Skip to main content

COVID-19 và cuộc “chọn lọc tự nhiên” của doanh nghiệp F&B

19 Tháng Ba, 2020

Nội lực mạnh hơn các hàng quán nhỏ lẻ, nhưng nhiều chuỗi F&B (dịch vụ ăn uống) lớn cũng đang có dấu hiệu xuống sức vì ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.

Thống kê của Dcorp R-Keeper Việt Nam cho biết, cả nước hiện có đến 540.000 cửa hàng ăn uống, trong đó có khoảng 430.000 cửa hàng nhỏ, 7.000 nhà hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh, 22.000 cửa hàng cà phê, các quầy bar và trên 80.000 nhà hàng được đầu tư, phát triển một cách bài bản theo mô hình chuỗi.

Theo số liệu từ Statista, doanh thu từ thị trường thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại Việt Nam trong năm 2019 chạm mốc 200 tỉ USD, tăng 34,3% so với số liệu của năm 2018. Đến năm 2023, dự báo doanh thu của ngành này có thể đạt 408 tỉ USD. Do đó, F&B sẽ tiếp tục trở thành một miếng bánh hấp dẫn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, thị trường F&B tại Việt Nam vốn đã cho thấy những dấu hiệu giảm tốc, nay lại thêm tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều cá nhân, cửa hàng, thậm chí cả chuỗi F&B cũng phải tạm đóng cửa, trả lại mặt bằng, nhượng quán.

Đìu hiu vì COVID-19

Mới đây, một “tay to” trong ngành F&B của Việt Nam chính là Golden Gate trước sức “công phá” của dịch COVID-19 cũng đang cân nhắc việc đóng cửa bớt một số cửa hàng trong rất nhiều thương hiệu của mình.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc vận hành Golden Gate cho biết nguồn nguyên liệu, Công ty có bị ảnh hưởng, nhưng không nhiều, vì Golden Gate đã đa dạng thị trường nhập khẩu từ trước. Tuy nhiên, COVID-19 đang tác động trực tiếp đến tất cả các ngành, đặc biệt là ngành dịch vụ ăn uống. “Doanh thu của các chuỗi nhà hàng có nhiều cửa hàng như GoGi House và Kichi-Kichi giảm mạnh”, ông Khánh chia sẻ.

Mới đây, một “tay to” trong ngành F&B của Việt Nam chính là Golden Gate trước sức “công phá” của dịch COVID-19 cũng đang cân nhắc việc đóng cửa bớt một số cửa hàng trong rất nhiều thương hiệu của mình.

Tại Hà Nội, Golden Gate có đóng tạm nhiều cửa hàng ở các trung tâm thương mại. “Lý do chúng tôi đóng cửa là do quá ít khách. Miền Nam thì chưa đóng cửa hàng nào. Chúng tôi vẫn đang theo dõi tình hình kinh doanh”, đại diện Golden Gate chia sẻ.

Đối với các thương hiệu thuộc Golden Gate, bắt đầu ghi nhận việc đóng cửa ở một số điểm kinh doanh. Trên Fanpage của chuỗi Gogi House vừa thông báo, thương hiệu này sẽ tạm dừng hoạt động tại một số cửa hàng tại Hà Nội kể từ ngày 11/3/2020 cho đến khi có thông báo mới. Có 5 cửa hàng Gogi House tại Hà Nội bị ngưng hoạt động trong đợt này: Gogi House tại Hàm Nghi, Trần Văn Lai, Vạn Phúc, Phó Đức Chính, Nguyễn Văn Lộc.

Tương tự, thương hiệu Kichi-Kichi cũng thông báo 7 nhà hàng đóng cửa cả ngày, 3 nhà hàng đóng cửa buổi sáng chỉ mở buổi tối (17h- 22h) trong tổng số 22 nhà hàng của hệ thống tại Hà Nội. Lịch hoạt động mới này của Kichi-Kichi sẽ có hiệu lực từ ngày 11/3 đến 31/3/2020.

“Cả nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu sụt giảm. Nếu dịch bệnh không chấm dứt sớm hay có cách chữa trị hiệu quả trong 1 đến 2 tháng tới, các doanh nghiệp F&B nhỏ sẽ càng khó khăn hơn. Giá trị thặng dư của các doanh nghiệp này tích luỹ được có thể sẽ không còn và mọi thứ sẽ bắt đầu lại từ đầu. Dù vậy, còn người là còn tất cả”, ông Hà Thúc Tú, Giám đốc chi nhánh miền Nam của Golden Gate Group, chia sẻ.

Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, ông Mai Trường Giang, chủ của 2 thương hiệu thuộc ngành hàng F&B là Otoke Chicken và Chewy Junior Việt Nam (chủ yếu tại TP.HCM), cho biết vừa quyết định đóng bớt nhà hàng bị lỗ không cứu được.

“Hôm nay rồi cũng phải quyết định đóng bớt nhà hàng bị lỗ không cứu được. Cảm giác buồn không thể tả… Chỉ mong mọi chuyện qua nhanh”, ông chia sẻ trên trang Facebook cá nhân.

Hiện thương hiệu gà rán Otoke Chicken có khoảng 15 cửa hàng, chủ yếu ở TP.HCM, còn thương hiệu bánh ngọt nhân kem tươi Chewy Junior có khoảng 25 cửa hàng trải dài khắp cả nước.

Với đặc thù sản phẩm, các nhà hàng Otoke Chicken thường có diện tích lớn, còn các cửa hàng Chewy Junior có diện tích nhỏ, chủ yếu phục vụ việc mang đi.

Thế nên, ông chủ Mai Trường Giang phải chọn đóng một vài cửa hàng Otoke Chicken đầu tiên, lúc nhu cầu tiêu dùng của người Việt ngày càng giảm sút.

“Doanh nghiệp F&B và dịch vụ sẽ còn lỗ nặng nhiều tỷ đồng nữa trong thời gian 6 tháng tiếp theo, sau khi Hà Nội có ca mới… Chạy dọc ngoài đường, bạn sẽ thấy rất nhiều cửa hàng đóng cửa, hàng quán còn hoạt động thì vắng khách ngồi trong nhà hàng trong các giờ cao điểm.

Dịch vụ delivery – giao nhận thức ăn, đang giúp doanh nghiệp có doanh thu, nhưng không mang lại nguồn lợi nhuận đủ để cứu dòng tiền trong giai đoạn dịch này. Giải pháp nào để vượt qua giai đoạn khủng hoảng kéo dài 6 tháng nữa đây anh chị em?”, ông Mai Trường Giang nhận định trong các bài đăng trước đó.

Theo ông, thì cuộc chiến của ngành F&B sẽ trở nên khốc liệt hơn trong mùa dịch, các “tay to” cũng trụ được qua mùa dịch, sau đó thì phải đi “cày” lại kết quả từ đầu. Làn sóng khởi nghiệp lần 2 sẽ diễn ra sau 10 năm thị trường sôi động.

Xoay trục để “sống” qua mùa dịch

Việc một loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ trong ngành hàng F&B phải đóng cửa với lý do bất khả kháng là dịch COVID-19 có thể thấy còn do xu hướng người tiêu dùng đang có nhiều thay đổi.

Như nhận định từ một số tổ chức nghiên cứu thị trường Việt Nam, xu hướng của ngành F&B là ăn uống tại nhà. Người tiêu dùng muốn dành thời gian ở nhà vì đảm bảo an toàn ngừa dịch bệnh, truyền thông trực tuyến, làm việc tại nhà…

Để tồn tại trong mùa dịch, các chuỗi F&B đã phải xoay sở qua phương án “phục vụ tại nhà” thay vì thu hút khách tới quán.

Điển hình như thương hiệu Hotpot Story của Red Sun – vốn nổi tiếng với mô hình buffet lẩu tại các trung tâm thương mại nay nhận giao hàng tận nhà.

Để kích cầu tiêu dùng, Hotpot Story còn giảm giá khi khách thanh toán qua VNPAY, cho mượn nồi lẩu, bếp lẩu, muôi nhúng, thậm chí là tặng kèm đồ uống.

Tương tự như vậy, Golden Gate cũng áp dụng hình thức phục vụ tại gia với các thương hiệu Kichi-Kichi, Nướng Gogi, Lẩu Manwah, Lẩu Hutong…

Thực tế, hoạt động “lẩu nướng tại gia” từ lâu đã phổ biến tại Việt Nam. Điển hình của xu hướng này chính là sự ra đời các dịch vụ giao đồ ăn như GrabFood, Go-Food, Loship… đang rất phát triển. Khi lối sống bận rộn trở thành điểm chung của người tiêu dùng, các bữa ăn giao tới nhà và chỗ làm trở thành dịch vụ cơ bản của ngành nhà hàng.

Các dịch vụ giao thức ăn từ lâu đã quen thuộc với các thực khách bận rộn, hoặc thích thưởng thức món ăn tại gia.

Nhất là trong bối cảnh ngắn hạn, lượng khách tới nhà hàng sụt giảm, đây có thể xem là giải pháp cứu vãn các chuỗi F&B ở thời điểm này.

Trước tình hình khó khăn chung như hiện nay, chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân lưu ý các DN cần “lùi một bước để xây dựng nền tảng, lùi một bước để có thể tiến 3 bước sau mùa dịch”.

Theo bà Vân, đây là thời gian tốt nhất để DN quay về chấn chỉnh, xây dựng, hoàn thiện những nền tảng mà trước giờ chưa làm.

Đặc biệt là cần thay đổi hoặc điều chỉnh hồ sơ sản phẩm. Khi sản phẩm, dịch vụ on-premise (tại chi nhánh) gặp khó khăn do người tiêu dùng không đi mua sắm, sử dụng sản phẩm, dịch vụ tại chỗ, thì cần ideate – nghĩ ra các sản phẩm, dịch vụ có thể phục vụ tận nhà.

“Thay đổi này không quá lớn, chỉ cần đặt câu hỏi có thể làm gì để chuyển đổi sản phẩm từ on-prem – tại chỗ sang in-home – tại nhà?”, chuyên gia Nguyễn Phi Vân lưu ý.

Hoặc như việc thay đổi kênh bán hàng sang online (trực tuyến). Rất nhiều DN vừa và nhỏ trong ngành hàng F&B trước giờ phần lớn doanh thu đến từ offline (ngoại tuyến) trong khi doanh thu online có tỷ trọng thấp hoặc chưa có kiến thức triển khai.

Trong khi đó, từ tác động của dịch COVID-19 cho đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng Việt đang dần thay đổi, thì cách bán hàng của DN F&B cũng phải đổi theo, nhanh chóng, dồn lực đẩy mạnh các kênh online để có doanh thu, “sống sót” trong thời gian tới.

Hà Anh | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …