Skip to main content

Thẻ: Resume

CV là gì? Mọi lưu lý khi viết CV xin việc thành công

Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu toàn diện các thông tin về thuật ngữ CV (Curriculum Vitae) như: CV là gì, một bản CV xin việc bao gồm những gì, phân biệt CV với Resume, các mẫu CV xin việc phổ biến, cách thức viết một đơn (Thư) xin việc (Cover Letter) và hơn thế nữa.

CV là gì
CV là gì? Mọi lưu lý khi viết CV xin việc thành công

Với hầu hết những ứng viên đi xin việc làm, để có thể chạm được đến bước phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng, họ phải trải một giai đoạn gọi là sàng lọc hồ sơ. Trong khi mỗi ngành nghề, doanh nghiệp hay nhà tuyển dụng có những tiêu chí khác nhau khi chấm điểm ứng viên, một bản hồ sơ xin việc phù hợp chính là điểm quyết định liệu ứng viên có được đi vào vòng phỏng vấn hay không hay bị loại từ vòng xét duyệt hồ sơ. Các bản hồ sơ xin việc này được gọi tắt là CV (Curriculum Vitae). Vậy CV là gì và ứng viên cần hiểu những gì về CV, hãy tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

Các nội dung sẽ được phân tích trong bài bao gồm:

  • CV là gì?
  • Một bản CV đầy đủ thường bao gồm những nội dung gì?
  • Cách viết CV có thể chinh phục nhà tuyển dụng.
  • Phân biệt CV với Resume?
  • Các mẫu CV phổ biến hiện nay là gì?
  • Cách thức viết một đơn (thư) xin việc hoàn chỉnh.
  • Những lưu ý chính cần biết khi viết CV.
  • Những lỗi hay sai lầm lầm cần tránh khi viết CV.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

CV là gì?

CV là từ viết tắt trong tiếng Anh của “Curriculum Vitae” (tiếng Latinh gốc) dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Hồ sơ ứng tuyển” hoặc “Hồ sơ xin việc”.

CV xin việc là một tập văn bản tài liệu tóm tắt về bản thân, đó là nơi mà một cá nhân làm nổi bật những nội dung như: các thông tin cá nhân (tên, tuổi, quê quán, địa chỉ đang tạm trú…), lịch sử học tập, kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng, hay các thành tích đã đạt được trong quá khứ.

Một hồ sơ ứng tuyển hay CV cũng có thể bao gồm thông tin như các giải thưởng, học bổng, khóa học, dự án nghiên cứu hay các ấn phẩm đã được thực hiện.

Một bản CV tiêu chuẩn thường dài 2 hoặc 3 trang, tuy nhiên, tuỳ thuộc vào từng ngành nghề hay vị trí ứng tuyển mà CV có thể được viết ngắn hoặc dài hơn (ví dụ CV của vị trí Giám đốc với nhiều kinh nghiệm có thể dài hơn CV của một sinh viên mới ra trưởng).

Một bản CV (Curriculum Vitae) đầy đủ thường bao gồm những nội dung gì?

Một bản CV (Curriculum Vitae) đầy đủ thường bao gồm những nội dung gì?
Một bản CV (Curriculum Vitae) đầy đủ thường bao gồm những nội dung gì?

Trong khi tuỳ thuộc vào từng ngành nghề, vị trí ứng tuyển, hay thậm chí là tuỳ vào yêu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp mà các bản CV có thể cần thể hiện các nội dung hay thông tin khác nhau.

Ví dụ CV cho dân Marketing có thể cần được thể hiện khác so với CV cho dân IT.

Tuy nhiên, một CV hoàn chỉnh thông thường sẽ có các nội dung dưới đây.

  1. Thông tin liên lạc: Các thông tin cá nhân như: tên, số điện thoại, email, địa chỉ…
  2. Lịch sử học tập: Các trường lớp hay khoá học (có thể được cấp chứng chỉ hoặc không) đã hoàn thành.
  3. kinh nghiệm làm việc chuyên môn: Đã từng làm việc ở đâu với vị trí gì, và công việc chính là gì?
  4. Trình độ và kĩ năng: Các bằng cấp hay chứng chỉ liên quan.
  5. Giải thưởng hay Thành tích: Trong quá trình làm việc ứng viên đã đạt được những thành tựu gì, cho cá nhân lẫn cho tổ chức (doanh nghiệp).
  6. Các ấn phẩm đã thực hiện: Với các ngành nghề ví dụ như thiết kế đồ hoạ, ứng viên có thể cần phải đính kèm các ấn phẩm hay thiết kế đã làm.
  7. Sở thích và mối quan tâm (không bắt buộc): Liệt kê các sở thích cá nhân như Bơi lội, ca hát hay đọc sách.

Như đã phân tích ở trên, tuỳ thuộc vào từng vị trí, cấp độ hay yêu cầu riêng của doanh nghiệp mà ứng viên có thể cần phải tập trung vào những phần nội dung quan trọng nhất.

Một bản CV xin việc được viết tốt hay phù hợp khi ứng viên hiểu rõ nhu cầu của doanh nghiệp hay nhà tuyển dụng mà họ đang ứng tuyển.

Ngoài ra, theo nhận định của CEO một công ty tuyển dụng lớn, một bản CV xin việc hoàn hảo cần thể hiện các nội dung sau đây:

  1. Nó dễ đọc.
  2. Nó kể một câu chuyện rõ ràng về sự tiến bộ của bản thân bạn.
  3. Trách nhiệm công việc được phản chiếu bằng thành tích.
  4. Nó không hề phóng đại hoặc nói sai sự thật.
  5. Nó sử dụng động từ mang tính hành động thay vì những lời nói sáo rỗng.
  6. Nó có một lời giới thiệu.

Cách viết CV xin việc có thể chinh phục mọi nhà tuyển dụng.

Một khi bạn đã bắt đầu quyết định viết hay làm mới CV xin việc của mình, dưới đây là những gì bạn có thể tham khảo:

1. Hãy mở đầu CV với các thông tin liên hệ cá nhân.

Đóng vai trò như những “giấy phép thông hành”, CV hay các Hồ sơ ứng tuyển trước tiên phải thể hiện các thông tin cá nhân cơ bản, thứ có thể giúp doanh nghiệp hay nhà tuyển dụng biết họ đang giao tiếp với ai.

Các thông liên liên hệ cá nhân nên bao gồm: họ và tên đầy đủ, số điện thoại và địa chỉ email và nơi ở hiện tại.

2. Hãy chi tiết về lịch sử học tập cá nhân.

Sau khi biết được ứng viên là ai, nhà tuyển dụng cũng cần biết ứng viên đó đã trải qua quá trình học tập và rèn luyện ra sao, phần này đặc biệt quan trọng trong CV của các vị trí cấp cao hay các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao.

Phần này có thể bao gồm các thông tin về trường học (Đại học, Cao đẳng…), chương trình học sau Đại học như Tiến sĩ, Thạc sỹ hay các chương trình cao học khác.

Như đã đề cập, tuỳ vào từng bối cảnh cụ thể mà mức độ quan tâm của nhà tuyển dụng tới lịch sử học của ứng viên xin việc là khác nhau, vì thông thường họ quan tâm nhiều hơn đến kinh nghiệm làm việc thực tế.

3. Trình bày chi tiết và rõ ràng về kinh nghiệm chuyên môn.

Trong hầu hết các doanh nghiệp hiện đại ngày nay, kinh nghiệm làm việc (work experience) là một trong những phần thông tin quan trọng nhất trong một bản CV. Thậm chí, phần này còn quan trọng hơn cả phần Lịch sử học tập vì suy cho cùng bạn học gì không quan trọng, quan trọng là bạn đã và có thể làm được gì.

Ở phần này của CV xin việc, ứng viên nên liệt kê cụ thể về tên doanh nghiệp, ngày bắt đầu và ngày kết thúc, vị trí đảm nhận (ví dụ Trưởng phòng Marketing), cuối cùng là các công việc cụ thể và thành tích đã đạt được với vai trò đó.

Lời khuyên cho bạn khi viết phần này là hãy viết ngắn gọn và rõ ràng. Các đầu mục công việc và thành tích có thể bắt đầu bằng những dấu chấm hoặc gạch đầu dòng để nhà tuyển dụng dễ theo dõi.

Một lời khuyên khác là, nếu bạn đã từng làm việc tại nhiều doanh nghiệp, bạn chỉ cần liệt kê ra một vài doanh nghiệp (ít nhất là 3) gần nhất thay vì phải kể ra tất cả các doanh nghiệp đã từng làm. Hãy đảm bảo rằng, doanh nghiệp mới nhất được thể hiện trước, các doanh nghiệp cũ thể hiện sau.

Với phần thành tích, bạn nên thể hiện bằng con số thay vì là gạch đầu dòng các công việc hay nhiệm vụ đã làm. Như đã lưu ý, bạn làm gì không quan trọng, quan trọng là nó mang lại giá trị gì hay có sức ảnh hưởng ra sao tới doanh nghiệp.

Ví dụ, nếu CV xin việc của bạn đang ứng tuyển cho một vị trí về Digital Marketing, những con số như giúp website đạt hơn 100.000 lượt truy cập mỗi tháng, tốc độ tăng trưởng số lượng khách hàng tiềm năng (Lead) hàng tháng là 20% hay ROAS 20% thường có sức nặng hơn nhiều so với việc bạn đã thực hiện những công việc gì.

Mỗi cá nhân xuất sắc đều gắn liền với các câu chuyện truyền cảm hứng và có sức ảnh hưởng, hãy tận dụng nó vào phần này của CV.

4. Các bằng cấp và kỹ năng liên quan.

Để có thể tối ưu giá trị của các bằng cấp hay kỹ năng tới nhà tuyển dụng và cũng là giúp bạn có cơ hội được nhận việc cao hơn đó là hãy tìm hiểu kỹ về yêu cầu công việc trong bản mô tả công việc (JD).

Nhiệm vụ của bạn là hãy liệt kê các bằng cấp hay kỹ năng (kỹ năng cứng và kỹ năng mềm) thực sự liên quan đến vị trí đã ứng tuyển.

5. Liệt kê các danh hiệu và giải thưởng.

Nội dung này trong CV là một nội dung mở rộng khác của phần “Thành tích làm việc” đã được liệt kê trong mục kinh nghiệm làm việc.

Ứng viên có thể sử dụng phần này để phác thảo tên các giải thưởng, thời gian được trao tặng, tổ chức trao tặng và hơn thế nữa.

6. CV xin việc cũng cần đính kèm các ấn phẩm hay tài liệu có liên quan.

Nếu bạn ứng tuyển vào các vị trí như Thiết kế đồ hoạ (Graphics Designer), content marketing hay những vị trí mà sản phẩm tạo ra có thể in ra hay thể hiện trực quan được thì việc đính kèm các tài liệu, ấn phẩm đã hoàn thành hay các bài viết đã thực hiện cũng rất cần thiết.

Ví dụ nếu bạn ứng tuyển cho vị trí thiết kế đồ hoạ, nhà tuyển dụng khó có thể hình dung được phong cách thiết kế (màu sắc, cách phối…) của bạn, không biết liệu phong cách đó của bạn có phù hợp với định hướng của thương hiệu của họ hay không, việc xem trực tiếp sản phẩm là cách hiệu quả nhất cho điều này.

7. Liệt kê các sở thích cá nhân.

Mặc dù đây là phần thường ít quan trọng hơn trong các bản CV xin việc thông thường, tuy nhiên nếu bạn có các “tài lẻ” đặc biệt hay các sở thích cá nhân này gián tiếp hỗ trợ công việc chuyên môn, nó cũng mang lại những lợi ích đáng kể.

Những sở thích cá nhân thường được các ứng viên trình bày là đọc sách, bơi lội, chạy bộ hay nghe nhạc.

8. Soát lỗi CV của bạn.

Bước cuối cùng cần có trong CV và cũng không kém phần quan trọng đó là hãy kiểm tra lỗi trong toàn bộ các phần nội dung mà bạn đã trình bày.

Dù đó là lỗi về ngữ pháp, chính tả hay định dạng văn bản, nó đều có thể khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

Một số mẫu CV xin việc đáng chú ý.

Khi nói đến cách viết CV xin việc hay các mẫu CV, CV của những doanh nhân nổi tiếng luôn gây được sự chú ý lớn, CV của Elon Musk là một trong số đó.

Ngày nay, Elon Musk được kết hợp với những cái tên như SpaceX, Tesla, PayPal, eBay, Boring Company và nhiều thương hiệu khác đã thu hút sự quan tâm của Ông trước đây.

Bản sơ yếu lý lịch hay hồ sơ xin việc (CV) nêu bật Elon Musk là ứng cử viên cho một công ty tương lai nào đó mà có lẽ chính ông sẽ xây dựng, hiện đang trở thành nguồn cảm hứng cho những người tìm việc trên khắp thế giới.

CV của Elon Musk
CV của Elon Musk

Bản CV trước đó cũng đề cập đến thời gian làm việc của Elon Musk tại Zip2, X.com và PayPal. Dưới đây là sơ lược về bản CV cũ:

CV cũ của Elon Musk
CV cũ của Elon Musk

Mặc dù thành tích công việc, học tập và thậm chí phi học tập quan trọng trong hồ sơ xin việc, nhưng sở thích cá nhân của một ứng viên cho biết về các phân khúc khác nhau mà bạn có thể có năng lực và làm tốt.

Sở thích của Elon Musk bao gồm vật lý, năng lượng thay thế, tính bền vững, không gian kỹ thuật, hoạt động từ thiện, đọc sách, trò chơi điện tử, AI, cuộc sống ngoài trái đất (vì Ông hy vọng một ngày nào đó sẽ di cư con người lên sao Hỏa).

Phân biệt CV (Hồ sơ xin việc) với Resume (Sơ yếu lý lịch)?

Khi tìm hiểu các khái niệm hay thông tin về thuật ngữ CV, không ít người vẫn thường nhầm lẫn khái niệm này với Resume (trong tiếng Việt có nghĩa là Sơ yếu lý lịch).

CV hay Hồ sơ xin việc là gì?

Như đã phân tích rất chi tiết ở trên, CV là từ viết tắt của “Curriculum Vitae” trong tiếng Latinh dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Hồ sơ ứng tuyển” hoặc “Hồ sơ xin việc”.

CV là một tập văn bản tài liệu tóm tắt về bản thân, đó là nơi mà một cá nhân làm nổi bật những nội dung như: các thông tin cá nhân (tên, tuổi, quê quán, địa chỉ đang tạm trú…), lịch sử học tập, kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng, hay các thành tích đã đạt được trong quá khứ.

Resume hay Sơ yếu lý lịch là gì?

Khác với CV là thuật ngữ bắt nguồn từ tiếng Latin, Resume hay Résumé là từ bắt nguồn từ tiếng Pháp và trong tiếng Việt có nghĩa là Sơ yếu lý lịch.

Sơ yếu lý lịch là một tài liệu chính thức cung cấp một cái nhìn tổng quan về nền tảng chuyên môn và các kỹ năng liên quan của một cá nhân nào đó.

Các phần nội dung tiêu chuẩn thường có trong sơ yếu lý lịch bao gồm quá trình làm việc, trình độ học vấn, tóm tắt chuyên môn và danh sách các kỹ năng mềm khác.

Sự khác nhau giữa CV và Resume là gì?

Sự khác nhau giữa CV và Resume là gì?
Sự khác nhau giữa CV và Resume là gì?

Mặc dù CV và Resume đều là những bản tài liệu hay hồ sơ chính thức có mục tiêu giới thiệu tổng thể về quá trình học vấn và kinh nghiệm làm việc của một cá nhân nào đó, chúng cũng có những điểm khác nhau về mục đích sử dụng.

Nếu như CV được sử dụng rộng rãi trong phạm vi học thuật và việc làm mang tính chuyên môn cao (hẹp) thì các bản Resume hay Sơ yếu lý lịch lại được sử dụng rộng rãi trong nhiều công việc khác nhau (bao gồm cả những công việc phổ thông).

Ví dụ, một Kỹ sư dùng CV để ứng tuyển vào một ví trí nào đó, nhưng một người công nhân lao động phổ thông bình thường lại dùng Sơ yếu lý lịch.

Trong khi CV tập trung vào yếu tố chuyên môn học thuật thì Resume tập trung vào các kỹ năng và kinh nghiệm.

Ngoài ra, CV và Resume cũng khác nhau về bố cục trình bày. Nếu như phần “Giáo dục” hay “Bằng cấp” thường xuất hiện đầu tiên trong các bản CV xin việc thì với Resume, chúng lại xuất hiện gần cuối cùng, phần đầu tiên trong Resume thường là các thông tin cá nhân bao gồm cả các mối quan hệ gia đình.

Một số lỗi hay sai lầm cần tránh khi viết CV xin việc.

Theo nghiên cứu tổng hợp từ các nhà tuyển dụng hàng đầu trong quá trình xem xét và đánh giá CV của ứng viên, dưới đây là những lỗi phổ biến thường thấy:

  • CV có nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp.
  • CV không đúng với sự thật: Ứng viên cố tình thể hiện nhiều hơn các khả năng mà họ có trong thực tế.
  • Định dạng của CV (CV Format) ít được quan tâm và trau chuốt.
  • Sử dụng hình ảnh đại diện không phù hợp: Vì CV là loại tài liệu được sử dụng trong môi trường chuyên nghiệp, nó cần thể hiện được tính chuyên nghiệp. Các hình ảnh cá nhân thiếu sự chuyên nghiệp thường không phù hợp.
  • CV không tập trung vào các thành tích cụ thể: Thay vì khiến cho các bản CV xin việc hay Hồ sơ ứng tuyển trở nên có giá trị hơn với các thành tích đã đạt được, ứng viên lại cung cấp quá nhiều thông tin về công việc hay nhiệm vụ được giao (Task). Các công việc sẽ không có giá trị nếu chúng không mang lại các kết quả cụ thể.
  • CV quá dài: Như MarketingTrips đã đề cập ở trên, một CV tiêu chuẩn chỉ nên dài tối đa 2 hoặc 3 trang.
  • CV không sử dụng phần “Giới thiệu” (references): Đây là phần ứng viên thể hiện rằng họ tự tin với hình ảnh cá nhân của họ dưới góc nhìn của các nhà lãnh đạo hay cấp trên ở các tổ chức hay doanh nghiệp mà họ từng làm việc. Ứng viên càng tự tin với các lời giới thiệu tử các cấp trên cũ trước đây thì họ càng có năng lực hoặc ít nhất họ là người chính trực và trung thực, đức tính rất quan trọng với nhiều nhà tuyển dụng.
  • CV sử dụng các thông tin cá nhân không phù hợp: Một sai lầm hãy lỗi phổ biến khác trong các bản CV xin việc đó là ứng viên sử dụng các địa chỉ email không phù hợp. Tốt nhất, các ký tự trong email nên chuyên nghiệp và KHÔNG sử dụng các câu từ không phù hợp với môi trường làm việc.

Kết luận.

Trên đây là tất cả những gì bạn cần biết khi tìm hiểu về thuật ngữ CV (Curriculum Vitae)  hay còn được gọi là “Hồ sơ ứng tuyển” hoặc “Hồ sơ xin việc”.

Trong khi tuỳ vào từng bối cảnh tuyển dụng hay xin việc cụ thể mà các bản CV cần được viết và trình bày theo những cách khác nhau, bằng cách hiểu bản chất thực sự của CV là gì hay những thông tin cơ bản cần có trong một CV xin việc, bạn có nhiều cơ hội hơn để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, có được việc làm và thăng tiến xa hơn nữa trong sự nghiệp.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

TikTok ra mắt ‘Resumes’ để giúp kết nối ứng viên với các cơ hội công việc mới

Bạn đang tìm kiếm một công việc và một cách mới để trở nên nổi bật hơn với các nhà tuyển dụng ? ‘TikTok Resumes‘ là một sự lựa chọn cho bạn.

TikTok ra mắt 'Resumes' để giúp kết nối ứng viên với các cơ hội công việc mới
TikTok ra mắt ‘Resumes’ để giúp kết nối ứng viên với các cơ hội công việc mới

Nền tảng mới này hiện được thử nghiệm ở Mỹ, cho phép mọi người đăng các bản giới thiệu công việc cá nhân của họ thông qua các video trên TikTok.

Theo giải thích của TikTok:

“TikTok Resumes là một chương trình thử nghiệm được thiết kế để tiếp tục mở rộng và phát triển TikTok như một kênh mới để tuyển dụng và khám phá việc làm.

Chúng tôi đang hợp tác với một số các công ty và mời những người tìm việc đăng ký ứng tuyển với một số nhà tuyển dụng được tìm kiếm nhiều nhất, bao gồm Chipotle, Target, WWE, Alo Yoga, Shopify, Contra, Movers + Shakers, và nhiều công ty khác, với sơ yếu lý lịch là video TikTok.”

Trong khi TikTok đang tìm cách để chuyển sang lĩnh vực tuyển dụng và tìm cách hỗ trợ ứng viên thiết kế CV của họ, động thái này không phải là một điều gì đó bất ngờ – nhưng cũng thật thú vị khi thấy nền tảng vốn được coi là ‘thuần giải trí’ này đang tìm cách mở rộng sang công việc phát triển sự nghiệp.

Quá trình đăng tải ‘Sơ yếu lý lịch TikTok’ khá đơn giản – các ứng viên sử dụng các video TikTok để giới thiệu các kỹ năng và kinh nghiệm của họ, sau đó đăng chúng lên ứng dụng với hashtag #TikTokResumes trong chú thích của họ.

Ngoài ra còn có một trang website TikTok Resumes chuyên dụng, nơi bạn có thể lấy cảm hứng và các mẹo cho video cá nhân của mình, đồng thời xem chi tiết các công việc mà bạn có thể ứng tuyển. (xem hình bên dưới).

Ban đầu, nghe có vẻ hơi kỳ lạ và các doanh nghiệp sẽ không mấy hứng thú với cách tuyển người thông qua các video clip dài 60 giây.

Tuy nhiên, khi xem xét kỹ, nó cũng có thể thực sự phù hợp với xu hướng sử dụng video rộng rãi cũng như sự phát triển của những nội dung dạng ngắn.

Theo ghi nhận của The Washington Post:

“TikTok, được biết đến rộng rãi với nền tảng video dạng ngắn dài 15 giây đang nhanh chóng nổi lên như một lực lượng trong hệ sinh thái tìm kiếm việc làm vào thời điểm tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, một thế hệ mới đang tìm kiếm những công việc đầu tiên.”

TikTok nói rằng các video sử dụng hashtag #careeradvice đã tạo ra hơn 80 triệu lượt xem video mỗi ngày, trong khi các nhà tư vấn nghề nghiệp như Tessa White cũng đang tận dụng các video ngắn, hấp dẫn để đưa ra các mẹo hữu ích.

Vì vậy, với điều kiện mọi người đã và đang tìm cách sử dụng TikTok để kết nối với các cơ hội việc làm, thì việc cung cấp một nền tảng tương tự là rất hợp lý.

Về bản chất, nó thực sự có ý nghĩa hơn nhiều so với việc đăng một sơ yếu lý lịch truyền thống trên LinkedIn cho một số ngành nhất định.

Mặc dù còn quá sớm để nhận xét TikTok Resumes có phải là một ‘nền tảng tuyển dụng kiểu mới’ phù hợp với xu thế hay không, nhưng rõ ràng cách mà TikTok đang tiếp cận là rất sáng tạo, đúng như bản chất ‘nền tảng giải trí’ của chính nó.

Chương trình đang chấp nhận hồ sơ video cho các đợt tuyển dụng tại Mỹ từ ngày 7 tháng 7 đến ngày 31 tháng 7.

Bạn có thể xem chi tiết TikTok Resumes tại: TikTok Resumes

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Cách viết CV khiến Google, BuzzFeed và hơn 20 Start-up hàng đầu tại Mỹ phải gọi bạn phỏng vấn ngay

Theo một nghiên cứu cho thấy bạn có 65% khả năng được tuyển khi được doanh nghiệp mời đi phỏng vấn

Thế nhưng, làm sao bạn có thể nắm chắc 65% cơ hội ấy giữa hàng trăm thậm chí nghàn ứng cử viên tiềm năng khác?

Dưới đây, bài viết sẽ cho bạn thấy rằng cách bạn Katie Simon khiến Google, BuzzFeed và hơn 20 công ty Start-up hàng đầu tại Mỹ phải gọi đi phỏng vấn ngay.

Điều gì đã khiến Katie Simon trở thành ứng viên tiềm năng, được các tập đoàn lớn tại Mỹ chú ý và mời đi phỏng vấn? Nếu nhìn thoáng qua, cách làm CV của Katie Simon khá đơn giản, có phần cơ bản và không khác gì các bản CV có sẵn trên mạng.

Phác thảo CV bằng những câu hỏi.

Trước khi lên kế hoạch làm CV cho bản thân, bạn cần phải làm rõ mục tiêu của bạn. Bạn viết CV không phải chỉ để cho bằng bạn bằng bè, mà việc viết CV này sẽ giúp bạn có được công việc mà bạn muốn.

Thế nên, bạn cần chuẩn bị những câu hỏi tương tự bên dưới cho mình:

  • Những câu hỏi nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn trong buổi phỏng vấn là gì?
  • Bạn sẽ ghi điểm với họ bằng cách nào?
  • Điểm mạnh bạn muốn nhà tuyển dụng thấy là gì?
  • Những điểm yếu cần khắc phục là gì?

Nhà tuyển dụng sẽ không biết thêm bất kỳ thông tin nào về bạn ngoại trừ những thông tin được đưa vào CV. Vì vậy bạn cần phải cân nhắc và chọn lọc thật kỹ trước những thông tin bạn sẽ đưa vào.

Loại bỏ những thứ không cần thiết.

Như đã đề cập bên trên những thông tin bạn đưa vào trong lúc làm CV là rất quan trọng. Bạn nên tránh đưa những thông tin không cần thiết, tránh sử dụng những từ ngữ tối nghĩa hoặc không liên quan.

Bởi vì một CV được đánh giá chuyên nghiệp sẽ gói gọn các thông tin trong vòng 1 trang giấy A4 hoặc nhiều nhất là 2 trang.

Bên cạnh đó, ở mỗi chữ mỗi câu bạn sắp viết, bạn nên đặt câu hỏi cho mình “Liệu nhà tuyển dụng có thấy được tiềm năng của mình khi đọc những thông tin này?”.

Kinh nghiệm làm việc cần ngắn gọn, súc tích.

Trong phần kinh nghiệm làm việc, bạn nên đưa ít hơn 3 ý ở mỗi mục để nhà tuyển dụng nắm bắt thông tin nhanh chóng hơn.

Ví dụ mẫu kinh nghiệm của Content Intern 

  • Tăng lượt truy cập trang web và chuyển KIP bằng chiến lược SEO
  • Viết 5 bài viết mỗi tuần (trung bình 2 bài cho người tìm việc) và tổng số lên tới 50 bài
  • Hướng dẫn đồng nghiệp những phím tắt trong HTML và WordPress để giúp họ làm việc hiệu quả hơn

Bạn nên đưa những công việc chính bạn làm và nắm rõ nhất vào CV vì nhà tuyển dụng sẽ dựa vào những ý đó để đặt ra câu hỏi cho bạn.

Thế nên, hãy đảm bảo rằng bạn hiểu tất tần tật về công việc bạn làm và không bị ngập ngừng trước những câu hỏi nhà tuyển dụng đặt ra.

Nhấn mạnh kết quả trước sau đó tới kỹ năng.

Hầu hết các nhà tuyển dụng muốn thấy những thành tựu mà bạn có và mong chờ những con số cụ thể nhất có thể. Ví dụ: “Tăng 40% lượt theo dõi và 600% tổng lượt tiếp cận trên trang Facebook công ty” thay vì “Quản lý trang Facebook và Twitter của công ty”.

Mặt khác, nếu bạn muốn nhấn mạnh kỹ năng của mình, tốt hơn bạn nên đưa phần việc chính của mình lên đầu.

Ví dụ: “Tăng lượt truy cập trang web và chuyển KIP bằng chiến lược SEO (Search Engine Optimization)” thay vì “Sử dụng chiến lược SEO để tăng lượt truy cập”.

Hướng nhà tuyển dụng tới những nguồn thông tin khác từ bạn.

Bạn sẽ không thể nào đưa tất cả thông tin về bạn trong một trang giấy A4 được. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là hướng họ đến các trang mạng xã hội của bạn như LinkedIn, Facebook, blog, online portfolios, Github, Twitter, Instagram …

Và tất nhiên là những trang bạn đưa ra phải thật chuyên nghiệp và có sự đầu tư nhất định.

Thoát khỏi những vỏ bọc không cần thiết.

Trong phần “Kinh nghiệm làm việc”, bạn nên đưa từ một đến hai công việc gần nhất nhưng phải phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển.

Tuyệt đối không đưa các công việc không liên quan vào CV (Curriculum Vitae) cho dù bạn không có nhiều kinh nghiệm nổi bật. Sẽ không có nhà tuyển dụng nào quan tâm đến việc bạn “bán bánh Pizza như thế nào” hay “bạn từng làm Bí thư Đoàn trường” oai phong ra sao đâu.

“Nồi nào úp vung nấy”

Nếu bạn đang trong quá trình tìm kiếm việc, bạn nên thiết kế nhiều mẫu CV xin việc khác nhau cho từng công ty bạn ứng tuyển.

Việc này nghe có vẻ tốn rất nhiều thời gian nhưng nó sẽ không tốn nhiều như bạn nghĩ đâu. Hãy chuẩn bị cho mình danh sách các ý bạn có thể thay đổi.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn | MarketingTrips 

CEO một công ty tuyển dụng lớn: “Một CV hoàn hảo nên có những điều này”

Đã đến lúc bạn xem xét lại CV ‘đã cũ’ của mình và cập nhật mới dựa vào 6 lời khuyên sau đây từ một trong những công ty tuyển dụng hàng đầu.

tuyển dụng
Getty Images

Cho dù hiện tại bạn có đang tìm kiếm một công việc hay không, thì việc chuẩn bị sẵn một bản sơ yếu lý lịch (CV) ấn tượng luôn là điều tốt.

Ông Gary Burnison, CEO của Korn Ferry, một công ty tuyển dụng và tư vấn ‘săn đầu người’ hàng đầu thế giới đã chia sẻ về những thứ mà ông cho rằng nên có trong một CV (Curriculum Vitae) ấn tượng.

1. Nó dễ đọc.

Ông Burnison cho biết: “Một bản sơ yếu lý lịch dài vài trang được tổ chức tốt nên có nhiều khoảng trắng để tương phản với tên công ty được in đậm, có tiêu đề vị trí công việc in nghiêng và chi tiết công việc trong gạch đầu dòng.

Nó cần đơn giản và dễ dàng khi tương tác.

Sau nhiều năm làm việc nhóm tuyển dụng của Procter & Gamble (P&G), tôi có thể nói rằng những bản sơ yếu lý lịch đơn giản với “ít điều cần nói” đáng nhớ hơn những bản sơ yếu lý lịch có rất nhiều điều để nói, đơn giản là chỉ vì chúng dễ đọc hơn.”

Bạn không thể nhớ những gì bạn không thể dễ dàng khi đọc đó.

2. Nó kể một câu chuyện rõ ràng về sự tiến bộ của bản thân bạn.

Những sơ yếu lý lịch xuất sắc nhất có một hành trình sự nghiệp rất rõ ràng để người khác có thể theo dõi.

Ông Burnison gọi nó là “mô hình bậc thang” của sự phát triển sự nghiệp: không có khoảng thời gian nào không giải thích được và rõ ràng từ trên xuống dưới.

“Những bản sơ yếu lý lịch tốt nhất mà tôi từng thấy, kể một câu chuyện về sự tiến bộ.”

3. Trách nhiệm công việc được phản chiếu bằng thành tích.

Bất cứ ai cũng có thể cho bạn biết trách nhiệm công việc của họ là gì. Tuy nhiên, chắc chắn rằng bạn sẽ không nhớ nó trong năm phút sau đó trừ khi họ làm cho những trách nhiệm đó trở nên đáng nhớ bằng cách nêu bật những gì họ đã đạt được trong mỗi trách nhiệm.

“Khi tôi điều hành một nhóm tuyển dụng, nếu thành tích (so với trách nhiệm) đủ ấn tượng, ứng viên sẽ nhận được lời mời tham dự phỏng vấn. Tôi luôn thăm dò để đảm bảo rằng thành tích của ứng viên sẽ không xảy ra nếu không có họ trong tổ chức.”

4. Nó không hề phóng đại hoặc nói sai sự thật.

Ông Burnison cho biết một bản sơ yếu lý lịch tốt nhất mà ông từng thấy cũng bao gồm những thứ mà chính ông thừa nhận là chưa từng nghĩ đến trước đây.

Các liên kết đến trang LinkedIn của ứng viên hay một blog cá nhân chuyên nghiệp để giúp họ dễ dàng được kiểm tra là các ‘điểm cộng’ nên có trong hồ sơ.

Kiểm tra sự thật và tham chiếu thường xảy ra mọi lúc trong quá trình tuyển dụng.

5. Nó sử dụng động từ mang tính hành động thay vì những lời nói sáo rỗng.

Ông Burnison nói:

“Không có gì khiến mắt tôi lướt nhanh hơn khi đọc một Hồ sơ xin việc khi tôi nhìn thấy những ngôn ngữ nhàm chán và quá sáo rỗng kiểu như ‘tham vọng’ hay ‘sáng tạo‘”.

“Tôi nhận thấy rằng các từ chỉ hành động giúp bạn hình dung ứng viên trong hành động tốt hơn chỉ là dừng lại ở việc ‘suy nghĩ’ hay ‘mong muốn’.”

6. Nó có một lời giới thiệu.

Hồ sơ của bạn đến với nhà tuyển dụng thông qua sự giới thiệu chắc chắn sẽ làm cho nó trở nên có sức mạnh và nổi bật hơn nhiều.

Burnison cho biết: “Hãy làm bất cứ điều gì cần thiết để gặp gỡ ai đó trong công ty mà bạn muốn ứng tuyển, tạo mối quan hệ và sau đó tận dụng mối quan hệ đó để đưa hồ sơ của bạn lên bàn của người quyết định.”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Top những câu hỏi ‘sáng giá’ bạn nên hỏi nhà tuyển dụng khi phỏng vấn (P2)

Nếu bạn hỏi, “Những thách thức của vị trí này là gì?” và người phỏng vấn nói rằng “không có bất kỳ điều gì cả” thì bạn nên cân nhắc khả năng phát triển bản thân với vị trí đó, nó có thể là rất thấp.

Các cuộc phỏng vấn xin việc thường diễn ra một cách căng thẳng vì chúng có những ý nghĩa rất quan trọng với doanh nghiệp. Người phỏng vấn thường sẽ kết thúc bằng câu hỏi: “Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?”

Đặt những câu hỏi có giá trị và đáng suy nghĩ không chỉ giúp bạn trở nên khác biệt với tư cách là một ứng viên sáng giá mà còn giúp bạn xác định xem liệu bạn có hạnh phúc khi làm việc cho công ty đó hay không.

Teri Hockett, một chiến lược gia về nghề nghiệp, trao đổi với Insider: “Chính quá trình đặt câu hỏi sẽ thay đổi hoàn toàn cục diên của cuộc phỏng vấn cũng như nhận thức của người quản lý tuyển dụng về bạn. Đặt câu hỏi cũng mang lại cho bạn cơ hội khám phá những chi tiết mà bạn có thể chưa được tiết lộ.”

Dưới đây là TOP những câu hỏi thông minh để bạn có thể lựa chọn.

11. Quy trình đưa ra quyết định của anh/chị về vị trí này như thế nào? và khi nào tôi có thể nhận được phản hồi?

Điều này cho họ biết bạn đang quan tâm đến vị trí và mong muốn nghe quyết định của họ.

Hoover nói: “Biết được quy trình xét tuyển của công ty là mục tiêu cuối cùng của bạn trong quá trình phỏng vấn sau khi xác định được sự phù hợp của bạn với vị trí và liệu bạn có thích văn hóa của công ty đó hay không”.

12. Anh/chị có thể cho tôi biết có những bước nào cần phải hoàn thành trước khi công ty của anh/chị sửa đổi hay đưa ra lời đề nghị không?

Một giải pháp thay thế mạnh mẽ cho câu hỏi về quy trình ra quyết định tuyển dụng – hỏi về một lời đề nghị (offer) thay vì một quyết định sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về điều gì xảy ra tiếp theo, bởi vì “quyết định” là nghĩa rộng, trong khi “đề nghị” đề cập đến thời điểm doanh nghiệp sẵn sàng kí hợp đồng với bạn.

13. Anh/chị có băn khoăn gì về trình độ của tôi không?

Mặc dù câu hỏi này khiến bạn rơi vào tình thế ‘dễ bị tổn thương’, nhưng nó cho thấy rằng bạn đủ tự tin để cởi mở và thảo luận về những thứ ngay cả điểm yếu của mình với nhà tuyển dụng tiềm năng.

14. Tôi có thể cung cấp bất cứ điều gì khác để giúp anh/chị đưa ra quyết định của mình một cách chắc chắn hơn không?

Câu hỏi đơn giản này rất lịch sự khi hỏi và nó có thể giúp bạn yên tâm khi biết rằng bạn đã bao quát tất cả mọi thứ bạn cần trao đổi, Hoover nói – “nó thể hiện sự nhiệt tình và háo hức đồng thời cũng thể hiện một chút ‘đánh bóng bản thân’ từ bạn.”

15. Anh/chị cho điểm công ty mình như thế nào về việc công ty đang phát triển theo các giá trị cốt lõi của nó? Một điều anh/chị đang làm để cải thiện nó là gì?

Đây là một cách tôn trọng để hỏi về những thiếu sót trong công ty – điều mà bạn nên biết trước khi gia nhập. Điều này cũng cho thấy rằng bạn đang chủ động muốn tìm hiểu thêm về hoạt động nội bộ của doanh nghiệp trước khi bạn là một thành viên chính thức.

16. Những thách thức của vị trí này là gì?

Nếu người phỏng vấn nói, “Không có gì cả”, bạn nên xem xét khả năng phát triển bản thân của vị trí đó. Và ngược lại, nếu vị trí đó có nhiều thách thức và cơ hội, nó dành cho bạn.

17. Nếu anh/chị tuyển tôi, tôi có thể mong đợi điều gì trong một ngày làm việc điển hình nhất của mình?

Điều này cho thấy sự háo hức của bạn về vị trí này. Nó cho bạn ý tưởng tốt hơn về công việc hàng ngày của mình sẽ như thế nào từ đó bạn có thể quyết định xem mình có muốn theo đuổi nó hay không.

Một cuộc trò chuyện thẳng thắn về kỳ vọng và trách nhiệm của vị trí sẽ không chỉ đảm bảo rằng đây là công việc bạn muốn mà còn đảm bảo rằng bạn có đủ kỹ năng để thành công.

18. Những nhân viên trước đây đã làm gì để thành công ở vị trí này?

Điểm chính của câu hỏi này là để người phỏng vấn của bạn tiết lộ cách công ty đo lường thành công của vị trí họ kì vọng.

19. Kiểu nhân viên nào có xu hướng thành công ở công ty mình? Những phẩm chất nào là quan trọng nhất để làm tốt và thăng tiến tại công ty?

Câu hỏi này cho người phỏng vấn thấy rằng bạn quan tâm đến tương lai của mình tại công ty và nó cũng sẽ giúp bạn quyết định xem mình có phù hợp với vị trí này hay không.

Một khi người phỏng vấn cho bạn biết họ đang tìm kiếm điều gì ở một ứng viên, hãy hình dung người đó trong mắt bạn. Người ấy, càng giống bạn càng tốt.

20. Anh/chị nhìn thấy công ty mình sẽ ở đâu trong 5 năm nữa?

Đây là một câu hỏi hay cho những người được phỏng vấn bởi vì với tư cách là một ứng viên, nếu bạn biết được người đang phỏng vấn đang hướng đến đâu, bạn có thể quyết định xem quỹ đạo đó có phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của mình hay không.

Hết phần 2 !

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn | MarketingTrips