Skip to main content

Thẻ: Nhận thức thương hiệu

Độ nhận biết thương hiệu là gì? Ví dụ về nhận thức thương hiệu

Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu chi tiết các khái niệm về thuật ngữ độ nhận biết thương hiệu (Brand Awareness) như: độ nhận biết thương hiệu là gì, phân loại độ nhận biết hay nhận thức về thương hiệu, ví dụ về nhận biết thương hiệu, các cấp độ nhận biết thương hiệu, cách đo lường độ nhận biết thương hiệu và hơn thế nữa.

Độ nhận biết thương hiệu là gì
Độ nhận biết thương hiệu là gì? Ví dụ về nhận thức thương hiệu

Độ nhận biết thương hiệu là gì? Độ nhận biết thương hiệu hay mức độ nhận thức thương hiệu là khái niệm mô tả cách mà người tiêu dùng có thể ghi nhớ hoặc nhận ra thương hiệu trong các bối cảnh hay điều kiện khác nhau. Khi nói đến các thuật ngữ liên quan đến thương hiệu hay quá trình xây dựng thương hiệu, độ nhận biết thương hiệu là khái niệm được đề cập đến đầu tiên.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:

  • Độ nhận biết thương hiệu là gì?
  • Phân loại độ nhận biết thương hiệu.
  • Độ nhận biết thương hiệu trong Marketing là gì?
  • Các thành phần chính của độ nhận biết thương hiệu là gì?
  • Vai trò của độ nhận biết thương hiệu trong doanh nghiệp.
  • Cách xây dựng độ nhận biết thương hiệu.
  • Độ nhận biết thương hiệu trong hành trình của khách hàng hoặc phễu bán hàng (Sales Funnel).
  • Chiến lược thúc đẩy độ nhận biết thương hiệu.
  • Cách gia tăng độ nhận biết thương hiệu.
  • Độ nhận biết thương hiệu được đo lường thông qua những chỉ số chính là gì?
  • Một số ví dụ về độ nhận biết thương hiệu.

Độ nhận biết thương hiệu là gì?

Độ nhận biết thương hiệu (Brand Awareness) là khái niệm mô tả cách mà người tiêu dùng có thể ghi nhớ hoặc nhận ra thương hiệu trong các bối cảnh hay điều kiện khác nhau.

Xét về khía cạnh của thương hiệu hay doanh nghiệp, độ nhận biết thương hiệu là một phần của tài sản thương hiệu, giá trị có được thông qua các chiến lược tiếp thị thương hiệu.

Xét về khía cạnh của người tiêu dùng, độ nhận biết thương hiệu là một tập hợp các dấu hiệu liên kết (liên tưởng) có trong tâm trí của người tiêu dùng về một thương hiệu cụ thể nào đó.

Ví dụ như khi bạn nhìn thấy một cái logo gồm 4 vòng tròn đan xen vào nhau theo chiều ngang, bạn nghĩ tới thương hiệu xe hơi đình đám Audi, đó chính là độ nhận biết của bạn về thương hiệu đó.

Độ nhận biết thương hiệu là một phần của thương hiệu.

Phân loại độ nhận biết thương hiệu.

Ở góc độ phân loại tổng thể, độ nhận biết thương hiệu có thể được phân thành 2 hình thức chính đó là Nhận biết hữu hình hay trực tiếp và Nhận biết vô hình hay gián tiếp.

  • Độ nhận biết thương hiệu trực tiếp là gì: Có thể được hiểu là nhận biết thông qua các yếu tố hữu hình (có thể thấy được), khách hàng có thể nhận ra một thương hiệu nào đó khi thấy các hình ảnh mà họ nhớ về thương hiệu. Như ví dụ với thương hiệu Audi ở trên, 4 vòng tròn đan xen vào nhau giúp bạn nhớ và nhận ra Audi.
  • Độ nhận biết thương hiệu gián tiếp là gì: Chủ yếu đối với các thương hiệu lớn hoặc các thương hiệu mà người dùng thực sự yêu thích và trung thành, chỉ cần họ nghe thoáng qua vài âm thanh hay các dấu hiệu nào đó, họ cũng có thể suy luận hay liên tưởng được đến thương hiệu. Những giá trị này thường đến từ các chiến lược định vị hoặc tiếp thị thương hiệu ở mức độ rộng và hiệu quả. Ví dụ khi nhắc đến thương hiệu xe hơi mang lại cảm giác lái êm ái nhất, bạn có thể liên tưởng ngay đến Mercedes.

Độ nhận biết thương hiệu trong Marketing là gì?

Trong phạm vi ngành Marketing, độ nhận biết thương hiệu là yếu tố đầu tiên quyết định các hành vi của người tiêu dùng, và sau đó là mua hàng.

Hành động mua hàng rất ít khi được diễn ra nếu người tiêu dùng không thể nhận ra một thương hiệu hay một sản phẩm từ một danh mục cụ thể nào đó, điều này càng đúng hơn với ngành B2B hoặc các sản phẩm hay dịch vụ có giá trị cao.

Độ nhận biết thương hiệu không đồng nghĩa với việc người tiêu dùng cần nhớ đầy đủ về tên gọi hay các thuộc tính của thương hiệu, họ chỉ cần nhớ về những đặc điểm giúp họ phân biệt một sản phẩm với các sản phẩm còn lại, điều có thể giúp họ ra các quyết định mua hàng một cách nhanh chóng và tự tin hơn.

Xây dựng độ nhận biết thương hiệu theo đó là ưu tiên hàng đầu khi quảng cáo một sản phẩm mới hoặc đưa một sản phẩm cũ vốn đã bị quên lãng trở nên “hồi sinh”.

Các thành phần chính của độ nhận biết thương hiệu là gì?

Độ nhận biết thương hiệu về cơ bản có 2 thành phần chính là nhớ lại (ghi nhớ) thương hiệu (Brand Recall) và nhận biết (nhận diện) thương hiệu (Brand Recognition).

  • Brand Recall: Cũng tương tự như khái niệm Ad Recall tức đề cập đến khả năng ghi nhớ quảng cáo của người tiêu dùng sau các chiến dịch quảng cáo. Brand Recall đề cập đến khả năng hồi tưởng lại những gì mà người tiêu dùng đã từng biết trước đó về thương hiệu (ký ức tồn tại trong bộ nhớ não bộ) tức Recall.
  • Brand Recognition: Trong khi Brand Recall có phần bị động và ít có tác động hơn đến các hành động sau đó, Brand Recognition thể hiện khả năng ghi nhớ mạnh mẽ hơn.

Cũng trong phạm vi Marketing, cả Brand Recall và Brand Recognition đều quan trọng và ảnh hưởng đến các quyết định mua hàng với khách hàng.

Theo các nghiên cứu khác nhau, trung bình, mỗi người tiêu dùng thường cân nhắc (consideration) khoảng từ 3-7 thương hiệu trong cùng một danh mục hay chủng loại, và họ thường ra quyết định mua hàng với những thương hiệu hay sản phẩm nằm trong Top 3 các sản phẩm xuất hiện đầu tiên trong tâm trí của họ (Top of Mind).

Bạn có thể đọc thêm về hiệu ứng TOM để hiểu sâu hơn về điều này.

Về bản chất, người tiêu dùng có xu hướng hành động nhiều hơn với những thương hiệu quen thuộc hay thương hiệu cho họ cảm giác thuộc về.

Vai trò của độ nhận biết thương hiệu với doanh nghiệp.

Như đã phân tích, khi độ nhận biết thương hiệu là một trong những ưu tiên hàng đầu của thương hiệu hay các hoạt động marketing, dưới đây là một số vai trò chính mà nó có thể mang lại giá trị cho doanh nghiệp.

Độ nhận biết thương hiệu giúp thúc đẩy sự tin tưởng của khách hàng với thương hiệu.

Giả sử rằng nếu bạn gặp một ai đó mới, liệu bạn có tin tưởng họ hay tiếp tục giao tiếp với họ, mối quan hệ giữa thương hiệu với khách hàng cũng hoạt động theo cách tương tự.

Khi thương hiệu có thể tiếp xúc (hoặc tiếp xúc nhiều lần) với khách hàng trên nhiều điểm chạm khác nhau, khi khách hàng biết về thương hiệu hoặc biết sớm hơn, họ có thể tin tưởng các sản phẩm hay dịch gắn liền với thương hiệu đó hơn.

Trong một thế giới nơi mà người tiêu dùng dựa vào những nghiên cứu sâu rộng và ý kiến của người khác trước khi mua hàng, niềm tin vào thương hiệu là yếu tố quan trọng hơn cả.

Độ nhận biết thương hiệu giúp xây dựng mối liên kết với thương hiệu.

Nếu khách hàng đã không thể hoặc rất khó ra quyết định mua hàng với những thương hiệu mà họ chưa từng biết hay nghe nói trước đó, việc họ nhận biết sớm về thương hiệu có thể giúp thương hiệu dễ dàng xây dựng các kết nối với họ.

Bạn hãy hình dung rằng bạn không thể buộc khách hàng phải nhận thức điều này điều kia hay tìm hiểu nhiều hơn về bạn nếu họ chưa từng biết về bạn.

Độ nhận biết thương hiệu giúp xây dựng tài sản thương hiệu (Brand Equity).

Như đã phân tích trước đó, độ nhận biết thương hiệu bên cạnh lòng trung thành của thương hiệu (Brand Loyalty) là các tài sản hay giá trị của thương hiệu.

Trong suốt hành trình của khách hàng trước khi ra quyết định mua hàng, Nhận biết là giai đoạn đầu tiên, do đó bằng cách tập trung xây dựng độ nhận biết thương hiệu từ những ngày đầu sản phẩm hay thương hiệu được ra mắt trên thị trường, doanh nghiệp có nhiều cơ hội hay lợi thế hơn so với các đối thủ sau đó.

Độ nhận biết thương hiệu giúp thúc đẩy lượng khách hàng tiềm năng để từ đó gia tăng doanh số bán hàng.

Trừ những sản phẩm với giá trị rất nhỏ hoặc đối với một số trường hợp đặc biệt, khách hàng sẽ quyết định mua hàng sau quá trình họ nhận biết, nghiên cứu, phân tích hay so sánh với các sản phẩm khác.

Từ góc nhìn này, có được độ nhận biết lớn hơn có nghĩa là thương hiệu có nhiều cơ hội được tìm hiểu và nghiên cứu hơn, điều cuối cùng có thể giúp doanh nghiệp có thêm lượng khách hàng tiềm năng mới và doanh số.

Cách xây dựng độ nhận biết thương hiệu.

Độ nhận biết thương hiệu không phải là thứ mà doanh nghiệp có thể đạt được trong một sớm một chiều, cũng càng không thể có được thông qua một vài chiến dịch quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.

Độ nhận biết thương hiệu là kết quả của một quá trình nỗ lực lâu dài có chủ đích và tập trung vào các vấn đề của khách hàng.

Dưới đây là một số cách bạn có thể tham khảo khi xây dựng độ nhận biết thương hiệu của mình.

Hãy kết nối với khách hàng ở cấp độ cá nhân với những tính cách cụ thể thay vì là một doanh nghiệp bán hàng.

Quay lại ví dụ ở trên, khi gặp một người bạn mới, bạn thường làm điều gì?

Có phải là bạn sẽ tìm hiểu về tính cách, sở thích, thái độ hay giá trị của người đó không, thương hiệu kết nối với người tiêu dùng cũng diễn ra theo cách tương tự.

Thay vì thể hiện với khách hàng bạn là một doanh nghiệp thương mại có nghĩa là bạn với khách hàng chỉ có mối quan hệ mua-bán đơn thuần, hãy cho họ thấy bạn cũng có những tính cách riêng, hãy cho họ thấy về sự mạnh mẽ hay thân thiện với môi trường chẳng hạn.

Trước khi quyết định “mang mình” đến với thế giới ngoài kia, bạn cần biết mình là ai, được sinh ra để làm gì, sứ mệnh của bạn là gì, hay đâu là những giá trị mà bạn có thể mang lại nếu ai đó “kết bạn” với bạn.

Điều quan trọng nhất khi xây dựng độ nhận biết thương hiệu là đừng bao giờ để cho khách hàng có hội để hiểu rằng bạn đang cố gắng bán hàng tới họ.

Hãy xã hội hoá.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn gặp gỡ với một người bạn mới và rồi bạn cứ mãi mê nói về bạn, nói về những điểm mạnh yếu của bạn mà không cần quan tâm đến người đối diện đang nghĩ gì và họ có muốn nghe điều đó hay không?

Xây dựng độ nhận biết thương hiệu cũng hoạt động theo cách tương tự khi bạn muốn khách hàng biết và muốn được kết nối với mình.

Thay vì chỉ nói về thương hiệu của bạn hay đăng những thứ có lợi cho bạn, bạn nên tìm cách gia nhập vào xã hội, nói về các vấn đề xã hội hoặc ít nhất là nói về khách hàng của mình.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng danh tiếng của thương hiệu phần lớn đến từ các yếu tố xã hội chứ không phải từ chủ ý của doanh nghiệp hay thương hiệu.

Do đó, một khi khách hàng của bạn hiểu rằng bạn là một phần trong cộng đồng rộng lớn của họ, họ sẵn sàng đón nhận các thông điệp của bạn nhiều hơn.

Hãy kể một câu chuyện dài tập về thương hiệu.

Kể chuyện hay storytelling là một chiến thuật marketing cực kỳ hiệu quả, cho dù bạn đang tiếp thị sản phẩm hay quảng bá thương hiệu của mình.

Nếu bạn còn thắc mắc vì sao lại xảy ra điều này, hãy hình dung là khách hàng của bạn cũng như bạn, muốn theo dõi một câu chuyện thú vị nào đó hơn là những thông tin vô hồn.

Việc tạo ra một câu chuyện xung quanh thương hiệu của bạn sẽ giúp nhân bản hóa thương hiệu và mang lại chiều sâu cho thương hiệu.

Câu chuyện của bạn nên nói về điều gì?

Bất cứ điều gì, miễn là nó thật. Đó có thể là câu chuyện về người sáng lập của bạn, câu chuyện về cách doanh nghiệp của bạn xây dựng ý tưởng sản phẩm đầu tiên hoặc câu chuyện về tác động xã hội của thương hiệu đến con người chẳng hạn.

Mọi người thích nghe những câu chuyện mang tính tường thuật.

Độ nhận biết thương hiệu trong hành trình của khách hàng hoặc phễu bán hàng (Sales Funnel).

brand awareness là gì
Độ nhận biết thương hiệu trong phễu bán hàng Sales Funnel.

Như bạn có thể thấy ở trên, trong suốt hành trình của khách hàng hay phễu bán hàng (sales funnel), xây dựng độ nhận biết của thương hiệu là giai đoạn đầu tiên để bán được hàng hay khiến khách hàng hành động.

Phễu bán hàng đề cập đến 4 giai đoạn của khách hàng bao gồm:

  • Brand Awareness: Độ nhận biết thương hiệu hay nhận thức về thương hiệu.
  • Interest: Khách hàng bắt đầu thích thú với thương hiệu.
  • Decision (hoặc thêm Consideration): Khách hàng ra quyết định hoặc cân nhắc về thương hiệu.
  • Action: Khách hàng bắt đầu mua hàng hoặc thực hiện một số hành động cụ thể nào đó như để lại thông tin tư vấn hoặc sử dụng thử sản phẩm.

Mặc dù tuỳ thuộc vào từng ngành hàng hay nhóm sản phẩm, quy trình này có thể khác nhau, khoảng thời gian di chuyển giữa các giai đoạn cũng có thể khác nhau, tuy nhiên, khách hàng khó có thể mua các sản phẩm mà họ chưa hoặc ít biết cũng như di chuyển quá nhanh từ giai đoạn nhận biết đến hành động.

Chiến lược thúc đẩy độ nhận biết thương hiệu.

Trong khi tuỳ thuộc vào từng chiến lược hay mục tiêu của từng doanh nghiệp, họ có thể lựa chọn những cách thức khác nhau để xây dựng độ nhận biết thương hiệu, dưới đây là một số cách bạn có thể tham khảo.

Xây dựng và phân phối nội dung trên các website của bên thứ 3.

Trước khi bắt đầu triển khai xây dựng độ nhận biết thương hiệuhay truyền tải những nội dung (Content) đến khách hàng, bạn cần xây dựng nội dung và sau đó phân phối nó.

Một trong những cách hiệu quả là bạn phân phối nội dung đến các website có liên quan hay có khách hàng mục tiêu của bạn xuất hiện ở đó.

Bằng cách tài trợ các nội dung này hoặc cũng có thể là bạn được đăng bài miễn phí với các website phù hợp, bạn có thể có thêm được nhiều người bắt đầu biết và tìm hiểu về mình.

Tuy vào từng website hay nhóm đối tượng mục tiêu khác nhau, bạn cần chọn những kiểu nội dung khác nhau, bạn có thể xem Content là gì để hiểu sâu hơn về thuật ngữ này.

Quảng cáo để tiếp xúc nhiều hơn với khách hàng trên nhiều điểm chạm khác nhau.

Bên cạnh các hình thức tự nhiên (organic), thương hiệu cũng nên sử dụng quảng cáo hay các kênh truyền thông có trả phí (Paid Media) để thúc đẩy nhanh và nhiều hơn lượng tiếp cận khách hàng mới.

Mặc dù như đã phân tích, quảng cáo không thể giúp ích nhiều trong việc xây dựng độ nhận biết thương hiệu, nó lại có thể giúp khách hàng nhanh chóng biết về các sản phẩm hoặc dịch vụ liên quan đến thương hiệu.

Để có thể hiểu về bản chất của quảng cáo, bạn xem tại: Quảng cáo là gì?

Xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu, một linh vật mang tính đại diện cho thương hiệu hoặc cũng có thể là một đại sứ thương hiệu.

Tuỳ vào mức độ đầu tư hay khả năng tài chính, các thương hiệu có thể xây dựng các bộ nhận diện khác nhau hay quyết định có sử dụng một đại sứ nào đó hay không.

Dù cho cách bạn chọn là gì, những hình ảnh đại diện cho thương hiệu nên mang đậm yếu tố con người, nhân hoá thương hiệu hay mang tính liên tưởng cao đến những giá trị mà thương hiệu có thể mang lại,

Những câu chuyện đằng sau những linh vật hay logo lại là những điểm bạn nên quan tâm.

Xây dựng một hình ảnh hoặc ký hiệu mang tính biểu tượng.

Bạn nghĩ như thế nào nếu bạn không nhìn thấy tên gọi Nike mà chỉ nhìn thấy biểu tượng “dấu ngoặc kéo lên” hay “hình cánh lưỡi trai” hay còn gọi là Swoosh.

Cũng tượng tự với Apple, liệu bạn có liên tưởng tới Apple với hình ảnh một quả táo đang cắn dở hay không, tất cả điều này giải thích lý do vì sao thương hiệu nên cần có một biểu tượng hay kí hiệu riêng biệt nào đó.

Với các chiến dịch quảng cáo hay Marketing, các sử dụng các biểu tượng này thay vì tên gọi thương hiệu (brandname) là một cách thông minh để kích thích khách hàng liên tưởng.

Cách đo lường mức độ nhận biết thương hiệu.

Cách đo lường mức độ nhận biết thương hiệu.
Cách đo lường mức độ nhận biết thương hiệu.

Có 2 cách để thương hiệu có thể đo lường độ nhận biết thương hiệu.

Đo lường độ nhận biết thương hiệu bằng các chỉ số định lượng.

Bằng cách đo lường hay so sánh những chỉ số dưới đây, bạn có thể đánh giá độ nhận biết thương hiệu từ người tiêu dùng.

  • Direct Traffic hay các nguồn truy cập tự nhiên: Nếu bạn tối ưu hoá công cụ tìm kiếm (SEO) và khách hàng có thể tình cờ thấy bạn, điều này chưa hẳn là khách hàng biết đến bạn hoặc chủ động tìm bạn. Nhưng nếu họ truy cập trực tiếp vào website của bạn hay chủ động tương tác với bạn, họ chắc chắn đã biết về bạn.
  • Tổng dung lượng truy cập của website hay các nền tảng khác: Về cơ bản, một website có lượng dùng truy cập càng lớn thì thương hiệu đó càng có mức độ nhận biết cao.
  • Mức độ tương tác trên mạng xã hội: Bằng các đo lường các chỉ số như mức độ tiếp cận (reach), mức độ người tương tác (click, like, share, comment) hay sử dụng các công cụ Social Listening để theo dõi lượng người đề cập đến thương hiệu, bạn có thể biết được mức độ phổ biến của thương hiệu trên thị trường.

Đo lường độ nhận biết thương hiệu bằng các chỉ số định tính.

Ngoài cách đo lường tương đối chính xác về các số liệu thể hiện mức độ người dùng biết đến thương hiệu về mặt tổng thể, bạn cũng có thể đo lường bằng những cách mang tính định tính cao hơn.

  • Khảo sát nhóm: Bằng cách khảo sát một nhóm người dùng bất kỳ và bạn có thể tính toán được lượng người biết đến thương hiệu trên mẫu (nhóm người) nghiên cứu.
  • Mức độ tìm kiếm trên các công cụ tìm kiếm: Với các thương hiệu phổ biến hơn, họ có lượng người dùng tìm kiếm các từ khoá liên quan đến thương hiệu của họ nhiều hơn (mặc dù không phải luôn luôn với một số ngành hàng nhất định.)

Một số ví dụ về độ nhận biết thương hiệu.

Điểm đến cuối cùng của công việc xây dựng độ nhận biết thương hiệu là nhiều người biết và liên tưởng đến thương hiệu thậm chí là ngay cả khi bạn không thể hiện tên thương hiệu ra bên ngoài.

Bạn thử đoán xem dưới đây là những thương hiệu nào khi nó không có tên.

Kết luận.

Như đã phân tích ở trên, trước khi nói đến việc bán hàng hay những thứ to tát hơn, thứ đầu tiên bạn cần xây dựng cho thương hiệu của mình là độ nhận biết hay nhận thức về thương hiệu, thấu hiểu độ nhận biết thương hiệu là gì, bản chất của nó ra sao và hơn thế nữa.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

Nguồn: MarketingTrips.com

Mở rộng nhận thức thương hiệu bằng những công cụ thông minh

Với sự gia tăng liên tục của video số (digital video), các nhà quảng cáo và thương hiệu đang không ngừng thay đổi chiến lược của mình để thúc đẩy nhận thức về thương hiệu.

Mở rộng nhận thức thương hiệu bằng những công cụ thông minh

Các công cụ mới của YouTube đang giúp bạn giảm bớt những nỗ lực cần thiết để bắt kịp những xu hướng tiêu dùng này trong khi vẫn đạt được kết quả về nhận thức thương hiệu một cách rõ rệt. Dưới đây là 03 cách tiếp cận mà các nhà marketers nên xem xét.

Vạch ra kế hoạch với công cụ Reach Planner.

Trước khi thiết lập chiến dịch, hãy đảm bảo bạn lập kế hoạch để đạt hiệu quả tối đa.

Công cụ lập kế hoạch tiếp cận (Reach Planner) sử dụng dữ liệu theo thời gian thực từ YouTube để hiển thị cho bạn phạm vi tiếp cận dự kiến dựa trên cài đặt chiến dịch của bạn gồm: đối tượng, ngân sách, loại chiến dịch và mục tiêu, v.v.

Khi bạn chỉnh sửa thông tin đầu vào của bạn và bạn sẽ thấy chúng ảnh hưởng như thế nào đến phạm vi tiếp cận và tần suất dự kiến của chiến dịch theo đối tượng.

Carter’s, một thương hiệu quần áo dành cho trẻ em, đã sử dụng công cụ lập kế hoạch tiếp cận cho chiến dịch “Hello Optimism” của họ để tìm hiểu phạm vi tiếp cận và tần suất của cả đối tượng bên thứ nhất (phía thương hiệu) và phân khúc đối tượng của Google dành cho những người mới làm mẹ.

Agency của Carter’s, Merkle, đã có thể xác định mức ngân sách và chiến lược phù hợp cần thiết để thúc đẩy sức ảnh hưởng nhiều nhất cho một lượng lớn đối tượng duy nhất.

Chiến dịch YouTube của họ đã mang lại phạm vi tiếp cận duy nhất là 51 triệu người với chi phí mỗi lần xem thấp hơn 40% so với chiến dịch YouTube trung bình của họ.

Với dữ liệu từ TV trong công cụ lập kế hoạch tiếp cận, bạn cũng có thể lập kế hoạch YouTube cùng với TV để hiểu phạm vi tiếp cận kết hợp và cải thiện hiệu quả của chiến dịch tổng thể của mình.

Trong video Case Study này, nhóm Pepsi Việt Nam giải thích cách họ sử dụng TV trong công cụ lập kế hoạch tiếp cận để đạt được thêm 19% phạm vi tiếp cận cho chiến dịch quảng cáo sản phẩm Mirinda, một loại nước ngọt hàng đầu tại Việt Nam.

Tối ưu hoá hiệu suất với chiến dịch tiếp cận video – Video reach campaigns.

Để tăng mức độ nhận biết thương hiệu và khả năng ghi nhớ quảng cáo (ad recall) tối đa, Google khuyên bạn nên sử dụng hai hoặc nhiều định dạng CPM khác nhau: Quảng cáo có thể bỏ qua (skippable), không thể bỏ qua (non-skippable) hoặc quảng cáo đệm 6 giây (bumper ads).

Để có được dự báo về việc phân bổ ngân sách giữa các định dạng CPM bạn chọn, Google đã phát triển các chiến dịch nhằm mục tiêu gia tăng phạm vi tiếp cận video.

Chiến dịch tiếp cận video (Video reach campaigns) có thể tự động tối ưu hóa trên nhiều định dạng quảng cáo khác nhau để tiếp cận nhiều người nhất có thể với mức giá thấp nhất.

Trong quá trình thử nghiệm, Google cho biết, các chiến dịch phạm vi tiếp cận video đã tăng phạm vi tiếp cận nhiều hơn từ 29% đến 44% với mức giá CPM thấp hơn 16% so với các chiến dịch sử dụng các định dạng riêng lẻ.

Thương hiệu L’Oréal Bồ Đào Nha đã đạt được phạm vi tiếp cận chiến dịch cao nhất từ trước đến nay bằng cách sử dụng chiến dịch tiếp cận video để quảng cáo sản phẩm serum Elvive Dream Long.

Dựa vào việc tự động hóa để tối đa hóa khả năng tiếp cận và mức độ nhận biết, L’Oréal đã tiếp cận thêm 32% người xem đồng thời giảm thêm 41% chi phí trên mỗi điểm tiếp cận (CPRP – cost per reach point) so với các chiến dịch YouTube được tối ưu hóa theo cách thủ công thông thường.

Đo lường hiệu quả và điều chỉnh chiến dịch của bạn với Brand Lift.

  • Bạn có thể thiết lập công cụ đo lường Brand Lift trực tiếp từ Google tại: Brand Lift

Cuối cùng, các giải pháp đo lường rất quan trọng khi bạn cần hiểu đầy đủ về những tác động của các chiến dịch quảng cáo lên sức khoẻ thương hiệu (Brand Lift).

Brand Lift cho phép bạn đo lường mức độ ghi nhớ quảng cáo và sức tác động đến độ nhận biết thương hiệu được phân bổ trực tiếp cho các chiến dịch của bạn.

Ngoài các giải pháp Brand Lift, Google cũng đã hợp tác với các giải pháp đo lường của bên thứ ba để hiểu rõ hơn về hiệu suất so với các nền tảng truyền thông khác.

Trong phân tích mô hình tiếp thị hỗn hợp (marketing mix model – MMM) mà Google đã kết hợp với Nielsen, YouTube đã cho thấy rằng doanh số bán hàng tăng thêm trên mỗi lần hiển thị trên nền tảng này nhiều hơn 91% so với TV (từ năm 2017 đến năm 2019).

Để giúp các nhà quảng cáo tận dụng những kết quả này trên quy mô lớn, YouTube đã không ngừng phát triển các giải pháp lập kế hoạch, media buying (mua phương tiện truyền thông) và đo lường trong thời gian qua.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Tra Nguyen | MarketingTrips 

6 chiến lược sáng tạo để tăng nhận thức về thương hiệu

Có một thương hiệu vững chắc, đáng tin cậy là điều quan trọng để công ty của bạn phát triển. Nếu đối tượng mục tiêu của bạn không biết hoặc không tin tưởng vào thương hiệu của bạn, làm cách nào bạn có thể tăng lượng khách hàng và doanh số bán hàng của mình? Vận dụng các chiến lược sáng tạo chính là chìa khoá.

chiến lược sáng tạo
6 chiến lược sáng tạo để tăng nhận thức về thương hiệu

Dưới đây là 06 chiến lược sáng tạo mà bạn có thể sử dụng để tăng nhận thức về thương hiệu (Brand Awareness) và giúp doanh nghiệp của bạn phát triển mạnh mẽ hơn.

1. Sử dụng người có ảnh hưởng.

Mời những người có ảnh hưởng hay influencer vào thị trường ngách của bạn là một cách tuyệt vời để tăng nhận thức về thương hiệu và hy vọng thúc đẩy doanh số bán hàng.

Khi những người có ảnh hưởng có một lượng khán giả biết và tin tưởng họ, khi họ đề cập đến các sản phẩm của bạn và thảo luận về thương hiệu của bạn trong nội dung của họ, những đề cập đó sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận của bạn và nâng cao nhận thức của mọi người về sản phẩm của bạn.

Ikonick là một ví dụ hoàn hảo về một công ty làm việc trực tiếp với những người có ảnh hưởng: Nó bán các tác phẩm nghệ thuật trên vải canvas cho nhà và văn phòng của bạn.

Cách Ikonick sử dụng những người có ảnh hưởng bao gồm việc cung cấp cho họ nghệ thuật và để những người có ảnh hưởng đó tạo dáng với nghệ thuật, sau đó chia sẻ ảnh trên mạng xã hội.

“Các mối quan hệ của chúng tôi là một phần quan trọng trong công việc kinh doanh của chúng tôi,” đồng sáng lập Mark Mastrandrea cho biết. “Các mối quan hệ của chúng tôi tạo nên cộng đồng của chúng tôi và cộng đồng là cách thương hiệu của chúng tôi phát triển.”

Ikonick sử dụng tất cả các loại người có ảnh hưởng, từ nhiếp ảnh gia Instagram cho đến những người nổi tiếng.

Chiến lược mạng xã hội của công ty này đã cho phép nó mở rộng quy mô và phát triển theo cấp số nhân bởi vì những người có ảnh hưởng trở thành một phần của đội ngũ bán hàng – thậm chí là đại sứ. Mastrandrea nói rằng mối quan hệ này có lợi cho cả hai bên.

Các công ty cũng có thể đề nghị tài trợ cho những người có ảnh hưởng tại một sự kiện và thậm chí sử dụng họ làm người phát ngôn cho thương hiệu và sản phẩm.

2. Sử dụng bao bì có thương hiệu.

Bạn đã bao giờ nhận được một đơn đặt hàng có bao bì có thương hiệu chưa? Thay vì xem đó chỉ là một món hàng bình thường, có lẽ bạn cảm thấy rằng nhãn hàng đặc biệt đó khiến gói hàng giống như một món quà.

Packlane là một công ty cho phép các công ty thiết kế bao bì tùy chỉnh, sử dụng logo và thương hiệu của riêng họ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Công ty đã tạo ra các hộp quà độc đáo cho L’Oreal, HP, Shopify và cả RedBull.

Nhóm nghiên cứu biết rằng trải nghiệm sản phẩm không bắt đầu từ lần sử dụng đầu tiên, mà là ở giai đoạn mở hộp. Cách các công ty giới thiệu thương hiệu của họ và câu chuyện họ kể thông qua thiết kế và đồ họa có thể tạo ra một kết nối cảm xúc với khách hàng, thậm chí có thể kéo dài hơn chính sản phẩm đó.

Bao bì có thương hiệu cung cấp một điểm tiếp xúc bổ sung cho giá trị mà thương hiệu của bạn mang lại cho trải nghiệm của mỗi khách hàng và giúp phân biệt bạn với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Bỏ qua bao bì sản phẩm của bạn là một cơ hội xây dựng thương hiệu bị bỏ lỡ trong bối cảnh thị trường cực kỳ cạnh tranh này.

3. Hãy nghiên cứu SEO.

Bạn có nghe nói rằng phần lớn người tiêu dùng không xem hết trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm và phần lớn những người trong nhóm đó không xem qua một vài kết quả đầu tiên trên trang?

Hãy nghĩ về sức mạnh của SEO đối với việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, nếu tất cả các đối thủ cạnh tranh đều trích dẫn cùng một thông tin, nó sẽ mất đi một phần sức mạnh vì tất cả những công ty đó đều đang cố gắng có được khách hàng mới.

Nghiên cứu các chiến lược SEO liên quan đến thị trường ngách, sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn có thể giúp bạn tăng nhận thức về thương hiệu.

4. Tối đa mạng xã hội. 

Instagram là một nền tảng truyền thông mạng xã hội có sức mạnh rất lớn. Người ta nói rằng một bức ảnh có giá trị bằng một nghìn từ và Instagram cho phép bạn quảng bá câu chuyện đó thông qua hình ảnh bạn đăng và văn bản bạn cung cấp thêm.

Đây là một công cụ tuyệt vời để bạn bè và gia đình liên lạc với nhau và nó cũng tốt cho các thương hiệu tiếp cận người tiêu dùng của họ.

Azazie bán áo cưới dành cho phù dâu và cô dâu. Để phát triển, thương hiệu này trở nên siêu tập trung vào việc phát triển cộng đồng của mình, đặc biệt là trên Instagram.

Lý do là trên nền tảng đó, công ty có thể yêu cầu các cô dâu mới chia sẻ hình ảnh về ngày đặc biệt của họ – và trải nghiệm của họ với trang phục của Azazie.

Không có gì ngạc nhiên khi trang Instagram của Azazie tràn ngập những bức ảnh đẹp truyền cảm hứng cho những cô dâu tương lai khác tưởng tượng mình đang mặc một trong những chiếc váy của nó.

Hơn hết, Azazie khai thác sức mạnh của bằng chứng xã hội (social proof) bằng cách tận dụng lời chứng thực và hình ảnh cá nhân từ khách hàng.

Sau đó là Facebook: Giống như Instagram, Facebook có sức mạnh để tăng nhận thức về thương hiệu và tạo ra một cộng đồng.

Gallant Dill là một doanh nhân tự lập, người đã xây dựng một cộng đồng thông qua nhóm Facebook của mình. Dill’s business là một chương trình cố vấn dạy các doanh nhân cách xây dựng và mở rộng quy mô công ty của họ.

Facebook giúp Anh nói chuyện trực tiếp với cộng đồng này và chia sẻ kết quả của các chương trình và sản phẩm cố vấn khác nhau của Anh.

Mới 26 tuổi, Anh đã có nhiều cơ sở kinh doanh trị giá hàng triệu đô la, một thành tích không chỉ minh chứng cho trí thông minh của anh mà còn thể hiện cho sức mạnh của cộng đồng trên mạng xã hội.

5. Chuyển mình với Twitter.

Twitter là một nền tảng truyền thông mạng xã hội lớn khác để nâng cao nhận thức về thương hiệu vì nó giúp bạn xuất bản tin tức và tương tác với những khách hàng đã nói về doanh nghiệp của bạn.

Ví dụ, thương hiệu thức ăn nhanh Wendy’s đã tạo dựng được danh tiếng trên Twitter và nâng cao nhận thức thương hiệu của mình bằng cách trả lời các phương tiện truyền thông đề cập đến thương hiệu của mình, cũng như các bài đăng của đối thủ cạnh tranh bằng những nhận xét vui nhộn và hài hước.

6. Khai thác quảng cáo có trả phí.

Cuối cùng, quảng cáo có trả phí là một cách tuyệt vời để hiển thị tên và trang web của bạn trước đối tượng mục tiêu, nhưng việc thu hẹp đối tượng và thu hút tương tác với quảng cáo thông qua khuyến mãi có thể mất khá nhiều thời gian nên bạn cần phải tối ưu dần.

Ở gian đoạn xây dựng mức độ nhận biết của thương hiệu thì những quảng cáo hiển thị chẳng hạn như GDN (Google Display Network) bạn không nên bỏ qua.

Với cách tính phí của GDN hoặc nhiều hệ thống quảng cáo hiển thị khác, thương hiệu của bạn sẽ được hiển thị nhiều hơn trong khi vẫn tiết kiệm được chi phí vì quảng cáo chỉ bị tính phí khi ai đó nhấp vào quảng cáo của bạn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Huy Lâm | MarketingTrips