều ưu đãi.

Quay lại VinID, việc hướng tới phát triển ví điện tử không chỉ có chức năng tích điểm thông thường mà còn giúp khách hàng thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình, internet, cước thuê bao trả sau hay dịch vụ thuê giúp việc theo giờ…

Đây đều là những tiện ích gắn liền với nhu cầu hàng ngày của người dùng mà công ty công nghệ này đang tập trung phát triển để cạnh tranh với hàng loạt ứng dụng khác trên thị trường.

Thời đại 4.0, công nghệ hóa tất cả các tiện ích đang trở thành xu hướng, bởi vậy việc dùng thẻ/tiền mặt cũng đang trở nên lỗi thời. Khó có thể chống lại xu hướng phát triển, do vậy các khách hàng VinID đang sở hữu chiếc thẻ cứng cũng nên có tâm lý chuẩn bị sẵn sàng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo Tổ Quốc

Vietjet gia nhập thị trường ví điện tử cạnh tranh với MoMo, VNPAY

HĐQT Vietjet Air vừa phê duyệt việc thành lập công ty con vốn điều lệ 50 tỷ để làm ví điện tử.

Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Vietjet sẽ đóng góp 51% vốn điều lệ trong công ty con này, theo nghị quyết HĐQT vừa công bố.

HĐQT Vietjet cũng phân công bà Hồ Ngọc Yến Phương, phó tổng giám đốc, kiêm CFO thực hiện các công việc, thủ tục liên quan đến góp vốn thành lập công ty theo đúng pháp luật và điều lệ.

Hồi đầu tháng 3, tại buổi gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp tư nhân, chính bà Yến Phương cũng kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để Vietjet phát hành ví điện tử.

CFO Vietjet lý giải nhu cầu trên bởi doanh số thanh toán hàng năm của Vietjet khoảng 2 tỷ USD. Giao dịch online nhưng tỉ lệ thu hộ bằng tiền mặt lại rất cao.

Tại một sự kiện mới đây về thanh toán điện tử, Phó tổng giám đốc Vietjet, Nguyễn Thị Thúy Bình cho biết những năm gần đây, hãng này liên tục phát triển các tiện ích thanh toán cho khách hàng qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ nội địa, E-banking, hợp tác với các ví trong nước…

“Nếu thị trường thanh toán không tiền mặt là bánh thì Vietjet là bột nở để làm cái bánh này lớn hơn”, bà Bình ví von.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Vietjet cũng tiết lộ đang phát triển một “siêu ứng dụng” không chỉ bán vé máy bay mà khách hàng còn có thể mua sắm nhiều sản phẩm, dịch vụ như khách sạn, thuê xe, cho vay tài chính…

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips via VnExpress

Ví điện tử cần hệ sinh thái mới có thể tạo ra bứt phá

“Hệ sinh thái là nhân tố giúp tăng tiện ích, tăng hấp dẫn cho ví điện tử” là đánh giá của Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV.

ví điện tử

Theo chuyên gia kinh tế, sở hữu hệ sinh thái rộng là cách các ví hòa vào dòng chuyển dịch số của người dùng, nhất là giới trẻ có xu hướng yêu thích công nghệ. Bởi bản chất của ví điện tử là sự tiện lợi, nhanh chóng, an toàn trong thanh toán đối với các hoạt động thường ngày, giảm bớt đi rủi ro liên quan đến chi tiêu và quản lý tiền mặt.

Dẫn chứng một nghiên cứu gần đây của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, ông Lực đánh giá ví điện tử là dịch vụ tương đối mới tại Việt Nam, tuy nhiên có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai xét về cả phía cung và cầu.

Về phía cung, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người dùng internet cao (70,3%) tương ứng 68,5 triệu người dùng Internet năm 2019. Với 43,7 triệu người dùng smartphones (chiếm 45% dân số năm 2019), Việt Nam đang ở mức trung bình khu vực, cao hơn so với Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Thái Lan.

Nhiều công nghệ tiên tiến đang được áp dụng như xác thực sinh trắc như vân tay, khuôn mặt; mã phản hồi nhanh (QR Code); mã hóa thông tin thẻ (Tokenization).

Về phía cầu, còn rất nhiều dư địa để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tháng 11/2019, hiện nay mới có khoảng 63% người trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng. Cùng với đó, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam năm 2019 còn khá cao và cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Theo ông Lực, để tận dụng được bối cảnh cung – cầu này thì ví điện tử phải đặt phát triển hệ sinh thái vào nhóm những nhiệm vụ quan trọng và thực hiện song song với đẩy mạnh tiếp thị quảng bá và xây dựng hạ tầng thanh toán.

“Bắt tay với các nền tảng số, tổ chức tài chính, fintech, ngân hàng, viễn thông, dịch vụ di động… là cách để tăng trưởng hệ sinh thái”, ông Lực khẳng định.

Nhận định của chuyên gia không khác biệt so với thực tế. Hiện MoMo, Moca và ZaloPay – ba ví điện tử được sử dụng phổ biến nhất tại TP.HCM và Hà Nội, chiếm đến 90% thị phần theo nghiên cứu gần đây của Cimigo đều có hệ sinh thái liên kết rộng lớn nhằm giải quyết nhiều nhu cầu thanh toán của khách hàng.

Báo cáo của Cimigo chỉ ra, MoMo và ZaloPay được dùng nhiều để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và thanh toán hóa đơn. Còn Moca được dùng chủ yếu cho nhu cầu thanh toán xe công nghệ, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và giao đồ ăn.

Điều này đến từ cách tiếp cận và phát triển hệ sinh thái của mỗi ví là khác nhau. Trong khi MoMo, ZaloPay tạo hệ sinh thái tự thân thì Moca giải quyết bài toán này bằng hợp tác chiến lược với Grab – nền tảng cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho hàng triệu người dùng mỗi ngày.

Chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ” của Moca giúp ví này dẫn đầu về tần suất người dùng sử dụng, mỗi ngày trung bình 2,2 giao dịch so với 2 giao dịch của MoMo và 1,6 giao dịch của ZaloPay. Ví này cũng chỉ mất một năm kể từ công bố hợp tác với Grab để vào nhóm dẫn đầu về thị phần.

Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cho rằng, chỉ những đơn vị cung ứng có quy mô lớn, có tiềm lực về con người và năng lực công nghệ thì mới triển khai tốt tầm nhìn này.

Trong số các ví điện tử phổ biến trên thị trường, Moca cũng là ví dụ cho thấy ví điện tử có thể bứt tốc nếu tổng hoà được các yếu tố này. Mô hình hợp tác với Grab cho phép ứng dụng tạo lập mối quan hệ với khách hàng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Ở chiều rộng, ví Moca hiện là giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hàng loạt dịch vụ được tích hợp trên nền tảng Grab, từ đặt xe, giao thức ăn, giao hàng, hay mới đây nhất là đi siêu thị hộ và mua hộ hàng hóa…

Đây là các dịch vụ gắn liền với những nhu cầu thường nhật, tần suất diễn ra cao mỗi ngày, khác với xem phim, thanh toán điện nước… diễn ra số ít lần trong tuần hoặc trong tháng. Trong đó, nhiều lĩnh vực Grab thuộc top nắm giữ thị phần cao như đặt xe, giao thức ăn.

Còn ở chiều sâu, Moca cũng đang tăng độ gắn bó với khách hàng nhờ vào những ưu đãi, khuyến mãi đánh vào nhu cầu thực tế, thay vì chỉ “đốt tiền” hút khách. Mặt khác, ngay khi không có khuyến mãi thì Moca vẫn đang chiếm ưu thế khi theo nghiên cứu của Cimigo, 95% khách hàng sử dụng Moca nói rằng họ vẫn tiếp tục sử dụng ví này cho dù không có khuyến mãi.

Bà Lê Xuân Phương – Phó giám đốc nghiên cứu Cimigo nhận định: “Khi người dùng đã lựa chọn một thương hiệu ví điện tử và nói rằng vẫn sẽ tiếp tục sử dụng dù không còn khuyến mãi, thì đó là một tín hiệu tốt, cho thấy thương hiệu được sử dụng vì có khả năng đáp ứng một hoặc nhiều nhu cầu thực sự về dài hạn”.

Tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips

Theo VnExpress

Cuộc đua ví điện tử trở nên “Nóng” hơn bao giờ hết

Đến nay, có đến 28 ví điện tử được cấp phép nhưng 80-90% thị phần thuộc về vài cái tên như Payoo, MoMo, SenPay, Moca, AirPay và ZaloPay.

ví điện tử

Thêm “ngoại binh”.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam bùng nổ đã và đang thu hút những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu, bao gồm cả Alibaba.

Dù theo quy định hiện hành, Ant Financial sẽ không được phép mua quá 50% cổ phần của eMonkey, nhưng sẽ có mức ảnh hưởng đáng kể và tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho ví điện tử này.

Được biết, eMonkey là ví điện tử do M-Pay Trade lập ra và đã có những bước phát triển đáng ghi nhận kể từ khi khởi nghiệp.

eMonkey đang tăng cường sức cạnh tranh với các ví điện tử khác, nhằm trở thành một trong những ví điện tử phổ biến nhất thị trường vào năm 2025.

Theo ông Đinh Hồng Sơn- Tổng giám đốc CTCP FinanceX, Trung Quốc đã rất thành công với chiến lược thanh toán phi tiền mặt bằng ứng dụng công nghệ tài chính và tiêu dùng.

Việc Ant Financial gia nhập thị trường ví điện tử tại Việt Nam vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các ví điện tử trong nước cũng như các ngân hàng trong thanh toán điện tử.

Cơ hội và thách thức với các thương hiệu ví điện tử.

Với tiềm lực tài chính lớn cùng với kinh nghiệm nhiều năm tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, chắc chắn Ant Financial sẽ đem đến những thay đổi lớn về ví điện tử tại Việt Nam. Điều này sẽ đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng Việt Nam, nhưng lại gây áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các ví điện tử trong nước.

Ông Đinh Hồng Sơn cũng cho rằng, chắc chắn Ant Financial sẽ bạo chi cho các chiến dịch truyền thông, khuyến mại để gia tăng hình ảnh thương hiệu tại Việt Nam, qua đó đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường ví điện tử Việt Nam.

Cũng theo ông Sơn, Ant Financial hoạt động ở Trung Quốc không khác gì một ngân hàng, họ còn trả lãi suất cho ví điện tử cao hơn lãi suất ngân hàng.

Một khi Ant sở hữu ví điện tử ở Việt Nam thì chắc chắn sẽ có nhiều hoạt động liên quan đến thanh toán điện tử và một lượng tiền không nhỏ sẽ được luân chuyển trên eMonkey, “Ngân hàng Nhà nước cần lưu tâm và có các chính sách phù hợp để các hoạt động tài chính luôn nằm trong kiểm soát của Chính phủ” – ông Sơn nhấn mạnh.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Nhận định và hành vi của người dùng đối với các thương hiệu ví điện tử phổ biến tại Việt Nam

Mỗi ngày, bình quân một người dùng thực hiện khoảng 1,6 – 2,2 giao dịch qua ví điện tử, với giá trị trung bình 230.000 – 274.000 đồng/giao dịch. Các loại giao dịch phổ biến nhất bao gồm nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn định kỳ, thanh toán dịch vụ giao đồ ăn và đặt xe công nghệ.

Ngày 25/3 vừa qua, Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo công bố nghiên cứu về nhận định và hành vi của người dùng đối với các thương hiệu ví điện tử phổ biến tại Việt Nam.

Kết quả được đưa ra dựa trên cuộc khảo sát với 505 khách hàng tại TP.HCM và Hà Nội đã từng sử dụng ít nhất một ví điện tử trong quý 4/2019. Ngoài việc ghi nhận về nhận định và hành vi của người dùng đối với các thương hiệu ví điện tử phổ biến tại Việt Nam, khảo sát còn đưa ra những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định ưu tiên lựa chọn ví điện tử nào của họ, làm tiền đề tham khảo để các ví điện tử ngày càng hoàn thiện hơn.

Nghiên cứu bước đầu cho thấy, Momo, Moca và ZaloPay là 3 ví điện tử được sử dụng phổ biến nhất ở 2 thành phố chính của Việt Nam, ba ví này chiếm 90% thị phần người dùng ví điện tử.

Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các ví điện tử phổ biến trên thị trường hiện được dùng nhiều nhất để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn định kỳ, thanh toán dịch vụ giao đồ ăn và đặt xe công nghệ. Trong đó, Momo và ZaloPay được dùng nhiều nhất để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và thanh toán hóa đơn định kỳ. Moca được dùng chủ yếu cho nhu cầu thanh toán xe công nghệ, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và giao đồ ăn.

Nhu cầu chi tiêu qua ví điện tử đang ở mức cao

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các chỉ số về tần suất sử dụng và giá trị chi tiêu trung bình hàng ngày của các ví điện tử phổ biến trên thị trường đều đang ở mức cao. Cụ thể, người dùng chi tiêu trung bình 230.000 – 274.000 VND/giao dịch, với tần suất khoảng 1,6 – 2,2 giao dịch/ngày. Trong đó:

  • Người dùng Moca hiện đang có tần suất sử dụng ví thường xuyên nhất. Trung bình mỗi ngày, người dùng Moca thực hiện 2,2 giao dịch, cao hơn người dùng MoMo với 2,0 giao dịch và người dùng ZaloPay với 1,6 giao dịch.
  • Về giá trị giao dịch, người dùng MoMo có số chi tiêu bình quân trong ngày là 520.000 đồng, theo sau là người dùng Moca với giá trị giao dịch trung bình trong ngày là 506.000 đồng và ZaloPay là 441.600 đồng.

“Tần suất và giá trị giao dịch hàng ngày qua các ví điện tử cho thấy nhu cầu sử dụng chúng tại thị trường Việt Nam là rất lớn và còn nhiều triển vọng trong thời gian tới.

Theo đó, các ví điện tử đi lên từ xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ truyền thống như nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn định kỳ… được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng đều đặn và dần thay thế lựa chọn dùng tiền mặt trong thời gian tới.

Trong khi đó, các ví điện tử cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ thiết yếu đang bùng nổ trong những năm gần đây như như đặt xe công nghệ, giao nhận thức ăn… đang sở hữu lợi thế cạnh tranh vượt trội và tiềm năng phát triển to lớn”, bà Lê Xuân Phương – Phó Giám Đốc nghiên cứu tại Cimigo nhận định.

Xét về mức độ hài lòng khi sử dụng, Moca, Momo và ZaloPay có số điểm gần như ngang nhau. Tuy nhiên, lý do ảnh hưởng đến điểm số này có phần khác nhau.

Theo đó, “Ít gặp lỗi khi thanh toán” tác động nhiều nhất lên sự hài lòng của người dùng đối với ví Momo và Moca, trong khi yếu tố “Dễ sử dụng” đóng vai trò chính đối với sự hài lòng của người dùng với ZaloPay. Cũng trong 3 ví này, người dùng Moca có mức độ sẵn lòng giới thiệu thương hiệu tốt, với điểm số là 8,6, nhỉnh hơn ZaloPay và Momo lần lượt có điểm số 8,5 và 8,3.

Xét về mức độ gắn bó của người dùng, Moca hiện cũng đang là ví điện tử dẫn đầu với 95% khách hàng sử dụng Moca nói rằng họ vẫn tiếp tục sử dụng ví này cho dù không có khuyến mãi. Tỷ lệ này của Momo là 89% và ZaloPay là 84%.

“Hiện nay, khuyến mãi là một trong những chiến lược hàng đầu được áp dụng để thuyết phục người dùng sử dụng thương hiệu. Theo nghiên cứu, các chương trình khuyến mãi đa dạng và thường xuyên cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng đến việc lựa chọn thương hiệu ví điện tử của người dùng.

Do vậy, khi người dùng đã lựa chọn một thương hiệu ví điện tử và nói rằng vẫn sẽ tiếp tục sử dụng dù không còn khuyến mãi, thì đó là một tín hiệu tốt, cho thấy thương hiệu được sử dụng vì có khả năng đáp ứng một hoặc nhiều nhu cầu thực sự về dài hạn”, bà Phương nói thêm.

6 tiêu chí lựa chọn ví điện tử

Theo kết quả nghiên cứu, có 6 yếu tố chính tác động đến quyết định lựa chọn thương hiệu ví điện tử của người dùng bao gồm:

  1. Giao diện thân thiện, dễ sử dụng;
  2. Có chương trình khuyến mãi đa dạng, thường xuyên;
  3. An toàn và bảo mật;
  4. Liên kết với nhiều ngân hàng khác nhau;
  5. Được chấp nhận thanh toán tại quầy ở nhiều nơi;
  6. Đa dạng về các loại dịch vụ thanh toán.

 Phương cho biết: “Việc xây dựng một ví điện tử có giao diện thân thiện, dễ sử dụng đi kèm với các chương trình khuyến mãi đa dạng và thường xuyên là hai tiêu chí mang tính thúc đẩy, giúp thương hiệu gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, trước khi nghĩ đến việc xây dựng các yếu tố mang tính thúc đẩy ấy, ví điện tử cần phải đảm bảo tốt các vấn đề như an toàn và bảo mật, liên kết với nhiều ngân hàng cũng như đa dạng về dịch vụ và địa điểm thanh toán, các tiêu chí vốn được liệt vào nhóm nhân tố cơ bản trong việc lựa chọn ví điện tử”.

Tại Việt Nam, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán chỉ mới đạt được 14%1, theo nhận định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bối cảnh này đã tạo ra sân chơi tiềm năng giúp các thương hiệu ví điện tử phát triển và dần thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt của đại đa số người dân Việt Nam, từ đó góp phần tích cực đưa Việt Nam hướng đến nền kinh tế không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ.

Trong tình hình dịch COVID-19 đang chuyển biến ngày càng phức tạp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã khuyến cáo người dân hạn chế dùng tiền mặt và tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó bao gồm ví điện tử, theo đó sẽ ngày càng trở thành xu thế thanh toán được nhiều người dùng ưa chuộng.

 

Hà Anh |MarketingTrips

Theo nhandan