Skip to main content

Thẻ: Adidas

Adidas vừa công bố khoản thua lỗ đầu tiên sau hơn 30 năm

Gã khổng lồ bán lẻ thời trang thể thao Adidas của Đức vừa công bố năm thua lỗ đầu tiên sau hơn 30 năm, thương hiệu này đang đặt kỳ vọng tăng trưởng vào thị trường Trung Quốc.

Adidas vừa công bố khoản thua lỗ đầu tiên sau hơn 30 năm
Adidas vừa công bố khoản thua lỗ đầu tiên sau hơn 30 năm

Lần đầu tiên kể từ 1992, Adidas báo lỗ 58 triệu euro (63,4 triệu USD) vào năm 2023. Vào 2022, công ty đạt lợi nhuận ròng 254 triệu euro (277,61 triệu USD).

Kinh doanh của hãng đồ thể thao Đức đi xuống sau khi họ cắt đứt quan hệ với ngôi sao Kanye West vào tháng 10/2022. Từng mang lại lợi nhuận cao, dòng giày thể thao Yeezy theo hợp tác đôi bên phải dừng sản xuất mới.

Giám đốc điều hành Adidas Bjorn Gulden, nỗ lực thanh lý lượng giày Yeezy còn tồn kho, tìm cách cải thiện mối quan hệ với các nhà bán lẻ. Nắm bắt giày thể thao đế thấp được ưa chuộng, công ty tăng sản xuất dòng Samba và Gazelle, giúp doanh số giày dép tăng 8% vào quý IV, trong khi bán hàng may mặc giảm 13%.

Trong năm đầu tiên Bjorn Gulden giữ ghế CEO vừa qua, cổ phiếu Adidas phục hồi, vượt trội so với Nike và Puma. “Vẫn chưa đủ tốt nhưng năm 2023 đã kết thúc hơn những gì tôi mong đợi hồi đầu năm”, Gulden nói.

Thomas Joekel, Giám đốc đầu tư tại Union Investment đánh giá Adidas đã đi đúng hướng kể từ khi Bjorn Gulden tiếp quản vị trí điều hành. “Sức nóng thương hiệu ngày càng tăng. Điều này cũng có thể thấy từ việc hiện có ít sản phẩm phải bán giảm giá hơn”, ông đánh giá.

Adidas kỳ vọng hoạt động kinh doanh cơ bản – ngoại trừ Yeezy – sẽ cải thiện năm nay, với mức tăng trưởng ít nhất 10% trong nửa cuối năm. Công ty kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn, với doanh số tăng hai con số sau khi tăng 8% vào năm 2023.

Ngược lại, thị trường Bắc Mỹ dự báo tiếp tục suy yếu với doanh số bán hàng sẽ giảm khoảng 5% năm nay. Nhu cầu thấp hơn và tồn kho cao đã đè nặng lên hoạt động kinh doanh tại đây từ năm ngoái. Adidas cho biết doanh số ở Bắc Mỹ đã giảm 21% trong quý IV và 16% cả năm.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

CEO Adidas: Họ nói tôi điên khi công khai số điện thoại tới hơn 60.000 nhân viên (và nhận hàng trăm tin nhắn mỗi tuần)

Giám đốc điều hành của Adidas, Bjørn Gulden, cho biết đã chia sẻ số điện thoại di động cá nhân của mình với hơn 60.000 nhân viên và nhận hàng trăm tin nhắn mỗi tuần.

Theo chia sẻ, CEO này công khai số điện thoại với mục tiêu thúc đẩy tính minh bạch trong doanh nghiệp. Bjørn Gulden vốn là cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, và ông bắt đầu nắm quyền điều hành Adidas kể từ tháng 1 năm 2023.

Sau khi công khai số điện thoại của mình, CEO Adidas cho biết có một khoảng thời gian, một số nhân viên đã liên hệ với ông khoảng 200 lần mỗi tuần để yêu cầu ông thực hiện những thay đổi cần thiết đối với công ty.

“Một số người nghĩ rằng tôi điên”, CEO này nói trong một buổi trao đổi với các lãnh đạo.

Trước khi làm CEO Adidas, Gulden đã làm việc 9 năm tại Puma, nơi mà ông được ghi nhận là người đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong doanh số bán hàng.

Sau hàng loạt tranh cãi liên quan đến bình luận chống Do Thái của ngôi sao nhạc Rap Kanye West (đối tác của Adidas), cùng với đó là mức doanh số bán hàng sụt giảm kèm thêm sự bất mãn của nhiều nhân viên, Gulden cho biết ông nhận thức được rằng việc xoay chuyển tình thế của Adidas sẽ là một thách thức lớn.

Giống như đã làm ở Puma, Gulden đã nhanh chóng tạo được ảnh hưởng tại Adidas, bắt đầu bằng việc sa thải các nhà tư vấn mà ông cho rằng đã đưa ra những quyết định mà các chuyên gia thực sự sẽ không làm như vậy.

Một số thay đổi khác của Gulden bao gồm việc tìm kiếm các thị trường mới, thống nhất hoạt động truyền thông ở cấp cao nhất của doanh nghiệp để ông có nhiều báo cáo trực tiếp hơn từ các trưởng bộ phận.

CEO này cho rằng Adidas hiện đang trên đà đạt được lợi nhuận trở lại trong năm nay.

Trong nhiều thập kỷ, đối thủ cạnh tranh chính của Adidas là Nike luôn là công ty số một trong ngành. Nike gần đây cũng đã chấm dứt mối quan hệ hợp tác mang tính biểu tượng với Tiger Woods, mối quan hệ này bắt đầu từ năm 1996.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Anta – Thương hiệu Trung Quốc vượt qua cả Nike và Adidas tại thị trường nội địa

Mặc dù Nike và Adidas là các thương hiệu toàn cầu tuy nhiên lại tỏ ra rất khó khăn trong việc đối đầu với các thương hiệu nội địa như Anta hay Li-Ning tại thị trường Trung Quốc. 

Anta - Thương hiệu Trung Quốc vượt qua cả Nike và Adidas tại thị trường nội địa
Anta – Thương hiệu Trung Quốc vượt qua cả Nike và Adidas tại thị trường nội địa

Năm 2022, Nike ghi nhận mức tăng trưởng doanh số bán hàng hàng quý tại Trung Quốc ở mức âm, giảm tới 24% trong quý 2/2022, trong khi các đối thủ cạnh tranh như Li-Ning và Anta đạt mức tăng trưởng từ 15% trở lên.

Trong khi đó, theo Zacks Equity Research, giá cổ phiếu của Nike đã giảm 10,85% trong tháng 6 tính đến ngày 13/6.

Các nhà phân tích Trung Quốc đang khuyên nhà đầu tư không nên mua cổ phiếu của Nike vì lo ngại thương hiệu này khó đạt được mục tiêu dài hạn là tăng trưởng doanh số.

Nguyên nhân xuất phát từ việc tẩy chay các thương hiệu đến từ phương Tây của người tiêu dùng nội địa. Đặc biệt là khi Nike có lập trường phản đối bông sản xuất tại Tân Cương vào tháng 3/2021. Bên cạnh đó, gã khổng lồ có trụ sở tại Mỹ còn phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng loạt nhãn hàng nội địa Trung Quốc.

Người tiêu dùng Trung Quốc và các thương hiệu đến từ phương Tây.

Năm 2021, Phương Tây đã cáo buộc Trung Quốc cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ lao động trên các cánh đồng bông ở Tân Cương, và giam giữ người Duy Ngô Nhĩ trong các “trại cải tạo” ở khu vực này.

Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc trên, nói rằng đó chỉ là những trại đào tạo nghề và là điều cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Theo đó, hàng loạt các công ty phương Tây đã chịu phản ứng dữ dội và tẩy chay từ người tiêu dùng ở Trung Quốc vì phản đối mua bông sản xuất ở Tân Cương, Nike là một trong số đó.

Trước khi diễn ra tranh cãi nói trên, hoạt động kinh doanh của Nike tại Trung Quốc đang bùng nổ. Gã khổng lồ đồ thể thao có trụ sở tại Mỹ ghi nhận 7 năm liên tiếp tăng trưởng ở mức 2 con số.

Trong 3 tháng tính đến tháng 2/2023, doanh thu của Nike tăng 1%. Phần lớn đến từ việc Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh hạn chế từ Covid-19 và nhu cầu tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán.

Nike và Adidas phải cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu nội địa.

Dù mức tăng trưởng doanh số hàng quý suy giảm, Nike vẫn đứng đầu thị trường thể thao tại Trung Quốc với 22,6% thị phần vào năm 2022.

Tuy nhiên, thương hiệu này cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu nội địa như Anta, Anta đã vượt qua Adidas (11.2% thị phần) để giành vị trí thứ 2 với 20,4% thị phần, Li-Ning đứng thứ 4 với 10,4%.

Source: Statista

Hiệu suất của thương hiệu Nike nói trên là không đủ để gây ấn tượng với nhà đầu tư hoặc nâng giá cổ phiếu.

Sở dĩ Anta trở nên nổi tiếng nhờ trở thành đối tác trang phục thể thao chính thức của Thế vận hội mùa đông 2022.

Bên cạnh đó, thương hiệu này còn hợp tác vói những tên tuổi nổi tiếng như vận động viên trượt tuyết Eileen Gu, hay diễn viên Vương Nhất Bác (người từng là đại sứ thương hiệu của Nike).

Kết thúc năm 2022, doanh thu năm của Anta đạt 7,8 tỷ USD, lần đầu vượt qua con số 7,2 tỷ USD của Nike tại thị trường Trung Quốc (doanh thu toàn cầu năm 2022 của Nike là hơn 46 tỷ USD).

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Câu chuyện thương hiệu Adidas: Từ xưởng giày sau nhà thành thương hiệu toàn cầu

Câu chuyện thương hiệu của Adidas là nguồn cảm hứng cho các công ty khởi nghiệp. Ông chủ Adolf Dassler bỏ học làm bánh để mở xưởng giày, lèo lái Adidas qua nhiều thăng trầm của kinh tế Đức sau chiến tranh.

Câu chuyện thương hiệu Adidas
Câu chuyện thương hiệu Adidas: Từ xưởng giày sau nhà thành thương hiệu toàn cầu | iStock

Adidas là thương hiệu đồ thể thao hàng đầu thế giới, với những đôi giày thuộc hàng đắt đỏ nhất hành tinh. Theo hãng nghiên cứu Macro Trends, giá trị của Adidas tính đến tháng 1/2023 là 30 tỷ USD. Tuy nhiên, trước khi trở thành công ty tỷ USD như ngày nay, hãng này chỉ là một cửa hàng giày nhỏ trong phòng giặt của gia đình.

Adidas được sáng lập bởi Adolf Dassler. Adolf sinh năm 1900 tại thị trấn Herzogenaurach (Đức), trong một gia đình nghèo có 4 người con, với cha là thợ đóng giày và mẹ làm giặt là. Sau khi học xong trung học, ông học làm bánh theo mong muốn của cha. Tuy nhiên, đây không phải là đam mê của ông. Vì thế, Adolf lại quay về học đóng giày.

Ngoài công việc, Adolf cũng thích thể thao. Ông tham gia nhiều môn, từ bóng đá, boxing đến trượt tuyết. Nhờ đó, ông nhận ra một điều sau này đã giúp Adidas thành công: Tất cả vận động viên khi đó đều đi cùng một loại giày. Adolf cho rằng nếu có thể thiết kế những loại giày khác nhau cho từng môn thể thao, người đi chúng sẽ có lợi thế lớn.

Năm 1919, Đức trải qua suy thoái kinh tế tồi tệ sau Đại chiến Thế giới I. Việc làm ngày càng khan hiếm. Tuy nhiên, Adolf không muốn bỏ qua giấc mơ của mình. Ông cải tạo khu giặt giũ sau nhà của mình để thành nơi đóng giày. Với kỹ năng học được, Adolf kiếm tiền nhờ sửa giày cho người dân trong vùng.

Việc này giúp ông có thời gian và nguồn lực tạo ra những đôi giày thể thao chuyên dụng đầu tiên. Một trong những sáng tạo đầu tiên của Adolf là giày chạy dùng trong sân vận động – ý tưởng mới mẻ với lĩnh vực thể thao thời đó.

Adolf cũng rất sáng tạo trong quá trình sản xuất. Ví dụ, khi nguồn điện không ổn định, ông nối máy móc với xe đạp và nhờ một nhân viên đạp để tạo ra điện.

Năm 1924, anh trai của Adolf là Rudolf cùng tham gia với ông. Họ mở công ty, đặt tên là Dassler Brothers Shoe Factory (Xưởng giày của anh em Dassler). Đây là sự kết hợp mang tính bổ sung, vì Adolf rất giỏi đóng giày, còn Rudolf có năng khiếu bán hàng và quảng cáo. Khi kinh tế Đức dần phục hồi, việc kinh doanh cũng nhanh chóng bùng nổ.

Năm 1926, cả hai đủ tiền chuyển xưởng đóng giày sang địa điểm mới. Ở đây, họ có thể làm hàng trăm đôi giày mỗi ngày. Quy mô công ty nhanh chóng tăng lên và Adolf quyết định mở rộng sản xuất ra ngoài địa phương. Ông tham dự gần như mọi sự kiện thể thao lớn và nói chuyện với các vận động viên, thuyết phục họ thử giày của mình.

Những nỗ lực và quyết tâm của ông đã có kết quả. Nhiều vận động viên hàng đầu của Đức đã dùng giày của họ tại Olympics Amsterdam năm 1928.

Adolf luôn điều chỉnh giày đi thử theo phản hồi của từng vận động viên, để đảm bảo họ có sản phẩm tốt nhất. Ông cũng tạo quan hệ với đội tuyển điền kinh Đức, thông qua huấn luyện viên Josef Waitzer.

Sự hợp tác này không chỉ giúp Adolf có những phản hồi quý giá về sản phẩm, mà còn giúp giày của hai anh em được nhiều vận động viên sử dụng hơn trong Olympic. Ở thời điểm các vận động viên chưa có nhà tài trợ chuyên nghiệp, đây là chiến lược marketing đột phá của anh em nhà Dassler.

Đến Olympic Berlin 1936, Adolf quyết định tài trợ cho các vận động viên hàng đầu. Ông thậm chí thuyết phục vận động viên điền kinh nổi tiếng của Mỹ khi đó là Jesse Owens đi giày của họ và đã được đồng ý.

Owens sau đó giành được tới 4 huy chương vàng tại Olympic Berlin, phá vỡ nhiều kỷ lục, khiến giày của anh em nhà Dassler càng nổi tiếng. Công ty của họ bắt đầu hiện diện quốc tế nhiều hơn.

Vài năm sau đó, Đại chiến Thế giới II nổ ra, khiến việc kinh doanh bị gián đoạn vì thiếu thốn nguyên vật liệu và nhân lực. Adolf và Rudolf lần lượt phải nhập ngũ, khiến công ty càng gặp khó. Những bất đồng về cách duy trì công ty trong chiến tranh và các hiểu lầm sau đó khiến hai anh em Adolf và Rudolf quyết định không làm việc với nhau nữa.

Năm 1949, Rudolf nhận nửa công ty và nhân viên, thành lập thương hiệu riêng với tên Ruda. Sau này, ông đổi tên thành Puma, vì Ruda không mang tính thể thao. Cùng năm đó, Adolf thành lập Adidas, tạo ra từ chính tên mình – Adolf (Adi) Dassler (das).

Những năm sau chiến tranh rất khó khăn với Adidas, khi kinh tế Đức lại rơi vào khủng hoảng. Adolf phải dựa vào sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp để vượt qua. Ông tận dụng nhiều mối quan hệ để có nguồn nguyên liệu dư thừa từ chiến tranh. Ông phải làm giày từ lớp lót bình nhiên liệu trên máy bay, bè cao su và vải lều.

Sau khi ngừng hợp tác với anh trai, Adolf cũng muốn sản phẩm của mình có thiết kế độc đáo, dễ nhận ra dù là đi dưới chân. Ông đã thử nghiệm nhiều thiết kế và cuối cùng cho ra đời logo 3 vạch kẻ song song như hiện tại.

Khi kinh tế Đức dần phục hồi, Adofl và vợ Käthe đã lèo lái Adidas tăng trưởng mạnh. Käthe tham gia vào việc bán hàng, quản lý nhân lực, giúp Adolf tập trung vào việc ông làm tốt nhất. Đến thập niên 60, Adidas đã có hơn 500 nhân viên và là hãng sản xuất giày thể thao lớn nhất thế giới.

Adolf được mô tả là người tận tụy với công việc. Ông nghiên cứu rất kỹ chuyển động của các vận động viên để có ý tưởng cho sản phẩm mới, đặc biệt là khi các môn thể thao bắt đầu được phát trên TV. Năm 50 tuổi, Adolf vẫn chơi nhiều môn thể thao để bám sát quá trình phát triển sản phẩm.

Năm 1986, nhóm nhạc Mỹ Run-DMC sáng tác ca khúc My Adidas để thể hiện sự yêu thích của mình với sản phẩm của hãng này. Người hâm mộ của nhóm sau đó đã đổ xô mua giày Adidas. Ấn tượng với việc này, Adidas đã ký thỏa thuận trị giá 1,6 triệu USD với Run-DMC, tạo nên một trong những vụ hợp tác đáng nhớ nhất lĩnh vực giày thể thao.

Adidas sau đó tích cực liên kết với giới nghệ sĩ để quảng bá thương hiệu. Hãng này nổi tiếng với việc hợp tác với các vận động viên và rapper. Cầu thủ bóng đá David Beckham và huyền thoại boxing Muhammad Ali cũng từng hợp tác với Adidas.

Adolf qua đời năm 1978. Käthe sau đó tiếp tục điều hành công ty cùng con trai Horst cho đến khi bà mất năm 1984.

Hiện tại, Adidas là một trong những thương hiệu trang phục thể thao hàng đầu thế giới, bên cạnh Nike hay Puma. Doanh thu năm 2021 của Adidas là 25 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2020. Lợi nhuận hoạt động là 2,3 tỷ USD.

Tính đến 2022, riêng mảng giày dép, Adidas chiếm khoảng 10% thị phần toàn ngành.

Hà Thu (theo The Richest, Game Plan A)

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Lý do adidas và Nike đổ tiền thật vào thế giới ảo

Các khoản đầu tư vào đất ảo và dự án trong metaverse đang bùng nổ, nhiều lô đất kỹ thuật số được bán với giá cả triệu USD. 

Tám tháng trước, Chris Adamo là một trong những người đầu tiên mua lô đất gồm 23 mảnh trong Sandbox, thế giới vũ trụ ảo (metaverse) với các nội dung do người dùng tự tạo ra.

Trong thế giới ấy, “lô đất” của anh, đúng ra chỉ là những điểm ảnh trong phần mềm, nằm cạnh một lô của adidas và cộng đồng Bored Ape Yacht Club.

Sau gần 6 tháng, giá trị mảnh đất đó đã tăng khoảng 10 lần.

“Nó giống như một mảnh đất ở khu Đông hoặc Soho của New York vậy”, Adamo nói với Time.

Loạt ông lớn ngành bán lẻ, thời trang ‘đổ bộ’ Metaverse.

Theo dữ liệu từ Bloomberg Intelligence, doanh thu từ các hoạt động trong metaverse toàn cầu ước tính sẽ đạt 800 tỷ USD vào năm 2024.

Một số nền tảng lớn như Decentraland hay Sandbox đang cho phép người dùng và đối tác xây dựng, giao dịch và kiếm tiền từ tài sản trong thế giới ảo.

Ngoài ra, các nền tảng metaverse ngày càng phong phú và kết hợp nhiều yếu tố của công nghệ, bao gồm thực tế ảo, thực tế tăng cường và video. Đây là nơi người dùng có thể thực sự “sống” trong vũ trụ kỹ thuật số.

Bên cạnh trải nghiệm mới lạ, nhiều quỹ đầu tư đã bắt đầu coi đây là một lĩnh vực tiềm năng. Trong năm 2021, rất nhiều vụ mua bán bất động sản ảo gây chú ý.

Điển hình như Republic Realm, một công ty chuyên đầu tư vào lĩnh vực blockchain, đã mua lại lô đất của Sandbox với giá lên tới 4,3 triệu USD.

Walmart, tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Mỹ, dường như đang chuẩn bị sẵn sàng để gia nhập vào metaverse. CNBC đưa tin gã khổng lồ bán lẻ này đang lên kế hoạch kinh doanh nhiều loại sản phẩm ảo, bao gồm thiết bị điện tử, đồ chơi, thiết bị gia dụng, dụng cụ thể thao, quần áo, đồ trang trí nhà cửa và nhiều sản phẩm khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Verge, người phát ngôn của Walmart, Carrie McKnight, chia sẻ rằng Walmart đang liên tục nghiên cứu các công nghệ mới nổi bởi chúng có thể hình thành trải nghiệm mua sắm trong tương lai.

Ngoài ra, Walmart cũng thông báo rằng họ sẽ cung cấp cho người dùng một loại tiền mã hóa mới để mua sắm, giống như NFT.

Một số nhà bán lẻ khác cũng có kế hoạch tham gia metaverse. Cụ thể, Nike và đang liên tục giới thiệu NFT và giày thể thao ảo, trong khi các sản phẩm của adidas trong các bộ sưu tập NFT đã “cháy hàng”.

Trong khi đó, hãng thời trang cao cấp Balenciaga đã hợp tác với tựa game Fortnite nhằm ra mắt bộ trang phục ảo có nhãn hiệu của hãng này. Một số thương hiệu khác như Gucci, Louis Vuitton và Ralph Lauren đã chọn hợp tác với tựa game Roblox nhằm thử nghiệm các sản phẩm trên metaverse.

Với sự tham gia của hàng loạt ông lớn vào metaverse, thị trường nhiều khả năng sẽ ngày càng sôi động hơn trong năm nay. Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia nhận định metaverse sẽ có sự phát nóng khi các quỹ đầu tư chú ý đến những dự án này hơn.

metaverse
Vũ trụ ảo đang là không gian kinh doanh tiềm năng của nhiều công ty lớn. Ảnh: Decentraland.

Tiềm năng ngày càng lớn.

Đối với nhiều nhà đầu tư, metaverse chứa đầy những cơ hội tiềm năng. Nó là vùng đất ảo rộng lớn, trong đó các bất động sản không có ranh giới và người dùng có thể tự do sáng tạo, xây dựng khu vực của riêng mình. Bên cạnh đó, các giao dịch hầu như đều được thực hiện gần như ngay lập tức và minh bạch.

Theo công ty phân tích NWO, doanh số bán bất động sản ảo ở các sàn giao dịch lớn như Decentraland và Sandbox có khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng chóng mặt trong năm nay. Ngoài ra, các đề tài thảo luận xung quanh việc cho thuê đất ảo cũng đang tăng vọt.

Hiện tại, nhiều công ty lớn như Tokens.com đang liên tục thuê không gian ở Decentraland cho các sự kiện lớn, bao gồm cả tuần lễ thời trang lần đầu tiên được tổ chức trong metaverse.

“Chúng tôi thực sự thấy tiện ích của những bất động sản ảo đang tăng lên. Mọi người có thể kiếm tiền thật từ nó khi các tài sản này đang được giao dịch bằng tiền mặt. Điều này sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng tăng cao”, Julia Myers, kỹ sư AI tại công ty phân tích NWO cho biết.

Giải thích cho “cơn sốt” bất động sản trong metaverse, Simon Reid, Giám đốc điều hành của công ty xếp hạng tài sản mã hóa Evai nhận định nhà đầu tư có thể xây dựng tiện ích cho các lô đất như ngoài đời thật. Từ đó, họ có thể cho thuê và tạo lợi nhuận với một mô hình kinh doanh trong thế giới ảo.

“Bạn có thể mua bất kỳ lô đất ảo nào nằm trong khả năng của mình. Nếu sở hữu chúng, bạn có thể cho thuê trong một số nền tảng metaverses nhất định.

Ngoài ra, chủ sở hữu cũng có thể xây dựng tiện ích để giúp phát triển metaverse và tạo thu nhập thông qua doanh nghiệp ảo. Nếu bạn chọn đúng lô trong metaverse tiềm năng, lợi nhuận thu được sẽ rất lớn”, Simon Reid nhận định.

Tuy nhiên, Reid cũng lưu ý người dùng rằng việc mua bất động sản ảo nên được xem xét kỹ lưỡng. Mọi người nên chờ các công ty lớn tham gia trước để đánh giá tiềm năng và coi đầu tư vào metaverse như “một phần thưởng phụ”.

metaverse
Thế giới được xây dựng trong metaverse ngày càng đa dạng. Ảnh: Forbes.

Liệu Metaverse có bùng nổ trong năm 2022?

Nhiều chuyên gia nhận định vũ trụ ảo metaverse có khả năng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay. Theo Nasdaq, các vũ trụ ảo sẽ sớm sẽ sử dụng tiền mã hóa làm hình thức thanh toán chính. Đây là mấu chốt cho thấy coin, token metaverse sẽ phát triển trong tương lai.

Ngoài ra, Forbes nhận định rằng metaverse còn đang ở giai đoạn sơ khai. Đây có thể là cơ hội cho nhà đầu tư tham gia vào các dự án vũ trụ ảo.

Theo Sven Wenzel, đồng sáng lập Castello Coin, thị trường metaverse hiện tại có nhiều nét tương đồng với những ngày đầu của Bitcoin. Tất nhiên, một dấu hỏi lớn về tính khả thi đang được đặt ra, nhưng metaverse vẫn là một kênh đầu tư tốt nếu thị trường có dấu hiệu khởi sắc.

“Đầu tư vào một dự án metaverse tương tự như mua Bitcoin vào giai đoạn đầu. Người dùng sẽ có khoản lợi nhuận lớn trong dài hạn”, Sven Wenzel nói.

Mặc dù vậy, theo Forbes, metaverse đang không phát triển đủ nhanh đối với những người tin tưởng nó. Ngược lại, sự hoài nghi vẫn ngày một lớn hơn khi lo ngại thổi giá hay đầu cơ khiến nhà đầu tư chưa có nhiều niềm tin vào các dự án này.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Lý do adidas, Louis Vuitton chi hàng triệu USD cho NFT

Nhiều doanh nghiệp lớn như Taco Bell, Pizza Hut, Pringles, adidas, Louis Vuitton chi hàng triệu USD để gia nhập thị trường tài sản ảo.

Lý do Adidas, Louis Vuitton chi hàng triệu USD cho NFT

Đầu tư vào thị trường NFT tiếp tục là xu hướng. Vào tháng 8, CNBC cho biết có một nhà đầu tư đã trả 1,3 triệu USD cho một tác phẩm kỹ thuật số.

Bên cạnh người dùng cá nhân, những doanh nghiệp lớn như Taco Bell, Pizza Hut hay Pringles cũng ra mắt bộ sưu tập NFT của riêng họ.

Visa tham gia cuộc đua với việc mua một NFT trị giá 150.000 USD. Công ty thời trang thể thao Adidas cũng chi 156.000 USD để gia nhập thị trường này.

Các chuyên gia cho rằng tham vọng bắt kịp xu hướng và kiếm thêm doanh thu là lý do khiến những công ty lớn tham gia vào thị trường tài sản ảo.

Đầu tư lướt sóng, mở rộng nguồn thu.

Theo Luật sư Tal Lifshitz, đồng chủ tịch của nhóm đầu tư tiền số và blockchain Kozyak Tropin & Throckmorton (KTT) có trụ sở tại Miami, Mỹ, việc các thương hiệu lớn đầu tư vào NFT là điều dễ hiểu.

“Đó là xu hướng đầy thú vị. Đồng thời, NFT cũng là công nghệ tiên tiến, có tiềm năng giúp những công ty này làm kinh doanh và tương tác với người dùng của họ”, Luật sư Tal Lifshitz nói với Forbes.

“Việc NFT trở nên phổ biến sẽ khiến giá trị và công dụng của nó tăng theo cấp số nhân. Nếu bạn là người duy nhất sở hữu điện thoại, điều đó thật vô nghĩa.

Nếu 2 người có điện thoại, nó dần có ích. Nếu hàng tỷ người có smartphone, bạn buộc phải có điện thoại. Đó là tương lai của NFT khi trở nên phổ biến”, ông Lifshitz cho biết.

Trong khi đó, bà Lydia Hylton, nhà đầu tư tại Redpoint Ventures cho rằng mục đích sau cùng khi các công ty mua NFT là vì lợi nhuận. Họ nhận thấy tiềm năng của những tài sản ảo này để gia tăng doanh thu, mở rộng tương tác giữa khách hàng với thương hiệu.

“Các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton phát triển nhờ sự khan hiếm của sản phẩm. Họ đang phát hành NFT gắn mác LV cho metaverse. Những công ty này luôn tìm cách để tăng sự gắn kết với khách hàng”, bà Hylton cho biết.

Theo nhà đầu tư này, NFT còn có thể được áp dụng như một phần thưởng để khuyến khích người dùng mua sắm. Đồng thời, đây là một dạng quà tặng sáng tạo, cung cấp quyền truy cập giới hạn cùng các ưu đãi khác.

Tham gia vào xu hướng tương lai.

Tiến sĩ Dustin York, phó giáo sư truyền thông tại Đại học Marryille nói rằng các công ty tham gia vào cuộc đua dựa trên thực tế người dùng đang dành nhiều thời gian hơn trong thế giới ảo.

“Khi người dùng tập trung tại trung tâm thương mại, các thương hiệu sẽ theo sau. Khi người dùng mua sắm online, những doanh nghiệp sẽ ở đó. Và khi khách hàng đang tập trung vào Web 3.0, các công ty sẽ bán NFT”, giáo sư Dustin York nói với Forbes.

Giáo sư York cho rằng NFT đang trong giai đoạn bị “hype”, phát triển quá mức. Ông dự báo sẽ đến lúc nào đó giá trị của NFT giảm đi đáng kể.

“Hiện tại NFT là xu thế, giống như các trang thương mại điện tử thời bong bóng dot-com. Tài sản ảo sẽ dần bình ổn và trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta”, giáo sư York chia sẻ.

Trong khi đó, nhà đầu tư NFT Andrew Lokenauth cho rằng các doanh nghiệp lớn chi tiền cho NFT vì metaverse là xu hướng của tương lai.

Theo ông Lokenauth, ngày càng có nhiều người dành thời gian trong thế giới ảo. Các doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích từ việc tiếp thị trong metaverse nên sớm tham gia.

Lokenauth chỉ ra rằng có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Justin Bieber, Travis Scott, the Weeknd hay Ariana Grande tổ chức hòa nhạc trong metaverse. “Trong tương lai, các công ty thời trang xa xỉ sẽ tổ chức trình diễn trong thế giới ảo. Đó là lý do tại sao họ đang chi số tiền lớn”, nhà đầu tư này nói.

Người dùng phải cẩn trọng với NFT.

Bất chấp việc các thương hiệu lớn đầu tư hàng triệu USD vào tài sản kỹ thuật số, Forbes cho rằng nhà đầu tư mới cần thận trọng với lĩnh vực này.

Khía cạnh “ảo” của NFT là cơ hội cho những chiêu trò lừa đảo. Ví dụ như có những NFT giả được bán lại cho người dùng ít kinh nghiệm.

“Cần đảm bảo rằng người bán NFT thật sự nắm giữ tác phẩm. Các vấn đề về tác quyền tác phẩm số chưa được giải quyết”, luật sư Lifshitz nói.

Theo ông Justin Giudici, Trưởng bộ phận sản phẩm tại Telos Foundation, vấn đề này chưa đáng báo động vì thị trường nào cũng sẽ có thành phần lừa đảo. “Trước khi mua bất kỳ NFT nào, hãy tìm hiểu tài sản đó và đảm bảo rằng người bán không lừa đảo.

Khi có sự tham gia của những thương hiệu lớn, nhiều kẻ tận dụng thị trường đi lên để trục lợi”, ông Giudici nói.

Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng nhiều nền tảng chưa hoàn thiện các bước xác minh tác phẩm, để lại nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Ông Akbar Hamid, người sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành tại 5CRYPTO cho rằng người dùng cần hiểu rõ về cách hoạt động của NFT, thị trường tiền số vào blockchain. Đồng thời, việc nắm vững cách bảo mật, sử dụng ví tiền số cũng rất quan trọng.

Xuân Sang – Theo Forbes

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

adidas bán lại Reebok với giá 2.5 tỷ USD, lỗ 1.3 tỷ USD so với lúc mua vào

adidas đã mua Reebok với giá 3.8 tỷ USD vào năm 2006 khi Reebok đang ở thời kỳ đỉnh cao. Giờ đây, Adidas đang rao bán thương hiệu đang tuột dốc không phanh này với giá chỉ 2.5 tỷ USD.

Hôm 12/8, Adidas cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với Authentic Brands Group để giảm tải áp lực với Reebok. Thỏa thuận dự kiến ​​sẽ kết thúc vào quý đầu tiên của năm 2022 và Adidas sẽ được trả phần lớn số tiền bằng tiền mặt.

Authentic Brands Group (ABG) là công ty đã mua lại các thương hiệu đã phá sản như Brooks Brothers, Aéropostale và Forever 21 trong những năm gần đây và họ cũng đã đệ đơn lên sàn chứng khoán vào tháng trước.

Vào tháng 2, adidas đã công bố ý định của họ về việc sẽ bắt đầu quy trình thoái vốn Reebok sau một đánh giá về thương hiệu mà họ đã công bố vào cuối năm ngoái.

adidas cho biết, họ muốn bán Reebok để tập trung nỗ lực củng cố thương hiệu của chính mình trên thị trường thời trang thể thao toàn cầu.

Adidas có trụ sở tại Đức đã mua lại Reebok vào năm 2006 để mở rộng phạm vi hoạt động tại Mỹ và cạnh tranh với Nike tại thị trường quê nhà.

Nhưng thương hiệu này đã hoạt động kém hiệu quả trong những năm gần đây. adidas đã thất bại trong việc tận dụng các xu hướng của người tiêu dùng đối với thời trang thể thao và đánh mất thị phần vào tay Lululemon (LULU), Nike và các thương hiệu thể thao khác.

Reebok hiện chiếm khoảng 7% doanh thu của adidas vào cuối năm 2020, giảm từ mức khoảng 18% vào năm 2010, theo báo cáo tài chính.

Ông Neil Saunders, Giám đốc của GlobalData Retail cho biết:

“Một phần của vấn đề là do sự thiếu rõ ràng xung quanh những gì adidas muốn Reebok trở thành. Do đó, nó không được coi là thương hiệu dành cho các chuyên gia thể thao cũng như cho những người đang tìm kiếm các phong cách và thời trang thể thao.”

Saunders cho biết thương vụ mua lại này của Authentic Brands nhằm mục tiêu tiếp tục củng cố vị thế của nó với tư cách là một ‘tay chơi lớn’ trong ngành bán lẻ Mỹ.

“Reebok được đánh giá là sẽ có tiềm năng tăng doanh số bán hàng trở lại nếu tập trung ít hơn vào việc cạnh tranh với Nike và thay vào đó tập trung nhiều hơn vào việc phát triển để cung cấp nhiều sự khác biệt hơn cho người tiêu dùng.”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn

Cách adidas thúc đẩy lòng trung thành của khách hàng thông qua ứng dụng

Khi đại dịch Covid-19 đã làm đóng cửa các công viên và phòng tập thể dục (Gyms), Adidas đã tìm cách để giúp mọi người duy trì động lực và sự kết nối. Đó là cách thương hiệu này đã xây dựng lòng trung thành của khách hàng (Brand Loyalty).

Cách Adidas thúc đẩy lòng trung thành của khách hàng thông qua ứng dụng
Cách adidas thúc đẩy lòng trung thành của khách hàng thông qua ứng dụng

Thương hiệu hàng đầu trên thị trường về trang phục thể thao này đã tận dụng cơ hội đó để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với những khách hàng thân thiết nhất của mình thông qua ứng dụng (apps). Kết quả đạt được ngoài sức mong đợi ban đầu của Adidas.

Ông Scott Dunlap, tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành của Adidas Runtastic đã chia sẻ cách mà nhóm chiến lược của mình đã đầu tư vào các giải pháp ứng dụng của Google để đạt được sự thành công đó.

adidas là biểu tượng của thể thao, văn hóa và cả sự đổi mới.

Sứ mệnh của adidas là góp phần làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn bằng cách mang những môn thể thao tốt nhất đến với nó.

Adidas Running và Adidas Training là các ứng dụng thể thao của Adidas, chúng cho phép mọi người theo dõi các hoạt động và hiệu suất tập thể dục của họ một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Vào năm 2020, khi đại dịch lần đầu tiên xảy ra, mọi thứ trở nên gián đoạn và đảo lộn. Và sau đó các phòng tập thể dục cũng sớm bị đóng cửa.

adidas cần phải tìm ra một cách nào đó để kết nối với khách hàng.

Bài toán đặt ra cho Adida lúc bấy giờ là làm thế nào để không chỉ cung cấp được những trải nghiệm hấp dẫn mà còn giúp người tiêu dùng của họ luôn có động lực và kết nối với cộng đồng rộng lớn hơn.

adidas cuối cùng đã chọn các ứng dụng của mình làm nền tảng cho chiến dịch và mục tiêu ban đầu đặt ra là đảm bảo các ứng dụng có thể được khám phá và tiếp cận đúng người.

adidas đã tăng gấp đôi nguồn lực cho các chiến dịch ứng dụng của mình để tiếp cận người dùng mới thông qua Hiển thị (Display), từ khoá tìm kiếm (Search) và YouTube.

Kết quả đạt được ngoài mức mong đợi.

adidas đã sử dụng Google Analytics để đo lường các lượt chuyển đổi quan trọng, từ việc cài đặt ứng dụng đến việc tham gia vào các bài tập đầu tiên hoặc tham gia cộng đồng lần đầu tiên của người dùng.

Cuối cùng, adidas đã chứng kiến mức nhu cầu về các ứng dụng thể thao của họ đã tăng 240% so với cùng kỳ năm ngoái… thậm chí tăng 600% chỉ trong một ngày.

Bên cạnh đó, một trong những thông tin chi tiết có giá trị nhất mà Adidas đã phát hiện ra là người dùng của họ không chỉ sử dụng các ứng dụng thể thao (sport apps) để giữ dáng… mà họ còn tìm kiếm cả sự kết nối với cộng đồng.

Cũng từ phát hiện quan trọng đó, adidas đã phát động chiến dịch ‘Hometeam Hero Challenge.’ (tạm dịch: thử thách anh hùng cùng đội chủ nhà).

Với ‘Hometeam Hero Challenge.’ Mỗi km đã đi bộ hoặc chạy hoặc mỗi giờ được luyện tập, Adidas sẽ quyên góp 1 đô la cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để hỗ trợ các nhân viên y tế và các nhà nghiên cứu trong quá trình ‘chiến đấu’ với đại dịch.

Ông Scott Dunlap nói:

“Thông qua thể thao, chúng ta có sức mạnh để thay đổi cuộc sống.

Và đó cũng chính là sứ mệnh và tinh thần của adidas.”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Đan Linh | MarketingTrips

adidas: Doanh số bán hàng tăng 150% ở Trung Quốc bất chấp nạn tẩy chay

adidas cho biết doanh số bán hàng của thương hiệu tại Trung Quốc đã tăng 156% trong ba tháng đầu năm 2021.

adidas đang rất tự tin về doanh số bán hàng của mình trong năm nay khi ghi nhận mức nhu cầu cao hơn mong đợi đối với các sản phẩm trên toàn thế giới, bất chấp nạn tẩy chay của người tiêu dùng ở Trung Quốc.

Nhà bán lẻ đồ thể thao đến từ Đức này hy vọng doanh số bán hàng sẽ tăng khi tỷ lệ “người thanh thiếu niên” tăng cao trong năm nay, với sự tăng tốc “đáng kể” đã được chứng kiến trong quý thứ hai.

adidas cho biết trong một tuyên bố:

“Sự tăng tốc này sẽ được thúc đẩy bởi một loạt các sản phẩm sáng tạo sẽ được ra mắt.”

Ngoài ra, các sự kiện thể thao lớn, chẳng hạn như UEFA Euro và Copa America cũng sẽ hỗ trợ công việc kinh doanh của adidas.

Công ty này cho biết, 502 triệu euro (605 triệu USD) là thu nhập ròng (net income) trong quý đầu tiên của năm nay, tăng từ mức 26 triệu euro vào năm 2020. Doanh số bán hàng cũng đã tăng 27% trong giai đoạn này.

Sự kiện tẩy chay tại thị trường Trung Quốc.

Công ty cho biết doanh số bán hàng tại thị trường Trung Quốc đã tăng 156% trong ba tháng đầu năm 2021.

Điều này diễn ra bất chấp nạn tẩy chay của một số người tiêu dùng Trung Quốc đối với các thương hiệu quốc tế liên quan đến cách đối xử với một trong những dân tộc thiểu số của Trung Quốc ở vùng Tân Cương, nơi hiện đang có nhiều đồn điền trồng bông.

Dân tộc Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) là một dân tộc thiểu số sống chủ yếu ở phía tây Trung Quốc, tộc người này đã được Liên hợp quốc Hoa Kỳ, Vương quốc Anh xác định là ‘một nhóm người đang bị đàn áp’.

Vào tháng 3, Canada, Anh và Mỹ đã ban hành một tuyên bố chung bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc và liên tục” về nạn cưỡng ép lao động và các hành vi ngược đãi khác đối với tộc người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Cũng vào tháng 3, Liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc mà họ cho là chịu trách nhiệm chính về các hành vi ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ.

adidas trước đây cũng đã nói rằng họ có “cách tiếp cận không khoan nhượng đối với chế độ nô lệ và nạn buôn bán người”.

Trong một tuyên bố từ tháng 10 năm 2019, Adidas nói rằng: “khi biết được các cáo buộc chống lại một số công ty tìm nguồn cung ứng từ Tân Cương, Trung Quốc, nơi người dân tộc thiểu số bị cho là bị cưỡng ép lao động trong các nhà máy kéo sợi, chúng tôi đã yêu cầu rõ ràng với các nhà cung cấp vải của mình không được lấy bất kỳ loại sợi nào từ Tân Cương.”

adidas nói thêm: “Adidas chưa bao giờ sản xuất hàng hóa ở Tân Cương và không có quan hệ hợp đồng với bất kỳ nhà cung cấp Tân Cương nào cả.”

adidas và các thương hiệu phương Tây khác, bao gồm Nike và H&M, đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội trên mạng xã hội Trung Quốc sau những bình luận của họ về tình hình ở Tân Cương.

Một số người tiêu dùng Trung Quốc đã tẩy chay các thương hiệu và thay vào đó chọn mua sản phẩm từ các công ty trong nước.

Tuy nhiên trái ngược lại với những điều này.

Ông Kasper Rorsted, Giám đốc điều hành của adidas, nói với CNBC rằng ông vẫn kỳ vọng “tăng trưởng rất mạnh” từ Trung Quốc trong năm nay.

“Vì vậy, chúng tôi vẫn rất tự tin sẽ tiếp tục xây dựng vị thế của mình tại Trung Quốc, vốn là thị trường lớn nhất đối với chúng tôi.

Tất nhiên đây là một chủ đề nhạy cảm và chúng tôi đang làm bất cứ điều gì có thể để đảm bảo quyền con người sẽ được bảo vệ.”

Tuy nhiên, bất chấp những tranh cãi, Ông Rorsted cho biết ông không nghĩ rằng sẽ có một sự thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng của công ty.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

adidas công bố chiến lược 5 năm mới – tập trung vào kỹ thuật số và tính bền vững

Thương hiệu thể thao hàng đầu thế giới adidas đã tiết lộ chiến lược mới tập trung vào hoạt động kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng (DTC).

Theo một tuyên bố với báo chí, các khoản đầu tư của adidias vào phát triển sản phẩm, marketing, tài trợ và số hóa doanh nghiệp dự kiến ​​sẽ tăng đáng kể trong 5 năm tới.

Cụ thể, adidas có kế hoạch đầu tư thêm khoảng 1,1 tỷ USD vào thương hiệu trong năm 2025 so với năm 2021.Đến năm 2025, nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số của công ty cũng sẽ được thúc đẩy bởi khoản đầu tư hơn 1,1 tỷ USD.

Phía adidas cũng cho biết hoạt động kinh doanh DTC của họ dự kiến ​​chiếm khoảng một nửa tổng doanh thu thuần của công ty vào năm 2025 và tạo ra hơn 80% mức tăng trưởng doanh thu mục tiêu của toàn công ty.

Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của adidas cũng được dự báo sẽ tăng gấp đôi từ 4,7 tỷ USD ở hiện tại lên mức từ 9,5 tỷ USD đến 10 tỷ USD.

Ngoài ra, adidas còn cho biết họ sẽ tập trung vào các thị trường như Trung Quốc, EMEA (Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi) và cả Bắc Mỹ trong tương lai, dự kiến ​​các thị trường này sẽ chiếm khoảng 90% tăng trưởng doanh số bán hàng cho đến năm 2025.

Theo adidas, họ sẽ tiếp tục đầu tư vào thương mại điện tử (eCommerce) và mở rộng chương trình thành viên (membership programme) như một phần của quá trình chuyển đổi thành một doanh nghiệp tập trung vào mô hình DTC (direct-to-consumer).

Điều này xảy ra trong bối cảnh công ty ngày càng nhận thấy rằng người tiêu dùng mong đợi nhận được một thương hiệu và trải nghiệm mua sắm phù hợp với sở thích của họ, với các dịch vụ được cá nhân hóa trong cả không gian kỹ thuật số lẫn tại các cửa hàng thực.

Vào năm 2025, adidas đặt mục tiêu tăng gấp ba số lượng thành viên trong chương trình thành viên của mình từ mức hiện tại là hơn 150 triệu lên khoảng 500 triệu.

Ngoài ra, các cửa hàng bán lẻ của chính adidas cũng sẽ được số hóa với khả năng bán hàng đa kênh.

Dần dần sau đó, quá trình này cũng sẽ được áp dụng cho cả các cửa hàng nhượng quyền nhằm đảm bảo trải nghiệm liền mạch cho người tiêu dùng trên tất cả các điểm chạm với thương hiệu.

Về mặt kỹ thuật số, adidas cho biết các quy trình cốt lõi của họ trên toàn bộ chuỗi giá trị sẽ được số hóa.

Vào năm 2025, adidas cho biết phần lớn doanh thu của họ sẽ được tạo ra từ các kênh bán hàng trực tuyến.

Để đạt được điều này, công ty sẽ mở rộng cả về chuyên môn dữ liệu lẫn công nghệ trong nội bộ cũng như việc tăng quy mô đội ngũ công nghệ của mình.

Riêng trong năm 2021, adidas sẽ tuyển hơn 1.000 tài năng mới trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật số. Công ty cũng đang đầu tư vào hệ thống như ERP mới, SAP Business Suite 4 SAP HANA (S / 4HANA).

Chiến lược tập trung vào kỹ thuật số mới của adidas được đưa ra chỉ vài tháng sau khi bổ nhiệm Bà Sanchita Johri, một cựu nhân sự chuyên về marketing và nội dung của Johnson & Johnson, làm giám đốc kích hoạt kỹ thuật số cho các thị trường mới nổi.

Theo thông tin trên LinkedIn của Bà Johri, các thị trường mới nổi bao gồm Ấn Độ, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel…

Bên cạnh việc phát triển năng lực kỹ thuật số, adidas cũng đã lên kế hoạch thực hiện các mục tiêu bền vững của mình.

Thương hiệu thể thao này cho biết đến năm 2025, công ty sẽ tâp trung vào ba chu kì: chu kì tái chế (làm từ vật liệu tái chế), chu kì xoay vòng (sản phẩm được làm lại) và chu kì tái sinh (được làm bằng vật liệu tự nhiên và tái tạo).

Hiện tại, 6 trong số 10 sản phẩm của adidas được làm từ vật liệu bền vững.

adidas nói thêm rằng họ đã nghiên cứu các vật liệu có thể tái chế hoàn toàn hoặc có thể phân hủy sinh học được một thời gian và đặt mục tiêu chỉ sử dụng vật liệu tái chế trong mọi sản phẩm của mình từ năm 2024 trở đi.

adidas cho biết họ cũng đặt mục tiêu đạt được sự trung hòa về khí hậu trong các hoạt động của chính mình vào năm 2025 và trung hòa về khí hậu tổng thể vào năm 2050.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn | MarketingTrips 

Instagram: 30 ‘sự thật’ bạn cần biết về nền tảng này (P1)

Bạn tò mò về Instagram? Hãy xem ngay những số liệu thống kê cập nhật về mọi thứ từ quảng cáo Instagram, ‘Câu chuyện’, mức sử dụng, giá trị và hơn thế nữa!

Cùng khám phá thông tin chi tiết về một trong những nền tảng truyền thông mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, bao gồm dữ liệu nhân khẩu học, sự phát triển chính, giá trị ròng, thống kê sử dụng, vị trí lãnh đạo hiện tại, thị phần và nhiều hơn thế nữa.

1. Có 1 tỷ người dùng Instagram hoạt động hàng tháng tính đến năm 2019.

2. Instagram chính thức ra mắt vào năm 2010 dưới dạng một ứng dụng dành cho iPhone.

Trong vòng một tháng, nó đã đạt được 1 triệu người dùng (nếu so sánh, Foursquare và Twitter phải mất đến 02 năm để đạt được mốc 1 triệu người dùng).

3. 33% câu chuyện được xem nhiều nhất trên nền tảng là từ các doanh nghiệp.

4. 200 triệu người dùng Instagram truy cập ít nhất một hồ sơ doanh nghiệp mỗi ngày và 80% tài khoản theo dõi ít nhất một doanh nghiệp trên Instagram.

5. Có 25 triệu doanh nghiệp trên Instagram.

6. Instagram hiện được Alexa xếp hạng là website phổ biến thứ 13 trên thế giới.

7. Instagram có giá trị ước tính khoảng 100 tỷ USD.

8. Các thương hiệu tương tác nhiều nhất trên Instagram bao gồm:

  • National Geographic: 112 triệu người theo dõi
  • Nike: 83,9 triệu người theo dõi
  • NBA: 38,3 triệu người theo dõi
  • Chanel: 35,4 triệu người theo dõi
  • Louis Vuitton: 32,6 triệu người theo dõi
  • Adidas: 23,9 triệu người theo dõi
  • Starbucks: 17,9 triệu người theo dõi
  • GoPro: 15,8 triệu người theo dõi

9. Năm 2017, lượng người dùng Instagram Stories hoạt động hàng ngày là 200 triệu, đã vượt qua người dùng hàng ngày của Snapchat là 161 triệu.

10. Một trong những phát triển thú vị nhất gần đây của Instagram là khả năng gắn thẻ sản phẩm trong các bài đăng.

Khi thông báo về việc phát hành tính năng gắn thẻ sản phẩm, Instagram đã nêu bật những cơ hội mà điều này mang lại cho các doanh nghiệp:

“Đối với các thương hiệu, điều này có nghĩa là có một cách mới để tiếp cận những khán giả đã tương tác, những người đang tích cực tìm kiếm những người sáng tạo yêu thích của họ để lấy cảm hứng và giúp việc mua sắm các sản phẩm của thương hiệu trở nên dễ dàng hơn”.

11. Facebook mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD vào năm 2012.

12. Dưới đây là 05 tài khoản Instagram được theo dõi nhiều nhất, tính đến năm 2019:

Instagram: 305 triệu người theo dõi

  • Cristiano Ronaldo: 173 triệu người theo dõi
  • Ariana Grande: 158 triệu người theo dõi
  • Selena Gomez: 152 triệu người theo dõi
  • Kim Kardashian West: 142 triệu người theo dõi
  • Kylie Jenner: 139 triệu người theo dõi

13. Bức ảnh Instagram có nhiều lượt thích nhất là quả trứng này trên nền trắng. Toàn bộ tài khoản (@world_record_egg) được tạo với mục đích duy nhất là giành được kỷ lục thế giới về lượt thích nhiều nhất, kỷ lục này trước đây do Kylie Jenner nắm giữ.

14. 89,5% ảnh trên Instagram được đăng bình thường mà không có bộ lọc (filter) nào (ít nhất là từ Instagram) được thêm vào. (Đây là một trong những sự thật Instagram đáng ngạc nhiên nhất trong danh sách này!)

15. Đối với ảnh có bộ lọc Instagram, Clarendon là bộ lọc phổ biến nhất, tiếp theo là Juno, Ludwig, Lark và sau đó là Gingham.

Hết phần 1 !

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Huy Lâm | MarketingTrips 

adidas ra mắt phiên bản giày thân thiện với môi trường

adidas vừa cho ra mắt một phiên bản thân thiện với môi trường của kiểu giày thể thao Stan Smith và Superstar cổ điển. Đây là một phần của bộ sưu tập ‘‘.

Nếu bạn là một fan của kiểu dày sneakers nhưng cũng có ý thức về bảo vệ môi trường thì đây là một cơ hội khiến bạn sẽ hài lòng.

Là một phần trong bộ sưu tập của mình ‘The Clean Classics’, adidas đã ra mắt phiên bản thân thiện với môi trường của hai kiểu giày thể thao cổ điển mang tính biểu tượng nhất của nó – Stan Smith và Superstar – được tạo ra bằng vật liệu bền vững.

Cả hai kiểu giày thể thao đế cao này được tạo ra với 70% vật liệu tái chế và đi kèm với lót tất (vớ) Ortholite thân thiện với môi trường.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo: wersm

Amazon trở thành thương hiệu đắt giá nhất thế giới với 415.9 tỉ USD

Theo bảng xếp hạng mới công bố của công ty tư vấn Kantar, Amazon tiếp tục duy trì vị thế là thương hiệu có giá trị nhất thế giới. Giá trị thương hiệu của công ty thương mại điện tử này đã tăng lên gần 1/3 so với năm ngoái lên tới 415,9 tỷ USD.

Amazon trở thành thương hiệu đắt giá nhất thế giới với 415.9 tỉ USD

Danh sách 100 thương hiệu có giá trị nhất thế giới hàng năm (BrandZ Top 100 Most Valuable Global Brands) xếp hạng các công ty dựa theo tiêu chí về giá trị vốn hóa và nghiên cứu người dùng với hơn 3,8 triệu người trên khắp thế giới.

Đứng thứ hai trong danh sách này là Apple với giá trị thương hiệu là 352,2 tỷ USD, theo sau là Microsoft với 326,5 tỷ USD. Công ty do tỷ phú Bill Gates đồng sáng lập trong năm nay đã vượt qua Google để trở thành thương hiệu đắt giá thứ 3 thế giới.

Theo báo cáo, vị trí của Microsoft cao hơn một phần nhờ tỷ lệ sử dụng phần mềm Microsoft Teams tăng lên khi người lao động làm việc tại nhà trong thời điểm Covid-19 lây lan.

Dù những thông tin tiêu cực về dịch bệnh khiến thị trường chứng khoán lao dốc mạnh vào tháng 3, nhưng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trực tuyến như Amazon – cung cấp hàng tiêu dùng cho khách hàng, đã tăng mạnh trong tháng 3, khi các cửa hàng vật lý đóng cửa.

Báo cáo của Kantar cho biết: “Dù việc người tiêu dùng sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà trong đại dịch đã tạo áp lực cho mảng logistics của Amazon, nhưng cũng giúp củng cố tiềm lực của công ty này.”

Trong danh sách của BrandZ, tập đoàn Alibaba đến từ Trung Quốc đứng thứ 6 và có giá trị thương hiệu là 152,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm trước. Theo báo cáo của Kantar, trong khi đó, định giá thương hiệu của JD.com tăng 24% lên 25,5 tỷ USD.

Bản báo cáo cho biết: “Các thương hiệu cho phép người tiêu dùng định hướng cuộc sống bằng các thiết bị kỹ thuật số và nhận được sự thuận tiện, thoải mái, thường ghi nhận giá trị thương hiện gia tăng, hoặc ít nhất vượt qua mức dự đoán của họ.”

Theo David Roth – đứng đầu nhóm báo cáo, khả năng vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính lần này của các thương hiệu cũng cao hơn so với thời điểm 2008-2009.

Ông cho biết: “Các doanh nghiệp đã hiểu được tầm quan trọng của việc đầu tư vào hoạt động xây dựng thương hiệu. Do đó, họ có tiềm lực lớn hơn và phát triển mạnh mẽ hơn.”

Trong khi đó, ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc – TikTok, là cái tên mới nhất xuất hiện trong top 100, với giá trị thương hiệu là 16,9 tỷ USD, có vị trí cao hơn những thương hiệu nổi tiếng khác như KFC, Uber và Adidas.

Elspeth Cheung – nhóm trưởng nghiên cứu giá trị toàn cầu của BrandZ, nhận định: “TikTok là một trong những thương hiệu thú vị và sáng tạo nhất chúng tôi từng chứng kiến trong top 100. Công ty này đã trở thành ‘người thay đổi cuộc chơi’ trong đại dịch.”

Tuy nhiên, giá trị thương hiệu sở hữu TikTok là ByteDance vẫn thấp hơn ứng dụng đối thủ Instagram với định giá 41,5 tỷ USD.

Tổng giá trị của 100 thương hiệu trong danh sách này đã chạm mức 5 nghìn tỷ USD, tăng 5,9% so với năm trước. Theo Kantar, trước dại dịch, giá trị thương hiệu của các công ty được dự kiến sẽ tăng 9%.

Bảng xếp hạng BrandZ được ủy quyền bởi tập đoàn quảng cáo WPP và được thực hiện bởi Kantar. Báo cáo này đã khảo sát hơn 17.000 thương hiệu tại 51 quốc gia.

Phần lớn người tiêu dùng được khảo sát trực tuyến trong khoảng thời gian 1 năm, với một số trong nhóm thu nhập thấp được khảo sát trực tiếp. Đối với một thương hiệu, tỷ lệ sai sót cho dữ liệu khảo sát là dưới 3%, theo Kantar.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips 

Theo Nhịp Sống Kinh Tế