Full Stack Marketer là gì? Làm Full Stack Digital Marketing là làm gì?
Được nổi lên trong bối cảnh các yếu tố công nghệ và tiếp thị kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, Full Stack Marketer hay Full Stack Digital Marketer (Full stack Digital Marketing) là khái niệm dùng để chỉ các Marketer có thể đảm nhận được nhiều công việc khác nhau.
Mặc dù được sử dụng tương đối phổ biến trong ngành Marketing, bản thân thuật ngữ Full Stack Marketer, Full Stack Digital Marketer hay Full Stack Digital Marketing vẫn chưa được hiểu một cách đúng đắn. Cùng MarketingTrips tìm hiểu toàn diện về các thuật ngữ này qua bài viết dưới đây.
Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài:
- Full stack Marketer là gì?
- Full Stack Marketer nên được hiểu như thế nào?
- Full Stack Marketing và những người đa năng Generalist.
- Lợi thế và bất lợi của các Full Stack Marketer là gì?
- Lộ trình trở thành một Full Stack Marketer hay Full Stack Digital Marketer như thế nào?
Bên dưới là nội dung chi tiết.
Full Stack Marketer là gì? Full Stack Digital Marketer là ai và làm gì?
Cũng có phần tương tự như các Stack trong ngành khoa học máy tính hoặc lập trình, tức sẽ chứa nhiều các phần tử dữ liệu con khác nhau, trọng phạm vi kinh doanh mà cụ thể là marketing, Stack được hiểu là một bộ (một set) các kiến thức và kinh nghiệm khác nhau.
Từ góc nhìn này, Full Stack Marketer hay những thuật ngữ liên quan khác như Full Stack Marketing, Full Stack Digital Marketing…dùng để chỉ các marketer có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ và công việc khác nhau liên quan đến Marketing nói chung.
Stack là gì?
Để có thể hiểu rõ hơn về thuật ngữ Full Stack Marketer hoặc Full Stack Digital Marketer là gì, chúng ta cần hiểu các thuật ngữ nhỏ hơn.
Cụ thể, ngoài thuật ngữ Marketer dùng để chỉ những người làm marketing vốn đã quá quen thuộc, vậy còn Stack là gì?
Theo Wikipedia, Stack là thuật ngữ được sử dụng trong ngành khoa học máy tính (computer science) dùng để chỉ một kiểu dữ liệu tổng hợp trong đó có chứa các phần tử dữ liệu con khác nhau.
Như bạn có thể thấy qua hình ảnh ở trên, mỗi Stack sẽ thực hiện hai hoạt động chính là Push (thêm mới các phần tử dữ liệu vào Stack) và Pop (đẩy các phần từ dữ liệu ra khỏi Stack theo thứ tự từ trên cùng xuống dưới cùng).
Theo một định nghĩa khác từ Techopedia, mỗi Stack đóng vai trò đại diện cho một chuỗi các đối tượng hoặc phần tử ở định dạng cấu trúc dữ liệu tuyến tính (linear data structure).
Bất cứ khi nào một phần tử được thêm vào Stack, giá trị trên cùng của Stack sẽ tăng lên một và ngược lại, sẽ giảm đi một nếu một phần tử bị đẩy ra khỏi Stack.
Full Stack Marketer nên được hiểu như thế nào?
Như đã phân tích ở trên, về mặt lý thuyết, các Full Stack Marketer là những người có thể làm “toàn bộ” các công việc liên quan đến marketing chẳng hạn như:
- Digital Marketing.
- Traditional Marketing.
- Content Marketing.
- Social Media Marketing.
- Brand Marketing.
- Performance Marketing.
- Buzz Marketing.
- Viral Marketing.
- PR.
- Advertising.
- IMC.
- Email Marketing.
- Inbound Marketing.
- Outbound Marketing.
- Search Engine Marketing.
- SEO.
- Code web, HTML, UX, UI Design…
- Và nhiều công việc khác.
Tuy nhiên trong thực tế, Full Stack Marketer dùng để chỉ những marketer có thể đảm nhận nhiều công việc hay Stack khác nhau hơn là “Full Stack”.
Nói cách khác, trong phạm vi ngành marketing nói chung hay digital marketing nói riêng, các Full Stack Marketer có thể là các chuyên gia trong một hoặc một vài chuyên môn cụ thể nào đó (như Content Marketing, SEO, Digital Marketing, Facebook Ads, …) nhưng họ lại có thể hiểu và làm việc với “hầu hết” các phạm vi công việc khác.
Full Stack không đồng nghĩa với việc làm tất cả mọi thứ hay là các “marketer vạn năng”.
Full Stack Digital Marketing và những người đa năng Generalist.
Khi nói đến các “marketer vạn năng”, những người được hình dung là sẽ có thể “làm được mọi thứ về marketing”, có một thuật ngữ khác cũng có mối quan hệ tương tự đó là Generalist.
Thay vì với các specialist, người có thể hiểu và làm chuyên sâu một công việc hay chuyên môn nhất định, các generalist là những người nắm trong tay nhiều công cụ nhất có thể.
Công cụ ở đây có thể hiểu sẽ bao gồm 2 nhóm chính đó là kiến thức hay nền tảng và kinh nghiệm làm việc thực tế.
Các generalist hay những người đa năng chọn cách phát triển bản thân với nhiều kiến thức hiểu biết khác nhau đồng thời cũng va chạm nhiều công việc thực tế khác nhau.
Theo một số giảng viên từ Đại học Harvard, vì sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ, kết hợp với vô số “những điều bất ổn và mô hồ”, những người đa năng được xem là tương lai của thế giới.
Lợi thế và bất lợi của các Full Stack Marketer là gì?
Mặc dù được xem từ khoá thời thượng, các Full Stack Marketer không phải là những “người hoàn hảo” như khái niệm của nó.
Bên cạnh các ưu điểm nổi trội, họ cũng có các nhược điểm hay bất lợi khác dưới đây.
-
Lợi thế.
Thứ nhất, như đã phân tích ở trên, vì họ có thể hiểu biết và làm được nhiều việc khác nhau, khi được giao các nhiệm vụ độc lập, họ thường có khả năng tiếp cận và hoàn thành tốt hơn.
Thứ hai, khi bắt đầu xây dựng mới một cái gì đó, cụ thể trong phạm vi marketing, nếu thương hiệu mới thành lập hay doanh nghiệp mới cần xây dựng một chiến lược marketing từ đầu, các “marketer vạn năng” có khả năng thích ứng và mang lại nhiều kết quả hơn.
Thứ ba, ở một phạm vi nhất định, vì có thể làm được nhiều thứ hay thậm chí là đảm nhận thay nhiều vị trí khác nhau, các Full Stack Marketer có thể giúp doanh nghiệp (hoặc chính bản thân họ) tiết kiệm được nhiều hơn.
Thay vì phải tuyển dung một số các vị trí như Content Creator, Digital Marketer hay Facebook Ads Specialist, doanh nghiệp chỉ cần một vị trí duy nhất.
Cuối cùng, cũng là một trong những lợi thế quan trọng nhất của các “marketer vạn năng” là họ có nhiều cơ hội hơn để phát triển hay thăng tiến lên các vị trí cao hơn.
Trong khi với các vị trí nhân viên hay chuyên gia (specialist), bạn chỉ cần thành thạo ở một chuyên môn nhất định, với các vị trí quản lý cao hơn (như Marketing Manager hay CMO chẳng hạn), vì bạn không nhất thiết phải là người “làm” mà vai trò chính của bạn là xây dựng chiến lược, quản lý và phát triển đội nhóm, bạn cần hiểu rộng và nhiều thứ hơn.
Ngoài việc phải hiểu nhiều các phạm vi công việc hay cách thức tiếp cận chuyên môn của marketing, bạn còn phải hiểu nhiều các phạm vi khác như tài chính, kinh doanh, thị trường, khách hàng, đối thủ, xu hướng, công nghệ…
Vì những lý do này, tương lai của các Full Stack Marketer (theo đúng nghĩa) có phần “tươi sáng và thênh thang hơn”.
-
Bất lợi.
Mặc dù có khá nhiều các lợi thế, tuy nhiên như đã đề cập ở trên, các “marketer vạn năng” không hoàn hảo như nhiều người vẫn nghĩ.
Vì họ có thể hiểu biết và làm được nhiều thứ nhưng lại không chuyên sâu một thứ hay một số thứ, những người này không chứng minh được mức độ phù hợp ở một số bối cảnh hay phạm vi công việc nhất định.
Ví dụ, nếu doanh nghiệp đang cần tối ưu hoá công cụ tìm kiếm (SEO) và coi công cụ này là chiến lược ưu tiên hàng đầu của marketing, các chuyên gia SEO hay SEO Specialist sẽ là một lựa chọn hoàn hảo chứ không phải các Full Stack…
Tiếp đến, ở không ít các doanh nghiệp lớn, nơi mọi thứ được chuyên môn hoá đến mức tối đa (các Agency lớn chẳng hạn) và bạn lại là một Full Stack mới, một lần nữa các chuyên gia (Specialist) lại là lựa chọn hàng đầu.
Một bất lợi khác, mà đúng ra là một lời khuyên, bạn không nên tiếp cận và trở thành một Full Stack Marketer quá sớm, điều này vừa làm hạn chế khả năng xin việc của bản thân vừa khiến bạn khó trở thành một Full Stack theo đúng nghĩa hơn.
Tốt nhất, bạn nên bắt đầu là các chuyên gia, tập trung vào một hoặc một vài chuyên môn nhất định, song song với đó, bạn dần dần học hỏi và liên tục bổ sung các kiến thức và kinh nghiệm mới.
Đến một thời điểm nhất định, khi bạn vừa có thêm vô số các kiến thức mới đồng thời cũng đã có kinh nghiệm với tư cách là các chuyên gia, bạn có thể chọn trở thành một Full Stack Marketer.
Lộ trình trở thành một Full Stack Marketer hay người làm Full Stack Digital Marketing như thế nào?
Về bản chất, cũng như các vị trí marketing khác, sẽ không có bất cứ một công thức nào được xem là “tiêu chuẩn” dùng để xây dựng nên một hình mẫu lý tưởng.
Tuỳ vào năng lực của bản thân, tố chất sẵn có, khả năng rèn luyện và học hỏi không ngừng, mỗi marketer sẽ chọn cho mình một con đường khác nhau để theo đuổi.
Tuy nhiên theo góc nhìn của MarketingTrips, dưới đây là một số giai đoạn hay lộ trình bạn có thể sẽ phải trải qua.
Bước chân vào nghề bằng niềm đam mê và cống hiến.
Cũng như các vị trí hay ngành nghề khác, việc bạn trở thành ai sau này có ảnh hưởng không nhỏ từ việc bạn bước vào nghề như thế nào.
Nếu bạn bước vào nghề với tâm thế học hỏi, đam mê với nghề, muốn cống hiến nhiều hơn cho doanh nghiệp và xã hội, bạn có nhiều cơ hội hơn để phát triển và thăng tiến.
Với Marketing, vì bản chất ngành marketing liên tục biến đổi theo các điều kiện khác nhau, nếu bạn không yêu và đam mê với nghề, việc trở thành một chuyên gia đã khó thì làm sao bạn có thể sẵn sàng học và làm được nhiều thứ hơn với Full Stack Marketer.
Không ngừng tự nghiên cứu và học hỏi để trở thành một chuyên gia.
Như đã phân tích ở trên, thay vì cố gắng trở thành các “marketer vạn năng” ngay từ đầu, bạn nên chọn cách học hỏi và làm chuyên sâu ở một hoặc một vài chuyên môn nhất định.
Khi bạn có thể chứng minh rằng bạn có năng lực, bạn phù hợp với nghề hay ít nhất là sếp của bạn cũng nhận thấy được giá trị thực sự ở bạn, bạn có nhiều cơ hội hơn để tiếp tục học hỏi và mở rộng sang các phạm vi chuyên môn và kiến thức khác.
Bạn thử hình dung xem, nếu bạn là CEO của một doanh nghiệp nào đó, bạn có sẵn sàng tuyển những người mới vào nghề và cái gì cũng biết một ít không?
Mở rộng kiến thức, làm nhiều thứ hơn và chính thức bước vào con đường trở thành một Full Stack Marketer theo đúng nghĩa.
Khi đến được giai đoạn này, thực ra vấn đề còn lại nằm ở việc bạn muốn trở thành ai và định hướng sau này như thế nào.
Mặc dù không phải ai cũng có khả năng trở thành một Full Stack Marketer hay không phải ai cũng có thể trở thành các nhà quản lý cấp cao.
Bằng cách liên tục học hỏi và thử nghiệm trong suốt chặng đường sự nghiệp, bạn tự trao vào tay mình nhiều chìa khoá hơn để thành công nhiều hơn.
Kết luận.
Việc trở thành một Full Stack Marketer hay một chuyên gia làm Full Stack Digital Marketing về bản chất không phải là chuyện đúng sai hay “một mất một còn” như nhiều người vẫn nghĩ.
Dù cho bạn chọn cách trở thành ai và làm gì thì đó cũng là nghề nghiệp cá nhân và đều đáng được trân trọng.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Tra Nguyen | MarketingTrips
Nguồn: MarketingTrips