Skip to main content

Thẻ: Douyin

TikTok phiên bản Trung Quốc kiểm soát chặt các nội dung AI

Quy định mới của công ty mẹ ByteDance tuyên bố các chủ tài khoản Douyin (phiên bản của TikTok tại Trung Quốc) phải tự chịu trách nhiệm cho mọi hậu quả khi đăng tải nội dung AI trên nền tảng.

TikTok phiên bản Trung Quốc kiểm soát chặt các nội dung AI
TikTok phiên bản Trung Quốc kiểm soát chặt các nội dung AI

Theo SCMP, Douyin – phiên bản TikTok tại thị trường Trung Quốc – đã công bố một bộ quy tắc mới, yêu cầu toàn bộ nhà sáng tạo nội dung số phải dán nhãn những nội dung được xây dựng bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Đây được xem là động thái muốn siết luật những công cụ thông minh như chatbot AI ChatGPT, SCMP nhận định.

Phân biệt thật ảo trên Douyin.

Với việc dán nhãn để phân loại những nội dung từ AI (Artificial intelligence), Douyin sẽ giúp người dùng dễ dàng phân biệt đâu là thật, đâu là ảo. Đại diện nền tảng video ngắn cho biết các chủ tài khoản phải tự chịu trách nhiệm cho mọi hậu quả khi đăng tải nội dung AI trên nền tảng.

Bên cạnh đó, phiên bản TikTok ở Trung Quốc còn công bố những tiêu chuẩn kỹ thuật cho các nhà sáng tạo để từ đó có thể xây dựng các nội dung phù hợp.

Các quy định mới của hãng công nghệ đều dựa trên bộ Quy định hành chính mới về tổng hợp sâu (deep synthesis) đối với dịch vụ thông tin trên Internet có hiệu lực từ 10/1 tại Trung Quốc.

Theo SCMP, đạo luật mới đã đặt ra giới hạn cho các nhà sản xuất nội dung và người dùng trong lĩnh vực deep synthesis. Đây là một công nghệ sử dụng nền tảng AI để thực hiện các tác vụ tổng hợp sâu, máy học và các hệ thống xử lý thuật toán khác như deepfakes.

“Việc các công nghệ tổng hợp sâu phản hồi kết quả nhanh chóng, dễ vận hành và chi phí thấp sẽ tạo ra những rủi ro về an toàn và bảo mật cho người dùng.

Chúng có thể bị các nhóm tội phạm lợi dụng để để tạo, sao chép và lan truyền những thông tin sai lệch, bất hợp pháp hay sử dụng danh tính của người khác để lừa đảo”, công ty luật Allen & Overy cho biết.

Bộ luật mới của Douyin còn đề cập đến những công nghệ tạo lập, chỉnh sửa nội dung văn bản, âm thanh, video và phần mềm dựng ảnh ảo, không gian 3D.

Động thái của nền tảng video ngắn cho thấy ngành công nghệ Internet ở Trung Quốc đang bị kiểm soát gắt gao, đặc biệt là nguy cơ lan truyền các thông tin từ deepfake.

Dùng AI nhưng vi phạm luật sẽ bị phạt nặng.

Theo SCMP, Douyin cho phép người dùng đăng ký sử dụng những ảnh đại diện (avatar) kỹ thuật số do AI tạo ra – còn được gọi là nhân vật ảo.

Nhưng người dùng buộc phải xác nhận danh tính cá nhân trước khi sử dụng các avatar này.

Bên cạnh đó, những người dùng AI để xâm phạm bản quyền và quyền hình ảnh cá nhân sẽ bị “phạt rất nặng”.

Có tên là Quy định hành chính mới về tổng hợp sâu (deep synthesis) đối với dịch vụ thông tin Internet, bộ quy tắc đã được Cục Quản lý Không gian mạng (CAC), Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Công An Trung Quốc thông qua. Bộ luật sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 10/1.

Đạo luật mới về deepfake áp dụng với “những nền tảng, dịch vụ chuyên dùng công nghệ để chỉnh sửa, biến đổi hình ảnh, âm thanh của người dùng” bao gồm cả thuật toán học sâu, ứng dụng thực tế ảo tăng cường (AR).

Mọi dịch vụ deepfake dùng đều phải cam kết rằng tất cả nội dung sử dụng công nghệ này đều đã xin chuyển nhượng bản quyền, đồng thời cung cấp nguồn gốc để dễ dàng truy vết. Người dùng phải được thông báo và chấp thuận nếu có người muốn sử dụng hình ảnh, âm thanh của họ.

Các nhà phát triển dịch vụ AI cũng phải đảm bảo rằng các sản phẩm của họ tuân thủ các giá trị xã hội Trung Quốc, không được sản xuất các nội dung đi ngược chế độ chính trị, mang tính bạo lực, khiêu dâm hay cản trở trật tự xã hội. Tất cả sản phẩm từ AI cũng phải được CAC thông qua trước khi công bố đến đại chúng.

Luật sư Xuezi Dan tại Covington & Burling nhận định bộ luật của CAC cho thấy những vấn đề liên quan đến trí tuệ nhân tạo hiện là lo ngại lớn đối với chính phủ Trung Quốc như kiểm duyệt nội dung, minh bạch thuật toán và hoàn thiện bộ luật cho những công nghệ mới.

Các quy định về mặt luật pháp sẽ tạo ra không ít thách thức cho những nhà cung cấp dịch vụ AI tại Trung Quốc, luật sư cho biết.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

TikTok lần đầu chạm mốc 3 tỷ lượt cài đặt toàn cầu

Với 3 tỷ lượt cài đặt, TikTok là nền tảng đầu tiên ngoài sở hữu của Facebook đạt được con số kỷ lục này.

Former CEO TikTok | Zhang Yiming

Bất chấp sự ra mắt của nhiều ứng dụng cạnh tranh khác nhau, TikTok vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với các số liệu thống kê mới từ Sensor Tower nhấn mạnh mức độ phổ biến lâu dài của nền tảng khi nó thu hút những người chơi lớn hơn.

Theo Sensor Tower, TikTok, bao gồm phiên bản tiếng Trung của ứng dụng có tên ‘Douyin’, hiện đã vượt qua tổng số 3 tỷ lượt cài đặt trên toàn cầu – trở thành ứng dụng không thuộc sở hữu của Facebook đầu tiên đạt được mốc đó – trong khi đà tăng của nó vẫn chưa hề có dấu hiệu bị chững lại.

Theo Sensor Tower:

“TikTok là ứng dụng phi trò chơi được tải xuống nhiều nhất và có doanh thu cao nhất trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2021, đạt gần 383 triệu lượt cài đặt lần đầu tiên và ước tính chi tiêu của người tiêu dùng là 919,2 triệu USD.

Mặc dù lượt tải xuống mới của ứng dụng đã giảm 38% so với năm ngoái từ mốc gần 619 triệu trong nửa đầu năm 2020 – mức độ chi tiêu của người tiêu dùng ở TikTok đã tăng 73% so với mức 530,2 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái.”

Chi tiêu nhiều hơn cũng sẽ giúp TikTok duy trì sự phát triển và lợi thế cạnh tranh của mình, khi cả Facebook và YouTube (Shorts) đều đã nhận ra mối đe dọa đáng kể từ TikTok.

Facebook và YouTube hiện đang nỗ lực không ngừng để cải thiện các công cụ kiếm tiền cho nhà sáng tạo nhằm thu hút các ngôi sao nổi tiếng sử dụng nền tảng của họ.

Có thể nói trong bối cảnh này, một trong những bài toàn lớn nhất đặt ra cho TikTok đó là hoàn thiện cơ chế và hệ thống kiếm tiền cho nhà sáng tạo, điều mà hiện tại TikTok vẫn còn rất nhiều lỗ hổng. Nếu không thì mọi thứ cũng sẽ dần tan biến nếu các nhà sáng tạo chuyển đổi sang các nền tảng khác.

Đó là những gì đã xảy ra với Vine, một nền tảng video dạng ngắn của Mỹ khi ứng dụng không có quy trình kiếm tiền hiệu quả cho các nhà sáng tạo.

Đối với các nền tảng mạng xã hội, nhà sáng tạo (content creators) luôn được xem là điểm mấu chốt để xây dụng và mở rộng đối tượng người dùng. Snapchat đã chỉ trả 1 triệu USD mỗi ngày cho các video hay nhất trên ứng dụng Spotlight của mình.

Và gần đây, Facebook đã công bố một quỹ nhà sáng tạo trị giá 1 tỷ USD mới nhằm tăng thêm động lực cho các nhà sáng tạo trên Facebook và Instagram.

Quay trở lại với TikTok, theo Sensor Tower:

“Trong quý 2 năm 2021, TikTok đã chứng kiến ​​mức tăng trưởng chi tiêu người dùng hàng quý (QoQ) là 39%, tăng từ mức 384,7 triệu USD trong quý trước lên 534,6 triệu.

Lượt tải xuống TikTok cũng đã tăng tốc vào năm 2021, khi lượt tải xuống lần đầu tiên tăng 2% trên Quý lên 177,5 triệu vào Quý 1, 2021.”

Sự tăng trưởng của TikTok đúng là ‘không thể kiểm soát được’ – đặc biệt là khi nó cũng mất đi thị trường người dùng lớn thứ hai vào giữa năm ngoái, Ấn Độ.

Cũng chính điều này đã khiến cả Facebook và YouTube đều phải đang dè chừng. Tuy nhiên, khi cả YouTube và Facebook đều hiểu rằng có được chỗ đứng với những người trẻ tuổi là cách để chiếm lĩnh thị trường thì mọi thứ phía trước vẫn là một dấu chấm hỏi lớn.

Mọi thứ đều có thể thay đổi !

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips 

TikTok cho biết họ sẽ rời khỏi thị trường Hong Kong trong vòng vài ngày

“Chúng tôi đã quyết định ngừng hoạt động tại thị trường Hong Kong”, một phát ngôn viên của TikTok cho biết.

TikTok sẽ rời khỏi thị trường Hong Kong trong vòng vài ngày, một phát ngôn viên trao đổi với Reuters vào cuối ngày 6.7, bên cạnh đó các công ty công nghệ khác bao gồm cả Facebook cũng đã bị đình chỉ để xử lý các yêu cầu của chính phủ đối với dữ liệu người dùng trong khu vực.

Ứng dụng video dạng ngắn thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc này đã đưa ra quyết định rời khỏi khu vực sau khi Trung Quốc thành lập một đạo luật an ninh quốc gia mới cho thành phố bán tự trị.

‘Trước những sự kiện gần đây, chúng tôi đã quyết định ngừng hoạt động của ứng dụng TikTok tại Hong Kong’, một phát ngôn viên của TikTok trả lời câu hỏi của Reuters về cam kết của họ với thị trường Hong Kong.

TikTok hiện đang được điều hành bởi cựu giám đốc của Walt Disney, Ông Kevin Mayer, người đã từng nói trước đây rằng dữ liệu người dùng của ứng dụng này không được lưu trữ ở Trung Quốc.

TikTok cũng đã nói trước đó rằng họ sẽ không tuân thủ bất kỳ yêu cầu nào của chính phủ Trung Quốc về kiểm duyệt nội dung hoặc truy cập vào dữ liệu người dùng của TikTok, và cũng chưa bao giờ được yêu cầu làm như vậy.

Hong Kong là một thị trường nhỏ, hiện TikTok đang thua lỗ ở thị trường này, theo một nguồn tin cho biết. Tính đến tháng 8 năm 2019, TikTok đã thu hút được khoảng 150.000 người dùng ở Hong Kong.

Trên toàn cầu, TikTok đã được tải xuống hơn 2 tỷ lần thông qua các cửa hàng ứng dụng Apple Store và Google Play tính đến quý 1 năm 2020, theo số liệu từ Sensor Tower.

Mặc dù hiện tại không có kế hoạch giới thiệu Douyin (phiên bản của TikTok tại thị trường Trung Quốc) cho thị trường Hong Kong, ứng dụng này vốn đã có một lượng người dùng khá lớn ở trung tâm tài chính châu Á khi rất nhiều người Trung Quốc đi du lịch và ở lại ở Hong Kong.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips 

Tham khảo: CNBC