Đo lường hiệu quả Content Marketing với 21 chỉ số quan trọng
Trong khi content marketing là xu hướng làm marketing trong những năm gần đây, làm thế nào để bạn có thể đo lường hiệu quả content marketing hay bạn sử dụng những chỉ số nào để đo lường? Hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu chi tiết 21 chỉ số quan trọng giúp đo lường hiệu quả Content Marketing trong bài viết này.
Cùng tìm hiểu các nội dung như đo lường hiệu quả content marketing là gì, những người làm marketing nên sử dụng các chỉ số nào để đo lường mức độ hiệu quả của các chiến dịch content marketing và hơn thế nữa.
Đo lường hiệu quả Content Marketing là làm gì?
Như khái niệm của nó đề cập, content marketing tức là sản xuất nội dung với mục đích cuối cùng là đáp ứng các mục tiêu của marketing, do đó, hiệu quả của nó cũng gắn liền với hiệu quả của marketing nói chung.
Tuỳ vào từng mục tiêu của marketing mà mục tiêu hay mức độ hiệu quả của content marketing có thể được đánh giá bằng các chỉ số khác nhau như doanh số, lượng khách hàng tiềm năng, lượng tương tác, lượng người truy cập website…
21 chỉ số giúp đo lường mức độ hiệu quả của Content Marketing.
Số liệu hành vi người dùng.
1. Lượt xem trang (Pageview).
Hiển thị tổng số lượt xem trên mỗi trang web cụ thể.
Số lượt xem trang có thể cung cấp thông tin về nội dung của bạn đã hoạt động tốt như thế nào so với các bài đăng khác được xuất bản trong cùng kỳ.
Bên cạnh đó, số liệu này có thể cho thấy loại chủ đề nào thu hút sự chú ý nhất từ đối tượng của bạn. Đây là một trong những số chính cần thực hiện từ kiểm tra nội dung trang web, cho phép bạn xem xét chiến lược của mình một cách thông minh.
2. Khách truy cập duy nhất (Unique Visitor).
Cho biết tổng số khách truy cập đã xem một trang cụ thể trên website của bạn.
Số liệu này tương tự như lượt xem trang, nhưng nó có thể cung cấp cho bạn thông tin chi tiết chính xác hơn về số lượng khách truy cập mới vào nội dung của bạn. Đánh giá số lượng khách truy cập duy nhất giúp bạn xác định phạm vi đối tượng của mình.
3. Người dùng mới và người dùng trở lại (New and Returning Users).
Hiển thị tỷ lệ giữa khách truy cập mới và khách truy cập quay trở lại.
Số lượng khách truy cập mới cho biết số lượng khách hàng tiềm năng, trong khi số lượng khách truy cập quay lại cho thấy họ yêu thích nội dung của bạn. Điều tốt nhất là tạo nội dung thu hút người dùng mới và giữ chân những người dùng cũ.
4. Chiều sâu của trang (Page Depth).
Hiển thị số trang trung bình mà người dùng của bạn truy cập mỗi phiên ngoài trang đích.
Số liệu này cho biết mức độ hấp dẫn về nội dung của bạn. Nếu con số này quá thấp, đây có thể là dấu hiệu của việc liên kết nội dung kém hoặc do thiết kế và điều hướng trang web có chất lượng thấp.
5. Thời gian trung bình trên trang (Average Time on Page).
Cho biết nếu khách truy cập đang chăm chú đọc nội dung của bạn hoặc chỉ lướt qua nội dung đó.
Nếu “thời gian trên trang” trong một số phần thấp hơn đáng kể so với nội dung các phần khác, nó có thể cho bạn biết loại nội dung nào đang thu hút người dùng. Phân tích các bài viết có hiệu quả tốt nhất và so sánh chúng với các bài viết có hiệu quả thấp hơn.
Cố gắng xác định tại sao một số bài viết lại hoạt động tốt hơn những bài viết khác. Có phải là do sự khác biệt về độ dài, hình thức hoặc chủ đề? Chúng có bao gồm infographics, hình ảnh hoặc video không?
6. Tỷ lệ thoát (Bounce Rate).
Cho biết tỷ lệ phần trăm người dùng rời khỏi trang cụ thể mà không truy cập bất kỳ trang web nào khác.
Tỷ lệ thoát cao có thể chỉ ra rằng bạn nên cải thiện một số phần trong trang web của mình. Ví dụ như, nếu bạn có một trang web thương mại điện tử, tỷ lệ thoát cao có thể là một tín hiệu đáng lo ngại, bởi vì điều đó có nghĩa là hầu hết khách hàng rời khỏi trang web của bạn mà không mua hàng.
Kiểm tra tốc độ tải trang và CTA (call to action) của bạn. Có thể SEO của bạn cần điều chỉnh vì mọi người không tìm thấy những gì họ đang tìm kiếm trên trang web này.
Việc phân tích tỷ lệ thoát trang nên dựa vào loại website và trang web của bạn. Ví dụ: tỷ lệ thoát cao trên blog có thể là bình thường nếu khách truy cập quay lại trang để đọc bài viết mới. Vì vậy, hãy tìm hiểu nguyên nhân để cải thiện website của mình.
7. Số trang mỗi phiên truy cập (Pages Per Session).
Cho biết số lượng trung bình (phần nội dung) được xem trong một phiên duy nhất trên trang web của bạn.
Số liệu này cho thấy nếu nội dung của bạn hấp dẫn và mang lại giá trị để thúc đẩy khách truy cập thì họ sẽ khám phá những trang khác trên website của bạn.
Nếu blog hoặc trang web của bạn dẫn liên kết đến các bài đăng có thông tin chi tiết hơn về chủ đề này, người dùng sẽ có nhiều khả năng truy cập nhiều trang hơn.
8. Nguồn lưu lượng truy cập (Traffic Source).
Hiển thị những nguồn mang lại lưu lượng truy cập cho trang web của bạn.
Số liệu này có thể giúp bạn khám phá và xác định các kênh tiếp thị đang hoạt động tốt nhất.
Có phải phần lớn nguồn lưu lượng của bạn đến từ các công cụ tìm kiếm, hoặc chiến lược truyền thông mạng xã hội nhiều hơn so với SEO của bạn không? Hoặc có thể là do thương hiệu của bạn đã nổi tiếng và chủ yếu nhận được lưu lượng truy cập trực tiếp?
Phân tích các nguồn lưu lượng cho phép bạn xác định các kênh và chiến lược marketing nào hoạt động tốt nhất để phân phối nội dung của mình.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể xác định và đầu tư vào các kênh có tiềm năng tốt để tạo ra sự khác biệt rõ ràng.
Số liệu tương tác.
9. Số lượt thích và chia sẻ (Like and Share).
Đây là những chỉ số thể hiện sự tương tác và mức độ phổ biến của nội dung đối với đối tượng người dùng của bạn.
Tuy nhiên, một lượt chia sẻ nội dung sẽ có ý nghĩa hơn so với một lượt thích nội dung vì nó không chỉ cho thấy nội dung của bạn thú vị mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận của bài viết.
10. Bình luận (Comment).
Số lượng bình luận dưới bài đăng thể hiện mức độ tương tác với nội dung thậm chí còn tốt hơn so với lượt thích và chia sẻ trên mạng xã hội. Người dùng phải mất nhiều thời gian hơn để viết bình luận thay vì thích hoặc chia sẻ một bài đăng (tất nhiên, chúng tôi đang nói về những bình luận có giá trị).
Vì vậy, nếu một người đọc đủ động lực để bày tỏ ý kiến của mình trong phần bình luận, thì đó thường là một tín hiệu tốt.
11. Đề cập (Mention).
Các “đề cập” đo lường tính hiệu quả và tương tác từ nội dung của bạn. Theo dõi các “đề cập” trong nội dung của bạn trên phương tiện truyền thông xã hội và các kênh truyền thông khác; đặc biệt bạn nên chú ý đến cảm xúc, bối cảnh và người viết.
12. Tái bản (Re-publication).
Nếu một bài viết trích dẫn nội dung từ bài viết của bạn hoặc dẫn nguồn – đây có thể coi là một lượt đề cập. Trong trường hợp toàn bộ bài viết, hình ảnh, video hoặc một phần nội dung trong bài viết của bạn được xuất bản trên trang web của bên thứ ba, thì đây được tính là tái bản.
Khi bạn thấy bản phát hành lại nội dung của bạn, hãy đảm bảo rằng tác giả đã dẫn nguồn đến bài viết gốc. Nó sẽ giúp thu hút nhiều người hơn vào website của bạn.
13. Yêu cầu gửi đến (Incoming Requests).
Số lượng ‘Yêu cầu gửi đến’ cao, cũng là chỉ số để đánh giá về chất lượng nội dung của bạn. Đó có thể là những lời mời viết bài viết mới, lời mời phỏng vấn, yêu cầu chia sẻ kiến thức hoặc yêu cầu hợp tác.
Số liệu kết quả SEO.
14. Lưu lượng truy cập tự nhiên (Organic Traffic).
Hiển thị số lượng người tìm thấy website của bạn thông qua công cụ tìm kiếm.
Số lượt truy cập thấp có thể cho biết bài viết hoặc trang của bạn chưa được tối ưu hóa đúng cách. Vì vậy, để tăng lưu lượng truy cập tự nhiên, bạn cần chú ý tối ưu hóa công cụ tìm kiếm phù hợp.
15. Thời gian dừng (Dwell Time).
Thời gian dừng là thời gian trung bình mà khách truy cập vào trang của bạn trước khi quay lại danh sách kết quả tìm kiếm (SERPs).
Số liệu này rất quan trọng đối với việc làm SEO của bạn: nếu người dùng đến trang web của bạn và quay lại ngay trang kết quả tìm kiếm, đây là tín hiệu không tốt trong công cụ tìm kiếm, và nó ảnh hưởng đến thứ hạng của bạn.
16. Backlink.
Backlink là một trong những yếu tố xếp hạng quan trọng nhất của Google.
Đây là một trong những chỉ số quan trọng khi thực hiện Content Marketing và PR. Hãy chú ý đến các chỉ số về: số lượng liên kết (loại trừ các link spam), số lượng tên miền duy nhất, và chất lượng của các tên miền tham chiếu.
17. Từ khóa (Keyword).
Kiểm tra hiệu quả bài viết với các từ khóa được lựa chọn. Có bao nhiêu từ khóa trong bài viết của bạn đang được xếp hạng trong top 3 của Google?
So sánh hiệu quả của những trang này với đối thủ của bạn? Đây là những câu hỏi mà bạn có thể khám phá ra khi sử dụng: Phần mềm quản lý nội dung.
Doanh thu công ty.
18. Số lượng khách hàng tiềm năng (Number of Leads).
Số lượng khách hàng tiềm năng là những người để lại thông tin cá nhân của họ sau khi đọc bài viết của bạn. Bạn có thể có được chúng thông qua: mẫu điền thông tin, đăng ký để cập nhật và nhận bản tin, tải tài liệu, v.v.
19. Theo sát khách hàng tiềm năng đã có (Existing Leads Touched)
Nếu bạn chỉ tìm kiếm những khách hàng tiềm năng mới thì sẽ không đủ để đạt được các mục tiêu tiếp thị và kinh doanh đề ra.
Điều quan trọng là bạn cần theo sát để hỗ trợ khách hàng trong quy trình mua hàng của họ. Bằng cách phân tích số lượng đơn hàng hiện đang tương tác với bài viết, bạn có thể đánh giá và chăm sóc tốt hơn khách hàng tiềm năng của bạn.
20. Tỷ lệ chuyển đổi (Conversion Rate).
Là tỷ lệ khi khách thực hiện một hành động (nhấp, đăng ký, tải xuống, v.v.) sau khi tương tác với nội dung của bạn.
21. Doanh thu ảnh hưởng / ROI.
Tỷ suất hoàn vốn (ROI) là phần trăm doanh thu bạn nhận được từ các hoạt động khác nhau. Trong trường hợp này, nó sẽ là doanh thu liên quan đến nội dung do bạn (hoặc nhóm của bạn) tạo ra.
Lựa chọn các số liệu liên quan đến hiệu quả có được từ content marketing.
Để bắt đầu, hãy nghĩ về mục tiêu marketing và kinh doanh của bạn. Như thế nào là “Thành công” đối với bạn? ROI bạn đang tìm kiếm gì?
Nếu thương hiệu của bạn có độ nhận diện tốt, thì các số liệu như lượt thích, lượt chia sẻ hoặc lưu lượng truy cập web có thể không phải là số liệu chính trong chiến lược content marketing của bạn.
Trong trường hợp này, bạn có thể tập trung vào số lượng khách truy cập mới và/hoặc khách hàng tiềm năng mới được tạo ra bởi nội dung của bạn.
Đừng quên những chỉ số giúp bạn đo lường hiệu quả về việc tiếp cận đối tượng mục tiêu và ảnh hưởng các kênh phân phối của bạn. Nếu nội dung của bạn chưa mang lại cho bạn kết quả mong muốn, hãy thử đánh giá các kênh bạn đang phân phối.
Có thể, kênh bạn đang sử dụng không đúng với đối tượng bạn đang hướng tới, và bạn nên đầu tư công sức vào các kênh tiếp thị khác.
Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng khi tiến hành đo lường hiệu quả của content marketing đó là bạn không nên chỉ sử dụng một chỉ số để phân tích dữ liệu. Hãy luôn cố gắng đánh giá dữ liệu bằng các chỉ số khác nhau. Bằng cách kiểm tra toàn bộ dữ liệu hiện có, bạn sẽ có được bức tranh rõ ràng và đầy đủ về hiệu quả bài viết của bạn.
Hãy luôn đo lường và phân tích nội dung kỹ thuật số (Digital Content) của bạn để cải thiện chiến lược của bạn và luôn giữ những vị trí đứng đầu!
Kết luận.
Trên đây là tất cả các chỉ số mà người làm content marketing có thể sử dụng để đo lường hiệu quả của các chiến dịch hay hoạt động content marketing, mặc dù tuỳ thuộc vào mục tiêu của từng doanh nghiệp mà cách đo lường có thể khác nhau, bằng cách hiểu đầy đủ các chỉ số, bạn có nhiều cách hơn để đo lường đúng và hiệu quả hơn.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Thái Tú | MarketingTrips