Skip to main content

Tối ưu chiến lược định giá động trong thương mại điện tử

29 Tháng Sáu, 2023

Tối ưu hóa giá cả thương mại điện tử hay còn gọi là định giá động, là một chiến lược định giá mà bất cứ đơn vị nào đang vận hành các cửa hàng trực tuyến đều cần biết và triển khai.

chiến lược định giá động
Tối ưu chiến lược định giá động trong thương mại điện tử

Tối ưu hóa giá cả thương mại điện tử (e-commerce price optimization), đôi khi được gọi là định giá động (dynamic pricing) là hành động trong đó người bán hàng cố gắng đưa ra mức giá tốt nhất cho sản phẩm dựa trên nhu cầu của thị trường.

Đây là một quá trình chủ động, người bán phải nắm rõ giá cả của mình chênh lệch ra sao với đối thủ, từ đó tối ưu giá bán, sao cho vừa bán được hàng nhiều vừa giữ biên lợi nhuận ổn định.

Chiến lược định giá động trái ngược với mô hình chiến lược định giá truyền thống. Bởi theo cách truyền thống, các bên bán sẽ đặt ra một tỷ suất lợi nhuận nhất định dựa trên giá vốn, để rồi đưa ra giá bán cố định, không có bất kỳ điều chỉnh nào.

Advertisement

Về mặt lý thuyết, quá trình tối ưu hóa giá cả trên thương mại điện tử (eCommerce) có thể được thực hiện thủ công. Tuy nhiên trên thực tế, trong một thế giới mà người mua có quá nhiều sự lựa chọn và ngày càng hiểu biết về công nghệ, thì các bên bán cũng cần áp dụng công nghệ để có thể tối ưu hóa giá cả trên quy mô lớn.

Hay nói một cách dễ hiểu hơn, muốn đi theo chiến lược định giá động, thì bên bán cần tiến hành phân tích đối thủ và nhu cầu thị trường.

Việc này thậm chí phải diễn ra từng ngày, từng tuần, với khối lượng sản phẩm lên đến hàng trăm, hàng nghìn. Do đó làm thủ công mà vẫn đạt được hiệu quả là việc bất khả thi.

Cách hoạt động của các ứng dụng tối ưu hóa giá cả trên các nền tảng bán hàng trực tuyến.

Hiện nay có nhiều phần mềm hỗ trợ tối ưu hóa giá cả cho người bán, chẳng hạn Prisync, Price2Spy, Vendavo, Omnia Dynamic Pricing, hoặc Sku Grid. Có phần mềm hoạt động tốt tùy theo nền tảng bán hàng, chẳng hạn Amazon, WooCommerce, Shopify, v.v., có cái lại tùy theo mô hình kinh doanh hoặc sản phẩm của người bán.

Advertisement

Đa số các phần mềm đều sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc máy học (Machine Learning) để theo dõi biến động giá hằng ngày. Từ các thông tin này, người bán có thể đưa ra quyết định điều chỉnh giá phù hợp.

Chẳng hạn nếu phần mềm cho thấy các đối thủ đều đang tăng giá cho một sản phẩm nhất định nào đó, thì đó là tín hiệu tốt để người bán làm theo. Nếu không, thì rất có thể người bán đang bán rẻ hơn giá hiện tại của thị trường (Market), phần nào đó ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Một số ứng dụng khác hoạt động theo kiểu mỗi ngày đều tính lại giá cho mỗi sản phẩm. Dĩ nhiên giá này phải thỏa mãn theo các tiêu chí dữ liệu đầu vào.

Chẳng hạn người bán sử dụng phần mềm, thiết lập các chỉ số mong muốn như giá phải thấp hơn 5% so với giá thấp nhất đến từ các đối thủ, đồng thời phải giữ được 10% lợi nhuận. Khi đó phần mềm sẽ tổng hợp dữ liệu, đưa ra giá cả phù hợp và tự động thay đổi giá trên các cửa hàng online.

Advertisement

Rủi ro của chiến lược định giá động.

Khi áp dụng chiến thuật theo dõi giá cả của đối thủ cạnh tranh, các nhà bán có thể tự tay cắt đi lợi nhuận của mình, khi mà bên nào cũng mải mê giảm giá để thu hút người mua.

Cần nhớ là trong chiến lược này, có hai điều quan trọng mà các doanh nghiệp phải biết cách cân bằng, đó là giá cả cạnh tranh và lợi nhuận.

Theo các chuyên gia, các bên bán không cần phải áp dụng chiến lược định giá động cho tất cả mặt hàng, vì nhu cầu mỗi hàng hóa là khác nhau.

Chẳng hạn người tiêu dùng sẽ muốn mua iPhone với giá tốt nhất, nhưng họ có thể chọn mua cáp sạc hoặc các phụ kiện khác với giá không phải rẻ nhất.

Advertisement

Do đó, điều quan trọng là người bán phải xác định được đâu là mặt hàng chủ lực của mình trên thị trường. Khi đó, họ có thể bán các mặt hàng này theo kiểu cạnh tranh giá, còn những mặt hàng khác thì có thể bán theo chiến lược giá truyền thống.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Quân Bảo | DĐDN

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement

Advertisement