Sức mạnh thương hiệu là gì? Cách đo lường và Đánh giá
Một thương hiệu mạnh là nền tảng của bất kỳ doanh nghiệp thành công nào. Sức mạnh thương hiệu có thể là chìa khóa để thu hút nhiều khách hàng hơn, xây dựng lòng trung thành tốt hơn và tăng trưởng bền vững hơn. Vậy Sức mạnh thương hiệu là gì? Cách đo lường sức mạnh thương hiệu ra sao? và đâu là những chỉ số đánh giá quan trọng mà thương hiệu cần theo dõi?Tất cả sẽ được phân tích trong bài viết này.
Với tư cách là một người làm marketing nói chung, nếu bạn đang muốn xây dựng nên một thương hiệu mạnh nổi bật trên thị trường hay tách biệt khỏi các đối thủ cạnh tranh, làm thế nào để bạn theo dõi sức mạnh thương hiệu và đo lường nó trong suốt hành trình?
Câu trả lời cho bạn xoay quanh khái niệm sức mạnh thương hiệu, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu sâu hơn về thuật ngữ này.
Sức mạnh thương hiệu là gì?
Sức mạnh thương hiệu hay thương hiệu mạnh được định nghĩa là mức độ nhận biết và tin tưởng của khách hàng tới một thương hiệu cụ thể nào đó của doanh nghiệp.
Kết quả của thương hiệu mạnh là lòng trung thành của khách hàng, độ nhận diện thương hiệu cao và thị phần lớn. Ngày nay, thương hiệu là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của một doanh nghiệp.
Tầm quan trọng của sức mạnh thương hiệu trong kinh doanh và marketing.
Nếu bạn có dữ liệu hoặc quan sát thị trường, các thương hiệu mạnh luôn đứng ở vị trí cao trong thị trường của chính nó.
Chúng dễ dàng được nhận diện, được đánh giá cao và gần như là sẵn có một tệp khách hàng trung thành luôn ủng hộ và tán dương. Hiển nhiên, đằng sau những dấu hiệu này chính là doanh số bán hàng và hơn thế nữa.
Dưới đây là những gì mà các thương hiệu mạnh có thể mang lại (hay thường làm):
- Thiết lập một kết nối cảm xúc mạnh mẽ với khách hàng và khách hàng mục tiêu.
- Luôn nổi bật giữa đám đông (thương hiệu đối thủ) và được ghi nhớ.
- Sở hữu một chuỗi cung ứng và mối quan hệ bền chặt với các nhà cung cấp hoặc đối tác.
- Truyền tải những thông điệp và hình ảnh thương hiệu một cách nhất quán.
- Xây dựng niềm tin, lòng trung thành và các mối quan hệ có ý nghĩa với khách hàng (điểm mấu chốt để thúc đẩy hành vi mua hàng).
- Khác biệt hóa so với các đối thủ cạnh tranh (dựa trên các USP).
- Có bản sắc và giọng điệu thương hiệu riêng biệt.
- Các sản phẩm và dịch vụ được sản xuất và cung cấp dựa trên các mục đích rõ ràng.
Đo lường sức mạnh thương hiệu: Theo phương pháp truyền thống.
Tuỳ thuộc vào từng doanh nghiệp khác nhau, theo từng mục tiêu chiến lược khác nhau hay mô hình kinh doanh khác nhau, sức mạnh thương hiệu (độ mạnh của thương hiệu) được đo lường theo nhiều cách khác nhau; doanh nghiệp có thể tự làm, hoặc thông qua một đơn vị thứ ba nào đó.
Dưới đây là một số phương pháp bạn có thể tham khảo khi đo lường sức mạnh thương hiệu.
1. Mô hình đo lường sức mạnh của thương hiệu.
Nhiều công ty nghiên cứu thị trường như Brand Finance, GFK, Nielsen và BrandTrust cung cấp dịch vụ đo lường độ mạnh thương hiệu cho các doanh nghiệp (thường là các thương hiệu lớn). Các báo cáo hiệu suất sau đó được gọi là Chỉ số sức mạnh thương hiệu (BSI – Brand Strength Index).
Chỉ số sức mạnh thương hiệu (BSI) là thước đo khách quan đánh giá hiệu suất của một thương hiệu (Brand Performance) dựa trên nhiều yếu tố, chẳng hạn như nhận thức về thương hiệu (Brand Awareness), lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu (Brand Loyalty) hay thị phần (Market Share).
BSI được thiết kế để cung cấp một báo cáo toàn diện về hiệu suất của một thương hiệu so với các đối thủ cạnh tranh hiện có trên thị trường.
BSI thường được sử dụng để theo dõi tiến trình phát triển của một thương hiệu theo thời gian và đây cũng chính là nền tảng để thiết lập các chiến lược marketing và xây dựng thương hiệu.
2. Chiến dịch lắng nghe mạng xã hội.
Một cách khác để đo lường sức mạnh thương hiệu đó là theo dõi các cuộc trò chuyện xung quanh thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram hay TikTok.
Các thương hiệu có thể sử dụng dữ liệu có được để phân tích tình cảm của khách hàng với thương hiệu (Consumer Sentiment) và theo dõi hiệu quả của các nỗ lực marketing cũng như xây dựng thương hiệu.
Bằng cách sử dụng các công cụ lắng nghe mạng xã hội (Social Listening), doanh nghiệp có thể xác định những thông điệp nào là phù hợp với đối tượng mục tiêu, xác định các xu hướng, các vấn đề hay nỗi đau mà khách hàng đang gặp phải và hơn thế nữa. Các thông tin có được cũng giúp ích không nhỏ cho quá trình đổi mới và phát triển sản phẩm.
Mặc dù đây là một trong những công cụ hết sức hiệu quả để thu thập dữ liệu trong bối cảnh khi người dùng đang ở lâu hơn bao giờ hết trên các nền tảng mạng xã hội, hạn chế của phương thức này là doanh nghiệp chỉ đo lường được vị thế trên mạng xã hội thay vì là toàn bộ các kênh mà thương hiệu đó đã triển khai.
3. Khảo sát.
Ngoài các cách thức phổ biến nói trên, khảo sát là một con đường khác để đo lường sức mạnh thương hiệu vì chúng có thể cung cấp gần như là trực tiếp về những nhận thức và trải nghiệm của khách hàng với một thương hiệu cụ thể.
Doanh nghiệp có thể sử dụng khảo sát để đo lường mức độ nhận biết thương hiệu, lòng trung thành với thương hiệu hay sự hài lòng của khách hàng.
Điểm hạn chế thường thấy của phương pháp này đó là tốn kém về thời gian và ngân sách, sự thiên vị khi chọn mẫu khảo sát quá hẹp và nhỏ, bên cạnh đó là không phải khách hàng nào cũng sẵn sàng chia sẻ trực tiếp với doanh nghiệp về cảm nhận của họ với thương hiệu.
Đo lường sức mạnh thương hiệu: Theo cách tiếp cận kỹ thuật số.
Trong bối cảnh hiện tại, khi người người và nhà nhà chuyển đổi số, có không ít các công cụ cho phép thương hiệu đo lường sức mạnh của thương hiệu trên môi trường trực tuyến một cách linh hoạt và ít tốn kém, một trong số đó là Similarweb.
Bằng cách xem xét và đánh giá các hành vi thực tế của khách hàng thông qua các chỉ số cụ thể, những người làm digital marketing sẽ hiểu rõ hơn về nhu cầu và sở thích của khách hàng để từ đó có thể đưa ra các quyết định sáng suốt và hiệu quả hơn.
Với Similarweb Digital Research Intelligence, các thương hiệu có thể phân tích hiệu suất và thực hiện theo dõi thương hiệu một cách nhanh chóng chỉ trong vài phút.
Các Marketer cần một phương thức theo dõi tức thời và dễ dàng.
Khi hành vi của người tiêu dùng đang ngày càng thay đổi nhanh chóng hơn, những người làm marketing cần một giải pháp có khả năng phân tích dữ liệu một cách nhanh chóng hơn và dễ sử dụng hơn. Để làm được điều này, các phương thức truyền thống như khảo sát hay phỏng vấn rõ ràng là không thể đáp ứng được yêu cầu.
Dưới đây là cách mà các công cụ như Similarweb đang thay đổi cách các thương hiệu đo lường hiệu suất của họ và cách thương hiệu có thể theo dõi sức mạnh thương hiệu của các đối thủ hiện có trên thị trường.
Theo dõi sức mạnh thương hiệu: Các số liệu chính.
Doanh nghiệp có thể đo lường sức mạnh của thương hiệu dựa trên các chỉ số dưới đây.
Khối lượng tìm kiếm các từ khoá có thương hiệu.
- Từ khoá có thương hiệu là gì: Từ khoá có thương hiệu hay từ khoá thương hiệu là các từ khoá hay truy vấn tìm kiếm gắn liền với tên gọi của thương hiệu, đó có thể chính là tên của thương hiệu hoặc tên thương hiệu kèm với các tiền tố hay hậu tố khác. Ví dụ: Starbucks, MarketingTrips hay mua Starbucks chính là các từ khoá có thương hiệu.
- Tại sao từ khoá thương hiệu lại liên quan đến sức mạnh thương hiệu: Cũng tương tự như bất cứ từ khoá nào khác, lượng tìm kiếm cao hơn cho thấy nhu cầu cao hơn. Với từ khoá có thương hiệu cũng vậy, người dùng sẽ tìm kiếm thương hiệu nếu họ quan tâm đến thương hiệu.
Trừ các trường hợp đặc biệt, hầu hết các thương hiệu nổi tiếng đều có lượng tìm kiếm thương hiệu rất cao.
Lưu lượng truy cập tự nhiên (Organic Traffic).
- Lưu lượng truy cập tự nhiên là gì: Chính là số lượng người dùng truy cập vào một website từ các nguồn không phải do quảng cáo (Paid Media). Lượng truy cập tự nhiên có thể bao gồm lượng truy cập miễn phí đến từ công cụ tìm kiếm (SEO), truy cập trực tiếp, các lượt giới thiệu (Referral), từ email hay từ mạng xã hội…
- Tại sao lượng truy cập tự nhiên lại liên quan đến sức mạnh của thương hiệu: Lượng truy cập tự nhiên thể hiện mức độ phổ biến của thương hiệu và mức độ quan tâm tìm hiểu của khách hàng ngay cả khi thương hiệu không hiển thị quảng cáo tới họ.
Lưu lượng truy cập trực tiếp (Direct Traffic).
- Lượng truy cập trực tiếp là gì: Lưu lượng truy cập trực tiếp được tính khi người dùng nhập trực tiếp địa chỉ (URL) của website lên thanh trình duyệt. Những người này thường đã biết đến thương hiệu do đó họ không cần tìm kiếm thương hiệu trên công cụ tìm kiếm mà truy cập thẳng vào website để cập nhật thông tin hay tìm một thứ gì đó.
- Tại sao nó lại liên quan đến khái niệm sức mạnh thương hiệu: Như định nghĩa của chính nó, chỉ có những khách hàng trung thành, đã biết về thương hiệu mới truy cập trực tiếp vào website của thương hiệu, đây chính là dấu hiệu cho thấy thương hiệu hiện đang là một lựa chọn hay địa chỉ yêu thích của họ.
Hành vi duyệt chéo (cross-browsing) hay lòng trung thành khi truy cập của người dùng.
- Duyệt chéo là gì: Là chỉ số về lòng trung thành của người dùng cho biết số lượng người truy cập (dưới dạng phần trăm) chỉ truy cập vào một website so với những người truy cập hai hoặc nhiều website trong cùng một phiên (session). Tỷ lệ người truy cập vào một website càng cao thì lòng trung thành của họ càng lớn.
- Tại sao nó liên quan đến sức mạnh thương hiệu: Mức độ trung thành (khi truy cập) của khách hàng cao cho thấy thương hiệu hiện đang có mối quan hệ bền chặt với họ.
Số liệu ứng dụng dành cho thiết bị di động: Lượt cài đặt và tải xuống.
- Lượt cài đặt và lượt tải xuống hiển thị dữ liệu về cách người dùng tương tác với ứng dụng.
- Lượt tải xuống: Tổng ước tính của tất cả những lượt tải xuống ứng dụng từ cửa hàng ứng dụng. Một thiết bị hay tài khoản người dùng có thể tải xuống nhiều lần
- Số lượt cài đặt duy nhất: những lượt cài đặt này chỉ được tính một lần, dựa trên tài khoản Google Play duy nhất của người dùng, số liệu này thường ít hơn nhiều so với số lượt tải xuống vì chỉ tính 1 lần trên mỗi người dùng.
- Tại sao số liệu này lại liên quan đến giá trị hay độ mạnh của thương hiệu: Mức độ cài đặt cao hơn báo hiệu mức độ quan tâm nhiều hơn so với các ứng dụng khác trong cùng một thị trường. Tương tự, số lượt cài đặt duy nhất cho biết có bao nhiêu khách hàng mới đang chọn sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.
Số liệu ứng dụng dành cho thiết bị di động: Tỷ lệ giữ chân người dùng (User Retention).
- Tỷ lệ giữ chân người dùng của ứng dụng dành cho thiết bị di động cho biết tỷ lệ phần trăm người dùng tiếp tục tương tác với một ứng dụng trong 30 ngày sau khi ứng dụng được mở lần đầu tiên.
- Tại sao điều này lại liên quan đến sức mạnh của thương hiệu: Mức độ giữ chân người dùng cao phản ánh tỷ lệ những người dùng hay khách hàng đã tìm thấy đủ giá trị (so với mức kỳ vọng) trong các sản phẩm của doanh nghiệp. Nó cũng cho biết mức độ gắn bó của khách hàng với thương hiệu, trải nghiệm của khách hàng và mức độ phù hợp giữa giá cả và giá trị.
Tận dụng sức mạnh của thương hiệu.
Như đã đề cập ở trên, thị trường ngày nay đang phát triển với một tốc độ chóng mặt và hành vi của người tiêu dùng cũng vận hành theo cách tương tự.
Bằng cách tận dụng các thông tin chi tiết dựa trên dữ liệu (data-driven insights), các doanh nghiệp có thể nắm bắt chính xác sức khoẻ của thương hiệu, những điểm mạnh và yếu của thương hiệu, đây chính là nền tảng giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định nhanh chóng và hiệu quả hơn, những lợi thế cạnh tranh cũng sẽ được xây dựng nên từ đây.
FAQs – Những câu hỏi thường gặp xoay quanh thuật ngữ sức mạnh thương hiệu.
- Sức mạnh thương hiệu được đo lường như thế nào?
Sức mạnh thương hiệu thường được đo lường thông qua khảo sát khách hàng, nghiên cứu thị trường và các số liệu thương hiệu như nhận thức về thương hiệu hay lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu.
- Tại sao sức mạnh thương hiệu lại quan trọng?
Sức mạnh thương hiệu rất quan trọng vì nó giúp doanh nghiệp nổi bật hơn so với các đối thủ cạnh tranh và tạo niềm tin với khách hàng.
- 4 yếu tố của một thương hiệu mạnh là gì?
Bốn yếu tố của một thương hiệu mạnh là: rõ ràng, nhất quán, cộng hưởng và tác động (gây ảnh hưởng).
- Sức mạnh thương hiệu và tài sản thương hiệu có giống nhau không?
Sức mạnh thương hiệu và tài sản thương hiệu là 2 khái niệm khác nhau. Sức mạnh thương hiệu đo lường mức độ mà thương hiệu được khách hàng công nhận và đánh giá (từ góc nhìn của khách hàng), trong khi tài sản thương hiệu là giá trị của thương hiệu trên thị trường (bao gồm nhiều tài sản hữu hình và vô hình khác nhau).
Kết luận.
Trên đây là toàn bộ các giải đáp của MarketingTrips cho câu hỏi sức mạnh thương hiệu là gì. Ngoài phân tích khái niệm, MarketingTrips cũng đã cung cấp nhiều chỉ số quan trọng mà doanh nghiệp nên sử dụng khi đo lường và đánh giá thương hiệu của mình. Hy vọng với những kiến thức có được, doanh nghiệp giờ đây có thể dễ dàng đánh giá và liên tục theo dõi giá thị thương hiệu của mình.
Special Offer từ MarketingTrips:
- Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
- Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
- Đăng ký (dành cho Agency): Sign up
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer