Skip to main content

Thẻ: Sundar Pichai

CEO Google Sundar Pichai bị kêu gọi từ chức khi được cho là hụt hơi trong cuộc đua AI

Google đang hụt hơi trong cuộc đua AI và đối mặt hàng loạt vấn đề với công chúng, khiến nhiều người kêu gọi thay thế CEO Sundar Pichai.

Tính năng tạo ảnh của Google ra mắt đầu tháng 2 thông qua Gemini, đổi tên từ Google Bard. Tuy nhiên, nhiều người dùng phản ánh công cụ cho kết quả không chính xác, như tổng thống đầu tiên của Mỹ là George Washington bị Gemini coi là người da màu. Lỗi này nhanh chóng trở thành vấn đề lớn trên mạng xã hội, khiến cổ phiếu của Google lao dốc, trong khi CEO Sundar Pichai thừa nhận lỗi là “không thể chấp nhận được”.

Đó chỉ là một trong những dấu hiệu khiến giới phân tích nhận định Google đang mất phương hướng trong cuộc đua AI. Tuần trước, nhà phân tích Ben Thompson đăng bài nói Google cần chuyển đổi và “loại bỏ những người khiến tình hình trở nên hỗn loạn, trong đó có CEO Pichai”. Bài viết nhanh chóng lan truyền giữa các nhân viên ở Google và các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon.

Mark Shmulik, chuyên gia về Internet tại công ty phân tích tài chính Bernstein, cũng kêu gọi thay đổi bộ máy lãnh đạo hàng đầu của Google. “Sự việc này đặt ra nhiều câu hỏi rằng đây có thật sự là đội ngũ lãnh đạo phù hợp để dẫn dắt Google vào kỷ nguyên mới hay không”, ông viết.

Những lùm xùm xoay quanh chatbot Bard và Gemini khiến Google có vẻ giống như một công ty đang vội vã chạy theo các đối thủ. Vấn đề lớn nhất là Google có quá nhiều rào cản quan liêu trong nội bộ và công ty cũng không muốn gây tổn hại mảng tìm kiếm của mình.

Pichai trở thành CEO Google năm 2015 và công ty mẹ Alphabet năm 2019. Ông được coi là “CEO rất mạnh trong thời bình”, luôn bảo vệ được mảng kinh doanh tìm kiếm và quan hệ tốt với giới chính trị. Pichai cũng mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông, khi giá trị thị trường của Google hiện là 1.700 tỷ USD, so với hơn 400 tỷ USD khi ông được bổ nhiệm.

Dù vậy, Google được cho là đang rơi vào trì trệ và tình trạng này bắt đầu xuất hiện công khai giữa lúc công ty cố gắng tung ra sản phẩm càng nhanh càng tốt. Marissa Mayer, người từng làm việc 13 năm tại Google, cho rằng công ty cần tập trung vào đổi mới sáng tạo và “áp dụng tư duy của kẻ thách thức”.

Shmulik nhận định Google Search chưa thể bị thay thế hay chịu sự đe dọa từ AI tạo sinh cho đến khi người dùng chuyển sang nền tảng khác để tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, điều này có thể không còn là tương lai quá xa. Gartner dự đoán các hệ thống tìm kiếm truyền thống có thể đối mặt với mức sụt giảm 25% trước năm 2026 do sự xuất hiện của những nền tảng dùng AI.

Google hiểu rõ những gì phải đối mặt và đang phát triển hệ thống tìm kiếm dùng AI. Câu hỏi lớn hiện nay là liệu Sundar Pichai có đủ khả năng lèo lái Google qua một trong những cơn bão lớn nhất mà hãng từng đối mặt hay không, cũng như ai sẽ là người đủ khả năng thay thế nếu ông rời vị trí lãnh đạo.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo VnExpress

CEO Google: Gemini AI bị lỗi khi tạo hình ảnh là không thể chấp nhận được

Sundar Pichai, CEO Google, cho biết sự cố tạo hình ảnh của mô hình Gemini là không thể chấp nhận được và công ty đang nỗ lực khắc phục.

CEO Google: Gemini AI bị lỗi khi tạo hình ảnh là không thể chấp nhận được
CEO Google: Gemini AI bị lỗi khi tạo hình ảnh là không thể chấp nhận được

Tính năng tạo ảnh của Google mới ra mắt đầu tháng 2 thông qua Gemini, đổi tên từ Google Bard. Tuy nhiên, nhiều người dùng phản ánh rằng công cụ cho ra kết quả không chính xác, như tổng thống đầu tiên của Mỹ George Washington bị Gemini coi là người da màu. Lỗi này nhanh chóng trở thành vấn đề lớn trên mạng xã hội.

Trong thông báo nội bộ, CEO Google khẳng định không có AI nào hoàn hảo, đặc biệt trong giai đoạn đầu của ngành. Tuy nhiên, Google luôn đặt ra tiêu chuẩn rất cao đối với sản phẩm nên sự cố như trên khó chấp nhận được.

Sundar Pichai tỏ ra lạc quan về tương lai của Gemini khi nhận thấy sự cải thiện đáng kể trong các câu trả lời của chatbot. Trong khi đó, tính năng tạo hình ảnh của Gemini hiện bị gỡ bỏ cho đến khi khắc phục xong.

Jack Krawczyk, Giám đốc sản phẩm cấp cao của Gemini tại Google, cho biết công cụ AI của hãng có thể tạo hình ảnh con người với sắc tộc khác nhau và đó là điều tốt vì mọi người khắp thế giới đều sử dụng nó. Tuy nhiên, hãng đã không tính đến những trường hợp cụ thể, dẫn đến gây tranh cãi, như người Viking cũng bị AI coi là người da màu.

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh mô hình rất phức tạp vì AI hoàn toàn có thể mắc những lỗi vô lý. Đối với Gemini, Google hứa hẹn tính năng tạo ảnh sẽ sớm trở lại nhưng cần có quy trình để đảm bảo sự cố không lặp lại.

Google đang đối mặt nhiều thách thức khi cố gắng bắt kịp OpenAI trong cuộc chạy đua AI tổng quát (Generative AI). Trong khi họ còn đang gặp vấn đề với Gemini, OpenAI đã ra mắt Sora và gây sốt nhờ khả năng tạo video từ văn bản.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Thu nhập của CEO Google tăng gần 36 lần từ 2021 đến 2022

Theo số liệu mới đây từ CNN, mức thu nhập của CEO Google Sundar Pichai năm 2022 là 226 triệu USD so với mức chỉ 6.3 triệu USD của năm 2021.

Thu nhập của CEO Google tăng gần 36 lần từ 2021 đến 2022
Thu nhập của CEO Google tăng gần 36 lần từ 2021 đến 2022

Theo một báo cáo từ Alphabet Inc, công ty mẹ của Google, thu nhập của CEO Google Sundar Pichai đạt mức 226 triệu USD trong 2022, khoản thu nhập bao gồm tiền lương và các khoản từ cổ phiếu.

Cũng theo số liệu này, mức lương của Sundar Pichai cũng nằm trong danh sách những nhà lãnh đạo doanh nghiệp được trả cao nhất thế giới.

Báo cáo của Alphabet cũng tiết lộ rằng Prabhakar Raghavan, hiện là phó chủ tịch cấp cao về tri thức và thông tin của Google, và Philipp Schindler, giám đốc kinh doanh của Google, cả hai nhà lãnh đạo này đã kiếm được khoảng 37 triệu USD vào năm 2022. Giám đốc tài chính (CFO) của Google, Ruth Porat, đã nhận được 24,5 triệu USD tiền phúc lợi.

Vào năm 2022, tổng số tiền bồi thường trung bình cho nhân viên của Alphabet là 279.802 USD. Khoản bồi thường của CEO Pichai cao gấp 808 lần nhân viên.

Vào tháng 1, Google đã cắt giảm khoảng 12.000 nhân sự và tiếp sau đó là một số đợt cắt giảm nhân sự khác, cùng với nhiều hoạt động được đưa ra với mục tiêu cắt giảm chi phí.

Trong một bản ghi nhớ gửi cho nhân viên, Google cho biết doanh nghiệp này sẽ sửa đổi các lợi ích và đặc quyền của nhân viên để trở nên phù hợp hơn với “cách thức hoạt động mới của Google”. .

“Trong hai năm qua, chúng ta đã chứng kiến những giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Để phù hợp hơn với sự tăng trưởng đó, chúng tôi cần những chính sách mới.”

Vào năm 2022, doanh thu của Google đạt mức gần 280 tỷ USD, trong đó hơn 80% doanh thu là đến từ quảng cáo.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Bill Gates và Sundar Pichai coi đây là cách tốt nhất để chọn nghề

Khi nói đến việc lựa chọn một nghề nghiệp mà bạn có nhiều khả năng thành công nhất, đây là cách mà cả nhà sáng lập Microsoft và CEO của Google đều đồng ý.

Bill Gates và Sundar Pichai coi đây là cách tốt nhất để chọn nghề
Bill Gates and Sundar Pichai. Getty Images

Mọi người thường thích đọc về thói quen, sở thích và hành trình sống của những người siêu thành công hay giàu có, nếu bạn thử tìm kiếm với vài từ khoá đơn giản bạn có thể bắt gặp ngay vô số những bài viết dạy bạn cách để thành công.

Bản chất vốn có của con người là tìm kiếm một con đường tốt và êm ả nhất để đi theo, nhưng nếu bạn càng đọc những bài viết kiểu đó, bạn sẽ sớm nhận ra rằng: Những người mà bạn ngưỡng mộ đã đi những con đường rất khác nhau trước khi chạm đến thành công.

Jeff Bezos đã dành toàn bộ tâm huyết của mình cho lĩnh vực tài chính trước khi xây dựng Amazon, Bill Gates bắt đầu kiếm tiền bằng việc viết phần mềm từ khi còn học trung học. Một số tỷ phú là người ưa dậy sớm, những người khác lại chọn cách làm “cú đêm”.

Một số dường như đã sinh ra với những sự tự tin và năng lực siêu phàm, những người khác thừa nhận rằng họ đã đấu tranh với vô số sự nghi ngờ.

Khi bạn đọc những câu chuyện thành công này, rõ ràng là sẽ không có bất cứ một con đường duy nhất nào dẫn đến sự vĩ đại hay giàu có.

Điều đó có nghĩa là ngay cả khi những người thành công nhất cùng đồng ý về một lời khuyên về cách đạt được thành công, việc chúng ta cần làm là bình tĩnh, ghi chú và lựa chọn những cách thức cho riêng mình.

Niềm đam mê có thể mang lại cho bạn động lực để thành công.

Trong một bài nói chuyện của Bill Gates với các sinh viên trường Harvard, khi đó ông được hỏi: Làm thế nào để bạn chọn đúng con đường sự nghiệp khi bạn không chắc chắn về những điều mình muốn trong cuộc đời?

Câu trả lời của Bill Gates có thể khiến nhiều người khó hiểu. Ông nói: “Điều có thể khiến bạn trở nên thành công nhất là bất cứ điều gì bạn bị ám ảnh từ năm bạn 12 đến 18 tuổi”.

Khi nói về thời niên thiếu, trong khi phần lớn chúng ta thường nghĩ về những sự bối rối vu vơ hoặc coi nhẹ những câu chuyện của chính cuộc đời mình, nhưng Bill Gates lại coi chúng là một cánh cửa dẫn đến niềm đam mê thực sự của bạn.

Và bạn rất có thể sẽ trở nên siêu thành công trong lĩnh vực nào đó mà bạn thực sự đam mê, bởi vì niềm đam mê mang lại cho bạn động lực để thực hiện và vượt qua những công việc khó khăn, điều mà sự thành công luôn luôn đòi hỏi.

Cũng nói về điều này, CEO của Google Ông Sundar Pichai chia sẻ:

“Tôi luôn cảm thấy rằng, hơn cả những gì lý trí mách bảo, bạn cần phải tìm hiểu xem trái tim mình đang bị kích thích bởi điều gì. Đó là một cuộc hành trình và bạn sẽ biết nó khi bạn tìm kiếm nó. Nếu bạn tìm thấy điều đó, mọi thứ sẽ sớm trở thành hiện thực.”

Bạn vẫn nghe nhiều lời khuyên nói rằng, đừng theo đổi đam mê?

Nếu như Bill Gates hay Sundar Pichai dường như tin rằng theo đuổi đam mê của bạn là con đường dẫn đến sự thống trị trong sự nghiệp cá nhân. Thì vẫn còn một số quan điểm có vẻ như là hơi khác.

Nhà đầu tư và doanh nhân người Mỹ Ben Horowitz và nhiều người khác đã khẳng định rằng “hãy theo đuổi đam mê của bạn”, trên thực tế, là một lời khuyên nghề nghiệp tệ hại.

Trong bài phát biểu của mình khi nói đến việc theo đuổi đam mê của bạn, Horowitz nói: “Hãy tự suy nghĩ. Tự suy nghĩ nghe có vẻ đơn giản và tầm thường, nhưng thực tế thì nó cực kỳ khó khăn và rất cần sự sâu sắc.”

“Nếu bạn nhìn nhận một cách trung thực về các kỹ năng và sở thích hiện có của mình và kết hợp chúng với cách bạn có thể đóng góp để giải quyết các vấn đề của thế giới, thì thế giới sẽ khen thưởng bạn như là một cách phản hồi.”

Các câu nói có thể khác nhau, tuy nhiên, nếu xét về ý nghĩa và mục đích cuối cùng thì cả Bill Gates, Sundar Pichai và Horowitz thực ra không khác gì mấy.

Theo đuổi đam mê của bạn một cách mù quáng vào các lĩnh vực mà bạn không có tài năng là một ý tưởng thực sự tồi, bằng cách này, bạn có thể bỏ qua những điểm mạnh và sở thích của bản thân, và bạn chỉ đang cố gắng để trở thành bất cứ điều gì mà bạn tưởng tượng là thế giới (hoặc cha mẹ bạn) muốn bạn trở thành.

Trước khi có thể tạo ra được bất cứ dấu ấn nào trên thế giới, bạn cần biết mình thực sự là ai, bạn thích gì, bạn giỏi điều gì và mục đích của bạn ra sao.

Nghe thì có vẻ hơi khó nhưng đó là cách mà bạn nên làm.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn

CEO Google: 3 ngày ở văn phòng và 2 ngày ở nhà là một sự cân bằng tuyệt vời

Ông Sundar Pichai cho rằng mô hình làm việc kết hợp 3 ngày ở văn phòng và 2 ngày ở nhà tạo ra sự cân bằng giữa việc hợp tác trực tiếp và tập trung cá nhân.

CEO Google: 3 ngày ở văn phòng và 2 ngày ở nhà là một sự cân bằng tuyệt vời
Source: Justin Sullivan via Getty Images

Vị Giám đốc điều hành Alphabet Inc. cho biết làm việc ba ngày một tuần tại văn phòng và hai ngày làm việc từ xa tại nhà hoặc bất cứ nơi đâu giúp nhân viên cân bằng tốt giữa thời gian ở nhà và thời gian phối hợp trực tiếp với đồng nghiệp của họ.

Ông cũng cho biết Google đang áp dụng mô hình 2-3 này với tất cả các nhân viên được cho phép làm việc linh hoạt ở những nơi họ muốn trong hai ngày một tuần. Google lần đầu tiên công bố khái niệm “tuần làm việc linh hoạt” vào tháng 12 năm 2020.

Ông nói tiếp: “Ba ngày ở văn phòng rất quan trọng đối với sự cộng tác và phát triển yếu tố cộng đồng và hai ngày làm việc từ xa cho phép nhân viên hạn chế việc đi lại và tập trung nhiều hơn vào các nhiệm vụ của cá nhân.

Trong một buổi nói chuyện với tờ The Wall Street Journal, khi Sundar Pichai được hỏi liệu mô hình làm việc này có phải là sự thay đổi vĩnh viễn đối với công ty không.

Ông nói: “Tôi nghĩ nó sẽ là như vậy. Ngay cả ở những nơi như New York và San Francisco, nhân viên của chúng tôi đã phải đối mặt với những chuyến đi dài và đó là một vấn đề thực sự. Và do đó, tôi nghĩ rằng mọi người sẽ có được sự cân bằng tốt hơn với mô hình mới”.

Google gần đây đã đồng ý với một thỏa thuận trị giá 2,1 tỷ USD để mở rộng cái mà công ty này gọi là khu phức hợp “Google Hudson Square” ở New York và họ cũng cho biết là đang hình dung lại các không gian làm việc để làm cho chúng trở nên hợp tác và vui vẻ hơn.

Alphabet hiện thông báo rằng nhân viên sẽ chính thức có thể trở lại văn phòng vào tháng 1 năm 2022 và sau thời gian đó, công ty sẽ yêu cầu từng văn phòng địa phương tự đưa ra quyết định về việc có quay trở lại văn phòng làm việc hay không.

Công ty cũng cho biết có khoảng 20% đến 30% nhân viên đã tự nguyện quay lại văn phòng – con số này là 50% ở văn phòng New York.

Google cũng dự kiến có khoảng 20% lực lượng lao động của mình sẽ làm việc hoàn toàn từ xa theo thời gian và rằng công ty sẽ cho phép mọi người tự do hơn khi chọn nơi làm việc.

Vào tháng 8, khi có thông tin bị rò rỉ cho rằng những nhân viên làm việc từ xa của Google có thể bị cắt giảm lương tới 25%, tuy nhiên công ty nói rằng họ đã và sẽ luôn tính toán tiền lương dựa trên vị trí và nơi làm việc.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn

CEO Google: ‘AI là khám phá tuyệt vời nhất của nhân loại’

Sundar Pichai, CEO của Alphabet, cho rằng AI là phát minh quan trọng không kém việc khám phá ra lửa, điện hay Internet.

CEO Google | Sundar Pichai

“Nếu bạn từng nghĩ đến các phát minh về lửa, điện hoặc Internet, AI cũng sâu sắc không kém”, Sundar Pichai nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC.

Cũng theo dự đoán của người đứng đầu Alphabet (công ty mẹ của Google), trong 25 năm tới, AI và điện toán lượng tử sẽ hoàn toàn cách mạng hóa cuộc sống của con người.

“Có những thứ giúp cách sử dụng máy tính của chúng ta ngày nay trở nên tốt hơn. Nhưng những thứ mà điện toán lượng tử mang tới sẽ mở ra những giải pháo hoàn toàn mới”, Pichai nói trong cuộc phỏng vấn.

Những năm qua, AI và điện toán lượng tử là hai lĩnh vực được Google quan tâm và đẩy mạnh. Cuối 2019, Google cho biết đã đạt được Ưu thế lượng tử, hay còn gọi là Lượng tử tối cao (Quantum Supremacy) – cột mốc đánh dấu khả năng máy tính lượng tử có thể giải các bài toán với tốc độ siêu nhanh.

Hãng cũng giới thiệu máy tính lượng tử của riêng mình với khả năng có thể rút ngắn thời gian giải một bài toán từ 10.000 năm ở một máy tính thông thường xuống còn 200 giây.

Sundar Pichai cùng với các nhân vật công nghệ có tiếng khác như Mark Zuckerberg nhiều lần ủng hộ AI, cho rằng công nghệ này sẽ là tương lai nhân loại.

Ngược lại, những người như Elon Musk hay thiên tài vật lý Stephen Hawking đánh giá sự xuất hiện của AI “sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử văn minh nhân loại”, trừ khi chúng được kiểm soát.

Tại buổi phỏng vấn, Sundar Pichai cũng đề cập đến những tranh cãi thời gian qua về vấn đề độc quyền của Google. Ông cho rằng đây là một nền tảng miễn phí và người dùng luôn được cung cấp tùy chọn sử dụng công cụ tìm kiếm khác.

Ngoài ra, khi được hỏi về vấn đề thuế của Google, Pichai khẳng định Google là một trong những công ty đóng thuế kinh tế lớn nhất trên thế giới và tuân thủ tất cả các luật thuế.

Ông cũng thừa nhận mình “có chút ghen tị” với Jeff Bezos khi tỷ phú này sắp bay vào vũ trụ ngày 20/7.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Đây là 6 điều mà Google dạy những nhà quản lý mới của mình

Theo Google, quá trình chuyển đổi sang tầm quản lý đòi hỏi một sự chuyển đổi lớn về tư tưởng từ phía nhân viên.

CEO Google – Sundar Pichai

Quá trình chuyển đổi từ một người đóng góp cá nhân thành nhà quản lý không phải là một việc dễ dàng.

Trong nhiều trường hợp, những kỹ năng giúp bạn thăng tiến với tư cách là một nhân viên sẽ không giống với những kỹ năng giúp bạn trở nên hiệu quả với tư cách là nhà quản lý.

May mắn thay, chúng ta có những tổ chức như Google đã dành nhiều năm để nghiên cứu về quá trình chuyển đổi này, từ đó giúp chúng ta khám phá ra những bí mật thành công của các nhà quản lý mới.

Thông qua một nghiên cứu nội bộ đã phân tích hơn 10.000 nhà quản lý bao gồm đánh giá hiệu suất, khảo sát, các giải thưởng nhận được và sự công nhận của những nhà quản lý cấp cao, Google đã xác định những thuộc tính của các nhà quản lý hiệu quả cao.

Những thuộc tính này giờ đây đã trở thành ‘kim chỉ nam’ để Google hướng dẫn và đạo tạo những nhà quản lý mới của mình.

Dưới đây là chi tiết từng thuộc tính.

1. Tư duy và giá trị.

Thực hiện nghiên cứu từ Bà Carol Dweck, giáo sư tâm lý học tại Đại học Stanford, Google khuyến khích các nhà quản lý của mình phát triển tư duy tăng trưởng (growth mindset).

Trái ngược với một tư duy cố định (fixed mindset), người vốn có niềm tin rằng các kỹ năng và khả năng là được xác định trước, những cá nhân có tư duy tăng trưởng tin rằng trí thông minh có thể được trau dồi.

Ý tưởng đơn giản này giúp các nhà lãnh đạo ham học hỏi, thử thách bản thân và thử nghiệm nhiều hơn, và từ đó giúp nâng cao hiệu suất của họ hơn.

Mặc dù thành công luôn đòi hỏi sự kiên trì, chăm chỉ và tập trung, nhưng nghiên cứu này cũng cho thấy giá trị ‘tiềm ẩn’ và cần thiết của sự lạc quan.

Ngoài ra, Google khuyến khích các nhà quản lý của mình xác định các giá trị và tận dụng chúng trong phong cách quản lý của họ.

Mục đích không phải là áp đặt các giá trị đã định sẵn, mà là để trao quyền cho các nhà lãnh đạo tận dụng đạo đức cá nhân của họ để thúc đẩy ý nghĩa và tác động sâu sắc hơn đến công việc của mình.

2. Trí tuệ cảm xúc (E.I.)

Theo Daniel Goleman và Richard Boyatzis (các chuyên gia về vấn đề này), “trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận biết và thấu hiểu cảm xúc của bản thân và người khác, đồng thời tận dụng nhận thức này để quản lý hành vi và các mối quan hệ của bạn”. Nói cách khác, đó là việc bạn có ý thức tự giác cao hơn.

Các nhà quản lý có khả năng tự nhận thức sẽ đưa ra những quyết định tốt hơn, giao tiếp hiệu quả hơn và dễ gần gũi hơn.

Theo Goleman, lãnh đạo dựa trên trí thông minh cảm xúc là động lực quan có thể thúc đẩy 20 đến 30% hiệu suất của tổ chức.

3. Chuyển đổi nhà quản lý.

Khi những người hướng dẫn khuyến khích những người giám sát mới chia sẻ những thách thức và thất vọng trong quá trình chuyển đổi lên nhà quản lý của họ với các đồng nghiệp của mình, họ đồng thời dạy rằng việc dễ bị tổn thương và trung thực là điều nên có.

Khi các nhà quản lý cởi mở và kể câu chuyện của họ một cách chân thực, những người khác sẽ reo hò và sẵn sằng để hỗ trợ thực hiện những chiến lược mới.

4. Huấn luyện.

Thông qua một số nghiên cứu, người ta thấy rằng phẩm chất số một của những nhà quản lý hiệu quả là một huấn luyện viên giỏi. Google định nghĩa huấn luyện tốt là:

  • Đưa ra phản hồi kịp thời và cụ thể;
  • Cung cấp những phản hồi khó khăn một cách có động lực và chu đáo;
  • Điều chỉnh các phương pháp tiếp cận để đáp ứng các phong cách giao tiếp cá nhân trong các cuộc họp trực tiếp thông thường;
  • Thực hành lắng nghe “tích cực” đồng cảm;
  • Nhận thức được suy nghĩ của riêng bạn và của nhân viên; và
  • Đặt câu hỏi mở để khám phá sự nhạy bén của nhân viên.

5. Phản hồi.

Lời nói của nhà quản lý có sức mạnh hoặc là xây dựng hoặc là tàn phá. Google hiểu rõ sự nhạy cảm này và dạy những nhà quản lý của mình tính không thiên vị khi cung cấp phản hồi trong đội nhóm của họ, cân bằng phản hồi tích cực (động lực) và tiêu cực (phát triển), xác thực và đánh giá cao, đồng thời nêu rõ các cơ hội phát triển một cách vị tha.

6. Ra quyết định.

Để đảm bảo rằng các phán quyết không được đưa ra một cách chủ quan, Google đã thiết lập một quy trình để giúp các nhà quản lý đưa ra quyết định tốt hơn.

  • Bạn đang giải quyết vấn đề gì? Nguyên nhân gốc rễ của nó là gì?
  • Tại sao nó lại quan trọng? (Nó có hỗ trợ các mục tiêu kinh doanh khác không?)
  • Ai là người ra quyết định?
  • Quyết định sẽ được thực hiện như thế nào?
  • Khi nào mọi người có thể mong đợi một quyết định? (Các bên liên quan phải theo dõi và quản lý sự kỳ vọng.)

Ngoài ra, để đảm bảo đưa ra các quyết định sáng suốt, Google khuyến khích các nhà quản lý thử nghiệm ý tưởng của họ bằng cách thu thập ý kiến ​​phản hồi của nhân viên (nêu quan điểm, lập luận của cá nhân và cung cấp dữ liệu).

Theo Google, khoảng 75% những nhà quản lý kém hiệu quả đã được cải thiện sau khi triển khai chương trình này.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Hà Anh | MarketingTrips

Những CEO công nghệ được trả lương cao nhất 2020

Sáu trong 25 CEO được trả lương cao nhất năm 2020 làm trong ngành công nghệ với mức lương gấp nhiều lần những CEO thông thường.

Ảnh: BusinessWire.

Trang thống kê tài chính 24/7 Wall Street tuần trước tổng hợp dữ liệu tài chính được 100 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ nộp lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC).

Ngoài doanh thu tập đoàn và mức lương CEO, tỷ lệ tiền lương giữa CEO và nhân viên bình thường cũng được thống kê với SEC.

Mức lương trung bình hàng năm của các CEO hàng đầu Mỹ trong năm qua vào khoảng 14,5 triệu USD, phần lớn làm việc trong ngành công nghệ hoặc dịch vụ tài chính.

CEO không nhận tiền lương như người bình thường mà được trả công bằng những gói thu nhập với lựa chọn cổ phần trong tập đoàn và nhiều phương án tặng thưởng dựa trên thành tích điều hành.

Mức lương cơ bản của những người trong danh sách này không vượt quá 1,5 triệu USD.

6 trong 25 CEO được trả lương cao nhất nước Mỹ năm 2020 làm trong ngành công nghệ, trong đó, ba người nắm giữ vị trí cao nhất danh sách.

1. Mark Zuckerberg (Facebook)

Thu nhập: 23.415.973 USD
Doanh thu công ty: 70,7 tỷ USD
Tỷ lệ lương: Gấp 94 lần nhân viên

Mức lương chính thức của Mark Zuckerberg tại Facebook chỉ là một USD. Tuy nhiên, ông được trả hơn 23,4 triệu USD trong năm qua thông qua nhiều hình thức đền bù.

Hiện tại, tiền lương của Zuckerberg chỉ cao gấp 94 lần nhân viên bình thường trong Facebook, trong khi các CEO khác trong danh sách của 24/7 Wall Street cao gấp hàng trăm lần nhân viên của họ.

Zuckerberg đồng sáng lập Facebook năm 2004 và đã lãnh đạo tập đoàn từ đó, biến nó từ nền tảng liên lạc với bạn học ở Harvard thành mạng xã hội khổng lồ toàn cầu với trị giá nhiều tỷ USD.

Facebook đang đối mặt với những đơn kiện độc quyền do Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ và tổng chưởng lý tại 48 bang, vùng lãnh thổ đưa ra.

ơn kiện đặt mục tiêu là chia tách Facebook, cho rằng tập đoàn này đã lợi dụng vị trí thống trị trong lĩnh vực mạng xã hội và thực hiện những động thái chống cạnh tranh, gây hại cho người dùng.

2. Charles Robbins (Cisco Systems)

Thu nhập: 25.829.833 USD
Doanh thu công ty: 49,3 tỷ USD
Tỷ lệ lương: Gấp 182 lần nhân viên

Robbins đã gắn bó với Cisco System từ tháng 7/2015. Mức lương của ông tăng trong năm 2020, nhưng lại giảm hơn 50% về tiền thưởng trong bối cảnh doanh thu Cisco giảm 5% so với một năm trước đó.

3. Brian Roberts (Comcast)

Thu nhập: 28.809.952 USD
Doanh thu công ty: 108,9 tỷ USD
Tỷ lệ lương: gấp 461 lần nhân viên

Comcast được sáng lập bởi cha của Roberts. Bản thân ông bắt đầu thực tập tại đây từ năm 15 tuổi. Tập đoàn này đã lớn mạnh đáng kể dưới thời Brian L. Roberts thông qua các thương vụ mua lại NBCUniversal, DreamWorks và Sky.

3. Satya Nadella (Microsoft)

Thu nhập: 42.910.215 USD
Doanh thu công ty: 143 tỷ USD
Tỷ lệ lương: Gấp 249 lần nhân viên

Nadella gia nhập Microsoft năm 1992 và được bổ nhiệm làm CEO năm 2014. Mức lương của ông đã tăng 66% so với năm trước và xếp thứ 3 trong số 100 CEO được trả lương cao nhất nước Mỹ. Phần lớn con số này nằm ở cổ phần, cổ phiếu Microsoft đã tăng giá gấp đôi trong vòng hai năm qua.

2. Robert Swan (Intel)

– Thu nhập: 66.935.100 USD
– Doanh thu công ty: 72 tỷ USD
– Tỷ lệ lương: Gấp 695 lần nhân viên

Robert Swan là CEO được trả lương cao thứ hai tại Mỹ. Ngoài mức lương cơ bản 1,2 triệu USD, ông còn được trả cổ phần trị giá 62 triệu USD và 3,7 triệu USD thưởng.

Swan trở thành giám đốc điều hành Intel vào tháng 1/2019, sau 7 tháng làm CEO lâm thời và trước đó là giám đốc tài chính tập đoàn.

Giá cổ phiếu của Intel dưới thời Swan khá biến động, dù giá trị công ty đã tăng 4% và liên tục đạt hoặc vượt dự báo về doanh thu.

1. Sundar Pichai (Alphabet)
– Thu nhập: 280.621.552 USD
– Doanh thu công ty: 161,9 tỷ USD
– Tỷ lệ lương: Gấp 1.085 lần nhân viên

Với tư cách là CEO tập đoàn mẹ của Google, Sundar Pichai là CEO được trả lương cao nhất nước Mỹ. Phần lớn số tiền này nằm ở cổ phiếu liên quan tới đợt thăng chức gần đây của ông.

Pichai giữ chức CEO Google từ năm 2015 và được bổ nhiệm làm CEO Alphabet vào tháng 12/2019. Mức lương cơ bản của ông là 650.000 USD, so với mức một USD của Larry Page, CEO tiền nhiệm và cũng là người sáng lập tập đoàn.

Google cũng đang đối mặt hàng loạt vụ kiện chống độc quyền, trong đó một vụ kiện đến từ hơn 40 bang và vùng lãnh thổ, cáo buộc tập đoàn này chiếm thế độc quyền trái phép về tìm kiếm trên mạng Internet.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo VnExpress