Nền kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo đối mặt với nhiều rủi ro và nguy cơ sụt giảm tăng trưởng. Dù khả năng suy thoái là vấn đề còn gây tranh cãi, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hầu hết nhà kinh tế đều nhất trí tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, dự báo giảm còn 2,7%, so với 3,2% năm 2022.
Khi lo ngại về suy thoái và tình trạng sa thải nhân viên thường xuyên trở thành những dòng tít trên các phương tiện truyền thông, sự lo lắng về một thị trường việc làm bấp bênh với sinh viên mới tốt nghiệp cũng tăng lên.
Tại Trung Quốc, thị trường việc làm những năm qua trở nên khó khăn với người trẻ khi nền kinh tế này chịu tác động của Covid-19.
Theo kết quả khảo sát trên người độ tuổi 16-24 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp năm ngoái cao kỷ lục, đạt 19,9% tháng 7, 17,9% tháng 10/2022 và tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước là 5,5% trong tháng 9.
Một trong nhiều nguyên nhân là những năm gần đây, hàng triệu sinh viên đã được đào tạo với số lượng gấp khoảng 10 lần vài thập niên trước.
Và, một lượng không nhỏ sinh viên được đào tạo để làm văn phòng, trong khi doanh nghiệp đang tinh giản công việc này ở các thành phố lớn.
Còn tại Mỹ, một khảo sát gần đây trên 1.000 sinh viên vừa tốt nghiệp (độ tuổi 18-54) trong 12 tháng qua cho thấy nhiều người lo lắng về “mức độ sẵn sàng cho công việc” của bản thân.
Theo khảo sát, gần một nửa sinh viên mới tốt nghiệp nói họ không nộp đơn xin các công việc ở cấp độ đầu vào, không đòi hỏi kinh nghiệm, vì cảm thấy bản thân không đủ tiêu chuẩn. Với người mới tham gia thị trường lao động, điều này thậm chí còn gây áp lực nhiều hơn.
Nhận định về cơ hội việc làm của người trẻ, Pooja Chhabria – chuyên gia nghề nghiệp, trưởng ban biên tập khu vực châu Á – Thái Bình Dương của mạng xã hội việc làm LinkedIn cho biết: “Một trong các thách thức mà lao động trẻ có thể đối mặt là thiếu kinh nghiệm khi tham gia lực lượng lao động”.
Dù lao động trẻ thuộc Thế hệ Z (độ tuổi 18-24) có thể đang lo lắng về việc bản thân chưa đáp ứng đủ kinh nghiệm, nhiều ngành nghề trên thực tế đang “tích cực” tuyển dụng.
Theo LinkedIn, tháng 10/2022, thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội việc làm này ở các lĩnh vực như quản lý nhà nước ghi nhận tăng trưởng đáng kể so với năm trước, ở mức 52% tại Úc và 88% tại Singapore.
Riêng thông tin tuyển dụng trong ngành bán lẻ tăng 114% ở Úc và 49% ở Ấn Độ, trong khi cơ hội việc làm cho ngành logistics và chuỗi cung ứng tăng 41% ở Singapore.
Dù công việc có thể thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, song tất cả đều có điểm chung: sự nhấn mạnh vào kỹ năng mềm từ phía nhà tuyển dụng – yếu tố được Chhabria nhận định là được xem trọng bất kể ngành nghề và công việc.
Lao động trẻ làm thế nào tạo lợi thế?
Theo Chhabria, doanh nghiệp hiện đã chuyển từ phương pháp tuyển dụng “dựa trên kinh nghiệm truyền thống” sang phương pháp tuyển dụng lấy kỹ năng làm đầu.
Nguyên nhân được vị chuyên gia từ LinkedIn đưa ra là “tốc độ thay đổi và sự gián đoạn nhanh chóng” mà các ngành công nghiệp đang trải qua cũng như việc tuyển dụng dựa trên kỹ năng giúp nhà tuyển dụng thuê được nhân sự phù hợp với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Đồng thời, vị chuyên gia cũng cho biết dữ liệu của LinkedIn cho thấy tại khắp châu Á – Thái Bình Dương, phương pháp tuyển dụng dựa trên kỹ năng sẽ giúp nới rộng phổ nhân sự thuộc Thế hệ Z lên 10,8 lần ở Úc, 14,1 lần ở Ấn Độ và 7 lần ở Singapore.
Dù kỹ năng cứng vẫn rất quan trọng để đảm bảo công việc, các kỹ năng mềm có thể giúp ứng viên giành được lợi thế cạnh tranh.
“Kỹ năng cứng là kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc. Ví dụ, nếu bạn ứng tuyển làm chuyên gia bán hàng, bạn cần có kiến thức về quy trình bán hàng và cách sử dụng CRM.
Nhưng, bạn cũng cần kỹ năng mềm như thuyết trình để chốt hợp đồng tốt hơn, hoặc kỹ năng giao tiếp để có thể tự tin giao tiếp với nhóm của mình hay khách hàng”, Chhabria nói.
Theo đó, LinkedIn cho biết 5 kỹ năng mềm sẽ tạo lợi thế cạnh tranh mà người trẻ cần trau dồi:
1. Giao tiếp: Khả năng truyền đạt ý tưởng, quan điểm và suy nghĩ của bản thân một cách ngắn gọn để mọi người có thể hiểu những gì bạn đang chia sẻ.
2. Quản lý thời gian: Khi hình thức làm việc từ xa ngày càng phổ biến, kỹ năng quản lý thời gian càng trở nên quan trọng trong việc xây dựng lòng tin với nhà tuyển dụng và thể hiện giá trị mà bạn đem lại cho cả nhóm
3. Tư duy phản biện: Khả năng hiểu và giải quyết một tình huống dựa trên tất cả sự kiện và thông tin có sẵn.
4. Giải quyết vấn đề: Đưa ra giải pháp và tìm kiếm cách thức mới để giải quyết vấn đề.
5. Làm việc với người khác: Sau đại dịch, khả năng xây dựng mối quan hệ và cộng tác với các nhóm trên toàn thế giới sẽ là một kỹ năng quan trọng.
“Người lao động trẻ cũng có thể cân nhắc tham gia một số tổ chức nghề nghiệp hoặc các nhóm kết nối. Đây là những nền tảng tuyệt vời để giúp bạn thực hành kỹ năng giao tiếp và làm việc với người khác”, vị chuyên gia bổ sung.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Nam Nguyen | MarketingTrips