Skip to main content

Thẻ: livestream

Hàng giả và không rõ nguồn gốc được livestream bán tràn lan trên mạng xã hội

Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sau một thời gian dài thẩm tra, xác minh với hàng nghìn giờ theo dõi trên livestream của đối tượng, sáng ngày 2/11, khi nhân viên đang tiến hành livestream bán hàng, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Cục QLTT tỉnh Gia Lai và Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Pleiku bất ngờ ập vào kiểm tra Hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên (Ngọc Quyên Shop), địa chỉ 121/5 Lê Đại Hành, tổ 3, phường Đống Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Cơ sở này đã tiến hành đăng ký thủ tục thành lập hộ kinh doanh lần đầu tại Phòng Tài chính – Kế hoạch, UBND TP Pleiku vào đầu tháng 3 năm 2021 với địa chỉ trụ sở chính tại số 121 Lê Đại Hành, tổ 3, phường Đống Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai với ngành nghề buôn bán hàng may mặc.

Bạt ngàn thương hiệu thế giới giá vài chục ngàn.

Ập vào Hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên đầu giờ sáng ngày 2/11, lực lượng chức năng ghi nhận hàng hóa được chất đống ngổn ngang từ khu vựa phía ngoài cổng đến kho chứa trữ sâu bên hông khu vực nhà ở.

La liệt các sản phẩm như nước hoa Gucci, Tom Ford, YSL, Chanel, Louis Vuitton, Dior, Boss, Sauvage, Lancôme, Kilian….; giầy, dép, túi, ví các thương hiệu Louivuiton, Chanel, adidas, Nike; Mỹ phẩm các nhãn hiệu Vaseline, Bioderma; các loại thực phẩm chức năng giảm cân cấp tốc trong vòng 7 ngày cùng hàng loạt các mặc hàng là đồ gia dụng, tiêu dùng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại Hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên không có cửa hàng kinh doanh cố định. Toàn bộ hàng hóa được kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, cụ thể là livestream bán qua Facebook cá nhân dưới tên “Ngọc Quyên Gia Lai”, tài khoản này có hàng trăm nghìn người theo dõi. Các livestream cũng được phát lại tại các tài khoản khác mang tên “Ngọc Quyên”.

Tại các phiên livestream mà lực lượng Quản lý thị trường theo dõi, rất nhiều các sản phẩm như giày Gucci, giày Adidas, hay Nike được Shop chào bán với giá từ 80.000 đến trên 100.000 đồng/ sản phẩm.

Các loại đồng hồ, kính mắt các nhãn hiệu Versace, Gucci, LV có giá từ 30.000 đồng đến dưới 200.000 đồng/sản phẩm. Các loại mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, nước giặt có giá từ 20.000 đến dưới 100.000 đồng/sản phẩm.

Theo nhận định ban đầu của lực lượng chức năng, hành vi vi phạm tại Hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên có dấu hiệu sử dụng ứng dụng bán hàng không thông báo với cơ quan có thẩm quyền; kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu.

Theo ước tính, số lượng hàng hóa có dấu hiệu vi phạm lên đến hàng chục ngàn sản phẩm. Tại thời điểm kiểm tra chủ cơ sở kinh doanh chưa xuất trình được các hóa đơn chứng từ hợp pháp đồng thời thừa nhận hàng hóa được nhập chủ yếu trên nền tảng thương mại điện tử từ nhiều địa điểm khác nhau.

Với 7-8h livestream mỗi ngày, hàng trăm đơn hàng là giày, dép, túi xách, nước hoa, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu nổi tiếng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đã được Hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên chốt đơn thành công. Đáng chú ý, rất nhiều các sản phẩm mang thương hiệu thế giới như Chanel, Gucci, Dior, YSL có giá chỉ từ 30.000 đến trên 100.000 đồng/sản phẩm.

Quyết tâm truy quét hàng giả trên không gian mạng.

Trong thời gian qua, việc kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử nở rộa tại Việt Nam, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hình thức này càng được nhân rộng và phát triển gấp bội.

Tại nhiều tỉnh thành, lực lượng QLTT đã truy quét và xử lý triệt để hàng loạt các vụ việc, thu giữ lượng lớn hàng hóa vi phạm. Đã có nhiều vụ việc Quản lý thị trường tiến hành chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an khởi tố, bắt tạm giam đối tượng vi phạm.

Mới đây nhất, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã tiến hành khởi tố 2 bị can về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quy định tại khoản 2 Điều 226 Bộ luật hình sự. Hai đối tượng là Trương Thị Liên (SN 1971 ở xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung) và Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 1994 ở phường Quảng Châu, TP. Sầm Sơn, là con dâu của Liên).

Kết quả điều tra ban đầu xác định, Trương Thị Liên cùng con dâu là Nguyễn Thị Thảo đã mua nhiều loại hàng hóa khác nhau giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng thế giới nhưng không được các chủ sở hữu hàng hóa bị giả mạo nhãn hiệu ủy quyền hoặc cho phép sử dụng nhãn hiệu trên thị trường Việt Nam.

Tổng số hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm 54 chủng loại với 13.370 sản phẩm, trụ giá trên 973 triệu đồng. Vụ việc được kiểm tra cuối tháng 4 năm 2022 do Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục QLTT.

Đặc biệt, ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Đề án nhằm mục tiêu chung là hoàn thiện chính sách, pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng Trong hoạt động thương mại điện tử.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.

Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm.

Bảo đảm hoạt động thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam.

Theo Lãnh đạo Tổng cục QLTT, không chỉ tại Gia Lai, trong thời gian tới lực lượng QLTT sẽ tăng cường theo dõi, rà soát để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi bán hàng giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu công khai trên các nền tảng thương mại điện tử, góp phần mang lại niềm tin cho người dân và xã hội, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước cũng như thu hút sự quan tâm, tin tưởng của các DN nước ngoài khi đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Đối với hàng hóa tại Hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên trên địa bàn TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, hiện lực lượng QLTT đang tiến hành kiểm đếm, phân loại sản phẩm vi phạm để làm cơ sở xử lý theo quy định.

Theo VTV

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

TikTok Shop vượt Lazada là vì người Việt thích xem và mua hàng qua livestream

Báo cáo mới đây của Metric cho thấy TikTok Shop đã vượt Lazada về thị phần doanh thu quý II/2023, trong bối cảnh 38% người tiêu dùng Việt dành 1-3 giờ mỗi tuần để xem livestream.

TikTok Shop vượt Lazada là vì người Việt thích xem và mua hàng qua livestream
TikTok Shop vượt Lazada là vì người Việt thích xem và mua hàng qua livestream

Nền tảng phân tích dữ liệu E-commerce Metric mới đây công bố “Báo cáo tổng quan thị trường các sàn thương mại điện tử Việt Nam nửa đầu năm 2023 và dự báo quý III/2023”, cho thấy những kết quả khả quan.

Tổng giá trị của toàn bộ đơn hàng giao thành công (NMV) trên các sàn thương mại điện tử (eCommerce) đạt gần 93.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 46% so với doanh thu cùng kỳ năm 2022.

Một xu hướng nổi bật trên các sàn thương mại điện tử được Metric chỉ ra là shopping livestream, hay còn được gọi là mua sắm qua video trực tiếp, xuất phát từ mạng xã hội ở Trung Quốc.

Theo thống kê của Metric, shopping livestream là loại hình phổ biến nhất của hoạt động livestream tại Việt Nam, với 62% số người được khảo sát cho biết mục tiêu xem livestream của họ là mua sắm. Ngoài ra có 49% xem để giải trí.

Khi được hỏi về thời gian trung bình xem livestream mỗi tuần, 1-3 giờ là câu trả lời phổ biến nhất với 38% đáp viên lựa chọn. Tiếp đó, 33% cho biết họ dành dưới 1 giờ mỗi tuần để xem livestream. Đáng chú ý, có tới 18% nói rằng họ dành 3-5 giờ và 7% dành 5-7 giờ.

Về thời gian trung bình xem livestream mỗi phiên, 34% đáp viên cho biết họ thường xem 15-30 phút, 27% xem 5-15 phút và 25% xem 30 phút-1 giờ.

Để thể hiện rõ hơn lượng thời gian mà người tiêu dùng dành để xem livestream, Metric trích dẫn thống kê của Statista cho biết thời gian online trung bình của người Việt Nam là hơn 6 giờ mỗi ngày.

Theo báo cáo hồi đầu tháng 6 từ công ty Nghiên cứu thị trường Coresight Research, shopping livestream đã phát triển thần tốc thành thị trường trị giá 512 tỷ USD.

Chỉ tính riêng tại Mỹ, doanh thu bán hàng livestream có thể dễ dàng đạt 50 tỷ USD trong năm 2023.

Nhắc tới bán hàng qua livestream, TikTok Shop của mạng xã hội TikTok có lẽ là cái tên đầu tiên được nhớ đến. Trước xu hướng mới, Shopee hay Lazada cũng đẩy mạnh hình thức livestream. Tuy nhiên, nhờ xuất phát điểm là một nền tảng chia sẻ video, TikTok Shop rõ ràng chiếm ưu thế.

Trong lúc lướt video để giải trí, người dùng sẽ bắt gặp các phiên livestream và có thể “cao hứng” bấm vào xem ngay lập tức. Đặc điểm này hoàn toàn khác với Shopee hay Lazada – ứng dụng mà người dùng thường chỉ vào khi có nhu cầu mua sắm.

Quý IV/2022, chỉ 4 tháng sau khi ra mắt thị trường Việt Nam, TikTok Shop đã có doanh thu bằng 80% doanh thu của Lazada, đến quý I/2023 chỉ còn kém Lazada 3,5% thị phần doanh thu.

Sau quý II/2023, TikTok Shop chính thức vượt qua Lazada vươn lên là sàn thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Việt Nam chỉ sau Shopee. Theo số liệu của Metric, thị phần doanh thu quý này của TikTok Shop và Lazada lần lượt là 20% và 16%. Shopee chiếm 63%.

Metric cho biết thị phần của Shopee từ đầu năm tới nay gần như không thay đổi, đồng nghĩa với việc TikTok Shop đang thực sự lấy đi thị phần (market share) từ các sàn thương mại điện tử còn lại.

Ngay từ đầu tháng 6, công ty phân tích dữ liệu thương mại điện tử YouNet ECI cũng cho biết TikTok Shop đã vượt Lazada để trở thành sàn thương mại điện tử có số lượng nhà bán hàng hoạt động trong tháng cao thứ 2 thị trường, chỉ sau Shopee.

Theo YouNet ECI, lực lượng influencer (những người có tầm ảnh hưởng sở hữu trên 20.000 follower) đã góp phần làm nên một năm tăng trưởng nóng cho TikTok Shop. Họ chính là những người thực hiện các phiên livestream thu hút đông đảo người tiêu dùng.

Trong một báo cáo hồi quý I/2023, Decision Lab – đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam chỉ ra rằng mô hình Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) mà TikTok Shop theo đuổi đã trở thành xu thế không thể phủ nhận.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Markettimes

TikTok giới hạn độ tuổi được phép livestream

TikTok sẽ cập nhật hệ thống livestream để nâng giới hạn độ tuổi được phép livestream, đồng thời giới thiệu luồng dành riêng cho người lớn.

TikTok giới hạn độ tuổi được phép livestream
TikTok giới hạn độ tuổi được phép livestream

Trong bài đăng blog mới nhất, TikTok thông báo một loạt thay đổi đối với tính năng livestream, bao gồm giới hạn độ tuổi và công cụ cho nhà sáng tạo nội dung (Content Creator) mới.

Hiện tại, bất kỳ người dùng nào trên 16 tuổi và có từ 1.000 người theo dõi (follower) có thể livestream trên TikTok, còn người trên 18 tuổi được phép nhận và tặng quà (tip). Tuy nhiên, từ ngày 23/11, chỉ người dùng 18 tuổi trở lên được livestream.

“Để bảo vệ người dùng cũng như hỗ trợ sức khỏe tinh thần của họ, chúng tôi liên tục làm việc để nâng cao các biện pháp bảo vệ đặt ra”, TikTok viết trên blog.

Ngoài ra, người dùng TikTok sẽ sớm được chọn loại đối tượng người lớn để tiếp cận khi livestream các nội dung phù hợp với những người dùng trưởng thành. Theo quy định cũ, livestream xuất hiện trên trang For You của người dùng và bảng Live riêng.

TikTok cho biết các luồng dành riêng cho người lớn có thể dùng cho những hoàn cảnh như khi nhà sáng tạo nội dung muốn bàn về các chủ đề mà trẻ em không nên xem.

TikTok Live ngày càng gắn bó với các nhà sáng tạo, mang đến thu nhập cho họ và cả TikTok. Tháng trước, trang Rest of Worlds đưa tin ByteDance – công ty mẹ TikTok – đã bắt tay với các hãng đào tạo KOL để hướng dẫn người dùng livestream và đề nghị người xem tặng tiền. Doanh thu từ các quà tặng ảo sẽ được chia giữa nhà sáng tạo, TikTok và đại lý trung gian.

TikTok cũng giới thiệu công cụ mới cho các tác giả khi livestream. Đầu tiên, họ có thể live cùng tối đa 5 vị khách bằng cách tùy chọn bố cục khác nhau.

Tiếp theo, TikTok cập nhật tính năng lọc từ khóa để gửi nhắc nhở cho chủ kênh bổ sung các từ khóa bị cấm, gợi ý các từ khóa họ muốn lọc.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

Startup Việt chinh phục thị trường livestream thế giới

GoStream đã cung cấp dịch vụ thành công ra các thị trường Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Arap Saudi.

GoStream là giải pháp kết nối các video trực tuyến (livestream) của các doanh nghiệp và cá nhân bán hàng online từ tất cả các nguồn tới các nền tảng mạng xã hội mà chỉ cần một laptop và kết nối internet.

Với Gostream, người dùng có thể livestream từ các video được thu sẵn, từ các nguồn camera khác nhau và phát hành trên các mạng xã hội Facebook, Twitter, YouTube,…

Người dùng có thể Livestream ở bất cứ nơi nào chỉ cần cài đặt ứng dụng Gostream trên điện thoại của mình mà không cần dùng đến máy tính.

Qua GoStream các nhà bán hàng dễ dàng tạo nên các kênh bán hàng online tương tự như mô hình Shopping TV với chi phí phải chăng dựa trên hạ tầng các mạng xã hội phổ biến trên thế giới như Facebook, YouTube, Twitter.

Phạm Ngọc Duy Liêm – đồng sáng lập và Giám đốc phát triển GoStream cho biết, livestream trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube,…đang ngày càng phổ biến và thu hút một lượng lớn người theo dõi.

Rất nhiều nhãn hàng, nhà sản xuất đã xem livestream như một kênh quảng bá và bán hàng đến người tiêu dùng (tương tự mô hình TV Shopping trên truyền hình truyền thống).

Tuy nhiên, để tạo được một buổi livestream hấp dẫn, phải có studio chuyên nghiệp, trang bị nhiều thiết bị đắt tiền như camera, server,…Điều này chỉ những doanh nghiệp lớn mới đủ khả năng đầu tư. Vì vậy, GoStream ra đời nhằm cung cấp sản phẩm công nghệ hỗ trợ mọi người đều có thể thực hiện livestream mọi lúc, mọi nơi.

Hiện tại, GoStream có hơn 700.000 người dùng với 10.000 người dùng thực hiện livestream bán hàng trên nền tảng này mỗi ngày. Năm 2019, GoStream được Facebook đưa vào danh sách 1 trong 30 nền tảng được sử dụng để livestream nhiều nhất trong 30 ngày trên thế giới.

GoStream đã cung cấp dịch vụ thành công ra các thị trường Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Arap Saudi. Công ty cũng đang đặt mục tiêu lọt vào Top 10 công ty có ứng dụng hỗ trợ (add-on) các mạng xã hội (như Facebook, YouTube,…) lớn nhất Đông Nam Á trong tương lai gần.

Gần đây nhất, GoStream là 1 trong 4 startup công nghệ nhận được đầu tư ở vòng seeding từ VinaCapital Ventures trong chương trình Zone Startups Việt Nam 2019, tốc độ tăng trưởng mỗi tháng ghi nhận là 15%.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo The Leader