Thị phần tìm kiếm của Yahoo có thể tăng từ mức 3% lên 2 con số nếu có Chrome trong tay.
Yahoo đang phát triển nguyên mẫu của một trình duyệt web mới và tuyên bố sẵn sàng mua lại Chrome, nếu tòa án buộc Google phải bán trình duyệt này để giải quyết tình trạng độc quyền thị trường tìm kiếm.
Thông tin này xuất hiện trong ngày thứ 4 của phiên xử về biện pháp khắc phục vị thế độc quyền của Google. Một trong những đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ là yêu cầu Google phải tách Chrome khỏi công ty mẹ. Cơ quan lập luận rằng Chrome là kênh phân phối then chốt cho công cụ tìm kiếm của Google và đã tích lũy quá nhiều quyền lực khiến các đối thủ khó có thể cạnh tranh, The Verge đưa tin.
Không chỉ có Yahoo tỏ ý muốn mua lại Chrome. CEO của DuckDuckGo thừa nhận họ không đủ khả năng tài chính để làm điều đó. Còn các nhân chứng từ Perplexity và OpenAI đều bày tỏ sự quan tâm đến trình duyệt phổ biến nhất thế giới này khi đứng trước tòa.
Yahoo xem việc sở hữu một trình duyệt web là cánh cổng chiến lược cho thị trường tìm kiếm. Tổng Giám đốc Yahoo Search Brian Provost khai trước tòa rằng khoảng 60% truy vấn tìm kiếm hiện nay được thực hiện thông qua trình duyệt, trong đó rất nhiều người tìm kiếm trực tiếp từ thanh địa chỉ.
Do đó, ông cho biết Yahoo đã bắt đầu “tích cực phát triển nội bộ nguyên mẫu trình duyệt” từ mùa hè năm ngoái nhằm tìm hiểu những điều cần thiết để đưa sản phẩm ra thị trường. Ông cũng tiết lộ Yahoo đang “đàm phán liên tục” với một số công ty để mua lại một trình duyệt hiện hữu. Ông từ chối tiết lộ danh tính các đối tác tiềm năng.
Theo ước tính của Provost, việc hoàn thiện nguyên mẫu trình duyệt riêng sẽ mất khoảng 6-9 tháng. Tuy nhiên, nếu được mua lại, Chrome sẽ đẩy nhanh quá trình Yahoo vươn lên. Provost gọi Chrome là “tay chơi chiến lược quan trọng nhất trên web hiện nay” và ước tính thị phần tìm kiếm của Yahoo có thể tăng từ mức 3% hiện tại lên 2 con số nếu có nó trong tay.
Dù thừa nhận mức giá có thể lên đến hàng chục tỷ USD, ông tự tin Yahoo sẽ có thể huy động được nguồn vốn cần thiết với sự hậu thuẫn từ công ty mẹ Apollo Global Management. Apollo vốn đang sở hữu thương hiệu trình duyệt NetScape. Đây từng là tâm điểm của một vụ kiện chống độc quyền khác. Nhưng Provost khẳng định nó không phải là một trình duyệt còn hoạt động tích cực trên thị trường hiện nay.
Trong khi đó, một đối thủ khác cũng đang sẵn sàng nhảy vào thương vụ béo bở này là Perplexity. Công ty này còn chưa đầy 3 năm tuổi, nhưng đang tìm cách xác lập vị thế trong lĩnh vực tìm kiếm bằng AI.
Giám đốc Kinh doanh Dmitry Shevelenko của Perplexity khai trước tòa rằng ông vốn không muốn tham gia phiên điều trần về độc quyền của Google vì sợ bị trả đũa. Nhưng khi đã bị trát hầu tòa, ông tận dụng cơ hội để trình bày một cơ hội kinh doanh lớn là mua lại Chrome.
Nếu thẩm phán đồng tình với quan điểm của Bộ Tư pháp, Google có thể bị buộc phải tách Chrome ra khỏi tập đoàn mẹ bao gồm cả Chromium. Đây là trình duyệt mã nguồn mở mà nhiều trình duyệt khác dựa vào để xây dựng sản phẩm.
Google cảnh báo rằng việc áp đặt giải pháp này là “chơi với lửa”, bởi chủ sở hữu mới có thể tính phí sử dụng hoặc không đủ năng lực duy trì chất lượng sản phẩm, từ đó gây ảnh hưởng dây chuyền đến toàn bộ ngành công nghiệp trình duyệt.
Nhưng Perplexity cho rằng họ có thể đảm nhiệm vai trò đó. Khi được hỏi liệu có công ty nào khác ngoài Google có thể vận hành Chrome ở quy mô lớn mà không làm giảm chất lượng hoặc bắt người dùng trả phí, Shevelenko trả lời: “Tôi nghĩ chúng tôi làm được”.
Đây không phải lần đầu tiên Perplexity tự đưa tên mình vào danh sách những công ty muốn tiếp quản các nền tảng công nghệ lớn đang gặp rắc rối với chính phủ Mỹ. Công ty cũng từng bày tỏ mong muốn mua lại TikTok. Ứng dụng video này đang bị đe dọa cấm hoạt động tại Mỹ vì lo ngại an ninh quốc gia do có liên kết với ByteDance – công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc.
Theo thông báo mới đây từ đại diện của Yahoo, công cụ tìm kiếm của Yahoo là Yahoo Search sẽ có giao diện và trải nghiệm tìm kiếm mới vào những tuần đầu của năm 2024.
Yahoo Search sẽ ‘come back’ với giao diện và trải nghiệm mới
Ông Brian Provost, hiện là phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Yahoo Search cho biết Yahoo Search mới sẽ được ra mắt vào những ngày đầu của năm 2024, với giao diện và trải nghiệm tìm kiếm mới.
Là công cụ tìm kiếm ra đời trước cả Google, Yahoo Search từng là một đế chế trong mảng tìm kiếm lẫn trò chuyện trực tuyến với Yahoo! Messenger đình đám, tuy nhiên vào năm 2018, sau nhiều khoảng thời gian hoạt động không hiệu quả, công cụ này đã chính thức đóng cửa.
Với mảng tìm kiếm, hiện Google và Bing (của Microsoft) cũng đang ở vị trí thống trị, Yahoo Search hiện chiếm khoảng 1.2% thị phần, thấp hơn cả công cụ tìm kiếm Yandex (của Nga) với 1.8%.
Mặc dù phía Yahoo chưa tiết lộ nhiều thông tin về các tính năng mới của Yahoo Search, tuy nhiên, điểm nổi bật mà Yahoo hướng tới đó là tận dụng sức mạnh của AI (trí tuệ nhân tạo) để cải thiện trải nghiệm tìm kiếm của người dùng.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Báo cáo kết quả kinh doanh mới đây của 2 gã khổng lồ Microsoft và Alphabet (Google) đã thu hút được sự chú ý cực lớn của nhà đầu tư. Trong khi Microsoft thắng lớn thì Google lại ngậm ngùi. Tự hỏi, liệu vết xe đổ của Yahoo có xảy ra với Google trước Microsoft?
Liệu vết xe đổ của Yahoo có xảy ra với Google trước Microsoft
Mọi con mắt đều đổ dồn vào kết quả kinh doanh mảng điện toán đám mây (Cloud Business) khi đây được dự đoán là cơ sở để phát triển lĩnh vực trí thông minh nhân (AI) tạo đầy tiềm năng.
Thế nhưng điều bất ngờ là trong khi mảng điện toán đám mây của Alphabet có doanh thu thấp hơn dự báo khiến cổ phiếu của Google giảm 9% trong phiên thì Microsoft lại có đà tăng 4% nhờ doanh thu khả quan.
Kết quả này khiến tổng mức vốn hóa thị trường của Microsoft tăng 73 tỷ USD còn Google lại mất 170 tỷ USD.
Kẻ vui người buồn.
Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy doanh thu quý III của Microsoft đạt 56,5 tỷ USD, cao hơn 2 tỷ USD so với dự kiến. Các nhà đầu tư đặc biệt ấn tượng với mảng kinh doanh điện toán đám mây khi chiếm đến 43% tổng doanh thu, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.
Mảng kinh doanh này của Microsoft bao gồm cả Azure, dịch vụ điện toán đám mây cho doanh nghiệp và đà tăng trưởng trên chủ yếu đến từ sự bùng nổ đầu tư cho AI, vốn cần sử dụng rất nhiều dịch vụ này cho phân tích dữ liệu.
“Hơn 50% số khách hàng dùng điện toán đám mây của Microsoft là cho các chức năng AI phục vụ công việc”, giám đốc Dan Ives của Wedbush nhận định.
Đáng nói hơn, phần lớn thắng lợi của Microsoft là nhờ sự thành công từ ChatGPT đến từ OpenAI, dự án mà CEO Satya Nadella đã đổ khoảng 13 tỷ USD sau khi Elon Musk rời bỏ startup này.
Một trong số những sản phẩm thu hút nhất của Microsoft hiện nay là Azure OpenAI, qua đó cho phép khách hàng phát triển mô hình OpenAI riêng của mình vào nền tảng công ty.
Lượng khách hàng sử dụng dịch vụ này đã tăng mạnh từ 11.000 người trong tháng 7/2023 lên 18.000 người hiện nay.
Thậm chí chính CEO Nadella của Microsoft cũng phải thừa nhận khách hàng AI đang đóng góp cực lớn cho tăng trưởng doanh thu.
“Chúng tôi đang phủ sóng công nghệ AI nhiều hơn bất cứ hãng cung ứng dịch vụ điện toán đám mây nào trên thế giới hiện nay”, CEO Nadella tự hào tuyên bố trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh.
Trái ngược lại với niềm vui của Microsoft thì Alphabet (Google) lại có một kết quả không như kỳ vọng. Doanh thu của hãng chỉ tăng 11% trong quý III lên 76,9 tỷ USD, tức chỉ cao hơn 700 triệu USD so với dự kiến.
Mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng sự chênh lệch kết quả kinh doanh khi so sánh với Microsoft đã khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng.
Doanh thu mảng điện toán đám mây của Alphabet đạt 8,4 tỷ USD trong quý III, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn so với mức kỳ vọng 8,6 tỷ USD của nhà đầu tư Phố Wall.
Điều trớ trêu hơn nữa là CEO Sundar Pichai của Google đã đưa mảng điện toán đám mây từ lỗ 852 triệu USD quý III/2022 lên mức lãi hiện nay, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ trong mắt nhà đầu tư khi so sánh với Microsoft.
“Nếu họ muốn giá cổ phiếu tăng cao hơn thì cần cho thấy mảng điện toán đám mây kinh doanh có nhiều lãi hơn. Chúng tôi cần thấy mảng này đem về lợi nhuận cao hơn”, giám đốc tài chính Lee Munson của Portfolio Wealth Advisors nhận định.
Trong khi đó, một số chuyên gia thì lại kêu gọi nhìn vào mảng quảng cáo của Google, vốn chiếm 78% doanh thu trong quý III, hơn là điện toán đám mây.
Mảng quảng cáo này đã có doanh số tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chúng lại chẳng được mấy nhà đầu tư quan tâm.
Thất bại vì quan liêu và bị ‘ăn cắp”.
Theo tờ Fortune, Alphabet (Google) từng là một tập đoàn công nghệ tuyệt vời cho đến khi sự ngủ quên trên chiến thắng ru ngủ ban giám đốc, khiến họ tuyển dụng mù quáng, biến đế chế này thành một tổ chức quan liêu, kém hiệu quả và chỉ giật mình nhận ra khi Microsoft quá thành công với ChatGPT.
Đồng quan điểm, cựu kỹ sư phần mềm Praveen Seshadri của hãng này chỉ trích Google đang mất dần phương hướng với bộ máy hành chính quan liêu, cồng kềnh, không nhận ra người dùng mới là thứ quan trọng nhất.
Mặc dù công cụ tìm kiếm số 1 thế giới này vẫn giữ được giá trị cơ bản là tôn trọng người dùng nhưng sai lầm thì đã diễn ra ở mọi bộ phận trong công ty.
“Thật dễ hiểu khi mọi thứ tại Google đã đi chệch hướng trong nhiều năm bởi vì cỗ máy in tiền quảng cáo trực tuyến (Digital Ads) vẫn giúp công ty có lợi nhuận khủng, qua đó che giấu đi mọi rắc rối khác”, anh Seshadri than thở.
Theo nhà khởi nghiệp này, các nhân viên Google đi làm hàng ngày không phải để phục vụ người dùng, đối tượng khách hàng cuối cùng của hãng nữa mà là bộ máy bên trong của hãng, những quy định, các cấp quản lý, những dự án riêng của công ty cho đến những kỹ thuật mà Google có nhưng chưa chắc người dùng đã cần.
“Cho dù bạn có làm việc chăm chỉ hay thông minh trong một môi trường như vậy thì nó cũng chẳng đem lại giá trị cơ bản gì nữa, vì họ không còn phục vụ người dùng nữa rồi”, anh Seshadri ngậm ngùi.
Trước đây khi Google còn tập trung sáng tạo những giá trị mới thì văn hóa làm việc rất khác.
Tuy nhiên anh Seshadri cho biết mọi chuyện đã thay đổi khi Google trở nên quá lớn và bắt đầu chỉ tập trung soi mói những lỗi lầm, lo sợ bị vượt mặt thay vì sáng tạo.
“Mọi dòng code bạn viết, bất cứ sản phẩm nào ra mắt cũng sẽ bị đi qua từng tầng kiểm duyệt, quy trình, cấp phép… để đảm bảo không làm mất danh tiếng của công ty chứ không phải vì sự hứng thú mà nó sẽ đem lại cho người dùng”, anh Seshadri chia sẻ.
“Bất kỳ sự bất đồng chính kiến nào với sếp cũng sẽ khiến bạn dễ dàng đánh mất sự nghiệp, vậy là mọi người chỉ biết nói ‘Có’ với cấp trên, rồi họ cũng làm điều tương tự với cấp trên nữa”, anh Seshadri tiết lộ thêm.
Chính sự quan liêu này đã khiến Microsoft thành công “hái trộm” thành quả AI từ Google. Google đã đổ hàng tỷ USD đầu tư phát triển AI trong nhiều năm và đây mới là tập đoàn tiên phong trong mảng này, nhưng Microsoft lại là người hái thành quả trước nhất.
Trên thực tế, Google đã đầu tư vào mảng trí thông minh nhân tạo từ rất sớm và khởi nguồn cũng là do nỗi sợ bị vượt mặt chứ chẳng phải vì mục tiêu phát triển cái mới vì người tiêu dùng.
Đầu thập niên 2010, Google mua lại hàng loạt startup về AI như Hinton, DeepMind với giá 625 triệu USD.
Thậm chí khi mới lên nắm quyền điều hành Google, chính CEO Sundar Pichai đã khẳng định việc tập trung phát triển AI cũng như công bố hàng loạt những đột phá qua nhiều năm để cùng thúc đẩy sự phát triển toàn ngành.
Năm 2014, Amazon đã ra mắt trợ lý giọng nói Alexa khiến Google lo sốt vó, buộc công ty phải ra mắt trợ lý Assistant năm 2016 để đối đầu và tuyên bố sẽ tập trung phát triển trí thông minh nhân tạo (AI).
Thế nhưng đã 8 năm trôi qua và Google vẫn chậm chân trong mảng này khi để Microsoft vượt lên trước với thành công của ChatGPT.
Theo Forbes, Google đã từng ra mắt dịch vụ AI Duplex giả giọng nói người dùng nhưng chần chừ phát triển tiếp vì lo sợ những vấn đề về bản quyền, lỗi kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến uy tín của hãng.
Thế rồi cơ cấu quan liêu, sợ rủi ro của một tổ chức quá cồng kềnh khiến hàng loạt nhân tài AI rời đi đã làm Google giờ đây ở vào vị thế khó xử.
Chính Google là tập đoàn đã phát minh ra mô hình AI mới có thể hấp thu lượng lớn bộ dữ liệu và tự cải tiến.
Công ty này cũng là cha đẻ của mô hình ngôn ngữ lớn LLM, vốn đang thống trị trong mảng AI với chính sản phẩm GPT3-4 của OpenAI cho ChatGPT.
Tốn công sức là vậy nhưng Microsoft với ChatGPT lại thành công đi trước, để lại Google đầy khó khăn và nhận vô số chỉ trích khi cho ra đời Bard quá muộn màng.
Ngay lập tức Google hối hận vì chia sẻ quá nhiều thành quả nghiên cứu để rồi cho Microsoft cơ hội vượt mặt.
Người đứng đầu mảng trí thông minh nhân tạo (AI) tại Google, ông Jeff Dean cho biết trong cuộc họp quý I/2023 rằng ban giám đốc đã yêu cầu các nhân viên nghiên cứu không được chia sẻ thành quả nếu chúng chưa được công ty biến thành sản phẩm.
Vết xe đổ Yahoo?
“Cái quái quỷ gì đang diễn ra tại đó vậy? Google đang chảy máu chất xám với tốc độ đáng kinh ngạc”, giám đốc Martin Casado của Andreessen Horowitz phải thốt lên trên Twitter.
Vào năm 2011 khi Larry Page còn làm CEO Google, ông đã lo sợ rằng đế chế mình gây dựng sẽ lâm vào tình cảnh quá lớn để rồi hoạt động mất hiệu quả và lại giống như Yahoo.
Xin được nhắc lại rằng vào năm 2004, Google đã vượt qua Yahoo về tổng mức vốn hóa thị trường chỉ sau 2 tháng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Đây là một cú tát với Yahoo khi chỉ 2 năm trước đó, công ty này đã từ chối mua lại Google với giá 3 tỷ USD vì chê đắt.
“Thật trớ trêu, những gì Larry Page từng sợ hãi thì nay lại đang diễn ra đúng như vậy”, cựu nhân viên 12 năm của Google, cô Claire Stapleton ngậm ngùi.
Một cựu kỹ sư làm việc được 7 năm tại Google xin được giấu tên nói với hãng tin CNBC rằng công ty giờ đây ngập tràn trong sự cạnh tranh về lợi nhuận và hiệu quả, sa thải những nhóm làm việc kém hoặc trái ý sếp.
Những lý tưởng về việc tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn, sáng tạo nên những sản phẩm tuyệt vời cho người dùng khi Google mời về làm việc nay đã chẳng còn ai tin nữa.
Đồng quan điểm, cô Stapleton cho biết các lãnh đạo Google trước đây khá thân thiện và gần gũi với nhân viên thì giờ đây, sự phân chia giữa cấp trên với cấp dưới là cực kỳ rõ ràng.
Cô Stapleton đã từng muốn phản ánh sự thay đổi này với phòng nhân sự, nhưng kết cục là họ phái một nhân viên mới tốt nghiệp ra trường để nói chuyện với lời khuyên “hãy mời sếp của cô đi nhậu”.
Một trường hợp khác là cô Chelsey Glasson, trưởng nhóm nghiên cứu một dự án tại Google đã làm việc được 5 năm trước khi nghỉ việc.
Cô Glasson cho biết những vấn đề về phân biệc giới tính và kỳ thị phụ nữ mang thai đã được cô đưa lên phòng hành chính nhân sự, nhưng họ chỉ đáp ngắn gọn là “sẽ tìm hiểu”.
Phải đến khi cô thuê luật sư thì họ mới nghiêm túc vào cuộc, nhưng vẫn chẳng bao giờ phỏng vấn trực tiếp với Glasson để hiểu tình hình thực tế như nào.
“Tôi khá lo về những nhân viên mới vào làm ở Google nếu họ vẫn tin vào lý tưởng thay đổi thế giới mà công ty nói lúc mời về làm việc”, cựu kỹ sư Fong Jones từng làm việc 11 năm cho Google ngán ngẩm.
*Nguồn: Fortune, Forbes, CNBC
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo Financial Times, CEO Yahoo, Jim Lanzone nói rằng mục tiêu của ông là một lần nữa đưa công ty quay trở lại sàn chứng khoán – đây được xem là một phần trong màn tái xuất của công ty internet đình đám một thời.
CEO Yahoo: Yahoo vẫn đứng Top 3 về tìm kiếm dù vẫn còn quá nhỏ để cạnh tranh với Google và Bing
CEO Jim Lanzone nói: “Yahoo đã sẵn sàng về mặt tài chính, công ty có bảng cân đối kế toán tuyệt vời, chúng tôi đang có lãi”. Ông Lanzone cho biết kế hoạch trở lại này cho phép công ty thực hiện những thay đổi cần thiết về cấu trúc, tạo ra các đơn vị kinh doanh mới.
Verizon đã mua lại Yahoo và AOL vào năm 2015 và 2017. Sau đó, bán cả hai cho tập đoàn cổ phần tư nhân Apollo trong một thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD vào tháng 9/2021 sau khi các công ty này thua lỗ nặng nề.
Vụ việc Verizon bán Yahoo cho thấy sự thất bại của tên tuổi từng lừng lẫy một thời khi đánh mất thị phần internet vào tay các đối thủ như Google và Facebook.
Yahoo lần đầu tiên niêm yết vào tháng 4/1996 và nhanh chóng trở thành một trong những nền tảng biến nhất đối với người dùng internet trên toàn thế giới. Công ty cung cấp dịch vụ kết hợp giữa tìm kiếm và email. Trước khi bán mình cho Verizon, Yahoo từng từ chối đề nghị 47 tỷ USD từ Microsoft vào năm 2008.
Theo CEO Jim Lanzone, Yahoo vẫn đứng trong top 5 toàn cầu về tổng lưu lượng truy cập kể cả khi quá khứ của ông lớn internet một thời đã lùi xa. Yahoo vẫn có nhiều đơn vị kinh doanh ví dụ như tài chính, thể thao, tin tức và mail.
CEO Jim Lanzone cho rằng Yahoo được hưởng lợi từ một thương hiệu tên tuổi và luôn là “người hướng dẫn đáng tin cậy của mọi người trong thế giới kỹ thuật số đầy hỗn loạn của Internet”.
“Cho dù đó là tài chính, thể thao hay tin tức, đó vẫn là những gì chúng tôi làm và là lý do tại sao chúng tôi là luôn đứng đầu hoặc thứ hai”, ông nói. Mặc dù công ty đã gặp khó khăn ở những thời điểm khác nhau, nhưng chúng tôi vẫn có lưu lượng truy cập rất lớn. Tương lai vẫn ở còn ở phía trước”, CEO Yahoo tin tưởng.
Yahoo sẽ tìm kiếm cơ hội M&A trong các lĩnh vực mà công ty chưa có hoạt động kinh doanh. Gần đây, Yahoo đã mua lại ứng dụng đặt cược thể thao Wagr để bổ sung cho mảng kinh doanh thể thao của mình.
CEO Yahoo cho biết công ty vẫn nằm trong top 3 về mảng công cụ tìm kiếm song còn quá nhỏ vào thời điểm này để cạnh tranh với Google và Bing của Microsoft. “Hy vọng rằng chúng ta có thể quay trở lại. Tôi khá lạc quan về những gì chúng ta có thể làm. Và tôi nghĩ AI mang đến một cơ hội mới”,Jim Lanzone chia sẻ.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo đó, theo thông tin mới đây từ Nikkei, Yahoo Nhật Bản đang cân nhắc việc lựa chọn tìm kiếm một đối tác cung cấp công nghệ tìm kiếm (search engine technology) khác thay cho Google hiện tại.
Yahoo Nhật Bản có thể chấm dứt thoả thuận hợp tác với Google
Hợp đồng của Yahoo với Google sẽ hết hạn vào cuối tháng 3 năm 2025. Để xác định xem có nên gia hạn tiếp thỏa thuận hay không, Yahoo Nhật Bản đã bắt đầu một cuộc kiểm tra kỹ thuật nội bộ có tên là “bucket test”.
Z Holdings, chủ sở hữu của Yahoo Nhật Bản, đã công bố kế hoạch đưa Yahoo và LINE vào dưới sự bảo trợ của mình vào tháng 10 và thành lập một công ty mới có tên là LINE Yahoo.
Cổ đông chính của LINE Yahoo sẽ là Naver, một gã khổng lồ cung cấp các dịch vụ Internet của Hàn Quốc, hiện chiếm hơn 60% thị phần trong thị trường tìm kiếm của nước này.
Trong bối cảnh hiện tại, Naver đang nỗ lực phát triển công nghệ tìm kiếm kết hợp với AI tổng quát nhằm mục đích “xuất khẩu” công cụ tìm kiếm sang Nhật Bản và các quốc gia mà LINE đang rất phổ biến.
Theo báo cáo tài chính của Z Holdings, Yahoo đã ký hợp đồng với Google Châu Á Thái Bình Dương (APAC) từ tháng 7 năm 2010.
Theo các điều khoản của thỏa thuận, Yahoo Nhật Bản được phép tự do phát triển và kết hợp các chức năng bổ sung để phân biệt kết quả tìm kiếm của mình với kết quả tìm kiếm của các đối thủ cạnh tranh khác.
Ở một khía cạnh khác, chính phủ Nhật Bản cũng đang theo dõi tác động của việc Yahoo thay đổi đối tác. Với sự phát triển nhanh chóng của các công cụ tìm kiếm kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà cung cấp công nghệ tìm kiếm cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng và cả an ninh kinh tế.
Cụ thể, liên quan đến việc sáp nhập LINE và Yahoo, vào năm 2021, LINE bị phát hiện là đã cho phép một doanh nghiệp có liên kết với Trung Quốc truy cập dữ liệu cá nhân của người dùng trong nước.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Sau thời gian dài im lặng, đồng sáng lập Twitter Ev Williams lần đầu lên tiếng về việc Elon Musk thâu tóm và điều hành mạng xã hội này.
Đồng sáng lập Twitter: Elon Musk đang đẩy Twitter vào vết xe đổ của Yahoo
Chia sẻ trên chương trình “The Circuit” của Bloomberg, Ev Williams nói rằng ông cảm thấy buồn sau khi Twitter bị bán cho tỷ phú Elon Musk. Kể từ đó, ông không nhìn thấy triển vọng phát triển tại Twitter.
Các khó khăn tài chính liên tục bao vây mạng xã hội này, bao gồm việc sụt giảm doanh thu quảng cáo đến 59% trong giai đoạn 5 tuần gần đây so với cùng kỳ năm rồi.
Nhiều người tin rằng CEO mới, bà Linda Yaccarino, sẽ mang các nhà quảng cáo trở lại nhưng chính nhân viên của Twitter cũng hoài nghi.
Theo nguồn tin của New York Times, nội bộ Twitter lo rằng khách hàng sẽ hoảng sợ trước những thay đổi gây tranh cãi, cũng như việc xuất hiện ngày càng nhiều quảng cáo tiêu cực.
“Tôi không nghĩ ông ấy đánh giá đúng”, Williams nhận định trên Bloomberg, đồng thời cảnh báo rằng khả năng khôi phục thương hiệu của Twitter khó khăn hơn nhiều vì nó đã “gắn bó chặt chẽ với hình ảnh của Elon Musk”.
Williams nói rằng chính khả năng lãnh đạo kém đã khiến các nền tảng nổi tiếng một thời như Yahoo và MySpace thất bại. Vì vậy, việc so sánh tình hình của mạng xã hội Twitter hiện nay với Yahoo là có cơ sở.
Theo ông, mặc dù Yahoo vẫn tồn tại, nhưng cả về giá trị, quy mô lẫn về mặt danh tiếng, nó rất khác. Dường như Elon Musk đang kéo Twitter vào con đường này.
Nhận xét của Williams được đưa ra vài tháng sau khi đồng sáng lập, cựu CEO Jack Dorsey cho rằng Elon Musk không phải là một nhà lãnh đạo lý tưởng đối với Twitter. Khi một người dùng bày tỏ “thật đáng buồn khi mọi thứ đã đi xuống”, liên quan đến việc Elon Musk thâu tóm Twitter, Dorsey trả lời đơn giản: “Vâng”.
Ý kiến này trái ngược hoàn toàn sự ủng hộ mạnh mẽ trước đó của ông. Vào tháng 4/2022, Jack Dorsey không tiếc lời ca ngợi Elon Musk trên Twitter: “Tôi tin sứ mệnh của ông ấy là mở rộng ánh sáng của sự hiểu biết”.
Trong một bài viết khác trước khi thương vụ diễn ra, đồng sáng lập Twitter khẳng định: “Elon Musk là giải pháp duy nhất mà tôi tin tưởng”.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Marissa Mayer, cựu CEO Yahoo, chia sẻ ba điều bà sẽ làm khác đi nếu có cơ hội, một trong số đó là mua Netflix thay vì Tumblr.
Cựu CEO Yahoo: Lẽ ra chúng tôi nên mua Netflix
Trong cuộc phỏng vấn với Tech Brew, bà Mayer nhắc lại một trong những điều nuối tiếc của mình khi làm CEO Yahoo là tuyển sai Giám đốc điều hành Henrique De Castro. Bà đã đuổi người này sau 15 tháng bổ nhiệm.
Dưới sự dẫn dắt của bà Mayer, Yahoo mua lại nền tảng blog Tumblr tháng 5/2013 với giá 1,1 tỷ USD, trả bằng tiền mặt hoàn toàn. Khi ấy, một nguồn tin tiết lộ với trang tin Insider rằng bà vô cùng tích cực tham gia thương vụ và thường xuyên làm việc muộn.
Dù vậy, 6 năm sau khi rời Yahoo, bà lại thừa nhận nó có thể không phải nước đi tốt nhất, đặc biệt là cùng thời điểm đó, công ty đang cân nhắc mua Hulu hoặc Netflix.
“Tôi nghĩ Netflix 4 tỷ USD và Hulu 1,3 tỷ USD” sẽ là thương vụ tốt hơn. Năm 2016, Yahoo định giá Tumblr chỉ còn 712 triệu USD do kết hợp nhiều yếu tố, bao gồm dự đoán kết quả kinh doanh và dòng tiền tương lai giảm.
Bà tiết lộ, điều hối tiếc nhất là đã bán cổ phần của Yahoo trong Alibaba. Trong cuộc phỏng vấn năm 2018, bà từng gọi đây là sai lầm “bi thảm”, làm mất mát hàng chục tỷ USD lợi nhuận.
Verizon chi 4,48 tỷ USD thâu tóm Yahoo năm 2017 và sáp nhập với AOL, buộc bà Mayer phải từ chức. Bà nhận được khoản tiền bồi thường 23 triệu USD. Chỉ trong vòng 5 năm, Verizon lại sang tay Yahoo và AOL cho hãng đầu tư tư nhân Apollo Global Management với giá 5 tỷ USD.
Bà Mayer là một trong những nhân viên đầu tiên của Google trước khi làm Chủ tịch và CEO Yahoo. Bà từng là đồng sáng lập startup Sunshine, viết các ứng dụng dựa trên AI.
Tính đến đầu năm 2023, giá trị vốn hoá thị trường của Netflix là hơn 140 tỷ USD.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Công cụ tìm kiếm phổ biến phổ biến thứ 4 trên thế giới vào năm 2022, Yahoo, vừa thông báo mua lại nền tảng đánh giá chất lượng nội dung dựa trên thuật toán (algorithm-driven) The Factual.
Yahoo mua lại The Factual, nền tảng đánh giá chất lượng nội dung dựa trên thuật toán
Yahoo đã công bố thỏa thuận mua lại The Factual, công ty chuyên về hoạt động đánh giá tin tức và chấm điểm thiên vị cũng như độ tin cậy của các phương tiện truyền thông.
Yahoo sẽ tận dụng chỉ số này để cung cấp cho người dùng những cái nhìn sâu sắc hơn về độ chính xác và độ tin cậy của nội dung mà họ tiếp cận được.
Phía Yahoo cho biết:
“Việc mua lại The Factual tiếp tục cam kết của Yahoo trong việc đưa tin tức và thông tin đáng tin cậy đến gần 900 triệu người dùng của nền tảng trên toàn thế giới và xây dựng tầm nhìn tương lai của doanh nghiệp dựa trên tin tức.”
Các điều khoản tài chính của thỏa thuận hiện chưa được tiết lộ.
Việc Yahoo mua lại The Factual thể hiện cam kết chống lại những thông tin sai lệch.
Sau khi được mua lại, tất cả các nhân viên của The Factual đều sẽ tham gia vào Yahoo news và tiếp tục sứ mệnh của họ.
Những thông tin sai lệch và tin giả đang trở thành mối quan tâm ngày càng lớn trong một môi trường khi mà mạng xã hội đã trở nên quá phổ biến với một lượng thông tin khổng lồ.
Yahoo sẽ sử dụng hệ thống tính điểm của The Factual như là một “phân tích đầu tiên về các câu chuyện tin tức”, điều này thậm chí còn đi xa hơn các sáng kiến xác minh tính xác thực của Google, Facebook và YouTube đưa ra.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Yahoo Home Ecosystem, Matt Sanchez cho biết:
“Sự kết hợp giữa tính báo chí của Yahoo và nội dung của các đối tác xuất bản của chúng tôi với thuật toán xếp hạng tin tức của The Factual sẽ mang lại một mức độ minh bạch mới cao hơn cho người dùng Yahoo, cho phép họ đưa ra những quyết định sáng suốt về các nguồn tin tức của mình.”
The Factual hiện chấm điểm hơn 10.000 bài báo bằng tiếng Anh mỗi ngày, cung cấp thứ hạng trên bản tin hàng ngày và một trang web hiển thị các chủ đề thịnh hành trực tiếp.
Thuật toán chấm điểm Tin tức của The Factual sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
The Factual được ra mắt vào năm 2019, sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để chấm điểm các câu chuyện tin tức trên thang điểm 100 bằng cách sử dụng 4 tiêu chí:
Chất lượng trang web, theo dõi lịch sử sản xuất các bài báo có nguồn gốc tốt và chất lượng cao.
Mức độ chuyên môn của tác giả viết bài, xem xét kiến thức chuyên môn của tác giả về một chủ đề dựa trên các bài viết trước đó.
Giọng điệu của bài viết, xem xét quan điểm thực sự đằng sau ngôn ngữ đang sử dụng.
Chất lượng nguồn tin, đo lường chất lượng và sự đa dạng của các nguồn và các trích dẫn trực tiếp.
Những điểm số này sau đó được sử dụng để tạo ra một điểm trọng số trung bình, được hiển thị cho người đọc, cùng với các ghi chú liên quan khác.
Điểm thấp hơn cho thấy độ tin cậy thấp hơn, trong đó các ý kiến đưa ra không nhất thiết phải được hỗ trợ bởi bằng chứng thực tế. Mặt khác, điểm số cao hơn cho thấy một bài báo có khả năng đáng tin cậy hơn.
Mặc dù những điểm số này ban đầu sẽ chỉ xuất hiện trên Yahoo News nhưng trong tương lai, nó có khả năng cung cấp cho hàng triệu người dùng của nhiều trang tin khác.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Các công ty khởi nghiệp (startup) luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự cạnh tranh, tạo điều kiện cho sự gián đoạn về kinh tế cũng như đưa ra các xu hướng mới tới thị trường.
Với sự hỗ trợ từ những công nghệ tiên tiến, các ý tưởng “thân thiện” với thị trường cộng với nhiều chiến lược mang tính cách mạng, một số công ty khởi nghiệp đã đánh bại các thương hiệu lâu đời trên thị trường, tạo ra tác động và giá trị lớn trong thị trường mục tiêu của họ.
Một ví dụ điển hình cho điều này là Yahoo, từng là doanh nghiệp dotcom dẫn đầu thị trường với doanh thu 125 tỷ USD vào những năm 1990 và 2000.
Các thương vụ mua lại mang tính chiến lược và bản năng kinh doanh đã đưa Yahoo luôn đi trước con đường trong thế giới kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ.
Và rồi sau đó Google xuất hiện vào năm 1997, tức là sau đó rất lâu so với đàn anh Yahoo, tuy nhiên, mọi thứ cuối cùng lại diễn ra theo cách mà rất ít người có thể tưởng tượng.
Là một công ty khởi nghiệp, Google tập trung vào việc cung cấp một công cụ tìm kiếm dễ sử dụng và khai thác các thuật toán nhằm hướng người dùng đến với nhiều thông tin hơn.
Điều này sau đó trở thành lợi thế cạnh tranh của Google trước những gã khổng lồ khác như Yahoo, vốn được vận hành với cơ sở hạ tầng phức tạp khiến họ khó thích ứng với nhu cầu ngày càng tăng của người dùng.
Mặc dù đối với mỗi ngành hàng và bối cảnh kinh doanh khác nhau, các chiến lược và cách tiếp cận có thể khác nhau, tuy nhiên học những gì mà các tên tuổi trước đó đã từng làm là một trong những cách khôn ngoan nhất để phát triển.
Xây dựng những mục tiêu kinh doanh rõ ràng.
Việc đặt ra các mục tiêu rõ ràng và có thể hành động được là điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp vì tất cả các thành viên trong tổ chức đều hiểu và sẽ có thể biến tầm nhìn của doanh nghiệp thành hiện thực.
Tầm nhìn của một doanh nghiệp là thứ xác định văn hóa tổ chức cũng như các phương pháp tiếp cận được sử dụng để đạt được kết quả.
Trong khi nó xác định các mục tiêu mà doanh nghiệp cần đạt được, nó cũng giúp làm rõ các chiến lược và hành động bạn cần thực hiện để đạt được mục tiêu.
Quay lại với Google, họ tuyên bố tầm nhìn rất rõ ràng và cụ thể: “cho phép truy cập thông tin trên toàn thế giới chỉ bằng một cú nhấp chuột.” Và kể từ ngày ra mắt vào năm 1997, mọi sản phẩm và dịch vụ của Google đều thể hiện rõ ràng tầm nhìn đó.
Để đặt ra các mục tiêu kinh doanh rõ ràng, dưới đây là những gì bạn có thể làm:
Viết ra mọi thứ bạn muốn đạt được trong vài năm tới.
Đảm bảo mọi hành động ngắn hạn được liên kết trực tiếp với mục tiêu lớn hơn của bạn trong dài hạn.
Xác định mọi thứ bạn sẵn sàng làm với tư cách là một doanh nghiệp.
Nếu bạn là một doanh nhân hay chủ của một công ty khởi nghiệp, điều có thể giúp bạn vượt qua các thương hiệu lâu đời trong ngành là tập trung nhiều hơn vào những sản phẩm và dịch vụ bạn muốn cung cấp.
“Khách hàng là Vua”.
Dù cho bạn đang kinh doanh trong lĩnh vực gì, B2B hay B2C, thương mại điện tử hay công nghệ, khách hàng của bạn chắc chắn là động lực chính khiến doanh nghiệp thành công.
Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu khách hàng của bạn có hài lòng hay không?
Đối với nhiều doanh nghiệp, đó có thể là số lần họ quay lại với thương hiệu; bởi số tiền họ chi tiêu cho các sản phẩm hay dịch vụ; cách họ đánh giá sản phẩm đang sử dụng hay nhiều chỉ số khác.
Dưới đây là 03 khía cạnh thiết yếu có thể giúp bạn đạt được sự hài lòng của khách hàng trong khi vẫn đảm bảo tân dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có:
Dự đoán các vấn đề hay nỗi đau chính mà đối tượng mục tiêu của bạn phải đối mặt.
Xác định tệp khách hàng tiềm năng của bạn.
Cung cấp các giải pháp tối ưu (so với đối thủ hoặc sản phẩm thay thế) được nhắm mục tiêu để giải quyết các vấn đề của người dùng.
Tuân thủ những điều này không chỉ giúp làm cho các sản phẩm và dịch vụ của bạn luôn lấy người dùng làm trọng tâm mà còn cung cấp cho bạn một quy trình có thể hành động được dựa trên các hiệu suất rõ ràng.
Tập trung vào tất cả mọi người xung quanh.
Bên cạnh việc nắm bắt cơ hội, giao tiếp hiệu quả và chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng, thì một kỹ năng khác rất cần thiết đối với những người làm kinh doanh đó là đối xử tốt với tất cả mọi người.
Mọi người ở đây không chỉ có nghĩa là khách hàng của bạn hoặc đối tượng mục tiêu của bạn; nó còn bao gồm những người bạn tương tác và làm việc hằng ngày.
Bạn có thể hiểu thế này, nhân viên, đồng nghiệp hay thậm chí là sếp của bạn ai cũng có những tầm nhìn, giấc mơ và mong muốn riêng. Do đó, để đạt được vị trí mà bạn mong muốn trong tương lai, điều quan trọng là bạn phải điều chỉnh chúng sao cho phù hợp nhất với tầm nhìn và giấc mơ của doanh nghiệp.
Nói một cách đơn giản nhất, bạn cần xây dựng một mối liên hệ chặt chẽ giữa sự phát triển của công ty và sự phát triển của nhân viên. Hai nhóm này cần đồng điệu với nhau.
Phá vỡ những tư duy cũ và lặp lại.
Những tư duy kinh doanh mạnh là những tư duy thường tập trung vào việc thử nghiệm những ý tưởng mới, lấy khách hàng làm trọng tâm và thay đổi thị trường mục tiêu của họ sao cho phù hợp với bối cảnh và cơ hội.
Và để làm được điều này, nhiều người cho rằng họ cần trở thành một người Sếp hay một doanh nhân đầy uy lực như nhiều người vẫn nghĩ về. Tuy nhiên, đây lại là một cách tiếp cận sai lầm. Sự thật là, bạn cần trở thành một nhà lãnh đạo.
Bởi vì khởi nghiệp là một hành trình khó khăn và nó đưa bạn trải qua những kinh nghiệm sống khác nhau và dạy bạn rằng thành công nằm ở sự kiên định và thực tế nhưng nhưng lại rất cần sự khiêm tốn và đồng cảm.
Và một nhà lãnh đạo thành công, như Steve Jobs đã từng nói, là một nhà lãnh đạo có cách giao tiếp rõ ràng, đặt ra kỳ vọng rõ ràng, không dựa dẫm hay phụ thuộc vào người khác và là người chịu hoàn toàn trách nhiệm với đội nhóm.
Luôn luôn có Plan B.
Lập kế hoạch chi tiết cho các bước đi tiếp theo của doanh nghiệp là một trong những yêu cầu cơ bản nhất của bất kỳ doanh nhân hay công ty khởi nghiệp nào.
Nhưng điều quan trọng bạn cần hiểu là ngay cả khi bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng các kế hoạch và phương pháp tiếp cận của mình, mọi thứ vẫn có thể diễn ra theo một cách rất khác. Đặc biệt là khi bạn đang sống trong một thế giới VUCA.
Là một doanh nhân, khi bạn sẵn sàng trao cơ hội cho các ý tưởng tiềm năng của mình và mong muốn biến nó thành một dự án thành công, chắc chắn rủi ro là điều không thể tránh khỏi. Một bản kế hoạch thay thế Plan B là mục tiêu bạn nên có.
Đôi khi cũng được gọi là Pivots, Plan B giúp bạn xác định lại mục tiêu của mình và tập trung vào các khía cạnh có thể mang lại các kết quả bổ sung.
Hãy thử nhìn vào Elon Musk, việc quyết tâm trở thành một doanh nhân đã thúc đẩy ông thử nghiệm các ý tưởng khác nhau, bao gồm cả PayPal, mà sau đó đã bán lại cho eBay.
Quyết tâm này cuối cùng đã khiến ông thành lập Tesla, công ty có giá trị nhất ngành ô tô ở thời điểm hiện tại.
Bạn cần lưu ý rằng Plan B không nhất thiết phải là một bản kế hoạch hành động hoàn toàn khác; trong nhiều trường hợp, đó chỉ là một chiến lược khác mà cuối cùng nó sẽ hỗ trợ cho ý tưởng ban đầu.
Một bản phân tích ma trận SWOT chi tiết là công việc bạn cần làm.
Thành công cần rất nhiều thời gian.
Cuối cùng, bạn trước tiên phải nhận ra rằng, thành công, đặc biệt là thành công từ các công ty khởi nghiệp là một hành trình gian nan và có nhiều sự đánh đổi.
Thành công dựa trên việc cung cấp giá trị và tạo ra những sức ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người tiêu dùng hay khách hàng mục tiêu của bạn.
Thành công đòi hỏi những nỗ lực nhất quán, sự cống hiến và cả sự dấn thân.
Có rất nhiều ví dụ chứng minh cho việc thành công có thể không đến sớm, nhưng một khi vận mệnh đến, bạn chắc chắn sẽ bắt gặp nó.
Từ Steve Jobs của Apple, Bill Gates của Microsoft hay Jeff Bezos của Amazon, họ đều xuất phát từ những thứ nhỏ bé, và hàng chục năm sau, họ dẫn dắt thị trường.
Mặc dù đây là một hành trình dài, nhưng bằng cách đạt được những cột mốc nhỏ, bạn có thể tự tin để bước tiếp:
Đặt mục tiêu ngắn hạn phù hợp với mục tiêu kinh doanh.
Đánh giá các tác động tích cực mà bạn đã tạo ra trong ngành và cho xã hội của mình.
Bạn đã giúp bao nhiêu người (bao gồm cả nhân viên) trong quá trình phát triển doanh nghiệp của mình?
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Mặc dù nhà lãnh đạo là ‘linh hồn’ là tiếng nói lớn nhất của tổ chức, nhưng họ cũng không thể sai lầm.
Getty Images
Khi nói đến những logic trong lãnh đạo, Đâu là câu nói có thể thể hiện bản chất của phong cách lãnh đạo? Tôi sẽ cho bạn một vài giây để suy nghĩ về điều đó.
Có thể bạn đã nghe ở đâu đó nhiều câu khác nhau, nhưng câu trả lời mà tôi muốn đưa ra ở đây là: “Lãnh đạo bằng hình mẫu”.
Nếu nhà lãnh đạo xuất hiện đúng giờ, nhân viên sẽ xuất hiện đúng giờ. Điều ngược lại cũng không ngoại lệ. Nhà lãnh đạo là người thiết lập mọi âm điệu của tổ chức.
Trong bất kỳ tổ chức nào, mọi con mắt đều đổ dồn về người lãnh đạo. Mọi người đi theo các người lãnh đạo cũng giống như việc họ sẽ noi theo những tấm gương tích cực của một người lãnh đạo.
Dưới đây là 7 sai lầm mà bạn có thể mắc phải với tư cách là một nhà lãnh đạo đang gây ra những tổn hại không nhỏ cho tổ chức của bạn.
1. Phàn nàn.
Không ai thích sự tiêu cực, đặc biệt là khi nó đến từ các nhà lãnh đạo. Nhân viên tìm đến các nhà lãnh đạo để được truyền cảm hứng, hướng dẫn, ghi nhận lời khuyên và hy vọng.
Trường kinh doanh Dale Carnegie viết: “Bất kỳ kẻ ngốc nào cũng có thể chỉ trích, lên án và phàn nàn – và hầu hết những kẻ ngu ngốc đều như vậy, nhưng bạn cần có đủ can đảm và sự tự chủ để có thể thấu hiểu và tha thứ”.
2. Nghệ thuật phê bình kém.
Sai lầm xảy ra ở khắp mọi nơi, ở tất cả các phòng ban. Cách chúng ta đối phó với chúng quyết định sự trưởng thành của chúng ta với tư cách là một nhà lãnh đạo.
Những lời chỉ trích mang tính hủy hoại sẽ chỉ khiến đội nhóm của bạn suy sụp tinh thần ngay cả khi nó được đưa ra sau những cánh cửa đóng kín.
Thay vào đó, các nhà lãnh đạo phải học nghệ thuật của việc đưa ra những lời phê bình, những lời phê bình mang tính xây dựng. Thừa nhận điểm mạnh của họ và cách nhân viên có thể cải thiện chúng trong tương lai.
Những lời khen ngợi và công nhận tại nơi làm việc là điều mà bất cứ người nhân viên nào cũng thầm khao khát. Các nhà lãnh đạo thành công sẽ tìm cách khai thác những mong muốn đó bằng cách đưa ra những phản hồi tích cực.
3. Không lắng nghe.
Ông chủ hãng xe Ford, Henry Ford biết rằng lắng nghe là một trong những kỹ năng quý giá nhất mà một nhà lãnh đạo cần sở hữu.
Trong hội đồng quản trị của mình, có rất nhiều người không đồng ý với ông. Nhưng ông lại không muốn có một đội ngủ luôn ‘Say Yes’ với mọi thứ, ông cần những người có thể thách thức lại suy nghĩ của mình.
Lắng nghe là một kỹ năng thường bị nhiều người bỏ qua. Những nhà lãnh đạo không biết lắng nghe sẽ không thể duy trì sức ảnh hưởng cũng như tạo ra được những tác động tích cực cho doanh nghiệp của mình.
4. Thiếu tầm nhìn.
Chu kỳ kinh doanh đã đến giai đoạn chín muồi nhưng Blockbuster lại từ chối đi tiếp và sau đó đã trở thành con mồi cho Netflix.
Yahoo đã đánh giá thấp sức mạnh của công cụ tìm kiếm của Google. Kodak đã tạo ra máy ảnh kỹ thuật số, nhưng bị mắc kẹt với phim và phải trả giá.
Các nhà lãnh đạo phải thực sự ‘để mắt từ mọi hướng’ và nhận biết sớm nhất những thứ gì có thể xảy ra trong tương lai.
5. Thiếu quyết đoán.
Là một nhà lãnh đạo, bạn phải có khả năng ra quyết định nhanh chóng. Sự thiếu quyết đoán là một yếu tố làm ‘bóp nghẹt’ năng suất của các tổ chức, chỉ cần một sự chậm trễ trong quy trình của họ cũng có thể gây sụp đổ mọi thứ.
Tính quyết đoán của các nhà lãnh đạo cho nhân viên của họ biết họ luôn có một kế hoạch và họ luôn biết chúng ta cần phải làm gì.
6. Thiếu kiến thức do thiếu sự cập nhật.
Những nhà lãnh đạo vĩ đại đều hiểu được sức mạnh của sách và tri thức. Theo lời của Walt Disney, “Có nhiều kho báu trong sách hơn tất cả các chiến lợi phẩm khác từ cướp biển”.
Những nhà lãnh đạo luôn theo đuổi sự nghiệp học tập bắt đầu một ngày của mình bằng cách lấp đầy tâm trí của họ bằng kiến thức.
Họ cập nhật các bài báo và sách cả trong và ngoài lĩnh vực của họ.
Họ nuôi dưỡng tâm trí của họ bằng những ý tưởng và cảm hứng. Họ có những suy nghĩ đúng đắn và chắc chắn trước khi hành động.
7. Né tránh trách nhiệm.
Là một nhà lãnh đạo. Nếu bạn không sẵn sàng nhận trách nhiệm về những sai lầm mà mình đã gây ra trong tổ chức, bạn đang đặt ra một tiêu chuẩn nguy hiểm cho nhân viên.
Sau khi bạn đã đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp, bạn cần đảm bảo không để những thói quen xấu được hình thành vì nó là khuôn mẫu để người khác có thể noi theo.
Mặc dù những sai lầm nói trên có vẻ rất đơn giản, nhưng việc làm chủ được chúng sẽ lấy mất của bạn không ít thời gian, và thứ mà nó trả lại cũng rất ngọt ngào.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Cựu quản lý ở Facebook cho rằng nếu không nhờ sự kiên quyết của CEO Facebook, công ty này đã có thể thuộc về Yahoo từ hơn 10 năm trước và khó có khả năng phát triển như ngày nay.
Dan Rose, cựu giám đốc kinh doanh thời kỳ đầu của Facebook gần đây đã có những chia sẻ về Mark Zuckerberg trên Twitter. Ông Rose cho rằng chính sự lì lợm, tâm lý vững chắc của Mark Zuckerberg giúp công ty này không bị Yahoo mua lại, và phát triển đến ngày nay.
Vào năm 2006, Yahoo đã ngỏ ý mua lại Facebook, khi đó chỉ sở hữu 5 triệu người dùng, với giá 1 tỷ USD. Tuy nhiên, Mark Zuckerberg nhất quyết từ chối bất chấp áp lực từ hội đồng quản trị.
Trong bài viết trên Twitter, Dan Rose cho rằng người sáng lập chỉ có thể thành công khi sở hữu nền tảng tâm lý vững chắc.
“Theo kinh nghiệm của tôi, những người sáng lập giỏi nhất đều phải phát triển tâm lý chiến đấu. Mark Zuckerberg là một chiến binh, và nếu không có tâm lý đó Facebook sẽ không bao giờ phát huy được hết tiềm năng. Đây là những gì tôi thấy trong hơn 13 năm làm việc với Zuckerberg”, Dan Rose chia sẻ.
Một năm sau lời đề nghị của Yahoo, Facebook đã gọi được vốn ở vòng Series C từ Microsoft, nâng định giá công ty lên 15 tỷ USD.
Trái ngược với sự tăng trưởng của Facebook, Yahoo lại rơi vào tình cảnh khó khăn với các thương vụ mua đi bán lại trong những năm trở lại đây.
Tại thời kỳ hoàng kim của mình, Yahoo từng được mệnh danh là “trang chủ” của Internet và có lúc được định giá lên tới 125 tỷ USD. Nhiều sai lầm về đường lối đã khiến ông hoàng Internet một thời ngày càng sa sút.
Nếu ngày đó, Yahoo mua được Facebook, nhiều kịch bản có thể xảy ra. Hoặc Facebook “đắm tàu” cùng Yahoo. Hoặc chính Facebook sẽ cứu vớt sự bết bát của công ty mẹ – với điều kiện Yahoo “để yên” cho Mark Zuckerberg phát triển Facebook.
Trong kịch bản Yahoo sa thải CEO Facebook và áp đặt các quyết định sai lầm lên chiến lược của công ty này, số phận của cả hai cũng rất khó để đoán định.
Đầu tháng 5, Verizon Communications, công ty sở hữu Yahoo cho biết họ đã đồng ý bán Yahoo và AOL cho Apollo Global Management trong thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD.
Dan Rose cũng cho biết CEO Facebook là người rất quyết đoán trong các chọn lựa nhân sự cấp cao. Mặc dù nhận được rất nhiều sự tin tưởng, Dan Rose hiểu rõ ông sẽ bị sa thải ngay lập tức nếu có ý định tổ chức một cuộc họp sau lưng Mark mà chưa có sự cho phép.
Tuy vậy, Mark Zuckerberg không phải là người hoàn hảo khi có những lúc anh cũng gặp tình trạng căng thẳng. Dù là một tỷ phú, Mark Zuckerberg cũng tỏ ra bối rối khi một cô gái cố quyến rũ anh tại sự kiện năm 2010.
“Năm 2010, Mark đã thực sự toát mồ hôi trên sân khấu tại một hội nghị công nghệ lớn với hàng trăm khán giả đều là những giám đốc điều hành. Anh ấy thật sự lo lắng và không tự tin về bản thân trong 30 phút đầu tiên của cuộc phỏng vấn trước khi thực sự bình tĩnh trở lại và ổn định tâm lý”, Dan Rose kể lại.
“Không giống như Steve Jobs, Mark không bao giờ ném đồ đạc, quát mắng mọi người hay mất bình tĩnh. Anh ấy là người quyết đoán một cách ‘tàn nhẫn’, luôn sẵn sàng thực hiện những yêu cầu khó khăn”, Dan Rose chia sẻ về sếp cũ của mình.
Rose gia nhập Facebook vào năm 2006, sau 7 năm làm việc tại Amazon và tạo dấu ấn với dòng sách điện tử Kindle.
Tại Facebook, Dan Rose từng giữ chức vụ phó chủ tịch quan hệ đối tác, giám đốc phát triển kinh doanh cũng như tham gia giám sát các hoạt động sáp nhập trên toàn cầu trước khi chính thức nghỉ việc vào năm 2018.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Yahoo Answers, một trong những website hỏi đáp lâu đời sẽ ngừng hoạt động từ ngày 4/5.
Theo The Verge, người dùng truy cập Yahoo Answers sau ngày 4/5 sẽ được chuyển hướng về trang chủ Yahoo. Toàn bộ dữ liệu trên website từ khi hoạt động vào năm 2005 đến nay sẽ bị xóa.
Thông báo đóng cửa Yahoo Answers được công bố trên trang chủ dịch vụ. Từ 20/4, nền tảng này sẽ không còn chấp nhận câu hỏi mới. Người dùng có thể tải về dữ liệu như câu hỏi, câu trả lời và hình ảnh đến ngày 30/6.
Yahoo cho biết lý do đóng cửa Answers bởi website này đã không còn phổ biến trong những năm qua.
“Chúng tôi quyết định chuyển nguồn lực từ Yahoo Answers sang các sản phẩm phục vụ tốt hơn cho người dùng, tiếp nối mục tiêu mang đến nội dung đáng tin cậy và chất lượng cao”, Yahoo cho biết.
Yahoo Answers là một trong những website trao đổi kiến thức lâu đời và phổ biến trên thế giới, trong đó có Việt Nam (có tên Yahoo Hỏi & Đáp).
Tuy nhiên những năm qua, chất lượng câu hỏi và trả lời trên nền tảng này giảm sâu do không có đội ngũ kiểm duyệt. Hiện tại, website của Yahoo Answers truy cập rất chậm, đôi lúc không vào được.
Thành lập năm 1994, Yahoo là tượng đài của thế giới Internet khi có những sản phẩm từng ở vị trí số một trong nhiều năm như Yahoo Mail, Yahoo Messenger… Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của đối thủ như Google, Twitter, Facebook đã đẩy Yahoo vào thế bại trận.
Sau hàng loạt vụ rò rỉ dữ liệu, Yahoo đã cắt giảm nhân sự và đóng cửa một số dịch vụ. Năm 2016, hãng này cho ngừng hoạt động ứng dụng nhắn tin Yahoo Messenger để chuyển sang phiên bản mới, nhưng chỉ tồn tại trong 2 năm.
Năm 2017, Yahoo được nhà mạng viễn thông Verizon của Mỹ thâu tóm với giá gần 5 tỷ USD. Đến nay, một số dịch vụ của Yahoo vẫn hoạt động như Yahoo Mail, Yahoo Finance hay dịch vụ tìm kiếm Yahoo Search.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Bạn nên biết gì về DuckDuckGo SEO? Cùng tìm hiểu cách bạn có thể cải thiện hiệu suất và khả năng hiển thị website của mình trên công cụ tìm kiếm này.
DuckDuckGo đạt cột mốc quan trọng vào tháng 1 năm 2021 khi lần đầu tiên đạt 100 triệu lượt tìm kiếm mỗi ngày.
Điều đó đặt ra câu hỏi: Bạn có đang tối ưu hóa cho DuckDuckGo không?
DuckDuckGo đã âm thầm thu hút người dùng và tạo ra nhiều lưu lượng truy cập vào các website trong thời gian vừa qua.
Và điều bạn cần làm bây giờ là tập trung vào tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO)
Đầu tiên, đây là một số thông tin cơ bản về DuckDuckGo.
Tại sao bạn nên quan tâm đến DuckDuckGo.
Với những tuyên bố chống độc quyền, chống lại một số gã khổng lồ bao gồm Facebook, Amazon, Apple và Google, mọi người đang chú ý đến chính sách bảo mật của DuckDuckGo.
Khi nhận thức đó phát triển, ngày càng nhiều người tìm kiếm tỏ ra e ngại về cách thông tin của họ được thu thập và chia sẻ.
Đây là một lĩnh vực mà DuckDuckGo thực sự có thể tỏa sáng.
Trên thực tế, cách DuckDuckGo xử lý dữ liệu là điều khiến công cụ tìm kiếm này khác biệt ngay từ đầu.
Theo DuckDuckGo, công cụ này không bao giờ lưu trữ thông tin cá nhân hoặc lịch sử tìm kiếm của bạn.
Nó không theo dõi bạn bằng quảng cáo hoặc theo dõi bạn trên Internet.
Câu thần chú của DuckDuckGo rất đơn giản: “không theo dõi, không nhắm mục tiêu quảng cáo, chỉ cần tìm kiếm”.
Theo DuckDuckGo, đã có gần 24 tỷ lượt tìm kiếm được thực hiện trên website của mình vào năm 2020, phản ánh mức tăng khoảng 57% so với năm 2019.
Số lượng tìm kiếm trung bình hàng ngày vào tháng 12 năm 2020 là khoảng 79 triệu. So với mức khoảng 48 triệu lượt tìm kiếm vào tháng 12 năm 2019 trước đó.
Dưới đây là biểu đồ được đăng trên DuckDuckGo.com minh họa sự tăng trưởng:
Mặc dù đây đều là những con số ấn tượng, nhưng điều quan trọng là người dùng nhận thức được điều này như thế nào.
Thị phần của DuckDuckGo kém hơn so với các đối thủ lớn khác: Google, Yahoo và Bing.
Theo Statcounter.com, thị phần tìm kiếm tại Mỹ của DuckDuckGo vào năm 2020 là 1,61%.
Tuy nhiên, bạn cần phải theo dõi xu hướng phân tích của riêng mình.
Khi xem xét các website khác nhau, có một sự thật là, DuckDuckGo đang nhận được lưu lượng truy cập với tốc độ tăng trưởng khá cao.
Mặc dù những con số này vẫn còn nhỏ, nhưng đó là điều cần phải theo dõi.
Dưới đây là số liệu phân tích so sánh lưu lượng truy cập tự nhiên năm 2019 và 2020 từ DuckDuckGo.
Tổng lưu lượng truy cập tự nhiên từ DuckDuckGo chỉ chiếm khoảng 2% vào năm 2020 cho website cụ thể này, nhưng số lượng phiên gần gấp 2,5 lần so với năm 2019.
Chúng ta cần biết gì về DuckDuckGo.
DuckDuckGo tuyên bố rằng nó lấy kết quả từ hơn 400 nguồn, từ các website có nguồn từ cộng đồng đến trình thu thập thông tin của riêng mình, đó là DuckDuckBot.
Vì DuckDuckGo tập trung vào quyền riêng tư nên nó không biết chính xác vị trí của người tìm kiếm.
Tuy nhiên, nó có thể ước tính thông tin vị trí thông qua tra cứu GEO, IP.
DuckDuckGo giải thích cách hoạt động như sau:
“Khi bạn nhấn nút tìm kiếm, máy tính của bạn sẽ gửi yêu cầu tìm kiếm của bạn cho chúng tôi. Trong yêu cầu đó, máy tính của bạn sẽ nhúng thông tin bổ sung.
Ví dụ: nếu bạn chọn chia sẻ vị trí cho một trang web, thông tin này bao gồm vị trí gần đúng của bạn.
Và ngay cả khi bạn không yêu cầu, yêu cầu của bạn bao gồm địa chỉ IP của bạn và một vị trí gần đúng có thể được suy ra từ nó, mặc dù nó không phải lúc nào cũng chính xác. “
Một ví dụ thử nghiệm điều này với từ khoá [cà phê gần tôi] mà không bật vị trí và địa chỉ trả về vẫn ở khá gần so với địa chỉ người tìm kiếm.
DuckDuckGo đang sử dụng Apple Maps để điền các kết quả tìm kiếm địa phương.
Hết phần 1 !
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
ZTE Blade A3Y là smartphone mang thương hiệu Yahoo!, hợp tác sản xuất cùng hãng viễn thông Trung Quốc.
Nhà mạng Verizon giới thiệu mẫu điện thoại Yahoo Mobile ZTE Blade A3Y, smartphone đầu tiên của Yahoo!, hợp tác sản xuất cùng hãng ZTE của Trung Quốc.
Yahoo Mobile ZTE Blade A3Y được trang bị màn hình 5,45 inch với độ phân giải HD, camera sau 8MP cùng đèn flash LED kép, camera trước 5MP đèn flash LED, cảm biến mở khóa vân tay và tính năng nhận diện khuôn mặt.
Bên trong của điện thoại chạy Android 10 là bộ vi xử lý lõi tứ, RAM 2 GB, pin dung lượng 2.660 mAh và bộ nhớ 32 GB có thể mở rộng lên tới 2 TB bằng thẻ nhớ microSD.
Về thiết kế, điện thoại mang phong cách hoài cổ khi có viền trên và viền dưới của màn hình khá dày, giống với các smartphone những năm trước đây. Hiện tại, Verizon chỉ giới thiệu phiên bản màu xanh tím cho mẫu điện thoại mới này.
Guru Gowrappan, Giám đốc điều hành Verizon, cho biết khách hàng mua điện thoại không chỉ được cài sẵn một số ứng dụng của Yahoo! như mail, tin tức, thể thao, tài chính và thời tiết, mà còn có thể được cung cấp dịch vụ email không quảng cáo và Wi-Fi Hotspot không giới hạn.
Yahoo Mobile ZTE Blade A3Y hiện được bán với mức giá 50 USD tại thị trường Mỹ.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link