Skip to main content

Thẻ: vốn hoá

Apple và Microsoft liên tiếp giành nhau vị trí công ty có vốn hoá lớn nhất toàn cầu

Lần đầu tiên kể từ năm 2021, vốn hóa Microsoft chốt phiên cao hơn Apple, trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới.

Chốt phiên giao dịch 12/1, cổ phiếu Apple tăng 0,2%, trong khi Microsoft tăng 1%. Nhờ đó, vốn hóa Microsoft đạt 2.887 tỷ USD, cao nhất đến nay. Vốn hóa của Apple hiện là 2.875 tỷ USD.

Lo ngại về nhu cầu smartphone đã kéo cổ phiếu Apple năm nay giảm 0,6%, sau khi tăng tới 48% năm ngoái. Ngược lại, cổ phiếu Microsoft tăng 4%, sau khi tăng 57% năm ngoái. Nhà đầu tư hào hứng với đại gia phần mềm này, nhờ khoản đầu tư của Microsoft vào OpenAI – công ty mẹ ChatGPT.

Microsoft đã tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo của OpenAI vào các phần mềm của họ. Động thái này giúp mảng điện toán đám mây của họ phục hồi mạnh trong quý III/2023. Việc đi đầu về AI cũng giúp Microsoft có thêm cơ hội thách thức sự thống trị của Google trong mảng tìm kiếm.

Ngược lại, Apple đang đối mặt với nhu cầu yếu, trong đó có iPhone – con gà đẻ trứng vàng của hãng này. Nhu cầu tại Trung Quốc đang đi xuống khi nền kinh tế này chưa phục hồi hoàn toàn sau Covid-19. Bên cạnh đó, Apple cũng chịu cạnh tranh ngày càng lớn từ Huawei tại đây.

Kính Vision Pro sẽ được bán tại Mỹ từ ngày 2/2, đánh dấu đợt ra mắt sản phẩm lớn nhất của Apple kể từ khi công bố iPhone năm 2007. Tuy nhiên, báo cáo đầu tuần này của ngân hàng UBS ước tính doanh số Vision Pro sẽ có tác động “không đáng kể” đến EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) của Apple năm nay.

Tính từ năm 2018, Microsoft đã vài lần vượt lên trên Apple trong chớp nhoáng, để trở thành công ty giá trị nhất thế giới. Lần gần nhất là năm 2021, do lo ngại về gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch.

Theo báo cáo tài chính gần nhất, công bố tháng 11/2023, Apple dự báo doanh số bán hàng dịp nghỉ lễ cuối năm không đạt kỳ vọng của Wall Street. Nguyên nhân là nhu cầu iPad và các thiết bị đeo yếu đi.

Giới phân tích cho rằng doanh thu của Apple quý cuối năm ngoái có thể tăng 0,7% lên 117,9 tỷ USD. Đây sẽ là lần đầu tiên trong 4 quý qua, hãng này ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với năm ngoái. Apple sẽ công bố báo cáo tài chính vào ngày 1/2.

Trong khi đó, doanh thu Microsoft được dự báo tăng 16% lên 61,1 tỷ USD. Nguyên nhân là mảng điện toán đám mây tăng trưởng ổn định. Báo cáo tài chính hãng này cũng sẽ được công bố trong vài tuần tới.

Tại thời điểm viết bài, vốn hoá thị trường của Microsoft (2.887 tỷ USD) cao hơn của Apple (2.874 tỷ USD).

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Vốn hoá của VinFast cao hơn cả Ford, GM hay BMW trên Nasdaq

Cổ phiếu của VinFast đã tăng vọt trong phiên ra mắt trên Nasdaq với hơn 23 tỷ USD, con số này lại tiếp tục tăng ở các phiên sau đó.

Vốn hoá của VinFast cao hơn cả Ford, GM hay BMW trên Nasdaq
Vốn hoá của VinFast cao hơn cả Ford, GM hay BMW trên Nasdaq

Theo đó, cổ phiếu mở cửa ở mức 22 USD, cao hơn gấp đôi so với mức 10 USD trên mỗi cổ phiếu đã được thỏa thuận với Black Spade Acquisition, đối tác SPAC của VinFast, điều này đưa mức vốn hoá của VinFast ở mức hơn 23 tỷ USD.

Kết thúc phiên, mức giá dừng lại ở 37,06 USD và định giá nhà sản xuất xe điện này ở mức 85 tỷ USD, cao hơn nhiều so với vốn hóa thị trường của Ford ở mức 48 tỷ đô la hay 46 tỷ USD của General Motors (GM) hay 68 tỷ USD của BMW.

Theo dữ liệu của Refinitiv, khoảng 185 triệu USD giá trị cổ phiếu của công ty đã được trao đổi.

Giám đốc tài chính David Mansfield của VinFast nói với Reuters: “Chúng tôi có một số nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tổ chức đang rất muốn đầu tư. Chúng tôi dự kiến sẽ công bố một số hình thức huy động vốn mới trong vòng 18 tháng tới, chắc chắn là như vậy”.

Giám đốc điều hành VinFast Lê Thị Thu Thủy cho biết công ty này đang thay đổi mô hình phân phối dựa trên cách tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng (D2C) của Tesla và dự kiến sẽ hợp tác với các đại lý ở thị trường nước ngoài.

VinFast được thành lập với tư cách là một đơn vị trực thuộc tập đoàn lớn nhất Việt Nam Vingroup. Vingroup và các công ty con đã đầu tư khoảng 9,3 tỷ USD vào dự án này, theo một hồ sơ được công bố.

Về tình hình kinh doanh, doanh thu quý đầu tiên của VinFast giảm 49% so với năm trước và công ty lỗ ròng 598 triệu USD. Vào năm 2022, công ty đã lỗ 2,1 tỷ USD (Theo số liệu từ Nikkei).

VinFast đang thâm nhập thị trường Mỹ và châu Âu vào thời điểm giá xe điện đang chịu áp lực lớn, dẫn đầu là Tesla và một loạt công ty khác của Trung Quốc.

Xe VF8 của VinFast có giá khởi điểm 46.000 USD tại California, Mỹ so với 47.740 USD của Tesla Model Y (trước khi tính khoản tín dụng thuế liên bang 7.500 USD cho Tesla.).

Bà Thủy cho biết, VinFast dự kiến sẽ đưa mẫu xe điện VF9 EV lớn hơn của mình đến thị trường Mỹ vào cuối năm nay và đang trong quá trình lấy chứng nhận xe của cơ quan quản lý an toàn châu Âu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Vốn hoá của Meta thay đổi ra sao sau khi ra mắt Instagram Threads

Sau khi được ra mắt vào cuối tuần trước và tính đến nay đã có hơn 100 triệu người dùng, Instagram Threads hiện đang được xem là mỏ vàng mới của Meta, cũng từ đây nhiều người tự hỏi, liệu vốn hoá của công ty mẹ Meta thay đổi ra sao sau thành công đó.

Vốn hoá của Meta thay đổi ra sao sau khi ra mắt Instagram Threads
Vốn hoá của Meta thay đổi ra sao sau khi ra mắt Instagram Threads

Cụ thể, theo số liệu được cập nhật mới đây, cổ phiếu của Meta đã tăng vọt lên mức cao nhất 52 tuần, dấu hiệu được cho là nhờ vào sự thành công với Instagram Threads, mạng xã hội tập trung vào văn bản vốn được coi là lấy cảm hứng từ Twitter.

Cổ phiếu của công ty mẹ Facebook và Instagram đã tăng tới 2% lên trên mức 316 USD vào ngày 13/7, đạt mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2022.

Cổ phiếu của Meta đã tăng 7% kể từ khi ra mắt Threads vào ngày 6/7 mới đây, và theo đó vốn hoá thị trường (Market Cap) của Meta đã tăng thêm khoảng 63 tỷ USD.

Theo nhận định của nhà phân tích đến từ Cowen (một ngân hàng đầu tư của Mỹ), với những biện pháp mới đây của Meta, từ việc cắt giảm nhân sự để tối ưu chi phí, từ các hứa hẹn mới với công nghệ thực tế ảo (VR) và cả triển vọng quảng cáo tích cực, Meta sẽ thu về hơn 5 tỷ USD từ Threads vào năm tới 2024.

Meta sẽ sớm đạt được mức vốn hoá hơn 1.000 tỷ USD và trở thành 1 trong 7 doanh nghiệp nghìn tỷ USD đầu tiên trên toàn cầu.

Theo Blackledge, Meta là “nền tảng quảng cáo xã hội (social advertising platform) hàng đầu” nhờ “sự kết hợp giữa phạm vi tiếp cận, mức độ liên quan, bối cảnh xã hội và mức độ tương tác”. Meta đạt mức doanh thu 28,1 tỷ USD chỉ mới trong 3 tháng đầu năm 2023, con số đó so với YouTube chỉ là hơn 6 tỷ USD và 1.1 tỷ cho Twitter.

Cổ phiếu của Meta đã giảm hơn 75% từ cuối năm 2021 đến cuối năm 2022 do các nhà đầu tư không chấp nhận khoản lỗ hàng tỷ đô la mỗi quý với dự án metaverse của Meta.

Mặc dù từ khoá metaverse dường như hiện chỉ là một thứ gì đó chưa rõ ràng, các công nghệ lõi của nó là VR, AR, AI thì vẫn không ngừng phát triển và có tiềm năng lớn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Vốn hoá thị trường của Apple cao hơn hầu hết các thị trường chứng khoán trên toàn cầu

Theo dữ liệu mới đây được đăng tải trên CNBC, giá trị vốn hoá (Market Cap) của Apple hiện đạt mức 2700 tỷ USD và cao hơn hầu hết giá trị của các sàn chứng khoán trên thế giới.

Vốn hoá của Apple cao hơn hầu hết các thị trường chứng khoán trên toàn cầu
Vốn hoá của Apple cao hơn hầu hết các thị trường chứng khoán trên toàn cầu

Theo số liệu báo cáo từ Matrix Book của Dimensional (một đơn vị tư vấn quỹ), nơi liệt kê hầu hết các thị trường chứng khoán trên toàn cầu theo từng quốc gia, Mỹ hiển nhiên vẫn là thị trường lớn nhất thế giới, tuy nhiên có một thông tin khác thú vị hơn nhiều đó là giá trị vốn hoá của Apple lớn hơn phần lớn các thị trường chứng khoán.

40.000 tỷ USD theo đó là giá trị của thị trường chứng khoán ở Mỹ và chiếm gần 60% giá trị của tất cả các sàn chứng khoán trên thế giới.

Dưới đây là chi tiết về Vốn hóa thị trường tính theo quốc gia (của các thị trường lớn nhất), kèm với đó là phần trăm thị phần so với toàn cầu.

  • Mỹ: 40.000 tỷ USD (59%)
  • Nhật Bản: 4.100 tỷ USD (6%)
  • Vương quốc Anh: 2.600 tỷ USD (4%)
  • Trung Quốc: 2.500 tỷ USD (4%)
  • Canada: 2.100 tỷ USD (3%)
  • Pháp; 1.800 tỷ USD (3%)
  • Thụy Sĩ: 1.600 tỷ USD (2%)
  • Ấn Độ: 1.400 tỷ USD (2%)
  • Úc: 1.400 tỷ USD (2%)
  • Đức: 1.300 tỷ USD (2%)

Nguồn: Dimensional Funds, 2023 Matrix Book

Số liệu cũng chỉ ra rằng giá trị vốn hóa thị trường hiện tại của Apple vào là khoảng 2.700 tỷ USD và theo đó là cao hơn hầu hết các thị trường chứng khoán trên toàn cầu, vượt quá giá trị của sàn chứng khoán Vương Quốc Anh, hiện là thị trường lớn thứ 3 toàn cầu.

  • Apple: 2.700 tỷ USD
  • Vương quốc Anh : 2.600 tỷ USD (595 công ty)
  • Pháp: 1.800 tỷ USD (235 công ty)
  • Ấn Độ: 1.400 tỷ USD (1.242 công ty)
  • Đức: 1.300 tỷ USD (255 công ty)

Nguồn: Dimensional Funds, 2023 Matrix Book

Apple không chỉ lớn hơn tất cả 595 công ty được niêm yết tại Vương quốc Anh, mà còn lớn hơn tất cả các công ty ở Pháp (235 công ty) và Ấn Độ (1.242 công ty).

Apple có quy mô gấp đôi toàn bộ thị trường chứng khoán của Đức, với 255 công ty.

Số liệu cũng tiết lộ nhiều thông tin thú vị khác như:

Định hướng tới các yếu tố công nghệ và sự tăng trường có thể ảnh hưởng đến đặc điểm của thị trường của một quốc gia nhất định.

Ví dụ, trong khi Đức là quốc gia lớn nhất ở châu Âu tính theo GDP, nhưng thị trường chứng khoán của quốc gia này lại nhỏ hơn so với Anh, Pháp và Ý.

Điều này một phần phản ánh thực tế là Đức có ít công ty niêm yết hơn so với Vương quốc Anh, nhưng cũng bởi vì Đức có nhiều công ty định hướng giá trị (value-oriented companies) hơn.

Kết quả là mức giá mà các nhà đầu tư phải trả cho một đồng đô la hoặc một đồng euro lợi nhuận thấp hơn đáng kể so với Mỹ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Nguyên nhân vốn hóa Vinamilk sụt giảm

Các chuyên gia chứng khoán cho rằng thiếu động lực tăng trưởng, biên lợi nhuận sụt giảm và chưa có thông tin thoái vốn khiến triển vọng ngắn hạn của Vinamilk kém khả quan.

Chốt phiên 23/3, cổ phiếu VNM của công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) tiếp tục giảm sâu về mốc 76.100 đồng, mất 10% so với thời điểm đầu năm và giảm hơn 20% trong một năm gần nhất. Thị giá này đã quay về vùng giá tương đương hồi cuối tháng 3/2020.

Diễn biến đó khiến nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu VNM thời gian vừa qua chịu lỗ nặng, nỗi buồn càng nhân lên trong bối cảnh thị trường chung 2 năm gần nhất có xu hướng đi lên khá tích cực và VNM cũng từng là cổ phiếu hấp dẫn bậc nhất trên sàn chứng khoán.

Thiếu động lực tăng trưởng.

Chia sẻ về trường hợp này trong chương trình Bí mật đồng tiền, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc đầu tư Công ty Finpros ông Đỗ Thái Hưng nhận định Vinamilk đang thiếu đi động lực tăng trưởng.

“Chúng ta thấy họ luôn gặp khó trong bài toán tăng trưởng và thông báo rằng thị trường Việt Nam đã bão hoà. Với quan điểm cá nhân, tôi thấy trong thị trường được cho là bão hòa nhưng vẫn có những doanh nghiệp nổi lên”, ông chia sẻ.

Thực tế cùng khó khăn đại dịch vì đại dịch và thị trường bão hòa, nhưng công ty Sữa Quốc tế (IDP) lại có chiến lược rất tốt đánh vào những phân khúc khách hàng khác nhau. Công ty này vẫn phát triển thị phần tương đối tốt, trả cổ tức tiền mặt đến 90% và hiện có thị giá quanh 160.000 đồng.

Trong khi đó tổng doanh thu Vinamilk năm ngoái chỉ tăng 2% vượt mốc 61.000 tỷ đồng và mới hoàn thành 98% kế hoạch năm. Đáng chú ý hơn là biên lợi nhuận gộp hợp nhất trong năm rơi xuống 43,1%, tức giảm 326 điểm cơ bản so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm hơn 5% về mức 10.633 tỷ đồng và mới hoàn thành 95% kế hoạch năm. Doanh nghiệp lý giải không đạt kế hoạch do bối cảnh kinh doanh chịu tác động của đại dịch kéo dài.

Ông Thái Hưng đánh giá việc đi xuống của VNM là hoàn toàn bình thường bởi bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có chu kỳ phát triển riêng. Đây chỉ là một bước chững lại trong ngắn hạn còn về chiến lược dài hạn có thể tin tưởng Vinamilk quay trở lại nếu có những động lực mới.

“Vinamilk vẫn là một doanh nghiệp mà tôi đánh giá rằng rất hiếm hoi thậm chí trong rổ VN30 có sự minh bạch về mặt tài chính”, Giám đốc Finpros nói thêm.

Trong khi đó Phó giám đốc SSI Research Phạm Lưu Hưng cho biết biên lợi nhuận quý IV vừa qua của Vinamilk khá kém do giá nguyên vật liệu tăng.

“Hiện doanh nghiệp này đã chốt hết hợp đồng mua nguyên vật liệu trong nửa đầu năm nhưng lại ở mức cao nên biên lợi nhuận sắp tới của Vinamilk có thể tiếp tục giảm. Triển vọng ngắn hạn của VNM theo đó không khả quan”, ông bổ sung.

Chuyên gia SSI nhắc lại câu chuyện cổ phiếu VNM từ xưa đến nay có liên quan đến câu chuyện thoái vốn.

Những thông tin như thế thường giúp giá cổ phiếu chạy tốt hơn. Tuy nhiên các thông tin về thoái vốn của VNM gần như không có trong một 2 năm vừa qua.

Ông Hưng nhận định đây là giai đoạn Vinamilk đang phát triển sang các lĩnh vực khác nên biên lợi nhuận kém, đó có thể là lý do Nhà nước vẫn chưa có nhu cầu thoái vốn.

“Vài năm nữa khi các khoản đầu tư tốt hơn, biên lợi nhuận phục hồi thì lúc đấy có thể tính đến chuyện thoái vốn và 1-2 năm nữa câu chuyện Vinamilk sẽ tốt hơn thời điểm hiện tại”, chuyên gia SSI dự báo.

Rớt khỏi top 10.

Cổ phiếu VNM từng có thập kỷ huy hoàng 2007-2017 khi thị giá liên tục đi lên nhờ kết quả kinh doanh tích cực, cổ phiếu luôn được săn đón nhờ mang lại khoản lợi nhuận đều đặn hàng năm. Theo đó Vinamilk cũng từng là mã chứng khoán có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường trước năm 2017.

Tuy nhiên việc thiếu động lực tăng trưởng trong kinh doanh sau đó đã khiến định giá doanh nghiệp trở nên kém hấp dẫn hơn.

Đến cuối tháng 5/2021, Vinamilk bị đánh bật khỏi top 5 vốn hóa. Đà rơi cổ phiếu vẫn tiếp tục trong thời gian sau đó khiến vốn hóa Vinamilk đang giảm về khoảng 159.000 tỷ đồng (chỉ tương đương thời điểm VN-Index đạt 700 điểm), chính thức rời khỏi top 10 công ty quy mô lớn nhất.

vốn hóa Vinamilk sụt giảm

Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả khối ngoại cũng tỏ ra thiếu kiên nhẫn khi VNM là một trong các mã bị nước ngoài bán ròng lớn nhất.

Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Vinamilk đã giảm xuống còn quanh 54%. Thực tế lợi nhuận trước thuế công ty đã chững lại trong khoảng 12.000-13.000 tỷ đồng 5 năm trở lại đây, trong khi doanh thu vẫn tăng trưởng dù tốc độ không cao.

Chứng khoán VCBS đánh giá thị trường sữa tươi nội địa sẽ dần ổn định trong năm 2022 nhưng Vinamilk sẽ không còn nhiều dư địa tăng trưởng trong vòng 2-3 năm tới. Thay vào đó, việc mở rộng kinh doanh mảng khác như thịt bò sẽ thúc đẩy tăng trưởng từ 2 con số từ 2023-2024 trở đi.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, doanh nghiệp đầu ngành sữa dự kiến nới rộng thị phần thêm 0,5% lên 56%. Chỉ tiêu tổng doanh thu cũng tăng nhẹ gần 5% lên 64.070 tỷ đồng.

Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ ở mức 12.000 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với kết quả đạt được năm ngoái. Nếu không hoàn thành thì đây sẽ là năm thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận âm.

Xa hơn ở mục tiêu đến năm 2026, Vinamilk kỳ vọng sẽ đạt 86.200 tỷ đồng tổng doanh thu và 16.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tăng trưởng kép giai đoạn 2021-2026 tương ứng ở mức 7,2% đối với doanh thu và 4,4% đối với lợi nhuận.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh (Theo Zing)