Skip to main content

Thẻ: Tìm việc làm

Nhảy việc thời điểm cuối năm và những điều bạn nên biết

Bạn đang muốn nhảy việc vào thời điểm cuối năm? Bạn muốn tìm một môi trường mới tốt hơn? Nhưng liệu có nên nhảy việc vào thời điểm cuối năm hay không? Và bạn cần chuẩn bị những gì nếu muốn nhảy việc vào thời điểm này?

Nhảy việc vào bất kỳ thời điểm nào cũng cần có sự chuẩn bị và nhất là giai đoạn cuối năm. Bạn từ bỏ công việc đã làm từ đầu năm đến nay, từ bỏ mức lương thưởng đang được nhận để tìm đến môi trường mới. Vậy bạn có biết mình sắp phải đương đầu với những gì hay không? Bạn đã sẵn sàng để đối mặt với những tình trạng mà đa số những ai nhảy việc cuối năm đều vướng phải?

1. Có thể bị “ép” giá vì tình hình thị trường 

Vào thời điểm cuối năm, đa số các công ty đều không có sự biến động lớn về tình hình nhân sự, chính vì vậy mà cơ hội nghề nghiệp cũng dần ít đi. Tuy cũng có một số công ty tuyển dụng nhưng thông thường là công việc không có tính ổn định lâu dài.

Đặc biệt, sau thời gian dài bị ảnh hưởng do đại dịch Covid – 19 khiến nhiều công ty rất ngại chi thêm khoản tiền lớn vào việc tuyển dụng. Vì thế, họ sẽ ưu tiên chọn một ứng viên phù hợp yêu cầu nhưng chi trả mức lương thấp hơn.

Tuy nhiên, mặt tích cực của vấn đề nhảy việc cuối năm chính là việc tỷ lệ cạnh tranh thấp hơn giữa các ứng viên.Theo một báo cáo của VietnamWorks, tại TP. Hồ Chí Minh, để có việc làm, 1 lao động phải “chọi” với 48 người khác. Trong đó, những ngành có tỷ lệ cạnh tranh cao là hành chính/thư ký, tiếp theo là kế toán, sản xuất, cấp quản lý điều hành.

Vì thế, có thể nói thời điểm cuối năm giúp bạn giảm tỷ lệ chọi của mình xuống thấp, đặc biệt là ở các vị trí cấp quản lý.

Do đó, nếu bạn quyết định nhảy việc trong thời gian này, bạn phải chứng minh được mình là người có ích cho công ty mới và họ phải tuyển dụng bạn, như thế bạn mới có thể thương lượng được mức lương như mong muốn.

Để làm được như vậy, bạn cần phải tự luyện tập trước vòng phỏng vấn và chuẩn bị một số cách để thu hút nhà tuyển dụng. Thay vì sợ hãi, hãy tự tin thể hiện bản thân mình và khẳng khái đưa ra mức lương mà bạn nghĩ là xứng đáng để không bị ép giá.

2. Tài chính của bản thân bị ảnh hưởng 

Khi từ bỏ công ty đang làm ở thời điểm cuối năm, đồng nghĩa với việc bạn sẽ vứt bỏ khoản lương thưởng tháng 13, thậm chí 14, 15 và 16. Những nỗ lực trong cả năm của bạn cũng không được đáp đền xứng đáng vì quyết định này.

Hơn thế, thời gian xin việc có thể sẽ kéo dài trong khoảng 1 đến 3 tháng thậm chí đến 6 tháng do tình hình dịch bệnh và ảnh hưởng kinh tế của năm nay. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị một khoản tiền để trang trải trong thời gian đó, nếu không áp lực đặt lên tìm việc và cuộc sống sẽ đè nặng lên bạn.

Còn chưa kể đến khi chuyển đến một nơi mới, bạn có chắc mình sẽ êm đềm vượt qua 2 tháng thử việc không hay sẽ phải tiếp tục hành trình xin việc ở nơi khác?

Vậy nên, hãy suy nghĩ thật cẩn trọng, đừng vì giây phút bốc đồng mà đưa ra quyết định nghỉ việc. Bởi có thể bạn sẽ gánh lấy hậu quả cho những lúc nóng nảy thế đấy!

3. Rạn nứt trong mối quan hệ 

Quả thật không dễ dàng khi đưa ra quyết định thôi việc vào thời điểm cuối năm, bởi không chỉ đối mặt với thị trường nhân sự hay tài chính cá nhân, mà bạn còn phải đương đầu với đồng nghiệp.

Bởi đồng nghiệp sẽ phải gánh vác thêm phần công việc của bạn khi bạn rời đi, điều này khiến họ không mấy dễ chịu. Do đó, bạn hãy ôn tồn bàn giao công việc và nhờ mọi người giải quyết tiếp giúp mình.

Cho dù bạn không thích họ, bạn vẫn nên niềm nở, cư xử lịch sự đến ngày cuối cùng và không được đánh mất thiện cảm từ mọi người. Vì trái đất này rất tròn, biết đâu bạn và họ sẽ lại một lần nữa là đồng nghiệp ở một nơi khác.

Tóm lại, nếu bạn đã có suy nghĩ nhảy việc vào cuối năm, bạn hãy cân nhắc cẩn thận những vấn đề trên, đừng vội vàng đưa ra quyết định. Và nếu đã sẵn sàng, thì hy vọng rằng bạn sẽ tìm được một công việc như những bạn mong muốn.

Hãy chứng minh bản thân là người có lựa chọn thông minh để con đường sự nghiệp của bạn luôn suôn sẻ và thăng tiến.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Theo HR Insider

Hãy tìm việc mới khi đang… hạnh phúc trong công việc

Lời khuyên tham gia phỏng vấn xin việc mới khi đang… hạnh phúc với công việc hiện tại nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng đôi khi đây lại là lựa chọn hiệu quả nhất.

Jack Kelly – chuyên gia tư vấn về các vấn đề tuyển dụng, nghề nghiệp và lương bổng, nhà sáng lập và CEO của Compliance Search Group – đã đưa ra lời khuyên đó trong một bài viết trên Forbes.

Thông thường, chúng ta luôn tin rằng một nhân viên chỉ tìm kiếm công việc mới khi họ cảm thấy thất vọng với công việc mình đang làm, sợ bị giáng chức, lo lắng về những sự thay đổi nào đó trong nội bộ công ty sẽ ảnh hưởng đến mình, hoặc lo lắng về việc phải chuyển công tác ra nước ngoài, hoặc phải làm việc chung với một “nhà lãnh đạo kinh khủng”.

Tuy nhiên, khi những dấu hiệu đáng ngại này bắt đầu trở nên rõ ràng, nhiều người vẫn gợi ý bạn nên dành thêm cho nó một chút thời gian nữa, và rồi có thể mọi thứ sẽ được cải thiện. Nhưng thường là, tình huống xấu sẽ ngày một xấu hơn. Bạn bắt đầu cảm thấy mọi thứ đang xuống dốc. Sự tự tin của bạn bị xói mòn, và bạn sợ hãi một tương lai u ám.

Khi tình hình trở nên tệ hơn, bạn sẽ rất khó suy nghĩ rõ ràng bởi vì bạn đã bị quá tải và sợ hãi những điều sẽ xảy ra tiếp theo.

Lời giải đáp cho những tình huống này là: hãy đi tìm công việc mới khi mọi thứ chưa đi xuống dốc, và đừng chờ đợi cho đến khi bạn bị rơi vào vòng nguy hiểm thì mới đi tìm công việc mới.

“Chiến lược ngược đời” Jack Kelly đề ra rất đơn giản: khi bạn đang hạnh phúc với công việc, bạn sẽ có nhiều lợi thế để tỏa sáng và thành công trong buổi phỏng vấn xin việc, chẳng hạn như:

  • Bạn sẽ linh hoạt và tự tin hơn khi tham gia phỏng vấn, vì bạn biết rằng vẫn đang có một công việc tuyệt vời chờ đợi mình khi bạn quay về. Nếu bạn làm tốt trong buổi phỏng vấn, điều đó thật tuyệt vời. Nếu ngược lại, đó cũng không phải là vấn đề quá lớn.
  • Nếu bạn được đánh giá cao với công việc đang làm, điều đó sẽ càng làm tăng độ hấp dẫn nơi bạn. Công ty bạn định phỏng vấn sẽ rất hào hứng khi “cướp” được một nhân tài từ công ty đối thủ của họ.
  • Vì đã có sẵn một vị trí vững chắc, bạn sẽ có được sự tự tin khi yêu cầu một mức lương cao hơn, vị trí công việc và chế độ phúc lợi tốt hơn.
  • Không chịu áp lực phải lập tức tìm việc, bạn sẽ khá thảnh thơi chờ đợi cho đến khi tìm được một vị trí tuyệt vời mà mình thực sự yêu thích.

Ngược lại, khi bạn đang thất vọng hoặc lo lắng về sự an toàn của mình trong công việc, đây là những điều sẽ xảy ra:

  • Sự lo lắng về công việc hiện tại sẽ khiến bạn căng thẳng hơn trong quá trình phỏng vấn. Nhà tuyển dụng sẽ nhận ra điều này và cảm thấy không thoải mái. Họ sẽ không chắc về việc bạn có thể đảm nhận vai trò mới hay không.
  • Bạn sẽ e sợ việc hỏi về vấn đề tiền bạc vì sợ đánh mất cơ hội ở công việc này.
  • Vì sự tự tin đã bị bào mòn, bạn thậm chí không cảm thấy muốn tìm việc mới. Một số người cần nhiều tháng trời để chữa lành “vết thương” từ những tình huống tồi tệ trong công việc. Mà bạn tìm việc mới càng trễ sau khi ngưng công việc cũ, nhà tuyển dụng càng dễ đặt vấn đề rằng có thể bạn có vấn đề gì đó ở công việc cũ.
  • Bạn sẽ có xu hướng hy sinh tiền bạc, vị trí công việc, các quyền lợi… để đổi lấy sự an toàn.
  • Bạn sẽ dễ dàng cảm thấy tuyệt vọng, hoặc quá háo hức để nỗ lực tìm kiếm một chiếc bè cứu sinh để thoát khỏi con tàu đang chìm của mình. Người đối diện sẽ “ngửi thấy” cái “mùi tuyệt vọng” của bạn, và điều này sẽ tác động tiêu cực đến họ.
  • Sự lo lắng càng nhiều thì càng cản trở bạn đạt được hiệu suất cao trong buổi phỏng vấn.
  • Bạn sẽ có rất ít cơ hội để đạt được một mức lương tốt hơn.

Vì vậy, lời khuyên của tôi ở đây là: hãy theo đuổi một cách tiếp cận “ngược đời” đối với vấn đề tham gia phỏng vấn xin việc. Hãy bắt đầu tìm kiếm cơ hội việc làm mới khi bạn đang hạnh phúc và tự tin với vị trí hiện tại.

Điều này sẽ làm tăng độ hấp dẫn, tăng mức độ tiềm năng của bạn đối với nhà tuyển dụng. Và nhờ đó, bạn sẽ có thể có được một vị trí cao hơn với mức lương tốt hơn ở công ty mới.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips via DNSG

6 nguyên tắc vàng trước khi quyết định nhảy việc

Đối với những nhân sự trẻ, nhảy việc dường như là “chuyện thường ngày ở huyện”, bởi hiếm có ai lại tìm được công việc như ý ngay từ lần đầu tiên.

Ở lứa tuổi mà bạn còn nhiều tiềm năng để khai phá, nhiều cơ hội để học hỏi, nhiều đỉnh cao muốn chinh phục, bạn thường rất dễ đi đến quyết định “nhảy việc” để tìm kiếm những thử thách mới cho bản thân.

Tuy nhiên, “nhảy việc” như thế nào cho khôn ngoan? Hãy lưu ý 5 điều dưới đây để đảm bảo bạn sẽ không hối hận về quyết định của mình nhé.

1. Giữ vững chuyên môn

Trên thực tế, nhiều người khi nhảy việc không chỉ thay đổi về chức vụ mà còn thay đổi về chuyên môn nghề nghiệp. Chẳng hạn: bạn chán làm sale ở công ty A, bạn apply vào công ty B để thử sức với vị trí marketing, sau một thời gian, bạn lại muốn thử “lấn sân” sang mảng nhân sự với công ty C,…

Bạn cho rằng bạn còn trẻ, bạn muốn thử sức ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, và làm như vậy thì bạn có thể tích lũy được nhiều kinh nghiệm hay trở thành một người “đa di năng” trong mắt Nhà tuyển dụng.

Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng, một ứng viên với lịch sử làm việc “loạn xì ngầu” như vậy chưa chắc đã được đánh giá cao.

Người ta nói, “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, cách tốt nhất để phát triển sự nghiệp là bạn hãy trung thành với những kỹ năng chuyên môn, định rõ phương hướng nghề nghiệp, kiên trì “nhất nghệ tinh” để trở thành chính chuyên gia giỏi trong chuyên ngành của bạn. Có như vậy bạn mới có cơ hội thăng tiến trong công việc.

2. Đừng nhảy việc chỉ vì lương thấp

Dù cho bạn đang phải đối mặt với sức ép về kinh tế, khi muốn thay đổi công việc; bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng về những cái được và mất cho công việc mới, ngoài việc đơn thuần chỉ xem xét mức lương.

Nếu chỉ coi trọng đến tiền lương, đảm bảo bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có và thường xuyên phải nhảy việc.

Ngoài tiền lương, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng về thực lực của công ty, cơ hội học hỏi, thăng tiến, môi trường làm việc,… Bởi chính những nhân tố này sẽ quyết định mức lương của bạn trong tương lai.

3. Không nên nhảy việc vì bất mãn, đố kỵ cá nhân

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều có những ưu nhược điểm nhất định; do vậy; dù có đi đến đâu, bạn cũng sẽ vấp phải những vấn đề chung đó.

Nhiều người chỉ vì lý do không hài lòng với công việc đang làm hoặc đồng nghiệp trong công ty mà nhanh chóng nhảy việc. Họ không biết rằng, đến nơi làm mới, tình cảnh tương tự rất có thể xảy ra. Lẽ nào lúc ấy họ lại nhảy việc?

Trong tình huống này, hãy bình tĩnh đối mặt và tìm cách giải quyết triệt để những bất mãn còn tồn đọng. Đó cũng là cách chứng tỏ năng lực xử lý vấn đề thông minh và nhanh nhạy của bạn.

4. Thời gian chuyển việc tốt nhất là 2 – 3 năm trở lên

Ít nhất cần thử sức với công việc khoảng 2 – 3 năm, có như vậy bạn mới có thời gian và khả năng tích lũy những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, kỹ năng và cả năng lực cạnh tranh.

Hơn thế nữa, CV của bạn cũng sẽ đáng tin cậy hơn rất nhiều, so với 1 CV mà kinh nghiệm làm việc thì dài, trải nghiệm ở rất nhiều công ty, nhưng không có nơi nào ở lại được quá 1 năm.

5. Trường hợp nên nhảy việc: không có cơ hội phát triển, nâng cao kỹ năng, công ty đang trên bờ vực phá sản.

Khi thực sự nhận thấy những “nguy cơ” không lành có thể xảy ra; bạn cũng có thể chủ động đề nghị thôi việc. Đặc biệt khi công ty đó không có đủ không gian phát triển; không thể giúp bạn nâng cao kỹ năng làm việc hay cơ cấu quản lý quá lạc hậu; đứng trên bờ vực phá sản.

6. Nên biết điểm dừng khi nhảy việc

Mục đích của bạn là tìm được một công việc tốt tại một công ty có môi trường phát triển tốt, có mức lương cao, giờ giấc linh động và phù hợp với năng lực.

Một khi bạn đã tìm được công việc mới có những điều kiện giống và tương tự điều kiện đã đề ra thì nên chấp nhận và gắn bó lâu dài với công việc đó.

Bạn biết đấy, cơ hội không phải lúc nào cũng đến và chúng ta không thể nào biết đâu là cơ hội lớn nhất, hãy tận dụng mọi cơ hội và hạn chế suy nghĩ đến hai từ “nhảy việc”.

Cho dù quyết tâm thay đổi nhưng bạn cũng không nên cố chấp kiên định thời gian nhảy việc. Trước khi đưa đơn xin thôi việc hãy đảm bảo rằng bạn đã phân tích kỹ càng tình hình tài chính, khả năng tìm việc mới để không bị động trong khoảng thời gian chưa có việc làm.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Hãy quên ngay việc ‘NÓI DỐI MỨC LƯƠNG CŨ’ khi đàm phán công việc mới

Khi đàm phán lương, hầu hết ứng viên đều muốn tránh đề cập đến mức lương cũ của mình hoặc tìm cách để phỏng vấn viên tự đưa ra mức tham khảo cho công việc đang ứng tuyển.

Thế nhưng, với những phỏng vấn viên giàu kinh nghiệm, ứng viên thật khó để tránh những câu hỏi như “Mức lương hiện tại của bạn là bao nhiêu?” hoặc “Bạn mong đợi mức lương cho vị trí này như thế nào?”.

Điều này khiến ứng viên thấy thật bối rối bởi đôi khi khoảng cách giữa mức lương cũ và mức lương mong đợi là khá xa và họ e ngại nhà tuyển dụng sẽ khó chấp nhận. Vậy nên, ứng viên thường chọn cách “nâng giá” bản thân lên bằng cách nói dối về mức lương cũ.

1. BẠN SẼ DỄ DÀNG BỊ “BẮT MẠCH”

Thông thường các công ty đều có chính sách không tiết lộ mức lương của nhân viên cũ hay hiện tại cho bất kỳ ai không liên quan.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc mức lương của bạn là một bí mật luôn được giữ kín. Nhà tuyển dụng có những kỹ thuật riêng và mạng lưới mối quan hệ rộng để dễ dàng “bắt mạch” bạn nếu họ nghi ngờ ứng viên đang nói dối quá nhiều về mức lương.

Bên cạnh đó, khi tham gia vào một công ty, bạn có thể sẽ được yêu cầu nộp một số giấy tờ cá nhân theo quy trình mà trong đó phản ánh thu nhập thực tế của bạn các năm qua.

Dù bằng cách nào, việc cố gắng nói dối về mức lương không dễ dàng như bạn nghĩ, chỉ là nhà tuyển dụng muốn hay không muốn tìm hiểu đến cùng mà thôi.

2. THẬT KHÓ ĐỂ NÓI DỐI MỘT CÁCH … LIỀN MẠCH

Dân gian vốn có câu “giấu đầu lòi đuôi” nhằm chỉ ra rằng những người hay lấp liếm muốn giữ kín điều gì đó thường vô tình để lộ ra những chi tiết khác khiến người ta đoán biết được.

Khi bạn phải tìm cách nói dối để ứng phó với câu hỏi về mức lương trong quá khứ, bạn cũng sẽ dễ trở nên lúng túng nếu bị hỏi dồn hoặc phỏng vấn viên có thể dùng những câu hỏi gián tiếp về phúc lợi, lương thưởng để thăm dò thu nhập thực tế trước đây của bạn.

Và trong lúc bối rối, nhiều khả năng những chi tiết bạn cung cấp trước đó sẽ không trùng khớp với phần trả lời sau bởi chính bạn cũng không nhớ được chính xác mình đã nói dối như thế nào.

3. ĐÀM PHÁN LƯƠNG KHI ỨNG TUYỂN CẦN PHÙ HỢP VỚI THÌ HIỆN TẠI

Thật ra việc nói thật hay nói dối về mức lương là quyền lựa chọn của mỗi ứng viên bởi ai cũng mong muốn sẽ có được kết quả đàm phán sau cùng tốt nhất.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vào thực tế thì việc nói dối mức lương cũ là một điều hoàn toàn không cần thiết bởi lẽ bạn đang đàm phán mức lương cho công việc hiện tại chứ không phải là cho công việc trong quá khứ.

Giá trị của bản thân bạn ở thời điểm tham gia ứng tuyển có nhiều sự khác biệt so với trước đây và là sự tổng hợp của nhiều yếu tố như khả năng đóng góp của bạn sắp tới là gì, những kỹ năng và kinh nghiệm bạn đã thu thập được trong thời gian qua ra sao, vị trí của bạn sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của một tổ chức, v.v.

Vì vậy, mức lương khởi điểm cho công việc mới không phải là con số tăng trưởng nào đó dựa trên mức lương cũ mà nó phải thể hiện được sự tương xứng với năng lực của bạn khi tham gia vào công ty mới.

Do đó, thay vì mất công tìm cách nói dối lòng vòng, bạn có thể tự thực hiện một khảo sát nhỏ về mức trung bình trên thị trường cho vị trí và ngành nghề đang ứng tuyển, sau đó tự tin đưa ra con số đề nghị hợp lý nhất, bất kể thu nhập trước đây của bạn ra sao.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

10 câu hỏi phỏng vấn ‘ngớ ngẩn’ nhất và cách trả lời

Hẳn nhiều người trong số chúng ta đã từng tham dự những buổi phỏng vấn, mong chờ được hỏi những câu hỏi giúp bạn phô diễn những kỹ năng và kiến thức đã chuẩn bị trước thế nhưng đôi khi lại không may gặp phải tình huống phỏng vấn viên đưa ra những thắc mắc hết sức “ngớ ngẩn”.

1. NẾU LÀ MỘT SIÊU ANH HÙNG, KHẢ NĂNG SIÊU NHIÊN CỦA BẠN SẼ LÀ GÌ?

Khi gặp phải câu hỏi này, khoan hãy nhăn mặt hay tỏ thái độ nhé. Thay vào đó, hãy cố gắng nghĩ về những thế mạnh có liên quan đến công việc đang ứng tuyển.

Ví dụ như, bạn có thể hóm hỉnh chia sẻ rằng, bạn nghĩ mình có khả năng bám dính như người nhện bởi lẽ khả năng này giúp bạn thích nghi và dễ dàng vượt qua bất kỳ “tường thành thử thách” nào. Hãy xem đây là một câu hỏi vui và trả lời một cách thoải mái, pha chút hài hước nhất có thể.

2. NẾU PHẢI CHIA SẺ VỀ CHUYỆN RIÊNG TƯ, BẠN CÓ NGẠI NÓI VỀ TÌNH ĐẦU CỦA MÌNH?

Có thể bạn cảm thấy câu hỏi này vi phạm giới hạn cá nhân và không được tế nhị cho lắm nhưng nhiều phỏng vấn viên lại cho rằng nó có thể khiến họ nhận biết đam mê của bạn dành cho một điều gì đó lớn đến đâu.

Vì vậy, đừng bao giờ kể lể những vấn đề bi kịch trong tình yêu, dù gì bạn vẫn cần tỏ ra chuyên nghiệp. Bạn có thể xoay chuyển tình thế bằng cách nói về mối tình đầu của mình chính là đam mê dành cho nghề nghiệp hiện tại.

Ví dụ, bạn đang dự tuyển một vị trí trong một công ty thời trang, bạn có thể trả lời rằng “Tôi ngay lập tức trúng tiếng sét ái tình với thời trang ngay khi nhìn thấy hình ảnh một người mẫu diện chiếc váy tuyệt đẹp trong tạp chí Vogue mà mẹ tôi để quên trên bàn nước. Và kể từ khoảnh khắc ấu thơ đó, tôi vẫn luôn dành trọn tình yêu và sự đam mê của mình cho sự nghiệp thiết kế, những đường kim và mũi chỉ”.

3. BẠN CÓ KẾ HOẠCH SINH CON CHƯA?

Câu hỏi này thật sự khiến nhiều ứng viên cảm thấy bực mình bởi họ không muốn chia sẻ quá nhiều về những vấn đề riêng tư trong cuộc sống.

Thế nhưng với nhà tuyển dụng, họ lại nhiều khả năng đang đánh giá bạn khá cao và mong muốn bạn sẽ làm việc lâu dài với công ty. Vì vậy, họ cần biết rõ nếu bạn lập gia đình hay có kế hoạch sinh con, mức độ gắn bó của bạn với công việc sẽ ra sao.

Vì vậy, hãy cứ bày tỏ rõ quan điểm của bạn một cách trung thực. Nếu bạn chưa có kế hoạch gì, hãy thẳng thắn rằng bạn vẫn chưa nghĩ đến điều đó lúc này.

Nếu ngược lại, bạn hãy chia sẻ rằng mình không bao giờ muốn con cái trở thành cú phạt đền trong sự nghiệp nên đã có những phương án chăm sóc gia đình nhỏ mà không làm ảnh hưởng đến thời gian làm việc của mình.

4. NGƯỜI YÊU/VỢ/CHỒNG CỦA BẠN ĐANG LÀM CÔNG VIỆC GÌ?

Lại là một câu hỏi khá riêng tư! Nhà tuyển dụng không hẳn là muốn tọc mạch vào đời sống của bạn nhưng họ lại có những suy nghĩ thực tế khác như liệu bạn có khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân; liệu gia đình bạn có thể hỗ trợ bạn khi khó khăn hay bạn sẽ cần nguồn thu nhập tăng gấp 2, 3 lần trong vài năm tới.

Do đó, nếu không muốn phải trả lời trực tiếp câu hỏi này, bạn có thể đặt vấn đề ngược lại như “Có phải anh/chị hỏi tôi điều này vì lo lắng không biết tôi sẽ sắp xếp việc đi lại thường ngày như thế nào hoặc liệu vị trí này có khả năng sẽ phải thay đổi thành phố làm việc trong thời gian tới?”.

Bằng cách đưa ra câu hỏi, bạn sẽ hiểu rõ hơn mục đích của nhà tuyển dụng và có thể tuỳ cơ ứng biến sau đó.

5. BẠN TƯỞNG TƯỢNG XEM MÀU SẮC CỦA SỰ THÀNH CÔNG LÀ MÀU GÌ?

Nhiều người cảm thấy ko thể tin được khi nghe câu hỏi này từ phỏng vấn viên nhưng sự thật đây là một trong nhiều cách để kiểm tra khả năng tưởng tượng và cách một ứng viên tự suy luận vấn đề.

Bạn có thể tham khảo tư vấn từ chuyên gia như sau: hãy nói rằng bạn nghĩ sự thành công có màu xanh lá của tờ tiền bởi nó gợi lên vấn đề lợi nhuận của công ty, chứng tỏ công ty đang làm ăn phát đạt; hoặc giả dụ bạn ứng tuyển vào một tổ chức phi lợi nhuận, hãy chia sẻ rằng màu thành công là màu đỏ bởi màu đỏ tượng trưng cho khả năng tạo ra được những ảnh hưởng tích cực.

6. GIẢ SỬ BẠN LẠC TRÊN ĐẢO HOANG, BẠN SẼ MANG THEO BA VẬT DỤNG GÌ?

Bạn cảm giác như mình đang trong một buổi casting lựa chọn diễn viên cho phim “Robinson ngoài đảo hoang” hay “Những tên cướp biển vùng Caribbean”?.

Thực tế là nhiều nhà tuyển dụng sẽ lồng ghép câu hỏi này vào buổi phỏng vấn nhằm đoán biết tính cách của bạn trong đời sống thật như thế nào. Để vượt qua câu hỏi này, hãy trả lời một cách căn bản nhất: “Tôi muốn mang theo máy lọc nước sạch, rất nhiều diêm hoặc bật lửa và một quyển bách khoa toàn thư”.

Và tất nhiên đừng quên pha sự dí dỏm của mình trong lời nói. Bạn cũng có thể đưa ra những phương án vui nhộn khác như túi thần kỳ của Doremon hoặc thảm bay của Aladdin để tránh tạo ra cảm giác sáo rỗng hay quá nghiêm trọng trong câu trả lời của mình.

7. BẠN CÓ MUỐN CHIA SẺ THÊM ĐIỀU GÌ KHÔNG ĐƯỢC NHẮC ĐẾN TRONG CV?

Bạn chắc đang nghĩ còn gì ngớ ngẩn hơn câu hỏi này bởi điều gì cần thiết thì bạn đã phải trình bày hết trong CV rồi chứ đâu đợi hỏi thêm! Thế nhưng, phỏng vấn viên lại đang thực sự cho bạn thêm cơ hội phô diễn những khả năng của mình mà trong khuôn khổ một bản CV ngắn gọn có thể chưa diễn đạt được hết.

Vậy nên bạn hãy chia sẻ một câu chuyện của bản thân về khả năng gắn kết với các đồng nghiệp trong quá trình làm việc, sự tích cực của bạn trong những thách thức trước đây, bất cứ điều gì bạn nghĩ có thể truyền cảm hứng cho người đang lắng nghe.

8. BẠN NGHĨ MÌNH THẬT SỰ KHAO KHÁT CÔNG VIỆC ĐANG ỨNG TUYỂN RA SAO?

Đừng bao giờ cảm thấy liệu nhà tuyển dụng có đang tỏ vẻ ở thế thượng phong với mình hoặc trở nên lắp bắp trình bày bạn đang quá thích vị trí này cho dù bạn có cảm thấy như thế thật đi chăng nữa.

Buổi phỏng vấn là một hình thức để thương lượng về giá trị của ứng viên, vì vậy hãy chứng minh bản thân bạn xứng đáng có công việc này bởi chính những kỹ năng bạn sẽ mang đến đóng góp cho công ty.

Bạn chỉ cần đơn giản trả lời rằng: “Tôi đương nhiên cảm thấy hứng thú với vị trí ứng tuyển nhưng tôi mong muốn đôi bên sẽ cảm nhận được nhiều hơn sự phù hợp với nhau và tôi đã rất sẵn sàng cho những bước tiếp theo của quy trình phỏng vấn”.

9. TẠI SAO CHÚNG TÔI NÊN CHỌN BẠN THAY VÌ NHỮNG ỨNG VIÊN KHÁC?

Đây quả là một trong những câu hỏi kỳ cục nhất bạn có thể từng nghe bởi những ứng viên khác có phải là bạn thân của bạn đâu để bạn có thể so sánh xem thế mạnh của bạn so với họ như thế nào.

Nhưng nhiều phỏng vấn viên tin rằng câu hỏi này có thể là cách để xem liệu ứng viên có thể “sell” bản thân mình (đưa ra được những lý do chứng minh mình là ứng viên phù hợp nhất) tốt ra sao.

Để tránh lọt vào cái bẫy tự ca tụng bản thân mình hơn những người khác, hãy thành thật nói với phỏng vấn viên rằng “Theo những gì tìm hiểu thì tôi biết công ty đang cần một người đáp ứng được các vấn đề như vấn đề A, vấn đề B.

Cá nhân tôi không quen biết hay từng tiếp xúc các ứng viên khác nên tôi không thể đánh giá về sự hơn thua nào nhưng tôi cho rằng những kỹ năng mà mình sở hữu và khả năng đóng góp của mình đối với công ty là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu được đưa ra”.

10. BẠN NGHĨ MÌNH THÀNH THẬT ĐẾN ĐÂU?

Đương nhiên là đâu có ai thừa nhận thỉnh thoảng mình vẫn sẽ có những câu nói dối vô hại đúng không nào, do đó câu hỏi này khiến bạn cảm thấy liệu phỏng vấn viên có đang cố tình trêu chọc mình chăng?

Thật bình tĩnh và chia sẻ lại rằng trung thực là một đức tính tốt cũng như là tiêu chuẩn cần có trong nhiều tình huống cả ở công việc lẫn cuộc sống, bạn luôn tin vào điều này và có thể đưa ra một vài ví dụ người tham khảo chứng minh bạn là người thành thật như thế nào trong những lần hợp tác làm việc trước đây.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo CareerBuilder

Tránh ‘nỗi lo’ thất nghiệp sau đại dịch với 4 bước đơn giản sau đây

Có thể bạn cũng đang như tôi, chúng ta đang trong một thời kì thực sự khó khăn khi mà nhiều doanh nghiệp đang tiến hành cắt giảm bớt nhân sự sau khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa thậm chí còn phá sản.

Điều này có thể làm cho rất khó để xác định xem công việc của bạn có ‘an toàn’ không, hoặc nếu bạn may mắn và đã có công việc trở lại, bạn có cảm thấy xáo trộn không.

Đối với một số người, những mất mát về công việc này sẽ là vĩnh viễn. Theo nghiên cứu gần đây của Viện Chính sách kinh tế Mỹ, khoảng 11% người Mỹ không có việc làm vì đại dịch Covid-19.

Với rất nhiều sự không chắc chắn hiện có, có thể đây là khoảng thời gian hợp lý để bạn nên suy nghĩ về tương lai phía trước của mình. Nếu bạn lo lắng rằng công việc của bạn có thể gặp rủi ro, hãy xem ngay 4 ‘bí kíp’ sau đây, nó có thể giúp bạn !

1. Chấp nhận thực tế

Ngay bây giờ, một trong những nguyên tắc quan trọng đối với việc làm của bạn là chấp nhận thực tế. Bạn không thể tự tin rằng điều không may sẽ không thể đến với bạn. Thay vào đó hãy tự hỏi bản thân mình một cách trung thực: ngành của tôi có nguy cơ không?

Nếu bạn nghi ngờ rằng câu trả lời là có, hãy xem xét kỹ hơn về công ty và công việc của bạn một cách cụ thể. Điều gì làm cho công ty có tình hình tài chính tốt hơn? Có bao nhiêu người khác làm công việc của bạn?

Nếu bạn cảm thấy rằng công việc của bạn đang gặp rủi ro, điều đầu tiên cần làm chỉ là thừa nhận nó sẽ không mạng lại cảm xúc tốt. Nếu cần buồn, bạn hãy buồn một tí !

Nhưng hãy nhớ rằng trong khi bạn không thể thay đổi những gì mà xảy ra bên ngoài, thì bạn có thể kiểm soát phản ứng của mình với nó.

2. Chủ động

Tỷ lệ lao động thất nghiệp so với cơ hội việc làm tính đến giữa tháng 6 là khoảng 3,6 người cho mỗi vị trí có sẵn, theo EPI.

Điều đó có nghĩa là sẽ rất quan trọng để vượt lên trước bất kỳ cơ hội mất việc tiềm ẩn nào, trái ngược với việc chờ đợi cho đến khi bạn thất nghiệp thì hãy cố gắng tìm thứ gì đó để giữ cho bạn có tài chính ổn định hơn.

Đừng chỉ biết dựa lưng vào tường; đừng chỉ biết chờ đợi. Hãy lập kế hoạch ngay khi bạn có thể bao gồm các cách bạn sẽ điều chỉnh chi tiêu của mình và người mà bạn có thể tiếp cận để có được khách hàng tiềm năng trong các công việc có sẵn.

Thất nghiệp thường gây ra tổn thất về tình cảm, tinh thần và tài chính cho mọi người. Nhưng hãy nhớ rằng rất nhiều người đang trải qua điều này và nó không phải là một điều đáng xấu hổ, đặc biệt là nếu bạn có kế hoạch trước.

Tất cả mọi người đều biết ai đó sẽ bị sa thải, thế nên nếu bạn có kế hoạch tốt hơn trước khi nó xảy ra, bạn sẽ càng có lợi hơn.

3. Bắt đầu thắt chặt ngân sách chi tiêu của bạn

Nếu bạn hoàn toàn lo lắng về khả năng bị sa thải, bạn nên cắt giảm chi tiêu của mình một cách quyết liệt – và làm điều đó càng sớm càng tốt.

Hãy đánh giá những gì bạn chi cho ăn uống, cửa hàng tạp hóa và giải trí, cũng như các chi phí định kỳ khác như: phòng tập thể dục, dịch vụ trực tuyến, quần áo và các sản phẩm làm đẹp chẳng hạn.

Một khi bạn có một ước tính tốt về chi tiêu của mình, hãy quyết định những gì cần thiết và những gì bạn có thể sống mà không cần nó cho đến khi bạn ‘trở lại bình thường’ về mặt tài chính.

4. Hãy tăng cường kết nối

Khi tiếp cận mọi người, hãy chắc chắn rằng bạn rất rõ ràng về những gì bạn đang tìm kiếm trong một công việc. Hỏi bạn bè, gia đình, đồng nghiệp cũ và thậm chí là người quen.\

Biết đâu sau những lời giới thiệu hay cuôc gặp gỡ đó bạn có thể tìm kiếm được thêm cho mình nhiều cơ hội tốt hiếm có.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Tham khảo: CNBC

Ứng viên có nên ‘tiết lộ’ điểm yếu với nhà tuyển dụng khi phỏng vấn

Khi tôi bắt đầu tìm việc trước khi tốt nghiệp trường đại học Luật, một câu hỏi trên ứng dụng khiến tôi cảm thấy đặc biệt lo lắng là: Bạn có phải là người khuyết tật không? Tôi sinh ra với căn bệnh tự kỷ, vì vậy câu trả lời là khá rõ ràng.

Mặc dù vậy, tôi luôn bị “sượng” khi thấy câu hỏi này trong lúc điền các mẫu đơn ứng tuyển.

ung-vien-co-nen-tiet-lo-diem-yeu-marketingtrips

Nếu sự lựa chọn là “Có” – nghĩa là tôi hoàn toàn trung thực. Tôi không xấu hổ về chứng tự kỷ của mình.

Bệnh tự kỷ là một phần của con người tôi, giống như thực tế tôi là nữ. Nhưng lựa chọn câu trả lời này có nghĩa là tôi có thể bị phân biệt đối xử hoặc sẽ khiến tôi bị từ chối cho một vị trí nào đó (mặc dù tôi đủ khả năng). Nhưng trả lời là “Không” – đồng nghĩa với việc tôi là một kẻ nói dối.

Nói thật hay nói dối: Điều gì sẽ có lợi hơn cho sự nghiệp

Một lựa chọn khác của tôi là: Từ chối tiết lộ. Tôi thường nói đùa với bạn bè và đồng nghiệp rằng tôi mắc chứng bệnh tự kỷ như một sự tiết lộ rằng tôi bị có khiếm khuyết. Đôi khi tôi không muốn đề cập đến vấn đề này bởi vì đôi khi điều đó khiến tôi đánh mất cơ hội việc làm của chính mình.

Mỗi khi gặp câu hỏi này, những người có khiếm khuyết như tôi sẽ tự vấn rằng: Có nên nói thật không? Có nên tiết lộ không, khi nào là thời điểm thích hợp để nói? Tiết lộ với ai trong công ty thì được: nhà tuyển dụng, trưởng phòng, đồng nghiệp hay nhân sự?

Về mặt pháp lý, không có câu trả lời nào phù hợp cho tất cả mọi người. Luật pháp không yêu cầu bạn tiết lộ khi bạn ứng tuyển hay trong quá trình phỏng vấn.

Khi vừa tốt nghiệp đại học Luật, tôi nghĩ rằng khiếm khuyết của bản thân sẽ khó mà giấu được bởi lý lịch hay các thứ tương tự sẽ tiết lộ với nhà tuyển dụng.

Nhưng thay vì chia sẻ điều này khi nộp hồ sơ, tôi chọn chia sẻ nó ở buổi phỏng vấn. Việc trò chuyện và chia sẻ trực tiếp về khiếm khuyết của bản thân sẽ giúp tôi thoải mái cũng như được trao cơ hội trao đổi về năng lực nhiều hơn.

Trong các cuộc phỏng vấn với nhà tuyển dụng, tôi đề cập đến khiếm khuyết của bản thân song song với năng lực, khả năng làm việc của mình.

Tôi thường dùng khiếm khuyết ấy để làm nổi bật điểm mạnh của mình, nhấn mạnh những gì tôi có thể làm tốt mà không bị ảnh hưởng bởi các khiếm khuyết này.

Tiết lộ khiếm khuyết: Chú trọng đến bối cảnh và người nghe 

Nhưng đôi khi, việc tiết lộ khiếm khuyết của bản thân quá sớm không thật sự đúng đắn. Tôi đã nói chuyện với một người mắc chứng động kinh, anh ấy chia sẻ rằng: tiết lộ là một quyết định cực kỳ quan trọng, bối cảnh và người nghe là hai yếu tố bạn cần phải cân nhắc khi chia sẻ khiếm khuyết của mình.

Cá nhân, tôi thấy điều này khá đúng đắn. Tôi đã chia sẻ về tình trạng khiếm khuyết của mình với tất cả các đồng nghiệp.

Tôi tin tưởng và chia sẻ về căn bệnh tự kỷ của mình và cách mà căn bệnh ảnh hưởng đến công việc của tôi.

Tôi đã tiết lộ điều này với trưởng phòng trước về căn bệnh của mình và sau đó sẽ nói với đồng nghiệp vì tôi để được đối xử  bình đẳng trong công sở.

Việc tiết lộ bản thân khuyết tật giúp tôi nhận được sự hỗ trợ tốt nhất để được làm việc bình đẳng như mọi người. Và việc tiết lộ đúng thời điểm, đúng người sẽ không làm ảnh hưởng đến cơ hội việc làm cũng như con đường phát triển sự nghiệp trong tương lai.

Đối với tôi, tiết lộ về căn bệnh tự kỷ giúp bản thân có thể đeo tai nghe khi làm việc, hạn chế phải lắng nghe các cuộc trò chuyện trong văn phòng và những tiếng ồn xung quanh. Những điều nhỏ nhặt này giúp tôi không bị áp lực và đạt được hiệu suất công việc cao hơn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

HR Insider/Theo fastcompany

Tìm việc làm cũng như tìm ‘người thương’ – Đây là 5 lý do chính

Có một tâm lý thực tế mà rất nhiều người tìm việc phải đối mặt: đó là quá trình săn việc thật không mấy dễ chịu và ai cũng mong ngóng khoảng thời gian này sẽ nhanh khép lại với kết quả tốt đẹp nhất.

Ít ai cảm thấy việc ứng tuyển, rồi đi phỏng vấn và những bước liên quan sau đó là những hoạt động mang đến niềm vui, trừ khi bạn là một người hướng ngoại, thích được ra ngoài trò chuyện và luôn vận động với sự biến chuyển trong cuộc sống. Nhưng phải nhắc lại, có rất ít người cảm nhận như vậy.

1. BỊ TỪ CHỐI, BỊ TỪ CHỐI VÀ BỊ TỪ CHỐI

Bạn thử nghĩ xem vì sao nhiều người lại không thích quá trình đi tìm việc? Bởi lẽ sau rất nhiều các bước như nộp đơn, đi phỏng vấn, chờ kết quả, cuối cùng câu trả lời có thể khiến bạn thất vọng vô cùng.

“Cảm ơn, anh/chị rất tuyệt nhưng rất tiếc … Một lần nữa, xin cảm ơn anh/chị đã dành sự quan tâm”, một câu từ chối vô cùng lịch sự từ nhà tuyển dụng nhưng có “sức sát thương” to lớn không hề kém gì với việc bạn không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ công ty đã ứng tuyển.

Cũng như khi bạn thầm thương trộm nhớ một ai, lấy hết sức can đảm để bày tỏ và theo đuổi nhưng rồi cũng chỉ nhận về câu trả lời “Ừ thì anh rất tốt nhưng than ôi ừ thì em rất tiếc … đấy!”.

Cảm giác tổn thương là điều không thể tránh khỏi nhưng bạn sẽ phải học cách chấp nhận thực tế cũng như nên biết nói lời cảm ơn khi bị từ chối bởi một cánh cửa đóng lại sẽ là cơ hội để mở ra nhiều cánh cửa khác.

2. KHÔNG THỂ VỘI VÃ

Bạn mất bao lâu để tìm ra một công việc? Có thể nhanh, có thể hơi chậm hơn những người khác một chút. Nhưng bạn mất bao lâu để tìm ra một công việc mơ ước? Điều này thật khó đoán định bởi nó còn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố của bản thân bạn và cả những yếu tố khách quan khác.

Cũng như việc hẹn hò, bạn có thể gặp gỡ nhiều người, hẹn hò với một số người trước khi gặp được một người bạn thật sự muốn gắn bó lâu dài. Do đó, săn việc cũng như tìm người thương, bạn không thể vội vã và hãy sẵn sàng “hôn thật nhiều chú ếch trước khi  tìm ra hoàng tử thật sự của cuộc đời mình”.

3. SẼ TỐT HƠN KHI BIẾT TẬN DỤNG NHIỀU MỐI QUAN HỆ KHÁC NHAU

Việc tìm hiểu một ai đó ngày nay đã có nhiều thay đổi bởi sự bùng nổ của các website và ứng dụng hẹn hò như Match hay Tinder. Thế nhưng, nếu bạn bắt đầu muốn nghiêm túc, bạn sẽ cảm thấy mối quan hệ an toàn hơn khi giữa hai người có những liên kết chặt chẽ, ví dụ như những người bạn chung chẳng hạn.

Bạn có thể biết thêm thông tin về đối phương, có những cơ sở để tham khảo và đánh giá thận trọng hơn. Với lý do tương tự khi săn việc, đa phần các ứng viên cũng mong muốn tìm kiếm một cơ hội nghề nghiệp tốt thông qua các mối quan hệ của họ như bạn bè, đồng nghiệp cũ hoặc những người quen biết.

Về phía nhà tuyển dụng, họ cũng cảm thấy tin tưởng và có phần thoải mái hơn nếu ứng viên được giới thiệu từ mạng lưới các mối quan hệ.

4. SỰ PHÙ HỢP LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG

Trong một mối quan hệ yêu đương, hai người cùng tốt vẫn chưa chắc có thể dẫn đến một kết quả tốt.

Nếu bạn là một cử nhân tốt nghiệp MBA loại xuất sắc và có công việc trong văn phòng ổn định, trong khi đối phương là một người buôn bán ở chợ rất giỏi giang, hai bên sẽ khó có nhiều điểm chung để trò chuyện hoặc tìm hiểu nhau xa hơn dù rằng nghề nghiệp nào cũng đều đáng quý và trân trọng.

Tương tự khi đi săn việc, sự phù hợp là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Bạn có thể có nhiều nhà tuyển dụng trong tầm ngắm bởi danh tiếng của họ  nhưng chỉ nên tập trung vào những cơ hội vừa vặn với khả năng của mình, bất kể là công ty lớn hay nhỏ. Nếu không có sự phù hợp, công việc của bạn về lâu dài sẽ khó phát triển như mong muốn và vô tình khiến bạn chôn chân trong sự nghiệp của mình.

5. KIÊN NHẪN LÀ ĐỨC TÍNH CẦN THIẾT NHẤT

Nếu bạn có cơ hội biết đến những người thành công và hạnh phúc với cuộc sống của mình, hẳn bạn sẽ thấy điểm chung trong những câu chuyện của họ đều nói về lòng kiên nhẫn và rất nhiều nghị lực.

Giữa hai người yêu nhau, giữa vợ chồng hay thậm chí là cha mẹ và con cái, sự kiên nhẫn đóng một vai trò rất lớn trong việc giữ cho một mối quan hệ vui vẻ và hoà thuận bất chấp nhiều thử thách trong cuộc sống.

Với quá trình săn việc, bạn cũng có thể gặp nhiều khó khăn tương tự, ví dụ như để tuột khỏi tay công việc mơ ước ở phút 89 khiến bạn mất hết sự tự tin, thế nhưng sự kiên nhẫn sẽ là một phẩm chất tốt để giúp bạn vực dậy tinh thần trong bất kỳ hoàn cảnh nào, một cách mạnh mẽ nhất.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo CareerBuilder

Nhảy việc mang đến cho tôi động lực để thay đổi

Tìm được một công việc thích hợp với thu nhập hấp dẫn và cơ hội thăng tiến cao luôn là niềm mơ ước của rất nhiều người. Chính vì thế mà họ không ngừng ngại chuyện nhảy việc, để tìm cho mình một cơ hội phát triển trong sự nghiệp. Họ tin rằng nhảy việc là một cơ hội tốt để nhìn nhận lại năng lực của bản thân và hơn thế nữa là lúc để xác định ngành nghề mà mình muốn đi xa hơn trong tương lai.

Có nên nhảy việc? Đó luôn là một câu hỏi khiến bạn phải cân nhắc, thận trọng rất nhiều để đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta e dè, thậm chí sợ hãi chuyện nghỉ việc chỉ vì những mối lo lắng như không kiếm được việc mới, không đủ khả năng… Bởi vì nhảy việc có thể không mang lại kết quả như mong muốn, nhưng ít nhất nó đem đến cho bạn động lực để thay đổi.

Không dám nhảy việc vì những nỗi sợ mơ hồ

Các nghiên cứu, báo cáo liên tục cho thấy xu hướng chung của giới trẻ ngày nay là nhảy việc, tần suất có khi là vài ba tháng lại đổi việc một lần. Điều này không quá khó hiểu bởi ngày nay, giới trẻ có nhiều lựa chọn công việc, họ cũng không ngại thay đổi, không ngại làm mới mình để làm những gì bản thân yêu thích.

Tuy nhiên, song song đó cũng có những người muốn nhảy việc nhưng ngần ngừ không dám chỉ vì những nỗi sợ mơ hồ.

Với nhiều người, lý do lớn nhất khiến họ không dám nhảy việc đó là sợ không kiếm được công việc mới như mong muốn. Chắc gì công việc mới sẽ ổn định như hiện tại? Biết đâu công việc mới, công ty mới cũng mông lung như hiện tại thì sao? Đó là những thắc mắc họ tự đặt ra cho chính mình và rồi không thể thoát khỏi suy nghĩ đó.

Một số người khác không dám nhảy việc để đi tìm việc mới chỉ vì ngại thay đổi, ngại phải làm quen với môi trường mới, đồng nghiệp mới. Họ cảm thấy trình độ tiếng Anh của bản thân không thể đáp ứng yêu cầu từ công ty mới hay CV, portfolio của mình lại chưa đủ sức thuyết phục trong khi bản thân lại quá lười để làm lại chúng…

Chính những điều này khiến rơi vào trạng thái ‘tiến thoái lưỡng nan”, muốn đi không được mà muốn ở cũng không xong. Họ tự đánh lừa bản  thân vẫn đang ổn với công việc hiện tại. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thái độ của bạn trong công việc, lâu dài hơn là đến sự thăng tiến nghề nghiệp.

Rõ ràng, bạn chỉ làm tốt nếu bạn hào hứng, yêu thích, đam mê công việc. Một khi suy nghĩ nhảy việc xuất hiện trong bạn cũng là lúc đam mê, nhiệt huyết của bạn lung lay. Lúc này, bạn chỉ đang cố duy trì công việc trong trạng thái mỏi mệt, cầm chừng.

Nhảy việc có thực sự đáng sợ?

Không ai có thể chắc chắn rằng nhảy việc là một quyết định hoàn toàn đúng đắn, công việc mới, mức lương mới, đồng nghiệp mới sẽ giống như bạn mong đợi. Thế nhưng, nhảy việc, ngoài những rủi ro – hay nói cách khác là những nỗi sợ mơ hồ do chính bạn tạo ra – còn mang đến nhiều cơ hội để bạn thay đổi, khắc phục nhược điểm của bản thân.

Chẳng hạn, khi bạn quyết định nhảy việc từ vị trí hiện tại đến một vị trí mới cao cấp hơn, hoặc làm việc cho một công ty đa quốc gia, bạn bắt đầu kế hoạch trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm để phù hợp với vị trí đó.

Nếu chưa tự tin về trình độ tiếng Anh, hãy đăng ký một lớp học tiếng Anh. Nếu thấy mình thiếu kỹ năng hay kiến thức chuyên môn lĩnh vực nào, tích cực học hỏi từ sách vở, từ công việc hiện tại… để từng bước hoàn thiện mình trước khi chinh phục một công việc mới như mơ ước.

Chỉ khi đặt bản thân vào tình huống khó khăn, căng thẳng, bạn mới thực sự khai phá hết giới hạn của mình. Và lúc này, bạn đã đạt được thành công đầu tiên: đó chính một phiên bản tốt hơn của chính mình, sẵn sàng thay đổi bản thân và tự tin cho mọi cơ hội mới. Vòng an toàn khiến bạn yên tâm nhưng lại rất khó đưa bạn đến với những cột mốc cao hơn.

Khoa học đã chứng minh rằng, những người thông minh có một đặc tính chung đó là luôn biết thay đổi bản thân để thích nghi với môi trường mới. Khi họ đã quyết định chọn hướng đi nào, họ sẽ tập trung cao độ để đạt được nó và loại bỏ tất cả những ngại ngần, e dè không đáng có.

Biết lọc những thông tin quan trọng và biết nắm bắt các cơ hội sẽ giúp bạn đưa ra quyết định một cách sáng suốt hơn cũng như chủ động trong hành trình chinh phục các đích đến mới của mình.

Đương nhiên, không có nhà tuyển dụng nào thích ứng viên có quá khứ nhảy việc dày đặc. Nhưng điều đó không phải lí do khiến bạn chấp nhận an phận tại một nơi chốn mà bản thân không còn hứng thú, đam mê hay phù hợp.

Nhảy việc với một “cái đầu lạnh”, có mục đích, có lí do, biết mình cần làm gì tiếp theo sẽ mang lại những hiệu ứng tuyệt vời. Thông qua đó, bạn cũng phần nào chứng minh được sự độc lập, quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao với những lựa chọn của chính mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips 

via HR Insider

4 “cạm bẫy” đang ‘chực chờ’ bạn khi đi tìm việc

Tìm kiếm công việc mới và vượt qua giai đoạn thử việc là điều không hề dễ dàng. Nhưng sẽ ra sao nếu trải qua 2 tháng thử việc bạn nhận thấy công ty mới không thực sự tốt??? Lúc này, bạn buộc phải lựa chọn giữa tiếp tục hành trình tìm kiếm công – thử việc hay chấp nhận số phận?? Vì thế, hãy cân nhắc thật kĩ trước khi quyết định làm việc tại công ty có 4 dấu hiệu sau nhé! 

Thay đổi công việc không phải là điều dễ dàng. Bạn phải chật vật tìm kiếm công việc mới, gửi không biết bao nhiêu CV, chờ đợi để được gọi. Rồi những buổi phỏng vấn căng não, 2 tháng thử việc đầy thách thức để được chính thức làm việc.

Nhưng sẽ ra sao nếu sau 2 tháng thử việc, bạn nhận ra công ty mới không hề tốt đẹp và những lời hứa hẹn khi phỏng vấn bỗng chốc “không cánh mà bay”?  Thậm chí, nhiều trường hợp khi thử việc, kí hợp đồng rồi mới vỡ lẽ bản thân bị bốc lột sức lao động và áp bức đủ kiểu.

Chẳng lẽ lúc đó, bạn phải ngậm đắng nuốt cay để có công việc làm ổn định? Hay tiếp tục hành trình tìm kiếm công việc mới đầy cam go, có thể khiến bản thân thất nghiệp trong vài tháng?

Do đó, ngay từ thời điểm đầu tiên khi đi phỏng vấn, hãy cố gắng sàng lọc, tìm đến một công ty biết tạo điều kiện phát triển cho công nhân viên, giúp chúng ta giảm thiểu được rất nhiều thiệt thòi, kiếm được nhiều tiền hơn, xây dựng một tương lai tốt hơn và tìm cách tránh xa các công ty có môi trường yếu kém, làm thui chột tài năng.

Sau đây là 4 dấu hiệu giúp bạn nhận biết được đâu là công ty cần đề phòng:

Yêu cầu nhân viên “đa zi năng”

Đặc điểm chung của những công ty “cần đề phòng” thường là đòi hỏi rất nhiều ở nhân viên. Ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nhân viên phải chấp nhận ôm đồm nhiều công việc khác kể cả dọn dẹp, bưng bê…

Tuy nhiên, họ sẽ không dễ dàng chi trả một mức lương tương ứng với công sức mà bạn bỏ ra, thay vào đó là sự hứa hẹn sẽ tăng lương khi qua thời gian thử việc hoặc định kỳ tăng lương, thưởng hậu hĩnh…

Hoặc có trường hợp, công ty sẽ đồng ý với mức lương cao ngất nhưng đến khi trả lương, họ sẽ đưa ra vô vàn lý do để giảm lương của bạn hoặc nợ lại và không hẹn ngày trả. Bạn cũng cần đề phòng những nơi vẽ ra viễn cảnh quá “màu hồng”, không thực tế đấy!

Nếu trong quá trình phỏng vấn mà gặp phải dấu hiệu này, bạn nên cân nhắc và làm rõ công việc mình phải đảm nhận. Sau đó, qua nhiều cuộc trao đổi mà vẫn không tạo được sự tin tưởng, bạn nên rời đi ngay và tìm cho mình “bến đỗ” mới.

Chia sẻ không tốt về nhân viên cũ

Cấp trên hay chê trách và không bao giờ thừa nhận năng lực, đóng góp của nhân viên cũng là một trong những điều khiến hầu hết người đi làm chán nản và muốn nghỉ việc. Và một trong những mẹo giúp bạn xác định được đâu là công ty mình nên làm, ai là người sếp phù hợp dành cho mình chính là lắng nghe.

Việc lắng nghe trong buổi phỏng vấn về cách người quản lý trực tiếp chia sẻ về đội ngũ nhân viên của họ sẽ giúp bạn nhìn thấy được phần nào đó cách làm việc của họ. Và hãy đề phòng nếu họ liên tục đưa ra lời chê trách hay phàn nàn về người nhân viên cũ từng đảm nhiệm vị trí bạn ứng tuyển nhé! Điều này cũng thể hiện một phần nào đó về tính cách đấy!

Bên cạnh đó, đừng bỏ câu hỏi về cơ cấu công ty cũng như quy trình làm việc, thành viên trong bộ phận mà bạn ứng tuyển để hiểu rõ hơn về cách thức làm việc ở nơi mới nhé! Điều này cũng một phần nào đó giúp bạn hiểu thêm về văn hóa của công ty.

Và với những nhà tuyển dụng có dấu hiệu quanh co, phớt lờ các câu hỏi của bạn hoặc chuyển sang một chủ đề khác để tiếp tục cuộc trò chuyện khi bạn hỏi quá sâu về cơ cấu công ty thì cũng là một điều đáng ngờ đấy!

Không liên lạc qua email mà chỉ bằng các ứng dụng khác

Các công ty thường sử dụng hai hình thức để liên hệ với ứng viên là qua điện thoại và email công ty. Còn với công ty không đáng tin, họ thường sử dụng những tài khoản mạng xã hội ảo để liên hệ như tài khoản Facebook hoặc Zalo, Viber.

Với kinh nghiệm của những người đi làm nhiều năm, nhân viên tuyển dụng sẽ gọi điện thoại để trao đổi với bạn trước và sau đó gửi kèm email để xác nhận, mời bạn đến dự phỏng vấn. Kết quả của cuộc phỏng vấn hoặc thư mời nhận việc đều được gửi bằng email công ty. Tất nhiên, email đấy được công khai rộng rãi trên các kênh như Website, Fanpage… Vì vậy, hãy cẩn thận với những lời mời phỏng vấn qua các ứng dụng khác nhé!

Đề nghị một vị trí khác với vị trí bạn ứng tuyển

Trong công việc, chỉ khi được làm công việc bạn yêu thích hoặc đúng chuyên môn, bạn mới thật sự phát triển được. Vì thế, một công ty đề xuất bạn một vị trí không phù hợp với định hướng của bạn ban đầu, hãy cân nhắc thật kĩ về vấn đề này.

Dù mức lương hoặc các chế độ đãi ngộ khác có thể rất hấp dẫn và công việc cũng đầy thú vị, thách thức. Nhưng bạn nên nhớ, trên đời không có chuyện gì là dễ dàng mà có được cả. Hãy đặt nghi vấn rằng tại sao công ty mới lại sẵn sàng trả lương cao cho một người không có quá nhiều kinh nghiệm về vị trí đó? Mục đích thật sự của họ là gì?

Bên cạnh đó, việc không được làm đúng chuyên môn hay công việc yêu thích cũng khiến bạn khó có thể phát triển được công việc lâu dài. Vì thế, hãy cân nhắc và từ chối một cách khéo léo những lời đề nghị như thế này.

Trên đây là 4 dấu hiệu giúp bạn nhận biết được một phần công ty mới có phù hợp và giúp bạn phát triển sự nghiệp lâu dài hay không. Nếu gặp phải những trường hợp này, hãy hỏi cụ thể hơn và mạnh dạn từ chối để tránh bản thân lại rơi vào vòng lẩn quẩn của nhảy việc – tìm việc – thử việc rồi lại nhảy việc nhé!

 

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips via HR Insider