Skip to main content

5 chiến thuật lãnh đạo giúp xây dựng lòng tin

6 Tháng Một, 2021

“Kỹ năng lãnh đạo không phải là để xem ai là người chịu trách nhiệm. Mà đó là học cách giao tiếp sao cho tạo dựng được niềm tin đối với mọi người xung quanh”.

Bạn sẽ không bao giờ lĩnh hội được hết nghệ thuật lãnh đạo đâu.

Đây dường như là điều ít được ai đề cập đến trong các cuộc đối thoại xã hội về cách để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả. Ở nơi làm việc, ở thế giới bên ngoài rộng lớn hơn, hay thậm chí là ở nhà với gia đình và bè bạn.

Kỹ năng lãnh đạo không phải là một điểm đến, nó là cả một quá trình: một quá trình luyện tập không bao giờ có điểm dừng, từ năm này sang năm khác, và cũng có đôi khi bạn tưởng chừng như mọi thứ đã sụp đổ đến nơi rồi.

Tất cả chúng ta, tại thời điểm này hay thời điểm khác, cũng có lúc quên đi như thế nào là một nhà lãnh đạo giỏi.

Nếu chỉ có một thứ tôi học được về kỹ năng lãnh đạo trong suốt khóa học cả cuộc đời sự nghiệp của mình, thì kỹ năng mềm chính là chìa khóa vàng quan trọng nhất.

Đó không phải là để xem ai là người chịu trách nhiệm, hay ăn mặc như thế nào là đúng, hay “ra uy” với mọi người rằng mình mới là người đưa ra quyết định cuối cùng.

Mà đó là học cách giao tiếp, đối nhân xử thế ra sao để xây dựng được một niềm tin vững chắc nơi người khác. Dưới đây là năm cách đơn giản mà bạn có thể bắt đầu thực hiện ngay từ giờ.

Thay đổi cách đưa ra phản hồi, để mọi người hiểu điều mà bạn muốn truyền đạt là gì

Nếu bạn nói “Làm tốt lắm” với mỗi người mà bạn làm việc chung, với mỗi thứ mà họ làm – thì những lời tán dương này sẽ chỉ vô nghĩa mà thôi.

Kỹ năng lãnh đạo hiệu quả không phải là cứ liên tục ca thán và khen ngợi mọi người. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những phản hồi “tiêu cực” (khi được truyền đạt một cách hợp lý) lại chính là những lời khuyên hữu ích nhất.

Mọi người muốn học hỏi, muốn phát triển, muốn cảm thấy được thử thách mỗi ngày để giúp bản thân ngày hôm nay tiến bộ hơn so với ngày hôm qua.

Và vì thế, việc đưa ra những phản hồi mang tính xây dựng nhằm giúp nhân viên phát triển hơn – chính là một kỹ năng mềm cần thiết đối với các nhà lãnh đạo.

Phương pháp “bánh kẹp” hiện nay đang rất phổ biến (tích cực, xây dựng, tích cực). Tuy nhiên, những cuộc trò chuyện thường xuyên, chân thật với nhân viên để đưa ra các phương án khả thi cũng không kém phần quan trọng đâu đấy.

Hãy nhớ rằng: Nếu có chỉ trích, thì cũng phải có lời khuyên mang tính xây dựng nhé!

Học hỏi hình mẫu kỹ năng lãnh đạo từ người khác bên ngoài công việc

Tôi điều hành một công ty PR có tên là Stanson & Company.

Và tôi cũng đang theo học một lớp dạy nhảy đã được vài năm nay rồi.

Dạy nhảy và dạy ai đó cách để PR, nhìn từ bề ngoài, là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, bằng cách quan sát hai kiểu dạy, và cách bạn phối hợp phương pháp mới với kỹ năng tạo động lực học – thì mọi thứ có vẻ như cũng giống nhau đấy.

Như đã nói, cá nhân tôi nghĩ rằng bạn sẽ trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình với tư cách là một nhà lãnh đạo – là khi bạn thật sự trung thực với người mà bạn đang giao tiếp, là khi bạn không cố tỏ ra mình là một người (hay một thứ) nào khác.

Khi bạn đang giả vờ, cũng chính là lúc bạn đang gặm nhấm chính nỗi đau của chính mình đấy.

Khi có bất kì vấn đề nào xảy ra, hãy nhận trách nhiệm về chính mình trước

Một điều mà tôi luôn luôn nói với đồng đội của mình đó là: Khi mọi việc đi sai hướng, tôi sẽ là người chịu trách nhiệm.

Tôi là chủ của công ty, do đó bất cứ điều gì xảy ra cũng đều là trách nhiệm của mình.

Ở cương vị lãnh đạo, bạn sẽ rất dễ rơi vào tư duy “mình là nạn nhân”. Khi một loạt những vấn đề ập đến, bạn sẽ bắt đầu cảm tưởng như mình đang bị cản đường bởi những chướng ngại vật, và rằng bạn đang bị mất kiểm soát.

Tuy nhiên, nếu đặt hoàn toàn tâm trí của bạn vào những chuyện này thì chỉ khiến cho mọi việc tồi tệ hơn mà thôi.

Thay vào đó, bạn hãy là người đứng ra chịu trách nhiệm trước. Không cần biết chuyện gì đã xảy ra, thậm chí đó rõ ràng chẳng phải lỗi từ bạn, nhưng bạn vẫn cần đặt dấu hỏi cho chính vai trò mà mình đã đảm nhiệm là gì.

Có thể là bạn đã lơ đãng hơn thường ngày. Có thể là bạn đang dành tâm huyết nhiều hơn cho một việc nào khác, và khiến cho bản thân bị phân tâm. Có thể bạn quá bận rộn và khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn chẳng hạn.

Dù là gì đi chăng nữa, nhà lãnh đạo tuyệt vời là người biết dẫn dắt bằng cách minh hoạ – từ những gì mà họ có thể đem đến cho tập thể, hơn là chỉ trích và phán xét người khác.

Hãy cho nhân viên được phạm sai lầm

Quản lý vi mô thường thiếu hiệu quả.

Ai ai cũng đều cần phạm lỗi sai để học hỏi từ chính những lỗi sai ấy, bởi vì “thất bại là mẹ của thành công” mà.

Đúng là bạn muốn đặt ra những hàng chắn để giúp mọi thứ đi đúng hướng, nhưng mục tiêu ở đây chính là khiến nhân viên cảm thấy thoải mái và tự tin để làm việc theo cách của chính họ.

Đó là cách bạn biến ai đó từ một người “làm công ăn lương” bình thường, đến một thành viên hữu ích và thật sự gắn bó trong một đội.

Và điều này chắc chắn yêu cầu rất nhiều khả năng kiên trì và bền bỉ từ chính bạn.

Bạn cần dành thời gian để dạy, đào tạo, và hướng dẫn nhân viên của mình. Bạn cần là người đồng hành đáng tin cậy, sẵn sàng ra tay tương trợ mỗi khi có vấn đề xảy đến.

Và hơn hết, bạn cần biết đón nhận những lỗi sai mà nhân viên có thể gặp phải – và đồng thời luôn luôn ghi nhớ rằng: Những lỗi sai sẽ gây ra phí tổn ngắn hạn, nhưng nó sẽ mang lại giá trị to lớn hơn về mặt kiến thức và tinh thần độc lập về lâu về dài đấy.

Tự nhìn nhận lại bản thân và đón nhận góp ý từ người khác

Kỹ năng lãnh đạo cần biến chuyển và phát triển với môi trường. Điều đó có nghĩa là bạn cần lưu tâm đến mọi thứ để đưa ra những sự thay đổi tương thích với tình huống được quan sát.

Nơi làm việc lý tưởng nhất là nơi nhân viên cảm thấy thoải mái đưa ra nhận xét trực tiếp đến với quản lý cũng như nhà lãnh đạo của mình.

Điều này nên được thực hiện một cách đan xen và hai chiều: nhận biết cách mà mọi người lắng nghe những phản hồi từ nhau, và cân nhắc xem liệu kiểu giao tiếp hay phương pháp đó có đem lại hiệu quả.

Và cách duy nhất để tạo được vòng lặp này, chính là nuôi dưỡng một môi trường làm việc sao cho nhân viên có thể phát biểu suy nghĩ, cảm nhận, những gì họ đang cảm thấy phiền lòng, những gì họ đang chú ý đến – với sếp và cả với lãnh đạo cấp cao của họ.

Đó không chỉ là cách bạn đang đón nhận góp ý từ nhân viên, mà đó còn là cách mà bạn đang bày tỏ sự trân trọng và biết ơn đối với những lời góp ý ấy.

Là một nhà lãnh đạo, bạn không nên chỉ biết khăng khăng làm theo những gì mình nghĩ. Để giúp tổ chức thật sự lớn mạnh một cách vững vàng, hãy đón nhận, lắng nghe, và tiếp thu cả góc nhìn của người khác nữa.

Mặc dù con đường để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi có rất nhiều khó khăn trắc trở – nhưng một khi bạn nắm chắc mọi thứ trong tay, thì cơ hội học hỏi và phát triển sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Cathy Nhung | MarketingTrips 

HR Insider – Theo Fast Company

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

VinVentures công bố báo cáo xu hướng đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2024

2 Tháng Một, 2025
Quỹ VinVentures cho biết giá trị đầu tư vào các startup tại Việt Nam trong năm 2024 giảm mạnh 30%…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …