Việc tụt hạng của du lịch Việt Nam theo đánh giá Chỉ số năng lực phát triển du lịch mới đây tiếp tục gióng lên hồi chuông về những điểm nghẽn truyền thống của du lịch cùng vai trò của những bên liên quan trong việc giải quyết.
Nhìn thẳng vào ý nghĩa chỉ số
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây đã công bố báo cáo Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu 2024, trong đó Việt Nam giảm 3 bậc so với đánh giá gần nhất vào năm 2021, xếp hạng 59/119 nền kinh tế.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5, sau Singapore (hạng 13), Indonesia (22), Malaysia (35), Thái Lan (47).
Cục Du lịch quốc gia giải thích, sự chuyển biến về tư duy, cách tiếp cận và phương pháp đánh giá ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng các chỉ số của mỗi nền kinh tế.
Đơn cử, chỉ số Tác động kinh tế – xã hội của du lịch chỉ xếp hạng 115/119, theo cơ quan này là khá bất ngờ và lý giải: “Kết quả xếp hạng chỉ số này chưa phản ánh thật sự chính xác, có thể do Diễn đàn Kinh tế thế giới chưa có đầy đủ dữ liệu thống kê cập nhật về du lịch Việt Nam,”.
Tuy nhiên, từ góc nhìn làm nghiên cứu và xếp hạng, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành Công ty Outbox, cho rằng, các bảng xếp hạng của các tổ chức uy tín toàn cầu như WEF sẽ có bộ tiêu chí để giảm thiểu tối đa sai lệch trong thống kê của các nền kinh tế.
Do vậy, việc giải thích nguyên nhân thiếu thông tin sẽ không hợp lý bởi nếu trong trường hợp như vậy, các bảng xếp hạng sẽ để trắng mà không công bố.
“Tôi cho rằng đánh giá của WEF khách quan và dựa trên sự cạnh tranh quốc tế thay vì nội tình tại mỗi thị trường”, ông Phước nhấn mạnh.
“Việt Nam dường như vẫn đang vận hành du lịch theo cách mà chúng ta nghĩ. Nhưng du lịch cũng là ngành kinh tế, chúng ta cần nhìn vào những tiêu chuẩn quốc tế để biết mình đang ở đâu và cần làm gì để theo kịp cuộc chơi chung”.
Theo vị chuyên gia nghiên cứu này, thứ hạng của Việt Nam thấp hơn không phải là sự phủ nhận những nỗ lực thời gian qua của ngành du lịch, không có nghĩa là Việt Nam không có sự cải thiện.
Điều quan trọng cần nhìn nhận là sự cải thiện ấy so với các nước đang ở mức độ nào và rõ ràng, Việt Nam đang chậm hơn so với các nước xung quanh.
Đơn cử, liên quan đến cơ sở hạ tầng hàng không, sân bay Changi của Singapore một năm bổ sung thêm nhiều dịch vụ mới trong khi sân bay lớn nhất của Việt Nam là Tân Sơn Nhất vẫn đang phải giải quyết những khó khăn về hạ tầng đã kéo dài nhiều năm.
Trong thời gian tới, nếu sân bay Long Thành được thực hiện đúng như dự kiến và những đường bay được cải thiện, chắc chắn chỉ số này của Việt Nam sẽ được cải thiện và từ đó, góp phần nâng cao thứ hạng.
“Ý nghĩa thực sự trong đánh giá của WEF nằm ở sự cải thiện liên tục của các nền kinh tế. Câu chuyện không phải Việt Nam đã làm gì mà là Việt Nam cần làm gì trong so sánh với các nước. Bởi vậy, nhìn theo góc độ này sẽ thấy Việt Nam còn rất nhiều khoảng trống để phát triển và thăng hạng trong thời gian tới”, ông Phước phân tích.
Cùng quan điểm, một vị chuyên gia du lịch khác cũng nhấn mạnh, cơ quan quản lý du lịch nên nhìn thẳng vào các chỉ số để thấy Việt Nam đang ở đâu so với khu vực và thế giới thay vì phân tích chỉ số đúng hay sai, bất cập ở đâu.
“Gần đây, nhiều điểm đến của Việt Nam liên tục được các tạp chí nước ngoài vinh danh và được truyền thông tích cực, nên việc tụt xếp hạng có lẽ hơi hụt hẫng và ảnh hưởng thành tích. Thế nhưng, WEF có cái nhìn thực tế hơn và đó mới chính là thứ chúng ta đang cần”, vị này nhấn mạnh.
Ông cũng đồng ý rằng, việc xếp hạng thấp hơn không có nghĩa là Việt Nam không nỗ lực. Rõ ràng, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển cơ sở hạ tầng hàng không, giao thông đường bộ kết nối, trong chính sách thị thực cho khách quốc tế.
Thế nhưng, du lịch Việt cũng cần nhìn nhận lại trong bối cảnh chung, bởi những thay đổi không nhiều và nhanh bằng các thị trường xung quanh đồng nghĩa với việc Việt Nam đang thụt lùi trong cuộc đua này.
Những điểm nghẽn và vai trò của các bên
Những điểm nghẽn trong phát triển du lịch của Việt Nam một lần nữa được chỉ ra rõ ràng hơn qua các chỉ số của WEF và đặt ra bài toán cho cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp và các bên liên quan về quản lý, vận hành du lịch.
Đơn cử, Việt Nam ghi nhận các chỉ số sụt giảm đáng kể như hạ tầng hàng không (giảm 17 bậc), bền vững về nhu cầu du lịch (giảm 24 bậc) hay các chỉ số ở nhóm cuối là hạ tầng và dịch vụ hàng không, mức độ mở cửa, tác động kinh tế – xã hội của du lịch.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), xếp hạng này cho thấy Việt Nam cần phải thay đổi và thích ứng với những thay đổi xung quanh theo hướng bền vững hơn bởi đây là xu hướng mà cả thế giới đang đi theo.
Đối với hàng không, trước đây, TAB đã đề xuất Việt Nam cần mở cửa bầu trời hơn nữa, tức là tăng tự do hóa, cạnh tranh cho ngành hàng không, cho phép thành lập thêm các hãng hàng không tư nhân để dịch vụ và giá cả tốt hơn.
“Đầu tiên ta nên có tinh thần như vậy đã, sau đó xem xét lại cơ sở hạ tầng hàng không để tính toán lại công suất, đưa ra các kế hoạch mở rộng sân bay với tầm nhìn ít nhất 5 – 10 năm”, ông Chính khuyến nghị.
Cùng với đó, không chỉ cải thiện dịch vụ hàng không mà ngành du lịch cũng cần phải nhìn nhận lại. “Hợp tác giữa du lịch và hàng không chưa thật sự gắn bó. Hai bên cần một cơ chế chung và TAB rất mong muốn Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch có thể điều phối và thúc đẩy”.
Một trong những ví dụ nổi bật cho sự hợp tác này là Thái Lan khi đã hình thành được chuỗi dịch vụ cho du khách, từ hàng không, nhà hàng, khách sạn tới các cửa hàng bán đồ lưu niệm và các bên sẵn sàng chia bớt một phần lợi nhuận để hỗ trợ nhau, hỗ trợ hàng không đưa khách tới.
Ông Chính nhấn mạnh: “Câu chuyện phát triển du lịch không nên chỉ giao cho ngành hàng không hay ngành du lịch, mà tất cả những bên liên quan cần phải vào cuộc, từ các cơ quan quản lý cấp cao tới các sở ban ngành địa phương, phải cùng ngồi với doanh nghiệp để ra được các phương án hợp lý cho các bên”.
Đồng quan điểm, ông Phước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ quan quản lý điểm đến.
“Chúng ta không phủ nhận sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, nhưng hiện vai trò và hoạt động không đậm như các nước trong khu vực, bị phân mảnh nhiều về các sở ban ngành địa phương, trong cả định vị thị trường, chiến lược quảng bá”.
Sau Covid-19, Việt Nam là một trong những nước mở cửa đầu tiên nhưng lại thiếu đi chiến lược và kịch bản hành động cho những năm tiếp theo để tạo ra lợi thế cạnh tranh.
“Điều này cho thấy Việt Nam đang nghiêng nhiều về việc chúng ta có thể làm gì mà quên mất nhu cầu thị trường đang đi tới đâu, vận hành tập trung vào tính sự kiện, sự vụ thay vì có kế hoạch dài hơi”.
Các nước khác mở cửa chậm hơn nhưng giờ du lịch của họ lại “chạy” nhanh hơn bởi họ có sự chuẩn bị kỹ càng hơn cho từng giai đoạn với từng chiến lược cụ thể và làm thế nào phát triển được nhu cầu bền vững của thị trường.
“Tính bền vững của nhu cầu thị trường là yếu tố Việt Nam nên tập trung vào. Tuy nhiên, giải pháp mà Cục đưa ra chưa hợp lý bởi khi nhu cầu không ổn định, việc tạo ra nhiều sản phẩm chưa chắc đảm bảo khách gia tăng nhu cầu mà còn tốn nhiều chi phí khác”, ông Phước phân tích.
Theo ông Phước, Việt Nam sau Covid-19 đã mất đi cơ hội định vị lại thị trường và lưu ý rằng, đa dạng hóa nguồn khách không chỉ là đa dạng về quốc tịch của khách mà còn cần là các phân khúc khách hàng khác nhau với những đặc điểm nhu cầu khác nhau.
“Việt Nam vẫn cần tiếp tục định vị lại thị trường mục tiêu và phân khúc mà du lịch nên tập trung để tối đa hóa nguồn lực, từ đó giúp du lịch có thêm sức cạnh tranh so với các nước khác”, ông Phước khuyến nghị.
Special Offer từ MarketingTrips:
- Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
- Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
- Đăng ký (dành cho Agency): Sign up
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo The Leader