Skip to main content

Thẻ: GMV

Các sàn thương mại điện tử đang làm gì khi thời kỳ “đốt tiền” sắp đến hồi kết

Trong 9 tỷ USD giao dịch qua 5 sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất Việt Nam năm 2022 thì tới 86% thuộc Shopee và Lazada. Cả hai đại gia này đều đang đầu tư cực kỳ mạnh tay cho logistics.

Các sàn thương mại điện tử đang làm gì khi thời kỳ "đốt tiền" sắp đến hồi kết
Các sàn thương mại điện tử đang làm gì khi thời kỳ “đốt tiền” sắp đến hồi kết

Ngành Thương mại điện tử (eCommerce) Việt Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ nhiều tiềm năng. Với GMV năm 2022 đạt mốc 14 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, thị trường Thương mại điện tử Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, thậm chí ở mức cao hơn và lên đến 37% hàng năm, đưa GMV của ngành đạt con số 32 tỷ USD trong 3 năm tiếp theo.

Với tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn hẳn so với tăng trưởng GDP, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng Thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Trong suốt 1 thập kỷ, thị trường chứng kiến những nỗ lực “đốt tiền” vào khuyến mãi, giảm giá không ngừng nghỉ của nhiều nền tảng Thương mại điện tử.

Cuộc cạnh tranh gay gắt suốt nhiều năm đã góp phần mạnh mẽ giúp “educate” (giới thiệu, giáo dục) người dùng, thanh lọc nhiều “tay chơi”, cũng như thúc đẩy thị trường tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo thống kê, trong 9 tỷ USD giao dịch qua 5 sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất Việt Nam năm 2022 thì tới 86% thuộc Shopee và Lazada. Trong đó Shopee chiếm 63% và Lazada chiếm 23%.

Ba sàn là Tiki, TikTok Shop và Sendo chia nhau 14% thị phần còn lại. Đây là số liệu được đưa ra trong báo cáo “Thương mại điện tử ở Đông Nam Á” của công ty tư vấn và quản lý đầu tư công nghệ Momentum Works (Singapore) giữa tháng 6/2023.

Tới thời điểm hiện tại, khi thị trường đã bước vào giai đoạn bùng nổ, người Việt trở nên quen thuộc với việc mua bán online, thì cách thức thu hút khách hàng dựa trên voucher, khuyến mãi sẽ không đảm bảo con đường phát triển có lãi và bền vững cho các nền tảng.

Thay vào đó, bài toán phát triển giờ đây đã xoay trục sang việc đầu tư cho đổi mới sáng tạo công nghệ và tối ưu hóa việc vận hành, đặc biệt là logistics.

Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do VCCI và Lazada phối hợp thực hiện cũng nhấn mạnh, hệ thống Logistics hiệu quả sẽ là chìa khóa cho các doanh nghiệp Thương mại điện tử, giúp kết nối đầu cuối trong toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng cũng như gia tăng trải nghiệm mua sắm.

Hiện chi phí Logistics tại Việt Nam vẫn đang ở mức cao (chiếm 10-20% giá thành sản phẩm), trong khi con số này ở các nước tiên tiến chỉ khoảng 7-9%.

Cần thiết phải áp dụng các giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ trước – trong – sau giao hàng nhằm tăng hiệu suất, tối ưu chi phí cho toàn chuỗi, giảm phát thải ra môi trường.

Thống lĩnh thị phần (market share) tại Việt Nam và vẫn tiếp tục cạnh tranh lẫn nhau, cả hai ông lớn Shopee và Lazada đều đang đầu tư cực kỳ mạnh tay cho logistics.

Lazada – Xây kho phân loại hàng quy mô xử lý hơn 1 triệu bưu kiện/ngày.

Trong hơn một thập kỷ qua, Lazada đã có nhiều hoạt động đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng logistics hiện đại và bền vững.

Tại Việt Nam, Lazada Logistics sở hữu hệ thống trung tâm phân loại, kho bãi lưu trữ, xử lý hàng hóa và mạng lưới bưu cục rộng hơn 150.000 m2. Đến nay, nền tảng thuộc “gã khổng lồ” Alibaba đã xây dựng nhiều trung tâm chia chọn khác nhau tại TP.HCM và Hà Nội, cùng mạng lưới hàng trăm bưu cục trải khắp các tỉnh thành.

Mới đây nhất, đầu năm 2023, khi nền kinh tế toàn cầu chìm sâu trong “mùa đông” suy thoái hậu Covid, tại Việt Nam, Lazada đã chính thức đưa vào vận hành kho phân loại hàng hóa tại KCN Sóng Thần (Bình Dương), với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Trung tâm Logistics mới này có quy mô lớn tới 19.000m2, khả năng xử lý tới 1 triệu bưu kiện mỗi ngày và mức độ tự động hóa lên đến 99% nhờ hệ thống công nghệ hiện đại gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và machine learning (học máy), giúp tối ưu hiệu suất và nguồn lực vận hành, qua đó đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng cao của người dùng.

Lazada Logistics Park Sóng Thần được trang bị hệ thống băng chuyền hiện đại 2 tầng với công suất xử lý 45.000 bưu kiện mỗi giờ.

Cơ sở hạ tầng logistics cùng hơn 3.000 nhân viên giao hàng đã giúp Lazada làm chủ quy trinh giao vận của mình, đồng thời kiểm soát chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng, rút ngắn thời gian giao hàng.

Bên cạnh đó, Lazada còn dành một khoản đầu tư vào Lazada Logistics Park. Sàn Thương mại điện tử này đang triển khai chương trình giao hàng vào ngày hôm sau.

Nếu như trước đây, khi công đoạn chia chọn lâu hơn, hàng hóa sẽ phải nhận từ phía nhà giao hàng sớm hơn, vào 14-15h. Tuy nhiên với hệ thống mới tại Lazada Logistics Park, việc nhận hàng có thể diễn ra muộn hơn, vào 16-17h mà vẫn kịp đưa về kho chia chọn.

Theo ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Logistics – Lazada Việt Nam, Trung tâm phân loại Lazada Logistics Park không chỉ là bước đột phá trong quá trình phát triển của Lazada Logistics, mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành logistics thương mại điện tử tại Việt Nam nói chung.

Shopee – Lập trung tâm phân loại hàng xử lý 2,5 triệu đơn/ngày.

Cùng lúc đó, đối thủ “nặng ký” Shopee cũng đã có những động thái tương tự. Đầu tháng 9/2023, Shopee Express (SPX) đã khánh thành trung tâm phân loại hàng hóa tại Bắc Ninh, với khả năng xử lý tới 2,5 triệu đơn hàng/ngày, dự kiến sẽ đạt 5 triệu bưu kiện mỗi ngày ở giai đoạn 2. Khả năng phân loại tại đây đạt độ chính xác lên đến 99,97%. Theo tìm hiểu, đây là trung tâm phân loại lớn và hiện đại nhất của SPX tại khu vực Đông Nam Á.

Trung tâm mới của SPX nằm sát Quốc lộ 1A trên ranh giới giữa huyện Gia Lâm, Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chia chọn SPX sở hữu vị trí đặc biệt thuận lợi cho hoạt động logistics khi chỉ cách cửa ngõ thủ đô 16 km, cách Sân bay Nội Bài 55 km, cách cảng Hải Phòng và cửa khẩu Lạng Sơn chỉ hai tiếng di chuyển bằng đường bộ.

Việc đặt trung tâm phân loại hàng hóa của SPX tại đây có thể khai thác tối đa điểm mạnh của địa phương là nơi có số lượng kho bãi, dịch vụ vận chuyển thuộc top đầu cả nước cùng lợi thế về mặt địa lý nằm gần thành phố Hà Nội, cảng Hải Phòng và cơ sở hạ tầng sẵn có để tăng cường dịch vụ cũng như phát triển mạng lưới của mình.

Đối với một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao vận như SPX, nút giao chiến lược này có thể giúp hàng hoá dễ dàng lưu thông và phân phối, vận chuyển qua nhiều tuyến vận tải khác nhau trong khu vực nội địa hoặc xuyên biên giới thông qua đường bộ hay đường hàng không.

Quá trình xử lý hàng hóa và những công nghệ hiện đại đang được áp dụng tại SPX Bắc Ninh bao gồm: Hệ thống băng tải tự động chuyển hàng trực tiếp từ xe tải vào khu vực phân loại; Khu vực ma trận tự động đo kích thước 3 chiều và cân nặng của kiện hàng với camera 6 chiều; Khu vực chia chọn có độ chính xác lên đến 99.97% áp dụng công nghệ hiện đại; Hệ thống tiếp nhận tự động; Quy trình xuất hàng tự động hóa với hệ thống cảm biến tại cửa ra tránh tình trạng quá tải hoặc tràn máng… tạo ra một quy trình phân loại hàng hóa chính xác và nhanh chóng, bảo đảm hàng hóa được xử lý theo tiêu chuẩn hàng đầu với thời gian hành trình nhanh nhất.

Kết hợp với công nghệ tự động hoá hiện đại, trung tâm phân loại mới sẽ giúp SPX tăng hiệu suất hoạt động, đảm bảo hàng hoá được xử lý theo tiêu chuẩn hàng đầu với thời gian hành trình nhanh nhất, qua đó hỗ trợ người bán tối ưu hoá quy trình bán hàng và nâng cao trải nghiệm của người dùng.

Bà Nguyễn Kim Anh – Giám đốc SPX, chia sẻ : “Việc khánh thành trung tâm phân loại hàng Bắc Ninh đánh dấu một cột mốc vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của SPX.

Trung tâm phân loại mới này ra đời nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của ngành Thương mại điện tử và nền kinh tế số đang tăng trưởng vượt bậc, đồng thời còn là cầu nối giúp sản phẩm từ các nhà bán hàng, doanh nghiệp và thương hiệu đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, an toàn, đáng tin cậy hơn”.

Shopee, Lazada gây áp lực giá lên các công ty chuyển phát trong logistics chặng cuối (last mile).

Việc các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee và Lazada chú trọng phát triển các dịch vụ logistics nội bộ và thiết lập nhiều mối quan hệ hợp tác đã dẫn đến áp lực giá đối với các nhà cung cấp dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh và bưu chính.

Cả Shopee và Lazada đều đang sở hữu hàng ngàn điểm gửi hàng (Drop-off Point) trên diện rộng thông qua việc liên kết với các đối tác, hàng trăm điểm nhận hàng (Collection Point) và hệ thống tủ khóa thông minh (Smart Locker), đảm bảo việc giao hàng thông suốt và nhanh chóng nhất đến hàng triệu khách hàng trên toàn quốc.

Trong báo cáo mới đây về thị trường Logistics chặng cuối (last mile) tại Đông Nam Á, ông Trường Bùi – Tổng Giám đốc Roland Berger Việt Nam – nhận định bước chuyển đổi của thị trường Logistics chặng cuối sẽ được dẫn dắt bởi sự phát triển nhanh chóng của thị trường thương mại điện tử, tốc độ đô thị hóa và mức thu nhập tăng của người tiêu dùng. Những động lực này thúc đẩy nhu cầu cao hơn đối với các giải pháp giao hàng tận nơi.

Bên cạnh đó, thị trường giao nhận, chuyển phát nhanh và bưu chính ở Đông Nam Á có khả năng phải đối mặt với một cuộc chiến giá cả khốc liệt tương tự như những gì Trung Quốc đã trải qua trong những năm gần đây.

Tổng Giám đốc Roland Berger Việt Nam nhận định tương lai cho thị trường logistics chặng cuối (Last mile) ở Đông Nam Á sẽ mở rộng các ứng dụng tiến bộ như tủ khóa thông minh để giao nhận hàng, phân tích xu hướng để dự đoán nhu cầu và tăng cường các tuyến giao hàng, và cuối cùng là sự kết hợp của máy bay không người lái và phương tiện tự động trong giao hàng.

“Sự thay đổi về nhu cầu và động lực của thị trường đang khiến các công ty trong ngành phải suy nghĩ lại về các dịch vụ cung cấp – mở rộng hoạt động trong toàn bộ chuỗi giá trị là một xu hướng chung”, ông Trường Bùi cho biết.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 75 trung tâm logistics tập trung tại 16/63 tỉnh, thành phố.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Ngọc Diệp | Markettimes

Indonesia cấm TikTok Shop hoạt động từ ngày mai 4/10

Theo thông báo mới đây, tính năng mua sắm trực tuyến của mạng xã hội TikTok, TikTok Shop sẽ chính thức ngừng hoạt động tại thị trường Indonesia từ ngày mai 4/10.

TikTok Shop sẽ dừng hoạt động tại Indonesia từ ngày mai 4/10
TikTok Shop sẽ dừng hoạt động tại Indonesia từ ngày mai 4/10

Theo đó, TikTok Shop, tính năng mua sắm trực tuyến trong ứng dụng của mạng xã hội TikTok sẽ chính thức dừng hoạt động tại thị trường Indonesia từ ngày mai 4/10.

Đây chính là kết quả tồi tệ nhất đối với TikTok sau khi chính phủ Indonesia công bố các quy định thương mại mới nhất vào tuần trước, trong đó cấm các giao dịch thương mại điện tử trực tiếp (direct ecommerce) trên ứng dụng mạng xã hội.

Để có thể được tiếp tục kinh doanh, TikTok phải thành lập một nền tảng mới, xin giấy phép thương mại điện tử từ Bộ Thương mại của Indonesia và tạo một ứng dụng TikTok Shop riêng biệt với mạng xã hội TikTok.

Các quy định được đưa ra sau những lo ngại rằng TikTok Shop có thể đe dọa các MSME (doanh nghiệp vừa và nhỏ, và siêu nhỏ) địa phương của Indonesia thông qua các thuật toán (Algorithms) và chiến lược định giá mang tính săn mồi (cạnh tranh không lành mạnh về giá bán).

TikTok Shop cũng bị cho là nguyên nhân khiến doanh số bán hàng tại các thị trường truyền thống như trung tâm bán buôn Tanah Abang ở Jakarta sụt giảm.

Trước khi bị cấm, Indonesia là một trong những thị trường có mức đóng góp lớn nhất vào tổng giá trị hàng hóa (GMV) của TikTok Shop ở Đông Nam Á. Vào năm 2022, GMV của TikTok Shop tại đây là 2,5 tỷ USD – tương ứng 57% GMV (Gross Merchandise Volume) trong toàn khu vực (theo nghiên cứu của Momentum Works.).

TikTok Shop là gì?

TikTok Shop (TikTok Shopping) là nền tảng hay công cụ mua sắm trực tuyến có thể truy cập trực tiếp từ mạng xã hội TikTok. Nó cho phép những người bán, thương hiệu hay các nhà sáng tạo nội dung đăng tải sản phẩm và bán hàng trên TikTok.

Quá trình mua bán giữa người bán và người mua được thực hiện hoàn toàn trong ứng dụng (in-app shopping), tức người dùng không cần rời khỏi nền tảng để xem chi tiết thông tin về sản phẩm hay tiến hành thanh toán.

TikTok Shop hay còn được gọi là Cửa hàng TikTok lần đầu tiên được ra mắt vào tháng 11 năm 2022 với một số nhà bán lẻ được chọn tại thị trường Mỹ và Vương Quốc Anh, trước khi ra mắt rộng hơn tới các quốc gia khác trên toàn cầu.

Tính đến hiện tại, theo thông tin trực tiếp từ TikTok, TikTok Shop hiện có sẵn ở 9 quốc gia tại 3 vùng lãnh thổ khác nhau đó là Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips

TikTok Shop có thể là sàn thương mại điện tử lớn thứ 4 Đông Nam Á về thị phần trong năm 2023

Báo cáo của Momentum Works dự đoán thị phần của TikTok Shop trong năm 2023 ở thị trường Đông Nam Á sẽ ngang ngửa Tokopedia và chỉ kém đôi chút so với Lazada.

TikTok Shop có thể là sàn thương mại điện tử lớn thứ 4 Đông Nam Á về thị phần trong năm 2023
TikTok Shop có thể là sàn thương mại điện tử lớn thứ 4 Đông Nam Á về thị phần trong năm 2023

TikTok Shop, tính năng mua sắm trực tuyến trong ứng dụng xem video ngắn TikTok, được dự đoán sẽ chiếm 13,2% thị phần thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á trong năm nay, theo một nghiên cứu từ công ty theo dõi dữ liệu thị trường Momentum Works.

TikTok Shop đặt mục tiêu tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) đạt 15 tỷ USD trong năm 2023. Đây là con số tăng đáng kể so với những gì TikTok Shop đạt được trong năm 2022 (4,4 tỷ USD), theo báo cáo của Momentum Works.

Theo Tech in Asia, nếu TikTok Shop đạt được mục tiêu đề ra, thị phần của sàn thương mại điện tử này trong khu vực sẽ xấp xỉ với với Tokopedia, ước tính là 13,9% và kém đôi chút so với Lazada, ước tính đạt 17,7% trong năm nay.

Những sản phẩm bán chạy nhất trên TikTok Shop là các sản phẩm thuộc danh mục chăm sóc sắc đẹp và đồ dùng cá nhân, chiếm khoảng 70% tổng GMV. Theo báo cáo, các thương hiệu làm đẹp sẽ tiếp tục là những sản phẩm chủ đạo được bán trên TikTok Shop trong năm nay.

Weihan Chen, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tại Momentum Works, tin rằng TikTok Shop có thể là một đối thủ nặng ký đối với các sàn thương mại điện tử khác trong khu vực Đông Nam Á.

Shopee, sàn thương mại điện tử mà Momentum Works ước tính sẽ chiếm 46,5% thị phần thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á năm 2023, đã bày tỏ sẽ tập trung nhiều hơn vào tính năng livestream. Điều này sẽ khiến Shopee phải cạnh tranh gay gắt hơn với TikTok bởi livestream từ lâu đã là tính năng chủ đạo trên TikTok Shop.

Trong buổi họp công bố báo cáo tài chính quý II, CEO Forrest Li của Sea (công ty mẹ Shopee) đã xác nhận điều này. “Chúng tôi đã bắt đầu và sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào phát triển mảng kinh doanh thương mại điện tử.

Những khoản đầu tư như vậy sẽ có tác động tới lợi nhuận của doanh nghiệp và có thể khiến Shopee nói riêng cũng như Sea nói chung, thua lỗ ở một số thời điểm nhất định”, Chủ tịch Forrest Li chia sẻ.

Nhận xét của ông Forrest Li được đưa ra khi Shopee phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ cả những đối thủ cũ như Lazada, Tokopedia,… lẫn các đối thủ mới tiềm năng như TikTok Shop của ByteDance.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Tài sản của nhà sáng lập đứng sau Shopee sụt giảm hàng tỷ USD

Tài sản của hai nhà đồng sáng lập của Sea Ltd, công ty mẹ đứng sau Shopee mất hàng tỷ USD chỉ sau một đêm sau khi gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Singapore này báo cáo thu nhập quý 2 với nhiều thông tin bất lợi.

Tài sản của nhà sáng lập đứng sau Shopee sụt giảm hàng tỷ USD
Tài sản của nhà sáng lập đứng sau Shopee sụt giảm hàng tỷ USD

Theo đó, giá cổ phiếu của Sea trong phiên ngày 15/8 có mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ khi IPO vào năm 2017, giảm gần 29% trên Sàn giao dịch chứng khoán New York.

Sự sụt giảm khiến tài sản của Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Forrest Li mất đi khoảng hơn 1 tỷ USD.

Trong khi đó, Giám đốc Vận hành (COO) Gang Ye cũng đã mất khoảng 565 triệu USD do cổ phiếu sụt giảm, khiến giá trị tài sản ròng của ông này chỉ còn 1,8 tỷ USD.

Theo báo cáo, doanh thu quý 2 của Sea ghi nhận mức tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 3,1 tỷ USD, thấp hơn mức 3,2 tỷ USD mà các nhà phân tích đã ước tính. Mảng kinh doanh thương mại điện tử (e Commerce) Shopee hiện đóng góp khoảng 2/3 doanh thu của toàn tập đoàn, mang về 2,1 tỷ USD.

Bên cạnh thương mại điện tử, doanh thu tại mảng trò chơi (Gaming) của Sea giảm mạnh 41,2% xuống còn 529 triệu USD, trong khi đó, doanh thu từ các dịch vụ tài chính kỹ thuật số (Digital Financial) tăng 53,4% lên 423 triệu USD.

Chủ tịch Li cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu và sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào việc phát triển hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên khắp các thị trường của mình. Những khoản đầu tư như vậy có thể dẫn đến các khoản thua lỗ cho Shopee và các mảng khác trong một số giai đoạn nhất định.”

Về mặt thị trường, mặc dù hiện vẫn là đơn vị có GMV lớn nhất ngành, Shopee đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các đối thủ như Lazada của Alibaba và TikTok của ByteDance.

Alicia Yap, một nhà phân tích từ Citigroup viết: “Mặc dù đồng ý rằng đó là cách tiếp cận đúng đắn để bảo vệ thị phần trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhưng nếu không có định hướng rõ ràng về tăng trưởng GMV (gross merchandise value) và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, Sea có thể đối mặt với rất nhiều khó khăn.”

Được thành lập vào năm 2009, Sea từng là cổ phiếu hoạt động tốt nhất thế giới trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch.

Tuy nhiên, gã khổng lồ thương mại điện tử và trò chơi này đã và đang phải vật lộn để tiếp tục đà tăng trưởng khi đại dịch kết thúc, thị trường có nhiều thay đổi và các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trong bối cảnh lãi suất tăng đột biến.

Vốn hóa thị trường của Sea đã giảm gần 89% so với mức đỉnh vào tháng 10 năm 2021.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips 

Quý 2 năm 2023: TikTok Shop vượt Lazada về doanh thu thương mại điện tử

Theo báo cáo thương mại điện tử nửa đầu năm 2023 vừa được Metric công bố, doanh thu (NMV) của TikTok Shop chính thức vượt Lazada và trở thành sàn thương mại điện tử lớn thứ 2 Việt Nam.

Quý 2 năm 2023: TikTok Shop vượt Lazada về doanh thu thương mại điện tử
Quý 2 năm 2023: TikTok Shop vượt Lazada về doanh thu thương mại điện tử

Theo báo cáo thương mại điện tử (eCommerce) nửa đầu năm 2023 vừa được Metric công bố, doanh thu NMV (Net Merchandised Value/Tổng giá trị của tất cả các đơn hàng giao thành công) toàn thị trường đạt khoảng 93.000 tỷ đồng, tăng trưởng tới 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, doanh thu NMV Quý 1 và Quý 2/2023 lần lượt ghi nhận 43.000 và 50.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, bảng xếp hạng thị phần doanh thu NMV sau nửa đầu năm 2023 đã chứng kiến cuộc đổi ngôi giữa Lazada và TikTok Shop của TikTok. Theo Metric, ở Quý 4/2022, thời điểm TikTok Shop mới ra mắt được 4 tháng đã có doanh thu bằng 80% doanh thu của Lazada.

Đến Quý 1/2023, TikTok Shop chỉ kém Lazada 3,5% doanh thu và nhanh chóng vượt qua Lazada vào Quý 2.

Bloomberg dẫn nguồn tin nội bộ rằng ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đang đặt mục tiêu tăng gấp 4 lần quy mô tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) trên toàn cầu của TikTok Shop, lên mức 20 tỷ USD riêng trong năm 2023.

Điều này đồng nghĩa vơi việc TikTok Shop đã vươn lên là sàn thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Việt Nam chỉ sau Shopee. Trong khi thị phần của Shopee từ đầu năm tới nay gần như không thay đổi, điều này có nghĩa là TikTok Shop đang thực sự lấy đi thị phần từ các sàn thương mại điện tử còn lại như Tiki và Sendo (thuộc FPT).

Cụ thể, Shopee ghi nhận tổng giá trị của tất cả các đơn hàng giao thành công đạt 59.000 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2023, với 667 triệu sản phẩm được bán ra.

TikTok Shop đạt doanh thu 16.300 tỷ đồng – bằng 27% so với thành tích của Shopee, với 117 triệu sản phẩm bán ra. Trong khi đó, Lazada đạt 15.700 tỷ đồng doanh thu NMV với 117,5 triệu sản phẩm.

Trong khi đó, Tiki và Sendo vẫn chưa thể tạo được bất ngờ khi tiếp tục đuối sức trước các đối thủ, NMV lần lượt chỉ đạt 1.600 tỷ đồng và 112,3 tỷ đồng.

Nửa đầu năm 2023, thị trường thương mại điện tử vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các ngành hàng như nhà cửa – đời sống, làm đẹp, hay ngành bán lẻ như thời trang nữ, mẹ & bé, bách hóa. Các phân khúc giá được ưa chuộng nhất trên thương mại điện tử bao gồm 100.000 – 150.000 đồng, 150.000 – 200.000 đồng, 200.000₫ – 350.000 đồng.

Bên cạnh đó, Shopping livestreams hay Shoppertainment là loại hình phổ biến được các nền tảng thương mại điện tử chú trọng phát triển. Đây cũng là lợi thế của TikTok Shop khi xuất phát từ nền tảng giải trí video ngắn, sở hữu sẵn lượng người dùng khổng lồ.

Hầu hết người tiêu dùng dành tối đa 3 giờ hàng tuần để xem các buổi phát trực tiếp, hầu hết các phiên đều dưới 1 giờ.

Theo công ty Nghiên cứu thị trường Coresight Research, hình thức mua sắm qua livestream đã phát triển thần tốc thành thị trường có giá trị 512 tỷ đô la Mỹ. Chỉ tính riêng tại Mỹ, doanh thu bán hàng livestreaming có thể dễ dàng đạt 50 tỷ USD trong năm 2023 này.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo Hoàng Thuỳ | Markettimes

Từng được định giá gần 1 tỷ USD, hiện Tiki đang ở đâu trong cuộc đua thương mại điện tử

Từ một startup được định giá gần mức kỳ lân, Tiki đã bị Shopee và Lazada bỏ xa trong cuộc đua thương mại điện tử, thậm chí bị TikTok Shop đe dọa vị trí.

Từng được định giá gần 1 tỷ USD - hiện Tiki đang ở đâu trong cuộc đua thương mại điện tử
Từng được định giá gần 1 tỷ USD – hiện Tiki đang ở đâu trong cuộc đua thương mại điện tử

Tiki từng là startup sáng giá bậc nhất trong nhóm các công ty khởi nghiệp Việt Nam nói chung và ngành thương mại điện tử nói riêng, nhận được hàng trăm triệu vốn từ các quỹ đầu tư.

Năm 2021, Bloomberg đưa tin, Tiki đã huy động được 258 triệu USD trong vòng gọi vốn do AIA Insurance dẫn đầu. Vòng tài trợ này đưa mức định giá của Tiki lên tiệm cận 1 tỷ USD – hay còn gọi là kỳ lân. Cùng với đó, Tiki cũng đặt tham vọng IPO trên sàn chứng khoán Mỹ.

Tuy nhiên, thương mại điện tử Việt Nam vốn là một cuộc chiến khốc liệt khi các đối thủ nước ngoài của Tiki đều là những tên tuổi có kinh nghiệm và “bạo vì tiền”.

Lazada được hậu thuẫn bởi Alibaba – ông trùm thương mại điện tử (eCommerce) Trung Quốc, trong khi Shopee được “bơm” tiền từ Sea Group – startup từng được định giá cao nhất Đông Nam Á. Cả ba đã trải qua cuộc đua đốt tiền vào khuyến mãi, quảng cáo thu hút người dùng.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, thế trận thương mại điện tử dường như đã được ấn định với sự dẫn đầu của Shopee, kế tiếp là Lazada và Tiki bị bỏ xa ở phía sau. Tiki cũng không giữ được nhịp tăng trưởng của mình.

Nguồn tin từ Tech in Asia cho biết, Tiki đã tăng lỗ trong năm tài chính gần nhất (kết thúc vào tháng 3/2022) do doanh thu giảm. Cần lưu ý rằng, số liệu năm tài chính 2022 của Tiki được kiểm toán, tuy nhiên số liệu của năm tài chính 2021 được lấy ra so sánh thì không được kiểm toán.

Theo đó, Tiki ghi nhận tổng doanh thu năm 2022 giảm 7% so với năm 2021. Trong khi đó, tổng chi phí tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, khoản lỗ hoạt động của công ty đã tăng thêm 39% trong năm tài chính 2022. Khoản lỗ của Tiki trong năm 2022 ước tính khoảng 100 triệu USD.

Tiki cũng đuối sức trong cuộc đua GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hóa). Theo Báo cáo Thương mại điện tử 2023 do công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works vừa công bố, tổng giá trị giao dịch hàng hóa trên thương mại điện tử năm 2022 tại Việt Nam đạt 9 tỷ USD.

Trong đó, giá trị giao dịch hàng hóa trên Shopee chiếm tới 63% tổng GMV toàn thị trường, đạt khoảng 5,67 tỷ USD (khoảng 113.245 tỷ đồng).

Đứng ở vị trí thứ hai là Lazada, với thị phần tính theo GMV chỉ đạt khoảng 2,7 tỷ USD (khoảng 63.450 tỷ đồng), bằng 1/3 thành tích của Shopee. Tuy nhiên, Tiki chỉ đóng góp 6% vào tổng GMV của thương mại điện tử Việt Nam, tương ứng 540 triệu USD.

Trong khi đó, Tiki cũng đứng trước mối đe dọa của “thế lực thương mại điện tử mới chỉ hơn 1 năm tuổi” là TikTok Shop.

Nền tảng TikTok Shop dù mới ra mắt hơn một năm qua nhưng đã bắt kịp Sendo, tiến sát tới thành tích của Tiki, với tổng GMV (Gross Merchandise Volume) đạt khoảng 360 triệu USD.

Phân tích trong báo cáo Momentum Works, chuyên gia đã phân tích thế khó trong mô hình hoạt động của Tiki. Nếu như Shopee đang tập trung vào mô hình 3P (third party) – các nhà bán hàng bán trực tiếp tới tay người dùng thì Tiki duy trì cả hai hình thức 3P và 1P.

Trong đó, 1P là mô hình mà Tiki vừa nhập hàng, kiểm soát giá, bán hàng và vận chuyển tới tay khách hàng (gọi là Tiki Trading). Mô hình 1P này khá tương tự với cách thức của Amazon.

GMV từ 1P chiếm tới 45% tổng GMV của Tiki. Mô hình 1P giúp Tiki kiểm soát chất lượng hàng hóa trên sàn – điều đã trở thành thương hiệu của nền tảng thương mại điện tử này. Tuy nhiên, mô hình 1P cũng bộc lộ nhiều điểm yếu.

Việc GMV đến quá nhiều từ 1P tại một thị trường thương mại điện tử ở giai đoạn sớm (early stages) khiến Tiki tốn nhiều chi phí, trong khi việc mở rộng quy mô lại bị hạn chế. Thêm vào đó, việc tự nhập hàng – tự bán dẫn đến tính đa dạng sản phẩm/người bán thấp hơn nhiều so với các nền tảng Marketplace khác như Shopee hay Lazada.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo Hoàng Thuỳ | Markettimes

TikTok đặt tham vọng 20 tỷ USD GMV với TikTok Shop trong 2023

Bloomberg dẫn nguồn tin nội bộ rằng ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đang đặt mục tiêu tăng gấp 4 lần quy mô tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) trên toàn cầu của TikTok Shop, lên mức 20 tỷ USD riêng trong năm 2023. Vào 2022, chỉ số GMV của nền tảng đạt 4,4 tỷ USD chỉ sau một năm ra mắt.

TikTok đặt tham vọng 20 tỷ USD GMV với TikTok Shop
TikTok đặt tham vọng 20 tỷ USD GMV với TikTok Shop

Với thuật toán cuốn người xem vào những video như vô tận, TikTok Shop đang cho thấy mình có khả năng vượt đối thủ ở mảng thương mại điện tử.

Mới ra mắt năm 2021 nhưng TikTok Shop nhanh chóng nhận được sự chú ý lớn. Với thuật toán lan truyền và giữ chân người dùng của TikTok, ngày càng nhiều người bị cuốn vào các video và những buổi livestream (phát trực tiếp) mà họ không thể rời mắt.

Bloomberg dẫn nguồn tin nội bộ rằng ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đang đặt mục tiêu tăng gấp bốn lần quy mô tổng giá trị hàng hóa giao dịch (Gross Merchandise Volume) trên toàn cầu của TikTok Shop, lên mức 20 tỷ USD riêng trong năm nay. Năm ngoái, chỉ số GMV của nền tảng đạt 4,4 tỷ USD chỉ sau 1 năm ra mắt.

Theo nguồn tin, TikTok đang đặt cược nhiều nhất vào thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Indonesia – nơi những người có ảnh hưởng (Influencer) trên nền tảng bán mọi thứ từ quần áo đến son môi trong các buổi livestream.

Mỹ và châu Âu cũng đang là những nơi TikTok nhắm tới, dù thị phần dự kiến chiếm phần rất nhỏ trong mục tiêu 20 tỷ USD.

Nếu triển khai TikTok Shop ở Mỹ, đây có thể là nơi nền tảng này gặp khó khăn nhất dù đang có 150 triệu người dùng hàng tháng.

Nền tảng đứng trước nguy cơ bị cấm hoặc bị giới hạn ở một số bang. Chính quyền Mỹ cũng cân nhắc loại bỏ mạng video ngắn này do lo ngại “đe dọa an ninh quốc gia” – điều mà công ty Trung Quốc nhiều lần phản đối.

ByteDance thành lập cách đây hơn một thập kỷ và nhanh chóng phát triển thành đế chế Internet trị giá 200 tỷ USD nhờ mạng xã hội TikTok và Douyin, trong đó TikTok dành cho thị trường quốc tế và Douyin cho riêng Trung Quốc.

Mô hình bán hàng trên nền tảng cũng đã được triển khai trên Douyin trước đó và thu về nhiều thành công tại quê nhà.

Với khả năng “kết hợp giải trí với mua hàng chớp nhoáng”, TikTok Shop cho phép người dùng chọn mua nhanh chóng món hàng mình thích qua việc cuộn vô số video ngắn và phát trực tiếp trên ứng dụng.

Tính năng này được đánh giá là thuận tiện hơn nhiều so với Shopee của Sea Limited hay Amazon nhờ vào cơ sở dữ liệu rộng lớn và thuật toán đề xuất tối ưu, dù các nền tảng kể trên cũng có tính năng phát trực tiếp.

Hiện TikTok vẫn là mạng xã hội gây nghiện nhiều nhất. Theo Data.ai, trung bình mỗi tháng tại Mỹ năm ngoái, người dùng bỏ ra 28,7 tiếng để lướt TikTok, cao hơn mức 22,8 tiếng năm 2021. Trong khi đó, chỉ số của Facebook là 15,5 tiếng (2022) và 16,8 tiếng (2021).

Do mới ra đời hai năm, TikTok Shop chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu 80 tỷ USD của ByteDance năm ngoái. Chỉ số GMV của nền tảng cũng thấp hơn nhiều so với mức 73,5 tỷ USD của Sea Limited.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, TikTok Shop nếu thành công có thể giúp ByteDance chứng minh mô hình bán hàng qua video ngắn đang trở nên phù hợp hơn với người dùng. Thậm chí, hình thức này có thể sớm đuổi kịp và vượt qua thói quen mua sắm trực tuyến truyền thống.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Doanh thu quý 2 năm 2022 của Grab tăng đến 79%

Doanh thu của siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á Grab đã tăng 79% so với cùng kỳ năm trước lên mức 321 triệu USD trong quý 2 năm 2022.

Doanh thu quý 2 của Grab tăng đến 79%
Doanh thu quý 2 của Grab tăng đến 79%. Photo credit: 123rf

Grab ghi nhận sự tăng trưởng là do công ty này đã tối ưu hóa chi phí cố định, đóng cửa các ngành kinh doanh không có lãi và cắt giảm các ưu đãi. Khoản lỗ ròng của Grab trong quý 2 là 572 triệu USD, giảm 29% so với một năm trước đó.

Trong phân khúc di động (Mobility Segment), Grab đã đóng cửa các hoạt động hỗ trợ GrabWheels (mảng dịch vụ cho phép người dùng truy cập vào các thiết bị di chuyển cá nhân, chẳng hạn như xe tay ga, trong ứng dụng Grab) ở Singapore và Malaysia trong khi hợp nhất GrabWheels với hoạt động cho thuê xe hơi tại Indonesia.

Trong mảng giao hàng (Delivery), Grab đã đóng cửa các hoạt động cửa hàng phục vụ buổi tối tại Singapore, Việt Nam và Philippines, đồng thời chọn cách mở rộng quy mô mảng giao hàng thông qua mô hình bán hàng của bên thứ ba (third-party marketplace), với Jaya Grocer tại Malaysia.

Grab cho biết họ đang “tái tập trung và hợp lý hóa” các hoạt động dịch vụ tài chính của mình. Chẳng hạn như sắp xếp lại một vài bộ phận chức năng, giảm nhân sự và cắt giảm một số khoản chi phí khác.

Tính đến thời điểm hiện tại, GMV của Grab đã tăng 30% so với một năm trước đó, với lượng người dùng giao dịch hàng tháng (MTU – monthly transacting users) tăng 12%.

Mức chi tiêu trung bình trên mỗi người dùng (ASPU) của Grab được tính bằng công thức lấy GMV chia cho MTU, con số này đã tăng 16% lên mức 155 USD.

Doanh thu của mảng di động tăng 37% và GMV tăng 51%. Đối với mảng dịch vụ tài chính, doanh thu tăng 94%, GMV tăng 38%. Trong khi đó, doanh thu ngành dọc của mảng giao hàng tăng 199%, đồng thời GMV tăng 19%.

CEO Grab cho biết:

“Hướng về tương lai phía trước, chúng tôi đang tập trung vào việc thúc đẩy tất cả những gì có thể để có được lợi nhuận.”

“Grab sẽ tăng gấp đôi khả năng đổi mới sản phẩm để tăng mức độ tương tác của người dùng với ứng dụng và giảm chi phí, trong khi vẫn tập trung vào việc phát triển những ‘giao dịch chất lượng cao’ trên nền tảng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh  | MarketingTrips   

Kỷ lục đầu tư vào thương mại điện tử và Fintech

Những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet, cũng như số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm.

Kỷ lục đầu tư vào thương mại điện tử và Fintech

Ông Rohit Sipahimalani – Chiến lược gia phụ trách hoạt động đầu tư của Temasek đánh giá, ngày càng có nhiều người nhận ra tiềm năng của nền kinh tế Internet Đông Nam Á, nhất là trong bối cảnh một số công ty khởi nghiệp trong khu vực đang chuẩn bị IPO.

Một trong những startup thành công điển hình là gã khổng lồ SEA của Singapore với các mảng kinh doanh chủ chốt bao gồm: nhà phát triển trò chơi trực tuyến – Garena và nền tảng thương mại điện tử – Shopee đạt 200 tỷ USD vốn hóa thị trường.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến J&T Express của Indonesia. “Gã khổng lồ” chuyển phát nhanh nhận được hậu thuẫn từ các quỹ như: Boyu Capital, Hillhouse Capital và Sequoia Capital China với tư cách là nhà đầu tư chính và dự kiến sẽ niêm yết tại Hồng Kông vào năm tới.

“Các nhà đầu tư luôn tìm kiếm các thị trường rộng lớn nơi có tiềm năng phát triển đáng kể. Giờ đây, họ nhìn thấy những yếu tố này trong nền kinh tế Internet của Đông Nam Á”, ông Rohit Sipahimalani nói.

Kỷ lục đầu tư vào thương mại điện tử và Fintech
Startup thành công điển hình là gã khổng lồ SEA của Singapore

Báo cáo e-Conomy SEA 2021 đã nêu bật những chuyển biến trong khu vực gồm sáu nền kinh tế Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore và Indonesia.

Đồng thời báo cáo phát hiện rằng, có tới 11 kỳ lân công nghệ tiêu dùng mới ra đời tại khu vực trong năm nay, nâng tổng số các startup đạt giá trị hơn 1 USD lên con số 23.

Cũng theo báo cáo, nền kinh tế số của Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng, có thêm 40 triệu người dùng trực tuyến mới trong năm 2021.

Cùng với đó, hiện có 440 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số, chiếm khoảng 3/4 dân số trong khu vực. Nền kinh tế Internet của khu vực cũng dự kiến ​​sẽ đạt 360 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2025 và sẵn sàng vượt qua 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Động lực mạnh mẽ này, được thúc đẩy bởi các ngành thương mại điện tử, du lịch, truyền thông, vận tải và thực phẩm.

Tại Việt Nam, báo cáo e-Conomy SEA 2021 chỉ ra, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng lên tới 53% của lĩnh vực thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái, và tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.

Đến năm 2030, nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV – Gross Merchandise Value), đứng thứ hai trong khu vực sau Indonesia. Đây cũng là một tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam.

Thực tế, trong những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng như số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm.

Doanh thu thương mại điện điện tử B2C liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Nếu như năm 2016 đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18% so với năm trước.

Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với 55% trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn.

Khảo sát nhanh cho thấy, 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm kỹ thuật số của người dùng Việt Nam.

Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn khi nguồn vốn ngoại tiếp tục chảy vào. Hoạt động đầu tư tăng vọt trong nửa đầu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục 1,37 tỷ USD, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây.

Nhìn chung, không riêng thị trường Việt Nam, mà tất cả các nền kinh tế khu vực đều chứng kiến ​sự tăng trưởng rõ rệt. Philippines có mức tăng trưởng hàng năm lớn nhất, ở mức 93%. Tiếp theo là Thái Lan (51%), Indonesia (49%) và Malaysia (47%).

Nền kinh tế số của Đông Nam Á nhờ đó đã vượt qua Ấn Độ, nhưng vẫn còn tiềm năng chưa được khai thác. Đại diện Temasek cho biết, trong khi thương mại điện tử và fintech sẽ tiếp tục thu hút nhiều vốn nhất trong thời gian tới, các lĩnh vực non trẻ khác đầy hứa hẹn bao gồm công nghệ y tế và công nghệ giáo dục.

Ngay cả khi thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, các công ty khởi nghiệp trong khu vực cũng phải đối mặt với thách thức thiếu hụt nhân tài trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn

GMV là gì? Tất cả những gì cần hiểu về chỉ số GMV

Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu toàn diện các thông tin quan trọng cần biết về thuật ngữ GMV (Gross Merchandise Volume) như: GMV là gì, chỉ số GMV được hiểu như thế nào trong ngành thương mại điện tử (eCommerce), cách tính GMV, ứng dụng GMV trong kinh doanh, GMV khác gì so với doanh thu, một số ví dụ về GMV và hơn thế nữa.

gmv là gì
GMV là gì? Tất cả những gì cần hiểu về chỉ số GMV

Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp, khái niệm về GMV không chỉ bao hàm ý niệm về độ lớn của doanh nghiệp mà còn là sức khoẻ hay hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp đó trong một thời kì nhất định.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài:

  • GMV là gì?
  • GMV Coverage là gì?
  • GMV Shopee là gì?
  • NMV là gì?
  • GTV là gì?
  • Một số lưu ý về khái niệm GMV mà bạn nên hiểu.
  • Thuật ngữ GMV được hiểu như thế nào.
  • Công thức tính chỉ số GMV.
  • GMV và các nhà bán lẻ C2C.
  • Một số khái niệm về GMV.
  • FAQs – Những câu hỏi thường gặp liên quan đến thuật ngữ GMV.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

GMV là gì?

GMV là từ viết tắt của từ tiếng Anh Gross Merchandise Volume hoặc Gross Merchandise Value trong tiếng Việt có nghĩa là Tổng khối lượng hàng hóa giao dịch (hoặc Tổng giá trị hàng hoá giao dịch).

GMV là tổng giá trị hàng hóa được bán tới một thị trường nhất định ở trong một khoảng thời gian nhất định được tạo ra qua những giao dịch giữa khách hàng với khách hàng (C2C) thông qua một nền tảng nhất định (website hoặc ứng dụng).

GMV là thước đo sự tăng trưởng của doanh nghiệp hoặc việc sử dụng các nền tảng để bán hàng hóa do người khác sở hữu (ví dụ như các sàn thương mại điện tử eCommerce).

Tổng giá trị hàng hóa hay GMV thường được sử dụng để xác định những gì liên quan đến sức khoẻ kinh doanh của các nền tảng (web hoặc app) thương mại điện tử vì doanh thu của nó sẽ là một con số của tổng hàng hóa đã bán và các khoản phí được tính.

GMV hữu ích nhất khi nó được sử dụng như một thước đo so sánh theo thời gian, chẳng hạn như giá trị quý hiện tại so với giá trị quý trước đó chẳng hạn.

GMV cũng còn được gọi là tổng khối lượng hàng hóa (gross merchandise volume); cả hai khái niệm này đều chỉ tổng giá trị tiền tệ của tổng doanh số bán.

Theo Wikipedia: GMV hay tổng khối lượng hàng hóa là một thuật ngữ được sử dụng trong bán lẻ trực tuyến để chỉ tổng doanh số bán hàng có giá trị tiền tệ cho hàng hóa được bán thông qua một thị trường cụ thể trong một khung thời gian nhất định.

GMV bao gồm mọi khoản phí hoặc các khoản khấu trừ khác, đó là những gì mà người bán có thể tính toán riêng.

GMV Coverage là gì?

GMV Coverage có nghĩa là độ bao phủ GMV.

Cũng tương tự như các khái niệm khác gắn liền với cụm từ “coverage”, tức nói đến bộ bao phủ hay phủ sóng, như Brand Coverage hay Marketing Coverage, GMV Coverage đề cập đến dung lương hay mức độ bao phủ của tổng giá trị hàng hóa được bán tới một thị trường nhất định ở trong một khoảng thời gian nhất định được tạo ra qua những giao dịch giữa khách hàng với khách hàng (C2C) thông qua một nền tảng nhất định so với các nền tảng khác hiện có trên thị trường.

NMV (Net Merchandised Value) là gì?

Khác với GMV, NMV là tổng giá trị giao dịch hàng hoá thành công qua sàn.

NMV (Net Merchandised Value) = Tổng giá trị của tất cả các đơn hàng giao thành công. Tức chỉ bao gồm Delivered.

NMV ở đây khác với Doanh thu – Revenue ở điểm sau:

Revenue: Gồm cả NMV + Doanh thu đến từ tiền quảng cáo của các nền tảng. Ví dụ mọi người Top-up tiền cho Shopee hay Lazada để chạy quảng cáo thì tiền này được tính vào revenue chứ không tính là NMV.

GTV (Gross Transaction Volume) là gì?

GTV (Gross Transaction Volume): Là thuật ngữ để chỉ các nền tảng như Grab, Now hay Gojek, tức là tổng giá trị các giao dịch trên nền tảng.

Lý do các nền tảng này dùng T- Transaction chứ không phải M- Merchandise vì hành vi mua bán qua các nền tảng này là dịch vụ nên thông thường dùng từ giao dịch thay vì hàng hoá.

Một số lưu ý về khái niệm GMV mà bạn nên hiểu.

  • GMV hay tổng giá trị hàng hoá đề cập đến khối lượng hàng hóa được bán qua các nền tảng thương mại điện tử giữa khách hàng với khách hàng (C2C: customer-to-customer).
  • Tổng giá trị hàng hoá được tính trước khi trừ đi bất kỳ khoản chi phí hay khoản phí nào.
  • GMV là một thước đo sự tăng trưởng của doanh nghiệp hoặc việc sử dụng một nền tảng để bán lại các sản phẩm được sở hữu bởi người khác thông qua hình thức ký gửi.
  • Phân tích GMV từ một thời kỳ này đến một thời kỳ khác cho phép những nhà quản trị và phân tích có những nhận định đúng đắn về sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp đó.
  • GMV không phải là một sự đại diện chính xác cho doanh số của một doanh nghiệp, nó chỉ như là một phần doanh số của những người bán hàng.
  • Các doanh nghiệp có thể sử dụng GMV để tính toán thị phần của họ trên thị trường.

Thuật ngữ GMV được hiểu như thế nào.

Tổng giá trị hàng hóa (GMV) là những gì được tính trước khi trừ bất kỳ khoản phí hoặc chi phí nào (chiết khấu, khuyến mãi, quảng cáo, marketing…).

Nó cung cấp những thông tin mà một doanh nghiệp bán lẻ có thể sử dụng để đo lường mức độ tăng trưởng, thường là hàng tháng hoặc hàng năm.

Nói chung, một doanh nghiệp bán lẻ có thể tính toán tổng giá trị của tất cả các giao dịch bán hàng đã hoàn thành, mặc dù lợi nhuận hàng hóa có thể cần được loại bỏ khỏi con số này để cung cấp một phép tính chính xác hơn.

Để tính GMV, chỉ cần nhân số lượng hàng hóa đã bán với giá bán của chính hàng hóa đó.

Thuận lợi và bất lợi khi tính toán GMV là gì.

Thuận lợi và bất lợi khi tính toán GMV là gì.

Khi tìm hiểu về khái niệm GMV, bạn sẽ biết đến các cách tính GMV, tuỳ thuộc vào từng cách tính toán khác nhau, chúng có những thuận lợi và bất lợi khác nhau.

Thuận lợi khi tính toán chỉ số GMV là gì?

Vì các nhà bán lẻ có thể là nhà sản xuất hoặc không phải là nhà sản xuất hàng hóa mà họ đang bán nên việc đo lường tổng giá trị của tất cả các giao dịch bán hàng sẽ cung cấp thông tin chi tiết về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Điều này đặc biệt đúng trong các thị trường hoạt động theo mô hình C2C, tức giao dịch giữa khách hàng với khách hàng, nơi các nhà bán lẻ đóng vai trò như một bên thứ ba để kết nối giữa người mua và người bán mà không cần sự tương tác của họ.

GMV cũng có thể cung cấp giá trị cho các nhà bán lẻ trong lĩnh vực ký gửi, vì họ chưa bao giờ chính thức mua những hàng hoá đó. Hàng hoá khi này chỉ đơn giản là ký gửi.

Mặc dù các hàng hoá thường được đặt trong địa điểm bán lẻ của các doanh nghiệp này, nhưng doanh nghiệp đó hoạt động với tư cách là người bán lại được ủy quyền, thường có tính phí đối với hàng hóa hoặc tài sản của người hoặc tổ chức khác.

Nói chung, họ không bao giờ là chủ sở hữu thực sự của các mặt hàng, vì cá nhân hoặc tổ chức sở hữu các mặt hàng đó chỉ ký gửi hoặc có thể yêu trả lại.

Bất lợi khi tính toán GMV là gì?

Mặc dù GMV là những gì đại diện cho tổng giá trị hàng hóa được bán trên sàn giao dịch C2C, nhưng nó không thực sự phản ánh lợi nhuận của một doanh nghiệp.

Ví dụ, nếu GMV của một doanh nghiệp là 500 USD trong tháng, thì toàn bộ 500 USD đó cũng không được chuyển đến doanh nghiệp, phần lớn số tiền đó sẽ đến tay các cá nhân hoặc tổ chức đã bán hàng hóa đó.

Doanh thu thực sự của doanh nghiệp sẽ chỉ là khoản phí mà doanh nghiệp đó tính cho việc sử dụng các nền tảng của mình để bán hàng. Nếu phí là 2%, doanh thu thực sự của doanh nghiệp khi đó sẽ là 500 USD x 2% = 10 USD.

Tùy thuộc vào từng loại nền tảng thương mại điện tử, GMV hay tổng giá trị hàng hoá cũng có thể có những nhược điểm khác.

Ví dụ: nếu một doanh nghiệp là nhà bán lẻ trực tuyến tự sản xuất và bán hàng hóa của chính mình, GMV sẽ cho biết doanh thu của một công ty, nhưng nó sẽ chỉ là một số liệu để tham khảo.

Nó sẽ không cho bạn biết số lượng khách hàng ghé thăm cửa hàng hoặc bao nhiêu doanh thu từ các khách hàng mua lặp lại, đó là những chỉ số quan trọng về mức độ hài lòng của khách hàng và là thước đó sức khỏe lâu dài của doanh nghiệp.

Chỉ số GMV và các nhà bán lẻ C2C.

GMV là gì
GMV là gì? Những thông tin bạn cần hiểu về GMV

Các nhà bán lẻ C2C tức giữa khách hàng với khách hàng cung cấp một nền tảng hoặc hệ thống để người bán có thể liệt kê các mặt hàng họ có trong kho và để người mua tìm các mặt hàng họ quan tâm.

Nhà bán lẻ khi này hoạt động như một trung gian bán hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch, thường là với một khoản phí, mà không cần sự tham gia của cả người mua lẫn người bán trong quá trình giao dịch.

Trong nhiều giao dịch mua bán giữa khách hàng với khách hàng, nhà bán lẻ tạo điều kiện giao dịch mà không cần tiếp xúc với bất kỳ hàng hóa vật lý nào.

Thay vào đó, người bán sẽ gửi mặt hàng trực tiếp cho người mua sau khi khoản thanh toán của việc mua bán được hoàn tất.

Mô hình này có thể khác rất nhiều so với các mô hình bán lẻ (Retail Model) khác, trong đó nhà bán lẻ mua hàng hóa từ nhà sản xuất hoặc nhà phân phối và sau đó về cơ bản họ hoạt động như một đại lý được ủy quyền của hàng hóa mà doanh nghiệp đã mua.

Một số ví dụ về khái niệm GMV và công thức tính GMV.

Hai trong số các nền tảng C2C nổi tiếng nhất hiện nay là Shopee và Lazada. Giả sử, trong quý đầu tiên của năm tài chính 2022, eBay đã bán được 100 hàng hóa.

Để đơn giản, giả sử tất cả những hàng hóa đó đều có giá 5 USD. Trong quý đầu tiên, GMV của Shopee sẽ là 100 X 5$ = 500 USD.

Bây giờ, giả sử rằng trong cùng một quý, Lazada đã bán được 80 hàng hóa và một lần nữa, tạm tính tất cả hàng hóa đều có giá 4 USD. Khi này, trong quý đầu tiên, GMV của Lazada sẽ là 80 x 4$ = 320 USD.

Trong ví dụ này, Shopee có GMV tốt hơn ở mức 500 USD so với Lazada ở mức 320 USD. Tuy nhiên, điều này lại không nói lên toàn bộ câu chuyện.

Trên các nền tảng này, một phần doanh thu phải được trả lại cho người bán (bên sở hữu) đã bán hàng hóa đó; Shopee và Lazada chỉ giữ lại các khoản phí mà họ đã tính, đó là doanh thu thực tế của họ.

Trong ví dụ này, Shopee tính phí 2% và do đó, nó sẽ mang lại 10 USD (500 USD x 2%). Mặt khác, Lazada tính phí cao hơn là 4% nên Lazada sẽ mang về 12,80 USD (320 đô la x 4%).

Vậy sự thật trong câu chuyện này là, Lazada đang thực sự hoạt động tốt hơn Shopee và GMV khi này hiển nhiên không đánh giá đúng về sức khoẻ của doanh nghiệp.

Một số nền tảng C2C nổi tiếng khác trên thế giới là eBay và Etsy.

FAQs – Những câu hỏi thường gặp liên quan đến thuật ngữ GMV.

  • GMV trong quảng cáo là gì?

Thường được sử dụng trên các sàn thương mại điện tử, GMV trong quảng cáo cho biết tổng số tiền thu về từ việc khách hàng mua sản phẩm được quảng cáo và các sản phẩm khác trong cửa hàng tính từ khi khách hàng nhấp chuột vào quảng cáo.

Kết luận.

Trên đây là toàn bộ những gì bạn cần biết về chỉ số GMV. Việc hiểu rõ về khái niệm GMV là gì và tính toán những gì liên quan đến GMV hay tổng khối lượng hàng hoá không chỉ giúp các doanh nghiệp đánh giá mức độ hiệu quả của doanh nghiệp mình mà còn giúp các nhà đầu tư có được những quyết định đầu tư đúng đắn dựa trên sức khoẻ tài chính của chính doanh nghiệp đó.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

Nguồn: MarketingTrips