Skip to main content

Thẻ: App Store

Việt Nam đứng thứ 5 trong số các quốc gia có lượng ứng dụng bị xoá nhiều nhất trên App Store

Apple công bố báo cáo minh bạch App Store 2023, cho thấy trong năm qua, nền tảng này đã gỡ bỏ hơn 116 nghìn ứng dụng vi phạm chính sách hoặc do yêu cầu từ các chính phủ.

Trong số này, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Anh là những quốc gia có nhiều ứng dụng bị gỡ nhất, với số lượng lần lượt là hơn 22,2 nghìn, 17,7 nghìn, 5,8 nghìn, 5,1 nghìn. Việt Nam tiếp tục đứng vị trí thứ năm trong danh sách với 5.064 ứng dụng bị xóa năm qua.

So với năm 2022, lượng ứng dụng từ Việt Nam bị gỡ đã giảm 40%, từ con số 8.462, nhưng vẫn thuộc nhóm đầu về việc bị xóa do gian lận.

Theo Apple, có hàng chục lý do dẫn đến việc ứng dụng có thể bị xóa. Trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là vi phạm hướng dẫn thiết kế (Guideline 4.0 – Design) và vi phạm thỏa thuận do gian lận (DPLA 3.2(f) – Fraud).

Năm nay, lượng ứng dụng bị xóa vì lỗi thiết kế giảm từ 4,6 nghìn xuống 1,3 nghìn, trong khi ứng dụng gian lận chỉ giảm nhẹ từ 3,6 nghìn xuống 3,5 nghìn. Kết quả này đưa Việt Nam đứng thứ hai về số lượng ứng dụng gian lận bị gỡ bỏ, sau Trung Quốc.

Xếp theo thể loại, game là loại ứng dụng bị xóa nhiều nhất với 1.294, tiếp đến là các app tiện ích, giải trí, giáo dục, kinh doanh. Ngoài ra, có một ứng dụng bị gỡ do yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, liên quan đến nghị định 72 và luật An ninh mạng. Các nhà phát triển trong nước cũng gửi hơn 800 yêu cầu kháng cáo, trong đó có 5 ứng dụng được đưa trở lại App Store sau khi xem xét.

Đây là năm thứ hai Apple đưa ra báo cáo minh bạch về kho ứng dụng của mình, sau vụ kiện năm 2019. Khi đó, các nhà phát triển cáo buộc Apple lấy hoa hồng 30% quá cao, dẫn đến việc họ không còn lợi nhuận. Vụ kiện được dàn xếp vào năm 2021, với kết quả Apple phải chi 100 triệu USD hỗ trợ nhà phát triển nhỏ, đồng thời cung cấp thống kê hàng năm liên quan đến kho ứng dụng.

So với 2022, báo cáo mới cho thấy số lượng ứng dụng bị xóa đã giảm mạnh từ con số 186 nghìn. Các nước như Trung Quốc, Mỹ đều giảm khoảng một nửa số ứng dụng bị xóa.

App Store hiện có hơn 1,87 triệu ứng dụng với hơn 42 triệu nhà phát triển đăng ký. Trung bình mỗi tuần, kho ứng dụng thu hút hơn 734 triệu lượt ghé thăm, với gần 788 triệu lượt tải app.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Apple bị châu Âu phạt tới 2 tỷ USD vì Apple Store

Apple bị châu Âu phạt tới 2 tỷ USD vì lạm dụng độc quyền trên App Store

Apple đã bị các cơ quan quản lý chống độc quyền của Liên minh Châu Âu (EU) phạt tới 1,84 tỷ euro (khoảng 2 tỷ USD) vì các quy định của App Store và được thông báo rằng Apple không thể ngăn các dịch vụ âm nhạc quảng cáo các hợp đồng đăng ký rẻ hơn bên ngoài cửa hàng Apple.

Apple bị châu Âu phạt tới 2 tỷ USD vì Apple Store
Apple bị châu Âu phạt tới 2 tỷ USD vì Apple Store
Trong một thông cáo báo chí mới công bố, Ủy ban EU cho biết cuộc điều tra phát hiện ra rằng “Apple cấm các nhà phát triển ứng dụng phát nhạc thông báo đầy đủ cho người dùng iOS về các dịch vụ đăng ký nhạc thay thế và rẻ hơn có sẵn bên ngoài ứng dụng của Apple.”

Margrethe Vestager, Phó chủ tịch điều hành phụ trách chính sách cạnh tranh cho biết: “Trong một thập kỷ, Apple đã lạm dụng vị trí thống lĩnh của mình trên thị trường để phân phối các ứng dụng phát nhạc trực tuyến thông qua App Store.

“Họ đã làm như vậy bằng cách hạn chế các nhà phát triển thông báo cho người dùng của họ về các dịch vụ âm nhạc thay thế, rẻ hơn có sẵn bên ngoài hệ sinh thái của Apple. Điều này là bất hợp pháp theo quy định chống độc quyền của EU, vì vậy hôm nay chúng tôi đã phạt Apple hơn 1,8 tỷ euro.”

Apple sau đó đã đưa ra phản ứng gay gắt đối với phán quyết này, nói rằng Ủy ban đã không “phát hiện ra bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào” về hành vi gây tổn hại cho người dùng hoặc hành vi chống cạnh tranh liên quan đến Apple.

Công ty cũng nói rằng Spotify muốn “viết lại các quy tắc của App Store” để đạt được lợi thế cạnh tranh mà không phải trả gì cho Apple, mặc dù Apple tuyên bố App Store rất quan trọng đối với sự thống trị thị trường hiện tại của Spotify. Apple cho biết họ sẽ kháng cáo quyết định này.

Cuộc điều tra của EU bắt đầu từ năm 2020 và được công bố sau khi Spotify đệ đơn khiếu nại chống độc quyền đối với cái gọi là “Thuế Apple” của Apple. Bên cạnh việc phàn nàn về khoản hoa hồng lên tới 30%, Spotify còn gặp vấn đề với các quy định của App Store mà họ cho rằng đã hạn chế liên lạc với khách hàng cũng như hạn chế khả năng tiếp thịquảng cáo các giao dịch.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Người dùng iPhone có thể sớm tải và cài đặt ứng dụng ngoài App Store

Người dùng iPhone có thể sớm tải và cài đặt ứng dụng từ nhiều nguồn khác nhau, tương tự thiết bị chạy Android.

Người dùng iPhone có thể sớm tải và cài đặt ứng dụng ngoài App Store
Người dùng iPhone có thể sớm tải và cài đặt ứng dụng ngoài App Store

Sau khi phân tích bản thử nghiệm iOS 17.2, trang công nghệ 9to5mac phát hiện những chi tiết cho thấy iPhone sắp hỗ trợ tải ứng dụng ngoài App Store. Cụ thể, Apple đặt tên một giao diện lập trình ứng dụng (API) là “Managed App Distribution”, qua đó cho phép nhà phát triển thiết lập cửa hàng app của riêng mình.

Ở mức độ sâu hơn, API này chi phối quá trình tải xuống, cài đặt và cập nhật ứng dụng từ nguồn bên ngoài. Thậm chí, nó còn có thể kiểm tra tính tương thích của một app bất kỳ với thiết bị hoặc phiên bản iOS hiện hành, tương tự những gì App Store đang làm.

Bên cạnh đó, iOS 17.2 cũng chứa tài liệu về trình khóa theo khu vực trong API. 9to5mac đánh giá đây là cách Apple hạn chế tính năng tải ứng dụng từ nguồn ngoài ở một số quốc gia, nhằm đáp ứng yêu cầu từ cơ quan quản lý địa phương.

Mặc dù đại diện Apple chưa đưa ra bình luận tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng các quy định mới về chống độc quyền đang buộc Apple phải thay đổi.

Trong nhiều năm, Apple liên tục phản đối “sideloading”, thuật ngữ chỉ việc cài đặt phần mềm mà không thông qua cửa hàng ứng dụng chính thức, vốn tồn tại trên thiết bị Android, Window và máy tính Mac. Hãng cho rằng việc tải ứng dụng từ nguồn lạ sẽ gây mất an toàn, đồng thời làm suy yếu quyền riêng tư.

“Các công ty ‘đói’ dữ liệu có thể tránh được quy tắc về bảo mật của chúng tôi và theo dõi người dùng”, Tim Cook, CEO Apple, nói. Ngoài ra, ông cảnh báo người dùng iPhone đứng trước nguy cơ tải nhầm phần mềm chứa mã độc và bị đánh cắp dữ liệu.

Tuy nhiên, đầu năm nay, Apple buộc phải thay đổi để đáp ứng Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của Liên minh châu Âu, dự kiến áp dụng từ tháng 3/2024. Một số điều khoản trong đó yêu cầu nhà sản xuất điện thoại cho phép người dùng cài đặt app từ bất cứ nguồn nào họ muốn. Nếu không tuân thủ, Apple có thể bị phạt lên đến 20% doanh thu toàn cầu.

Một số nguồn tin cho biết, bên cạnh việc tuân thủ luật, Apple cũng đang xem xét ý tưởng tính phí xác minh ứng dụng, vốn được áp dụng trên máy tính Mac, giúp đảm bảo an toàn khi người dùng cấp quyền cài đặt phần mềm bên ngoài kho ứng dụng của hãng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

App Store của Apple chưa được đăng ký tại Trung Quốc

Danh sách 26 cửa hàng ứng dụng đã đăng ký tại Trung Quốc có Xiaomi, Oppo, Vivo, Huawei và cả Samsung, nhưng không có App Store của Apple.

App Store của Apple chưa được đăng ký tại Trung Quốc
App Store của Apple chưa được đăng ký tại Trung Quốc

Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) ngày 28/9 công bố danh sách các nền tảng phân phối ứng dụng đăng ký hợp lệ trên website, gồm thông tin chi tiết kinh doanh. Tuy nhiên, Apple không có tên dù là thương hiệu điện thoại lớn thứ tư tại nước này.

Quy định đăng ký cửa hàng ứng dụng được CAC đưa ra từ tháng 8/2022, trong đó yêu cầu các nền tảng phân phối ứng dụng gửi một số thông tin nhất định cho cơ quan có thẩm quyền. Các kho ứng dụng có nhiệm vụ kiểm soát ứng dụng bên trong và phải từ chối tải lên những phần mềm “chứa thông tin bất hợp pháp hoặc nội dung xấu”.

Ngoài ra, các công ty có cửa hàng ứng dụng cũng “phải hợp tác và hỗ trợ giám sát, kiểm tra” khi được CAC hoặc các cơ quan quản lý khác yêu cầu.

Hồi tháng 8, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết các doanh nghiệp không đăng ký cửa hàng ứng dụng của mình từ tháng 9 năm nay đến tháng 3 năm sau sẽ bị phạt. Tuy nhiên, Bộ này chưa đưa ra mức phạt cụ thể.

Việc yêu cầu nhà cung cấp ứng dụng phải gửi thông tin chi tiết về doanh nghiệp và mô hình kinh doanh khiến một số nhà phát triển độc lập lo ngại.

Theo Li An, người điều hành một studio ở Bắc Kinh, cho biết quá trình nộp đơn mất 20 ngày – thời gian quá ngắn để có thể đáp ứng các yêu cầu của chính phủ. Người này cũng cho rằng động thái trên sẽ cản trở sự đổi mới trong nước và cản trở khả năng tiếp cận phần mềm nước ngoài.

Những năm qua, Bắc Kinh đã có các động thái thắt chặt quy định trên Internet, trong đó tìm cách hạn chế nhiều loại nội dung, từ giáo dục trực tuyến đến trò chơi điện tử.

Số lượng ứng dụng từ đó cũng giảm mạnh. Tính đến cuối năm ngoái, có 2,6 triệu ứng dụng hoạt động ở Trung Quốc, giảm 25% so với mức 3,5 triệu vào năm 2020.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Apple buộc Facebook phải trả 30% phí từ các quảng cáo bài đăng

Với bản cập nhật quy định App Store, Apple sẽ thu phí từ nhiều dạng giao dịch trong ứng dụng hơn, bao gồm giao dịch NFT và mua lượt tiếp cận bài đăng (Boost Post) trên các nền tảng mạng xã hội.

Apple buộc Facebook phải trả 30% phí từ các quảng cáo bài đăng
Apple buộc Facebook phải trả 30% phí từ các quảng cáo bài đăng

Mỗi khi người dùng App Store thực hiện giao dịch trong ứng dụng (in-app purchase hay IAP), nhà phát triển chỉ được hưởng 70% số tiền.

Apple “cắt phế” 30%, đồng thời cấm sử dụng bất kỳ hình thức giao dịch nào ngoài IAP nhằm giữ cho nguồn tiền nằm trong hệ sinh thái.

Từ lâu nhiều người dùng và nhà phát triển ứng dụng đã chỉ trích Apple “ăn dày” và độc quyền giao thức thanh toán. Nhà phát triển tựa game Fortnite, Epic Games, thậm chí đã kiện Apple từ năm 2020 sau khi Fortnite bị xóa khỏi App Store vì tìm cách lách khoản phí 30%.

Bây giờ, cùng với bản cập nhật iOS 16.1 và iPad OS 16.1, Apple cũng cập nhật các quy định App Store để bao gồm nhiều dạng giao dịch hơn nữa so với trước đây, đồng nghĩa với việc tính phí nhiều giao dịch hơn.

“Chấp nhận” NFT.

Apple chính thức cho phép các ứng dụng bán và cung cấp các dịch vụ liên quan đến NFT, mã thông báo không thể thay thế chứng nhận quyền sở hữu tài sản kỹ thuật số, với điều kiện các NFT này có được qua IAP.

Về mặt tích cực, người dùng mới sẽ dễ dàng tương tác với NFT, theo Daniel Mason, nhà đầu tư tại Framework Ventures.

Sau khi mua NFT chỉ với một vài nút bấm như mua các “gói” thông thường trong ứng dụng, người dùng có thể rao bán, trao đổi hoặc dùng các NFT này làm tiền tệ mở khóa nội dung trả phí.

Mặt tiêu cực cho các nhà phát triển là tất cả giao dịch NFT sẽ phải trả mức “thuế Apple” 30%.

“Các ứng dụng có thể cho phép người dùng xem NFT của riêng họ, miễn là quyền sở hữu các NFT này không mở khóa các tính năng trong ứng dụng”, Apple viết.

Có nghĩa là các NFT mà người dùng sở hữu từ trước, hoặc qua các kênh giao dịch ngoài IAP và không bị tính phí 30%, sẽ không có giá trị như tiền tệ trong ứng dụng App Store.

“Động thái mới của Apple không phải là ‘chiến thắng’ cho NFT, hãng này đang áp thuế vô lý và các nhà phát triển ứng dụng sẽ không thiết lập NFT trên ứng dụng ngay từ đầu nếu không có giá trị tiết kiệm chi phí”, Vlad Avesalon, đồng sáng lập Vennity NFT, bình luận trên Twitter.

Nhiều bình luận đồng ý với Avesalon rằng các nhà phát triển NFT sẽ không “cắn răng chịu đựng” khoản phí 30%, thay vào đó rất có thể cơ cấu chi phí của NFT bán qua IAP sẽ thay đổi và người dùng phải trả mức giá cao hơn khi mua qua ứng dụng. IAP cũng không chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử, do đó người dùng phải mua NFT bằng tiền mặt.

“Apple đang tìm cách loại bỏ tình trạng Reddit và các ứng dụng khác sử dụng NFT như một giao thức thanh toán né tránh phí IAP”, Collins Belton, luật sư chuyên về tài sản kỹ thuật số tại công ty luật Brookwood P.C., San Francisco, cho biết.

Quy định mới của Apple nói rõ “các nhà phát triển không được bao gồm các nút bấm, liên kết bên ngoài hoặc các lời kêu gọi hành động hướng khách hàng đến các cơ chế mua hàng không phải IAP”.

“Các nhà phát triển game đã tìm cách tích hợp Web3, NFT, tiền điện tử, sẽ là những người bị tổn hại nhiều nhất”, Jason Baptiste, nhà sáng lập YDY Life, đánh giá.

Thay đổi lần này cho thấy Apple coi NFT là một mối đe dọa với doanh thu App Store, trong đó khoảng 60-70% đến từ game, và cần bị kiểm soát, theo Baptiste.

Mua lượt tiếp cận cũng là IAP.

Thay đổi quan trọng thứ hai là đối với tính năng “boost”, hay tăng cường lượt tiếp cận của các bài đăng trên mạng xã hội.

Trước đây tính năng này có thể được thực hiện trực tiếp giữa người dùng và ứng dụng mạng xã hội. Ví dụ, người dùng trả tiền trực tiếp cho Meta nếu muốn “boost” một bài đăng Facebook hay Instagram. Bây giờ, giao dịch này bắt buộc phải đi qua hệ thống IAP và phải trả phí 30% cho Apple.

The Verge đánh giá thay đổi này là “cú đánh trực diện với Meta”. Tính năng “boost” tương tự của Twitter, TikTok vốn đi qua IAP, nhưng Meta đến nay vẫn thực hiện giao dịch trực tiếp với người dùng.

“Thay đổi này chủ yếu ảnh hưởng đến Facebook và Instagram, vốn cho phép người dùng trả tiền để tăng phạm vi tiếp cận của các bài đăng”, theo Alex Heath tại The Verge.

“Apple tiếp tục tìm cách phát triển hoạt động kinh doanh của riêng họ trong khi làm tổn hại các công ty khác trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Apple trước đây cho biết không tính phí trên doanh thu quảng cáo của nhà phát triển, bây giờ dường như họ đã thay đổi quyết định”, Tom Channick, người phát ngôn của Meta, nói trong tuyên bố gửi cho The Verge.

Bị Apple thu phí, Facebook và Instagram rất có thể sẽ tăng giá tính năng “boost” và người dùng phải trả phí cao hơn hiện nay cho cùng lượng tiếp cận bài đăng, theo TechCrunch.

Hiện tại thay đổi này chưa ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu quảng cáo của Meta, bởi vì các nhà quảng cáo lớn thường mua quảng cáo qua các ứng dụng quản lý độc lập. Loại ứng dụng này đang được Apple “bỏ qua”.

“Ứng dụng quản lý quảng cáo: Ứng dụng cho mục đích duy nhất là giúp các nhà quảng cáo mua và quản lý các chiến dịch quảng cáo không cần sử dụng IAP. Các ứng dụng này dành cho mục đích quản lý chiến dịch và không tự hiển thị quảng cáo”, Apple viết trong hướng dẫn quy định mới.

Tuy nhiên với tiền lệ thu phí tính năng “boost” lần này, Apple có thể tiếp tục thay đổi chính sách đối với các ứng dụng quản lý quảng cáo trong tương lai. Nếu bị thu phí 30% trên toàn bộ quảng cáo, doanh thu của Meta sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Nam Nguyen | MarketingTrips

Lợi nhuận App Store của Apple giảm mạnh

Sau khi tăng giá ứng dụng trên App Store, lợi nhuận của Apple trong mảng kinh doanh dịch vụ đã lao dốc nặng nề.

Lợi nhuận App Store của Apple giảm mạnh
Lợi nhuận App Store của Apple giảm mạnh

Theo số liệu từ Morgan Stanley, lợi nhuận ròng của App Store trong tháng 9 đã giảm 5%. Đây là mức sụt giảm lớn nhất của kho ứng dụng kể từ năm 2015, CNBC nhận định.

Cụ thể, dựa trên dữ liệu của Sensor Tower, công ty chuyên theo dõi lượt download và doanh thu của các app, kho ứng dụng của Apple đã sụt giảm ở thị trường Mỹ, Canada và Nhật Bản.

Trong đó, mảng dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất là doanh thu đến từ game, giảm mạnh 14% chỉ trong tháng 9, nhà phân tích Erik Woodring của Morgan Stanley cho biết.

Điều này có thể là vì khách hàng Apple đang phải “thắt lưng buộc bụng” vì suy thoái tăng cao và kinh tế lao dốc.

“Doanh thu ảm đạm của App Store đã cho thấy người dùng toàn cầu gần đây đang có xu hướng giảm chi tiêu trên kho ứng dụng. Thay vào đó, họ sẽ chi tiêu vào những nhu cầu cấp thiết hơn”, nhà phân tích cho biết.

Bên cạnh đó, Morgan Stanley dự đoán Google Play Store cũng sẽ phải chịu tình cảnh tương tự với mức giảm 9% vào tháng 9.

Theo CNBC, Apple sẽ thu về khoảng 15-30% tổng doanh thu từ các ứng dụng trên iPhone và các thiết bị khác.

Mặc dù không công bố cụ thể con số, đây vẫn là mảng dịch vụ quan trọng của Táo khuyết với hàng loạt các gói thuê bao như Apple One. Do đó, Morgan Stanley kỳ vọng lợi nhuận trong tổng ngành dịch vụ của Apple sẽ tăng 8% trong quý III.

Ngành dịch vụ là một trong những lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm. Họ mong muốn người dùng sẽ phải chi thêm nhiều tiền cho Apple sau khi mua iPhone hay MacBook. Nhờ đó, trong quý II, Táo khuyết đã thu về 19,6 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, hồi tháng 7, Luca Maestri, Giám đốc tài chính của tập đoàn, lại cho rằng mức tăng trưởng của mảng kinh doanh này sẽ thấp hơn 12% trong quý III vì lạm phát và tình trạng đồng USD tăng giá.

Bên cạnh đó, rất khó để so sánh doanh thu với các giai đoạn trước vì nhu cầu cho App Store đã đặc biệt tăng cao khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Cụ thể, Táo khuyết cho biết các yếu tố như nhu cầu giải trí tại nhà tăng cao sẽ ảnh hưởng đến số liệu.

Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, nhu cầu này có xu hướng giảm sút vì người dùng đã có thể tiếp cận lại với các dịch vụ khác như nhà hàng, rạp chiếu phim tương tự trước đây.

“Một năm trước, mảng dịch vụ của chúng tôi tăng trưởng rất nhanh nhưng nếu đem ra so sánh với thời điểm hiện tại thì sẽ không hợp lý”, ông nói.

Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt của Mỹ lên Nga cùng với thiếu nguồn cung khí đốt cũng khiến giá năng lượng tăng cao, gây lạm phát chưa từng có.

Điều này đã ảnh hưởng đến túi tiền của không ít người dùng có thu nhập thấp. Không chỉ thế, những khách hàng không bị ảnh hưởng bởi lạm phát cũng trở nên cảnh giác hơn và giảm chi tiêu vì lo ngại kinh tế lao dốc trong tương lai tới.

Theo 9to5mac, doanh thu của App Store trong tháng tiếp theo có thể sẽ còn giảm xuống vì Apple sẽ tăng giá dịch vụ ở châu Âu và một số khu vực khác trên thế giới. Cụ thể, hãng công nghệ sẽ tăng 20% giá bán các ứng dụng và dịch vụ mua hàng trong app.

Tại Việt Nam, các ứng dụng trên App Store Việt Nam sẽ bắt đầu áp dụng bậc giá mới từ ngày 5/10, gồm 87 cấp bậc giá dao động từ 25.000 đồng đến gần 25 triệu đồng.

Mức điều chỉnh này nhằm đáp ứng những quy định mới của Apple trong việc thu và nộp các loại thuế hiện hành. Nhóm này bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất đều ở mức 5%.

Theo số liệu từ Statista cập nhật đến 2022, App Store của Apple chiếm khoảng 36% thị phần toàn cầu, thấp hơn nhiều so với Google Play của Google.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

Apple sẽ tăng giá trên App Store cho nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam

Các ứng dụng trên App Store Việt Nam sẽ bắt đầu áp dụng bậc giá mới từ ngày 5/10, gồm 87 cấp bậc giá dao động từ 25.000 đồng đến gần 25 triệu đồng. 

Vào ngày 19/9, Apple thông báo sẽ tăng giá các ứng dụng và phí mua các ứng dụng trên App Store tại nhiều quốc gia Châu Á và Châu Âu như Việt Nam, Chile, Ai Cập, Nhật Bản, Malaysia, Pakistan, Ba Lan, Hàn Quốc, Thụy Điển và mọi quốc gia khác dùng đồng EUR.

Điều chỉnh này sẽ được áp dụng vào 5/10.

Theo bảng bước giá mới chia theo cấp mà Apple công bố cho App Store Việt Nam, các ứng dụng miễn phí (cấp 0) sẽ tiếp tục miễn phí.

Những bước giá tiếp theo là cấp 1 25.000 đồng, cấp 2 là 49.000 đồng và cấp 3 là 79.000 đồng. Cấp cao nhất trong bảng này là 87 với giá ứng dụng gần 25 triệu đồng.

Tại Việt Nam, mức điều chỉnh này nhằm đáp ứng những quy định mới của Apple trong việc thu và nộp các loại thuế hiện hành. Nhóm này bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất đều ở mức 5%.

Số tiền App Store thu từ người dùng sẽ được hãng tính toán lại và điều chỉnh phù hợp, giá đưa ra chưa bao gồm thuế. Hãng sẽ thu và nộp các khoản thuế theo quy định hiện hành tại Việt Nam.

Dù Apple không đưa ra bình luận chính thức, nhiều nhà phân tích cho rằng đây là động thái của hãng nhằm đảm bảo lợi nhuận trong bối cảnh đồng USD lên giá so với đồng EUR và nhiều đồng tiền khác tại châu Á.

Khi mức giá mới được áp dụng, mục Giá bán (Pricing) và Khả dụng (Availability) trong Ứng dụng của tôi (My Apps) sẽ được cập nhật. Nhà phát triển có thể thay đổi giá của ứng dụng và mua sắm trong ứng dụng (bao gồm thuê bao tự gia hạn) vào bất kỳ lúc nào trong App Store Connect.

Nếu cung cấp thuê bao, nhà phát triển được chọn duy trì mức giá với các thuê bao hiện tại.

Điều này đồng nghĩa người dùng đang đăng ký tự động gia hạn trên các ứng dụng thì sẽ không bị tăng giá thuê bao trong đợt này.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

Các nhà phát triển ứng dụng có quyền bỏ qua hệ thống thanh toán của Apple

Thời gian tới, các nhà phát triển ứng dụng có quyền bỏ qua hệ thống thanh toán của Apple trên App Store và hướng người dùng đến phương thức thanh toán khác.

Theo Bloomberg, ngày 10/9, thẩm phán Mỹ Yvonne Gonzalez Rogers ra phán quyết yêu cầu Apple tạo điều kiện cho cộng đồng phát triển ứng dụng áp dụng những hình thức thanh toán khác.

Quyết định được đưa ra sau cuộc chiến pháp lý giữa Apple và Epic Games, công ty sở hữu tựa game đình đám Fortnite.

Điều này đồng nghĩa nhà phát triển có quyền bỏ qua hệ thống thanh toán của Apple trên App Store (vốn đang có mức cắt hoa hồng lên tới 30%).

Đây là lần thay đổi quan trọng nhất với thương hiệu này kể từ khi ra mắt App Store vào năm 2008. Một số chuyên gia tài chính nhận định phán quyết này có thể khiến Apple mất vài tỷ USD doanh thu mỗi năm.

Ngay sau thông tin, giá cổ phiếu của Apple đã giảm 3,3% xuống ngưỡng 148,97 USD, mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 5.

Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng Apple đã thoát khỏi nguy cơ bị liệt vào danh sách công ty có hành vi kinh doanh độc quyền theo luật liên bang và tiểu bang.

Trong năm 2020, tính riêng tại thị trường Mỹ, Apple thu về khoảng 6,3 tỷ USD phí hoa hồng đến từ hoạt động mua hàng trên App Store.

Phán quyết của tòa án áp dụng cho mọi danh mục ứng dụng, đặc biệt là lĩnh vực trò chơi.

Các ứng dụng trò chơi hiện chiếm 70% tổng doanh thu của App Store, nhưng chỉ đến từ 10% người dùng. Hơn 80% người dùng sử dụng App Store tạo ra doanh thu không đáng kể.

Theo dữ liệu của Sensor Tower, Apple đã kiếm khoảng 3,8 tỷ USD từ ứng dụng trò chơi vào năm 2020. Phần lớn doanh thu này đến từ hoạt động mua hàng trên ứng dụng.

Theo Gene Munster, giám đốc Công ty đầu tư mạo hiểm Loup Venture, tùy thuộc vào số lượng nhà phát triển tận dụng chính sách mới, việc chấm dứt phương thức thanh toán độc quyền có thể khiến Apple mất từ 1-4 tỷ USD.

Nhưng ngay cả khi mất vài tỷ USD mỗi năm, hoa hồng từ việc kinh doanh ứng dụng chỉ đóng một phần nhỏ trong tổng doanh thu của Apple.

Riêng trong năm tài chính 2021, Apple ước tính thu về 360 tỷ USD. Do đó, thiệt hại dự kiến không đủ phá vỡ hiệu suất tài chính của công ty.

Thẩm phán không bắt buộc Apple thay đổi phí thu hoa hồng hoặc để các cửa hàng của bên thứ thứ 3 trên App Store. Ngoài ra, phán quyết chỉ có hiệu lực tại thị trường Mỹ, mặc dù mô hình hoạt động hiện nay của hãng đang áp dụng trên toàn cầu.

Epic Games cho rằng thẩm phán đang đứng về phía “Táo khuyết”. Trên mạng xã hội Twitter, Tim Sweeney – CEO của Epic – khẳng định phán quyết này không phải là chiến thắng cho nhà phát triển và người dùng.

Sau gần một năm bị xóa khỏi App Store vì sử dụng phương thức thanh toán riêng, trò chơi Fornite của Epic đã có thể trở lại.

Sweeney tuyên bố Epic sẽ chỉ khôi phục Fortnite trên App Store “khi nào và ở nơi Epic có thể cung cấp thanh toán trong ứng dụng cạnh tranh công bằng với thanh toán trong ứng dụng của Apple, giúp người dùng tiết kiệm chi tiêu.”

Phán quyết này sẽ cho phép người dùng mua trò chơi Fornite trên website của hãng thay vì thông qua App Store. Tuy nhiên, Epic cần phải xây dựng một trang web cho phép người dùng mua hàng và tích hợp liên kết đến website đó trong trò chơi.

Sweeney khẳng định sẽ tiếp tục “đấu tranh để cạnh tranh để đòi công bằng giữa các phương thức thanh toán trong ứng dụng và cửa hàng ứng dụng cho một tỷ người dùng”.

Song, Epic vẫn phải trả Apple 3,7 triệu USD vì cho phép người dùng mua hàng ngoài App Store từ tháng 8 đến tháng 10/2020. Thẩm phán cũng yêu cầu Epic thanh toán hoa hồng 30% các giao dịch thực hiện từ tháng 11 năm 2020 cho đến khi có phán quyết.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Bạn có thể không cần đến cửa hàng ứng dụng của Apple và Google để tải ứng dụng

Quốc hội có thể tước bỏ sự thống trị cửa hàng ứng dụng của Apple và Google và cho phép bạn tải xuống ứng dụng từ một nơi khác.

Apple CEO Tim Cook and Google CEO Sundar Pichai. Mandel Ngan/Getty Images; Denis Balibouse/Reuters

Thật khó để có thể theo dõi chi tiết các dự luật của quốc hội được thiết kế để kiểm soát các công ty công nghệ.

Nhưng một trong số những dự luật đặc biệt hiện đang nhắm vào các cửa hàng ứng dụng của Apple (App Store) và Google (Google Play) – và nếu nó được bật đèn xanh, nó có thể thay đổi cách bạn tải xuống ứng dụng trên điện thoại thông minh của mình.

Được mệnh danh là đạo luật thị trường ứng dụng mở, nó sẽ cho phép bạn cài đặt ứng dụng từ những nơi khác ngoài cửa hàng ứng dụng của Apple và Google, cả hai đều được cài đặt sẵn trên iPhone và Android.

Ngành công nghiệp mới gọi đó là sideloading, và nếu nó được cho phép, sẽ đánh dấu một bước ngoặt mới về cách mọi người truy cập ứng dụng và sử dụng điện thoại của họ.

Google hiện đã cho phép người dùng của mình truy cập các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba (third-party app stores), nhưng Apple thì không.

Các ứng dụng sideloading có nghĩa là chúng sẽ không trải qua quá trình kiểm tra của Apple, đó là lý do tại sao Apple cho biết trong một bài đăng của họ rằng điều đó sẽ “khiến người dùng phải đối mặt với các rủi ro bảo mật nghiêm trọng” chẳng hạn như tội phạm mạng và các phần mềm độc hại.

Tuy nhiên, các kiến ​​trúc sư của dự luật nói rằng các sideloading apps sẽ bao gồm các bộ phận bảo vệ an toàn cho quyền riêng tư của mọi người.

Google và Apple, mà cụ thể là Apple, đã phải đối mặt với sự lên án lớn về những gì các nhà phê bình nói là ‘lợi thế không công bằng mà họ sử dụng’ với các cửa hàng ứng dụng của họ.

Theo Sensor Tower, các cửa hàng của Google và Apple đã tạo ra 111 tỷ USD doanh thu vào năm 2020.

Cả hai ứng dụng này đều cắt từ 15% đến 30% tất cả các giao dịch mua hàng được thực hiện trong ứng dụng, nhưng các ứng dụng của riêng họ thì được miễn phí.

Liên quan đến vấn đề này, CEO Elon Musk của Tesla cũng đã gọi khoản phí của Apple là “khoản thuế toàn cầu thực sự trên internet” – vì đã ‘hút’ quá nhiều doanh thu.

Tại phiên điều trần chống độc quyền tại Thượng viện vào tháng 4, Match Group cho biết khoản chi lớn nhất của họ trong năm 2020 là 30% phí cửa hàng ứng dụng – công ty này đã thu về 2,4 tỷ USD doanh thu vào năm ngoái và đã phải trả tới 500 triệu USD hoa hồng cho các cửa hàng ứng dụng.

Ngoài đạo luật thị trường ứng dụng mở, hai dự luật mới cũng là một phần của gói chống độc quyền gồm năm dự luật đã được công bố từ tháng Sáu.

Đạo luật trực tuyến về sự lựa chọn và đổi mới của Mỹ và Đạo luật về chống độc quyền nền tảng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Apple.

Và ngay sau khi Thượng viện ban hành Đạo luật Thị trường Ứng dụng Mở (Open App Markets Act), các nhà làm luật của Hạ viện cũng đã đưa ra dự luật mới của riêng họ nhằm thiết lập ranh giới chặt chẽ hơn cho các công ty công nghệ trong việc vận hành các cửa hàng ứng dụng của riêng họ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Long Trần

Apple sẽ phải thay đổi mô hình ‘gà đẻ trứng vàng’ với App Store

Phần trả lời của CEO Tim Cook là bước ngoặt mới trong cuộc chiến pháp lý giữa Apple và Epic Games.

Việc Fortnite bị xóa khỏi App Store khởi nguồn cho vụ kiện giữa Epic Games và Apple. Ảnh: Cnet.

Những phiên điều trần trong vụ kiện của Epic Games với Apple đã kết thúc vào tuần qua, với sự xuất hiện của CEO Apple Tim Cook.

Khi phiên tòa mới bắt đầu, nhiều chuyên gia pháp luật như nhà phân tích Nick Rodelli cho rằng Epic chỉ có 1/3 khả năng chiến thắng. Tuy nhiên, sau khi những phiên điều trần kết thúc, kết quả của vụ kiện lại khó đoán hơn.

Ông Nick Rodelli cho rằng Epic hiện tại có tới 55% khả năng chiến thắng, bởi Apple đã đánh mất đi giá trị và uy tín của mình khi cố gắng ngụy biện trước những câu hỏi quan trọng mà thẩm phán đưa ra.

Thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers có vẻ cũng quan tâm đến các thông tin kinh doanh hơn là các tiền lệ pháp lý cũ, một điểm có lợi cho Epic.

Lợi nhuận từ App Store.

Cuộc chiến pháp lý giữa Epic Games và Apple bắt đầu vào năm 2020, khi hai bên tranh luận về mức phí 30% mà Apple thu từ các nhà phát triển ứng dụng.

Epic khẳng định Apple nhận được các khoản lợi nhuận khổng lồ lên tới 78% từ ứng dụng và điều này cho thấy rõ ràng hành vi độc quyền của Apple.

Apple bác bỏ cáo buộc độc quyền, nhưng không cung cấp thông tin gì thêm về con số lợi nhuận mà Epic đưa ra. Đại diện của Apple lập luận rằng không thể tính toán một con số lợi nhuận cụ thể cho App Store vì công ty không phân chia chi phí và doanh thu theo cách đó.

Epic cho rằng việc Apple không muốn chia sẻ chi tiết về mức lợi nhuận là bằng chứng cho thấy hãng đã nhận thức được cuộc chiến chống cạnh tranh đang diễn ra.

Sự xuất hiện của Tim Cook.

Những người quan sát và có mặt tại phiên tòa khẳng định rằng lời khai của Tim Cook sẽ là một bước ngoặt mới gây bất lợi cho Apple, bởi ông luôn né tránh các câu hỏi về vấn đề biên lợi nhuận và nhiều vấn đề khác.

Luật sư Gary Bonstein của Epic đã đưa ra nhiều câu hỏi dành cho CEO Apple về điều khoản và điều kiện đối với các nhà phát triển ứng dụng . Tuy nhiên, Tim Cook thường xuyên trả lời ngây rằng ông không biết rõ chi tiết.

Tim Cook cũng không thể lý giải tại sao Google phải trả cho Apple số tiền ước tính lên tới 10 tỷ USD mỗi năm để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên iPhone.

“Liệu có thể tin được rằng Apple không nắm rõ và không hiểu lợi nhuận của chính mình? Đây sẽ là bằng chứng làm ảnh hưởng đến uy tín của Apple trước toà án”, chuyên gia pháp lý Rodelli nhận xét.

Thẩm phán Gonzalez Rogers cũng đặt ra câu hỏi, tại sao sau thời điểm mà Epic đưa đơn kiện thì Apple lại cắt giảm 30% hoa hồng xuống còn 15% cho một số loại giao dịch, ứng dụng.

Nữ thẩm phán cho rằng hành động của Apple có thể là phản ứng từ vụ kiện pháp lý chứ không phải để tăng khả năng cạnh tranh.

Trả lời câu hỏi này, CEO Tim Cook cho rằng Google đã cắt giảm mức phí của Play Store xuống còn 15% để cạnh tranh sau khi Apple làm điều đó.

Thị trường của App Store là gì.

“Nếu Epic có thể thuyết phục trước tòa rằng thiết bị Apple là một thị trường độc quyền, họ có thể thành công. Chúng tôi thì cho rằng điều đó khó xảy ra”, Amit Daryanani, nhà phân tích tại Evercore ISI nhận xét.

CEO Tim Cook cho rằng mặc dù Apple kiểm soát quyền truy cập vào iPhone thông qua App Store, người dùng vẫn có thể chuyển sang các hệ sinh thái khác, và nhà phát triển cũng có thể tiếp cận người dùng trên các hệ sinh thái đó.

Theo Apple, thị trường cho game Fortnite lớn hơn hẳn so với các app hẹn hò hoặc ứng dụng chỉ chạy trên smartphone. Game của Epic hoạt động trên cả nền tảng Windows, Xbox và PlayStation.

Tại phiên tòa xét xử, các tài liệu của toà án tiết lộ rằng doanh thu từ App Store chỉ chiếm 7% tổng doanh thu của Fortnite.

Tiền lệ MacBook.

Trong phiên tòa, Epic Games tuyên bố rằng họ hy vọng thẩm phán sẽ ra lệnh cho Apple nới lỏng chính sách, cho phép các nhà phát triển phân phối ứng dụng bên ngoài App Store và cho phép thanh toán bên ngoài hệ thống độc quyền của Apple.

Apple bác bỏ cáo buộc độc quyền và cho biết giải pháp do Epic Games đề xuất sẽ không hiệu quả, vì nó sẽ làm giảm tính bảo mật của iPhone và khiến quá trình thu tiền thanh toán trở nên rắc rối hơn

Epic phản hồi bằng ví dụ MacBook và iMac. Các thiết bị này cho phép người dùng cài đặt ứng dụng từ nguồn bên ngoài, không nằm trong Mac Store.

Trả lời câu hỏi này, đại diện Apple thừa nhận Mac không an toàn.

“Chúng tôi thừa nhận có malware trên Mac, và nhận thấy vấn đề này không thể chấp nhận được và tệ hơn nhiều so với iPhone”, Craig Federighi, Phó chủ tịch mảng phần mềm của Apple cho biết.

“Mac là một chiếc xe mà bạn có thể mang ra đường và đi bất cứ nơi đâu. Nhưng với iPhone, chúng tôi đã tạo ra một thiết bị mà, bà biết đấy, trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh, cũng có thể sử dụng và được an toàn”, ông Federighi nói trước tòa.

Mức phí 30% của Apple vẫn là tâm điểm.

Các nhà phân tích cho biết không có gì ngạc nhiên khi thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers nghi ngờ lập luận của cả hai bên.

Bà Rogers tỏ ra nghi ngờ về một số tuyên bố của Apple, chẳng hạn như sự kiểm soát chặt chẽ của họ đối với hoạt động tiếp thị và đánh giá ứng dụng, điều này đã vượt qua các cáo buộc chống độc quyền của Epic Games.

Bà cũng xem xét liệu có đủ tiền lệ pháp lý và bằng chứng để chứng minh Apple đang ở vị thế độc quyền và có hành vi chống cạnh tranh hay không.

Bà cho rằng nếu Apple có đối thủ cạnh tranh, chắc chắn con số 30% phải thay đổi kể từ khi hãng giới thiệu App Store. Thực tế là Apple vẫn giữ con số 30% hơn 10 năm nay.

Quyết định của tòa sẽ chỉ được công bố trong vài tuần tới.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Đan Linh | MarketingTrips

Tinder là ứng dụng có doanh thu cao nhất tại Châu Âu

Dịch bệnh không được kiểm soát tốt ở châu u lại là điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng ở thị trường mobile app nơi đây.

Người tiêu dùng châu Âu đã chi tiêu ước chừng 14,8 tỷ USD trên App Store và Play Store trong năm qua, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm 2019, theo báo cáo mới đây của Sensor Tower. Con số này đã chiếm 13,3% chi tiêu mobile app toàn cầu trong năm 2020.

Về số lượt tải, người dùng châu Âu đã thực hiện 28,4 tỷ lượt cài đặt trong năm 2020, tăng 17,4% so với năm 2019. Trong đó, lượt cài đặt trên Android chiếm tỷ lệ 73,9% so với chỉ 26,1% của iOS.

Trong số các nước châu Âu, Anh vẫn là nước đóng góp phần doanh thu cao nhất với 2,9 tỷ USD, theo sau là Đức (2,8 tỷ USD), Pháp (1,7 tỷ USD), Nga (1 tỷ USD) và Ý (802 triệu USD).

Số liệu cũng cho thấy, người Anh chi tiêu trên App Store rất mạnh trong khi người Đức chi tiêu trên Play Store nhiều nhất khu vực. Nhưng nước đóng góp lượt tải nhiều nhất lại là Nga với 6 tỷ lượt.

Với dịch bệnh và cách ly diện rộng ở châu Âu, ứng dụng đứng đầu doanh thu năm 2020 chính là Tinder, theo sau là Netflix và YouTube.

Tuy nhiên, Sensor Tower cũng lưu ý không thống kê được doanh thu ngoài, như trường hợp của Netflix điều hướng người dùng thanh toán qua website để tránh phải cắt hoa hồng 30% cho Apple.

Về lượt tải, TikTok không có đối thủ trong năm qua khi đứng đầu cả App Store lẫn Play Store. Đuổi rất sát là WhatsApp và Zoom. Tuy vậy, vị thế của WhatsApp trong năm mới 2021 có thể bị lung lay dữ dội sau những lùm xùm gần đây liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu với Facebook.

Như thường lệ, game mobile vẫn là động lực chính thúc đẩy doanh thu toàn thị trường trong năm qua với 9,6 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2019 và chiếm 64,8% toàn châu Âu. Chi tiêu của game thủ châu Âu cũng chiếm 12% toàn cầu, theo báo cáo.

Về số lượt tải, Play Store có hơn 10 tỷ lượt cài đặt, chiếm 81% tổng lượt cài game ở châu Âu năm qua. Trong đó, bảng xếp hạng Top game ăn khách phản ánh nhiều xu hướng lạ ở khu vực này.

Đứng đầu tuyệt đối là Coin Master với doanh thu 398,2 triệu USD, theo sau là Brawl Stars với doanh thu 259 triệu USD. Tuy nhiên, game được tải về nhiều nhất lại là hiện tượng Among Us với 64,7 triệu lượt tải.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Đan Linh | MarketingTrips

Theo ICTNews

App Store mang về doanh thu cho Apple 64 tỷ USD năm 2020

Theo cùng một phân tích, con số này tăng từ con số ước tính 50 tỷ USD vào năm 2019 và 48,5 tỷ đô la vào năm 2018, cho thấy rằng doanh số bán hàng trên App Store đã tăng tốc mạnh mẽ trong đại dịch Covid-19.

Ảnh: Getty Images

Theo phân tích của CNBC, App Store của Apple đã thu về hơn 64 tỷ USD vào năm 2020.

Con số này tăng từ con số ước tính 50 tỷ USD vào năm 2019 và 48,5 tỷ USD vào năm 2018, theo cùng một phân tích, cho thấy rằng doanh số bán hàng trên App Store đã tăng mạnh trong đại dịch Covid-19 khi mọi người trú ẩn ở nhà và dành nhiều thời gian cũng như tiền bạc hơn cho các ứng dụng Trò chơi.

Theo phân tích của CNBC, doanh thu từ App Store đã tăng 28% vào năm 2020, tăng từ mức tăng 3,1% vào năm 2019.

App Store là lĩnh vực tăng trưởng cốt lõi của Apple, là một phần của bộ phận Dịch vụ của Apple, bộ phận đã báo cáo doanh thu 53,7 tỷ USD trong năm tài chính 2020 của Apple, kết thúc vào tháng 9.

Số tiền mà Apple kiếm được từ App Store của họ đã trở thành điểm sáng cho những người chỉ trích Apple, những người cho rằng họ có quá nhiều quyền lực.

Apple tính phí 30% cho doanh số bán hàng kỹ thuật số thông qua nền tảng của mình, với một số trường hợp ngoại lệ. Apple gần đây đã thay đổi cấu trúc phí của mình, cụ thể là giờ đây họ chỉ tính phí 15% với các công ty có doanh thu dưới 1 triệu USD trong App Store.

Vào năm 2020, một tiểu ban của Quốc hội đã phát hiện ra rằng Apple có quyền độc quyền đối với việc phân phối ứng dụng iPhone, điều mà họ cho rằng đã mang lại cho Apple lợi nhuận vượt trội.

Apple đang bị Epic Games kiện vì lý do chống độc quyền, hãng muốn tránh trả cho Apple 30% doanh thu từ các trò chơi dành cho iPhone của mình, điều mà hãng gọi là không công bằng.

Apple đã phủ nhận rằng App Store là độc quyền và hiện đang đấu tranh với các cáo buộc của Epic Games trước tòa.

Apple không tiết lộ doanh thu mà App Store của họ tạo ra mỗi năm. Thay vào đó, kể từ năm 2013, nó đã công bố các điểm dữ liệu vào tháng 1 bao gồm tổng số tiền mà Apple đã trả cho các nhà phát triển kể từ khi bắt đầu có App Store vào năm 2008.

Sử dụng những con số đó, có thể tính lại khoảng doanh thu mà App Store tạo ra dựa trên số tiền Apple trả cho các nhà phát triển trong một năm nhất định.

Theo một thông cáo báo chí, Apple đã trả cho các nhà phát triển 200 tỷ USD kể từ năm 2008, tăng 45 tỷ USD so với con số được công bố vào tháng 1 năm 2020.

Nếu đó bằng 70% doanh thu của App Store (trừ phí 30%), thì App Store đã thu về khoảng 64 tỷ USD trong năm 2020.

Có một số ngoại lệ đối với việc Apple cắt 30% doanh số bán hàng kỹ thuật số, điều đó có nghĩa là tổng doanh số bán hàng trên App Store của Apple thậm chí còn cao hơn.

Theo Sensor Tower, một công ty phân tích ứng dụng đã ước tính rằng App Store đã đạt doanh thu 72,3 tỷ USD vào năm 2020.

Vào năm 2016, Apple nói rằng các ứng dụng đăng ký năm thứ hai chỉ phải trả 15% và CEO của Apple, Eddy Cue đã gửi email cho CEO Amazon Jeff Bezos vào năm 2016 đề nghị Apple sẽ tính phí 15% đối với các đăng ký được đăng ký thông qua Amazon Prime.

Các ứng dụng kiếm tiền nhiều nhất trên App Store thường là các trò chơi (Gaming), không dựa trên đăng ký mà kiếm tiền thông qua mua hàng trong ứng dụng, được Apple tính phí 30%.

Bắt đầu từ năm nay, Apple sẽ tính phí các nhà phát triển nhỏ hơn, tức kiếm được ít hơn 1 triệu USD mỗi năm trên các nền tảng của Apple là 15%, thay vì 30% như trước đây.

Theo ước tính năm 2019 từ Sensor Tower, 1% nhà xuất bản ứng dụng hàng đầu tạo ra 93% doanh thu trên App Store và CH Play của Google.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Cathy Nhung | MarketingTrips 

Facebook chạy quảng cáo trên nhiều tờ báo lớn để chỉ trích các kế hoạch của Apple

Facebook cáo buộc Apple có hành vi phản cạnh tranh vì những thay đổi về quyền riêng tư trên hệ điều hành iOS 14.

“Apple đang hành xử phản cạnh tranh bằng cách sử dụng quyền kiểm soát của mình trên App Store với những nhà sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ để thu về lợi nhuận. Họ cần dừng lại hoàn toàn”, Dan Levy, Phó Chủ tịch mảng Quảng cáo và Sản phẩm Kinh doanh Facebook, nói trong một cuộc phỏng vấn.

Đáp lại, Apple cho biết các quy tắc mới vừa được hãng áp dụng trên App Store sẽ không yêu cầu Facebook phải “thay đổi cách tiếp cận người dùng và tạo quảng cáo được nhắm mục tiêu”.

Thay vào đó, Facebook chỉ cần cung cấp cho người dùng thiết bị của Apple tùy chọn sử dụng tính năng mới hoặc không.

“Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề đơn giản nhưng có thể bảo vệ người dùng của mình. Người dùng nên được biết khi nào dữ liệu của họ bị thu thập và chia sẻ trên các ứng dụng hoặc website khác để đưa ra lựa chọn hợp lý”, Apple cho biết trong một tuyên bố.

Apple vừa cập nhật phiên bản iOS 14.3, yêu cầu các nhà phát triển phải thêm chi tiết về thông tin bảo mật trên ứng dụng của mình. Ứng dụng phải cho người dùng biết những dữ liệu nào sẽ bị thu thập, giúp họ đưa ra quyết định có nên tải về hay không.

Cập nhật mới trên iOS 14 là bước tiếp theo của Apple nhằm cung cấp cho người dùng iPhone, iPad nhiều quyền kiểm soát hơn đối với dữ liệu của họ.

Trước đó, Apple có kế hoạch tung ra một tính năng mới trên iOS gọi là App Tracking Transparency. Tính năng này buộc các nhà phát triển ứng dụng phải chia sẻ mã nhận dạng kỹ thuật số, cho phép người dùng iPhone, iPad có thể theo dõi hoặc ngăn chặn các nhà quảng cáo như Facebook. Đây cũng là tính năng chính khiến Facebook phản ứng gay gắt.

Apple được cho là đã có ý định ra mắt App Tracking Transparency từ đầu năm nay, nhưng kế hoạch bị trì hoãn do đại dịch.

Hãng cho biết sẽ thực hiện các thay đổi vào năm 2021, trong đó đưa ra hướng đi nhằm chống lại ngành quảng cáo trực tuyến.

Gần đây, Facebook đã cho chạy quảng cáo toàn trang trên nhiều tờ báo lớn để chỉ trích các kế hoạch của Apple. Trong đó, mạng xã hội của Mark Zuckerberg thừa nhận những thay đổi của “Quả táo” sẽ hạn chế khả năng thu thập dữ liệu trên điện thoại cho quảng cáo hướng đối tượng.

Ngoài ra, Facebook cũng cho rằng Apple muốn loại bỏ các đối thủ để đưa vào nền tảng quảng cáo của chính mình trong tương lai.

Theo Levy, dù Facebook không đồng ý với cách tiếp cận của Apple, công ty vẫn sẽ tuân thủ các quy tắc mới. “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác trừ khi không muốn ứng dụng của mình có mặt trên App Store”, Levy nói.

Facebook và những công ty hoạt động nhờ quảng cáo trực tuyến khác tin rằng những động thái của Apple gần đây về quyền riêng tư sẽ khiến doanh thu của họ bị ảnh hưởng nặng nề, do người dùng sẽ được “nhắc nhở” rằng họ đang chia sẻ dữ liệu của mình cho quảng cáo.

Vào tháng 8, CEO Faceboook, Mark Zuckerberg nói rằng Apple đang “ngăn sáng tạo, ngăn cạnh tranh” và sử dụng App Store để “tính mức phí độc quyền”, đồng thời cảnh báo các nhà phát triển có thể mất tới 50% doanh thu từ quảng cáo trên iOS 14.

“Apple đang sử dụng ‘chiếc thòng lọng’ của mình để canh giữ các ứng dụng trên App Store”, Zuckerberg nói. “Sự đổi mới có lợi cho tất cả, nhưng Apple không muốn điều đó”.

Hiện tại, rất nhiều công ty phản đối việc Apple đưa ra các quy định riêng trên App Store. Hôm 16/12, đại diện Digital Content Next – một hiệp hội thương mại truyền thông kỹ thuật số với các thành viên như The New York Times và The Washington Post – cho biết đã gia nhập Liên minh Công bằng Ứng dụng (CAF).

Tổ chức phi lợi nhuận này cũng có các thành viên như Epic Games và Spotify – hai công ty bất đồng với Apple trước đó về tỷ lệ ăn chia hoa hồng trên App Store. Hiện, CAF đang kêu gọi các cơ quan quản lý trên toàn thế giới chống lại các hành vi “phản cạnh tranh” trên cửa hàng ứng dụng, chẳng hạn việc cắt giảm 30% doanh thu đối với các giao dịch mua trong ứng dụng mà Apple đưa ra.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

* Tiêu đề được sửa bởi MarketingTrips 

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo VnExpress