Skip to main content

Công ty con của Toyota có thể mất đến 700 triệu USD vì bê bối gian lận mới đây

31 Tháng Mười Hai, 2023

Theo một ước tính, Daihatsu Motor có thể chịu tổn thất hơn 100 tỷ yen (700 triệu USD) do vụ bê bối liên quan đến chất lượng sản phẩm. Công ty con của Toyota Motor phải đối mặt với việc đóng cửa nhà máy và bồi thường cho các nhà cung cấp.

Công ty con của Toyota có thể mất đến 700 triệu USD vì bê bối gian lận
Công ty con của Toyota có thể mất đến 700 triệu USD vì bê bối gian lận

Nhà sản xuất ô tô này đã tạm dừng toàn bộ hoạt động sản xuất tại Nhật Bản, chưa đưa ra mốc thời gian trở lại dù hầu hết lô hàng ở Indonesia và Malaysia đã tiếp tục được bàn giao trở lại.

Ngoài doanh số bán hàng bị mất, Daihatsu sẽ đàm phán riêng với các nhà cung cấp về việc bồi thường cho họ phần doanh thu bị mất do ngừng sản xuất. Họ cũng xem xét hỗ trợ cho các đại lý nhỏ không thể bán xe Daihatsu.

Khoản bồi thường này dự kiến sẽ rất tốn kém, đi kèm các chi phí phát sinh từ việc điều tra và kiểm tra an toàn bổ sung.

Advertisement

“Tùy thuộc vào quy mô bồi thường. Thiệt hại của Daihatsu có thể lên tới 100 tỷ yen hoặc hơn”, Seiji Sugiura thuộc Viện nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết. Daihatsu báo cáo lợi nhuận hoạt động hợp nhất là 141,8 tỷ yen và lợi nhuận ròng là 102,2 tỷ yen trong năm tài chính 2022.

Khoảng 60% trong số 1,42 triệu xe được sản xuất trong năm tài chính vừa qua của Daihasu dành cho thị trường Nhật Bản. Ngoài tự bán xe, Daihasu cũng sản xuất xe ở Nhật Bản và nước ngoài cho Toyota, Subaru và Mazda với tư cách là nhà sản xuất thiết bị gốc. Công ty này có vai trò quan trọng trong chiến lược của Toyota với thị trường xe điện mini ở Nhật và xe cỡ nhỏ tại các thị trường mới nổi.

Thuộc quyền sở hữu của Toyota từ năm 2016, Daihatsu hiện chỉ chiếm khoảng 3% tổng lợi nhuận hoạt động của công ty mẹ. Nếu Daihatsu bị lỗ hơn 100 tỷ yen, lợi nhuận của Toyota vẫn có thể bị ảnh hưởng.

Theo các nhà phân tích, Daihatsu có thể không gặp vấn đề về dòng tiền ngay lập tức nhưng rắc rối liên quan đến pháp lý mới chỉ bắt đầu.

Advertisement

Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản đang tiến hành cuộc điều tra riêng và chỉ đạo Daihasu tạm dừng sản xuất cho đến khi có thể xác minh được độ an toàn trên các phương tiện của họ. Quá trình này đã mất đến 2 tháng rưỡi đối với Mitsubishi dù quy mô bê bối nhỏ hơn nhiều. Công ty có thể phải đối mặt các hình phạt khác, bao gồm cả việc thu hồi các chứng nhận cần thiết để sản xuất xe hàng loạt.

Mối quan hệ Toyota – Daihatsu

Toyota và Daihatsu bắt đầu quan hệ hợp tác từ năm 1967. Năm 2016, Toyota nắm toàn quyền sở hữu Daihatsu. Mối quan hệ này rất quan trọng trong việc phát triển các xe cỡ nhỏ cho những thị trường mới nổi.

Tháng 4-2023, xuất hiện báo cáo tố Daihatsu đã gian lận thử nghiệm trên Toyota Vios và Perodua Axia. Toyota đã yêu cầu bên thứ ba vào cuộc. Một tháng sau, xuất hiện thêm bằng chứng về gian lận trên các biến thể hybrid của Toyota Raize và Daihatsu Rocky.

Với 64 mẫu xe bị ảnh hưởng, Toyota không liệt kê chi tiết từng vấn đề. Nhưng một số ví dụ được đưa ra có:

Advertisement

– Hộp điều khiển túi khí (ECU) được sử dụng trên xe thử nghiệm khác so với xe bán cho khách. Mẫu bị ảnh hưởng có: Daihatsu Move, Subaru Stella, Daihatsu Cast, Toyota Pixis Joy, Daihatsu Gran Max, Toyota Town Ace, Mazda Bongo;

– Áp suất lốp được sử dụng để chứng nhận đồng hồ tốc độ có sự khác biệt giữa hai bản;

– Dữ liệu thử nghiệm va chạm “diễn tập” nhưng được ghi nhận là “thử nghiệm thực tế”;

– Cửa vẫn khóa sau khi có va chạm bên hông. Mẫu bị ảnh hưởng: Daihatsu Cast, Toyota Pixis Joy.

Advertisement

Vì sao Daihatsu gian lận?

Trong cuộc họp báo chung Toyota – Daihatsu, chủ tịch Daihatsu Soichiro Okudaira thừa nhận có sai sót trong quản lý.

Theo đó, về cơ bản, ban quản lý Daihatsu đã theo đuổi mục tiêu ngắn hạn, do đó lược bớt nhiều quy tắc để đảm bảo “genba” như tôn chỉ Toyota đề ra.

“Genba” trong tiếng Nhật là hiện trường, trong kinh doanh chỉ công xưởng, nơi sản phẩm thực sự được tạo ra. Đó là khái niệm trọng tâm trong triết lý của Toyota, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quan sát trực tiếp trong việc giải quyết vấn đề và ra quyết định.

Chẳng hạn, khi có vấn đề xảy ra, phải đến tận nơi sản xuất để xem lỗi phát sinh ở đâu, chứ không chỉ nhìn báo cáo trên giấy. Có hướng giải quyết tạm thời, sau đó sẽ đưa ra kế hoạch dài hạn, cuối cùng tiêu chuẩn hóa để tránh lặp lại sai lầm đó.

Advertisement

Ông Okudaira hứa hẹn cải tổ lại Daihatsu, tạo ra một hệ thống phù hợp để ngăn chặn trường hợp tương tự tái diễn.

Khi được giới truyền thông Nhật Bản hỏi liệu ông có từ chức hay không, ông Okudaira nói: “Tại thời điểm này, tôi chưa thể nói gì về thời điểm hay cách tôi sẽ từ chức”.

Ngoài ra, ông Okudaira cũng cho rằng việc thiếu nhân viên kỹ thuật, không đủ xe thử nghiệm và thời gian phát triển ngắn (do lịch ra mắt dồn dập) đã buộc các nhóm phát triển bỏ qua một số thủ tục nhất định.

Bên ngoài Nhật Bản, Daihatsu có trọng trách phát triển xe dành riêng cho thị trường mới nổi như Đông Nam Á và châu Mỹ Latin. Tổng số dự án Daihatsu phụ trách đã tăng lên nhưng năng lực phát triển vẫn như cũ.

Advertisement

Phó chủ tịch điều hành Toyota Hiroki Nakajima cho biết hãng “sẽ hỗ trợ Daihatsu cải tổ thành một công ty đúng mục tiêu ban đầu khi Toyota và Daihatsu bắt đầu hợp tác cùng nhau”.

Từ “ban đầu” có vẻ ngụ ý Daihatsu đã đi chệch hướng. Trong khi Toyota liên tục nhấn mạnh “genba” thì Daihatsu quên mất lời hứa của người Nhật – luôn mang đến sản phẩm chất lượng và sự yên tâm khi sở hữu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement

Advertisement