Skip to main content

Thẻ: Power BI

Power BI là gì? Cách sử dụng Power BI trong kinh doanh

Cùng tìm hiểu toàn bộ các nội dung về công cụ phân tích kinh doanh Power BI như: Power BI là gì? Power BI Desktop là gì? Những tính năng phổ biến có trong Power BI Dashboard? Cách sử dụng Power BI để phân tích các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và hơn thế nữa?

Power BI là gì
Power BI là gì? Cách sử dụng Power BI trong kinh doanh

Nằm trong bối cảnh kinh doanh, Power BI là tập hợp các ứng dụng, dịch vụ hay trình kết nối liên kết và hoạt động chặt chẽ cùng nhau với mục tiêu là biến các dữ liệu rời rạc hay thậm chí là không liên quan từ nhiều nguồn khác nhau thành các thông tin chi tiết có ý nghĩa, trực quan và có khả năng hành động. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ từ khái niệm Power BI, đến cách sử dụng Power BI hiệu quả.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài viết này bao gồm:

  • Power BI là gì?
  • Các thành phần chính của Power BI.
  • Ai là người sẽ sử dụng Power BI.
  • Mục đích chính của các doanh nghiệp khi sử dụng Power BI là gì?
  • Power BI được sử dụng như thế nào hay nó hoạt động ra sao.
  • Những tính năng phổ biến có trong Power BI là gì?
  • FAQs – Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến ứng dụng Power BI.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Power BI là gì?

Power BI là từ viết tắt của Power Business Intelligence (BI).

Power BI là nền tảng hay ứng dụng giúp tổng hợp, phân tích và trực quan hoá dữ liệu của gã khổng lồ công nghệ Microsoft.

Power BI được sử dụng để kết nối và trực quan hoá các dữ liệu rời rạc từ nhiều nguồn khác nhau trong doanh nghiệp nhằm mục tiêu tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, đánh giá một cách nhanh chóng các dữ liệu thu thập được và hơn thế nữa.

Ngoài Power BI, hệ sinh thái Microsoft Power Platform còn có các ứng dụng khác như Power Apps, Power Pages, Power Automate hay Power Virtual Agents, đây là bộ các công cụ hỗ trợ cho việc phân tích dữ liệu, xây dựng giải pháp và tự động hóa quy trình kinh doanh.

Vì là một sản phẩm của Microsoft, Power BI còn có một cái tên khác là Microsoft Power BI.

Power BI Desktop là gì?

Power BI Desktop là ứng dụng máy tính để bàn (Desktop) chạy trên nền tảng windows của Microsoft Power BI, đó là nơi các nhà phân tích và người dùng khác có thể tạo các kết nối dữ liệu, các báo cáo và mô hình dữ liệu.

Các thành phần chính của Power BI.

Như đã phân tích ở trên, Power BI là ứng dụng tập hợp một số yếu tố khác nhau và hoạt động cùng nhau vì mục tiêu chung. Power BI theo đó có 3 thành phần chính:

  • Một ứng dụng máy tính để bàn Windows được gọi là Power BI Desktop.
  • Dịch vụ phần mềm trực tuyến (SaaS) được gọi là Power BI Service.
  • Ứng dụng Power BI Mobile dành cho các thiết bị Windows, iOS và Android.

3 thành phần này được thiết kế để cho phép doanh nghiệp hay người làm marketing xây dựng, chia sẻ và sử dụng các thông tin kinh doanh (business insights) một cách trực quan và hiệu quả nhất.

Ngoài các thành phần chính nói trên, Power BI hay Microsoft Power BI còn có các thành phần khác như:

  • Power Query: công cụ chuyển đổi và kết hợp dữ liệu.
  • Power Pivot: công cụ lập mô hình dữ liệu (data modeling).
  • Power View: công cụ trực quan hóa dữ liệu (data visualization).
  • Power Map: công cụ trực quan hóa dữ liệu dưới dạng 3D.
  • Power Q&A: một công cụ hỏi đáp bằng ngôn ngữ tự nhiên (natural language).

Bên cạnh đó là hàng tá nguồn dữ liệu được kết nối với Power BI, từ các tệp (Excel, PDF, SharePoint, XML), cơ sở dữ liệu (Cơ sở dữ liệu SQL Server, Cơ sở dữ liệu Oracle, cơ sở dữ liệu IBM, Amazon Redshift, Google BigQuery), các bộ dữ liệu Power BI khác, kết nối dữ liệu Azure và nhiều dịch vụ trực tuyến khác như Dynamics 365, Salesforce Reports, Google Analytics, Adobe Analytics…

Ai là người sẽ sử dụng Power BI.

Một khi đã hiểu được Power BI là gì, bạn thấy rằng ứng dụng phân tích kinh doanh này có thể được sử dụng bởi nhiều người ở nhiều vai trò khác nhau trong doanh nghiệp, từ những người quản lý kinh doanh, các nhà phân tích dữ liệu đến những người làm Digital Marketing thường xuyên thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng.

Ngoài ra, Power BI còn cung cấp một cổng thông tin quản trị dành cho quản trị viên (Admin) để cấu hình Power BI, theo dõi việc sử dụng ứng dụng và các giấy tờ liên quan khác (chẳng hạn như giấy phép kinh doanh).

Mục đích chính của các doanh nghiệp khi sử dụng Power BI là gì?

Mục đích chính của các doanh nghiệp khi sử dụng Power BI là gì?
Mục đích chính của các doanh nghiệp khi sử dụng Power BI là gì?

Microsoft Power BI được sử dụng để tìm kiếm các thông tin chuyên sâu (Insight) từ các nguồn dữ liệu (Data) khác nhau của một tổ chức.

Power BI có thể giúp kết nối các tập dữ liệu (Data Sets) khác nhau, chuyển đổi và làm sạch dữ liệu thành các mô hình dữ liệu, đồng thời tạo biểu đồ hoặc đồ thị để cung cấp các hình ảnh trực quan nhất về dữ liệu. Tất cả những thông tin này có thể được chia sẻ với những người dùng Power BI khác trong tổ chức.

Các mô hình dữ liệu (data models) được tạo ra từ Power BI có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau như:

  • Kể các câu chuyện (Storytelling) thông qua biểu đồ và trực quan hóa dữ liệu (Data Storytelling).
  • Tạo các báo cáo có thể trả lời các câu hỏi liên quan đến các hoạt động kinh doanh trong thời gian thực.
  • Giúp các bộ phận hay nhân viên khác nhau trong tổ chức nhìn nhận được vai trò của chính mình để từ đó có thể kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý.
  • Giúp doanh nghiệp tìm thấy các cơ hội kinh doanh mới, điều mà họ khó có thể có được nếu chỉ nhìn dữ liệu một cách rời rạc.

Power BI cũng có thể cung cấp bảng thông tin điều khiển (dashboards) cho quản trị viên hoặc người quản lý, giúp người làm công tác quản lý hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của các phòng ban.

Cách sử dụng Power BI để phân tích kinh doanh.

Như đã đề cập ở các phần trước, Power BI hoạt động dựa trên 3 thành phần chính đó là Power BI Desktop, Power BI Service và Power BI Mobile.

Power BI Desktop là nơi các nhà phân tích và người dùng khác có thể tạo các kết nối dữ liệu, các báo cáo và mô hình dữ liệu. Power BI Service là nơi có thể chia sẻ các báo cáo đó để những người dùng khác trong tổ chức có thể xem và tương tác với chúng.

Để tạo các báo cáo trong Power BI, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:

  • Kết nối các nguồn dữ liệu.
  • Truy vấn dữ liệu để tạo các báo cáo khác nhau dựa trên các nhu cầu khác nhau.
  • Xuất bản báo cáo lên Power BI Service.
  • Chia sẻ báo cáo để những người dùng và thiết bị khác có thể xem và tương tác với báo cáo (thông qua môi trường điện toán đám mây).
  • Thêm quyền để cung cấp cho những người khác khả năng chỉnh sửa báo cáo, tạo bảng điều khiển hoặc giới hạn khả năng chỉnh sửa của họ.

Những tính năng phổ biến có trong Power BI là gì?

Kể từ khi được ra mắt, Microsoft đã không ngừng cập nhật các tính năng mới vào Power BI Dashboard, dưới đây là một số tính năng quan trọng nhất:

  • Trí tuệ nhân tạo (AI). Người dùng có thể truy cập vào tính năng nhận dạng hình ảnh và phân tích văn bản trong Power BI, tạo các mô hình máy học (machine learning models) bằng khả năng máy học tự động và tích hợp với Azure Machine Learning.
  • Hỗ trợ triển khai kết hợp. Tính năng này cung cấp các trình kết nối tích hợp sẵn (built-in connectors) cho phép các công cụ của Power BI kết nối với một số nguồn dữ liệu khác nhau từ Microsoft, Salesforce hay từ các nhà cung cấp khác.
  • Thông tin chi tiết nhanh. Tính năng này cho phép người dùng xây dựng các tập hợp con dữ liệu và tự động áp dụng kỹ thuật phân tích cho các thông tin đó.
  • Hỗ trợ mô hình dữ liệu chung. Power BI cho phép sử dụng tập hợp các lược đồ dữ liệu (data schemas) được tiêu chuẩn hóa và có thể mở rộng.
  • Tích hợp Cortana. Với tính năng này, đặc biệt là trên thiết bị di động, cho phép người dùng truy vấn dữ liệu bằng ngôn ngữ tự nhiên và truy cập kết quả bằng Cortana, một trình trợ lý kỹ thuật số của Microsoft.
  • Tùy chỉnh. Tính năng này cho phép các nhà phát triển thay đổi giao diện của các công cụ báo cáo và trực quan hóa dữ liệu, cũng như nhập các công cụ mới vào nền tảng.
  • API để tích hợp. Tính năng này cho phép các nhà phát triển nhúng Power BI vào các sản phẩm hay các phần mềm khác.
  • Chế độ xem mô hình (Modeling view). Power BI cho phép người dùng chia các mô hình dữ liệu phức tạp theo khu vực thành các sơ đồ riêng biệt, đặt các thuộc tính chung, xem và sửa đổi các thuộc tính, đồng thời giúp đơn giản hoá quá trình sử dụng từ các mô hình dữ liệu phức tạp.

Cách đăng ký và sử dụng Power BI.

Hiện Microsoft chia Power BI thành 3 cấp độ khác nhau: Power BI Desktop, Power BI Pro và Power BI Premium. Power BI Desktop là miễn phí, Power BI Pro có giá 9,99 USD cho mỗi người dùng mỗi tháng.

Bảng giá cho Power BI Premium tùy thuộc vào quy mô triển khai và số lượng người dùng của doanh nghiệp (bao gồm cả dung lượng sử dụng). Bản Premium được bắt đầu ở mức giá 20 USD cho mỗi người dùng mỗi tháng.

Bạn có thể đăng ký và sử dụng Microsoft Power BI tại đây.

FAQs – Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến ứng dụng Power BI.

  • Power BI là từ viết tắt của từ gì?

Power BI được viết tắt từ Power Business Intelligence (BI) và tạm dịch là Trí thông minh kinh doanh, Power BI được sử dụng để kết nối và trực quan hoá các dữ liệu rời rạc từ nhiều nguồn khác nhau trong doanh nghiệp nhằm mục tiêu tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, đánh giá một cách nhanh chóng các dữ liệu thu thập được và hơn thế nữa.

  • Power BI Desktop là gì?

Power BI Desktop là ứng dụng máy tính để bàn (Desktop) chạy trên nền tảng windows của Microsoft Power BI, đó là nơi các nhà phân tích và người dùng khác có thể tạo các kết nối dữ liệu, các báo cáo và mô hình dữ liệu.

Kết luận.

Trong bối cảnh kinh doanh hiện đại, khi dữ liệu được xem là tài sản vàng của các doanh nghiệp, là nền tảng để doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng và tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, việc tận dụng sức mạnh của dữ liệu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Bằng cách hiểu rõ power bi là gì, các tính năng chính hiện có thể khai thác và hơn thế nữa, những người làm kinh doanh nói chung đang tự tạo ra cho mình nhiều lợi thế cạnh tranh hơn thông qua dữ liệu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Phân tích kinh doanh là gì? Lợi ích của phân tích kinh doanh

Cùng tìm hiểu các khái niệm như phân tích kinh doanh là gì, các lợi ích của việc phân tích kinh doanh, những loại hình phân tích kinh doanh và hơn thế nữa.

phân tích kinh doanh là gì
Phân tích kinh doanh là gì? Lợi ích của phân tích kinh doanh

Biến dữ liệu thành doanh thu giờ đây không phải là điều chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn. Nhờ có các phần mềm và các công cụ phân tích kinh doanh dễ sử dụng, quá trình phân tích và xử lý dữ liệu hiện đang trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:

  • Phân tích kinh doanh là gì?
  • Những lợi ích của việc phân tích kinh doanh là gì?
  • Có những loại hình phân tích kinh doanh nào?
  • Những tài nguyên phân tích kinh doanh dễ sử dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ là gì?

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Phân tích kinh doanh là gì? 

Phân tích kinh doanh là quá trình xem xét và đánh giá khối tài sản dữ liệu mà một doanh nghiệp đã có được và tùy ý sử dụng, đồng thời tận dụng nó để đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu.

Phân tích kinh doanh không chỉ đơn thuần là xem xét các số liệu để hiểu được điều gì đã và đang diễn ra.

Các bản phân tích kinh doanh còn giúp doanh nghiệp hiểu sâu hơn về lý do dẫn đến những sự việc đó và đề xuất các bước cần thực hiện tiếp theo.

Những lợi ích của việc phân tích kinh doanh là gì?

Chỉ trong vòng vài năm, hoạt động triển khai phân tích dữ liệu đã tăng vọt. Việc tiếp nhận dữ liệu lớn đã nhảy vọt từ 17% trong năm 2015 lên 59% trong năm 2018, một mức tăng đầy ấn tượng 42%.

Tuy nhiên, một khảo sát gần đây cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa tận dụng dữ liệu mà họ có toàn quyền sử dụng.

Có tới 60% đến 73% tổng số dữ liệu trong một doanh nghiệp chưa được dùng cho phân tích. Nếu nghĩ tới những lợi ích mà các doanh nghiệp nhỏ có thể đạt được, thì đây thực sự là một con số rất đáng ngạc nhiên.

Dưới đây là một vài lợi ích dễ nhận thấy nhất khi tiến hành phân tích kinh doanh.

Phân tích kinh doanh giúp bạn kiểm soát ngân sách tốt hơn.

Nếu giống như hầu hết các công ty nhỏ khác thì ngân sách bạn dành cho marketing sẽ rất hạn hẹp.

Việc sử dụng các bản phân tích kinh doanh sẽ giúp bạn tăng tối đa hoá hiệu quả sử dụng của từng khoản ngân sách bằng cách giúp bạn hiểu khách hàng rõ hơn, dự đoán được nhu cầu không ngừng thay đổi của họ, đạt được lợi thế cạnh tranh và đưa các ý tưởng cải tiến cũng như sản phẩm ra thị trường.

Phân tích kinh doanh giúp ra quyết định sáng suốt hơn.

Nếu bạn không biết cách phải làm sao để sử dụng ngân sách marketing một cách hiệu quả?

Hay những từ khóa nào có hiệu quả cao nhất? Còn việc dự đoán những sản phẩm bạn sẽ bán chạy nhất trong các mùa lễ hội thì sao?

Phân tích kinh doanh sử dụng dữ liệu để hình thành quyết định đồng thời cải thiện độ chính xác, hiệu quả hoạt động và thời gian phản hồi.

Phân tích kinh doanh giúp đánh giá thành tích so với các mục tiêu chung một cách hiệu quả.

Các bản phân tích kinh doanh mang đến cho bạn hình ảnh rõ nét hơn về các mục tiêu và mục đích. Bằng việc sử dụng tính năng trực quan hóa dữ liệu, các doanh nghiệp có thể theo dõi hiệu quả hoạt động hiện tại và trước đây của mình dựa trên các chỉ số đo lường hiệu suất chính (KPI, Benchmark), mục tiêu và mục đích.

Phân tích kinh doanh giúp doanh nghiệp luôn nắm bắt thông tin.

Các chủ doanh nghiệp và nhà tiếp thị có thể sử dụng dữ liệu phân tích để theo dõi xu hướng, hành vi của khách hàng và sự chuyển dịch thị trường.

Dữ liệu này sẽ cho phép bạn nắm rõ tình hình và thay đổi theo cơ chế động khi và trong trường hợp dữ liệu hỗ trợ cho biết đã đến thời điểm hợp lý.

Phân tích kinh doanh giúp xử lý vấn đề trong thời gian thực.

Ngày nay, các doanh nghiệp có thể khai thác dữ liệu ở tốc độ cực nhanh. Nhờ có phân tích kinh doanh, bạn có thể xác định mọi sự cố trong quy trình hoặc hiệu quả hoạt động gần như là ở thời gian thực, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và tài nguyên.

Có những loại hình phân tích kinh doanh nào? 

Trong khi có nhiều cách tiếp cận phân tích kinh doanh khác nhau, dưới đây là các mô hình phân tích kinh doanh phổ biến nhất.

Phân tích kinh doanh mô tả.

Nghiên cứu kỹ dữ liệu của bạn và sử dụng KPI để đánh giá tình hình hiện tại của doanh nghiệp mình. Ví dụ như thông tin trong thời gian thực về nhân khẩu, sở thích và hành vi mua sắm của khách hàng.

Đó có thể là các con số hoặc số liệu tài chính. Có thể là các số liệu xã hội như số lượt thích, số lượng bình luận hay số người theo dõi mà bạn có trên Facebook.

Phân tích mô tả không cố gắng thiết lập các mối quan hệ nhân quả. Đó là những con số cứng nhắc, lạnh lùng nhưng thiết yếu.

Phân tích kinh doanh dự đoán.

Loại hình phân tích này tiến thêm một bước xa hơn. Nó cố gắng dự đoán các hành động trong tương lai dựa trên dữ liệu lịch sử đang thịnh hành. Sau đây là một vài ví dụ:

Sử dụng thông tin có từ trước để dự đoán các loại sản phẩm mà khách hàng của bạn có thể quan tâm dựa trên số liệu gần đây, và khả năng họ sẽ mua tiếp.

Nếu bạn có ngân sách hạn hẹp cho chiến dịch marketing và không đủ khả năng đưa ra ưu đãi giảm giá cho tất cả mọi người, dựa trên phân tích mô tả, phân tích dự đoán có thể thông báo cho bạn về những khách hàng có nhiều khả năng sẽ mua sản phẩm của bạn nhất.

Phân tích kinh doanh đề xuất.

Những gì mà loại hình phân tích kinh doanh này có thể mang lại cho doanh nghiệp đó là cho phép doanh nghiệp nhận thấy và đưa ra các hành động cho các tình huống cụ thể.

Trong khi phân tích mô tả cho biết điều gì đã xảy ra, và phân tích dự đoán cố gắng dự báo sự việc có thể xảy ra tiếp theo, phân tích đề xuất sử dụng thông tin đó để mang đến cho thương hiệu các giải pháp tiềm năng dựa trên những tình huống tương tự (Dữ liệu so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu về tính thời vụ, dữ liệu về việc ra mắt sản phẩm).

Ví dụ như hoạt động bán vé cho một chương trình lễ hội đang chậm trễ hơn so với cùng kỳ năm trước. Phân tích đề xuất có thể gợi ý cần phải hạ giá vé hoặc bổ sung thêm một buổi biểu diễn buổi chiều để ứng phó.

Những tài nguyên phân tích kinh doanh dễ sử dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ là gì?

Những tài nguyên phân tích kinh doanh dễ sử dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ là gì?
Những tài nguyên phân tích kinh doanh dễ sử dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ là gì?

Khi nói tới việc phân tích thế giới trực tuyến của bạn, cho dù đó là trang web hay sự hiện diện trên mạng xã hội, khó hãng nào có thể sánh kịp Google.

Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy chỉ chưa đầy 30% số doanh nghiệp nhỏ sử dụng tính năng phân tích trang web, theo dõi cuộc gọi hay mã phiếu giảm giá.

Khoảng 18% số doanh nghiệp nhỏ thừa nhận không hề theo dõi bất kỳ thông tin nào. Đó chính là nơi Google Analytics có thể phát huy tác dụng.

Bạn có thể đồng bộ hóa các tài khoản Google của mình (bao gồm cả AdSense) để nhận thông tin chi tiết về ROI đối với marketing, các chiến dịch quảng cáo và nhiều nội dung khác.

Tuyệt vời nhất là, bạn có thể dùng thử miễn phí phiên bản cơ bản, phiên bản này có thể đủ mạnh đối với doanh nghiệp nhỏ của bạn. Nếu cần thông tin phân tích chuyên sâu hơn, bạn có thể nâng cấp sau.

  • Phần mềm dễ sử dụng.

Với các công cụ trực quan hiện nay, phân tích kinh doanh chưa bao giờ tự nhiên đến vậy.

Ngày nay, có vô số ứng dụng có giá thành phù hợp — như Power BI — cho phép bạn dễ dàng chuyển đổi dữ liệu thành hình ảnh trực quan, sau đó phân tích và chia sẻ chúng với đồng nghiệp trên bất kỳ thiết bị nào, mang đến cho bạn những thông tin chi tiết có một không hai.

Ngoài ra, các phần mềm như Visio cho phép bạn trình bày ý tưởng của mình theo cách thật sinh động với các biểu đồ dễ đọc được tạo từ các nguồn khác nhau, kể cả dữ liệu Excel hiện có của bạn.

  • Công cụ email và bảng tính tích hợp sẵn.

Rất có thể bạn sẽ có được một số tính năng thu thập dữ liệu cơ bản sẵn dùng. Nhiều bảng tính có sẵn các biểu đồ và đồ thị dễ đọc, sẽ giúp bạn hiểu (và trình bày) dữ liệu của mình rõ hơn, thông qua tính năng định dạng, đường xu hướng và bảng biểu, cùng các tính năng giúp tạo dự báo chỉ bằng một vài cú nhấp chuột.

Điều này cũng tương tự đối với email. Hãy tìm một bảng tính bằng công cụ quản lý mối quan hệ khách hàng (CRM) nhẹ cài sẵn, và bạn có thể dễ dàng quản lý dữ liệu khách hàng, bao gồm email, cuộc họp, cuộc gọi, ghi chú, nhiệm vụ, ưu đãi và hạn chót ở cùng một nơi.

Dữ liệu CRM có thể lưu giữ một kho tàng thông tin quý giá về khách hàng, doanh số và hoạt động marketing của doạnh nghiệp của bạn.

Mọi loại hình doanh nghiệp đều có thể hưởng lợi từ việc sử dụng phân tích kinh doanh.

Cho dù cuối cùng bạn chọn công cụ nào, thì việc tìm hiểu sâu hơn về dữ liệu sẽ giúp bạn luôn kiểm soát tốt ngân sách của mình, theo kịp tiến độ và nắm bắt thông tin.

Kết luận.

Khi bối cảnh kinh tế ngày càng trở nên mơ hồ và khó dự đoán hơn (VUCA), nhu cầu của khách hàng theo đõ cũng biến đổi nhanh hơn, bằng cách thấu hiểu được vai trò của các hoạt động phân tích kinh doanh trong doanh nghiệp là gì, doanh nghiệp có thể sửa đổi, thích ứng và thay đổi nhanh hơn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips