Skip to main content

Các xu hướng công nghệ hình thành trong đại dịch

7 Tháng Tư, 2022

Blockchain, chuyển đổi số, giải pháp họp học trực tuyến… đã xuất hiện nhiều năm nhưng lại nở rộ thành xu hướng trong đại dịch Covid-19.

Các xu hướng công nghệ hình thành trong đại dịch
Các xu hướng công nghệ hình thành trong đại dịch

Nghiên cứu của McKinsey & Company chỉ ra rằng Covid-19 đã tăng tốc đáng kể việc áp dụng công nghệ mới. Nhiều xu hướng hình thành trong đại dịch tiếp tục được duy trì ngay cả khi mọi thứ trở lại bình thường.

Các tổ chức buộc phải áp dụng công nghệ mới chỉ sau một đêm để tồn tại hoặc có nguy cơ bị đào thải vĩnh viễn.

Trong tiến trình đó, các lãnh đạo công nghệ không chỉ là người bắc cầu mà còn phải đưa ra các phán đoán, kịp thời nắm bắt các xu hướng để đảm bảo tổ chức phát triển bền vững và có những bước tiến nhảy vọt.

Advertisement

Chuyển đổi số.

Ngay từ giữa năm 2020, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận định Covid-19 là cú hích trăm năm giúp đẩy nhanh chuyển đổi số.

Cuối năm ngoái, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, cũng cho rằng: “Đại dịch là dịp thay đổi cách con người làm việc. Một tháng chuyển đổi số trong đại dịch có thể cho hiệu quả bằng cả năm trước đây”.

FPT Digital dẫn các báo cáo cho thấy 97% lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới thừa nhận Covid-19 đang ảnh hưởng đến chuyển đổi số.

Trong đó, 85% cho rằng để đảm bảo mục tiêu kinh doanh cần xây dựng doanh nghiệp số hoặc tích hợp công nghệ trong mô hình doanh nghiệp.

Advertisement

Theo ông Lê Hùng Cường, Phó tổng giám đốc FPT Digital, sau làn sóng chuyển đổi số, các lãnh đạo công nghệ cũng cần có một thang đánh giá mức độ trưởng thành cho doanh nghiệp theo những quy chuẩn của quốc tế.

Đây được xem là một trong những xu hướng tất yếu, bắt buộc phải có sau hai năm chuyển đổi số diễn ra rầm rộ trên phạm vi toàn cầu.

Mua sắm và hội họp trực tuyến.

Theo Forbes, từ 2020, thói quen mua sắm trực tuyến đã hình thành trong cộng đồng khi giãn cách xã hội kéo dài. Thay đổi của người dùng kéo theo những điều chỉnh đa dạng của các hệ thống thương mại điện tử về cả cách thức mua sắm và trải nghiệm nhập vai.

Thống kê cho thấy khi thế giới dần quay lại trạng thái bình thường, hoạt động mua sắm trực tuyến vẫn tiếp tục được nhiều người duy trì.

Advertisement

Tương tự, việc họp và học online dần trở thành thói quen mới. Sự phát triển của các phần mềm hội họp trực tuyến và công nghệ 5G dần được phủ sóng khiến hình thức giao tiếp online trở thành một xu hướng mới, ngay cả khi thế giới dần quay về trạng thái giao tiếp vật lý truyền thống.

AI tham gia vào quản trị doanh nghiệp.

Forbes đánh giá, trong một thời gian dài thế giới đã kỳ vọng AI sẽ thay thế con người ở nơi làm việc. Nhưng những gì diễn ra trong đại dịch cho thấy trí tuệ nhân tạo đang đi theo một hướng khác: nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc của con người thay vì thế chỗ của con người.

AI cũng không chỉ là các công cụ làm những việc lặp đi lặp lại hàng ngày như truyền thống mà dần tham gia sâu hơn vào hoạt động quản trị, giúp các lãnh đạo đưa ra quyết định.

Silvia Battilana, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Auctionomics, cho biết các công cụ tính toán và AI mới đã được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng để hướng dẫn việc ra quyết định chiến lược. Trong thập kỷ tới, phần mềm này sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và được áp dụng rộng rãi để tạo sự khác biệt.

Advertisement

Blockchain và những mô hình kinh doanh mới.

Trong báo cáo Xu hướng công nghệ thường niên lần thứ 13 của Deloitte đăng trên WSJ, blockchain được xem là một trong những công nghệ quan trọng giúp tạo ra các mô hình kinh doanh mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Theo Deloitte, các loại tiền mã hoá và NFT đang trở thành đề tài được bàn tán khắp các phương tiện truyền thông xã hội và len lỏi vào nhiều ngóc ngách của cuộc sống.

Blockchain đã có nhiều ứng dụng trong giáo dục, y tế, nông nghiệp… và giải quyết nhiều bài toán của xã hội. Trong đại dịch Covid-19, nhiều người ở các quốc gia đang phát triển như Philippines, Việt Nam đã tìm đến các game blockchain như một “cần câu cơm” giúp họ trang trải cuộc sống hàng ngày.

Các doanh nghiệp cũng sớm nhận ra những đặc tính như phi tập trung, minh bạch của công nghệ blockchain có thể thúc đẩy năng suất, thay đổi cơ bản hoạt động kinh doanh.

Advertisement

Bảo mật dữ liệu thành ưu tiên hàng đầu.

2021 là năm hoành hành của tin tặc khi các vụ tấn công ngày càng hung hãn và tăng đáng kể về tần suất.

Wired trích lời bà Julia Voo, trưởng nhóm Chính sách Công nghệ và An ninh mạng toàn cầu của HP, rằng những thay đổi mạnh mẽ về cách thức làm việc trong đại dịch cùng sự chuyển hướng mô hình làm việc linh hoạt đang là thách thức cho hệ thống bảo mật.

Ngoài ra, trong các lĩnh vực mới và có tốc độ phát triển nóng như blockchain, các vụ hack diễn ra hàng ngày với thiệt hại lên đến hàng tỷ USD.

Một trong những nguyên nhân là việc đầu tư cho bảo mật chưa được chú trọng. Sau những vụ tấn công lớn, bảo mật bắt đầu được xem là một xu hướng quan trọng trong năm 2022 mà các lãnh đạo công nghệ cần đặc biệt quan tâm.

Advertisement

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement