Chuỗi nhà thuốc liên tục mở rộng
Cuộc đổ bộ của một số doanh nghiệp lớn ngành bán lẻ vào thị trường dược phẩm như Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán FRT) với chuỗi nhà thuốc Long Châu, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã chứng khoán MWG) với chuỗi nhà thuốc An Khang gây chú ý trên thị trường những năm gần đây về miếng bánh hấp dẫn của ngành dược phẩm.
Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) không nằm ngoài cuộc đua đó khi công bố tham gia vào lĩnh vực phân phối thực phẩm chức năng. Một doanh nghiệp chưa niêm yết là Công ty cổ phần Dược phẩm Pharmacity cũng không ngừng mở rộng chuỗi nhà thuốc Pharmacity.
Xét về quy mô chuỗi, hiện FPT Long Châu có 1.600 nhà thuốc, Pharmacity có gần 900 nhà thuốc, An Khang có 526 nhà thuốc. Các chuỗi này liên tục mở rộng quy mô, bên cạnh các nhà thuốc tư nhân và chuỗi nhỏ lẻ khác.
Trong đó, FPT Long Châu cán mốc 1.600 nhà thuốc vào tháng 12/2023, vượt kế hoạch mở mới, trở thành chuỗi bán lẻ dược phẩm có số lượng nhà thuốc lớn nhất Việt Nam.
FPT Long Châu đã đưa 2 kho tổng chuẩn GDP, GSP vào hoạt động với diện tích lên đến 35.000 m2 tại Mê Linh, Hà Nội và 45.000 m2 tại Hựu Thạnh, Long An. Kho tổng FPT Long Châu được xem là kho bán lẻ dược phẩm lớn nhất Việt Nam cả về diện tích và quy mô.
Thị trường bán lẻ dược phẩm trước đây có khoảng 62.000 nhà thuốc tư nhân, với sự phát triển của các chuỗi, số nhà thuốc tư nhân còn khoảng 45.000.
Cuộc chiến của các chuỗi nhà thuốc không chỉ dừng ở quy mô, mà còn ở chiến lược phục vụ và giữ chân khách hàng. Trong dịp Tết Âm lịch vừa qua, một số chuỗi đã “ghi điểm” khi phục vụ xuyên Tết. Đơn cử, Pharmacity công bố danh sách 107 nhà thuốc phục vụ trong dịp Tết theo khung giờ từ ngày 9/2 (30 Tết) đến ngày 13/2 (mồng 4 Tết). Có 554 nhà thuốc hoạt động theo khung giờ từ ngày 11/2 (mồng 2 Tết) hoặc ngày 12/2 (mồng 3 Tết).
Lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ đang chứng minh tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Công ty Chứng khoán MB đánh giá, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam hiện đạt khoảng 7 tỷ USD, trong đó có tới 70% thuộc về kênh ETC (đấu thầu thuốc qua bệnh viện) và bán lẻ dược phẩm với quy mô gần 2 tỷ USD đang có sự cạnh tranh của gần 60.000 nhà thuốc.
Đáng chú ý, thị trường mua bán – sáp nhập (M&A) ngành dược trong năm 2023 ghi nhận thương vụ Dongwha Pharm chi 30 triệu USD mua lại chuỗi bán lẻ dược phẩm Trung Sơn Pharma trong tháng 8. Trung Sơn Pharma đã có mặt trên thị trường 25 năm, tính đến đầu năm 2024 đạt 147 nhà thuốc, phủ khắp Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM.
Kinrin Capital nhận định, bức tranh đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động, cơ hội đầu tư rộng mở, các đặc điểm, tính chất thương vụ và đối tượng bên mua – bán đa dạng hơn. Sự đa dạng về cấu trúc giao dịch và số lượng cơ hội đầu tư sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của các hoạt động M&A trong lĩnh vực này.
Mục tiêu tăng trưởng
FPT Long Châu đang là động lực tăng trưởng của FPT Retail. Chuỗi nhà thuốc Long Châu đã cán mốc 1.500 tỷ đồng doanh thu trong năm 2023, với bước phát triển rất nhanh, từ 4 nhà thuốc năm 2017 lên 1.600 nhà thuốc, phục vụ 16 triệu khách hàng.
Lãnh đạo FPT Retail cho hay, mục tiêu năm 2024, doanh thu của FPT Long Châu sẽ duy trì mức tăng trưởng 2 con số (trên 10%). Đồng thời, hệ thống tiếp tục tập trung củng cố vị thế nhà thuốc số 1 về thuốc, đặc biệt là thuốc kê đơn, mang đến cho khách hàng những lựa chọn tốt nhất với mức giá phù hợp nhất.
Tập trung vào nâng cao trải nghiệm khách hàng, nâng cao hàng hóa, chất lượng dịch vụ là cách mà FPT Retail giữ chân khách hàng trong chiến lược phát triển chuỗi nhà thuốc.
Trong khi đó, Đầu tư Thế giới di động đặt mục tiêu năm 2024 đạt 125.000 tỷ đồng doanh thu và 2.400 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 6% và gấp 14,2 lần so với năm 2023.
Trong định hướng năm nay đối với chuỗi nhà thuốc An Khang, mục tiêu của Công ty là tăng trưởng hai con số và đạt điểm hòa vốn trước ngày 31/12. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ đầu tư chiều sâu để biến An Khang trở thành chuỗi dược phẩm hàng đầu về chăm sóc sức khỏe.
Dược phẩm Pharmacity chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2023 và mục tiêu năm 2024, nhưng doanh nghiệp này từng chia sẻ, mục tiêu đến năm 2025 là có 5.000 cửa hàng thuốc. Pharmacity hiện có gần 900 cửa hàng, tức còn hơn 4.100 cửa hàng phải mở mới trong 2 năm, tương ứng mỗi ngày mở mới 5 cửa hàng.
Theo đó, mục tiêu của Pharmacity được đánh giá là tham vọng và không dễ thực hiện, vì đi cùng với mở rộng cửa hàng là nhiều công việc khác phải chuẩn bị như nguồn hàng, kho thuốc…, dù dư địa của thị trường bán lẻ dược phẩm còn lớn.
Theo Hãng nghiên cứu thị trường BMI, doanh số thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam có thể tăng từ 7,7 tỷ USD năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Chi tiêu cho sức khỏe ngày càng được người dân quan tâm, nhất là sau đại dịch Covid-19 và số người từ 65 tuổi trở lên ngày càng nhiều. Thời gian qua, ngành dược vẫn tăng trưởng ổn định, dù kinh tế có khó khăn. Sức nóng mở rộng chuỗi nhà thuốc của các doanh nghiệp bán lẻ nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Special Offer từ MarketingTrips:
- Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
- Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
- Đăng ký (dành cho Agency): Sign up
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer