Skip to main content

Thẻ: fast fashion

GAP và những thất bại: Điều gì đã xảy ra với thương hiệu thời trang hàng đầu một thời này

Gap đã mất đi giá trị và sự tỏa sáng của mình với đỉnh điểm là đóng cửa tất cả các cửa hàng ở Anh. Vậy điều gì đã xảy ra với thương hiệu này?

GAP và những lần 'té ngã' - Điều gì đã xảy ra với thương hiệu thời trang hàng đầu một thời này
GAP và những thất bại: Điều gì đã xảy ra với thương hiệu thời trang hàng đầu một thời này

Gap, thương hiệu thời trang của Mỹ dường như cảm thấy được một luồng không khí trong lành mới khi đến Anh vào năm 1987.

Nội thất cửa hàng sạch sẽ, tươi sáng cùng với các dòng sản phẩm thời trang theo phong cách preppy sang trọng đã tạo ra được một điểm khác biệt rõ ràng cho Gap khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh khác trong nước.

Nhưng gần 35 năm là một khoảng thời gian dài trong lĩnh vực bán lẻ.

Mọi thứ đã thay đổi, thời trang cũng đã thay đổi, và Gap – sẽ đóng cửa tất cả 81 chi nhánh tại Vương quốc Anh vào cuối tháng 9 này, kết thúc thời gian hoạt động của thương hiệu trên các đường phố tấp nập của Vương quốc Anh.

Thói quen giảm giá của thương hiệu có nghĩa là một đợt giảm giá khác sẽ sớm diễn ra, nếu nó chưa được xảy ra.

Bà Annie Brown, cộng sự của Brand Finance, một công ty tư vấn và định giá thương hiệu hàng đầu trên thế giới, cho biết: “Động thái đóng cửa các cửa hàng là một phần của quá trình tái định vị thương hiệu cần thiết và rộng rãi hơn.”

Brand Finance ước tính giá trị thương hiệu của Gap (brand value) trên toàn cầu là 1,4 tỷ USD (1 tỷ bảng Anh) tính đến tháng 1 năm nay, thấp hơn nhiều so với mức định giá 3,2 tỷ USD (2,3 tỷ bảng Anh) của ‘thương hiệu đàn chị’ Old Navy (một thương hiệu của Gap Inc).

Bà Brown cho biết giá trị của Gap đã giảm trung bình 5% mỗi năm kể từ năm 2008, trong khi giá trị của đối thủ H&M tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm so với cùng kỳ.

Theo Brand Finance Global Equity Monitor 2020, dựa trên nghiên cứu người tiêu dùng được thực hiện vào tháng 10 năm 2020, Gap được người mua sắm biết đến nhiều hơn Zara nhưng ít được biết đến hơn so với Primark, H&M và Next.

Bà Helen Edwards, một nhà tư vấn thương hiệu chia sẻ:

“Với nhiều sự cân nhắc kỹ lưỡng trong quản trị và tái định vị thương hiệu, Gap có thể xây dựng lại thương hiệu đó và chúng ta có thể nhìn thấy nó trở lại trên đường phố.”

Gap đã bắt đầu xem xét các hoạt động ở châu Âu vào năm ngoái như một phần của chiến lược lớn “Power Plan 2023”, một chiến lược thay đổi toàn diện của thương hiệu.

Mục tiêu tổng quát của nó là tìm ra những cách hiệu quả hơn về chi phí để duy trì sự hiện diện ở Châu Âu.

Ở Pháp và Ý, điều này sẽ chứng kiến ​​việc Gap bán bớt các cửa hàng thực (physical stores) của mình cho các đối tác để điều hành chúng; ở Anh, Gap sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng của mình nhưng vẫn duy trì hoạt động ecommerce.

Các thị trường khác cũng đang có những sự thay đổi, với 175 cửa hàng ở Mỹ sẽ đóng cửa vào cuối năm nay.

Gap cũng có kế hoạch tăng cường sự thâm nhập trực tuyến trên toàn cầu, một mục tiêu mà họ đã hướng tới trong thời gian cửa hàng bị đóng cửa do đại dịch Covid-19.

Sự cạnh tranh khốc liệt…

Theo dữ liệu từ YouGov, Gap phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ như Primark và Uniqlo, nhưng đồng thời bản thân Gap cũng đang gặp rất nhiều khó khăn với hình ảnh thương hiệu của chính mình.

Ông Richard Moller, Giám đốc nghiên cứu thị trường của YouGov cho biết:

“Gap được người mua sắm đánh giá rất cao về chất lượng, ấn tượng thương hiệu và cả sự hài lòng của khách hàng, điều này nghĩa là Gap vẫn rất nổi tiếng với những trải nghiệm khách hàng và các sản phẩm được sản xuất tốt.

Nhưng Gap lại gặp khó khăn với danh tiếng của thương hiệu, sự giới thiệu từ khách hàng đến khách hàng và nhận thức của khách hàng về những gì họ nhận được so với những gì mà họ phải bỏ ra.”

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng trong ba tháng qua, điểm chất lượng, ấn tượng và mức độ hài lòng của Gap cũng đã bắt đầu sụt giảm đáng kể.

Ông Moller nói tiếp:

“Kể từ khi đại dịch xảy ra, nhiều thương hiệu trên các đường phố lớn đã thực hiện việc chuyển đổi trực tuyến để bắt kịp với hành vi mới của người tiêu dùng.

Trong khi, việc đóng cửa hoặc hạn chế các cửa hàng trên các con phố khiến việc mua sắm trở nên khó khăn hơn đối với những người vốn không thích mua hàng trực tuyến, khi họ muốn xem và thử sản phẩm trước khi ra quyết định mua hoặc chỉ đơn giản là tận hưởng gần hơn những sự kiện mua sắm rầm rộ.

Sự mất mát hay tổn thất của Gap không chỉ đến từ những khách hàng hiện tại hay những khách hàng với các thói quen cũ mà còn là từ những khách hàng mới tiềm năng trong tương lai, những người có những thói quen mua sắm mới.”

Theo dữ liệu của YouGov, gần 2/3 (61%) khách hàng hiện tại của Gap nói rằng họ thích mua hàng trực tuyến hơn là tại các cửa hàng thực.

Ông Moller cho biết thêm: “Nếu không có chi tiêu lớn hơn cho quảng cáo, Gap có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phát triển lượng khách hàng của mình khi họ đã không còn sự hiện diện trên các con phố lớn.”

Nhà tư vấn thương hiệu Helen Edwards chia sẻ:

“Quả là một sự ‘té ngã’ không hề dễ chịu khi bạn nghĩ về những gì Gap đã có. Bà mô tả Gap trong thời kỳ hoàng kim là một thương hiệu thời trang đáng mơ ước, điều mà rất nhiều đối thủ phải ghen tị.”

Bà cũng trích dẫn các yếu tố khiến Gap phải đối diện với nhiều khó khăn hơn: cạnh tranh gia tăng, phụ thuộc quá nhiều vào chiết khấu và việc ép quá nhiều hàng giảm giá vào các cửa hàng.

“Tôi tin rằng Gap có thể xây dựng lại thương hiệu của họ và chúng ta có thể thấy Gap trở lại nhiều hơn trên các con phố, điều này cũng sẽ đòi hỏi một nỗ lực lâu dài của Gap trong việc thay đổi nhận thức của khách hàng.”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Brooks Brothers: Thương hiệu thời trang 200 năm tuổi nộp đơn xin phá sản

Brooks Brothers, thương hiệu thời trang ra đời năm 1818 vừa nộp đơn xin phá sản hôm 8/7. Nhà bán lẻ thời trang này đạt doanh thu hơn 991 triệu USD vào năm ngoái, có hơn 200 cửa hàng ở Bắc Mỹ và 500 cửa hàng trên toàn thế giới. 

Brooks Brothers: Thương hiệu thời trang 200 năm tuổi nộp đơn xin phá sản

Đại dịch Covid-19 vừa “đánh sập” một trong những nhà bán lẻ lâu đời và uy tín nhất nước Mỹ. Theo CNBC, hãng thời trang 200 năm tuổi Brooks Brothers đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 của Luật phá sản Mỹ vào ngày 8/7.

Thương hiệu ra đời năm 1818 này tự hào khi cung cấp trang phục cho 40 tổng thống Mỹ và vô số chủ ngân hàng đầu tư. Brooks Brothers đạt doanh thu hơn 991 triệu USD vào năm ngoái, trong đó 20% đến từ việc bán hàng trực tuyến. Công ty có hơn 500 cửa hàng trên toàn thế giới với hơn 4.000 nhân viên.

Đại dịch Covid-19 khiến cho chi phí thuê mặt bằng trở thành gánh nặng của Brooks Brothers, trong khi doanh số bán hàng vốn đã sụt giảm từ năm ngoái trở nên tồi tệ hơn.

“Trong năm qua, ban lãnh đạo cùng đội ngũ cố vấn về tài chính, pháp lý đã đánh giá nhiều chiến lược khác nhau để định vị sự thành công trong tương lai của công ty, bao gồm cả phương án ‘bán mình’ cho đối tác tiềm năng.

Trong quá trình đánh giá chiến lược này, Covid-19 xuất hiện và gây tổn hại lớn cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi”, đại diện của Brooks Brothers chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp, bao gồm Authentic Brands thể hiện sự quan tâm với việc mua lại Brooks Brothers, tuy nhiên đa phần họ muốn mua lại thương hiệu này với ít cửa hàng hơn.

“Chúng tôi đang tìm kiếm người chủ sở hữu phù hợp để dẫn dắt thương hiệu trong tương lai. Điều quan trọng là đơn vị mua lại phải phù hợp với giá trị cốt lõi, văn hóa và tham vọng của Brooks Brothers”, phát ngôn viên của công ty nói.

Hồi đầu tháng 4, Brooks Brothers đã tiến hành đánh giá 250 cửa hàng ở Bắc Mỹ và quyết định đóng cửa 51 cơ sở. Trước công ty này, nhiều chuỗi bán lẻ khác như J.C.Penney, Debenham, Neiman Marcus… cũng buộc phải phá sản vì Covid-19.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips via CNBC/NDH

Tài sản Ông chủ của Uniqlo tăng lên hơn 9 tỉ USD sau dịch

So với bảng xếp hạng người giàu thế giới được Forbes ghi nhận vào tháng 3, hiện tài sản của ông Tadashi Yanai đã tăng thêm 9,2 tỷ USD, cán mốc 28,9 tỷ USD.

Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt cửa hàng trên thế giới đóng cửa, nhiều chuỗi bán lẻ phải nộp đơn xin phá sản như J.C.Penney, Debenham hay Neiman Marcus… Thời gian gần đây, khi các lệnh phong tỏa dần được dỡ bỏ, người tiêu dùng đang quay trở lại mua sắm nhiều hơn, đặc biệt tại châu Á.

Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản Tadashi Yanai, chủ sở hữu tập đoàn Fast Retailing với thương hiệu nổi tiếng – Uniqlo, là một trong những người hưởng lợi lớn từ sự phục hồi này. So với bảng xếp hạng người giàu thế giới được Forbes ghi nhận vào tháng 3, hiện tài sản của ông Tadashi Yanai đã tăng thêm 9,2 tỷ USD, cán mốc 28,9 tỷ USD.

Rất đông khách hàng đã đổ xô đến các cửa hàng của Uniqlo tại Nhật Bản và Trung Quốc, khiến cổ phiếu của Fast Retailing tăng 53% kể từ ngày 19/3. Hai quốc gia này chiếm đến 75% mạng lưới 2.200 cửa hàng trên toàn thế giới của Uniqlo.

Fast Retailing sở hữu nhiều thương hiệu khác như Theory, Helmut Lang, J Brand và GU nhưng Uniqlo vẫn là cỗ máy kiếm tiền lớn nhất, đóng góp 80% trong tổng doanh thu 21,3 tỷ USD hàng năm của tập đoàn.

Theo Maureen Hinton, Giám đốc nghiên cứu tại GlobalData, một công ty tư vấn và phân tích dữ liệu ở London: “Các nhà bán lẻ đang kinh doanh tốt hơn tại châu Á. Tại các thị trường đông dân như Trung Quốc, nhu cầu ngày càng gia tăng”.

Uniqlo đã đóng cửa một nửa trong tổng số 748 cửa hàng tại Trung Quốc sau khi lệnh phong tỏa được áp dụng vào tháng 1 và dần mở lại tất cả vào cuối tháng 4. Trong khi đó tại Nhật Bản, 40% cửa hàng Uniqlo, tạm thời đóng cửa vào tháng 5, cũng dần mở cửa trở lại.

Tháng trước, công ty đã khai trương 2 cửa hàng Uniqlo mới ở Tokyo: một ở khu phố cao cấp Ginza và một trong trung tâm mua sắm của thành phố Harajuku.

Hồi tháng 6, Uniqlo thu hút nhiều người tiêu dùng khi bán khẩu trang AIRism, tạo nên cơn sốt trên trang web của công ty. Bên cạnh đó, nó cũng giúp các cửa hàng của thương hiệu này được nhiều khách hàng ghé thăm.

Theo Dairo Murata, nhà phân tích của JP Morgan tại Tokyo, Uniqlo gần như “miễn dịch” với suy thoái kinh tế. “Chu kỳ kinh tế và xu hướng thời trang không có nhiều tác động đến Uniqlo vì hãng này cung cấp những sản phẩm đời thường và xuất phát từ nhu cầu thực”.

Dù vậy, “gã khổng lồ” bán lẻ cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng của đại dịch. Công ty ước tính trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/8, doanh thu giảm 9% xuống còn 19,3 tỷ USD, trong khi lợi nhuận hoạt động còn 1,34 tỷ USD, giảm 44% so với năm trước.

Khi Yanai còn nhỏ, cha mẹ ông kinh doanh một cửa hàng quần áo tại một thị trấn nhỏ ở quận Yamaguchi, phía tây nam Nhật Bản. Ông thường tuyên bố rằng tham vọng của mình là đưa Fast Retailing trở thành nhà bán lẻ hàng may mặc lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, tập đoàn Nhật Bản hiện vẫn đứng sau Inditex của Tây Ban Nha – tập đoàn có doanh thu hàng năm 31,6 tỷ USD và nổi tiếng với thương hiệu Zara cũng như H&M của Thụy Điển (doanh thu hàng năm 24,8 tỷ USD).

Người sáng lập Inditex, Amancio Ortega là tỷ phú may mặc giàu nhất thế giới với tài sản ròng 64,6 tỷ USD, còn ông chủ H&M Stefan Persson đứng thứ ba sau Yanai với tài sản 16,4 tỷ USD.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips via Zing

Uniqlo sắp vượt Zara trở thành nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới?

Nhiều khả năng Uniqlo sắp vượt Zara trở thành thương hiệu bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới.

Fast Retailing – công ty Nhật Bản là chủ thương hiệu quần áo Uniqlo đang dần thu hẹp khoảng cách với Zara – nhà bán lẻ (Retailer) thời trang lớn nhất thế giới xét về vốn hóa thị trường. Hiện tại, các nhà đầu tư đều đang rất hài lòng với sự hiện diện dẫn đầu của họ ở thị trường Trung Quốc.

Trong bối cảnh doanh số bán quần áo giảm mạnh tại Mỹ và châu Âu – vốn là những thị trường chủ chốt của Zara thì sự sụt giảm doanh thu lại tương đối ít tại châu Á – nơi Fast Retailing có sự hiện diện cực kỳ nhiều. Giá cổ phiếu của họ đã ngay lập tức phản ứng với thực tế này.

Vốn hóa thị trường của Fast Retailing đã đạt 6,53 nghìn tỷ yên (60,9 tỷ USD) trong phiên giao dịch ngày thứ 6 tuần trước. Trong khi đó, vốn hóa thị trường của Inditex – công ty mẹ của Zara đạt 9,17 nghìn tỷ yên.

Điều đáng nói là vốn hóa thị trường của Inditex từng lớn hơn gấp 300% so với Fast Retailing vào giai đoạn mùa hè năm 2017. Hiện tại, khoảng cách này được thu hẹp lại chỉ còn 40%.

Cổ phiếu Inditex hiện đã giảm 23% kể từ cuối năm ngoái trong khi Fast Retailing chứng kiến cổ phiếu chỉ giảm 2% do những biến động gần đây.

Thị trường quần áo toàn cầu được dự đoán sẽ giảm 10,8% trong năm nay do ảnh hưởng của Covid-19. Sự sụt giảm sẽ xảy ra mạnh nhất ở Mỹ và Ý – cả 2 nơi chứng kiến mức giảm tới 20%. Mức sụt giảm 2 chữ số cũng được dự đoán ở nhiều nơi như Pháp giảm 18% và Tây Ban Nha là 11%.

Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu quần áo 7%. Trong khi đó, Fast Retailing lại có sự hiện diện mạnh mẽ tại đây, chỉ sau Bestseller của Đan mạch và Adidas của Đức. Uniqlo có 745 cửa hàng tại Trung Quốc tính tới cuối tháng 5, trong khi đó con số tương tự của Inditex là 560.

Ngày thứ 6 vừa qua, Uniqlo cũng đã khai trương cửa hàng dẫn đầu toàn cầu của họ mang tên Uniqlo Tokyo ở quận Ginza, trung tâm Tokyo.

Chiếm 4 sàn trong trong tâm thương mại hiện đại Marronnier Gate Ginza, Uniqlo Tokyo được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Kashiwa Sato. Đây trở thành cửa hàng lớn nhất của hãng, cạnh tranh với cửa hàng Uniqlo Ginza gần đó.

Cửa hàng mới được trang bị thêm khu vui chơi trẻ em và những hình nghệ thuật cũng như một quảng trường LifeWear. Việc này nhắm tới phổ biến hóa thương hiệu LifeWear.

“Tôi đang muốn thay đổi ngành công nghiệp quần áo toàn cầu đã tồn tại trong hàng thập kỷ”, Tadashi Yanai – Chủ tịch Fast Retailing nói.

Uniqlo Tokyo cũng sẽ trang bị các công nghệ kỹ thuật số để nâng cao trải nghiệm mua sắm. “Suy nghĩ của chúng tôi sẽ trở thành trọng tâm của thế giới”.

Cửa hàng tại Ginza sẽ là cửa hàng vật lý đầu tiên bán đồ chăn, gối đệm khi mà trước đây chỉ có trên nền tảng mua sắm trực tuyến của Uniqlo.

“Một cửa hàng quần áo có thể tạo nên thành công với thương mại điện tử” Takahiro Kinoshita – Phó chủ tịch công ty nói.

Đại dịch đang làm thay đổi cách người tiêu dùng nghĩ về quần áo với các mảng kinh doanh như bộ đồ suits sẽ sụt giảm. “Do sự tăng lên của hình thức làm việc từ xa, nhu cầu với quần áo cao cấp sẽ giảm”. Điều này tạo ra lợi thế cho Uniqlo bởi các dòng sản phẩm có thể mặc lâu dài của họ.

“Nhiều khả năng Fast Retailing sẽ vượt qua Inditex”, Dairo Murata – chuyên gia phân tích đến từ JPMorgan Nhật Bản nói.

Các đối thủ cạnh tranh của Fast Retaling dĩ nhiên cũng đang nỗ lực giữ thị phần. Inditex nói vào tuần trước rằng họ sẽ đóng 1.200 cửa hàng trên toàn thế giới trong năm tới. Tuy nhiên, kế hoạch này nhắm tới hầu hết những cửa hàng nhỏ và công ty đang tính mở 450 cửa hàng cỡ lớn để trang bị những tính năng công nghệ cải thiện trải nghiệm mua sắm.

Dù Covid-19 làm thay đổi xu hướng tiêu dùng, Fast Retailing dự kiến đạt doanh thu 2,09 nghìn tỷ yên trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8. Con số này vẫn rất nhỏ so với doanh thu mà Inditex báo cáo trong năm tài chính kết thúc vào tháng 2/2020, lên tới 3,4 nghìn tỷ yên.

“Tôi rất mong muốn vượt qua được hình thức bán lẻ đã tồn tại trong kỷ nguyên này và tạo ra một mô hình kinh doanh mới”, Yanai nói.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips  via Tổ Quốc

H&M: Hãng thời trang lớn thứ 2 thế giới chứng kiến doanh số quý 2 giảm 50%

Doanh thu quý 2 của H&M – thương hiệu thời trang lớn thứ 2 thế giới giảm 50% so với năm 2019.

H&M: Hãng thời trang lớn thứ 2 thế giới chứng kiến doanh số quý 2 giảm 50%

H&M – thương hiệu bán lẻ thời trang lớn thứ 2 thế giới vào ngày hôm nay đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 giảm mạnh, nhưng thấp hơn một chút so với dự đoán. Điều đó cho thấy sự tàn phá của dịch Covid-19 đến ngành thời trang dường như đang chậm lại.

Cụ thể, doanh thu ròng của hãng thời trang này trong 3 tháng kết thúc vào ngày 31/5 đã giảm 50% so với năm ngoái xuống còn 28,7 tỷ crown Thụy Điển (tương đương 3,1 tỷ USD). Trước đó, các chuyên gia phân tích thì dự đoán con số này là 27,5 tỷ crown Thụy Điển.

H&M bắt đầu dần dần mở lại các cửa hàng vào cuối tháng 4 sau khi phải đóng cửa 80% vì đại dịch. Phía công ty cũng cho biết, doanh số bán hàng tính theo tiền tệ Thụy Điển trong 13 ngày đầu tháng 6 cũng giảm 30% so với năm ngoái.

“Tốc độ phục hồi doanh số sẽ khác nhau tại các thị trường khác nhau”.

Trong khi đó, tập đoàn thời trang lớn nhất thế giới Inditex – đơn vị sở hữu thương hiệu Zara – đối thủ lớn nhất của H&M tuần trước cũng báo cáo khoản lỗ trong quý đầu tiên kết thúc vào tháng 4/2020.

Theo đó, doanh nghiệp này lỗ ròng 409 triệu euro (465 triệu USD) trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4 so với mức lãi ròng 734 triệu Euro vào cùng kỳ năm 2019. Ảnh hưởng nghiêm trọng về mọi mặt của đại dịch Covid-19 là nguyên nhân.

Lỗ xảy ra mặc dù doanh số bán hàng trực tuyến của công ty tăng 50% trong quý đầu tiên và 95% trong tháng 4. Inditex dự kiến doanh số bán hàng trực tuyến sẽ chiếm 25% tổng doanh số vào năm 2020. Cuối năm 2019, giao dịch trực tuyến chỉ chiếm 14% doanh thu của công ty.

Cổ phiếu của H&M – vốn đã bị lao dốc mạnh vào ngày 3/4 sau khi báo cáo quý đầu tiên thua lỗ trong nhiều thập kỷ. Tính trong cả năm nay, cổ phiếu của họ đã giảm 24%.

H&M sẽ công bố doanh thu cả quý vào ngày 26/6. Họ cũng cho biết 18% trong số 5.058 cửa hàng vẫn tạm đóng cửa.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips via CafeBiz

Chưa kịp triển khai bán online, Uniqlo đã phải đóng cửa vô thời hạn tại Việt Nam vì Covid-19

Mới khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội cách đây không lâu, nay Uniqlo đã phải đóng cửa vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Theo thông báo từ Fanpage chính thức của Uniqlo Việt Nam, ông lớn ngành thời trang Nhật Bản đã quyết định đóng cửa các điểm bán hàng trước diễn biến phức tạp từ dịch Covid-19.

Theo thông báo, cửa hàng Uniqlo tại Hà Nội (Uniqlo Phạm Ngọc Thạch) đóng cửa từ 27/3, trong khi Uniqlo TP HCM (Uniqlo Đồng Khởi) sẽ tạm ngừng hoạt động từ 28/3. Thời gian mở cửa trở lại cũng chưa được xác định vì còn tùy thuộc vào tình hình diễn biến của dịch bệnh.

“Tại Uniqlo, chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự an toàn của khách hàng, cộng đồng và nhân viên là ưu tiên hàng đầu”.

“Uniqlo sẽ tiếp tục chủ động phối hợp thực hiện theo các hướng dẫn của các cơ quan ban ngành để có những phương án tốt nhất trong giai đoạn hiện nay”, Uniqlo nhấn mạnh.

Uniqlo mới bước chân vào thị trường Việt Nam không lâu. Cuối năm ngoái, Uniqlo đã tạo dấu ấn khi mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM. Tới tháng 3/2020, Uniqlo tiến ra Hà Nội với cửa hàng đầu tiên tại Vincom Phạm Ngọc Thạch.

Trước khi đóng cửa các cửa hàng tại Việt Nam, Uniqlo cũng đã có động thái tương tự với hơn 100 cửa hàng khác tại Mỹ, Pháp, Ý và Tây Ban Nha .

Tuy nhiên việc đóng cửa lần này cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về phương án kinh doanh sắp tới của Uniqlo tại Việt Nam, khi hãng vẫn chưa triển khai hình thức bán hàng online. Trên fanpage của mình, Uniqlo cho biết website của họ đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ triển khai dịch vụ đặt hàng trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Hà Anh | MarketingTrips

Theo CafeBiz

Trước Uniqlo, Zara và H&M đã xây dựng những cơ sở ngàn tỷ tại Việt Nam.

Việc những thương hiệu thời trang bình dân quốc tế được đón nhận tại Việt Nam không phải là mới. Trước Uniqlo, 2 thương hiệu thời trang nổi tiếng khác là Zara và H&M đã lần lượt có mặt tại Việt Nam và thu về thành công nhất định. Cả 3 thương hiệu trên đều theo đuổi mô hình “Fast – Fashion”.

uniqlo vietnam

Ngày 6/3, cửa hàng Uniqlo tại Vincom Phạm Ngọc Thạch mở cửa chào đón những vị khách đầu tiên vào mua sắm. Cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội của Uniqlo có diện tích rộng 2.500 m2. Đây cũng là cửa hàng thứ hai của hãng tại Việt Nam, quốc gia thứ 25 mà thương hiệu thời trang đến từ Nhật Bản này có mặt.

Ngày khai trương của Uniqlo thu hút đông đảo sự quan tâm của người tiêu dùng thủ đô khi ngay từ lúc mở cửa, đã có những hàng dài người xếp hàng tới mua sắm. Phó chủ tịch Tập đoàn Fast Retailing (công ty mẹ của Uniqlo) chia sẻ Uniqlo đang lên kế hoạch mở rộng quy mô với ít nhất 3-4 cửa hàng tại Hà Nội trong năm 2020, tiến tới 15-20 cửa hàng trên toàn quốc.

Việc những thương hiệu thời trang bình dân quốc tế được đón nhận tại Việt Nam không phải là mới. Trước Uniqlo, 2 thương hiệu thời trang nổi tiếng khác là Zara và H&M đã lần lượt có mặt tại Việt Nam và thu về thành công nhất định.

Chính thức xuất hiện tại Việt Nam vào cuối năm 2016, cửa hàng đầu tiên của Zara mở ra đúng theo công thức thành công mà thương hiệu thời trang này áp dụng trên toàn thế giới: Sang trọng, thời thượng nhưng vừa tiền.

Một mặt bằng 2 tầng với tổng diện tích lên tới 2.400m2, đặt trong một trong những tụ điểm mua sắm lớn nhất TP.HCM là Vincom Center được lựa chọn, trưng bày tất cả các bộ sưu tập mới nhất của Zara.

Không lâu sau, hãng thời trang Tây Ban Nha đặt thêm một cửa hàng khác tại Hà Nội. Một mà ‘chào hỏi’ ấn tượng không kém với mặt bằng rộng tới 4.500m2 với 3 tầng nằm tại Vincom Center Bà Triệu.

Mặc dù vậy, Zara dường như không coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng khi sau gần 4 năm, thương hiệu này vẫn chưa mở thêm điểm bán mới.

Báo cáo của tập đoàn bán lẻ Mitra Adiperkasa (Indonesia), đơn vị nhận phân phối Zara và các thương hiệu con như Massimo Dutti, Pull & Bear, Stradivarius tại Việt Nam cho thấy, doanh thu 9 tháng năm 2019 của thị trường Việt Nam đạt khoảng 854 tỷ Rupiah, (khoảng 1.382 tỷ đồng), tương đương so với cùng kỳ 2018.

Không giống như Zara, thương hiệu thời trang H&M kể từ khi đến Việt Nam vào cuối 2017 đã rất tích cực mở thêm điểm bán mới. Trong năm tài chính 2019 (bắt đầu từ 1/12 và kết thúc vào ngày 30/11, H&M đã khai trương thêm 2 cửa hàng mới tại TPHCM và Đà Nẵng, nâng tổng số cửa hàng tại Việt Nam lên con số 8.

Doanh thu của H&M ở Việt Nam theo đó cũng tăng mạnh. Năm 2019, H&M đạt doanh thu 434 triệu SEK (đồng Krona Thụy Điển), tương đương với gần 1.100 tỷ đồng tại Việt Nam tăng 60% so với mức 664 tỷ đồng năm 2018.

Ban lãnh đạo H&M cho biết đang nghiên cứu việc mua hàng của người Việt Nam, theo đó, điều chỉnh số lượng và chủng loại quần áo tại các cửa hàng phù hợp với thời tiết khác nhau giữa các vùng miền.

Kết quả kinh doanh cho thấy vẫn có sự phân hóa giữa các thương hiệu thời trang tại Việt Nam, tương tự với những gì đang xảy ra trên toàn cầu. H&M có số cửa hàng nhiều hơn nhưng quy mô doanh thu thấp hơn nhiều so với Zara.

Điều này cũng được lý giải bởi mặt bằng giá sản phẩm của H&M thông thường thấp hơn so với Zara. Công thức chung được H&M áp dụng trên các cửa hàng tại 69 quốc gia đó là bán giá phải chăng, mục tiêu hướng đến lượng người mua cao nhất thông qua tiêu chí chọn mặt bằng bán lẻ với diện tích từ 2.000 – 3.000 m2.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips 

UNIQLO toan tính gì ở Việt Nam?

UNIQLO “chào” Hà Nội bằng việc khai trương UNIQLO Vincom Phạm Ngọc Thạch với tổng diện tích bán hàng lên đến 2.500 m2 vào ngày 6/3/2020.

Tỷ phú người Nhật kiêm nhà sáng lập UNIQLO, ông Tadashi Yanai nổi tiếng với câu nói: “Không có linh hồn, một công ty sẽ không là gì cả”.

Đồng thời nhấn mạnh rằng: “UNIQLO không phải là một công ty thời trang, nó là một công ty công nghệ”. Và thực thực tế, cách tiếp cận khách hàng của thương hiệu may mặc này có nhiều điểm chung với ngành công nghiệp công nghệ. Đó là cách UNIQLO tiến ra thị trường quốc tế.

UNIQLO Vincom Phạm Ngọc Thạch với tổng diện tích bán hàng lên đến 2.500 m2

Cuối năm 2019, UNIQLO Đồng Khởi là cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại Việt Nam. Ở đây, bày bán nhiều sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, với điểm nhấn là dịch vụ in áo phông theo thiết kế riêng.

Đại diện công ty cho biết trong số hơn 2.000 cửa hàng UNIQLO trên toàn thế giới, UNIQLO Đồng Khởi là một trong những cửa hàng tốt nhất về thiết kế cửa hàng, nghệ thuật trưng bày, bố trí sản phẩm và hệ thống vận hành. Nơi đây là mô hình chuẩn cho các cửa hàng khác của UNIQLO.

Cá nhân hoá

Sau thành công ban đầu tại TP Hồ Chí Minh, UNIQLO tiến ra Hà Nội và khai trương UNIQLO Vincom Phạm Ngọc Thạch ngày 6/3/2020. Đây là một trong những cửa hàng UNIQLO lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Điểm nhấn của UNIQLO Vincom Phạm Ngọc Thạch là trưng bày toàn bộ các sản phẩm trong dòng sản phẩm UT (Áo thun UNIQLO) nổi tiếng trong một khu vực riêng đặc biệt mà không phải cửa hàng UNIQLO nào trên toàn thế giới cũng có góc trưng bày này.

Trong đó, đặc biệt có Bộ sưu tập UT Mickey Stands Việt Nam kết hợp các mẫu họa tiết độc quyền và dành riêng cho thị trường Việt Nam với những hình ảnh mang tính biểu tượng như nón lá, hoa sen, xe máy.

Bộ sưu tập UT Mickey Stands Việt Nam kết hợp các mẫu họa tiết độc quyền và dành riêng cho thị trường Việt Nam

Cửa hàng mang đến dịch vụ trải nghiệm UTme! để các khách hàng có thể tự do sáng tạo nên chiếc áo UT cho riêng mình bằng cách lựa chọn và in các mẫu họa tiết độc đáo của UNIQLO, bao gồm các mẫu họa tiết được thiết kế đặc biệt bởi Họa sỹ Vũ Tuấn Anh.

Cùng với đó là bộ sưu tập họa tiết tôn vinh nếp sống và phong cách sống của người dân Thủ đô thông qua 20 hình ảnh gần gũi đậm chất Hà Nội như dạo ngắm phố thường trên xe xích lô, xúng xính trẩy hội trong những tà áo dài hay vô vàn những hoạt động khác quanh phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Khác biệt, cá nhân hoá là mục tiêu mà UNIQLO hướng tới.

Đáng chú ý, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề sử dụng nhựa, UNIQLO kết hợp cùng với Tòhe, một doanh nghiệp xã hội Việt thường xuyên tổ chức các sân chơi nghệ thuật miễn phí với các hoạt động sáng tạo dành cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Tại khu vực dành cho trẻ em trong cửa hàng, TòHe đã tạo nên một khu vực đặc biệt hướng đến phát triển bền vững, với phần sắp đặt độc đáo mang tên “Vườn”.

Lấy cảm hứng từ tác phẩm “Plastic Tree” bởi nghệ sỹ Pascale Marthine Tayou, Vườn được tạo nên từ các nguyên vật liệu nhựa đã qua sử dụng, được thu thập và làm sạch, thể hiện góc nhìn mới mẻ về những ảnh hưởng của vật liệu nhựa sử dụng một lần đối với cuộc sống của con người.

 

Bên cạnh đó, góc trưng bày còn giới thiệu một số tác phẩm được sáng tạo dựa trên họa tiết trong tranh vẽ của các em nhỏ tự kỷ từ sân chơi nghệ thuật Tòhe Fun.

TòHe đã tạo nên một khu vực đặc biệt hướng đến phát triển bền vững, với phần sắp đặt độc đáo mang tên “Vườn”

Tôn vinh văn hoá bản địa

Ông Osamu Ikezoe, Tổng Giám Đốc UNIQLO Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi luôn không ngừng được truyền cảm hứng từ lịch sử lâu đời và nét văn hóa độc đáo tại Thủ đô để mang đến một cửa hàng với những trải nghiệm mua sắm đẳng cấp quốc tế, trong sự hài hoà của triết lý thời trang LifeWear với văn hóa bản địa của người dân nơi đây.

Với tổng diện tích bán hàng lên đến 2.500 mét vuông, UNIQLO Vincom Phạm Ngọc Thạch, với vị thế là một trong những cửa hàng UNIQLO lớn nhất tại khu vực Đông Nam, là sự giao thoa giữa những gì tinh túy nhất trong nghệ thuật bán lẻ của UNIQLO với lịch sử và vẻ đẹp của Thủ đô để mang đến những trải nghiệm mua sắm độc đáo nhất”.

Sáng tạo, tôn vinh văn hoá bản địa hướng tới trải nghiệm của khách hàng là những gì UNIQLO đang tạo ra.

Để vươn lên vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng toàn cầu về các nhà bán lẻ thời trang, UNIQLO đã có những bước đi phù hợp với văn hóa mà doanh nghiệp này tuyên bố: lấy khách hàng làm trọng tâm.

Ông Osamu Ikezoe, Tổng Giám Đốc UNIQLO Việt Nam trả lời họp báo ra mắt UNIQLO Phạm Ngọc Thạch

“Tiếp cận các vấn đề từ góc độ khách hàng” là giá trị cốt lõi được UNIQLO ưu tiên hàng đầu. Với UNIQLO, khách hàng đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng tới sự tồn tại của tổ chức.

Do vậy, bất kỳ khi nào có vấn đề cần xem xét, UNIQLO sẽ yêu cầu nhân viên đánh giá từ góc độ khách hàng. Họ cần xem xét việc họ đang làm sẽ mang lại lợi ích gì cho khách hàng? Việc đó có đáp ứng yêu cầu của khách hàng không? Việc tuân thủ giá trị cốt lõi này còn được áp dụng quy mô toàn Tập đoàn, không kể họ đến từ bộ phận nào?

UNIQLO là thương hiệu lớn nhất trong sáu thương hiệu chính của Tập đoàn Fast Retailing. Với triết lý kinh doanh của mình, UNIQLO liên tục mở các cửa hàng quy mô lớn ở các thành phố và địa điểm quan trọng nhất thế giới, như một phần trong nỗ lực không ngừng để củng cố vị thế hàng đầu trên thị trường.

Ngày nay, công ty có hơn 2200 cửa hàng tại 25 thị trường bao gồm Nhật Bản. Trong đó có những thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Ý, Pháp, Đức Úc, Bỉ, Canada, Hà Lan… Ngoài ra, UNIQLO đã thành lập một doanh nghiệp xã hội ở Bangladesh cùng với Ngân hàng Grameen vào năm 2010, và hiện nay đã có một số cửa hàng Grameen-UNIQLO được mở tại Dhaka.

Với tầm nhìn và cam kết thay đổi phong cách ăn mặc, thay đổi những quan điểm trong đời sống xã hội và thay đổi thế giới, Fast Retailing đã tạo nên một “Văn hoá UNIQLO” mang đến những giá trị độc đáo và mới mẻ, giúp cuộc sống của mọi người ở khắp mọi nơi trở nên phong phú hơn.

* Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp