Kinh tế Nhật Bản bừng tỉnh sau nhiều thập kỷ chậm chạp
Vào năm 2022, công ty sản xuất thực phẩm Nhật Bản Yaokin từng gây sốc khi tăng giá món snack quốc dân Umaibo từ 10 yên lên 12 yên. Trước sự phản đối kịch liệt của nhiều thế hệ người dân gắn bó với món ăn vặt này, công ty đã phải lên tiếng xin lỗi.
Nhưng câu chuyện hiện giờ đã khác. Hầu như không ai có ý kiến gì khi thấy một loạt các công ty bắt đầu tăng giá từ đầu tháng 6 đối với hàng nghìn mặt hàng thiết yếu, từ mì ăn liền đến chai nước tương.
Giới nhà đầu tư cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là việc chấp nhận lạm phát gia tăng. Ngoài ra, việc quản trị doanh nghiệp tốt hơn cùng với quyết định đầu tư của tỷ phú Warren Buffett đã đẩy thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong vòng 33 năm qua.
Hiện nay, nhiều người đã bắt đầu coi lạm phát là lý do để tin rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cuối cùng cũng trỗi dậy sau nhiều thập kỷ tăng trưởng chậm hoặc thậm chí là đứng im.
Chiến lược gia thị trường khu vực châu Á Thái Bình Dương David Chao tại Invesco Asset Management, nói rằng: “Chúng tôi đã chờ đợi bước ngoặt này quá lâu, và chúng tôi đã có khởi đầu sai lầm. Tôi nghĩ lần này lạm phát và các động lực tăng trưởng đã khác và bền vững hơn”.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Nhật Bản tăng 4,3% trong tháng 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng nhanh nhất trong vòng 41 năm qua.
Mặc dù ban đầu, sự gia tăng là do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu chứ không phải do nhu cầu, nhưng áp lực về giá đủ mạnh để các chuyên gia kinh tế kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn, ngay cả khi chi phí nhập khẩu giảm.
Việc ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục thúc đẩy lạm phát, trong khi các ngân hàng trung ương toàn cầu làm điều ngược lại là điều có lợi cho chứng khoán Tokyo.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng BOJ sẽ duy trì chính sách cực lỏng trong cuộc họp tuần này, nhưng có khoảng 55% trong số họ đang tin rằng ngân hàng trung ương sẽ đạt được mức mục tiêu lạm phát ổn định là 2%.
Ông Angus McKinnon, nhà quản lý danh mục tại LT Funds, cho rằng lãi suất tăng có thể sẽ là con dao hai lưỡi. Tác động lớn nhất sẽ phát đi tín hiệu rằng Nhật Bản đang tiếp tục hồi phục sau đại dịch và bình thường hoá nền kinh tế của mình.
“Giảm phát khiến mọi người trì hoãn chi tiêu và các công ty ngừng đầu tư. Còn lạm phát vừa phải sẽ đưa đà tăng trưởng đi theo hướng khác”, Alex Stanić, người đứng đầu bộ phận chứng khoán toàn cầu tại Artemis Investment Management nói.
Trong khi nhiều cho rằng thị trường chứng khoán sắp giảm sau khi tăng gần 25% từ đầu năm đến nay, một số nhà đầu tư vẫn lạc quan rằng lạm phát sẽ tiếp tục tạo cú hích, bởi những người tiết kiệm lâu nay sẽ đổ tiền vào chứng khoán trong nước để duy trì giá trị tài sản của họ.
Giới đầu tư cũng kỳ vọng lạm phát (inflation) khuyến khích nhiều doanh nghiệp sử dụng lượng tiền mặt tích trữ của mình. Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh chi tiêu cho công nghệ và cơ sở hạ tầng mới.
Ông Takashi Kozu, chủ tịch Hiệp hội các Nhà phân tích Chứng khoán Nhật Bản, nhận định: Trong bối cảnh giảm phát, giá trị sản phẩm và hàng tồn kho giảm, trong khi nợ không đổi, nên doanh nghiệp không có động cơ để mở rộng bảng cân đối kế toán thông qua đòn bẩy.
Trong suốt 30 qua, các công ty Nhật Bản đã từ chối chịu rủi ro. Kết quả là chúng tôi bỏ lỡ cơ hội đổi mới các ngành công nghiệp.
Nhiều người vẫn hoài nghi về sự phục hồi của Nhật Bản, nhưng điểm khác biệt chính của lần này là động lực đi kèm với lương tăng. Nhà điều hành đơn vị bán lẻ Uniqlo – Fast Retailing Co vào tháng 1 vừa qua đã công bố tăng lương lên tới 40% cho các nhân viên. Nintendo Co. và Toyota Motor cũng đã làm tương tự.
Các chuyên gia phân tích cho biết, trong khi dữ liệu hàng tháng gần đây cho thấy lạm phát vẫn vượt xa mức tăng lương, xu hướng chung vẫn là tích cực.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | MarketingTrips