Top 4 kỹ năng giúp bạn trở nên đáng giá hơn trong mắt nhà tuyển dụng
Những kỹ năng xã hội là ‘kỹ năng cứng’ mới cần có nhất trong công việc.
Năm năm trước, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) đã công bố báo cáo tương lai của việc làm (Future of Jobs Report), trong đó dự đoán các kỹ năng của nhân viên và chiến lược nguồn lao động dự kiến vào năm 2020.
Với những công nghệ mới đã tạo ra những cách thức làm việc mới, nhân viên được dự đoán sẽ cần có những kỹ năng mới để bắt kịp những thay đổi này.
Bên cạnh các kỹ năng liên quan đến công việc như sáng tạo, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề phức tạp, báo cáo cho thấy nhu cầu của các nghề nghiệp và loại công việc cụ thể đòi hỏi những năng lực về các kỹ năng xã hội mới như trí thông minh cảm xúc.
Trí thông minh cảm xúc trong công việc.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Trí thông minh cảm xúc đã trở thành một yếu tố được dự báo là quan trọng hàng đầu cho sự thành công trong sự nghiệp, nó vượt qua cả các khả năng về kỹ thuật khác.
Vào năm 2011, một cuộc khảo sát của CareerBuilder với hơn 2.600 nhà quản lý tuyển dụng và chuyên gia nhân sự của Mỹ đã tiết lộ rằng 71% trong số họ đánh giá trí thông minh cảm xúc (EQ) quan trọng hơn cả trí thông minh logic (IQ).
Để xây dựng một nền văn hoá mở cửa cho những trí thông minh cảm xúc, bạn cần biết phải làm gì khi đánh giá các kỹ năng xã hội của nhân viên hiện tại và tương lai của mình.
Dưới đây là những gì bạn có thể tham khảo.
1. Tìm kiếm sự minh bạch.
Sự minh bạch thực sự là một trong những yếu tố đáng giá nhất ở thế giới hiện đại. Đôi khi các nhân viên có xu hướng ẩn náu, rút lui, hoặc tỏ ra không biết gì để tránh các tình huống khó khăn hoặc xung đột.
Và ‘chiếc mặt nạ’ đó đang che giấu sự thật về việc họ thực sự là ai trong những tình huống thách thức khi đối mặt với khách hàng. Trong các đội nhóm phát triển mạnh mẽ, bạn sẽ thấy rằng họ luôn luôn thể hiện những gì mà họ thuộc về, thẳng thắn và rõ ràng.
Điều này được thể hiện thông qua các cuộc trò chuyện và tương tác bằng tính chính trực, sự trung thực về mặt cảm xúc, cởi mở với những đóng góp và nhận thức rõ không chỉ về cá nhân của bạn mà còn về cảm xúc của những người khác trong nhóm.
2. Tìm kiếm khả năng phục hồi và tính linh hoạt.
Các sự ưu tiên hiện đang thay đổi ở hầu hết mọi doanh nghiệp và mọi công việc. Là nhà lãnh đạo, họ muốn bao quanh mình với những người luôn linh hoạt trong quá trình thay đổi và sẽ tận dụng mọi cơ hội để chuyển đổi.
Nhân viên cần có khả năng linh hoạt để đối phó với các tình huống bất ổn và không thể đoán trước – đó là một dấu hiệu của trí thông minh cảm xúc thực sự. Họ thực sự là những người có sự kiên cường ngay từ trong chính tâm hồn của mình.
Những người kiên cường nhất tự phục hồi sau những tình huống xấu bằng cách nói không với bất kỳ ai can thiệp vào mục tiêu, giá trị và niềm tin của họ.
Những người kiên cường cũng không cho phép mình cảm thấy tội lỗi về những điều không liên quan đến họ.
Họ biết họ không phải chịu trách nhiệm về các hành động hay yếu tố drama của người khác, họ không bao giờ tự làm tổn hại mình vì điều gì đó mà người khác đã làm.
3. Tìm kiếm những người có thể kiểm soát tốt cảm xúc của họ.
Tự quản lý (hoặc tự điều chỉnh) trong trí thông minh cảm xúc là một năng lực cá nhân được tìm thấy ở hầu hết các đội nhóm hay cá nhân có hiệu suất cao.
Câu hỏi đằng sau việc tự quản lý bản thân rất đơn giản: Tôi có thể quản lý cảm xúc và hành vi của mình để đạt được những kết quả tích cực không?
Nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới Daniel Goleman chia sẻ:
“Những người có thể duy trì sự kiểm soát cảm xúc của họ – là những người có thể duy trì một môi trường an toàn và công bằng.
Trong tình huống này, yếu tố drama sẽ rất thấp và năng suất sẽ rất cao. Những con người tài năng nhất thường đổ xô đến các doanh nghiệp này và không hề muốn rời bỏ họ.”
4. Tìm kiếm sự đồng cảm.
Mọi người đang bị thu hút bởi sự đồng cảm. Đó là một phẩm chất hấp dẫn cần có trong việc xây dựng các mối quan hệ thành công tại nơi làm việc. Nó cũng được chứng minh là một động lực chính để thúc đẩy sự hiệu quả của tổ chức.
Một đội nhóm có hiệu suất cao thể hiện sự đồng cảm sẽ thúc đẩy các mối quan hệ cá nhân bền chặt, từ đó dẫn đến sự hợp tác hiệu quả giữa các thành viên với nhau.
Họ sẽ luôn nghĩ về hoàn cảnh của đồng nghiệp, hiểu những thách thức và nỗi thất vọng của họ, và biết rằng những cảm xúc đó cũng thật như chính họ.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen