Skip to main content

Thẻ: Bernard Arnault

Câu chuyện thương hiệu của Hermès đằng sau những chiếc túi đắt đỏ

Tại Hermès, mỗi chiếc túi vẫn được thực hiện bởi một nghệ nhân duy nhất, người có thể dành tới 20 giờ cho một mẫu Kelly, gấp và khâu các mảnh da bê hoặc da cá sấu lại với nhau. Câu chuyện thương hiệu của Hermès là cảm hứng cho nhiều thương hiệu khác.

Câu chuyện thương hiệu của Hermès
Câu chuyện thương hiệu đằng sau những chiếc túi đắt đỏ của Hermès

Vào một ngày tháng 10 se lạnh năm 2010 ở Paris, Bernard Arnault, người sáng lập tập đoàn xa xỉ khổng lồ LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton SE và là một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới nhấc máy gọi cho Bertrand Puech – người đứng đầu gia tộc đối thủ – chủ sở hữu Hermès. Arnault nói với Puech rằng LVMH đã tích lũy được một lượng cổ phần của Hermès – nhà sản xuất túi Kelly và Birkin mang tính biểu tượng.

Arnault sau này nói rằng khoản đầu tư này rất thân thiện và nhằm mục đích cung cấp sự trợ giúp về mặt chiến lược và vận hành cho Hermès. Nhưng đối với Puech và những người thừa kế Hermès khác họ biết đó không phải là những lời nói thật.

Arnault nổi tiếng chuyên tiếp quản một cách tàn nhẫn các thương hiệu di sản lâu đời khiến ông thậm chí có biệt danh “con sói trong chiếc áo cashmere” và giờ “con sói ấy” đã sẵn sàng nhắm vào Hermès.

Patrick Thomas, giám đốc điều hành và là Chủ tịch của Hermès thời điểm đó nói rằng: Đối với những chủ sở hữu Hermès thế hệ thứ năm và thứ sáu, việc nhượng lại đế chế của họ cho một đối thủ cạnh tranh đã là đủ tồi tệ, nhưng để mất vào tay tập đoàn của Arnault là một điều gì đó “phẫn nộ” hơn nữa.

CHIẾN ĐẤU

Chỉ vài tuần sau cuộc điện thoại của Arnault, khoảng 50 hậu duệ của Hermès đã cùng nhau thống nhất về việc tạo ra một hàng rào vòng tròn thậm chí còn chặt chẽ hơn. Để bảo vệ khỏi những người thừa kế có thể muốn bán cổ phần của mình cho một “kẻ cướp” tiềm năng, họ đã tạo ra một cơ cấu nắm giữ hiện có khoảng 54,3% cổ phần của Hermes và quyền từ chối mua đầu tiên từ một khối cổ phiếu bổ sung mà các thành viên trong gia đình sở hữu.

Khi bắt đầu trận chiến với Arnault, các người con cháu Dumas, Guerrand và Puech của gia đình – xuất thân từ các cô con gái của Émile – nắm giữ khoảng 73% công ty.

Với tư cách là Société en Commandite par Actions, hay SCA – một công ty hợp danh cổ phần hữu hạn mang lại cho cổ đông quyền lợi lớn ngay cả với số cổ phần tương đối nhỏ – Hermès đã được bảo vệ tốt trước những kẻ săn mồi. Nhưng LVMH khi ấy đã lén lút tích lũy được khoảng 23% cổ phần của công ty. LVMH, hiện chỉ sở hữu dưới 2% Hermès, từ chối bình luận về tình tiết này.

Thành trì kiên cố được xây dựng cách đây hơn một thập kỷ đó vẫn được lãnh đạo bởi Julie Guerrand, giám đốc thế hệ thứ sáu, người đã từ bỏ sự nghiệp ngân hàng tại Rothschild & Co. vào năm 2011 để giúp tăng cường phòng thủ chống lại Arnault. Theo báo cáo thường niên, vào cuối năm 2022, gia tộc này sở hữu gần 67% Hermès.

Sự nắm bắt của họ có vẻ chắc chắn và mức vốn hóa thị trường cao ngất ngưởng của công ty – gần gấp đôi so với nhà sản xuất máy bay Airbus SE, một biểu tượng của sức mạnh kỹ thuật châu Âu – khiến việc tiếp quản thù địch trở nên xa vời.

Irina Curbelo, đồng sáng lập công ty tư vấn kinh doanh gia đình Percheron Advisory cho biết: “Gia đình Hermès là một trường hợp điển hình tuyệt vời về những cạm bẫy tiềm ẩn của việc kế nhiệm. Họ thật may mắn khi có thể đến được với nhau, nhiều gia đình không được như vậy”.

Trong khi hậu duệ của Hermès đứng về phía chiến thắng, những bài học rút ra từ cuộc chiến vẫn tiếp tục vang vọng. Cuối năm ngoái, những người thừa kế đã tiến thêm một bước nữa để thống nhất khối tài sản ngày càng lớn của mình bằng cách tập hợp tám văn phòng gia đình và phương tiện đầu tư từ nhiều chi nhánh khác nhau thành một thực thể duy nhất có tên Krefeld Invest. Được đặt tên theo ngôi làng ở miền Tây nước Đức, nơi người sáng lập Thierry Hermès sinh ra, văn phòng gia đình này có nhiệm vụ đầu tư tài sản cá nhân của những người thành lập nên nó.

Cuộc chiến với Arnault cũng khởi đầu cho việc chuẩn bị thế hệ tiếp theo để điều hành công ty, với việc ban điều hành hiện có ba người thừa kế. Đối mặt với kẻ xâm nhập, gia tộc đã nhanh chóng hợp lực, nhưng các thành viên trong gia đình đôi khi xung đột vì những gì họ coi là sự thống trị của một số người.

Một người quen thuộc với vấn đề này cho biết, với hai vị trí hàng đầu của công ty – đó là chủ tịch điều hành và giám đốc sáng tạo – đều thuộc chi nhánh Dumas, đôi khi có sự ghen tị từ hai chi nhánh còn lại. Theo người này, trong nỗ lực chống lại những lời chỉ trích, Pierre-Alexis Dumas ban đầu chia sẻ vai trò giám đốc nghệ thuật với người anh họ Pascale Mussard thuộc dòng dõi Guerrand trước khi cô bị loại ra.

Đối đầu với những thách thức vô cùng khó khăn, những người thừa kế Hermès đã đẩy lùi bước tiến của Arnault, khiến vị doanh nhân nổi tiếng bậc nhất nước Pháp thất bại nặng nề. Điều quan trọng, họ đã không để Hermès trở thành một nhãn hiệu khác trong danh sách khoảng 75 thương hiệu của LVMH, bao gồm Louis Vuitton và Christian Dior.

Kể từ ngày tháng 10 đó 13 năm trước, cổ phiếu Hermès International SCA đã tăng hơn 1.000%, vượt cả mức tăng 600% của LVMH. Giá trị thị trường của Hermès đã tăng vọt lên hơn 200 tỷ euro (216 tỷ USD), bằng khoảng 60% giá trị của LVMH.

Từng dễ bị tổn thương trước “những kẻ săn mồi” khi các thành viên gia đình tự mãn tham gia vào các nỗ lực khác, thành công của Hermès đã mang lại cho tập đoàn sự bảo vệ tốt nhất.

Việc này cũng đã giúp gia đình chủ sở hữu, hiện có hơn 100 thành viên, trở thành gia tộc giàu nhất châu Âu, với tổng tài sản trong năm nay khoảng 151 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Con số này tăng khoảng 59% so với năm ngoái, vượt lên trên gia tộc Mars và Koch của Mỹ, Gia tộc Thani – gia tộc cầm quyền của Qatar – và gia tộc Al Sauds của Ả Rập Saudi.

David Dubois, phó giáo sư tiếp thị tại trường kinh doanh INSEAD, người dạy một lớp về tạo ra giá trị trong thời trang và xa xỉ cho biết: “Hermès đã thành công nhờ giữ được tính độc đáo và khác biệt của mình.

Gia đình là một trong những bí mật và tài sản chính tạo nên thành công của thương hiệu. Họ là những người gìn giữ di sản của thương hiệu và biết cách làm cho nó phát triển mà không cần một cuộc cách mạng”.

BÍ QUYẾT

Là viên ngọc quý của ngành công nghiệp hàng xa xỉ cá nhân toàn cầu trị giá 362 tỷ euro, Hermès đã phát triển mạnh phần lớn nhờ vào xu hướng làm mọi thứ theo những cách kỳ lạ của gia đình kiểm soát, gợi nhớ về di sản gần hai thế kỷ của hãng. Những chiếc túi da hàng đầu của hãng, có thể có giá từ khoảng 8.000 USD đến hàng chục nghìn USD cho một mẫu có loại da kỳ lạ như cá sấu, đều được làm thủ công tại các xưởng may nằm rải rác ở Pháp.

Ngoài ra, không giống như các đối thủ cạnh tranh, thương hiệu này không kết hợp đặc biệt với những người mẫu nổi tiếng và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, như Kendall Jenner hay nữ diễn viên Kristen Stewart. Khi các ngôi sao mặc những sản phẩm sáng tạo của Christian Dior hay Balenciaga tại các sự kiện thảm đỏ, các thương hiệu này sẽ nhanh chóng quảng bá. Nhưng Hermès không làm như vậy.

Trong một thế giới quá nhiều người nổi tiếng, quảng cáo của Hermès rõ ràng không có những gương mặt dễ nhận biết – điều này giúp họ tránh khỏi tình trạng hỗn loạn khi những cá tính như vậy không được ưa chuộng. Tuy nhiên, khách hàng thường phải đợi hàng tháng – và đôi khi hàng năm – để mua những chiếc túi Birkin và Kelly.

Được thành lập vào năm 1837 bởi nhà sản xuất thắt lưng Thierry Hermès – công ty luôn hoạt động độc lập, phần lớn do các thành viên trong gia đình điều hành. Được biết đến khắp châu Âu từ những ngày đầu thành lập nhờ sự khéo léo tinh tế trong các sản phẩm sáng tạo của mình, Hermès được truyền từ đời này sang đời khác khi hãng mở rộng từ thắt lưng đến yên ngựa và các mặt hàng da khác, khăn lụa xa hoa và đồng hồ.

Năm 1951, Robert Dumas, con rể của Émile Hermès thế hệ thứ ba – người chỉ có con gái – đã nắm quyền lãnh đạo và được ghi nhận là người đã mang lại nhiều thành công cho công ty, bao gồm cả chiếc túi Kelly – được tạo ra cách đây gần 100 năm.

Con trai của Robert, Jean-Louis Dumas, theo ông vào năm 1978, và là người tạo ra chiếc túi Birkin, lấy cảm hứng từ nữ diễn viên kiêm ca sĩ quá cố người Anh Jane Birkin, người ngồi cạnh ông trên một chuyến bay và phàn nàn rằng cô không thể tìm thấy một chiếc túi ưng ý nào. Lúc đó, logo xe ngựa kéo và những chiếc hộp màu cam đặc trưng của công ty đã trở thành biểu tượng của thời trang cao cấp và đẳng cấp.

Dưới thời Axel Dumas, cháu trai của Jean-Louis, người đã nắm quyền lãnh đạo trong một thập kỷ, doanh số bán hàng đã tăng gấp ba và giá cổ phiếu đã tăng gấp bảy lần. Là một cựu nhân viên ngân hàng và miễn cưỡng gia nhập công ty, Dumas đã củng cố phạm vi hoạt động của Hermès ở nước ngoài – năm ngoái, công ty đã khai trương một Maison Hermès mới trên Đại lộ Madison ở New York.

Dumas đã bám sát di sản của công ty về sự sang trọng thầm lặng bắt nguồn từ nghệ thuật thủ công thay vì logo và chữ lồng dán trên khắp các sản phẩm – như Louis Vuitton hay Chanel. Logo duy nhất trên hầu hết các túi xách của công ty là dòng chữ “Hermès Paris” kín đáo trên móc cài.

Trong khi Louis Vuitton đã ký hợp đồng với siêu sao âm nhạc Pharrell Williams với tư cách là nhà thiết kế trang phục nam, thì những người sáng tạo ra các sản phẩm của Hermès có xu hướng không phải là những cái tên quen thuộc và nhiều người trong số họ đã làm việc tại hãng thời trang sang trọng này trong nhiều thập kỷ. Ví dụ điển hình là Véronique Nichanian – người đã là nhà thiết kế trang phục nam của Hermès trong 35 năm.

“Một số khác phụ thuộc vào sự thay đổi của CEO, nhà thiết kế. Trong trường hợp của Hermès, dấu ấn của họ có trên sản phẩm, thông tin liên lạc và con người luôn nhất quán”, Stefania Saviolo, giảng viên về quản lý thời trang và hàng xa xỉ tại Đại học Bocconi ở Milan cho biết.

Đôi khi, công ty cũng ngoan cố thực hiện những hành động khiến người khác phải “nhướng mày”. Để thể hiện nguồn gốc của mình, mùa xuân năm nay, cửa sổ chính của cửa hàng hàng đầu của Hermès trên con phố thời trang Faubourg Saint-Honoré của Paris xuất hiện một ít… phân ngựa. Dumas nói với khán giả tại cuộc thi cưỡi ngựa Saut Hermès rằng đó không chỉ là phân bón. Nó đến từ những con ngựa ở la Garde Républicaine, một đơn vị cảnh sát tinh nhuệ thường bảo vệ các quan chức trong các nghi lễ chính thức.

Sự lập dị chưa dừng lại ở đó. Các bài thuyết trình về kết quả kinh doanh của công ty đều bằng tiếng Pháp, một điều kỳ lạ trong thế giới tài chính cao cấp và tại các công ty lớn, nơi tiếng Anh chiếm ưu thế. Đáng nói, công ty vẫn kiên quyết như vậy ngay cả khi Dumas nói được tiếng Anh.

Cố gắng duy trì huyền thoại về những cách thức vượt trội của công ty, Dumas từng chia sẻ trong một sự kiện vào năm 2019 rằng Hermès không “tiếp thị”. Đừng bận tâm rằng công ty, giống như những công ty khác trong ngành, quảng cáo và quảng bá sản phẩm. Dumas cho biết, lợi nhuận có thể tăng lên rất nhiều nếu những thay đổi được thực hiện trong cách điều hành công ty, nhưng đó không phải là cách của Hermès.

Trong cuộc chiến chống lại Arnault, gia đình đã cảnh báo rằng nếu Hermès là một phần của LVMH, áp lực lợi nhuận sẽ làm suy yếu tay nghề thủ công và truyền thống đã định hình thương hiệu. Trong những năm qua, Arnault đã thay đổi bộ mặt của Louis Vuitton, thu hút Marc Jacobs, một nhà thiết kế trẻ, người đã cập nhật các sản phẩm với thiết kế độc đáo và thúc đẩy sản xuất nhiều hơn khi nhu cầu tăng cao.

Tại Hermès, mỗi chiếc túi vẫn được thực hiện bởi một nghệ nhân duy nhất, người có thể dành tới 20 giờ cho một mẫu Kelly, gấp và khâu các mảnh da bê hoặc da cá sấu lại với nhau. Không giống như nhiều đối thủ, Hermès thường xuyên cập nhật cho các nhà đầu tư về năng lực sản xuất của mình. Mục tiêu đã nêu của công ty là tăng sản lượng hàng da khoảng 7% mỗi năm – với việc mở một nhà máy mỗi năm tại Pháp.

Dumas cho biết trong lễ khai trương một xưởng may ở thị trấn Louviers ở Normandy, phía tây bắc nước Pháp, khả năng thúc đẩy sản xuất của công ty bị hạn chế bởi nhu cầu về kỹ năng phù hợp và trình độ chuyên môn.

Ông nói: “Việc đào tạo cần có thời gian. Những nghệ nhân giỏi nhất của chúng tôi trở thành người đào tạo nên họ không còn sản xuất nữa”. Đó là lý do tại sao mỗi năm mở một cửa hàng là “tối ưu để không làm gián đoạn công việc chúng tôi làm trong khi vẫn đang phát triển”.

Tập đoàn không tiết lộ họ sản xuất bao nhiêu túi hoặc khăn quàng cổ mỗi năm và tình trạng thiếu hụt cũng không khiến họ phải tăng giá nhiều nhất có thể. Điều đó đã tạo ra một thị trường bán lại hấp dẫn cho các mẫu Birkin, Kelly và Constance, liên tục thu hút được mức tăng giá cao.

Rachel Koffsky, người đứng đầu quốc tế về túi xách và phụ kiện tại nhà đấu giá Christie’s cho biết: “Khách hàng sẽ trả giá cao cho những món đồ này vì túi xách đứng vững trước thử thách của thời gian”.

Hai năm trước, một chiếc túi Hermès đã phá kỷ lục đấu giá để trở thành chiếc túi xách đắt nhất từng được bán ra: 500.000 USD (hơn 12 tỷ USD) cho một chiếc Himalaya Kelly nạm kim cương, một chiếc túi xách da cá sấu màu trắng xà cừ.

Tại cuộc đấu giá túi của Christie vào tháng trước, 60% số lô đã được bán trên mức ước tính cao nhất, trong đó nhà đấu giá đã nêu bật thành tích của Hermès, một dấu hiệu cho thấy đẳng cấp của thương hiệu này.

Vào một buổi chiều gần đây trước cửa hàng hàng đầu của công ty ở Paris, Kiki Liu tự mô tả mình là một khách hàng trung thành, người trong thập kỷ qua đã mua một số túi Hermès, bao gồm cả các mẫu Birkin và Kelly. Người đàn ông Chicago đang đi nghỉ cùng gia đình rất hài lòng khi đặt lịch hẹn với nhân viên bán hàng của Hermès để hỏi về một chiếc ví.

“Tôi có nhiều chiếc túi khác nhau từ nhiều thương hiệu khác nhau nhưng tôi cảm thấy những chiếc Hermès vẫn giữ được giá trị và trường tồn với thời gian”, Liu nói khi rời cửa hàng cùng các con. “Chúng là một khoản đầu tư tốt và tôi cảm thấy mình có thể chuyển chúng cho các con gái của mình”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Thương hiệu và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo Phương Linh | Theo An ninh Tiền tệ

Vực dậy Dior trên bờ phá sản – Bernard Arnault xây dựng nên đế chế hàng hiệu lớn nhất thế giới

Tính đến chiều ngày 15/8/2023, tỷ phú Bernard Arnault và gia đình có khối tài sản ròng là 217,9 tỷ USD, đứng thứ hai trong danh sách người giàu nhất thế giới. Bernard Arnault hiện là chủ tịch của đế chế thời trang xa xỉ LVMH.

Vực dậy Dior trên bờ phá sản - Bernard Arnault xây dựng nên đế chế hàng hiệu lớn nhất thế giới
Vực dậy Dior trên bờ phá sản – Bernard Arnault xây dựng nên đế chế hàng hiệu lớn nhất thế giới

Cuối tháng 4, LVMH – tập đoàn kinh doanh hàng xa xỉ do gia đình tỷ phú Bernard Arnault điều hành trở thành công ty châu Âu đầu tiên đạt giá trị thị trường vượt mốc 500 tỷ USD.

Đi kèm với kết quả kinh doanh tích cực khi doanh số bán hàng hiệu tăng trưởng trong đại dịch, khối tài sản ròng của tỷ phú Bernard Arnault cùng gia đình thường dao động ở mức 186 – 211 tỷ USD, trở thành gia tộc giàu nhất toàn cầu.

Tính đến chiều ngày 15/8/2023, tỷ phú Bernard Arnault và gia đình có khối tài sản ròng là 217,9 tỷ USD, đứng thứ hai trong danh sách người giàu nhất thế giới.

Cách “sói già” Bernard gây dựng đế chế hàng hiệu.

Năm ngoái, LVMH đã báo cáo doanh thu 79,2 tỷ euro (87 tỷ USD) và lợi nhuận đạt 21,1 tỷ euro (23 tỷ USD), đánh dấu năm thứ hai liên tiếp đạt hiệu suất kỷ lục. Con đường thành công của tỷ phú Bernard Arnault gắn liền với ngành hàng xa xỉ.

Ông được cho là đã dùng tiền từ công ty của gia đình để mua lại công ty mẹ của Christian Dior lúc đó đang trên bờ vực phá sản. Từ đó, ông được mời đầu tư vào LVMH.

LVMH (Louis Vuitton Moët Hennessy) là tập đoàn hàng xa xỉ đa quốc gia của Pháp được thành lập vào năm 1987 thông qua việc sáp nhập nhà mốt Louis Vuitton, công ty rượu Moët et Chandon và nhà sản xuất rượu cognac Hennessy.

Ngày nay, tập đoàn LVMH sở hữu danh mục đầu tư đa dạng gồm hơn 75 thương hiệu cao cấp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thời trang và đồ da, nước hoa và mỹ phẩm, đồng hồ và trang sức, rượu vang và rượu mạnh…

Thời điểm Bernard Arnault đầu tư vào LVMH, hai phe phái đại diện cho Louis Vuitton và Moët Hennessy trong tập đoàn vừa mới được sáp nhập này đang mải mê trong cuộc chiến giành quyền lực.Trong thời gian ngắn, Arnault đã giành lấy miếng bánh về tay mình.

Hiện tại, ông vẫn có gần 50% cổ phần trong LVMH, và 97% tài sản ròng của ông đến từ số cổ phiếu này.

Tỷ phú Bernard Arnault được đánh giá là người tham vọng và khiến người khác phải dè chừng. Ông thường được truyền thông gọi với cái tên “ông trùm hàng hiệu” nhưng giới kinh doanh lại nhìn ông với biệt danh “sói già mặc cashmere”.

Thay vì nhìn nhận với dưới góc độ nhà kinh doanh thời trang, giới quan sát đặt ra so sánh giữa Bernard Arnault và Warren Buffett.

Bernard Arnault không chỉ kinh doanh thời trang, ông còn là một nhà đầu tư và nhà sưu tầm nghệ thuật. Người ta gọi ông là “sói già” vì chẳng ai có thể đoán trước con sói này sẽ nhắm đến con mồi mới nào.

Arnault có lý do để hành xử tự tin. Ông đã mua, nuôi dưỡng và hồi sinh các thương hiệu xa xỉ một cách có hệ thống và tạo dựng một tập đoàn đáng gờm.

Lịch sử thâu tóm các thương hiệu xa xỉ.

Như đã nêu, với tham vọng của mình, tỷ phú Bernard Arnault cùng tập đoàn LVMH rất tích cực trong các thương vụ mua lại chiến lược nhằm giúp phát triển và đa dạng hóa danh mục đầu tư các thương hiệu cao cấp của họ.

Sau khi LVMH sáp nhập ba công ty vào năm 1987, tới năm 1996, họ tiếp tục mua lại hãng thời trang Marc Jacobs và đến năm 1999 thâu tóm Givenchy.

Trong giai đoạn 2001-2013, LVMH liên tục thực hiện thương vụ sáp nhập hãng thời trang Emilio Pucci (2001), nhà sản xuất đồng hồ Hublot (2006), hãng trang sức Bulgari (2011), thương hiệu len cashmere Loro Piana (2012), nhà sản xuất vali Rimowa (2013).

Chưa dừng lại, ở giai đoạn 2017-2021, tập đoàn hàng xa xỉ này tiếp tục với thương vụ mua lại hãng trang sức Tiffany & Co. hoàn thành vào năm 2021 với giá trị hơn 16 tỷ USD – thương vụ sáp nhập có giá trị lớn nhất ngành xa xỉ.

Trước đó, trong hai năm 2017 và 2018, LVMH đã mua lại hãng nước hoa Pháp Maison Francis Kurkdjian và chuỗi khách sạn hạng sang Belmond.

Bữa trưa 90 phút cùng 5 người con và cách chọn người thừa kế.

Tỷ phú Bernard Arnault có 5 người con và họ đều nắm giữ những vị trí lãnh đạo cấp cao trong đế chế LVMH. Cách dạy con của vị tỷ phú cũng có nhiều điểm đáng chú ý.

Theo Wall Street Journal, ông chủ tập đoàn LVMH được cho là thường xuyên mời 5 người con của mình đến ăn trưa hàng tháng tại phòng ăn riêng trong trụ sở toàn cầu của công ty ở Paris.

Bữa trưa thường kéo dài 90 phút với mục đích trò chuyện với các con về chiến lược công ty và củng cố hiệu suất quản lý của họ. Với 5 người con tài năng, Bernard Arnault có nhiều việc hơn phải làm.

Một series đình đám của HBO có tên là “Succession” (Kế vị) dựng lên một hình tượng khá tương đồng với ông chủ đế chế hàng hiệu LVMH. Có lẽ vị tỷ phú chưa bao giờ xem series này nhưng có một điều rõ ràng là ông hiểu những đấu đá ngầm trong gia tộc cho cuộc chiến thừa kế.

Và kế hoạch giao lại công việc kinh doanh cho các con của ông là một nỗ lực nhằm tránh những cạm bẫy của cuộc chiến thừa kế.

Cô chị cả Delphine đang có nhiệm kỳ thứ hai thành công tại Christian Dior – thương hiệu lớn thứ hai trong danh mục của LVMH. Hoạt động kinh doanh của Dior đã thay đổi rõ rệt trong những năm gần đây với sự cải thiện sản phẩm và chiến lược giá.

Trong khi đó, người con thứ hai, Antoine đã làm việc cho “công ty gia đình” từ những ngày đầu và hiện là giám đốc truyền thông của tập đoàn, đặc biệt tập trung vào Louis Vuitton.

Đồng thời, ông cũng điều hành hai thương hiệu Berluti và Loro Piana. Antoine là người quen thuộc nhất với công chúng với tần suất xuất hiện nhiều hơn so với các anh chị em.

Câu con trai thứ ba là Alexandre, sống ở Mỹ và đang là giám đốc sản phẩm và truyền thông của Tiffany & Co. – thương vụ đình đám nhất của LVMH.

Trong khi đó, quý tử Frederic được cho là giống cha mình nhất và là người duy nhất đi theo con đường của Bernard để vào trường đại học khoa học và kỹ thuật hàng đầu của Pháp École Polytechnique. Anh là CEO TAG Heuer từ năm 25 tuổi.

Frederic dành phần lớn thời gian của mình ở La Chaux-de-Fonds, Thụy Sĩ, nơi đặt trụ sở của thương hiệu. Anh cũng là người tích cực hoạt động trên nền tảng Instagram.

Cậu em út Jean cũng được truyền cảm hứng sở thích về đồng hồ của Frederic và đang là người đứng đầu bộ phận phát triển đồng hồ tại Louis Vuitton. Jean tốt nghiệp Đại học Hoàng gia Luân Đôn với bằng kỹ sư cơ khí và học thạc sĩ toán tài chính tại MIT.

Bernar Arnault có những người con tài giỏi và buổi ăn trưa với các con là rất cần thiết để giúp ông quyết định xem ai trong số 5 người này có thể thay thế ông làm người đứng đầu LVMH và các thương hiệu (Brand) Louis Vuitton, Christian Dior và Tiffany & Co…

Vị tỷ phú 74 tuổi thường bắt đầu mỗi bữa trưa bằng cách đọc to các chủ đề thảo luận từ iPad của mình trước khi đi quanh bàn và xin lời khuyên của từng đứa con.

Những năm tới là một bài kiểm tra thực sự đối với các con của Bernard về việc ai sẽ trở thành người thừa kế. Tuy nhiên, Arnault vẫn luôn theo dõi chặt chẽ sự phát triển của các con tại công ty.

Mối bận tâm lớn nhất vị tỷ phú không phải là rời ghế quyền lực. Từ lâu, ông đã nói rõ trong các cuộc phỏng vấn rằng quyền kiểm soát công việc kinh doanh của gia đình sẽ vẫn thuộc về gia đình và trách nhiệm đó được phân chia cho các con của ông. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ thừa kế quyền lực cao nhất từ “sói già mặc cashmere” này?

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Thùy Trang

Nhóm tỷ phú giàu nhất thế giới kiếm 852 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023

Mỗi thành viên của xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index đạt mức tăng trưởng tài sản bình quân 14 triệu USD/ngày trong vòng 6 tháng đầu năm 2023.

Nhóm tỷ phú giàu nhất thế giới kiếm 852 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023
Nhóm tỷ phú giàu nhất thế giới kiếm 852 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023

500 người giàu nhất thế giới chứng kiến tổng tài sản ròng của họ tăng thêm 852 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.

Mỗi thành viên của xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index đạt mức tăng trưởng tài sản bình quân 14 triệu USD/ngày trong vòng 6 tháng qua – Theo Bloomberg.

Đây là nửa đầu năm rực rỡ nhất của các tỷ phú này kể từ nửa sau của năm 2020 – khi nền kinh tế toàn cầu gượng dậy sau đợt sụt giảm vì đại dịch Covid-19.

Việc kiếm tiền với tốc độ ấn tượng của nhóm giàu nhất thế giới diễn ra đồng thời với đà tăng điểm mạnh của thị trường chứng khoán, nhất là chứng khoán Mỹ, khi nhà đầu tư dường như không còn lo lắng nhiều về ảnh hưởng từ chiến dịch tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương và cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực ở Mỹ.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 tăng 16% và chỉ số Nasdaq tăng 39% trong 6 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh cơn sốt công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) thúc đẩy giá cổ phiếu công nghệ tăng bùng nổ và kéo toàn thị trường lên theo.

Trong lúc hai tỷ phú Elon Musk và Mark Zuckerberg còn đang tính có một trận đấm bốc, CEO của Tesla đang dẫn trước nhà sáng lập Facebook về tốc độ gia tăng của tài sản.

Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã “bỏ túi” 96,6 tỷ USD tài sản ròng trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều hơn bất kỳ tỷ phú nào khác. Trong khi đó, ông Zuckerberg kiếm được 58,9 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian.

Ở chiều ngược lại, tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani là người có tài sản ròng giảm mạnh nhất trong 6 tháng, mất 60, tỷ USD. Ông Adani, người đang giữ cương vị Chủ tịch của Adani Group, cũng là người mất nhiều tài sản nhất trong 1 ngày đối với bất kỳ tỷ phú nào trên thế giới từ trước đến nay.

Hôm 27/1, ông chứng kiến tài sản ròng “bốc hơi” 20,8 tỷ USD sau khi công ty bán khống của Mỹ Hindenburg Research cáo buộc tập đoàn của ông có hành vi gian lận kế toán và thao túng giá cổ phiếu – một cáo buộc mà ông Adani phủ nhận.

Hindenburg, công ty được sáng lập bởi Nate Anderson, cũng khiến một tỷ phú khác mất kha khá tài sản trong nửa đầu năm nay, và “nạn nhân” đó là nhà đầu tư lừng danh Carl Icahn.

Công ty Icahn Enterprises LP của ông có cú sụt giảm giá cổ phiếu mạnh nhất trong một ngày từ trước đến nay sau khi Hindenburg tiết lộ đang bán khống cổ phiếu này, cho rằng cổ phiếu công ty này bị thổi phồng giá trị so với tài sản thực tế.

Trong 6 tháng, khối tài sản ròng cá nhân của ông Icahn sụt 13,4 tỷ USD, tương đương mức giảm 57% – mức giảm tương đối lớn hơn bất kỳ độ giảm tài sản của một tỷ phú nào khác trong xếp hạng Bloomberg Billionaires Index trong cùng khoảng thời gian.

Đối với ông chủ của mạng xã hội Twitter, tài sản vẫn đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7 vào ngày 3/7, cổ phiếu Tesla tăng 6,9% sau khi hãng công bố sản lượng và số xe được giao tới tay khách hàng lớn hơn dự báo của giới phân tích. Nhờ đó, khối tài sản của ông Musk tăng thêm 13 tỷ USD chỉ sau một đêm.

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Tesla tăng gần 160%. Elon Musk nhờ đó lấy lại được danh hiệu giàu nhất thế giới, dù đã có thời điểm bị tỷ phú đồ hiệu Pháp Bernard Arnault của LVMH đẩy xuống vị trí số 2.

Theo dữ liệu của Bloomberg Billionaires Index, Elon Musk hiện có 247 tỷ USD tài sản ròng, còn Bernard Arnault có 199 tỷ USD.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Ông chủ thương hiệu Louis Vuitton trở thành người giàu nhất thế giới với hơn 200 tỷ USD

Bernard Arnault, Chủ tịch của LVMH, công ty sở hữu hàng loạt thương hiệu đình đám như Louis Vuitton (LV) hay Dior, cùng với Elon Musk và Jeff Bezos là ba tỷ phú giàu nhất thế giới 2023.

Ông chủ thương hiệu Louis Vuitton trở thành người giàu nhất thế giới với hơn 200 tỷ USD
Ông chủ thương hiệu Louis Vuitton trở thành người giàu nhất thế giới với hơn 200 tỷ USD

Theo số liệu mới nhất từ Forbes, trong năm 2022, trong khi toàn cầu đối mặt với suy thoáilạm phát thì tài sản của Bernard Arnault tăng lên đến hơn 53 tỷ USD và trở thành người giàu nhất thế giới với khối tài sản 211 tỷ USD.

Theo Bloomberg, tài sản của ông Bernard Arnault đã lần đầu tiên vượt qua mức 200 tỷ USD. Điều này khiến ông trở thành người thứ ba trên thế giới đạt được dấu mốc này, sau Elon Musk và Jeff Bezos.

Dựa trên số liệu từ Bloomberg Billionaires Index, tài sản của vị doanh nhân đứng sau Tập đoàn LVMH đã tăng thêm 2,4 tỷ USD vào ngày 4/4, lên mức 211 tỷ USD. Ông cũng là người không mang quốc tịch Mỹ đầu tiên đạt được thành tích này.

Ông Arnault, 74 tuổi, đã vượt qua Elon Musk để trở thành người giàu nhất thế giới vào tháng 12 năm ngoái nhờ “đế chế” hàng xa xỉ LVMH.

Tập đoàn này đang nắm giữ hơn 75 thương hiệu lớn nhỏ với xấp xỉ 5.500 cửa hàng trên toàn cầu. LVMH sở hữu nhiều thương hiệu đình đám như Louis Vuitton, Dior, Givenchy, Tiffany & Co, Fendi…

Giá trị tài sản ròng của ông Arnault đã tăng lên 39 tỷ USD trong năm nay khi nhu cầu đối với các sản phẩm cao cấp vẫn ổn định. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu của LVMH cũng đang ở mức cao kỷ lục khi doanh nghiệp công bố sẽ mua lại số cổ phiếu lên tới 1,6 tỷ USD.

LVMH cũng ghi nhận mức doanh thu 79,2 tỷ euro (86,8 tỷ USD) vào năm ngoái. Con số này đạt được một phần nhờ việc Louis Vuitton có doanh thu vượt 20 tỷ euro (21,9 tỷ USD) trong năm 2022.

Từ trước đến nay, ngành thời trang và đồ da vẫn chiếm tỷ lệ đóng góp lớn nhất cùng mức tăng ổn định cho tập đoàn. Trong đó, Louis Vuitton và Dior luôn là những thương hiệu có sức tăng trưởng và thị phần tốt nhất và đóng góp lớn vào doanh thu.

Các báo cáo doanh số bán hàng trong quý I của Dior và Tiffany cũng sẽ được lần lượt công bố vào cuối tháng này.

Thành công là vậy, tuy nhiên, ông Arnault vẫn không tránh khỏi các thất bại trong cuộc đời. Vị doanh nhân này từng bị coi là “con sói trong bộ đồ cashmere” sau khi ông thất bại trong phi vụ thâu tóm Hermès.

Theo Reuters, ông Arnault lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách tỷ phú của Forbes vào năm 1997, khi ông sở hữu tài sản trị giá 3,6 tỷ USD.

Đến năm 2005, ông lọt vào danh sách 20 người giàu nhất hành tinh với khối tài sản tăng lên mức 17 tỷ USD. Năm 2011, ông đứng ở vị trí thứ tư với 41 tỷ USD.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Jeff Bezos không còn là người giàu nhất thế giới sau khi giá cổ phiếu của Amazon giảm mạnh

Nhà tài phiệt người Pháp Bernard Arnault của tập đoàn hàng hiệu LVMH đã vươn lên vị trí đầu bảng với 195.8 tỷ USD.

mage credit: Anadolu Agency | Getty Images

Nhà sáng lập Amazon và Blue Origin, Jeff Bezos không còn là người giàu nhất thế giới – và không phải chỉ vì ông đã đầu tư nhiều tiền vào các dự án ngoài không gian.

Giá trị tài sản ròng của ông giảm 13,9 tỷ USD trong một ngày khi giá cổ phiếu của Amazon giảm 7% vào tuần trước sau khi công ty báo cáo mức tăng trưởng quý II thấp hơn mức dự báo trước đó.

Nhà tài phiệt người Pháp Bernard Arnault của tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH đã vươn lên vị trí dẫn đầu.

LVMH là tập đoàn đang sở hữu hầu hết các thương hiệu cao cấp bao gồm Louis Vuitton (LV), Sephora, Tiffany & Co., và Moët & Chandon.

Tính đến ngày 2/8, theo MarketWatch, giá trị tài sản ròng của Arnault là 195,8 tỷ USD và của Jeff Bezos là 192,6 tỷ USD.

Giá cổ phiếu LVMH cũng giảm vào tuần trước, khiến Arnault mất 2,9 tỷ USD, nhưng ông vẫn đứng đầu và cao hơn Bezos.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Top 10 người giàu nhất hành tinh 2020

Bloomberg vừa đã công bố danh sách 10 tỷ phú giàu nhất hành tinh cùng với giá trị tài sản ròng hiện có. Giá trị ròng của Mukesh Ambani, Ông chủ của RIL là một điểm đáng chú ý khi mức tăng gần 8 tỷ USD kể từ năm 2019.

10. Larry Ellison

Top 10 người giàu nhất hành tinh 2020

Larry Ellison là người đồng sáng lập, điều hành và giám đốc công nghệ của Tập đoàn Oracle.

Giá trị ròng: 65.8 tỷ USD.

09. Warren Buffett

Top 10 người giàu nhất hành tinh 2020

Warren Buffett là chủ tịch và CEO của Berkshire Hathaway.

Giá trị ròng: 67.9 tỷ USD.

08. Mukesh Ambani

Top 10 người giàu nhất hành tinh 2020

Mukesh Ambani là một ông trùm kinh doanh của Ấn Độ, đồng thời là chủ tịch, giám đốc điều hành và cổ đông lớn nhất của Reliance Industries Ltd., một công ty thuộc Fortune Global 500 và công ty có giá trị nhất Ấn Độ theo giá trị thị trường. Ông hiện là người giàu nhất châu Á.

Giá trị ròng: 68.3 tỷ USD.

07. Sergey Brin

Top 10 người giàu nhất hành tinh 2020

Serge Brin là đồng sáng lập của Google. Sergey là chủ tịch của công ty mẹ của Google, Alphabet Inc cho đến khi rời khỏi vai trò này vào ngày 3 tháng 12 năm 2019.

Giá trị ròng: 69.5 tỷ USD.

06. Larry Page

Top 10 người giàu nhất hành tinh 2020

Larry Page là một trong những người đồng sáng lập Google cùng với Serge Brin. Ông là giám đốc điều hành của Alphabet Inc. cho đến khi từ chức vào ngày 3 tháng 12 năm 2019.

Giá trị ròng: 71.7 tỷ USD.

05. Steve Ballmer

top-10-nguoi-giau-nhat-hanh-tinh-Steve-Ballmer--marketingtrips

Steven Ballmer là giám đốc điều hành của Microsoft từ ngày 13 tháng 1 năm 2000 đến ngày 4 tháng 2 năm 2014 và là chủ sở hữu hiện tại của Los Angeles Clippers thuộc Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia.

Giá trị ròng: 77 tỷ USD.

04. Mark Zuckerberg

Top 10 người giàu nhất hành tinh 2020

Mark Zuckerberg được biết đến với vai trò đồng sáng lập Facebook Inc. và giữ vai trò chủ tịch, giám đốc điều hành và là cổ đông kiểm soát công ty này.

Giá trị ròng: 92.7 tỷ USD.

03. Bernard Arnault

Top 10 người giàu nhất hành tinh 2020

Bernard Arnault là chủ tịch và giám đốc điều hành của LVMH Moët Hennessy – Louis Vuitton SE, LVMH, công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới.

Giá trị ròng: 92.8 tỷ USD.

02. Bill Gates

Top 10 người giàu nhất hành tinh 2020

Bill Gates là người đồng sáng lập Microsoft Corporation

Giá trị ròng: 115 tỷ USD.

01. Jeff Bezos

Top 10 người giàu nhất hành tinh 2020

Jeff Bezos là một nhà công nghiệp, chủ sở hữu truyền thông và nhà đầu tư người Mỹ. Ông được biết đến nhiều nhất với tư cách là người sáng lập, CEO và chủ tịch của Amazon.

Giá trị ròng: 188 tỷ USD.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Tham khảo: Bloomberg