Skip to main content

Trung Quốc: Hoặc là giảm giá để giữ người tiêu dùng hoặc để mất thị phần vào tay đối thủ

11 Tháng Một, 2024

Nhiều thương hiệu ở Trung Quốc, từ nội địa cho đến quốc tế, đang mạnh tay giảm giá để giữ chân khách hàng. Những công ty không tham gia cuộc đua hạ giá đang chứng kiến thị phần rơi vào tay đối thủ.

Thay đổi lớn

Combo bao gồm sandwich thịt gà, khoai tây rán và nước ngọt của KFC chỉ có giá 3 USD. Một siêu thị Đức bán bia giá 1,2 USD/lon. Một chuỗi hàng tạp hóa mới mở bán thực phẩm sắp hết hạn với giá giảm sâu.

Trên đây là một số ưu đãi mà các thương hiệu ngoại và nội địa tung ra để thu hút khách hàng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Người tiêu dùng Trung Quốc đang cố gắng tiết kiệm nhiều nhất có thể trong bối cảnh niềm tin vào nền kinh tế giảm sút.

Trên các con phố thời thượng của Trung Quốc, các quảng cáo giảm giá và ưu đãi đặc biệt dành cho quần áo, mỹ phẩm và hàng loạt sản phẩm khác xuất hiện khắp nơi.

Advertisement

Theo tờ Bloomberg, điều này cho thấy thái độ của người tiêu dùng đã có sự thay đổi đáng chú ý, buộc các nhà bán lẻ phải nhanh chóng hành động.

Chuỗi hàng tạp hóa Freshippo của Alibaba là điểm đến hàng đầu của giới thượng lưu và trung lưu Trung Quốc với các sản phẩm thịt, hải sản và bánh mì cao cấp. Tháng 10 năm ngoái, Freshippo thông báo sẽ giảm giá hơn 5.000 mặt hàng, đồng thời bổ sung các “quầy thực phẩm” bán đồ gần hết hạn để thu hút khách hàng.

Tại thị trường Trung Quốc, trong nhiều năm qua, chuỗi siêu thị Aldi của Đức định vị là nhãn hiệu ở phân khúc cao cấp hơn. Nhưng họ đã thay đổi lập trường vào năm ngoái sang mô hình siêu thị bình dân và công bố khẩu hiệu mới: “Chất lượng tốt và giá vừa đủ”.

Các thương hiệu và doanh nghiệp thường định vị là lựa chọn cao cấp cho giới trung lưu Trung Quốc đang nỗ lực cung cấp cho khách hàng mức giá phải chăng hơn.

Advertisement

Điều này cho thấy sự thay đổi lớn trong chiến lược của doanh nghiệp nhằm mục tiêu thúc đẩy doanh số trong môi trường kinh tế mới của Trung Quốc, đồng thời cho thấy triển vọng của những công ty này trở nên bớt tươi sáng hơn.

Trong khi đó, những thương hiệu không chịu giảm giá như chuỗi cà phê Starbucks đang để mất khách hàng vào tay các đối thủ giá rẻ hơn.

Trong một lưu ý phát hành vào ngày 5/1, các nhà phân tích của JPMorgan cho biết “không tay chơi nào miễn nhiễm” trước sự suy yếu của nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc. JPMorgan dự đoán các chương trình giảm giá sẽ bào mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp cho đến khi cuộc chiến giá cả kết thúc giai đoạn leo thang và bình thường hóa trở lại.

Giá tiêu  dùng tại Trung Quốc đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng ba năm, làm dấy nên nỗi lo nước này có thể rơi vào vòng xoáy giảm phát. Đa số các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tập trung khống chế lạm phát, còn Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thì cam kết sử dụng chính sách tiền tệ để thúc đẩy giá lên cao hơn.

Advertisement

Cuộc đua xuống đáy

Các công ty cao cấp chưa tham gia vào cuộc đua đang phải gánh chịu hậu quả. Starbucks từng chiếm hơn một nửa thị phần cà phê của Trung Quốc nhưng phải nhường lại ngôi vị chuỗi cà phê lớn nhất cho đối thủ Luckin vào năm ngoái.

Starbucks báo cáo doanh thu tại Trung Quốc đạt 822 và 841 triệu USD trong hai quý vừa qua, còn Luckin ghi nhận doanh thu khoảng 870 triệu và 1,01 tỷ USD USD trong giai đoạn tương ứng. Mỗi cốc cà phê Luckin bán có giá thấp nhất 9,9 nhân dân tệ (khoảng 1,39 USD).

Ông Jason Yu, Giám đốc điều hành của công ty phân tích Kantar Worldpanel khu vực Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau, cho biết: “Năm ngoái, chiến lược giá thấp được các thương hiệu tiêu dùng sử dụng rộng rãi trong bối cảnh nền kinh tế gặp áp lực và niềm tin người tiêu dùng suy yếu”.

Trước mắt, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các doanh nghiệp sẽ sớm tăng giá. Ông Yu dự đoán: “Xu hướng giảm phát sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2024”.

Advertisement

Không ít nhà bán lẻ có tiếng như Apple, Nike, hay gã khổng lồ ngành F&B Haidilao và Starbucks hạ dự báo doanh thu hoặc bị các nhà phân tích điều chỉnh giá mục tiêu của cổ phiếu, tờ Bloomberg cho biết.

Các nhà phân tích của JPMorgan viết: “Hầu hết các thương hiệu cung cấp dịch vụ ăn uống đều đang bổ sung chương trình khuyến mãi nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng… Các rủi ro lớn bao gồm cuộc chiến hạ giá sẽ kéo dài bao lâu, nhu cầu mất bao nhiêu thời gian để phục hồi và liệu doanh nghiệp có hạ mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2024 không”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Advertisement

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement