Skip to main content

Thẻ: MWG

Thế giới di động sẽ đóng nhiều cửa hàng nữa vào cuối năm 2023

Thế Giới Di Động (MWG) cho biết sẽ tích cực tái cấu trúc trong quý IV để tối ưu chi phí, trong đó có thể đóng thêm 200 cửa hàng không hiệu quả.

Thế giới di động sẽ đóng nhiều cửa hàng nữa vào cuối năm 2023
Thế giới di động sẽ đóng nhiều cửa hàng nữa vào cuối năm 2023

Kết quả kinh doanh tháng 10 vừa được công bố của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) hé lộ việc đơn vị này sẽ cân nhắc đóng khoảng 200 cửa hàng trong những tháng cuối năm.

“Đây là những cửa hàng không hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao kết quả để điều chỉnh phù hợp tại từng thời điểm”, bản công bố thông tin của Thế Giới Di Động viết.

Công ty này hiện có hơn 5.600 cửa hàng, gồm 1.158 cửa hàng Thế Giới Di Động, 2.281 cửa hàng Điện Máy Xanh, hơn 1.700 siêu thị Bách Hóa Xanh và 540 nhà thuốc An Khang.

Ý định đóng bớt cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh kém hiệu quả cũng từng được Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài đề cập trong cuộc họp với nhà đầu tư gần đây. Với tình trạng sức mua thị trường yếu và còn kéo dài, công ty cho rằng không thể duy trì những bộ phận kém hiệu quả.

“Thực tế trong thời gian qua, nhiều cửa hàng của MWG đã không đem tiền về cho công ty, khác hẳn so với hiệu suất hoạt động trước đó”, ông Tài cho biết. Tuy nhiên, ông khẳng định việc đóng bớt cửa hàng sẽ không ảnh hưởng đến doanh thu, mà chỉ “chuyển từ cửa hàng này sang cửa hàng khác”. Thêm vào đó, chi phí mặt bằng, nhân viên, điện nước được cắt giảm, giúp công ty cải thiện lợi nhuận.

Điều này, theo ông Tài, có cơ sở bởi mạng lưới điểm bán của MWG rất dày, hai cửa hàng đôi khi chỉ cách nhau vài trăm mét. MWG chỉ muốn giữ lại những bộ phận đem lại hiệu quả để dồn lực nhiều hơn. “Những bộ phận đang ‘ăn bám’ sẽ bị đá khỏi công ty”, Chủ tịch MWG nói.

Về kết quả kinh doanh, tổng doanh thu tháng 10 của hệ thống Thế Giới Di Động là 11.190 tỷ đồng, tháng đầu tiên trong năm nay tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Riêng hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, tổng doanh thu tháng 10 đạt hơn 7.800 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ nhưng tăng 8% so với tháng 9 nhờ đóng góp của sản phẩm iPhone do hiệu ứng ra mắt sản phẩm mới. Lũy kế 10 tháng, tổng doanh thu hai chuỗi này đạt 70.200 tỷ đồng, giảm 21%.

Doanh thu lũy kế của Bách Hóa Xanh trong 10 tháng đầu năm đạt 25.300 tỷ đồng, tăng 13%. Riêng tháng 10, doanh thu chuỗi bán thực phẩm này là hơn 3.000 tỷ, tăng 29%, với thu bình quân khoảng 1,7 tỷ đồng mỗi cửa hàng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo VnExpress

Chủ tịch MWG: Cuộc chiến về giá khiến các đối thủ “chỉ thở”

Phản hồi phát ngôn “Thế Giới Di Động vẫn sẽ sống khoẻ còn các đối thủ giờ chỉ thở thôi” của ông Nguyễn Đức Tài, đại diện một chuỗi bán lẻ ICT khẳng định “vẫn hít thở đều” và sẵn sàng chạy nước rút để rút ngắn khoảng cách với những “người khổng lồ” trong ngành.

Chủ tịch MWG: Cuộc chiến về giá khiến các đối thủ "chỉ thở"
Chủ tịch MWG: Cuộc chiến về giá khiến các đối thủ “chỉ thở”

Tại cuộc họp gặp gỡ nhà đầu tư hôm 13/11, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) cho biết, cuộc chiến giá giữa các nhà bán lẻ thiết bị điện tử, công nghệ (ICT) đã khiến Thế Giới Di Động mất lợi nhuận do giảm giá bán về ngang các đối thủ, thậm chí là còn bán rẻ hơn nhưng đổi lại công ty cũng được nhiều thứ, trong đó có thể dễ dàng nhận thấy nhất là thị phần.

Theo ông Tài, hiện nay thị phần mảng ICT của MWG đã dần phục hồi và thuộc hàng lớn nhất trong các công ty bán lẻ hiện nay. Doanh thu của công ty cũng đều đặn tăng trong các tháng vừa qua và khoảng cách về doanh thu giữa MWG và các đối thủ trong mảng ICT tăng trở lại với mức giãn ra khoảng 2.000 tỷ đồng sau quý III vừa qua. Khả năng thu hút được khách hàng và gia tăng doanh số đang củng cố sự đúng đắn của chiến lược này.

Lãnh đạo MWG khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược giá rẻ nhưng sẽ có điều chỉnh. Công ty sẽ phối hợp chặt với các hãng để đem đến những sản phẩm vượt trội hơn, độc quyền, giá cạnh tranh hơn và các sản phẩm vệ tinh như phụ kiện, gia dụng. “Với sự tiếp sức từ hãng, Thế Giới Di Động vẫn sẽ sống khoẻ còn các đối thủ giờ chỉ thở thôi”, ông Tài nói.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Tài, năm 2024 MWG sẽ chỉ làm những thứ hiệu quả. Trong thời gian qua MWG đã phải đóng một số cửa hàng và sẽ tiến hành đóng những cửa hàng không có được hiệu quả kinh doanh cao để giảm gánh nặng chi phí cho công ty.

“Nếu những đứa con nào là gánh nặng cho gia đình thì buộc phải đóng”, ông Tài nhấn mạnh và cho biết thêm công ty sẽ cố gắng xử lý dứt điểm trong năm nay, điểm rơi nằm trong quý IV và từ năm sau trở đi sẽ chỉ nhìn về tương lai.

Các đối thủ của MWG có chỉ đang “thở”?

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Lạc Huy, Giám đốc truyền thông CellphoneS cho biết, là một trong những chuỗi bán lẻ công nghệ lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, CellphoneS cũng khó có thể đứng ngoài cuộc chiến giá được bắt nguồn từ chuỗi bán lẻ có thị phần lớn nhất tới ngưỡng trên cả mức được định nghĩa độc quyền tại Việt nam.

Theo đó, trong quý II/2023 – quý đầu tiên của cuộc chiến giá, CellphoneS cũng đã chịu những tổn thất trong hoạt động kinh doanh như nguyên cả quý II, mặc dù kinh doanh không có lợi nhuận nhưng doanh số cả quý chỉ giữ nguyên mà không tăng trưởng so với cùng kỳ 2022, thậm chí còn giảm tới 20% so với quý I/2023.

Tuy nhiên, việc giữ được doanh thu đi ngang vẫn là nỗ lực giữa bối cảnh doanh thu quý II của nhà bán lẻ lớn nhất thị trường (MWG) giảm tới 14% so với cùng kỳ 2022, biên lợi nhuận ròng đạt 0,06% – mức thấp nhất kể từ khi niêm yết năm 2014.

Sang quý III/2023, CellphoneS ghi nhận sự tăng trưởng trở lại hơn 3% so với 2022 và 16% so với quý II nhờ những nỗ lực điều chỉnh, thay đổi quyết liệt từ quý II và một số yếu tố thuận lợi từ mô hình hoạt động tinh gọn của các cửa hàng CellphoneS cũng như đối tượng khách trẻ nhạy cảm về giá bán và hiểu rõ những giá trị mà CellphoneS mang lại.

Trong khi đó, bà Phương Phùng, đại diện truyền thông Di Động Việt cho biết, “chiến giá” không ảnh hưởng nhiều đến chuỗi này bởi vốn dĩ Di Động Việt là một hệ thống đã có mức giá rẻ hơn các loại rẻ từ trước nên khi “chiến giá” rộ lên tại các chuỗi khác thì chiến lược giá rẻ của Di Động Việt càng thêm phần vượt trội. Đến hiện tại thị phần của Di Động Việt đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Dù có “chiến giá” hay không, thì giá bán các sản phẩm tại Di Động Việt vẫn rất cạnh tranh trên thị trường với những chính sách bán hàng vượt trội khi hệ thống đặt trải nghiệm của khách hàng lên đầu. Di Động Việt không ủng hộ việc “chiến giá”, phá giá để giành thị phần, vì về lâu dài, không chỉ ngành bán lẻ, mà người dùng công nghệ, người lao động đều sẽ bị ảnh hưởng”, bà Phương nói.

“Trong bối cảnh thị trường chung khó khăn, chỉ có “thở” thôi doanh số bán của Di Động Việt vẫn tăng trưởng liên tục trong những tháng qua”, bà Phương nói và dẫn chứng doanh số quý III/2023 cao hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt sự xuất hiện sớm của iPhone 15 vào những ngày cuối tháng 9 đã giúp cho doanh số bán trong tháng 9 năm nay cao hơn 50% so với năm ngoái. Và với tín hiệu tích cực trong tháng 10 vừa qua, dự kiến quý IV doanh số tại Di Động Việt sẽ tiếp tục tăng 40% so với cùng kỳ.

Đại diện truyền thông Di Động Việt cũng khẳng định, Di Động Việt hiện đang vẫn “hít thở đều”, vận động nhanh, chạy nước rút để từng bước tăng tốc rút ngắn khoảng cách với những người khổng lồ. Đặc biệt trong bối cảnh các “ông lớn” đang lao đao, nhịp thở dồn dập, ngắt quãng, Di Động Việt vẫn sẽ tiếp tục trụ vững với những giá trị vượt trội sẵn có để từng bước giành lợi thế.

“Cứu tinh” iPhone 15 và cuộc đua nước rút cho cao điểm mua sắm cuối năm.

Không chỉ Di Động Việt, sự xuất hiện của iPhone 15 cũng được xem là “cứu tinh” doanh số cho các nhà bán lẻ trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua. Báo cáo kết quả kinh doanh tháng 9 của MWG cho thấy, với hơn 18.000 sản phẩm bán ra, iPhone 15 đã đóng góp gần 600 tỷ đồng vào tổng doanh thu 7.200 tỷ đồng của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.

Với CellphoneS, ông Nguyễn Lạc Huy cho hay, tới thời điểm hiện tại doanh thu iPhone của chuỗi này tăng gần 6% so với cùng thời gian 2022, thị phần của CellphoneS cũng tăng thêm khoảng 2,1% giữa bối cảnh thị trường điện thoại năm nay ước tính sụt giảm hơn 20%.

“Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt về giá cả, khách hàng của CellphoneS vốn là những người khá nhạy cảm về giá bán và am hiểu về thị trường vẫn tiếp tục lựa chọn CellphoneS. Thêm vào đó, việc cạnh tranh giá cũng giúp các chuỗi lớn như CellphoneS tiếp cận được thêm nhiều khách hàng hơn và giành thêm được thị phần”, ông Huy lý giải.

Ông Huy cho biết thêm, dịp 11/11 vừa qua, dù không làm chương trình sale riêng song theo xu hướng chung của cả thị trường, đặc biệt là bán hàng online nên doanh số của CellphoneS vẫn tăng 150% so với ngày thường, điều này cũng tương tự như năm 2022.

Với tín hiệu hồi phục của sức cầu, đại diện CellphoneS tiết lộ trong những tháng cuối năm, chuỗi bán lẻ này sẽ dồn toàn lực cho chương trình sale lớn nhất năm, quan trọng nhất năm là Black Friday vào ngày 20-23/11 tới và dịp Tết Nguyên đán.

Theo đó, trong hai chương trình sale lớn này CellphoneS sẽ đầu tư lớn cùng các hãng, nhà phân phối, đối tác tài chính hỗ trợ các ưu đãi thanh toán. Khách hàng sẽ được mua nhiều sản phẩm ở các nhóm điện thoại, laptop, gia dụng, âm thanh… với giá thấp nhất năm.

Tương tự, đại diện Di Động Việt cho biết, dịp 11/11 là đợt bán hàng mang về doanh số bán hàng cao thứ hai trong năm 2023 của chuỗi với kỷ lục tăng gấp 3 lần doanh số ngày bình thường.

“Đây là một dấu hiệu tích cực để đội ngũ Di Động Việt tiếp tục đem tới cho khách hàng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn chỉ có duy nhất tại Di Động Việt”, đại diện Di Động Việt nói và cho biết, để kích cầu mua sắm, những tháng cuối năm Di Động Việt sẽ mang đến cho người dùng những sản phẩm công nghệ với mức giá rẻ hơn các loại rẻ mỗi ngày và các kỳ sale lớn nhất trong năm sắp diễn ra Black Friday, Noel, sale Tết Dương lịch, sale cuối năm…

Cuộc chiến về giá bao giờ đến hồi kết?

Có thể thấy, sau hơn 6 tháng “chiến giá” với những tổn thất, dù không còn cạnh tranh khốc liệt như hồi quý II, song các chuỗi bán lẻ ICT vẫn đang chuẩn bị cho một cuộc “chiến giá” mới để đón đầu cao điểm mua sắm cuối năm, hướng đến sự phục hồi trong quý cuối năm và năm sau.

Nói về cuộc chiến giá rẻ này, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld cho rằng: “Cuộc đua về giá không bao giờ là cuộc đua dài hạn, đó chỉ ngắn hạn vì không ai đi kinh doanh mà chịu lỗ mãi. Cuộc đua này có thể kéo dài đến cuối năm 2024 mới hết nhưng mức độ cạnh tranh đang giảm dần, không khốc liệt như hồi tháng 4 và tháng 5/2023”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lạc Huy nhận định cuộc chiến giá chưa dừng ngay, tuy nhiên mức độ và quy mô sẽ có sự thay đổi, một số nhóm hàng, mặt hàng sẽ có sự điều chỉnh về mức giá bán cao hơn để giữ lợi nhuận, một mặt một số nhóm hàng sẽ tiếp tục “chiến giá”.

Theo ông Huy, sau 6 tháng của cuộc “chiến giá”, đã có dấu hiệu rõ ràng về tổn thất của các nhà bán lẻ có quy mô lớn, chi phí vận hành lớn, hiệu suất/cửa hàng vốn đã kém. Trong đầu quý IV, các nhà bán lẻ này đã bắt đầu đóng cửa khá nhiều cửa hàng, xu hướng này sẽ còn tiếp tục diễn ra tới đầu năm 2024.

“Và về lâu dài, khi thị trường phục hồi, các chuỗi lớn hơn hồi phục được doanh thu, lợi nhuận, mà theo dự báo là nửa cuối 2025 thì cuộc chiến giá này mới có thể chuyển về trạng thái bình thường như trước được”, ông Huy nhìn nhận.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

MWG: Doanh thu Bách Hóa Xanh vượt Thế giới Di động

Kể từ tháng 5/2023, đóng góp của chuỗi Bách Hóa Xanh vào tổng doanh thu của MWG đã vượt chuỗi Thế giới Di động. Lũy kế 8 tháng năm 2023, doanh thu của Bách Hóa Xanh chiếm 25,4%, trong khi Thế giới Di động luôn ở ngưỡng 23,6%.

MWG: Doanh thu Bách Hóa Xanh vượt Thế giới Di động
MWG: Doanh thu Bách Hóa Xanh vượt Thế giới Di động

Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) vừa công bố cập nhật tình hình kinh doanh 8 tháng năm 2023.

Đáng chú ý, trong báo cáo tháng 8, một lần nữa, Thế Giới Di Động lại không công bố ước tính lợi nhuận trong tháng 8. Tại báo cáo các tháng từ đầu năm 2023 đến nay, MWG cũng đều không đề cập tới lợi nhuận – điều chưa từng xảy ra trong các năm trước đó, khi hoạt động kinh doanh của công ty thuận lợi.

Về doanh thu, lũy kế 8 tháng năm 2023, doanh thu thuần của MWG ước đạt 76.455 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. So với kế hoạch, công ty đã hoàn thành 57% chỉ tiêu doanh thu cả năm.

Trong đó, lũy kế 8 tháng, tổng doanh thu hai chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh đạt 55.100 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ.

Riêng trong tháng 8, tổng doanh thu của hai chuỗi này đạt 6.800 tỷ đồng, tương đương với tháng 7 nhưng giảm gần 13% so với cùng kỳ năm trước.

Theo MWG, tốc độ giảm doanh thu của hai chuỗi Thế giới Di Động và Điện Máy Xanh so với cùng kỳ năm trước đang liên tục thu hẹp qua các tháng gần đây từ mức 25% (tháng 6/2023 so với tháng 6/2022), xuống 20% (tháng 7/2023 so với tháng 7/2022) và còn 13% (tháng 8/2023 so với tháng 8/2022).

Theo ngành hàng, máy tính xách tay và sản phẩm điện lạnh ghi nhận tăng trưởng doanh số dương trong tháng 8 năm nay so với cùng kỳ năm trước.

Tổng doanh thu trên kênh online 8 tháng đầu năm đạt hơn 9.600 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ.

Ngược lại, trong tháng 8/2023, doanh thu của chuỗi Bách Hoá Xanh tiếp tục tăng trưởng nhẹ so với tháng 7/2023 và tăng tới 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 2.900 tỷ đồng. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt 1,65 tỷ đồng trong tháng 8.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh thu của chuỗi Bách Hóa Xanh đạt khoảng 19.400 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Doanh thu từ kênh online tăng trưởng 8%.

Theo MWG, tăng trưởng của chuỗi Bách Hóa Xanh chủ yếu đến từ số lượng hoá đơn mua hàng và ngành hàng thực phẩm tươi sống tăng. Chỉ trong tháng 8, số lượng hóa đơn mua hàng đã tăng 4% và sản lượng hàng tươi sống bán ra tăng 10% so với tháng 7.

Báo cáo của MWG cũng cho thấy, trong 4 tháng qua, đóng góp của chuỗi Bách Hóa Xanh vào tổng doanh thu của MWG đã liên tục tăng trưởng từ 23,6% lên 24,2%, rồi 24,8% và 25,4%, trong khi đóng góp doanh thu của chuỗi Thế giới Di động vào tổng doanh thu luôn “giậm chân” ở mức 23,5-23,6%.

Tại cuộc họp nhà đầu tư quý II/2023 hồi đầu tháng 8, ông Phạm Văn Trọng, Tổng Giám đốc Bách Hóa Xanh đánh giá sự cải thiện của chuỗi Bách Hóa Xanh là bền vững và xuất phát từ năng lực của chính của Bách Hóa Xanh hơn là sức bật của thị trường.

Điều này khiến công ty có nhiều kỳ vọng hơn về việc Bách Hóa Xanh sẽ hòa vốn vào cuối năm 2023 và sau đó đóng góp lợi nhuận cả năm vào lợi nhuận của MWG vào năm 2024.

Ông Trọng cho biết, doanh thu/cửa hàng của Bách Hóa Xanh kỳ vọng sẽ tăng trưởng ít nhất 10% mỗi tháng trong các tháng cuối năm và đến tháng 12/2023, tiến tới đạt doanh thu/cửa hàng tối ưu là 2 tỷ đồng.

Trong khi đó, với các chuỗi bán lẻ điện thoại di động, máy tính, điện máy,… ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG nhận định rằng, thời gian tới, mặc dù sức mua có thể cải thiện do yếu tố mùa vụ, do cuối năm có những ngày lễ lớn như Giáng sinh, Tết,… nhưng tổng quan sẽ cải thiện không quá đáng kể so với tình trạng hiện nay.

“Việc đặt kỳ vọng thị trường bán lẻ sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023 và năm 2024 như trước giai đoạn COVID-19 là hơi lạc quan quá mức”, ông Tài nói.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng Giám đốc MWG cũng cho rằng với ngành hàng điện thoại, điện máy tổng quan cả năm 2023 sẽ giảm do chịu tác động chung của thị trường.

Theo Tổng Giám đốc MWG, chiến lược giá tốt áp dụng từ quý II/2023 đã giúp MWG dần dần thu hẹp khoảng cách về giá giữa MWG với thị trường bên ngoài.

Bên cạnh cải thiện doanh thu, thị phần của MWG đã tăng được ít nhất thêm 5%, trong đó, sản phẩm iPhone là rõ ràng nhất, tăng từ 25% thị phần lên trên 45% thị phần và chiếm tới 30% thị phần tiêu thụ điện thoại tại MWG.

Do đó, công ty sẽ tiếp tục duy trì chiến lược này trong những tháng cuối năm để hướng tới tăng thêm 10% thị phần trong cả năm 2023.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Doanh thu của Thế Giới Di Động sụt giảm nghiêm trọng

Khởi đầu năm 2023, doanh thu thuần của Thế Giới Di Động sụt giảm 26% trong quý 1 trước bối cảnh sức mua điện thoại và điện máy ngày càng suy yếu, đồng thời công ty tiếp tục không công bố kết quả lợi nhuận.

Doanh thu của Thế Giới Di Động sụt giảm nghiêm trọng
Doanh thu của Thế Giới Di Động sụt giảm nghiêm trọng

Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 26.990 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 20% chỉ tiêu doanh thu năm 2023.

Với vai trò dẫn dắt doanh thu Thế Giới Di Động, chuỗi thegioididong.con và Điện Máy Xanh ghi nhận doanh thu lũy kế 3 tháng đầu năm 2023 giảm 34% so với cùng kỳ 2022.

Trong đó, doanh thu hầu hết sản phẩm điện thoại và điện máy giảm từ 25% đến 35%, ngoại trừ máy tính bảng, máy tính xách tay giảm mạnh hơn từ 40% đến 50%.

Do các sản phẩm ICT chiếm trọng lớn trong doanh số từ kinh doanh online của Thế giới Di động và Điện Máy Xanh, nên doanh thu online cũng sụt giảm 40% so với cùng kỳ.

Đối với chuỗi Bách Hóa Xanh, doanh thu 3 tháng đầu năm tăng 5% mặc dù chuỗi đã giảm 20% số điểm bán so với quý 1/2022.

Theo từng ngành hàng, mảng thực phẩm tươi sống là động lực chính của chuỗi Bách hóa Xanh, tăng 40% so với cùng kỳ.

Doanh thu FMCG tương đương cùng kỳ trong khi đóng góp từ sản phẩm gia dụng giảm so với quý 1/2022 do Bách Hoá Xanh đã tối ưu lại danh mục sản phẩm, bỏ không kinh doanh một số mặt hàng gia dụng sau tái cấu trúc.

Trong đó, riêng kênh online tăng trưởng 19%. Công ty cho biết doanh thu bình quân 3 tháng đạt hơn 1,3 tỷ đồng/cửa hàng và dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện trong tháng 4.

Với kết quả tích cực của 5 cửa hàng điện máy EraBlue đầu tiên (4,5-5 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, duy trì ổn định từ tháng 12/2022 đến nay), ban lãnh đạo Thế Giới Di Động tin tưởng triển vọng của chuỗi Erablue tại Indonesia là rất lớn.

Công ty đã sẵn sàng để cùng với các đối tác kinh doanh của mình xây dựng thêm và mở rộng mô hình kinh doanh trong năm 2023 này. Erablue đặt mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực bán lẻ điện tử tiêu dùng tại Indonesia bằng cách xây dựng 500 cửa hàng trong vòng 5 năm tới.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Thế Giới Di Động thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 135.000 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.200 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện trong năm 2022

Kế hoạch kinh doanh khiêm tốn này dựa trên đánh giá tình hình thực tế giai đoạn hiện tại và giả định sức mua có thể phục hồi tích cực từ quý 3/2023.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips

MWG và Kido ‘vung tay’ chiếm lĩnh thị phần sau dịch: Bước đi có mạo hiểm?

Tay chơi mới trong lĩnh vực bán lẻ là Kido cũng đẩy nhanh tiến độ mở cửa hàng, bắt tay đối tác để tăng độ phủ thương hiệu Chuk Chuk.

Theo báo cáo Bộ Công Thương, kể từ đầu tháng 10, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều địa phương cơ bản được kiểm soát và tiến hành nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Điều này giúp cho thị trường hàng hóa sôi động hơn so với thời gian thực hiện giãn cách trước đó, nhu cầu hàng may mặc tăng cao do đang trong giai đoạn chuyển mùa tại các tỉnh phía Bắc; nhu cầu đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình, vật phẩm văn hóa giáo dục cũng tăng sau một thời gian dài thực hiện giãn cách…

Do vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (tổng mức bán lẻ) tháng 10 tăng 18,5% so với tháng trước và giảm 19,52% so với cùng kỳ năm trước.

Qua tháng 11, với nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung, ngày mua sắm Thứ Sáu Đen Tối (Black Friday) được tổ chức tại nhiều địa phương, tổng mức bán lẻ tiếp tục tăng 6,2% so với tháng trước, song vẫn giảm 12,2% so với tháng 11/2020.

Lũy kế 11 tháng, tổng mức bán lẻ giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước do có nhiều tháng ghi nhận mức thấp, nhất là từ tháng 5 đến tháng 8 trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là các địa phương lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa (tổng mức bán lẻ của các địa phương này chiếm tỷ trọng 50-60% của cả nước).

Bộ Công Thương đánh giá dịch bệnh khiến việc làm giảm, thu nhập giảm nên nhu cầu mua sắm hồi phục chưa thể tăng trở lại như những năm trước khi có dịch.

Trong bối cảnh nhu cầu phục hồi và nhiều nhà bán lẻ nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh chưa thể trở lại kinh doanh như bình thường, các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính mạnh đã tranh thủ mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị trường.

Như Thế Giới Di Động – đơn vị thành viên của Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) liên tiếp mở ra các chuỗi mới, thử nghiệm bán những mặt hàng chưa từng bán với mục tiêu tạo sự bứt phá.

Cụ thể, trong tháng 10, Thế Giới Di Động mở chuỗi Topzone tập trung vào các sản phẩm của Apple như iPhone, iPad, Apple Watch, Macbook và các phụ kiện kèm theo. Đến ngày 20/11, đơn vị này tiếp tục công bố khai trương chuỗi mới BlueJi đánh vào sản phẩm mắt kính hàng hiệu và trang sức.

5 siêu thị thuộc chuỗi này đã đi vào hoạt động từ 20/11. Mới đây, doanh nghiệp lại cho ra mắt chuỗi BlueSport chuyên bán các sản phẩm thời trời của những thương hiệu nổi tiếng như Nike, Puma, Adidas, Reebok…

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT MWG, Tổng giám đốc Công ty Thế Giới Di Động chia sẻ dịch bệnh gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh nhưng cũng mở ra không ít cơ hội. Trải qua dịch bệnh, Thế Giới Di Động nhìn ra được những cơ hội mới ở những lĩnh vực hoàn toàn khác biệt.

Ví dụ như lĩnh vực thời trang, đây là một lĩnh vực có nhu cầu lớn, dịch bệnh khiến các nhà bán lẻ nhỏ phải đóng cửa và tạo khoảng trống cho đơn vị khác nhảy vào. Theo đó, Thế Giới Di Động sẽ mở sớm và nhanh để giành lấy thị phần.

Không chỉ doanh nghiệp nội, Tập đoàn E Land – tập đoàn thời trang hàng đầu của Hàn Quốc cũng bày tỏ mong muốn lấn sân vào thị trường Việt Nam. Cụ thể, E Land sẽ hợp tác với Dệt may Thành Công (HoSE: TCM) để mở chuỗi bán lẻ, mang các thương hiệu thời trang Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam.

Tiết lộ với Người Đồng Hành, ông Trần Như Tùng – Chủ tịch HĐQT cho biết 2 bên đã có bước chuẩn bị như nghiên cứu thị trường, tìm mặt bằng… để đầu năm sau khởi động.

Tập đoàn Kido (HoSE: KDC) đang có những bước đi mới nhằm nhanh chóng bành trướng chuỗi bán lẻ Chuk Chuk. Cho ra mắt từ tháng 6, nhưng dịch bệnh khiến kế hoạch mở rộng chuỗi của Kido bị trì hoãn và mới được khởi động lại vào cuối tháng 10.

Sau 1 tháng, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kido cho biết đã mở được 10 cửa hàng, mỗi cửa hàng ghi nhận 500-800 hóa đơn mỗi ngày. Kido đặt mục tiêu mở thêm 40 cửa hàng trong tháng 12 và 400 trong năm 2022.

Chuỗi bán lẻ Chuk Chuk của Kido.

Tổng giám đốc Kido nhìn nhận dịch Covid-19 vẫn là một thách thức lớn, tuy nhiên cũng nhờ dịch bệnh mà đơn vị tìm kiếm được mặt bằng vị trí đẹp dễ dàng hơn cùng chi phí thấp hơn đến 50% so với trước dịch.

Không dừng ở đó, Kido còn bắt tay với Tập đoàn Sơn Kim để đưa sản phẩm Chuk Chuk vào trong hệ thống các cửa hàng GS25. Việc này nhằm mục đích đưa sản phẩm của Chuk Chuk tiến nhanh ra thị trường miền Bắc và xa hơn là Hàn Quốc.

Mặt khác, dịch bệnh bùng phát mạnh trong quý III, nhiều loại hình kinh doanh phải tạm đóng cửa thì các cửa hàng tiện lợi cùng siêu thị, siêu thị mini vẫn được mở cửa để đảm bảo cung cấp sản phẩm thiết yếu cho người dân.

Việc có ki ốt trong cửa hàng GS25 sẽ giúp Chuk Chuk vẫn phục vụ được các tín đồ trà sữa tương tự như Phúc Long mở ki ốt tại Winmart+.

Nhiều ý kiến cho rằng với xu hướng mua hàng ngày càng chuộng online như hiện nay, kết hợp dịch Covid-19 vẫn là yếu tố bất định thì việc bành trướng, mở rộng chuỗi cửa hàng khá rủi ro, làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích VNDirect đánh giá mặc dù xu hướng hiện nay là bán hàng online, kênh thương mại điện tử, song rất nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực này phải quay lại mở cửa hàng vật lý, kho hàng do bị phụ thuộc chuỗi logistics.

Do vậy, những doanh nghiệp bán lẻ xây dựng được tập khách hàng, có mạng lưới cửa hàng vật lý và dòng tiền mạnh sẽ có nhiều lợi thế.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh