Skip to main content

Google và Microsoft đẩy nhanh quá trình rời Trung Quốc về Việt Nam và Đông Nam Á

18 Tháng Ba, 2020

Google và Microsoft đang đẩy nhanh nỗ lực chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại mới, máy tính cá nhân (PC) và các thiết bị khác từ Trung Quốc đến Đông Nam Á giữa lúc virus corona bùng phát, trong đó các nhà máy ở Việt Nam và Thái Lan được cho là sẽ hưởng lợi, dựa trên nguồn tin từ Nikkei Asian Review.

google

Google dự kiến bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ mới nhất – dự kiến có tên là Pixel 4A – với các đối tác ở phía Bắc Việt Nam ngay trong tháng 4/2020. Ngoài ra, Google cũng lên kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh thế hệ kế tiếp – Pixel 5 – trong nửa sau năm 2020 ở Việt Nam, dựa trên nguồn tin thân cận từ Nikkei.

Google hiện đang là nhà sản xuất loa thông minh thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Amazon, và chiếc điện thoại Pixel dù đứng thứ 6 tại thị trường Mỹ trong năm 2019 nhưng doanh số bán ra trên toàn cầu đã tăng trưởng 50%.

Advertisement

Google đã yêu cầu một đối tác sản xuất lâu năm giúp đỡ để chuẩn bị chuỗi sản xuất các sản phẩm liên quan đến “nhà ở thông minh” ở Thái Lan, bao gồm loa thông minh kích hoạt bằng giọng nói như Nest Mini. Sản phẩm đầu tiên dự kiến bắt đầu xuất xưởng vào nửa đầu năm 2020, dựa trên nguồn tin thân cận.

Ngoài ra, Microsoft dự kiến bắt đầu sản xuất dòng sản phẩm Surface – bao gồm máy tính xách tay và máy tính bàn – ở phía Bắc Việt Nam sớm nhất là trong quý 2/2020, dựa trên nguồn tin thân cận. “Sản lượng tại Việt Nam sẽ thấp lúc đầu, nhưng sau đó sẽ tăng lên và đó là chiều hướng mà Microsoft muốn”, một giám đốc chuỗi cung ứng nói với Nikkei.

Cho đến nay hầu hết, nếu không muốn nói toàn bộ điện thoại thông minh của Google và máy tính của Microsoft đều sản xuất ở Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến nhiều ngành – nhất là công nghệ – xem xét rủi ro quá phụ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc.

Advertisement

Các công ty buộc phải rời Trung Quốc?

Còn đột ngột và bất ngờ hơn cả chiến tranh thương mại, sự bùng phát virus cororna chủng mới đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo dành cho các công ty quốc tế về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.

Tác động từ virus này mang lại cú sốc lớn hơn nhiều so với dịch bệnh SARS hồi năm 2003. Điều này là do nền kinh tế Trung Quốc giờ đã lớn hơn 8 lần so với năm 2003 và tầm quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu thậm chí còn tăng nhanh hơn.

Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn và quan trọng đối với nhiều công ty quốc tế. Nhưng khi hàng triệu người bị mắc kẹt trong nhà và phần lớn cửa hàng và trung tâm mua sắm đóng cửa, nhu cầu nội địa đã giảm mạnh đối với hầu hết hàng hóa và dịch vụ. Điều này đã tác động mạnh đến doanh số của các công ty quốc tế.

Advertisement

Ngoài ra, hiện nhiều nhà máy tại Trung Quốc cũng đang đóng cửa hoặc hoạt động chưa hết công suất. Không chỉ vậy, sự đình trệ sản xuất tại Trung Quốc còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các quốc gia khác, nhất là ở Đông Nam Á khi phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào tại Trung Quốc.

“Tác động khó lường từ virus corona chắc chắn sẽ đẩy các nhà sản xuất thiết bị điện tử tìm tới các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc”, một giám đốc chuỗi cung ứng khác cho biết. “Chẳng ai có thể ngó lo rủi ro sau tất cả chuyện này… Tổn thất không chỉ là chi phí đâu mà là sự liên tục của chuỗi cung ứng”.

So với các thương hiệu công nghệ tập trung vào phần cứng như Apple, HP và Dell, các công ty internet như Google và Microsoft có thể chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhanh hơn, 3 giám đốc chuỗi cung ứng nói với Nikkei.

Một nguồn tin ẩn danh cho biết các công ty vẫn tiếp tục chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc ngay cả khi Washington và Bắc Kinh ký thỏa thuận giai đoạn 1 vào tháng 1/2020. “sự bùng phát của virus corona chỉ củng cố thêm cho quyết tâm của họ”.

Advertisement

Google thậm chí còn yêu cầu các nhà cung ứng đánh giá tính khả thi và chi phí của việc tháo dở một số thiết bị sản xuất và chuyển từ Trung Quốc tới Việt Nam thông qua vận tải đường bộ, đường biển và đường hàng không sau khi nỗi lo sợ về virus corona khiến các cơ sở sản xuất chưa thể đi vào hoạt động trở lại trong tháng 2/2020.

Microsoft cũng khởi động kế hoạch sản xuất ở Việt Nam sớm hơn dự báo sau khi dịch bệnh bùng phát, dựa trên nguồn tin thân cận.

Google và Microsoft có ít gánh nặng hơn so với các ông lớn phần cứng như Apple khi xét về việc đa dạng hóa sản xuất để giảm bớt rủi ro tập trung quá mức, giới quan sát cho biết. So với Apple – vốn bán gần 200 triệu điện thoại thông minh mỗi năm, Google chỉ bán 7 triệu chiếc trong năm 2019, dựa trên dữ liệu từ IDC.

Dòng máy tính Surface của Microsoft chỉ bán được 6 triệu chiếc trên toàn cầu trong năm 2019, ít hơn rất nhiều so với 17 triệu chiếc Apple.

Advertisement

Google bắt đầu nỗ lực chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong năm 2019. Họ đã yêu cầu một trong những đối tác chuyển một nhà máy sản xuất điện thoại Nokia cũ ở Bắc Ninh sang sản xuất điện thoại Pixel, dựa trên nguồn tin từ Nikkei.

Một nhà máy khác ở Vĩnh Phúc cũng được công ty Mỹ chấp thuận sản xuất điện thoại thông minh, theo nguồn tin từ Nikkei. Phối hợp với nhiều đối tác, Google cũng chuyển sản xuất trung tâm dữ liệu sang Đài Loan trong năm 2019 và bắt đầu sản xuất các sản phẩm nhà ở thông minh nhỏ hơn như Nest Wifi ở Việt Nam vào cuối năm 2019.

Thế nhưng, khi các nhà cung ứng thiết bị điện tử ở Trung Quốc gặp khó trong việc nối lại sản xuất, nỗ lực đa dạng hóa của Google và Microsoft cũng đối mặt với thách thức vì họ cần nhiều linh kiện và nguyên vật liệu từ Trung Quốc cho giai đoạn lắp ráp cuối cùng.

“Chuyện các công ty như Google đẩy nhanh tiến độ đa dạng hóa khỏi Trung Quốc giữa dịch bệnh virus corona là hợp lý. Nhưng thậm chí nếu giai đoạn lắp ráp cuối cung diễn ra bên ngoài Trung Quốc, các nhà cung ứng vẫn cần tới một số linh kiện từ Trung Quốc. Chỉ còn là vấn đề về hệ sinh thái chuỗi cung ứng – vốn cần thời gian để xây dựng lại”, Joey Yen, nhà phân tích công nghệ tại IDC, nói với Nikkei.

Advertisement

Samsung Electronics – nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới – đã vận hành chuỗi cung ứng điện thoại thông minh ở phía Bắc Việt Nam trong nhiều năm, nhưng vẫn còn phụ thuộc vào một số linh kiện từ Trung Quốc.

Hà Anh | MarketingTrips

Nguồn: Nikkei Asian Review

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement

Advertisement