Skip to main content

Thẻ: zara

Chiến lược mới của Zara nhằm đối phó với các thương hiệu giá rẻ từ Trung Quốc

Trước sự tăng trưởng như vũ bão của nền tảng thời trang nhanh trực tuyến Shein, những ông lớn như Inditex hay H&M đã phải tìm cách để đối phó.

Chiến lược mới của Zara nhằm đối phó với các thương hiệu giá rẻ từ Trung Quốc
Chiến lược mới của Zara nhằm đối phó với các thương hiệu giá rẻ từ Trung Quốc

Kể từ khi Inditex bắt đầu tăng giá tại thương hiệu Zara để bảo vệ lợi nhuận khỏi lạm phát  và hướng tới khách hàng cao cấp hơn, thương hiệu này đã trở nên kém cạnh tranh hơn về giá. Nhưng công ty Tây Ban Nha cũng đang âm thầm phát triển các dòng sản phẩm giá rẻ của riêng họ.

Và việc mở rộng thương hiệu bình dân Lefties là một phần quan trọng trong chiến lược đó. Thương hiệu này bán quần jean giá 17,99 euro (gần 500.000 đồng), váy chỉ 7,99 euro (hơn 200.000 đồng) và túi xách 5,99 euro (hơn 150.000 đồng)…

Lefties, tiền thân là cửa hàng bán hàng tồn kho của Zara, hiện có cửa hàng tại 17 quốc gia, bao gồm Ai Cập, Mexico, Romania, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Sự nổi lên của thương hiệu này cho thấy Inditex muốn có chỗ đứng trong phân khúc bình dân, ngay cả khi họ đã thành công trong việc tăng lợi nhuận tại Zara – thương hiệu lớn hơn nhiều so với Lefties về mặt doanh số và số lượng cửa hàng.

Tại Tây Ban Nha, nơi Lefties có 25 cửa hàng và số lượng khách hàng đã tăng từ khoảng 3,5 triệu vào năm 2019 lên 5 triệu vào năm 2023, chỉ đứng sau Shein với 5,2 triệu, theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Kantar.

Sự hiện diện của Lefties tại một số thị trường mới nổi cho thấy đây là cách Inditex đáp ứng tệp khách hàng không muốn chi nhiều tiền ở Zara, theo bà Swetha Ramachandran, một quản lý danh mục đầu tư tại Artemis Fund Managers ở London. Quỹ này cũng đã đầu tư vào Inditex.

Bà Ramachandran nói thêm, tác động của Shein lên thị trường thời trang nhanh và cách Inditex có thể cạnh tranh tốt nhất với Shein là những chủ đề thường được đưa ra trong các cuộc họp với ban lãnh đạo Inditex.

Shein đang là nhà bán lẻ thời trang nhanh lớn nhất thế giới với 18% thị phần, theo Coresight Research.

Lefties đang sử dụng những chiến lược cũ của Shein trên mạng xã hội khi họ sử dụng những người ảnh hưởng kém tên tuổi hơn nhiều so với các ngôi sao, trái ngược với phong cách tiếp thị thời trang cao cấp của Zara.

Kết quả hoạt động của Lefties vẫn được gộp chung với Zara trong báo cáo tài chính của Inditex, do đó kết quả kinh doanh của thương hiệu này vẫn không được công bố công khai.

Tại Tây Ban Nha, với việc đối thủ Primark không cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà, trong khi Shein mất từ 10 đến 12 ngày để giao hàng, khiến Lefties trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn, theo bà Patricia Cifuentes, chuyên gia phân tích cao cấp tại Bestinver Securities. Vị chuyên gia cho rằng Inditex đang cố gắng giữ bí mật hiệu suất của thương hiệu này.

“Thông thường, một nhà bán lẻ phải mất thời gian để đạt được khối lượng tới hạn (critical mass) và do đó, đạt được lợi nhuận hợp lý. Hơn nữa, việc giữ kín kết quả khỏi các đối thủ cạnh tranh trong thời gian này cũng mang lại lợi thế,” bà nói.

Khối lượng tới hạn là điểm mà tại đó một công ty đang phát triển có thể tự duy trì và không còn cần đầu tư bổ sung để tiếp tục hoạt động. Đây là một giai đoạn quan trọng đối với một công ty đang phát triển. Tại điểm khối lượng giới hạn, doanh nghiệp đã sinh lãi đủ để tiếp tục phát triển mà không còn cần đầu tư từ bên ngoài.

Theo ước tính của Kantar về thị trường, số lượng người mua hàng của Shein tại Tây Ban Nha đã tăng từ 421.000 năm 2018 lên 5,2 triệu năm 2023, nhưng công ty Trung Quốc này vẫn kém xa Zara và Primark.

Khi được hỏi về Lefties, Shein cho biết họ không bình luận về các công ty khác. Nhà bán lẻ này cho biết họ sẽ mở “một số” cửa hàng pop-up trên khắp châu Âu vào năm 2024, sau khi đã mở cửa hàng pop-up tại các thành phố như Berlin, London, Paris và Rome vào năm 2023.

Tại Bồ Đào Nha, Lefties thu hút thậm chí nhiều khách hàng hơn Zara trong năm 2023, theo ước tính của Kantar. Cụ thể, Lefties đã mở cửa hàng đầu tiên tại Romania và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời mở thêm cửa hàng tại UAE, nơi họ hoạt động thông qua đối tác nhượng quyền.

Đây là một dấu hiệu tích cực với Inditex khi nó diễn ra trong bối cảnh mà Zara và các thương hiệu Inditex khác là Bershka và Pull&Bear, đang giảm số lượng cửa hàng trên toàn cầu.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Doanh thu của Shein (Trung Quốc) vượt xa các tên tuổi lớn như Zara hay H&M

Thương hiệu thời trang nhanh giá rẻ Shein có mức doanh thu vượt 30 tỷ USD, cao hơn nhiều tên tuổi thời trang nhanh như Zara hay H&M.

Doanh thu của Shein (Trung Quốc) vượt xa các tên tuổi lớn như Zara hay H&M
Doanh thu của Shein (Trung Quốc) vượt xa các tên tuổi lớn như Zara hay H&M

Ít ai biết rõ doanh thu và lợi nhuận thực tế của Shein là bao nhiêu. Một đối tác quan trọng của nhà bán lẻ thời trang nhanh này đã tiết lộ rằng doanh số bán hàng Shein “cao hơn nhiều” so với 30 tỷ USD được báo cáo hàng năm.

“Shein là nhà bán lẻ thời trang phát triển nhanh nhất thế giới, nếu không muốn nói là lớn nhất thế giới,” Jamie Salter, nhà sáng lập kiêm CEO của Authentic Brands Group, một công ty quản lý thương hiệu tư nhân, cho biết trong cuộc trò chuyện tại Hội nghị ICR ở Orlando.

“Có người nói rằng họ đạt doanh thu 30 tỷ, 40 tỷ hay 35 tỷ? Tôi sẽ không nói quá chi tiết, nhưng tôi có thể nói rằng họ đạt được nhiều hơn 30 tỷ USD,” ông Salter ám chỉ đến doanh số hàng năm của Shein.

Shein không công bố thông tin tài chính. Tuy nhiên, họ có thể sẽ sớm phải tiết lộ những số liệu này khi hoàn thành đợt IPO tại Mỹ.

Về Jamie Salter, ông nắm rõ tình hình tài chính của Shein thông qua việc hợp tác với công ty này vào năm ngoái. Theo thỏa thuận, Shein đã mua lại khoảng 1/3 Sparc Group, một liên doanh bao gồm Authentic và Simon Property Group. Sparc cũng mua một lượng cổ phần nhỏ của Shein.

Sparc là công ty điều hành Forever 21, thuộc sở hữu của Authentic. Trong khuôn khổ hợp tác, Shein đã bắt đầu bán một dòng quần áo đồng thương hiệu với Forever 21 và tổ chức các sự kiện tại nhiều cửa hàng của Forever 21 trong các trung tâm mua sắm.

Hồi tháng 5/2023, tờ Wall Street Journal trích dẫn nguồn tin thân cận cho biết Shein đã đạt 23 tỷ USD doanh thu vào năm 2022.

Tờ báo này đưa tin Shein đã đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 40% vào năm 2023, điều này sẽ đồng nghĩa với doanh thu của họ trên 30 tỷ USD. Hiện chưa rõ liệu công ty có đạt được mục tiêu đó hay không.

Shein không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ CNBC.

Ngay cả khi doanh thu của Shein “cao hơn nhiều” so với 30 tỷ USD hàng năm, doanh thu của họ vẫn sẽ nhỏ hơn đáng kể so với các gã khổng lồ bán lẻ (Retail) như Walmart và Amazon, những công ty có doanh thu hàng trăm tỷ đô la mỗi năm.

Tuy nhiên, con số này sẽ đưa Shein ngang hàng với Inditex, chủ sở hữu của Zara, với doanh thu 32 tỷ euro trong năm 2022, và H&M với khoảng 22 tỷ USD doanh thu trong cùng kỳ.

Doanh thu trên 30 tỷ USD đồng nghĩa Shein vượt xa các nhà bán lẻ Mỹ như Abercrombie & Fitch và American Eagle, những công ty gần đây nhất báo cáo doanh thu hàng năm lần lượt là 3,7 tỷ và 5 tỷ USD.

Nói về mối quan hệ hợp tác giữa Authentic và Shein, ông Salter cho biết: “Giám đốc điều hành của Simon Property Group David Simon, đã nói: Sao anh lại hợp tác với Shein? Anh nghĩ đó là quyết định đúng sao?

Và tôi trả lời: David, đây là quyết định đúng đắn, chúng ta không thể đánh bại họ. Chuỗi cung ứng của họ quá tốt. Họ biết họ đang làm gì. Họ đã giải quyết được vấn đề này. Chúng ta cần hợp tác với họ”.

“Tôi đã cương quyết: Hãy hợp tác với họ đi”, Salter chia sẻ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Chiến dịch quảng cáo mới của Zara bị chỉ trích vì có nội dung phản cảm

Zara, một gã khổng lồ thời trang nhanh tạo ra doanh thu trung bình 19,5 tỷ euro (khoảng 21 tỷ USD) mỗi năm, đã gây ra sự phẫn nộ sau khi tung ra chiến dịch quảng cáo mới.

Chiến dịch quảng cáo mới của Zara bị chỉ trích vì có nội dung phản cảm
Chiến dịch quảng cáo mới của Zara bị chỉ trích vì có nội dung phản cảm

Chiến dịch quảng cáo, được biết đến với tên gọi ‘Áo khoác’ của Zara, mô tả các hình ảnh có sự xuất hiện của người mẫu Kristen McMenamy, người đã tạo dáng với những bức tượng ma-nơ-canh được bọc trong lớp nhựa trắng.

Nhiếp ảnh gia Tim Walker là người đã thực hiện quảng cáo, trong đó có cảnh McMenamy đứng trước một không gian làm việc được tái tạo, chứa đựng những hộp gỗ trống và đống đổ nát, tất cả đều được sơn màu trắng.

Zara đã phải đối mặt với lời chỉ trích khi người tiêu dùng phát hiện sự tương đồng giữa hình ảnh trong chiến dịch quảng cáo và thực tế thảm khốc đang diễn ra ở Gaza. Hình ảnh của McMenamy cầm một con ma-nơ-canh cụt tay bọc trong nhựa trắng bị so sánh với hình ảnh một người mẹ Palestine ôm con trông giống như đã chết.

Một người sử dụng mạng xã hội đã nhanh chóng so sánh các hình ảnh và lan truyền chúng trên các nền tảng mạng xã hội.

Thương hiệu thời trang nhanh Zara đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ hàng nghìn khách hàng trên mạng xã hội, một trong số họ viết trên Instagram: “Đã hủy. Dấu chấm.”

Một phương tiện truyền thông xã hội khác đã tham gia vào lời chỉ trích, trước đây trên Twitter, khi người dùng đăng hình ảnh của người mẹ Palestine đau buồn ôm con với chú thích: “Tôi không tin ai trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu hoặc tiếp thị có thể nhìn thấy bức tượng bọc trong nhựa trong bức ảnh quảng cáo của Zara mà không tỏ ra đau buồn. Nhưng ngay cả nếu đó là một sai lầm – bạn đã chấp nhận nó một cách thiếu hiểu biết về các vấn đề hiện tại.”

Zara đã đáp trả bằng một bài đăng xin lỗi, ghi nhận rằng họ rất tiếc về chiến dịch quảng cáo mới nhất của mình. Họ giải thích rằng chiến dịch được thực hiện vào tháng 7 và chụp ảnh vào tháng 9, với mục đích chính là trưng bày các sản phẩm may mặc thủ công trong bối cảnh nghệ thuật.

Zara cũng cho biết họ đã xóa các hình ảnh cuối cùng trong chiến dịch và thú nhận rằng một số khách hàng cảm thấy bị xúc phạm, và những hình ảnh này đã được xóa vì chúng không phản ánh đúng ý định khi được tạo ra.

Zara thêm vào lời xin lỗi của mình bằng cách nhấn mạnh sự tiếc nuối và cam kết về sự tôn trọng đối với mọi người. Tuy nhiên, chiến dịch quảng cáo gây tranh cãi này vẫn nhận được chỉ trích trên quy mô toàn cầu, khi những người tiêu dùng cũ của Zara kêu gọi tẩy chay thương hiệu thời trang này.

Tại Canada, những người ủng hộ Palestine đã tổ chức hành động phá hoại cửa sổ của một cửa hàng Zara, và có các cuộc biểu tình ngồi kêu gọi tẩy chay thương hiệu này. Một đoạn video trên mạng xã hội thể hiện một nhóm người biểu tình với cờ Palestine bên ngoài một cửa hàng Zara ở Canada, hô vang “Tẩy chay Zara” và “Palestine tự do.”

Tại một cửa hàng Zara khác ở Montreal, Canada, những người ủng hộ Palestine đã phá hủy cửa sổ cửa hàng và viết dòng chữ “Gaza” và “Palestine Tự do” thay vì nhãn hiệu ban đầu của cửa hàng Zara.

Một nhà hoạt động nói: “Đó là bộ sưu tập kinh tởm nhất mà tôi từng thấy… Họ đang chế nhạo chúng tôi và họ đang chế nhạo chúng tôi về những đứa trẻ bị sát hại và những ngôi nhà của chúng tôi bị phá hủy.”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Câu chuyện thương hiệu: Cách Shein vượt qua Zara và H&M và đi tiên phong trong làng thời trang nhanh

Làm thế nào Shein có thể vượt qua Zara và H&M và đi tiên phong trong làng thời trang nhanh chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn?

Cách Shein vượt qua Zara và H&M và đi tiên phong trong làng thời trang nhanh
Cách Shein vượt qua Zara và H&M và đi tiên phong trong làng thời trang nhanh

Theo công ty nghiên cứu Coresight, với việc bán hàng gần như hoàn toàn trực tuyến, Shein – nhà bán lẻ thời trang nhanh Trung Quốc đã tạo ra doanh thu toàn cầu khoảng 23 tỷ USD vào năm 2022, chiếm 1/5 thị phần trên toàn thế giới. Shein thu hút người tiêu dùng với những chiếc áo phông chỉ 5 USD và áo len 10 USD – một mức giá rẻ đến khó tin.

Rui Ma, nhà phân tích và người sáng lập bản tin Tech Buzz China, cho biết: “Sức mạnh thực sự của Shein là họ không cần biết bạn muốn mặc gì. Điều họ quan tâm và tự hào là khả năng tăng cường sản xuất rất nhanh”.

Shein có một số điểm chung với Zara và H&M – những người đi đầu trong khái niệm tái tạo kiểu dáng trên sàn diễn và mang chúng đến cho người mua sắm với giá rẻ hơn, còn được gọi là “thời trang nhanh”. Cả ba nhà bán lẻ đều phải đối mặt với những lời chỉ trích vì cáo buộc sao chép thiết kế từ các thương hiệu khác, nhưng một số nhà phê bình cho rằng chu kỳ sản xuất siêu nhanh của Shein khiến họ trở thành kẻ đáng chú ý hơn cả.

Theo các nhà phân tích, chiến lược của Shein là khai thác mạng lưới các nhà cung cấp chủ yếu có trụ sở tại Trung Quốc – nơi chấp nhận các đơn đặt hàng ban đầu nhỏ, sau đó mở rộng quy mô dựa trên nhu cầu.

Chuỗi cung ứng cực kỳ linh hoạt đó đã cho phép Shein tạo ra một mô hình kinh doanh khác biệt so với những công ty thời trang nhanh lâu đời như Zara và H&M – những công ty tiên phong về thời gian sản xuất ngắn hơn nhưng vẫn chủ yếu dựa vào việc dự đoán kiểu dáng mà người mua hàng sẽ mua.

Simon Irwin, cựu nhà phân tích của Credit Suisse, cho biết: “Phần lớn, Zara hay H&M vẫn dự đoán xu hướng thời trang, đặt hàng trước sản phẩm đó từ 3 đến 12 tháng trước khi bán và cam kết số lượng đặt hàng khá lớn”.

Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy Shein thường nhận được đơn đặt hàng trong vòng 5 đến 7 ngày và sau đó có thể gửi sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng thông qua vận tải hàng không.

Theo Sheng Lu, Giáo sư nghiên cứu thời trang và may mặc tại Đại học Delaware, việc vận chuyển vẫn có thể mất tới hai tuần, tùy thuộc vào sản phẩm và địa điểm của người mua hàng.

Tuy nhiên, mô hình bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng mang lại cho Shein lợi thế so với các nhà bán lẻ truyền thống, vốn phải phân phối quần áo trên mạng lưới cửa hàng toàn cầu và luôn có hàng tại các địa điểm đó.

Theo dữ liệu từ Lu, từ tháng 11 năm 2022 đến tháng 11 năm 2023, Zara và H&M lần lượt đưa 40.000 và 23.000 mặt hàng mới vào thị trường Mỹ. Shein đã giới thiệu 1,5 triệu sản phẩm trong cùng thời gian – gấp 37 lần so với Zara và 65 lần so với H&M.

Trong khi cả hai công ty vẫn làm việc với các nhà cung cấp ở Trung Quốc, Inditex và H&M có cơ sở sản xuất lớn ở các nước khác.

Vào năm 2022, 98% hoạt động sản xuất của Inditex có trụ sở tại 12 quốc gia, bao gồm Bồ Đào Nha, Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha, nơi công ty đặt trụ sở chính. Người phát ngôn của H&M cho biết Bangladesh, cùng với Trung Quốc, là thị trường sản xuất quần áo lớn nhất của họ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Như Quỳnh | Markettimes

Đế chế thời trang Zara vượt xa H&M về doanh số và lợi nhuận

Tập đoàn Inditex, chủ sở hữu thương hiệu thời trang Zara, đã ghi nhận doanh số bán hàng và lợi nhuận tăng kỷ lục vào năm 2022 với hơn 35 tỷ USD, bất chấp nền kinh tế suy yếu.

Đế chế thời trang Zara vượt xa H&M về doanh số và lợi nhuận
Đế chế thời trang Zara vượt xa H&M về doanh số và lợi nhuận

Theo tờ WWD, doanh số bán hàng của tập đoàn trong quý 4/2022 đã tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái lên 9,5 tỷ euro khi lưu lượng truy cập tiếp tục ổn định trên toàn thế giới.

Nhìn chung vào năm 2022, doanh số bán hàng đã tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 32,6 tỷ euro. Tính theo đồng tiền không đổi, doanh số bán hàng tăng 18%, trong khi thu nhập ròng tăng 27% lên 4,1 tỷ euro trong cả năm.

Kết quả kinh doanh của Inditex đã vượt quá con số trước đại dịch của công ty và bất chấp việc công ty tăng giá trong suốt cả năm để theo kịp lạm phát. Inditex cũng sở hữu thương hiệu Massimo Dutti cao cấp, Pull&Bear trẻ trung, Bershka và Stradivarius bình dân, cũng như thương hiệu nội y và kính mắt Oysho.

“Sức mạnh của mô hình của chúng tôi là rất đáng chú ý bất chấp một môi trường đầy thách thức. Giám đốc điều hành Óscar García Maceiras nói với các nhà phân tích sau khi phát hành báo cáo tài chính.

Ông Macieras đã giới thiệu các bộ sưu tập hợp thời trang của công ty và lượng hàng bán ra của các thương hiệu. “Đây là động lực chính khiến doanh thu, lợi nhuận trước thuế và thu nhập ròng của Inditex đạt mức cao lịch sử”.

Inditex đã vượt qua H&M, công ty cũng đã công bố số liệu sơ bộ về doanh số bán hàng quý đầu tiên của năm tài chính 2023. Trong quý cuối cùng của năm tài chính 2022, lợi nhuận hoạt động của H&M lao dốc gần 87% so với năm trước.

Năm tài chính của H&M được tính từ ngày 1/12 đến ngày 30/11 năm sau. Lợi nhuận hoạt động trong quý 4 tài chính của tập đoàn bán lẻ thời trang lớn thứ 2 thế giới đạt 821 triệu krona (tương đương 79,7 triệu USD), giảm mạnh so với mức 6,26 tỷ krona cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của H&M cũng thua xa mức dự báo 3,67 tỷ krona của các nhà phân tích được Refinitiv khảo sát trước đó.

“Lợi nhuận sụt giảm trong quý 4 so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do các yếu tố tiêu cực bên ngoài, lợi nhuận hoạt động tại Nga bốc hơi, chi phí một lần (one-time cost) của chương trình chi phí và hiệu quả”, H&M khẳng định trong một tuyên bố.

Bà Helena Helmersson, Giám đốc điều hành H&M cho biết hãng thiệt hại khoảng 5 tỷ krona do dừng kinh doanh tại Nga; chi phí nguyên liệu thô, vận chuyển hàng hóa và nhiên liệu tăng cao; tác động từ việc chuyển đổi tiền tệ và tái cơ cấu.

Hơn nữa, theo bà, thay vì chuyển toàn bộ chi phí cho khách hàng, H&M chọn “củng cố hơn nữa vị thế của mình trên thị trường”.

Trong khi đó, năm 2022, Inditex được hưởng lợi từ việc người mua sắm quay trở lại cửa hàng, với doanh số bán hàng tại cửa hàng tăng 23% do lượng khách hàng tăng lên.

Công ty lưu ý rằng sự tăng trưởng doanh số bán hàng này diễn ra mặc dù đã đóng cửa 514 cửa hàng ở Nga và 82 cửa hàng ở Ukraine. Điều đó dẫn đến số lượng cửa hàng của công ty trên toàn cầu giảm đi 10%, nhưng doanh số bán hàng trên mỗi cửa hàng lại tăng lên.

Đồng thời, doanh số bán hàng trực tuyến vẫn tiếp tục tăng trong thời bình thường mới, từ 4% lên 7,8 tỷ euro vào năm 2022, đánh dấu mức tăng gấp hai lần so với con số của năm 2019. Chia theo thương hiệu, doanh thu tại Zara tăng 21%, Pull&Bear tăng 15%, Bershka 10%, Stradivarius 13%…

Theo khu vực, Châu Âu vẫn là khu vực mạnh nhất, chiếm 47,5% doanh số bán hàng của Inditex, trong khi Châu Mỹ chiếm 20%. Ông Macieras cho biết công ty “vẫn tự tin” ở Trung Quốc bất chấp năm 2022 đầy thách thức đối với các cửa hàng Zara, Massimo Dutti và Oysho ở đây.

Vào tháng 4/2022, tập đoàn Inditex đã chính thức công bố Marta Ortega nắm quyền lãnh đạo tập đoàn. Tân chủ tịch Marta Ortega là con út trong số 3 người con của Nhà sáng lập Ortega, cô từng phụ trách thiết kế và ra mắt sản phẩm của Inditex trước khi trở thành chủ tịch tập đoàn và nhận sự chuyển giao từ Nhà điều hành Pablo Isla.

Việc bổ nhiệm bà Marta ban đầu vấp phải sự hoài nghi, nhưng kể từ khi người phụ nữ 39 tuổi này bắt đầu đảm nhận chiếc ghế lãnh đạo, cổ phiếu của Inditex đã tăng gần 50%.

Theo một nguồn tin thân cận với công ty, trong năm qua, chủ tịch Marta Ortega là người đã thúc đẩy chiến lược thời trang cao cấp hơn cho Inditex. Khi những người mua sắm nhạy cảm về giá bị gặp khó khăn trong thời kỳ lạm phát, Inditex đã nhắm mục tiêu vào những nhóm khách hàng có thu nhập cao hơn.

Tập đoàn bắt đầu tăng giá và đẩy mạnh đầu tư nhiều hơn vào các cửa hàng ở vị trí đắc địa, chẳng hạn như Rue de Rivoli của Paris, trong khi đóng cửa các địa điểm nhỏ hơn.

Bên cạnh đó, các dự án cá nhân của bà Marta Ortega cũng đồng nhất với nỗ lực của Inditex trong việc nâng cao vị thế thương hiệu. Năm ngoái, bà Ortega đã thành lập một quỹ nghệ thuật và thời trang với không gian triển lãm sang trọng ở A Coruna (Tây Ban Nha), nơi Inditex đặt trụ sở chính.

Patricia Cifuentes, nhà phân tích tại chi nhánh ngân hàng đầu tư của công ty đầu tư Tây Ban Nha Bestinver nhận xét: “Chúng tôi cảm thấy rằng Marta Ortega đang dần định vị lại thương hiệu Zara nói riêng và Inditex nói chung”.

Trong năm 2023, Inditex có kế hoạch thay thế các chip từ chống trộm bằng các thẻ RFID được khâu vào quần áo. Sự thay đổi này được cho là giảm bớt thời gian tự kiểm tra và hạn chế các đám đông xếp hàng.

Trả lời các câu hỏi của Reuters về khả năng tăng giá trong năm nay, Inditex cho biết họ tập trung vào sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng và ổn định.

Inditex cũng sẽ đầu tư mạnh vào việc mở rộng và nâng cấp Zara tại Mỹ, hiện là thị trường lớn thứ hai sau quê hương Tây Ban Nha, với 30 dự án lớn sẽ triển khai trong hai năm tới.

Nhà phân tích Richard Chamberlain của RBC Châu Âu cho rằng đế chế thời trang nhanh đã sẵn sàng chiếm lĩnh một miếng bánh lớn hơn trong ngành thời trang toàn cầu nếu nó có những bước đi chiến lược.

“Điều này có thể đạt được do Inditex vẫn chỉ chiếm khoảng 2% trong số 1,5 nghìn tỷ ngành thời trang toàn cầu và do đó sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục giành lấy thị phần từ các chuyên gia, công ty độc lập và cửa hàng bách hóa yếu hơn,” ông Chamberlain cho biết.

Công ty hiện đã công bố các thông tin về tính bền vững của mình, lưu ý rằng họ đã đạt được 100% sử dụng năng lượng tái tạo tại các cơ sở Cấp 1 của mình và cho biết họ đang triển khai ra mắt nền tảng bán lại ở Pháp và Đức sau khi thử nghiệm thành công ở Anh.

Ông Macieras cho biết công ty sẽ công bố các sáng kiến ​​bền vững mới tại cuộc họp thường niên, dự kiến ​​diễn ra vào tháng 7.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

GAP và những thất bại: Điều gì đã xảy ra với thương hiệu thời trang hàng đầu một thời này

Gap đã mất đi giá trị và sự tỏa sáng của mình với đỉnh điểm là đóng cửa tất cả các cửa hàng ở Anh. Vậy điều gì đã xảy ra với thương hiệu này?

GAP và những lần 'té ngã' - Điều gì đã xảy ra với thương hiệu thời trang hàng đầu một thời này
GAP và những thất bại: Điều gì đã xảy ra với thương hiệu thời trang hàng đầu một thời này

Gap, thương hiệu thời trang của Mỹ dường như cảm thấy được một luồng không khí trong lành mới khi đến Anh vào năm 1987.

Nội thất cửa hàng sạch sẽ, tươi sáng cùng với các dòng sản phẩm thời trang theo phong cách preppy sang trọng đã tạo ra được một điểm khác biệt rõ ràng cho Gap khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh khác trong nước.

Nhưng gần 35 năm là một khoảng thời gian dài trong lĩnh vực bán lẻ.

Mọi thứ đã thay đổi, thời trang cũng đã thay đổi, và Gap – sẽ đóng cửa tất cả 81 chi nhánh tại Vương quốc Anh vào cuối tháng 9 này, kết thúc thời gian hoạt động của thương hiệu trên các đường phố tấp nập của Vương quốc Anh.

Thói quen giảm giá của thương hiệu có nghĩa là một đợt giảm giá khác sẽ sớm diễn ra, nếu nó chưa được xảy ra.

Bà Annie Brown, cộng sự của Brand Finance, một công ty tư vấn và định giá thương hiệu hàng đầu trên thế giới, cho biết: “Động thái đóng cửa các cửa hàng là một phần của quá trình tái định vị thương hiệu cần thiết và rộng rãi hơn.”

Brand Finance ước tính giá trị thương hiệu của Gap (brand value) trên toàn cầu là 1,4 tỷ USD (1 tỷ bảng Anh) tính đến tháng 1 năm nay, thấp hơn nhiều so với mức định giá 3,2 tỷ USD (2,3 tỷ bảng Anh) của ‘thương hiệu đàn chị’ Old Navy (một thương hiệu của Gap Inc).

Bà Brown cho biết giá trị của Gap đã giảm trung bình 5% mỗi năm kể từ năm 2008, trong khi giá trị của đối thủ H&M tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm so với cùng kỳ.

Theo Brand Finance Global Equity Monitor 2020, dựa trên nghiên cứu người tiêu dùng được thực hiện vào tháng 10 năm 2020, Gap được người mua sắm biết đến nhiều hơn Zara nhưng ít được biết đến hơn so với Primark, H&M và Next.

Bà Helen Edwards, một nhà tư vấn thương hiệu chia sẻ:

“Với nhiều sự cân nhắc kỹ lưỡng trong quản trị và tái định vị thương hiệu, Gap có thể xây dựng lại thương hiệu đó và chúng ta có thể nhìn thấy nó trở lại trên đường phố.”

Gap đã bắt đầu xem xét các hoạt động ở châu Âu vào năm ngoái như một phần của chiến lược lớn “Power Plan 2023”, một chiến lược thay đổi toàn diện của thương hiệu.

Mục tiêu tổng quát của nó là tìm ra những cách hiệu quả hơn về chi phí để duy trì sự hiện diện ở Châu Âu.

Ở Pháp và Ý, điều này sẽ chứng kiến ​​việc Gap bán bớt các cửa hàng thực (physical stores) của mình cho các đối tác để điều hành chúng; ở Anh, Gap sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng của mình nhưng vẫn duy trì hoạt động ecommerce.

Các thị trường khác cũng đang có những sự thay đổi, với 175 cửa hàng ở Mỹ sẽ đóng cửa vào cuối năm nay.

Gap cũng có kế hoạch tăng cường sự thâm nhập trực tuyến trên toàn cầu, một mục tiêu mà họ đã hướng tới trong thời gian cửa hàng bị đóng cửa do đại dịch Covid-19.

Sự cạnh tranh khốc liệt…

Theo dữ liệu từ YouGov, Gap phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ như Primark và Uniqlo, nhưng đồng thời bản thân Gap cũng đang gặp rất nhiều khó khăn với hình ảnh thương hiệu của chính mình.

Ông Richard Moller, Giám đốc nghiên cứu thị trường của YouGov cho biết:

“Gap được người mua sắm đánh giá rất cao về chất lượng, ấn tượng thương hiệu và cả sự hài lòng của khách hàng, điều này nghĩa là Gap vẫn rất nổi tiếng với những trải nghiệm khách hàng và các sản phẩm được sản xuất tốt.

Nhưng Gap lại gặp khó khăn với danh tiếng của thương hiệu, sự giới thiệu từ khách hàng đến khách hàng và nhận thức của khách hàng về những gì họ nhận được so với những gì mà họ phải bỏ ra.”

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng trong ba tháng qua, điểm chất lượng, ấn tượng và mức độ hài lòng của Gap cũng đã bắt đầu sụt giảm đáng kể.

Ông Moller nói tiếp:

“Kể từ khi đại dịch xảy ra, nhiều thương hiệu trên các đường phố lớn đã thực hiện việc chuyển đổi trực tuyến để bắt kịp với hành vi mới của người tiêu dùng.

Trong khi, việc đóng cửa hoặc hạn chế các cửa hàng trên các con phố khiến việc mua sắm trở nên khó khăn hơn đối với những người vốn không thích mua hàng trực tuyến, khi họ muốn xem và thử sản phẩm trước khi ra quyết định mua hoặc chỉ đơn giản là tận hưởng gần hơn những sự kiện mua sắm rầm rộ.

Sự mất mát hay tổn thất của Gap không chỉ đến từ những khách hàng hiện tại hay những khách hàng với các thói quen cũ mà còn là từ những khách hàng mới tiềm năng trong tương lai, những người có những thói quen mua sắm mới.”

Theo dữ liệu của YouGov, gần 2/3 (61%) khách hàng hiện tại của Gap nói rằng họ thích mua hàng trực tuyến hơn là tại các cửa hàng thực.

Ông Moller cho biết thêm: “Nếu không có chi tiêu lớn hơn cho quảng cáo, Gap có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phát triển lượng khách hàng của mình khi họ đã không còn sự hiện diện trên các con phố lớn.”

Nhà tư vấn thương hiệu Helen Edwards chia sẻ:

“Quả là một sự ‘té ngã’ không hề dễ chịu khi bạn nghĩ về những gì Gap đã có. Bà mô tả Gap trong thời kỳ hoàng kim là một thương hiệu thời trang đáng mơ ước, điều mà rất nhiều đối thủ phải ghen tị.”

Bà cũng trích dẫn các yếu tố khiến Gap phải đối diện với nhiều khó khăn hơn: cạnh tranh gia tăng, phụ thuộc quá nhiều vào chiết khấu và việc ép quá nhiều hàng giảm giá vào các cửa hàng.

“Tôi tin rằng Gap có thể xây dựng lại thương hiệu của họ và chúng ta có thể thấy Gap trở lại nhiều hơn trên các con phố, điều này cũng sẽ đòi hỏi một nỗ lực lâu dài của Gap trong việc thay đổi nhận thức của khách hàng.”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Uniqlo vượt qua Zara để trở thành thương hiệu thời trang có giá trị nhất thế giới

Tuy nhiên, Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo vẫn đứng sau Inditex, công ty mẹ của Zara cả về doanh thu lẫn tỷ suất lợi nhuận.

Giá trị của Fast Retailing, công ty mẹ của chuỗi cửa hàng quần áo Uniqlo tại Nhật Bản đạt 10,87 nghìn tỷ yên (103 tỷ USD) vào cuối phiên giao dịch ngày 16/2, đưa thương hiệu này đứng đầu ngành may mặc toàn cầu về giá trị vốn hóa thị trường.

Đây là lần đầu tiên Fast Retailing vượt Inditex, công ty mẹ tại Tây Ban Nha của Zara có vốn hóa thị trường khoảng 81,7 tỷ euro (99 tỷ USD) tính đến ngày 15/2 và 80,8 tỷ euro vào cuối ngày ngày 16/2.

Các cổ đông của Fast Retailing tỏ ra rất hào hứng khi công ty này tập trung vào thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, nơi nền kinh tế đã phục hồi nhanh chóng sau sự sụt giảm do Covid-19 gây ra nhờ những nỗ lực ngăn chặn của chính phủ.

Uniqlo cũng được xem là có vị trí thuận lợi để tận dụng thói quen thay đổi của người tiêu dùng, những người có xu hướng ăn mặc đơn giản (casual) hơn.

Fast Retailing đã vận hành 2.298 cửa hàng Uniqlo trên khắp thế giới vào tháng 11. 60% các cửa hàng đó nằm ở Châu Á, tức bên ngoài Nhật Bản.

Với 791 cửa hàng, Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai sau Nhật Bản với 815 cửa hàng.

Đối với năm tài chính trước đó kết thúc vào tháng 8, biên lợi nhuận hoạt động ở Trung Quốc lớn hơn, bao gồm Hồng Kông và Đài Loan, đứng ở mức 14,4%, cao hơn 13% của Nhật Bản.

Trong khi đó, 70% cửa hàng của Zara nằm ở Mỹ và Châu Âu – những thị trường đã bị ảnh hưởng rất lớn do đại dịch. Zara có khoảng 20% ​​cửa hàng ở châu Á.

Các nhà đầu tư cũng đánh giá cao nỗ lực của Fast Retailing trên mặt trận kỹ thuật số. Công ty đã áp dụng khái niệm “bán lẻ tiêu dùng kỹ thuật số” (digital consumer retailing) vào năm 2016, liên quan đến việc phân tích dữ liệu từ các giao dịch mua hàng trực tuyến.

Fast Retailing cũng đã hợp tác với Google và các công ty bên ngoài khác để phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo.

“Chúng tôi đã đạt được vị trí mà chúng tôi đang đạt được là xếp hạng số 1 trong lĩnh vực quần áo”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Fast Retailing, Ông Tadashi Yanai nói với nhân viên của mình vào đầu năm.

Ông đã thực hiện tốt tuyên bố đó về mặt giá trị thị trường: cổ phiếu đã tăng 07 phiên liên tiếp để đóng cửa hôm 16/2 ở mức 102.500 yên, tăng 3% so với phiên trước và lần đầu tiên vượt qua mức 100.000 yên.

Nhưng khi nói đến doanh thu, Fast Retailing vẫn ở vị trí thứ ba với khoảng 2 nghìn tỷ yên (18,9 tỷ USD) cho năm tài chính trước.

Inditex dẫn đầu với 28,2 tỷ euro (34,1 tỷ USD) cho năm kết thúc vào tháng 1 năm 2020, trong khi H&M của Thụy Điển đứng thứ hai với 187 tỷ kronor (22,5 tỷ USD) cho năm tài chính tính đến tháng 11 năm ngoái.

Nhìn vào điểm mấu chốt của quý báo cáo gần đây nhất, Index báo cáo thu nhập là 866 triệu euro (1 tỷ USD), cao hơn 60% so với lợi nhuận 680 triệu USD của Fast Retailing.

Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Fast Retailing ở mức 9% cho năm kết thúc vào tháng 8 trong khi Inditex hưởng ROE 24%. Tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho trong 3 tháng của Fast Retailing thấp hơn Inditex là 1,5 lần.

Fast Retailing là đối thủ cạnh tranh với Inditex về bán hàng trực tuyến, lĩnh vực sẽ quyết định sự tăng trưởng trong những năm tới.

Trong năm tài chính trước đó, công ty Nhật Bản này đã nâng thị phần kỹ thuật số trong tổng doanh số bán hàng từ 11,3% lên 15,6%.

Thương mại điện tử chiếm 14% doanh thu của Inditex vào năm 2019, nhưng nó có kế hoạch nâng con số đó lên 25% vào năm tới.

Nhà phân tích Takahiro Kazahaya của Credit Suisse Securities (Nhật Bản) cho biết Fast Retailing có lợi thế hơn về lĩnh vực kinh doanh trong tương lai.

Ông nói: “Khi xem xét chỗ đứng ở châu Á, Fast Retailing đang dẫn đầu về tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn.

Inditex điều hành 467 cửa hàng tại Trung Quốc. Tháng 10 năm ngoái, Zara đã khai trương tại Bắc Kinh, địa điểm lớn nhất châu Á trải dài hơn 3.000 mét vuông.

Sự tăng trưởng ở châu Á có thể sẽ quyết định định giá thị trường của hai công ty này trong tương lai.”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Cathy Nhung | MarketingTrips 

Uniqlo sắp vượt Zara trở thành nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới?

Nhiều khả năng Uniqlo sắp vượt Zara trở thành thương hiệu bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới.

Fast Retailing – công ty Nhật Bản là chủ thương hiệu quần áo Uniqlo đang dần thu hẹp khoảng cách với Zara – nhà bán lẻ (Retailer) thời trang lớn nhất thế giới xét về vốn hóa thị trường. Hiện tại, các nhà đầu tư đều đang rất hài lòng với sự hiện diện dẫn đầu của họ ở thị trường Trung Quốc.

Trong bối cảnh doanh số bán quần áo giảm mạnh tại Mỹ và châu Âu – vốn là những thị trường chủ chốt của Zara thì sự sụt giảm doanh thu lại tương đối ít tại châu Á – nơi Fast Retailing có sự hiện diện cực kỳ nhiều. Giá cổ phiếu của họ đã ngay lập tức phản ứng với thực tế này.

Vốn hóa thị trường của Fast Retailing đã đạt 6,53 nghìn tỷ yên (60,9 tỷ USD) trong phiên giao dịch ngày thứ 6 tuần trước. Trong khi đó, vốn hóa thị trường của Inditex – công ty mẹ của Zara đạt 9,17 nghìn tỷ yên.

Điều đáng nói là vốn hóa thị trường của Inditex từng lớn hơn gấp 300% so với Fast Retailing vào giai đoạn mùa hè năm 2017. Hiện tại, khoảng cách này được thu hẹp lại chỉ còn 40%.

Cổ phiếu Inditex hiện đã giảm 23% kể từ cuối năm ngoái trong khi Fast Retailing chứng kiến cổ phiếu chỉ giảm 2% do những biến động gần đây.

Thị trường quần áo toàn cầu được dự đoán sẽ giảm 10,8% trong năm nay do ảnh hưởng của Covid-19. Sự sụt giảm sẽ xảy ra mạnh nhất ở Mỹ và Ý – cả 2 nơi chứng kiến mức giảm tới 20%. Mức sụt giảm 2 chữ số cũng được dự đoán ở nhiều nơi như Pháp giảm 18% và Tây Ban Nha là 11%.

Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu quần áo 7%. Trong khi đó, Fast Retailing lại có sự hiện diện mạnh mẽ tại đây, chỉ sau Bestseller của Đan mạch và Adidas của Đức. Uniqlo có 745 cửa hàng tại Trung Quốc tính tới cuối tháng 5, trong khi đó con số tương tự của Inditex là 560.

Ngày thứ 6 vừa qua, Uniqlo cũng đã khai trương cửa hàng dẫn đầu toàn cầu của họ mang tên Uniqlo Tokyo ở quận Ginza, trung tâm Tokyo.

Chiếm 4 sàn trong trong tâm thương mại hiện đại Marronnier Gate Ginza, Uniqlo Tokyo được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Kashiwa Sato. Đây trở thành cửa hàng lớn nhất của hãng, cạnh tranh với cửa hàng Uniqlo Ginza gần đó.

Cửa hàng mới được trang bị thêm khu vui chơi trẻ em và những hình nghệ thuật cũng như một quảng trường LifeWear. Việc này nhắm tới phổ biến hóa thương hiệu LifeWear.

“Tôi đang muốn thay đổi ngành công nghiệp quần áo toàn cầu đã tồn tại trong hàng thập kỷ”, Tadashi Yanai – Chủ tịch Fast Retailing nói.

Uniqlo Tokyo cũng sẽ trang bị các công nghệ kỹ thuật số để nâng cao trải nghiệm mua sắm. “Suy nghĩ của chúng tôi sẽ trở thành trọng tâm của thế giới”.

Cửa hàng tại Ginza sẽ là cửa hàng vật lý đầu tiên bán đồ chăn, gối đệm khi mà trước đây chỉ có trên nền tảng mua sắm trực tuyến của Uniqlo.

“Một cửa hàng quần áo có thể tạo nên thành công với thương mại điện tử” Takahiro Kinoshita – Phó chủ tịch công ty nói.

Đại dịch đang làm thay đổi cách người tiêu dùng nghĩ về quần áo với các mảng kinh doanh như bộ đồ suits sẽ sụt giảm. “Do sự tăng lên của hình thức làm việc từ xa, nhu cầu với quần áo cao cấp sẽ giảm”. Điều này tạo ra lợi thế cho Uniqlo bởi các dòng sản phẩm có thể mặc lâu dài của họ.

“Nhiều khả năng Fast Retailing sẽ vượt qua Inditex”, Dairo Murata – chuyên gia phân tích đến từ JPMorgan Nhật Bản nói.

Các đối thủ cạnh tranh của Fast Retaling dĩ nhiên cũng đang nỗ lực giữ thị phần. Inditex nói vào tuần trước rằng họ sẽ đóng 1.200 cửa hàng trên toàn thế giới trong năm tới. Tuy nhiên, kế hoạch này nhắm tới hầu hết những cửa hàng nhỏ và công ty đang tính mở 450 cửa hàng cỡ lớn để trang bị những tính năng công nghệ cải thiện trải nghiệm mua sắm.

Dù Covid-19 làm thay đổi xu hướng tiêu dùng, Fast Retailing dự kiến đạt doanh thu 2,09 nghìn tỷ yên trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8. Con số này vẫn rất nhỏ so với doanh thu mà Inditex báo cáo trong năm tài chính kết thúc vào tháng 2/2020, lên tới 3,4 nghìn tỷ yên.

“Tôi rất mong muốn vượt qua được hình thức bán lẻ đã tồn tại trong kỷ nguyên này và tạo ra một mô hình kinh doanh mới”, Yanai nói.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips  via Tổ Quốc

Trước Uniqlo, Zara và H&M đã xây dựng những cơ sở ngàn tỷ tại Việt Nam.

Việc những thương hiệu thời trang bình dân quốc tế được đón nhận tại Việt Nam không phải là mới. Trước Uniqlo, 2 thương hiệu thời trang nổi tiếng khác là Zara và H&M đã lần lượt có mặt tại Việt Nam và thu về thành công nhất định. Cả 3 thương hiệu trên đều theo đuổi mô hình “Fast – Fashion”.

uniqlo vietnam

Ngày 6/3, cửa hàng Uniqlo tại Vincom Phạm Ngọc Thạch mở cửa chào đón những vị khách đầu tiên vào mua sắm. Cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội của Uniqlo có diện tích rộng 2.500 m2. Đây cũng là cửa hàng thứ hai của hãng tại Việt Nam, quốc gia thứ 25 mà thương hiệu thời trang đến từ Nhật Bản này có mặt.

Ngày khai trương của Uniqlo thu hút đông đảo sự quan tâm của người tiêu dùng thủ đô khi ngay từ lúc mở cửa, đã có những hàng dài người xếp hàng tới mua sắm. Phó chủ tịch Tập đoàn Fast Retailing (công ty mẹ của Uniqlo) chia sẻ Uniqlo đang lên kế hoạch mở rộng quy mô với ít nhất 3-4 cửa hàng tại Hà Nội trong năm 2020, tiến tới 15-20 cửa hàng trên toàn quốc.

Việc những thương hiệu thời trang bình dân quốc tế được đón nhận tại Việt Nam không phải là mới. Trước Uniqlo, 2 thương hiệu thời trang nổi tiếng khác là Zara và H&M đã lần lượt có mặt tại Việt Nam và thu về thành công nhất định.

Chính thức xuất hiện tại Việt Nam vào cuối năm 2016, cửa hàng đầu tiên của Zara mở ra đúng theo công thức thành công mà thương hiệu thời trang này áp dụng trên toàn thế giới: Sang trọng, thời thượng nhưng vừa tiền.

Một mặt bằng 2 tầng với tổng diện tích lên tới 2.400m2, đặt trong một trong những tụ điểm mua sắm lớn nhất TP.HCM là Vincom Center được lựa chọn, trưng bày tất cả các bộ sưu tập mới nhất của Zara.

Không lâu sau, hãng thời trang Tây Ban Nha đặt thêm một cửa hàng khác tại Hà Nội. Một mà ‘chào hỏi’ ấn tượng không kém với mặt bằng rộng tới 4.500m2 với 3 tầng nằm tại Vincom Center Bà Triệu.

Mặc dù vậy, Zara dường như không coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng khi sau gần 4 năm, thương hiệu này vẫn chưa mở thêm điểm bán mới.

Báo cáo của tập đoàn bán lẻ Mitra Adiperkasa (Indonesia), đơn vị nhận phân phối Zara và các thương hiệu con như Massimo Dutti, Pull & Bear, Stradivarius tại Việt Nam cho thấy, doanh thu 9 tháng năm 2019 của thị trường Việt Nam đạt khoảng 854 tỷ Rupiah, (khoảng 1.382 tỷ đồng), tương đương so với cùng kỳ 2018.

Không giống như Zara, thương hiệu thời trang H&M kể từ khi đến Việt Nam vào cuối 2017 đã rất tích cực mở thêm điểm bán mới. Trong năm tài chính 2019 (bắt đầu từ 1/12 và kết thúc vào ngày 30/11, H&M đã khai trương thêm 2 cửa hàng mới tại TPHCM và Đà Nẵng, nâng tổng số cửa hàng tại Việt Nam lên con số 8.

Doanh thu của H&M ở Việt Nam theo đó cũng tăng mạnh. Năm 2019, H&M đạt doanh thu 434 triệu SEK (đồng Krona Thụy Điển), tương đương với gần 1.100 tỷ đồng tại Việt Nam tăng 60% so với mức 664 tỷ đồng năm 2018.

Ban lãnh đạo H&M cho biết đang nghiên cứu việc mua hàng của người Việt Nam, theo đó, điều chỉnh số lượng và chủng loại quần áo tại các cửa hàng phù hợp với thời tiết khác nhau giữa các vùng miền.

Kết quả kinh doanh cho thấy vẫn có sự phân hóa giữa các thương hiệu thời trang tại Việt Nam, tương tự với những gì đang xảy ra trên toàn cầu. H&M có số cửa hàng nhiều hơn nhưng quy mô doanh thu thấp hơn nhiều so với Zara.

Điều này cũng được lý giải bởi mặt bằng giá sản phẩm của H&M thông thường thấp hơn so với Zara. Công thức chung được H&M áp dụng trên các cửa hàng tại 69 quốc gia đó là bán giá phải chăng, mục tiêu hướng đến lượng người mua cao nhất thông qua tiêu chí chọn mặt bằng bán lẻ với diện tích từ 2.000 – 3.000 m2.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips