Skip to main content

Thẻ: Omni-Channel

Omni-channel và cú lội ngược dòng của Guardian Việt Nam

Mặc dù sức mua ở giai đoạn này không bằng những năm trước, nhưng điều này vẫn không ‘kéo chân’ được Guardian Việt Nam. Họ có thể ‘ngược dòng nước’ là nhờ những đầu tư vào hệ thống omni-channel trong 4 năm qua đã mang về những trái ngọt đầu tiên. Những tối ưu nho nhỏ từng ngày của CEO Phương Thục và đội ngũ đã giúp doanh nghiệp luôn tiến về phía trước.

Omni-channel và cú lội ngược dòng của Guardian Việt Nam
Omni-channel và cú lội ngược dòng của Guardian Việt Nam

Chia sẻ trong tọa đàm “Tương lai của ngành bán lẻ tại Việt Nam – Nắm bắt công nghệ và xây dựng khả năng phục hồi” do TrueDigital, Teibto và Algonomy tổ chức, bà Lê Huỳnh Phương Thục – Giám đốc Guardian Việt Nam cho biết: hiện chuỗi của bà có 130 cửa hàng offline và 6 kênh bán hàng online.

Bên cạnh đó, nhờ chăm sóc khách người dùng tốt, thành viên Hội Cam (khách hàng thân thiết) – cả đăng ký online lẫn offline khoảng 2 triệu người. App của Guardian Việt Nam cũng có 200.000 download, trong đó có 80% hoạt động thường xuyên. Thương hiệu đang mừng tuổi 12 ở thị trường Việt.

Dù đang trong giai đoạn suy thoái, nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, song Guardian Việt Nam thì ngược lại. Thương hiệu không chỉ mở rộng kênh bán hàng online mà cả offline, khi cách đây hơn 1 năm họ có 105 cửa hàng, sau 10 tháng con số lên tới 130.

Vậy vì sao chuỗi bán lẻ lifestyle lớn nhất nhì Việt Nam lại không bị thời cuộc ‘kéo chân’ như nhiều đồng nghiệp khác?

Đầu tiên, như bà Phương Thục từng chia sẻ trong một sự kiện về bán lẻ (Retail) vào tháng 3/2023, rằng: “ Với tốc độ đổi mới như hiện tại, ngành làm đẹp sẽ rất ổn, tăng trưởng tốt trong 2023 và sau này, vì khách hàng vẫn rất chịu chi ”.

Thứ hai, những đầu tư vào hệ thống omni-channel trong 4 năm qua đã mang về cho thương hiệu những trái ngọt đầu tiên. CEO Guardian Việt Nam tự tin khẳng định: họ đang là một trong những thương hiệu bán lẻ dẫn đầu ở mảng omni-channel tại Việt Nam

Hành trình xây omni-channel của Guardian Việt Nam.

Mặc dù Guardian Việt Nam là chuỗi bán lẻ truyền thống lâu đời, nhưng vì khách hàng ngày nay có cuộc sống số phong phú và đa dạng, nên tất nhiên chúng tôi cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Một thống kê cho thấy, 60% khách hàng tiêu tốn 6 tiếng 30 phút/ngày cho các loại app/web khác nhau. Và hầu hết người trẻ ở các thành phố lớn rất cởi mở trong việc dùng e-banking hoặc ví điện tử. Theo tôi, đây là một môi trường rất thuận lợi cho các nhãn hàng xây dựng omni-channel.

TikTok cũng đang dần trở thành một thế lực tại Việt Nam khi nhiều thanh thiếu niên sinh trước 2010 đang ăn ngủ cùng nền tảng này. Vậy nên, tôi thường nói với các bạn ở team PR, ‘các em phải bắt đầu lên TikTok tuyển nhân sự, ở Linkedin bây giờ chỉ còn tuyển được những người ở độ tuổi của chị’.

Trong 10 năm qua, hành vi tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi rất nhiều, vì vậy chuyển dịch lên đa kênh – omni-channel là tất yếu.

Trao cho khách hàng một trải nghiệm tiện lợi – dù là tiêu dùng trên môi trường số hay ngoài đời thực, vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là một cơ hội chuyển mình cho các doanh nghiệp bán lẻ như Guardian”, bà Lê Huỳnh Phương Thục mở đầu câu chuyện.

Từ kinh nghiệm của mình, bà cũng có vài lưu ý chung cho các doanh nghiệp khác nếu muốn làm đa kênh.

Thứ nhất, với hệ thống bán hàng online thì ‘nhảy’ phải đúng nhạc và đầu tư đúng chỗ.

Guardian có cửa hàng online thông qua app và web mà mình xây dựng. Đồng thời, họ cũng có cửa hàng trên các sàn thương mại điện tử để thêm sự lựa chọn cho những khách hàng vừa thích mua sắm vừa thích giải trí/xem livestream.

Họ còn bán hàng trên GrabMart và vì khách ở đây có nhu cầu tiêu dùng nhanh nên danh mục sản phẩm cũng phải khác những nền tảng khác.

Dù bán hàng online trên nhiều kênh, nhưng chỉ nên tập trung đầu tư cho những kênh mà mình tự xây dựng – vì đó mới chính là tài sản cũng như cốt lõi kinh doanh của doanh nghiệp. Để khách có thể dễ dàng mua hàng trên website hay ứng dụng (App), doanh nghiệp cần xây dựng hệ sinh thái kèm theo như logistic/kho bãi/nhân sự vận hành.

Còn những kênh như sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội nên xem như là phễu lọc hoặc ‘chợ’ để bán thêm hàng. Thường thì doanh nghiệp sẽ rất khó để lấy được số liệu đúng và tốt ở trên vài mạng xã hội.

Thứ hai, tận dụng nguồn lực từ chuyên gia và thuê đối tác ngoài.

“Để trở thành những chuyên gia trên không gian online không phải chuyện một sớm một chiều, mà nó mất ít nhất từ 3 đến 4 năm. Để vừa đi nhanh vừa bền vững, chúng ta phải đồng thời xây dựng nhân sự inhouse cũng như thuê các đối tác bên ngoài.

Bởi làm một mình không thể giỏi ngay lập tức được! Guardian đang muốn bán hàng qua livestream và chúng tôi đang học từng ngày cũng như thuê đối tác để nhanh cải thiện hơn chuyên môn của mình ở lĩnh vực này”, CEO Guardian Việt Nam cho hay.

Thứ ba, sắp xếp nhân sự tối ưu, ứng dụng  công nghệ, tích hợp đa kênh online và offline.

Làm sao để phát triển nguồn nhân lực phù hợp với bán hàng đa kênh. Trong khi cửa hàng online phục vụ 24/7, thì cửa hàng offline chỉ bán từ 8h sáng đến 11h tối.

Theo đó, doanh nghiệp phải sắp xếp hệ thống và nhân sự làm sao để vừa phục vụ tốt khách hàng cả online lẫn offline, vừa không khiến nhân sự cảm thấy không công bằng.

Vậy nên, đã tích hợp kênh online lẫn offline thì phải chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ chứ không thể làm bằng tay.

Onmi-channel mượt mà là phải giải quyết những chuyện ‘lông gà, vỏ tỏi’ hằng ngày.

Bên cạnh đó, với bà Phương Thục, làm omni-channel không chỉ là đưa sản phẩm lên các kênh online hoặc chọn đối tác phù hợp để giải quyết các điểm nghẽn hoặc xây dựng các bộ kỹ năng mới, mà còn là giải quyết những chuyện ‘lông gà, vỏ tỏi’ hằng ngày.

Trước đây, một trong những bất lợi của bán lẻ truyền thống là không có dữ liệu để có thể đo lường hành vi của khách hàng. Hoặc nói cách khác, một trong những ước mơ của doanh nghiệp khi làm omni-channel là có thể đo lường các điểm chạm giữa khách hàng và sản phẩm tại cửa hàng để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Thường thì khách bỏ thương hiệu là do không được phục vụ tốt, chứ không phải vì chất lượng sản phẩm kém.

Hiện tại, chúng tôi đã đầu tư AI vào các cửa hàng và có thể quan sát chi tiết từng hành vi của khách hàng – nhân viên cũng như từng ngóc ngách của cửa hàng.

Qua từng hình ảnh mà chúng tôi quan sát từng ngày cộng với kết quả mà AI trả lại, chúng tôi đã có vài phương hướng tối ưu hóa hiệu suất hoạt động của các cửa hàng”, bà Phương Thục chia sẻ tiếp.

Một trong những kết quả mà hệ thống AI trả về: các cửa hàng của Guardian Việt Nam thường khá vắng khách trong khoảng từ 12h trưa đến 14h chiều.

Như lệ thường trước đó, doanh nghiệp thường tập hợp nhân viên để huấn luyện sơ bộ lúc đổi ca vào khoảng 13h đến 14h hằng ngày. Để thu hút khách hàng và cải thiện khả năng bán hàng ở khung đầu giờ trưa như kể trên, Guardian chuyển sang huấn luyện nhân viên vào 8h đến 9h sáng.

Chưa hết, trong cửa hàng của Guardian Việt Nam, có những khu vực – mặc dù khách đứng khá lâu nhưng lại ít mua hàng, ví dụ như các quầy mỹ phẩm.

Để cải thiện thực trạng này, họ đã tăng cường các mẫu thử, cũng như cắt cử nhân viên tư vấn chuyên sâu đến đứng ở đó. Hai giải pháp này đã thực sự giúp Guardian tăng tỷ lệ mua hàng trên từng mét vuông cửa hàng.

Omni-channel tức là doanh nghiệp không chỉ có mặt ở nơi khách hàng cần mà phải phục vụ khách hàng xuyên suốt và đồng nhất. Ví dụ: khách hàng mua online dễ dàng thì cũng phải đến cửa hàng offline đổi dễ dàng. Để giải bài toán nhỏ này, chúng tôi đã tranh luận với nhau rất nhiều.

Khách hàng mua online – tức bộ phận bán hàng online được cộng thành tích, trong khi trả hàng ở cửa hàng thì bộ phận bán hàng offline bị giảm số.

Hay nói xa hơn, nên ra số cho bộ phận bán hàng offline và online giống hay khác nhau? Giống nhau thì liệu có công bằng mà khác nhau thì phải tính sao cho hợp lý? Trách nhiệm của chúng tôi là phải tính toán làm sao mang lại sự công bằng cho tất cả nhân viên.

Mong muốn của chúng tôi: ai là khách hàng của Guardian Việt Nam đều được phục vụ tốt, nhưng muốn thế thì chúng tôi phải huấn luyện nội bộ tốt trước cái đã! Nếu chúng ta không thay đổi được tư duy của người nhà và không thể khiến người nhà đồng lòng vì mục tiêu chung thì đừng nói đến chuyện omni-channel gì cả”, bà Phương Thục khuyến nghị.

Cuối cùng, theo vị nữ doanh nhân này, thì hành trình theo đuổi omni-channel của doanh nghiệp mình vẫn còn rất dài. Trong thời gian tới, Guardian Việt Nam sẽ tập trung vào việc tăng sự gắn kết với khách và cá nhân hóa dịch vụ khách hàng hơn nữa.

Chẳng hạn họ sẽ gửi những khuyến mãi cũng như danh sách hàng hóa gợi ý theo đúng nhu cầu thực tế của từng khách hàng thông qua email tự động, với tham vọng từ email có thể bán được thêm hàng trên app hoặc web.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo Quỳnh Như | Markettimes

Omnichannel Strategy: Cách nhà bán lẻ có thể tăng trưởng bền vững với chiến lược đa kênh

Bối cảnh ngành bán lẻ đang ngày càng phức tạp. Các nhà bán lẻ phải đối mặt với những thách thức vận hành được gây ra bởi các hạn chế về thâm nhập kênh, cạnh tranh trực tuyến khốc liệt giữa các doanh nghiệp nhỏ và lớn, đồng thời nhu cầu của người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng.

chiến lược đa kênh

Ngay cả khi mọi thứ có thể sẽ sớm phục hồi trở lại, nhưng mọi thứ sẽ không còn như cũ, các nhà bán lẻ phải suy nghĩ lại về chiến lược của họ để tăng trưởng dài hạn.

Giờ đây, khách hàng có vô số lựa chọn về việc họ mua hàng từ ai và mua như thế nào.

Đối với các thương hiệu, sự thay đổi nhanh chóng trong hành vi của người tiêu dùng đã dẫn đến việc họ cần xem xét kỹ hơn về cách hiển thị nội dung cho người tiêu dùng của họ theo những cách hữu ích hơn, phù hợp hơn và mang nhiều ý nghĩa hơn.

Một số thương hiệu đã làm được điều này bằng cách tập trung vào các hoạt động chuyển đổi số, điều quan trọng hàng đầu để tăng giá trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Google chỉ ra rằng chỉ có khoảng 30% những nỗ lực đó đã đạt được mục tiêu và dẫn đến những sự thay đổi bền vững.

Doanh nghiệp cần có một chiến lược năng động và tích hợp hơn để luôn ở bên khách hàng của họ theo cách có thể thúc đẩy sự tăng trưởng kinh doanh bền vững.

Để xây dựng một chiến lược đa kênh (omnichannel strategy) mạnh mẽ có thể tối ưu hóa hoạt động kinh doanh bán lẻ của bạn, điều quan trọng là chiến lược này phải được áp dụng trong toàn bộ hoạt động kinh doanh (không chỉ riêng marketing) và phải có các nguồn lực phù hợp để cam kết với những nỗ lực này.

Dưới đây là một số mẹo về cách suy nghĩ chiến lược trong việc chuyển đổi bán lẻ đa kênh mà doanh nghiệp hay thương hiệu của bạn có thể tham khảo.

Suy nghĩ lại về ranh giới giữa Online vs Offline.

Ngày nay, để sự hiện diện đa kênh có thể làm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh doanh bền vững, doanh nghiệp cần phải vượt qua ranh giới hay rào cản giữa các hoạt động trực tuyến và ngoại tuyến bằng cách tiếp cận một chiến lược bán lẻ hợp nhất đáp ứng nhu cầu của mọi người dù cho họ đang ở bất kỳ nơi đâu trong hành trình mua sắm của khách hàng.

Về cơ bản, có sự hiện diện đa kênh có nghĩa là các nhà bán lẻ ngoại tuyến cũng mở rộng để thiết lập sự hiện diện trực tuyến của họ đồng thời tìm cách kết nối cả hai.

Tuy nhiên, với cơ hội kết nối liền mạch hơn giữa trải nghiệm trực tuyến và ngoại tuyến ngày nay và cách nó được hỗ trợ bởi những sự tiến bộ trong công nghệ marketing (Martech), kênh…, việc phân biệt một cách rõ ràng giữa các “The Line” đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Các doanh nghiệp trực tuyến như Decathlon đang tìm cách “làm mờ” các The Line khi đang chuyển sang thiết lập các cửa hàng truyền thống và các thương hiệu như Zara cũng đang áp dụng các công nghệ kỹ thuật số tại cửa hàng của mình.

Các doanh nghiệp khác, như Chanel’s Boutique of Tomorrow đang thúc đẩy ranh giới của những trải nghiệm liền mạch với các dịch vụ sáng tạo hơn ở nhiều điểm tiếp xúc hơn của người tiêu dùng của họ.

Suy nghĩ lại về vai trò của sự chuyển đổi bên ngoài marketing.

Thật hấp dẫn khi doanh nghiệp nghĩ rằng bộ phận marketing nên quản lý bất kỳ thứ gì liên quan đến sự tương tác với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, suy nghĩ hạn chế này có thể cản trở hiệu quả của các chiến lược bán lẻ đa kênh, đồng thời làm chậm quá trình chuyển đổi và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với các chiến lược có thể tạo ra sức tác động thực sự đến lợi nhuận của bạn, sự hợp tác minh bạch, đa chức năng và liên kết chặt chẽ giữa các đội nhóm nội bộ là chìa khóa quan trọng hàng đầu.

Việc phá vỡ các khoảng cách trong phạm vi chiến lược, truyền thông và đo lường sẽ giúp bạn mở ra những sự tăng trưởng trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Mặc dù mỗi bộ phận sẽ luôn có các giá trị độc nhất của riêng mình, nhưng điều quan trọng là các nhóm khác nhau không theo đuổi các mục tiêu duy nhất, điều có thể gây hại cho các mục tiêu kinh doanh tổng thể (và chung) của doanh nghiệp.

Ví dụ: việc đánh giá doanh số bán hàng trực tuyến và ngoại tuyến một cách độc lập có thể gây ra nhiều tranh cãi nội bộ khiến các nhóm có thể có thêm nhiều mâu thuẫn.

Thay vào đó, việc thống nhất và chia sẻ thông tin giữa các nhóm sẽ đảm bảo sự tập trung của mọi người là nâng cao một trải nghiệm đầy đủ cho khách hàng – tạo ra nhiều cơ hội hơn để bán chéo và thúc đẩy kết quả kinh doanh bền vững.

Suy nghĩ lại về quy trình của sự chuyển đổi.

Việc chuyển đổi kinh doanh hay chuyển đổi doanh nghiệp có thể trở nên khó khăn hơn khi chúng ta coi nó như một cuộc “đại tu” lớn, chúng ta đang làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.

Suy nghĩ này có thể khiến các thương hiệu ngừng thực hiện những việc cần thiết hoặc tiếp cận việc chuyển đổi kinh doanh như một nỗ lực môt lần. Cả hai cách tiếp cận này đều ngăn cản các thương hiệu tối ưu hóa sự tăng trưởng của họ.

Tuy nhiên, bằng cách tiếp cận chiến lược chuyển đổi kinh doanh với tư duy làm nhiều lần và tăng trưởng dần dần, điều này giúp bạn dễ dàng đạt được những chiến thắng nhanh chóng trong ngắn hạn và thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Theo mô hình của hành trình bán lẻ ngày nay, chuyển đổi không phải là một quá trình thực hiện một lần mà là theo những cách thay đổi liên tục và nhiều lần.

Doanh nghiệp bán lẻ của bạn sẽ có một hệ sinh thái đa kênh dành riêng cho bạn, vì vậy bạn có thể bắt đầu bằng cách xác định các yếu tố trong hệ sinh thái của bạn, đâu là những ưu tiên lớn nhất của bạn để tăng trưởng và thay đổi.

Hãy bắt đầu xây dựng hệ sinh thái riêng.

Một hệ sinh thái đa kênh linh hoạt có khả năng vượt qua nhiều thách thức hơn và thích ứng tốt hơn với những thay đổi nhanh chóng trong hành vi hoặc môi trường kinh doanh.

Nó kết nối bạn với nhiều khách hàng hơn và mang đến cho bạn những cơ hội được có mặt ở đó để cung cấp những trải nghiệm mua sắm giá trị nhất.

Cho dù bạn đang ở đâu trong hành trình trưởng thành đa kênh, việc hiểu cách khai thác các công cụ, công nghệ là điều không thể thiếu đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Dưới đây là một số suy nghĩ khởi đầu dành cho bạn:

  • Đặt những nền móng nội bộ đúng đắn. Đảm bảo rằng các sản phẩm, con người và công nghệ của bạn đều hoạt động đồng bộ để cùng hướng tới một mục tiêu chung.
  • Cung cấp những trải nghiệm khách hàng đáng nhớ. Đảm bảo một hành trình liên tục và liền mạch trong suốt quá trình trải nghiệm của khách hàng.
  • Học hỏi từ các chu kỳ marketing. Không ngừng đo lường và phân tích kết quả để bạn có thể cung cấp lại kiến thức cho các chiến lược mới của mình trong tương lai.
  • Thúc đẩy sự tăng trưởng thông qua tự động hóa. Hãy sử dụng dữ liệu để đạt được những tốc độ tăng trưởng liên tục trên quy mô lớn trong môi trường ngày nay.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Xu hướng tiêu dùng của người dân ASEAN thay đổi ra sao hậu Covid-19?

Dịch Covid-19 đã gây ra những thay đổi đáng chú ý trong hành vi của người tiêu dùng. Một số đã gây ra những biến động trong ngắn hạn, trong khi đó vài tác động khác ảnh hưởng tới hành vi của người tiêu dùng và thói quen chi tiêu trong dài hạn.

Ảnh: Getty Images

Trong khi đại dịch Covid-19 đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới và có khả năng còn kéo dài tới năm 2021, Hiệp hội các nước ASEAN lại đang trên đà phát triển vượt bậc về tiến bộ kinh tế xã hội.

Trong thập kỷ tới, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, với giá trị thị trường lên tới 4 nghìn tỷ USD.

Tuy có hướng phát triển khác nhau nhưng có điểm chung là các thành viên trong khối đều có dư địa và cơ hội lớn trong việc phát triển, mở rộng thị trường.

Dự án mang tựa đề “Tương lai của xu hướng tiêu dùng tại các thị trường tăng trưởng nhanh” của tập đoàn Bain & Company thường tập trung vào các thị trường mới nổi, chiếm 40% dân số thế giới.

Sau khi nghiên cứu Trung Quốc và Ấn Độ vào các năm 2017 và 2018, hiện dự án đã chuyển đối tượng phân tích sang ASEAN trong giai đoạn 2019 – 2020.

Đa số các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN được khảo sát dự đoán rằng ảnh hưởng của Covid-19 sẽ kéo dài đến hết quý 4 năm 2020 và nền kinh tế có thể hồi phục vào giữa năm 2021.

Đại dịch đã gây ra những thay đổi đáng chú ý trong hành vi của người tiêu dùng. Một số đã gây ra những biến động trong ngắn hạn, trong khi đó vài tác động khác ảnh hưởng tới hành vi của người tiêu dùng và thói quen chi tiêu trong dài hạn.

Nhìn chung, vài xu hướng tiêu dùng mới sẽ dần xuất hiện trong khu vực ASEAN hậu đại dịch, với một vài sự khác biệt nhỏ ở mỗi quốc gia:

1. Chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng gấp đôi do sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu

Trong khi suy thoái kinh tế do ảnh hưởng từ Covid-19 sẽ tác động tiêu cực tới tâm lý người tiêu dùng dẫn tới giảm chi tiêu, hành vi này sẽ dần được điều chỉnh khi các nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính tăng trưởng GDP hàng năm của ASEAN sẽ giảm xuống 1% vào năm 2020 và tăng trở lại ở mức 5% vào năm 2021. Đến năm 2030, 70% dân số ASEAN sẽ thuộc tầng lớp trung lưu.

Sự bùng nổ của tầng lớp này sẽ tăng nhiều hơn gấp đôi mức tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ trong khu vực.

2. Các dịch vụ digital sẽ ngày càng đồng bộ và phổ biến

Đại dịch đang thúc đẩy tương lai của kỹ thuật số với nhiều người tiêu dùng thực hiện giao dịch mua sắm trực tuyến. Trên toàn khu vực, tổng thời gian phát trực tuyến trên thiết bị di động đã tăng 60% từ ngày 20/1 đến 11/4 năm nay.

Tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, người dùng bỏ ra khoảng 4,2 giờ mỗi ngày cho việc sử dụng điện thoại di động. Con số này gấp khoảng 1,2 lần số liệu trung bình toàn cầu. Thế hệ trẻ thì có thời gian sử dụng trung bình lên đến 5 giờ, theo báo cáo của Hootsuite.

Nghiên cứu của Bain & Co thì cho thấy khoảng 65% người dùng sẽ chuyển đổi sang các nhãn hiệu khác nếu thương hiệu cũ không còn đáp ứng được nhu cầu của họ.

3. Đại dịch Covid-19 sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số khi chính phủ và doanh nghiệp đang cố gắng tìm cách cung cấp nhu yếu phẩm cho các cộng đồng dễ bị tổn thương

Bain & Co cũng cho rằng dân số nghèo sẽ được tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các ví điện tử với số lượng tham gia nhiều gấp ba lần hiện tại vào năm 2030.

4. Các mặt hàng địa phương sẽ chiếm ưu thế cạnh tranh

Khoảng 80% người tiêu dùng Indonesia cho rằng họ ưa thích sử dụng các nhãn hàng có nguồn gốc từ địa phương hơn là các thương hiệu toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm.

5. Xu thế bán hàng đa kênh tiếp tục nở rộ

Dịch bệnh đã tạo ra cơ hội phát triển cho lĩnh vực thương mại điện tử. Nhìn chung, lĩnh vực này có khả năng tăng trưởng ở mức hai con số, chiếm khoảng 13% doanh số bán lẻ vào năm 2030, theo nghiên cứu từ cả Bain và Forrester.

Mặc dù cách ly xã hội đã gây ảnh hưởng lớn tới các kênh bán hàng trực tiếp như cửa hàng tiện lợi hay trung tâm thương mại nhưng những đối tượng này vẫn có thể phát triển các dịch vụ tài chính kỹ thuật số hoặc giao hàng tận nơi để phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

6. Sự thuận tiện sẽ trở thành thước đo mới

Theo khảo sát của Bain & Co, cứ trong 3 người tiêu dùng thành thị tại ASEAN lại có 1 người xếp hạng tiện lợi là tiêu chí hàng đầu khi mua hàng. Ngoài ra, 2 người còn lại sẽ sẵn sàng từ bỏ quyền riêng tư dữ liệu để có được sự thuận tiện.

Những phát hiện này cho thấy có nhiều cơ hội đang rộng mở cho các doanh nghiệp FinTech phát triển trong lĩnh vực mua sắm và chuyển phát hàng hóa.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo Nhịp Sống Kinh Tế