Skip to main content

Thẻ: Retails

Doanh số ngành bán lẻ giảm hơn nhiều so với dự báo

Người Mỹ đã mua sắm ít hơn dự kiến của tháng trước khi biến thể Delta ngày càng lan rộng, điều đã tạo nên lo ngại rằng đại dịch có thể một lần nữa đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng và sự phục hồi kinh tế.

Cục điều tra dân số cho thấy rằng doanh số bán hàng đã giảm 1,1% trong tháng. Đó là một sự sụt giảm mạnh so với mức dự báo 0,3% từ các nhà kinh tế được Refinitiv khảo sát.

Đây cũng là lần giảm thứ hai liên tục trong ba tháng, điều đang cho thấy rằng một nhu cầu bị dồn nén có thể giúp thúc đẩy sự phục hồi đã không còn nữa.

Các dữ liệu kinh tế khác cho thấy biến thể Delta có thể khiến người tiêu dùng tạm dừng mọi hoạt động chi tiêu trong thời gian tới.

Tuần trước, dữ liệu sơ bộ từ Đại học Michigan cho thấy chỉ số tâm lý người tiêu dùng đã lao dốc trong tháng 8, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2011.

So sánh với năm 2020.

Ngay cả khi có nhiều biến động chi tiêu do đại dịch, doanh số bán lẻ vẫn vượt xa mức của năm ngoái, tăng gần 16% so với tháng 7 năm 2020.

Ông Gus Faucher, nhà kinh tế trưởng tại PNC cho biết: “triển vọng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn khá tích cực.

Nhưng tôi tin rằng tăng trưởng chi tiêu sẽ chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ trong vài năm tới, mức tăng trưởng trong hầu hết các danh mục bán lẻ sẽ tiếp tục sụt giảm.”

Trong một bối cảnh khác, Walmart (WMT) đã nâng dự báo doanh thu trong năm của mình bất chấp các mối đe dọa từ biến thể Delta trong thông báo thu nhập ngày 17/8.

Các giám đốc điều hành của công ty này cũng cho biết nhiều khách hàng hơn sẽ quay trở lại các cửa hàng.

Trong tháng 7, doanh số bán hàng tại các nhà bán lẻ trực tuyến giảm 3,1% – riêng các đại lý xe hơi và phụ tùng xe hơi, giảm 3,9%.

Không tính ngành ô tô và phụ tùng xe hơi, doanh số bán lẻ nói chung giảm với tốc độ chậm hơn, giảm 0,4% nhưng vẫn thấp hơn mức dự báo.

Thị trường ô tô đã phải chứng kiến một năm đầy ảm đạm do đại dịch trong năm qua.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu chip và việc đóng cửa các nhà máy cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến ngành xe hơi nói chung.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Long Trần

Google: Biến ‘những kỳ vọng đối lập’ của khách hàng thành cơ hội bán lẻ mới

Từ năm 2020, không chỉ các làn sóng mới của những người mua sắm ngoại tuyến tham gia vào thế giới thương mại điện tử mà những người vốn đã mua sắm trực tuyến thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào nó.

Google: Biến kỳ vọng đối lập của khách hàng thành cơ hội bán lẻ mới

Dưới đây là chia sẻ từ Ông Kiran Mani, Giám đốc phụ trách khách hàng toàn cầu và giải pháp Agency của Google tại APAC.

Khi hành vi mua sắm tiếp tục phát triển, một loạt những căng thẳng thú vị đã xuất hiện khi người tiêu dùng phải đối mặt với những lựa chọn dường như là đối lập.

Những kỳ vọng có vẻ mâu thuẫn hay đối lâp này có thể giống như một nghịch lý đầy thách thức đối với các thương hiệu.

Nhưng thay vì coi đây là sự đánh đổi tiềm năng, những thương hiệu tìm cách mang đến cho mọi người những điều tốt nhất của cả hai thái cực có thể đạt được những thành công không nhỏ trong việc xây dựng lòng trung thành và sự hài lòng của khách hàng.

Nghịch lý 1: Gặp gỡ người tiêu dùng ở giao điểm giữa hai thái cực – Trực tuyến và ngoại tuyến.

Mọi người không chỉ cảm thấy thoải mái với thương mại điện tử mà còn bắt đầu tỏ ra thích thú với nó hơn.

38% người tiêu dùng APAC (khu vực Châu Á – Thái Bình Dương) không mua sắm trực tuyến trước đại dịch cho biết họ có ý định tiếp tục mua sắm trực tuyến và nhiều doanh nghiệp nhận thấy rằng ‘mặt tiền’ hay ‘cửa hàng chính’ của họ đã chuyển sang trực tuyến.

Trung Quốc trở thành thị trường đầu tiên mà doanh số thương mại điện tử vượt qua doanh số bán hàng tại cửa hàng, trong khi Hàn Quốc theo sát phía sau với 28,9% doanh số bán hàng trực tuyến dự kiến ​​trong năm nay.

Đặc biệt, mua sắm hàng tạp hóa (grocery) có mức tăng trưởng lớn nhất ở Châu Á – Thái Bình Dương, với trung bình 44% người tiêu dùng mua hàng tạp hóa trực tuyến trong quý 4 năm 2020 – cao hơn 1,6 lần so với các khu vực còn lại của thế giới.

Trong khi thương mại trực tuyến đang phát triển, mua sắm tại các cửa hàng vẫn không kém phần quan trọng, đặc biệt là đối với các thương hiệu CPG (hàng đóng gói tiêu dùng).

Ngay cả ở các quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, người mua sắm vẫn đang tiếp tục quay trở lại các cửa hàng truyền thống.

Mọi trải nghiệm mua sắm, dù là ngoại tuyến (offline) hay trực tuyến (online), đều có những thứ mà mọi người đánh giá cao.

Thay vì tập trung vào cái này hay cái kia, kênh này hay kênh kia, các thương hiệu cần suy nghĩ về cách họ có thể mang những điều tốt nhất của mỗi thứ vào hành trình mua hàng nhằm giúp người mua sắm di chuyển một cách dễ dàng giữa chúng.

Chúng tôi biết rằng, với trực tuyến, mọi người tận hưởng quyền truy cập thông tin, quyền riêng tư khi mua sắm, thanh toán liền mạch, khả năng tìm kiếm trên nhiều loại sản phẩm và chi nhánh khác nhau.

Vậy làm thế nào để các cửa hàng vật lý có thể tái tạo một số lợi ích này?

Thương hiệu có thể làm cho con đường đến cửa hàng để mua hàng của người tiêu dễ dàng hơn, nhiều thông tin hơn và hữu ích hơn với ‘trợ lý ảo’.

Điều này cho phép người mua sắm yên tâm mua sắm mà không cần phải nhờ đến nhân viên cửa hàng.

Và việc tận dụng các công nghệ mới hơn như VR và AR trong các cửa hàng bán lẻ để tạo ra những trải nghiệm thú vị và sâu sắc hơn cũng có thể khiến bạn trở nên đáng nhớ hơn.

Tương tự, những lợi thế của việc mua sắm tại các cửa hàng cũng có thể được áp dụng cho những trải nghiệm ở thương mại điện tử.

Chúng tôi nhận thấy rằng việc giao hàng miễn phí, chính sách đổi trả dễ dàng và giao hàng vào ngày hôm sau đóng vai trò là động lực quan trọng cho việc mua hàng trực tuyến.

Việc gặp gỡ người tiêu dùng của bạn ở giao điểm giữa hai thái cực trực tuyến và ngoại tuyến có thể là hình thức cung cấp cho người mua sắm trực tuyến sự an tâm và đáng tin cậy, điều mà họ rất cần trong quá trình mua sắm.

Nghịch lý 2: Bảo vệ giá trị trong khi phục vụ giá trị.

Người mua sắm sẽ luôn quan tâm đến việc tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất – thậm chí còn hơn thế nữa khi đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính của gần 50% người tiêu dùng ở Châu Á – Thái Bình Dương (APAC).

Nhiều người mua sắm phải trải qua rất nhiều thời gian để tìm kiếm các ưu đãi tốt trực tuyến cũng như tận dụng tối đa các đợt giảm giá và khuyến mãi .

Theo Ông Jason Mander đến từ GWI (một công ty về dữ liệu người tiêu dùng), ngày càng có nhiều người hơn tin tưởng vào các thương hiệu nếu nó phù hợp với niềm tin cá nhân của chính họ, với 59% người tiêu dùng mong đợi các thương hiệu thân thiện với môi trường hoặc có trách nhiệm với xã hội.

Mặc dù nhiều người sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho những thương hiệu phù hợp với giá trị cá nhân của họ, nhưng việc đưa ra đồng thời một giá trị lớn cũng sẽ khiến thương hiệu của bạn trở nên hấp dẫn hơn.

Ví dụ: ứng dụng dành cho thiết bị di động của Singapore, SusGain mang đến cho mọi người cơ hội để vừa tích điểm khi chi tiêu tại một doanh nghiệp bền vững của địa phương (doanh nghiệp có những tác động tích cực đến môi trường, cộng đồng, xã hội…) vừa hoàn lại tiền khi mua hàng – họ đáp ứng cả hai nhu cầu về giá trị của người tiêu dùng cùng một lúc.

Bằng cách kết nối thông qua chiến lược trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C), một thương hiệu có thể tạo ra những kết nối đích thực và nổi bật như một thương hiệu độc lập với các nguyên tắc và giá trị của riêng mình.

Nếu bạn không biết nên bắt đầu từ đâu, hãy cân nhắc việc kiểm tra lại chuỗi giá trị của mình để xác định các cơ hội mà bạn có thể truyền tải giá trị của mình cho khách hàng.

Nghịch lý 3: Cung cấp toàn cầu trong khi phục vụ cho từng địa phương.

Với rất nhiều thời gian dành cho trực tuyến, mọi người đã quen với việc tiếp cận các thương hiệu và thị trường từ khắp mọi nơi trên toàn thế giới.

Đồng thời, chúng tôi nhận thấy rằng sở thích mua hàng tại địa phương ngày càng tăng do ý thức cộng đồng và quan tâm đến môi trường nhiều hơn.

Vậy làm cách nào để bạn cung cấp cho khách hàng những điều tốt nhất trên thế giới đồng thời cho phép họ đóng một vai trò tích cực trong cộng đồng địa phương?

Các doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng cách tích cực ủng hộ các nhà cung cấp địa phương – chẳng hạn như ShopClues, một thị trường trực tuyến của Ấn Độ, đã cung cấp cho khách hàng quyền truy cập vào các thương hiệu toàn cầu nhưng cũng kêu gọi các sản phẩm nội địa với nhãn dán “Sản xuất tại Ấn Độ”, điều này cho phép mọi người đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất với nhu cầu của họ trong từng thời điểm.

Thương hiệu thể thao toàn cầu Nike cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự với mô hình cửa hàng siêu địa phương của họ (hyper-local store), Nike Unite, tập trung vào việc phát triển văn hóa địa phương và ưu tiên những người địa phương.

Chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới, Starbucks, đã chuyển đổi chuỗi giá trị và hậu cần của mình để cam kết tìm các nguồn cung ứng có đạo đức từ các nhà cung cấp cà phê địa phương cũng như công bố công khai các báo cáo của mình về những tác động xã hội.

Mọi thứ đã thay đổi, khách hàng đã thay đổi và các thương hiệu cũng đã dần bắt kịp với quá trình chuyển đổi đó. Còn bạn thì sao?

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips 

Thị trường bán lẻ hàng ‘xa xỉ phẩm’ vẫn sống tốt trong đại dịch

Trong khi ngành bán lẻ nói chung đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, thì thị trường bán lẻ hàng xa xỉ với tính đặc thù riêng lại vẫn hoạt động tốt, bất chấp dịch bệnh.

Thị trường bán lẻ hàng 'xa xỉ phẩm' vẫn sống tốt trong đại dịch
Thị trường bán lẻ hàng ‘xa xỉ phẩm’ vẫn sống tốt trong đại dịch

Dưới ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngành bán lẻ của Việt Nam đã chứng kiến nhiều cửa hàng và các nhà bán lẻ lớn buộc phải đóng cửa, đặc biệt là đối với các mặt hàng có mức độ nhạy cảm về giá cao.

Một số thương hiệu bán lẻ do không thể thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với tình hình mới đã dẫn tới việc bị đào thải khỏi thị trường.

Tuy vậy, vẫn tồn tại một số ngành hàng hoạt động tốt với lượng khách hàng tới cửa hàng khả quan, thậm chí những doanh nghiệp này còn có xu hướng mở rộng các cửa hàng vật lý.

Theo đó, thị trường bán lẻ hàng xa xỉ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh do việc hạn chế du lịch trên toàn cầu đã khiến khách hàng tập trung mua sắm chủ yếu tại các cửa hàng trong nước.

Bán lẻ cao cấp (luxury product) tại Việt Nam là một trong những thị trường có hoạt động tốt, với việc các thương hiệu xa xỉ muốn mở rộng và gia nhập vào Việt Nam.

Ông Matthew Powell, Giám đốc của Savills Việt Nam cho biết, những doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt đồng nghĩa với việc họ có khả năng thay đổi để bắt kịp với tình hình mới.

Tại những thị trường lớn như ở Anh, một số nhà bán lẻ rất lớn với hơn 100 năm hoạt động đã phải phá sản vì không thể thay đổi mô hình kinh doanh và thích ứng kịp thời với tình hình mới.

Vì vậy, thành công của bán lẻ ở các thị trường khác nhau vẫn phụ thuộc nhiều vào chiến lược, sự quản lý cũng như khả năng thích ứng của doanh nghiệp.

Theo ông Matthew, có hai lý do khiến thị trường bán lẻ hàng xa xỉ vẫn sống tốt trong đại dịch:

Thứ nhất, đối với ngành hàng xa xỉ, sự nhạy cảm về giá của người mua là khá thấp.

Thương hiệu vẫn có thể tăng giá 10 – 20% mà vẫn có khách hàng muốn sở hữu.

Việc tăng giá sản phẩm của các thương hiệu xa xỉ thường không ảnh hưởng trực tiếp lên quyết định mua hàng bởi khách hàng của họ sẵn sàng và luôn có khả năng mua.

Giám đốc Savills phân tích, khách hàng trong ngành xa xỉ có quá trình quyết định mua sắm khác biệt, coi trọng tương tác trực tiếp giữa khách hàng và thương hiệu.

Họ muốn đến cửa hàng, trao đổi cùng nhân viên tại đó và trực tiếp trải nghiệm sản phẩm cũng như những dịch vụ mà thương hiệu cung cấp.

Thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh, trong khi rất nhiều nhà bán lẻ đang chuyển hướng, áp dụng thương mại điện tử và các giải pháp công nghệ để giải quyết các nhu cầu khác nhau của doanh nghiệp: tiếp cận và giao tiếp với khách hàng, quản lý kho vận và thậm chí là hỗ trợ các hoạt động truyền thông, thì các thương hiệu cao cấp lại tập trung chủ yếu vào phát triển và duy trì hình ảnh, thể hiện qua chất lượng và giá trị trọn đời của sản phẩm.

Có thể thấy, các thương hiệu cao cấp đang đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp marketing mới để có thể tiếp cận phân khúc mục tiêu tốt hơn; các giải pháp công nghệ cũng được ứng dụng tại các cửa hàng vật lý của hãng, nhằm tăng trải nghiệm mua sắm và hỗ trợ người mua đưa ra các quyết định mua hàng.

Thực tế, các nhãn hàng xa xỉ thường lựa chọn mặt bằng kinh doanh là các vị trí đắc địa và trung tâm tại các đô thị lớn.

Ví dụ như địa điểm mới của Dior và Louis Vuitton (LV) tại dự án International Centre trên phố Tràng Tiền ở trung tâm Hà Nội. Những vị trí này thường khá bắt mắt, phù hợp với hình ảnh cao cấp của thương hiệu.

Ông Matthew đánh giá, trong nhiều năm, thị trường Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đóng góp rất quan trọng vào hoạt động kinh doanh toàn cầu của các nhãn hàng cao cấp.

Đặc biệt, Diễn đàn Kinh tế thế giới ước tính vào năm 2030, tầng lớp trung lưu tại khu vực này sẽ tăng thêm 1,5 tỷ người, chiếm 66% số người thuộc tầng lớp trung lưu toàn cầu.

Các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, Philipines và Việt Nam sẽ sở hữu hàng triệu công dân có khả năng tài chính và nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ.

Châu Á cũng đồng thời là khu vực cho thấy sự phục hồi tích cực sau Covid-19, thúc đẩy sự mở rộng và đầu tư nhiều hơn.

Trong khi đó, bán lẻ cao cấp tại Việt Nam là một trong những thị trường có hoạt động tốt nhất khu vực. Vì vậy, nhiều thương hiệu xa xỉ muốn mở rộng, gia nhập vào Việt Nam.

Giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam tương đối thấp so với các thị trường khác trong khu vực châu Á như Singapore, Hồng Kông hoặc Tokyo.

Do các lệnh hạn chế du lịch, hiện nay khách hàng tại Việt Nam chủ yếu mua sắm các đồ dùng xa xỉ trong nước, thay vì đi sang các thị trường khác như Hồng Kông, London, Paris hoặc Singapore.

Thêm vào đó, việc thu nhập bình quân của Việt Nam những năm vừa qua đã tăng rõ rệt, đi kèm với sự gia tăng đáng kể của tầng lớp trung lưu, đã mở rộng thêm thị trường mục tiêu của các hãng.

Hiện, nguồn cung mặt bằng bán lẻ cao cấp tại Hà Nội khá hạn chế, chỉ có một số địa điểm mà các thương hiệu muốn thuê tại Hà Nội, ví dụ như khu vực Tràng Tiền hoặc quanh khách sạn Soffitel Metropole, nơi hiện có sẵn rất nhiều các thương hiệu cao cấp.

Theo ông Matthew, các doanh nghiệp bán lẻ cao cấp cần suy nghĩ về việc đổi mới chiến lược, về cách mà họ tiếp cận người tiêu dùng mới.

Điểm cần lưu ý của ngành hàng xa xỉ là các nhãn hàng có thể trở nên quá truyền thống hoặc quá giống một sản phẩm thế hệ cũ.

Họ cần liên tục xem xét cách tiếp cận các thị trường mục tiêu, có thể là tới đối tượng khách hàng trẻ hơn và xây dựng mối quan hệ lâu dài với những khách hàng đó.

Nhìn chung, có thể dễ thấy sự phát triển đi lên của thị trường bán lẻ Việt Nam, lấy ví dụ có các cửa hàng Uniqlo, Zara lần lượt gia nhập thị trường.

Những thương hiệu thời trang này đang thu hút một lượng lớn các khách hàng tại các phân khúc khác nhau.

Một cửa hàng Uniqlo có thể rộng trên 5,000 m2 và đáp ứng đầy đủ các loại thời trang từ trẻ em đến người lớn, nam và nữ. Các nhà bán lẻ dạng này đang hoạt động rất tốt ở Việt Nam.

Ngoài ra, bán lẻ tại Việt Nam cũng đang đón nhận mô hình phát triển mới tương tự với các nước trên thế giới, đó là sự bùng nổ của các loại hình giải trí, F&B và e-Sport tại các trung tâm thương mại.

Các trung tâm thương mại trong tương lai sẽ rất khác so với 5-10 năm trước, ông Matthew Powell đánh giá.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips 

4 xu hướng chính trong ngành bán lẻ năm 2021

Các hành vi tiêu dùng mới sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp trong năm 2021.

Cuộc khủng hoảng về sức khoẻ toàn cầu hiện nay về cơ bản đã làm thay đổi thế giới bán lẻ. Các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đang phải vật lộn để theo kịp những thay đổi mạnh mẽ này trong hoạt động kinh doanh hàng ngày.

Theo Opportunity Insights, chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng trở lại hơn 90% mức trước đại dịch ở Mỹ, nhưng nó đang được hướng đến các lĩnh vực khác nhau.

Các khoản chi cho nhà hàng, khách sạn và phương tiện đi lại đang giảm trong khi hàng tạp hóa và giải trí gia đình tăng cao.

Người tiêu dùng đang hành xử các cách khác nhau và các nhà bán lẻ đang chạy đua để thích ứng thông qua các cuộc chuyển đổi số và bằng cách đa dạng hóa đối tác của họ để đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng.

04 xu hướng sau đây đã xuất hiện và rất quan trọng đối với các doanh nghiệp muốn thành công trong lĩnh vực bán lẻ từ ngay bây giờ.

1. Giảm không gian vật lý và tăng chủng loại sản phẩm.

Trong năm qua, sự hiện diện vật lý hay cửa hàng thực của các cửa hàng bán lẻ đã biến đổi thành những hình thức, quy mô và trải nghiệm mới.

Nhiều cửa hàng hơn đã trở thành những trung tâm phân phối trọn gói, đầu tư vào các cửa hàng vật lý lớn hơn đã giảm và thay vào đó các nhà bán lẻ tập trung hơn vào các sản phẩm thích hợp và các nhà cung cấp địa phương nhằm rút ngắn chuỗi cung ứng của họ.

Nhiều nhà bán lẻ đang tìm kiếm các đối tác mới để tăng chủng loại sản phẩm hoặc đáp ứng nhu cầu do đại dịch gây ra, chẳng hạn như khẩu trang hay các mặt hàng khác mà người tiêu dùng hiện nay không thể thiếu.

Các nhà sản xuất và nhà cung cấp muốn hợp tác thành công với các nhà bán lẻ nên biết các yêu cầu của nhà bán lẻ về thông tin sản phẩm chi tiết và chính xác.

Dữ liệu này đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo có đúng sản phẩm vào đúng thời điểm người tiêu dùng cần.

Gần 70% người tiêu dùng cho biết thiếu thông tin sản phẩm là lý do hàng đầu khiến họ từ bỏ sản phẩm, theo nghiên cứu từ Salsify.

2. Rất cần thiết để có được Customer Insight.

Tình trạng bán lẻ thay đổi hiện nay cũng là cơ hội cho các công ty khởi nghiệp công nghệ hỗ trợ tiếp cận insights và phân tích về người mua hàng.

Có một cảm giác cấp bách hơn để hiểu và dự đoán các tương tác của người tiêu dùng với sản phẩm. Mọi tương tác trực tiếp, vì có thể có ít hơn nên cần phải được tính và phục vụ mục đích thu hút người tiêu dùng lâu dài.

Các công ty khởi nghiệp như Adrich, chuyên cung cấp phân tích sử dụng sản phẩm theo thời gian thực, đang giúp các nhà bán lẻ và thương hiệu tăng cường mối quan hệ với người tiêu dùng.

Các nhà bán lẻ nên biết khi nào và như thế nào người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm khác nhau, điều này có thể giúp lập kế hoạch hàng tồn kho, bán hàng và khuyến mãi bản địa hóa.

3. Những cách mới để thử sản phẩm.

Công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) có thể hỗ trợ trải nghiệm “thử trước khi mua”, trải nghiệm này sẽ trở nên phổ biến hơn.

Hiện tại, người tiêu dùng ít thích tiếp xúc với mọi người và các sản phẩm mà người khác có thể đã chạm vào.

Mặc dù không còn nghi ngờ gì nữa, nhiều người tiêu dùng sẽ quay trở lại các cửa hàng khi các quy trình chăm sóc sức khỏe được giãn ra, nhưng cũng sẽ có sự gia tăng lâu dài trong mua sắm trực tuyến.

Một cuộc khảo sát của Salesforce vào tháng 5 cho thấy rằng đa số người tiêu dùng ở các mức thu nhập mong đợi mua sắm trực tuyến nhiều hơn trong tương lai, bao gồm 71% những người có thu nhập cao. Đây là cơ hội lớn để các thương hiệu có thể thúc đẩy hơn nữa các hoạt động thương mại điện tử (eCommerce).

AR đã có dấu hiệu phát triển trước đại dịch và nó cung cấp giải pháp cho những thách thức của ngành bán lẻ hiện nay.

Theo khảo sát của Nielsen năm 2019, khoảng một nửa số người tiêu dùng sẵn sàng sử dụng AR để đánh giá sản phẩm.

Do hậu quả của đại dịch, các thương hiệu đồ trang sức, thời trang thiết kế và giày dép đang cung cấp các thử nghiệm ảo mới hoặc nhận thấy sự phát triển trong các ứng dụng hiện có giúp khách hàng mua sắm tại nhà hoặc an toàn hơn tại cửa hàng.

Để trải nghiệm sản phẩm ảo mang lại kết quả thành công cho các nhà bán lẻ, thông tin sản phẩm phải được chuẩn hóa để đảm bảo thông tin lưu chuyển thông suốt giữa thế giới thực và kỹ thuật số.

Không chỉ các nhà bán lẻ sẽ mất thời gian và nguồn lực để tìm kiếm thông tin trong giai đoạn thiết lập, lòng tin của người tiêu dùng sẽ bị phá vỡ nếu các thuộc tính sản phẩm chính bị thiếu hoặc không có sẵn khi họ thử nghiệm các dịch vụ công nghệ mới.

Các doanh nhân có thể mong đợi nhu cầu tiếp tục về các giải pháp giải quyết những thách thức về dữ liệu này và giúp các nhà bán lẻ tạo ra trải nghiệm sản phẩm kỹ thuật số cho những khách hàng không thể lấy mẫu sản phẩm thực.

4. Tăng trưởng bền vững và minh bạch.

Theo Accenture, người mua sắm trên khắp thế giới cảm thấy được kết nối với nhau nhiều hơn nhờ trải nghiệm được chia sẻ của đại dịch, đồng thời đã có sự gia tăng trong tiêu dùng có ý thức và mong muốn mua hàng tại địa phương nhiều hơn.

Nhiều nhà bán lẻ đang đưa ra các sáng kiến ​​bền vững và có cái nhìn khác về tác động môi trường của chuỗi cung ứng của họ.

Vào tháng 5, Walmart đã công bố quan hệ đối tác với công ty quần áo tái chế ThredUP, công ty này kết hợp mối quan tâm của Walmart về tính bền vững với nhu cầu giải quyết ngân sách thắt chặt giữa những người tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch suy thoái.

Cùng với sự quan tâm đến việc tái sử dụng ngày càng tăng, nhiều người tiêu dùng muốn tìm hiểu nguồn gốc của sản phẩm và cách chúng được tạo ra.

Loại minh bạch này đòi hỏi các thương hiệu, nhà bán lẻ và thị trường trực tuyến phải điều chỉnh các yêu cầu của họ để nhận dạng sản phẩm duy nhất.

Ví dụ: lấy mã vạch và số nhận dạng xác thực nên được coi là một phần thiết yếu của việc ra mắt sản phẩm đối với các thương hiệu nhỏ để có cơ hội tiếp cận nhiều đối tượng hơn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Huy Lâm | MarketingTrips 

MUJI – ‘Đại gia’ bán lẻ của Nhật Bản vừa nộp đơn xin phá sản tại Mỹ

Trong quý II, MUJI tại Mỹ đã lỗ gần 64 triệu USD với hơn 200 chủ nợ khác nhau. Nhãn hàng đã nộp đơn bảo hộ phá sản theo Luật Phá sản Mỹ.

MUJI - 'Đại gia' bán lẻ của Nhật Bản vừa nộp đơn xin phá sản tại Mỹ
Ảnh: Reuters.

Theo Business Insider, thương hiệu thời trang tối giản Muji khu vực Mỹ vừa nộp đơn xin bảo vệ phá sản theo Luật Phá sản tại Mỹ. MUJI là cái tên tiếp theo phải đóng cửa tại thị trường Mỹ bởi những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Ông Ryohin Keikaku, Chủ tịch tập đoàn, cho biết MUJI sẽ đóng các cửa hàng không sinh lời đồng thời đàm phán lại giá thuê với chủ đất. 18 cửa hàng của MUJI tại Mỹ đã phải đóng cửa từ giữa tháng 3 do đại dịch bùng phát khiến Chính phủ Mỹ ra lệnh đóng cửa các cửa hàng hàng loạt.

MUJI cho biết các cửa hàng tại Mỹ hoạt động không có lời nhưng phải chịu chi phí hoạt động cao, làm tăng chi phí. Công ty nợ khoản 65 triệu USD với hơn 200 chủ nợ.

Ông Ryohin cũng cho biết việc đóng cửa MUJI tại thị trường Mỹ sẽ không làm ảnh hưởng hoạt động kinh doanh tại các quốc gia khác.

Tuy nhiên, thị trường chính của MUJI tại Nhật Bản cũng đang chịu lỗ vì cửa hàng đóng cửa hàng loạt và doanh thu giảm mạnh. Trong quý II, MUJI báo lỗ khoảng 27,2 triệu USD.

Trước MUJI đã có nhiều nhà bán lẻ thấm đòn và buộc đóng cửa tại Mỹ, như J.Crew hay Brooks Brothers.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips via Zing

Thị trường bán lẻ đang vào giai đoạn tái cấu trúc

Trong cao điểm giãn cách xã hội, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã phải đóng cửa đến 85% số cửa hàng trong chuỗi. Qua cao điểm dịch, doanh nghiệp phải sắp xếp lại hoạt động của hơn 20 cửa hàng.

Chỉ tiêu doanh thu năm bị điều chỉnh giảm 15%, lợi nhuận giảm 30% so với năm ngoái, doanh nghiệp buộc phải thực thi các kế hoạch tái cấu trúc nhanh hơn vì “chất xúc tác” COVID-19.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PNJ, cho biết: “Đến thời điểm này chúng tôi cũng chưa thể dự đoán một tình hình sáng sủa cho tương lai của ngành bán lẻ, đặc biệt là ngành trang sức. Do đó, về hệ thống bán lẻ (Retail System), chúng tôi sẽ tái cấu trúc lại. Hiện nay các bạn có thể thấy chúng tôi đang phân ra – tùy theo thị trường khu vực sẽ có từng mô hình cửa hàng ở cấp độ, hình thái khác nhau”.

Theo đơn vị nghiên cứu thị trường Asia Plus, tính đến hết tháng 3 năm nay, số lượng từng loại hình bán lẻ tại Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt so với năm trước đó.

Số lượng siêu thị giảm 12%, trong khi các mô hình bán lẻ (Retail Model) nhỏ hơn như cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini lại tăng mạnh 60%. Cho thấy lợi thế phát triển của các mô hình mặt bằng nhỏ, tiết kiệm chi phí, dễ phủ rộng nhanh chóng.

Ngay khi cao điểm dịch kết thúc, một số nhà bán lẻ cũng đang bắt tay mở rộng độ phủ chuỗi cửa hàng tiện lợi của mình.

Có doanh nghiệp xác định mục tiêu lên gấp 30 lần quy mô hiện tại nhưng không phải bằng cách bỏ tiền túi đầu tư mà thông qua nhượng quyền cho bên ngoài để chia sẻ chi phí và rủi ro.

Theo ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc, Saigon Co.op: “Với hình thức nhượng quyền này, tôi nghĩ đối với thị trường tỉnh, những người nhận nhượng quyền là những người địa phương thì họ sẽ hiểu văn hóa địa phương tốt nhất. Giúp chúng tôi đỡ chi phí và việc phải đi tìm kiếm các mặt bằng phù hợp”.

Một khảo sát của Google cho thấy lượng người dùng Việt Nam tìm kiếm mua hàng trực tuyến tăng hơn 40% vì ảnh hưởng của dịch.

Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai và có thể là “kim chỉ nam” cho các chiến lược tái cấu trúc của nhà bán lẻ. Việc mới đây doanh nghiệp bán lẻ lập kỷ lục mỗi giờ bán được 1 tấn vải trên nền tảng ví điện tử là một minh chứng.

Theo ông Kengo Kurokawa, Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Asia Plus: “Điều tích cực đó là hiện nay tại Việt Nam chúng ta đã thấy sự phát triển của các doanh nghiệp giao hàng dựa trên công nghệ và hệ thống thanh toán điện tử. Sự tập trung cho các kênh trực tuyến, tiếp thị trực tuyến là điều chắc chắn.

Tuy nhiên tôi vẫn muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hệ thống cửa hàng trực tiếp, khi tỉ trọng cửa hàng bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chỉ là 20%, thấp đến phân nửa so với mức trung bình ở châu Á. Do đó giải pháp tối ưu vẫn là bán hàng đa kênh (Omni Channel)”.

Trong giai đoạn tái cấu trúc, doanh thu của nhà bán lẻ có thể bị sụt giảm nhưng tiêu chí thành công là phải cải thiện được biên lợi nhuận.

Ngoài vấn đề cắt giảm các chi phí thông thường, từ bây giờ một số doanh nghiệp đã quyết định mạnh tay đầu tư cho các hệ thống chuyển đổi số để tối ưu hóa quy trình để gặt hái quả ngọt trong những năm sau.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips via VTV

Ngành bán lẻ thay đổi như thế nào trong thời kì Covid-19

Trong lúc các cửa hàng kinh doanh mặt phố, trung  tâm thương mại phải đóng cửa bởi cách ly xã hội, Tiki đã đạt kỷ lục 4.000 đơn hàng/phút. Covid-19 làm thay đổi hoàn toàn “cuộc chơi” trên thị trường bán lẻ.

Thương mại điện tử đạt 4.000 đơn hàng/phút

Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, doanh thu bán lẻ của ngành hàng dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành lần lượt giảm 9,6% và 27,8% trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm ngoái.
Lưu lượng khách đến mua sắm ở các Trung tâm thương mại (TTTM) tại TP.HCM và Hà Nội, theo ghi nhận của CBRE Việt Nam, giảm xấp xỉ 80% trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra.
Theo dự báo của CBRE Việt Nam, nếu dịch bệnh có thể được kiểm soát trong quý II/2020, nhiều khả năng tỷ lệ trống tại khu vực trung tâm sẽ được giữ ổn định đến cuối năm trong khi tỷ lệ trống tại khu ngoài trung tâm có thể sẽ tăng nhẹ 1-2 điểm %.
Trường hợp dịch bệnh kéo dài tới tháng 9/2020, tỷ lệ trống sẽ tăng ở cả hai thị trường, trong đó tỷ lệ trống tại khu ngoài trung tâm sẽ tăng mạnh hơn, từ 5-7 điểm %, đồng thời, nguồn cung tương lai tại TP.HCM sẽ giảm 76% và có thể sẽ không có thêm dự án mới tại Hà Nội.
Doanh số bán lẻ giảm đã trở thành đòn bẩy cho lĩnh vực thương mại điện tử và kinh doanh mua sắm trực tuyến tăng trưởng, hỗ trợ các hoạt động buôn bán của nhiều cửa hàng trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
Tại thị trường Việt Nam, trong số những tên tuổi lớn ở lĩnh vực thương mại điện tử, Tiki phát triển với tốc độ nhanh nhất và đạt kỷ lục 4.000 đơn hàng/phút, SpeedL và Saigon Co.op có sự gia tăng theo cấp số nhân trong kênh bán hàng trực tuyến. Mặt khác, Grab đã kích hoạt một nền tảng mới ‘GrabMart’ để phục vụ nhu cầu mua sắm thực phẩm tại nhà của khách hàng.
Tại thị trường Châu Á Thái Bình Dương, bán lẻ đa kênh và bán lẻ trực tuyến hoạt động khá tốt trong mùa dịch, từ các sản phẩm tiêu dùng, mỹ phẩm đến xa xỉ phẩm như xe hơi, hoặc các dịch vụ như tham quan viện bảo tàng, tham quan bất động sản…đều có thể sử dụng được nền tảng bán lẻ trực tuyến.
Về dài hạn, sự tăng trưởng doanh thu thương mại điện thử sẽ là một nền tảng vững chắc cho bất kỳ sự phát triển nào trong tương lai ở thị trường bán lẻ.

Kênh mua bán truyền thống: Nhiều cửa hàng trả mặt bằng

Việc trả mặt bằng tại các TTTM diễn ra không nhiều do khách thuê nhận được hỗ trợ về việc giảm hoặc miễn giá thuê trong thời gian giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, việc trả mặt bằng kinh doanh nhà phố diễn ra rất phổ biến hơn, chủ yếu là từ những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, không đủ tiềm lực duy trì kinh doanh dài hạn.
Từ sau khi Chính Phủ yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết các ngành hàng buộc phải đóng cửa ngoại trừ ngành hàng thiết yếu. Việc sụt giảm doanh thu đã khiến cho khách thuê không chịu nổi sức ép tiền thuê và dẫn đến việc trả mặt bằng trước thời hạn.
Tình trạng trả mặt bằng và sang nhượng là một điều bắt buộc để duy trì mức “tồn tại” đối với các doanh nghiệp nói chung, sự việc này diễn ra nhiều nhất ở các nhà hàng, quán ăn uống và beer-club… chiếm tỷ lệ đến 90% so với các mô hình còn lại.
Đối với những thương hiệu kinh doanh theo chuỗi, việc đóng cửa một số cửa hàng nhà phố, đồng thời phối hợp với chính sách tái cấu trúc hoặc cắt giảm lương cho nhân viên cũng là một giải pháp ngắn hạn nhằm ổn định lại nguồn ngân sách đang gặp nhiều khó khăn.

Nguồn thu từ mặt bằng cho thuê giảm mạnh

Tuy giãn cách xã hội đã được nới lỏng vào cuối tháng 4, phần lớn các ngành hàng vẫn chưa được phép đi vào kinh doanh như bình thường.
Doanh thu dự kiến tháng 4 sẽ sụt giảm 90-100% so với cùng kì năm ngoái và giảm 60-70% so với tháng 3.
Tình hình hiện tại buộc các chủ đầu tư phải tiếp tục những chính sách ưu đãi nhằm giảm gánh nặng chi phí cũng như tạo khoảng thời gian phục hồi cho khách thuê vượt qua giai đoạn khó khăn.
Vào tháng 2, chủ đầu tư vẫn còn tâm lý dè chừng và chưa thực sự đưa ra một tín hiệu cụ thể nhằm hỗ trợ về giá cho khách thuê.
Đến tháng 3, khi Chính Phủ đưa ra quyết định đóng cửa các địa điểm vui chơi, ăn uống và giải trí, chủ đầu tư đã bắt đầu đưa ra các chính sách hỗ trợ dao động từ 10-30% chi phí thuê tùy vào lĩnh vực với mức độ ảnh hưởng khác nhau.
Sang tháng 4, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng đưa ra mức hỗ trợ lên đến 50-100% tiền thuê mặt bằng. Đối với mặt bằng nhà phố, mức giảm còn tùy thuộc chủ nhà và ghi nhận thường rơi vào 20-30% nếu có giảm.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã phải trở nên linh hoạt hơn trong điều khoản đặt cọc, thanh toán và tích cực hỗ trợ khách thuê dưới nhiều hình thức.

Tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips via Bizlive

Phương thức mua sắm mới: Thói quen đã thay đổi khi người Anh thích nghi với lệnh đóng cửa

Chủ tịch của Tesco, Ông Dave Lewis đã tuyên bố rằng hiệu suất mua sắm đã hoạt động trở lại, trong khi dữ liệu mới từ Kantar đặt ra câu hỏi liệu những thói quen này sẽ tiếp tục diễn ra qua thời kì cách ly và làm thế nào điều đó có thể định hình thị trường bách hoá (Grocery Market) trong thời kì hậu Covid-19.

mua sắm trực tuyến

Nước Anh đang thích nghi với một lối sống mới. Chúng tôi mua sắm ít thường xuyên hơn nhưng chi tiêu số tiền lại kỉ lục hơn bao giờ hết, ăn nhiều bữa trưa tại nhà, tăng doanh số tại các cửa hàng tiện lợi và buộc các siêu thị phải tăng đáng kể năng lực phục vụ trực tuyến.

Mặc dù điều này quá rõ ràng, nhưng dữ liệu mới từ Kantar cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu những hành vi mới này – một số trong đó gợi nhớ đến cách chúng ta sử dụng để mua sắm trong quá khứ – sẽ tiếp tục vượt qua thời kì cách ly và hình thành như thế nào trong thị trường bách hoá hậu Covid-19.

Doanh số bán hàng bách hoá ở Anh đã tăng 9,1% hàng năm trong 12 tuần đến 19 tháng 4, với thị trường bách hóa tăng 5,5% trong bốn tuần qua. Trong khi con số này chậm hơn đáng kể so với mức 20,6% được ghi nhận vào tháng 3, đã có sự gia tăng đáng kể về doanh số, cao hơn 524 triệu bảng so với tháng 4 năm 2019.

Sự gia tăng chủ yếu là do thay đổi thói quen từ các biện pháp do chính phủ áp đặt để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Ví dụ, số bữa ăn trưa được ăn ở nhà đã tăng gần gấp đôi kể từ khi Vương quốc Anh đóng cửa, trong khi những người trên 65 tuổi đã tăng chi tiêu tạp hóa trực tuyến lên 94% mỗi năm. Bán hàng trực tuyến hiện chiếm 10,2% thị trường tạp hóa so với 7,4% trong tháng trước.

Điều lớn nhất là sự thay đổi trong hành vi mua sắm trực tuyến

Trung bình, các hộ gia đình chỉ mua sắm 14 lần cho cho các hàng bách hoá trong tháng qua, mức thấp kỷ lục và giảm từ mức trung bình 17 lần trong thời gian bình thường. Việc giảm tần suất được khớp với mức nâng tương ứng với số tiền chi cho mỗi lần mua sắm là 26,02 bảng, đây là con số cao nhất mà Kantar từng ghi nhận và lớn hơn 7 bảng so với năm ngoái.

Ông chủ của Tesco, Dave Lewis cho biết trong cuộc phỏng vấn phát sóng đầu tiên kể từ khi Covid-19 bùng phát rằng số lượng giao dịch hàng tuần tại Tesco đã giảm gần một nửa trong tháng 4 nhưng số lượng giỏ hàng trung bình tăng gấp đôi.

Người dân đang mua sắm mỗi tuần một lần, giống như họ đã làm cách đây 10 hoặc 15 năm, thay vì hai, ba hoặc bốn lần một tuần xảy ra trước cuộc khủng hoảng, ông Lewis Lewis nói.

Chúng tôi cố gắng giúp đỡ nhiều người nhất có thể. Và điều lớn nhất duy nhất là sự thay đổi trong mua sắm trực tuyến, ông nói, thêm Tesco đã tăng công suất trực tuyến lên 103% trong vài tuần điều mà thường sẽ mất nhiều năm mới có thể đạt được. Điều này thật ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.

Doanh số từ bán hàng trực tuyến và mua sắm tại nhà tăng vọt

Thứ sáu và thứ bảy vẫn là những ngày phổ biến nhất để đi mua sắm. Khi các biện pháp cách ly xã hội làm gián đoạn những ngày làm việc “truyền thống”, tỷ lệ các lần mua sắm được thực hiện từ thứ Hai đến thứ Năm đã tăng lên.

Sự hài lòng của người mua sắm đối với các lần đi siêu thị đang bắt đầu tăng lên và hiện đã trở lại ở mức tháng hai, đã giảm 38% vì sự thất vọng gây ra bởi các cửa hàng quá đông đúc và nhiều kệ hàng trống. Đáng chú ý nhất là sự đánh giá cao của công chúng đối với nhân viên làm việc tại các cửa hàng và nhà máy đã đạt mức kỷ lục trong tháng này và cao hơn 13% so với trước khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.

Tất cả 10 siêu thị lớn đều tăng doanh số bán hàng tại nhà trong 12 tuần đến 19 tháng 4, với mức tăng 20% ​​doanh số, làm cho thị phần Co-op (liên doanh) tăng từ 6,1% năm ngoái lên 6,7%.

Chi tiêu tại siêu thị Sainsbury, cao hơn 8.4% so với thời điểm này năm ngoái và cao hơn 7.2% tại hệ thống siêu thị Tesco. Các siêu thị như Morrisons và Asda đã tăng lần lượt 4,3% và 3,5%, trong khi doanh số của Iceland, tăng 16,6% và Waitrose Dragons tăng 9,4%. Cuối cùng, doanh số tại Lidl tăng 14,8% và Aldi tăng trưởng 8,8%.

Các nhà bán lẻ độc lập như Spar và Londis, cũng được hưởng lợi từ việc thay đổi mô hình mua sắm, với mức tăng trưởng 40,5%, trong khi chuyên gia về siêu thị trực tuyến như Ocado chỉ tăng 19,4%.

Ngoài ra, doanh số tại các cửa hàng tiện lợi bao gồm các công ty độc lập và những cửa hàng tiện lợi được vận hành bởi các cửa hàng bách hóa lớn đã tăng 39% trong bốn tuần qua, chiếm 16,3% thị trường.

“Người dân đang dành nhiều thời gian ở nhà và ăn ít bữa ăn hơn ở nhà, điều này dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong doanh số bán hàng bách hóa tại nhà” Ông Fraser McKevitt, Head of retail and consumer insight tại Kantar cho biết.

Tuy nhiên, cách ly xã hội cũng có nghĩa là chi tiêu cho các danh mục khác như quần áo, thực phẩm mua trên đường và hàng hóa nói chung sẽ thấp hơn đáng kể, vì vậy đối với một số nhà bán lẻ, bức tranh tổng thể sẽ khiêm tốn hơn.

Tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips via MarketingWeek

Ngành bán lẻ ‘quay cuồng‘ vì Covid-19: Siêu thị sụt giảm 1/2 lượng khách đến mua sắm, có doanh nghiệp phải cho nghỉ tới 80% nhân viên bán hàng

Nỗi sợ hãi Covid-19 của người dân Việt Nam đang khiến ngành bán lẻ sụt giảm doanh thu chưa từng có. Tùy vào phân khúc khách hàng, có doanh nghiệp hoạt động kinh doanh gần như tê liệt, mảng siêu thị lượng khách đến mua sắm giảm 50%, trừ ngành hàng liên quan đến sức khỏe còn lại đều bị ế.

Thỉnh thoảng, chúng ta sẽ thấy vài thông tin kiểu như người dân đến càn quét các siêu thị vùng nào đó vì một thông tin nghiêm trọng về dịch Covid-19 xuất hiện, chúng ta liền nghĩ hẳn ngành bán lẻ sẽ là người hưởng lợi lớn từ đại họa này. Nhưng, thật ra đó chỉ là bề nổi của tảng băng.

Vì nói như bà Huỳnh Minh Băng Nga – Chuyên viên đào tạo cấp cao của “ông lớn” trong ngành phân phối của thế giới DSKH, thì chỉ trừ ngành hàng liên quan đến sức khỏe như các loại nước tẩy rửa, khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn là đắt hàng, còn lại đều trong tình trạng ế ẩm nghiêm trọng.

Như tất cả các doanh nghiệp, trước đó chúng tôi cũng không dự đoán được việc dịch bệnh Corona sẽ xảy ra và nghiêm trọng như tình trạng hiện tại. Chúng tôi thường đặt hàng cho nhà sản xuất trước 4 tháng, tức là lượng hàng sản xuất cho 3 tháng đầu năm, như mọi năm chúng tôi đã nhận đủ.

Mọi năm, khoảng đầu năm, chúng tôi bán được rất nhiều mặt hàng về F&B như các loại bánh kẹo, nhưng năm nay doanh số bán hàng ở các siêu thị và các cửa hàng bách hóa giảm tới ½. Hiện ngành hàng F&B của chúng tôi đang bị treo, tồn kho còn rất nhiều.

Chúng tôi hiện có khoảng 3.000 sales cho ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG phủ khắp cả nước và lượng đặt hàng của các nhà cung cấp qua họ cũng giảm rất nhiều“, bà Băng Nga kể.

Cũng theo quan sát của bà Nga, hiện tại, chỉ mỗi ngành hàng chăm sóc sức khỏe, phục vụ trực tiếp cho mùa dịch là ăn nên làm ra.

Chất tẩy rửa và các loại nước rửa tay sát khuẩn hiện bán rất chạy. Về khẩu trang y tế, trước đó tới nhà thuốc mua khoảng 1.000 đến 2.000/cái, giờ đã tăng lên 10.000 đến 20.000/cái; còn các loại khẩu trang dùng được nhiều lần, siêu thị cũng chỉ cho mỗi người mua 5 cái.

Về khẩu trang 3M, trước đây DSKH chỉ phân phối đặc biệt cho các bệnh viện với mức giá khoảng 45.000 đồng/cái, nay được bán ra ngoài với mức giá 100.000 đồng/cái.

Tuy nhiên, thật ra thì siêu thị và các cửa hàng vẫn là những đơn vị ít thiệt hại nhất trong ngành bán lẻ, đơn vị liên quan trực tiếp đến ngành du lịch mới phải gánh chịu hậu quả đau thương nhất.

Đơn cử như doanh nghiệp bán lẻ hoạt động chủ yếu ở các khu bán hàng miễn thuế, như ở sân bay quốc tế, cửa khẩu hoặc casino; đối tượng khách hàng nhắm tới chính là khách du lịch trong và ngoài nước.

Ông Trần Văn Liêng – Chủ tịch Công ty CP Việt Nam Cacao đang chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ trong mùa dịch Covid-19.

Chúng tôi cũng là một nạn nhân của dịch Covid-19, nhưng thiệt hại của chúng tôi vẫn chưa nghiêm trọng bằng một doanh nghiệp bán lẻ xin được giấu tên. Mỗi tháng, chúng tôi bán cho đơn vị này khoảng vài tỷ đồng chocolate và ca cao, 1 quý tức khoảng 3 tháng tôi lại đi thăm các cửa hàng của đối tác 1 lần.

Trong lần gặp gỡ mới đây, tôi được biết doanh nghiệp này vừa cho nghỉ khoảng 80% nhân viên bán hàng, do mỗi ngày các cửa hàng của họ tại sân bay chỉ tiếp khoảng 8 đến 9 khách du lịch quốc tế“, ông Trần Văn Liêng – Chủ tịch Công ty CP Việt Nam Cacao cho biết.

Hiện tại, hàng của Việt Nam Cacao tại siêu thị cũng đứng lại, những hoạt động như giới thiệu sản phẩm tại siêu thị trước đây như mời thử chocolate cũng không thể thực hiện, do người ta ngại sờ hoặc chạm vào nhiều thứ khác nhau.

Nhà phân phối thì không muốn tiếp xúc với các nhân viên sales do sợ bị lây virus, mà thường các nhân sales phải chấm công tại nhà phân phối, nên họ đã không thể chấm công được. Nestle cũng đã bị giảm 50% doanh số ở thị trường Lâm Đồng.

Tuy nhiên, như tôi hay nói vui, người Việt Nam mình luôn giữ được sự duyên dáng trong khủng hoảng, trong khó khăn vẫn lạc quan.

Thêm nữa, hiện tại, đang có những tín hiệu tốt như việc Trung Quốc tuyên bố số lượng nhiễm virus Corona mới của họ đã giảm đi. Chúng ta hy vọng là Trung Quốc sẽ dập được dịch trong ngày không xa.

Phần Hàn Quốc, họ vẫn đang gồng mình chịu đựng. Vì không muốn hy sinh kinh tế, nên Hàn Quốc không muốn ‘bế quan tỏa cảng’ Seoul hay Deagu. Có lẽ, giá trị kinh tế mà Hàn Quốc phải hy sinh nếu phong tỏa các địa phương của mình lớn hơn Trung Quốc, nên họ không làm“, ông Trần Văn Liêng nhận định.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Luận – CEO của Hoàng Linh Group, doanh nghiệp chuyên về tư vấn khởi nghiệp, thì ngoài xem xét các thiệt hại của bản thân trong mùa đại dịch, các doanh nghiệp bán lẻ cần nhìn xa hơn, xem mình sẽ ‘nhặt’ được cơ hội gì sau mùa Covid-19 kết thúc.

Ông cùng Hoàng Linh Group đã góp phần gầy dựng thương hiệu trà sữa và cà phê khá thành công tên Meet & More – chuyên cà phê có hương vị trái cây.

Cũng như các nhà bán lẻ khác, doanh số của Meet & More sụt giảm sâu ở thị trường nội địa, khi người dân đang ưu tiên các sản phẩm chăm sóc sức khỏe mà ít quan tâm đến chuyện ăn uống.

Doanh số của Meet & More sụt giảm nhiều nhất là ở các địa điểm như sân bay và cửa khẩu. Tuy nhiên, doanh số xuất khẩu vẫn ổn định – hiện sản phẩm của Meet & More đang xuất khẩu sang 6 nước khác nhau.

Tôi dự đoán, sau dịch bệnh, người ta sẽ ‘khát’ những sản phẩm F&B chất lượng cao, nên chúng ta phải chuẩn bị hàng hóa đầy đủ để có thể nắm bắt cơ hội.

Mặc dù dịch đang bùng phát tại Hàn Quốc, nhưng vừa qua, có một công ty lớn ở nước này vẫn qua Việt Nam tìm nguồn hàng cà phê tốt và chúng tôi vừa ký một hợp đồng lớn với họ, sẽ xuất hàng qua Hàn Quốc vào tháng 4 này,” ông Nguyễn Ngọc Luận tiết lộ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips