Skip to main content

Thẻ: Lazada

Lazada lấn sân sang dịch vụ gọi xe công nghệ

Vị trí bắt mắt của CDG Taxi trong ứng dụng Lazada tại Singapore cho thấy ông lớn TMĐT này đang cố gắng mở rộng các hoạt động ra ngoài dịch vụ cốt lõi của mình, nhằm hướng tới một siêu ứng dụng như Grab và Gojek.

Lazada được biết đến là một trong những nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) hàng đầu Đông Nam Á, thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba hiện diện tại 6 quốc gia trong khu vực gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Philippines.

Dự kiến đến năm 2030, Lazada đặt mục tiêu phục vụ 300 triệu khách hàng vào năm 2030.

Để thực hiện mục tiêu này, Lazada đang cung cấp nhiều dịch vụ tích hợp như: thương mại, hậu cần, thanh toán và gần đây là tính năng đặt vé máy bay tại các thị trường là Singapore và Philippines.

Theo những thông báo mới nhất, Lazada đang tham vọng lấn sân dịch vụ gọi xe công nghệ thông qua việc hợp tác cùng dịch vụ gọi xe là CDG Taxi thuộc công ty vận tải Singapore ComfortDelGro áp dụng tại thị trường Singapore.

Vị trí bắt mắt của CDG Taxi trong ứng dụng Lazada tại Singapore cho thấy ông lớn TMĐT này đang cố gắng mở rộng các hoạt động ra ngoài dịch vụ cốt lõi của mình, nhằm hướng tới một siêu ứng dụng như Grab và Gojek.

Về ComfortDelGro, vào tháng 1/2021, ComfortDelGro đã bổ sung thêm 25 xe ô tô cho thuê và tiến hành đợt thử nghiệm kéo dài 1 tháng đối với dịch vụ gọi xe của mình, đối đầu với hai gã khổng lồ Đông Nam Á là Grab và Gojek.

ComfortDelGro cho biết có mạng lưới toàn cầu với hơn 40.000 xe. ComfortDelGro hoạt động ở 7 quốc gia, trong đó có Việt Nam cùng các thị trường khác như Singapore, Malaysia, Úc, Trung Quốc, Vương quốc Anh và Ireland.

Đây không phải là lần đầu tiên giữa Lazada và ComfortDelGro. Trước đó, vào tháng 4/2020, ComfortDelGro đã làm việc với RedMart – một dịch vụ trên Lazada để giúp giao hàng tạp hóa ở Singapore trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Thực tế, không phải tất cả các dịch vụ trên Lazada đều khả thi ở mọi thị trường hãng hoạt động.

Chẳng hạn, người dùng Lazada ở Indonesia và Philippines có thể thanh toán hóa đơn và nạp tiền điện thoại – các dịch vụ cũng được Grab và Gojek cung cấp – thì tính năng gọi taxi trên ứng dụng Lazada không khả dụng bên ngoài Singapore.

Trong khi đó ở Việt Nam, vào cuối năm 2020, Lazada cũng đã hợp tác với Grab để tích hợp các dịch vụ của cả hai công ty trên các nền tảng địa phương tương ứng của họ.

Sự hợp tác này cho phép người dùng Việt Nam truy cập dịch vụ giao bữa ăn theo yêu cầu GrabFood từ trang chủ của ứng dụng và trang web của Lazada. Nền tảng của Lazada cũng có thể được truy cập thông qua các liên kết được nhúng trên Grab.

Được biết, việc hợp tác này góp phần củng cố chiến lược đặt người tiêu dùng ở vị trí trọng tâm của hai công ty, giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ thanh toán điện tử thuận lợi và thông minh hơn tại thị trường Việt Nam, qua đó đóng góp tích cực vào nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Sàn thương mại điện tử nội chiếm ưu thế trong khu vực

Có đến 5 doanh nghiệp nội địa Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng top 10 sàn thương mại điện tử có lượng truy cập cao nhất khu vực, gồm: Thế Giới Di Động, Tiki, Sendo, Bách Hoá Xanh và FPT Shop.

iPrice phối hợp cùng SimilarWeb, AppsFlyer công bố báo cáo tác động của đại dịch lên ngành thương mại điện tử Việt Nam năm 2020.

Dưới tác động của dịch Covid-19 toàn cầu, báo cáo cho thấy nhiều thông tin đáng khích lệ cho các công ty thương mại điện tử nội địa, đồng thời mang đến cái nhìn tổng quan về ngành trong khu vực và đưa ra chỉ báo cho năm 2021.

Theo đó, có đến 5 doanh nghiệp nội địa Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng top 10 khu vực. Các doanh nghiệp lần lượt là Thế Giới Di Động, Tiki, Sendo, Bách Hoá Xanh và FPT Shop.

Bên cạnh đó là hai ông lớn Shopee, Lazada và ba startup Kỳ lân là Tokopedia, Bukalapak và Blibli từ Indonesia.

Thế Giới Di Động chiếm giữ thứ hạng 5 trong các website thương mại điện tử Đông Nam Á với lượt truy cập trung bình năm là 28,6 triệu, chỉ cách Bukalapak 7 triệu lượt truy cập.

Tính riêng thị trường trong nước, Thế Giới Di Động là doanh nghiệp nội địa nằm ở vị trí thứ hai trong suốt cả năm 2020, theo như báo cáo bản đồ thương mại điện tử Quý 4 năm 2020.

Nằm ở vị trí thứ 6, sàn thương mại điện tử đa ngành Tiki vượt qua Blibli để ở thành điểm sáng của doanh nghiệp Việt với 22,5 triệu lượt truy cập trong bảng xếp hạng lượt truy cập trung bình trong khu vực.

Theo sau đó là Sendo với 14,3 triệu lượt truy cập và xếp hạng thứ 8. Ở báo cáo Quý 2 năm 2019, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều nằm ở top dưới của các website thương mại điện tử Đông Nam Á, tuy vậy cán cân này đã thay đổi rõ rệt hơn trong báo cáo năm 2020.

Đồng thời, bản đồ thương mại điện tử Đông Nam Á còn cho thấy Việt Nam là thị trường lớn thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia.

Tổng lượt truy cập website trung bình năm 2020 của Việt Nam gấp 4 lần so với Malaysia, 3 lần so với Philippines và 2 lần với Thái Lan.

Điều này càng khẳng định mạnh mẽ tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp nội địa trong khu vực và kích cỡ của thị trường thương mại điện tử nước nhà. Theo như dự đoán của Google, thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2025 sẽ có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực là 34%.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, có thể thấy rằng các doanh nghiệp thương mại điện tử đã nhanh chóng đổi mới để đón đầu xu hướng.

Hầu hết các sàn thương mại điện tử Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều tập trung tạo ra những giá trị bổ sung hướng đến khách hàng để thu hút và giữ chân họ trên nền tảng, ứng dụng.

Khảo sát của iPrice Group và AppsFlyer trên hơn 12,4 triệu lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên các thiết bị Android cho thấy, tỷ lệ gỡ ứng dụng tại Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, lên đến 49% giai đoạn Quý 2 năm 2020.

Điều này chứng tỏ người tiêu dùng trung thành hơn với lựa chọn của mình, họ có xu hướng xoá các ứng dụng không phù hợp sau khi thử dùng.

Vì thế, bên cạnh việc tập trung vào các chiến dịch thu hút khách hàng, các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam cũng cần cân nhắc đến việc cải thiện trải nghiệm của khách hàng mới hơn nữa.

Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company đề cập rằng nhân tài là yếu tố các doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực cải thiện để đảm bảo đà duy trì tăng trưởng.

Điều này hoàn toàn có cơ sở khi thương mại điện tử Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, từng bước tiến tới dự báo đạt quy mô thị trường 29 tỷ USD vào năm 2025, cộng thêm lĩnh vực thương mại điện tử còn mới và chưa có nhiều trường lớp đào tạo bài bản, chuyên sâu.

“Miếng bánh” thị trường thương Mại Điện Tử trị giá hàng tỷ USD chỉ có một, doanh nghiệp nào sớm có sự chuẩn bị, đón đầu thị trường và thực thi chiến lược nhanh chóng sẽ giành lấy phần bánh lớn hơn.

Tuy vậy, việc chắp bút vẽ lại thị phần của thị trường thương mại điện tử không phải là việc một sớm một chiều có thể thực hiện được.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Theo The Leader

3 xu hướng thương mại điện tử chính trong năm 2021

Thanh toán kỹ thuật số tăng, logistics lên ngôi, cùng sự đổi mới trong chiến lược bán hàng được dự báo sẽ là 3 xu hướng chủ đạo của thương mại điện tử năm nay.

Đại dịch Covid-19 diễn ra thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp và người dùng chuyển đổi sang nền tảng trực tuyến, đây là xu hướng sẽ tiếp tục trong thời kỳ bình thường mới.

Việc mua sắm trực tuyến phát triển từ trải nghiệm giao dịch thuần túy dần sang trải nghiệm mang tính xã hội hơn, các nền tảng thương mại điện tử tích hợp nhiều yếu tố tương tác như trò chơi và livestream để gia tăng kết nối với người dùng.

Cùng với những tiến bộ công nghệ, sự gia tăng độ phủ của internet và xu hướng trẻ hóa dân số với một thế hệ trẻ am hiểu công nghệ và những gia đình có thu nhập mức trung bình trở lên, do đó, thương mại điện tử được kì vọng sẽ đóng một vai trò tích hợp trong cách sống, kết nối và kinh doanh.

Ông Trần Tuấn Anh, CEO Shopee Việt Nam cho rằng, thanh toán kỹ thuật số tăng, logistics lên ngôi, cùng với sự đổi mới trong chiến lược bán lẻ của nhà bán hàng sẽ là 3 xu hướng chủ đạo của năm nay.

Thanh toán kỹ thuật số đi vào cuộc sống

Thanh toán kỹ thuật số là phương thức đang được ưa chuộng trên các sàn thương mại điện tử, theo đó, việc ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận với thương mại điện tử cũng trở thành động lực thúc đẩy xu hướng thanh toán không tiền mặt tại các cửa hàng.

Theo ghi nhận, tổng số đơn hàng Shopee được thanh toán qua ví điện tử AirPay trên toàn khu vực đã tăng trưởng gấp 4 lần.

Trong đó, nhóm tăng trưởng mạnh nhất ở hầu hết các thị trường là nhóm người dùng trên 50 tuổi, minh chứng cho tính dễ tiếp cận của ví AirPay đối với độ tuổi thường được xem là khó thích ứng với kỹ thuật số.

Trong bối cảnh chính phủ đang hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt, cùng tác động của dịch bệnh đã thúc đẩy quá trình này ở một số khu vực thường có các giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt.

Khi người tiêu dùng và doanh nghiệp đã nhanh chóng chấp nhận thanh toán kỹ thuật số với mục đích mang lại sự tiện lợi và tính bảo mật cao hơn.

Bên cạnh đó, số lượng cửa hàng là đối tác tại Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán này tác như 7-Eleven, MyKingdom và Guardian cũng tăng trưởng 2 lần trong năm 2020.

Thanh toán kỹ thuật số tăng, logistics lên ngôi, cùng với sự đổi mới trong chiến lược bán lẻ của nhà bán hàng sẽ là 3 xu hướng chủ đạo của năm 2021

Dịch vụ hậu cần chính là huyết mạch

Nhu cầu về các sản phẩm thiết yếu hàng ngày và các thiết bị gia dụng có sự gia tăng đáng kể là một minh chứng.

Tại Việt Nam, sức tiêu thụ các mặt hàng liên quan đến Thực phẩm, Sức khỏe và Gia đình đã tăng gấp 2 lần, cho thấy dịch vụ hậu cần đã trở nên quan trọng khi người tiêu dùng dần chuyển sang các nền tảng thương mại điện tử và có mong đợi nhiều hơn về việc giao hàng hiệu quả.

Việc khai thác mạng lưới rộng lớn và tích hợp của các nền tảng thương mại điện tử được xem là một phương thức hiệu quả giúp các doanh nghiệp và nhà bán hàng tận dụng công nghệ để tối ưu quá trình vận chuyển hàng hóa với chi phí tiết kiệm.

Các sàn thương mại điện tử hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô và tập trung vào tăng trưởng một cách hiệu quả, bằng cách cung cấp toàn bộ quá trình từ kiểm duyệt đến giao hàng, bao gồm cả việc liên tục củng cố mạng lưới kho hàng và năng lực hậu cần.

Năm ngoái, các dịch vụ vận chuyển liên tục mở rộng phạm vi hoạt động để tiếp cận nhiều người dùng hơn, bao gồm cả người dùng ở khu vực nông thôn.

Shopee ghi nhận ​​nhiều doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng hậu cần với số lượng mặt hàng được vận chuyển từ kho tăng gấp 3 lần vào năm 2020.

Chiến lược dành cho các nhà bán hàng

Đại dịch đã thúc đẩy các doanh nghiệp, thương hiệu ở mọi quy mô đẩy mạnh các chiến lược kỹ thuật số để tiếp cận người dùng hiệu quả hơn.

Khi kênh trực tuyến trở thành một kênh doanh thu lớn hơn cho các thương hiệu và nhà bán hàng, các nền tảng thương mại điện tử cần phải thích ứng và phối hợp với họ để hiện thực hóa các chiến lược bán lẻ sáng tạo nhằm thu hút khách hàng theo những cách riêng và tăng cường sự hiện diện trực tuyến của những thương hiệu và nhà bán hàng này.

Một ví dụ cụ thể, Shopee đã hợp tác với thương hiệu POND’S để tích hợp giải pháp công nghệ làm đẹp được hỗ trợ bởi AI, Skin Advisor Live vào trải nghiệm mua sắm trực tuyến.

Điều này cho phép người mua hàng trải nghiệm quá trình phân tích chăm sóc da được cá nhân hóa trực tuyến miễn phí và đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt hơn.

POND’s cũng tận dụng những công cụ tương tác sẵn có của Shopee như hình thức livestream để tương tác với khách hàng mục tiêu của thương hiệu này.

Cơn sốt livestream và chơi mini game trên các ứng dụng thương mại điện tử được dự báo sẽ tiếp tục trong năm nay.

Tại lễ hội mua sắm đón Tết Tân Sửu hồi tháng trước, tổng lượt xem Lazlive trên Lazada tăng hơn 6 lần so với lễ hội mua sắm Tết 2020.

Cùng với đó, hoạt động livestream trong 48h kết hợp giữa các tập Siêu Hội Chém Giá và đại nhạc hội Lazada Super Show đã thu hút hơn 15 triệu lượt xem.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Theo The Leader

TMĐT Việt Nam: Lượng truy cập website Tiki, Lazada, Sendo giảm, Shopee tăng mạnh

iPrice Group phối hợp cùng SimilarWeb và App Annie vừa công bố báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam quý II.

Theo báo cáo này, Shopee tiếp tục là website TMĐT được truy cập nhiều nhất trong quý II với gần 52,5 triệu lượt, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng truy cập vào website các trang TMĐT khác như Thế giới di động; Tiki; Sendo; Lazada đều giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Theo số liệu thu thập từ các giao dịch trên website iprice.vn trong 6 tháng đầu năm 2020, giá trị trung bình của các đơn hàng trực tuyến tại Việt Nam đạt 344.000 đồng. Cùng kỳ năm 2019, con số này chỉ là 262.000 đồng. Như vậy sau một năm, mức chi trung bình cho mua sắm trực tuyến của người dân Việt Nam đã tăng thêm 31%.

“Trong bối cảnh tồn tại những lo ngại về việc sức mua giảm thì việc người dân vẫn chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến là một dấu hiệu đáng mừng. Nó cho thấy có một sự chuyển dịch trong hoạt động mua sắm từ kênh offline lên online tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2020”, báo cáo đánh giá.

Bách hóa trực tuyến tăng trưởng vững chắc

Trong quý I, Bản đồ thương mại điện tử của iPrice Group chỉ ra nhu cầu mua sắm bách hóa trực tuyến tăng mạnh. Sang quý II, dù Việt Nam sớm kết thúc giãn cách xã hội và có 99 ngày không có ca nhiễm mới nhưng xu hướng này vẫn được duy trì tốt.

Dữ liệu từ iPrice Group và SimilarWeb cho thấy: sau 6 tháng đầu năm, lượng truy cập vào các website bách hóa tăng hơn 41%. Tương tự, lượng truy cập vào các website ngành hàng mỹ phẩm & chăm sóc sức khỏe tăng 21%.

Theo iPrice, kết quả này chứng minh rằng nhu cầu cho hai ngành hàng bách hóa và chăm sóc sức khỏe trên kênh trực tuyến không phải là nhất thời. Cú hích từ Covid-19 đã tạo ra các thói quen mua sắm trực tuyến mới, mang đến động lực tăng trưởng lâu dài cho các ngành hàng trước đây vốn không phải là trọng tâm.

Trước xu thế này, trong quý vừa qua, các sàn TMĐT dường như đã xác định được bách hóa và thực phẩm tươi sống là một hướng cạnh tranh dài hạn, dẫn đến những bước đi cụ thể, quyết đoán hơn.

Từ đó, các sàn TMĐT đang tạo ra một động lực phát triển lớn cho ngành bách hóa trực tuyến, đặc biệt là về hậu cần giao vận. Giữa tháng 4, Lazada triển khai cung cấp thực phẩm tươi sống, giao hàng nhanh trong 2 giờ. Đến tháng 5, Tiki cũng giới thiệu TikiNGON – dịch vụ bán hàng tươi sống giao nhanh trong 3 giờ. Cuộc đua bách hóa trực tuyến đang nóng hơn bao giờ hết.

Ở chiều ngược lại, ngành hàng thời trang tiếp tục có một quý ảm đạm khi tổng lượng truy cập website giảm sâu 29% so với quý I. Ngành thiết bị di động cũng giảm đến 13% so với quý I, riêng điện máy trở lại mức tăng 10%. Sự sụt giảm trong chi tiêu do nhu cầu tiết kiệm của người dân đã khiến các ngành hàng không thiết yếu chịu thiệt hại.

Nổi bật mua sắm trên ứng dụng di động

Thời gian cao điểm dịch, đặc biệt trong tháng 4, các sàn TMĐT giảm các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo thường thấy nhưng đổi lại, đẩy mạnh các hoạt động livestream và game trên ứng dụng di động. Mục tiêu là để tăng tương tác và tăng lượng người sử dụng ứng dụng, tranh thủ quãng thời gian giãn cách xã hội.

Kết quả quý II, theo báo cáo của iPrice Group và App Annie, tổng số lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đã đạt 12,7 tỷ, cao nhất từ trước đến nay và tăng 43% so với quý I.

Tốc độ tăng trưởng này vượt qua phần lớn các nước trong khu vực. Theo iPrice Group và App Annie, cả khu vực Đông Nam Á trong quý II tăng 39%. Singapore tăng 25%. Indonesia tăng 34%. Xét con số cụ thể thì Việt Nam cũng xếp thứ ba toàn Đông Nam Á về tổng lượng truy cập các ứng dụng mua sắm trực tuyến, chiếm 19,5% thị phần toàn khu vực.

Đáng chú ý là cùng lúc đó, tổng lượng truy cập vào top 50 website thương mại điện tử Việt Nam lại giảm nhẹ 1% so với quý I.

Việc “cuộc chiến” thương mại điện tử lan tỏa lên ứng dụng di động đã được dự báo từ lâu. Cuối năm 2019, đầu năm 2020 chính là thời điểm các sàn TMĐT có nhiều thử nghiệm ráo riết nhằm phát triển mua sắm trên di động: Tiki có TikiLive, Shopee có Shopee Feed, Sendo có SenLive…

Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020 chính là bước ngoặc cụ thể để TMĐT Việt Nam đẩy nhanh quá trình này. Người dân ở nhà nhiều hơn, nhu cầu giải trí trực tuyến tăng cao là điều kiện lý tưởng để các sàn TMĐT áp dụng các tính năng mà họ đã thử nghiệm thời gian qua.

Trong bối cảnh đó thì cuộc chơi lại dường như đang bị lấn át bởi các doanh nghiệp ngoại. Theo iPrice Group và App Annie, top 10 ứng dụng mua sắm trực tuyến được sử dụng nhiều nhất Việt Nam trong quý II lần lượt có Shopee, Lazada, Tiki và Sendo, theo sau là một loạt các ứng dụng nước ngoài.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Thuý Minh | MarketingTrips 

Theo iPrice

Ly do đằng sau chuyện Tiki và Sendo phải sáp nhập ?

Xét trên cục diện hiện nay, việc Tiki và Sendo sáp nhập có thể coi là một bước liên thủ sức mạnh giữa các sàn thương mại điện tử trong nước để đấu lại đối thủ nước ngoài là Shopee và Lazada.

Tiki và Sendo phải sáp nhập

DealStreetAsia dẫn nguồn từ một trong những người liên quan cho biết, hai trang thương mại điện tử (TMĐT) Tiki và Sendo đã đồng ý sáp nhập. Trước đó vào tháng 2, một nguồn tin rò rỉ cũng cho biết hai bên đang đàm phán để tiến đến việc về chung một nhà.

Hiện cả 2 đều chưa lên tiếng chính thức về thông tin sáp nhập. Tuy nhiên, nếu là sự thật, có thể đưa ra 2 lý do dễ hiểu cho động thái này.

Tăng sức cạnh tranh trên thị trường

Hãy nhìn vào hai đối thủ của Tiki và Sendo trên thị trường, Shopee và Lazada. Dù cùng lọt vào top 4 sàn TMĐT lớn nhất Việt nam, nhưng các bên lại chia thành 2 nhóm với tính chất khác hẳn nhau.

Nhóm 1: Shopee, Lazada-Hoạt động từ nguồn vốn dồi dào của tập đoàn mẹ là Alibaba (Trung Quốc) và Sea (Singapore) nên liên tục được bơm vốn không ngừng.

Nhóm 2: Sendo, Tiki- Tự chứng minh năng lực để có thể huy động tiền đầu tư qua các vòng gọi vốn.

Dễ thấy sự chênh lệch tiềm lực này khi nhìn vào mức lỗ lũy kế hiện nay của các doanh nghiệp. Gia nhập muộn hơn Tiki những 6 năm nhưng đến thời điểm 2018, nghĩa là chỉ sau 2 năm vào Việt Nam, Shopee đã lỗ gấp đôi Tiki. Và các đối thủ ngoại đều không có ý định dừng đốt tiền trong cuộc chiến này.

Trong một cuộc phỏng vấn với VTV, ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho biết: “Tập đoàn mẹ của chúng tôi dùng một phần nguồn lợi nhuận dồi dào từ thị trường TMĐT Trung Quốc để đầu tư vào Việt Nam. Miễn là chúng tôi đang phục vụ tốt người dùng và nhà bán hàng thì thời gian là bạn của chúng tôi”.

Nếu Tiki và Sendo sáp nhập thành công, thị trường sẽ là cuộc đua tam mã giữa Shopee, Lazada và Tiki-Sendo.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), từng nhận định hồi tháng 2 rằng thương vụ này là một tín hiệu tốt cho thị trường, bởi họ sẽ bổ trợ, hỗ trợ nhau để tăng sức mạnh, tăng sức cạnh tranh. Sendo có những lợi thế ở thị trường nông thôn, ngoại thành, trong khi Shopee, Lazada, Tiki đang tập trung ở các đô thị lớn.

“Giả sử 2 doanh nghiệp này sáp nhập thì sẽ tạo ra một doanh nghiệp TMĐT nội đủ năng lực để cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Từ đó, Việt Nam mới làm chủ được những ngành công nghiệp tương lai như TMĐT”, ông Dũng bình luận.

Thích nghi với môi trường đầu tư đang biến đổi và xu hướng của thế giới

Cạnh tranh càng gay gắt đòi hỏi mức độ đầu tư ngày càng cao, nhất là trong một ngành như TMĐT, cần bơm tiền liên tục để giữ chân đối tác và khách hàng. Tuy nhiên xu hướng chuyển dịch khẩu vị của các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ phần nào ảnh hưởng đến startup dựa vào gọi vốn để tăng trưởng như Tiki hay Sendo.

Điều này đã được chứng minh qua câu chuyện của Leflair, startup đánh vào ngách thị trường TMĐT là bán hàng hiệu theo kiểu chớp nhoáng. Cùng cách thức gọi vốn như Tiki hay Sendo, từng được đầu tư rót đến 12 triệu USD nhưng Leflair đã phải tạm dừng hoạt động mà nguyên nhân CEO cho biết là do họ không thể gọi thêm vốn.

Ông Loic Gautier, cựu Tổng giám đốc Leflair chia sẻ với VTV: “Đang có 1 sự chuyển dịch trên thị trường vốn thế giới, các nhà đầu tư giờ muốn rót vốn vào những công ty có lợi nhuận hơn, điều đó khiến startup chưa sinh lời trong ngắn hạn gặp khó khi gọi vốn”.

Theo thông tin trên Reuters, sau cú sốc mang tên WeWork, làn sóng bùng nổ của các kỳ lân công nghệ tại Châu Á đã giảm dần trong năm 2019 cả về số lượng lẫn tốc độ gọi vốn. Còn số liệu từ PitchBook Data (công ty cung cấp dữ liệu, nghiên cứu và công nghệ bao gồm các thị trường vốn tư nhân, bao gồm đầu tư mạo hiểm…) thì chỉ có 23 công ty khởi nghiệp đạt giá trị tỷ USD trong năm 2019, con số này chỉ bằng một nửa so với năm 2018. Tốc độ gọi vốn cũng giảm 36% về số vụ và quy mô giảm 2/3.

Khi khẩu vị và độ chịu chi của nhà đầu tư thay đổi, phương án sáp nhập cũng có thể là “kịch bản” tốt cho cả Tiki và Sendo, vừa tăng sức hấp dẫn khi gọi vốn các vòng tiếp theo, vừa tái cơ cấu để hoạt động hiệu quả.

Nhìn trên bình diện rộng hơn, mua bán sáp nhập cũng là xu hướng của ngành TMĐT toàn cầu. Để có vị thế thống lĩnh thị trường TMĐT thế giới như hiện nay, Amazon đã mua lại, sáp nhập hơn 100 công ty khác nhau. Trong đó có những thương vụ nổi bật như Amazon mua lại công ty bán giày và quần áo Zappos với giá 1 tỷ USD hay trang bán sản phẩm trẻ em Quidsi với mức 500 triệu USD.

Theo giới đầu tư, thị trường Việt Nam cũng sẽ đi theo hướng này.

Ông Yoshihiro Ishawata, Phó chủ tịch quỹ đầu tư SBI Venture Capital cho biết: “Chúng tôi tin rằng thị trường TMĐT Việt Nam đã bước vào giai đoạn tập trung thị phần vào 4 doanh nghiệp mạnh nhất. Thời gian tới sự cạnh tranh giữa 4 doanh nghiệp sẽ gay gắt hơn nữa. Các thương vụ mua bán sáp nhập sẽ diễn ra để rồi chỉ còn 2, 3 cái tên trụ lại, chiếm thị phần lớn nhất”.

Tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips via Trí Thức Trẻ

CEO Tiki muốn lên sàn chứng khoán vì thua lỗ nặng trong cuộc đua đốt tiền

CEO Tiki mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn.Tiki còn đề xuất miễn giảm thuế, hỗ trợ phát triển hệ thống logistics và chuyển đổi số. Tiki vẫn đang thua lỗ và số lỗ ngày càng lớn do chi mạnh cho đầu tư và nhận diện thương hiệu.

tiki-marketingtrips2

Trong nội dung tham luận tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng nay (9/5), Tổng giám đốc Tiki Trần Ngọc Thái Sơn cho biết dịch Covid-19 đang khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và người dân cũng “thắt lưng buộc bụng” nhiều hơn để dự phòng cho những khó khăn trước mắt. Theo đó, ông Sơn đưa ra 4 kiến nghị để gỡ khó cho doanh nghiệp bán lẻ thương mại điện tử (TMĐT) và công nghệ.

CEO Tiki muốn hỗ trợ cơ chế tiếp cận vốn

Thứ nhất, CEO Tiki mong muốn Nhà nước xem xét hỗ trợ miễn giảm các loại thuế, điển hình như thuế giá trị gia tăng nhằm hạ thấp giá thành sản phẩm. Điều này sẽ các doanh nghiệp nội địa vẫn duy trì được năng lực sản xuất, đảm bảo sức cạnh tranh sòng phẳng. Người tiêu dùng cũng được tiếp cận với nguồn sản phẩm made-in-Vietnam với giá cả hợp lý khi thương mại quốc tế gặp nhiều hạn chế.

Thứ hai là khả năng tiếp cận vốn. Ông Thái Sơn đề xuất Nhà nước có những chính sách hỗ trợ để giúp các công ty công nghệ, thương mại điện tử, bán lẻ… dễ dàng tiếp cận với các khoản vay ưu đãi và nguồn vốn trong, ngoài nước.

“Vốn nước ngoài cũng là một giải pháp khả thi. Chúng tôi rất mong các thủ tục hành chính đối với việc tiếp nhận nguồn vốn nước ngoài trở nên đơn giản hơn, từ đó sẽ rút ngắn thời gian phê duyệt thay vì mất 2-3 tháng như hiện tại”, CEO Tiki bổ sung.

Việc tiếp cận được nguồn vốn ngoại dồi dào có thể giúp doanh nghiệp phục hồi và củng cố năng lực cạnh tranh. Hiện lĩnh vực TMĐT là ngành nghề kinh doanh đặc biệt nên khi nhận được vốn nước ngoài thì các sở Kế hoạch & Đầu tư phải hỏi ý kiến bộ nên thời gian kéo dài.

Các công ty công nghệ, công ty bán lẻ cũng mong muốn được tận dụng nguồn vốn đại chúng để đẩy nhanh quá trình huy động vốn. Vì vậy, ông Sơn kiến nghị Nhà nước có những chính sách nới lỏng điều kiện lên sàn đối với các doanh nghiệp trong nước.

“Ví dụ có thể thực hiện thí điểm dỡ bỏ điều kiện cần chứng minh lợi nhuận trong 3 năm để được IPO cho các doanh nghiệp công nghệ có nguồn vốn mạnh, năng lực vận hành vững vàng và uy tín trên thị trường”, tham luận của Tiki viết.

Thứ ba là kiến nghị phát triển hệ thống logistics tại Việt Nam, được xem là xương sống của nền kinh tế. ông Sơn cho rằng ngành logistics tại Việt Nam chưa thực sự hiệu quả, đơn cử với một đơn hàng có giá trị 10 đồng thì chi phí logistics có thể đến 2,5 đồng.

Cụ thể, Tiki xin đề xuất Nhà nước, Chính phủ và các cấp ban ngành tại từng địa phương có những chính sách ưu đãi cụ thể về vị trí kho bãi trong dài hạn dành cho các đơn vị logistics và TMĐT. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tự tin đầu tư lâu dài cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, kho bãi… giúp cắt giảm các bước trung gian không cần thiết.

Kiến nghị cuối cùng là giải pháp chuyển đổi số để tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Tiki nhận thấy một số khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, điển hình là nguồn nhân lực và kiến thức kinh doanh trên TMĐT vẫn còn hạn chế.

Nhà sáng lập Tiki mong có được sự đồng hành và phối hợp từ Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương trong việc truyền thông và đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh việc hợp tác với sàn TMĐT để đa dạng kênh phân phối, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh.

Tiki ngày càng lỗ trong cuộc đua “đốt tiền”

Hiện doanh nghiệp có nhiều nguồn huy động vốn để phát triển kinh doanh như vay vốn ngân hàng, huy động vốn riêng lẻ từ các nhà đầu tư thông qua phát hành cổ phiếu hay trái phiếu, huy động vốn từ công chúng thông qua IPO hay niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán…

Theo quy định niêm yết chứng khoán hiện nay, một công ty muốn lên sàn chứng khoán cần đáp ứng nhiều điều kiện trong đó có kết quả kinh doanh 3 năm gần nhất phải có lãi. Chỉ riêng điều kiện này thì Tiki đã “không có cửa” niêm yết.

Báo cáo thường niên của VNG Corp (cổ đông lớn chiếm 24% vốn của Tiki) cho thấy con số lỗ của trang thương mại điện tử này là gần 1.766 tỷ đồng trong năm 2019, tăng mạnh so với các năm trước đó.

Việc các trang thương mại điện tử thua lỗ không phải quá bất thường bởi đây là lĩnh vực kinh doanh phải chạy đua “đốt tiền” nhằm giành lấy thị phần. Các ông lớn khác như Lazada, Shopee hay Sendo cũng đều thua lỗ lớn trong các năm gần đây.

Không chỉ đến từ cạnh tranh khuyến mãi mà Tiki còn tăng cường nhận diện thương hiệu khi chi kinh phí lớn để tiếp cận giới trẻ thông qua các video âm nhạc của các ca sĩ nổi tiếng. Công ty cũng tăng trải nghiệm khách hàng khi ra mắt tính năng livestream TikiLIVE, đầu tư cho hệ thống kho bãi, đầu tư cho đội ngũ giao hàng…

Được thành lập vào đầu năm 2010, Tiki hiện là trang TMĐT nằm trong top 10 tại khu vực Đông Nam Á. Hệ sinh thái kinh doanh bao gồm các thành viên như đơn vị bán lẻ Tiki Trading và Sàn giao dịch cung cấp 10 triệu sản phẩm, dịch vụ vé Ticketbox và TikiNOW Smart Logistics cung cấp dịch vụ đầu cuối.

VNG Corp hiện là cổ đông lớn nhất chiếm 24,25% vốn Tiki và tính đến cuối năm 2019 đã rót hơn 506 tỷ đồng vào sàn TMĐT này. Việc thua lỗ lớn của Tiki trước đây buộc VNG phải thường xuyên trích lập dự phòng và làm giảm lợi nhuận tập đoàn.

Tuy nhiên, đến quý I/2019 thì số lỗ từ Tiki mà VNG phải ghi nhận vào kết quả kinh doanh đã bằng đúng số tiền đầu tư, do đó việc Tiki tiếp tục lỗ thêm đã không còn ảnh hưởng đến lợi nhuận của VNG do đã trích lập dự phòng toàn bộ cho sàn TMĐT này.

Ngoài VNG Corp, Tiki còn huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài. Với mức vốn điều lệ gần 191 tỷ đồng, cổ đông nước ngoài chiếm tỷ lệ tới 49,7% vốn. Một số cổ đông đáng chú ý như JD.Com International (22,2%), Ubiquitous Traders (8,82%), Finup Asia Investment (4,52%), Sumitomo (3,85%), Sparklabs Ventures Ignition (1,48%), STIC SME Global Expansion (1,74%), KIP Venture (0,69%)…

Tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips

via Người đồng hành

Thương mại điện tử: Lỗ ngàn tỉ vẫn “đốt” – Vì sao thế ?

Cuộc đua “đốt tiền” của các đại gia thương mại điện tử từng được dự báo sẽ hạ nhiệt khi thị trường định hình “bộ khung” dẫn dắt. Tuy nhiên, con số lỗ của Tiki năm 2019 vẫn tiếp tục tăng nhanh, thậm chí hơn gấp đôi năm 2018 và tiệm cận với những đối thủ sừng sỏ như Lazada hay Shopee.

thuong-mai-dien-tu

Câu chuyện đốt tiền trong lĩnh vực thương mại điện tử chưa bao giờ là cũ và lỗi thời, đặc biệt với nhóm “tứ trụ” trong ngành. Sự khác biệt, nếu có, là các nền tảng đang tìm cách định hình lại bản thân, với một phong cách tiếp cận riêng thay vì khuyến mại ồ ạt như trước.

Báo cáo thường niên của VNG – một trong những cổ đông lớn nhất nắm 24% của Tiki –  vừa hé lộ con số lỗ khổng lồ của trang thương mại điện tử này năm 2019 với gần 1.800 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty này chỉ lỗ hơn 750 tỷ đồng.

Nếu xét về quy mô lỗ lũy kế tổng thể, Tiki vẫn có phần lép vế hơn hai đối thủ cạnh tranh, vốn được hậu thuẫn rất mạnh từ những công ty mẹ nước ngoài. Tuy vậy những con số này cũng cho thấy, cuộc đua “đốt tiền” dường như vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dù cách tiếp cận nay đã khác.

thuong-mai-dien-tu

Không giống với giai đoạn trước, vấn đề đốt tiền giờ đây không còn tập trung chủ yếu vào việc khuyến mãi. Thay vào đó, khi cuộc chơi đang dần được thu hẹp chỉ còn vài cái tên, những nền tảng này đang nỗ lực gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu bằng những “bản sắc” riêng, tạo ra sự khác biệt.

Báo cáo hoạt động các sàn thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 của iPrice phối hợp cùng SimilarWeb, App Annie và YouNet Media, đã nhận xét thị trường này đang dần trưởng thành hơn.

Theo nhóm nghiên cứu, 45% người dùng truy cập vào các sàn thương mại điện tử bằng cách gõ trực tiếp địa chỉ website vào trình duyệt chứ không cần tìm trên Google hay click vào quảng cáo.

“Mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử đã trở thành một phản xạ đối với người tiêu dùng Việt Nam. Mỗi khi xuất hiện nhu cầu, họ sẽ mở ứng dụng yêu thích trên điện thoại hoặc gõ địa chỉ website và truy cập ngay”, nhóm nghiên cứu nhận định.

Điều này được xem là bước chuyển mới cho thị trường và cũng trở thành bước ngoặt trong chiến lược của những tên tuổi đứng đầu.

Nhìn về quá khứ, khi thị trường này mới trong giai đoạn đầu, đối thủ chính của những sàn thương mại điện tử thực tế là thói quen mua sắm trực tiếp.

Việc khuyến mại rầm rộ với những chương trình na ná nhau giữa các sàn giao dịch nhằm mục đích chính là lôi kéo người tiêu dùng đến với những cách thức mới.

Và sau nhiều năm thi nhau “đốt tiền”, thị trường thương mại điện tử đã có những “quả ngọt” – đó là thói quen với mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn.

Câu chuyện này nếu nhìn từ khía cạnh khác, cũng là cách đào thảo bớt những đối thủ, những người không theo kịp cuộc chơi “đốt tiền”.

Adayroi, Lotte.vn, Robins.vn hay VuiVui là những cái tên đã dừng bước năm 2019, với một lý do gần như chung cho tất cả là “nguồn lực không đủ”.

Cuộc chơi trên thị trường thương mại điện tử, thực tế, giờ chỉ gói gọn trong bốn cái tên là Shopee, Sendo, Tiki và Lazada.

Và khi thị trường đã có bước chuyển, cuộc đua đốt tiền cũng thay đổi từ cạnh tranh về khuyến mại và những sự kiện mua sắm giống hệt nhau sang những hướng đi riêng.

Tiki, cái tên sáng giá đối chọi được với những nền tảng thương mại điện tử vốn ngoại, tăng lỗ đột biến trong năm 2019 khi hướng đến gia tăng trải nghiệm người dùng bằng việc ra mắt tính năng mới như livestream TikiLIVE và đầu tư cho phát triển hệ thống kho bãi, giao hàng nhanh. Sàn này cũng dành một phần tiền không nhỏ để tăng mức độ nhận diện với khách hàng trẻ thông qua các MV âm nhạc.

Từ đầu tháng 4/2019, hàng loạt MV ca nhạc có sự xuất hiện “tình cờ” của Tiki được tung lên Youtube và chiếm các vị trí hàng đầu trên Youtube Trending. “Lửng lơ” (B-Ray và Masew), “Bạc phận” (K-ICM ft. Jack), “Đừng yêu nữa, em mệt rồi” (Min), “Anh ơi ở lại” (Chi Pu) và “Yêu được không?” (Đức Phúc). Điểm chung của các MV này là có cảnh nhân viên giao kiện hàng đóng logo Tiki, cuối ca khúc là thông tin thương hiệu.

Trong khi đó, Shopee Việt Nam, với vị thế dẫn đầu từ trước đang tiếp tục tạo áp lực mạnh. Theo iPrice, Shopee tiếp tục dẫn đầu trong cả năm 2019 về lượng truy cập website, đạt trung bình 33,6 triệu lượt mỗi tháng.

Con số này một phần nào đó cũng tương đồng với tốc độ lỗ tăng đột biến của Shopee trong những năm gần đây, với nguồn tài chính dồi dào từ công ty mẹ – SEA.

Shopee, nhờ lượng tiền lớn, cạnh tranh tốt trên mọi mặt trận. Nền tảng này giới thiệu tính năng Shopee Live trong tháng 3, quảng bá với Cristiano Ronaldo trong tháng 9, tổ chức Shopee Show trong tháng 11 rồi hợp tác giao hàng nhanh với Grab trong tháng 12.

Theo iPrice, trong bối cảnh SEA Limited đạt doanh thu năm 2019 tăng 152% so với năm ngoái thì Shopee chắc hẳn sẽ còn tiến xa. Bởi một lý do đơn giản, họ có nhiều tiền để “đốt”.

thuong-mai-dien-tu-marketingtrips

Trong khi đó, Sendo tập trung chủ yếu vào chiến lược thu hút người dùng mới. Từ quý I sang quý II, lượng truy cập website của Sendo tăng đến 24%, đưa họ lên hạng 3.

Đồng thời, ứng dụng di động của Sendo cũng xếp hạng 2 về số lượt tải về trong quý II và quý III năm ngoái.

Cuối cùng, Lazada Việt Nam dành phần lớn trong năm cho các hoạt động mua sắm kết hợp giải trí như Lazada Super Party, gameshow Đoán Giá, và Đại Nhạc Hội Lazada.

Vì đa phần các hoạt động này chỉ có cho di động nên Lazada tuy xếp hạng nhì về lượng người sử dụng ứng dụng nhưng chỉ xếp hạng 5 về lượng truy cập website.

Những động thái này thực tế đã cho thấy cuộc chơi thương mại điện tử dù thay đổi nhưng vẫn xoay quanh theo phương thức “đốt tiền”.

Điểm khác là tiền được đốt vào những dự án mới, những cách thức thu hút người dùng mới. Và dù thị trường đã dần được định hình, cuộc chiến này dường như còn gay gắt hơn trước.

Tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips 

Theo Trí thức trẻ

Shopee trở thành thế lực thương mại điện tử hùng mạnh nhất Đông Nam Á, cho Lazada ‘hít khói’

Sau 3 năm, Shopee từ vị trí bét bảng đã vươn lên soán ngôi của Lazada trở thành hãng bán lẻ sở hữu lượng truy cập lớn nhất trên toàn khu vực Đông Nam Á.

Dữ liệu từ nền tảng so sánh giá iPrice và công ty phân tích web SimilarWWeb chỉ ra rằng 2 hãng bán lẻ trực tuyến có trụ sở tại Singapore là Shopee và Lazada đang chiếm tới 60% lượng truy cập vào các trang thương mại điện tử tính trong 3 tháng kết thúc vào tháng 12/2019.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái bởi Google thì nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á dự kiến trị giá 300 tỷ USD trong năm 2025.

“Các công ty đang muốn tìm kiếm các cơ hội ở khu vực này cần hiểu rằng cách tiếp cận một mô hình phù hợp cho tất cả không thể mang lại hiệu quả. Đông Nam Á nổi tiếng là nơi mỗi một thị trường khác nhau sẽ có đặc điểm hành vi tiêu dùng của người dân khác nhau”, một chuyên gia phân tích nhận định trên tờ Nikkei.

Startup mới nổi của Indonesia là Tokopedia – được Softbank rót vốn và kỳ lân Bukalapak là các nền tảng thương mại điện tử phổ biến thứ 3 và 4 trên phương diện lượng truy cập nhưng thị phần của họ đang giảm mạnh.

Shopee đứng đầu khi chiếm 33% lượng truy cập web thương mại điện tử trên toàn khu vực trong 3 tháng cuối năm 2019, theo sau là Lazada với 27%.

Thị phần của Tokopedia giảm từ 14% xuống còn 11% trong cùng kỳ, Bukalapak từ 14% xuống còn 6,5%.

iPrice cũng ghi chú rằng các kế hoạch của chính phủ Indonesia nhằm tăng lượng sử dụng Internet tại thị trường lớn nhất Đông Nam Á có thể giúp thúc đẩy 2 nền tảng trong nước phát triển hơn.

“Có rất nhiều cơ hội với Tokopedia để vươn lên vị trí dẫn đầu khi Hiệp hội nhà cung cấp Internet Indonesia đã công bố vào tháng 6/2019 rằng 56% người dùng internet của đất nước này chưa hề thực hiện một giao dịch thương mại điện tử nào”.

Shopee – đơn vị thu hút chỉ 7% lượng truy cập website thương mại điện tử trong quý 3 năm 2017, sau cả Bukalapak 9% và Tokopedia 14%, Lazada 48% đã bứt phá vươn lên vị trí dẫn đầu nhờ những chiến dịch marketing xuất sắc.

Năm ngoái, Shopee đã có một ngày mua sắm giảm giá Singles Day thành công rực rỡ khi sử dụng ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo làm đại sứ thương hiệu.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh đang ngày một lớn hơn.

Theo như công ty theo dõi di động App Annie, Sendo của Việt Nam, Wish của Mỹ và Zilingo của Singapore cũng đang được chú ý ở Đông Nam Á và hiện là một trong những nền tảng di động được người dùng tải nhiều nhất.

Edwin Koh, giám đốc nội dung số khu vực Đông Nam Á tại nhà cung cấp giải pháp truyền thông kỹ thuật số Limelight cho biết: “Điều thực sự có thể mang lại lợi thế cho các nhà bán lẻ điện tử trong công cuộc tìm kiếm sự thống trị là trải nghiệm mua sắm trực tuyến khi người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm không bị tụt lại phía sau.

“Người mua ngày nay rất hiểu biết và những người mua sắm trực tuyến thường đánh giá cao các tính năng mua sắm trực tuyến tiên tiến và trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa”, Koh nói. “Cải thiện giao diện hướng tới khách hàng cũng như cơ sở hạ tầng để đảm bảo khả năng mở rộng, hiệu suất và bảo mật là những yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi những website thương mại điện tử muốn giữ chân khách hàng”.

Tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips via Tổ Quốc

Shopee, Lazada tiếp tục cho đối thủ “hít khói” tại Đông Nam Á

Hai nhà bán lẻ thương mại điện tử Shopee và Lazada của Singapore nới rộng khoảng cách về lưu lượng truy cập với các đối thủ khác tại thị trường Đông Nam Á.

Theo dữ liệu từ nền tảng so sánh giá iPrice và hãng phân tích web SimilarWeb, Shopee và Lazada cùng nhau chiếm 60% lưu lượng web (Traffic) thương mại điện tử tại Đông Nam Á trong 3 tháng cuối năm 2019.

Theo nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số Đông Nam Á có thể đạt 300 tỷ USD trong năm 2025.

Phil Pomford, Giám đốc Thương mại điện tử toàn cầu của Worlpay, nhận xét các công ty muốn nhảy vào thị trường Đông Nam Á cần nhận thức được rằng chiến lược “một cho tất cả” không phù hợp với khu vực này. Hành vi của người dùng tại mỗi nước rất khác nhau.

Tokopedia và Bukalapak của Indonesia xếp vị trí thứ ba và thứ tư trong danh sách các nền tảng thương mại điện tử phổ biến nhất dựa trên lưu lượng web. Cụ thể, Shopee chiếm 33%, Lazada 27%, Tokopedia 11% còn Bukalapak 6,5%.

4 vị trí hàng đầu có sự thay đổi lớn so với năm 2017, thời điểm Thế Giới Di Động và Sendo của Việt Nam vẫn đang có vài phần trăm thị phần khi nói đến lưu lượng truy cập các trang thương mại điện tử.

Thời điểm quý III/2017, Shopee chỉ chiếm 7%, đứng sau Bukalapak (9%), Tokopedia (14%) và Lazada (48%) nhưng lại sở hữu nhiều chiến dịch tiếp thị sáng tạo nổi bật.

Dù vậy, các nền tảng này đang đối mặt với cạnh tranh ngày một tăng từ những cái tên khác. Theo Hãng theo dõi di động App Annie, Sendo, Wish và Zilingo đang nằm trong số các nền tảng di động được tải về nhiều nhất trên smartphone.

Ông Edwin Koh, Giám đốc nội dung số của Limelight Networks, cho biết điều thực sự mang đến lợi thế để dẫn đầu là không có độ trễ khi người dùng tìm kiếm sản phẩm, mua sắm trực tuyến.

Những người mua sắm thường xuyên sẽ đánh giá cao các tính năng trực tuyến hiện đại và trải nghiệm được cá nhân hóa. Cải tiến giao diện người dùng cũng như cơ sở hạ tầng để bảo đảm khả năng mở rộng, hiệu suất và bảo mật là các yếu tố then chốt để công ty thương mại điện tử giữ chân khách hàng.

Hãy tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link

 

Hà Anh | MarketingTrips

Theo Vietnamnet

  • 1
  • 2