Skip to main content

Thẻ: Oracle

Tài sản của nhà sáng lập Oracle Larry Ellison vượt Bill Gates của Microsoft

Tỷ phú Larry Ellison đã có lần đầu tiên trong lịch sử chứng kiến tài sản ròng của bản thân vượt qua cựu CEO Microsoft, tỷ phú Bill Gates, qua đó trở thành người giàu thứ 4 thế giới.

Tài sản của nhà sáng lập Oracle Larry Ellison vượt Bill Gates của Microsoft
Tài sản của nhà sáng lập Oracle Larry Ellison vượt Bill Gates của Microsoft

Người sáng lập Oracle, một tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ, tỷ phú Larry Ellison đang gặt hái những kết quả tích cực từ sự phổ biến của trí tuệ nhân tạo.

Mới đây, vị tỷ phú người Mỹ này đã chính thức vượt qua nhà sáng lập gã khổng lồ Microsoft, tỷ phú Bill Gates để vươn lên trở thành người giàu thứ 4 trên toàn cầu, theo Bloomberg Billionares Index.

Trong ngày 12/6, tỷ phú Larry Ellison sở hữu khối tài sản ròng trị giá 129,8 tỷ USD, theo Bloomberg. Theo thông tin từ Bloomberg, CEO Oracle đã vượt qua tỷ phú Bill Gates, người sở hữu khối tài sản ròng trị giá 129,1 tỷ USD, để vươn lên vị trí thứ 4.

Đây cũng là lần đầu tiên tỷ phú Larry Ellison chứng kiến tài sản ròng của bản thân vượt lên trên so với tỷ phú Bill Gates.

Larry Ellison thông báo rằng ông sẽ từ chức giám đốc điều hành Oracle vào năm 2014, mặc dù ông không rời công ty. Sau đó, ông trở thành chủ tịch kiêm giám đốc công nghệ của công ty công nghệ đa quốc gia này, và đã tích lũy phần lớn tài sản ròng của mình từ lượng cổ phần Oracle mà ông nắm giữ.

Giá cổ phiếu của Oracle đã tăng hơn 42% từ đầu năm 2023 và tính đến ngày 12/6 được giao dịch ở mức 116,5 USD/cổ phiếu khi thị trường đóng cửa.

Oracle đã chứng kiến doanh thu đạt kỷ lục ở mức 50 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua, theo báo cáo tài chính mới được công ty công bố gần đây.

Giám đốc điều hành Safra Catz cho biết hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng và dịch vụ lưu trữ đám mây của công ty là những nguyên nhân chính giúp Oracle ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc trong năm qua.

Theo báo cáo, Oracle đang kiếm tiền từ AI khi doanh nghiệp quyết định đầu tư vào Cohere, đối thủ cạnh tranh của OpenAI, công ty đã huy động được tổng cộng 270 triệu USD trong vòng cấp vốn vào tuần trước.

Trí tuệ nhân tạo đang khiến các nhà đầu tư lạc quan hơn về các doanh nghiệp công nghệ. Các nhà kinh tế của Bank of America cho biết S&P 500 chuyển sang thị trường giá lên chủ yếu là do các nhà đầu tư tập trung vào AI.

Tỷ phú Larry Ellison là cổ đông lớn nhất của Oracle và sở hữu khoảng 42,9% cổ phần của công ty, theo một tuyên bố của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vào năm 2022.

Doanh nhân 78 tuổi này cũng sở hữu 1,5% cổ phần của gã khổng lồ xe điện Tesla, cũng theo một tuyên bố của SEC.

Ngoài ra, vị tỷ phú này còn sở hữu một khối tài sản đồ sộ, chẳng hạn như hòn đảo lớn thứ 6 của Hawaii, Lana’l; một bộ sưu tập khổng lồ các vật phẩm nghệ thuật samurai và Nhật Bản; hàng chục ngôi nhà ở California và một số du thuyền đắt tiền.

Tỷ phú Larry Ellison cũng đã bán Rising Sun, chiếc du thuyền khổng lồ dài 453 foot của ông, cho ông trùm Hollywood David Geffen vào năm 2010. Theo thông tin từ CNN, đây là chiếc du thuyền lớn thứ 10 trên thế giới.

Oracle là một trong những nhà cung cấp phần mềm doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới. Năm 1977, Larry Ellison và các đối tác của ông bắt đầu bán cơ sở dữ liệu quan hệ đầu tiên mà họ gọi là Cơ sở dữ liệu Oracle. Khoảng 5 năm sau, họ đổi tên công ty thành “Oracle” theo tên phần mềm mà doanh nghiệp bán.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Nữ sinh 1998 tìm ra bốn lỗ hổng của Oracle

Lê Mỹ Quỳnh, sinh viên năm cuối ngành An toàn thông tin tại Hà Nội, được Oracle vinh danh nhiều lần vì tìm ra các lỗ hổng nghiêm trọng.

“Xin chào mọi người, mình là Quỳnh Lê. Mình đang là sinh viên năm cuối Học viện Kỹ thuật Mật mã và là Security Researcher, đang tập trung nghiên cứu các lỗ hổng trên nền tảng Java”, Quỳnh giới thiệu về bản thân tại một buổi webinar của giới bảo mật hồi tháng 10/2020.

Trong năm vừa qua, cô sinh viên sinh năm 1998 phải nhiều lần nhắc lại câu giới thiệu này trong các buổi thuyết trình bởi ít ai nghĩ, cô bé mới hơn 20 tuổi dáng người nhỏ nhắn lại “sưu tầm” được 4 lỗ hổng bảo mật ở mức độ nghiêm trọng cao trong chưa đầy một năm. Cô cũng trở thành diễn giả được yêu thích tại nhiều sự kiện an toàn thông tin.

CVE là cách gọi chung cho các lỗ hổng bảo mật, theo chuẩn của tổ chức quốc tế MITRE. Bốn CVE được Quỳnh tìm ra gồm CVE-2020-14625, CVE-2020-14825, CVE-2020-2883, CVE-2020-2798. Trong đó, ba lỗ hổng được các chuyên gia đánh giá ở mức 9,8/10 về mức độ nghiêm trọng, xuất hiện trên máy chủ WebLogic của Oracle

Đây là máy chủ ứng dụng được sử dụng bởi hàng chục nghìn công ty trên khắp thế giới, mang lại doanh thủ tỷ USD cho hãng công nghệ khổng lồ nước Mỹ. Nếu không được phát hiện sớm, các lỗ hổng trên có thể bị giới hacker khai thác, chiếm quyền điều khiển, gây ra những hậu quả khó lường.

Oracle thường công bố danh sách lỗ hổng, cùng bản vá cho các sản phẩm của mình theo từng quý trong năm. Quỳnh Lê, được nhắc tên 3 trong 4 quý trong năm vừa qua, ở tuổi 23, và còn chưa tốt nghiệp đại học.

Đến với bảo mật vì đam mê.

Với CVE đầu tiên trong đời, Quỳnh mất 2 tuần mới tìm ra, nhưng trước đó là 2 tháng để nghiên cứu, gần 4 năm ròng tích lũy kiến thức. Nhiều lúc quá trình tìm lỗi đi vào bế tắc, nhưng nhờ cố gắng và đam mê, cô đã đến đích.

Quay lại quá khứ, Quỳnh nhận mình không đến với ngành này vì đam mê hay có mục tiêu cụ thể, mà đơn giản là thấy “hay hay” và phù hợp với bản thân. “Ngày xưa em cũng thích máy tính, hay mày mò, nên nghĩ mình hợp với ngành kỹ thuật hơn là xã hội. Em chọn ngành này vì thấy ở trường có chương trình cho đi du học”, Quỳnh kể lại.

Cô sinh viên năm nhất, yêu sách văn học, biết đánh đàn, đã hoàn thành chương trình học với thành tích tốt, đỗ xuất du học của trường. Nhưng đến khi đạt được mục tiêu ban đầu, Quỳnh nhận ra mình thực sự yêu thích ngành an toàn thông tin và quyết định ở lại để có thể dấn thân vào công việc sớm hơn.

Cuối năm thứ hai đại học, khi chập chững bước vào các môn học chuyên ngành, Quỳnh đã tìm đến những anh chị khóa trên để học hỏi và được đưa đến học việc tại trung tâm an toàn thông tin của VNPT.

“Đến khi vào làm, em thực sự bị cuốn theo công việc này. Ban đầu là tìm hiểu, rồi được các anh đi trước hướng dẫn, rồi thấy ham vào yêu thích ngành này luôn”, Quỳnh nói.

Lần đầu tìm ra lỗ hổng của sản phẩm Oracle là cuối năm 2019. Cô sinh viên năm 4 khi ấy sung sướng đến mức rú lên, rồi lại lo lắng khi nghĩ về việc có thể ai đó đã tìm ra lỗ hổng này trước mình. Theo Quỳnh, đó là những cảm xúc cô không bao giờ quên, khi đam mê của mình tạo ra thành quả và được ghi nhận.

Ước mơ ra thế giới.

Để tìm ra một lỗ hổng, những người làm bảo mật như Quỳnh mất nhiều tháng để nghiên cứu sản phẩm và các lỗ hổng đã được tìm ra trước đó. Việc “ôm” máy tính hàng chục tiếng đồng hồ mỗi ngày không phải là điều xa lạ với cô gái này.

Tuy nhiên, tìm ra một lỗi đã khó, việc chứng minh lỗ hổng còn khó hơn. “Cũng giống việc nói một ổ khóa cũ là kém an toàn, chúng ta cần chỉ ra cách kẻ xấu có thể phá ổ khóa đó”, Quỳnh ví von. Cô cho biết, công đoạn khó nhất với cô trong quá trình tìm lỗ hổng là viết mã tấn công nó.

“Một kỹ sư phải thực sự hiểu về lỗi và sản phẩm trước khi tìm ra một CVE mang tên mình”, Quỳnh nhấn mạnh.

Các lỗ hổng cô tìm ra đều từ sản phẩm WebLogic của Oracle, vốn được xây dựng bằng ngôn ngữ Java, đồng thời dùng để triển khai cho các ứng dụng web được viết bằng ngôn ngữ lập trình này.

Thời gian qua, Quỳnh tập trung vào các vấn đề liên quan đến lỗ hổng Java Deserialization ảnh hưởng đến cơ chế chuyển đổi trạng thái đối tượng trong lập trình. Hầu hết lỗ hổng mà Quỳnh khai thác đều liên quan đến cơ chế này. Có lỗi tìm ra trong một tuần, nhưng cũng có chiếc khiến cô mất cả tháng.

Ngay cả khi đã tìm ra, việc xác nhận và tung ra bản vá có thể cũng mất nhiều tháng chờ đợi. Trong khi ở lĩnh vực này, việc được ghi nhận càng sớm càng giảm thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người dùng.

Quỳnh ấp ủ ước mơ trở thành người có sức ảnh hưởng trong ngành bảo mật toàn cầu. “Em muốn được làm những việc khó hơn, lớn hơn và trở thành một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Xa hơn, em muốn mình được thuyết trình tại một hội nghị bảo mật tầm thế giới”, Quỳnh nói.

Trong tương lai gần, cô sinh viên năm cuối Học viện Kỹ thuật Mật mã hy vọng sẽ hoàn thành việc học để tập trung phát triển đam mê. Mỗi ngày, Quỳnh dành tám tiếng ban ngày để làm việc tại Trung tâm An toàn thông tin, tối về là thời gian cho đồ án tốt nghiệp.

Khác với hình dung của nhiều người về một chuyên gia bảo mật chỉ cặm cụi bên máy tính, Quỳnh chọn cuộc sống cân bằng. “Em luôn giữ cho tâm lý thoải mái, sắp xếp thời gian hợp lý và ăn đúng giờ, ngủ đúng giờ, cuối tuần gặp gỡ bạn bè”. Khi công cuộc tìm “bug” gặp bế tắc, cô chọn phương án “gập máy tính và đi chơi”.

Cô nữ sinh bảo mật không coi tuổi đời trẻ hay giới tính nữ là vấn đề, bởi “tất cả đều bình đẳng trước các lỗ hổng bảo mật”. Chia sẻ về bí quyết giúp mình đạt được những CVE đầu tiên, Quỳnh nhấn mạnh vào sự kiên trì và khả năng học hỏi, bởi theo Quỳnh, an toàn thông tin vẫn là một công việc khó, đòi hỏi sự kiên trì chứ không thể làm vừa làm đã có thành tích ngay.

Hơn nữa, công nghệ luôn thay đổi, nên người trẻ cũng không thể chủ quan và cần học hỏi cái mới liên tục.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Đan Linh | MarketingTrips

Theo VnExpress

Sáng tạo là kỹ năng tách biệt bạn khỏi robots trong tương lai

Các chuyên gia công nghệ cho rằng sáng tạo là rất quan trọng đối với những người lao động muốn bảo vệ mình khỏi bị thay thế bởi các công nghệ mới và sự tự động hóa từ robots.

Ông John Abel, phó chủ tịch mảng đám mây và đổi mới sáng tạo của Oracle cho biết là công ty này thường xuyên đào tạo lại nhân viên để thích ứng với các hệ thống mới khi hệ thống cũ đang trở nên kém hiệu quả hơn.

Oracle là một trong những tập đoàn lớn của Mỹ chuyên về các công nghệ và phần mềm kinh doanh mới nổi. Ông Abel nói:

“Tái trang bị kỹ năng là giải pháp để tồn tại và chúng ta phải hoàn thành nó”.

“Bạn cần phát huy các kỹ năng sáng tạo trong tất cả lực lượng lao động của mình, bởi vì như chúng ta đã biết với sự hiện đại hóa của công nghệ và đặc biệt là với A.I (trí tuệ nhân tạo) hay máy học (machine learning) thì bất cứ thứ gì miễn là công việc đó được xử lý bằng logic thì sẽ đều bị thay thế bằng công nghệ hoặc robots nào đó”.

“Vì vậy những gì chúng tôi yêu cầu nhân viên của mình làm là sử dụng các kỹ năng sáng tạo của họ dù cho họ đang ở độ tuổi nào tại nơi làm việc vì đó là lợi thế duy nhất.

Năm ngoái, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã gọi sự sáng tạo là kỹ năng quan trọng thứ ba mà nhân viên cần có để phát triển mạnh vào năm 2020 khi tự động hóa tiếp tục xâm nhập vào các hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Tiếp đó thì giải quyết các vấn đề phức tạp và tư duy phản biện là kỹ năng quan trọng đầu tiên và thứ hai. Abel lưu ý rằng đối với các thế hệ trước, bộ kỹ năng mà họ đạt được trong giáo dục có thể tồn tại trong toàn bộ sự nghiệp của họ – nhưng ông kêu gọi các công ty và người lao động nhận ra rằng điều này không còn đúng nữa.

“Giờ đây, kỹ năng trung bình sẽ tồn tại không quá sáu năm, vì vậy những gì bạn cần có là sự nhanh nhẹn, linh hoạt và đa dạng”, Ông nói.

“Một chút sáng tạo đó rất quan trọng đối với thế hệ tiếp theo và thực sự đối với thế hệ hiện tại. Tuổi tác là thứ mà chúng ta cần xem xét, nhưng tôi nghĩ điều chúng ta nên làm là bắt đầu xem xét các cá nhân nào đó và suy nghĩ.

Họ có thể mang lại khả năng gì cho doanh nghiệp và làm thế nào để chúng ta khiến họ trở nên sáng tạo chứ không phải là ‘máy móc’?

Ông nói thêm: “Chúng tôi không muốn họ phải trải qua một quá trình. “Những gì chúng tôi muốn họ làm là phá vỡ khuôn mẫu đó để trở nên sáng tạo và đó là những gì khách hàng của chúng tôi muốn.

Ông John Fallon, Giám đốc điều hành của Pearson – nhà xuất bản giáo dục lớn nhất thế giới cho biết: Những khả năng cách biệt nhất với tự động hóa là “những kỹ năng độc đáo của con người” như sáng tạo, thuyết phục và sự đồng cảm.

Hội nghị của LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) định nghĩa các ngành công nghiệp sáng tạo là những ngành nghệ thuật, văn hóa, kinh doanh và công nghệ”.

Theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc, các công việc trong nền kinh tế sáng tạo có thể bao gồm các vai trò trong xuất bản, phát triển trò chơi điện tử, quảng cáo và cả thiết kế đồ họa.

Vào tháng 1 đầu năm, một báo cáo do UNCTAD công bố cho thấy nền kinh tế sáng tạo (creative economy) toàn cầu đã tăng gấp đôi giá trị từ năm 2002 đến năm 2015 với giá trị 509 tỷ USD.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

TikTok được định giá bao nhiêu?

Chủ sở hữu ByteDance muốn TikTok trở thành một trong những thương vụ công nghệ có giá trị cao nhất thế giới.

Ảnh: CNN

Ngày 19/9, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ sẽ gia hạn một tuần trước khi buộc Google và Apple xóa TikTok khỏi cửa hàng ứng dụng vào 27/9. Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông ủng hộ thỏa thuận cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ.

Theo thỏa thuận, Oracle và Walmart sẽ sở hữu lần lượt 12,5% và 7,5% cổ phần của công ty mới tại Mỹ, có tên TikTok Global. Như vậy, 2 công ty Mỹ sẽ sở hữu tổng cộng 20% cổ phần của TikTok Global.

Theo Bloomberg, Oracle và Walmart sẽ phải trả 12 tỷ USD để đổi lấy 20% cổ phần. Đây là mức giá mà công ty Trung Quốc ByteDance, chủ sở hữu của TikTok đặt ra để bán lại cổ phần TikTok Global. Như vậy, TikTok Global được định giá lên tới 60 tỷ USD.

Phần 80% còn lại của TikTok Global vẫn do ByteDance nắm giữ. Tuy nhiên, bản thân ByteDance cũng có cổ phần của các công ty đầu tư Mỹ như General Atlantic, Coatue Management hay Sequoia Capital, do vậy các công ty này cũng sẽ có một phần của TikTok Global.

Theo nhiều nguồn tin, các công ty Mỹ khác sẽ giữ khoảng 33% cổ phần của TikTok Global, khiến tỷ lệ sở hữu của Mỹ tại công ty này lên 53%, đạt mức “chiếm đa số” mà ông Trump hứa hẹn. Các nhà đầu tư Trung Quốc gồm người sáng lập ByteDance Zhang Yiming và nhân viên công ty này, nắm giữ 36%.

Một nhóm nhỏ các nhà đầu tư của ByteDance, chủ yếu ở châu Âu, sẽ kiểm soát 11% còn lại của TikTok Global.

“Tôi đã đồng ý với thỏa thuận này. Nếu họ hoàn tất thỏa thuận thì rất tốt, mà nếu không làm được thì cũng vẫn ổn”, New York Times dẫn lời ông Trump nói với phóng viên tại Nhà Trắng.

Theo thỏa thuận hiện tại, CEO Walmart Doug McMillon sẽ là một trong 5 lãnh đạo của TikTok Global. Trong khi đó, Oracle sẽ kiểm soát về mặt kỹ thuật để đảm bảo an ninh quốc gia, lý do mà Mỹ sử dụng để buộc ByteDance bán lại TikTok.

Oracle sẽ có toàn quyền truy cập vào mã nguồn của TikTok và kiểm soát các bản cập nhật để đảm bảo ứng dụng này không bị gài cửa hậu, thu thập thông tin người dùng Mỹ.

“Oracle sẽ thiết đặt rất nhanh và vận hành hệ thống TikTok trên Oracle Cloud. Chúng tôi 100% tin tưởng vào khả năng của mình để đem lại môi trường bảo mật cho TikTok và đảm bảo sự riêng tư dữ liệu của người dùng TikTok Mỹ”, CEO Oracle Safra Catz nói trong thông báo về thỏa thuận.

Trước đó, nhiều công ty đã thỏa thuận với ByteDance để mua lại TikTok ở thị trường Mỹ. Microsoft là cái tên gây chú ý, nhưng thỏa thuận này cuối cùng không thành vì Microsoft muốn sở hữu toàn bộ cổ phần của TikTok tại Mỹ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo Zing

Cự tuyệt Microsoft – TikTok chọn Oracle

ByteDance sẽ không bán TikTok tại Mỹ cho Microsoft. Thay vào đó, họ đã chọn Oracle làm “đối tác công nghệ” để liên doanh, theo truyền thông. 

ByteDance sẽ không bán TikTok tại Mỹ cho Microsoft. Thay vào đó, họ đã chọn Oracle làm “đối tác công nghệ” để liên doanh, theo truyền thông.

Microsoft hôm 13/9 cho biết đề nghị mua lại TikTok của họ đã bị từ chối, một tuần trước thời hạn mà Tổng thống Donald Trump đặt ra để cấm ứng dụng chia sẻ video Trung Quốc, theo Chicago Tribune.

Chính quyền Trump đã đe dọa sẽ cấm TikTok từ ngày 20/9 và ra lệnh cho ByteDance bán lại hoạt động kinh doanh của họ tại Mỹ, viện dẫn rủi ro an ninh quốc gia vì công ty thuộc sở hữu Trung Quốc. Chính phủ Mỹ lo lắng về việc dữ liệu người dùng sẽ bị chuyển cho chính quyền Trung Quốc.

TikTok phủ nhận đây là rủi ro an ninh quốc gia và đang kiện để ngăn cản chính quyền Mỹ ban hành lệnh cấm.

Hôm 14/9, báo South China Morning Post cho biết ByteDance sẽ không bán hoặc chuyển giao thuật toán đằng sau TikTok trong bất kỳ thương vụ mua bán hoặc thoái vốn nào, trích dẫn nguồn tin tóm tắt về các cuộc thảo luận trong phòng họp của công ty Trung Quốc, cũng như chỉ ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của chính phủ Trung Quốc.

Vào cuối tháng 8, Bắc Kinh đã ban hành các hạn chế hoặc lệnh cấm mới đối với xuất khẩu công nghệ, yêu cầu các công ty phải xin phép chính phủ – một quá trình có thể mất tới 30 ngày.

Các quy định, chưa được cập nhật kể từ năm 2008, được cho là nhằm trì hoãn việc bán TikTok cho người mua ở Mỹ.

TikTok đã nỗ lực tạo ra khoảng cách giữa ứng dụng này và chủ sở hữu Trung Quốc. Họ đã bổ nhiệm cựu giám đốc điều hành hàng đầu của Disney, Kevin Mayer, làm giám đốc điều hành tại Mỹ. Tuy nhiên, ông đã từ chức vào tháng 8 chỉ sau vài tháng làm việc, nói rằng “môi trường chính trị đã thay đổi mạnh mẽ”.

Người đồng sáng lập Oracle, Larry Ellison, là một trong số ít lãnh đạo công ty công nghệ công khai ủng hộ Tổng thống Trump. Công ty cũng đã thuê cựu trợ lý hàng đầu của Phó tổng thống Mike Pence, Safra Catz – người cũng từng làm việc trong đội chuyển giao của ông Trump, về làm CEO.

Ông Trump hôm 18/8 nói Oracle là “một công ty tuyệt vời” có thể “xử lý” việc mua TikTok. Ông từ chối tiết lộ lựa chọn của ông giữa Oracle và Microsoft mua lại TikTok Mỹ.

Cả Microsoft và Oracle đều được biết đến nhiều hơn về dịch vụ phần mềm dành cho doanh nghiệp hơn là những phần mềm dành cho người tiêu dùng.

Oracle chủ yếu làm phần mềm cơ sở dữ liệu. Công ty cạnh tranh với những gã khổng lồ công nghệ như Microsoft và Amazon để cung cấp dịch vụ đám mây, cũng như với các công ty chuyên về phần mềm doanh nghiệp như Salesforce.

TikTok, ứng dụng đã có 100 triệu người dùng tại Mỹ và khoảng 700 triệu người dùng toàn cầu, nổi tiếng với những video vui nhộn, hài hước ghi lại các màn vũ đạo, hát nhép, trò chơi khăm… Song ứng dụng này cũng gây lo ngại vì chủ sở hữu Trung Quốc, ByteDance.

Nhà Trắng đã thẳng tay trấn áp một loạt doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei và ZTE, cũng như ứng dụng nhắn tin WeChat, vì lo ngại rằng họ cho phép chính quyền Trung Quốc lấy dữ liệu người dùng Mỹ.

Các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Mỹ cũng đã nêu ra những lo ngại về kiểm duyệt và quyền riêng tư của trẻ em.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo NDH

TikTok thưởng nửa tháng lương cho nhân viên toàn cầu

Tập đoàn ByteDance thưởng số tiền mặt tương đương nửa tháng lương cho hơn 60.000 nhân viên toàn cầu, dù công ty đang gặp khó khăn bởi các biến cố từ Mỹ.

“Phần thưởng này dành cho nỗ lực đồng lòng đối phó Covid-19 của toàn công ty. Môi trường điều hành thay đổi liên tục tạo ra nhiều thử thách cho các bạn.

Công ty muốn cảm ơn mọi người vì đã làm việc chăm chỉ để vượt mọi khó khăn trong giai đoạn này”, bản ghi nhớ nội bộ của ByteDance được tiết lộ hôm 10/9 viết. Khoản tiền thưởng này chiếm hàng chục triệu USD ngân sách của TikTok.

Mạng xã hội video này đang đối mặt với lệnh cấm ở hai thị trường quan trọng: Mỹ và Ấn Độ.

TikTok bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ra hạn chót thoái vốn và bán lại hoạt động cho một công ty Mỹ trước ngày 15/9, nếu không sẽ bị cấm cửa. Microsoft là ứng viên tiềm năng nhất cho thương vụ này, trong khi Alphabet và SoftBank có ý định tham gia thương vụ nhưng sớm từ bỏ.

Walmart, Oracle bất ngờ xuất hiện sau đó và thể hiện quyết tâm mua lại ứng dụng này. Cùng lúc đó, TikTok cũng đang kiện chính quyền Trump và có thể sa vào một cuộc chiến pháp lý kéo dài.

Ở Ấn Độ, TikTok và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc cũng bị cấm. ByteDance cho biết họ có khoảng 2.000 nhân viên tại đây và chưa sa thải người nào. Họ cũng bổ sung rằng toàn bộ nhân viên Ấn Độ cũng được thưởng.

Trong nỗ lực giữ chân các ngôi sao và các nhân vật nhiều ảnh hưởng, TikTok cũng bắt đầu tặng tiền từ quỹ 2 tỷ USD cho những tài khoản có trên 10.000 người theo dõi.

Áp lực nhằm vào TikTok khiến giám đốc Kevin Mayer từ chức hồi tháng trước, chỉ vài tháng sau khi lên nắm quyền. Nó cũng khiến nhiều nhân viên lo ngại, đến mức giám đốc điều hành ByteDance Zhang Yiming phải viết nhiều bức thư để trấn an.

Trong tài liệu kiện chính quyền Trump, TikTok cho biết có hơn 50 triệu người dùng hàng ngày ở Mỹ và khoảng 92 triệu người dùng hàng tháng. Mạng xã hội đã vượt qua mức 2 tỷ lượt tải về hồi tháng 8 và xuất hiện hơn hơn 200 quốc gia.

Tập đoàn viễn thông Huawei hồi năm ngoái cũng thưởng tiền cho nhân viên vì bám trụ khi doanh nghiệp hứng chịu những lệnh trừng phạt từ chính quyền Trump. Huawei đang đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển công nghệ nội địa nhằm thay thế sản phẩm Mỹ, trong bối cảnh đang bị áp đặt hàng loạt hạn chế từ Washington.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Cathy Nhung | MarketingTrips 

CEO TikTok bỏ việc chỉ sau vài tháng nhậm chức

Ông Kevin Mayer, CEO TikTok, thông báo sẽ rời công ty chỉ sau vài tháng được bổ nhiệm.

Trong thư gửi nhân viên, ông Mayer nhắc tới môi trường chính trị thay đổi hoàn toàn trong vài tuần gần đây và nhìn nhận lại thay đổi cần có trong cơ cấu doanh nghiệp, cũng như vai trò của mình đối với TikTok.

Ông cho rằng vị trí điều hành TikTok trên toàn cầu sẽ rất khác biệt, như một hệ quả của hành động gần đây của chính quyền Mỹ lên công ty.

Ông Mayer gia nhập TikTok vào tháng 5/2020 sau khi rời bỏ vị trí Giám đốc nội dung tại Disney, nơi ông phụ trách ra mắt dịch vụ Disney+.

Ông cũng là nhân vật quan trọng trong các thương vụ lớn của Disney như mua lại Marvel Entertainment năm 2009, Lucasfilm năm 2012, 21st Century Fox năm 2019. Ông rời Disney không lâu sau khi Bob Chapek được bổ nhiệm làm CEO mới của Disney. Ông Mayer từng được xem là ứng cử viên cho vị trí này.

Phát ngôn viên TikTok xác nhận ông Mayer sẽ rời TikTok. Quản lý chung tại Mỹ Vanessa Pappas sẽ tạm thời đảm nhận vị trí CEO của TikTok.

Trước đó, chính quyền Donald Trump gây sức ép buộc ByteDance, công ty mẹ TikTok, phải thoái vốn hoàn toàn khỏi TikTok tại Mỹ vì đe dọa an ninh quốc gia. Trong sắc lệnh hành pháp ban hành ngày 6/8, Mỹ cáo buộc Trung Quốc có thể truy cập thông tin độc quyền và cá nhân của người Mỹ vì dữ liệu mà TikTok thu thập được.

Về phần mình, TikTok liên tục bác bỏ cáo buộc và khẳng định dữ liệu người dùng Mỹ được lưu trên máy chủ trong nước và sao lưu tại Singapore.

Trung tâm dữ liệu TikTok cũng đặt bên ngoài Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh thông tin của TikTok không phải đối tượng phải thực thi luật pháp Trung Quốc. Tuy vậy, các chuyên gia chỉ ra pháp luật hiện hành tại đại lục có thể buộc các công ty Trung Quốc như ByteDance phải trao dữ liệu cho chính phủ.

ByteDance đang đàm phán với Microsoft, Oracle cùng các nhà đầu tư khác về việc bán hoạt động TikTok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. Dựa trên sắc lệnh ngày 6/8, việc bán phải được thông qua trước ngày 15/9 nếu không sẽ bị cấm tại Mỹ.

Hôm 24/8, TikTok chính thức khởi kiện chính phủ Mỹ vi phạm quy trình. Vụ kiện có thể trì hoãn lệnh cấm, cho TikTok thêm thời gian để thảo luận các điều khoản có lợi hơn cho mình.

Du Lam (Theo CNBC)

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

“Ông lớn” phần mềm Oracle đang đàm phán để mua lại TikTok

Động thái này diễn ra sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump ra lệnh cấm ứng dụng này phổ biến ở Mỹ.

Oracle đã tổ chức các cuộc đàm phán sơ bộ với công ty mẹ ByteDance, chủ sở hữu của TikTok về việc mua lại các hoạt động của mạng xã hội này tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand, theo Financial Times. Cùng song song với đó, Microsoft cũng đang đàm phán để mua lại ứng dụng này từ tay ByteDance.

TikTok là một ứng dụng mạng xã hội video ngắn phổ biến nhất thế giới hiện nay, đây là một ‘sân chơi’ chủ yếu phổ biến cho Gen Z dùng để đăng các video ngắn kết hợp với âm nhạc.

Trong thời gian gần đây, ứng dụng này đang được ‘giám sát’ ngày càng nhiều với những cáo buộc liên quan đến mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Quân đội và Hải quân Mỹ đã cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị của chính phủ và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang điều tra các cáo buộc rằng TikTok đã không đáp ứng nghĩa vụ bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành lệnh điều hành liên quan đến ứng dụng video ngắn này, theo đó Ông Trump cho công ty mẹ ByteDance 90 ngày để hoàn tất các thỏa thuận bán bớt chi nhánh TikTok tại Mỹ.

“Tôi nghĩ Oracle là một công ty tuyệt vời. Tôi nghĩ Oracle là người có thể đảm đương được TikTok.” Tổng thống Donald Trump cho biết.

Theo Công ty phân tích Sensor Tower, ứng dụng này đã trở nên phổ biến hơn trong quý đầu tiên của năm, ghi nhận hơn 2 tỷ lượt tải xuống từ App Store và Google Play.

Đại diện của Oracle và TikTok từ chối bình luận liên quan đến thoả thuận.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips