Cùng khám phá công thức (framework) hết sức đơn giản nhưng lại có thể cải thiện mạnh mẽ chất lượng nội dung của thương hiệu.
[Framework] 10 mẹo đơn giản để tối ưu chất lượng của nội dungTrong thế giới làm marketing, “Nội dung là vua” chưa bao giờ là một tuyên bố sai, vì dù cho doanh nghiệp của bạn kinh doanh gì, làm marketing trên nền tảng nào hay chiến lược ra sao thì thứ cuối cùng mà khách hàng hay đối tượng mục tiêu nhìn thấy vẫn là “Nội dung” hay còn được gọi là “Content“.
Một chiến lược và chất lượng nội dung tốt không chỉ giúp thương hiệu tạo ra nhiều tương tác hơn, kết nối tốt hơn đến lòng trung thành của khách hàng mà còn giúp bán được nhiều hàng hơn.
Dưới đây là tổng hợp một số mẹo về cách các marketer có thể cải thiện chất lượng tổng thể của nội dung.
1. Tìm đúng từ khoá.
Hãy sử dụng các công cụ phân tích từ khoá như Google Keyword Planner hay Keyword Magic Tool để tiến hành nghiên cứu từ khoá trước khi bắt tay vào việc viết hay xuất bản bất cứ nội dung nào.
2. Liệt kê danh sách các câu hỏi mà khách hàng thường hỏi nhất.
Từ các dữ liệu có được từ việc tiếp xúc với khách hàng, từ CRM hay đơn giản nhất là từ các tính năng “Đề xuất” (Mọi người cũng hỏi) trên các công cụ tìm kiếm như Google hay Bing để hiểu xem khách hàng cũng thắc mắc hay quan tâm đến điều gì từ các từ khoá (keyword) nhất định.
3. Nhận diện ý định tìm kiếm của khách hàng và làm hài lòng khách hàng.
Với từng truy vấn tìm kiếm nhất định, khách hàng của bạn có những nhu cầu, kỳ vọng hay mong muốn khác nhau, cái mà marketer vẫn thường gọi là Ý định tìm kiếm (Search Intent).
Sau khi xác định được ý định tìm kiếm, bạn có thể lên kế hoạch (mapping) xây dựng nội dung cho từng ý định tương ứng (Content Mapping).
4. Phân tích các nội dung của đối thủ.
Bạn có thể sử dụng các công cụ phân tích khoảng trống từ khoá (keyword gap) như Moz, Similarweb hay Semrush để xác định các từ khoá đang hoạt động hiệu quả (và không hiệu quả) của đối thủ.
5. Bắt đầu xây dựng nội dung.
Dựa trên các dữ liệu có được, bạn bắt đầu xây dựng các nội dung gốc (original content) cho các từ khoá liên quan. Đó có thể là các nghiên cứu điển hình (Case Study), các bài hướng dẫn chuyên sâu, các phát hiện mới liên quan đến ngành, và hơn thế nữa.
6. Tối ưu nội dung trên trang (onpage).
Sau khi hoàn thành nội dung, bước tiếp theo bạn nên làm đó là tối ưu hoá các thẻ nội dung như tiêu đề, mô tả, hay các thẻ khác.
Đừng cố gắng “spam từ khoá” vì các công cụ tìm kiếm như Google ưu tiên trải nghiệm của người dùng hơn là các gian lận.
7. Thêm các hình ảnh nếu có.
Các công cụ tìm kiếm như Google cũng ưu tiên các hình ảnh có liên quan trên trang. Bạn có thể thêm các hình ảnh để làm liên quan thêm ý tưởng muốn truyền tải của bài viết, tăng mức độ tương tác và hơn thế nữa.
8. Thêm lời kêu gọi hành động nếu có.
Nếu nội dung của bạn được sản xuất với một ý định nào đó ví dụ như bán hàng, tìm kiếm khách hàng tiềm năng (Lead) thì bạn cũng nên chèn lời kêu gọi hành động (CTA) vào cuối bài viết.
Trong khi khách hàng có thể không tương tác (ví dụ như click) với CTA của bạn, họ cũng hiểu rằng thương hiệu của bạn đang cung cấp cho họ một cơ hội hay giải pháp gì.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Chuyên gia Yann LeCun, từng nhận giải thưởng Turing năm 2018, cho rằng AI không thông minh bằng chó mèo và nên tập trung vào những nguy cơ hiện hữu.
AI thống trị thế giới là cảnh báo nực cười
Tại hội nghị VivaTech, diễn ra ở Paris từ ngày 14 đến 17/6, ông LeCun cho rằng các AI tổng quát như ChatGPT có một hạn chế lớn là chúng chỉ được đào tạo trên văn bản. “Hầu hết kiến thức của con người không liên quan gì đến ngôn ngữ, vì vậy một phần trải nghiệm của con người không được AI nắm bắt”, ông nói.
Theo ông, một số AI có thể vượt qua kỳ thi luật sư ở Mỹ nhưng nó không điều khiển được máy rửa chén – điều đứa trẻ 10 tuổi có thể học trong 10 phút. “AI như ChatGPT thậm chí không thông minh bằng chó mèo và nhiều chuyên gia chỉ đang cố gieo rắc nỗi sợ hãi xung quanh những mối nguy về AI”, ông nói.
Ông gọi cảnh báo này là vô cùng nực cười. “AI sẽ thống trị thế giới? Không, nó chỉ là sự phóng chiếu bản chất con người lên máy móc.
Một ngày nào đó, máy tính sẽ thông minh hơn con người, nhưng còn rất lâu nữa chúng ta mới đạt đến cảnh giới đó”, BBC dẫn lời LeCun.
Giáo sư Yann LeCun là một trong bốn người đặt nền móng cho sự phát triển của AI. Năm 2018, ông được trao giải Turning – được ví như Nobel về khoa học máy tính – cho những đột phá trong khái niệm và kỹ thuật biến mạng lưới thần kinh sâu trở thành một thành phần quan trọng của máy tính. Hiện ông là Giám đốc nghiên cứu của Meta AI Research (FAIR), một tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực AI.
Trong khi đó, Sam Altman, CEO OpenAI, và nhiều lãnh đạo công nghệ đang thảo luận về một chủ đề đáng sợ là “Ngày tận thế của AI”.
Tháng trước, Altman cùng CEO Google DeepMind Demis Hassabis, CTO Kevin Scott của Microsoft và hàng chục nhà nghiên cứu AI và lãnh đạo doanh nghiệp khác ký vào một lá thư, trong đó nêu: “Giảm thiểu nguy cơ tuyệt chủng từ AI là ưu tiên toàn cầu bên cạnh các rủi ro quy mô xã hội khác như đại dịch và chiến tranh hạt nhân”.
Họ kêu gọi mọi người cần xem xét các kịch bản tận thế một cách nghiêm túc. Tỷ phú Elon Musk cũng nhiều lần nói rằng cuộc chạy đua AI có thể dẫn đến “sự hủy diệt của văn minh nhân loại”.
Trong khi đó, một số chuyên gia như giáo sư LeCun cho rằng việc sa đà vào các kịch bản xa xôi có thể làm thế giới quên đi tác hại tức thời hơn mà AI có thể gây ra cho cộng đồng.
Những mối nguy hiện hữu con người nên tập trung giải quyết ngay lúc này là AI tiếp tay cho việc lan truyền những nội dung sai lệch, tin giả, phân biệt đối xử và thành kiến trong các dịch vụ xã hội.
Trong buổi điều trần trước quốc hội Mỹ tháng 5, giáo sư AI Gary Marcus nói: “Một số CEO có thể thực sự lo lắng về AI, nhưng số khác đang cố lái nỗi lo của cộng đồng vào những thứ trừu tượng, khiến mọi người xao nhãng về những ảnh hưởng tức thời”.
Đại diện của Google và OpenAI không đưa ra bình luận. Còn người phát ngôn của Microsoft nói: “Chúng tôi lạc quan về tương lai của AI. Nhưng chúng tôi cũng tin khi ai đó tạo ra những công nghệ có thể thay đổi thế giới, họ cũng phải đảm bảo công nghệ được sử dụng một cách có trách nhiệm”.
Marcus cho rằng nỗi lo đầu tiên người dùng đang phải đối mặt là các cỗ máy tin giả đang được xuất bản ồ ạt bởi AI. Các công cụ như ChatGPT, Dall-E được đào tạo trên kho dữ liệu trực tuyến khổng lồ để tạo ra tác phẩm, hình ảnh, video và sẽ đến lúc người dùng không thể phân biệt được thật giả.
Đầu tháng 5, Geoffrey Hinton, một trong những người tiên phong về AI, cũng rời Google để có thể cảnh báo về AI. Hinton nói ông vốn hài lòng với công việc tại Google cho đến khi Microsoft đưa ChatGPT vào Bing, kéo Google vào cuộc đua AI.
Theo ông, sự cạnh tranh khốc liệt về AI có thể không bao giờ dừng lại được nữa. Từ đó, một mối nguy cho cả nhân loại là khắp nơi sẽ tràn ngập những hình ảnh, văn bản giả mạo tinh vi đến mức không ai biết đâu là giả, đâu là thật.
Ngay cả cha đẻ ChatGPT cũng thừa nhận khả năng AI thao túng cử tri bằng các thông tin sai lệch là một trong những vấn đề ông lo lắng nhất. Trong bối cảnh đơn giản hơn, AI tổng quát (Generative AI) bị trỉ chích vì đưa ra câu trả lời sai hoặc cố tình cung cấp thông tin sai lầm, thiên kiến về giới tính, chủng tộc.
Emily Bender, giáo sư tại Đại học Washington và là Giám đốc Phòng thí nghiệm Ngôn ngữ học máy tính, nói với CNN: “Nếu công chúng và các cơ quan quản lý tập trung vào kịch bản xa vời, các công ty AI có thể thoát khỏi nỗi lo hiện hữu về đánh cắp dữ liệu và những hành vi nguy hiểm khác”.
Bà cũng đặt câu hỏi: “Nếu họ thực sự tin AI có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của loài người, tại sao họ không dừng lại?”.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Trái ngược với Nhật Bản, kinh tế Hàn Quốc tiếp tục suy giảm. Tốc độ tăng giá tiêu dùng của Hàn Quốc trong tháng 5 tăng 3,3% và là tháng thứ tư liên tiếp tăng nhưng đã chậm lại so với cùng kỳ năm trước, tín hiệu cho thấy lạm phát của nước này đã qua đỉnh.
Kinh tế Hàn Quốc tiếp tục suy giảm mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt
Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc vừa cho biết, nền kinh tế thứ tư châu Á này gần đây đã giảm bớt áp lực lạm phát, mặc dù tiếp tục suy giảm. Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho biết: “Gần đây, nền kinh tế Hàn Quốc chứng kiến các đợt tăng giá tiếp tục bị mất đà. Suy thoái kinh tế kéo dài do xuất khẩu và lĩnh vực sản xuất sụt giảm”.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng của Hàn Quốc trong tháng 5/2023 tăng 3,3% và là tháng thứ tư liên tiếp tăng nhưng đã chậm lại so với cùng kỳ năm trước, tín hiệu cho thấy lạm phát của nước này đã qua đỉnh.
Xuất khẩu của nước này đã giảm tháng thứ tám liên tiếp trong tháng 5/2023, và giảm 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do xuất khẩu chất bán dẫn, mặt hàng xuất khẩu chính của đất nước, giảm 36,2% do nhu cầu giảm.
“Tuy nhiên, sau sự phục hồi tiêu dùng trong nước dần dần, lòng tin kinh tế được cải thiện và thị trường việc làm mạnh mẽ cho thấy những rủi ro đã giảm bớt ở một mức độ nào đó”, Bộ trên cho biết.
Số lượng việc làm mới của Hàn Quốc đã chậm lại trong tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 5/2023 sau khi phục hồi trong thời gian ngắn vào tháng 3/2023 trong bối cảnh những bất ổn kinh tế kéo dài, nhưng tỷ lệ việc làm vẫn đạt mức cao mới.
Về các yếu tố bên ngoài, nền kinh tế Hàn Quốc đang phải chật vật đối phó với những bất ổn do các yếu tố bên ngoài gây ra, đặc biệt là chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu và cuộc khủng hoảng Ukraine (U-crai-na) kéo dài.
Tuy nhiên, Bộ trên cho biết, nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại và sự lạc quan về ngành công nghệ thông tin toàn cầu ngày càng đi lên dự kiến sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế Hàn Quốc.
Tuần trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ triển vọng tăng trưởng năm 2023 của Hàn Quốc xuống 1,5% do xuất khẩu yếu và đầu tư tư nhân trì trệ.
Vào tháng 5/2023, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cũng đã hạ triển vọng tăng trưởng của nước này xuống 1,4% so với mức 1,6% được dự đoán ba tháng trước đó.
BoK đã giữ lãi suất cơ bản ổn định ở mức 3,5% lần thứ ba liên tiếp vào tháng 5/2022. Việc đóng băng lãi suất được đưa ra sau khi BoK thực hiện 7 lần tăng chi phí đi vay liên tiếp kể từ tháng 4/2022.
BoK cũng cắt giảm triển vọng tăng trưởng năm nay của nền kinh tế xuống 1,4% so với mức 1,6% trước đó do xuất khẩu dự kiến vẫn yếu. Trong báo cáo, BoK đã đưa ra những rủi ro tiềm ẩn – bất ổn lạm phát, nợ hộ gia đình tăng và tỷ giá tiền tệ biến động – cho chính sách tiền tệ trong tương lai của mình.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Công ty Nova F&B, chuyên cung cấp dịch vụ ẩm thực thuộc Nova Group (công ty mẹ của Novaland), được bán lại cho một công ty của Singapore thông qua sự sắp xếp của VinaCapital.
Nova Group bán lại Nova F&B cho một công ty của Singapore
Thông tin trên vừa được quỹ đầu tư VinaCapital xác nhận nhưng danh tính bên mua cũng như giá trị thương vụ không được công bố.
Thương vụ này diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Novaland đang triển khai kế hoạch tái cấu trúc toàn diện để tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản.
Trước thương vụ này, Nova F&B có 18 thương hiệu đang hoạt động trong lĩnh vực F&B. Nhiều thương hiệu trong số đó do doanh nghiệp này tự xây dựng như Dynasty House, Phindeli, Mojo Boutique Coffee, Shri Restaurant & Lounge.
Một số khác như Jumbo Seafood, Sushi Tei, Gloria Jean’s Coffees được phát triển thông qua hợp đồng nhượng quyền thương hiệu.
Thông qua sự giới thiệu của VinaCapital, sau khi mua lại, phía đối tác Singapore đã thuê IN Hospitality quản lý và vận hành Nova F&B. IN Hospitality là đơn vị sở hữu trung tâm hội nghị, tiệc cưới GEM Center và White Palace tại TP HCM.
Bà Nguyễn Thanh Hà Ngọc, Tổng giám đốc IN Hospitality cũng trở thành người đại diện pháp luật và Tổng giám đốc Nova F&B.
Ông Andy Ho – Tổng giám đốc VinaCapital cho biết Nova F&B sẽ được đổi tên thành IN Dining. “VinaCapital là cổ đông của IN Holdings (công ty mẹ của IN Hospitality) trong 4 năm qua nên chúng tôi hiểu rõ năng lực và nhìn ra cơ hội khi giới thiệu cho đối tác Singapore”, ông Andy Ho nói.
Theo ông Andy Ho, ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) ở Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt từ làn sóng đầu tư nước ngoài. Ông dẫn chứng doanh số phân khúc nhà hàng full-service (hình thức phục vụ tại bàn) năm ngoái tăng 12% so với cùng kỳ, còn phân khúc cà phê và quán bar tăng 40%.
“Hiện tại, về chuỗi nhà hàng thì Golden Gate là đơn vị dẫn đầu về mặt độ phủ, quy mô cửa hàng và doanh thu.
Nếu Golden Gate tập trung vào các thương hiệu trung cấp thì IN Dining hướng tới khách hàng ở phân khúc cao hơn”, ông Andy Ho chia sẻ và nhận định IN Dinning sẽ nhanh chóng mở rộng trong vòng 24 tháng kể từ lúc đổi chủ.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo dữ liệu xếp hạng tỷ phú được cập nhật mới đây từ Forbes, tài sản của CEO Meta (công ty mẹ của Facebook, WhatsApp, Instagram) Mark Zuckerberg lần đầu tiên chạm mốc 100 tỷ USD kể từ tháng 2 năm 2022.
Tài sản của CEO Meta Mark Zuckerberg chạm mốc 100 tỷ USD lần đầu kể từ 2022
Tài sản của Mark Zuckerberg lần đầu tiên chạm ngưỡng 100 tỷ USD kể từ tháng 2 năm 2022, giúp CEO này trở thành người giàu thứ 11 thế giới.
Cổ phiếu của Meta Platforms đã tăng 3% trong ngày, nâng tài sản của Mark lên 3 tỷ USD. Meta Platforms Inc là công ty mẹ của các nền tảng như Facebook, Instagram và WhatsApp, cũng như mảng thực tế ảo Oculus.
Cũng theo đó, giá cổ phiếu của Meta đã tăng đều đặn kể từ thời điểm chạm đáy vào tháng 11 năm 2022, ghi nhận mức tăng gần 220% tính đến hiện tại. Vào tháng 11 năm 2022, tài tản của CEO Meta có giá trị 32,8 tỷ USD và xếp hạng giàu thứ 29 trên thế giới.
Cổ phiếu của Meta tăng phần lớn là do sự lạc quan của các nhà phân tích và nhà đầu tư xung quanh việc nền tảng này nỗ lực cắt giảm chi phí bao gồm việc sa thải hơn 21.000 nhân viên kể từ tháng 11 năm 2022.
Tài sản của Mark Zuckerberg từng đạt được mức cao nhất vào tháng 9 năm 2021 với 136,4 tỷ USD khi nền kinh tế đang ở giai đoạn thịnh vượng nhất trước khi bị “sụp đổ” sau đó vào năm 2022.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Với tên gọi là MusicGen, đây là công cụ AI (Generative AI) mới của Meta cho phép người dùng xây dựng các đoạn nhạc thông qua các câu lệnh bằng văn bản (như cách tương tác với ChatGPT).
MusicGen: Công cụ AI mới của Meta cho phép người dùng trở thành “nhạc sĩ”
Trong xu hướng ứng dụng của AI (trí tuệ nhân tạo) mà cụ thể là AI tổng quát (Generative AI), nhiều ứng dụng như ChatGPT hay Google Bard cho phép người dùng xây dựng nội dung một cách hết sức đơn giản thông qua các câu lệnh (Prompts).
Và mới đây, Meta đã cho ra mắt MusicsGen, ứng dụng AI giúp người dùng tạo ra các đoạn nhạc hay nói cách khác là có thể trở thành các “nhạc sĩ” ngay trên nền tảng.
Trong khi việc sử dụng AI để xây dựng các bài hát không phải là mới, với sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng hỗ trợ mới, ngành công nghiệp âm nhạc có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai.
Như video bạn có thể xem ở trên, MusicGen sử dụng các lời nhắc hay câu lệnh bằng văn bản hoặc giai điệu để tạo ra các đoạn nhạc mới, dựa trên các mẫu bài hát và phong cách nhạc cụ được tích hợp sẵn.
Về cơ bản, khi người dùng cho MusicGen biết loại nhạc mà họ muốn hoặc thậm chí là chỉ cần ngân nga một giai điệu nào đó, ứng dụng sẽ tạo ra các bản nhạc tương ứng.
Mô hình AI của MusicGen đã được đào tạo dựa trên 20.000 giờ âm nhạc, bao gồm cả toàn bộ bản nhạc lẫn các mẫu nhạc cụ riêng lẻ, đây chính là nguồn dữ liệu đầu vào giúp ứng dụng sáng tạo ra các biến thể mới.
Như đã đề cập ở trên, dù bạn là một người yêu thích âm nhạc, là nhạc sĩ hay là người làm marketing, giờ đây bạn có thêm cách mới để tự tạo ra các bản nhạc gốc sử dụng cho các mục đích khác nhau thay vì sử dụng lại các đoạn nhạc hiện có.
Trong khi các quy định về AI vẫn còn khá mới mẻ, tức vẫn có nhiều lo ngại liên quan đến vấn đề bản quyền đối với các sản phẩm được tạo ra “mới” từ các công cụ AI, cả MusicGen, ChatGPT hay bất cứ nền tảng nào khác sẽ tiếp tục chứng kiến những thách thức và thay đổi về cách tiếp cận.
Tuy nhiên, dù tương lai của chúng là gì thì có một điều dường như chắc chắn đó là AI đang làm thay đổi cách mọi người xây dựng, khám phá và tương tác với nội dung, từ các hoạt động thương mại đến phi thương mại.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo thông báo mới đây, mạng xã hội LinkedIn đang thử nghiệm hình thức quảng cáo mới cho phép nhà quảng cáo hiển thị quảng cáo trên các sản phẩm phát trực tuyến (Streaming).
LinkedIn thử nghiệm hình thức quảng cáo video mới
Theo đó, thông qua định dạng quảng cáo mới, LinkedIn sẽ sớm cho phép các nhà quảng cáo tiếp cận người xem thông qua các video được phát trực tuyến trên nền tảng.
Là một phần mở rộng của mạng đối tượng của LinkedIn (LinkedIn Audience Network), hình thức quảng cáo mới về cơ bản là giải pháp cho phép nhà quảng cáo mở rộng phạm vi tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, đặc biệt khi video là xu hướng trải nghiệm nội dung đầy hứa hẹn trong 2023 và xa hơn nữa, thì đây được coi là chiến lược đúng đắn của LinkedIn.
Ở một khía cạnh khác, LinkedIn gần đây đã liên tục mở rộng các sản phẩm quảng cáo video của mình, bao gồm quảng cáo đầu (pre) và giữa (mid-roll) video trong Audience Network, tùy chọn cho phép các nhà quảng cáo hiển thị quảng cáo trên các website đối tác của LinkedIn (tương tự như trên Facebook).
Khi các nền tảng phát video trực tuyến như Netflix và Disney+ gần đây đã tung ra các gói đăng ký rẻ hơn có hỗ trợ quảng cáo (ad-supported), đây cũng có thể là một cơ hội mới cho các nhà quảng cáo và nền tảng khai thác việc hiển thị quảng cáo.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Nhà sáng lập Cristóbal Valenzuela từng bị coi là điên khi khởi nghiệp với ứng dụng chỉnh sửa ảnh bằng AI Runway cho đến khi công ty được định giá 1.5 tỷ USD.
Runway: Từ ứng dụng AI được cho là điên rồ đến khoản định giá 1.5 tỷ USD
Năm 2018, khi Valenzuela đồng sáng lập Runway và kêu gọi tài trợ, các nhà đầu tư, làm quảng cáo, làm phim đều nói anh bị điên, lập dị bởi khi đó họ cho rằng ý tưởng dùng AI để chỉnh sửa ảnh và video không khả thi, cũng không đem lại giá trị gì cho cuộc sống.
Đến đầu năm nay, Runway nhận được gần 100 triệu USD từ các vòng gọi vốn. Hồi tháng 5, startup này nhận thêm 100 triệu USD từ Google, đưa mức định giá công ty lên 1,5 tỷ USD.
Công nghệ của Runway cũng nổi danh khi được ứng dụng trong phim giành giải Oscar 2023 là Everything, Everywhere, All at Once. Đài CBS cũng dùng công nghệ này để biên tập chương trình The Late Show từ 5 tiếng xuống còn 5 phút.
Khi nghệ thuật và công nghệ gặp nhau.
Valenzuela không phải là nhà sáng lập công nghệ điển hình. Anh học kinh tế và quản lý kinh doanh, sau đó dạy tại Đại học Adolfo Ibáñez ở Santiago, Chile. Năm 2016, anh “phải lòng” AI và quyết định rời quê hương để tham gia chương trình sau đại học về công nghệ giao thoa nghệ thuật tại Đại học New York (Mỹ).
Tại đây, anh gặp được những người cùng chí hướng là Anastasto Germanidis và Alejandro Matamala-Ortiz. Cả ba bắt đầu khám phá thành tựu của AI. từ ôtô tự lái cho đến công cụ dành cho nghệ sĩ, nhà làm phim.
Một điểm khác biệt của Runway là startup này không chỉ có những bộ não công nghệ hàng đầu mà còn tập hợp nhiều nghệ sĩ. “Văn phòng chúng tôi có người là chuyên gia về hiệu ứng video làm việc cùng người đang phát minh ra kỹ thuật đồ họa máy tính tiên tiến”, Valenzuela nói.
Anh cho rằng khó có thể tìm kiếm được sự kết hợp ăn ý giữa nhà khoa học và nghệ sĩ. Tuy nhiên, mô hình của Runway đã gắn kết các nhóm này, giúp họ làm việc hiệu quả, đảm bảo ứng dụng luôn gần gũi với người dùng cuối.
Vì sao Runway hấp dẫn các quỹ đầu tư lớn?
Valenzuela mô tả Runway như một toa tàu AI với ba phần riêng biệt. Đầu tiên, startup xây dựng mô hình nền tảng của riêng mình như Gen-1, Gen-2 để có thể tạo video từ văn bản, hình ảnh do người dùng cung cấp. Để “dạy” AI, công ty đã hợp tác với các nhà nghiên cứu của Đại học Munich để xây dựng phiên bản đầu tiên của Stable Diffusion trước khi ứng dụng gây tiếng vang trước công chúng.
Tiếp đến là “toa cơ sở hạ tầng” làm việc trên các mô hình nền tảng để chúng có thể hoạt động một cách an toàn chính xác. Mỗi mô hình đáp ứng tiêu chuẩn của từng dự án, từ các nhà làm phim Hollywood đến đài truyền hình.
Cuối cùng mới là ứng dụng Runway. Ở đây có hầu hết công cụ chỉnh sửa ảnh, video ứng dụng AI người dùng cần. Thậm chí nhiều hãng làm phim lớn cũng mua tài khoản của Runway để làm hậu kỳ cho sản phẩm của mình.
Các chuyên gia cho biết chiến lược toàn diện của Runway đã thu hút nhiều nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon nhờ khả năng ứng biến linh hoạt với công nghệ và yêu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, đây không phải điều hấp dẫn nhất mà startup phô diễn trước nhà đầu tư. Khi Runway ra đời, các sản phẩm ứng dụng AI trên thị trường hoạt động chưa thật sự chính xác. Công ty nhanh chóng tận dụng thế mạnh nhân sự đa dạng để cải tiến trải nghiệm người dùng và kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, sai lầm của công nghệ. Đây cũng là khác biệt khiến các đối thủ mới không thể sao chép được.
Theo Insider, Runway đang trở thành một trong những công ty khởi nghiệp AI được săn đón bậc nhất ở Thung lũng Silicon. Hồi đầu năm, công ty đã huy động được hàng trăm triệu USD từ các quỹ đầu tư lớn như Amplify Partners, Lux Capital, Madrona, Coatue, Felicis Ventures và mới nhất là Google.
Theo các chuyên gia, sau thành công của Microsoft khi rót tiền vào OpenAI với ChatGPT, các công ty cung cấp dịch vụ đám mây lớn khác ở Thung lũng Silicon như Amazon, Google đang không ngừng tìm kiếm startup AI tiềm năng để đầu tư.
Runway đã lọt vào tầm ngắm của các ông lớn. Nhiều nguồn tin cho biết Amazon đã nhắm đến startup này trước nhưng cuối cùng, Google là người chốt được thương vụ.
Ứng dụng AI Runway và Nghệ thuật cho mọi người.
Valenzuela cho biết khách hàng như New Balance đang dùng công cụ Runway để lên ý tưởng, phác thảo các phân cảnh, tạo mẫu với nhiều lựa chọn khác nhau.
Với sức mạnh của AI, nhà sản xuất dễ dàng hình dung sản phẩm của mình sẽ ra sao dù mới ở giai đoạn khởi đầu. Các nhà làm phim cũng kết hợp công cụ của Runway để đẩy nhanh quá trình quay, hậu kỳ như xóa vật thể, thay nền.
Valenzuela cho biết nhiều tính năng mới đang được phát triển để phục vụ nhu cầu riêng của khách hàng. AI cũng giải quyết nhiều thách thức lớn mà trước đây các nhà sản xuất phải tốn vô số thời gian, công sức và tiền bạc để giải quyết.
Nhà sáng lập Runway đặt mục tiêu phát triển thêm nhiều “công cụ sáng tạo”, đa dạng về phương thức từ văn bản, âm thanh đến video theo nhu cầu người dùng.
Tuy nhiên, những nền tảng AI như Runway cũng vấp phải không ít chỉ trích từ cộng đồng nghệ thuật. Nhiều người phản đối sản phẩm trí tuệ nhân tạo vì chúng vi phạm về bản quyền, đạo đức nghề nghiệp. Trong khi đó, Valenzuela tin AI của Runway chỉ đơn giản là giúp việc tạo video trở nên dễ tiếp cận và dễ dàng hơn với mọi người.
“Trách nhiệm của mọi thế hệ nghệ sĩ là tận dụng tối đa sức mạnh công nghệ để sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật đôi khi không cần phải là kỹ thuật tinh vi, nó chỉ đơn giản là truyền đạt được thông điệp ý nghĩa đến xã hội”, Valenzuela nói.
Ngoài việc bán giải pháp cho nhà sản xuất phim, kênh truyền hình, Runway còn có nguồn thu nhập ổn định từ người dùng trả tiền. Ứng dụng cũng có phiên bản miễn phí cho người dùng phổ thông nhưng bị giới hạn về số lượng ảnh và thời lượng video được tạo.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Sự trỗi dậy nhanh chóng của Temu đã thu hút rất nhiều sự chú ý, nhất là khi startup mới 1 năm tuổi này được thừa hưởng nhiều giá trị từ Pinduoduo thuộc PDD Holdings – tập đoàn đã niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq, Mỹ.
Cả Shopee, Lazada và TikTok đều phải chạy theo startup này
Trong chưa đầy 4 tháng, từ 11/12/2022 đến 4/3/2023, một startup đến từ Trung Quốc là Temu đã thu hút 11,2 triệu người dùng hoạt động. Hiện Temu là ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất ở Mỹ, trên cả App Store và Google Play.
Tổng giá trị hàng hoá giao dịch (Gross Merchandise Volume) hàng tháng của Temu tăng mạnh từ 3 triệu USD vào tháng 9/2022 lên tới 192 triệu USD vào tháng 1/2023, theo YipitData.
Chỉ trong thời gian ngắn, Temu nổi lên như là đối thủ lớn của các sàn thương mại điện tử hàng đầu như Shopee, Lazada, Shein và cả TikTok Shop.
Theo Tech in Asia, nhà bán hàng xuyên biên giới trên Temu ước tính giá trị đơn hàng trung bình trên ứng dụng này rơi vào khoảng 30 USD, trong khi giá trị mặt hàng trung bình thấp hơn 5 USD.
Sự trỗi dậy nhanh chóng của Temu đã thu hút rất nhiều sự chú ý, nhất là khi startup mới 1 năm tuổi được thừa hưởng nhiều “chất xám” từ Pinduoduo – công ty cùng trực thuộc PDD Holdings – tập đoàn đã niêm yết trên sàn Nasdaq, Mỹ.
Điều khiến Temu gây ấn tượng chính là chiến lược giá rẻ đến kinh ngạc. Một bộ đồ bơi nữ được bán trên Temu chỉ có giá 6,5 USD, một cặp tai nghe không dây giá 8,5 USD hay một chiếc dao cạo lông mày được bán với giá 0,9 USD.
Ngoài các chiến lược giảm giá, Temu cũng có thể có lợi thế từ “mối quan hệ hiện có với các nhà sản xuất giá rẻ ở Trung Quốc chưa mở rộng sang Mỹ”.
Mô hình mà Temu theo đuổi được gọi là mô hình ký gửi, đòi hỏi ít yêu cầu hơn về vốn lưu động hoặc rủi ro hàng tồn kho.
Chẳng hạn người bán hàng, hoặc nhà sản xuất chỉ cần đưa ra một mức giá, sau đó chuyển hàng đến kho của công ty. Temu sẽ xử lý mọi khâu còn lại và thu lời từ chênh lệch giá giữa giá thu được từ người dùng và giá mà nhà bán hàng công bố.
Để làm được điều này, startup Trung Quốc đã làm chủ được mô hình C2M (consumer-to-manufacturer), tức mô hình sản xuất hướng tới người tiêu dùng và loạt bỏ phí trung gian, “mang số lượng lớn đơn hàng trực tiếp đến các nhà sản xuất”.
Hiện cả Lazada và TikTok đã công bố mô hình ký gửi học theo Temu lần lượt trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Trong khi đó, Shopee được cho là cũng đang lên kế hoạch để ra mắt mô hình ký gửi của riêng mình.
Tất nhiên, việc ký gửi không phải là không có hạn chế. Vấn đề đầu tiên là các sàn thương mại điện tử cần phải đáp ứng được số lượng đơn hàng từ nhà sản xuất để có được mức giá tốt. Điều này khác với việc trước đây Lazada, hay Shopee chỉ là nơi bày bán.
Bên cạnh đó, nếu muốn hướng tới mô hình kí gửi, các sản thương mại điện tử cũng phải thực hiện nhiều khâu hơn, bao gồm marketing sản phẩm, chăm sóc khách hàng – vốn tiêu tốn nhiều nhân lực và yếu tố tài chính.
Trước đó, Shopee, Lazada từng muốn sao chép công thức kinh doanh của Shein nhưng đã không thành công. Lý do đến từ việc chuyển đổi sang mô hình không có lợi sẽ gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty.
Thêm vào đó, dù mô hình ký gửi là hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhưng một khi các startup như Temu đạt được quy mô đơn hàng đủ lớn, thì các nhà sản xuất và các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển sẽ bị siết chặt, thậm chí là “ép” giá.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Để không mất 10,8% thuế, điều kiện là không được yêu cầu xuất hóa đơn, không kê khai thuế. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng thuê tài khoản quảng cáo TikTok từ các Agency.
Nhiều vấn đề liên quan đến dịch vụ cho thuê tài khoản quảng cáo trên TikTok
Dù chỉ ra mắt hơn 1 năm nhưng mảng thương mại điện tử của TikTok là TikTok Shop tại Việt Nam đã ghi nhận tổng giá trị hàng hóa trao đổi (GMV) lên đến hơn 300 triệu USD, lọt nhóm những sàn có thị phần lớn nhất. Sức tăng trưởng này kéo theo sự dịch chuyển của dòng tiền quảng cáo trực tuyến lên TikTok – để tận dụng cơ hội kinh doanh.
Nhưng từ đó cũng đã xuất hiện nhiều vấn đề. Trong hơn 1 tháng qua, nhóm phóng viên của VTVMoney đã thâm nhập, điều tra các dấu hiệu sai phạm về thuế liên quan đến hoạt động quảng cáo trực tuyến trên TikTok.
Bắt đầu từ cái gọi là “dịch vụ cho thuê tài khoản quảng cáo miễn thuế” mà các agency – tức là các agency mua quảng cáo lớn tại Việt Nam của TikTok công khai mời chào trên thị trường trong hơn 1 năm qua.
Để một quảng cáo đến được tay lướt video của người dùng… doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam phải trả tiền cho pháp nhân của TikTok tại Singapore. Có thể mua trực tiếp từ TikTok hoặc qua các doanh nghiệp làm agency trung gian tại Việt Nam.
Theo quy định từ đầu năm 2022, tổ chức có đăng ký thuế sẽ chịu trách nhiệm kê khai nộp thuế. Còn không phải là tổ chức đã đăng ký, bên mua sẽ trả thêm 10,8% tiền thuế cho TikTok thu hộ để nộp lại cho Nhà nước.
Các agency quảng cáo đánh vào tâm lý không muốn mất khoản thuế này để mở dịch vụ “cho thuê tài khoản với thuế suất 0%”.
“Còn nhiều tài khoản quảng cáo TikTok trả sau đã xác minh thuế. Bao giá thị trường!”, “Cấp tài khoản agency tiền USD và VND thuế 0% siêu khỏe. Nhân nhóm quảng cáo thoải mái”… một số quảng cáo cho hay.
Trong vai doanh nghiệp có nhu cầu thuê tài khoản agency, phóng viên được các đối tác chính thức của TikTok chào mời những lợi ích mà nếu chỉ quan tâm đến lợi nhuận, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh khó mà lắc đầu.
“Sẽ không phải chịu thuế, không mất chi phí thuê, được support mà còn được thêm phần repaid. Tất cả thị trường đều chơi như vậy hết mà”, nhân viên của một agency cho biết.
Tuy nhiên để không mất 10,8% thuế, điều kiện là không được yêu cầu xuất hóa đơn, không kê khai thuế. Để thuận lợi làm việc này, agency tư vấn chỉ nên thanh toán qua tài khoản cá nhân.
Đại diện một agency lớn của TikTok tiết lộ, hiện tại theo từng quý, phía TikTok sẽ căn cứ vào tổng giá trị tiền mua quảng cáo trên tài khoản của agency, để tự động hoàn trả lại 5% để agency thực hiện thay nghĩa vụ thuế nhà thầu. Còn việc các agency có kê khai và đóng thuế thay hay không thì phụ thuộc hoàn toàn vào tự giác của các agency.
Thêm vào đó, TikTok có chính sách chi chiết khấu, do đó agency càng mở rộng dịch vụ cho thuê tài khoản, thì càng có lợi.
“Phần thuế này họ đã hỗ trợ, họ gửi lại số tiền cho mình để mình đóng thay. Nhưng một số đơn vị không báo đầu vào nên đầu ra họ cũng không xuất hóa đơn VAT.
Họ vừa sẽ nhận được số tiền hỗ trợ này, vừa không khai báo thuế nữa thì họ sẽ tăng được lợi nhuận. Họ dùng phần được hỗ trợ thuế này để chiết khấu lại và tặng cho khách hàng”, đại diện một agency quảng cáo lớn của TikTok tại Việt Nam cho biết.
Theo giới luật sư, hoạt động của các agency quảng cáo nhằm khai thác kinh doanh tại Việt Nam của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài là TikTok, do đó phải tuân thủ pháp luật về thuế nhà thầu. Nếu cố tình không kê khai, ẩn đi số doanh thu sẽ làm thất thu thuế.
Trong trường hợp các agency ẩn đi nguồn doanh thu, thì đương nhiên chúng ta sẽ bị thất thu một nguồn thuế lớn. Nếu chào mời theo kiểu dịch vụ, tiến hành hàng loạt thì mức độ nghiêm trọng còn tăng lên rất nhiều”, Luật sư Trần Minh Hải – Giám đốc Công ty Luật Basico cho biết.
Một số agency quảng cáo cho biết sau khi dịch vụ cho thuê tài khoản nở rộ, hiện tại có đến 50% khách hàng có chi tiêu lớn đều yêu cầu agency cung cấp dịch vụ này.
Theo thông tin được công bố trên website chính thức của mạng xã hội TikTok, chỉ tính riêng một agency lớn tại Việt Nam số dư có trong tài khoản quảng cáo đã lên đến 3,5 triệu USD/quý. Với cách mời chào cho thuê tài khoản kiểu miễn thuế như vậy, thì có bao nhiêu trong dòng tiền triệu đô này thực hiện đúng nghĩa vụ thuế?
Xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.
Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh từ VTV, cơ quan này đã rà soát danh sách của các tổ chức trong nước được ủy quyền kê khai thuế thay TikTok, ngành thuế có đầy đủ công cụ để quản lý thuế đối với các đơn vị này. Tổng Cục Thuế sẽ có biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.
“Đối với tổ chức cá nhân mà được ủy quyền từ các nhà cung cấp nước ngoài như đã nêu thì chúng tôi tiếp tục rà soát nghĩa vụ kê khai và đánh giá giữa doanh thu và nghĩa vụ nếu không phù hợp thì chúng tôi sẽ áp dụng các chế tài quản lý phù hợp và yêu cầu thực hiện kê khai đúng và đủ đối với Nhà nước”, ông Nguyễn Bằng Thắng – Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết.
TikTok: Đóng thuế hay không thuộc về trách nhiệm của bản thân người đóng thuế và cơ quan quản lý.
Về phía TikTok, nhóm phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với đại diện của hãng này tại Việt Nam để làm rõ trách nhiệm của hãng công nghệ trong vụ việc này. Cũng như các hướng xử lý, giải pháp để chống thất thu thuế hiệu quả hơn.
Nói về khoản 5% tổng giá trị mua quảng cáo hoàn lại cho các agency theo từng quý… Đại diện TikTok Việt Nam cho rằng phần này không được hoàn lại bằng tiền mặt, mà dưới dạng hàng hóa – hiểu nôm na là các voucher mã giảm giá trên hệ thống mua quảng cáo, và không liên quan đến thuế.
Tuy nhiên đây là một quyền lợi mà nếu agency mua càng nhiều quảng cáo sẽ được hưởng càng lớn. Do đó, TikTok sẽ chấm dứt hỗ trợ khoản này nếu agency sai phạm.
“Với một số đối tác, agency, TikTok có chính sách tặng thêm 5% “added credit”. Nó là hàng hóa, không phải là tiền và không liên quan đến thuế.
Nếu các đối tác không tuần thủ chính sách của TikTok thì TikTok có quyền đòi lại và chấm dứt các hoạt động hỗ trợ như thế”, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Chính sách, TikTok Việt Nam cho biết.
Vị đại diện TikTok cũng cho rằng nếu có sai phạm về thuế, các đối tác mua quảng cáo là bên chịu trách nhiệm vì đã quy định trong hợp đồng hợp tác. Do đó, hãng công nghệ này không có nghĩa vụ kiểm tra, quản lý việc thực hiện nghĩa vụ thuế của đối tác.
“Đóng thuế hay không thuộc về trách nhiệm của bản thân người đóng thuế và cơ quan quản lý Nhà nước. TikTok không kiểm soát được các hành vi vi phạm thuế hay không của đối tác và không có khả năng làm việc đấy”, ông Thanh nhấn mạnh.
Tháng 3 năm ngoái, Tổng cục Thuế đã đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài để kê khai nộp thuế trực tiếp.
Lũy kế đến nay, hơn 50 hãng công nghệ ngoại đã nộp hơn 7.300 tỷ đồng, trong đó có pháp nhân TikTok tại Singapore. Con số này được đánh giá vẫn rất khiêm tốn so với quy mô giao dịch thực tế.
Một số chuyên gia kiến nghị, ngoài việc tiếp tục các giải pháp thanh kiểm tra, chống thất thu thuế, cơ quan thuế cần đẩy mạnh đầu tư vào các nền tảng công nghệ tự động theo dõi dòng doanh thu từ dịch vụ nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã ban hành Chỉ thị số 18 với chỉ đạo toàn diện về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu lớn phục vụ phát triển thương mại điện tử (ecommerce). Với sự phối hợp từ các Bộ Công thương, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước, Tổng Cục Thuế cho biết thời gian tới sẽ có thêm cơ sở dữ liệu để quản lý thuế.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
“Shopee đang ngày càng vượt mặt Lazada về độ nhận diện trên nền tảng số với Total Score bỏ xa Lazada đến 3 lần”, thông tin được đưa ra trong báo cáo Bảng xếp hạng Ngành Thương mại điện tử năm 2022, vừa được Hệ thống Giám sát và Phân tích thông tin trên môi trường mạng (Reputa) công bố.
Shopee chiếm gần 73% tổng GMV của 4 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam
Báo cáo cho biết, với sự thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng trong thói quen mua sắm trực tuyến sau đại dịch Covid, thương mại điện tử tiếp tục tiến bước vững chắc và duy trì được sự phát triển nhanh và bền vững.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử ngành bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Thống kê của Reputa, cho biết dẫn đầu bảng xếp hạng sàn thương mại điện tử năm 2022 là Shopee, và nhấn mạnh Shopee đang ngày càng “vượt mặt” Lazada về độ nhận diện trên nền tảng số với Total Score bỏ xa Lazada đến 3 lần.
“Theo báo cáo Metric về ngành thương mại điện tử năm 2022, Shopee hiện đang là sàn thương mại điện tử phổ biến nhất Việt Nam khi chiếm đến gần 73% tổng doanh số (GMV) của 4 sàn, tương ứng với khoảng 91 nghìn tỷ. Lazada đứng thứ 2, chiếm 20% với doanh thu 26,5 nghìn tỷ”, báo cáo của Reputa nhấn mạnh.
Đáng chú ý trong bảng xếp hạng này là TikTok Shop. Tuy chỉ vừa ra mắt vào cuối tháng 4/2022, TikTok Shop đã vượt cả “anh lớn” Tiki, vươn lên top 3 bảng xếp hạng trong năm 2022 với Total Score đạt 13,56.
Tuy nhiên, Total Score của TikTok Shop và Tiki không có sự chênh lệch quá lớn, khoảng 2,5%. Cũng theo báo cáo của Metric, chỉ số GMV trong 1 tháng của TikTok Shop hiện tại đã tương đương 80% doanh thu cùng kỳ của Lazada và gấp 4 lần doanh thu của Tiki.
Đối với xếp hạng ngành giao thông vận tải, báo cáo của Reputa cho biết Grab là thương hiệu dẫn đầu bảng xếp hạng năm 2022 với Total Score đạt 11,41 – gấp 2 lần vị trí thứ 2 là Be.
Tuy nhiên, ở bảng xếp hạng ngành giao nhận thực phẩm và đồ uống, Grab chỉ xếp ở vị trí thứ 3 với Total Score đạt 3,25. Dẫn đầu ở bảng xếp hạng này là Shopee Food với Total Score đạt 8,14 – gấp 1.9 lần Be Food.
Có thể thấy, trong nhiều năm qua, ưu đãi giảm giá luôn là hoạt động chính của các sàn và cũng là yếu tố chính để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, ở bối cảnh hiện nay, thói quen mua sắm của người tiêu dùng ngày càng được phân hóa thành nhiều nhu cầu khác biệt nên việc tìm hiểu sâu hơn tâm lý và hành vi mua sắm của khách hàng là thật sự cần thiết.
Thống kê của Reputa cũng nhấn mạnh làm đẹp – sức khỏe là ngành hàng dẫn đầu về lượng thảo luận trong năm 2022. Ở hầu hết các khu vực và đặc biệt là 2 khu vực lớn là TP.HCM và Hà Nội, ngành “làm đẹp – sức khỏe” là ngành hàng dẫn đầu về lượng thảo luận trong năm 2022 với hơn 1.4 triệu thảo luận.
Cũng theo báo cáo của Metric về thị trường thương mại điện tử năm 2022, ngành hàng làm đẹp đạt doanh thu lớn nhất thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 với gần 22 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 16,3% tổng doanh thu thị trường thương mại điện tử.
Theo sau là ngành thời trang nữ, nhà cửa – đời sống. Đây là những ngành hàng thiết yếu có tốc độ tiêu dùng nhanh, nhu cầu phát sinh từ người tiêu dùng tại tất cả thời điểm trong năm và sự đa dạng hàng hóa cao.
Giới chuyên gia nhận định tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (eCommerce) tại Việt Nam sẽ tăng nhanh trong năm 2023.
Với đà tăng trưởng 2 con số như hiện nay, đến năm 2025, quy mô thị trường được dự báo lên tới 49 tỷ USD, thậm chí, Google còn dự báo, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2025 lên tới 57 tỷ USD.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Được ví như con dao hai lưỡi, trí tuệ nhân tạo có thể bị sử dụng để tạo ra các nội dung nguy hiểm, thao túng dư luận, lan truyền thông tin sai lệch ở mức độ chưa từng có.
Những rủi ro tiềm ẩn nhất từ trí tuệ nhân tạo (AI)
Chính phủ Anh sẽ cùng với những công ty dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo trên thế giới đưa ra các giải pháp để đảm bảo mọi người được hưởng lợi từ công nghệ mới này. Đây là thông tin được đưa ra hôm 24/5.
Tham dự cuộc họp với Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 24/5 có nhà lãnh đạo của công ty OpenAI, DeepMind và Anthropic, họ đã thảo luận về những rủi ro mà AI gây ra, từ thông tin sai lệch và an ninh quốc gia đến các mối đe dọa hiện hữu.
Cuộc họp cũng thảo luận về các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn khi ứng dụng AI, những giải pháp quản lý rủi ro của các trung tâm nghiên cứu, cũng như các khả năng hợp tác quốc tế trong vấn đề kiểm soát AI.
Hồi đầu tháng này, Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ cũng đã gặp giám đốc điều hành các công ty phát triển AI của Mỹ để nhấn mạnh về trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ xã hội khỏi các nguy cơ tiềm ẩn của AI.
Trí tuệ nhận tạo và các sản phẩm từ trí tuệ nhân tạo, như mô hình ChatGPT đang tạo ra cơn sốt toàn cầu và được dự đoán sẽ dẫn đầu xu thế công nghệ trong năm 2023. Nhưng những nguy cơ, thách thức từ công nghệ này cũng gia tăng nhanh chóng.
Trí tuệ nhân tạo (AI)được ví như con dao hai lưỡi.
Được ví như con dao hai lưỡi, trí tuệ nhân tạo có thể bị sử dụng để tạo ra các nội dung độc hại, thao túng dư luận, lan truyền thông tin sai lệch ở mức độ chưa từng có.
Các nhà khoa học lo ngại, nếu AI phát triển một cách không kiểm soát, lập trình với mục đích không đúng đắn sẽ làm tăng dần các mối đe dọa với an ninh, an toàn, gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho con người và xã hội.
Ông Andrew Pate – Nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo: “Những gì chúng tôi đã làm là sao chép một số văn bản từ Wikipedia, một số bài báo trên mạng về xung đột ở Ukraine, đường ống dòng chảy phương Bắc và các cuộc tập trận của Hải quân Mỹ năm 2022.
Sau đó chúng tôi đã yêu cầu trí tuệ nhân tạo viết 1 bài báo ám chỉ Mỹ đã tấn công đường ống dẫn dầu và sản phẩm từ trí tuệ nhân tạo cho ra khá là tốt. Vì vậy, có thể thấy rằng, chỉ với một vài thao tác đơn giản, một vài mẩu tin, trí tuệ nhân tạo đã có thể nhanh chóng tạo ra một tin giả”.
ChatGPT cũng đặt ra nhiều vấn đề như nguy cơ gian lận học vấn, rò rỉ dữ liệu xuyên biên giới, vi phạm quyền riêng tư, vấn đề bản quyền với các sản phẩm văn học nghệ thuật, tính xác thực của thông tin…
Giáo sư Natali Gelberg – Chuyên gia về luật và công nghệ kỹ thuật số, Đại học Amsterdam, Hà Lan: “Đó là vấn đề trong việc sử dụng nội dung của người khác mà không được phép để đào tạo ra các mô hình trí tuê nhân tạo và những vấn đề pháp lý chưa rõ ràng về vấn đề OpenAI có thể tiến xa đến mức nào đối với vấn đề này.
Rồi thêm một vấn đề nữa về bản quyền, đó là các sản phẩm đầu ra do AI tạo ra sẽ thuộc bản quyền của ai, đây vẫn là những câu hỏi mở”.
Các chuyên gia cảnh báo, ChatGPT có thể được sử dụng trong các hoạt động tội phạm trên không gian mạng, kẻ xấu có thể lợi dụng công cụ này cho nhiều âm mưu phi pháp khác nhau như lừa đảo trực tuyến hoặc viết phần mềm độc hại. 51% trong số 1.500 chuyên gia công nghệ thông tin dự báo, ChatGPT có thể gây ra một vụ tấn công mạng trong vòng 1 năm tới.
Chiến lược quản lý những rủi ro tiềm ẩn từ trí tuệ nhân tạo (AI).
Những mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu này buộc nhiều nước nhanh chóng bàn tính đến chiến lược quản lý các tác động của AI. Ông chủ Twitter, Elon Musk, cũng đã phải kêu gọi tạm ngừng phát triển AI. Công ty OpenAI thì cho rằng cần có những quy định toàn diện về lĩnh vực này.
Nước Mỹ, “cái nôi” của các nhà đổi mới công nghệ và phát triển trí tuệ nhân tạo đã tăng cường quản lý các công cụ AI. Đầu tháng 5, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ cho biết, sẽ sử dụng các luật hiện hành để hạn chế những mối nguy hiểm từ AI, chẳng hạn như việc mở rộng ảnh hưởng của các công ty lớn và hành vi gian lận, trong khi các công ty công nghệ cũng kêu gọi cần có các biện pháp quản lý với AI.
Tổng thống Mỹ Joe Biden: “Tất cả các công ty công nghệ có trách nhiệm đảm bảo các sản phẩm của họ an toàn trước khi phổ biến cho công chúng”.
Bà Christina Montgomery – Công ty công nghệ IBM: “IBM kêu gọi Quốc hội áp dụng cách tiếp cận quy định chính xác đối với AI. Điều này có nghĩa là thiết lập các quy tắc để quản lý việc triển khai AI trong các trường hợp sử dụng cụ thể, chứ không phải điều chỉnh chính công nghệ đó”.
Liên minh châu Âu đang đặt mục tiêu đi tiên phong toàn cầu trong việc tạo ra một khung pháp lý toàn diện, có thể ngăn chặn các nguy cơ trên mạng trong khi vẫn bảo vệ sự đổi mới trong lĩnh vực AI.
Giữa tháng 5, hai ủy ban của Nghị viện châu Âu đã thông qua dự luật quản lý AI sửa đổi, dự luật dự kiến được đưa ra thảo luận toàn thể tại Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới trước khi gửi tới các nước thành viên xem xét, hoàn thiện. Trước đó, năm 2021, EU đã đề xuất dự thảo quản lý AI đầu tiên để giải quyết vấn đề này.
Giáo sư Natali Gelberg – Chuyên gia về luật và công nghệ kỹ thuật số, Đại học Amsterdam, Hà Lan: “Một trong những lý do tại sao tôi nghĩ rằng đã đến lúc thực sự làm điều này là vì chúng ta thực sự cần các biện pháp bảo vệ chất lượng của các mô hình vì chúng được triển khai trên quy mô lớn, rất nhiều doanh nghiệp cũng như người dùng sẽ bắt đầu sử dụng chúng.
Bất cứ điều gì và bất kỳ vấn đề nào về chất lượng của các mô hình hoặc dữ liệu đào tạo sẽ ảnh hưởng đến tất cả những người dùng cuối nguồn. Vì thế, đây là lúc để đặt ra các quy tắc cơ bản”.
Tại Anh, ngoài công bố Sách Trắng bao gồm hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện các quy định liên quan đến AI, Chính phủ Anh hồi đầu tháng 5 cũng thông báo sẽ bắt đầu đánh giá tác động của AI với người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế, cũng như xem xét khả năng áp dụng các biện pháp mới nhằm kiểm soát các công nghệ như ChatGPT của công ty OpenAI.
Trung Quốc cũng công bố dự thảo quy định về quản lý AI tổng quát (Generative AI), trong đó yêu cầu các công ty gửi các đánh giá an ninh cho chính quyền trước khi đưa dịch vụ ra thị trường.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Cùng khám phá các chiến lược đơn giản nhưng đầy sức mạnh trong việc nâng cao trải nghiệm khách hàng và lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu.
3 chiến lược đơn giản để nâng cao lòng trung thành của khách hàng
Theo các dữ liệu nghiên cứu mới đây, sau nhiều thay đổi từ bối cảnh kinh tế và sự ảnh hưởng của xu hướng (Trend) và công nghệ, lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu (Brand Loyalty) ngày càng bị thu hẹp, người tiêu dùng giờ đây sẵn sàng chuyển sang sử dụng sản phẩm của đối thủ nếu họ có thể mang lại những trải nghiệm, giá bán hay các yếu tố khác tối ưu hơn.
Vì được trao quyền nhiều hơn, có trong tay nhiều dữ liệu hơn, người tiêu dùng có khả năng (và dễ dàng) tìm kiếm những doanh nghiệp mà họ có thể tin tưởng được, phù hợp hơn với họ và nhiều hơn thế nữa.
Điều này đặc biệt đúng Gen Y và Gen Z là đối tượng khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp, những người luôn đề cao các giá thị thực, trách nhiệm xã hội hay sự uy tín của doanh nghiệp.
Nhiệm vụ giờ đây của những người làm marketing là xây dựng những chiến lược và chiến thuật tiếp cận mới để nâng cao hơn nữa trải nghiệm và lòng trung thành của khách hàng.
Dưới đây là một số cách mà marketer có thể tham khảo.
1. Cung cấp các trải nghiệm tùy chỉnh (cá nhâ hoá).
Một trong những cách thức hiệu quả nhất để xây dựng niềm tin với khách hàng là tạo ra những trải nghiệm tùy chỉnh hay cá nhân hoá dựa trên các dữ liệu cá nhân mà doanh nghiệp có được từ khách hàng.
Điều này không chỉ làm tăng giá trị cho bất kỳ dịch vụ hoặc sản phẩm nào doanh nghiệp cung cấp mà còn làm cho mọi tương tác trở nên có ý nghĩa hơn khi khách hàng ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của họ đối với doanh nghiệp (hình ảnh chính họ trong mắt doanh nghiệp mà họ mua hàng).
Tuỳ vào từng ngành nghề hay bối cảnh kinh doanh cụ thể, doanh nghiệp hay marketer có nhiều cách khác nhau để tạo ra những loại trải nghiệm này.
Từ việc cá nhân hoá quảng cáo, cá nhân hoá nội dung thương hiệu, cá nhân hoá tương tác và mối quan hệ giữa khách hàng với thương hiệu hay thậm chí là cá nhân hoá sản phẩm cho một số nhóm khách hàng cụ thể (đủ tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp).
Bất kể ngành của bạn là gì, nếu khách hàng của bạn cảm thấy họ được lắng nghe và không bị lợi dụng, họ là một phần không thể thiếu với doanh nghiệp, lòng trung thành theo đó sẽ không ngừng được củng cố.
2. Hãy là chuyên gia hay nhà lãnh đạo ngành.
Một chiến lược khác để nâng cao niềm tin với khách hàng đó là hãy trở thành chuyên gia thực sự trong ngành, những người thực sự am hiểu về những gì bạn cung cấp cho khách hàng, kết nối nó đến các nỗi đau của khách hàng và hơn thế nữa.
Bằng cách chuyên về một phạm vi hay lĩnh vực nào đó, các đội nhóm của doanh nghiệp sẽ trở thành các chuyên gia, những người liên tục nghiên cứu và tìm tòi những cái mới, tích cực trong việc đổi mới và sáng tạo trong việc cung cấp các giải pháp, khách hàng cuối cùng sẽ coi đây là cơ sở của niềm tin với doanh nghiệp.
Để thực thi cách tiếp cận này, doanh nghiệp cũng cấn các định rõ các thế mạnh (sử dụng ma trận SWOT), lợi thế cạnh tranh hay các điểm bán hàng độc đáo (USP) của thương hiệu, sau đó tìm cách kết nối nó tới những nhu cầu và kỳ vọng cụ thể của khách hàng.
Bằng cách này, doanh nghiệp có thể cung cấp những sản phẩm hoặc dịch vụ tốt hơn, khiến doanh nghiệp trở thành sự lựa chọn ưu tiên hơn từ khách hàng.
3. Hãy trở thành một thương hiệu đề cao tính chân thực.
Trong bối cảnh kinh doanh hiện tại, với sự phát triển và hỗ trợ mạnh mẽ từ công nghệ, khi các thương hiệu có thể dễ dàng để tạo ra những hình ảnh bắt mắt, những mẫu quảng cáo được chỉnh sửa tỉ mỉ, hay tập trung quá nhiều vào việc quảng cáo bản thân, điều này vô tình làm cho việc tìm kiếm các sự thật đằng sau thương hiệu trở nên khó khăn hay thậm chí là “xa xỉ” hơn.
Người tiêu dùng không thể tìm thấy được các lý do cụ thể để chứng minh cho những gì doanh nghiệp nói là thật, là có tính xác thực hay có thể tin tưởng được.
Vì cách khách hàng tin tưởng thương hiệu cũng giống như cách họ tin tưởng bạn bè hay người thân của họ, họ cần tìm thấy các dấu hiệu của sự chân thật, những thứ mà họ cho là nền tảng của các mối quan hệ bền vững.
Trở nên chân thực hơn có nghĩa là doanh nghiệp phải hiểu rõ họ là ai, họ cung cấp cái gì, làm sao để khách hàng tin những gì doanh nghiệp nói là “có thật”, là có cơ sở hay nói cách khác, những gì (sản phẩm và dịch vụ) mà khách hàng có được từ doanh nghiệp đúng với những giá trị mà doanh nghiệp đang sở hữu và tích cực xây dựng.
Doanh nghiệp tự nhận mình là ai không quan trọng bằng việc trong mắt khách hàng hay người tiêu dùng của họ, doanh nghiệp thực sự là gì.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Việc phải “cạnh tranh” với chính các thương gia bán hàng xách tay, hoặc iPhone cũ là vấn đề Apple từng gặp ở Việt Nam. Dù iPhone chính thức được bán ở Việt Nam từ hơn 10 năm nay, trong phần lớn thời gian thị trường vẫn tồn tại hai nguồn hàng chính là sản phẩm chính hãng và thị trường xám (grey market), với những lô iPhone nhập tiểu ngạch.
Thị trường xám khiến Apple gặp khó tại Ấn Độ (tương tự như ở Việt Nam)
Hồi tháng 4, Apple đã khai trương 2 cửa hàng hàng đầu đầu tiên ở Ấn Độ, lần lượt tại Mumbai và Delhi. Đây là động thái mới nhất của gã khổng lồ công nghệ trong nỗ lực xâm chiếm thị trường tỷ dân này.
Mặc dù 2 cửa hàng này đều đã đạt kỷ lục doanh thu, ở những nơi mà cư dân Delhi thường mua điện thoại, tình hình lại không khả quan cho Táo Khuyết.
iPhone vẫn được xem là mặt hàng xa xỉ.
Lý do là giá các dòng iPhone mới vẫn cao hơn đáng kể so với thu nhập bình quân, khiến người dùng Ấn Độ thường lựa chọn iPhone cũ hoặc các nguồn hàng khác. Đây cũng là vấn đề Apple từng gặp ở Việt Nam, trước khi đẩy mạnh các hoạt động tại thị trường trong nước trong vài năm nay.
Chợ Gaffar cách cửa hàng của Apple tại New Delhi khoảng 10 km. Đây là một trong những trung tâm bán iPhone cũ lớn nhất tại Delhi, với hàng chục cửa hàng trưng bày iPhone đã qua sử dụng.
Một chiếc iPhone mới có thể có giá hơn 70.000 rupee (khoảng 850 USD). Trong khi đó, vào năm 2021, mức lương trung bình hàng tháng ở đây chỉ khoảng 31.900 rupee (428 USD). Đối với hầu hết cư dân ở Delhi, iPhone vẫn là một mặt hàng xa xỉ.
Thị trường xám khiến Apple gặp khó tại Ấn Độ (tương tự như ở Việt Nam)
Do đó, cửa hàng Apple ở Delhi dường như không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh tại chợ Gaffar. Như các chủ cửa hàng cho biết, chiến lược giá của Apple về cơ bản là không thể cạnh tranh được với các cửa hàng địa phương.
“Khách hàng thường chọn Gaffar bởi những chiếc iPhone mới ra mắt sẽ có mặt tại đây trong vòng 10-15 ngày.
Chúng tôi cung cấp cho người dân cùng một chiếc điện thoại, trong tình trạng hoàn toàn mới với mức giá hấp dẫn hơn nhiều”, Vijay, một chủ cửa hàng ở chợ Gaffar, nói với tờ Rest of World.
Chính sách tại Ấn Độ khiến Apple gặp khó khi phải đối mặt với thị trường xám.
Ởnhiều quốc gia, Apple chủ yếu bán iPhone tân trang thông qua các kênh bán lẻ của riêng mình, nhưng chính sách thương mại của Ấn Độ gây khó khăn cho công ty.
Kể từ năm 2012, chính phủ Ấn Độ gần như đã chặn nhập khẩu iPhone đã qua sử dụng do lo ngại về rác thải điện tử. Apple đã nhiều lần thúc đẩy việc bác bỏ chính sách này, nhưng chính phủ vẫn giữ vững lập trường.
Do không có iPhone cũ được nhập khẩu và rất ít mẫu mới được bán, số lượng điện thoại tân trang tại đây rất hạn chế. Và nguồn cung ít ỏi đó hầu như được các nhà buôn tại Gaffar kiểm soát.
Dù vậy, các nghiên cứu chỉ ra rằng iPhone đã qua sử dụng đang ngày càng phổ biến tại thị trường Ấn Độ. Theo công ty nghiên cứu thị trườngCounterpoint Research, trong năm 2022, 11% smartphone cũ được bán ở Ấn Độ là iPhone, tăng từ 3% vào năm 2021.
“Thị trường Ấn Độ tiêu thụ rất nhiều iPhone đã qua sử dụng, các nhà bán lẻ đang kiếm tiền từ việc bán iPhone cũ còn nhiều hơn Apple. Bất cứ ai nắm được nguồn cung iPhone cũ tại đây sẽ thu được lợi nhuận rất lớn”, Tarun Pathak, nhà phân tích tại Counterpoint Research cho biết.
Chợ Gaffar cũng cho khách hàng bán lại điện thoại cũ cho chủ cửa hàng, bỏ qua những rắc rối trong việc tìm người mua. Khách hàng đang tìm mua có thể đi khắp nơi để nhận được những giao dịch tốt nhất trên hàng trăm cửa hàng.
“Đi đến bất kỳ khu chợ nào trên khắp Delhi, bảng giá cho mọi sản phẩm đều đến từ Gaffar. Nhiều khi, ngay cả những chiếc điện thoại còn thời hạn bảo hành cũng có mặt ở đây. Khách hàng tin tưởng chúng tôi”, chủ cửa hàng Sukhbir Singh cho biết.
Việc phải “cạnh tranh” với chính các thương gia bán hàng xách tay, hoặc iPhone cũ là vấn đề Apple từng gặp ở Việt Nam.
Dù iPhone chính thức được bán ở Việt Nam từ hơn 10 năm nay, trong phần lớn thời gian thị trường vẫn tồn tại hai nguồn hàng chính là sản phẩm chính hãng và thị trường xám (grey market), với những lô iPhone nhập tiểu ngạch.
Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây những chính sách mạnh tay hơn của Apple và các đối tác bán lẻ như ưu tiên nguồn hàng, yêu cầu hoá đơn để bảo hành, hay cạnh tranh về giá của đại lý khiến người dùng tìm đến hàng chính hãng nhiều hơn.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo thông tin mới đây, cả các ứng dụng của Meta như Facebook, Instagram hay WhatsApp bao gồm cả trình quản lý quảng cáo của Meta đã gặp lỗi, khiến nhiều người dùng không thể truy cập được.
Ứng dụng và trình quản lý quảng cáo của Meta gặp lỗi
Sau khi phát hiện lỗi ứng dụng đã ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người dùng trên nền tảng, đội ngũ của Meta đã ngay lập tức khắc phục lỗi và hiện các ứng dụng đã trở về trạng thái hoạt động bình thường.
Tại cùng một thời điểm, tổng cộng có gần 20.000 người dùng cho biết họ gặp sự cố khi truy cập vào cả Facebook, Instagram và dịch vụ nhắn tin WhatsApp của Meta, theo trang web theo dõi ngừng hoạt động Downdetector.com.
Downdetector theo dõi sự cố ngừng hoạt động bằng cách đối chiếu các báo cáo trạng thái từ một số nguồn bao gồm các lỗi do người dùng gửi lên trên nền tảng. Việc ngừng hoạt động có thể ảnh hưởng đến một số lượng lớn người dùng hơn.
Meta cũng cho biết các vấn đề lỗi liên quan đến Trình quản lý quảng cáo (Ads Manager) của Meta, công cụ quảng cáo cho phép các thương hiệu hay nhà quảng cáo khởi chạy các chiến dịch quảng cáo cũng đã được giải quyết.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo số liệu được cập nhật mới nhất từ Reuters, khi giá cổ phiếu của Microsoft chạm mức cao kỷ lục, giá trị vốn hoá thị trường của gã khổng lồ này đạt gần 2.600 tỷ USD.
Vốn hoá thị trường của Microsoft cao kỷ lục gần 2.6 nghìn tỷ USD
Theo đó, cổ phiếu của Microsoft Corp đã tăng lên mức cao kỷ lục mới khi thị trường tỏ ra rất lạc quan về triển vọng của trí tuệ nhân tạo (AI), điều này đã giúp gã khổng lồ công nghệ đạt mức vốn hóa thị trường cao kỷ lục 2,59 nghìn tỷ USD.
Microsoft được coi là công ty đi đầu trong việc áp dụng công nghệ AI trong ngành công nghiệp phần mềm nhờ khoản đầu tư khổng lồ vào OpenAI, công ty mẹ của chatbot AI đình đám ChatGPT.
Tháng trước, Microsoft đã bắt đầu tung ra một loạt các bản AI nâng cao, bao gồm cho ChatGPT, cho các dịch vụ đám mây Azure cũng như công cụ tìm kiếm Bing, đối thủ truyền kiếp của Google.
Cổ phiếu của Microsoft tăng 3,2% ở mức 348,10 USD/cổ phiếu vào thứ Năm. Cổ phiếu đã tăng hơn 45% từ đầu năm đến nay.
Ngoài ra, cổ phiếu của Apple Inc cũng đạt mức đóng cửa cao kỷ lục là 186,01 USD vào thứ Năm, trong khi cổ phiếu của nhà sản xuất chip đồ họa Nvidia (NVDA.O) lập kỷ lục mới là 432,89 USD.
Các nhà phân tích của JPMorgan theo đó cũng đã nâng mục tiêu giá cổ phiếu của Microsoft, với lý do AI sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm của công ty này. Trong số 53 nhà phân tích về Microsoft, 44 người khuyến nghị nên mua và mục tiêu giá trung bình là 340 USD, theo dữ liệu của Refinitiv.
“Chúng tôi khẳng định lại quan điểm lạc quan hơn của mình về AI tổng quát”.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Châu Á chiếm gần 60% dân số thế giới và 45% GDP toàn cầu. Vì lẽ đó, các chuyên gia cho rằng khu vực này cần phải năng động hơn trên thị trường AI, song hiện tại, gần như chỉ có Trung Quốc cho thấy những bước đi cụ thể trên lĩnh vực này trong khu vực.
Châu Á có thực sự đang ngủ quên trên thị trường AI?
Kể từ khi ra mắt các chatbot AI tổng quát như ChatGPT vào tháng 11 năm ngoái, nước Mỹ đã rơi vào vòng xoáy của sự cường điệu, huyên náo cũng như những lời hứa và rủi ro của trí tuệ nhân tạo, theo tạp chí Forbes.
Điều này đã tạo ra hiệu ứng sóng gợn trên toàn thế giới, với việc các nhà đầu tư kỳ vọng lớn vào triển vọng của các công ty có liên quan tới lĩnh vực AI, tiêu biểu như ông lớn ngành chip của Mỹ là Nvidia.
Giá cổ phiếu Nvidia đã tăng cao từ đầu năm 2023, qua đó giúp công ty trở thành hãng chip đầu tiên trên thế giới đạt mức giá trị vốn hóa thị trường (market cap) 1.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cũng bắt đầu lo lắng về mặt tối của việc phát triển AI, chẳng hạn như làm biến mất một số công việc từng được đảm nhận bởi con người.
Thậm chí, một số doanh nghiệp về AI còn cảnh báo rằng công nghệ mới, nếu không được kiểm soát, có thể gây ra mối đe dọa hiện hữu cho nhân loại.
Đó là lý do châu Á đặc biệt quan tâm tới sự phát triển của AI. Châu Á là nơi chiếm gần 60% dân số thế giới và 45% GDP toàn cầu.
Vì lẽ đó, theo Forbes, châu Á phải là người đi đầu trong việc quản lý rủi ro cũng như tìm kiếm cơ hội trên thị trường AI, song dường như mọi thứ đang không diễn ra theo lý thuyết.
Tất nhiên, Trung Quốc vẫn là ngoại lệ trong khu vực vì lĩnh vực AI là ưu tiên trong chính sách của quốc gia này. Tuy nhiên, các nhà phân tích ở châu Á mà Forbes tiếp cận lại phản bác lại quan điểm rằng châu Á đang chậm chân trên lĩnh vực AI.
Họ chỉ ra rằng Nhật Bản và các nền kinh tế hàng đầu châu Á khác như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore đang đi đầu trong sản xuất chất bán dẫn, mạch tích hợp cung cấp sức mạnh tính toán cần thiết để phân tích lượng dữ liệu khổng lồ từ các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).
Trong khi Nhật Bản và những nền kinh tế hàng đầu châu Á khác thực sự là những thị trường quan trọng của chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, vốn đang bị chia cắt do căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, thì một khu vực rộng lớn ở châu Á dường như không bị lay chuyển trước những gì có vẻ như là những thay đổi quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Các nền kinh tế như Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thương mại cũng như đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế của họ và tạo ra việc làm cho người dân. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần tính đến việc thị trường lao động sẽ thay đổi ra sao nếu AI phát triển nhanh hơn mức kiểm soát.
Mặc dù sự phát triển của AI hiện tại cũng phần nào đã được “cường điệu hóa” như những gì thị trường tiền điện tử từng ghi nhận, song câu hỏi đặt ra là liệu chính phủ các quốc gia châu Á có đủ khả năng nắm bắt các cơ hội mới hay không.
Đó là lý do các nền tảng quản trị trong khu vực châu Á, chẳng hạn như ASEAN, APEC,… cần làm gì đó lớn lao hơn thay vì chỉ công bố các chính sách và tích cực tham gia ở cấp độ chính trị về cách quản lý lợi ích kinh tế (mà AI có khả năng mang lại cho nền kinh tế của họ) và trong ứng phó với các rủi ro xã hội.
Một cuộc cách mạng do AI tạo ra có thể vẫn sẽ xuất hiện ở nhiều ngành nghề tại khu vực châu Á. Tuy nhiên, trong trường hợp AI phát triển nhanh và không được kiểm soát đúng cách, nó có thể gây ra tình trạng bất ổn do những thay đổi mà nó tạo ra trên thị trường việc làm, qua đó ảnh hưởng tới sinh kế của người dân. Theo Forbes, các nhà lãnh đạo tại châu Á cần “thức tỉnh” sớm thay vì “ngủ quên” như hiện tại trên thị trường AI.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Tiếp đà thành công tại thị trường trong nước, BYD, nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc do nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett hậu thuẫn, đang liên tục mở rộng và thâm nhập thị trường các khu vực như châu Á, châu Âu và châu Mỹ Latinh với tốc độ chóng mặt.
BYD: Gã khổng lồ xe điện do Warren Buffett hậu thuẫn đang đánh chiếm thị phần toàn cầu
Trong quý I/2023, BYD, hãng xe điện được đầu tư bởi Berkshire Hathaway Inc. của tỷ phú Warren Buffett đã vượt qua BMW AG, Renault SA cùng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác là Zhejiang Geely Holding Group Co., Hozon New Energy Automobile Co. để trở thành nhà sản xuất ô tô “sạch” hàng đầu tại Brazil, Colombia, Israel và Thái Lan.
Chưa dừng lại ở đó, BYD đang tiếp tục mở rộng ra thị trường quốc tế với tốc độ chóng mặt. Năm 2021, doanh nghiệp này đã xuất khẩu xe năng lượng sạch sang Na Uy, đồng thời tiến hành bán các dòng xe tương tự từ Singapore sang Thuỵ Điển, Mexico, Tây Ban Nha và Anh.
Bên cạnh đó, hãng đang lên kế hoạch thâm nhập vào Ý bằng một bữa tiệc ra mắt tại Turin, nơi khai sinh ra hãng xe Fiat.
Được điều hành bởi Chủ tịch Wang Chuanfu, tỷ phú xe điện có xuất thân từ gia đình nhà nông, BYD (viết tắt của cụm “Build Your Dreams”) ra đời nhằm mục đích thực hiện những giấc mơ chưa đạt được. Từ một doanh nghiệp “tay trắng” vào năm 1995, BYD ghi nhận doanh thu đạt mức 424 tỷ NDT (tương đương 60 tỷ USD) vào năm 2022.
Theo đó, năm ngoái BYD đã bán được 1,86 triệu xe năng lượng xanh, nhiều hơn doanh số 4 năm trước đó cộng lại nhờ doanh số bán hàng tại thị trường nước ngoài được đẩy lên cao.
Với những sản phẩm đã được bán tại 53 quốc gia và khu vực trên thế giới, BYD đang là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất toàn cầu.
Mặc dù gần đây hãng xe bắt đầu tập trung hơn vào thị trường quốc tế, song BYD vẫn thu được hơn ¾ doanh thu trong nước. Năm nay, BYD chia sẻ doanh nghiệp đặt mục tiêu bán được 3,7 triệu xe chạy hoàn toàn bằng điện và xe plug-in hybrid.
Trước khi vươn ra quốc tế, dữ liệu từ China Automotive Technology cho thấy BYD đã có một thời gian “làm mưa làm gió” ở thị trường trong nước.
BYD hiện trở thành hãng xe điện bán chạy nhất tại Trung Quốc, đây vốn là vị trí được Volkswagen nắm giữ trong hơn 10 năm trở lại đây. Hiện tại, các dòng xe “xanh” nhà BYD đang chiếm 39% doanh số bán xe năng lượng mới (xe điện hoặc xe hybrid).
Các sản phẩm của hãng xe Trung Quốc được biết tới ngày một nhiều nhờ sở hữu các mẫu mã đẹp, đa dạng với mức giá phù hợp.
Dòng xe điện hatchback mới nhất của BYD, Seagull, có thể chạy tới 300km chỉ trong một lần sạc, tốc độ tối đa đạt 80 dặm/giờ với mức giá khởi điểm từ 10.400 USD. Ngoài ra, hãng cũng có những phân khúc cao cấp hơn như chiếc SUV Yangwang U8 với giá bản khoảng 154.000 USD.
Một trong những điểm mạnh của xe điện BYD là chiến thuật bán hàng của hãng. Ban lãnh đạo tập đoàn tin rằng muốn giữ chi phí sản phẩm ở mức tốt thì BYD cần chủ động sản xuất được nhiều linh kiện hơn.
Vì thế, doanh nghiệp bắt đầu tập trung nhiều nguồn lực cho việc sản xuất các bộ phận xe điện. BYD hiện đang sở hữu pin xe điện và chất bán dẫn của riêng mình, đồng thời cũng là đơn vị có nhà sản xuất linh kiện xe điện lớn thứ 2 trên thế giới. Hãng xe cũng là một trong những đơn vị không bị ảnh hưởng bởi nguồn cung trong đại dịch Covid 19.
Trước đó, nhắc tới xe điện, Tesla luôn được nghĩ tới đầu tiên với vị trí nhà sản xuất xe điện top đầu toàn cầu. Thế nhưng trên thực tế, hãng xe của tỷ phú Elon Musk phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh “đáng gờm” hơn dự tính, thậm chí tại một số quốc gia, Tesla gần như đánh mất thị phần hoàn toàn.
“Những gì họ đã làm được trong khoảng thời gian vừa qua là quá ấn tượng. Xuất phát điểm từ con số 0, BYD của Trung Quốc đang vươn mình trở thành một trong những công ty xe điện lớn trên thế giới. Họ có thể đã vượt qua Tesla trong một vài khía cạnh”, Steve Westly, cựu giám đốc Tesla nhận định.
BYD đang ngày càng được săn đón bởi chính phủ các quốc gia từ châu Âu đến Đông Nam Á. Doanh nghiệp hiện đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Pháp và Việt Nam, đại diện BYD cũng đã tiến hành đàm phán cùng lãnh đạo các quốc gia này.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Mạng xã hội Twitter hiện đang đối mặt với một vụ kiện mới trị giá 250 triệu USD liên quan đến cáo buộc vi phạm bản quyền từ các nhà xuất bản âm nhạc.
Twitter đối mặt vụ kiện trị giá 250 triệu USD vì vi phạm bản quyền
Theo đó, các nhà xuất bản âm nhạc đã kiện Twitter và đòi bồi thường thiệt hại với khoản tiền hơn 250 triệu USD, cáo buộc rằng mạng xã hội này “đã vi phạm bản quyền nghiêm trọng và gây hại cho nhiều nhà sáng tạo âm nhạc.”
Vụ kiện cáo buộc rằng trong nhiều năm, Twitter đã cho phép người dùng trên nền tảng của mình chia sẻ các bài hát có bản quyền mà không cần giấy phép.
Các nhà xuất bản âm nhạc cũng tuyên bố rằng hành vi sai trái của Twitter đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Elon Musk mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD và sau đó cắt giảm hàng loạt nhân viên bao gồm cả những người kiểm duyệt nội dung (Content Moderator).
Theo Hiệp hội các nhà xuất bản âm nhạc quốc gia Mỹ (US National Music Publishers’ Association), có các thành viên bao gồm Universal, Sony và Warner Music Group, cho rằng sự dễ dãi của Twitter đối với việc để người dùng chia sẻ các bài hát có bản quyền, kết hợp với việc mạng xã hội này còn hiển thị quảng cáo cả với các tweet (bài đăng) chứa nhạc có bản quyền, điều này là không thể chấp nhận được.
Đơn khiếu nại trích dẫn hơn 1.700 bài hát có bản quyền mà Twitter đã vi phạm, đa phần các bài hát là những bản nhạc “Hot và Hit”.
“Việc cung cấp nhạc miễn phí, không có giấy phép mang lại cho nền tảng Twitter một lợi thế không công bằng so với các nền tảng cạnh tranh khác, chẳng hạn như TikTok, Facebook, Instagram, YouTube, Snapchat hay các nền tảng khác.”
Twitter đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Vụ kiện của ngành công nghiệp âm nhạc cũng đã làm tăng thêm những rủi ro pháp lý vốn đã khá trầm trọng đối với mạng xã hội Twitter, hiện Twitter đang bị chính phủ Mỹ điều tra vì có thể vi phạm các thỏa thuận về quyền riêng tư của người dùng và bảo mật với Ủy ban Thương mại Liên bang.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Giá trị thị trường của AI tổng quát toàn cầu có thể tăng từ mức 40 tỷ USD vào năm 2022 lên hơn 1.300 tỷ USD vào năm 2032, với các doanh nghiệp như Amazon Web Services (AWS), Microsoft, Google và Nvidia dự kiến là những doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất.
Giá trị thị trường của AI tổng quát toàn cầu sẽ đạt hơn 1.300 tỷ USD trong 2032
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các chương trình AI tổng quát dành cho người tiêu dùng như Bard của Google và ChatGPT của OpenAI, thị trường AI tổng quát sẵn sàng bùng nổ, đạt mức doanh thu 1.300 tỷ USD trong 10 năm tới, tăng cao so với mức chỉ khoảng 40 tỷ USD vào năm 2022, theo một báo cáo mới từ Bloomberg Intelligence (BI).
Nghiên cứu của BI cho thấy tăng trưởng đối với thị trường AI tổng quát có thể mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 42%, được thúc đẩy bởi cơ sở hạ tầng đào tạo trong thời gian ngắn và dần chuyển sang các thiết bị suy luận cho các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), quảng cáo kỹ thuật số, phần mềm và dịch vụ chuyên dụng trong trung và dài hạn.
Hơn nữa, nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm AI tổng quát có thể tạo ra nguồn doanh thu 280 tỷ USD mới từ phần mềm, nhờ các trợ lý chuyên biệt, sản phẩm cơ sở hạ tầng mới và các công cụ giúp tăng tốc mã hóa.
Các công ty như Amazon Web Services, Microsoft, Google và Nvidia có thể là những người được hưởng lợi nhiều nhất khi các doanh nghiệp trên toàn cầu cần chuyển nhiều dữ liệu về công việc hơn lên các nền tảng lưu trữ đám mây.
BI cũng ước tính rằng tác động của AI tổng quát có thể tăng từ mức dưới 1% trên thị trường phần cứng CNTT, dịch vụ phần mềm, chi tiêu quảng cáo và chi tiêu thị trường trò chơi hiện tại lên 10% vào năm 2032.
Động lực lớn nhất đối với việc thúc đẩy doanh thu của lĩnh vực AI tổng quát toàn cầu tăng lên sẽ là cơ sở hạ tầng AI tổng quát như một dịch vụ (dự kiến tạo ra doanh thu 247 tỷ USD vào năm 2032) được sử dụng để đào tạo LLM, tiếp theo là quảng cáo kỹ thuật số (Digital Ads) được thúc đẩy bởi công nghệ (192 tỷ USD) và phần mềm trợ lý AI tổng hợp chuyên dụng (89 tỷ USD).
Về mặt phần cứng, doanh thu dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi các máy chủ AI (132 tỷ USD), bộ lưu trữ AI (93 tỷ USD), các sản phẩm AI thị giác máy tính (61 tỷ USD) và các thiết bị AI đàm thoại (108 tỷ USD).
Bên cạnh đó, nghiên cứu của BI còn nhấn mạnh tiềm năng để trí tuệ nhân tạo tổng hợp mang lại giá trị và lợi ích cho lĩnh vực giáo dục và khoa học đời sống.
Phân tích của BI chỉ ra rằng các trường hợp sử dụng sớm ChatGPT cho hai lĩnh vực này có khả năng mở ra những cơ hội mới hơn để AI có thể thâm nhập vào các lĩnh vực ngoài CNTT.
Mandeep Singh, chuyên gia phân tích công nghệ cấp cao tại Bloomberg Intelligence và là tác giả chính của báo cáo cho biết: “Thế giới đang sẵn sàng chứng kiến sự bùng nổ tăng trưởng trong lĩnh vực AI tổng quát (Generative AI) trong 10 năm tới, hứa hẹn sẽ thay đổi căn bản cách thức hoạt động của lĩnh vực công nghệ.
Công nghệ này được thiết lập để trở thành một phần ngày càng thiết yếu trong chi tiêu CNTT, chi tiêu quảng cáo và an ninh mạng khi nó phát triển”.
Không chỉ các công ty chuyên về AI mà các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực khác như chất bán dẫn, phần cứng, phần mềm điện toán đám mây, dịch vụ CNTT và quảng cáo, cũng có khả năng hưởng lợi nhờ sự phát triển nhanh chóng của AI tổng quát.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo cập nhật mới đây từ Google, gã khổng lồ tìm kiếm vừa cho ra mắt tính năng mới cho phép người dùng phản hồi các ý kiến, báo cáo nội dung từ những gì họ tương tác trên công cụ tìm kiếm.
Google muốn nhận ý kiến người dùng để cải thiện chất lượng tìm kiếm
Theo đó, cập nhật mới của Google hướng tới mục tiêu giải quyết các vấn đề liên quan đến chất lượng tìm kiếm trên Google Search.
Bằng cách cung cấp những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng khi họ có thể chủ động để lại các phản hồi (feedback) hay báo cáo (report) các vấn đề (spam) mà họ gặp phải, Google muốn người dùng sẽ tiếp tục sử dụng Google làm công cụ tìm kiếm chính.
Giao diện người dùng (UI) được cải thiện.
Như bạn có thể thấy ở trên, biểu mẫu (form báo cáo) được thiết kế lại để giúp người dùng dễ dàng báo cáo nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến chất lượng tìm kiếm.
“Giờ đây, bạn có thể báo cáo nội dung rác (report spam), các hành vi độc hại hay chất lượng nội dung thấp và nhiều vấn đề khác, tất cả chỉ đều ở một biểu mẫu duy nhất.”
Với form báo cáo mới, người dùng có thể báo cáo tối đa 5 trang (webpage) vi phạm cùng một chính sách trong cùng một báo cáo.
Sau khi gửi báo cáo, người dùng sẽ nhận được email xác nhận từ Google và hướng người dùng đến một Trang khác để được hỗ trợ riêng.
Sau khi phản hồi của người dùng được gửi đến đến Google, hệ thống của Google sẽ bắt đầu phân tích và xử lý các vấn đề liên quan.
“Về bản chất, web là nền tảng khổng lồ và không ngừng thay đổi, mọi người cũng thắc mắc với chung tôi mỗi ngày về nhiều vấn đề khác nhau.
Do đó, mục tiêu của chúng tôi nói chung là cải thiện các thuật toán tổng hợp thay vì là điều chỉnh tách rời trên từng từ khoá riêng lẻ.”
Trong bối cảnh thế giới kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng, Google đang ưu tiên nhiều hơn các phản hồi của người dùng để nâng cao kết quả tìm kiếm.
Bạn có thể truy cập trực tiếp form báo cáo spam mới của Google tại đây: Google Feedback Form.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Ba trong bốn giáo sư được cho là có ảnh hưởng lớn nhất với sự phát triển của AI từng nhận giải thưởng danh giá về khoa học máy tính.
Đầu tháng 5, Geoffrey Hinton, được gọi là “cha đỡ đầu” của lĩnh vực AI, quyết định rời Google để có thể cảnh báo về mối nguy hiểm phía sau AI, khiến thế giới bắt đầu chú ý hơn đến những người tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Geoffrey Hinton
Vị giáo sư 75 tuổi người Canada gốc Anh này nổi tiếng thế giới nhờ công trình về mạng lưới thần kinh nhân tạo – một công nghệ cố gắng bắt chước cách thức hoạt động của bộ não con người và là nền tảng cho hầu hết sản phẩm AI ngày nay, từ Google Dịch, Bard, ChatGPT đến ôtô tự lái.
Với những công trình nghiên cứu phát triển thuật toán về học sâu và ứng dụng trong các lĩnh vực như nhận dạng giọng nói, dịch máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Geoffrey Hinton là một trong những người truyền cảm hứng và có tầm ảnh hưởng lớn đến thế hệ nhà nghiên cứu AI sau này.
Ông cũng là giáo sư tại Đại học Toronto và là một trong những thành viên đồng sáng lập công ty Google Brain. Ông ủng hộ việc mô phỏng bộ não người hoàn chỉnh và khẳng định không có lý do gì để nghĩ máy tính không thể thông minh hơn con người.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển AI có trách nhiệm và cần đảm bảo rằng các quyết định của AI không gây tổn hại hoặc thiên lệch đối với cá nhân và cộng đồng.
Năm 2018, Hinton cùng Yoshua Bengio và Yan LeCun được trao giải Turning – giải thưởng được ví như Nobel trong lĩnh vực khoa học máy tính.
Cả ba cùng nghiên cứu về mạng lưới thần kinh, một loại phần mềm máy học mô phỏng cách thức hoạt động của bộ não con người – một trong những tiến bộ lớn nhất của ngành khoa học hiện đại và có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển của AI.
Đầu tháng 5, ông gây xôn xao khi quyết định rút khỏi vị trí phó chủ tịch và quản lý công nghệ tại Google để có thể công khai về hiểm họa AI đối với nhân loại. “Thực tế, tôi rời đi để có thể nói về những mối nguy của AI mà không phải xem xét điều này ảnh hưởng đến Google thế nào”, ông viết trên Twitter ngày 1/5 sau khi từ chức.
Yoshua Bengio
Giáo sư Yoshua Bengio, sinh năm 1964 người Canada, cũng là một trong những nhà khoa học đặt nền móng cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, đồng thời tiên phong trong lĩnh vực deep learning (học sâu).
Năm 1993, ông thành lập Viện nghiên cứu Mila và trở thành trung tâm toàn cầu của những tiến bộ khoa học, góp phần quan trọng đưa Montreal (Canada) trở thành trung tâm toàn cầu về công nghệ học sâu. Đến 2020, Google, Facebook, Microsoft và Samsung đều đã thành lập phòng thí nghiệm vệ tinh ở Montreal.
Bên cạnh giải thưởng Turing danh giá, Bengio còn là nhà khoa học máy tính được trích dẫn nhiều thứ hai trên thế giới theo Guide2Research năm 2021.
Quan tâm đến tác động xã hội và mục tiêu AI mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, ông đã đóng góp tích cực cho Tuyên bố Montreal về Phát triển Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm.
Tại Hội nghị thượng đỉnh AI Canada – Việt Nam đầu tháng 6 ở Quebec, giáo sư Bengio nhận định để thúc đẩy AI phát triển mạnh mẽ cần hàng rào pháp lý khi ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Trước khi luật pháp có thể tạo ra sự thay đổi, giáo dục là công cụ nhanh và bền vững nhất để con người đồng hành của AI.
Yann LeCun
Yann LeCun, sinh năm 1960, là một trong những người đi đầu trong lĩnh vực học sâu và mạng nơ-ron tích chập (CNN). Nhà khoa học người Pháp này đã phát triển mô hình LeNet vào những năm 1990, mô hình CNN đầu tiên được sử dụng để nhận dạng chữ viết tay.
CNN đã trở thành công cụ quan trọng trong lĩnh vực thị giác máy tính và xử lý hình ảnh, là nền tảng của nhiều sản phẩm và dịch vụ được triển khai bởi các công ty như Facebook, Google, Microsoft, Baidu, IBM, NEC, AT&T trong nhận dạng video, tài liệu, ảnh, giọng nói.
Ông cũng đề xuất mô hình Deep Q-Network (DQN) năm 2013. Đây là phương pháp sử dụng học sâu để huấn luyện hệ thống AI chơi các trò chơi video. Ông được trao giải Turning cho những đột phá về khái niệm và kỹ thuật biến mạng lưới thần kinh sâu trở thành một thành phần quan trọng của máy tính.
Giáo sư LeCun đã xuất bản hơn 200 bài báo về chủ đề này cũng như về nhận dạng chữ viết tay, nén hình ảnh và phần cứng chuyên dụng cho AI. Hiện ông là Giám đốc nghiên cứu của Meta AI Research (FAIR), một tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực AI.
Andrew Ng
Andrew Ng, sinh năm 1976, là nhà khoa học máy tính người Mỹ gốc Trung. Ông không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực học máy và AI mà còn có nhiều đóng góp quan trọng vào việc phát triển và phổ biến khóa học trực tuyến, giúp hàng triệu người trên toàn thế giới tiếp cận và học tập về hai lĩnh vực này.
Ông đồng sáng lập Coursera – nền tảng học trực tuyến đã tạo nên một cuộc cách mạng trong việc dạy và học. Ông cũng là trưởng nhóm sáng lập Google Brain và giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Stanford. Andrew Ng hiện là CEO của Landing.AI và DeepLearning.AI.
Công trình nổi tiếng nhất của ông là phát triển mô hình học sâu trong lĩnh vực thị giác máy tính và xử lý hình ảnh. Đây là bước đột phá quan trọng cho nhiều ứng dụng thành công như nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng đối tượng và xe tự hành.
Ông cũng đóng góp vào các dự án như Google Street View và Google Photos, trong đó sử dụng công nghệ học sâu để phân loại hình ảnh.
Năm 2008, ông đã được MIT Technology Review vinh danh là một trong 35 người sáng tạo nhất dưới 35 tuổi trên thế giới. Năm 2013, ông có tên trong Time 100 – danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới trong các lĩnh vực.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo số liệu được công bố mới đây trong “Top 100 thương hiệu lớn nhất toàn cầu 2023” bởi BrandZ của Kantar, giá trị của các thương hiệu lớn nhất toàn cầu đã giảm khá mạnh.
Giá trị của các thương hiệu lớn nhất thế giới giảm mạnh trong 2023
Theo bảng xếp hạng Top 100 thương hiệu lớn nhất toàn cầu 2023 của BrandZ, Kantar, Apple tiếp tục là thương hiệu có giá trị (Brand Value) nhất thế giới năm thứ hai liên tiếp.
Trong khi các thương hiệu khác đã phải vật lộn trong bối cảnh lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, Apple vẫn giữ vững vị thế trên thị trường.
Tính đến 2023, giá thị thương hiệu của Apple là 880 tỷ USD.
Về tổng thể, giá trị của toàn bộ bảng xếp hạng thương hiệu đã giảm 20% trong năm nay. Tổng giá trị của 100 thương hiệu lớn nhất thế giới theo đó đạt 6.900 tỷ USD, giảm từ mức gần 9000 tỷ USD vào năm 2022.
“Thành công không chỉ là việc liệu thương hiệu của bạn có giá đắt nhất trên thị trường hay không. Đây là mức giá bạn muốn có thể tính so với mức giá trung bình của các sản phẩm cùng danh mục. Nhận thức của bạn và thái độ của mọi người đối với thương hiệu của bạn phải phù hợp với điều đó.”
Google đứng ở vị trí thứ 2 trong trong bảng xếp hạng năm nay, với giá trị thương hiệu là 558 tỷ USD, giảm so với mức 820 tỷ USD của năm ngoái (giảm 30%).
Microsoft đứng thứ 4 vào năm ngoái thì nay đã vượt qua đế chế thương mại điện tử Amazon để trở thành thương hiệu có giá trị lớn thứ 3 với mức 502 tỷ USD, giảm 18% so với con số 611 tỷ vào năm 2022.
Với nhóm sản phẩm ngoài công nghệ, McDonald’s (ngành F&B) là thương hiệu có giá trị nhất thế giới năm 2023 với 191 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2022.
Tiếp theo là Visa có giá trị thương hiệu 169 tỷ USD, giảm 11% so với năm 2022, Tencent là 141 tỷ USD, giảm 34%, Louis Vuitton 125 tỷ USD, và MasterCard với 111 tỷ USD, cũng giảm khoảng 6%.
Coca-Cola đứng ở vị trí thứ 10 và đây là lần đầu tiên gã khổng lồ nước giải khát trở lại top đầu (Top 10) kể từ năm 2015 với giá trị thương hiệu là 106 tỷ USD, tăng 8% so với mức 98 tỷ USD của năm 2022.
Về cơ bản, Truyền thông và giải trí (Media, Entertainment) là lĩnh vực có mức sụt giảm giá trị thương hiệu lớn nhất vào năm 2023, với mức giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo sát là lĩnh vực bán lẻ, giảm 27%, công nghệ và dịch vụ kinh doanh, giảm 24%. May mặc giảm 21%, ô tô và rượu đều giảm 13%, trong khi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông giảm 10%.
Tiếp đó, Pepsi cũng đã trở lại Top 100 năm nay ở vị trí thứ 91 với giá trị thương hiệu là 18,8 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Colgate cũng gia nhập Top 100 ở vị trí 95 với giá trị thương hiệu là 18,3 tỷ USD, tăng 1% so với 2022, Sony ở vị trí 99 với 17,8 tỷ USD, và cuối cùng là thương hiệu tã cho trẻ em Pampers ở vị trí 100 với giá trị 17,3 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022.
Shein, nhà bán lẻ thời trang nhanh trực tuyến của Trung Quốc, cũng lần đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng, nhảy thẳng lên vị trí thứ 70.
Đại diện Kantar nói thêm:
“Từ những gì chúng tôi nhận thấy, việc xây dựng thương hiệu đang mang lại rất nhiều giá trị cho doanh nghiệp. Nó không chỉ giúp doanh nghiệp bảo vệ thị phần, gia tăng giá trị, mà còn tạo ra những tấm lá chắn giúp doanh nghiệp vượt qua những thời điểm khi nền kinh tế thực sự khó khăn.”
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo thông báo mới đây của Meta, API của Instagram đã được mở rộng tới các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng với mục tiêu kết nối sâu hơn và cho phép sử dụng nhiều tính năng hơn.
Instagram API: Meta mở rộng API của Instagram tới nhà sáng tạo
Theo đó, thông qua API của Instagram, các nền tảng của bên thứ ba (third-party platforms) sẽ có thể cung cấp nhiều tính năng đăng bài (Post) hơn trong ứng dụng của riêng họ.
Trước hết, các nhà phát triển của bên thứ ba (third-party developer) giờ đây sẽ có thể sử dụng tính năng xuất bản nội dung từ tài khoản người sáng tạo trên Instagram (Instagram Creator), thay vì chỉ là từ các tài khoản doanh nghiệp (business profiles) như trước đây.
Điều này có nghĩa là nếu bạn là nhà sáng tạo nội dung số trên Instagram hay sở hữu các tài khoản của Nhà sáng tạo, bạn có thể sử dụng các ứng dụng hay nền tảng của bên thứ ba để hỗ trợ việc đăng bài. Thay vì phải đăng nhập và sử dụng riêng lẻ nhiều tài khoản, bạn có thể quản lý nội dung từ một nơi duy nhất.
Giờ đây, Meta cũng sẽ cho phép người dùng gắn thẻ người dùng (tag) và đổi tên âm thanh gốc trong Reels thông qua API.
“Tính năng gắn thẻ người dùng sẽ cho phép các nhà phát triển cho phép người dùng gắn thẻ một hoặc nhiều người dùng trong quá trình xuất bản Reels từ API của Instagram.
Tính năng đổi tên ‘Âm thanh gốc’ (Original Audio) sẽ cho phép các nhà phát triển cho phép người dùng thay đổi tên ‘Âm thanh gốc’ mặc định cho bất kỳ âm thanh gốc nào mà họ sở hữu khi tạo Reels thông qua API của Instagram Reels.”
Cuối cùng, Meta cũng đã tăng giới hạn bài đăng hàng ngày cho mỗi tài khoản từ 25 lên 50 bài đăng áp dụng cho tất cả các loại bài đăng trên Stories, Reels và Bảng tin (News Feed).
Nhà phát triển có thể xem thêm về cách sử dụng API của Instagram tại đây.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Trong năm 2023, Meta sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh và tăng trưởng ngành tại Việt Nam.
Meta 2023: 3 chiến lược ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam
Theo Meta, trong suốt 20 năm qua, cộng đồng của Meta không ngừng phát triển, đạt 3 tỷ người sử dụng ít nhất một trong số các ứng dụng của Meta mỗi ngày và 3,8 tỷ người mỗi tháng. Là một phần quan trọng của Meta, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng trở nên kết nối hơn, có thêm nhiều cơ hội cũng như có được cơ sở khách hàng lớn hơn thông qua các tính năng hỗ trợ kinh doanh.
Trong năm 2023, Meta sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh và tăng trưởng ngành tại Việt Nam, bao gồm: tăng trưởng video (đặc biệt là tính năng Reels), vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với doanh nghiệp và xây dựng kết nối chặt chẽ hơn thông qua kinh doanh hội thoại.
“Các doanh nghiệp thuộc đa dạng lĩnh vực đang có rất nhiều cơ hội cũng như kết nối với các đối tượng khách hàng mục tiêu trên các nền tảng của Meta.
Trong năm nay, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khám phá và phát triển thông qua ba trọng tâm bao gồm Video ngắn Reels, Trí tuệ nhân tạo và Kinh doanh hội thoại – những thành tố không thể thiếu trong sự phát triển của cộng đồng hơn 3 tỷ người của Meta trên toàn thế giới cũng như thúc đẩy hơn 200 triệu doanh nghiệp thuộc nhiều quy mô khác nhau trên toàn thế giới sử dụng Facebook, Instagram và WhatsApp để phát triển kinh doanh” – ông Ben Joe, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Nam Á và các thị trường mới nổi, Meta cho biết.
Tính năng Reels đã trở thành thể loại nội dung phổ biến được tiêu thụ nhiều nhất trên các nền tảng của Meta cũng như là định dạng tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo báo cáo tài chính quý IV năm 2022 của Meta, tại Việt Nam, số lượng Reels được xem đã tăng gấp đôi và nội dung Reels được cộng đồng chia sẻ lại trên Facebook và Instagram đã tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái.
Sự phát triển của Reels gắn liền với vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa cho mọi người.
Theo kết quả từ Nghiên cứu Culture Rising của Meta, các cuộc thảo luận về chủ đề AI trên Facebook và Instagram đã tăng 173% so với năm ngoái.
Công nghệ AI cũng đã giúp mọi người xem nhiều video Reels được cá nhân hóa hơn phù hợp với sở thích của họ. Công nghệ cá nhân hóa từ AI đã thúc đẩy mức tiêu thụ nội dung trên Reels tăng 24%.
Một trong những bước đột phá mà Meta đã thực hiện để giúp các doanh nghiệp phát triển kinh doanh là ra mắt Meta Advantage Suite vào năm 2022 – bộ sản phẩm giúp đơn giản hóa các bước tạo quảng cáo và kết nối nhà quảng cáo hoặc chủ sở hữu doanh nghiệp với nội dung quảng cáo phù hợp và đúng đối tượng, vào đúng thời điểm.
Tháng Năm vừa qua, Meta đã chia sẻ thêm chi tiết về cách Meta sử dụng AI để cải thiện hiệu suất quảng cáo cho doanh nghiệp, bao gồm giới thiệu về AI Sandbox đang thử nghiệm các khả năng của AI tạo sinh (Generative AI) cho nhà quảng cáo.
Các tính năng mới trong bộ công cụ tự động hóa quảng cáo Meta Advantage và thông tin chi tiết khác về cơ sở hạ tầng AI của Meta cũng như các khoản đầu tư làm mẫu thử nghiệm để hỗ trợ cho tất cả các công cụ trên.
“Về cơ bản, chủ sở hữu doanh nghiệp trên nền tảng Meta đã và đang sử dụng ít nhất một trong số các sản phẩm do Meta Advantage cung cấp. Điều này có nghĩa là hàng triệu doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ công nghệ AI để đạt được các mục tiêu kinh doanh của họ” – ông Ben nói thêm.
Trọng tâm thứ ba của Meta trong năm nay là Kinh doanh hội thoại – xu hướng nhắn tin giữa doanh nghiệp và khách hàng. Hiện tại, hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới kết nối với các doanh nghiệp thông qua các ứng dụng nhắn tin Meta mỗi tuần.
“Không thể phủ nhận rằng cộng đồng người Việt thích kết nối với bạn bè và gia đình của họ thông qua các dịch vụ nhắn tin và họ muốn có những trải nghiệm tương tự với các doanh nghiệp.
Nghiên cứu từ Boston Consulting Group (BCG) và Meta năm 2022 cho thấy, cứ 3 người tiêu dùng Việt Nam thì có ít nhất 1 người nhắn tin cho doanh nghiệp ít nhất 1 lần/tuần.
Nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ sử dụng Kinh doanh hội thoại cao nhất, 73% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát sử dụng tính năng này để tiếp cận với các doanh nghiệp.
Điều này cho thấy Kinh doanh hội thoại tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cũng như tiếp cận khách hàng” – ông Khôi Lê, Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam, Meta chia sẻ.
Một nghiên cứu do Forrester Consulting và Meta thực hiện vào tháng 12/2022 cho thấy, các sử dụng các kênh kinh doanh hội thoại giúp đạt kết quả kinh doanh tốt hơn 61% so với các kênh liên lạc khác được sử dụng trước đây.
Ví dụ: về doanh số, giá trị đơn hàng từ khách hàng cao hơn 22,1% nhờ vào giao tiếp giữa người bán và người mua thông qua kinh doanh hội thoại.
“Hai yếu tố trong Kinh doanh hội thoại của Meta thường được nhãn hàng sử dụng là tính năng Nhấp để chat trong Messenger (Click to Messenger Ads) và Quảng cáo tìm kiếm khách hàng (Lead Ads), từ đó củng cố mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và khách hàng trung thành thông qua cách tiếp cận được cá nhân hoá hơn” – ông Khôi nói thêm.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Vào năm 2022, công ty sản xuất thực phẩm Nhật Bản Yaokin từng gây sốc khi tăng giá món snack quốc dân Umaibo từ 10 yên lên 12 yên. Trước sự phản đối kịch liệt của nhiều thế hệ người dân gắn bó với món ăn vặt này, công ty đã phải lên tiếng xin lỗi.
Kinh tế Nhật Bản bừng tỉnh sau nhiều thập kỷ chậm chạp
Nhưng câu chuyện hiện giờ đã khác. Hầu như không ai có ý kiến gì khi thấy một loạt các công ty bắt đầu tăng giá từ đầu tháng 6 đối với hàng nghìn mặt hàng thiết yếu, từ mì ăn liền đến chai nước tương.
Giới nhà đầu tư cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là việc chấp nhận lạm phát gia tăng. Ngoài ra, việc quản trị doanh nghiệp tốt hơn cùng với quyết định đầu tư của tỷ phú Warren Buffett đã đẩy thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong vòng 33 năm qua.
Hiện nay, nhiều người đã bắt đầu coi lạm phát là lý do để tin rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cuối cùng cũng trỗi dậy sau nhiều thập kỷ tăng trưởng chậm hoặc thậm chí là đứng im.
Chiến lược gia thị trường khu vực châu Á Thái Bình Dương David Chao tại Invesco Asset Management, nói rằng: “Chúng tôi đã chờ đợi bước ngoặt này quá lâu, và chúng tôi đã có khởi đầu sai lầm. Tôi nghĩ lần này lạm phát và các động lực tăng trưởng đã khác và bền vững hơn”.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Nhật Bản tăng 4,3% trong tháng 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng nhanh nhất trong vòng 41 năm qua.
Mặc dù ban đầu, sự gia tăng là do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu chứ không phải do nhu cầu, nhưng áp lực về giá đủ mạnh để các chuyên gia kinh tế kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn, ngay cả khi chi phí nhập khẩu giảm.
Việc ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục thúc đẩy lạm phát, trong khi các ngân hàng trung ương toàn cầu làm điều ngược lại là điều có lợi cho chứng khoán Tokyo.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng BOJ sẽ duy trì chính sách cực lỏng trong cuộc họp tuần này, nhưng có khoảng 55% trong số họ đang tin rằng ngân hàng trung ương sẽ đạt được mức mục tiêu lạm phát ổn định là 2%.
Ông Angus McKinnon, nhà quản lý danh mục tại LT Funds, cho rằng lãi suất tăng có thể sẽ là con dao hai lưỡi. Tác động lớn nhất sẽ phát đi tín hiệu rằng Nhật Bản đang tiếp tục hồi phục sau đại dịch và bình thường hoá nền kinh tế của mình.
“Giảm phát khiến mọi người trì hoãn chi tiêu và các công ty ngừng đầu tư. Còn lạm phát vừa phải sẽ đưa đà tăng trưởng đi theo hướng khác”, Alex Stanić, người đứng đầu bộ phận chứng khoán toàn cầu tại Artemis Investment Management nói.
Trong khi nhiều cho rằng thị trường chứng khoán sắp giảm sau khi tăng gần 25% từ đầu năm đến nay, một số nhà đầu tư vẫn lạc quan rằng lạm phát sẽ tiếp tục tạo cú hích, bởi những người tiết kiệm lâu nay sẽ đổ tiền vào chứng khoán trong nước để duy trì giá trị tài sản của họ.
Giới đầu tư cũng kỳ vọng lạm phát (inflation) khuyến khích nhiều doanh nghiệp sử dụng lượng tiền mặt tích trữ của mình. Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh chi tiêu cho công nghệ và cơ sở hạ tầng mới.
Ông Takashi Kozu, chủ tịch Hiệp hội các Nhà phân tích Chứng khoán Nhật Bản, nhận định: Trong bối cảnh giảm phát, giá trị sản phẩm và hàng tồn kho giảm, trong khi nợ không đổi, nên doanh nghiệp không có động cơ để mở rộng bảng cân đối kế toán thông qua đòn bẩy.
Trong suốt 30 qua, các công ty Nhật Bản đã từ chối chịu rủi ro. Kết quả là chúng tôi bỏ lỡ cơ hội đổi mới các ngành công nghiệp.
Nhiều người vẫn hoài nghi về sự phục hồi của Nhật Bản, nhưng điểm khác biệt chính của lần này là động lực đi kèm với lương tăng. Nhà điều hành đơn vị bán lẻ Uniqlo – Fast Retailing Co vào tháng 1 vừa qua đã công bố tăng lương lên tới 40% cho các nhân viên. Nintendo Co. và Toyota Motor cũng đã làm tương tự.
Các chuyên gia phân tích cho biết, trong khi dữ liệu hàng tháng gần đây cho thấy lạm phát vẫn vượt xa mức tăng lương, xu hướng chung vẫn là tích cực.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Ma trận BCG (Boston Consulting Group) hay còn được gọi là ma trận tăng trưởng được dùng để đánh giá rủi ro có thể xảy đến với một sản phẩm, dịch vụ, từ đó xây dựng các chiến lược một cách hiệu quả.
Ma trận BCG: Tận dụng để đầu tư và xây dựng chiến lược tăng trưởng
Lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng vào những năm 1970, ma trận BCG (hay còn gọi là ma trận tăng trưởng) được Bruce Henderson – một doanh nhân và nhà tư vấn quản lý người Mỹ, cho ra mắt nhằm giúp các công ty bấy giờ phân tích mô hình kinh doanh của họ cũng như các sản phẩm, dòng sản phẩm có mặt trên thị trường.
Qua đó ma trận BCG được sử dụng để phân tích các sản phẩm trong danh mục đầu tư của doanh nghiệp theo mức tăng trưởng và thị phần của chúng.
BCG là gì?
Thông qua việc phân loại các sản phẩm vào 4 nhóm chính, ma trận BCG sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư khôn ngoan và hiệu quả hơn vào các hạng mục sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, công cụ này còn giúp dự đoán tác động của các khoản đầu tư lên dòng tiền và lợi nhuận trong tương lai.
Ma trận BCG được chia làm 4 ô vuông bao gồm: Ngôi sao (Star), Bò sữa (Cash cows), Con chó (Dog) và Dấu hỏi (Question mark). Trong đó mỗi ô vuông lại được chia làm hai cột x và y, tương ứng với trục tung và trục hoành.
Trong khi trục tung đại diện cho thị phần của doanh nghiệp thì trục hoành thể hiện tốc độ tăng trưởng của thị trường. Từ hai tiêu chí này, doanh nghiệp sẽ đánh giá và đề ra chiến lược thanh lý, đầu tư hay rút lui khỏi thị trường. Trong đó, từng ô vuông được định nghĩa như sau:
Ma trận BCG: Giai đoạn Ngôi sao (Star).
Những sản phẩm có thị phần cao và đang phát triển tốt sẽ được gọi là những ngôi sao đang lên. Để có thể xuất hiện trong mục ngôi sao, những sản phẩm này cần phải có một thị phần đáng kể và mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp; tiềm năng tăng trưởng cao, có khả năng thúc đẩy sự tăng trưởng của dòng tiền.
Cùng với thời gian, khi thị trường phát triển, những ngôi sao này trở thành những con bò sữa nắm giữ thị phần khổng lồ trong một thị trường tăng trưởng thấp. Những con bò như vậy được “vắt sữa” để tập trung nguồn tiền cho việc phát triển các sản phẩm sáng tạo khác nhằm tạo ra các ngôi sao mới.
Ví dụ, những sản phẩm chứa con chip M1 và M2 từ hãng Apple đang là ngôi sao đang lên khi liên tục tạo ra những kỷ lục về doanh thu, đồng thời thu hút sự chú ý của cả thị trường nhờ hiệu năng vượt trội.
Ma trận BCG: Giai đoạn Bò sữa (Cash cow).
Những sản phẩm có khả năng phát triển không nhiều nhưng có thị phần lớn sẽ được gọi là những chú bò sữa. Những con bò sữa là những sản phẩm có ROI (Return on Investment – là tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư) đáng kể nhưng hoạt động trong một thị trường đã bão hòa, thiếu sự đổi mới và tăng trưởng.
Những sản phẩm này tạo ra nhiều tiền hơn mức chúng tiêu thụ. Do đó, những sản phẩm này thường được sử dụng để cung cấp nguồn lực cho các hoạt động phát triển khác đang được tiến hành (bao gồm cả các sản phẩm thuộc ngôi sao và dấu chấm hỏi).
Ma trận BCG: Giai đoạn Con chó (Dog).
Sản phẩm nằm trong phần này sẽ là nhóm chiếm thị phần nhỏ và hoạt động trên thị trường có tốc độ tăng trưởng thấp. Sở dĩ được gọi là những chú chó bởi lẽ những sản phẩm này mặc dù đã nhận được sự đầu tư đáng kể nhưng vẫn không mang lại lợi nhuận, thậm chí gây thâm hụt ngân sách.
Chính vì vậy nhóm sản phẩm này thường được sử dụng để đánh giá các sản phẩm kém nhằm có chính sách thu hẹp và loại bỏ dần khỏi chiến lược kinh doanh.
Ma trận BCG: Giai đoạn Dấu hỏi (Question mark).
Dấu hỏi có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng thị phần thấp khiến tiềm năng tương lai của nhóm này bị nghi ngờ. Do sở hữu tốc độ tăng trưởng cao, nếu được kết hợp cùng các chiến lược và khoản đầu tư đúng đắn, những dấu hỏi có thể vụt sáng để trở thành những con bò sữa, thậm chí là những ngôi sao mới.
Nhưng với thị phần thấp, dấu hỏi cũng có thể trở thành một khoản đầu tư sai lầm và xuống “hạng chó” chỉ sau một thời gian ngắn, ngay cả khi được đầu tư nhiều.
Ví dụ: TikTok Shoplà một nền tảng bán hàng thương mại điện tử đang rất được yêu thích với tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng đồng thời khả năng phân phối cũng như chính sách ngặt nghèo đang khiến nhiều doanh nghiệp đặt dấu hỏi về sự hiệu quả mà nó mang lại cho doanh số.
Những lợi ích của ma trận BCG là đơn giản và dễ hiểu; giúp sàng lọc nhanh chóng và đơn giản các cơ hội, qua đó dễ dàng hơn trong việc đưa ra các quyết định nhằm tận dụng tối đa các cơ hội đó; giúp xác định cách sử dụng nguồn tiền mặt của doanh nghiệp tốt nhất để tối đa hóa khả năng sinh lời và tăng trưởng thị phần trong tương lai; tạo ra một khuôn khổ để phân bổ nguồn lực giữa các sản phẩm khác nhau và cho phép so sánh danh mục sản phẩm trong nháy mắt
Ngược lại, nhược điểm của ma trận BCG đó là chỉ sử dụng hai yếu tố để cân nhắc gồm thị phần tương đối của sản phẩm và tốc độ tăng trưởng thị trường. Đây không phải là những chỉ số duy nhất có thể sử dụng để đánh giá về khả năng lợi nhuận, sự hấp dẫn hay quyết định sự thành bại của một sản phẩm.
Nó bỏ qua ảnh hưởng của sức mạnh tổng hợp của các thương hiệu con. Các doanh nghiệp có thị phần thấp cũng có thể có lãi. Thị phần (Market Share) cao không phải lúc nào cũng dẫn đến lợi nhuận cao vì việc giành được thị phần cao cũng đồng nghĩa với việc chi phí tiếp thị cao.
Đôi khi, chó có thể giúp doanh nghiệp hoặc các sản phẩm khác đạt được lợi thế cạnh tranh. Và nhược điểm cuối cùng đó là mô hình này bỏ qua các đối thủ cạnh tranh nhỏ có thị phần tăng trưởng nhanh.
Kết luận.
Ma trận BCG là một trong những công cụ phổ biến nhất được dùng để phân tích chiến lược, thúc đẩy sự tăng trưởng, bảo vệ thị phần và phát triển doanh nghiệp bền vững.
Bằng cách liên tục tối ưu hoá và phát triển sản phẩm phù hợp với từng giai đoạn hay chu kỳ của thị trường, bạn có thể đảm bảo rằng doanh nghiệp của mình có nhiều cơ hội hơn trong tương lai.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo cập nhật mới đây từ Reuters, Meta vừa công bố ra mắt mô hình tạo hình ảnh dựa trên công nghệ AI mới được gọi là ‘human-like’ AI (trí thông minh giống người).
Meta ra mắt mô hình xây dựng hình ảnh ‘human-like’ AI
Meta Platforms cho biết rằng nền tảng này sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu quyền truy cập vào các công nghệ của mô hình trí tuệ nhân tạo “giống con người” (human-like AI) mới, công nghệ được Meta cho là “có thể phân tích và xây dựng hình ảnh chính xác hơn nhiều so với các mô hình hiện có.”
Human-like AI (artificial intelligence) là gì?
Human-like AI được định nghĩa là loại trí tuệ nhân tạo (do con người tạo ra) nhưng lại giống hoặc tương tự con người. Từ cách thức công nghệ này hiểu đến cách phản hồi và lập luận đều tự nhiên giống con người.
Công nghệ Human-like AI của Meta.
Có tên gọi là I-JEPA, mô hình AI mới của Meta sẽ sử dụng các lý thuyết nền cơ bản (background knowledge) để lấp đầy những phần hình ảnh còn thiếu, thay vì chỉ là nhìn vào các pixel gần đó như các mô hình AI tổng quát (Generative AI) khác.
Meta, công ty mẹ của Facebook, WhatsApp và Instagram, là nhà xuất bản nhiều nghiên cứu AI mã nguồn mở (open-sourced AI) thông qua phòng thí nghiệm nghiên cứu nội bộ.
CEO Mark Zuckerberg cho biết rằng việc chia sẻ các mô hình do các nhà nghiên cứu của Meta phát triển vừa có thể đảm bảo tính minh bạch, vừa có thể giúp thúc đẩy sự đổi mới, phát hiện ra những lỗ hổng an toàn và giảm chi phí.
“Đối với chúng tôi, sẽ tốt hơn nhiều nếu ngành (AI) có thể tiêu chuẩn hóa các công cụ cơ bản mà chúng tôi đang sử dụng và do đó chúng tôi có thể hưởng lợi từ những cải tiến mà những người khác thực hiện”, CEO Meta chia sẻ với các nhà đầu tư.
Meta trước đó cũng đã bác bỏ những cảnh báo từ những nhà lãnh đạo khác trong ngành về những nguy cơ tiềm ẩn của AI, từ chối ký vào một tuyên bố được đề nghị bởi các CEO từ OpenAI, DeepMind, Microsoft và Google.
Meta cũng đang bắt đầu kết hợp các tính năng AI tổng quát vào các sản phẩm hiện có trên nền tảng, chẳng hạn như các công cụ quảng cáo tự động (tự động xây dựng nội dung và nhắm mục tiêu) và một số sản phẩm chỉnh sửa hình ảnh trên Instagram.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Chương trình Đối tác YouTube (YouTube Partner Program) hiện sẽ được mở rộng cho những nhà sáng tạo nội dung có tối thiểu 500 người đăng ký (subscribers), cho phép nhà sáng tạo nhỏ hơn kiếm tiền từ nội dung của họ.
YouTube Partner Program: Mở rộng chương trình kiếm tiền đến các nhà sáng tạo nhỏ
Theo đó, YouTube vừa thông báo rằng nền tảng này đang giảm bớt các yêu cầu về tính đủ điều kiện và mở một số phương thức kiếm tiền cho những người sáng tạo nội dung số nhỏ hơn.
Theo chính sách về tính đủ điều kiện mới của YouTube, người sáng tạo giờ đây sẽ có quyền truy cập vào Chương trình Đối tác YouTube (YouTube Partner Program) khi tài khoản của họ đạt được 500 người đăng ký.
YouTube cũng đang hạ thấp các điểm chuẩn (Benchmarks) khác như: những người sáng tạo tham gia sẽ chỉ cần 3.000 giờ xem hợp lệ thay vì 4.000, hoặc 3 triệu lượt xem video trên Shorts thay vì là 10 triệu.
Các yêu cầu mới về tính đủ điều kiện sẽ bắt đầu được triển khai ở Mỹ, Vương quốc Anh, Canada, Hàn Quốc và Đài Loan trước khi mở rộng sang các khu vực khác.
Để tham gia Chương trình Đối tác của YouTube, người dùng vẫn cần phải:
Có một tài khoản AdSense đang hoạt động để liên kết với kênh YouTube hoặc sẵn sàng thiết lập một tài khoản trong YouTube Studio nếu chưa có tài khoản.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng tìm hiểu tất cả các lý thuyết nền tảng của thuật ngữ Market Penetration (Tiếng Việt có nghĩa là Thâm nhập thị trường) trong Marketing như: Market Penetration là gì? Thấu hiểu khái niệm Market Penetration trong bối cảnh Marketing và kinh doanh, các chiến lược Market Penetration, ví dụ về Market Penetration và hơn thế nữa.
Market Penetration là gì? Các chiến lược Market Penetration
Trong bối cảnh kinh doanh và marketing, mục tiêu của hầu hết các doanh nghiệp là tăng trưởng, cả về doanh số, khách hàng tiềm năng và thị phần. Trong khi đối với một số doanh nghiệp, để đạt được mục tiêu, họ chỉ cần chiếm thêm thị phần, mở rộng sản phẩm hay tệp khách hàng tiềm năng ở một thị trường nhất định, với một số doanh nghiệp thì nó lại có nghĩa là họ cần tiến vào một số thị trường mới ngoài thị trường hiện có. Đây chính là lúc khái niệm Market Penetration ra đời.
Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài viết này bao gồm:
Market Penetration là gì?
Thấu hiểu về khái niệm Market Penetration trong bối cảnh marketing và kinh doanh.
Công thức tính mức độ hay tỷ lệ Market Penetration.
Sự khác biệt giữa Market Penetration và phát triển thị trường là gì?
Các chiến lược Market Penetration phổ biến hiện nay là gì?
Trong bối cảnh kinh doanh và marketing, Market Penetration được định nghĩa là phần trăm hay số lượng các sản phẩm hoặc dịch vụ được bán cho khách hàng so với tổng thị trường ước tính cho sản phẩm hoặc dịch vụ đó.
Market Penetration là chỉ số giúp doanh nghiệp xác định quy mô của thị trường (Market Size) tiềm năng để từ đó định hướng phát triển chiến lược tăng thị phần của một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào đó.
Một số điểm cần hiểu về thuật ngữ Market Penetration.
Market Penetration là thước đo lượng sản phẩm hoặc dịch vụ đang được khách hàng mục tiêu sử dụng so với tổng thị trường ước tính cho sản phẩm hoặc dịch vụ tương ứng.
Market Penetration cũng liên quan đến số lượng khách hàng tiềm năng đã mua sản phẩm của một doanh nghiệp hay thương hiệu cụ thể thay vì là sản phẩm (tương tự) của đối thủ cạnh tranh.
Phát triển thị trường (Market Development) là chiến lược cần thiết để tăng thị phần hoặc Market Penetration.
Các chiến lược Market Penetration phổ biến bao gồm việc giảm giá, mua lại đối thủ cạnh tranh, nhắm mục tiêu đến các thị trường mới hoặc giới thiệu sản phẩm mới.
Bởi sự khác biệt về văn hoá và hành vi của người tiêu dùng ở từng thị trường hay khu vực khác nhau, việc Market Penetration cũng có thể gây hại cho thương hiệu (giá thị và hình ảnh của thương hiệu) và khách hàng hiện tại.
Thấu hiểu khái niệm Market Penetration.
Như đã đề cập ở trên, khái niệm Market Penetration có thể được sử dụng để xác định quy mô hay dung lượng của thị trường tiềm năng.
Nếu tổng thị trường này là lớn, các doanh nghiệp sẽ Market Penetration với mục tiêu là giành lấy thị phần (Market Share) hoặc một tỷ lệ phần trăm (đủ lớn) khách hàng tiềm năng nào đó hiện có trong ngành.
Ví dụ: nếu có 300 triệu người trong một quốc gia và 65 triệu người trong số họ sở hữu điện thoại di động, thì tỷ lệ Market Penetration của điện thoại di động sẽ là khoảng gần 22% (65/300).
Về mặt lý thuyết, vẫn còn 235 triệu khách hàng tiềm năng cho sản phẩm điện thoại di động trong thị trường (Market) này, hay hơn 78% dân số vẫn chưa được khai thác, đây rõ ràng là một động lực vô cùng lớn để các doanh nghiệp thâm nhập vào.
Theo cách hiểu tương tự, thuật ngữ Market Penetration có thể được sử dụng để đánh giá toàn bộ ngành nhằm xác định tiềm năng giành thị phần hoặc tăng doanh thu thông qua khả năng bán hàng.
Liên quan đến khái niệm Market Penetration, bạn cũng cần hiểu về các chỉ số liên quan đó là tỷ lệ Market Penetration và mức độ Market Penetration.
Market Penetration Rate là gì?
Khi quyết định thâm nhập vào bất cứ thị trường nào, doanh nghiệp sẽ phải định lượng khả năng thâm nhập của họ hay Market Penetration rate.
Market Penetration rate đơn giản là một tỷ lệ so sánh hiệu suất của một doanh nghiệp so với toàn bộ thị trường.
Market Penetration rate đặc biệt quan trọng vì nó cho phép doanh nghiệp so sánh vị trí hiện tại, vị trí đã đến và vị trí họ muốn đạt được trong tương lai, bao gồm cả việc đánh giá xem đối thủ cạnh tranh của họ đang hoạt động như thế nào trên thị trường đó.
High Market Penetration là gì?
Khi nói đến Market Penetration, rõ ràng là doanh nghiệp nào cũng sẽ muốn có được một mức độ thâm nhập cao (cao nhất có thể). Mức độ thâm nhập càng cao, doanh nghiệp càng được hưởng lợi.
Ví dụ, trong thị trường giày thể thao, Nike có thể nói là thương hiệu có mức độ Market Penetration cao nhất. Bởi lý do này, nếu bạn từng ghé thăm các cửa hàng bán đồ thể thao lớn (hàng hiệu) hay thậm chí là gian hàng bán giày thể theo (Sneaker) ở các siêu thị, Nike thường chiếm một không gian lớn (POSM).
Điều này khá dễ hiểu khi nhà bán hàng hiểu rằng, khách hàng thường chọn mua Nike và Nike theo đó có khả năng mang lại doanh thu cao nhất cho họ.
Sự nổi tiếng và thương hiệu mạnh của Nike cũng là bảo chứng cho điều này. Đây chính là kết quả của mức độ Market Penetration cao của Nike.
Ngoài các lợi ích này, mức độ Market Penetration cao cũng có nghĩa là:
Thương hiệu là một nhà lãnh đạo ngành (Market Leader).
Thương hiệu được công nhận rộng rãi.
Thương hiệu có khả năng hiện diện và nhận biết tốt trên thị trường.
Thương hiệu có giá trị cao.
Khả năng bán được nhiều hàng hơn và mang về doanh số cao hơn.
Ngoài ra, Market Penetration cao cũng mang lại nhiều lợi thế về Marketing, giảm bớt áp lực về các chiến lược bán hàng trực tiếp (Performance Marketing) và có nhiều cơ hội hơn để phát triển hay thúc đẩy giá trị của thương hiệu.
Cách tính mức độ hay tỷ lệ Market Penetration.
Mức độ thâm nhập thị trường (Market penetration) có thể được định lượng như một tỷ lệ mô tả tỷ lệ thị trường đã bị “chiếm” bởi doanh nghiệp.
Để tính toán mức độ thâm nhập thị trường, doanh nghiệp phải biết được số lượng khách hàng mà doanh nghiệp có được so với tổng quy mô của thị trường.
Công thức tính Market Penetration Rate sẽ được tính như sau:
Market Penetration Rate = Số lượng khách hàng (doanh nghiệp có được) / Tổng tuy mô của thị trường x 100%
Số lượng khách hàng: là những khách hàng mà doanh nghiệp đã hoặc đang có được. Trong khi một số doanh nghiệp coi những khách hàng này là những người mua hàng lặp lại (trung thành hoặc mua nhiều lần), một số doanh nghiệp khác coi đó là những người đã từng mua hàng trong một khoảng thời gian nhất định.
Tổng quy mô thị trường: là biến có thể khó xác định hơn. Tổng quy mô thị trường không nhất thiết phải là dân số của một khu vực cụ thể; thay vào đó, nó là tổng số khách hàng tiềm năng mà doanh nghiệp có thể có (trong một phân khúc thị trường nào đó).
Trong không ít các trường hợp, số lượng khách hàng không phải là biến quan trọng nhất với doanh nghiệp mà là giá trị (tính bằng tiền) mang về.
Nói một cách dễ hiểu, thay vì cố gắng làm Market Penetration để giành lấy nhiều khách hàng, doanh nghiệp tập trung vào những khách hàng có giá trị cao nhất, điều này đặc biệt đúng với ngành hàng B2B (business-to-business).
Sự khác biệt giữa Market Penetration và Market Development là gì?
Về cơ bản, Market Penetration và Market Development là 2 thuật ngữ thường đi kèm với nhau. Market Development hay Phát triển thị trường là một chiến lược hoặc hành động cần thiết nếu doanh nghiệp muốn tăng thị phần hoặc tăng mức độ Market Penetration.
Để tăng khả năng Market Penetration, trước tiên doanh nghiệp cần phải tập trung vào việc phát triển thị trường.
Để có thể hình dung rõ hơn về điều này, bạn có thể xem chi tiết ở ví dụ bên dưới.
ABC là một thương hiệu giày thể thao cao cấp dành cho Nam giới. Để tăng mức độ thâm nhập vào thị trường, thương hiệu này đang cân nhắc một thị trường nhỏ hơn nhưng rất tiềm năng — giày thể thao dành cho trẻ em.
Mặc dù sản phẩm mới không phải là nguồn doanh thu chính của doanh nghiệp, nhưng nó lại vừa bổ sung dòng sản phẩm vừa mang lại một lượng khách hàng mới.
Rõ ràng là, để thâm nhập vào một thị trường rộng lớn hơn, ABC trước tiên đã phát triển thêm một thị trường nhỏ vốn chưa được khai thác trước đó.
Các chiến lược Market Penetration phổ biến nhất hiện nay là gì?
Chiến lược Market Penetration là chiến lược khi một doanh nghiệp hướng tới mục tiêu có được thị phần cao hơn bằng cách khai thác các sản phẩm hiện có cũng trên các thị trường hiện có (đã tồn tại).
Chiến lược Market Penetration là 1 phần có trong mô hình ma trận Ansoff bao gồm 4 chiến lược tăng trưởng như: chiến lược Market Penetration (sử dụng sản phẩm hiện có trên thị trường hiện tại), chiến lược phát triển thị trường (sử dụng sản phẩm hiện có cho một thị trường mới), chiến lược phát triển sản phẩm (sử dụng sản phẩm mới cho thị trường hiện có), chiến lược đa dạng hoá (sử dụng sản phẩm mới tới một thị trường mới).
Một khi doanh nghiệp chọn Market Penetration làm chiến lược của mình, dưới đây là các chiến lược mà doanh nghiệp có thể tham khảo.
1. Thay đổi chiến lược định giá.
Trong marketing, giá bán là một trong những yếu tố nhạy cảm nhất đối với người tiêu dùng, ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của họ và hơn thế nữa. Để thực thi Market Penetration, doanh nghiệp có thể thay đổi chiến lược định giá theo hướng giảm hoặc tăng giá bán cho một sản phẩm hay dịch vụ cụ thể nào đó.
2. Cải tiến hoạt động Marketing.
Với các phân khúc thị trường khác nhau, doanh nghiệp cần có những chiến lược tiếp cận khác nhau. Để làm Market Penetration, bạn cần phải xây dựng lại các bản kế hoạch hay chiến lược marketing (Marketing Plan) hiện tại của mình.
3. Xác định nhu cầu về một sản phẩm mới, sản xuất và tung nó ra thị trường.
Với chiến lược Market Penetration này, các marketer có thể khảo sát và phân tích khách hàng cũng như các nhóm đối tượng mục tiêu để xác định nhu cầu về một sản phẩm (hoặc tính năng) mới. Sau đó, tập trung sản xuất và bán nó.
4. Cải tiến hoặc thay đổi sản phẩm (tính năng) hiện có cũng là một chiến lược Market Penetration hiệu quả.
Để thâm nhập sâu hơn vào thị trường, doanh nghiệp có thể chọn cách giải quyết các nỗi đau của khách hàng bằng cách cập nhật, cải tiến hoặc thay đổi các sản phẩm (tính năng) hiện có.
5. Tìm kiếm các khu vực mới sau đó tự phát triển hoặc nhượng quyền thương hiệu.
Ở chiến lược này, doanh nghiệp có thể mở cửa hàng hoặc tìm kiếm khách hàng tiềm năng (Lead) ở những khu vực mới. Doanh nghiệp có thể tự mở rộng hoặc nhượng quyền thương hiệu cho các đối tác khác.
6. Mua lại một doanh nghiệp hoặc đối thủ cạnh tranh trong ngành.
Nếu bạn tìm hiểu, bạn thấy rằng phần lớn các doanh nghiệp lớn như Facebook, Google, hay Microsoft đều không ngừng thực hiện chiến lược mua lại các nền tảng hay doanh nghiệp khác (thường là cùng ngành). Facebook mua lại mạng xã hội Instagram hay Microsoft mua lại LinkedIn là những ví dụ tiêu biểu.
Thay vì phải xây dựng từ đầu, bằng cách mua lại các đối thủ, doanh nghiệp hiển nhiên có thêm vô số các khách hàng mới (và thị trường mới).
7. Cung cấp các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để tăng lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu.
Nếu bạn là người làm marketing, có thể bạn đã biết rằng chi phí để có được một khách hàng mới thường cao hơn nhiều lần so với việc giữ chân khách hàng cũ, điều này cũng đúng với chiến lược Market Penetration.
Bằng cách đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hay các chương trình khách hàng thân thiết khác, doanh nghiệp có thể xây dựng lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu (Brand Loyalty), khiến khách hàng cũ quay lại mua hàng, khách hàng hiện có mua nhiều hơn và cũng có thêm khách hàng mới gia nhập.
8. Phát triển các chiến dịch Marketing mới cũng là chiến lược thông minh để làm Market Penetration.
Doanh nghiệp có thể xây dựng và khởi chạy các chiến dịch hoặc sáng kiến marketing mới để quảng bá các sản phẩm hiện có theo cách độc đáo và mới lạ hơn mà khách hàng chưa từng thấy trước đây (so với đối thủ).
9. Thúc đẩy các hoạt động bán hàng.
Chiến lược Market Penetration cuối cùng mà doanh nghiệp có thể tham khảo đó là đầu tư nhiều hơn vào bộ phận bán hàng (Sales). Khuyến khích các nhân viên bán hàng tăng số lượng tương tác với các khách hàng tiềm năng cao và hơn thế nữa.
FQAs – Những câu hỏi thường gặp về thuật ngữ Market Penetration.
Penetration rate là gì?
Penetration rate hay viết đầy đủ là Market Penetration rate có nghĩa là Tỷ lệ thâm nhập thị trường, là một tỷ lệ so sánh hiệu suất của một doanh nghiệp so với toàn bộ thị trường.
Market Penetration rate đặc biệt quan trọng vì nó cho phép doanh nghiệp so sánh vị trí hiện tại, vị trí đã đến và vị trí họ muốn đạt được trong tương lai, bao gồm cả việc đánh giá xem đối thủ cạnh tranh của họ đang hoạt động như thế nào trên thị trường đó.
Kết luận.
Trên đây là tất cả những gì bạn cần biết khi tìm hiểu về thuật ngữ Market Penetration trong bối cảnh kinh doanh và marketing.
Trong khi bạn có thể sử dụng nhiều chiến lược Market Penetration khác nhau, bằng cách hiểu rõ bản chất vốn có của nó, hiểu Market Penetration là gì, các chiến lược thâm nhập thị trường tiềm năng có thể áp dụng hay công thức tính Market Penetration rate, giờ đây bạn có nhiều kiến thức và cơ hội hơn để áp dụng cho doanh nghiệp của mình.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Reddit đã phát hành API miễn phí từ nhiều năm trước nhưng vì mô hình kinh doanh không thu nhiều lợi nhuận nên đã quyết định thu phí những bên truy cập API Reddit.
Reddit sẽ sớm thu phí cho các bên sử dụng API Reddit
Những ngày vừa qua là thời gian khủng hoảng của Reddit khi hơn 100 subreddit bị xóa sổ, trong đó có 5 subreddit phổ biến nhất trên nền tảng bắt đầu đóng cửa từ ngày 12/6.
Bên cạnh đó, hàng nghìn hội nhóm và loạt bài viết trên trang chủ nhằm phản đối chính sách thu tiền API (giao diện lập trình ứng dụng) xuất hiện, trang theo dõi Reddark cho biết.
Là một trong những diễn đàn lớn nhất Internet, Reddit sở hữu lượng người dùng khổng lồ, lên đến 57 triệu lượt truy cập hàng ngày.
Nền tảng đã phát hành API miễn phí từ nhiều năm trước nhưng vì mô hình kinh doanh không thu nhiều lợi nhuận nên đã quyết định thu phí những bên truy cập API Reddit.
Không có tiền khi phát hành API miễn phí.
Theo Digital Trends, API miễn phí có nghĩa là bất cứ lập trình viên nào cũng có thể Reddit cung cấp dữ liệu để phát triển app của riêng mình.
Nhiều người làm ứng dụng bằng chính ngôn ngữ giao diện của mình và thêm những tính năng mình mong muốn, sau đó dùng API của Reddit để phổ biến những tính năng này thông qua thông tin subreddit, bài đăng, bình luận, hồ sơ người dùng…
Để làm được điều này, mỗi lần sử dụng, ứng dụng sẽ gửi yêu cầu đến API. Đơn cử như người dùng muốn xem một bài viết, hệ thống sẽ gửi yêu cầu bài viết đó đến Reddit hay khi muốn bình luận, hệ thống sẽ gửi bình luận đó đến API.
API không phải là một ứng dụng riêng biệt nên bất kỳ app nào cũng có thể truy cập dữ liệu của Reddit mà không để lộ hệ thống bên trong.
Trên thực tế, cách làm của Reddit không hề mới. Trước đó, tỷ phú Elon Musk sau khi thâu tóm Twitter đã quyết định thu phí truy cập API, khiến hàng chục ứng dụng bên thứ 3 ngừng hoạt động. Mua API, nhà phát triển sẽ phải trả tiền cho mỗi lần truy cập kể trên. Do đó, ứng dụng càng nổi tiếng, số lượt yêu cầu càng nhiều, càng tốn tiền hơn.
Một nhà phát triển tiết lộ Reddit dự kiến thu 12.000 USD cho 50 triệu lượt yêu cầu hoặc 0,24 USD cho 1.000 yêu cầu.
Tưởng chừng như ít nhưng với những tên tuổi lớn như Apollo – nhà phát triển ứng dụng đọc Reddit trên iPhone – nhận hơn 7 tỷ yêu cầu/tháng, tương đương phải chi 2 triệu USD/tháng và 20 triệu USD/năm cho API của Reddit.
Giá này cũng đắt đỏ so với những ứng dụng khác. Lập trình viên chỉ trả khoảng 166 USD cho 50 triệu lượt truy cập API đến ứng dụng đăng ảnh Imgur.
Người dùng phẫn nộ.
Sau khi thông báo chính thức đưa ra, người dùng phản đối quyết liệt yêu cầu các nhà phát triển phải trả tiền để sử dụng API. Sự phẫn nộ bao trùm cộng đồng suốt nhiều ngày qua và phản hồi của CEO Steve Huffman lại càng “đổ dầu vào lửa” cho sự kiện này.
Trong mục Ask Me Anything, vị CEO cho biết giá thuê API là 0,24 USD cho 1.000 yêu cầu API. Nhưng những ứng dụng có ít hơn 100 yêu cầu/tháng sẽ được sử dụng API miễn phí. Những ứng dụng này chiếm đến 90% tổng số ứng dụng bên thứ 3 của Reddit.
Vị CEO đã phải chịu không ít chỉ trích từ người dùng. Nhiều người đã để lại bình luận khiếm nhã, gọi ông là kẻ hèn hạ. Những chủ sở hữu subreddit và app bên thứ 3 của Reddit nói rằng họ đã mất lòng tin ở CEO Huffman và bộ phận lãnh đạo của Reddit.
Nhà phát triển Christian Selig của ứng dụng Apollo – một trong những bên đi đầu trong chiến dịch phản đối Reddit – nói rằng CEO Huffman đã nói dối một cách trơ trẽn với chủ sở hữu các subreddit. Chủ subreddit r/videos cho biết mục hỏi đáp của ông chỉ toàn những câu trả lời nhảm nhí ghép lại với nhau.
Đa số subreddit đều tuyên bố sẽ chỉnh quyền riêng tư cho các chủ đề trong vòng 2 ngày tới để người dùng không truy cập được. Đơn cử như cộng đồng subreddit r/videos cho biết họ sẽ khóa diễn đàn vĩnh viễn.
Trong khi đó, r/ModCoord nói rằng cuộc biểu tình phản đối sẽ kết thúc khi Reddit giải quyết vấn đề liên quan đến chính sách API mới, cải thiện khả năng truy cập cho người khiếm thị và hạn chế chia sẻ các nội dung nhạy cảm, không lành mạnh cho người xem.
Đe dọa khóa tài khoản hàng loạt.
Khi người dùng Merari01 đặt câu hỏi tại sao Reddit không thử nghiệm thay đổi mới với một số người dùng và nhà quản lý subreddit trước, CEO Huffman trả lời công ty đã bắt đầu thông báo điều này từ tháng 4.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, thông tin của Reddit không hề đề cập đến giá mua API và việc sẽ chặn các app bên thứ 3 hiển thị nội dung nhạy cảm.
Do đó, sau khi Steve Huffman trả lời câu hỏi trên mục Ask Me Anything, chủ các subreddit còn tức giận hơn trước. Diễn đàn r/iPhone nổi tiếng với hơn 3,8 triệu người dùng cho biết kế hoạch ban đầu của họ là chỉ khóa subreddit trong vòng 48 giờ. Nhưng thái độ của vị CEO đã khiến họ thay đổi quyết định hoàn toàn.
“Sau phần Ask Me Anything của CEO Reddit, chúng tôi nhận thấy việc họ thay đổi chính sách không hề có ý tốt. Ông ta sẵn sàng nói lời giả dối và nói xấu các nhà phát triển bên thứ 3 nên chúng tôi nghĩ rằng mình càng nên quyết liệt”, đại diện subreddit nói.
Hiện mục r/iPhone đã bị chuyển quyền riêng tư cá nhân, không cho phép truy cập từ bên ngoài. Tương tự, r/Music – một trong những subreddit lớn nhất nền tảng” tuyên bố sẽ khóa diễn đàn kể từ ngày 12/6 cho đến khi “Reddit thu hồi lại chính sách API của mình”.
Với 3,8 triệu người dùng, r/Music cũng tỏ ra tán đồng với cách làm quyết liệt này. “Chừng nào lãnh đạo Reddit thay đổi kế hoạch thu phí AI, khi đó chúng tôi mới mở khóa tài khoản.
Hôm 12/6, một bài viết đăng trên r/ModCoord cho biết đã có 4.500 diễn đàn trên Reddit sẵn sàng khóa tài khoản để bày tỏ sự phản đối.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng tìm hiểu tất cả các lý thuyết nền tảng của thuật ngữ Thâm nhập thị trường (tiếng Anh là Market Penetration) trong Marketing như: Thâm nhập thị trường là gì? Thấu hiểu khái niệm Thâm nhập thị trường trong bối cảnh Marketing và kinh doanh, các chiến lược thâm nhập thị trường, ví dụ về thâm nhập thị trường và hơn thế nữa.
Thâm nhập thị trường là gì? Các chiến lược thâm nhập thị trường
Trong bối cảnh kinh doanh và marketing, mục tiêu của hầu hết các doanh nghiệp là tăng trưởng, cả về doanh số, khách hàng tiềm năng và thị phần. Trong khi đối với một số doanh nghiệp, để đạt được mục tiêu, họ chỉ cần chiếm thêm thị phần, mở rộng sản phẩm hay tệp khách hàng tiềm năng ở một thị trường nhất định, với một số doanh nghiệp thì nó lại có nghĩa là họ cần tiến vào một số thị trường mới ngoài thị trường hiện có. Đây chính là lúc khái niệm Thâm nhập thị trường ra đời.
Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài viết này bao gồm:
Thấu hiểu về khái niệm thâm nhập thị trường trong bối cảnh marketing và kinh doanh.
Công thức tính mức độ hay tỷ lệ thâm nhập thị trường.
Sự khác biệt giữa thâm nhập thị trường và phát triển thị trường là gì?
Các chiến lược thâm nhập thị trường phổ biến hiện nay là gì?
Một số ví dụ về phương thức Thâm nhập thị trường.
Bên dưới là nội dung chi tiết.
Thâm nhập thị trường là gì?
Trong bối cảnh kinh doanh và marketing, thâm nhập thị trường (Market Penetration) được định nghĩa là phần trăm hay số lượng các sản phẩm hoặc dịch vụ được bán cho khách hàng so với tổng thị trường ước tính cho sản phẩm hoặc dịch vụ đó.
Thâm nhập thị trường là chỉ số giúp doanh nghiệp xác định quy mô của thị trường (Market Size) tiềm năng để từ đó định hướng phát triển chiến lược tăng thị phần của một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào đó.
Một số điểm cần hiểu về thuật ngữ thâm nhập thị trường.
Thâm nhập thị trường hay còn được gọi là Mức độ thâm nhập thị trường là thước đo lượng sản phẩm hoặc dịch vụ đang được khách hàng mục tiêu sử dụng so với tổng thị trường ước tính cho sản phẩm hoặc dịch vụ tương ứng.
Thâm nhập thị trường cũng liên quan đến số lượng khách hàng tiềm năng đã mua sản phẩm của một doanh nghiệp hay thương hiệu cụ thể thay vì là sản phẩm (tương tự) của đối thủ cạnh tranh.
Phát triển thị trường là chiến lược cần thiết để tăng thị phần hoặc thâm nhập thị trường.
Các chiến lược thâm nhập thị trường phổ biến bao gồm việc giảm giá, mua lại đối thủ cạnh tranh, nhắm mục tiêu đến các thị trường mới hoặc giới thiệu sản phẩm mới.
Bởi sự khác biệt về văn hoá và hành vi của người tiêu dùng ở từng thị trường hay khu vực khác nhau, việc thâm nhập thị trường cũng có thể gây hại cho thương hiệu (giá thị và hình ảnh của thương hiệu) và khách hàng hiện tại.
Thấu hiểu khái niệm thâm nhập thị trường.
Như đã đề cập ở trên, khái niệm thâm nhập thị trường có thể được sử dụng để xác định quy mô hay dung lượng của thị trường tiềm năng.
Nếu tổng thị trường này là lớn, các doanh nghiệp sẽ thâm nhập thị trường với mục tiêu là giành lấy thị phần (Market Share) hoặc một tỷ lệ phần trăm (đủ lớn) khách hàng tiềm năng nào đó hiện có trong ngành.
Ví dụ: nếu có 300 triệu người trong một quốc gia và 65 triệu người trong số họ sở hữu điện thoại di động, thì tỷ lệ thâm nhập thị trường của điện thoại di động sẽ là khoảng gần 22% (65/300).
Về mặt lý thuyết, vẫn còn 235 triệu khách hàng tiềm năng cho sản phẩm điện thoại di động trong thị trường (Market) này, hay hơn 78% dân số vẫn chưa được khai thác, đây rõ ràng là một động lực vô cùng lớn để các doanh nghiệp thâm nhập vào.
Theo cách hiểu tương tự, thuật ngữ thâm nhập thị trường có thể được sử dụng để đánh giá toàn bộ ngành nhằm xác định tiềm năng giành thị phần hoặc tăng doanh thu thông qua khả năng bán hàng.
Liên quan đến khái niệm Thâm nhập thị trường, bạn cũng cần hiểu về các chỉ số liên quan đó là tỷ lệ thâm nhập thị trường và mức độ thâm nhập thị trường.
Tỷ lệ thâm nhập thị trường là gì?
Khi quyết định thâm nhập vào bất cứ thị trường nào, doanh nghiệp sẽ phải định lượng khả năng thâm nhập của họ hay tỷ lệ thâm nhập thị trường.
Tỷ lệ thâm nhập thị trường đơn giản là một tỷ lệ so sánh hiệu suất của một doanh nghiệp so với toàn bộ thị trường.
Tỷ lệ thâm nhập thị trường đặc biệt quan trọng vì nó cho phép doanh nghiệp so sánh vị trí hiện tại, vị trí đã đến và vị trí họ muốn đạt được trong tương lai, bao gồm cả việc đánh giá xem đối thủ cạnh tranh của họ đang hoạt động như thế nào trên thị trường đó.
Mức độ thâm nhập thị trường cao là gì?
Khi nói đến việc thâm nhập thị trường, rõ ràng là doanh nghiệp nào cũng sẽ muốn có được một mức độ thâm nhập cao (cao nhất có thể). Mức độ thâm nhập càng cao, doanh nghiệp càng được hưởng lợi.
Ví dụ, trong thị trường giày thể thao, Nike có thể nói là thương hiệu có mức độ thâm nhập thị trường cao nhất. Bởi lý do này, nếu bạn từng ghé thăm các cửa hàng bán đồ thể thao lớn (hàng hiệu) hay thậm chí là gian hàng bán giày thể theo (Sneaker) ở các siêu thị, Nike thường chiếm một không gian lớn (POSM).
Điều này khá dễ hiểu khi nhà bán hàng hiểu rằng, khách hàng thường chọn mua Nike và Nike theo đó có khả năng mang lại doanh thu cao nhất cho họ.
Sự nổi tiếng và thương hiệu mạnh của Nike cũng là bảo chứng cho điều này. Đây chính là kết quả của mức độ thâm nhập thị trường cao của Nike.
Ngoài các lợi ích này, mức độ thâm nhập thị trường cao cũng có nghĩa là:
Thương hiệu là một nhà lãnh đạo ngành (Market Leader).
Thương hiệu được công nhận rộng rãi.
Thương hiệu có khả năng hiện diện và nhận biết tốt trên thị trường.
Thương hiệu có giá trị cao.
Khả năng bán được nhiều hàng hơn và mang về doanh số cao hơn.
Ngoài ra, khả năng thâm nhập thị trường cao cũng mang lại nhiều lợi thế về Marketing, giảm bớt áp lực về các chiến lược bán hàng trực tiếp (Performance Marketing) và có nhiều cơ hội hơn để phát triển hay thúc đẩy giá trị của thương hiệu.
Cách tính mức độ hay tỷ lệ thâm nhập thị trường.
Mức độ thâm nhập thị trường có thể được định lượng như một tỷ lệ mô tả tỷ lệ thị trường đã bị “chiếm” bởi doanh nghiệp.
Để tính toán mức độ thâm nhập thị trường, doanh nghiệp phải biết được số lượng khách hàng mà doanh nghiệp có được so với tổng quy mô của thị trường.
Công thức tính tỷ lệ thâm nhập thị trường sẽ được tính như sau:
Tỷ lệ thâm nhập thị trường = Số lượng khách hàng (doanh nghiệp có được) / Tổng tuy mô của thị trường x 100%
Số lượng khách hàng: là những khách hàng mà doanh nghiệp đã hoặc đang có được. Trong khi một số doanh nghiệp coi những khách hàng này là những người mua hàng lặp lại (trung thành hoặc mua nhiều lần), một số doanh nghiệp khác coi đó là những người đã từng mua hàng trong một khoảng thời gian nhất định.
Tổng quy mô thị trường: là biến có thể khó xác định hơn. Tổng quy mô thị trường không nhất thiết phải là dân số của một khu vực cụ thể; thay vào đó, nó là tổng số khách hàng tiềm năng mà doanh nghiệp có thể có (trong một phân khúc thị trường nào đó).
Trong không ít các trường hợp, số lượng khách hàng không phải là biến quan trọng nhất với doanh nghiệp mà là giá trị (tính bằng tiền) mang về.
Nói một cách dễ hiểu, thay vì cố gắng thâm nhập thị trường để giành lấy nhiều khách hàng, doanh nghiệp tập trung vào những khách hàng có giá trị cao nhất, điều này đặc biệt đúng với ngành hàng B2B (business-to-business).
Sự khác biệt giữa thâm nhập thị trường và phát triển thị trường là gì?
Về cơ bản, thâm nhập thị trường và phát triển thị trường là 2 thuật ngữ thường đi kèm với nhau. Phát triển thị trường là một chiến lược hoặc hành động cần thiết nếu doanh nghiệp muốn tăng thị phần hoặc tăng mức độ thâm nhập thị trường.
Để tăng khả năng thâm nhập thị trường, trước tiên doanh nghiệp cần phải tập trung vào việc phát triển thị trường.
Để có thể hình dung rõ hơn về điều này, bạn có thể xem chi tiết ở ví dụ bên dưới.
ABC là một thương hiệu giày thể thao cao cấp dành cho Nam giới. Để tăng mức độ thâm nhập vào thị trường, thương hiệu này đang cân nhắc một thị trường nhỏ hơn nhưng rất tiềm năng — giày thể thao dành cho trẻ em.
Mặc dù sản phẩm mới không phải là nguồn doanh thu chính của doanh nghiệp, nhưng nó lại vừa bổ sung dòng sản phẩm vừa mang lại một lượng khách hàng mới.
Rõ ràng là, để thâm nhập vào một thị trường rộng lớn hơn, ABC trước tiên đã phát triển thêm một thị trường nhỏ vốn chưa được khai thác trước đó.
Các chiến lược thâm nhập thị trường phổ biến hiện nay là gì?
Chiến lược thâm nhập thị trường là chiến lược khi một doanh nghiệp hướng tới mục tiêu có được thị phần cao hơn bằng cách khai thác các sản phẩm hiện có cũng trên các thị trường hiện có (đã tồn tại).
Chiến lược thâm nhập thị trường là 1 phần có trong mô hình ma trận Ansoff bao gồm 4 chiến lược tăng trưởng như: chiến lược thâm nhập thị trường (sử dụng sản phẩm hiện có trên thị trường hiện tại), chiến lược phát triển thị trường (sử dụng sản phẩm hiện có cho một thị trường mới), chiến lược phát triển sản phẩm (sử dụng sản phẩm mới cho thị trường hiện có), chiến lược đa dạng hoá (sử dụng sản phẩm mới tới một thị trường mới).
Một khi doanh nghiệp chọn thâm nhập thị trường làm chiến lược của mình, dưới đây là các chiến lược mà doanh nghiệp có thể tham khảo.
1. Thay đổi chiến lược định giá.
Trong marketing, giá bán là một trong những yếu tố nhạy cảm nhất đối với người tiêu dùng, ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của họ và hơn thế nữa. Để thâm nhập thị trường, doanh nghiệp có thể thay đổi chiến lược định giá theo hướng giảm hoặc tăng giá bán cho một sản phẩm hay dịch vụ cụ thể nào đó.
2. Cải tiến hoạt động Marketing.
Với các phân khúc thị trường khác nhau, doanh nghiệp cần có những chiến lược tiếp cận khác nhau. Để thâm nhập thị trường, bạn cần phải xây dựng lại các bản kế hoạch hay chiến lược marketing (Marketing Plan) hiện tại của mình.
3. Xác định nhu cầu về một sản phẩm mới, sản xuất và tung nó ra thị trường.
Với chiến lược thâm nhập thị trường này, các marketer có thể khảo sát và phân tích khách hàng cũng như các nhóm đối tượng mục tiêu để xác định nhu cầu về một sản phẩm (hoặc tính năng) mới. Sau đó, tập trung sản xuất và bán nó.
4. Cải tiến hoặc thay đổi sản phẩm (tính năng) hiện có cũng là một chiến lược thâm nhập thị trường hiệu quả.
Để thâm nhập sâu hơn vào thị trường, doanh nghiệp có thể chọn cách giải quyết các nỗi đau của khách hàng bằng cách cập nhật, cải tiến hoặc thay đổi các sản phẩm (tính năng) hiện có.
5. Tìm kiếm các khu vực mới sau đó tự phát triển hoặc nhượng quyền thương hiệu.
Ở chiến lược này, doanh nghiệp có thể mở cửa hàng hoặc tìm kiếm khách hàng tiềm năng (Lead) ở những khu vực mới. Doanh nghiệp có thể tự mở rộng hoặc nhượng quyền thương hiệu cho các đối tác khác.
6. Mua lại một doanh nghiệp hoặc đối thủ cạnh tranh trong ngành.
Nếu bạn tìm hiểu, bạn thấy rằng phần lớn các doanh nghiệp lớn như Facebook, Google, hay Microsoft đều không ngừng thực hiện chiến lược mua lại các nền tảng hay doanh nghiệp khác (thường là cùng ngành). Facebook mua lại mạng xã hội Instagram hay Microsoft mua lại LinkedIn là những ví dụ tiêu biểu.
Thay vì phải xây dựng từ đầu, bằng cách mua lại các đối thủ, doanh nghiệp hiển nhiên có thêm vô số các khách hàng mới (và thị trường mới).
7. Cung cấp các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để tăng lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu.
Nếu bạn là người làm marketing, có thể bạn đã biết rằng chi phí để có được một khách hàng mới thường cao hơn nhiều lần so với việc giữ chân khách hàng cũ, điều này cũng đúng với chiến lược thâm nhập thị trường.
Bằng cách đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hay các chương trình khách hàng thân thiết khác, doanh nghiệp có thể xây dựng lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu (Brand Loyalty), khiến khách hàng cũ quay lại mua hàng, khách hàng hiện có mua nhiều hơn và cũng có thêm khách hàng mới gia nhập.
8. Phát triển các chiến dịch Marketing mới cũng là chiến lược thông minh để thâm nhập thị trường.
Doanh nghiệp có thể xây dựng và khởi chạy các chiến dịch hoặc sáng kiến marketing mới để quảng bá các sản phẩm hiện có theo cách độc đáo và mới lạ hơn mà khách hàng chưa từng thấy trước đây (so với đối thủ).
9. Thúc đẩy các hoạt động bán hàng.
Chiến lược thâm nhập thị trường cuối cùng mà doanh nghiệp có thể tham khảo đó là đầu tư nhiều hơn vào bộ phận bán hàng (Sales). Khuyến khích các nhân viên bán hàng tăng số lượng tương tác với các khách hàng tiềm năng cao và hơn thế nữa.
FAQs – Những câu hỏi thường gặp về Thâm nhập thị trường.
Thâm nhập thị trường tiếng Anh là gì?
Trong tiếng Anh, thâm nhập thị trường có nghĩa là Market Penetration, được định nghĩa là phần trăm hay số lượng các sản phẩm hoặc dịch vụ được bán cho khách hàng so với tổng thị trường ước tính cho sản phẩm hoặc dịch vụ đó.
Thâm nhập thị trường muộn là gì?
Thâm nhập thị trường muộn đề cập đến việc một doanh nghiệp gia nhập trễ vào một ngành nghề kinh doanh nào đó.
Khi thị trường đã đến giai đoạn bão hoà, khi các đối thủ đã quá đông và phát triển mạnh trên thị trường, khi các đối thủ gia nhập trước đó (thâm nhập thị trường sớm) đã xây dựng nên rất nhiều rào cản thâm nhập (cho các doanh nghiệp mới) hay khi hầu hết lượng khách hàng tiềm năng đã trung thành với thương hiệu (của đối thủ).
Kết luận.
Trên đây là tất cả những gì bạn cần biết khi tìm hiểu về thuật ngữ Thâm nhập thị trường trong bối cảnh kinh doanh và marketing.
Trong khi bạn có thể sử dụng nhiều chiến lược thâm nhập thị trường khác nhau, bằng cách hiểu rõ bản chất vốn có của nó, hiểu thâm nhập thị trường là gì, các chiến lược thâm nhập tiềm năng có thể áp dụng hay công thức tính tỷ lệ thâm nhập thị trường, giờ đây bạn có nhiều kiến thức và cơ hội hơn để áp dụng cho doanh nghiệp của mình.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hội Truyền thông số Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị tới Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất tháo gỡ khó khăn cho các nhà sáng tạo nội dung Việt trên nền tảng số.
YouTuber Việt Nam hiện đang phải đóng 2 lần thuế
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho rằng hiện nay các doanh nghiệp, người sáng tạo nội dung số đang gặp phải một số vấn đề vướng mắc liên quan đến chính sách thuế.
Do đó, hiệp hội này kiến nghị áp dụng nguyên tắc tránh đánh thuế 2 chiều với nguồn thu nhập từ các quốc gia đã ký kết hiệp định với Việt Nam đối với tổ chức/cá nhân kinh doanh nội dung số trên những nền tảng xuyên biên giới.
Hiệp hội cũng kiến nghị chính phủ thúc đẩy để Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ sớm được thực thi.
Thứ hai, đối với các nội dung số sản xuất kinh doanh phục vụ cho thị trường nước ngoài, cho người xem nước ngoài, VDCA kiến nghị áp dụng thuế suất VAT là 0% (với cả cá nhân và doanh nghiệp).
Với thu nhập từ lượt xem tại Việt Nam, cá nhân được kiến nghị áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 1% và với doanh nghiệp VAT là 10% (theo Thông tư 40/2021/TT-BTC).
Theo văn bản từ VDCA, YouTube hiện quy định những người sáng tạo nội dung số ở các quốc gia khác ngoài Mỹ khi đăng ký với cơ quan thuế của Mỹ sẽ chỉ chịu khấu trừ 30% thuế thu nhập đối với các lượt xem đến từ Mỹ và không phải chịu thuế khi lượt xem tới từ các quốc gia khác.
Nếu không thực hiện đăng ký với cơ quan thuế của Mỹ, những nhà sáng tạo nội dung số này sẽ phải chịu khấu trừ 24% thuế thu nhập trên tổng lượt xem.
Tuy nhiên theo quy định tại Việt Nam, các nhà sáng tạo nội dung số cá nhân sẽ phải nộp thêm 7% (5% VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân) và các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh sẽ nộp thêm 30% (10% VAT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp).
Đặc biệt, với thuế VAT theo quy định hiện hành đánh thuế 10% trên doanh thu nhận về của doanh nghiệp. Theo VDCA, điều này không phù hợp với nguyên tắc điểm đến, tiêu dùng ở đâu, đánh thuế ở đấy với sắc thuế VAT.
Như vậy có thể thấy, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trên YouTube tại Việt Nam đang phải chịu 2 lần thuế đối với khoản doanh thu từ lượt xem tại Mỹ (do phía Mỹ đã thu thuế).
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Một cựu quản lý cấp cao của Samsung Electronics đã bị bắt và bị truy tố vì ăn cắp bí mật thương mại để xây dựng một nhà máy sản xuất chip y hệt ở Trung Quốc.
Quản lý cấp cao của Samsung ăn cắp công nghệ và đẩy sang Trung Quốc
Văn phòng Công tố quận Suwon cho biết cựu quản lý 65 tuổi, được giấu tên, bị buộc tội vi phạm luật bảo vệ công nghệ công nghiệp và luật ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh, theo The Korea Times.
Sếp cũ Samsung bị cáo buộc cố gắng xây dựng một nhà máy bán dẫn ở Trung Quốc “sao y bản chính” của Samsung, sau khi đã mua trái phép dữ liệu bí mật của Samsung bao gồm dữ liệu kỹ thuật cơ bản của nhà máy chip (BED) và các bản vẽ thiết kế và bố trí quy trình trong khoảng thời gian 2018-2019.
Các công tố viên Hàn Quốc cũng truy tố 6 người khác, gồm một nhân viên của nhà thầu đối tác Samsung Electronics và 5 nhân viên của một nhà sản xuất chip Trung Quốc do vị này thành lập, về tội thông đồng trong vụ rò rỉ công nghệ, theo Yonhap.
BED là công nghệ cần thiết để đảm bảo tạp chất không tồn tại trong các cơ sở sản xuất chất bán dẫn, chứa thông tin sơ đồ mặt bằng và kích thước của 8 quy trình cốt lõi của nhà máy để sản xuất chất bán dẫn.
Những bí mật thương mại này, cần thiết cho việc sản xuất DRAM dưới 30 nano và chip flash NAND, được Hàn Quốc coi là công nghệ cốt lõi của quốc gia.
Theo các công tố viên, vị quản lý bị truy tố đã tìm cách sử dụng các công nghệ và dữ liệu đánh cắp để xây dựng nhà máy bản sao chỉ cách nhà máy của Samsung Electronics ở Tây An (Trung Quốc) 1,5 km. Tuy nhiên, kế hoạch của vị này đã không thành hiện thực khi một công ty Đài Loan rút lại thỏa thuận đầu tư 6,2 tỷ USD.
Để bù lại, người này được cho là đã nhận khoản đầu tư trị giá hơn 350 triệu USD từ các nhà đầu tư Trung Quốc để tạo ra các sản phẩm thử nghiệm từ một nhà máy sản xuất chip được xây dựng trên nền tảng công nghệ của Samsung ở Thành Đô vào năm ngoái.
Nhà máy chip Trung Quốc của vị này đã thuê khoảng 200 người từ Samsung và SK Hynix. Ông bị cáo buộc đã hướng dẫn nhân viên của mình lấy và sử dụng dữ liệu thiết kế chất bán dẫn của Samsung cũng như các bí mật thương mại khác, và những nhân viên này bị coi là đã tham gia phạm tội, các công tố viên cho biết. Ước tính Samsung bị thiệt hại ít nhất 230 triệu USD do rò rỉ công nghệ.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Những tiến bộ công nghệ mà chúng ta chứng kiến trong vài thập kỷ qua đã làm thay đổi cách các doanh nghiệp làm marketing và giao tiếp với người tiêu dùng.
Sự tiến bộ của AI và vấn đề đạo đức của người làm Marketing
AI (trí tuệ nhân tạo) đang thúc đẩy một sự thay đổi lớn khác trong ngành marketing. Ban đầu, người dùng nghi ngờ về tiềm năng của ChatGPT có thể thay thế sự sáng tạo của con người trong việc xây dựng nội dung. Tuy nhiên, sau khi người dùng tự mình dùng thử, họ đã rất ngạc nhiên về chất lượng của những nội dung do ChatGPT tạo ra.
Trong một cuộc phỏng vấn của CNN , tác giả của cuốn sách Program or Be Programmed, Douglas Rushkoff, thừa nhận rằng ChatGPT có thể viết tốt hơn sinh viên của ông. Do đó, khả năng viết tốt khiến ChatGPT trở thành một công cụ có giá trị cho các marketer đang tìm cách hợp lý hóa quy trình tạo nội dung của họ.
Theo Báo cáo của AI Marketing Benchmarking năm 2023, 61,4% người làm marketing đã áp dụng AI hoặc có kế hoạch sử dụng công cụ này. Bên cạnh đó, 41,4% người sử dụng công cụ này để làm tiếp thị nội dung.
Mặc dù lợi ích tiết kiệm thời gian và hiệu quả của AI là rõ ràng, nhưng điều quan trọng là phải xem xét các rủi ro tiềm ẩn và ý nghĩa đạo đức khi sử dụng ChatGPT hay các công cụ AI khác. Với việc AI còn tương đối mới và thiếu các hướng dẫn cũng như quy định rõ ràng, AI hiện là “Miền Tây hoang dã” của giới công nghệ.
Người làm marketing cần phải cảnh giác với AI.
Với bất kỳ công nghệ mới nào, chúng ta phải nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến nó. Tuy nhiên, một số nhà tiếp thị có thể ưu tiên lợi ích của AI hơn những rủi ro tiềm ẩn này, dẫn đến việc thiếu nhận thức và giáo dục về các cân nhắc đạo đức liên quan đến AI.
Một ví dụ về việc AI được sử dụng phi đạo đức trong marketing là việc tạo ra các bài đánh giá trực tuyến hoặc bài đăng trên mạng xã hội giả mạo.
Vào năm 2019, các nhà nghiên cứu từ Đại học Chicago và Đại học California, San Diego, đã tạo ra một hệ thống AI có khả năng tạo ra các bài đánh giá (Review) Yelp giả gần như không thể phân biệt được với các bài đánh giá thật.
Thực tiễn này có thể đánh lừa người tiêu dùng và gây hại cho họ bằng cách khiến họ đưa ra các quyết định mua hàng dựa trên những thông tin sai lệch.
Điều quan trọng đối với các nhà tiếp thị là nhận ra các vấn đề đạo đức xung quanh việc sử dụng AI trong tiếp thị và thực hiện các bước để đảm bảo họ đang sử dụng nó một cách có trách nhiệm.
Bằng cách đó, các nhà tiếp thị có thể khai thác các lợi ích của AI mà không phải hy sinh lòng tin và thiện chí của khách hàng. Họ có trách nhiệm đảm bảo AI được sử dụng theo cách minh bạch, công bằng và có lợi cho mọi người tham gia.
THÔNG TIN KHÔNG CHÍNH XÁC
Trí tuệ nhân tạo được đào tạo trên một tập dữ liệu cố định, có nghĩa là chúng có thể không nhận thức được những diễn biến hoặc sự kiện gần đây đã xảy ra.
Ngoài ra, ngôn ngữ tự nhiên thường mơ hồ và ý nghĩa của một câu có thể phụ thuộc vào các yếu tố ngữ cảnh có thể bị hiểu sai và dẫn đến phản hồi không chính xác.
Các marketer và chuyên gia PR thường hợp tác chặt chẽ với các phương tiện truyền thông và nội dung của họ sản xuất không phải lúc nào cũng được kiểm chứng thực tế.
Việc sử dụng nội dung do AI tạo ra có thể làm tăng khả năng xảy ra thông tin sai lệch và không chính xác. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác minh và kiểm tra tính xác thực của tất cả nội dung, bất kể nội dung (content) đó bắt nguồn từ đâu.
Mặc dù AI có thể là một công cụ có giá trị, nhưng điều quan trọng là phải thận trọng và không chỉ dựa vào nội dung do AI tạo mà không có sự giám sát của con người.
CÔNG KHAI VÀ MINH BẠCH
Khi sử dụng AI trong sáng tạo nội dung trở nên phổ biến hơn, câu hỏi được đặt ra: “Công chúng có cần được biết nội dung họ tiếp cận có được tạo ra bởi AI hay không ?”.
Mặc dù không có luật hoặc quy định cụ thể nào yêu cầu tiết lộ việc sử dụng nội dung do AI tạo ra, nhưng vẫn có những luật và quy định hiện hành có thể áp dụng trong một số bối cảnh nhất định.
Ví dụ: FTC, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ, đã ban hành các hướng dẫn về quảng cáo và tiếp thị yêu cầu tiết lộ các mối liên hệ quan trọng giữa nhà quảng cáo và người xác nhận. Những nguyên tắc này cũng áp dụng cho nội dung do AI tạo ra trong quảng cáo hoặc tiếp thị, nếu nội dung đó đang được sử dụng để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ.
Đối với các nhà tiếp thị và nhà báo, tính minh bạch là rất quan trọng để duy trì niềm tin với khán giả của họ. Khi công nghệ AI tiến bộ, có thể các quy định mới sẽ được phát triển để giải quyết các mối lo ngại về tính minh bạch.
Trong thời gian chờ đợi, việc minh bạch về việc sử dụng AI trong sáng tạo nội dung là cách tốt nhất để duy trì lòng tin và sự chính trực với khán giả.
QUYỀN RIÊNG TƯ CỦA NGƯỜI DÙNG
Tôn trọng quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cá nhân của khách hàng là rất quan trọng đối với các nhà tiếp thị. Điều này có nghĩa là nếu nội dung do AI tạo ra có liên quan đến việc thu thập, xử lý hoặc sử dụng dữ liệu cá nhân thì các nhà tiếp thị phải xin phép người dùng theo luật và quy định bảo vệ dữ liệu.
Để có được sự đồng ý từ khách hàng, họ cần cung cấp thông tin rõ ràng và minh bạch về cách dữ liệu được thu thập và sử dụng trong nội dung do AI tạo ra.
Điều này không chỉ đảm bảo tuân thủ các yêu cầu pháp lý mà còn tạo niềm tin với khách hàng bằng cách chứng minh rằng họ coi trọng quyền riêng tư của họ.
Bằng cách ưu tiên quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của người dùng trong việc tạo và triển khai nội dung do AI tạo ra, các nhà tiếp thị có thể củng cố lòng tin với khách hàng và tránh các rủi ro về vi phạm dữ liệu tiềm ẩn hoặc vi phạm quyền riêng tư.
THAO TÚNG TÂM LÝ KHÁCH HÀNG
Các nhà tiếp thị phải chú ý đến những rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng nội dung do AI tạo ra, đặc biệt là khi nói đến chatbot hoặc trợ lý ảo. Những công cụ này có thể được lập trình để cung cấp thông tin sai lệch, cố tình hướng khách hàng đến các sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể và thậm chí lừa dối họ.
Hơn thế nữa, các bài đăng hoặc quảng cáo trên mạng xã hội do AI tạo ra có thể được thiết kế để thao túng hành vi của khách hàng bằng cách khơi gợi phản ứng cảm xúc để khuyến khích mua hàng. Những chiến thuật này là phi đạo đức và có thể làm tổn hại đến niềm tin cũng như danh tiếng của một thương hiệu.
Do đó, các nhà tiếp thị phải ưu tiên sự công bằng và minh bạch khi sử dụng nội dung do AI tạo ra. Họ phải đảm bảo những công nghệ này không được sử dụng để đánh lừa hoặc thao túng khách hàng, mà là để nâng cao trải nghiệm của họ và cung cấp cho họ thông tin chính xác.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Nền kinh tế số của Việt Nam, cùng với các quốc gia khác trong nhóm ASEAN-6 như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan được dự đoán sẽ tăng trưởng 6% mỗi năm và đạt 1.000 tỷ USD trong 2030.
Nền kinh tế số Đông Nam Á dự báo đạt 1.000 tỷ USD trong 2030
Đông Nam Á được đánh giá là khu vực có nhiều tiềm năng tăng trưởng kinh tế số, với hơn 460 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số, dân số trẻ và am hiểu công nghệ, cũng như tỷ lệ sử dụng internet ngày càng tăng.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 mới nhất do Google, Temasek và Bain & Company vừa phát hành, dự đoán thị trường kinh tế số (Digital Economy) của Đông Nam Á có thể đạt tới 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Trong đó, nền kinh tế kỹ thuật số của 6 quốc gia trong khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – được gọi là ASEAN-6 và bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam – được dự đoán sẽ tăng trưởng 6% mỗi năm.
Mặc dù được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ song báo cáo cho biết vẫn còn rất nhiều rào cản. Từ sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn cho đến trình độ hiểu biết về kỹ thuật số thấp, khu vực này sẽ tiếp tục phải vật lộn với những thách thức có thể kìm hãm sự tăng trưởng đó.
Anthony Toh, nhà phân tích nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, một think-tank thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, cho biết: “Nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN đang mở rộng, nhưng vẫn có khoảng cách kỹ thuật số.
Singapore là thành viên ASEAN số hóa cao nhất. Đối với Malaysia, Indonesia, Brunei, Thái Lan và Việt Nam, các nước này có xu hướng thiếu một số chỉ số trong khi Myanmar, Lào và Campuchia thiếu triển vọng số hóa”.
“ĐỂ THAM GIA VÀO NỀN KINH TẾ SỐ, ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ PHẢI CÓ CÁC KHUNG PHÁP LÝ CƠ BẢN”
Theo báo cáo Chỉ số tích hợp kỹ thuật số ASEAN, Singapore và Malaysia có kết quả tốt trên một số chỉ số tích hợp kỹ thuật số. Báo cáo cho biết Brunei, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam đang thiếu một hoặc nhiều chỉ số.
Một số chỉ số bao gồm bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng, thanh toán kỹ thuật số, cũng như kỹ năng kỹ thuật số, đổi mới, tinh thần kinh doanh và sự sẵn sàng của cơ sở hạ tầng.
Campuchia, Lào và Myanmar đạt điểm dưới trung bình trên tất cả các chỉ số và còn rất nhiều cơ hội để bắt kịp các nỗ lực hội nhập kỹ thuật số của khu vực.
“Myanmar sẽ tụt hậu xa hơn so với tất cả các quốc gia ASEAN khác”, Toh nói về cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ ở Myanmar. Hai năm kể từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2 năm 2021, Myanmar vẫn chìm trong xung đột sâu sắc khiến đất nước bị chia cắt.
Kenddrick Chan, một thành viên tại Viện Portulans, một viện nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Washington, cho biết: “Để tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số, điều rất quan trọng là phải có các khung pháp lý cơ bản”.
“Lý do đằng sau sự phát triển không đồng đều này là sự phân bổ không đồng đều các lợi ích của nền kinh tế kỹ thuật số. Đó là bởi vì các quốc gia khác nhau đang ở các giai đoạn phát triển khung pháp lý khác nhau”, Chan nói.
ASEAN đã đưa ra các chính sách và khuôn khổ quan trọng — chẳng hạn như Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025 — để phác thảo các hành động hướng dẫn hợp tác kỹ thuật số của các chính phủ.
Tuy nhiên, “những mục tiêu này sẽ yêu cầu nghiên cứu chi tiết, hoạch định chính sách có tầm nhìn xa và sự ủng hộ đáng kể từ các bên liên quan trong khu vực”, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Chan nói: “Cuối cùng, ít nhất họ cần phải có những ý tưởng hoặc quy định giống nhau để truyền dữ liệu xuyên biên giới. Singapore có luật đảm bảo quyền riêng tư của người dùng, chuyển thông tin tài chính qua biên giới một cách an toàn, nhưng Campuchia thì không”.
James Tan, đối tác quản lý của công ty đầu tư mạo hiểm Quest Ventures có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Các quy định thường tụt hậu so với đổi mới và phải có luật mới, hiệu quả đối với các lĩnh vực như bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư khi bối cảnh phát triển.
KHOẢNG CÁCH SỐ GIỮA THÀNH THỊ VÀ NÔNG THÔN
Ngoài ra còn có sự phân chia kỹ thuật số giữa thành thị và nông thôn trong mỗi quốc gia. Ngoại trừ Singapore, Malaysia và Brunei, các quốc gia Đông Nam Á khác có hơn 40% dân số sống ở khu vực nông thôn, dựa trên ước tính năm 2021 của Ngân hàng Thế giới.
Trong khi Indonesia đã chứng kiến tốc độ thâm nhập internet nhanh chóng mỗi năm, quốc gia này vẫn trải qua khoảng cách kỹ thuật số giữa thành thị và nông thôn cao. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số làm tăng nguy cơ khiến một số cộng đồng nông thôn bị bỏ lại phía sau.
“Trước đại dịch, khoảng cách kỹ thuật số giữa thành thị và nông thôn ở Indonesia là 24,8 điểm phần trăm. Khoảng cách giảm nhẹ xuống 22,5 điểm phần trăm vào năm 2021 sau Covid”, theo Viện Cạnh tranh Châu Á tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, trích dẫn dữ liệu của Cục Thống kê Indonesia.
“Ngoài Singapore, một số quốc gia có kỹ năng hiểu biết về kỹ thuật số kém. Hãy nhìn vào dân số Campuchia – họ vẫn sống trong các ngôi làng”, Toh nói. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy 75% dân số Campuchia đang sống ở khu vực nông thôn.
Mặc dù ASEAN có tỷ lệ sử dụng internet cao trên 70% và hầu hết dân số sở hữu điện thoại thông minh, nhưng điều đó không có nghĩa là hiểu biết về kỹ thuật số.
“Người Đông Nam Á không thiếu điện thoại di động”, Chan nói. “Đối với họ, internet là điện thoại di động. Nhưng vấn đề chính là mọi người chủ yếu sử dụng điện thoại và internet cho mạng xã hội”.
“Họ có thể không truy cập trình duyệt web. Cách họ sử dụng Internet luôn thông qua Facebook, Instagram, TikTok — vì vậy, để họ tham gia vào toàn bộ nền kinh tế kỹ thuật số đòi hỏi phải có nhiều hiểu biết về kỹ thuật số hơ”, Chan nói.
Toh cho biết khoảng cách kỹ thuật số của Đông Nam Á là vấn đề đáng lưu ý nhất đối với tiến trình kỹ thuật số của khu vực. “Tôi không thấy nó được nâng lên một tiêu chuẩn tốt hơn. Thay vào đó, ngay bây giờ, khoảng cách kỹ thuật số đang ngày càng rộng hơn”.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo thông báo mới đây từ CTO Twitter Elon Musk, mạng xã hội này sẽ sớm chia sẻ doanh thu với các nhà sáng tạo nội dung từ các quảng cáo hiển thị trong phần trả lời (Reply).
Twitter sẽ sớm chia sẻ doanh thu quảng cáo với nhà sáng tạo
Theo giải thích của cựu CEO Elon Musk, Twitter sẽ sớm bắt đầu chia sẻ doanh thu với những nhà sáng tạo nội dung cho các quảng cáo được hiển thị trong phần phản hồi bài đăng (tweet) của họ.
Trước hết, như Elon Musk lưu ý, chỉ những người đăng ký Twitter Blue (gói có trả phí của Twitter) mới đủ điều kiện tham gia chương trình.
Tiếp đó, chỉ những quảng cáo được phân phối trong phần trả lời (Reply) của người dùng đã xác minh (Verify) mới được tính vào phần doanh thu để bắt đầu chia sẻ.
Theo Twitter, doanh thu trung bình trên mỗi người dùng Twitter ở Mỹ là (hoặc đã từng là) 12 USD mỗi quý, với phần lớn thu nhập đến từ việc hiển thị quảng cáo.
Twitter Blue hiện có khoảng 700.000 người đăng ký, dựa trên những số liệu này, có nghĩa là Twitter Blue sẽ mang lại khoảng 21 triệu USD mỗi quý cho Twitter.
Khác với các nền tảng như YouTube hoặc Instagram, doanh thu của nhà sáng tạo trực tiếp đến từ những nội dung của họ trong ứng dụng, Twitter hiện đưa ra một cách thức kiếm tiền khá mới (và cũng khá “khiêm tốn” xét trên khía cạnh thu nhập).
Liên quan đến điều này, một thách thức đặt ra là liệu các nhà sáng tạo có bất chấp mọi cách để xây dựng các nội dung dễ tạo ra nhiều tương tác (bình luận) hơn hay không, và liệu nó có tạo ra nhiều tiêu cực hơn không?
Theo một nghiên cứu từ hơn 65 nghìn bài đăng trực tuyến của Harvard Business Review, các bài đăng có số lượng tương tác (bình luận, trả lời…) lớn là những bài đăng với nội dung gợi lên những cảm xúc có tính kích thích cao, chẳng hạn như sự tức giận, hạnh phúc hay cả sự sợ hãi.
Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng những cảm xúc tiêu cực góp phần làm tăng tính lan truyền (viral) của các nội dung trên các nền tảng (mạng xã hội).
Điều này làm dấy lên lo ngại với cách chia sẻ doanh thu mới của Twitter cũng như các mạng xã hội khác vốn dựa trên lượng tương tác của nội dung.
Thuật toán News Feed của Facebook đã từng phải đối diện với điều này và đó là lý do tại sao Meta hiện đang cố gắng điều chỉnh lại thói quen của người dùng khỏi các nội dung gây tranh cãi (hạn chế các nội dung được sản xuất với mục đích này hoặc kêu gọi người dùng thực hiện điều này).
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo thông báo mới đây từ TikTok, công cụ tạo nội dung được hỗ trợ bởi AI Script Generator sẽ cho phép thương hiệu hay nhà sáng tạo nội dung xây dựng nội dung cho video của TikTok.
TikTok Script Generator: Công cụ AI tạo nội mới của TikTok
Thông qua Script Generator hiện đã có sẵn trong TikTok Creative Center, các thương hiệu hay nhà sáng tạo nội dung trên TikTok có thể tìm thấy các ý tưởng xây dựng nội dung hay kịch bản cho các video ngắn trên TikTok.
Bằng cách nhập vào công cụ các thông tin đầu vào như ngành kinh doanh, tên sản phẩm, mô tả mặt hàng hay bất kỳ từ khóa nào khác có liên quan nào mà bạn muốn, công cụ sau đó sẽ tạo ra các kịch bản video tương ứng, bao gồm cả nút CTA (lời kêu gọi hành động), hay các tín hiệu âm thanh và hình ảnh khác.
“…chúng tôi không đưa ra bất kỳ lời hứa hoặc sự đảm bảo nào về những nội dung do Script Generator tạo ra.
Bạn sẽ là người quyết định liệu có nên sử dụng và/hoặc xuất bản những nội dung được hỗ trợ bởi các công cụ AI tương tự hay không, hay các mẫu quảng cáo có nên dùng nội dung do AI viết hay không.
Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về bất kỳ nội dung nào được tạo bằng TikTok Script Generator, bao gồm cả việc đảm bảo rằng các nội dung đó là chính xác và tuân thủ các điều luật và quy định hiện hành, đồng thời những nội dung này cũng không được TikTok chứng thực, tài trợ hoặc phê duyệt.”
TikTok cũng cho biết rằng hệ thống Script Generator được hỗ trợ bởi AI của họ được xây dựng thông qua nhà cung cấp bên thứ ba, vì vậy mọi thứ đầu vào bạn cung cấp sẽ được chuyển qua nền tảng đó.
Cũng tương tự như ChatGPT hay hầu hết các công cụ xây dựng nội dung bằng AI khác, TikTok Script Generator nên được sử dụng như là công cụ hỗ trợ xây dựng (ý tưởng) hơn là chính xác những gì mà bạn cung cấp cho người dùng (vì tính xác thực của nó).
Để thử nghiệm công cụ mới này, bạn cần đăng nhập TikTok for Business để sử dụng TikTok Creative Center, Script Generator hiện đã có sẵn ở đây.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Mặc dù ban đầu người dùng Netflix tỏ ra khá bất bình với quyết định chặn chia sẻ mật khẩu của Netflix, thậm chí không ít người còn tuyên bố tẩy chay nền tảng này, kết quả sau đó lại khiến Netflix bất ngờ.
Lượng người dùng có trả phí của Netflix tăng đột biến sau khi chặn chia sẻ mật khẩu
Ngày 23/5, Netflix bắt đầu thông báo không cho các tài khoản đăng ký dịch vụ của mình tại Mỹ chia sẻ mật khẩu và quyền truy cập dịch vụ với người không ở cùng một nhà. Washington Post ghi nhận trên mạng xã hội Twitter và Facebook, nhiều người than phiền, thậm chí tuyên bố từ bỏ Netflix, chuyển sang ứng dụng thoáng hơn như Disney Plus và Max.
Tuy nhiên, theo thống kê của công ty theo dõi thuê bao Antenna, từ 24 đến 27/5, Netflix đã có bốn ngày tăng trưởng người dùng cao nhất trong trong bốn năm, khi có 100.000 lượt đăng ký mới mỗi ngày tính riêng ở Mỹ.
Sau đó, số đăng ký mới trung bình hàng ngày vẫn đạt 73.000 lượt, tăng 102% so với 60 ngày trước đó. Mức này còn cao hơn giai đoạn bị phong tỏa trong Covid-19 hồi tháng 3 và 4/2020. Tuy nhiên, số người hủy tài khoản Netflix cũng tăng 25,6% so với trung bình hai tháng trước.
Ngoài việc đăng ký mới, người dùng Netflix cũng có thể bổ sung thành viên vào tài khoản của mình với giá 7,99 USD mỗi tháng.
Các số liệu trên có lợi cho Netflix, nhưng đây mới là thống kê của bên thứ ba là Antenna, chưa phải từ phía Netflix. Các gói dịch vụ của nền tảng vốn cho phép tạo tối đa năm hồ sơ để dùng chung giữa các thành viên gia đình.
Tuy nhiên, nhiều người lợi dụng chính sách này để bán tài khoản cho người lạ, khiến hãng thất thu. Hãng cho biết hơn 100 triệu người đang sử dụng dịch vụ bằng tài khoản của người thân, bạn bè.
Nhằm đánh giá phản ứng của người dùng, Netflix đã nhiều lần “rào trước” về kế hoạch chặn chia sẻ, cho biết họ sẽ nhận biết việc sử dụng lậu dựa trên địa chỉ IP, thông tin thiết bị và hoạt động của tài khoản.
Netflix hiện là “Market Leader” của ngành streaming video với hơn 230 triệu người dùng có trả phí (Paid Subscriber) toàn cầu và giá trị thị trường (market cap) hơn 180 tỷ USD.
Hiện có một số dịch vụ với tính năng tương tự vẫn cho phép người dùng chia sẻ tài khoản, nhưng giới chuyên gia cảnh báo họ có thể tiếp bước Netflix trong tương lai. “Netflix đang tiên phong và tôi nghĩ các nền tảng khác sẽ hành động tương tự”, Alicia Reese, chuyên gia phân tích của Wedbush, nhận định.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Công ty mẹ của Gojek là Tập đoàn GoTo vừa bổ nhiệm ông Patrick Walujo vào vị trí CEO, với mong muốn hướng tới mục tiêu kinh doanh có lãi.
Gojek có CEO mới với mục tiêu kinh doanh có lãi
Gojek là một trong những siêu ứng dụng nổi tiếng nhất Đông Nam Á. Startup Indonesia này từng được định giá trên 10 tỷ USD trước khi sáp nhập với sàn thương mại điện tử Tokopedia thành GoTo Group hồi tháng 5/2021.
Sau 4 năm gia nhập thị trường Việt Nam, Gojek cùng với Grab và be là 3 hãng gọi xe chiếm thị phần lớn nhất. Dù vậy, cho đến nay Gojek Việt Nam vẫn chưa đạt được những thành công như nhiều người mong đợi.
Nếu như ở Indonesia, Gojek cung cấp khoảng 20 dịch vụ khác nhau thì tại Việt Nam hiện mới có một số dịch vụ cơ bản là GoRide; GoFood; GoSend và GoCar.
Ông Patrick Walujo từng làm việc tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ và là đối tác quản lý của công ty cổ phần tư nhân Northstar Group.
Công ty mẹ của Gojek là Tập đoàn GoTo vừa bổ nhiệm ông Patrick Walujo vào vị trí CEO, với mong muốn hướng tới mục tiêu có lãi.
Cựu CEO Andre Soelistyo – người đã đồng hành cùng công ty trong 8 năm qua, sẽ từ chức và được thay thế bởi ông Patrick Walujo – đối tác quản lý của công ty cổ phần tư nhân Northstar Group.
Northstar là một trong những nhà đầu tư sớm nhất vào Gojek – công ty tiên phong trong lĩnh vực gọi xe, sau này đã sáp nhập với nhà cung cấp thương mại điện tử địa phương Tokopedia để tạo thành GoTo.
Ông Walujo từng làm việc tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ. Không rõ lý do dẫn đến xáo trộn nhân sự cấp cao tại GoTo, dù vậy, dường như việc rút lui khỏi vị trí CEO là quyết định của cá nhân Soelistyo.
Sau khi từ chức CEO, ông Soelistyo vẫn giữ vai trò thành viên ban quản trị, phụ trách giám sát và cố vấn chiến lược cho công ty.
Tân CEO Walujo cho biết, sẽ chủ động hơn để đưa GoTo đến mục tiêu lợi nhuận thông qua đẩy nhanh tiến độ của các đơn vị kinh doanh, tối ưu hóa chiến lược lợi nhuận và củng cố nền móng của tăng trưởng lâu dài.
GoTo dưới thời của Soelistyo thu hẹp nhiều khoản lỗ nhờ cắt giảm lao động, chi phí quảng cáo, thắt chặt dòng tiền. Lần cắt giảm nhân sự gần nhất là vào tháng 3 với 600 người, nâng tổng số lên 1.600 lao động bị cắt giảm việc làm, tính từ năm 2022.
Theo báo cáo của GoTo, quy trình cắt giảm nhân sự giúp tiết kiệm 20% chi phí trong hai tháng đầu năm. Công ty đặt ra mục tiêu sinh lợi trong năm.
Ngay cả trong bối cảnh kinh tế bấp bênh và người tiêu dùng giảm chi tiêu cho mua sắm, giải trí, giao thức ăn và gọi xe, GoTo và các công ty trong lĩnh vực Internet vẫn đặt cược vào khả năng tăng trưởng của các dịch vụ trực tuyến.
Tập đoàn Sea (công ty mẹ của Shopee) của Singapore vừa ghi nhận quý lãi đầu tiên trong quý 4/2022 và đánh dấu bước ngoặt lớn cho tập đoàn này.
Đầu năm nay, Gojek cũng bổ nhiệm ông Sumit Rathor làm Tổng giám đốc của Gojek tại Việt Nam thay ông Phùng Tuấn Đức, đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Gojek Việt Nam từ năm 2020. Sau gần 5 năm làm việc tại công ty, ông Đức đã quyết định rời Gojek.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer