Skip to main content

Thẻ: Google

Facebook, Google có thể mất trắng 44 tỉ USD doanh thu quảng cáo vì COVID-19

Facebook và Google dự kiến sẽ hứng chịu suy thoái nặng nề khi hàng tỉ USD doanh thu quảng cáo bốc hơi bởi tác động của đại dịch COVID-19.

Theo phân tích của Cowen & Co., hai ông lớn Internet toàn cầu này sẽ mất khoảng 44 tỉ USD doanh thu quảng cáo trong năm 2020. Mặc dù vậy, Facebook và Google vẫn sẽ có lãi lớn ngay cả khi doanh thu giảm hai chữ số.

So với ước tính trước đó của Cowen, tổng doanh thu thuần năm 2020 của Google dự kiến đạt khoảng 127,5 tỉ USD, giảm 28,6 tỉ USD (tương đương 18%), trong khi đó, doanh thu quảng cáo của Facebook năm nay được chốt ở mức 67,8 tỉ USD, giảm 15,7 tỉ USD (tương đương 19%).

Những con số ước tính mới được đưa ra sau khi một số nhân sự điều hành Facebook tiết lộ “tình hình kinh doanh quảng cáo đi xuống tại nhiều quốc gia do ảnh hưởng của virus COVID-19” trong một bài đăng gần đây.

Theo ông Alex Schultz, Phó chủ tịch mảng Phân tích của Facebook và ông Jay Parikh, Phó chủ tịch mảng Kỹ thuật, trong đại dịch, thời lượng sử dụng Facebook tăng lên, khối lượng tin nhắn cũng tăng hơn 50% so với tháng trước tại những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus, nhưng “chúng tôi không kiếm tiền từ những dịch vụ mà mọi người đang sử dụng ngày càng nhiều”.

Theo phân tích của Cowen công bố vào ngày 25/3, mảng kinh doanh quảng cáo của Facebook dự kiến sẽ tăng trưởng “trở lại”, tăng 23% so với cùng kỳ năm, đạt 83 tỉ USD vào năm 2021.

Và ngay khi lợi nhuận của Facebook và Google dự kiến giảm hai chữ số, họ vẫn sẽ thu về hàng tỉ USD lợi nhuận nhờ những nguồn khác. Doanh thu vận hành của Google sẽ là 54,3 tỉ USD, còn Facebook là 33,7 tỉ USD.

Liên quan đến vấn đề giảm doanh thu quảng cáo do virus Corona, ông Rich Greenfield, nhà phân tích của LightShed, cho rằng “các nền tảng kỹ thuật số đang phải hứng chịu tổn thất sớm hơn những kênh khác, như TV (dự kiến sẽ gặp hoàn cảnh tương tự vào quý 2)”.

Những công ty internet khác có nguồn thu dựa vào quảng cáo cũng dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi cơn khủng hoảng COVID-19. Cowen dự đoán doanh thu cả năm của Twitter giảm 18% (dự kiến 3,2 tỉ USD) trong khi doanh số quảng cáo của Snap dự kiến đạt 1,66 tỉ USD, thấp hơn 30% so với dự báo trước đó của Cowen.

Nhà phân tích này cũng cho biết, ngược lại với Facebook & Google, mảng kinh doanh quảng cáo của Amazon ít bị ảnh hưởng hơn với các nền tảng kỹ thuật số lớn khác, vì quảng cáo của doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến việc tìm kiếm sản phẩm.

Theo ước tính của Cowen & Co., doanh thu quảng cáo năm 2020 tại Mỹ giảm 44 tỉ USD, chỉ còn 212 tỉ USD, giảm 11% so với năm trước và giảm 17% so với dự báo trước đó (256 tỉ USD). Các ngành dẫn đầu cắt giảm chi tiêu quảng cáo tại Mỹ là du lịch, bán lẻ và ô tô.

Hà Anh | MarketingTrips

Theo BrandsVietnam

Google vinh danh bánh mì Việt Nam, một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới

Google doodle đã vinh danh món bánh mì Việt Nam trên trang chủ Google Tiếng Việt (Google.com.vn) cùng hơn 10 quốc gia khác.

google bánh mỳ việt nam

Google ngày hôm nay đã vinh danh bánh mì Việt Nam trên trang tìm kiếm của mình. Đây là một món ăn đường phố đã rất quen thuộc và gắn bò với tất cả người dân Việt Nam. Sự kết hợp của những thành phần, hương vị, hòa quyện tạo nên một món ăn đặc trưng, mà đã từng được xếp thứ 2 trong số những món ăn đường phố ngon nhất trên thế giới.

The Guardian vào năm 2012 đã từng ca ngợi món bánh mì Việt Nam: “Một bí mật ít được biết đến là bánh sandwich (bánh mì kẹp) ngon nhất thế giới không được tìm thấy ở Rome, Copenhagen hay thậm chí ở New York, mà là trên các đường phố Việt Nam”.

Google doodle đã vinh danh món bánh mì Việt Nam trên trang chủ Google Tiếng Việt (Google.com.vn) cùng hơn 10 quốc gia khác, bao gồm Mỹ, Singapore, Pháp, Úc, Thụy Sĩ…

“Một loại bánh mì truyền thống với lớp vỏ giòn, được kẹp vào những loại thịt khác nhau (pate, thịt lợn, thịt gà), xúc xích, rau thơm, đồ chua (dưa chuột, củ cải và cà rốt ngâm), quết thêm một ít bơ, nước xốt và cuối cùng là một loại tương ớt đặc biệt. Được lấy cảm hứng từ loại bánh mì baguette của Pháp, nhưng các nguyên liệu được thay thế bằng của Việt Nam, tạo nên một món ăn vô cùng đặc trưng”, Google miêu tả bánh mì Việt Nam.

Hà Anh | MarketingTrips

Theo GenK

5 chiến lược quản lý nhân sự “chỉ lưu hành nội bộ” của Google

Một trong các yếu tố chính góp phần cho sự thành công rực rỡ của Google đến từ những chiến lược quản lý nhân sự “không giống ai” của mình.

google

Điều đáng ngưỡng mộ trong cách ông lớn công nghệ này điều hành hơn 62.000 “Googler” (tên thân mật của nhân viên Google) của mình chính là việc lãnh đạo phòng nhân sự dựa trên dữ liệu thực tế, chứ chẳng phải những thứ thuần túy trên giấy bút, để tiến hành chiến lược quản trị và ra quyết định.

Thế nên, dù thoạt nhìn có vẻ phản khoa học so với thế giới, nhưng Google, nhờ phương thức kỳ lạ của mình, vẫn thản nhiên đứng hạng nhất danh sách “Những doanh nghiệp đáng làm việc nhất thế giới” do Fortune bình chọn trong suốt 8 lần liên tiếp.

Laszlo Bock – Trưởng bộ phận Nhân sự của Goole đã chia sẻ những bí quyết quản lí nhân viên đặc sắc “chỉ lưu hành nội bộ” của doanh nghiệp đáng giá hơn 500 tỷ đô la này.

1. Để nhân viên “tự do trong khuôn khổ”.

Ở nơi danh giá này, kế hoạch quản lý nhân sự cũng có phần đặc biệt đôi chút. Nếu so sánh thì cách vận hành của ban quản trị Google cũng giống như việc “tay phải làm gì, tay trái chẳng hề hay biết” vậy. Có thể nhiều người sẽ nghĩ chiến lược của Google có phần thiên vị, hay thay đổi hoặc thiếu tầm nhìn vĩ mô.

Nhưng không, các bộ óc lỗi lạc tại Google phát hiện ra rằng khi những nhà lãnh đạo thường xuyên nhất quán, công bằng cũng như “tạo điều kiện” để cấp dưới “bắt bài” trong lúc ra quyết định thì nhân viên sẽ cảm thấy tự do hơn và có trải nghiệm làm việc tốt hơn.

Lý giải cho việc này, Laszlo Bock nói rằng khi thực hiện chiến lược quản trị như thế, nhân viên sẽ biết bản thân được tự do trong một chừng mực nhất định và có thể làm bất cứ điều gì mình mong muốn trong khuôn khổ đó.

Nếu một người quản lý kìm kẹp, can thiệp sâu và nhúng tay vào quá nhiều việc, cấp dưới sẽ chẳng biết đường nào mà lần.

Khi ấy, phần lớn trường hợp nhân viên sẽ không biết điều gì nên hay không nên làm, dần dà dẫn tới sự bức bách và bó hẹp trong môi trường làm việc.

2. Đặt giá trị tinh thần làm mục tiêu kinh doanh.

Khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp, Google chú trọng nhất vào nhiệm vụ của mình, đó là “Tổ chức thông tin của thế giới và khiến chúng trở nên hữu ích cũng như dễ dàng truy cập trên phạm vi toàn cầu”.

Điểm khác biệt của nhiệm vụ này so với nhiều “tuyên ngôn” của các doanh nghiệp khác chính là nó không hề đề cập đến lợi nhuận, thị trường hay bất kỳ vấn đề nào liên quan đến cổ phần và khách hàng cả. Với nhiều người, nhiệm vụ này trông không giống một mục tiêu kinh doanh, thậm chí nó dường như không có điểm kết thúc.

Theo Laszlo Bock: “Nhiệm vụ thế này giúp cho mỗi cá nhân tìm ra được ý nghĩa trong công việc của mình, vì nó gắn liền với các giá trị đạo đức và tinh thần hơn chỉ đơn thuần là một mục tiêu kinh doanh”.

Chính điều này là thứ thu hút những cá nhân tài năng khao khát một công việc đầy tham vọng và cảm hứng. Không có bất kỳ thứ gì mạnh mẽ hơn việc nhận thức được công việc của bản thân mình đang góp phần tích cực thay đổi thế giới cả. Google mang đến một công việc như thế!

3. Sẵn sàng chia sẻ mọi thứ.

Sau nhiệm vụ, tính minh bạch là cột trụ thứ hai làm nên văn hóa của Google. Đơn cử, một kỹ sư phần mềm mới nhận việc sẽ có quyền truy cập gần như tất cả mã hệ thống ngay trong ngày đầu tiên.

Các Googler sẽ được cấp quyền truy cập lộ trình sản phẩm, kế hoạch ra mắt, báo cáo tình trạng nhân viên hằng tuần, mục tiêu theo từng quý và ai nấy đều biết người khác đang làm gì. Google chia sẻ tất cả vì hết thảy đều tin tưởng nhau sẽ bảo mật thông tin.

Sự “thoáng” thể hiện qua việc chia sẻ thông tin của Google khác hoàn toàn so với lối quản trị truyền thống, phân cấp, chỉ huy và kiểm soát đồng thời cũng xóa nhòa sợi dây liên kết giữa nhân viên trong nội bộ doanh nghiệp.

Lợi ích tối cao của cách tiếp cận này chính là việc mỗi cá nhân tại Google đều biết chuyện gì đang diễn ra tại công ty.

Chia sẻ thông tin cũng góp phần nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, liên hiệp của các phòng ban, giảm bớt tính cạnh tranh cũng như việc “đâm sau lưng” hay thói quan liêu của cấp trên với cấp dưới. Bock nói rằng chính sách này “giúp mọi người hiểu được sự khác nhau trong mục tiêu giữa các phòng ban, nhờ đó tránh việc ganh đua nội bộ”.

Về “văn hoá chia sẻ” trong doanh nghiệp, Bock ngắn gọn: “Nếu doanh nghiệp của bạn thực sự tự tin nói rằng nhân viên của chúng tôi là tài sản quý giá nhất thì việc minh bạch và chia sẻ này phải là mặc định.

Nếu không làm được thì bạn chỉ đang tự gạt mình gạt người mà thôi. Một mặt, bạn nói nhân viên của mình quan trọng nhưng mặt khác, bạn lại đối xử với họ chẳng ra chi cả”.

4. Tiếp thu mọi ý kiến từ nhân viên.

Tại “nơi làm việc được ham muốn nhất trên thế giới” này, tiếng nói của nhân viên là nền tảng quan trọng thứ ba, giúp định hình văn hóa doanh nghiệp.

Nhân viên được đóng góp suy nghĩ hay nguyện vọng của mình, còn ban lãnh đạo tin vào sự thành tín và trung thực từ cấp dưới đến mức cho họ đồng tham vào việc đề xuất ý kiến cho doanh nghiệp.

Đây có thể là cơn ác mộng ở nhiều nơi, nhưng tại Google, nó lại phát huy hiệu quả đến không ngờ. Nhiều chiến lược quản trị nhân sự của ông lớn công nghệ đều xuất phát từ chính những người làm công ăn lương tại đây.

Vào năm 2009, các Googler than phiền với ban lãnh đạo về việc ngày càng khó hoàn thành chỉ tiêu đề ra do mức độ tăng trưởng quá nhanh của công ty.

Nhận thức được sự đúng đắn trong ý kiến của số đông cấp dưới, CFO của Google khi đó đã cho tiến hành một chương trình dành riêng cho Googler với tên gọi “Bureaucracy Busters” (Phát hiện bất cập). Ý tưởng này cho phép chính các Googler nói lên những bức xúc của mình đồng thời giúp công ty khắc phục chúng.

Khỏi nói cũng biết, tinh thần của nhân viên được “lên dây cót” mạnh mẽ như thế nào khi đích thân họ được chung tay trong việc tổ chức và cải thiện hệ thống làm việc nhằm giúp cho doanh nghiệp của mình ngày một đi lên.

5. Tuyển dụng không qua điểm số.

Với cương vị là một chuyên gia phân tích dữ liệu, Laszlo Bock đã từng trả lời tờ New York Times rằng GPA (điểm trung bình tích lũy) hay điểm bài kiểm tra chẳng có ý nghĩa gì trong việc tuyển lựa nhân viên cả, trừ phi doanh nghiệp của bạn sẵn sàng đào tạo họ lại từ đầu.

Người đứng đầu bộ phận nhân sự của Google phân tích: “Sau 2 hay 3 năm, bạn sẽ nhận ra những kỹ năng cần có để sống sót tại Google hoàn toàn chẳng có mối liên hệ nào với ngày còn đi học, vì những gì bạn được dạy khi còn ngồi ở giảng đường hoàn toàn khác so với nơi đây. Về cơ bản, bạn sẽ dần khoác chiếc “áo mới”, cách tư duy, học hỏi và phát triển – mọi thứ đều khác đi”.

Thế nên, không khó để hiểu vì sao có đến 14% nhân viên một số phòng ban tại Google chưa bao giờ đặt chân vào giảng đường đại học.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Google và Microsoft đẩy nhanh quá trình rời Trung Quốc về Việt Nam và Đông Nam Á

Google và Microsoft đang đẩy nhanh nỗ lực chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại mới, máy tính cá nhân (PC) và các thiết bị khác từ Trung Quốc đến Đông Nam Á giữa lúc virus corona bùng phát, trong đó các nhà máy ở Việt Nam và Thái Lan được cho là sẽ hưởng lợi, dựa trên nguồn tin từ Nikkei Asian Review.

google

Google dự kiến bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ mới nhất – dự kiến có tên là Pixel 4A – với các đối tác ở phía Bắc Việt Nam ngay trong tháng 4/2020. Ngoài ra, Google cũng lên kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh thế hệ kế tiếp – Pixel 5 – trong nửa sau năm 2020 ở Việt Nam, dựa trên nguồn tin thân cận từ Nikkei.

Google hiện đang là nhà sản xuất loa thông minh thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Amazon, và chiếc điện thoại Pixel dù đứng thứ 6 tại thị trường Mỹ trong năm 2019 nhưng doanh số bán ra trên toàn cầu đã tăng trưởng 50%.

Google đã yêu cầu một đối tác sản xuất lâu năm giúp đỡ để chuẩn bị chuỗi sản xuất các sản phẩm liên quan đến “nhà ở thông minh” ở Thái Lan, bao gồm loa thông minh kích hoạt bằng giọng nói như Nest Mini. Sản phẩm đầu tiên dự kiến bắt đầu xuất xưởng vào nửa đầu năm 2020, dựa trên nguồn tin thân cận.

Ngoài ra, Microsoft dự kiến bắt đầu sản xuất dòng sản phẩm Surface – bao gồm máy tính xách tay và máy tính bàn – ở phía Bắc Việt Nam sớm nhất là trong quý 2/2020, dựa trên nguồn tin thân cận. “Sản lượng tại Việt Nam sẽ thấp lúc đầu, nhưng sau đó sẽ tăng lên và đó là chiều hướng mà Microsoft muốn”, một giám đốc chuỗi cung ứng nói với Nikkei.

Cho đến nay hầu hết, nếu không muốn nói toàn bộ điện thoại thông minh của Google và máy tính của Microsoft đều sản xuất ở Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến nhiều ngành – nhất là công nghệ – xem xét rủi ro quá phụ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc.

Các công ty buộc phải rời Trung Quốc?

Còn đột ngột và bất ngờ hơn cả chiến tranh thương mại, sự bùng phát virus cororna chủng mới đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo dành cho các công ty quốc tế về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.

Tác động từ virus này mang lại cú sốc lớn hơn nhiều so với dịch bệnh SARS hồi năm 2003. Điều này là do nền kinh tế Trung Quốc giờ đã lớn hơn 8 lần so với năm 2003 và tầm quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu thậm chí còn tăng nhanh hơn.

Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn và quan trọng đối với nhiều công ty quốc tế. Nhưng khi hàng triệu người bị mắc kẹt trong nhà và phần lớn cửa hàng và trung tâm mua sắm đóng cửa, nhu cầu nội địa đã giảm mạnh đối với hầu hết hàng hóa và dịch vụ. Điều này đã tác động mạnh đến doanh số của các công ty quốc tế.

Ngoài ra, hiện nhiều nhà máy tại Trung Quốc cũng đang đóng cửa hoặc hoạt động chưa hết công suất. Không chỉ vậy, sự đình trệ sản xuất tại Trung Quốc còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các quốc gia khác, nhất là ở Đông Nam Á khi phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào tại Trung Quốc.

“Tác động khó lường từ virus corona chắc chắn sẽ đẩy các nhà sản xuất thiết bị điện tử tìm tới các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc”, một giám đốc chuỗi cung ứng khác cho biết. “Chẳng ai có thể ngó lo rủi ro sau tất cả chuyện này… Tổn thất không chỉ là chi phí đâu mà là sự liên tục của chuỗi cung ứng”.

So với các thương hiệu công nghệ tập trung vào phần cứng như Apple, HP và Dell, các công ty internet như Google và Microsoft có thể chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhanh hơn, 3 giám đốc chuỗi cung ứng nói với Nikkei.

Một nguồn tin ẩn danh cho biết các công ty vẫn tiếp tục chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc ngay cả khi Washington và Bắc Kinh ký thỏa thuận giai đoạn 1 vào tháng 1/2020. “sự bùng phát của virus corona chỉ củng cố thêm cho quyết tâm của họ”.

Google thậm chí còn yêu cầu các nhà cung ứng đánh giá tính khả thi và chi phí của việc tháo dở một số thiết bị sản xuất và chuyển từ Trung Quốc tới Việt Nam thông qua vận tải đường bộ, đường biển và đường hàng không sau khi nỗi lo sợ về virus corona khiến các cơ sở sản xuất chưa thể đi vào hoạt động trở lại trong tháng 2/2020.

Microsoft cũng khởi động kế hoạch sản xuất ở Việt Nam sớm hơn dự báo sau khi dịch bệnh bùng phát, dựa trên nguồn tin thân cận.

Google và Microsoft có ít gánh nặng hơn so với các ông lớn phần cứng như Apple khi xét về việc đa dạng hóa sản xuất để giảm bớt rủi ro tập trung quá mức, giới quan sát cho biết. So với Apple – vốn bán gần 200 triệu điện thoại thông minh mỗi năm, Google chỉ bán 7 triệu chiếc trong năm 2019, dựa trên dữ liệu từ IDC.

Dòng máy tính Surface của Microsoft chỉ bán được 6 triệu chiếc trên toàn cầu trong năm 2019, ít hơn rất nhiều so với 17 triệu chiếc Apple.

Google bắt đầu nỗ lực chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong năm 2019. Họ đã yêu cầu một trong những đối tác chuyển một nhà máy sản xuất điện thoại Nokia cũ ở Bắc Ninh sang sản xuất điện thoại Pixel, dựa trên nguồn tin từ Nikkei.

Một nhà máy khác ở Vĩnh Phúc cũng được công ty Mỹ chấp thuận sản xuất điện thoại thông minh, theo nguồn tin từ Nikkei. Phối hợp với nhiều đối tác, Google cũng chuyển sản xuất trung tâm dữ liệu sang Đài Loan trong năm 2019 và bắt đầu sản xuất các sản phẩm nhà ở thông minh nhỏ hơn như Nest Wifi ở Việt Nam vào cuối năm 2019.

Thế nhưng, khi các nhà cung ứng thiết bị điện tử ở Trung Quốc gặp khó trong việc nối lại sản xuất, nỗ lực đa dạng hóa của Google và Microsoft cũng đối mặt với thách thức vì họ cần nhiều linh kiện và nguyên vật liệu từ Trung Quốc cho giai đoạn lắp ráp cuối cùng.

“Chuyện các công ty như Google đẩy nhanh tiến độ đa dạng hóa khỏi Trung Quốc giữa dịch bệnh virus corona là hợp lý. Nhưng thậm chí nếu giai đoạn lắp ráp cuối cung diễn ra bên ngoài Trung Quốc, các nhà cung ứng vẫn cần tới một số linh kiện từ Trung Quốc. Chỉ còn là vấn đề về hệ sinh thái chuỗi cung ứng – vốn cần thời gian để xây dựng lại”, Joey Yen, nhà phân tích công nghệ tại IDC, nói với Nikkei.

Samsung Electronics – nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới – đã vận hành chuỗi cung ứng điện thoại thông minh ở phía Bắc Việt Nam trong nhiều năm, nhưng vẫn còn phụ thuộc vào một số linh kiện từ Trung Quốc.

Hà Anh | MarketingTrips

Nguồn: Nikkei Asian Review

YouTube cảnh báo số lượng video bị xoá sẽ tăng lên trong cuộc khủng hoảng COVID-19

YouTube hôm nay đã cảnh báo đến cộng đồng “người sáng tạo nội dung – Content Creator” rằng việc xóa các video có thể sẽ gia tăng trong đại dịch COVID-19.

youtube

Công ty cho biết các hệ thống của họ ngày nay dựa vào sự kết hợp của công nghệ và sau đó là đánh giá của con người. Nhưng cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay đang dẫn đến việc giảm nhân sự tại văn phòng, điều đó có nghĩa là các hệ thống tự động sẽ xóa một số nội dung YouTube mà không cần đến sự xem xét của con người.

Ngày nay, YouTube sử dụng công nghệ máy học (Machine Learning) để gắn cờ những nội dung có hại, sau đó được gửi đến người kiểm duyệt để xem xét. Nhưng vì các biện pháp mà YouTube đang thực hiện để bảo vệ nhân viên, nên có kế hoạch dựa vào yếu tố công nghệ nhiều hơn so với yếu tố con người trong những tuần tới khi mà đại dịch Covid-19 vẫn đang có xu hướng gia tăng.

Chúng tôi có nhiều nhóm (Team) tại YouTube, cũng như các công ty đối tác, giúp chúng tôi hỗ trợ và bảo vệ cộng đồng YouTube. Từ những người trả lời câu hỏi của người dùng và người sáng tạo nội dung, đến những người đánh giá video về các vi phạm chính sách có thể xảy ra, YouTube đã giải thích điều này trong thông báo gần đây. Các đội nhóm và công ty này có hàng ngàn người chuyên giúp đỡ người dùng và người sáng tạo nội dung. Khi phản ứng coronavirus phát triển, chúng tôi đang thực hiện các bước cần thiết để ưu tiên cho sức khỏe của nhân viên, lực lượng lao động mở rộng của chúng tôi và cộng đồng nơi họ sinh sống, bao gồm giảm nhân sự tại văn phòng ở một số địa chỉ nhất định.

YouTube cho biết việc cho phép công nghệ của mình xóa một số nội dung mà không cần đánh giá của con người sẽ cho phép nó hoạt động nhanh hơn để loại bỏ các vi phạm tiềm ẩn và giữ cho hệ sinh thái của Youtube được an toàn.

Tuy nhiên, công nghệ tự động thì sẽ không quá hoàn hảo. Nhiều video có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi sự dịch chuyển này khỏi sự kiểm duyệt của con người. Và video có thể bị xóa ngay cả khi nội dung của họ không thực sự chống lại chính sách của YouTube. Trong những trường hợp đó, những người tạo video được yêu cầu kháng cáo, điều này sẽ cho phép người điều hành YouTube sẽ xem video được đề cập và đưa ra quyết định.

Vì những sự phức tạp này, YouTube thông báo cho những người sáng tạo nội dung là họ sẽ không bị phạt khi kháng cáo trừ những trường hợp YouTube có sự tin tuyệt đối rằng những nội dung video đó đã vi phạm.

Ngoài ra, công ty cho biết họ cũng sẽ cẩn thận hơn về việc những nội dung nào sẽ được khuyến khích quảng bá, bao gồm cả các luồng phát trực tiếp (Live Stream). Một số nội dung chưa được xem xét có thể không có sẵn trong mục tìm kiếm của Youtube, trên trang chủ hoặc trong các đề xuất khác.

YouTube tuần trước đã cho biết họ sẽ cho phép những người sáng tạo nội dung kiếm tiền từ video của họ nói về coronavirus. Trước đây, những video này là một phần trong hướng dẫn quảng cáo của chính sách của họ nhằm ngăn chặn việc kiếm tiền từ video về các sự kiện nhạy cảm như: bắn súng hàng loạt, thiên tai hoặc cho đến bây giờ, cuộc khủng hoảng về sức khỏe. Chính sách ban đầu của YouTube YouTube được viết để bảo vệ các nhà quảng cáo không có thương hiệu của họ bên cạnh các video khai thác đang tận dụng một số bi kịch của con người để xem. Nhưng Giám đốc điều hành YouTube Susan Wojcicki cho biết công ty đã chọn mở lại việc kiếm tiền trên các video coronavirus vì chủ đề này hiện là một phần quan trọng của cuộc trò chuyện hàng ngày – không phải là một sự kiện ngắn hạn có tầm quan trọng.

Tuy nhiên, hôm nay, tin tức có thể gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người sáng tạo nội dung trong việc tạo ra các video về đại dịch COVID-19 với hy vọng đạt được nhiều lượt xem cho kênh của họ. Người tạo nội dung có thể sẽ lo lắng về việc video của họ bị chặn bởi thuật toán YouTube, hoặc thậm chí bị xóa nhầm. Và video có thể bị kẹt trong một quy trình kháng cáo dài hơn bình thường, do việc giảm biên chế nhân sự hiện tại.

YouTube cũng cảnh báo thêm các lĩnh vực kinh doanh khác cũng có thể bị ảnh hưởng trong tương lai, bao gồm hỗ trợ và đánh giá của người dùng (User) và người tạo nội dung (Content Creator), áp dụng cho chương trình Đối tác của YouTube và thậm chí là ảnh hưởng trên các kênh truyền thông mạng xã hội.

“Chúng tôi nhận ra đây có thể là một sự gián đoạn cho người dùng và người sáng tạo nội dung, nhưng chúng tôi biết đây là điều nên làm đối với những người làm việc để giữ an toàn cho YouTube và cho cộng đồng rộng lớn hơn. Chúng tôi đánh giá cao sự kiên nhẫn của mọi người khi chúng tôi thực hiện các bước này trong thời gian thử thách này” YouTube cho biết.

Nguồn: MarketingTrips biên dịch

Theo Youtube

 

Thực hư chuyện Google bị phát hiện thao túng kết quả tìm kiếm

Báo cáo từ WSJ cho thấy công cụ tìm kiếm của Google đã nhiều lần che giấu các chủ đề gây tranh cãi và thường có xu hướng ủng hộ các doanh nghiệp lớn thay vì các doanh nghiệp nhỏ.

google search

Công cụ tìm kiếm phổ biến của Google, Google Seach là xương sống trong hoạt động kinh doanh của gã khổng lồ công nghệ này.

Nhưng theo một góc nhìn khác thì nó cũng là xương sống của Internet hiện đại, khi đây cũng là cách thức mà phần lớn các website được sắp xếp và định vị.

Và do mức độ quan trọng của việc sử dụng Internet hàng ngày đối với hàng tỷ người trên thế giới, đó là một mục tiêu hấp dẫn để thao túng.

Google đã nhiều lần phủ nhận việc làm này và khẳng định rằng Google Seach được xây dựng trên các thuật toán và dữ liệu thu được từ việc sử dụng của chính người dùng.

Nhưng một cuộc điều tra mới của Wall Street Journal, cho thấy Google đã thao túng các thuật toán tìm kiếm theo một số cách đáng lo ngại.

Ví dụ như đã ưu tiên các doanh nghiệp lớn hơn các doanh nghiệp nhỏ hơn, tự động loại bỏ các kết quả liên quan đến các chủ đề nhạy cảm như nhập cư và phá thai, hay thậm chí đưa một số trang web vào danh sách đen.

Có thể nói, chỉ cần một thay đổi trong thuật toán tìm kiếm của Google, dịch vụ này đã dẫn hướng người dùng tìm kiếm đến các doanh nghiệp nổi bật hơn các doanh nghiệp ít được biết đến, gây ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh, theo báo cáo từ WSJ.

Cụ thể hơn, chính những sự thay đổi đó được cho là đã giúp thúc đẩy để hiển thị các cửa hàng của Amazon trong kết quả tìm kiếm.

Trong một ví dụ khác được trích dẫn trong báo cáo, so với các công cụ tìm kiếm đối thủ như Yahoo, Bing hay DuckDuckGo thì kết quả tìm kiếm tự động trên các đối tượng nhạy cảm của Goole đã được thay thế bằng những kết quả “an toàn hơn”.

Google được biết đến với việc từ chối chia sẻ chi tiết cụ thể về cách thức hoạt động của các thuật toán tìm kiếm, hay thuộc tính của hệ thống để đo lường.

Theo lập luận của Google thì “Nếu các thuật toán được công khai, chúng có thể bị thao túng”. Nhưng dường như mọi chuyện đã diễn ra theo chiều hướng ngược lại, khi Google đã thao túng các kết quả dựa trên việc không công khai các thuật toán.

Trong phản hồi được đưa ra từ phía Google, liên quan tới báo cáo này, người phát ngôn của công ty tuyên bố công ty đã “rất công khai và minh bạch” xung quanh các chủ đề được đề cập tới, chẳng hạn như giải thích rõ trong các phần hướng dẫn dành cho người dùng.

Chính sách của công ty cũng chống lại các thông tin sai lệch, cùng các biện pháp khác nhằm mục đích “mang lại lợi ích cho người dùng, thay vì các mối quan hệ thương mại”.

“Bài viết này chứa một số giai thoại cũ, chưa hoàn chỉnh, nhiều trong số đó không chỉ có trước các quy trình và chính sách hiện tại của chúng tôi mà còn gây ấn tượng rất không chính xác về cách chúng tôi tiếp cận xây dựng và cải thiện công cụ tìm kiếm.

Chúng tôi thực hiện một cách tiếp cận có trách nhiệm và có nguyên tắc để thực hiện các thay đổi, bao gồm cả quy trình đánh giá nghiêm ngặt trước khi đưa ra bất kỳ thay đổi nào – điều mà chúng tôi đã bắt đầu thực hiện hơn một thập kỷ trước.

Lắng nghe phản hồi từ công chúng là một phần quan trọng để làm cho Google Seach tốt hơn và chúng tôi tiếp tục hoan nghênh các phản hồi”, đại diện Google tuyên bố.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Nghiên cứu của Google: 10 tính cách tạo nên vị sếp hoàn hảo

Một công ty có thể chi rất nhiều tiền để tìm kiếm, phỏng vấn và tuyển dụng những nhân viên giỏi nhất. Tuy nhiên nếu sếp lại không đủ ‘tầm’, những nhân viên này cũng sớm nghỉ việc.

tính cách sếp hoàn hảo google
Nghiên cứu của Google: 10 tính cách tạo nên vị sếp hoàn hảo

Ngược lại, nếu công ty có một đội ngũ quản lý tốt, thì không những thu hút được nhiều nhân tài tụ về, mà còn khiến họ gắn bó lâu dài với công ty.

Trong hơn 10 năm, Google đã tiến hành một dự án tên Project Oxygen nhằm vạch ra những tính cách tạo nên một người quản lý hoàn hảo, từ đó họ sẽ hướng đội ngũ lãnh đạo đi theo hướng đó.

Và nghiên cứu đã đem đến những thành quả xứng đáng, khi Google nhận lại được những sự cải thiện đáng kể về tinh thần, năng suất làm việc lẫn sự hài lòng của nhân viên.

Một điều thú vị về nghiên cứu này là những kỹ năng cứng không phải là vấn đề, thay vào đó các kỹ năng mềm về thấu hiểu cảm xúc lại được nhắc đến nhiều hơn.

Những người quản lý phải có khả năng hiểu và kiểm soát cảm xúc, cho cả bản thân và đối với những nhân viên khác.

Cụ thể hơn, theo nghiên cứu của Google, một người sếp tốt cần có những đặc điểm dưới đây.

1. Là một huấn luyện viên giỏi

Thay vì giải quyết vấn đề ngay khi vừa xảy ra, một người quản lý giỏi phải biết lấy vấn đề ấy để chỉ dạy lại nhân viên, hướng dẫn họ và chia sẻ những kiến thức hữu ích.

Khi đó, các thành viên trong nhóm sẽ có được những bài học hữu ích và phát triển khả năng bản thân.

2. Trao quyền cho nhân viên và không kiểm soát từng li từng tí

Chẳng có nhân viên nào thích cảm giác bị kiểm soát từng li từng tí, đó là sự thật đã được công nhận.

Một người lãnh đạo giỏi phải biết tạo không gian tự do cho nhân viên để họ khai thác ý tưởng, dám chấp nhận nguy hiểm và không sợ phạm lỗi. Bên cạnh đó, người lãnh đạo còn nên tạo ra một môi trường và lịch trình làm việc linh hoạt.

3. Tạo nên môi trường hòa hợp trong đội ngũ, quan tâm đến thành công và lợi ích

Trong một nghiên cứu khác, Google nhận thấy rằng chìa khóa quan trọng nhất để thúc đẩy khả năng làm việc chính là tạo ra một môi trường có tính an toàn về mặt tâm lý.

Google đưa ra quan điểm rằng: Khi một đội nhóm làm việc với mức độ an toàn tâm lý cao, các nhân viên sẽ cảm thấy tự tin khi chấp nhận những thử thách, khi bị bắt lỗi, khi đặt câu hỏi hoặc đưa ra những ý tưởng mới.

Nói cách khác, một đội ngũ làm việc năng suất cần được xây dựng dựa trên niềm tin – và người lãnh đạo giỏi phải biết xây đắp nên niềm tin ấy.

4. Năng suất và hướng đến kết quả

Người quản lý giỏi không chỉ là người làm tốt, mà còn là người khiến các thành viên khác cũng phải tốt hơn từng ngày. Họ phải biết lấy ví dụ đúng chỗ, phải biết hăng hái tham gia làm việc và tạo niềm động lực cho toàn nhóm.

5. Một người ngoại giao giỏi – biết lắng nghe và chia sẻ thông tin

Những người quản lý giỏi đều biết lắng nghe. Việc này cho phép họ hiểu rõ nhân viên của mình và thể hiện niềm tôn trọng cũng như sự thấu cảm.

Thêm vào đó, người quản lý giỏi phải biết được kiến thức chính là sức mạnh, phải biết sẵn sàng chia sẻ những thông tin cho nhân viên, để nhân viên biết được những lý do cụ thể đằng sau mỗi hành động, mỗi việc làm.

6. Hỗ trợ phát triển nghề nghiệp và đóng góp ý kiến về khả năng

Những người quản lý giỏi biết khuyến khích nhân viên của mình bằng những lời khen cụ thể và chân thành, đồng thời không ngại nói ra những góp ý, phê bình, miễn sao có tính xây dựng.

Họ cũng biết “đầu tư” vào nhân viên bằng cách giúp nhân viên đạt được các mục tiêu nghề nghiệp cá nhân. Bằng cách này, người quản lý đã tạo động lực một cách tự nhiên để nhân viên có thể cống hiến.

7. Đưa ra tầm nhìn/ chiến lược cụ thể cho đội nhóm

Những người quản lý giỏi phải biết rõ đội nhóm của mình đang hoạt động như thế nào, phương hướng tương lai ra sao, và làm cách nào để đạt được những mục tiêu đó.

Thông qua những cuộc trò chuyện phù hợp, họ sẽ giúp đội nhóm của mình đi đúng hướng. Họ cũng cần đảm bảo rằng mọi thành viên trong nhóm nắm rõ được trách nhiệm cá nhân khi thực hiện chiến lược.

8. Có những kỹ năng cứng quan trọng để đưa ra lời khuyên

Người quản lý giỏi phải nắm rõ được công việc của nhân viên, kể cả những nhiệm vụ hàng ngày và các thử thách họ phải đương đầu.

Nếu người quản lý đó chuyển tới phòng ban hoặc nơi làm việc mới, họ cần thời gian tìm hiểu cách thức hoạt động, học cách xây dựng niềm tin trước khi tạo ra những thay đổi lớn hoặc đưa ra lời khuyên cho nhân viên.

9. Hợp tác hiệu quả

Người quản lý tồi xem nhóm của họ là số một, luôn tìm cách ngáng chân và chống lại những đội nhóm khác cùng công ty.

Ngược lại, người quản lý giỏi sẽ biết nhìn toàn cảnh và suy nghĩ xa hơn. Họ thực hiện những điều tốt cho toàn công ty, và khuyến khích nhân viên của mình làm điều tương tự.

10. Một người giỏi đưa ra quyết định

Một quản lý giỏi không được hấp tấp, bốc đồng, họ phải là người quyết đoán.

Sau khi thu thập thông tin và cân nhắc đầy đủ những khía cạnh của đội nhóm, họ mới đưa ra quyết định – dù quyết định đó không phải ai cũng chấp nhận. Sau đó, họ sẽ tự chứng minh quyết định đó là đúng đắn.

Nếu một công ty có thể đào tạo và định hướng những người lãnh đạo thực hiện 10 điều trên đây, họ sẽ xây dựng được niềm tin và truyền cảm hứng cho tất cả nhân viên để đạt thành tựu tốt nhất.

Các nhân viên sẽ rất trung thành với công ty, không phải vì họ bị bắt buộc, mà là do mong muốn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn | MarketingTrips