Skip to main content

Thẻ: Stress

Anphabe: 42% người đi làm đang trong trạng thái bị stress

Thông tin trên là nhận định được Anphabe – một trong những đơn vị trong lĩnh vực tuyển dụng việc làm đưa ra, khi thực hiện khảo sát với gần 60.000 người đi làm, tại hơn 500 công ty, trong năm 2022.

Anphabe: 42% người đi làm đang trong trạng thái bị stress
Anphabe: 42% người đi làm đang trong trạng thái bị stress

Bên cạnh sự nỗ lực giải toả tâm lý của mỗi nhân sự, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đúng mức đến tinh thần của người lao động, ổn định nguồn nhân lực, khi áp lực công việc được xem là ngày càng lớn hiện nay.

Quá tải là trạng thái mà một người phụ nữ vẫn còn ám ảnh khi nhắc đến thời gian làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Suốt gần 1 năm trước khi nghỉ việc, chị luôn cảm thấy mệt mỏi vì dành quá nhiều thời gian cho công việc.

“Trong gần 1 năm, mình thường xuyên đối mặt với chỉ số KPI và deadline. Mình cứ miệt mài cố gắng. Một áp lực nữa là mình phải hi sinh thời gian, không biết có bao nhiêu cuối tuần, nghỉ lễ, thời gian cho gia đình… mình đã đốt vào trong công việc. Mình quá stress”, nhân viên công sở chia sẻ.

Đi làm, áp lực là điều khó tránh và mỗi người lao động lại có những áp lực của riêng mình.

Đáng nói, theo khảo sát của Anphabe, có tới 42% người đi làm đang trong trạng thái mệt mỏi với tần suất stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên.

Các nguyên nhân được thống kê gồm các yếu tố liên quan đến tài chính, gia đình; tính chất công việc; môi trường, điều kiện làm việc; quan hệ công sở… Thực tế này có thể thúc đẩy xu hướng “nghỉ việc trong im lặng” ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Tại Công ty Cổ phần Green HN, để ổn định từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân sự, năm nay, nhiều giải pháp chăm lo về tài chính, hay sức khoẻ thể chất, tinh thần người lao động cũng được triển khai nhiều hơn. Toàn bộ khu vực tầng 1 đang được sửa lại để tạo nhiều không gian thư giãn cho nhân viên.

Tuy nhiên, hiện chỉ có 15% trong 500 doanh nghiệp tham gia khảo sát chọn an sinh cho nhân viên là chiến lược quan trọng nhất. Theo nhận định của chuyên gia lao động, con số này vẫn ở mức thấp.

Với sự thay đổi của cơ chế thị trường như hiện nay, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị nhân lực hơn nữa – một trong những yếu tố quyết định sự phát triển về dài hạn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Tại sao người làm marketing đang ngày càng trở nên bị áp lực hơn

Từ việc phải chịu trách nhiệm cho doanh số cuối cùng, thích ứng nhanh với sự thay đổi của khách hàng đến cập nhật liên tục kiến thức ngành, tất cả đều đang làm cho các marketer ngày càng trở nên áp lực hơn.

Tại sao người làm marketing ngày càng trở nên bị áp lực
Source: Thrive Global

Khi các chỉ số marketing ngày càng được kết nối chặt chẽ và trực tiếp hơn đến các chỉ số kinh doanh, người làm marketing đang ngày càng cảm thấy căng thẳng hơn.

Họ cảm thấy khó khăn hơn trong việc tìm thấy các công thức thành công cho các chiến dịch, khó khăn hơn trong việc thúc đẩy chuyển đổi và khách hàng tiềm năng, và cuối cùng là khó khăn trong việc đáp ứng được mục tiêu kinh doanh từ phía ban điều hành.

Mặc dù những áp lực và khó khăn này mang nhiều hình thù khác nhau, tuỳ thuộc vào quy mô, tình hình kinh doanh và bối cảnh của từng doanh nghiệp, tuy nhiên chỉ có một số lý do chính cho điều này.

Mức độ hiệu quả của Marketing đang được đánh giá qua thông kết quả cuối cùng.

Mọi nhiệm vụ của người làm marketing cần phải đo lường được kết quả cuối cùng, đó là những gì mà khách hàng hay các chủ doanh nghiệp đang mong đợi. Và đây dường như là lý do chính khiến các marketer trở nên bị áp lực nhất.

Họ lo lắng:

  • Điều gì sẽ xảy ra nếu sau 6 tháng nỗ lực, họ không đạt được các kết quả mong đợi?
  • Điều gì sẽ xảy ra nếu tỷ lệ chuyển đổi đang ngày càng giảm đi?
  • Điều gì sẽ xảy ra nếu lưu lượng truy cập vào website ngày một vơi dần?
  • …Và muôn vàn những lo lắng khác.

Trong khi kết quả hay hiệu suất cuối cùng của các chiến dịch có thể đến chậm hơn, các khách hàng (nếu bạn đang làm cho Agency) và chủ doanh nghiệp thường có rất ít sự kiên nhẫn, họ tỏ ra vô cùng thất vọng nếu sau một vài lần thử bạn không đạt được kết quả.

Một vài lời khuyên dành cho bạn:

Để có thể giảm đi sự thất vọng của các bên liên quan, trước khi thực hiện bất cứ hành động hay chiến dịch nào, bạn cần xem xét kỹ lưỡng mục tiêu mà bạn đang thực sự mong muốn đạt được, nó có khả thi không, nó có liên quan không, bạn đưa ra nó dựa trên dữ liệu nào.

Nếu bạn có thể chứng minh được những gì (KPIs) mà bạn có thể đạt được là hợp lý dựa trên những nguồn lực (bên trong và bên ngoài) hiện có, bạn có thể giảm bớt sự căng thẳng vì dù sao thì mục tiêu bạn đang hướng tới cũng rất khả thi.

Tìm ra những điểm tiêu chuẩn (benchmark) khác từ thị trường (đối thủ, ngành…) để làm hệ quy chiếu là một lời khuyên khác dành cho bạn.

Thiếu sự hoạch định rõ ràng ngay từ đầu.

Có một câu nói rất hay dành cho những người làm marketing nói riêng và người làm kinh doanh nói chung đại ý là, nếu bạn không lập kế hoạch, bạn đang lập sẵn kế hoạch cho sự thất bại ở phía trước.

Bạn đã bao giờ từng rất loay hoay không biết mình nên làm gì (từng bước) để đáp ứng được sự kỳ vọng của khách hàng hay chủ doanh nghiệp chưa?

Bạn mệt mỏi sau một ngày dài làm việc nhưng vẫn không thể thoát ra khỏi những sự lo âu, bạn tự hỏi “ngày mai mình sẽ và cần phải làm gì?”.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn bạn đến với sự áp lực này là do bạn thiếu đi các bản kế hoạch hay chiến lược được xây dựng một cách rõ ràng và cẩn thận ngay từ đầu.

Bạn nhận được KPIs hay sự kỳ vọng từ khách hàng và Sếp của mình, nhưng bạn chưa thực hiện xây dựng bất cứ kế hoạch nào về cách đạt được điều đó. Bạn và đội nhóm của bạn đang ở thế bị động vì không biết phải làm gì tiếp theo.

Bạn không nên lãng phí thời gian cho những sự căng thẳng không cần thiết.

Lời khuyên dành cho bạn là:

Đừng nên vội vàng hành động nếu bạn chưa thực sự sẵn sàng, bạn chưa hoạch định cho việc bạn cần làm gì và đi đến đâu. Thứ bạn cần là một bản đồ chỉ dẫn rõ ràng.

Một bản đồ chỉ dẫn hay một bản kế hoạch giúp bạn và những người liên quan khác hiểu được họ cần làm gì để đóng góp vào mục tiêu chung. Khi bạn hiểu rõ được mọi thứ thì không có lý do gì để bạn tiếp tục lo lắng hay sợ hãi, ngay cả khi kết quả có thể không được như bạn và chủ doanh nghiệp mong đợi.

Một bản kế hoạch rõ ràng cũng giúp bạn bớt đi những sự sao nhãng không cần thiết và chỉ tập trung vào mục tiêu quan trọng nhất. Trong trường hợp có những sự thay đổi mới xảy ra, việc bạn cần chỉ là điều chỉnh và tích hợp nó vào bản kế hoạch ban đầu.

Mức ngân sách thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

Đối với hầu hết những hoạt động marketing, để có thể đạt được mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, bạn cần được phân bổ ngân sách. Và cũng từ đây, vô số những áp lực đã nảy sinh.

Có thể bạn được phân bổ mức ngân sách thấp hơn nhiều so với những gì bạn cần để đạt được mục tiêu, hoặc cũng có thể bạn chấp nhận dự án của khách hàng (với Agency) nhưng sau đó bạn không đủ mức ngân sách cần thiết do sự biến động về chi phí và chuyển đổi của các quảng cáo.

Bạn vô cùng lo lắng không biết mình nên làm gì để có thể dung hoà được mọi thứ.

Một vài lời khuyên dành cho bạn:

Để giảm bớt sự căng thẳng hay thu hẹp khoảng cách giữa mức ngân sách với mục tiêu có thể đạt được, bạn cần kết nối một cách chặt chẽ giữa mục tiêu (KPIs hay các số liệu cụ thể) với mức ngân sách được phân bổ.

Bước đầu tiên bạn cần làm sau khi nhận được mức ngân sách kèm mục tiêu cụ thể là phác thảo tất cả các hoạt động, có trả phí lẫn miễn phí cần làm để đạt được mục tiêu.

Sau đó bạn cần đối chiếu những khoản chi phí này với mức ngân sách hiện có và thực hiện các thay đổi bổ sung nếu cần thiết. Bạn cũng cần dự báo mức biến động (thường gặp) với các khoản chi phí sẽ được thực hiện, ví dụ, các công cụ quảng cáo phổ biến như Google hay Facebook đều có thể dự báo các mức phí (CPC, CPM) được dao động trong các chiến dịch.

Về cơ bản, chi phí thấp hay cao cũng phụ thuộc không nhỏ vào cách bạn hoạch định và dự báo ngay từ đầu, nếu bạn chọn một chỉ số tốt nhất và thị trường phản hồi đến bạn bằng một con số không mấy khả quan khác, khoảng trống về sự thất vọng của các bên liên quan đối với bạn sẽ ngày càng tăng lên trong khi vấn đề không hẳn nằm ở khả năng của bạn.

Các công cụ quảng cáo hay công nghệ liên tục được cập nhật.

Trong bối cảnh hiện tại, khi các yếu tố công nghệ đang chi phối ngày càng nhiều đến hiệu suất của các hoạt động marketing (martech), một áp lực không thể tránh khỏi cho những người làm marketing đó là phải thường xuyên cập nhật với sự thay đổi.

Ngoài việc theo dõi sự thay đổi từ những thông báo chính thức của các công cụ hay nền tảng liên quan, một cách khác để bạn có thể giảm bớt sự căng thẳng đó là quan sát sự thay đổi trong các hành vi của người tiêu dùng.

Google hay bất cứ nền tảng nào khác vốn luôn coi khách hàng hay người dùng là mục tiêu cuối cùng của mọi sự thay đổi. Khi người dùng đang ngày càng ưu tiên với các nội dung video, Google đã tìm cách để đưa video làm kết quả hiển thị ưu tiên cho người dùng.

Thay vì cảm thấy căng thẳng do bạn không thể biết được chính xác khi nào các nền tảng được cập nhật hay có các thay đổi đáng kể, việc bạn cần làm là theo dõi và quan sát xem những sự thay đổi đó đang ảnh hưởng đến các kết quả cụ thể của bạn như thế nào.

Không phải bất kỳ sự thay đổi nào cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của bạn (ít nhất là trong ngắn hạn), do đó nếu bạn đưa ra một lộ trình cập nhật định kỳ phù hợp cộng với tâm thế sẵn sàng điều chỉnh khi cần thiết, bạn luôn chủ động trong mọi thứ.

Phải đa nhiệm nhiều thứ hơn.

Trong khi phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMBs), những người làm marketing tại các tổ chức này phải đa nhiệm nhiều hơn so với những gì họ mong đợi.

Nếu bạn đang giữ vai trò Digital Marketing ở một doanh nghiệp vừa và nhỏ hay công ty khởi nghiệp, rất có thể công việc của bạn sẽ bao gồm từ việc xây dựng chiến lược hay kế hoạch, xác định mục tiêu, đến các công việc triển khai cụ thể như chạy quảng cáo, tối ưu chiến dịch, viết nội dung cho website và quảng cáo, quản trị web, thiết kế, tư vấn khách hàng, làm việc với sales để tối ưu chuyển đổi…và muôn vàn công việc khác.

Trong khi việc làm nhiều thứ hơn có thể khiến bạn học hỏi được nhiều hơn tuy nhiên, vì thời gian và nguồn lực của bạn là có hạn, bạn không thể làm tất cả mọi thứ cùng lúc.

Trước hết nếu bạn đã chọn việc đa nhiệm là mục tiêu (nếu đa nhiệm không phải là mục tiêu hay mong muốn của bạn, bạn có thể cần thảo luận với nhà tuyển dụng ngay từ ban đầu hoặc chọn các doanh nghiệp phù hợp với bạn), bạn cần xác định rõ ràng về mức độ đa nhiệm trong khả năng phù hợp với bạn.

Từ những ngày ban đầu bạn nên nói rõ với người quản lý (nếu có) hoặc chủ doanh nghiệp về những yêu cầu này để họ hiểu bạn và thực hiện các thay đổi hay hỗ trợ khi cần thiết.

Đến khi mọi thứ vượt ra khỏi sự đa nhiệm của bạn, thay vì cảm thấy lo lắng hay nghi ngờ khả năng của bản thân, bạn nhận được những sự hỗ trợ hay khích lệ kịp thời.

Cuối cùng, để bạn bớt rối hơn do phải thực hiện quá nhiều tác vụ, bạn nên phân chia từng tác vụ cụ thể theo những khoảng thời gian nhất định, khi bạn biết mình cần làm gì (chỉ cho vài thứ) trong những khoảng thời gian được định sẵn, bạn sẽ khiến mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn, bớt căng thẳng hơn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Stress có thể là một điều tốt nếu bạn biết cách sử dụng nó

Với tất cả những thông tin mà bạn có được, bạn có thể xem stress là một điều gì đó xấu và có tác động tiêu cực đến sức khỏe, nhưng theo các nghiên cứu gần đây, bạn nên suy nghĩ lại về vấn đề này.

Stress có thể là một điều tốt nếu bạn biết cách sử dụng nó

Theo đó, các nhà nghiên cứu tâm lý học đến từ trường Đại học Stanford đang có một góc nhìn khác về stress hay những sự căng thẳng.

Họ tin rằng theo đuổi một cuộc sống “không có căng thẳng” thường gây ra nhiều căng thẳng hơn – do chúng ta không đối mặt với các vấn đề phức tạp và những thử thách khốc liệt nhất của mình, chúng ta thường không biết cách vượt qua chúng.

Hãy nghĩ về những khoảng thời gian bạn đã trải qua sự phát triển đáng kể về mặt cá nhân hoặc nghề nghiệp, hoặc những thời điểm bạn đạt được các thành tích cao nhất, chẳng hạn như hoàn thành cuộc đua, xây dựng doanh nghiệp hoặc nuôi dạy tốt một đứa trẻ.

Điều gì đã thúc đẩy bạn phát triển, học hỏi, cải thiện mình và vượt qua mọi vấn đề trong thời gian này? Có phải thời gian này bạn không có bất cứ stress nào không?

Nếu bạn suy nghĩ kỹ thì điều ngược lại đang xảy ra, chính những sự căng thẳng, những sự đấu tranh từ trong chính bản thân chúng ta là động lực lớn nhất giúp chúng ta vươn lên.

Stress hay căng thẳng có nhiều thuộc tính rất tuyệt vời. Nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta quan tâm đến nó; nó kết nối chúng ta trực tiếp với những khía cạnh đầy thách thức và quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta.

Các nhà nghiên cứu lưu ý thêm rằng căng thẳng kéo dài không phải không gây ảnh hưởng gì, nhưng chúng ta cần hiểu rằng nó có thể mang lại những lợi ích bất ngờ, dưới hình thức phát triển cá nhân.

Thông qua nhiều nghiên cứu kết hợp về tâm lý, lãnh đạo, thiền…, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những cá nhân áp dụng tư duy “căng thẳng là để phát triển bản thân” trong cuộc sống của họ cho thấy hiệu quả công việc cao hơn và ít có các triệu chứng tiêu cực hơn về sức khỏe so với những người luôn xem “căng thẳng là sự suy nhược”.

Dựa trên các công trình nghiên cứu với các giám đốc điều hành, sinh viên và các vận động viên chuyên nghiệp…, các nhà nghiên cứu đã đưa ra phương pháp tiếp cận 3 bước để thích ứng và xem stress như là một động lực.

Bước 1: Nhận ra sự căng thẳng.

Bước đầu tiên để chuyển đổi các phản ứng của bạn tới sự căng thẳng là “nhìn thấy” nó.

Thay vì phủ nhận hoặc cố chấp, các nhà nghiên cứu khuyên bạn nên đặt tên hoặc gắn nhãn cho những căng thẳng mà bạn đang phải đối mặt.

Ví dụ: bạn có thể chỉ nói với chính mình: “Tôi rất căng thẳng về việc con trai tôi trượt đại học” hoặc “Tôi đang rất căng thẳng về những chỉ số kinh doanh cuối năm của công ty” hoặc “Tôi rất căng thẳng khi nhận được kết quả chẩn đoán sức khỏe gần đây của tôi.”

Nghiên cứu khoa học thần kinh của Ông Matt Lieberman đến từ Đại học California cho thấy rằng chỉ cần thừa nhận căng thẳng, bạn có thể di chuyển phản ứng trong não bộ của bạn từ ‘trung tâm phản ứng và tự động’ sang ‘trung tâm có ý thức và có chủ ý hơn’.

Trong một nghiên cứu, những người tham gia thử nghiệm được hiển thị những hình ảnh mang cảm xúc tiêu cực. Khi được yêu cầu gắn nhãn cảm xúc mà hình ảnh gợi ra, các hoạt động thần kinh đã di chuyển từ vùng chứa cảm xúc đến vỏ não trước trán, là vùng não mà chúng ta thực hiện suy nghĩ một cách có chủ định và có ý thức.

Nói cách khác, thừa nhận căng thẳng một cách có chủ đích cho phép bạn tạm dừng các phản ứng bản năng tự nhiên và cho phép bạn chọn ra những phản ứng nâng cao hơn.

Ở một khía cạnh khác, việc trốn tránh sự căng thẳng thường mang lại các tác dụng không mong muốn ở chiều ngược lại.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người xem căng thẳng là suy nhược thường có xu hướng chống đối với căng thẳng trong khi những người có tư duy căng thẳng là để phát triển bản thân sẵn sàng tìm kiếm những phản ứng cởi mở hơn, điều này có thể giúp họ học hỏi và phát triển lâu dài hơn.

Bước 2: Sở hữu nó.

Chìa khóa để “sở hữu” sự căng thẳng của bạn là nhận ra rằng chúng ta thường có xu hướng căng thẳng nhiều hơn và dữ dội hơn về những điều quan trọng hơn đối với chúng ta. Căng thẳng cho chúng ta thấy rằng chúng ta đang quan tâm đến nó; rằng nó rất quan trọng.

Việc sở hữu nhận thức này sẽ giúp bạn giải phóng những động lực tích cực – bởi vì trong sâu thẳm, chúng ta rõ ràng là biết rằng những điều quan trọng không phải lúc nào cũng trở nên dễ dàng và dễ đạt được.

Một phép ẩn dụ mà các nhà nghiên cứu thường sử dụng để mô tả trạng thái này là “Đó chỉ là một đêm tối lạnh lẽo bên sườn đỉnh Everest.” Nếu bạn đang leo lên Everest, bạn có thể tưởng tượng rằng sẽ có một số đêm tối lạnh giá trên suốt hành trình của bạn.

Nhưng bạn đã mong đợi điều gì – leo lên Everest sẽ giúp bạn có được điều gì? Bạn có thực sự mong đợi rằng việc nuôi dạy một đứa trẻ hay điều hành một công việc kinh doanh sẽ trở nên dễ dàng không?

Việc sở hữu những sự căng thẳng không nhất thiết sẽ khiến những đêm tối lạnh lẽo đó biến mất nhưng chúng có thể sẽ dễ chịu hơn khi bạn khám phá ra những động lực và ý nghĩa thực sự đằng sau của những thử thách đó.

Bước 3: Sử dụng nó.

Trái ngược với những gì bạn có thể đang suy nghĩ, những phản ứng căng thẳng của cơ thể không được thiết kế để làm hại chúng ta. Trên thực tế, mục tiêu tiến hóa của các phản ứng tới sự căng thẳng là để giúp thúc đẩy cơ thể và tâm trí của chúng ta được hoạt động tốt hơn, giúp chúng ta phát triển và đáp ứng những yêu cầu mà chúng ta phải đối mặt.

Khi cơ thể gặp căng thẳng, nó sẽ bơm các hormone như adrenaline và dopamine, cung cấp thêm máu và oxy cho não và cơ thể, một phản ứng sẽ đẩy bản thân chúng ta vào trạng thái tăng cường năng lượng, tăng cường sự tỉnh táo và thu hẹp sự tập trung.

Mặc dù những phản ứng căng thẳng đôi khi có thể gây bất lợi, nhưng trong nhiều trường hợp, các hormone căng thẳng thực sự có thể kích thích sự phát triển và giải phóng các chất hóa học vào cơ thể để xây dựng lại tế bào, tổng hợp protein và tăng cường khả năng miễn dịch, khiến cơ thể thậm chí còn mạnh mẽ và khỏe mạnh hơn trước.

Các nhà nghiên cứu gọi đây là hiệu ứng phát triển sinh lý phát mạnh, và bất kỳ ai đang đối mặt với sự căng thẳng cũng cần biết các phần thưởng tương ứng của nó.

Cuối cùng, vấn đề không nằm ở bản thân các phản ứng căng thẳng mà nằm ở cách chúng ta nhận diện và sử dụng nó. Đơn giản chỉ cần điều chỉnh các phản ứng của bạn tới sự căng thẳng như một điều gì đó có lợi.

Nhà nghiên cứu Jeremy Jamieson đã chứng minh rằng các sinh viên được yêu cầu kiềm chế sự lo lắng trước khi kiểm tra sẽ có các kết quả tốt hơn trong các kỳ thi.

Giáo sư Alison Wood Brooks của Trường Kinh doanh Harvard cũng đã chỉ ra rằng khi bạn kiềm chế sự lo lắng và chuyển nó thành sự phấn khích có thể cải thiện hiệu suất trong các nhiệm vụ như đàm phán và đưa ra các quyết định quan trọng.

Tuy nhiên, đôi khi nhiều người không rõ cách tốt nhất để sử dụng căng thẳng, đặc biệt là với những tình huống dài hạn hoặc phức tạp hơn.

Chìa khóa trong những trường hợp này chỉ đơn giản là cởi mở với các cơ hội và học tập vốn có trong các căng thẳng.

Trong xã hội, phần lớn chúng ta không coi căng thẳng là khả năng hay yếu tố có lợi và thường bỏ lỡ các cơ hội để học hỏi và phát triển từ những khoảnh khắc căng thẳng đó.

Điều đó không có nghĩa là chúng ta ủng hộ việc coi tất cả các yếu tố gây căng thẳng là một điều tích cực; nhưng chúng ta nên ủng hộ rằng khi chúng ta chấp nhận các phản ứng căng thẳng của mình như một công cụ mạnh mẽ để để vượt qua những thử thách không thể tránh khỏi trong cuộc sống, chúng ta sẽ trưởng thành nhanh hơn, thành công hơn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

5 cách để “Khiêu vũ” với Stress

Những thất bại ngoài dự kiến, những cuộc “chạy đua” với các dự án, và thậm chí là trong lúc tận hưởng các kỳ nghỉ, chúng ta vẫn cảm thấy căng thẳng hay stress.

Quá trình làm việc thường là một vòng quay giữa nhiều trạng thái: ổn định – khi chúng ta cảm thấy kiểm soát tốt tốc độ và khối lượng công việc, cao điểm – lúc chúng ta bị công việc khiến cho quá tải. Duy trì sự tập trung và quản lý năng lượng hết sức quan trọng khi chúng ta gặp áp lực công việc.

Sau đây là một số điều có thể làm để tập trung và kiểm soát năng lượng hiệu quả hơn, theo Harvard Business Review:

1. Chấp nhận hoàn cảnh

Khi khó khăn xảy đến, thật dễ dàng để chống cự lại sự thật rằng nó đang diễn ra. Chúng ta thường ước ao những điều như “mọi thứ trở lại như cũ”, “được thoải mái giống như đang trong kỳ nghỉ mình vừa tận hưởng cách đó không lâu”… Tuy nhiên, bằng cách chối bỏ hiện tại, chúng ta đang tự rút cạn năng lượng của chính mình. Vì vậy, khi gặp áp lực công việc, mức độ chống đối lại hoàn cảnh càng cao, chúng ta càng đánh mất nhiều năng lượng.

Chấp nhận không có nghĩa là nhượng bộ, khuất phục hoàn cảnh. Ngược lại, nó có nghĩa là nắm bắt, thấu hiểu được thực tế đang diễn ra để có thể đưa ra hành động rõ ràng.

2. Quan sát và gọi tên những cảm xúc

Sự chấp nhận hoàn cảnh trở nên khó khăn vì những suy nghĩ tiêu cực như “Tôi đang không làm việc tốt”, “Tôi không biết mình có thể hoàn thành mọi thứ hay không”, “Tôi cảm thấy như đang thất bại cả ở gia đình và nơi làm việc”… thường chiếm ưu thế.

David Rock – Giám đốc Viện NeuroLeadership – gợi ý trong cuốn sách Your Brain at Work của mình rằng, thay vì phủ nhận hoặc tìm cách đẩy lùi cảm xúc, việc gọi tên cho chúng là cách tiếp cận hiệu quả hơn.

“Những người thành công nhất có khả năng giữ được bình tĩnh khi gặp sự kích thích cao độ, một phần là vì họ có khả năng ‘dán nhãn’ cho những tình trạng cảm xúc của mình”, ông nói.

Lần tới, khi gặp áp lực, hoặc nếm trải một thất bại trong công việc, hãy quan sát suy nghĩ và cảm xúc của mình, rồi tìm một từ để gọi tên nó ra, như “căng thẳng”, “lo lắng”, “áp lực”… Nghiên cứu của Rock cho thấy, bằng cách sử dụng chỉ một hoặc 2 từ để diễn tả điều đang xảy ra, bạn có thể làm giảm sự kích thích của “hệ thống chiến đấu” trong não, thay vào đó là kích thích vùng não bộ chịu trách nhiệm về kỹ năng điều hành, giải quyết vấn đề

3. Tỉnh táo khi đưa ra lựa chọn

Chấp nhận hoàn cảnh và “dán nhãn” cảm xúc có thể giúp làm giảm cảm giác lo lắng khi gặp áp lực công việc. Điều này rất quan trọng, như một nghiên cứu của Đại học Pittsburgh cho thấy, sự lo lắng tác động trực tiếp đến khả năng nhận thức của chúng ta, đặc biệt là đối với những lĩnh vực, vấn đề cần phải đưa ra quyết định đúng đắn.

Đừng để bị rơi vào trạng thái trở thành nạn nhân, nghĩa là tin rằng mình không thể kiểm soát được bất kỳ một lựa chọn nào. Thay vào đó, hãy thận trọng hơn trong việc đánh giá những sự ưu tiên, dù khó khăn cũng phải đưa ra các quyết định mang tính đánh đổi, kết hợp với việc tự kiểm soát những thứ trong tầm tay. Chẳng hạn, hãy hỏi chính mình:

– 1 – 2 điều đặc biệt quan trọng trong hôm nay là gì?
– Tôi có thể làm điều gì đó để sạc lại năng lượng cho mình, như đi ngủ sớm một đêm nào đó trong tuần này, nghe những bài hát yêu thích…?
– Có ai đó hoặc điều gì đó mà tôi phải nói “Không” trong khoảng thời gian này?

4. Trao đổi với đồng nghiệp hoặc những người thân thiết

Khi cảm thấy bị quá tải công việc, hãy dừng lại và tự hỏi xem bạn có cần trao đổi lại về thời hạn một phần việc nào đó, thiết lập những giới hạn chặt chẽ hơn, hoặc yêu cầu thêm sự trợ giúp hay không:

– Trao đổi lại về thời hạn: Nếu gặp vấn đề vì thời hạn hoàn thành một phần việc nào đó quá gấp gáp, hãy báo lại với đồng nghiệp về thời hạn hợp lý hơn hoặc cùng thỏa thuận lại với nhau. Và hãy giữ uy tín bằng cách thực hiện đúng những điều mình nói.

– Đặt ra những giới hạn chặt chẽ hơn: Những giới hạn của chúng ta cần phải khác nhau trong giai đoạn công việc căng thẳng. Hãy để những người khác (cả những người liên quan đến công việc hoặc cuộc sống cá nhân) biết khi nào bạn có thể nói “Có” và khi nào bạn phải nói “Không”, để họ ý thức rõ hơn về những giới hạn của bạn.

– Yêu cầu sự hỗ trợ: Nhiều người trong chúng ta tự hào rằng mình có khả năng tự lập cao, không cần làm phiền người khác. Đây là phẩm chất tuyệt vời, nhưng vẫn có những lúc chúng ta cần sự giúp đỡ. Đối với các công việc ở nhà, hãy nhờ sự giúp đỡ của người nhà, đồng thời san sẻ gánh nặng công việc bớt cho đồng nghiệp bằng cách ủy thác hoặc làm việc cùng nhau, chứ không tự mình làm hết mọi thứ.

5. Tự yêu thương mình

Annie McKee – tác giả cuốn How to Be Happy at Work và đồng tác giả một số cuốn sách về trí thông minh cảm xúc nói như thế này về lòng từ bi, sự tự yêu thương bản thân mình (self-compassion): “Nếu bạn thực sự muốn đối phó với stress, hãy ngưng việc cố gắng trở thành một anh hùng và bắt đầu quan tâm đến chính mình”.

Để thực sự tự yêu thương mình, đặc biệt là trong giai đoạn gặp stress trong công việc, hãy chấp nhận hoàn cảnh bằng cách thấu hiểu nó với sự nhận thức và từ bi, quan sát và “dán nhãn” cho những cảm xúc (chứ không ngăn chặn hoặc chối bỏ chúng), tỉnh táo khi đưa ra lựa chọn, trao đổi với đồng nghiệp hoặc những người thân thiết, và yêu cầu sự giúp đỡ khi cần thiết.

Thực hành những cách này, bạn sẽ trải qua “cơn khủng hoảng” tiếp theo một cách dễ dàng và sống “hòa bình” hơn với cái gọi là áp lực.

 

Hà Anh | MarketingTrips

Theo: Harvard Business Review