Skip to main content

Thẻ: APPLE

Sếp Apple nghỉ việc vì phải quay lại văn phòng

Ian Goodfellow, Giám đốc máy học của Apple, cho biết ông không đồng ý với yêu cầu buộc nhân viên phải đến văn phòng nên quyết định nghỉ việc.

Goodfellow thông báo rời Apple sau ba năm gia nhập công ty. Trong email gửi đồng nghiệp, Goodfellow nói việc Apple thay đổi quy định, buộc nhân viên phải đến văn phòng là một vấn đề.

“Tôi tin làm việc linh hoạt là chính sách tốt nhất với nhóm của tôi”, Goodfellow viết.

Theo hồ sơ trên LinkedIn, Goodfellow gia nhập Apple vào tháng 3/2019 với vị trí “Giám đốc Học máy trong Nhóm dự án đặc biệt”. Ông lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Montreal năm 2014.

Trước khi đầu quân cho Apple, ông làm việc tại hai phòng thí nghiện AI hàng đầu thế giới là Deepmind của Google và OpenAI của tỷ phú Elon Musk.

Ở Google, ông là nhà khoa học nghiên cứu cấp cao về trí tuệ nhân tạo. Tại OpenAI, Goodfellow được trả hơn 800.000 USD/năm.

Goodfellow được coi là cha đẻ của phương pháp tiếp cận AI mang tên GAN (Generative Adversarial Networks – Mạng đối kháng sinh mẫu). Phương pháp này cho hai mạng nơ-ron cạnh tranh với nhau để cải thiện độ chính xác của hệ thống.

Đây được xem là phương pháp có khả năng sinh ra dữ liệu gần giống thật nhất. Ngày nay các sản phẩm của nó được biết nhiều đến dưới dạng deepfake.

Apple yêu cầu nhân viên đến văn phòng thường xuyên từ tháng 4, sau hai năm làm việc từ xa do Covid-19. Chính sách trở lại văn phòng của Apple được đánh giá nghiêm ngặt hơn so với nhiều công ty công nghệ lớn khác.

Trong khi Meta, Google và Amazon vẫn đang xem xét cho một số nhóm nhân viên làm việc từ xa lâu dài, CEO Tim Cook của Apple yêu cầu tất cả nhân viên đến văn phòng ít nhất một ngày mỗi tuần từ 11/4, nâng lên hai ngày mỗi tuần từ 2/5 và ba ngày từ 23/5.

Trên Blind, ứng dụng cho phép nhân viên của các công ty lớn thảo luận bán ẩn danh, một số nhân viên Apple khẳng định sẽ nộp đơn xin nghỉ vào ngày trở lại văn phòng. “Tôi sẽ đến để chào và gặp gỡ mọi người rồi gửi đơn từ chức khi về nhà” một nhân viên Apple nói.

Người này cho hay, anh không muốn đến công ty vì quãng đường xa và phải gò ép mình tám tiếng mỗi giờ trong văn phòng. Nhiều người khác ủng hộ quyết định này và cho biết họ cũng sẽ làm như vậy.

Trong một thông báo vào tháng 3, Tim Cook thừa nhận một số nhân viên công ty không muốn trở lại văn phòng. “Nhiều người trong số các bạn mong đợi việc quay lại làm việc tại trụ sở từ lâu.

Đây là cột mốc quan trọng và là dấu hiệu tích cực cho thấy chúng ta có thể gắn kết đầy đủ hơn với đồng nghiệp trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có một số xem cột mốc này là thay đổi đáng lo ngại”, New York Post dẫn lời Cook.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Mức tăng trưởng doanh thu của Facebook chậm lại

Cuộc chiến ở Ukraine, lạm phát gia tăng và thay đổi kinh tế vĩ mô rộng lớn là những thách thức khiến hãng công nghệ Mỹ phải xem lại kế hoạch tuyển dụng nhân sự.

Mức tăng trưởng doanh thu của Facebook chậm lại

Theo CNBC, Meta, công ty mẹ của Facebook, đang chậm lại tốc độ tuyển dụng vì tăng trưởng doanh thu của công ty hiện ở mức yếu nhất trong lịch sử và những thách thức kinh doanh khách quan bên ngoài thế giới đang diễn ra.

“Chúng tôi thường xuyên đánh giá lại nguồn nhân lực theo nhu cầu kinh doanh và dựa trên hướng dẫn chi phí được đưa ra cho giai đoạn thu nhập này.

Chúng tôi đang chậm lại tốc độ tuyển dụng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển lực lượng lao động để đảm bảo việc tập trung vào tác động lâu dài”, người phát ngôn của Meta viết trong email hôm 4.5.

Trong báo cáo thu nhập hồi tuần trước, Meta dự báo doanh thu cả năm có khả năng giảm trong quý 2/2022.

Giám đốc tài chính Meta David Wehner nhấn mạnh một số vấn đề mà công ty đang phải đối mặt và cho biết chi tiêu trong năm sẽ từ 87 đến 92 tỉ USD, giảm so với dự báo trước đó là từ 90 đến 95 tỉ USD.

Theo một nguồn tin khác, Meta dự định ngừng hoặc chậm tuyển dụng đối với hầu hết vai trò cấp trung và cấp cao, sau khi ngừng bổ sung các kỹ sư cấp cao trong những tuần gần đây. Khó khăn bắt đầu nổi lên vào năm ngoái khi người dùng từ bỏ các ứng dụng của Facebook.

Tháng 2.2022, Meta cho biết lượng người dùng hoạt động hằng ngày đã giảm liên tiếp lần đầu tiên trong quý 4/2021, dù con số đó đã tăng dần trở lại vào quý 1/2022.

Nhìn chung, ngành kinh doanh truyền thông kỹ thuật số còn bị ảnh hưởng do lo ngại về kinh tế vĩ mô và tình hình chiến sự Nga – Ukraine.

“Chúng tôi đã trải qua sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng nhiều hơn nữa sau khi Nga bắt đầu kế hoạch quân sự nhằm vào Ukraine, do mất doanh thu ở Nga cũng như giảm nhu cầu quảng cáo ở cả châu Âu và bên ngoài khu vực.

Chúng tôi tin rằng cuộc xung đột đã gây biến động mạnh đối với bối cảnh kinh tế vĩ mô vốn đã không chắc chắn cho các nhà quảng cáo”, ông Wehner nói trong báo cáo thu nhập hồi tuần trước.

Bên cạnh đó, ông Wehner cũng nhắc lại với các nhà đầu tư rằng thay đổi quyền riêng tư mà Apple thực hiện trên các thiết bị iOS vào năm ngoái sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu, sau khi dự đoán động thái này sẽ làm giảm 10 tỉ USD doanh thu trong năm nay của Meta.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Facebook sẽ mất 12,8 tỷ USD doanh thu quảng cáo vì ATT của iOS

Gần 12 tháng sau khi Apple công bố tính năng bảo mật mới trên iPhone, một phân tích cho rằng Facebook sẽ chịu thiệt hại hơn chục tỷ USD trong năm nay.

Facebook sẽ mất 12,8 tỷ USD doanh thu quảng cáo vì ATT của iOS

Apple ra mắt tính năng minh bạch theo dõi ứng dụng (App Tracking Transparency – ATT) trong iOS 14 vào ngày 26/4/2021. Ngay lập tức, nó tác động mạnh đến các doanh nghiệp có mô hình hoạt động dựa vào doanh thu quảng cáo, chẳng hạn như Quảng cáo Facebook.

Đến tháng 7, chuyên gia của công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo Consumer Acquisition ước tính động thái của Apple có thể gây giảm doanh thu từ 15%-20% cho các nhà quảng cáo.

Đầu năm nay, CEO Mark Zuckerberg thừa nhận Facebook sẽ tổn thất 10 tỷ USD trong năm 2022 vì ATT. Trước đó, cổ phiếu tập đoàn mẹ của Snapchat sụt giảm 25% vào tháng 10/2021 do những lo ngại về tính năng bảo mật mới trên iPhone.

Giờ đây, một phân tích của công ty nghiên cứu Lotame nói rằng ATT đang tiếp tục tác động xấu đến Facebook và các doanh nghiệp có mô hình hoạt động dựa vào quảng cáo.

Cùng với ATT, Apple ngừng sử dụng công nghệ IDFA (định danh cho nhà quảng cáo) cũ. Thay vào đó, họ giới thiệu khuôn khổ mới để trợ giúp các nhà quảng cáo và chúng đang được vận hành.

“Chúng tôi nghĩ rằng sự thay đổi của IDFA sẽ khiến các công ty thiệt hại 16 tỷ USD. Phần lớn trong số đó (81%) là tác động đến Facebook”, Lotame nêu trong phân tích của họ.

Con số 81% ảnh hưởng đến Facebook trị giá khoảng 12,8 tỷ USD. Lotame ước tính phần thiệt hại doanh thu còn lại gồm 546 triệu USD của Snap, 323 triệu USD đối với Twitter và 2,2 tỷ USD đến từ YouTube.

Tuy nhiên, Lotame mô tả cả Snap và Twitter đều đã “vượt qua” tình hình. Chẳng hạn, mỗi bên đang thích ứng với việc sử dụng các hệ thống đo lường mới do Apple cung cấp.

Bản thân Facebook cũng nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc vào Apple. Họ tìm cách cung cấp cho đối tác quảng cáo những công cụ mới, mang lại hiệu quả cao hơn.

Mặc dù dự báo các công ty hoạt động dựa vào mô hình kinh doanh quảng cáo thiệt hại 16 tỷ USD trong năm nay, Lotame tuyên bố sẽ ngừng nghiên cứu về chủ đề này.

Họ cho rằng sẽ có những tác động khác, xảy ra trong nửa cuối năm 2022, khiến cho ATT không còn ảnh hưởng quá lớn đến ngành quảng cáo trực tuyến.

Xem thêm:

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Apple ngừng bán hàng tại Nga

Apple thông báo dừng bán mọi sản phẩm, cũng như giới hạn quyền truy cập đến các dịch vụ kỹ thuật số của hãng tại Nga.

Apple ngừng bán hàng tại Nga

“Chúng tôi quyết định ngừng mọi hoạt động nhập sản phẩm vào các kênh bán hàng ở Nga. Apple Pay và các dịch vụ khác đã bị hạn chế. Ứng dụng RT News và Sputnik News không còn có sẵn để tải xuống từ App Store bên ngoài nước Nga”, Apple cho biết ngày 1/3.

“Chúng tôi cũng vô hiệu hóa tính năng về giao thông theo thời gian thực trên Apple Maps ở Ukraine như một biện pháp phòng ngừa và an toàn cho công dân Ukraine”.

Ngày 26/2, trên tài khoản Twitter, Mykhailo Fedorov, Phó thủ tướng Ukraine, cho biết đã liên hệ Tim Cook, CEO Apple, kêu gọi hãng ngừng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tại Nga, đồng thời chặn quyền truy cập từ Nga vào kho ứng dụng App Store.

Ông Fedorov hoan nghênh quyết định mới nhất của Apple, nhưng tiếp tục thúc giục công ty chặn quyền truy cập App Store ở Nga.

Trước đó, từ cuối tháng 2, Google Maps cũng đã vô hiệu hóa tính năng cập nhật tình hình giao thông theo thời gian thực tại Ukraine. Google không giải thích nguyên nhân, nhưng trả lời Reuters hôm 27/2, hãng cho biết sẽ “hành động vì sự an toàn của cộng đồng tại Ukraine” sau khi tham vấn các nguồn, gồm cả chính quyền địa phương.

Facebook và Instagram cũng bắt đầu hạn chế nội dung từ Nga. Các kênh truyền thông của nhà nước Nga bị hạ cấp trong nguồn dữ liệu của Facebook và không được thuật toán đề xuất nội dung trên nền tảng.

Ngược lại, Nga cũng đã giới hạn truy cập vào Facebook và Instagram ở nước này sau khi mạng xã hội lớn nhất thế giới từ chối việc ngừng dán nhãn cảnh báo và kiểm duyệt nội dung của các kênh truyền thông thuộc chính phủ.

Như Phúc (theo CNN)

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nhóm Big Tech đang trỗi dậy mạnh mẽ

Giữa thời điểm môi trường kinh doanh có nhiều dấu hiệu tiêu cực, các ông lớn công nghệ vẫn đạt mức tăng trưởng đáng ganh tỵ, hứa hẹn một sự trỗi dậy mạnh mẽ trong tương lai gần.

Nhóm Big Tech đang trỗi dậy mạnh mẽ

Thời gian gần đây, nhiều công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ gặp khó khăn trên thị trường chứng khoán. Một số chỉ có biến động nhẹ, giá cổ phiếu của Apple và Google sụt giảm hơn 6%, trong khi Netflix và Meta – tập đoàn mẹ của Facebook, đã mất khoảng 1/3 giá trị.

Theo New York Times, cổ phiếu nhóm doanh nghiệp công nghệ là động lực tăng trưởng quan trọng của thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm 2021.

Vì vậy, sự suy giảm này kéo theo sắc đỏ ở nhiều sàn giao dịch lớn. Chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 7% kể từ đầu năm.

Trỗi dậy từ hỗn loạn.

Các nhà đầu tư có lý do để lo lắng. Sự bùng phát của chủng Omicron, tình trạng lạm phát, khả năng lãi suất, nguy cơ xảy ra chiến tranh ở Ukraine, biểu tình kéo dài của người Canada… có thể tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới. Các ông lớn công nghệ cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực.

Tuy nhiên, trong vài tuần qua, khi một số tập đoàn lần lượt công bố kết quả kinh doanh những tháng cuối năm 2021, có thể nhận thấy dấu hiệu của cuộc trỗi dậy vừa bắt đầu xuất hiện.

Amazon, Apple, Google và Microsoft – 4 công ty Mỹ thuộc nhóm có giá trị hơn 1.000 tỷ USD, trong đó Microsoft trên 2.000 tỷ USD và Apple gần 3.000 tỷ USD – đã công bố mức tăng trưởng đáng ghen tị trong năm 2021.

Ngay cả với cái tên “gây thất vọng” là Facebook, lợi nhuận của họ trong năm 2021 cũng tăng 35%.

Sau tất cả những gì xảy ra khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có vẻ như các ông lớn công nghệ đã sẵn sàng mở rộng phạm vi tiếp cận và tầm ảnh hưởng của mình đối với phần còn lại của nền kinh tế.

Nhiều người không bất ngờ về việc các công ty công nghệ hoạt động tốt trong đại dịch. Covid-19 khiến chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho thiết bị, sản phẩm và dịch vụ công nghệ. Tuy nhiên, quy mô tăng trưởng của họ vẫn đáng kinh ngạc.

Theo The Verge, doanh thu của Apple trong năm 2021 đạt 350 tỷ USD, tăng hơn 90 tỷ USD (tương đương 33%) so với cùng kỳ, bất chấp tình trạng thiếu chip bán dẫn tác động xấu đến ngành công nghệ toàn cầu.

Doanh số bán hàng của Amazon trong năm 2021 tăng 67% so với năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Tương tự, doanh thu của Google cũng tăng hơn 60% sau 2 năm.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng những tập đoàn có quy mô khổng lồ như Apple, Amazon, không thể duy trì tỷ lệ tăng trưởng quá cao trong thời gian dài, theo “quy luật số lớn”. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy họ tiếp tục “phạm luật”.

Sau khi chạm mốc vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD vào năm 2018, Apple tiếp tục tăng trưởng phi mã, hướng đến con số 3.000 tỷ USD trong năm nay. Các ông lớn công nghệ khác trong nhóm nghìn tỷ cũng chưa có dấu hiệu chững lại.

Dư địa phát triển còn lớn.

Điều gì thúc đẩy sự tăng trưởng kinh ngạc của những gã khổng lồ công nghệ? Theo New York Times, nguyên nhân không chỉ dừng lại ở chỗ đại dịch làm gia tăng việc sử dụng công nghệ, một vấn đề lớn hơn là nó đã minh chứng cho chúng ta thấy còn nhiều tiềm năng bổ sung công nghệ vào cuộc sống hàng ngày.

Mảng kinh doanh Dịch vụ của Apple là một ví dụ. Bộ phận này bao gồm App Store, Apple Pay, iCloud, Music và Apple TV.

Mô hình hoạt động cốt lõi của Táo khuyết từ trước đến nay là bán phần cứng. Họ đã thu lợi nhuận khổng lồ từ việc này. Tuy nhiên, doanh số iPhone sẽ giảm sau một thời gian nhất định.

Chu kỳ nâng cấp đối với người dùng đang kéo dài ra, trong khi mỗi thế hệ ra mắt sau chỉ có một số cải tiến nhỏ. Trong quý cuối năm 2021, Apple bán được số iPhone nhiều hơn cùng kỳ 9%, không còn cao ở mức 2 con số như những năm trước.

Do đó, Apple ngày càng chú trọng phát triển các dịch vụ trực tuyến khác để duy trì tăng trưởng. Theo báo cáo năm 2020, doanh thu trên App Store tăng 24%.

Giám đốc Tài chính Apple, Luca Maestri tiết lộ công ty có 785 triệu người dùng trả phí cho các gói dịch vụ khác nhau, tăng 165 triệu trong năm 2021. Để so sánh, dịch vụ xem phim Netflix hiện có 222 triệu thuê bao.

Điều tương tự cũng đang diễn ra đối với các gã khổng lồ công nghệ khác. Họ tìm cách thu hút thêm khách hàng ở mảng kinh doanh truyền thống, đồng thời mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực khác.

Giờ đây, Amazon không chỉ là sàn thương mại điện tử khổng lồ, mà còn là nhà cung cấp dịch vụ máy chủ đám mây lớn nhất thế giới.

Bộ phận Amazon Web Services mang lại 71 tỷ USD mỗi năm. Hoạt động kinh doanh quảng cáo của họ cũng tạo ra 31 tỷ USD trong năm 2021.

Con số 31 tỷ USD chỉ là một phần nhỏ, chưa đến 10% doanh thu hàng năm của Amazon, nhưng nếu so với các công ty công nghệ có mô hình kinh doanh dựa phần lớn vào quảng cáo như Snap hay Pinterest, nó gấp hàng chục lần.

Dan Ives và John Katsingris, chuyên gia phân tích tại công ty đầu tư Wedbush Securities, cho rằng những gì chúng ta đang thấy chỉ là khởi đầu cho sự tăng trưởng bùng nổ trong thời gian dài của các ông lớn công nghệ.

Họ ước tính, các công ty trên toàn cầu sẽ chi 1.000 tỷ USD cho các dịch vụ đám mây trong những năm tới. Điều đó có nghĩa là còn dư địa rất lớn để các tập đoàn công nghệ tiếp tục phát triển và lớn mạnh.

Theo đánh giá của Ives, chỉ riêng mảng Dịch vụ của Apple có thể trị giá đến 1.500 tỷ USD trong tương lai. Ông và các chuyên gia khác gọi sự bùng nổ đầu tư sắp tới vào lĩnh vực công nghệ chính là biểu hiện rõ ràng của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Nguyễn Hiếu – Theo New York Times

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Google tiếp tục tạo sức ép lên các hoạt động quảng cáo của Facebook

Google lên kế hoạch thực hiện các thay đổi về quyền riêng tư trên Android, tương tự cách Apple đã áp dụng với iOS.

Google tiếp tục tạo sức ép lên các hoạt động quảng cáo của Facebook

Hôm 16/2, Google thông báo sẽ áp dụng biện pháp bảo mật nhằm hạn chế việc chia sẻ dữ liệu người dùng trên smartphone Android.

Gã khổng lồ trên lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo số hứa hẹn dành thời gian để các công ty khác thích ứng, không gây xáo trộn cho hoạt động kinh doanh.

Theo New York Times, Google chưa công bố lộ trình cụ thể đối với những thay đổi về quyền riêng tư, nhưng cam kết tiếp tục hỗ trợ các tính năng, công nghệ hiện tại ít nhất 2 năm tiếp theo.

Tăng quyền riêng tư của người dùng trên Android.

Cụ thể, Google đang xem xét một số phương pháp tiếp cận, chú trọng đến quyền riêng tư trong Android.

Họ cho phép nhà phát triển đánh giá hiệu suất của chiến dịch quảng cáo và hiển thị quảng cáo được cá nhân hóa dựa trên hành vi hoặc sở thích, cũng như cung cấp các công cụ mới để hạn chế theo dõi thông qua ứng dụng. Google không tiết lộ thêm về cách thức hoạt động của các giải pháp này.

Là một phần của những thay đổi, Google có kế hoạch loại bỏ ID quảng cáo, một tính năng theo dõi trong Android giúp các nhà quảng cáo biết người dùng đã nhấp vào quảng cáo hay mua sản phẩm, cũng như theo dõi sở thích và hoạt động của họ.

Công ty cũng cho phép người dùng chọn không tham gia quảng cáo được cá nhân hóa bằng cách xóa số nhận dạng theo dõi.

Ông Anthony Chavez, Phó chủ tịch bộ phận Android của Google, cho biết các ứng dụng của riêng Google sẽ không có đặc quyền truy cập vào dữ liệu hoặc tính năng của Android mà không nêu rõ cách thức hoạt động.

Điều này khẳng định lại cam kết của họ với các cơ quan quản lý ở Anh về việc không dành ưu đãi cho các sản phẩm của chính mình.

Công ty không đưa ra thời hạn chính thức để loại bỏ ID quảng cáo, nhưng cam kết giữ nguyên hệ thống hiện có trong 2 năm.

Google sẽ cung cấp các phiên bản thử nghiệm của đề xuất mới đến các nhà quảng cáo, trước khi phát hành phiên bản hoàn thiện hơn trong năm nay.

Trước thông báo này, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Chavez cho rằng còn quá sớm để đánh giá những tác động xảy ra khi Google hạn chế chia sẻ dữ liệu của ứng dụng cho bên thứ 3. Ông nhấn mạnh mục tiêu của công ty là tìm ra lựa chọn riêng tư hơn cho người dùng, đồng thời vẫn cho phép các nhà phát triển kiếm tiền từ quảng cáo.

Tác động mạnh đến thị trường Internet.

Đầu tháng 2, trong buổi công bố báo cáo tài chính quý IV/2021, Meta (công ty mẹ của Facebook) cho biết lợi nhuận giảm 8% và dự đoán sẽ thiệt hại 10 tỷ USD trong năm 2022 do những thay đổi về quyền riêng tư của iOS.

Theo tính toán của Business Insider, so với thời điểm Apple bắt đầu thực hiện quy định mới về quyền riêng tư trên iOS, vốn hóa thị trường của các ông lớn công nghệ có mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo, gồm Meta, Snapchat, Twitter và Pinterest sụt giảm tổng cộng 315 tỷ USD.

Vào tháng 4/2021, Apple đã cập nhật iOS, đưa vào tính năng cho phép người dùng chọn chấp nhận cho bên thứ 3 – trong đó có các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Twitter – thu thập và chia sẻ dữ liệu hay không.

Về cơ bản, họ loại bỏ tùy chọn này ở bên trong menu cài đặt, đưa vào thông báo dạng bật lên khi người dùng mở ứng dụng có kèm quảng cáo nhắm mục tiêu.

Là 2 nhà cung cấp nền tảng dành cho smartphone lớn nhất thế giới, Google và Apple tác động lớn đến những gì ứng dụng di động có thể làm trên hàng tỷ thiết bị.

Những thay đổi để tăng quyền riêng tư hoặc cung cấp cho người dùng quyền kiểm soát tốt hơn đối với dữ liệu của họ khiến các công ty thu thập dữ liệu phải tăng chi phí bán quảng cáo cá nhân hóa theo sở thích và nhân khẩu học.

Quảng cáo kỹ thuật số dựa trên việc tích lũy dữ liệu về người dùng đã tồn tại trên Internet trong 20 năm qua.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Người dùng ngày càng nghi ngờ hơn về việc thu thập dữ liệu sâu rộng, trong bối cảnh các gã khổng lồ công nghệ không còn được tin tưởng.

Sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa Apple và Google xuất phát từ mô hình kinh doanh cơ bản của họ. Apple tạo ra phần lớn doanh thu từ việc bán thiết bị, trong khi Google chủ yếu kiếm tiền từ việc bán quảng cáo kỹ thuật số và có thể cởi mở hơn trong việc xem xét nhu cầu của các nhà quảng cáo.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh (Theo Zing)

Các hãng công nghệ lớn trước nguy cơ thoái trào

Một số chuyên gia nhận định các công ty Big Tech như Facebook, Google, Alibaba… đang bước vào giai đoạn xuống dốc.

Các hãng công nghệ lớn trước nguy cơ thoái trào

“Cần thận trọng khi tiếp cận những công ty như Meta và Alphabet, bởi họ đang ở giai đoạn ‘xế chiều’. Tất cả đều đáng hứng chịu nhiều vấn đề”, Viktor Shvets, Giám đốc chiến lược toàn cầu và châu Á của tập đoàn tài chính Macquarie Capital, khuyến cáo. Ông cũng đề cập tình trạng tương tự với Apple và Alibaba.

Theo Shvets, các vấn đề cản trở những tập đoàn này tiếp tục tiến xa bao gồm áp lực chính trị, kinh tế và công nghệ mới nổi. “Hãy cẩn thận với các nền tảng kỹ thuật số lớn, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội làm giàu trong phần còn lại của thế giới công nghệ”, ông nói.

Canh bạc công nghệ.

Hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ và Trung Quốc đã phải đối mặt với sự kiểm soát gắt gao từ giới chức những năm gần đây.

Chính phủ Trung Quốc năm ngoái trấn áp nhiều công ty công nghệ, áp dụng đạo luật mới trong các lĩnh vực như chống độc quyền và bảo vệ dữ liệu. Cổ phiếu của Tencent, Alibaba và Didi đã bị bán tháo hồi năm ngoái khi những tập đoàn này lọt vào tầm ngắm.

Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden năm ngoái cũng ký sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế những hành vi phản cạnh tranh của Big Tech.

Ngoài áp lực từ cơ quan quản lý, Shvets cho rằng một lý do quan trọng hơn là thế giới đang dần chuyển dịch từ công nghệ thế hệ hai sang thế hệ ba. Câu hỏi là ai sẽ sống sót qua đợt chuyển dịch quy mô lớn này.

“Bài học cho thấy chỉ một vài công ty đủ sức tồn tại sau quá trình này. Microsoft là tập đoàn công nghệ duy nhất thành công khi chuyển từ thế hệ một sang thế hệ hai.

Gần như không ai khác làm được điều đó. Hiện chưa rõ nền tảng kỹ thuật số nào có cơ hội và đủ năng lực, dù là Meta, Google hay Alibaba“, ông nói.

Shvets không nêu chi tiết đợt chuyển dịch thế hệ ba sẽ đi kèm những công nghệ gì. Tuy nhiên, sức hút liên quan tới các xu hướng như metaverse, blockchain, Web 3.0… đã bắt đầu nóng lên từ cuối năm ngoái.

Meta, Apple, Microsoft và Google đều đang nỗ lực thúc đẩy quá trình tung ra sản phẩm phần cứng và dịch vụ liên quan tới vũ trụ ảo metaverse.

Tuy nhiên, các tập đoàn Big Tech được cho là quá lớn và chậm chuyển mình hơn so với các công ty mới nổi trong việc tận dụng cơ hội và đón nhận xu hướng mới.

Một sự thực đang diễn ra ở Thung lũng Sillicon là các công ty công nghệ lớn gặp khó khăn trong việc giữ chân hoặc thu hút nhân tài.

Theo New York Times, gày càng nhiều các giám đốc điều hành và nhà phát triển cấp cao rời công ty có tên tuổi để chuyển sang các doanh nghiệp nhỏ hơn về tiền điện tử và dự án công nghệ phi tập trung khác.

Sự cạnh tranh dữ dội ở Trung Quốc.

Trong khi đó, các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc chịu áp lực quản lý rất lớn, đi kèm là sức cạnh tranh từ hàng loạt đối thủ hùng mạnh, theo Roderick Snell, Giám đốc đầu tư ở công ty quản lý Baillie Gifford.

“Vấn đề lớn nhất với các tập đoàn công nghệ như Alibaba hay Tencent luôn là thị trường cạnh tranh dữ dội trong những lĩnh vực mới nổi.

Tencent đã mất 40% thị phần quảng cáo trên mạng xã hội vào tay đối thủ trong 3-4 năm qua. Đó là lo ngại lớn nhất, khi ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh”, ông nói.

Điệp Anh (theo CNBC)

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Vốn hóa dưới 600 tỉ USD giúp Facebook tránh bị giám sát chống độc quyền

Vốn hóa thị trường vừa bị thu hẹp của Facebook có thể sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho gã khổng lồ công nghệ, đó là khả năng tránh bị giám sát chống độc quyền.

Vốn hóa dưới 600 tỉ USD giúp Facebook tránh bị giám sát chống độc quyền
Source: Your Hop

Theo CNBC, cổ phiếu giảm 2,1% hôm 8.2 đã đưa mức vốn hóa thị trường của Facebook xuống còn 599,32 tỉ USD. Đây là lần đầu tiên hãng công nghệ Mỹ có mức vốn hóa thị trường dưới 600 tỉ USD kể từ tháng 5.2020.

Tuy nhiên, 600 tỉ USD vốn hóa thị trường cũng là con số mà các nhà lập pháp Hạ viện Mỹ chọn làm ngưỡng cho một “nền tảng được bảo hiểm”, trong một gói các dự luật cạnh tranh được thiết kế đặc biệt nhắm mục tiêu đến Big Tech.

Nếu duy trì ở dưới ngưỡng đó, Facebook có thể tránh được rào cản bổ sung từ các dự luật, trong khi những hãng công nghệ có vốn hóa lớn hơn như Amazon, Alphabet, Apple và thậm chí là Microsoft phải tuân theo quy tắc mới.

Có thể sẽ mất khá nhiều thời gian để bất kỳ dự luật nào trở thành luật. Ngay cả khi được thiết lập từ ban đầu, mọi thứ vẫn có thể được sửa đổi.

Các nền tảng công nghệ có khả năng tiếp tục đi theo luật cũ trong một khoảng thời gian, sau khi có quy định mới về ngưỡng vốn hóa thị trường.

Một dự luật của Thượng viện, gần đây đã được Ủy ban Tư pháp thông qua, thực sự có ngưỡng vốn hóa thị trường thấp hơn so với dự luật của Hạ viện, ở mức 550 tỉ USD.

Phiên bản của Hạ viện về dự luật nói rằng khi các nhà quản lý liên bang chỉ định một nền tảng theo quy định của pháp luật, công ty đó phải có doanh thu ròng hằng năm hoặc vốn hóa thị trường là 600 tỉ USD, được điều chỉnh theo lạm phát, tại thời điểm đó hoặc trong 2 năm trước khi chỉ định hoặc tố tụng được đưa ra.

Trong khi đó, phiên bản của Thượng viện cho biết vốn hóa thị trường đối với một nền tảng được bảo hiểm phải dựa trên “mức trung bình đơn giản của giá đóng cửa giao dịch trên mỗi cổ phiếu phổ thông, do người đó phát hành cho những ngày giao dịch trong khoảng thời gian 180 ngày kết thúc vào ngày ban hành dự luật”.

Hiện có một dự luật có thể tác động đáng kể đến Facebook, nếu công ty được coi là nền tảng được bảo hiểm vào thời điểm dự luật thông qua, đó là Đạo luật cơ hội và cạnh tranh nền tảng (Platform Competition and Opportunity Act). Dự luật này sẽ khiến những nền tảng được bảo hiểm khó thâu tóm đối thủ tiềm năng trẻ hơn.

Facebook đang đấu tranh với một vụ kiện chống độc quyền theo luật hiện hành của Ủy ban Thương mại Liên bang, cáo buộc công ty đã sử dụng việc mua lại Instagram và WhatsApp để duy trì quyền lực độc quyền.

Nếu Đạo luật cơ hội và cạnh tranh nền tảng trở thành luật, thì Facebook thậm chí khó thực hiện các thương vụ mua lại tương tự trong tương lai.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Một thay đổi của Apple cuốn bay 315 tỷ USD

Kể từ khi Apple áp dụng quy định mới về quyền riêng tư trên iOS, vốn hóa thị trường của 4 tập đoàn công nghệ lớn đã mất hàng trăm tỷ USD.

Một thay đổi của Apple cuốn bay 315 tỷ USD

Theo Business Insider, so với tháng 4/2021, thời điểm Apple bắt đầu thực hiện quy định mới về quyền riêng tư trên iOS, vốn hóa thị trường của Meta (công ty mẹ của Facebook), Snapchat, Twitter và Pinterest sụt giảm tổng cộng 315 tỷ USD.

Meta – tập đoàn đứng sau Facebook, Instagram và WhatsApp – được xem là “nạn nhân” chịu ảnh hưởng nặng nhất. Vốn hoá thị trường của doanh nghiệp này giảm từ 861 tỷ USD xuống còn 656 tỷ USD, tức mất đi 205 tỷ USD.

3 ông lớn còn lại trong lĩnh vực mạng xã hội cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh. Snapchat, Twitter và Pinterest mất đi lần lượt 51 tỷ USD26 tỷ USD và 33 tỷ USD.

Trong buổi báo cáo tài chính hôm 3/2, Meta công bố lợi nhuận quý IV/2021 giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 10,3 tỷ USD mặc dù doanh thu tăng 20%. Con số thực tế thua xa mức dự đoán 10,9 tỷ USD của các chuyên gia tại phố Wall.

Bên cạnh một số nguyên nhân khác nhau, việc Apple thay đổi chính sách quyền riêng tư trên iOS có tác động trực tiếp đến kết quả này. Thậm chí, nó còn tiếp tục kéo dài trong tương lai.

Trong buổi họp với cổ đông, CEO Mark Zuckerberg đánh giá các cập nhật của hệ điều hành iOS, cũng như nhiều quy định mới tại châu Âu khiến cho khoản doanh thu từ quảng cáo sụt giảm.

Theo Giám đốc Tài chính Meta, David Wehner, trong năm 2022 tập đoàn có thể mất 10 tỷ USD vì chính sách của Apple khiến họ khó phân phối quảng cáo nhắm mục tiêu hơn.

“Giống như các doanh nghiệp khác trong ngành, chúng tôi phải đối mặt với những khó khăn do thay đổi iOS. Apple đã tạo ra 2 thách thức cho các nhà quảng cáo: một là giảm độ chính xác của quảng cáo nhắm mục tiêu, đội thêm chi phí để gia tăng hiệu quả quảng cáo; hai là việc đo lường kết quả trở nên khó khăn hơn”, Sheryl Sandberg, Giám đốc vận hành Meta, giải thích thêm.

Vào tháng 4/2021, Apple đã cập nhật iOS, đưa vào tính năng cho phép người dùng chọn chấp nhận cho bên thứ 3 – trong đó có các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Twitter – thu thập và chia sẻ dữ liệu hay không.

Về cơ bản, họ loại bỏ tùy chọn này ở bên trong menu cài đặt, đưa vào thông báo dạng bật lên khi người dùng mở ứng dụng có kèm quảng cáo nhắm mục tiêu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Lượng người dùng Facebook hằng ngày đang tụt giảm

Theo báo cáo tài chính quý 4/2021, số lượng người dùng Facebook hoạt động hằng ngày đã có sự sụt giảm đáng kể lần đầu tiên kể từ khi thành lập vào năm 2004.

Lượng người dùng Facebook hằng ngày đang tụt giảm

Cụ thể, số lượng người dùng hằng ngày của Facebook đạt 1,929 tỉ, giảm nhẹ so với con số 1,93 tỉ người dùng trong quý trước đó (quý 3/2021).

Trong 18 năm thành lập và phát triển, Facebook luôn tăng trưởng lượng người dùng hằng ngày ở mức ổn định và chưa từng ghi nhận sự suy giảm theo từng quý.

Chia sẻ về kết quả báo cáo tài chính quý 4/2021, Giám đốc điều hành Meta, Mark Zuckerberg, cho biết doanh số của công ty đã bị ảnh hưởng khi người dùng, đặc biệt là giới trẻ, đã rời bỏ Facebook để đến với các nền tảng đối thủ như TikTok.

Theo góc nhìn của các chuyên gia độc lập, việc người dùng trẻ không chọn Facebook đã chỉ rõ nền tảng mạng xã hội này đang dần thiếu sự phù hợp với giới trẻ.

Sau tin tức về sự sụt giảm nói trên, kết hợp với những yếu tố như sự cạnh tranh gay gắt của các nền tảng đối thủ (YouTube, TikTok), khách hàng cắt giảm chi tiêu quảng cáo và Apple thay đổi chính sách quyền riêng tư, cổ phiếu của Meta trượt giá 20%.

Hệ quả, Meta đã “bay màu” khoảng 200 tỉ USD. Giám đốc tài chính Meta, Dave Wehner, nhận định những thay đổi này ảnh hưởng tiêu cực đến quảng cáo trên Facebook và Instagram, có thể ‘’lên đến 10 tỉ USD’’ trong năm nay.

Báo cáo tài chính của Meta cho biết tổng doanh thu, phần lớn đến từ việc quảng cáo, đã tăng lên 33,67 tỉ USD trong giai đoạn vừa qua, cao hơn đôi chút so với những dự đoán trước đó. Thế nhưng, dự báo doanh thu trong kỳ tiếp theo chỉ trong khoảng 27 – 29 tỉ USD, thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích rất nhiều.

Mặc dù Meta đã đầu tư riêng vào video để cạnh tranh với TikTok do gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance sở hữu, nhưng trên thực tế, khoản lợi nhuận thu về lại thấp hơn nhiều so với nguồn cấp dữ liệu Facebook và Instagram.

Kỳ vọng vào Metaverse, giới đầu tư nghi ngờ.

Zuckerberg thừa nhận sự phát triển nhanh chóng, bền vững của TikTok và cho rằng cạnh tranh trực tiếp với nền tảng này không phải là hướng đi đúng. T

hay vào đó, vị CEO quả quyết đầu tư vào video và thực tế ảo sẽ thành công, như những lần trước đây công ty đã đặt cược vào quảng cáo trên điện thoại di động và trên tính năng story của Instagram.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư hoàn toàn có lý do để lo lắng về Meta trong thời điểm hiện tại. Meta đổi tên vì muốn tập trung vào vũ trụ ảo metaverse.

Thế nhưng, trên thực tế thì Meta vẫn chưa xây được một metaverse riêng và vẫn phải tiếp tục “gồng lỗ” cho Reality Labs. Chỉ tính riêng quý 4/2021, Reality Labs lỗ 3,3 tỉ USD.

Reality Labs có nhiệm vụ xây dựng tầm nhìn của Mark Zuckerberg về siêu vũ trụ ảo metaverse.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Facebook mất 10 tỷ USD doanh thu quảng cáo vì iOS mới

Lợi nhuận quý IV của Meta sụt giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cổ phiếu Facebook “bốc hơi” 23% trong một giờ vì phản ứng của thị trường.

Facebook thất thu vì iOS mới

Rạng sáng 3/2, Meta, công ty mẹ Facebook công bố báo cáo tài chính quý IV/2021, trong đó ghi nhận khoản sụt giảm 8% lợi nhuận. Ngay lập tức, giá cổ phiếu Meta trên sàn giao dịch Nasdaq bị bán tháo mạnh, giảm 23% về mức 249 USD/cổ phiếu.

Facebook thất thu vì iOS mới.

Cuối tháng 10/2021, Facebook thông báo đổi tên thương hiệu của mình thành Meta và công bố chiến lược xây dựng vũ trụ ảo (metaverse).

Trong buổi họp công bố tình hình kinh doanh, CEO Mark Zuckerberg cho biết ban lãnh đạo quyết định đầu tư 10 tỷ USD vào bộ phận thực tế ảo Reality Labs. Khoản đầu tư này gấp 5 lần số tiền họ bỏ ra để sáp nhập hãng kính thực tế ảo Oculus vào năm 2014.

Khoản tiền khổng lồ này nhằm phục vụ cho tầm nhìn metaverse của ban lãnh đạo. Tuy nhiên, Mark Zuckerberg đã nhận trái đắng khi lựa chọn trở thành người tiên phong.

Đây là năm đầu tiên mà Meta công bố kết kết quả hoạt động của các bộ phận phát triển thiết bị và phần cứng. Trước đây, do các mảng cơ sở hạ tầng chỉ chiếm phần thiểu số trong kết quả kinh doanh nên Facebook không công bố con số chính thức.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2021, Meta sụt giảm 8% lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 10,3 tỷ USD mặc dù doanh thu tăng 20%. Con số thực tế thua xa mức dự đoán 10,9 tỷ USD của các chuyên gia tại phố Wall.

Trong buổi họp với cổ đông nhằm công bố kết quả kinh doanh quý IV, Mark Zuckerberg đánh giá các cập nhật của hệ điều hành iOS, cũng như nhiều quy định mới tại châu Âu khiến cho khoản doanh thu từ quảng cáo sụt giảm.

Meta dự đoán mức thiệt hại từ các lý do trên lên đến 10 tỷ USD.

Facebook chia sẻ họ gặp khó trong việc theo dõi hành vi người dùng iPhone sau khi phiên bản iOS 14.5 với tính năng cho phép người dùng kiểm soát dữ liệu của mình được phát hành. “Chúng tôi đang xây dựng lại thuật toán đặt quảng cáo nhằm thích nghi với những thay đổi”, ông Zuckerberg chia sẻ.

Cú đánh úp từ các đối thủ tại thung lũng Silicon và khoản đầu tư vào vũ trụ ảo chưa đem lại nhiều tín hiệu khả quan khiến Meta gặp nhiều gian nan. “Đến lúc Facebook nên xem xét lại chiến lược metaverse của họ”, Raj Shah, nhà phân tích mảng công nghệ tại công ty tư vấn Publicis Sapient nhận định.

Mark Zuckerberg, CEO Meta thừa nhận với các nhà đầu tư rằng giai đoạn sắp tới còn nhiều khó khăn. “Dù kế hoạch đã được thiết lập kỹ lưỡng, con đường đi đến mục tiêu không hề bằng phẳng”, ông Zuckerberg bình luận.

Đối thủ của Facebook không đứng yên.

Trong nhiều năm qua, Facebook cố gắng thoát khỏi sự lệ thuộc vào Apple và kiểm duyệt nội dung chặt chẽ hơn.

Theo New York Times, kể từ khi thay đổi thương hiệu, Meta đã tái cấu trúc toàn bộ tập đoàn và đưa ra chính sách thúc đẩy nhân viên tập trung vào các dự án thực tế ảo.

Vũ trụ ảo vẫn sẽ chiếm dụng ngân sách của Meta do ngày càng nhiều đối thủ trong lĩnh vực công nghệ tuyên bố tham gia cuộc đua.

Thương vụ sáp nhập Activision Blizzard trị giá 70 tỷ USD là phát súng đáp trả của Microsoft. Ban lãnh đạo công ty này cho biết đây là viên gạch đầu tiên cho vũ trụ ảo phiên bản Microsoft.

Google cũng tham gia đường đua bằng việc chính thức thành lập bộ phận blockchain nhằm nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phục vụ cho thế hệ Internet thứ 3. Apple được cho là sẽ ra mắt dòng kính thực tế ảo của họ vào cuối năm 2022.

Cũng trong buổi họp, ông Zuckerberg chia sẻ Tiktok là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Meta bên cạnh các đại gia công nghệ tại Mỹ.

Ông David Wehner, Giám đốc tài chính của Meta bổ sung rằng bản cập nhật iOS mới giúp cho Google dễ dàng quảng cáo hơn. Quý IV/2021, Alphabet, công ty mẹ của Google tăng 36% lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

Facebook lần đầu tiên ghi nhận lượng người dùng hàng ngày giảm. Theo báo cáo quý IV/2021, ứng dụng mạng xã hội sụt giảm 1 triệu người dùng trong 3 tháng qua.

Tuy nhiên, lượng người dùng hàng tháng trên các ứng dụng thuộc nhà Meta đã tăng 9%, đạt mốc 3,59 tỷ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Chuỗi giá trị – Hệ sinh thái và các quy luật mới về chiến lược kinh doanh (P2)

Những nhà lãnh đạo của các công ty theo mô hình Chuỗi giá trị thường tập trung vào một nhóm nhỏ các chỉ số đo lường sức khỏe doanh nghiệp.

Source: UnSplash

Ở phần 1, chúng ta đã thấy được sự cần thiết và quá trình chuyển từ mô hình Chuỗi giá trị sang mô hình Hệ sinh thái của các công ty, tập đoàn lớn, cũng như sức mạnh của Hiệu ứng mạng lưới – động lực phát triển chính của mô hình Hệ sinh thái.

Trong phần 2, nhóm tác giả sẽ tiếp tục bàn luận về việc mô hình Hệ sinh thái đã thay đổi việc xây dựng chiến lược như thế nào; các yếu tố quan trọng của mô hình này mà các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý.

Mô hình Hệ sinh thái đã thay đổi việc xây dựng chiến lược như thế nào?

Đối với mô hình Chuỗi giá trị, 5 nhân tố cạnh tranh thường cố định và rõ ràng. Ví dụ, nếu bạn sở hữu một công ty sản xuất xi măng hoặc một hãng hàng không, việc hiểu và nắm rõ khách hàng, cũng như đối thủ cạnh tranh của bạn sẽ không có gì quá khó khăn.

Bên cạnh đó, ranh giới giữa các nhà cung cấp, người dùng và các đối thủ cũng được vạch ra rõ ràng. Tuy nhiên với mô hình Hệ sinh thái, ranh giới giữa họ khá mỏng manh và vai trò của họ có thể thay đổi nhanh chóng. Chúng ta sẽ nói về vấn đề này ngay sau đây.

Những thế lực & động lực trong hệ sinh thái.

Các thành viên của mô hình Hệ sinh thái như người dùng, nhà sản xuất và nhà cung cấp là những người tạo ra giá trị cho công ty. Tuy nhiên, họ cũng có thể dễ dàng bỏ đi nếu nhận thấy nhu cầu của mình được đáp ứng tốt hơn ở nơi khác.

Hoặc tệ hơn, họ sẽ tự tạo một nền tảng mới và đối đầu trực tiếp với nền tảng trước đây mình từng tham gia. Trường hợp của công ty Zynga là một ví dụ. Trước đây họ từng là nhà sản xuất game trên Facebook, sau này họ đã tự tạo một nền tảng game online riêng.

Tương tự, với Amazon và Samsung, họ là những nhà cung cấp các thiết bị cho hệ sinh thái Android và họ cũng đang cố gắng tạo nên những phiên bản hệ điều hành của riêng mình để lôi kéo khách hàng sử dụng các sản phẩm của họ.

Với mô hình Hệ sinh thái, việc thay đổi vai trò của những bên tham gia có thể mang tính “gia tăng” hoặc “sụt giảm”. Ví dụ, người dùng và nhà sản xuất hoán đổi vị trí sẽ giúp tạo nên giá trị cho hệ sinh thái.

Hôm nay người dùng có thể sử dụng dịch vụ Uber và trở thành tài xế Uber vào hôm sau; khách du lịch có thể sử dụng dịch vụ của Airbnb và trở thành chủ nhà trong hệ thống của Airbnb sau đó. Ngược lại, các nhà cung cấp có khả năng đem lại sự sụt giảm, đặc biệt khi họ quyết định cạnh tranh trực tiếp với người chủ hệ sinh thái.

Điều này có thể nhìn thấy ở Netflix, họ là một nhà cung cấp nội dung trong hệ sinh thái của các công ty viễn thông.

Tuy nhiên, nhờ dễ dàng kiểm soát sự tương tác của người dùng với những nội dung của mình, khi người dùng dần chuyển sang xem các nội dung của Netflix nhiều hơn, các nội dung khác trong hệ sinh thái sẽ phải nhường sân ít nhiều cho họ, khiến giá trị thu về của các nhà cung cấp khác trong nền tảng bị sụt giảm, trong lúc Netflix vẫn tiếp tục xây dựng một hệ sinh thái của riêng mình.

Từ những lập luận trên, các công ty hoạt động theo mô hình Hệ sinh thái luôn cần khuyến khích các hoạt động làm tăng giá trị và theo dõi những hoạt động có thể làm sụt giảm giá trị chung của Hệ sinh thái. Điều này chính là một thách thức trong việc quản lý mà chúng ta sẽ phân tích sâu hơn.

Các động lực được tạo ra bởi các hệ sinh thái.

Những công ty theo đuổi mô hình Chuỗi giá trị thường gặp khó khăn khi bước chân vào những thị trường mới. Tuy nhiên điều này thường không xảy ra với những công ty hoạt động theo mô hình Hệ sinh thái, thậm chí việc nhảy sang một lĩnh vực kinh doanh mới là việc khá dễ dàng với họ.

Đơn cử như Google đã vươn mình từ một công cụ tìm kiếm sang các lĩnh vực như bản đồ, hệ điều hành điện thoại, hệ thống thiết bị nhà ở thông minh, xe hơi không người lái, công nghệ nhận diện giọng nói. Grab đã chuyển từ một app đặt xe sang đặt tất cả mọi thứ, dựa trên các đối tác tài xế và lượng người dùng lớn.

Chính vì khả năng chuyển đổi linh hoạt nên đối thủ cạnh tranh chính yếu của họ cũng sẽ thay đổi. Ví dụ như thương hiệu đồng hồ Swatch có thể đã biết rất rõ cách để cạnh tranh với thương hiệu Timex, nhưng hiện tại, khi Apple cũng tham gia vào thị trường đồng hồ cao cấp thì Swatch lại có thêm một đối thủ mới.

Tương tự, thương hiệu Siemens hiện đang cạnh tranh với thương hiệu Honeywell trong ngành hàng thiết bị cảm biến nhiệt (báo cháy), nhưng hiện tại lại phải đối mặt với một đối thủ mới đáng gờm: Google’s Nest.

Các đối thủ cạnh tranh thường thuộc 3 loại sau đây.

  • Trường hợp đầu tiên, họ có thể sở hữu một hệ sinh thái với “hiệu ứng mạng lưới” khổng lồ, sử dụng các mối quan hệ của mình với hệ thống khách hàng để gia nhập vào thị trường của bạn. Thông thường, mỗi sản phẩm đều có những đặc tính riêng và các mô hình hệ sinh thái có điểm đặc trưng là các cộng đồng và các công ty đối tác. Họ có thể tận dụng những cộng đồng thuộc hệ sinh thái của mình để tiến vào một thị trường mới. Ví dụ, từ các mối quan hệ, các giá trị mà Google mang lại cho người dùng cũng như sự hứng thú với các lĩnh vực có liên quan đến Internet và công nghệ, Siemens có thể dự đoán được việc Google sẽ gia nhập vào thị trường đồ gia dụng thông minh (không chỉ riêng sản phẩm bộ cảm ứng nhiệt).
  • Trường hợp thứ hai là một công ty có thể nhắm đến khách hàng của đối thủ bằng cách đưa ra những dịch vụ, đề nghị hoàn toàn mới và tận dụng lợi thế “hiệu ứng mạng lưới” của mình để tăng sức cạnh tranh. Trường hợp của Airbnb và Uber khi nhảy vào thị trường khách sạn và taxi là một ví dụ điển hình.
  • Trường hợp cuối cùng là khi các hệ sinh thái cùng lưu trữ các dữ liệu tương tự với công ty của bạn đột nhiên tham gia vào thị trường của bạn. Khi một tập dữ liệu được nhiều công ty kiểm soát các phần khác nhau của nó thì sự cạnh tranh giữa các công ty nhìn có vẻ không-liên-quan-đến-nhau có thể sẽ xảy ra. Điều này đang diễn ra trong ngành chăm sóc sức khỏe, nơi các nhà cung cấp, sản xuất truyền thống của các sản phẩm đeo tay như Fitbit và các hiệu thuốc bán lẻ như Walgreens đều đang tự xây dựng các nền tảng riêng dựa trên dữ liệu về sức khỏe chung của thị trường. Họ đều có khả năng sẽ cạnh tranh để giành quyền kiểm soát nhiều loại dữ liệu hơn cũng như các mối quan hệ đi kèm.

Trọng tâm.

Các giám đốc của mô hình Chuỗi giá trị thường tập trung vào việc tăng doanh số. Đối với họ, số lượng hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ (cũng như doanh thu và lợi nhuận từ hàng hóa) là các con số cần tập trung.

Đối với mô hình Hệ sinh thái, trọng tâm được chuyển sang sự tương tác – trao đổi các giá trị giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng thuộc hệ sinh thái đó.

Đơn vị trao đổi, ví dụ như một view của video hoặc một like của một bài viết có thể quá nhỏ đến mức số tiền thu từ 1 lượt like, lượt view là không đáng kể.

Tuy nhiên, số lượt tương tác và các “hiệu ứng mạng lưới” liên quan vẫn là nguồn lực tuyệt đối cho lợi thế cạnh tranh của mô hình này.

Đối với các mô hình Hệ sinh thái, chiến lược trọng yếu là xây dựng, thiết kế giải pháp, sản phẩm đủ mạnh để thu hút những người tham gia, tạo nên được những hoạt động tương tác chính và khuyến khích các “hiệu ứng mạng lưới” mạnh mẽ.

Thông thường, các giám đốc thường gặp vấn đề ở khâu này khi quá tập trung vào các hoạt động tương tác không phù hợp. Có lẽ việc chúng ta nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệu ứng mạng, số lượng các hoạt động tương tác đã gây ra phản ứng ngược.

Thực chất việc đảm bảo giá trị của các tương tác giữa các thành viên nên được chú trọng hơn số lượng tương tác.

Hầu hết các mô hình Hệ sinh thái thành công đều chỉ tập trung vào một hoạt động tương tác chính. Hoạt động này giúp tạo ra giá trị cao cho công ty, dù vào những ngày đầu, giá trị hình thức này mang lại không cao.

Tiếp đó, họ có thể nhảy sang các thị trường liên quan hoặc tiếp cận các hoạt động tương tác liên quan, nhằm tăng cả về mặt giá trị và doanh số.

Facebook là một ví dụ, họ ra đời với chỉ một mối quan tâm duy nhất (kết nối các sinh viên tại Harvard) và sau đó mở rộng nền tảng thành kết nối sinh viên các trường và hiện tại là kết nối mọi người từ khắp nơi trên thế giới.

LinkedIn bắt đầu từ một trang web kết nối cho nhân sự chuyên nghiệp và sau này tham gia vào các thị trường khác như tuyển dụng, xuất bản và nhiều loại hình dịch vụ khác.

Tiếp cận và quản trị.

Trong thế giới của mô hình Chuỗi giá trị, chiến lược của họ xoay quanh việc loại bỏ các rào cản. Tuy nhiên đối với mô hình Hệ sinh thái, mặc dù việc bảo vệ doanh nghiệp khỏi các mối đe dọa là quan trọng nhưng trọng tâm của chiến lược chuyển từ loại bỏ rào cản sang vấn đề sản xuất và tiêu thụ với mục đích tối đa hóa giá trị tạo ra.

Do vậy, các nhà lãnh đạo sử dụng mô hình Hệ sinh thái cần phải đưa ra những lựa chọn thông minh trong việc tiếp cận (quyết định thành viên tham gia) và quản trị (quản lí hành vi, tương tác giữa người tiêu dùng, nhà sản xuất, nhà cung cấp và thậm chí là đối thủ trong nền tảng của mình).

Mô hình Hệ sinh thái là tập hợp gồm các quy tắc và cấu trúc. Những người chủ của mô hình này cần xác định độ mở của hai yếu tố trên.

Một cấu trúc mở cho phép người dùng truy cập những tài nguyên của hệ sinh thái như các công cụ phát triển ứng dụng và tạo nên các nguồn lực mới có khả năng tạo thêm giá trị. Hình thức quản lý mở cho phép người dùng tự quyết định quy tắc thương mại và chia sẻ lợi ích trong hệ sinh thái.

Dù người đặt ra quy tắc là ai thì một hệ thống chia sẻ lợi ích công bằng vẫn là yếu tố then chốt. Nếu người quản lý mở rộng cấu trúc nhưng không mở rộng chia sẻ lợi ích thì những người tham gia tiềm năng (các nhà phát triển ứng dụng) dù có khả năng tham gia nhưng họ không hề có động lực để tiếp tục.

Ngược lại nếu người quản lý mở rộng các quy tắc và tăng lợi ích nhưng giữ cấu trúc hệ sinh thái đóng thì những người tham gia tiềm năng dù có động lực để duy trì nhưng khả năng tham gia của họ lại bị giảm.

Do đó việc điều chỉnh độ mở của hai yếu tố trên thường không cố định. Các hệ sinh thái thường mở đầu với một cấu trúc gần như đóng hoàn toàn và quản lí chặt.

Sau đó, họ dần mở rộng đồng thời giới thiệu những loại tương tác mới cũng như các nguồn giá trị mới. Tuy nhiên mỗi hệ sinh thái cần phải kích thích sự tương tác giữa nhà sản xuất và người dùng, chia sẻ những ý tưởng và nguồn lực của họ với nhau.

Sự quản lý hiệu quả sẽ tạo động lực cho những đơn vị bên ngoài đem các sản phẩm sở hữu trí tuệ có giá trị vào nền tảng, tương tự như cách Zynga đã đem trò chơi FarmVille vào Facebook. Điều này sẽ không xảy ra khi các đối tác tiềm năng vẫn còn rụt rè với việc khai thác.

Một vài hệ sinh thái còn khuyến khích các nhà sản xuất tạo nên những dịch vụ giá trị cao bằng cách đưa ra chính sách “tự do cải tiến”.

Họ để các nhà sản xuất phát minh ra những sản phẩm cho hệ sinh thái mà không cần xin phép với điều kiện bên cung cấp sẽ chia sẻ một phần giá trị mà sản phẩm đó tạo ra. Rovio là một ví dụ cho trường hợp này.

Họ không cần sự cho phép để tạo nên trò chơi Angry Birds trên nền tảng hệ điều hành của Apple và Apple cũng không có ý định lấy cắp IP của họ. Kết quả cho thấy Angry Bird đã tạo nên một cú hit mang lại giá trị khổng lồ cho tất cả các bên tham gia.

Tuy nhiên, nền tảng Android của Google còn tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho những cải tiến so với Apple. Lúc này sự cải tiến không chỉ đến từ phía các nhà cung cấp mà còn từ nhiều phía khác.

Quyết định đó là một trong những lí do giúp việc vốn hóa thị trường của Google vượt qua Apple vào đầu năm 2016 (tương tự như điều Microsoft đã làm vào năm 1980).

Tuy nhiên, sự truy cập không giới hạn có thể phá hủy giá trị của hệ sinh thái do các tác nhân “gây nhiễu” – những nội dung sai lệch hoặc dư thừa, chất lượng kém – cản trở sự tương tác giữa các bên tham gia.

Một trong những công ty gặp phải vấn đề này là Chatroulette, một trang web trò chuyện trực tuyến, kết hợp những người dùng ngẫu nhiên cho các cuộc trò chuyện qua webcam, nhắn tin.

Họ đã có sự phát triển vượt bậc cho đến khi những tác nhân “gây nhiễu” xuất hiện dẫn đến sự suy yếu của hệ sinh thái này. Nguyên do xuất phát từ việc nền tảng này không có các quy tắc kiểm soát việc truy cập dẫn đến sự xuất hiện của những cá nhân, nội dung tiêu cực, khiến người dùng dần quay lưng với họ. Chatroulette đã “vá” lỗ hổng này bằng cách thắt chặt quyền truy cập của người dùng.

Hầu hết các hệ sinh thái thành công đều quản lý tốt độ mở của các quy tắc và quyền truy cập nhằm tối đa hóa hiệu quả tích cực của hiệu ứng mạng lưới.

Đối với Airbnb và Uber, đó là chính sách đánh giá chất lượng dịch vụ và sự đảm bảo về tính an toàn của người dùng và tài xế, Twitter và Facebook cung cấp những công cụ ngăn chặn việc tọc mạch profile người dùng và ứng dụng App Store của Apple, Google Play Store đều có bộ lọc loại bỏ những ứng dụng kém chất lượng.

Các chỉ số.

Những nhà lãnh đạo của các công ty theo mô hình Chuỗi giá trị thường tập trung vào một nhóm nhỏ các chỉ số đo lường sức khỏe doanh nghiệp.

Ví dụ, các mô hình Chuỗi giá trị thường tối ưu hóa quy trình bằng cách chỉ tập trung vào một chỉ số tiêu chuẩn: hệ số vòng quay hàng tồn kho. Họ theo dõi lượng hàng hóa và dịch vụ tiêu thụ, đẩy mạnh việc tiêu thụ nhằm tăng hệ số này. Từ đó, tỷ lệ lợi nhuận sẽ khả quan hơn.

Nhưng khi các công ty chuyển từ mô hình Chuỗi giá trị sang mô hình Hệ sinh thái, những yếu tố cần theo dõi sẽ thay đổi.

Việc giám sát và tăng cường các tương tác cốt lõi trở thành nhiệm vụ trọng yếu. Dưới đây là một số chỉ số cần được theo dõi khi chuyển sang mô hình Hệ sinh thái:

  • Khả năng tương tác thất bại: giả dụ hành khách mở ứng dụng Grab và nhận được thông báo “hiện không có xe cho chuyến đi của bạn”, đó là khi hệ sinh thái thất bại trong việc kết nối giữa người sử dụng và bên cung cấp dịch vụ. Những thất bại dạng này sẽ trực tiếp làm suy giảm “hiệu ứng mạng lưới”. Hành khách nếu gặp phải thông báo này quá nhiều lần sẽ thôi sử dụng Grab. Điều này làm tăng lượng thời gian không hoạt động của các tài xế và dẫn đến khả năng họ rời bỏ Grab khiến cho lượng xe sẵn sàng phục vụ đã ít nay càng khan hiếm. Do đó có thể thấy vòng phản hồi có thể phát triển hoặc làm suy yếu một hệ sinh thái.
  • Tính gắn kết: một nền tảng khỏe mạnh theo dõi được sự tham gia của các thành viên có khả năng làm tăng hiệu ứng mạng lưới trong hệ sinh thái của mình. Các hoạt động giúp tăng hiệu ứng mạng lưới như chia sẻ nội dung, thông tin, tái sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Ví dụ như trường hợp của Facebook, họ theo dõi tỉ lệ người dùng hàng ngày đến hàng tháng để đo độ hiệu quả của những nỗ lực tăng tính kết nối của mạng xã hội này.
  • Chất lượng gắn kết: việc bên cung cấp không đáp ứng được nhu cầu của người dùng sẽ khiến hiệu ứng mạng lưới bị suy yếu. Do vậy, Google luôn theo sát hành vi click và đọc tin, tài liệu của người dùng để xác định xem các kết quả tìm kiếm có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không.
  • Những hiệu ứng mạng lưới tiêu cực: một hệ sinh thái không được quản lý tốt thường gặp phải những vấn đề, nhận xét tiêu cực và làm giảm giá trị của nền tảng, trường hợp của Chatroulette là một ví dụ. Do vậy các nhà quản lí cần theo dõi và phát hiện kịp thời những hiệu ứng mạng lưới tiêu cực và sử dụng các công cụ quản lí để ngăn chặn chúng kịp thời, ví dụ như giữ nguyên các đặc quyền hoặc loại bỏ những yếu tố gây rối.

Điều cuối cùng, các công ty đi theo mô hình Hệ sinh thái cần hiểu rõ giá trị tài chính của các cộng đồng và “hiệu ứng mạng lưới” họ đang sở hữu.

Có thể xét đến việc thị trường chứng khoán tư nhân vào năm 2016 đã đặt giá trị của Uber, một công ty được thành lập vào năm 2009, cao hơn GM, một tập đoàn được thành lập vào năm 1908.

Rõ ràng, những nhà đầu tư vào Uber đã nhìn đến những yếu tố khác ngoài các yếu tố tài chính và chỉ số truyền thống khi tính giá trị và tiềm năng của công ty này. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc luật chơi đã dần thay đổi.

Chính bởi vì mô hình Hệ sinh thái cần những cách tiếp cận mới về mặt chiến lược nên loại hình kinh doanh này cũng cần những kiểu lãnh đạo mới.

Những kĩ năng giúp người quản lí kiểm soát chặt chẽ những nguồn lực nội bộ không thể áp dụng cho việc nuôi dưỡng một hệ sinh thái mở được.

Trong khi mô hình Hệ sinh thái thuần túy được thiết lập hướng về các yếu tố ngoài công ty, vậy nên các công ty theo mô hình Chuỗi giá trị truyền thống muốn thay đổi, phải phát triển những yếu tố cạnh tranh chủ chốt, một mindset mới để thiết kế, quản lí và mở rộng hệ sinh thái mới trên nền mô hình kinh doanh hiện tại của họ.

Việc không thể tạo ra những bước nhảy vọt, đổi mới là lý do cho việc một số lãnh đạo của các công ty truyền thống với những con số ấn tượng gặp phải thất bại khi chuyển sang mô hình Hệ sinh thái.

Ông trùm truyền thông toàn cầu Rupert Murdoch đã mua lại trang mạng xã hội Myspace và quản lí nó như cách ông đã từng vận hành một tờ báo – theo quy trình từ trên xuống, mô hình vận hành còn tính quan liêu và tập trung vào việc vận hành nội bộ hơn là nâng cấp hệ sinh thái, tạo ra các giá trị cho những thành viên tham gia. Chỉ một thời gian sau, Myspace biến mất.

Thất bại trong việc chuyển đổi sang một cách tiếp cận mới là dấu hiệu cho thấy tình hình bấp bênh của các công ty truyền thống – từ các khách sạn đến các trung tâm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến dịch vụ taxi.

Giải pháp cho các công ty theo mô hình Chuỗi giá trị đã khá rõ ràng: họ chỉ có hai lựa chọn, chấp nhận xu hướng mới và tiếp cận cách triển khai chiến lược theo xu hướng này, hoặc biến mất.

Hết phần cuối!

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Apple tiếp tục là thương hiệu giá trị nhất toàn cầu

Apple lập kỷ lục với giá trị thương hiệu cao nhất từ trước tới nay.

Apple là thương hiệu giá trị nhất toàn cầu

Công ty định giá thương hiệu Brand Finance vừa công bố 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới năm 2022 (Brand Finance Global 500).

Theo đó, giá trị thương hiệu Apple chạm mốc 355 tỷ USD – cao hơn 5 tỷ USD so với Amazon ở vị trí thứ 2.

Việc Apple giữ vững ngôi đầu trong danh sách những công ty có giá trị thương hiệu lớn nhất toàn cầu được PhoneArena đánh giá là nhờ sự thành công của loạt flagship iPhone 13 ra mắt cuối năm 2021.

Mức định giá của Apple cũng tăng 35% so với năm ngoái. Các nghiên cứu về mức độ trung thành của khách hàng và cảm tình dành cho thương hiệu cũng tăng cao.

Theo PhoneArena, giá trị thương hiệu trong năm 2022 của Apple ghi nhận mốc kỷ lục trong lịch sử thị trường thế giới.

“Thành công của Apple một phần đến từ vị thế đã thiết lập từ lâu của thương hiệu, một phần khác là nhờ cung cấp các dịch vụ đa dạng đến người dùng”, Brand Finance nhận định trong báo cáo.

Theo công ty này, việc các dòng sản phẩm khác của Apple ngoài iPhone ngày càng được ưa chuộng, như AirPods, iPad, Mac là lý do thương hiệu Táo khuyết được đánh giá cao.

“Apple hiểu rõ tầm quan trọng của việc giữ chân khách hàng trong định giá thương hiệu. Do đó, hãng công nghệ đang sở hữu một lượng người dùng trung thành lớn”, David Haigh, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Brand Finance nhận định.

Cũng trong bảng xếp hạng chỉ số Brand Finance Global 500 năm 2022, các nhãn hàng theo sau lần lượt là Amazon, Google và Microsoft trong khi Samsung tụt xuống thứ hạng 6.

TikTok là công ty hãng có giá trị thương hiệu tăng mạnh nhất trong năm qua, khi thương hiệu của nền tảng chia sẻ video này chứng kiến mức tăng trưởng 215%, chạm mốc 59 triệu USD.

Brand Finance là tổ chức định giá thương hiệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh. Hàng năm, Brand Finance sẽ định giá 5000 thương hiệu lớn nhất toàn cầu, đo lường tầm ảnh hưởng và giá trị của nhãn hàng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Giang Nguyễn

Vượt qua Samsung – Apple giành ngôi vương trên thị trường điện thoại thông minh

iPhone của Apple là dòng điện thoại thông minh bán chạy nhất thế giới trong quý nghỉ lễ năm 2021.

Source: BBC

Theo một báo cáo mới công bố của Canalys, hơn 1/5 số điện thoại thông minh bán ra trên thế giới trong quý 4/2021 là iPhone. Đại dịch COVID-19 và sự thiếu hụt chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đến hầu hết các nhà sản xuất trên toàn cầu.

Với việc chiếm 22% tổng doanh số điện thoại thông minh trên toàn cầu, Apple đã vượt qua 20% thị phần của Samsung để trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh phổ biến nhất trên thế giới.

Số liệu mới từ công ty nghiên cứu Canalys cho biết, nhu cầu đối với iPhone 13 đã khiến Apple đứng đầu thị trường smartphone sau nhiều quý ở vị trí thứ hai.

Chuyên gia Sanyam Chaurasia của Canalys cho biết: “Apple đã trở lại vị trí dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh sau ba quý nhờ vào hiệu suất xuất sắc từ iPhone 13.

Apple đã chứng kiến ​​doanh số bán hàng tăng trưởng mạnh mẽ chưa từng có của iPhone ở Trung Quốc”.

Tuy nhiên, chuyên gia Chaurasia báo cáo rằng Apple không thể đáp ứng nhu cầu iPhone vì tình trạng thiếu hụt các thành phần quan trọng.

“Tại các thị trường được ưu tiên, Apple duy trì thời gian giao hàng đầy đủ, nhưng ở một số thị trường, khách hàng của họ phải đợi để có được trên tay những chiếc iPhone mới nhất”, chuyên gia Chaurasia cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Mobility của Canalys, Nicole Peng, công ty nghiên cứu này dự đoán rằng “sẽ mất nhiều năm để các xưởng đúc lớn tăng đáng kể công suất chip”.

Ông Peng cho biết: “Các thương hiệu điện thoại thông minh đang đổi mới để tận dụng tối đa khả năng sản xuất của họ, điều chỉnh thông số kỹ thuật của thiết bị để đáp ứng các vật liệu sẵn có, tiếp cận các nhà sản xuất chip mới nổi để đảm bảo nguồn mới cho vi mạch, tập trung các dòng sản phẩm vào các mẫu bán chạy nhất”.

Chuyên gia Peng tiếp tục cho biết: “Những cách làm này mang lại lợi thế cho các thương hiệu lớn hơn và chúng sẽ tồn tại trong thời gian ngắn hạn vì các nút thiếu hút nguồn cung sẽ không giảm bớt cho đến nửa cuối năm 2022”.

Tuy nhiên, trong khi Apple đứng đầu danh sách các nhà cung cấp điện thoại thông minh cho quý 4/2021, con số này đã giảm so với cùng kỳ năm 2020. Tại thời điểm đó, Apple chiếm 23% thị phần, trong khi Samsung là 17%.

Trong quý 4/2021, Apple và Samsung chia nhau vị trí số 1 và số 2, theo sau là Xiaomi với 12%, OPPO 9% và Vivo với 8%.

Apple không công bố số liệu bán iPhone cụ thể. Tuy nhiên, một báo cáo mới đây từ Counterpoint Research cho biết iPhone 13 đang là smartphone bán chạy số 1 tại Trung Quốc.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Metaverse của Apple sẽ rất khác biệt

Thay vì xây dựng riêng cho mình một phiên bản, Apple lựa chọn trở thành chiếc cầu nối cho các Metaverse khác nhau.

metaverse của apple

Metaverse (vũ trụ ảo) đang là từ khóa thịnh hành khi Facebook, Microsoft, Baidu và nhiều công ty công nghệ khác đã đưa ra các giải pháp. Dù vậy, theo Bloomberg, từ metaverse sẽ không bao giờ xuất hiện trong các tài liệu của Apple.

“Ngay khi Apple công bố dòng sản phẩm kính thực tế ảo AR/VR của mình, tôi đã nghĩ ngay đến metaverse.

Tuy nhiên tôi đã được chia sẻ gần như trực tiếp rằng ý tưởng về một thế giới ảo, nơi mọi người có thể tham gia dưới định dạng 3D như các phiên bản của Facebook, không được nhắc đến tại Apple”, Mark Gurman, phóng viên của Bloomberg chia sẻ.

Giao diện bên trong trò chơi Fortnite phiên bản metaverse. Ảnh: Engadget.

Theo Gurman, lý do là Apple không muốn tạo ra một thế giới mà người dùng đắm chìm vào đó, quên đi thực tại.

Thiết bị kính thực tế ảo tăng cường (AR) mà Táo khuyết đang phát triển được nhắm đến sử dụng trong những khoảng thời gian ngắn, cho các công việc như chơi game, giao tiếp với người khác.

“Kính thực tế ảo này là ưu tiên số một của Apple bởi nó có thể đeo cả ngày mà không ảnh hưởng gì đến thực tại của người sử dụng”, Gurman mô tả.

Dù không phát triển theo hướng metaverse, các nền tảng vũ trụ ảo vẫn mang lại tiền cho Apple, bởi nếu muốn thu được lợi nhuận lớn phải tìm cách để đặt chân lên hệ sinh thái của Táo khuyết.

Apple không cần phải xây dựng metaverse cho riêng mình, họ chỉ cần trở thành nền tảng cho các vũ trụ ảo đang tồn tại song song và hưởng lợi từ việc đó.

Vụ kiện tranh chấp quyền lợi giữa Epic Games và Apple trong việc thanh toán thông qua cổng Apple Pay đã thể hiện điều trên.

Khi các trò chơi metaverse như Fortnite trở nên thông dụng trên App Store, Apple sẽ cung cấp một tiêu chuẩn để các công ty metaverse tập trung phát triển theo.

Apple cơ bản đã trở thành chiếc cầu nối, vì thế xây dựng riêng một metaverse là điều tốn kém. Có thể công ty này sẽ điều chỉnh App Store cho phù hợp với xu thế mới, nơi người dùng có thể tải về phiên bản metaverse mà họ thích.

Apple không cần phải tạo nên thế giới nơi người chơi lại không có chân.

Ngoài ra, các vấn đề quấy rối tình dục và phân biệt chủng tộc đang xuất hiện trên metaverse dù chúng chỉ mới ở dạng sơ khai.

Để duy trì hình ảnh tốt với công chúng và giới đầu tư, Apple sẽ không tập trung nguồn lực vào metaverse, nơi vấn đề kiểm duyệt nội dung hay quy tắc đối xử vẫn chưa tồn tại.

Mặc dù dòng sản phẩm Apple Glasses sẽ được bán ra trong tương lai gần, chúng ta không phải lo về một vũ trụ ảo nữa xuất hiện trong vài năm tới. Facebook, Baidu, Microsoft và các công ty game đã làm thay Apple điều đó.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Mức lương của các Marketers tại Apple, WPP, Netflix, Google hay Spotify

Nếu bạn là các marketers tại các thương hiệu hàng đầu như Apple, Netflix, Google hay thậm chí các Agency như WPP hay Edelman, mức lương có thể lên đến 500.000 USD mỗi năm.

Ngay cả khi nhiều ngành nghề hay doanh nghiệp đã phải sa thải nhân sự vì đại dịch, các công ty lớn từ Apple đến WPP vẫn đang liên tục tuyển dụng những tài năng quảng cáomarketing để hoàn thiện bộ máy của mình.

Theo dữ liệu từ tổ chức BLS, ngành quảng cáo và các cộng việc liên quan đã tuyển dụng khoảng 447.300 nhân sự trong tháng 8, tăng 3,2% so với năm trước.

Dưới đây là mức thu nhập ước tính trong năm 2020 và 2021 của các marketers nói chung theo ghi nhận từ BusinessInsider.

Nhân viên marketing và bán hàng tại Snap (sở hữu Snapchat) có thể nhận mức lương lên tới 110.000 USD mỗi năm.

Snap Inc, doanh nghiệp đứng sau ứng dụng nhắn tin Snapchat, đã tăng cường lực lượng nhân sự khi phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh khác trong các lĩnh vực như thực tế tăng cường (AR), video dạng ngắn và các chương trình gốc (original shows).

Mức lương cơ bản hàng năm mà các nhân viên marketing và bán hàng có thể nhận rơi vào mức từ 78,000 đến 110,000 USD.

Spotify trả cho các marketers từ 95.000 đến 190.000 USD tiền lương cơ bản.

Mức lương của các Marketer tại apple netflix google wpp spotify

Nền tảng podcast lớn nhất thế giới liên tục tuyển dụng nhân sự mới với tham vọng chiếm lĩnh và tăng trưởng trong lĩnh vực podcast của mình.

Spotify đưa ra mức lương cơ bản hàng năm cho các nhân viên marketing từ mức 94.000 đến 190.000 USD.

Marketers tại Netflix có thể kiếm được 330.000 USD.

Bất chấp sự ảnh hưởng của đại dịch, Netflix vẫn liên tục phát triển mạnh. Không giống như các công ty công nghệ khác, Netflix không trả thưởng theo hiệu suất đạt được mà thay vào đó trả lương cao.

Dựa trên dữ liệu có được, Netflix đưa ra mức lương cơ bản hàng năm từ 68.000 đến 850.000 USD, với mức trung bình là 330.000 USD cho các vai trò marketing và 345.000 cho trung bình các công việc khác.

Giám đốc sáng tạo là một trong những vị trí được trả lương cao nhất tại WPP, một trong những agency quảng cáo lớn nhất thế giới.

Khi chi tiêu quảng cáo phát triển trở lại, các agency toàn cầu đang tìm kiếm các vị trí điều hành cấp cao để lấp đầy các vị trí mới với mức lương rất ấn tượng.

Ví dụ, WPP đã trả cho các nhà lập kế hoạch quảng cáo (ad planners) mức lương lên tới 180.000 USD và các giám đốc sáng tạo (creative directors) là hơn 200.000 USD.

Các chuyên gia PR cũng được trả lương khá cao.

Quan hệ công chúng (PR) là một trong những vị trí được ưu tiên hàng đầu trong các lĩnh vực nóng như dữ liệu (data), quản lý khủng hoảng (crisis management) và tư vấn chăm sóc sức khỏe (healthcare).

Tại Edelman, công ty PR lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, đã chi trả lên đến 280.000 USD cho các vị trí cấp cao, trong khi các vị trí điều hành tại các công ty thuộc sở hữu của công ty mẹ Ketchum có thể kiếm được tới 500.000 USD mỗi năm.

Các nhà tiếp thị của Apple có thể kiếm được tới 325.000 USD.

Những gã khổng lồ công nghệ như Meta (Facebook), Google, Amazon, Uber và Airbnb đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, một phần điều này là nhờ vào các hoạt động marketing của họ.

Với vị trí chuyên viên marketing (marketing specialist) tại Amazon bạn có thể kiếm được 95.000 USD mỗi năm và 325.000 USD là con số cho vị trí giám đốc marketing cấp cao (senior marketing director) tại Apple.

Các công ty khởi nghiệp như Peloton, Grubhub…trả bao nhiêu cho các vị trí marketing.

Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực DTC (bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng) vẫn là lựa chọn hàng đầu của các chuyên gia marketing, với mức lương từ 132.000 USD cho vị trí giám đốc marketing tại Grubhub và 231.000 USD cho giám đốc tiếp thị thương hiệu cấp cao (senior director of brand marketing) tại Peloton.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn

Big Tech đang chuẩn bị gì cho Metaverse trong 2022

2022 có thể là năm cất cánh của metaverse, khi Apple, Google, Microsoft và Meta chuẩn bị tung ra loạt sản phẩm khai thác vũ trụ ảo này.

metaverse

Các công ty Big Tech đang đánh cược rằng những sản phẩm giúp người dùng bước vào metaverse sẽ mở ra thị trường mới lớn nhất trong lĩnh vực phần mềm kể từ khi Apple cho ra mắt iPhone năm 2007.

Nếu vũ trụ ảo bùng nổ, nhiều khả năng những người sử dụng smartphone hiện nay sẽ sở hữu kính thực tế ảo (VR) hoặc thực tế tăng cường (AR) chỉ sau vài năm nữa.

Hàng loạt công ty đang đổ lượng lớn tiền cho nghiên cứu phát triển các nguyên mẫu thử nghiệm, cũng như công nghệ nền tảng để chuẩn bị cho cuộc đấu trong metaverse.

CEO Meta Mark Zuckerberg cho biết công ty chi nhiều tiền cho VR và AR đến mức lợi nhuận sụt giảm 10 tỷ USD trong năm 2021.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ước tính 1.350 tỷ USD sẽ được đổ vào công nghệ VR, AR và vũ trụ ảo vài năm tới. Nhiều công ty dự kiến công bố các dự án metaverse đầy tham vọng ngay trong năm nay.

Meta.

metaverse

Facebook đang tập trung hoàn toàn cho công nghệ metaverse. Việc đổi tên công ty thành Meta cuối năm 2021 phản ánh tham vọng dẫn đầu của họ. Meta cũng có lợi thế lớn so với các đối thủ Big Tech, khi các sản phẩm VR của hãng chiếm 75% thị phần trong năm 2021.

Trong dịp Giáng sinh vừa qua, ứng dụng phổ biến nhất trên App Store tại Mỹ là phần mềm Oculus dùng trên kính Quest 2, dấu hiệu cho thấy nhiều người được tặng thiết bị VR trong kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Meta chưa công bố doanh số kính Quest, nhưng nhà sản xuất chip Qualcomm ước tính công ty này đã bán được ít nhất 10 triệu thiết bị tính tới tháng 11/2021. Con số này còn thua kém so với smartphone, nhưng rất đáng kể với một lĩnh vực mới như VR.

Meta dự kiến tung ra một thiết bị VR khác năm nay, nằm trong dự án Cambria. Thiết bị này được tối ưu hóa cho “thực tế hỗn hợp”, trong đó dùng camera bên ngoài để ghi hình và hiển thị thế giới thực trong kính. Nó cũng được trang bị hệ thống theo dõi chuyển động khuôn mặt và mắt, tăng tính phản hồi với mệnh lệnh của người sử dụng.

Nỗ lực xâm nhập thị trường từ sớm cũng giúp Meta xác định những phần mềm người dùng muốn cài vào thiết bị. Công ty đã khởi động nền tảng xã hội mang tên Horizon Worlds, cho phép người dùng tham gia các buổi diễn hài và phim ảnh trong thế giới ảo của Facebook.

Apple.

Apple chưa từng xác nhận phát triển kính VR, nhưng được cho là đã thử nhiều cách tiếp cận công nghệ này trong những năm qua.

Các dòng iPhone mới nhất đều tích hợp cảm biến Lidar, cho phép đo khoảng cách đến từng vật thể, yếu tố quan trọng với những ứng dụng dựa trên vị trí người dùng.

iPhone và iPad mới cũng kèm phần mềm ARkit, giúp các nhà phát triển tạo ứng dụng tận dụng cảm biến của iPhone để lập bản đồ không gian chi tiết.

Đây là những công nghệ nền tảng để Apple xây dựng dòng sản phẩm hoàn toàn mới – mẫu kính cao cấp kết hợp giữa thực tế hỗn hợp và AR, được dự đoán trình làng cuối năm nay.

Khác với Meta, Apple không bao giờ nói trước về sản phẩm phần cứng cho tới khi chúng sẵn sàng được công bố. Nhiều chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ trải qua biến động lớn khi Apple giới thiệu kính AR, giống như khi iPhone và Apple Watch xuất hiện.

Dù vậy, nhà sản xuất iPhone không gọi đó là sản phẩm metaverse. “Tôi sẽ tránh xa những thuật ngữ thời thượng. Chúng tôi sẽ chỉ gọi đó là thực tế tăng cường”, CEO Apple Tim Cook nói hồi tháng 9 năm ngoái.

Google.

Google chính là hãng khởi động cơn sốt kính thực tế ảo ở Thung lũng Silicon khi cho ra mắt Google Glass năm 2013. Sản phẩm không nhận được đón nhận nhiệt tình, nhưng hãng dịch vụ tìm kiếm Mỹ không bỏ cuộc. Họ vẫn bán phiên bản Glass dành cho doanh nghiệp, trong khi người dùng bình thường khó tiếp cận được thiết bị.

Đang có những dấu hiệu cho thấy Google muốn đầu tư nghiêm túc vào AR một lần nữa, dù hãng chưa khoe nhiều về công nghệ hay sản phẩm như đối thủ.

Năm 2020, Google mua lại North, startup chuyên phát triển kính AR cỡ nhẹ. Google cũng đang có một nhóm tập trung vào xây dựng hệ điều hành cho AR, đồng thời liên tục tuyển dụng nhân lực để phát triển “thiết bị AR tiên tiến”.

Microsoft.

Đây là tập đoàn Big Tech đầu tiên công bố bộ kính AR đầy đủ tính năng mang tên HoloLens từ năm 2016. Dù vậy, sản phẩm hiện vẫn chưa thể trở thành thiết bị thuận tiện để người dùng đeo hàng ngày.

Thay vào đó, hãng hướng đến doanh nghiệp – nhóm khách hàng không ngại chi 3.500 USD cho một bộ kính và muốn đánh giá liệu công nghệ này có thể tăng năng suất lao động hay không.

Khách hàng nổi bật nhất của HoloLens là quân đội Mỹ, với đơn hàng 22 tỷ USD để sản xuất 120.000 kính HoloLens được ký hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, lục quân Mỹ sau đó thông báo hoãn đợt thử nghiệm thực tế của HoloLens sang năm nay. Dù thỏa thuận có tiếp tục bị đình trệ hay không, nó vẫn là dấu hiệu quan trọng với thị trường thiết bị AR.

Microsoft cũng đầu tư mạnh vào các dịch vụ đám mây nhằm kết nối những thế giới ảo và dự kiến công bố trong năm nay.

Điệp Anh (theo CNBC)

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

CEO Epic Games muốn xóa sổ App Store và Google Play

Để giải quyết tình trạng độc quyền nền tảng, CEO Epic Games kêu gọi tạo ra kho ứng dụng thống nhất cho mọi hệ điều hành.

CEO Epic Games muốn xóa sổ App Store và Google Play
Source: Bloomberg

Tim Sweeney, CEO Epic Games tiếp tục chỉ trích Apple và Google do các chính sách độc quyền trên iOS và Android. Để giải quyết vấn đề này, ông kêu gọi tạo ra kho ứng dụng thống nhất cho tất cả hệ điều hành.

“Những gì thế giới cần bây giờ là cửa hàng duy nhất hoạt động với mọi nền tảng. Hiện tại, quyền sở hữu phần mềm bị phân mảnh với iOS App Store, Google Play Store, các kho ứng dụng trên Xbox, PlayStation, Nintendo Switch, sau đó đến Microsoft Store và Mac App Store”, Sweeney chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg.

Ngày 16/11, Sweeney có mặt ở Seoul (Hàn Quốc) để tham dự Hội nghị Toàn cầu về Cân bằng Hệ sinh thái Ứng dụng Di động. Tại đây, ông đã công khai phản đối chính sách độc quyền trên kho ứng dụng của iOS và Android.

“Apple đẩy hàng tỷ người dùng vào một kho ứng dụng và quy trình thanh toán. Apple đang tuân theo các chính sách của nước ngoài liên quan đến quyền riêng tư người dùng, tuy nhiên lại phớt lờ đạo luật do Hàn Quốc thông qua”, Sweeney cho biết.

Vào tháng 8, Hàn Quốc là nước đầu tiên thông qua luật cấm độc quyền thanh toán trên di động. Theo quy định mới, các công ty như Apple, Google phải mở cửa cho hệ thống thanh toán bên thứ ba thay vì buộc nhà phát triển sử dụng quy trình thanh toán độc quyền.

Google cũng bị CEO Epic Games chỉ trích do cắt phí các giao dịch không do công ty xử lý. Dan Jackson, phát ngôn viên Google cho biết chiết khấu trên Play Store không chỉ để xử lý giao dịch.

“Đó là cách chúng tôi cung cấp Android và Google Play miễn phí, đầu tư vào kênh phân phối, phát triển dịch vụ bảo mật cho lập trình viên, người dùng tại Hàn Quốc và trên thế giới”, Jackson khẳng định.

Tại Hàn Quốc, Sweeney bày tỏ quan điểm ủng hộ đất nước châu Á trong cuộc chiến chống lại hành vi độc quyền. “Tôi rất tự hào khi cùng các bạn đứng lên chống lại điều này. Tôi tự hào khi đứng cùng các bạn và nói rằng tôi là người Hàn Quốc”, CEO Epic Games cho biết.

Epic Games đã đệ đơn kiện Apple, Google vào năm 2020 sau khi Fortnite bị gỡ khỏi App Store và Play Store do áp dụng hệ thống thanh toán riêng, cập nhật mà không qua kiểm duyệt. Hãng game này chỉ trích chiết khấu 30% mà Apple, Google áp dụng cho nhà phát triển là quá cao.

Apple và Google nói rằng mức chiết khấu giúp tăng cường bảo mật cho người dùng và lập trình viên. Dù vậy, Sweeney vẫn chỉ trích sự độc quyền về hệ thống thanh toán trong các nền tảng.

“Có một thị trường cho các cửa hàng, thị trường cho thanh toán và nhiều thị trường liên quan. Điều quan trọng là quy định chống độc quyền không cho phép kẻ thống trị một thị trường sử dụng quyền lực để áp đặt lên các thị trường không liên quan”, Sweeney cho biết

Trong hồ sơ được nộp gần đây, Epic Games cáo buộc Google còn thành lập “Lực lượng đặc nhiệm Fortnite” từ năm 2018 khi Fortnite cho phép tải game từ Samsung Galaxy Store hoặc website mà không thông qua Google Play.

Epic Games cho rằng đội ngũ này họp hàng ngày, thậm chí gửi thông tin về lỗi trong game cho giới báo chí sau 9 ngày phát hiện, trong khi quy định phải là 90 ngày.

Phúc Thịnh | Theo Bloomberg.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Apple trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt mốc 3.000 tỷ USD

Apple đã đạt mức vốn hóa thị trường (market cap) 3.000 tỷ USD trong giao dịch ngày 3/1 vừa qua, tăng gấp 3 lần định giá trong vòng chưa đầy 4 năm.

apple 3000 tỷ usd

Giao dịch trong đầu năm mới đã giúp đẩy giá cổ phiếu Apple chạm mốc kỷ lục trên 182,8 USD, tăng gấp ba lần về giá trị trong vòng chưa đầy bốn năm, Guardian đưa tin ngày 3/1.

Giá cổ phiếu tăng do các nhà đầu tư có niềm tin rằng nhà sản xuất iPhone sẽ tiếp tục tung ra các sản phẩm bán chạy nhất khi họ khám phá các thị trường mới như ôtô tự lái và thực tế ảo.

Theo ước tính, Apple giờ đây có giá trị cao hơn cả giá trị của Boeing, Coca Cola, Disney, Exxon-Mobil, McDonald’s, Netflix và Walmart cộng lại.

Cổ phiếu của hãng tăng 38% kể từ đầu năm 2021. Đây là một trong những mức tăng trưởng lớn nhất trên chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones.

Các nhà phân tích kỳ vọng Microsoft cũng sẽ đạt được mốc 3.000 tỷ USD vào cuối năm nay.

Cổ phiếu công nghệ tăng vọt trong thời đại đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các giá cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn của Mỹ, kéo thị trường chứng khoán nước này lên theo.

Apple đã công bố thu nhập hàng quý cuối cùng của mình vào tháng 10 và kiếm được 20,6 tỷ USD trong ba tháng trước đó, mặc dù gặp phải các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng do Covid-19.

Tin tức này được đưa ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ tràn sắc xanh và cổ phiếu châu Âu đạt mức cao kỷ lục trong ngày đầu tiên giao dịch năm 2022.

Điều này cho thấy các nhà đầu tư đặt cược vào sự phục hồi kinh tế dù số lượng trường hợp mắc Covid-19 tăng vọt do biến chủng Omicron gây ra.

Trước đó, Apple đã trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt mức vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD trong giao dịch trong ngày vào năm 2018. Công ty này tiếp tục đạt mức định giá 2.000 tỷ USD chỉ hơn hai năm sau đó.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Apple và Google bị tố gây bất lợi cho người dùng

Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh CMA cho rằng Apple và Google đã cùng nhau thao túng thị trường, kiểm soát cách người dùng sử dụng smartphone.

Source: MediaPost

CMA, cơ quan giám sát cạnh tranh của Anh, cảnh báo iOS và Android đang tạo ra những hệ sinh thái khép kín, độc quyền, buộc người dùng phải phụ thuộc vào cửa hàng ứng dụng, phương thức thanh toán và công cụ tìm kiếm trên đó. Điều này gây tổn hại đến sự đổi mới và lựa chọn của người tiêu dùng.

“Apple và Google đã phát triển cùng một phương thức để buộc người dùng sử dụng điện thoại di động theo cách của họ. Chúng tôi lo ngại điều đó khiến hàng triệu người ở Anh bị thiệt thòi”, Andrea Coscelli, người đứng đầu CMA, nói.

Bên cạnh đó, cơ quan này cho biết đang đề xuất buộc Apple và Google phải tạo điều kiện cho người dùng chuyển đổi giữa các nền tảng dễ dàng hơn, cũng như đảm bảo cho họ có nhiều lựa chọn hơn về công cụ tìm kiếm. Quyết định cuối cùng sẽ được công bố giữa năm sau.

CMA muốn giúp người dùng tìm và cài đặt ứng dụng ở các cửa hàng bên thứ ba, thay vì chỉ phụ thuộc vào App Store và Play Store.

Việc tải về có thể thông qua các cửa hàng ứng dụng nhỏ hơn, hoặc qua sideloading – tính năng cho phép tải ứng dụng từ nguồn bất kỳ.

Người dùng Google hiện có thể tải ứng dụng từ các kho ứng dụng thứ ba, nhưng Apple không hỗ trợ điều này. Hãng nhiều lần cảnh báo rủi ro từ sideloading, trong đó nhấn mạnh người dùng có nguy cơ tải về các tệp độc hại.

CEO Tim Cook cho rằng việc sử dụng ứng dụng bên thứ ba giống như lái ôtô mà không thắt dây an toàn. “Nếu muốn tải chúng, bạn nên mua điện thoại Android”, Cook nói.

Cơ quan quản lý của Anh cũng yêu cầu Apple, Google cung cấp giải pháp thanh toán thay thế, cũng như không áp dụng mức phí quá cao như hiện tại. Hai công ty hiện thu tối đa 30% phí hoa hồng từ doanh thu ứng dụng trên cửa hàng của mình.

“Apple đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ở mọi phân khúc. Kim chỉ nam của công ty là niềm tin của khách hàng, do đó chúng tôi vẫn tiếp tục tạo cơ hội cho các nhà phát triển, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của người dùng”, phát ngôn viên Apple nói.

Trong khi đó, đại diện Google khẳng định Android cung cấp nhiều lựa chọn, không bị ràng buộc bởi các ứng dụng trên Play Store. Thực tế, người dùng có thể tải phần mềm Android từ các cửa hàng của Samsung, Huawei…

Ngoài Apple và Google, CMA hiện nhắm đến hàng loạt ông lớn công nghệ khác, trong đó có Meta và Amazon. Trong tháng này, cơ quan đã yêu cầu Meta ngừng thương vụ mua lại nền tảng ảnh động Giphy.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Bảo Lâm (theo Telegraph)

Apple sử dụng chiến lược này để “kéo” 365 tỷ USD doanh số

Một trong những cách đơn giản nhất để xây dựng lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu nhưng cũng lại thường bị bỏ qua nhiều nhất.

Apple sử dụng chiến lược này để "kéo" 365 tỷ USD doanh số
Source: The Japan Times

Apple từ lâu đã là một trong những thương hiệu đình đám và có giá trị vốn hoá lớn toàn cầu với hơn 2000 tỷ USD.

Những người hâm mộ hay khách hàng trung thành của Apple sẵn sàng xếp hàng dài trên các con phố chỉ để trở thành những người đầu tiên sở hữu các phiên bản mới nhất và với tổng doanh thu hàng năm được báo cáo là 365,8 tỷ USD cho năm 2021, rõ ràng sự đúng đắn trong chiến lược phát triển thương hiệu của Apple là không thể chối từ.

Tuy nhiên, thành công của Apple không chỉ đơn giản là nhờ vào những thiết kế bắt mắt, cách tiếp cận tối giản với các công nghệ tiên tiến hay thậm chí là khoản ngân sách quảng cáo hàng năm với gần 2 tỷ USD. Thay vào đó, nó nằm ở cách công ty này xây dựng yếu tố con người và đội ngũ (đội ngũ chăm sóc khách hàng và bán hàng).

Đối với nhiều doanh nghiệp khác, theo cách thông thường, họ sẽ tuyển dụng những người có xu hướng yêu thích hay là “fans hâm mộ” của doanh nghiệp, ngược lại với Apple, họ tuyển dụng chính khách hàng của họ.

Nếu bạn đang muốn tăng trưởng, đừng chỉ tuyển những người yêu thích doanh nghiệp của bạn.

Bí quyết để xây dựng đội ngũ dịch vụ khách hàng thành công của Apple là tuyển dụng những người là khách hàng của họ bởi vì suy cho cùng, khách hàng hiểu khách hàng.

Với cách tiếp cận đó, Apple sẽ có thể đảm bảo cung cấp các sản phẩm hay loại hình dịch vụ mà khách hàng của họ (cũng chính là nhân viên của họ) yêu thích nhất. Chiến lược nhân sự đơn giản mà vô cùng hiệu quả này cùng với những lý thuyết đơn giản đằng sau nó ngược lại thường không được áp dụng chính xác cho các bộ phận hay phòng ban khác, chẳng hạn như kỹ thuật, phát triển và bán hàng.

Lấy ví dụ về bộ phận bán hàng, mọi người thường có một suy nghĩ sai lầm rằng một đại diện bán hàng tuyệt vời sẽ phải là người hâm mộ lớn nhất của thương hiệu.

Tuy nhiên, điều này không đúng. Người đại diện bán hàng giỏi nhất không phải (hoặc không nhất thiết) là người hâm mộ lớn nhất – mà là những người xác định chính xác và có mối quan hệ chặt chẽ nhất với đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp.

Trên thực tế, những người cổ vũ lớn nhất (năng động nhất) của doanh nghiệp không phải là những nhân viên bán hàng giỏi nhất – họ cũng không phải là những người đổi mới tốt nhất của thương hiệu.

Tính khách quan giữa nhu cầu tăng trưởng và sự phát triển.

Người hâm mộ thương hiệu không nhìn mọi thứ theo cách giống những người khác. Và do đó, những người này không thể bán hàng cho những người chưa từng mua hàng hoặc cải tiến cho một sản phẩm nào đó, vì trong mắt họ, các sản phẩm hiện có đã rất hoàn hảo.

Vì vậy, mặc dù những người hâm mộ có khả năng kết nối rất tốt với những người hâm mộ khác, nhưng họ lại thường đánh mất đi tính khách quan – một yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc cải tiến sản phẩm hoặc dịch vụ và sự tăng trưởng của doanh nghiệp.

Về mặt tâm lý, khi ai đó là một người hâm mộ, đặc biệt là những người hâm mộ cuồng nhiệt (fans cuồng), chúng ta biết rằng lòng trung thành của họ có thể khiến họ trở nên mù quáng trước những lựa chọn thay thế khác.

Nói cách khác, vào một thời điểm nào đó, khi chúng ta hâm mộ một thứ gì đó có nghĩa là chúng ta đặt một thứ lên mọi thứ (ngay cả khi nó là điều không đúng đắn).

Với sự quan tâm hay yêu thích cao độ này, chúng ta không chỉ đánh mất đi tính khách quan mà còn mất đi tính xác thực và tính hợp lý của các nhận định.

Trong bán hàng, điều này có thể khiến một thông điệp bán hàng của thương hiệu trở nên “dối trá”, quá trau chuốt và thiếu sự thật, và kết quả là, khách hàng tiềm năng của thương hiệu mất đi sự hứng thú hay lòng tin với thương hiệu.

Trong đổi mới, điều này có thể dẫn đến việc doanh nghiệp có ít sự cải tiến hơn và tỷ lệ thu hút khách hàng mới thấp hơn vì các sản phẩm do người hâm mộ tạo ra có xu hướng được xây dựng chỉ dành cho những người tương tự như họ.

Hãy tuyển dụng những người hiểu đối tượng mục tiêu của thương hiệu.

Làm thế nào để có tuyển dụng những người này vào đội ngũ của doanh nghiệp? Thông thường, những khách hàng lý tưởng hoặc những người nằm trong nhóm đối tượng mục tiêu của thương hiệu là những người phù hợp nhất.

Điều này là do họ có thể hiểu lý do tại sao một người nào đó không phải là một người hâm mộ trung thành, sự do dự của họ hay cả nỗi đau của họ. Họ hiểu đối tượng mục tiêu của thương hiệu bởi vì chính họ cũng là một trong số đó.

Những chiến lược tưởng chừng như đơn giản nhưng đó chính là cách Apple vươn lên dẫn đầu trong một thị trường đầy cạnh tranh, các sản phẩm của Apple luôn được nhiều người tiêu dùng chào đón.

Đó là cách Apple bán trước được gần 1 triệu chiếc đồng hồ vào ngày đầu tiên ra mắt và cũng là chiến lược mà các doanh nghiệp ở mọi quy mô đều có thể sử dụng để xây dựng sự đổi mới và tăng trưởng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Tại sao các Big Tech đang hướng tới Metaverse?

Metaverse là gì, vì sao công nghệ này được quan tâm, hay các thách thức kỹ thuật… là vấn đề được nhiều người thắc mắc về vũ trụ ảo.

metaverse là gì
Source: Financial Times

Metaverse là gì?

Thuật ngữ metaverse được tác giả Neal Stephensen đề cập từ năm 1992 trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash. Nó mô tả một thế giới ảo nơi con người tương tác với nhau qua hình đại diện kỹ thuật số.

Các bộ phim như The Matrix và Ready Player One là ví dụ rõ nhất cho ý tưởng này. Thuật ngữ bắt đầu thu hút sự chú ý khi được Mark Zuckerberg, CEO Meta, nhắc đến trong một sự kiện hồi tháng 6.

Hiện vẫn chưa có khái niệm thống nhất về metaverse, nhưng các công ty công nghệ tin vũ trụ ảo không chỉ là nơi tái hiện sống động trải nghiệm đời thực trong môi trường số mà còn có thể tích hợp cả hai môi trường này với nhau.

Ông Trí Phạm, CEO Whydah – startup Việt Nam về blockchain, nói: “Metaverse là khái niệm khá khó hiểu với nhiều người, trong khi có vô số luồng quan điểm còn gây tranh cãi.

Tuy nhiên, có bốn tính chất cơ bản của một metaverse là: Sự hội tụ của trải nghiệm online và offline; Tính liên tục; Quyền sở hữu số và Tự chủ danh tính.

Vũ trụ ảo Meta hình dung là một kịch bản trong đó hai người có thể cùng tham dự một buổi hòa nhạc dù đang ở hai lục địa khác nhau. Trong khi đó, các công ty game hướng đến xây dựng một nền kinh tế trong metaverse với sự hỗ trợ của công nghệ blockchain.

Các công nghệ chính sẽ bao gồm các thiết bị giao diện người – máy như kính VR và AR, đồ họa đa chiều, AI, sức mạnh tính toán, phần mềm và phần cứng để tạo hình đại diện cho người dùng.

Tại sao các công ty công nghệ lớn (Big Tech) quan tâm đến metaverse?

Các công ty công nghệ đang tìm kiếm tương lai tiếp theo của Internet khi mạng xã hội và smartphone đã bão hòa. Theo ông Lê Mạnh Cương, CEO Mytheria, ngoài giá trị giải trí, metaverse còn đem lại lợi ích cho cả người dùng và nhà phát triển.

Tại đây, người tham gia không bị giới hạn về biên giới, khoảng cách và những người tiên phong sẽ có nhiều lợi thế trong thị trường còn sơ khai.

Facebook cho thấy tham vọng của mình khi đổi tên công ty thành Meta. Họ cũng đang sản xuất Oculus, kính VR phổ biến nhất thế giới. Họ coi metaverse là “phiên bản tiếp theo của Internet”. Tương tự, Microsoft, Apple và Google cũng đang đổ nhiều nguồn lực vào công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường.

Nhà phát triển chip Nvidia cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Để quảng bá nền tảng Omniverse, hồi tháng 4, công ty đã tổ chức một sự kiện kỹ thuật số hoàn toàn.

“Omniverse là công cụ tạo và mô phỏng thế giới ảo, cho phép các tác nhân khác nhau, những người khác nhau kết nối với thế giới ảo”, CEO Jensen Huang nói

Những “gã khổng lồ” công nghệ của Trung Quốc cũng đang rục rịch chuẩn bị cho xu hướng mới. Tencent, Alibaba và Baidu đã nộp gần một trăm đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan đến metaverse.

Về phần cứng, Foxconn, đối tác gia công điện tử lớn nhất thế giới, cũng tuyên bố dự định trở thành một phần trong chuỗi cung ứng metaverse.

Chủ tịch Young Liu nói trong lễ ra mắt xe điện của công ty tháng trước: “Hai sự kiện lớn tiếp theo trong ngành công nghệ là xe điện và vũ trụ ảo. Foxconn chắc chắn sẽ có các sản phẩm liên quan”.

Thách thức kỹ thuật là gì?

Theo Nikkei, metaverse mang đến cho người dùng trải nghiệm phong phú đồng nghĩa sẽ yêu cầu truyền tải một lượng lớn dữ liệu với độ trễ thấp. Có nghĩa, kết nối 5G sẽ là điều bắt buộc.

Các yêu cầu khác gồm chất bán dẫn công suất cao để chạy các thuật toán phức tạp và các thiết bị như kính VR để cho phép người dùng hòa mình vào thế giới kỹ thuật số. Các rào cản kỹ thuật vẫn còn, như kính VR còn cồng kềnh, nhiều lỗi về độ phân giải hình ảnh.

Nhiều người vẫn có cảm giác chóng mặt, buồn nôn sau khi sử dụng kính một thời gian dài. Thời lượng pin cũng là một thách thức khi các khả năng tính toán tiên tiến như điều hướng bằng cử chỉ sẽ ngốn năng lượng.

Nội dung cũng đóng vai trò rất quan trọng cho sự thành công của metaverse, nhưng phần mềm tạo mô hình 3D vẫn đắt đỏ khiến các nhà phát triển chưa thể tiếp cận trên diện rộng.

Người hoài nghi nói gì về metaverse?

Trong khi các công ty chạy đua để bắt kịp trào lưu, một số nhà phân tích lại tỏ ra thận trọng. Donnie Teng, chuyên gia công nghệ của Nomura Securities, cảnh báo sự cường điệu xung quanh metaverse chỉ là cách để các công ty đưa công nghệ VR và AR vào đời sống một cách phổ biến hơn.

“Khái niệm này đã xuất hiện khá lâu nhưng nó vẫn đang tiếp tục trở thành chủ đề hấp dẫn. Mọi người vẫn đang khám phá các khả năng mà chưa có câu trả lời rõ ràng”, Teng nói với Nikkei.

Cuối cùng, các chuyên gia cho rằng chưa có một cơ sở hạ tầng công nghệ và ứng dụng đủ tốt để thực sự hiện thực hóa giấc mơ xây dựng một metaverse hoàn toàn ảo.

Quyền riêng tư và an ninh mạng trong vũ trụ ảo?

“Người thổi còi Facebook” Frances Haugen nói metaverse “yêu cầu chúng ta đặt nhiều cảm biến hơn nữa trong nhà và nơi làm việc”. Cô cho rằng các công ty nên có một kế hoạch minh bạch cho vũ trụ ảo trước khi bắt đầu xây dựng “thế giới mới”.

Haugen không phải là người duy nhất đề cao quyền riêng tư và dữ liệu người dùng. David Reid, giáo sư về AI và máy tính không gian tại Đại học Liverpool Hope, cũng đang kêu gọi điều chỉnh metaverse trước khi “công nghệ trở thành hiện thực trong 5-10 năm tới.

“Metaverse có những tác động to lớn với xã hội. Bên cạnh lợi thế tuyệt vời sẽ là những mối nguy hiểm đáng sợ”, Nikkei dẫn lời Reid.

Ông cho rằng, thế giới đang ở giai đoạn đầu của metaverse, nhưng mọi người cần thảo luận các rủi ro liên quan ngay từ bây giờ trước khi đi vào con đường không thể quay về. Quyền riêng tư, dữ liệu, an ninh trong vũ trụ ảo sẽ là vấn đề quan trọng của tương lai.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Apple và Meta đối đầu trong Metaverse

Apple và Meta được cho là sẽ cạnh tranh gay gắt ở các sản phẩm phục vụ xu hướng metaverse trong thập kỷ tới.

Apple và Meta đối đầu trong Metaverse

“Cuộc chiến thực sự giữa Apple và Meta là kính thực tế ảo và thực tế tăng cường, đồng hồ thông minh, smarthome, các dịch vụ kỹ thuật số, cũng như các thiết bị và nền tảng được định nghĩa riêng trong vũ trụ gọi là metaverse”, nhà báo công nghệ Mark Gurman của Bloomberg bình luận.

Trong 10 năm qua, các chuyên gia nhận định đối trọng lớn nhất của Apple là Google khi cả hai cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực như smartphone, hệ điều hành di động, dịch vụ web và thiết bị gia đình. Tuy nhiên, 10 năm tiếp theo, đối thủ của Apple sẽ là cái tên quen thuộc khác tại Thung lũng Silicon: Meta – thương hiệu mới của công ty Facebook.

Mối quan hệ Apple – Facebook hay giữa CEO Tim Cook và Mark Zuckerberg không hề êm đẹp thời gian qua. Cả hai luôn chĩa mũi giáo về nhau mỗi khi có thể, đặc biệt là liên quan đến quyền riêng tư.

Cook chỉ trích Facebook về cách mạng xã hội này khai thác thông tin người dùng. Apple thậm chí phát triển tính năng cho phép chủ sở hữu iPhone tuỳ chọn chấp nhận hay từ chối ứng dụng thu thập dữ liệu, đánh mạnh vào mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo của các công ty như Facebook.

Về phần mình, Zuckerberg và Meta chỉ trích chính sách của App Store, như tỷ lệ thu phí 30% doanh thu từ ứng dụng với nhà phát triển, hay về vận hành trò chơi di động và sự kiện ảo.

Tuy vậy, Gurman cho rằng các vấn đề này sẽ chỉ là “chuyện nhỏ” trong khoảng 10 năm tới, bởi cả hai đang nhắm tới VR, AR và các thiết bị đeo hỗ. Đây đều là những sản phẩm không thể thiếu trong vũ trụ ảo metaverse.

Meta không giấu sự thất vọng khi lỡ xu hướng smartphone trong thập kỷ qua, đồng thời thừa nhận sự cố gắng của họ trong lĩnh vực này chưa đủ.

Cũng giống như Amazon thất bại với dòng điện thoại Fire, công ty của Zuckerberg cố gắng tìm kiếm các lĩnh vực mới để bành trướng. Thị trường đầy hứa hẹn của họ là kính VR, AR, một phần nhờ thương vụ Oculus trị giá 2 tỷ USD từ năm 2014.

Meta đã bán kính VR vài năm và hầu như không vấp phải sự cạnh tranh đáng kể nào. Tuy nhiên, từ 2022 trở về sau có thể là giai đoạn thị trường nóng lên cả về số lượng sản phẩm lẫn đối thủ, bởi nhiều công ty đã sẵn sàng công bố loại kính này.

Tháng trước, Meta giới thiệu bản xem trước của kính thực tế hỗn hợp đầu tiên của hãng là Project Cambria. Nếu kính AR tập trung vào thực tế ảo, đưa người dùng hoàn toàn vào trong thế giới số, còn kính VR phủ thông tin kỹ thuật số lên trên thế giới thực, thì Project Cambria kết hợp hai yếu tố này bằng cách tạo một “lớp phủ AR đầy đủ màu sắc cho VR”.

Bên cạnh đó, kính Meta cũng được trang bị vi xử lý, cảm biến và ống kính riêng tiên tiến hơn nhiều so với các sản phẩm của công ty trước đây. Theo một số tin nguồn tin, Apple cũng đang lên kế hoạch cho một thiết bị tương tự.

“Kính của Apple dự kiến khoảng 2.000 USD. Tôi hy vọng sản phẩm của Meta có giá thấp hơn một chút. Tuy nhiên, cả hai đều sẽ là những thiết bị mang tính bản lề cho người dùng muốn tham gia trải nghiệm metaverse“, Gurman nói.

Nhưng Meta cũng không dừng lại ở kính thực tế hỗn hợp. Công ty của Mark Zuckerberg dự kiến tham gia vào lĩnh vực đồng hồ thông minh khi đã hé lộ mẫu smartwatch mới, thậm chí đang chuẩn bị cho ba thế hệ sản phẩm. Đây được xem là kế hoạch mang tính thách thức với Apple.

Về tính năng, smartwatch của Meta có thể gọi video, khi hình ảnh hé lộ cho thấy thiết bị có camera trước. Nếu phát huy tác dụng và được đón nhận, Apple nhiều khả năng buộc phải bổ sung chức năng tương tự cho Watch.

Hiện Apple Watch là thiết bị đa năng, nhưng theo dõi hoạt động thể chất vẫn là chức năng chính. Meta cũng thể hiện mối quan tâm đến lĩnh vực này.

Thiết bị nhà thông minh cũng là lĩnh vực đối trọng giữa Apple và Meta trong tương lai, dù cả hai chưa thực sự có sản phẩm gây chú ý. Smarthome cũng là thành phần quan trọng trong metaverse.

Thiết bị gọi video Portal Go. Ảnh: Meta
Thiết bị gọi video Portal Go. Ảnh: Meta

Meta bắt đầu cung cấp sản phẩm cho smarthome từ cách đây 3 năm với Portal, cho phép người dùng trò chuyện video. Màn hình thông minh này sau đó được cải tiến và có nhiều bản hơn, trong đó có mẫu Portal Go hoạt động bằng pin.

“Meta còn chặng đường dài để cạnh tranh với Amazon hay Google về thiết bị thông minh cho gia đình, cả về thị phần lẫn trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, tôi đã thử dùng Portal trong bếp vài tuần qua và tin vào triển vọng của Meta”, Gurman nói.

Trong khi đó, Apple hiện có rất ít sản phẩm phục vụ nhà thông minh ngoài mẫu loa HomePod ra năm 2018 và HomePod mini năm 2020. Nền tảng và ứng dụng HomeKit cũng chưa thực sự đặc sắc, dù đã xuất hiện vài năm.

Tuy nhiên, Apple được cho là đang phát triển ít nhất hai thiết bị, gồm set-top-box TV kết hợp loa, và loa thông minh tương tự Portal hoặc Amazon Echo Show.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn

Microsoft chính thức vượt qua Apple và trở thành công ty có giá trị nhất thế giới

Vào ngày 29/10 vừa qua, tính theo giá trị vốn hoá thị trường, Microsoft đã vượt qua Apple để trở thành công ty đại chúng có giá trị nhất thế giới.

Microsoft chính thức vượt qua Apple và trở thành công ty có giá trị nhất thế giới
Dado Ruvic | Reuters

Microsoft hiện có vốn hóa thị trường (market cap) gần 2,49 nghìn tỷ USD vào thời điểm đóng cửa thị trường, trong khi Apple đang ở mức khoảng 2,46 nghìn tỷ USD.

Vào ngày 29.10, Apple đã báo cáo rằng doanh thu của họ không đạt được mức kỳ vọng của Phố Wall trong quý tài chính thứ 4 do những hạn chế của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giám đốc điều hành Tim Cook trao đổi với CNBC rằng Apple đã thâm hụt khoảng 6 tỷ USD so với mức kỳ vọng và ông cũng dự báo rằng ​​các vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục tồi tệ hơn trong những tháng cuối năm.

Doanh số bán iPhone của Apple tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng không đạt được mức kỳ vọng của các nhà phân tích. Quý 4 của công ty cũng chỉ bao gồm một vài ngày bán dòng iPhone 13 mới ra mắt.

Với Microsoft, công ty này đã vượt qua mức kỳ vọng về doanh thu trong quý tài chính đầu tiên, tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, đây là mức tăng trưởng nhanh nhất của Microsoft kể từ năm 2018.

Apple là công ty đầu tiên đạt mức vốn hóa thị trường 1 nghìn tỷ USD và sau đó là 2 nghìn tỷ USD, và đã trở thành công ty đại chúng có giá trị nhất thế giới khi vượt qua cả gã khổng lồ dầu mỏ Saudi Aramco về vốn hóa thị trường vào năm ngoái.

Microsoft lần đầu tiên đạt mức vốn hóa thị trường 2 nghìn tỷ USD vào tháng 6 năm nay sau khi tiết lộ bản cập nhật lớn đầu tiên cho Windows trong hơn 5 năm.

Vào thời điểm đóng cửa của thị trường, cổ phiếu của Microsoft đã tăng hơn 48% so với năm trước, trong khi cổ phiếu của Apple chỉ tăng gần 13%.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Các công ty công nghệ lớn như Facebook và Google sẽ tìm cách để xem dữ liệu tài chính của người dùng

Khi tiến đến mô hình tài chính mở, các Big Tech sẽ tìm cách để truy cập thông tin chi tiết về tài khoản ngân hàng của người dùng nhằm mục tiêu cung cấp cho họ những sản phẩm và dịch vụ phù hợp hơn.

Các công ty công nghệ lớn như Facebook và Google sẽ tìm cách để xem dữ liệu tài chính của người dùng
Source: Depositphotos | Unsplash

Các công ty công nghệ lớn (Big Tech), chẳng hạn như Amazon, Google, Facebook, Apple và Microsoft, cùng với những công ty khác, giờ đây sẽ có thể truy cập thông tin chi tiết về ngân hàng của người dùng nhờ mô hình tài chính mở (Open Finance model).

Tài chính mở hay Open Finance là một mô hình trao đổi về thông tin tài chính giữa các ngân hàng và bất kỳ tổ chức tài chính nào.

Theo mô hình này, trong một dịch vụ tài chính, bạn có thể thêm tài khoản từ nhiều tổ chức khác nhau, kết hợp các định dạng khác nhau mà họ cung cấp trong cùng một nơi.

Kiểu mô hình trao đổi dữ liệu (data exchange model) này hiện đang tồn tại và phát triển khắp Châu Mỹ Latinh.

Tại Mexico, mô hình này cũng được đưa vào Luật Fintech (điều luật dành riêng cho các công ty công nghệ tài chính), quy định rằng hơn 2.200 thực thể liên quan sẽ có nghĩa vụ sử dụng các giao diện lập trình ứng dụng (APIS) để trao đổi thông tin với nhau.

Theo Ông Gilberto Pérez Hernández, Tổng Giám đốc phụ trách về các điều khoản của Ủy ban Chứng khoán và Ngân hàng Quốc gia Mexico (CNBV), hiện tại các Big Tech chỉ có thể yêu cầu dữ liệu và dữ liệu chỉ có thể được giao dịch khi họ có sự cho phép của CNBV.

Ông Pérez Hernández cũng chỉ ra rằng trong trường hợp các Big Tech không nhận được ủy quyền nói trên, Big Tech sẽ không thể truy cập các thông tin giao dịch của người dùng của họ và nếu họ muốn truy cập vào tập dữ liệu này, cơ quan tương ứng sẽ yêu cầu họ đáp ứng một số yêu cầu nhất định.

Các thông tin về giao dịch chỉ có thể được trao đổi nếu người dùng đồng ý, nếu không, các tổ chức không nên sử dụng loại dữ liệu này.

Tại sao các Big Tech có thể dễ dàng cung cấp các dịch vụ tài chính?

  • Nhờ nền tảng công nghệ mạnh mẽ của họ.
  • Các tài nguyên như dữ liệu lớn (big data) giúp họ hiểu rõ hơn về xu hướng và sở thích của người dùng khi mua hàng.
  • Họ có thể cung cấp các dịch vụ khác nhau tùy theo các thể chế của mỗi quốc gia.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Trẻ em học được bài học này sẽ phát triển và trở thành một là lãnh đạo tốt hơn

CEO của Land O ‘Lakes, Bà Beth Ford thuộc danh sách Fortune 500, với nổi tiếng với quan điểm của bà về mảng dịch vụ – cách nó ảnh hưởng đến khách hàng và mọi doanh nghiệp.

Trẻ em học được bài học này sẽ phát triển và trở thành một là lãnh đạo tốt hơn
Beth Ford Getty Images

CEO Beth Ford là một trong những người thành công trong nhiều lĩnh vực. Một trong số đó là sự thăng tiến ấn tượng của bà lên vị trí Giám đốc điều hành tại Land O ‘Lakes, một công ty về thực phẩm của Mỹ có mức doanh số hàng năm khoảng 20 tỷ USD.

Trong khi nhiều CEO khác – như Elon Musk của Tesla hay Tim Cook của Apple – trên thực tế là những nhân vật nổi tiếng với những bài thuyết trình và diễn thuyết thu hút sự chú ý lớn của công chúng, Bà Ford thì có phần ngược lại.

Bà thực sự quan tâm nhiều hơn đến việc kết nối các điểm (connecting the dots) khác nhau giữa cuộc sống gia đình hàng ngày và công việc của mình tại Land O ‘Lakes.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Business Insider, Bà đã chia sẻ cụ thể hơn về điều này và chia sẻ của Bà cũng đã phần nào thể hiện rõ hơn nhu cầu của sự khiêm tốn và tập trung trong một thế giới quá ồn ào:

“Điều quan trọng là [những đứa trẻ của tôi] phải thấy được giá trị của những người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ – đặc biệt là lúc bấy giờ. Họ là những người giúp chúng tôi ăn no, gắn bó và ấm áp. Tôi đã cố gắng truyền đạt những bài học đó cho các con của tôi: giá trị của mỗi công việc và giá trị của sự chăm chỉ của tất cả mọi người.”

Khi mở rộng điều này đến bối cảnh lãnh đạo, đầu tiên, chúng ta cần bắt đầu mọi thứ với ý tưởng rằng chúng ta cần đánh giá cao nhân viên của mình – cụ thể là những người phục vụ, những người đang chăm chỉ hoàn thành công việc mỗi ngày.

Nền kinh tế của chúng ta dựa trên nền tảng chính là hàng hóa: nó đơn giản là đổi cái này lấy cái kia. Nhưng dịch vụ lại phát triển theo một chiều hướng khác.

Những dịch vụ tốt nhất không đơn giản là chuyện “đổi cái này lấy cái kia” – mà nó phụ thuộc vào sự nồng nhiệt, niềm đam mê, sự thấu hiểu, sự tận tâm và cả sự cam kết.

Nó phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người, kỹ năng xây dựng mối quan hệ và rất nhiều thứ khác nhưng chúng ta thường biến nó trở thành một loại hàng hóa thông thường.

Đối với những nhà lãnh đạo đang quan tâm sâu sắc đến việc có những phần thưởng xứng đáng cho nhân viên của họ, làm thế nào họ có thể đo lường chính xác giá trị của dịch vụ?

Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta chủ yếu dựa vào những thứ như sự phản hồi của khách hàng để đánh giá mọi thứ.

Tuy nhiên, điều này lại làm phát sinh một vấn đề: Nếu chúng ta cung cấp các ưu đãi khi khách hàng gửi lại phản hồi, thì khi này động lực của khách hàng không còn là đánh giá dịch vụ mà chỉ đơn giản là để nhận một thứ miễn phí nào đó.

Những người gửi lại phản hồi hay đánh giá dịch vụ mà không kèm theo bất cứ một lời nhắc nhở hay ý kiến nào cụ thể thường làm điều đó vì họ đã có những trải nghiệm tiêu cực. Và đương nhiên khi này, kết quả phản hồi không còn mang lại nhiều ý nghĩa nữa.

Dưới đây là một số cách bạn có thể tham khảo nếu bạn muốn hiểu chính xác hơn về tác động của các dịch vụ của doanh nghiệp.

Kết nối các phản hồi với một hành động mà khách hàng của bạn đang thực hiện.

Ví dụ: một quán cà phê có thể gắn một chiếc máy tính bảng gần quầy thanh toán với lời nhắc đơn giản “thích” hoặc “không thích” dịch vụ họ đang nhận được trên màn hình.

Bạn cũng có thể để họ làm điều tương tự trong khu vực khác như khu vực sử dụng sản phẩm. Điều này cung cấp cho bạn hai phần phản hồi quan trọng: Dịch vụ như thế nào trong khi đặt hàng, và cà phê hay dịch vụ như thế nào trong thực tế sau sử dụng.

Cân bằng phản hồi của khách hàng với phản hồi của nhân viên.

Nếu bạn đã từng triển khai quy trình đánh giá cho đội nhóm của mình, bạn có thể đã phải vật lộn với việc tìm ra cách tốt nhất để đảm bảo các đánh giá hiệu suất được thực hiện một cách chính xác và công bằng.

Cách khách quan nhất bạn nên làm đó là đánh giá 360 độ: Yêu cầu một số người, những người đã từng làm việc với từng nhân viên hoàn thành các bản đánh giá. Các đánh giá nên đến từ mọi tầng lớp, phòng ban trong công ty hoặc nhiều nhất có thể.

Bạn cũng có thể làm điều này với các nhân viên trong ngành dịch vụ – bạn chỉ cần đảm bảo rằng các đánh giá đến từ nhân viên được tính toán với một trọng số phù hợp, dựa trên mức độ họ làm với đồng nghiệp với mức thời gian mà họ đã dành để tương tác với khách hàng.

Nhận ra những khoảnh khắc “thắng lợi” nhưng lại không được ghi nhận.

Trong quá trình phục vụ, bạn sẽ thường xuyên nghe thấy khách hàng chia sẻ những lời khen ngợi hoặc cảm ơn, những điều hiếm khi được ghi nhận và lưu lại cho sau này.

Là một nhà lãnh đạo, bạn nên nhấn mạnh tầm quan trọng của đội nhóm để mọi người đều cùng cố gắng và chia sẻ nó với bạn. Cuối cùng, khi đội nhóm phát triển cũng là lúc từng nhân viên đạt được những thành công tương ứng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Giang Nguyễn

Chủ tịch JP Morgan xem Jeff Bezos và Tim Cook là hai CEO giỏi nhất

Theo ông, cả Jeff Bezos và Tim Cook đều có khả năng đổi mới và tập trung vào các dịch vụ khách hàng. 

CEO Jamie Dimon | Source: Fox Business

Khi điểm tên những CEO giỏi nhất, Jamie Dimon – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành JPMorgan Chase nghĩ ngay đến 2 vị CEO nổi tiếng của những tập đoàn hàng đầu thế giới.

″Jeff Bezos của Amazon và Tim Cook của Apple”, Dimon chia sẻ trên chương trình “Axios trên HBO”.

Giải thích lý do vì sao đưa ra hai tên tuổi này? Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành JPMorgan Chase nhận định, cả Jeff Bezos và Tim Cook đều có khả năng đổi mới và tập trung vào các dịch vụ khách hàng.

Lấy ví dụ về dịch vụ khách hàng của Amazon, Dimon nói: “Nếu bạn nhìn vào Amazon, hãy nhìn vào những gì họ đã làm và đạt điều đó”.

Bezos từ lâu đã cho rằng thành công của mình là do bị “ám ảnh” bởi khách hàng (ý nói khách hàng phản hồi quá nhiều) thay vì bị đối thủ cạnh tranh ám ảnh: “Một dịch vụ khách hàng tốt nhất là khi khách hàng không cần gọi cho bạn, không cần lên tiếng, dịch vụ khách hàng tự chủ động hoạt động”, Bezos nói vào năm 2011.

Không có gì ngạc nhiên khi Bezos được Dimon đánh giá là vị CEO giỏi nhất. Hai người đã là bạn của nhau trong nhiều thập kỷ, gặp nhau vào năm 1997 khi Dimon phỏng vấn cho một vị trí tại Amazon sau khi ông bị sa thải khỏi Citigroup.

Dimon chia sẻ, ông nghĩ Bezos “có cơ hội thực sự để tạo nên một cái gì đó”, vào thời điểm đó. Nhưng để làm việc cho Amazon tại thời điểm Jeff mới chỉ là một người bán sách trực tuyến non trẻ thì “lại không phù hợp với truyền thống gia đình tôi.

Tôi đã dành cả đời cho các dịch vụ tài chính. Và vì vậy tôi quyết định có lẽ nên tìm thứ gì đó trong các dịch vụ tài chính”, Dimon nói với Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại David Rubenstein vào năm 2019.

Tuy nhiên, Dimon cho biết ông và Bezos “đã thành công và chúng tôi trở thành bạn của nhau kể từ đó”, Dimon nói với Poppy Harlow trong bộ phim tài liệu CNN  “The Age of Amazon” vào năm 2019.

Dimon cũng so sánh sự đổi mới đã thay đổi cuộc chơi của Amazon với những thứ như iPhone của Apple và Model T của Henry Ford.

Vào tháng 7, Bezos từ chức Giám đốc điều hành của Amazon sau 27 năm nắm quyền . Hiện ông giữ chức Chủ tịch điều hành của Amazon.

Vào năm 2018, Dimon và Bezos đã cố gắng hợp tác kinh doanh để tạo ra một liên doanh phi lợi nhuận cùng với Chủ tịch Berkshire Hathaway Warren Buffett có tên là Haven.

Mục tiêu của liên doanh là nhằm khắc phục các vấn đề trong hoạt động chăm sóc sức khỏe và giảm chi phí cho người sử dụng lao động. Tuy nhiên, công ty đã đóng cửa vào tháng Giêng sau khi các thành viên sáng lập thực hiện các dự án của họ một cách riêng lẻ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Mức độ tin tưởng của người dùng với các “Big Tech” năm 2021

Sau một năm xảy ra đại dịch và với nhiều thay đổi trên các nền tảng, niềm tin của người tiêu dùng dành cho các công ty công nghệ hàng đầu toàn cầu đang được thể hiện như thế nào.

Source: The Washington Post

Trong một năm với nhiều sự cô lập, sợ hãi, bấp bênh và mơ hồ, ngành công nghệ đã cung cấp nhiều cách hơn để mọi người có thể giữ kết nối với nhau.

Nhiều người Mỹ nhận thức được sự phụ thuộc của họ vào các công ty công nghệ lớn (Big Tech). Vậy thái độ của họ đối với các công ty này có thay đổi gì không?

Bắt đầu từ năm 2017, tờ The Verge đã tiến hành các cuộc khảo sát định kỳ nhằm đánh giá thái độ của người Mỹ đối với ngành công nghệ lớn; khảo sát gần đây nhất được xuất bản vào tháng 3 năm 2020, cũng trong thời điểm Covid-19 đang bùng phát.

Dưới đây là một số điểm đáng chú ý từ nghiên cứu:

  • 13% người được hỏi vốn đã quen thuộc với thương hiệu có các ý kiến ​​bất lợi về Amazon, so với mức chỉ 9% vào năm 2020.
  • Facebook và Twitter cũng chứng kiến hoàn cảnh tương tự – với 34% người được hỏi nói rằng họ không hài lòng về Facebook, so với mức 29% vào năm 2020 và 42% nói rằng họ không mấy thích Twitter, so với mức 39% vào năm 2020.
  • Nhiều người nói rằng Apple có những tác động tiêu cực đến xã hội nói chung, khoảng 9% số người được hỏi, những người vốn quen thuộc với thương hiệu đã đưa ra nhận định này, so với mức 5% vào năm 2020. Facebook và Twitter cũng có nhiều khả năng bị coi là có hại cho xã hội.
  • Trong số những người không sử dụng Facebook, 43% trong số họ đang tránh né nền tảng này vì họ không thích cách nó hoạt động – một bước nhảy vọt khá lớn so với mức chỉ 27% trong cuộc khảo sát trước đó.

Với TikTok, một trong những nền tảng có mức tăng trưởng nhanh nhất trong những năm gần đây: 31% những người vốn quen thuộc với thương hiệu này nói rằng nó có tác động tiêu cực đến xã hội.

Ngoài ra, TikTok là thương hiệu mà mọi người không tin tưởng nhất khi nói đến thông tin cá nhân, khoảng 64% người được hỏi nói rằng họ không tin tưởng vào TikTok.

Facebook và Instagram là những thương hiệu kém tin cậy xếp thứ hai và thứ ba khi nói đến thông tin cá nhân sau TikTok; trong cả hai trường hợp, đa số người được hỏi cho biết rằng họ cảm thấy các thương hiệu này không đáng tin cậy.

Vào năm 2021, 61% số người được hỏi nói rằng chính phủ nên chia tách các công ty công nghệ nếu chúng trở nên quá lớn; vào năm ngoái, con số này chỉ là 56%.

Cuộc khảo sát này được thực hiện vào tháng 8 năm 2021 với 1.200 người dùng ở nhiều nhóm người khác nhau trên toàn quốc của nước Mỹ.

Dưới đây là các số liệu chi tiết theo từng nền tảng.

facebook

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Facebook thêm tính năng nhắm mục tiêu quảng cáo tự động mới

Với những tác động từ bản bản cập nhật theo dõi ứng dụng của Apple (ATT) tới lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số, Facebook hiện đang nỗ lực nhiều hơn để đảm bảo rằng các sản phẩm quảng cáo của họ vẫn tiếp tục tạo ra kết quả tốt.

Facebook thêm tính năng nhắm mục tiêu quảng cáo tự động mới

Trong khi bản cập nhật của Apple vẫn đang tiếp tục gây ảnh hưởng đến phạm vi tiếp cận đối tượng và độ chính xác của việc nhắm mục tiêu nói chung, nhiều người mua phương tiện truyền thông (media buyers ) hiện đang hướng tới các tùy chọn nhắm mục tiêu đối tượng tự động hơn. Facebook và Google cũng đang thúc đẩy các nhà quảng cáo hướng tới các các công cụ học máy của họ để giúp tối đa hóa phản hồi dựa trên các ước tính và dự đoán.

Theo ghi nhận từ Facebook:

“Để giúp các nhà quảng cáo tìm thấy các cơ hội bổ sung mà ban đầu không có sẵn với họ, khi nhà quảng cáo tận dụng tính năng nhắm mục tiêu chi tiết và tối ưu hóa cho các chuyển đổi, giá trị hoặc các sự kiện ứng dụng bằng cách sử dụng mục tiêu chuyển đổi, chúng sẽ tự động được được đưa vào mục tiêu ‘mở rộng nhắm mục tiêu'”.

Tính năng mở rộng nhắm mục tiêu (Targeting Expansion) cho phép các thuật toán quảng cáo của Facebook hiển thị quảng cáo của bạn cho nhiều đối tượng tiềm năng hơn là những đối tượng phù hợp với các lựa chọn nhắm mục tiêu cụ thể trong quảng cáo của bạn.

Facebook chia sẻ:

“Bạn có thể sử dụng tùy chọn này khi bạn muốn chúng tôi hiển thị quảng cáo của bạn cho những người khác mà chúng tôi nghĩ sẽ mang lại cho bạn kết quả nhiều hơn và / hoặc rẻ hơn. Hệ thống của chúng tôi triển khai việc mở rộng nhắm mục tiêu khi xác định rằng làm như vậy có thể cải thiện hiệu suất quảng cáo được nhiều hơn.”

Về cơ bản, hệ thống của Facebook có thể phát hiện ra rằng quảng cáo của bạn sẽ thấy những phản hồi tốt hơn nếu chúng được hiển thị cho nhiều người dùng hơn ngoài phạm vi nhắm mục tiêu của bạn và sau đó nó sẽ hiển thị quảng cáo của bạn dựa trên ước tính của chính nó, ngay cả khi những người đó không phù hợp với các tiêu chí mà bạn đã chọn.

Điều đáng chú ý nhất là tuỳ chọn mở rộng nhắm mục tiêu không áp dụng cho các tùy chọn nhắm mục tiêu theo vị trí, độ tuổi hoặc giới tính.

Vì vậy, ví dụ nếu bạn muốn quảng cáo tiếp cận phụ nữ trong độ tuổi 25-30 ở TPHCM, thì quảng cáo của bạn sẽ vẫn chỉ được hiển thị cho tập hợp con đó, mặc dù họ có nhiều thứ khác như sở thích, hành vi…khác nhau.

Tuỳ chọn mới này có phù hợp với các nhà quảng cáo không?

Về bản chất, mức độ hiệu quả của quảng cáo còn phụ thuộc vào những tập hợp con rất cụ thể mà các nhà quảng cáo đang muốn nhắm mục tiêu và họ có thể nhận được giá trị từ việc duy trì quảng cáo của họ theo các sở thích cụ thể hay không.

Tuy nhiên, với những gì mà sự tự động hóa của Facebook có thể mang lại, với những gì mà bạn đang giúp hệ thống của Facebook hiểu hơn về đối tượng mục tiêu của bạn, đồng thời việc thiếu dữ liệu nhắm mục tiêu sau ATT của Apple thì rất nhiều nhà quảng cáo cũng đang mong đợi mức độ hiệu quả mà các tính năng tự động tương tự có thể mang lại.

Bạn có thể giả sử rằng Facebook hiện đang đặt điều này làm mặc định, rằng nó sẽ mang lại những kết quả tốt hơn cho hầu hết các thương hiệu, nhưng cuối cùng nó có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến các doanh nghiệp nhỏ hơn, cụ thể là khi Facebook không cho phép họ giữ việc nhắm mục tiêu theo những sở thích cụ thể mà họ đã chọn.

Theo Facebook, tính năng mở rộng nhắm mục tiêu giờ đây sẽ được thêm theo mặc định vào hầu hết các chiến dịch với mục tiêu chuyển đổi và trong nhiều trường hợp, bạn sẽ không thể thay đổi tuỳ chọn này.

Bạn có thể xem cách hoạt động và sử dụng của tuỳ chọn quảng cáo mới này tại: Targeting Expansion

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Nam Nguyen

Apple có nguy cơ mất hàng tỷ USD sau vụ kiện lịch sử với Epic Games

Epic Games thắng Apple trong vụ kiện liên quan đến kênh thanh toán trên App Store, nhưng cả hai bên đều tỏ ra không hài lòng.

Ngày 12/9, thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers ra phán quyết buộc Apple gỡ bỏ hạn chế trong phương thức thanh toán của các ứng dụng trên App Store, cho phép nhà phát triển dùng các công cụ khác thay thế.

Apple có thể mất hàng tỷ USD doanh thu mỗi năm.

Từ tháng 8/2020, Epic Games khởi kiện Apple sau khi nhà sản xuất iPhone loại bỏ game Fornite khỏi kho ứng dụng. Nguyên đơn cho rằng Apple vi phạm luật chống độc quyền khi cấm nhà phát triển triển sử dụng phương thức thanh toán riêng.

Phán quyết mới của tòa án đồng nghĩa Apple sẽ phải thực hiện những thay đổi lớn đối với mô hình kinh doanh của App Store kể từ khi nền tảng này ra đời năm 2008.

Cụ thể, việc tính phí “hoa hồng” 30% như hiện nay đối với các nhà phát triển sẽ được xem xét lại hợp lý hơn.

Đồng thời, Apple phải cho phép các ứng dụng iOS sử dụng “các nút, liên kết bên ngoài, hoặc quảng cáo hướng khách hàng đến phương thức mua hàng ngoài hệ thống thanh toán của Apple”.

Theo Bloomberg, phán quyết của tòa án là đòn giáng mạnh vào Apple. Doanh thu từ App Store hiện đạt 6,3 tỷ USD năm ngoái, phần lớn số tiền này là từ mua hàng trong ứng dụng và đăng ký dịch vụ.

Nhà phân tích Gene Munster của Loup Venture nhận định, Apple có thể thiệt hại từ 1 tỷ đến 4 tỷ USD mỗi năm, tùy vào số lượng nhà phát triển tận dụng chính sách mới.

Số liệu Apple công bố tại tòa cho thấy, 70% tổng doanh thu App Store là từ trò chơi và từ khoảng 10% người dùng nền tảng.

Theo Sensor Tower, riêng 2020, Apple kiếm được 3,8 tỷ USD từ game, phần lớn nhờ hoạt động mua hàng trong ứng dụng. Trong khi đó, có tới 80% ứng dụng trên App Store gần như không tạo ra doanh thu.

Dù vậy, vài tỷ USD chỉ là một phần trong tổng doanh thu của Apple. Theo ước tính, trong năm tài chính 2021, Apple có thể thu về 360 tỷ USD.

Thực tế, dù bị xử thua, Apple vẫn gọi quyết định của tòa là một “chiến thắng vang dội”. Họ không chịu nhiều thiệt hại trong quyết định này, kể cả việc bị yêu cầu thay đổi mức phí 30% trên App Store đối với nhà phát triển.

Tuy nhiên, về lâu dài, giới chuyên gia cho rằng Apple có thể phải nhượng bộ các công ty như Epic Games, tức không chỉ mất đi hàng tỷ USD doanh thu, mà còn mất một số quyền kiểm soát ngay trên nền tảng App Store của mình.

Trước sức ép cộng đồng và quy định pháp lý ở nhiều quốc gia, Apple đã đồng ý cho phép các ứng dụng như Netflix và Spotify được thanh toán bằng kênh thứ ba từ 1/9.

Quyết định được đưa ra sau cuộc điều tra quy mô lớn của Nhật Bản nhắm vào App Store. Mới đây, Hàn Quốc cũng yêu cầu Apple mở đường cho hệ thống thanh toán bên ngoài, thay vì phụ thuộc vào công ty sở hữu cửa hàng ứng dụng.

Epic Games cũng mất nhiều hơn được.

Theo giới phân tích, phán quyết của tòa cũng không mang lại nhiều lợi ích cho Epic Games. The Verge cho rằng, chiến thắng chỉ dành cho các nhà phát triển trên App Store, chứ không phải cho Epic Games vì hai lý do.

Thứ nhất, tòa án khẳng định Epic Games vi phạm hợp đồng với Apple khi triển khai hệ thống thanh toán thay thế cho game Fortnite. Epic Games phải trả cho Apple 30% tổng doanh thu thu từ hệ thống thay thế với số tiền ước tính trên 3,5 triệu USD.

Thứ hai, Apple hoàn toàn có thể dùng phạm vi quyền hạn của mình để gạt sản phẩm của Epic Games, như Fortnite, khỏi App Store. “Apple có quyền làm theo hợp đồng đã thỏa thuận, trong đó có thể chấm dứt điều khoản với Epic Games bất cứ lúc nào, theo quyết định riêng của Apple”, Rogers nói.

Bên cạnh đó, Epic Games chưa đưa ra đủ bằng chứng về hành vi độc quyền của bị đơn.

Theo tòa, Apple chiếm thị phần trên 55% và đạt lợi nhuận cao, nhưng những yếu tố này chưa đủ để cáo buộc hành vi chống độc quyền. Kinh doanh thành công không phải bất hợp pháp.

Sau vụ kiện, Epic Games được dự đoán mất một lượng lớn người chơi Fortnite trên iOS, với thiệt hại ước tính hàng trăm triệu USD nếu game vẫn bị xóa trên App Store thời gian tới.

Theo hồ sơ Epic Games công bố, trong gần hai năm đầu xuất hiện trên iOS (từ 2019), Fortnite thu về 614 triệu USD. Tháng 8/2020, trò chơi không còn trên App Store do liên quan đến vụ kiện.

CEO Tim Sweeney của Epic Games bày tỏ sự thất vọng trên Twitter: “Phán quyết này không phải là chiến thắng cho nhà phát triển hay cho người tiêu dùng. Epic Games đấu tranh để cạnh tranh công bằng giữa các phương thức thanh toán trong ứng dụng và cửa hàng ứng dụng cho một tỷ người dùng”.

Epic Games đang lên kế hoạch kháng cáo.

Các nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để khẳng định nhà phát triển và Apple sẽ thay đổi thế nào sau phán quyết. Tuy nhiên, theo chuyên gia Jason Schreier của Bloomberg, với thiệt hại hàng tỷ USD trước mắt, cả Epic Games lẫn Apple đều là kẻ thua cuộc trong cuộc chiến pháp lý đang diễn ra.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | Theo VnExpress

Các nhà phát triển ứng dụng có quyền bỏ qua hệ thống thanh toán của Apple

Thời gian tới, các nhà phát triển ứng dụng có quyền bỏ qua hệ thống thanh toán của Apple trên App Store và hướng người dùng đến phương thức thanh toán khác.

Theo Bloomberg, ngày 10/9, thẩm phán Mỹ Yvonne Gonzalez Rogers ra phán quyết yêu cầu Apple tạo điều kiện cho cộng đồng phát triển ứng dụng áp dụng những hình thức thanh toán khác.

Quyết định được đưa ra sau cuộc chiến pháp lý giữa Apple và Epic Games, công ty sở hữu tựa game đình đám Fortnite.

Điều này đồng nghĩa nhà phát triển có quyền bỏ qua hệ thống thanh toán của Apple trên App Store (vốn đang có mức cắt hoa hồng lên tới 30%).

Đây là lần thay đổi quan trọng nhất với thương hiệu này kể từ khi ra mắt App Store vào năm 2008. Một số chuyên gia tài chính nhận định phán quyết này có thể khiến Apple mất vài tỷ USD doanh thu mỗi năm.

Ngay sau thông tin, giá cổ phiếu của Apple đã giảm 3,3% xuống ngưỡng 148,97 USD, mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 5.

Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng Apple đã thoát khỏi nguy cơ bị liệt vào danh sách công ty có hành vi kinh doanh độc quyền theo luật liên bang và tiểu bang.

Trong năm 2020, tính riêng tại thị trường Mỹ, Apple thu về khoảng 6,3 tỷ USD phí hoa hồng đến từ hoạt động mua hàng trên App Store.

Phán quyết của tòa án áp dụng cho mọi danh mục ứng dụng, đặc biệt là lĩnh vực trò chơi.

Các ứng dụng trò chơi hiện chiếm 70% tổng doanh thu của App Store, nhưng chỉ đến từ 10% người dùng. Hơn 80% người dùng sử dụng App Store tạo ra doanh thu không đáng kể.

Theo dữ liệu của Sensor Tower, Apple đã kiếm khoảng 3,8 tỷ USD từ ứng dụng trò chơi vào năm 2020. Phần lớn doanh thu này đến từ hoạt động mua hàng trên ứng dụng.

Theo Gene Munster, giám đốc Công ty đầu tư mạo hiểm Loup Venture, tùy thuộc vào số lượng nhà phát triển tận dụng chính sách mới, việc chấm dứt phương thức thanh toán độc quyền có thể khiến Apple mất từ 1-4 tỷ USD.

Nhưng ngay cả khi mất vài tỷ USD mỗi năm, hoa hồng từ việc kinh doanh ứng dụng chỉ đóng một phần nhỏ trong tổng doanh thu của Apple.

Riêng trong năm tài chính 2021, Apple ước tính thu về 360 tỷ USD. Do đó, thiệt hại dự kiến không đủ phá vỡ hiệu suất tài chính của công ty.

Thẩm phán không bắt buộc Apple thay đổi phí thu hoa hồng hoặc để các cửa hàng của bên thứ thứ 3 trên App Store. Ngoài ra, phán quyết chỉ có hiệu lực tại thị trường Mỹ, mặc dù mô hình hoạt động hiện nay của hãng đang áp dụng trên toàn cầu.

Epic Games cho rằng thẩm phán đang đứng về phía “Táo khuyết”. Trên mạng xã hội Twitter, Tim Sweeney – CEO của Epic – khẳng định phán quyết này không phải là chiến thắng cho nhà phát triển và người dùng.

Sau gần một năm bị xóa khỏi App Store vì sử dụng phương thức thanh toán riêng, trò chơi Fornite của Epic đã có thể trở lại.

Sweeney tuyên bố Epic sẽ chỉ khôi phục Fortnite trên App Store “khi nào và ở nơi Epic có thể cung cấp thanh toán trong ứng dụng cạnh tranh công bằng với thanh toán trong ứng dụng của Apple, giúp người dùng tiết kiệm chi tiêu.”

Phán quyết này sẽ cho phép người dùng mua trò chơi Fornite trên website của hãng thay vì thông qua App Store. Tuy nhiên, Epic cần phải xây dựng một trang web cho phép người dùng mua hàng và tích hợp liên kết đến website đó trong trò chơi.

Sweeney khẳng định sẽ tiếp tục “đấu tranh để cạnh tranh để đòi công bằng giữa các phương thức thanh toán trong ứng dụng và cửa hàng ứng dụng cho một tỷ người dùng”.

Song, Epic vẫn phải trả Apple 3,7 triệu USD vì cho phép người dùng mua hàng ngoài App Store từ tháng 8 đến tháng 10/2020. Thẩm phán cũng yêu cầu Epic thanh toán hoa hồng 30% các giao dịch thực hiện từ tháng 11 năm 2020 cho đến khi có phán quyết.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Bạn có thể không cần đến cửa hàng ứng dụng của Apple và Google để tải ứng dụng

Quốc hội có thể tước bỏ sự thống trị cửa hàng ứng dụng của Apple và Google và cho phép bạn tải xuống ứng dụng từ một nơi khác.

Apple CEO Tim Cook and Google CEO Sundar Pichai. Mandel Ngan/Getty Images; Denis Balibouse/Reuters

Thật khó để có thể theo dõi chi tiết các dự luật của quốc hội được thiết kế để kiểm soát các công ty công nghệ.

Nhưng một trong số những dự luật đặc biệt hiện đang nhắm vào các cửa hàng ứng dụng của Apple (App Store) và Google (Google Play) – và nếu nó được bật đèn xanh, nó có thể thay đổi cách bạn tải xuống ứng dụng trên điện thoại thông minh của mình.

Được mệnh danh là đạo luật thị trường ứng dụng mở, nó sẽ cho phép bạn cài đặt ứng dụng từ những nơi khác ngoài cửa hàng ứng dụng của Apple và Google, cả hai đều được cài đặt sẵn trên iPhone và Android.

Ngành công nghiệp mới gọi đó là sideloading, và nếu nó được cho phép, sẽ đánh dấu một bước ngoặt mới về cách mọi người truy cập ứng dụng và sử dụng điện thoại của họ.

Google hiện đã cho phép người dùng của mình truy cập các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba (third-party app stores), nhưng Apple thì không.

Các ứng dụng sideloading có nghĩa là chúng sẽ không trải qua quá trình kiểm tra của Apple, đó là lý do tại sao Apple cho biết trong một bài đăng của họ rằng điều đó sẽ “khiến người dùng phải đối mặt với các rủi ro bảo mật nghiêm trọng” chẳng hạn như tội phạm mạng và các phần mềm độc hại.

Tuy nhiên, các kiến ​​trúc sư của dự luật nói rằng các sideloading apps sẽ bao gồm các bộ phận bảo vệ an toàn cho quyền riêng tư của mọi người.

Google và Apple, mà cụ thể là Apple, đã phải đối mặt với sự lên án lớn về những gì các nhà phê bình nói là ‘lợi thế không công bằng mà họ sử dụng’ với các cửa hàng ứng dụng của họ.

Theo Sensor Tower, các cửa hàng của Google và Apple đã tạo ra 111 tỷ USD doanh thu vào năm 2020.

Cả hai ứng dụng này đều cắt từ 15% đến 30% tất cả các giao dịch mua hàng được thực hiện trong ứng dụng, nhưng các ứng dụng của riêng họ thì được miễn phí.

Liên quan đến vấn đề này, CEO Elon Musk của Tesla cũng đã gọi khoản phí của Apple là “khoản thuế toàn cầu thực sự trên internet” – vì đã ‘hút’ quá nhiều doanh thu.

Tại phiên điều trần chống độc quyền tại Thượng viện vào tháng 4, Match Group cho biết khoản chi lớn nhất của họ trong năm 2020 là 30% phí cửa hàng ứng dụng – công ty này đã thu về 2,4 tỷ USD doanh thu vào năm ngoái và đã phải trả tới 500 triệu USD hoa hồng cho các cửa hàng ứng dụng.

Ngoài đạo luật thị trường ứng dụng mở, hai dự luật mới cũng là một phần của gói chống độc quyền gồm năm dự luật đã được công bố từ tháng Sáu.

Đạo luật trực tuyến về sự lựa chọn và đổi mới của Mỹ và Đạo luật về chống độc quyền nền tảng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Apple.

Và ngay sau khi Thượng viện ban hành Đạo luật Thị trường Ứng dụng Mở (Open App Markets Act), các nhà làm luật của Hạ viện cũng đã đưa ra dự luật mới của riêng họ nhằm thiết lập ranh giới chặt chẽ hơn cho các công ty công nghệ trong việc vận hành các cửa hàng ứng dụng của riêng họ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Long Trần

Sẵn sàng sai và các quy tắc đầu tư của Warren Buffett

Đã từng tuyên bố không bao giờ đầu tư vào các công ty công nghệ, giờ đây Apple là một trong những khoản đầu tư lớn nhất của Warren Buffett.

Sẵn sàng sai và các quy tắc đầu tư của Warren Buffett

Không thể phủ nhận, Warren Buffett là một trong những nhà đầu tư thành công liên tục nhất trong bảy thập vừa qua.

Bạn có thể nghĩ rằng lý do cho các khoản lợi nhuận đầy ấn tượng của ông là do ông nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đầu tư hoặc thực tế là ông luôn có tầm nhìn dài hạn, đặt cược vào các công ty có tiềm năng lâu dài với mức sinh lời cao.

Và bạn đã đúng – đó là cả hai lý do lớn dẫn đến thành công của Buffett.

Nhưng ông cũng có một đặc điểm tính cách khác đã giúp mình luôn đi đầu trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng và đó không phải là điều mà hầu hết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp coi trọng – ông sẵn sàng sai.

Không chỉ vậy, ngoài viêc sẵn sàng thừa nhận mình đã sai, điều mà rất ít các nhà lãnh đạo thời nay có thể làm được.

Điều quan trọng hơn là ông sẵn sàng sửa và cập nhật lại các quy tắc của chính mình – thậm chí là ngay cả những quy tắc đã từng giúp ông thành công trong quá khứ để có thể thích ứng tốt hơn với những thực tế mới.

Ví dụ điển hình với Apple.

Công ty Berkshire Hathaway của Warren Buffett vừa tiết lộ rằng khoản đầu tư lớn nhất của họ là vào Apple. Berkshire sở hữu hơn 5% cổ phần của Apple và hơn 40% danh mục đầu tư chứng khoán của công ty này là tại Mỹ.

Buffett đã đầu tư vào Apple được vài năm nay, nhưng điều thú vị là bạn hãy nhớ rằng trong nhiều thập kỷ trước, ‘Oracle of Omaha’ này cũng từng né tránh các cổ phiếu công nghệ.

Trên thực tế, đó là quy tắc số 5 trong các nguyên tắc đầu tư của Berkshire Hathaway: “Nếu các doanh nghiệp có nhiều yếu tố công nghệ, chúng tôi sẽ không hiểu nó.”

Khoảng một thập kỷ trước, Buffett đã thay đổi quan điểm của mình về công nghệ và bắt đầu đầu tư vào IBM. Vào thời điểm đó, đây là công ty công nghệ lâu đời và có vẻ ổn định nhất mà ông có thể chọn.

Ông cho biết ông rất ấn tượng với việc IBM giữ chân khách hàng của mình và “sẽ có rất nhiều sự liên tục đổi mới đối với nó.”

Cuối cùng Buffett đã sai. Ông đã không lường trước được sự phát triển không ngừng của lĩnh vực điện toán đám mây và điều đó sẽ có thể sự kìm kẹp sự phát triển của IBM đến như thế nào trên mọi khía cạnh của công nghệ.

Buffett đã đầu tư vào IBM trong khoảng bảy năm và sau đó đã bán tất cả cổ phần của mình vào năm 2018.

Ông đã cố gắng tuân theo Quy tắc số 1 và số 2 nổi tiếng của mình trong việc đầu tư – là “Không bao giờ để bị mất tiền”.

Tỷ suất lợi nhuận cao của Apple.

Sau sai lầm của chính mình với IBM,  Buffett kết luận rằng ông đã chọn sai công ty công nghệ và bắt đầu đầu tư vào Apple.

Ông lưu ý rằng đó là một công ty có tỷ suất lợi nhuận khá cao – có thể mang lại lợi nhuận khổng lồ tương ứng với khối tài sản mà nó đang nắm giữ – và nó là một trong số ít các công ty có thể giữ biên độ lợi nhuận cao theo thời gian.

Buffett trao đổi với CNBC vào năm 2018: “Nếu bạn nhìn vào Apple, tôi nghĩ nó kiếm được gần gấp đôi so với các công ty có lợi nhuận cao thứ hai ở Mỹ”.

Buffett đã đi từ việc “chúng tôi không đầu tư vào các công ty công nghệ vì chúng tôi không hiểu họ” đến “chúng tôi đầu tư vào các công ty công nghệ vì một số trong số họ có tỷ suất lợi nhuận rất cao và đó là cách để kiếm được nhiều tiền nhất.”

Hầu hết chúng ta, một khi tìm thấy một công thức mang lại thành công cho chính mình, chúng ta sẽ có xu hướng gắn bó với nó, ngay cả khi công thức đó không còn đúng.

Tuy nhiên sự thật là, khi mọi thứ thay đổi, công thức thành công cũng thay đổi và chúng ta cần phải sớm thích nghi để tạo ra cho mình những quy tắc mới, như cách Buffett đã làm.

Nếu bạn đang tuân theo một quy tắc mà bạn từng sử dụng để đưa ra các quyết định trong công việc kinh doanh của riêng mình, hãy tự hỏi bản thân xem bạn đang tuân theo quy tắc này vì nó đã chứng minh mức độ hiệu quả với bạn trong quá khứ hay vì nó đang hoặc sẽ hoạt động tốt cho bạn lúc bấy giờ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Xiaomi là hãng smartphone duy nhất tăng trưởng tại Việt Nam

Samsung, Oppo, Vivo và VinSmart đều giảm thị phần “sell-in” tại Việt Nam trong quý II vừa qua, chỉ Xiaomi tăng trưởng.

Theo số liệu nghiên cứu của Canalys, đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu 2021 đã ảnh hưởng lớn tới nhiều hãng smartphone trong nước.

Vẫn giữ vị trí dẫn đầu thị phần “sell-in” (lượng máy được bán từ nhà sản xuất đến các đơn vị phân phối) nhưng Samsung giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số tương tự với Oppo là 17%, Vivo là 21%. Tuy giảm sâu, Vivo vẫn chiếm được vị trí thứ 4 của VinSmart do hãng điện thoại Việt đã thông báo dừng mảng kinh doanh này và hiện chỉ còn bán nốt một vài dòng sản phẩm.

Xiaomi là cái tên duy nhất có tình hình kinh doanh khởi sắc, trái ngược với 4 nhà sản xuất còn lại trong top 5, khi có mức tăng trưởng 68%.

Ở thị trường Đông Nam Á, con số của Xiaomi còn ấn tượng hơn, 107%. Cùng Xiaomi, một thương hiệu Trung Quốc khác, Realme, có mức tăng trường 7%. Samsung, Oppo, Vivo chiếm lần lượt vị trí 2, 3 và 4 với mức giảm 4%, 7% và 18% tương ứng.

Số liệu “sell-in” không tương ứng lượng máy thực tế tới tay người dùng cuối, nhưng phản ảnh gần đúng kết quả kinh doanh của từng hãng.

Trong quý II, Samsung bị ảnh hưởng nhiều bởi tình trạng thiếu chip toàn cầu. Theo một số đại lý, nhiều model tầm trung giá rẻ được người dùng quan tâm của hãng này không còn hàng để bán.

Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất là việc hàng loạt cửa hàng phải tạm đóng cửa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Việc nhập máy từ các nhà sản xuất, vì vậy, cũng được các hãng thận trọng.

Về doanh số bán ra tại Việt Nam, số liệu nghiên cứu thị trường của một công ty khác cho thấy trong tháng 6, Samsung vẫn giữ vị trí dẫn đầu với khoảng 35% thị phần, Oppo đứng thứ hai – hơn 17% thị phần, trong khi Xiaomi bám sát phía sau với gần 17%.

Trong bảng số liệu của công ty này, Apple là hãng đứng thứ 4 với khoảng 10% thị phần. Tại Việt Nam, số liệu của Apple chưa phản ánh chính xác lượng máy bán ra thị trường bởi số lượng máy dạng “xách tay” khá nhiều.

Theo công bố mới của Counterpoint Research, Xiaomi lần đầu trở thành hãng smartphone bán chạy nhất toàn cầu trong tháng 6 với 17,1% thị phần, vượt Samsung (15,7%) và Apple (14,4%).

Hãng điện thoại Trung Quốc cũng là thương hiệu có sức phát triển nhanh nhất. Doanh số tăng 26% so với tháng trước đó. Xét trong toàn quý II, doanh số của Xiaomi đứng thứ 2 toàn cầu với 16,1% thị phần, đứng sau Samsung (17,6%).

Kể từ khi thành lập đến hết tháng 6 năm nay, Xiaomi đã bán được tổng cộng 800 triệu smartphone trên toàn thế giới.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Elon Musk gọi khoản phí của Apple trên App Store là ‘một khoản thuế toàn cầu thực sự trên Internet’

Những sự kiện giữa Apple, Epic, Elon Musk và Tim Cook đang trở thành tâm điểm của giới truyền thông trong thời gian gần đây.

Elon Musk gần đây đã thẳng thừng phủ nhận về việc ông nói chuyện với CEO của Apple Tim Cook liên quan đến việc cáo buộc ông yêu cầu đảm nhận vị trí CEO của Apple như một phần của đề nghị mua lại từ Apple.

Từ trang cá nhân của mình trên Twitter, Elon Musk hiện đã tweet để ủng hộ cuộc chiến của Epic Games nhằm chống lại Apple. Cụ thể là về chính sách của Apple trên App Store.

Ông nói: “Các khoản phí trên App Store của Apple là ‘một loại thuế toàn cầu thực sự trên Internet’. Epic đã đúng.”

Liên quan đến hãng Game Epic, hiện công ty này đang vướng vào một cuộc chiến pháp lý với Apple, Epic cho rằng các quy tắc của App Store khi cho phép Apple hưởng hoa hồng đến 30% trên nhiều giao dịch trên App Store là không công bằng và phi cạnh tranh.

Có lẽ nhằm tận dụng sự chú ý lớn mà Elon Musk đang mang đến, CEO của Epic Games, Ông Tim Sweeney, người từng là đối thủ lớn của Apple trên Twitter, đã đăng bài mới nhất của mình nhằm chống lại nhà sản xuất iPhone này.

Ông nói: “Khoản thuế của Apple nguy hại hơn thực tế rất nhiều. Hiện nó chỉ áp dụng cho các hàng hoá số trên iOS. Nhưng trong tương lai, khi tất cả hàng hóa vật lý đều sẽ có sự hiện diện kỹ thuật số, và Apple sẽ tiếp tục đánh thuế. Apple cần phải dừng lại.”

Epic đã đối mặt với Apple tại tòa án trong nhiều lần vào tháng 5, và trong khi vụ kiện vẫn chưa có các phán quyết cụ thể. Epic hiện cũng đã đệ đơn kiện chống độc quyền nhằm chống lại các chính sách của Google đối với Google Play.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Apple tuyển nhiều nhân sự tại Việt Nam

Apple tuyển khoảng 25 nhân sự tại Việt Nam, trong đó phần lớn là các nhân sự thuộc mảng vận hành và chuỗi cung ứng.

Trên website tuyển dụng của Apple, công ty này đang đăng tuyển 25 vị trí việc làm tại Việt Nam. Trong số này, hầu hết là các vị trí công việc mới xuất hiện trong tháng 7 này.

Mới nhất, trong các ngày 23 và 26/7, Apple đăng tuyển 3 nhân sự NPI OPM – những người Quản lý sản phẩm mới.

Các vị trí công việc mà Apple tuyển dụng đợt này phần lớn thuộc thuộc nhóm Quản lý vận hành và chuỗi cung ứng, làm việc tại Hà Nội.

Tiếp đến là vị trí Bán hàng và phát triển kinh doanh, làm việc tại TP HCM. Một số vị trí là các kỹ sư phần cứng làm việc tại cả hai nơi, phụ trách phát triển camera.

Với các vị trí quản lý, Apple yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm từ 5 đến 10 năm trong ngành công nghệ cao, đồng thời trình độ ở tầm thế giới, sử dụng tiếng Anh tốt.

Các vị trí liên quan đến phần cứng, vận hành và chuỗi cung ứng, người tham gia cần có bằng thạc sỹ trở lên.

Ngoài ra, có một vị trí công việc Apple đăng tuyển từ lâu những vẫn chưa xong là vị trí kỹ sư công nghệ lõi, tuyển từ cuối năm 2020 đến nay.

Đây không phải lần đầu tiên Apple tuyển dụng nhân sự làm việc tại Việt Nam. Từ đầu năm 2020, hãng đã đăng tuyển một số vị trí kỹ sư, quản lý ở nhiều bộ phận như phần mềm, chất lượng màn hình, vận hành, phát triển sản phẩm… tại Hà Nội, TP HCM.

Việc tuyển dụng của Apple diễn ra trong bối cảnh hãng chuyển dịch việc sản xuất nhiều sản phẩm mới đến Việt Nam. Việt Nam hiện có cơ sở của 21 nhà cung ứng cho Apple, tăng gấp rưỡi so với năm 2018.

Các nhà cung ứng này phân bố khắp cả nước, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, như Samsung, LG Display, Intel, Biel Crystal… thuộc mảng linh kiện và vật liệu.

Trong khi một số khác như Foxconn, Luxshare, Goertek, Compal… chuyên sản xuất và lắp ráp thiết bị cho Apple.

Nhiều đối tác lắp ráp lớn của Apple có các nhà máy đặt tại Bắc Ninh và Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Nhiều nhà máy trong số này lắp ráp tai nghe AirPods, đồng hồ Apple Watch, loa Homepod Mini.

Hồi đầu năm nay, Foxconn đầu tư một dự án 270 triệu USD tại Bắc Giang để sản xuất, gia công laptop, tablet.

Nhiều nguồn tin cho biết, đây có thể sẽ là nơi lắp ráp iPad, MacBook cho Apple. Các công ty này không bình luận hay tiết lộ về việc lắp ráp sản phẩm cho Apple. Đây cũng là quy định chung của Apple đối với các đối tác và nhà cung ứng của họ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn | MarketingTrips 

Xiaomi vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại đứng số 2 thế giới

Theo Canalys, Xiaomi Corp đã trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới trong quý vừa qua sau khi lượng hàng xuất xưởng tăng 83%.

Xiaomi vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại số 2 thế giới

Với kết quả lần này, đây là lần đầu tiên Xiaomi, nhà sản xuất mọi thứ từ nồi cơm điện đến màn hình chơi game của Trung Quốc, lọt vào top hai, trước đây bị thống trị bởi Samsung Electronics Co. và Apple Inc.

Theo dữ liệu, Samsung vẫn giữ vị trí đầu bảng với 19% thị phần trong quý II, Xiaomi có 17% và Apple là 14%. Cổ phiếu của Xiaomi đã tăng tới 4,1% vào hôm thứ Sáu và là cổ phiếu có mức độ hoạt động tốt nhất tại sàn Hồng Kông.

Huawei Technologies Co. đã phá vỡ bảng xếp hạng một thời gian ngắn cho đến khi các lệnh trừng phạt về nguồn cung cấp chip thiết yếu có hiệu lực vào năm ngoái.

Về mặt sản xuất phần cứng, Xiaomi đặc biệt tích cực khi tung ra hai thiết bị hàng đầu trong vòng bốn tháng đầu năm.

Mi 11 Ultra là một trong những thiết bị có bộ cảm biến máy ảnh lớn nhất trên điện thoại thông minh cho đến nay, nó nhấn mạnh tham vọng của công ty này trong việc đẩy mạnh phạm vi giá cao cấp.

Giám đốc Nghiên cứu của Canalys, Ben Stanton cho biết:

“So với Samsung và Apple, giá bán trung bình của Xiaomi rẻ hơn lần lượt khoảng 40% và 75%. Vì vậy, ưu tiên lớn của Xiaomi trong năm nay là tăng doanh số bán các thiết bị cao cấp của hãng, chẳng hạn như Mi 11 Ultra.

Nhưng đó sẽ là một trận chiến đầy khó khăn khi cả Oppo và Vivo đều có cùng mục tiêu và cả hai đều sẵn sàng chi tiêu ‘khủng’ cho hoạt động marketing (Mass Media) để xây dựng thương hiệu của họ theo cách mà Xiaomi không thể làm được.”

Canalys cho biết, việc mở rộng ra thị trường nước ngoài là động lực lớn nhất cho sự tăng trưởng của Xiaomi, với việc công ty tăng lượng hàng xuất xưởng lên hơn 300% ở Châu Mỹ Latinh, 150% ở Châu Phi và 50% ở Tây Âu.

Xiaomi đã dành nửa đầu năm để giữ lấy danh hiệu ‘nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc’ trước các đối thủ Oppo và Vivo, mỗi bên có thị phần gần bằng nhau.

Quý 2 này là khoảng thời gian ‘yên tĩnh’ nhất đối với cả Apple và Samsung vì cả hai đều chuẩn bị cho việc ra mắt thiết bị cầm tay mới trong những tháng tiếp theo.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn | MarketingTrips 

Facebook công bố mô hình chuyển đổi và sự kiện mới sau ATT của Apple

Khi Facebook ngày càng hiểu rõ hơn về tác động của bản cập nhật ATT (App Tracking Transparency) về tính minh bạch của việc theo dõi người dùng trong ứng dụng của Apple. Facebook đang có những động thái mới.

Bản cập nhật của Apple đang chứng kiến ngày càng nhiều người dùng ngừng cho phép Facebook theo dõi dữ liệu trong ứng dụng, điều này làm hạn chế các nhà quảng cáo trong việc thu thập thông tin người dùng nhằm phục cho việc nhắm mục tiêu quảng cáo.

Mạng xã hội lớn nhất thế giới này đang tìm cách thực hiện các thay đổi đối với các quy trình lập mô hình phân bổ để giúp giải quyết các thông tin chi tiết đã bị mất đồng thời giúp các nhà quảng cáo có thể ra quyết định tốt hơn trong tương lai.

Cụ thể, Facebook vừa thông báo bản cập nhật mới cho một số nhà quảng cáo được chọn liên quan đến những thay đổi mới nhất của nền tảng về cách theo dõi các sự kiện và chuyển đổi, do lượng dữ liệu của người dùng giảm đã ảnh hưởng đến báo cáo hiệu suất.

Đây là những gì đã thay đổi:

Trước hết, Facebook hiện sẽ cho phép các nhà quảng cáo cập nhật sự kiện trọng tâm của họ cho một chiến dịch mà nhà quảng cáo không cần phải tạm dừng và khởi động lại với mọi thay đổi một cách thủ công.

Điều đó sẽ giúp chiến dịch của bạn được hoạt động liền mạch và xuyên suốt hơn, linh hoạt hơn trong việc thay đổi trọng tâm dựa trên xu hướng hiệu suất.

Facebook cũng bổ sung lượng chuyển đổi được dự báo vào thời lượng phân bổ nhấp chuột 7 ngày (7-day click attribution), điều này sẽ giúp các nhà quảng cáo tính toán được dữ liệu có thể bị mất do bản cập nhật ATT.

Với những thay đổi về ATT, nhiều nhà quảng cáo trên Facebook đã thấy lượng chuyển đổi giảm đáng kể vì Facebook không còn có có khả năng theo dõi chúng nữa. Nhưng cập nhật mới này sẽ cho phép nhà quảng có được một cái nhìn chính xác hơn về hiệu suất dựa trên mô hình dự báo.

Nhiều nhà quảng cáo cũng đang báo cáo rằng có một sự không chính xác giữa các công cụ báo cáo dữ liệu của họ, bởi vì họ không thể kết nối giữa báo cáo của Facebook và hiệu suất thực tế của họ. Và cập nhật này cũng có thể giải quyết vấn đề đó.

Và cuối cùng, Facebook cung cấp sự linh hoạt hơn cho các nhà quảng cáo muốn tối đa hóa hiệu suất cho người dùng Android, bằng cách mở rộng các tùy chọn sự kiện trong quá trình thiết lập chiến dịch của họ.

Điều đó có nghĩa là các nhà quảng cáo muốn nhắm mục tiêu người dùng Android sẽ có nhiều khả năng hơn để tối ưu hóa các chiến dịch của họ dựa trên hiệu suất – mặc dù điều này sẽ không giúp ích gì nếu họ muốn tiếp cận người dùng iOS.

Mặc dù những thay đổi này mang tính kỹ thuật, nhưng chúng sẽ có tác động rất lớn đối với các nhà quảng cáo, đặc biệt là các nhà quảng cáo dựa trên hiệu suất, những người đang tìm cách tối đa hóa chi tiêu quảng cáo trên Facebook của họ.

Và trong khi mô hình chuyển đổi mới của Facebook sẽ không bao giờ tốt bằng hiệu suất thực tế, với những thông tin chi tiết phù hợp với hiệu suất tổng thể, Facebook hy vọng sẽ giúp các nhà quảng cáo theo dõi kết quả chính xác hơn cho chi tiêu của họ, điều có thể giúp họ phân bổ tốt hơn trong các yếu tố khác.

Cập nhật hiện có thể chưa được áp dụng cho tất cả các nhà quảng cáo, nhưng nó sẽ sớm xuất hiện trong tất cả các tài khoản.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips 

Tại sao Steve Jobs đặt tên công ty là Apple

Tuy nhận nhiều gợi ý khác nhau, Steve Jobs vẫn dùng tên một loại trái cây để đặt cho công ty máy tính đầu tiên của mình.

Năm 1976, đôi bạn Steve Jobs và Steve Wozniak thành lập công ty. Theo cuốn sách tiểu sử do tác giả Walter Isaacson viết, Steve Jobs thường bị ám ảnh bởi trái táo nên quyết định chọn tên Apple cho công ty máy tính của mình.

Trước đó, Jobs đã thuyết phục Wozniak, khi đó đang làm việc tại hãng máy tính Hewlett-Packard, rằng thành lập công ty sẽ mang đến nhiều lợi ích.

“Kể cả khi thua lỗ, chúng ta vẫn có công ty cho riêng mình. Một lần trong đời, chúng ta sẽ sở hữu công ty” là một trong những câu nói nổi tiếng của Jobs.

Theo Metro, sau khi nghe Jobs thuyết phục, Wozniak đã bán chiếc máy tính bỏ túi HP với giá 500 USD, còn Jobs bán chiếc xe Volkswagen để có vốn thành lập công ty. Khi đã có tiền, Jobs và Wonziak suy nghĩ tên cho công ty sắp thành lập.

Chọn tên Apple do bị “ám ảnh” bởi trái táo.

Cuốn sách về tiểu sử Jobs của tác giả Walter Isaacson ghi rằng ông là người thích táo. Khi còn học Cao đẳng Reed, Jobs đã gặp Robert Friedland, người thành lập cộng đồng có tên All One Farm vào những năm 1970.

Chú của Friedland giao ông phụ trách một vườn táo, đồng thời dùng nơi này cho các buổi sinh hoạt cộng đồng, chủ yếu về thiền và tâm linh.

Những người trong All One Farm cùng nhau tỉa cây, hái táo, đốn củi và làm rượu táo. Jobs cũng gia nhập cộng đồng trong một thời gian, tham gia thu hoạch trái cây và giúp Friedland xây dựng cộng đồng.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều người rời All One Farm vì cho rằng Friedland đã biến nơi đây thành công việc kinh doanh, không phải để tĩnh tâm.

Sau một thời gian quen biết rồi tham gia cộng đồng, trang trại táo và sở thích tâm linh của Friedland đã ảnh hưởng lớn đến Jobs.

Thời trẻ, Jobs cũng rất quan trọng chế độ giảm cân đến mức thường xuyên ăn một loại thực phẩm trong nhiều tuần. Cuốn sách về tiểu sử Jobs cũng có đoạn ghi rằng nhà sáng lập Apple từng ăn nhiều cà rốt trong vài tuần, đến nỗi da chuyển sang màu cam.

Jobs từng theo chế độ ăn kiêng với táo suốt nhiều tuần. Đó là lý do ông có nỗi “ám ảnh” đặc biệt về quả táo.

Chiến lược SEO sơ khai.

Về mặt kinh doanh, Jobs cho rằng tên gọi Apple có nhiều lợi thế bởi nó đứng trước một số công ty công nghệ khác, trong cuốn danh bạ điện thoại xếp theo bảng chữ cái.

Theo Stanford Daily, lý do trên được tiết lộ trong tài liệu phỏng vấn giữa Jobs và Wozniak, được Apple tặng cho Đại học Stanford vào năm 1997.

“Mọi người gợi ý cho tôi Matrix Electronics và đủ loại tên khác nhau. Chúng tôi chỉ đơn giản quyết định sẽ gọi công ty là Apple Computer, trừ khi có ai gợi ý tên gọi hay hơn trước 5h cùng ngày. Một phần vì tôi thích táo, một phần do Apple đứng trước Atari, công ty mà tôi từng làm việc, trong danh bạ điện thoại”, Jobs chia sẻ.

Có thể xem đây là chiến lược SEO (Search Engine Optimization – tối ưu tìm kiếm) sơ khai. Vào thời điểm đó, khách hàng sẽ dùng danh bạ điện thoại để tìm tên công ty, được xếp thứ tự theo bảng chữ cái trong lĩnh vực hoạt động.

Những công ty có tên bắt đầu bằng chữ A như Apple, Atari thường được nhìn thấy đầu tiên thay vì VoodooPC hay Zeos.

Khi Internet còn trong thời kỳ sơ khai, những website cũng được sắp xếp theo thể loại và thứ tự bảng chữ cái. Tuy nhiên, mô hình của Google đã thay đổi điều đó khi kết quả tìm kiếm được sắp xếp dựa trên từ khóa, thời gian hay mức độ quan tâm.

Logo đầu tiên của Apple rất khác so với logo hiện nay. Hình ảnh Newton ngồi dưới cây táo, chữ Apple Computer dường như không liên quan đến nhau. Ron Wayne, đồng sáng lập Apple cùng với Steve Jobs và Steve Wozniak là người vẽ ra logo này, theo Business Insider.

Trong những ngày đầu, Jobs và Wozniak được ghi nhận sở hữu 45% cổ phần Apple cho mỗi người, trong khi Wayne nắm giữ 10%. Tuy nhiên sau 12 ngày với tư cách đồng sáng lập, Wayne đã bán số cổ phần cho Wozniak với giá 800 USD và bị xóa tên khỏi công ty.

Logo của Wayne chỉ được sử dụng trong một năm. Sau đó, Jobs yêu cầu nhà thiết kế Rob Janoff tạo ra logo hiện đại hơn, thành quả là biểu tượng quả táo cắn dở với 6 màu.

Có lẽ thời điểm đó, Janoff không nghĩ rằng logo của mình sẽ trở thành biểu tượng của ngành công nghệ, thuộc về công ty giá trị nhất thế giới.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Đan Linh | MarketingTrips

5 lý do chính khiến ‘đế chế một thời’ Nokia thất bại trong thị trường điện thoại di động

Trước khi thất bại, Nokia từng được coi là thương hiệu dẫn đầu của cuộc cách mạng điện thoại di động. Nokia là một trong những thương hiệu có giá trị và dễ nhận biết nhất trên thế giới.

5 lý do chính khiến 'đế chế một thời' Nokia thất bại trong thị trường điện thoại di động
Tại sao Nokia thất bại? 5 lý do chính khiến ‘đế chế một thời’ Nokia thất bại trong thị trường điện thoại di động

Vị thế của Nokia đối với thị trường điện thoại di động được minh chứng bằng thực tế là nó có thị phần toàn cầu hơn 40%.

Trong khi hành trình lên đỉnh cao của Nokia diễn ra nhanh chóng, sự suy giảm của nó cũng tương tự như vậy.

Vậy tại sao từ một đế chế gần như không thể thay thế với nguồn lực rất mạnh, Nokia đã bị bỏ lại đằng sau cuộc chơi. Dưới đây là tóm gọn 05 lý do chính khiến Nokia thất bại.

1. Chỉ tập trung vào phần cứng.

Sẽ không có bất cứ nghi ngờ gì khi nói Nokia vốn rất nổi tiếng về chất lượng phần cứng, tuy nhiên, khi nói đến phần mềm, có rất ít người phủ nhận tình yêu của họ dành cho Android của Google hoặc iOS của Apple.

Nokia lẽ ra nên kết hợp với hệ điều hành Android sớm hơn nếu hãng này thực sự muốn quay trở lại đường đua. Thay vào đó, công ty lại tiếp tục hợp tác với Microsoft, điều đã dẫn đến những thiệt hại nặng nề cho cả hai gã khổng lồ công nghệ.

2. Nokia thất bại vì thiếu sự đổi mới.

Nokia đã cố gắng trở lại cuộc đua bằng những chiếc điện thoại mới của mình với công nghệ mới nhất, nhưng đó vốn là những tính năng đã có hay có phần cũ kỹ, chưa phải là những thứ công nghệ dành cho tương lai.

Không chỉ thất bại với dòng điện thoại cao cấp (flagship phone) mà Nokia cũng bị tổn hại ở phân khúc tầm trung (mid-range segment). Sự thâm nhập của quá nhiều thương hiệu khác như Motorola, Xiaomi, HTC, Huawei đã khiến Nokia gặp thất bại ê chề.

3. Không có một hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Nếu bạn suy nghĩ một cách kỹ lưỡng, những gì mà Google và Apple đã làm đó là tạo ra một cộng đồng bao gồm các nhà sản xuất điện thoại (phone makers), nhà phát triển (developers) và cả khách hàng.

Các thương hiệu mới đã tham gia hệ sinh thái này khi khách hàng rất hài lòng khi dùng thử chúng vì họ đã vốn quen với giao diện người dùng của Android.

Ngược lại, Nokia luôn cố gắng để đứng ngoài cuộc cạnh tranh này và sự cô lập đó đã khiến công chúng mất dần sự quan tâm đến thương hiệu.

4. Sự trỗi dậy của thị trường di động Trung Quốc.

Không lâu, kể từ khi thị trường điện thoại di động phát triển, các thương hiệu Trung Quốc bắt đầu sản xuất điện thoại di động với tốc độ không thể đánh bại.

Có lần người phát ngôn của Nokia nói rằng người Trung Quốc sản xuất điện thoại còn nhanh hơn cách chúng tôi thực hiện một ý tưởng mới của mình bằng PowerPoint.

5. Chọn nhầm CEO cũng là một nguyên nhân chính khác khiến Nokia thất bại.

5 lý do chính khiến 'đế chế một thời' Nokia thất bại trong thị trường điện thoại di động
Tại sao Nokia thất bại? 5 lý do chính khiến ‘đế chế một thời’ Nokia thất bại trong thị trường điện thoại di động

Khi Stephen Elop ngồi lên chiếc ghế CEO của Nokia vào quý 4/2010, Nokia khi đó vẫn có 28,2% thị phần (Market Share) điện thoại di động, bán ra 117 triệu máy, còn Samsung chỉ mới bán được 71 triệu máy và Apple chỉ là 13,4 triệu máy.

Vào thời điểm đó, hệ điều hành điện thoại di động mà Nokia lựa chọn, là Symbian, chiếm 36,6% thị trường điện thoại thông minh là cũng là nền tảng lớn nhất khi iOS của Apple chỉ mới có 16,7%.

Không ai có thể phủ nhận tài năng của Stephen Elop nhưng đôi khi, có một người nổi tiếng với đầy đủ các kỹ năng là không đủ để chuyển đổi một doanh nghiệp, đặc biệt là khi doanh nghiệp đang trong một thị trường rất năng động với sự cạnh tranh rất gay gắt.

Elop đã nhận ra những khó khăn mà Nokia đang gặp phải và ông đã cố gắng để đưa ra một số quyết định lớn nhưng tất cả đều vô vọng.

Nokia vẫn tiếp tục ‘té ngã’ và gánh thất bại trên đường đua mãi những ngày về sau đó !

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips