Skip to main content

Nguyên nhân vốn hóa Vinamilk sụt giảm

25 Tháng Ba, 2022

Các chuyên gia chứng khoán cho rằng thiếu động lực tăng trưởng, biên lợi nhuận sụt giảm và chưa có thông tin thoái vốn khiến triển vọng ngắn hạn của Vinamilk kém khả quan.

Chốt phiên 23/3, cổ phiếu VNM của công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) tiếp tục giảm sâu về mốc 76.100 đồng, mất 10% so với thời điểm đầu năm và giảm hơn 20% trong một năm gần nhất. Thị giá này đã quay về vùng giá tương đương hồi cuối tháng 3/2020.

Diễn biến đó khiến nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu VNM thời gian vừa qua chịu lỗ nặng, nỗi buồn càng nhân lên trong bối cảnh thị trường chung 2 năm gần nhất có xu hướng đi lên khá tích cực và VNM cũng từng là cổ phiếu hấp dẫn bậc nhất trên sàn chứng khoán.

Advertisement

Thiếu động lực tăng trưởng.

Chia sẻ về trường hợp này trong chương trình Bí mật đồng tiền, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc đầu tư Công ty Finpros ông Đỗ Thái Hưng nhận định Vinamilk đang thiếu đi động lực tăng trưởng.

“Chúng ta thấy họ luôn gặp khó trong bài toán tăng trưởng và thông báo rằng thị trường Việt Nam đã bão hoà. Với quan điểm cá nhân, tôi thấy trong thị trường được cho là bão hòa nhưng vẫn có những doanh nghiệp nổi lên”, ông chia sẻ.

Thực tế cùng khó khăn đại dịch vì đại dịch và thị trường bão hòa, nhưng công ty Sữa Quốc tế (IDP) lại có chiến lược rất tốt đánh vào những phân khúc khách hàng khác nhau. Công ty này vẫn phát triển thị phần tương đối tốt, trả cổ tức tiền mặt đến 90% và hiện có thị giá quanh 160.000 đồng.

Trong khi đó tổng doanh thu Vinamilk năm ngoái chỉ tăng 2% vượt mốc 61.000 tỷ đồng và mới hoàn thành 98% kế hoạch năm. Đáng chú ý hơn là biên lợi nhuận gộp hợp nhất trong năm rơi xuống 43,1%, tức giảm 326 điểm cơ bản so với cùng kỳ.

Advertisement

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm hơn 5% về mức 10.633 tỷ đồng và mới hoàn thành 95% kế hoạch năm. Doanh nghiệp lý giải không đạt kế hoạch do bối cảnh kinh doanh chịu tác động của đại dịch kéo dài.

Ông Thái Hưng đánh giá việc đi xuống của VNM là hoàn toàn bình thường bởi bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có chu kỳ phát triển riêng. Đây chỉ là một bước chững lại trong ngắn hạn còn về chiến lược dài hạn có thể tin tưởng Vinamilk quay trở lại nếu có những động lực mới.

“Vinamilk vẫn là một doanh nghiệp mà tôi đánh giá rằng rất hiếm hoi thậm chí trong rổ VN30 có sự minh bạch về mặt tài chính”, Giám đốc Finpros nói thêm.

Trong khi đó Phó giám đốc SSI Research Phạm Lưu Hưng cho biết biên lợi nhuận quý IV vừa qua của Vinamilk khá kém do giá nguyên vật liệu tăng.

Advertisement

“Hiện doanh nghiệp này đã chốt hết hợp đồng mua nguyên vật liệu trong nửa đầu năm nhưng lại ở mức cao nên biên lợi nhuận sắp tới của Vinamilk có thể tiếp tục giảm. Triển vọng ngắn hạn của VNM theo đó không khả quan”, ông bổ sung.

Chuyên gia SSI nhắc lại câu chuyện cổ phiếu VNM từ xưa đến nay có liên quan đến câu chuyện thoái vốn.

Những thông tin như thế thường giúp giá cổ phiếu chạy tốt hơn. Tuy nhiên các thông tin về thoái vốn của VNM gần như không có trong một 2 năm vừa qua.

Ông Hưng nhận định đây là giai đoạn Vinamilk đang phát triển sang các lĩnh vực khác nên biên lợi nhuận kém, đó có thể là lý do Nhà nước vẫn chưa có nhu cầu thoái vốn.

Advertisement

“Vài năm nữa khi các khoản đầu tư tốt hơn, biên lợi nhuận phục hồi thì lúc đấy có thể tính đến chuyện thoái vốn và 1-2 năm nữa câu chuyện Vinamilk sẽ tốt hơn thời điểm hiện tại”, chuyên gia SSI dự báo.

Rớt khỏi top 10.

Cổ phiếu VNM từng có thập kỷ huy hoàng 2007-2017 khi thị giá liên tục đi lên nhờ kết quả kinh doanh tích cực, cổ phiếu luôn được săn đón nhờ mang lại khoản lợi nhuận đều đặn hàng năm. Theo đó Vinamilk cũng từng là mã chứng khoán có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường trước năm 2017.

Tuy nhiên việc thiếu động lực tăng trưởng trong kinh doanh sau đó đã khiến định giá doanh nghiệp trở nên kém hấp dẫn hơn.

Đến cuối tháng 5/2021, Vinamilk bị đánh bật khỏi top 5 vốn hóa. Đà rơi cổ phiếu vẫn tiếp tục trong thời gian sau đó khiến vốn hóa Vinamilk đang giảm về khoảng 159.000 tỷ đồng (chỉ tương đương thời điểm VN-Index đạt 700 điểm), chính thức rời khỏi top 10 công ty quy mô lớn nhất.

Advertisement

vốn hóa Vinamilk sụt giảm

Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả khối ngoại cũng tỏ ra thiếu kiên nhẫn khi VNM là một trong các mã bị nước ngoài bán ròng lớn nhất.

Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Vinamilk đã giảm xuống còn quanh 54%. Thực tế lợi nhuận trước thuế công ty đã chững lại trong khoảng 12.000-13.000 tỷ đồng 5 năm trở lại đây, trong khi doanh thu vẫn tăng trưởng dù tốc độ không cao.

Chứng khoán VCBS đánh giá thị trường sữa tươi nội địa sẽ dần ổn định trong năm 2022 nhưng Vinamilk sẽ không còn nhiều dư địa tăng trưởng trong vòng 2-3 năm tới. Thay vào đó, việc mở rộng kinh doanh mảng khác như thịt bò sẽ thúc đẩy tăng trưởng từ 2 con số từ 2023-2024 trở đi.

Advertisement

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, doanh nghiệp đầu ngành sữa dự kiến nới rộng thị phần thêm 0,5% lên 56%. Chỉ tiêu tổng doanh thu cũng tăng nhẹ gần 5% lên 64.070 tỷ đồng.

Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ ở mức 12.000 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với kết quả đạt được năm ngoái. Nếu không hoàn thành thì đây sẽ là năm thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận âm.

Xa hơn ở mục tiêu đến năm 2026, Vinamilk kỳ vọng sẽ đạt 86.200 tỷ đồng tổng doanh thu và 16.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tăng trưởng kép giai đoạn 2021-2026 tương ứng ở mức 7,2% đối với doanh thu và 4,4% đối với lợi nhuận.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Advertisement

Hà Anh (Theo Zing)

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement