Skip to main content

Liệu SEA nên bán “cỗ máy đốt tiền” Shopee để tập trung vào Garena?

30 Tháng Ba, 2020

Hiện tại, Garena vẫn là mảng kiếm tiền còn Shopee là mảng đốt tiền trong hệ sinh thái kinh doanh của SEA Ltd.

Báo cáo tài chính đầy đủ năm 2019 mà Sea Ltd công bố gần đây cho thấy những khoảng cách rõ ràng về tình hình hoạt động của mảng game Garena và mảng thương mại điện tử Shopee.

Trong khi Garena có về lợi nhuận cao, Shopee lại là cỗ máy đốt nhiều tiền của SEA. Nhiều chuyên gia cho rằng SEA nên tách hai mảng kinh doanh thành hai công ty độc lập để từ đó Garena có thể đạt được tối đa triển vọng, theo Tech In Asia.

Advertisement

Dù thế, Shopee đang có trong tay vị thế dẫn đầu trong mảng TMĐT ở Đông Nam Á và thuộc nhóm 5 ứng dụng được tải về nhiều nhất trong khu vực, theo App Annie.

Trong năm 2019, tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) mà Shopee đạt được tăng 71% để chạm mốc 17,6 tỉ USD. Doanh thu sau điều chỉnh tăng 224% lên mức 942 triệu USD khi Shopee nỗ lực kiếm tiền từ GMV ngày càng phình to.

Nhìn chung, những con số vẽ lên hình ảnh của một mảng kinh doanh đang lên. Song Shopee lại có chỉ số EBITDA (Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) âm trong năm 2019.

Biên lợi nhuận gộp của Shopee âm cho thấy nó đang chiết khấu khá nhiều doanh số bán hàng cho cuộc đua thị phần và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.

Advertisement

Hai thái cực trái ngược

Ngược lại, mảng trò chơi Garena của Sea Ltd lại cho thấy những điểm sáng ấn tượng.

Năm 2019, doanh thu mảng này nhảy vọt 172% chạm mốc 1,8 tỉ USD và mang về 1 tỉ USD lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao, tương đương biên lợi nhuận EBITDA tới 40%.

Ngay cả khi Shopee có lãi, biên lợi nhuận của mảng thương mại điện tử cũng khó lòng chạm tới mức của Garena. Garena đang kiếm tiền để Shopee đốt tiền.

Tech In Asia cho rằng đây không phải là một chiến lược tối ưu đối với những đồng vốn của cổ đông.

Advertisement

Ví dụ, Shopee “đốt” 765 triệu USD vào hoạt động bán hàng và marketing trong năm 2019. Tất cả chỉ để mang về 942 triệu USD doanh thu và khoản lỗ EBITDA 1 tỉ USD.

Trong khi đó, Garena chỉ dùng 109 triệu USD chi phí bán hàng và marketing nhưng đủ để mang về doanh thu 1,8 tỉ USD và dòng lợi nhuận EBITDA dương 1 tỉ USD.

Tech In Asia đã liên hệ với SEA để phỏng vấn về những con số nhưng công ty từ chối.

Câu chuyện đốt tiền để giành vị thế dẫn đầu và chiến thắng vốn là điều giới doanh nghiệp chấp nhận trong mảng TMĐT một vài năm trở lại đây.

Advertisement

Một phần chiến lược dài hạn của SEA với Shopee rõ ràng là để tận dụng lợi thế ở mảng TMĐT, từ đó khai thác các mảng dịch vụ khác, trong đó có dịch vụ tài chính. Sea là một trong những công ty đang chạy đua để có giấy phép hoạt động ngân hàng số ở Singapore. Ở góc nhìn này, có thể thấy rõ những toan tính của Sea với Shopee dù càng làm càng lỗ.

Mảng kiếm tiền chính

Nếu Garena là một mảng kinh doanh đã bão hoà, việc đầu tư dòng tiền từ nó vào các mảng kinh doanh mới, có tốc độ tăng trưởng cao như Shopee là chiến lược hợp lí.

Thế nhưng, Garena không phải một mảng kinh doanh như vậy. Nó vẫn kiếm tiền tốt và có tiềm năng tăng trưởng khổng lồ. Mỗi đồng vốn Sea bỏ vào Garena mang về nhiều lợi ích hơn rất nhiều so với Shopee.

Vì thế, hãy thử tưởng tượng sẽ thế nào nếu như Garena để tái đầu tư toàn bộ lợi nhuận vào chính nó thay vì rót sang cho Shopee.

Advertisement

Tech In Asia nhận định có lẽ thị trường và các nhà đầu tư thích câu chuyện của Shopee hơn Garena. Khi SEA thực hiện IPO vào năm 2017, Shopee là nhân tố chính khiến nó thu hút được thêm vốn đầu tư.

Chiến lược của SEA đã phát huy tác dụng khi nó hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, nhất là khi câu chuyện ở mảng TMĐT thu hút nhiều sự chú ý hơn mảng phát triển game. Song mọi chuyện đang dần thay đổi.

Sau sự vụ liên quan đến WeWork, các nhà đầu tư đang quan tâm đến lợi nhuận hơn bao giờ hết. Ngay cả khi một doanh nghiệp có câu chuyện hay đến đâu, nếu không tạo ra lợi nhuận, nó cũng dần nhạt nhoà.

Hà Anh | MarketingTrips 

Advertisement

Theo Kinh tế và Tiêu dùng

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement