Skip to main content

Thẻ: M&A

Các xu hướng M&A toàn cầu 2022

Nối tiếp những xu hướng năm 2021, thị trường mua bán & sáp nhập (M&A) được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, bất chấp các biến động thị trường.

xu hướng M&A 2022

Báo cáo mới nhất của PwC về Các Xu hướng M&A Toàn cầu 2022 đã điểm lại những kết quả ấn tượng trong năm 2021 của hoạt động giao dịch toàn cầu nói chung, và tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng.

Báo cáo chỉ ra các xu hướng chính ảnh hưởng đến sự lạc quan của thị trường trong tương lại gần: dòng giao dịch mạnh mẽ, nguồn vốn sẵn có dồi dào và nhu cầu tăng cao đối với các tài sản kỹ thuật số và dữ liệu.

2021 là năm kỷ lục cho hoạt động M&A.

Năm 2021 ghi nhận tổng khối lượng và giá trị giao dịch thương vụ đạt mức kỷ lục. Tổng số thương vụ được công bố toàn cầu vượt ngưỡng 62.000, tăng 24% so với năm 2020.

Giá trị thương vụ được công bố đạt mức 5.1 nghìn tỉ USD, bao gồm 130 giao dịch quy mô lớn (megadeal) trị giá hơn 5 tỉ USD, cao hơn 57% so với năm 2020 và vượt kỷ lục 4.2 nghìn USD của năm 2007.

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã ghi nhận tổng khối lượng giao dịch tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

xu hướng M&A 2022
Khối lượng và giá trị giao dịch 2019-2021. Ảnh: PwC.

Quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity) dần chiếm vị thế chủ chốt.

Quỹ đầu tư tư nhân tiếp tục ghi nhận tần suất và giá trị giao dịch cao. Gần 40% các giao dịch trong năm 2021 có liên quan đến các quỹ này, tăng mạnh so với chỉ hơn 25% cho 5 năm về trước.

Các quỹ đầu tư tư nhân cũng đã tham gia vào các thương vụ mang giá trị cao hơn, chiếm 45% trong tổng giá trị giao dịch năm 2021, so với chỉ 30% trong 5 năm qua.

Hướng tới năm 2022, các quỹ đầu tư tư nhân đã và đang tăng cường năng lực giao dịch của mình. Tổng nguồn vốn của các quỹ tư nhân toàn cầu đạt 2.3 nghìn tỉ USD vào cuối năm 2021, cao hơn 14% so với đầu năm – mang lại nguồn động lực lớn thúc đẩy các hoạt động M&A trong năm 2022.

Tuy nhiên, thách thức dành cho các quỹ này chính là tìm ra phương pháp đem lại giá trị trước áp lực về lãi suất và hệ số tăng cao, cùng với những áp lực liên quan đến ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).

Xu hướng chính trong thị trường M&A 2022: Thoái vốn và ESG.

Về phía doanh nghiệp, việc chuyển đổi mang tính chiến lược sang các mô hình kinh doanh kỹ thuật số, sáng tạo và đột phá sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình ra quyết định M&A.

Trong điều kiện thị trường toàn cầu đòi hỏi tư duy tạo ra giá trị, các CEO có khả năng sẽ tập trung thoái vốn nhằm cân bằng danh mục đầu tư, đảm bảo tăng trưởng và sinh lời trong dài hạn.

ESG cũng sẽ ngày càng ảnh hưởng đến chiến lược M&A trong năm 2022 khi các nhà đầu tư sử dụng các tiêu chí này để đánh giá rủi ro và xác định các cơ hội kiến tạo giá trị.

Với cam kết về giảm phát thải carbon của nhiều doanh nghiệp và quỹ đầu tư tư nhân, theo dự đoán của PwC, nguồn vốn gia tăng sẽ được huy động đầu tư cho quá trình chuyển đổi sang những nguồn năng lượng xanh, tạo cơ hội cho hoạt động M&A sôi nổi

Triển vọng tích cực trong năm 2022 bất chấp những biến động.

Khi sự lạc quan về kinh tế vẫn ở mức cao, thị trường M&A toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng mạnh vào năm 2022.

Đại dịch đã gây ra nhiều gián đoạn đối với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời, dẫn đến nhiều rào cản về cơ cấu cũng như tài chính đối với các giao dịch trong năm 2022, bao gồm lãi suất cao, lạm phát tăng, thuế tăng và quy định ngày một thắt chặt hơn.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dường như không nản lòng trước biến động kinh tế vĩ mô, kết quả từ Khảo sát CEO toàn cầu thường niên lần thứ 25 của PwC cho thấy 77% các CEO kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện trong năm tới.

Hơn nữa, hơn 50% các CEO thể hiện sự lạc quan cao đối với tăng trưởng doanh thu trong doanh nghiệp của họ trong 12 tháng tới; đứng đầu là các CEO của các Quỹ đầu tư tư nhân (67%) và các công ty công nghệ (64%), vốn là hai lĩnh vực có khối lượng và giá trị giao dịch M&A cao nhất trong năm 2021.

Ông Ong Tiong Hooi, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn giao dịch, kiêm Lãnh đạo ESG Dịch vụ Tư vấn thương vụ, PwC Việt Nam, chia sẻ: “Các giao dịch thương vụ toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng dự kiến sẽ tiếp tục nhộn nhịp vào năm 2022.

Các nhà giao dịch thương vụ nên đề phòng những yếu tố tiềm ẩn trong giao dịch như sự biến động của thị trường tài chính và nền kinh tế vĩ mô.

6 đến 12 tháng tới có thể là khoảng thời gian sôi động cho hoạt động giao dịch M&A tại Việt Nam nhờ vào các chính sách và quy định hỗ trợ của Chính phủ.”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Nhiều lĩnh vực sẽ bùng nổ hoạt động M&A năm 2022

Nhiều tập đoàn kinh tế lớn coi mua bán và sáp nhập (M&A) như một chiến lược quan trọng trong sự phát triển của họ.

Vượt qua thách thức nhờ các yếu tố “hậu thuẫn”.

Là một người quan sát thị trường Việt Nam đã lâu, ông Warrick Cleine, Chủ tịch KPMG Việt Nam và Campuchia khẳng định, thị trường M&A đã trở thành một phần quan trọng trong bức tranh kinh tế Việt Nam với những thương vụ có giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.

Nhiều quốc gia Bắc Á tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Trong đó, các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm ngành tài chính, chăm sóc y tế sức khoẻ, bán buôn – bán lẻ hay công nghệ thông tin trong khi các nhà đầu tư Hàn Quốc hứng thú với ngành thương mại điện tử, logistics… Những tập đoàn lớn toàn cầu, trong đó nổi bật là Alibaba cũng quan tâm đến M&A ở Việt Nam.

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán – sáp nhập xuyên quốc gia của RECOF Corporation trong Diễn đàn M&A Việt Nam 2021 đã nhấn mạnh, mặc dù chịu ảnh hưởng của Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ hai, sau Singapore, trong số các điểm đến quan trọng nhất của nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Mặc dù số lượng giao dịch năm 2020 và 2021 giảm nhưng giá trị giao dịch tăng mạnh, đặc biệt là năm 2021 với giao dịch lớn giữa SMBC Consumer Finance và VP Bank. Sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với Việt Nam tiếp tục ở mức cao.

Năm 2021, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua M&A vẫn có sự tăng trưởng dù gặp nhiều thách thức do đại dịch.

Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, sự tăng trưởng mạnh cả về giá trị và số thương vụ tại Việt Nam bất chấp diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19 cho thấy, thị trường M&A Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Từ quan sát của ông Phương, sau hai năm đại dịch hoành hành, cộng đồng doanh nghiệp đã rất nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới hoặc cơ cấu lại để thích nghi với bối cảnh biến động nhanh với xung lực từ các nguồn vốn rẻ; chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế mà Chính phủ ban hành. Nhiều doanh nghiệp đang sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới, kéo theo nhu cầu M&A dự kiến sẽ bật tăng mạnh trong thời gian tới.

Ông Seck Yee Chung, Luật sư điều hành Công ty Luật Baker & McKenzie nhận định, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang rất hấp dẫn. Việt Nam có nguồn lực dồi dào, đó là dân số đông, giới trung lưu tăng nhanh, đó là sự hấp dẫn lớn với nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, theo bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF, có nhiều yếu tố “hậu thuẫn” cho khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam đối với các đối tác nước ngoài, từ đó hỗ trợ cho tiềm năng bật lại mạnh mẽ đối với thị trường Việt Nam trong năm 2022.

Đầu tiên, nhà đầu tư Việt Nam cũng như các doanh nghiệp, nhà làm chính sách đã có khả năng phản ứng rất tích cực để vượt qua và quay trở lại sau đại dịch, nổi bật trong quá trình đó là sự thúc đẩy xu hướng số hóa cả trong kinh doanh và lối sống.

Thứ hai là yếu tố pháp lý và môi trường sẽ tốt hơn cho nhà đầu tư. Các FTA sẽ có hiệu lực tới đây và các thỏa thuận về hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia láng giếng sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2022 sẽ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, tinh gọn hải quan, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường.

Bà Duyên cho rằng, các yếu tố hậu thuẫn này sẽ giúp thúc đẩy hoạt động M&A của Việt Nam dù vẫn có nhiều thách thức. Chẳng hạn, các thương vụ có thể mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành do một số vướng mắc như đi lại, thẩm định…

Với các thương vụ nhỏ, một số nhà đầu tư muốn hoàn thành càng nhanh càng tốt, nhưng với các thương vụ lớn thì họ cẩn trọng hơn vì không thể đến thăm trực tiếp công ty, ban lãnh đạo.

“Trước khi đưa ra quyết định với thương vụ lớn, cần nhìn nhận và cảm nhận rất nhiều các thông tin khác nữa.

Chúng tôi có nhiều thương vụ và giao dịch, nhưng do thời gian chuẩn bị dài hơn nên có nhiều thương vụ phải để tới năm sau để hoàn thành”, ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty RSM Việt Nam cho biết.

“Dù vậy, chúng tôi đang nhìn vào các năm tới với mức độ tự tin rất cao”, ông Lâm khẳng định.

M&A được xem là chiến lược quan trọng trong nhiều lĩnh vực.

Nhận định về các lĩnh vực sẽ hút nhà đầu tư trong năm tới, ông Warrick Cleine cho rằng, M&A trong các lĩnh vực như Fintech, dịch vụ tài chính, logistics… hấp dẫn các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, sẽ vẫn còn nhu cầu để xử lý nỗi đau của những ngành nghề chịu tác động trong giai đoạn vừa qua như bán lẻ, F&B, giải trí, du lịch, hàng không… với nhiều tổn hại đến bảng cân đối kế toán. Lãnh đạo KPMG cho rằng, năm 2022 sẽ là thời điểm để nói về việc “vá lại” những tổn thất đó trên bảng cân đối kế toán.

Các ngành sản xuất cơ bản, bán lẻ, tiêu dùng sẽ tiếp tục hấp dẫn. Ngành công nghệ không hẳn liên quan đến Covid vì vốn rất năng động, tăng trưởng nhưng Covid thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển nói chung.

“Các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam có trao đổi với KPMG rằng họ nhìn M&A như một chiến lược quan trọng trong sự phát triển của họ”, ông Warrick Cleine cho biết.

Trong khi đó, bà Duyên cho rằng, ngành năng lượng sẽ là một trong những ngành năng động, thu hút được cả các tổ chức tài chính, ngân hàng.

Tuy nhiên, lĩnh vực này có nhiều thay đổi về quy định pháp lý, do đó, các nhà đầu tư mong muốn các chính sách minh bạch và dễ đoán định hơn.

Đối với ông Lâm, ngành ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng sẽ luôn hấp dẫn nhà đầu tư. Các ngành mới hấp dẫn trong những năm tới là năng lượng tái tạo, dược phẩm, viễn thông và cơ sở hạ tầng.

“Các doanh nghiệp nhỏ cần lưu ý để đáp ứng tuân thủ với các quy tắc phát triển môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp tốt. Điều này sẽ giúp thu hút đầu tư tốt hơn”, ông Lâm lưu ý.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Tương lai của ngành quảng cáo trực tuyến dưới góc nhìn của các thương vụ M&A

Trong khi động lực vốn hóa thị trường không phải là điều mới mẻ trong ngành quảng cáo trực tuyến hay kỹ thuật số, tại sao mọi thứ đang thay đổi rất nhanh chóng. Nó có ý nghĩa gì đối với tương lai của ngành?

tương lai của quảng cáo trực tuyến
Tương lai của ngành quảng cáo trực tuyến dưới góc nhìn của các thương vụ M&A. Source: BU

Nếu bạn đang kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, có một xu hướng mà bạn không thể không chú ý vào năm 2021 – số lượng thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) tăng trưởng với một tốc độ chưa từng có trên thị trường.

Vào năm 2021:

  • Capital Croissance mua lại Smart AdServer.
  • Magnite mua lại SpotX.
  • Verve Group mua lại Smaato.
  • LiveRamp mua lại Datafleets.
  • TransUnion mua lại Neustar.
  • IAS mua lại Publica.
  • Publicis Groupe mua lại CitrusAd.
  • AppLovin mua lại Mopub.
  • Và nhiều thương vụ khác.

Đối với các thương vụ sáp nhập, một trong những thương vụ đáng chú ý gần đây trên thị trường quảng cáo trực tuyến là vụ sáp nhập giữa các công ty được thành lập chỉ với mục đích là mua lại (SPAC), liên quan đến Innovid và AdTheorent.

Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm M&A khổng lồ đang làm thúc đẩy giá trị của các công ty công nghệ quảng cáo (Adtech).

Tại sao thị trường công nghệ quảng cáo kỹ thuật số đang được đẩy nhanh về vốn hoá.

Theo ông Anton Liaskovskyi, CEO của AdPlayer.Pro, chỉ có hai lý do chính khiến mức vốn hóa thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng.

Đầu tiên là do đại dịch hay nói đúng hơn là sự tăng tốc nhanh chóng của các quá trình chuyển đổi dưới sức ảnh hưởng của nó. Mặc dù việc số hóa (digitization) đã phát triển từ những năm 2016-2018, nhưng những lệnh “đóng cửa” do đại dịch đã khiến nó trở thành mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp.

Quan trọng hơn, những dự báo kinh tế đầy lạc quan cho quý 4 năm 2021 và đầu năm 2022, đặc biệt là ở Mỹ, các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) và LATAM (Trung Mỹ, Bắc Mỹ và Nam Mỹ) đã khiến nhiều nhà đầu tư lớn mong muốn bắt kịp các khoản đầu tư của họ vào các công ty công nghệ quảng cáo trực tuyến.

Lý do thứ hai là các đạo luật và quy định về quyền riêng tư đang ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn trên toàn cầu. Việc ngừng sử dụng cookies của bên thứ ba cũng khiến tương lai của việc nhắm mục tiêu một cách hiệu quả theo đối tượng có vẻ u ám hơn.

Khi việc lấy dữ liệu khách hàng một cách hợp pháp (từ bên thứ ba) đang ngày càng trở nên khó khăn hơn và dữ liệu của bên thứ nhất đang ngày càng được ưu tiên hơn, các công ty công nghệ quảng cáo trực tuyến sẽ có nhiều cơ hội hơn để cung cấp các giải pháp mới.

Việc Twitter bán lại MoPub, một nền tảng kiếm tiền trong ứng dụng cho các nhà xuất bản ứng dụng cho AppLovin với giá hơn 1 tỷ USD là minh chứng cho điều này.

Các thương vụ M&A năm 2021 sẽ dẫn đến điều gì trong 2022?

Khi các doanh nghiệp bắt đầu đưa và đẩy mạnh các công nghệ đã mua vào hoạt động, các giải pháp công nghệ quảng cáo mới được dự báo là sẽ bùng nổ trong quý 2 đến quý 4 năm 2022 và năm 2023.

Các công nghệ mới sẽ chủ yếu tập trung vào các tính năng như mô hình dự báo (predictive modeling) nhằm phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả hơn, tự động hóa việc lập mô hình nhiều hơn, tự động đấu giá thầu quảng cáo và tối ưu lượt mua hàng.

Immersive advertising (quảng cáo nhập vai hay quảng cáo hoà nhập) cũng sẽ là trọng tâm của các nhà quảng cáo trong những năm tới.

Immersive advertising bao gồm các quảng cáo truyền thống, quan hệ công chúng (PR), quảng cáo truyền miệng (WOM), tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing), phát hàng mẫu (sampling), phiếu giảm giá (coupon), quan hệ đối tác bán lẻ… cùng nhiều cách tiếp cận khác nhằm mục tiêu vây quanh người tiêu dùng bằng những thông điệp nhất quán nhất về thương hiệu.

Các chiến dịch quảng cáo theo kiểu này đặt trải nghiệm của khách hàng vào vị trí trọng tâm, thương hiệu sẽ hiện diện một cách tinh tế trong các quảng cáo.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Salesforce đã hoàn tất việc mua lại Slack với 27.7 tỷ USD

Gã khổng lồ điện toán đám mây Salesforce đã hoàn tất việc mua lại Slack với trị giá 27,7 tỷ USD nhằm bổ sung ứng dụng nhắn tin vào bộ phần mềm doanh nghiệp của mình, hiện Salesforce không thay đổi ngay chức năng, thương hiệu hoặc vị trí lãnh đạo của Slack.

Giám đốc điều hành Salesforce, Ông Marc Benioff cho biết trong một tuyên bố:

“Cùng nhau, chúng tôi sẽ định hình tương lai của phần mềm doanh nghiệp (enterprise software), tạo ra trung tâm kỹ thuật số cho phép mọi tổ chức có thể mang lại thành công cho khách hàng và nhân viên của họ từ bất cứ nơi nào”.

Mặc dù Slack không hoàn toàn ‘bót nghẹt’ email, nhưng nó vẫn thu hút sự chú ý từ những công ty khổng lồ như Microsoft, công ty mà người đồng sáng lập và CEO của Slack, Ông Stewart Butterfield gọi là “mối đe doạ lớn đối với chúng tôi” trong một cuộc trò chuyện với tờ The Verge.

Butterfield cho biết: “Trong một thế giới khác, nơi Slack cực kỳ thành công trong hai năm tới và 98% nhân viên tri thức sử dụng Slack, điều đó rất quan trọng đối với Microsoft vì tầm quan trọng tương đối của email sẽ giảm đi đáng kể.”

Giờ đây, Slack đang đi từ một kẻ thách thức độc lập mới nổi trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường.

Salesforce đã coi các nhân viên của mình là kiến ​​trúc sư của một phương pháp tiếp cận thân thiện từ xa và với Slack, nó sẽ cố gắng thống trị khi các công ty khác trên thị trường cũng đi theo hướng đó.

Để trả lời câu hỏi tiếp theo là gì, vào ngày 17 tháng 8 sắp tới, Butterfield và Bret Taylor, hiện là COO (Giám đốc vận hành) của Salesforce đang lên kế hoạch cho một sự kiện mới, nơi họ sẽ chia sẻ thêm về cách hai công ty đang tạo ra một nền tảng mạnh mẽ mới cho những người hoặc doanh nghiệp đang ưu tiên kỹ thuật số ở mọi nơi trên thế giới.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Long Trần | MarketingTrips 

M&A thương mại điện tử: Chưa đủ sức bật cho marketing thương hiệu

Khi xu hướng mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến đang ngày càng phát triển, nhiều cú bắt tay, M&A trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) sẽ và còn diễn ra. 

Cơ hội này dự kiến sẽ tăng lên con số 100 tỷ đô tại Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) được kỳ vọng vào khoảng 24,6% (2017 – 2025).

Theo báo cáo eCommerce Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, TMĐT Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD.

Dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô TMĐT nước ta đạt 52 tỷ USD.

Bốn sàn TMĐT lớn nhất hiện nay là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều được các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn.

Tiki có sự góp mặt của quỹ đầu tư mạo hiểm của chính phủ Singapore là EDBI; JD.com (công ty TMĐT lớn thứ 2 tại Trung Quốc, chỉ sau Alibaba) và các nhà đầu tư từ Hàn Quốc như STIC, KIP; từ Nhật Bản như CyberAgent Ventures, Sumitomo…

Shopee từng nhận vốn đầu tư 50 triệu USD của Công ty SEA (Singapore). Lazada ngoài Alibaba là cổ đông kiểm soát còn có có nhà đầu tư khác là quỹ đầu tư quốc gia Temasek của Singapore.

Tại Sendo, nhà đầu tư trong nước nắm gần 35%, trong khi 16 cổ đông ngoại sở hữu hơn 65% cổ phần.

Đặc biệt, Alibaba nổi lên như một nhà đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo báo cáo M&A nửa cuối năm 2019 của Hampleton, trong vòng 30 tháng, Alibaba đã thực hiện 8 thương vụ sáp nhập ở lĩnh vực TMĐT ở nhiều quốc gia.

Mới đây, Awake Asia, công ty chuyên về vận hành dịch vụ thương mại điện tử tại 6 quốc gia Đông Nam Á cũng vừa thông báo sáp nhập cùng ADA để cho ra mắt dịch vụ mua bán trực truyến tích hợp đầu tiên của khu vực.

Theo kỳ vọng của Awake Asia và ADA, việc sáp nhập này sẽ mở ra một thị trường mới cho ADA tại Việt Nam với hơn 150 chuyên gia TMĐT đang phục vụ hơn 120 thương hiệu, thúc đẩy sự phát triển cho các khách hàng như P&G, Unilever, BMW, và Wyeth; cùng các đối tác thương mại điện tử khác như Shopee, Tokopedia, Lazada…

Theo ông Srinivas Gattamneni- Giám đốc điều hành của ADA: “Thương vụ sáp nhập với mục đích thúc đẩy và đáp ứng nhu cầu mở rộng hình thức kinh doanh của các thương hiệu thông qua các kênh truyền thông trực tuyến tại 10 thị trường khu vực Nam và Đông Nam Á, bao gồm Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Sri Lanka, Bangladesh, Campuchia, Hàn Quốc và Việt Nam”.

Tuy nhiên, ông Srinivas Gattamneni cho biết: “Việc sáp nhập trong lĩnh vực TMĐT nếu chỉ thực thi độc lập thì chưa đủ. Để tạo sức bật  để hỗ trợ marketing, bán hàng cần có sự kết hợp chặt chẽ với các yếu tố phân tích, truyền thông, sáng tạo và đầu tư vào công nghệ cho việc marketing của thương hiệu.

“Chỉ khi đó việc sáp nhập mang đến giải pháp toàn diện cho các thương hiệu trong việc tiếp cận người tiêu dùng số”, ông nhấn mạnh.

Điều đó có nghĩa, dù hợp tác, sát nhập, các nền tảng TMĐT cũng cần kết hợp các giải pháp phân tích, sáng tạo và truyền thông để thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến cho các thương hiệu.

Một trong các giải pháp được Srinivas Gattamneni đưa ra là việc thực thi các kế hoạch digital marketing tích hợp với các hoạt động TMĐT; Các chiến lược và hoạt động nhắm vào khách hàng; hiệu quả quảng bá truyền thông cho việc bán hàng trực tuyến.

Cùng với đó phải kết hợp sử dụng dữ liệu của khách hàng và đối tác thứ ba để thu thập thông tin chi tiết về người tiêu dùng, cá nhân hóa sở thích và đưa ra các gợi ý mua sắm nhằm gia tăng doanh số thông qua các kênh TMĐT.

Cuối cùng là tối ưu hóa nhu cầu của khách hàng trên các siêu ứng dụng và ứng dụng cá nhân, cũng như trên các website; triển khai các giải pháp công nghệ marketing như nền tảng dữ liệu khách hàng; các công cụ được phân bổ để theo dõi và tối ưu hóa kênh chuyển đổi.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Đan Linh | MarketingTrips

Thị trường M&A 5 tỷ USD đang chờ đón những ngành nào?

Bất chấp dịch bệnh, hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam vẫn sôi động. Thị trường M&A 5 tỷ USD chờ đón những ngành nào?

Nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… vẫn đang nhòm ngó doanh nghiệp Việt bằng những khoản đầu tư tỷ USD. Vậy ngành nào đang có cơ hội hút vốn?

Những thương vụ tỷ USD.

Cuối tháng 4/2021, ngành ngân hàng Việt Nam dậy sóng với thương vụ Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG), một trong 3 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn của Nhật mua lại 49% vốn cổ phần tại Công ty tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) với giá 1,4 tỷ USD.

Đây là thương vụ M&A lớn nhất của ngân hàng Nhật đầu tư vào một tổ chức tài chính tại Việt Nam. Thương vụ cũng cho thấy lĩnh vực tài chính tiêu dùng của Việt Nam khá tiềm năng và đang được nhà đầu tư ngoại quan tâm.

Với thị trường bán lẻ, mới đây Tập đoàn Masan cũng đã “nhượng lại” 16,26% cổ phần VinCommerce cho SK South East Asia Investment – công ty con của SK Group với giá 410 triệu USD.

Theo ông Woncheol Park – Giám đốc đại diện của SK South East Asia Investment, thoả thuận đầu tư của SK vào VinCommerce là một phần trong chiến lược đầu tư của SK vào các lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam.

SK Group từng đầu tư khoảng 470 triệu USD vào Masan Group để sở hữu khoảng 9,5% cổ phần tại tập đoàn này vào tháng 10/2018 và mua lại 6,1% cổ phần Vingroup vào tháng 5/2019.

Cùng với thương vụ này, ngay trong tháng 5/2021, công ty con của Masan Group là The CrownX đang vận hành chuỗi VinMart cũng đã nhận khoản đầu tư hơn 400 triệu từ Tập đoàn Alibaba.

Mới đây nhất, ngày 19/5/2021, Thaco Group lên tiếng mua lại 100% cổ phần Công ty E-mart Việt Nam và việc ký kết sẽ diễn ra trong vài ngày tới.

Nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam sau 7 năm hoạt động. Thaco tiếp quản thương hiệu E-mart dưới hình thức nhượng quyền thương mại.

Theo khảo sát của Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) vừa công bố, bất chấp dịch Covid-19, hoạt động M&A tại Việt Nam vẫn diễn ra sôi động.

Bên cạnh các nhà đầu tư lớn truyền thống như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc, các nhà đầu tư đến từ Thái Lan ngày càng đặt nhiều niềm tin vào thị trường Việt Nam.

Trong năm 2020, PwC ước tính giá trị M&A tại Việt Nam đạt khoảng 3,5 tỷ USD và được kỳ vọng sẽ đạt 5 tỷ USD năm nay.

Thị trường tiềm năng.

Ước tính của Viện nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhập doanh nghiệp (CMAC), trong 20 năm qua, Việt Nam có hơn 4.000 thương vụ M&A với giá trị đạt gần 50 tỷ USD, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á về giá trị giao dịch.

Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia năng động trong hoạt động M&A khi thu hút dòng vốn ngoài và nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường.

Cũng theo PwC, lĩnh vực công nghệ tiếp tục đà phát triển với số lượng thương vụ cao nhất trong 5 năm qua.

Nhiều khoản đầu tư có xu hướng nhảy vào các công ty khởi nghiệp công nghệ cung cấp giải pháp đột phá cho bán lẻ và dịch như tư vấn chăm sóc sức khoẻ trực tuyến, thương mại điện tử, nền tảng nhân sự và tuyển dụng.

Tuy nhiên, hầu hết các khoản đầu tư đều vào các công ty khởi nghiệp công nghệ giai đoạn đầu ở Việt Nam.

Theo phân tích của Công ty CP chứng khoán Ngân hàng đầu tư và và phát triển Việt Nam (BSC), các doanh nghiệp nhỏ chịu tác động rất lớn do dịch Covid-19, họ thiếu nguồn tài chính lẫn đầu ra sản phẩm.

Vì thế, các doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục tăng thị phần bằng cách mua lại những công ty vừa và nhỏ với giá hợp lý.

Bên cạnh đó, trong trung và dài hạn 5 – 10 năm tới, tầng lớp trung và thượng lưu ở Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể, đáp ứng tập khách hàng mục tiêu này. Và Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu quốc tế trong trung và dài hạn.

TS. Lê Anh Tú – Cố vấn cấp cao PwC tại Việt Nam cho rằng, 5 lĩnh vực sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong năm tới là giao nhận, giáo dục, công nghệ, năng lượng tái tạo và y tế.

Trong đó, quy mô thị trường giao vận dự kiến đạt 113 tỷ USD vào năm 2022, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 16,6%.

Tăng trưởng này còn được hậu thuẫn bởi các hiệp định thương mại tự do, thương mại điện tử và việc các nhà sản xuất lớn như Apple, LG, Panasonic coi Việt Nam là một mắt xích để đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Ngành giáo dục được dự báo tiếp tục thu hút đầu tư nhờ sự tăng trưởng đến từ tầng lớp trung lưu cùng việc chi tiêu cho giáo dục dự kiến tăng lên.

Tăng trưởng đầu tư ngành giáo còn được hậu thuẫn từ chính sách khuyến khích đối với dự án 100% sở hữu tư nhân và nước ngoài.

Trong khi đó, ngành y tế thu hút đầu tư nhờ các yếu tố như tốc độ già hoá dân số với số lượng người trên 65 tuổi sẽ tăng từ 8% trong năm 2019 lên 16% vào năm 2020.

Nhận định của CMAC cho rằng, thị trường M&A Việt Nam sẽ hồi phục trong giai đoạn 2021 – 2022, trở về mức 4,5 – 5 tỷ USD trong năm 2021 và sẽ tăng mạnh vào năm 2022 khi đạt mức 7 tỷ USD.

Trong năm 2021, các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản công nghiệp vần là tâm điểm thu hút M&A trong năm 2021.

Đứng đầu vẫn là lĩnh vực tài chính ngân hàng và hiện nay, nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch chào bán cổ phần, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips