Skip to main content

Thẻ: Siêu ứng dụng

Tham vọng “Siêu ứng dụng” đối mặt với nhiều thách thức

Grab và GoTo là những công ty khởi nghiệp lớn nhất Đông Nam Á trước khi niêm yết cổ phiếu, lấy cảm hứng từ WeChat của Tencent, siêu ứng dụng Trung Quốc phổ biến nhất thế giới, với hơn một tỷ người dùng.

Thu hẹp tham vọng.

Grab, có trụ sở tại Singapore và GoTo của Indonesia đã dành phần lớn thời gian trong thập niên qua để tích hợp các dịch vụ tiêu dùng từ gọi xe đến giao đồ ăn vào một ứng dụng duy nhất hay còn gọi là siêu ứng dụng. Giới đầu tư toàn cầu đã hào hứng bơm tiền hai công ty này khi đặt cược vào triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của siêu ứng dụng.

Hai công ty này kỳ vọng, nhờ lực lượng người dùng trẻ và am hiểu công nghệ ở Đông Nam Á cũng như nhu cầu giao dịch trên không gian trực tuyến trỗi dậy từ đại dịch Covid-19, Grab và GoTo có thể tái tạo thành công của các siêu ứng dụng ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong 12 tháng qua, Grab, có cổ phiếu niêm yết trên sàn Nasdaq ở Mỹ và GoTo, niêm yết tại Jakarta buộc phải giảm tham vọng siêu ứng dụng thông qua động thái sa thải hàng ngàn việc làm và giảm hoạt động của các đơn vị kinh doanh không cốt lõi. Giá cổ phiếu của hai công ty này đang ở mức thấp hơn 60% so với giá lúc mới niêm yết.

Các nhà phân tích cho biết, kỷ nguyên huy động vốn giá rẻ đã chấm dứt khi lãi suất liên tục tăng trên toàn cầu, buộc các công ty công nghệ dựa vào tốc độ “đốt tiền” để mở rộng thị phần và thúc đẩy tăng trưởng phải dừng lại và kiểm tra xem liệu mô hình kinh doanh của họ có mang lại lợi nhuận và bền vững hay không.

“Covid-19 đã mang lại cho GoTo và Grab sự tăng trưởng phi thường. Các công ty này vẫn duy trì mô hình siêu ứng dụng nhưng đã phải cắt giảm quy mô đáng kể. Họ không thể vung tiền chi tiêu quá tay như trước đây mà cần kiếm được lợi nhuận”, Angus Mackintosh, người sáng lập CrossASEAN Research nói.

Grab và GoTo là những công ty khởi nghiệp lớn nhất Đông Nam Á trước khi niêm yết cổ phiếu, lấy cảm hứng từ WeChat của Tencent, siêu ứng dụng Trung Quốc phổ biến nhất thế giới, với hơn một tỷ người dùng.

Với WeChat, người dùng có thể nhắn tin, thanh toán trực tuyến, mua sắm thương mại điện tử, hội họp video, chơi game điện tử, chia sẻ ảnh và thực hiện một loạt chức năng khác.

Thành công của WeChat đã tạo ra một cuộc cách mạng siêu ứng dụng trong khu vực từ Hàn Quốc đến Indonesia, nơi người tiêu dùng trực tuyến đột nhiên có thể tiếp cận các dịch vụ mà trước đây không thể có, bao gồm cả dịch vụ tín dụng vi mô.

SoftBank, KKR, Temasek, Warburg Pincus, Microsoft, Google và Tencent nằm trong số những nhà đầu tư lớn đã rót tiền hỗ trợ GoTo và Grab.

Các kỳ vọng lên đến đỉnh điểm trong thương vụ niêm yết cổ phiếu bom tấn của Grab thông qua vụ sáp nhập kỷ có giá trị kỷ lục giá 40 tỉ đô la với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt ở New York hồi năm 2021.

Hãng gọi xe Gojek và tập đoàn thương mại điện tử Tokopedia ở Indonesia cũng sáp nhập để về chung một mái nhà với tên gọi GoTo. Năm, 2022, GoTo niêm yết ở Jakarta với mức định giá 32 tỉ đô la.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Giờ đây, mô hình siêu ứng dụng, vốn dựa vào nỗ lực thu hút khách hàng bằng các ưu đãi tốn kém như giao hàng miễn phí, giảm giá và quà tặng để chiếm lĩnh thị trường từ Thái Lan đến Philippines, đang phải đối mặt với sự điều chỉnh khắc nghiệt.

Ngoài việc sa thải 11% lực lượng lao động, tương đương hơn 1.000 người, vào tháng trước, Grab cũng cắt giảm hoạt động kinh doanh của dịch vụ nhà bếp đám mây (GrabKitchen), giảm trợ cấp trong các lĩnh vực như giao đồ ăn và dành ít thời gian hơn cho tham vọng mở rộng sang các mảng kinh doanh khác như sự giải trí.

Người sáng lập Grab, Anthony Tan, cho biết quyết định cắt giảm việc làm không phải là “con đường tắt” để tìm kiếm lợi nhuận. Công ty đang trên đà hòa vốn vào cuối năm nay. Tuy nhiên, cùng với đó là tốc độ tăng trưởng chậm hơn nhiều và số lượng giao dịch của khách hàng cũng đi xuống.

Grab báo cáo khoản lỗ 244 triệu đô la trong ba tháng đầu năm 2023, giảm 43% so với mức lỗ của cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) trên ứng dụng Grab chỉ tăng trưởng 3%, so với mức 24% cho cả năm 2022.

GoTo cũng báo cáo khoản lỗ thu hẹp trong quí đầu tiên của năm nay, với mức lỗ ròng 3,9 nghìn tỷ rupiah (260 triệu đô la). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của tập đoàn công nghệ này cũng chậm lại, với GMV (Gross Merchandise Volume) trong quí đầu tiên chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, lên 149 nghìn tỉ rupiah.

Con số đó giảm mạnh với mức tăng trưởng 33% cho cả năm 2022 và mức tăng trưởng 18% hàng năm trong quí cuối cùng của năm ngoái.

GoTo cũng đã thực hiện một số đợt cắt giảm việc làm và loại bỏ một số mảng kinh doanh dịch vụ theo yêu cầu như GoClean (dọn dẹp nhà cửa) và GoMassage (gọi nhân viên mát xa đến tận nhà).

Tháng trước, GoTo bổ nhiệm Patrick Walujo, một doanh nhân và nhà đầu tư nổi tiếng ở Indonesia vào chức vụ CEO. Một số nhà đầu tư cho rằng đây là động thái báo hiệu GoTo có thể đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc.

Shane Chesson, đối tác sáng lập của Openspace, một nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư sớm vào Gojek, cho biết mô hình siêu ứng dụng vẫn “có ý nghĩa” trong việc nắm bắt hoạt động hàng ngày của khách hàng.

“Grab và GoTo đã tập trung vào những thứ thiết yếu và loại bỏ những dịch vụ phù phiếm”, Chesson nói.

Đối mặt sự cạnh tranh của TikTok và Shopee.

Một lãnh đạo giấu tên của Grab, cho biết dù các hoạt động kinh doanh đã được sắp xếp hợp lý hơn nhưng công ty vẫn tin rằng, có thể cung cấp nhiều dịch vụ và có lợi nhuận tương tự như Uber, ứng dụng cung cấp dịch vụ giao đồ ăn và di chuyển. Uber, công ty có trụ sở tại San Francisco, là cũng là nhà đầu tư của Grab, báo cáo thu nhập cao kỷ lục trong quí 1.

Những chuyên gia khác vẫn hoài nghi về việc liệu các siêu ứng dụng ở Đông Nam Á có thể mang lại lợi nhuận ổn định cho các nhà đầu tư hay không. Trong khi GoTo và Grab tuyên bố có cơ hội rất lớn vì mức độ thâm nhập thị trường vẫn còn thấp ở Đông Nam Á, nhiều đối thủ cạnh tranh đang xuất hiện.

Các đối thủ Trung Quốc giàu tiềm lực tài chính như TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance đã lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử trong 12 tháng qua.

Tập đoàn Sea, công ty mẹ của Shopee và được Tencent của Trung Quốc hậu thuẫn, cũng là một đối thủ cạnh tranh đang phát triển nhanh khác với nhiều hoạt động kinh doanh.

Shopee đã lấn sân sang lĩnh vực giao đồ ăn và cũng đang cạnh tranh gay gắt trong các dịch vụ tài chính, một lĩnh vực mà Grab và GoTo đặt kỳ vọng lớn cho tăng trưởng trong tương lai. Một số nhà đầu tư cho rằng GoTo và Grab có thể bị dàn trải nguồn lực do tham qua quá nhiều lĩnh vực kinh doanh.

“Các công ty này vẫn cung cấp nhiều dịch vụ hơn trên một ứng dụng so với Uber và đối mặt rất nhiều sự cạnh tranh. Tôi không nghĩ rằng mô hình siêu ứng dụng đã đủ trưởng thành để tạo ra một tương lai bền vững.

Rốt cục, bạn phải lựa chọn giữa tăng trưởng hoặc lợi nhuận. Bạn không thể có được cả hai”, một nhà đầu tư toàn cầu, người đã quyết định không đầu tư vào Gojek vào năm 2019 nói.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Đâu là siêu ứng dụng hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á

Các tên tuổi như Grab, Shopee, Lazada có vị trí như thế nào tại Việt Nam và Đông Nam Á khi xét về tiêu chí siêu ứng dụng và đâu mới là siêu ứng dụng hàng đầu.

siêu ứng dụng hàng đầu việt nam
Đâu là siêu ứng dụng đứng đầu Việt Nam và Đông Nam Á

Được nổi lên trong thời kỳ các yếu tố công nghệ và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, siêu ứng dụng (superapp) được xem là mục tiêu và chiến lược ưu tiên hàng đầu của các công ty công nghệ.

Siêu ứng dụng hay Superapp là gì?

Theo Wikipedia, siêu ứng dụng là một ứng dụng di động (mobile app) hoặc web có thể cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau cho người dùng bao gồm cả thanh toán và các xử lý giao dịch tài chính, nó là một nền tảng thương mại khép kín toàn diện chứa đựng nhiều khía cạnh của đời sống cá nhân và thương mại.

Đâu mới là siêu ứng dụng hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.

Đông Nam Á chứng kiến ​​sự gia tăng của các “siêu ứng dụng” trong vài năm qua. Điều này được thúc đẩy một phần bởi đại dịch khiến người dùng tham gia vào nhiều hoạt động kỹ thuật số hơn bao giờ hết.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Ipsos được công bố vào tháng 1/2022, 51% người dân khu vực Đông Nam Á nói rằng họ mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn, và cứ 2 người thì có 1 người cho biết họ đang thanh toán hàng ngày bằng ví kỹ thuật số hoặc các lựa chọn không dùng tiền mặt khác.

Hơn nữa, một nghiên cứu gần đây của Ipsos cho thấy 82% người dùng dịch vụ kỹ thuật số ở Đông Nam Á đã đặt hàng giao đồ ăn và 43% sử dụng dịch vụ gọi xe.

Để tìm ra các siêu ứng dụng phổ biến tại khu vực Đông Nam Á, Ipsos đã thực hiện một nghiên cứu đầu tiên tại các quốc gia Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Ipsos ở Indonesia đã khảo sát 3.500 người được hỏi để tìm ra những siêu ứng dụng tốt nhất ở mỗi quốc gia.

Soeprapto Tan, Giám đốc điều hành Ipsos tại Indonesia, cho biết có nhiều cách để xác định một siêu ứng dụng, do đó công ty phải thiết kế một bộ tiêu chí để đánh giá thế nào là siêu ứng dụng.

“Điều này giúp chúng tôi đưa ra danh sách rút gọn các ứng cử viên siêu ứng dụng ở mỗi quốc gia, sau đó chúng tôi đánh giá dựa trên xếp hạng của người dùng, dựa trên những gì chúng tôi coi là bốn khía cạnh cốt lõi của một siêu ứng dụng – trải nghiệm người dùng, mức độ tương tác, độ nhận diện và tính hữu ích”, ông Soeprapto Tan giải thích.

Siêu ứng dụng thường được hiểu là một ứng dụng cung cấp nhiều dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu khác nhau.

Trong nghiên cứu, Ipsos định nghĩa một siêu ứng dụng phải cung cấp nhiều hơn 3 dịch vụ kỹ thuật số, chẳng hạn như vận chuyển (gọi xe), thương mại điện tử, thanh toán, giao đồ ăn, mua sắm hàng tạp hóa và các dịch vụ khác. Các ứng dụng dựa trên mạng xã hội không được đưa vào cuộc khảo sát này.

Dựa vào các tiêu chí nói trên, công ty nghiên cứu thị trường rút ra danh sách rút gọn các siêu ứng dụng tại mỗi quốc gia:

   ● Việt Nam: Shopee, Lazada, Grab, Gojek, & Be

   ● Indonesia: Shopee, Tokopedia, Lazada, JD ID, BliBli, Bukalapak, Grab, Gojek, & Traveloka

   ● Malaysia: Shopee, Lazada, Grab, Touch n Go eWallet, & AirAsia

   ● Singapore: Shopee, Lazada, Grab & Zig

   ● Philippines: Shopee, Lazada, Grab & Gcash

   ● Thái Lan: Shopee, Lazada, Grab, AirAsia & Lineman

Dựa trên kết quả của cuộc khảo sát người dùng, kết hợp bốn chỉ số chính về trải nghiệm người dùng, mức độ tương tác, độ nhận diện và mức độ hữu ích, các siêu ứng dụng được xếp hạng ở mỗi quốc gia như sau (điểm càng cao càng tốt):

Grab được coi là siêu ứng dụng tốt nhất trên tất cả sáu quốc gia được đưa vào cuộc khảo sát, với tổng điểm trung bình là 63. Điểm của Grab cao nhất ở Singapore và Việt Nam, tiếp theo là Malaysia, Philippines, Indonesia và Thái Lan.

Shopee đứng ở vị trí thứ hai, với tổng điểm trung bình là 52. Theo sau Shopee là Lazada (42), Gojek (22), Tokopedia (14), Traveloka (12), AirAsia (10), BliBli, BukaLapak và JDID (cùng 10 điểm), GCash (8), Touch n Go eWallet (7), Lineman (6), Be (5) và Zig (3).

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Grab mua lại chuỗi cửa hàng tạp hoá của Malaysia nhằm thúc đẩy mua sắm trực tuyến

Grab Holdings đã đồng ý mua lại chuỗi siêu thị Jaya Grocer của Malaysia khi nhu cầu giao hàng trực tuyến của các mặt hàng tạp hoá tăng cao tại Đông Nam Á.

Grab mua lại chuỗi cửa hàng tạp hoá của Malaysia nhằm thúc đẩy mua sắm trực tuyến
Source: ORE HUIYING/BLOOMBERG

Theo thông tin được gửi lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ, công ty gọi xe và giao hàng có trụ sở tại Singapore này sẽ mua tất cả cổ phiếu phổ thông và 75% cổ phiếu ưu đãi của Jaya Grocer với số tiền không được tiết lộ. Theo báo cáo của tờ Edge, thương vụ này có thể có trị giá tới 1,8 tỷ ringgit (tương đương khoảng 425 triệu USD).

Tính đến thời điểm hiện tại, Grab đang được định giá với mức 40 tỷ USD, trong khi giá cổ phiếu đã giảm đến 48% kể từ khi ra mắt thị trường vào ngày 2 tháng 12 vừa qua. Hiện cổ phiếu của Grab đang giao dịch ở mức 6,79 USD trên sàn Nasdaq (giá thời điểm ra mắt khoảng 13 USD).

Với Jaya Grocer, sau khi mua lại thương hiệu này, nó sẽ giúp GrabMart – dịch vụ giao hàng tạp hóa của Grab – phát triển mạnh hơn nữa trên khắp Malaysia, hiện Grab đang vận hành khoảng 40 cửa hàng tại khu vực Thung lũng Klang (Klang Valley) bao gồm thủ phủ Kuala Lumpur và Selangor.

Để tuân thủ các quy định của chính phủ Malaysia, Grab cho biết một nửa số cổ phiếu có quyền biểu quyết tại Jaya Grocer sẽ thuộc về một nhà đầu tư địa phương. Thương vụ được dự kiến sẽ hoàn tất vào quý đầu tiên của năm 2022.

Liên quan đến dịch vụ giao hàng tạp hoá (grocery deliveries), Grab bắt đầu từ năm 2019 trước khi đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế của khu vực khiến doanh thu mảng gọi xe trên toàn Đông Nam Á sụt giảm nhanh chóng.

Tuy nhiên, bất chấp sự sa sút trong mảng gọi xe, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của tập đoàn đã tăng 32% lên mức kỷ lục 4 tỷ USD trong quý 3 nhờ sự tăng vọt tới 63% trong mảng giao thực phẩm (đạt 2.3 tỷ USD).

Theo Euromonitor International, giao hàng tạp hóa trực tuyến (Online grocery deliveries) là một trong những phân khúc thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm dự kiến là 24% trong vài năm tới, đạt mức gần 12 tỷ USD vào năm 2025.

Vào tháng 11 vừa qua, GrabMart đã ký kết hợp tác với một loạt các chuỗi siêu thị và tạp hóa trên khắp Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và cả Việt Nam.

Được thành lập vào năm 2012 bởi Anthony Tan và Tan Hooi Ling với tư cách là một ứng dụng đặt taxi, Grab kể từ đó đã nhanh chóng phát triển và trở thành một siêu ứng dụng với nhiều dịch vụ kỹ thuật số khác nhau.

Hiện Grab phục vụ khách hàng tại hơn 400 thành phố trên khắp Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh |

WeChat: Siêu ứng dụng làm thay đổi thế giới mạng Trung Quốc

Siêu ứng dụng WeChat của Tencent chuẩn bị kỷ niệm 10 năm ra đời. Dù vậy, dường như những ngày huy hoàng nhất của nó đã ở lại phía sau. 

Ảnh: Getty Images

Một ngày của Chen Channing, chuyên gia pháp lý 30 tuổi sống tại Thâm Quyến, không thể thiếu WeChat, ứng dụng “tất cả trong một” của Tencent. Trước khi đánh răng buổi sáng, Chen sẽ kiểm tra tin nhắn trên ứng dụng.

Anh dùng tính năng thanh toán để đi tàu điện ngầm đến chỗ làm. Trên đường, anh đọc tin tức trên WeChat. Tại văn phòng, anh dành hầu hết thời gian dùng phiên bản desktop của ứng dụng.

Vào thời gian rảnh, Chen chia sẻ ảnh, nhạc với bạn bè qua ứng dụng. Khi đói, anh đặt đồ ăn và thanh toán ngay trên WeChat. “WeChat đã trở thành một phần trong mọi mặt đời sống và công việc của tôi. Tôi không thể sống thiếu nó”, Chen chia sẻ.

Đó là câu chuyện chung của phần nhiều trong 1,09 tỷ người đang sử dụng WeChat hàng ngày. Báo cáo của nhà cung cấp dữ liệu China Internet Watch chỉ ra trung bình người dùng WeChat dành 77 phút mỗi ngày trên ứng dụng.

WeChat tương đương với WhatsApp, Instagram, Google, Facebook và PayPal cộng lại.

Không quá lời khi nói WeChat đã thay đổi cách người Trung Quốc tương tác với nhau và với thế giới ảo. Tuần này, siêu ứng dụng lên 10 tuổi.

WeChat còn giúp Tencent trở thành công ty lớn nhất châu Á, nâng giá trị vốn hóa lên 800 tỷ USD, lớn thứ 6 toàn cầu, từ 47 tỷ USD của thập kỷ trước.

Cựu Giám đốc hãng nghiên cứu Sootoo Institute Zhang Dingding nhận xét WeChat rõ ràng là sản phẩm Internet thành công nhất của Trung Quốc trong 10 năm qua. Giá trị của ứng dụng vượt qua những con số.

Có nhiều yếu tố dẫn tới thành công của WeChat, bao gồm cả “tường lửa” chặn các mạng xã hội ngoại như Facebook, Google của Trung Quốc.

WeChat cũng xuất hiện “đúng lúc, đúng chỗ”, dựa vào sự bùng nổ trong lượng sử dụng smartphone trong nước. Bên cạnh đó, thiết kế ban đầu của nó dễ sử dụng và thú vị, nhờ vào kiến trúc sư trưởng Allen Zhang Xiaolong. Ông là một trong các giám đốc được trả lương cao nhất Trung Quốc từ năm 2016.

Tuy nhiên, mây đen đang che phủ lễ kỷ niệm 10 năm của WeChat. Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, hoạt động kiểm duyệt nội dung trên ứng dụng ngày càng rõ rệt – cả trong và ngoài nước.

Những tài khoản dường như quảng bá nội dung không phù hợp, phạm pháp – bao gồm bạo lực, khiêu dâm, cờ bạc – nhanh chóng bị đóng cửa.

Phòng nghiên cứu Citizen Lab của Đại học Toronto (Canada) tố cáo WeChat là công cụ Trung Quốc sử dụng để giám sát công dân. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ban hành sắc lệnh hành pháp cấm doanh nghiệp Mỹ giao dịch với WeChat vì nguy cơ bảo mật.

Dù WeChat không phải lo lắng về cạnh tranh “ngoại bang”, ứng dụng đang trong cuộc chiến khốc liệt với các đối thủ nội địa như ByteDance (công ty mẹ TikTok).

Theo báo cáo của QuestMobile tháng 10/2020, thời gian người Trung Quốc dùng điện thoại nhiều hơn 6 tiếng so với một năm trước nhưng chủ yếu dành cho các ứng dụng video như Douyin (phiên bản TikTok Trung Quốc), Kuaishou (cũng của Tencent).

WeChat cùng với công cụ tìm kiếm của Baidu, iQiyi và Taobao, Tmall, Alipay đều ghi nhận tăng trưởng giảm, thậm chí âm, về thời gian sử dụng.

Nhằm đối phó với các thử thách mới, WeChat giới phiệu tính năng video ngắn mang tên Channels một năm trước. Zhang, “cha đẻ” WeChat, cho biết tính tới tháng 6/2020, tính năng có khoảng 200 triệu người dùng. Ông xác định tương lai của ứng dụng sẽ gắn với video.

Theo Giám đốc quản lý hãng tư vấn China Skinny Mark Tanner, Channels tăng trưởng mạnh phần lớn nhờ có mặt trong hệ sinh thái WeChat.

Song, nó không “gây nghiện” như Douyinm trong khi Douyin tiếp tục chiếm phần lớn thời gian người dùng bỏ ra trên điện thoại.

Chỉ trích hành vi độc quyền của Tencent cũng nhiều hơn. Xie Xin, Phó Chủ tịch ByteDance phụ trách ứng dụng truyền thông Feishu, tố cáo WeChat chặn dịch vụ.

Tuy nhiên, Tencent khẳng định hành động công bằng trong việc chặn liên kết ngoài vi phạm quy định, bao gồm cả sản phẩm của Tencent.

WeChat “chào đời” từ trung tâm Dự án và nghiên cứu Quảng Châu của Tencent tháng 1/2011. Zhang, người phụ trách QQ Mail Mobile khi đó, dẫn dắt một nhóm nhỏ phát triển phiên bản đầu tiên của WeChat trong chưa đầy 70 ngày, đánh bại hai nhóm khác trong công ty. Phiên bản này chỉ cho phép người dùng nhắn tin, gửi ảnh.

Sự kiện lớn đến với nhóm WeChat xảy ra vào tháng 5/2011 sau khi được cập nhật tính năng nhắn thoại.

Sau một thập kỷ tối ưu hóa, ứng dụng vẫn đang phát triển. Tencent xây dựng hệ sinh thái khổng lồ xoay quanh WeChat với các chương trình mini.

Về cơ bản, chúng là ứng dụng nhỏ hơn 10 megabytes, chạy ngay trực tiếp trên giao diện của ứng dụng chính. Thiết kế ấy giúp WeChat trở thành nền tảng toàn diện.

Số lượng người dùng các chương trình mini hàng ngày đạt 400 triệu, theo công bố gần nhất của WeChat. Lượng người chơi mini game hàng tháng vượt 500 triệu vào năm 2020.

Bất chấp sự phổ biến của WeChat đối với người Trung Quốc toàn thế giới, Tencent vẫn chưa nghiêm túc với kế hoạch kiếm tiền từ ứng dụng.

Trong tổng doanh thu của Tencent, 56% đến từ “dịch vụ giá trị gia tăng” – liên quan tới game – còn 27% đến từ fintech, 17% từ quảng cáo trực tuyến.

Theo Tanner, cơ hội lớn nhất của WeChat là đã thiết lập được nền tảng người dùng và hệ sinh thái. Chúng tiếp tục được củng cố nếu tích hợp AI và xây dựng nhiều tính năng giải trí hơn, giao diện bớt cồng kềnh hơn.

Phân khúc người dùng nông thôn và bình dân chưa được khai thác cũng đại diện cho cơ hội trong tương lai.

Song, một điều chắc chắn là WeChat đối mặt với tương lai thách thức hơn với quy định siết chặt hơn, cạnh tranh gay gắt hơn và thay đổi trong hành vi người dùng. 10 năm tiếp theo sẽ vô cùng khác biệt so với ban đầu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Huy Lâm | MarketingTrips 

Theo ICTNews