Skip to main content

Thẻ: Visa

CMO của Visa: Cách để phát triển như là một Marketer xuất sắc

Cùng MarketingTrips tìm hiểu về chia sẻ từ CMO (Giám đốc Marketing) của Visa về cách người làm marketing có thể tồn tại và phát triển với tư cách là một marketer xuất sắc.

CMO của Visa: Làm thế nào để phát triển như là một Marketer xuất sắc
CMO của Visa: Làm thế nào để phát triển như là một Marketer xuất sắc

Bên dưới là chi tiết về cuộc trò chuyện giữa Frank Cooper và FastCompany (FC), Frank Cooper hiện là CMO của công ty dịch vụ tài chính và thanh toán Visa, người cũng từng là CMO tại BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, CMO của gã khổng lồ ngành F&B, PepsiCo và Giám đốc Sáng tạo của công ty truyền thông BuzzFeed.

Điều khiến Cooper trở thành một giám đốc marketing thành công là khả năng áp dụng một niềm tin mạnh mẽ rằng, vai trò của ông là sự kết hợp hài hoà giữa mục đích và văn hoá trong việc đạt được các mục tiêu kinh doanh tổng thể của thương hiệu.

Trích lời từ Chủ tịch của Visa, Al Kelly, ông này gọi Cooper là “sự kết hợp hiếm có giữa một chiến lược gia về sáng tạo thương hiệu với sự nhạy bén trong kinh doanh, và một nhà lãnh đạo luôn hiểu rõ các cơ hội của thương hiệu.”

Cuộc phỏng vấn với CMO Cooper cũng thể hiện rõ các thách thức quan trọng nhất mà tất cả các CMO đều phải đối mặt, cách vai trò của CMO đã thay đổi theo thời gian và nhiều nội dung liên quan đến chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu.

FC: Bạn đã gia nhập Visa được một năm. Đâu là điều ngạc nhiên hoặc khác biệt lớn nhất giữa ý tưởng ban đầu của bạn về Visa và cách bạn nhìn nhận nó hiện tại?

Frank Cooper: Điều ngạc nhiên lớn nhất có lẽ là công việc kinh doanh thực sự rất phức tạp. Đó là một tổ chức lớn và có quá nhiều thứ thay đổi cùng một lúc.

Chúng tôi có mã QR, chỉ cần nhấn để thanh toán (tap to pay), có các phương pháp thanh toán không chạm, bạn có thể chuyển tiền, thanh toán, được trả tiền, trao đổi NFT hoặc trao đổi bất kỳ thứ gì có giá trị trong thế giới trò chơi (Gaming).

FC: Visa là một thương hiệu hấp dẫn bởi vì, một mặt, công việc của bạn là tiếp cận và trình bày sự phức tạp đó với thế giới (và người tiêu dùng mục tiêu), mặt khác, Visa cũng là nhà tài trợ lớn tại các sự kiện mang tính toàn cầu như Thế vận hội và World Cup?

Frank Cooper: Một trong những điều tôi thực sự muốn làm xoay quanh khía cạnh tài trợ là tránh xa cái mà tôi gọi là “lạm dụng văn hoá”, nơi mà chúng tôi chỉ đơn giản là tài trợ và cố gắng để có được những ánh hào quang từ điều đó. Tôi không bác bỏ điều đó, tuy nhiên liệu có một cách nào khác để chúng tôi có thể gia tăng giá trị cho trải nghiệm của người hâm mộ, vận động viên hay các nghệ sĩ không? Nếu không, việc chúng tôi xuất hiện cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí càng xuất hiện thương hiệu sẽ càng bị ảnh hưởng. Cách tài trợ truyền thống vẫn có giá trị, tuy nhiên sẽ là có nhiều giá trị hơn nếu chúng tôi đóng góp hay truyền tải một thứ gì đó thực sự có ý nghĩa.

FC: Giám đốc Marketing từ lâu đã là một trong những công việc có thời gian giữ vị trí ngắn nhất trong lớp C-suite [trung bình mỗi CMO chỉ ở vị trí cửa họ từ khoảng 18 đến 24 tháng] và vai trò này cũng đã thay đổi khá nhiều ngoài những thứ liên quan đến sáng tạo hay performance marketing. Bạn sẽ đưa ra lời khuyên nào cho các CMO (cũng như những ai đang mong muốn trở thành CMO) để họ có thể phát triển tốt hơn và “tại vị” lâu hơn?

Frank Cooper: Lời khuyên của tôi dành cho bất kỳ CMO nào, đặc biệt là với những ai lần đầu làm CMO là trước hết bạn phải xây dựng một mối quan hệ sâu sắc và chân thật nhất với cả CEO (Giám đốc điều hành) và CFO (Giám đốc Tài chính). Để làm được điều đó, bạn không thể chỉ nói theo ngôn ngữ của những người làm marketing. Bạn phải nói bằng ngôn ngữ về cách bạn đang thúc đẩy sự tăng trưởng và dịch những gì bạn đang làm sang ngôn ngữ mà họ có thể hiểu.

Nói vậy không có nghĩa là bạn cần phải “hy sinh” hay thay đổi bất kỳ chiến thuật marketing nào; nó chỉ đơn giản là việc thay đổi cách diễn đạt. Thách thức lớn nhất mà tôi đã từng thấy là kỳ vọng của các CEO và CMO rất khác nhau hoặc kết quả mong đợi từ các CFO sẽ rất khác với kết quả mà Marketing đang mang lại cho doanh nghiệp.

CMO có thể nói là vị trí cao nhất của các Marketer. Với vị trí này, bạn đang cố gắng thay đổi nhận thức và hành vi, bạn cố gắng thuyết phục người tiêu dùng của mình và hơn thế nữa. Bạn cũng cần áp dụng logic tương tự đối với các C-suite. Tôi vẫn gọi cái này là “Marketing trong doanh nghiệp”.

FC: Bản thân công việc của các CMO đã phát triển như thế nào trong thập kỷ qua?

Frank Cooper: Theo tôi, đó là một sự thay đổi rất lớn. Rất nhiều người coi công việc của CMO là tạo ra những bước ngoặt lớn: Tạo ra “sức nóng trên thị trường mục tiêu“, tạo ra nhiều nhận thức về thương hiệu (Brand Awareness), xây dựng thị phần hay khiến mọi người bàn tán về thương hiệu. Trong một thập kỷ rưỡi qua, điều này trở thành nguồn gốc của nhiều vấn đề khi các thành viên C-suite đặt câu hỏi rằng điều đó tạo ra giá trị như thế nào cho doanh nghiệp. Hay nói cách khác, điều đó liên quan như thế nào tới doanh thu và lợi nhuận.

Theo tôi, đây chính là lý do chính mà nhiều năm trở lại đây khái niệm Performance Marketing lại trở nên phổ biến đến vậy, các Marketer coi đó là con đường duy nhất họ có thể đi. Tuy nhiên, chuyện gì đến cũng phải đến, cuối cùng, người ta nhận ra rằng mặc dù điều đó có thể tạo ra lợi ích trong ngắn hạn, nhưng các yếu tố dài hạn như giá trị thương hiệu dường như bị bỏ ngỏ.

Trong vòng 5 đến 10 năm qua, thay đổi đáng chú ý nhất mà tôi nhận thấy là sự chồng chéo ngày càng tăng giữa thương hiệu (Brand) và danh tiếng (Reputation). Trong khi thương hiệu tập trung hoàn toàn vào khách hàng và tạo ra các giá trị thương mại, còn Danh tiếng liên quan nhiều hơn đến tính hợp pháp của doanh nghiệp trong xã hội. Đây là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Mọi người muốn một thương hiệu đáp ứng được kỳ vọng của họ với tư cách là người tiêu dùng, nhưng họ cũng quan tâm đến các giá trị của thương hiệu đó. Một nhân viên được đối xử như thế nào? hay [Doanh nghiệp] đóng góp gì cho xã hội? Tất cả đều được quan tâm.

FC: Bạn nghĩ gì về nhiều tuyên bố cho rằng cái gọi là “mục đích thương hiệu” (Brand Purpose) thực sự đã không còn tồn tại?

Frank Cooper: Tôi vẫn là một người tin tưởng sâu sắc vào khả năng lãnh đạo có mục đích (purpose-driven leadership) và xây dựng thương hiệu có mục đích (purpose-driven branding).

Nhưng dần dần, khi bắt đầu áp dụng, mọi người đã hiểu sai ý nghĩa thực sự của những khái niệm này. Họ tin rằng, lãnh đạo và xây dựng thương hiệu có mục đích có nghĩa là doanh nghiệp hay thương hiệu phải xử lý hết tất cả những vấn đề xã hội đang tồn tại, đây là một nhận định chưa đúng đắn.

Toàn bộ ý tưởng của điều này với tôi là hãy gắn nó với các mô hình hoạt động cụ thể của doanh nghiệp, với những gì doanh nghiệp có thể làm với mục tiêu là đóng góp tích cực cho xã hội theo một cách nào đó. Nếu bạn là Amazon, bạn đang cung cấp một dịch vụ giúp tiết kiệm thời gian cho mọi người, và đối với mọi người, tiết kiệm thời gian cũng là một cách để tiết kiệm tiền.

FC: Trong một môi trường thay đổi nhanh chóng như hiện nay, bạn thấy mọi thứ đang đi về đâu? và bạn hào hứng nhất với điều gì?

Frank Cooper: Nhìn chung, tôi rất hào hứng với trò chơi điện tử (video gaming) và đặc biệt là sự trao đổi giá trị diễn ra ở đó. Tôi hào hứng vì nó chính là một cánh cửa phụ dẫn đến thứ cuối cùng gọi là metaverse.

Tôi cũng hào hứng với những nhà sáng tạo nội dung trò chơi, bởi vì những gì chúng ta đang thấy trên nhiều khía cạnh khác nhau đó là cộng đồng người sáng tạo đang phát triển rất mạnh mẽ trong xã hội, từ trên mạng xã hội đến trò chơi (Game) hay âm nhạc.

Đó là một trong những cơ hội thú vị nhất mà tôi thấy trên thị trường.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Kantar: Top 100 thương hiệu có giá trị nhất thế giới trong năm 2021

Theo bảng xếp hạng Top 100 thương hiệu giá trị BrandZ 2021 của Kantar, Amazon đứng số vị trí số 1 năm thứ 3 liên tiếp.

Kantar: Top 100 thương hiệu có giá trị nhất thế giới trong năm 2021

Công ty nghiên cứu thị trường Kantar (có trụ sở tại Anh) vừa công bố bảng xếp hạng 100 thương hiệu giá trị hàng đầu thế giới trong năm 2021.

Vị thế vững vàng của các tập đoàn công nghệ và sự bứt phá mạnh mẽ của doanh nghiệp Trung Quốc là 2 điểm nhấn từ bảng xếp hạng 100 thương hiệu giá trị hàng đầu thế giới năm 2021.

Theo Kantar, tổng giá trị của 100 thương hiệu hàng đầu thế giới ghi nhận tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc 42% trong năm 2020, đạt mức 7.100 tỷ USD.

Các thương hiệu của Mỹ vẫn chiếm ưu thế lớn trong danh sách này, khi đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong năm qua và thâu tóm hầu hết vị trí trong top 10.

10 thương hiệu giá trị nhất năm 2021

Danh sách Kantar công bố xét về giá trị thương hiệu (Brand Value), không tính vốn hóa thị trường hay tổng tài sản các công ty đang nắm giữ.

Giá trị thương hiệu được Kantar tính toán bằng cách phân tích hoạt động tài chính của mỗi công ty, vai trò của thương hiệu trong việc ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người dùng và tầm quan trọng của thương hiệu trong việc mang lại lợi nhuận cho công ty.

Các tập đoàn công nghệ thống trị Top 10.

Trong top 10 thương hiệu giá trị nhất thế giới, các hãng công nghệ chiếm hết 7 vị trí đầu tiên. Amazon có giá trị thương hiệu là 683,9 tỷ USD, tăng 64% so với năm 2020.

Apple theo sau ở vị trí thứ 2 (611 tỷ USD, tăng 74%), trong khi Google giành vị trí thứ 3 (458 tỷ USD, tăng 42%). Xếp thứ 4 là Microsoft (410,3 tỷ USD, tăng 26%).

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent đứng ở vị trí thứ 5 (240,9 tỷ USD, tăng 60%), tiếp theo là Facebook (226,7 tỷ USD, tăng 54%), Alibaba (197 tỷ USD, tăng 29%), Visa (191,3 tỷ USD, tăng 2%), McDonald’s (154,9 tỷ USD, tăng 20%) và Mastercard (112,9 tỷ USD, tăng 4%).

Trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu của top 10 BrandZ Martin Guerrieria mô tả số liệu tăng trưởng của cả Amazon và Apple là “thực sự đáng kinh ngạc”. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có 2 thương hiệu trị giá hơn nửa nghìn tỷ USD”, Martin Guerrieria cho biết thêm.

Trong danh sách 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2021, có sự xuất hiện của 13 thương hiệu mới, bao gồm sự xuất hiện lần đầu tiên của các hãng công nghệ như Nvidia (vị trí 12), Texas Instruments (35), Qualcomm (37), Zoom (52) và Spotify (99).

Hãng xe điện Tesla cũng lần đầu tiên góp mặt trong top 100, với thương hiệu được định giá 4,6 tỷ USD (vị trí 47).

Amazon là hãng hưởng lợi nhiều nhất do sự ảnh hưởng của dịch bệnh trên toàn cầu. Khi nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dùng tăng mạnh, Amazon luôn là cái tên được người dùng lựa chọn đầu tiên.

Chính điều này giúp giá trị thương hiệu của Amazon tăng mạnh trong thời gian qua và trở thành công ty sở hữu thương hiệu giá trị nhất thế giới.

Bên cạnh công nghệ và thương mại điện tử, nhiều nhóm ngành khác cũng chứng kiến mức tăng trưởng giá trị thương hiệu ấn tượng trong năm qua gồm truyền thông, giải trí, kinh tế thuê bao. Đây là những ngành kinh tế có doanh thu tăng mạnh trong đại dịch.

Sự bứt phá từ các doanh nghiệp Trung Quốc.

Lần đầu tiên trong năm nay, các thương hiệu Trung Quốc xuất hiện nhiều hơn các công ty châu Âu.

Kantar cho biết các thương hiệu đến từ Trung Quốc có giá trị tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2021 và nếu cứ tiếp tục giữ đà tăng trưởng này, có thể các thương hiệu Trung Quốc sẽ chiếm đa số trong top 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới vào năm 2022.

Quốc gia tỷ dân chiếm tới 14% danh sách 100 thương hiệu hàng đầu, trong khi châu Âu chỉ chiếm 8%. 4 trong tổng số 5 thương hiệu có giá trị thương hiệu tăng hơn gấp đôi trong năm ngoái, cũng là những cái tên đến từ Trung Quốc.

Trong top 10, Trung Quốc sở hữu 2 cái tên là Alibaba và Tencent, còn ở vị trí thứ 11 là Mao Đài – thương hiệu đồ uống phát triển nhanh nhất hiện nay.

Trong số 10 thương hiệu có giá trị tăng trưởng mạnh nhất năm 2021, có đến 5 thương hiệu thuộc về Trung Quốc.

Với các thương hiệu Anh, tình trạng khó khăn vẫn tiếp tục. Vodafone, ở tuổi 60, là đại diện duy nhất của xứ sở sương mù trong 100.

Ngược lại, Thụy Điển hiện có 2 thương hiệu trong bảng xếp hạng, với gương mặt mới Spotify bên cạnh gã khổng lồ Ikea.

2 cái tên tiêu biểu mới với sự tăng trưởng thần tốc.

Kantar cũng công bố danh sách những thương hiệu có giá trị tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2021.

Hãng xe điện Tesla đứng đầu danh sách này, khi cổ phiếu của công ty tăng mạnh trong thời gian qua giúp giá trị vốn hóa thị trường tăng trưởng mạnh. Giá trị thương hiệu của Tesla tăng lên đến 275% trong năm 2021, đạt mức 42,6 tỷ USD.

Xếp thứ 2 trong danh sách các thương hiệu tăng trưởng mạnh nhất là TikTok, với mức tăng 158%, đạt giá trị 43,5 tỷ USD.

Sự thay đổi vị trí trong bảng xếp hạng thương hiệu được cho là rất “chóng mặt” và việc lọt vào top 10 vào năm sau sẽ là một thách thức lớn đối với bất kỳ thương hiệu nào.

Nhưng “những công ty như Tesla và TikTok, tôi nghĩ rằng có thể làm được”, Martin Guerrieria nhận định. “Tesla và TikTok đều là thương hiệu mới nhưng khẳng định giá trị nhanh chóng”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Visa mua lại Tink với giá 2.1 tỷ USD, một startup trong lĩnh vực fintech đến từ Thụy Điển

Visa đã đồng ý mua lại công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính của Thụy Điển Tink với giá 1.8 tỷ euro (2.1 tỷ USD). Thoả thuận đến sau khi Visa từ chối việc mua lại Plaid, một đối thủ của Tink.

Visa mua lại Tink
Visa mua lại Tink với giá 2.1 tỷ USD, một startup trong lĩnh vực fintech đến từ Thụy Điển

Cả Plaid và Tink đều hoạt động trong một không gian còn khá non trẻ vốn được gọi là ngân hàng mở (open banking), những ứng dụng này kêu gọi người cho vay (lenders) cung cấp cho các công ty của bên thứ ba quyền truy cập vào dữ liệu ngân hàng của người tiêu dùng, miễn là họ đã nhận được sự đồng ý.

Các ngân hàng mở đã phát triển thịnh vượng ở Anh và EU nhờ các quy định mới.

Ông Al Kelly, CEO của Visa, cho biết trong một tuyên bố”

“Visa cam kết làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy sự đổi mới và trao quyền cho người tiêu dùng để hỗ trợ cho các mục tiêu ngân hàng mở của Châu Âu.

Bằng cách kết hợp mạng lưới của Visa và năng lực ngân hàng mở của Tink, chúng tôi sẽ mang lại thêm giá trị cho người tiêu dùng và doanh nghiệp của Châu Âu bằng các công cụ giúp cuộc sống tài chính của họ trở nên đơn giản, đáng tin cậy và an toàn hơn”.

Được thành lập bởi các doanh nhân người Thụy Điển là Daniel Kjellén và Fredrik Hedberg vào năm 2012, Tink khởi đầu là một ứng dụng quản lý tài chính nhưng sau đó đã chuyển hướng sang tập trung vào việc cung cấp các giải pháp công nghệ của mình cho các doanh nghiệp khác.

Visa mua lại Tink
Tink co-founders Daniel Kjellén và Fredrik Hedberg.

Công ty khởi nghiệp này được thành lập tại Stockholm vào năm 2012 và có khoảng 400 nhân viên, với công nghệ kết nối với hơn 3.400 ngân hàng, tiếp cận hơn 250 triệu khách hàng của ngân hàng trên khắp Châu Âu.

Công nghệ của Tink cho phép các ngân hàng và công ty fintech kết nối với hơn 3.400 người cho vay (lender) để tạo ra các sản phẩm tài chính mới.

Tink lần cuối cùng được định giá là 680 triệu euro. Ứng dụng đã huy động được hơn 300 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm PayPal, SEB và ABN AMRO.

Nhà sáng lập Tink cho biết:

“Khi chúng tôi biết đến Visa, rõ ràng là chúng tôi có chung một sứ mệnh – sứ mệnh kết nối thế giới tài chính, đẩy nhanh tốc độ phát triển và thích ứng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số trên toàn thế giới.”

“Hợp tác với Visa cũng có nghĩa là giờ đây chúng tôi sẽ có thể tiến nhanh hơn và vươn xa hơn bao giờ hết và chúng tôi biết rằng Visa là đối tác hoàn hảo cho giai đoạn tiếp theo trong hành trình của chúng tôi.”

Việc Visa mua lại Tink là một trong những thương vụ tạo nên làn sóng hợp lực mới nhất trong ngành thanh toán (payments industry), vốn rất khổng lồ về mặt quy mô.

Visa đã từng cố gắng mua lại Plaid vào năm ngoái, nhưng cuối cùng đã từ bỏ sau khi bị Bộ Tư pháp Mỹ khởi kiện với lý do chống độc quyền.

Visa cho biết, thỏa thuận mua lại Tink sẽ phải tuân thủ các phê duyệt theo quy định và các điều kiện đóng cửa thông thường khác.

Visa cũng cho biết thêm là Tink sẽ giữ nguyên đội ngũ quản lý và xây dựng thương hiệu của mình sau thương vụ này, trong khi trụ sở chính của công ty cũng sẽ vẫn ở Stockholm.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Long Trần | MarketingTrips