Skip to main content

Facebook và Instagram sẽ xoá bỏ tính năng mua bán NFT

Sau một năm hoạt động thử nghiệm, tính năng mua bán NFT trên Facebook và Instagram sẽ bị gỡ bỏ trong vài tuần tới.

Facebook và Instagram sẽ xoá bỏ tính năng mua bán NFT
Facebook và Instagram sẽ xoá bỏ tính năng mua bán NFT

Trong bài viết trên Twitter, Stephane Kasriel, trưởng bộ phận Thương mại và Công nghệ Tài chính của Meta cho biết tính năng mua bán NFT (token không thể thay thế) sẽ bị xóa khỏi Facebook và Instagram.

“Chúng tôi đang kết thúc việc tích hợp NFT để tập trung vào các giải pháp hỗ trợ nhà sáng tạo, người dùng và doanh nghiệp”, Kasriel cho biết.

Trả lời The Verge, phát ngôn viên Meta xác nhận sẽ loại bỏ tính năng mua bán, đúc và trưng bày NFT trên Facebook, Instagram trong vài tuần tới

Theo Kasriel, Meta sẽ tập trung vào những giải pháp tăng khả năng kiếm tiền trên Reels, đồng thời cải tiến hệ thống thanh toán trong các ứng dụng nhắn tin hiện có.

Tính năng mua bán NFT bị Meta ngừng hỗ trợ đúng một năm sau khi được CEO Mark Zuckerberg công bố. Instagram đã thử nghiệm NFT từ tháng 5/2022, sau đó bổ sung khả năng đúc và bán vật phẩm trực tiếp trên mạng xã hội.

Khi công bố đổi tên công ty Facebook thành Meta vào tháng 10/2021, Zuckerberg cho biết NFT sẽ hỗ trợ thị trường mua bán hàng hóa trong metaverse, vũ trụ ảo được Facebook đặt nhiều kỳ vọng.

Kasriel không giải thích lý do ngừng hỗ trợ NFT trên các nền tảng của Meta. Tuy nhiên, Engadget lưu ý động thái này diễn ra sau khi công ty sa thải hàng nghìn nhân viên và đóng cửa nhiều dự án.

Đây không phải dự án lớn duy nhất bị Meta khai tử. Năm ngoái, công ty này đã dừng phát triển Novi, ví điện tử phục vụ tham vọng xây dựng nền tảng mua bán NFT.

Meta cũng cắt giảm một số dự án trong Reality Labs, bộ phận phát triển kính thực tế ảo và metaverse, đồng thời dừng chương trình trả thưởng cho nhà sáng tạo nội dung Reels.

Dù Meta không còn mặn mà với NFT, các công ty khác vẫn đặt niềm tin vào thị trường bị “thổi bay” hàng tỷ USD vào năm 2022 sau thời gian tăng trưởng nhanh chóng.

Trong số đó, Reddit duy trì tính năng tạo avatar dưới dạng NFT. Starbucks đã bán 2.000 tấm thẻ NFT với giá 100 USD/chiếc. Thương hiệu nhân vật Sesame Street cũng sẽ bán NFT từ ngày 19/3.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | Theo ZingNews

Meta sẽ sa thải thêm 10.000 nhân viên trong tháng 4

Công ty mẹ của Facebook là Meta sẽ bắt đầu cắt giảm khoảng 10.000 nhân sự trong những tháng tới. CEO Mark Zuckerberg cho hay đây là quyết định không thể tránh khỏi.

Meta sẽ sa thải thêm 10.000 nhân viên trong tháng 4
Meta sẽ sa thải thêm 10.000 nhân viên trong tháng 4

Đây là đợt sa thải nhân viên lớn thứ hai trong lịch sử Meta, sau đợt sa thải năm 2022 với khoảng 11.000 nhân sự mất việc làm.

Trong email gửi tới nhân viên hôm 14/3, CEO, nhà sáng lập Meta là Mark Zuckerberg cho biết công ty sẽ tiến hành nhiều đợt sa thải nhân viên, đồng thời hủy bỏ một số dự án, giảm tỷ lệ tuyển dụng mới. Đây là cách để Meta hướng tới “một năm hiệu quả”, tỷ phú Zuckerberg cho hay.

Bộ phận tuyển dụng của Meta nằm trong đợt sa thải đầu tiên, sau đó là tái cấu trúc và sa thải bớt nhân viên trong bộ phận công nghệ dự kiến vào tháng 4. Bộ phận kinh doanh của Meta sẽ đối mặt làn sóng sa thải vào tháng 5, ông Zuckerberg cho biết.

“Đây là một quyết định khó khăn nhưng không có cách nào để tránh. Tôi hy vọng những sự thay đổi sẽ đến ngay trong năm nay, để chúng ta có thể sớm vượt qua giai đoạn bất ổn và tập trung vào những công việc quan trọng phía trước”, tỷ phú Zuckerberg chia sẻ.

Các dự án dự kiến bị đóng cửa bao gồm thiết bị đeo không dây của phòng thí nghiệm thực tế ảo, bộ phận Metaverse, bộ phận phần cứng của Meta.

Đây là dấu hiệu cho thấy Meta đang giảm nguồn lực dành cho các sản phẩm thực tế ảo, dù rằng vẫn tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu dài hạn.

Vào tháng 11/2022, CEO Zuckerberg nói rằng bản thân phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm, khi đánh giá quá cao khả năng tăng trưởng của công ty dẫn đến tình trạng thừa nhân viên. Do đó, sa thải là “biện pháp cuối cùng”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Google: Chiến lược Marketing cũ có thể thúc đẩy thành công Marketing mới

Trong một chia sẻ mới đây, Google chia sẻ cách người làm marketing có thể tận dụng các phương thức Marketing cũ để thúc đẩy thành công Marketing mới.

Chiến lược Marketing cũ có thể thúc đẩy thành công Marketing mới
Chiến lược Marketing cũ có thể thúc đẩy thành công Marketing mới

Trong thời gian gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể nói là một trong những làn sóng lớn nhất trong thế giới kinh doanh và công nghệ, một phần là nhờ vào sự tiến bộ của các yếu tố công nghệ, phần còn lại được xem như là sự “tiến hoá tự nhiên”.

Các mô hình ngôn ngữ lớn (Language Model) theo đó giờ đây cho phép chúng hiểu sâu hơn về ngôn ngữ, kết quả của điều này là các cuộc trò chuyện với AI trở nên tự nhiên và trực quan hơn nhiều (ChatGPT là một ví dụ).

Với công cụ tìm kiếm Google, hay nói gần hơn là nền tảng quảng cáo của Google, đã tận dụng điều này bằng cách ứng dụng rộng rãi hơn phương thức đối sánh từ khoá rộng (Broad Match), một kiểu cài đặt trong Google Ads giúp các thương hiệu tiếp cận nhiều người hơn, đồng thời giảm thiểu nhiều công sức hơn so với các hình thức thủ công khác.

Trên thực tế, trong khi kiểu đối sánh từ khoá rộng hay đối sánh rộng đã có trong Google Ads từ những ngày đầu, hình thức này lại ít khi được chọn bởi các nhà quảng cáo.

Sở dĩ xảy ra điều này là bởi vì nó không hiệu quả.

Lấy một ví dụ đơn giản thế này, nếu bạn tìm kiếm với từ khoá “điều trị thú cưng tại nhà”, một mẫu quảng cáo với một từ khoá không mấy liên quan khác là “điều trị cho thú cưng” cũng sẽ được kích hoạt.

Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ mới trong AI và các bản cập nhật liên tục khác, đối sánh rộng của Google giờ đây có thể nhận diện tốt hơn các yếu tố ngữ cảnh (context) và ý định tìm kiếm của người dùng sau mỗi từ khoá hay truy vấn.

Ngày nay, đối sánh rộng có khả năng hiểu các truy vấn tìm kiếm ở một cấp độ sâu hơn và điều này làm cho nó trở thành một trong những giải pháp hiệu quả nhất với quảng cáo tìm kiếm trên Google.

Những tiến bộ mới của AI đang hỗ trợ hiệu quả các hoạt động marketing.

Tiếp tục với câu chuyện quảng cáo trên Google, khi nhà quảng cáo khởi chạy kiểu đối sánh rộng, các thuật toán của Google sẽ bắt đầu tìm kiếm các từ đồng nghĩa với từ khóa đã chọn và xây dựng thành một mạng lưới từ khoá thực sự rộng.

Ví dụ: một từ khóa quảng cáo bao gồm từ “rẻ” có thể phù hợp với các tìm kiếm là “giá rẻ”, “không đắt” hay “eo hẹp”. Mặc dù “eo hẹp” có thể là một cách nói khác của “tiết kiệm” hay “hạn chế chi tiêu”, nhưng người dùng có thể sử dụng từ này làm từ thay thế.

Nhờ khả năng máy học (machine learning) mới, các mô hình ngôn ngữ lớn (large language models) giờ đây có khả năng hiểu rõ hơn về ý định của người dùng. Google sử dụng các thuật toán để đào tạo với hàng tỷ đoạn văn bản với nhiều biến thể khác nhau, ý nghĩa khác nhau của một từ hoặc cụm từ, cũng như ý nghĩa phụ thuộc vào cách sắp xếp từ.

Trong khi công nghệ ngôn ngữ có thể hiểu được nhu cầu của người dùng, công nghệ này sẽ hiệu quả nhất khi được kết hợp với chiến lược Đặt giá thầu thông minh (Smart Bidding).

Chiến lược giá thầu tự động này của Google tính toán đến nhiều loại tín hiệu và các điểm dữ liệu khác nhau xoay quanh người dùng — chẳng hạn như lịch sử tìm kiếm, sở thích hay các giao dịch mua hàng trước đây — để xây dựng nên các mô hình dự báo (predictive model) giúp nhà quảng cáo xác định những đối tượng mục tiêu hay khách hàng tiềm năng có nhiều khả năng chuyển đổi nhất.

Người làm marketing cần hiểu những gì về kiểu đối sánh rộng của Google Ads trong 2023.

Theo thông tin từ Google, dưới đây là những cập nhật mà người làm quảng cáo Google Ads nhất định phải nắm.

  • Thứ tự rất quan trọng và đối sánh rộng cũng hiểu điều này.

Trước đây, công nghệ của Google sẽ kết nối các từ hay từ khóa xuất hiện trong truy vấn tìm kiếm và quảng cáo, tuy nhiên lại không tính đến thứ tự của các từ trong truy vấn.

Điều này có nghĩa là, nếu ai đó đang tìm kiếm một chuyến bay từ Sài Gòn đến Hà Nội, họ cũng có thể đã thấy một mẫu quảng cáo cho chuyến bay theo chiều ngược lại từ Hà Nội đến Sài Gòn.

Ở thời điểm hiện tại, thuật toán của Google đã có khả năng hiểu điều này và do đó chỉ hiển thị các quảng cáo có đúng chiều mà người dùng đang tìm kiếm.

  • Google Ads có khả năng định tuyến lưu lượng truy cập (traffic) đến các từ khóa phù hợp.

Với hầu hết các nhà quảng cáo mới, một câu hỏi mà họ thường băn khoăn là: “Điều gì sẽ xảy ra khi hai mẫu quảng cáo của cùng một nhà quảng cáo khớp với cùng một truy vấn hay từ khoá tìm kiếm”?

Trước đây, đối sánh rộng của Google sẽ xem xét đến yếu tố được gọi là Xếp hạng quảng cáo (Ad Rank) của nhà quảng cáo để giúp xác định quảng cáo nào sẽ được hiển thị và điều này có thể không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt nhất.

Để cải thiện mức độ liên quan của từ khoá với quảng cáo cho cả nhà quảng cáo và người dùng, Google Ads giờ đây tính toán đến nhiều tín hiệu khác, chẳng hạn như các từ khóa khác trong nhóm quảng cáo hay trang đích (landing page) của quảng cáo.

Bên cạnh đó, nhờ vào khả năng của các mô hình ngôn ngữ lớn, kiểu đối sánh rộng cũng có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của truy vấn tìm kiếm và tất cả các biến thể của truy vấn để cải thiện mức độ liên quan của quảng cáo.

  • kết hợp đa ngôn ngữ.

Đối sánh rộng của Google hiện đã nhận ra rằng một số người dùng có thể chuyển đổi giữa các loại ngôn ngữ khác nhau khi tìm kiếm thứ gì đó trực tuyến — và đối sánh rộng cũng sử dụng thông tin này để phân phối các quảng cáo.

Trong khi nhà quảng cáo có thể thiết lập nhiều ngôn ngữ khác nhau trong tài khoản quảng cáo của họ, đối sánh rộng có thể đối sánh các lưu lượng truy cập địa phương có liên quan với quảng cáo, ngay cả khi hành vi tìm kiếm được thực hiện bằng ngôn ngữ khác.

Vai trò của đối sánh rộng trong quảng cáo tìm kiếm.

Trong khi đối sánh rộng không phải là khái niệm mới, nhờ những sự hỗ trợ mới của AI mà kiểu tiếp cận quảng cáo này trở thành một công cụ hiệu quả hơn nhiều cho quảng cáo tìm kiếm, điều quan trọng tiếp đó là các nhà quảng cáo hay người làm marketing cần thử nghiệm và theo dõi những gì họ có thể nhận được.

Bạn có thể bắt đầu bằng cách kiểm tra hiệu suất của chiến dịch, chọn chiến lược đặt giá thầu phù hợp hay theo dõi các từ khoá mới mà đối sánh rộng xác định là có thể giúp mang lại khách hàng mới.

AI học từ bạn và bạn học từ AI. Thành công của đối sánh rộng không phải dựa trên chính nó mà là bản thân người sử dụng nó, bạn cần chủ động sáng tạo, học hỏi và nhiều hơn thế nữa, tương lai nằm trong tay bạn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Marketing hỗn hợp là gì? Ví dụ về Tiếp thị hỗn hợp

Cùng tìm hiểu các nội dung xoay quanh thuật ngữ Marketing hỗn hợp (Tiếp thị hỗn hợp) như: Marketing hỗn hợp là gì? Các mô hình chiến lược marketing hỗn hợp (tiếp thị hỗn hợp) phổ biến nhất trên thế giới? Ví dụ về marketing hỗn hợp? Marketing hỗn hợp bao gồm những thành phần chính là gì? và hơn thế nữa.

Marketing hỗn hợp là gì? Ví dụ về Tiếp thị hỗn hợp
Marketing hỗn hợp là gì? Ví dụ về Tiếp thị hỗn hợp

Marketing hỗn hợp hay còn đượ gọi là Tiếp thị hỗn hợp là khái niệm đề cập đến mô hình làm marketing trong đó người làm marketing kết hợp nhiều yếu tố khác nhau như giá bán, khuyến mãi hay phân phối trong chiến lược thực thi. Marketing hỗn hợp cung cấp câu trả lời cho những câu hỏi như: Điều gì đã thúc đẩy doanh số bán hàng? Lợi tức đầu tư (ROI) của thương hiệu là bao nhiêu, làm cách nào để tối ưu hóa các khoản đầu tư marketing của thương hiệu và hơn thế nữa.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips đề cập trong bài bao gồm:

  • Marketing hỗn hợp là gì?
  • Marketing là gì?
  • Vai trò của marketing hỗn hợp đối với thương hiệu là gì?
  • Khái niệm Marketing hay Marketing Model.
  • Mô hình chiến lược marketing hỗn hợp 7P (s) và marketing hỗn hợp 4P (s) là gì?
  • Một số mô hình kết hợp cả việc phân tích kinh doanh và quản trị marketing khác.
  • Nghệ thuật ứng dụng của mô hình marketing hỗn hợp.
  • FAQs – Một số câu hỏi thường gặp với marketing hỗn hợp.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Marketing hỗn hợp hay tiếp thị hỗn hợp là gì?

Marketing hỗn hợp (Tiếp thị hỗn hợp) là khái niệm đề cập đến cách thức một doanh nghiệp hay thương hiệu sử dụng các chiến lược và công cụ khác nhau để thực hiện các hoạt động Marketing của họ với mục tiêu là gia tăng lượng khách hàng và doanh số.

Sở dĩ marketing hỗn hợp được gọi là mô hình tiếp thị hỗn hợp vì mô hình này chứa một tập hợp nhiều các thành phần chiến lược khác nhau như chiến lược giá (Price), chiến lược sản phẩm (Product), chiến lược phân phối (Place), chiến lược xúc tiến (Promotion) và một số thành phần chiến lược khác.

Một chiến lược marketing hỗn hợp tốt là hỗn hợp bao gồm một loạt các chiến lược chính cho phép chủ doanh nghiệp hay người làm marketing nhắm mục tiêu vào một phân khúc thị trường cụ thể và phát triển hình ảnh thương hiệu dựa trên phân khúc đó.

Trong các bản Marketing Plan, marketing hỗn hợp sẽ xác định tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng đến thị trường mục tiêu và khách hàng lý tưởng đồng thời thể hiện rõ cách chúng hoạt động cùng nhau để thúc đẩy hiệu quả tổng thể.

Marketing hỗn hợp còn được gọi là Tiếp thị hỗn hợp.

Marketing là gì?

Trong khi có vô số các thuật ngữ hay định nghĩa đề cập đến marketing, không có bất cứ một định nghĩa nào đến thời điểm hiện tại được cho là toàn diện và “đúng đắn” nhất.

Cho dù doanh nghiệp hay thương hiệu của bạn đang hoạt động trong lĩnh vực nào, nhu cầu về marketing ra sao, tuỳ thuộc vào từng góc nhìn và cách tiếp cận, marketing được hiểu theo những cách tương đối khác nhau.

Theo góc nhìn của MarketingTrips, Marketing là hoạt động tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng so với đối thủ cạnh tranh.

Khái niệm này đã bao gồm rất nhiều quy trình của hoạt động Marketing như: nghiên cứu thị trường để tìm hiểu được nhu cầu thực sự của khách hàng (insight), nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu về giá, phân phối và tất nhiên kể cả những hoạt động xúc tiến (quảng cáo, PR, khuyến mãi, marketing trực tiếp, bán hàng cá nhân)…

Vai trò của các mô hình marketing hỗn hợp hay tiếp thị hỗn hợp đối với thương hiệu là gì?

Tuỳ vào cách mà doanh nghiệp hay thương hiệu áp dụng các mô hình tiếp thị hỗn hợp vào các bối cảnh kinh doanh khác nhau, kết quả nhận được có thể khác nhau, dưới đây là một số vai trò chính mà các mô hình tiếp thị hỗn hợp có thể mang lại.

Các mô hình tiếp thị hỗn hợp là kim chỉ nam mang tính định hướng chiến lược cho toàn bộ các hoạt động Marketing.

Hãy giả sử rằng bạn là một marketer mới hay chủ một doanh nghiệp chẳng hạn, nếu bạn cần một bản kế hoạch tổng thể mang tính toàn diện cho mọi hoạt động marketing của doanh nghiệp hay thương hiệu thì bạn sẽ bắt đầu như thế nào?

Dù cho mô hình marketing hỗn hợp mà bạn đang chọn là gì, là 4P (s) (bao gồm Product, Price, Place và Promotion) hay 7P (s) (ngoài 4P có ở mô hình 4Ps sẽ có thêm People, Physical Evidence và Process), thì rõ ràng bạn đang có đủ các chiến lược hay công việc cần làm của Marketing.

Từ các khâu như thiết kế sản phẩm, xây dựng chiến lược giá bán, xây dựng các hoạt động quảng cáo, PR, bán hàng trực tiếp (có trong P – Promotion), đến lựa chọn kênh phân phối cho các sản phẩm, bạn có thể đảm bảo rằng mình đang làm “đủ” tất cả những gì cần làm để đưa sản phẩm đến với tay khách hàng.

Các mô hình tiếp thị hỗn hợp cũng giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả của Marketing và xây dựng lợi thế cạnh tranh.

Như MarketingTrips đã phân tích ở trên, vì các mô hình tiếp thị hỗn hợp hay marketing hỗn hợp là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp định hướng các hoạt động Marketing, căn cứ vào hiệu suất của các thành phần khác nhau, doanh nghiệp có thể tối ưu hoá hiệu quả của từng thành phần và từ đó nâng cao hiệu quả tổng thể của chiến lược.

Ví dụ nếu bạn phát hiện ra rằng chiến lược giá bán của bạn không phù hợp với phần lớn các khách hàng trong phân khúc, bạn có thể điều chỉnh lại mức giá (hoặc tối ưu nguyên liệu đầu vào) để nhận được sự chấp nhận cao hơn từ khách hàng.

Ngoài ra, việc vận dụng một cách linh hoạt các mô hình marketing hỗn hợp cũng có thể giúp doanh nghiệp hay thương hiệu xây dựng các lợi thế cạnh tranh hay điểm bán hàng riêng biệt (USP) khác so với đối thủ cạnh tranh.

Ví dụ nếu bạn xây dựng nên một loạt các lợi thế về chiến lược giá bán (Price), phân phối (Place), tính năng sản phẩm (Product) hay thậm chí là khác biệt hoá các hoạt động quảng cáo (Promotion), rõ ràng là bạn có nhiều cơ hội hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Khái niệm Mô hình Marketing hay Marketing Model.

Mô hình Marketing hay Marketing Model là gì?

Các mô hình marketing (marketing models) là những công cụ hữu ích để cấu trúc ý tưởng kinh doanh và truyền đạt một cách hiệu quả các chiến lược bán hàng.

Bất kể bạn chọn mô hình gì cho doanh nghiệp của mình, một mô hình tiếp thị động (dynamic marketing model) có thể là một công cụ thiết yếu để dự đoán sự thành công của doanh nghiệp hoặc thương hiệu.

Bởi vì trên thực tế có rất nhiều mô hình marketing khác nhau, bạn có thể cần phải khám phá (hoặc thử nghiệm nếu được) nhiều mô hình trước khi tìm thấy một mô hình phù hợp nhất với mục tiêu và nhu cầu của doanh nghiệp mình.

Mô hình tiếp thị là một công cụ mà các nhà tiếp thị (marketers) và doanh nghiệp sử dụng để hiểu được sức mạnh và tiềm năng doanh thu của một sản phẩm, thương hiệu hay một doanh nghiệp cụ thể.

Các mô hình marketing xem xét các chiến lược và tham số tổng thể liên quan đến việc marketing, truyền thông, quảng cáo… cho một thương hiệu hay các sản phẩm của doanh nghiệp đó.

Mục đích cuối cùng của các mô hình marketing là giúp những người làm marketing xác định chiến lược marketing của họ, quyết định phần nào của thị trường mà họ sẽ nhắm mục tiêu, dự báo những tác động của các hành động nhất định đối với người tiêu dùng và từ đó xây dựng các ước tính doanh thu cụ thể.

Mô hình chiến lược marketing hỗn hợp 4P (s) và marketing hỗn hợp 7P (s) là gì?

Trong khi có không ít người làm marketing vẫn nhầm lẫn rằng marketing hỗn hợp 7P là mô hình nâng cấp lên từ mô hình gốc marketing hỗn hợp 4P, sự thật là hai mô hình marketing này khác nhau về cách thức sử dụng tuỳ thuộc vào các mô hình kinh doanh khác nhau, vậy sự khác biệt đó là gì?

4P (s) đại diện cho sản phẩm (P – Product), giá (P – Price), phân phối (P – Place) và xúc tiến (Promotion). Mô hình Marketing 4P thường được áp dụng cho các doanh nghiệp có sản phẩm là hàng hoá (hữu hình). Ngược lại, mô hình Marketing 7P thường áp dụng cho các mô hình sản phẩm là dịch vụ (vô hình).

marketing mix là gì
Mô hình marketing hỗn hợp – 4Ps.

Ngoài bốn chữ cái P đã được thể hiện trong 4P, mô hình marketing hỗn hợp 7P còn có thêm con người (P – People), quy trình (P – Process) và những minh chứng hữu hình (P – Physical Evidence).

Bằng cách sử dụng bảng phân tích 4P hoặc 7P, marketer có thể phân tích từng khía cạnh khác nhau của doanh nghiệp để xác định các cách họ có thể tối ưu hóa chiến lược và đạt được các mục tiêu tương ứng.

marketing mix là gì
Mô hình marketing hỗn hợp – 7Ps.

Dưới đây là những giải thích cụ thể theo từng chữ P tương ứng:

  • P1: Product hay Sản phẩm: đề cập đến bất cứ thứ gì doanh nghiệp đang bán.
  • P2: Price hay Giá bán thể hiện việc doanh nghiệp bán một sản phẩm hay dịch vụ cụ thể với giá bao nhiêu (tiền).
  • P3: Place hay Phân phối là nơi sản phẩm (hay dịch vụ) được bán, đó có thể là trực tuyến hoặc ngoại tuyến, có thể là trong các siêu thị hay tại các cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ…
  • P4: Promotion hay Xúc tiến: đề cập đến các phương pháp truyền thông nói chung mà thương hiệu sử dụng để quảng bá sản phẩm của mình tới các nhóm đối tượng mục tiêu hay thị trường. Một số thành phần hay công cụ chủ yếu của Xúc tiến là quảng cáo, quan hệ công chúng (PR), khuyến mãi, marketing trực tiếp và bán hàng cá nhân.
  • P5: People hay Con người là tất cả những ai có tham gia vào quá trình sản xuất, quảng bá và phân phối sản phẩm của doanh nghiệp đến với khách hàng.
  • P6: Process hay Quy trình mô tả các phương pháp mà doanh nghiệp sử dụng để cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ của mình cho khách hàng.
  • P7: Physical Evidence hay Minh chứng hữu hình là những bằng chứng nhằm mục tiêu đảm bảo với khách hàng rằng một doanh nghiệp cụ thể có đủ sự tin tưởng và tồn tại (về mặt vật lý). Các minh chứng hữu hình có thể là hệ thống trang thiết bị, máy móc, văn phòng, các giấy chứng nhận kinh doanh, biên lai thuế…

Mặc dù các mô hình marketing hỗn hợp giúp doanh nghiệp định hình rõ các chiến lược cần làm, việc xác định ROI của marketing cần nhiều hơn một phép tính.

Khi bối cảnh truyền thông ngày nay ngày càng trở nên rời rạc và đan xen lẫn nhau, các mô hình marketing hỗn hợp cũng gặp khó khăn trong việc dự đoán các hiệu suất trong tương lai.

Nghệ thuật của mô hình marketing hỗn hợp.

Để hiểu rõ về các mô hình marketing hỗn hợp, các nhà quảng cáo thường dựa vào chuyên môn kỹ thuật của các nhà cung cấp dịch vụ đo lường của họ. Tuy nhiên, có nhiều thứ khác liên quan đến chiến lược đo lường bên cạnh yếu tố khoa học đằng sau các mô hình đó.

Việc kết hợp các bối cảnh kinh doanh để định hình các mô hình marketing hỗn hợp là một nghệ thuật, một nghệ thuật với những hàm ý đối với kết quả của các mô hình.

Các nhà quảng cáo nắm bắt được nghệ thuật đó có thể trao quyền cho doanh nghiệp của họ để đưa ra các quyết định dựa trên việc đo lường một cách có chiến lược hơn.

Dưới đây là 03 bước mà các marketer có thể thực hiện để nắm bắt yếu tố nghệ thuật của các mô hình tiếp thị hỗn hợp.

Bắt đầu bằng sự chi tiết.

Hãy nhớ rằng số lần hiển thị (impressions) không bằng nhau giữa các nền tảng hoặc thậm chí trên cùng một nền tảng.

Khi nói đến việc đo lường dành riêng cho video, các mô hình marketing hỗn hợp sẽ đánh giá tất cả các lần hiển thị của bạn, nhưng các nền tảng có thể khác nhau rất nhiều về thời gian xem (watch time), khả năng xem (viewability) và khả năng nghe (audibility).

Cùng một dữ liệu có thể tạo ra các kết quả rất khác nhau tùy thuộc vào cách kết hợp dữ liệu đó vào các mô hình.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Google với Nielsen cho thấy rằng khi các mô hình marketing hỗn hợp của các thương hiệu CPG (hàng đóng gói tiêu dùng) đánh giá các nền tảng video riêng lẻ thay vì tổng hợp dữ liệu, thì lợi nhuận trên chi tiêu quảng cáo (ROAS) thay đổi tới 48%.

Định dạng quảng cáo có thể khác nhau rất nhiều. Ví dụ: trên YouTube, quảng cáo có thể bao gồm từ các video 30 giây không thể bỏ qua đến các quảng cáo đệm dài 6 giây.

Mặc dù cả hai định dạng này đều có thể mang lại ROI cho marketing, nhưng chi phí và hiệu quả của số lần hiển thị của chúng sẽ không giống nhau.

Vì vậy, các nhà quảng cáo hay người làm marketing đảm bảo tận dụng dữ liệu một cách chi tiết nhất từ các nền tảng và mô hình của họ sẽ có thể xác định giá trị tương ứng của các lần hiển thị khác nhau.

Như với bất kỳ mô hình nào, mô hình marketing hỗn hợp cũng có các giới hạn nhất định. Nhưng phân tích càng chi tiết bạn càng có thể có các quyết định sáng suốt hơn.

Thêm các bối cảnh kinh doanh vào mô hình marketing hỗn hợp.

Khoa học của các mô hình marketing hỗn hợp có thể cho bạn biết ROI của bạn là bao nhiêu, nhưng nó không thể cho bạn biết lý do tại sao nếu bạn không có ngữ cảnh (context).

Việc lấy dữ liệu ở cấp độ định dạng (format-level data) và chi tiết là một bước khởi đầu, nhưng định dạng chỉ là một yếu tố làm thúc đẩy ROI.

Theo Nielsen Catalina Solutions, yếu tố sáng tạo chiếm 47% ROI của video – tuy nhiên, các mô hình marketing hỗn hợp không được thiết kế để đánh giá các tài sản sáng tạo riêng lẻ.

Bạn cần làm việc với các nhà xuất bản nội dung (nền tảng nội dung) để thu thập những thông tin chi tiết về việc mua các phương tiện truyền thông (media Buying) của bạn và xác định bất kỳ dữ liệu nào khác cần thiết cho mô hình.

Sự cộng tác sẽ giúp các nhà cung cấp dịch vụ đo lường của bạn đánh giá việc những thay đổi này trong chiến lược sẽ tác động như thế nào đến ROI của marketing. Nếu thực hiện đúng, điều này có thể dẫn đến nhiều ROI hơn theo thời gian.

Các yếu tố ảnh hưởng đến ROI bao gồm:

  • Sáng tạo.
  • Hỗn hợp các định dạng quảng cáo.
  • Độ tiếp cận.
  • Tần suất.
  • Chiến lược nhận diện đối tượng mục tiêu.
  • Khả năng xem.

Trong một phân tích tổng hợp về các mô hình marketing hỗn hợp mà Google ủy quyền cho Nielsen thực hiện, trung bình, ROAS trên YouTube tăng 108% cho các thương hiệu sau khi họ cộng tác với Google, mức tăng gấp 7 lần so với các thương hiệu không cộng tác.

Chia sẻ thông tin chi tiết về các phương tiện truyền thông của bạn sẽ cho phép các nhà lập mô hình hiểu điều gì đã ảnh hưởng đến những thay đổi trong ROI của marketing và cuối cùng sẽ giúp bạn hình thành các chiến lược kinh doanh thông minh hơn.

Tạo ra nhiều sự minh bạch hơn.

Không có mô hình nào là hoàn hảo, bao gồm cả các mô hình marketing hỗn hợp. Một nhóm các nhà khoa học dữ liệu của Google từng xuất bản một bài viết cho rằng cách các mô hình marketing hỗn hợp sử dụng cùng một dữ liệu vẫn có thể cho ra các ROI khác nhau.

Với suy nghĩ đó, thay vì chấp nhận tất cả các kết quả đầu ra, hãy hỏi các nhà cung cấp dịch vụ đo lường của bạn về biên độ sai số của các mô hình để có các đề xuất cụ thể.

Đừng dựa vào bất kỳ quyết định kinh doanh nào dựa trên các mô hình marketing hỗn hợp của bạn như là một nguồn sự thật duy nhất.

Thay vào đó, hãy dành thời gian để thiết kế các thử nghiệm khác nhau, từ đó có thể cung cấp cho bạn các góc nhìn khác về độ chính xác của mô hình.

Các mô hình marketing hỗn hợp là một công cụ có giá trị để đo lường, nhưng chỉ riêng yếu tố khoa học thì không thể đưa ra tất cả các câu trả lời đúng.

Nghệ thuật của việc nâng cao và tối ưu các mô hình là nơi các nhà tiếp thị có thể bắt đầu để giúp thu thập dữ liệu và bối cảnh từ các nhà xuất bản nội dung và thúc đẩy các nhà cung cấp trở nên minh bạch hơn.

Với những bước nhỏ này, các đội nhóm có thể nâng cao độ chính xác của các mô hình marketing hỗn hợp nhiều hơn, dẫn đến kết quả là cho phép họ đưa ra các quyết định kinh doanh sáng suốt hơn.

Một số câu hỏi thường gặp với marketing hỗn hợp (FAQs).

  • Marketing hỗn hợp trong tiếng Việt có nghĩa là gì?

Trong tiếng Việt, marketing hỗn hợp có thể hiểu là Tiếp thị hỗn hợp, tức sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau trong cùng một chiến dịch hoặc chiến lược.

  • Marketing hỗn hợp 4P là gì?

Như đã phân tích ở trên, marketing hỗn hợp 4P (s) chính là mô hình tiếp thị hỗn hợp sử dụng các yếu tố bao gồm Sản phẩm, Giá cả, Phân phối và Xúc tiến. 4 chữ P chính là chữ cái đại diện cho 4 thành phần này.

  • Marketing hỗn hợp 7P là gì?

Cũng tương tự như marketing hỗn hợp 4P (s), marketing hỗn hợp 7P (s) cũng tiếp cận theo cách tương tự tuy nhiên ngoài 4 chữ P hiện có còn được bổ sung thêm: P – People (Con người), P –  Physical Evidence (Minh chứng hữu hình) và P – Process (Quy trình).

  • Kế hoạch marketing hỗn hợp là gì?

Kế hoạch marketing hỗn hợp chính là các bản định hướng công việc cần làm liên quan đến các hoạt động marketing hỗn hợp tổng thể.

Kế hoạch (chiến lược) marketing hỗn hợp có thể bao gồm các nội dung như: chiến lược giá bán, kế hoạch phân phối hàng hoá, các chương trình khuyến mãi…

  • Thiết kế marketing hỗn hợp là gì?

Thiết kế marketing hỗn hợp là thuật ngữ đề cập đến quá trình (process) hay hành động xây dựng mô hình và kế hoạch marketing hỗn hợp cụ thể.

Đó có thể là việc kết hợp các thành phần có trong mô hình, chi tiết hoá các thành phần hay loại bỏ một số thành phần không cần thiết ra khỏi mô hình.

Mục tiêu cuối cùng của quá trình này là tạo ra một công thức (framework) tối ưu cho các hoạt động marketing hỗn hợp.

Kết luận.

Hy vọng với bài viết phân tích tương đối chi tiết này, MarketingTrips đã có thể giúp bạn hiểu hơn về các khái niệm như marketing hỗn hợp là gì, các mô hình chiến lược marketing hỗn hợp hay tiếp thị hỗn hợp phổ biến cũng như cách thức ứng dụng các mô hình tiếp thị hỗn hợp vào các hoạt động cụ thể của doanh nghiệp.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Tra Nguyen | MarketingTrips

Nguồn: MarketingTrips

Công ty mẹ của Shopee và Gojek tiếp tục sa thải nhân viên

Theo nguồn tin của Bloomberg, Sea sẽ sa thải khoảng 500 nhân sự tại Shopee Indonesia, chỉ vài ngày sau khi bất ngờ báo lãi. Trong khi đó, GoTo – công ty sáp nhập giữa Gojek và Tokopedia – thông báo cho 600 nhân viên nghỉ việc để tái cơ cấu kinh doanh.

Công ty mẹ của Shopee và Gojek tiếp tục sa thải nhân viên
Công ty mẹ của Shopee và Gojek tiếp tục sa thải nhân viên

Các đại gia công nghệ Đông Nam Á đang cố gắng thuyết phục những nhà đầu tư về tầm nhìn dài hạn trước nỗi lo suy thoái. Sau vài năm tận hưởng tăng trưởng thần tốc, các doanh nghiệp này đang đặt lợi nhuận làm ưu tiên hàng đầu giữa lúc lãi suất tăng và lạm phát leo thang.

Người tiêu dùng ngày càng chi tiêu trực tuyến, giải trí, đặt đồ ăn và gọi xe ít đi.

Năm ngoái, Sea đã cắt giảm hơn 7.000 vị trí, còn GoTo giảm 12% lực lượng lao động. Đợt sa thải này ảnh hưởng đến nhân viên toàn thời gian và hợp đồng tại bộ phận chăm sóc khách hàng của Shopee Indonesia.

Với GoTo, đây là một phần của việc sáp nhập các bộ phận với nhau và thu hẹp mảng kinh doanh Mitra Tokopedia. Chưa đầy tháng trước, công ty này trải qua sự thay đổi lãnh đạo lớn nhất lịch sử, củng cố quyền lực của CEO Andre Soelistyo.

Tại thời điểm đó, CEO Soelistyo cho biết, việc xáo trộn nhằm tăng tốc độ đạt lợi nhuận của công ty. Ba mảng kinh doanh chính đón những lãnh đạo mới: Melissa Juminto làm Chủ tịch Thương mại điện tử (ecommerce); Catherine Sutjahyo làm Chủ tịch mảng Theo yêu cầu; Hans Patuwoo làm Chủ tịch mảng Fintech.

Trong thông báo ngày 10/3, GoTo nói sẽ giảm quy mô các bộ phận và dự án không phải cốt lõi, ưu tiên các nhu cầu kinh doanh hiện tại.

Tokopedia ra mắt dịch vụ thương mại nông thôn thông qua ứng dụng Mitra Tokopedia năm 2018, độc lập với ứng dụng mua sắm trực tuyến.

Với Mitra Tokopedia, các ki-ốt bán hàng nhỏ (warung) có thể đặt mua mì ăn liền hay hàng hóa khác. Dù vậy, đây lại là hoạt động “đốt tiền” của Tokopedia.

(Theo Bloomberg)

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | Theo ICTNews

Tiếp thị hiệu suất là gì? Ví dụ về tiếp thị hiệu suất

Tiếp thị hiệu suất là gì, sự khác biệt giữa tiếp thị hiệu suất và tiếp thị thương hiệu là gì, ví dụ về tiếp thị hiệu suất, người làm tiếp thị nên hiểu và lựa chọn các phương thức này như thế nào.

Tiếp thị hiệu suất là gì?
Tiếp thị hiệu suất là gì?

Tiếp thị hiệu suất là gì? Khi nói đến các thuật ngữ trong ngành Tiếp thị, tuỳ thuộc vào từng bối cảnh và cách phân loại, chúng ta có những khái niệm khác nhau. Tiếp thị hiệu suất là một trong số các cách phân loại đó. Thuật ngữ tiếp thị hiệu suất theo đó đề cập đến các cách thức tiếp cận với tiếp thị theo hướng hiệu suất, chủ yếu là tập trung vào lượng khách hàng và doanh số bán hàng..

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:

  • Tiếp thị hiệu suất là gì?
  • Vai trò của tiếp thị hiệu suất trong doanh nghiệp hay với thương hiệu.
  • Các chỉ số chính được sử dụng để đo lường tiếp thị hiệu suất là gì?
  • Phân biệt tiếp thị hiệu suất với tiếp thị thương hiệu.
  • Phân tích ví dụ về tiếp thị hiệu suất và tiếp thị thương hiệu từ Airbnb, Expedia cùng các nhận định khác từ chuyên gia.
  • FAQs – Một số câu hỏi thường gặp với tiếp thị hiệu suất là gì?

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Tiếp thị hiệu suất là gì?

Tiếp thị hiệu suất là khái niệm đề cập đến các phương thức làm tiếp thị trong đó nhà tiếp thị sẽ tập trung trực tiếp vào yếu tố hiệu suất với mục tiêu cuối cùng thường là lượng khách hàng tiềm năng (Lead) và doanh số bán hàng (Sales).

Thay vì với tiếp thị thương hiệu, doanh nghiệp trung vào các hoạt động xây dựng thương hiệu và hướng tới doanh số trong dài hạn, tiếp thị hiệu suất tập trung trực tiếp vào việc bán hàng trong ngắn hạn hay thậm chí là trực tiếp.

Tiếp thị hiệu suất theo đó gắn liền với các hoạt động quảng cáo có trả phí (Paid Advertising), theo Statista, vào năm 2022, doanh số ngành quảng cáo trực tuyến có giá trị khoảng gần 600 tỷ USD.

Như đã phân tích ở trên, vì mục tiêu của các doanh nghiệp là khác nhau, các KPIs đo lường của tiếp thị hiệu suất khác nhau, trong đó chỉ số chính là khách hàng tiềm năng, doanh số bán hàng hoặc các lượt dùng thử sản phẩm nào đó.

Hay nếu bạn đang trong nhiệm vụ tối ưu hoá các chiến dịch quảng cáo, mục tiêu của bạn khi này là “đẩy hiệu suất” cao lên, hiệu suất khi này có thể được đo lường bằng giá quảng cáo (CPC, CPM) hoặc tỷ lệ chuyển đổi (CR).

Vai trò của tiếp thị hiệu suất trong doanh nghiệp hay với thương hiệu.

Trong khi người làm tiếp thị có thể kết hợp với tiếp thị thương hiệu hoặc không tuỳ thuộc vào từng chiến lược cụ thể, tiếp thị hiệu suất mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi thế lớn.

Dưới đây là những gì mà tiếp thị hiệu suất có thể mang lại:

Tiếp thị hiệu suất giúp xây dựng độ nhận biết thương hiệu.

Mặc dù xây dựng thương hiệu hay độ nhận biết thương hiệu (brand awareness) không phải là mục tiêu của tiếp thị hiệu suất, tuy nhiên, trong quá trình đẩy mạnh các hoạt động quảng cáo và tiếp cận khách hàng mục tiêu, nó cũng có thể giúp họ nhận biết và ghi nhớ tốt hơn về thương hiệu.

Tiếp thị hiệu suất giúp thúc đẩy lượng khách hàng tiềm năng và doanh số bán hàng.

Hiển nhiên với đúng bản chất của “Hiệu suất”, mục tiêu quan trọng nhất và cuối cùng của tiếp thị hiệu suất là thúc đẩy nhanh (trong nhiều trường hợp là trực tiếp) quá trình có được khách hàng tiềm năng và bán hàng.

Không giống như tiếp thị thương hiệu, các thông điệp thường “nhẹ nhàng” và khơi dậy yếu tố cảm xúc của khách hàng, tiếp thị hiệu suất sử dụng các thông điệp mạnh hơn liên quan đến lợi ích của khách hàng, các chương trình khuyến mãi (đặc biệt) và hơn thế nữa với ý định là khách hàng cần ra quyết định ngay.

Thông thường với các doanh nghiệp nhỏ, các đơn vị ít có nguồn lực đầu tư vào thương hiệu thì tiếp thị hiệu suất được xem là chiến lược chính.

Các chỉ số chính được sử dụng để đo lường tiếp thị hiệu suất là gì?

Các chỉ số chính được sử dụng để đo lường Performance Marketing là gì?
Các chỉ số chính được sử dụng để đo lường tiếp thị hiệu suất là gì?

Trong khi có rất nhiều chỉ số đánh giá khác nhau về hiệu suất của tiếp thị, dưới đây là một số chỉ số chính thường được sử dụng.

  • Lead: Lượng khách hàng tiềm năng có được sau các chiến dịch cụ thể.
  • CAC (Customer Acquisition Cost): Chi phí doanh nghiệp cần bỏ ra để có được một khách hàng mới, các doanh nghiệp thường dựa vào Benchmark của ngành hoặc nội bộ doanh nghiệp để đánh giá CAC.
  • Revenue: Doanh số bán hàng có được sau các chiến dịch tiếp thị hiệu suất với các khoản ngân sách cụ thể.
  • Demo – Sign up – Subcriber: Lượng khách hàng dùng thử sản phẩm hay đăng ký tư vấn các sản phẩm liên quan.
  • Traffic: Lượng người dùng truy cập website.
  • CPC (Cost Per Click): Chi phí bỏ ra trên mỗi lần nhấp chuột.
  • ROAS (Return on Advertising Spend): Mức lợi nhuận có được trên chi tiêu quảng cáo.

Phân biệt tiếp thị hiệu suất với tiếp thị thương hiệu.

Song song với thuật ngữ tiếp thị hiệu suất, chúng ta có một khái niệm tạm gọi là đối lập đó là tiếp thị thương hiệu, vậy sự khác biệt cơ bản giữa tiếp thị thương hiệu và tiếp thị hiệu suất là gì?

Nếu tiếp thị hiệu suất như đã phân tích ở trên là bao gồm các hoạt động tiếp thị tập trung vào hiệu suất, mà cụ thể ở đây thường là lượng khách hàng tiềm năng (Lead) và bán hàng.

Những gì mà các hoạt động tiếp thị thương hiệu mang lại là giá trị của thương hiệu, cụ thể ở đây là, độ nhận biết thương hiệu, độ yêu thích thương hiệu, xây dựng lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu và hơn thế nữa.

Tiếp thị thương hiệu liên quan nhiều các hoạt động xây dựng mối quan hệ giữa thương hiệu với người tiêu dùng đồng thời tiếp thị đến người tiêu dùng các thuộc tính của thương hiệu (brand attributes), những thứ mà người tiêu dùng “cần” hình dung ra khi nghĩ về một thương hiệu cụ thể nào đó.

Như đã đề cập ở trên, tiếp thị thương hiệu là từ ghép giữa Thương hiệu và Tiếp thị do đó để có thể hiểu rõ hơn về thuật ngữ này bạn cũng nên tìm hiểu về Tiếp thị và Thương hiệu.

Phân tích ví dụ về tiếp thị hiệu suất và tiếp thị thương hiệu từ Airbnb, Expedia cùng các nhận định khác từ chuyên gia.

Phân tích ví dụ về tiếp thị hiệu suất và tiếp thị thương hiệu từ Airbnb, Expedia cùng các nhận định khác từ chuyên gia.

Quyết định cắt giảm vĩnh viễn chi tiêu dành cho các hoạt động tiếp thị hiệu suất và tập trung vào tiếp thị thương hiệu cũng như PR là sự kiện đáng chú ý gần đây của ‘ông lớn’ đặt phòng trực tuyến Airbnb.

Động thái này từ Airnbnb được đưa ra sau khi họ đã tiết lộ rằng mặc dù họ đã cắt giảm chi tiêu của tiếp thị hiệu suất đến 541 triệu USD vào năm 2020 —  nhưng vẫn tạo ra 95% lưu lượng truy cập trực tuyến tương tự như một năm trước đó.

Ông Brian Chesky, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Airbnb cho biết:

“Công ty sẽ không bao giờ quay trở lại chi tiêu số tiền tương tự cho hoạt động tiếp thị hiệu suất, tức làm tiếp thị theo tỷ lệ phần trăm doanh thu như cách chúng tôi đã làm vào năm 2019.

Chi tiêu tiếp thị của chúng tôi chỉ chiếm 14,2% doanh thu vào năm 2020, so với mức 23,7% vào năm 2019.

Sức mạnh của thương hiệu và chiến lược truyền thông của Airbnb cũng cho phép chúng tôi ít phụ thuộc hơn vào tiếp thị hiệu suất.”

Ông Chesky cũng lưu ý rằng Airbnb đã được biết đến như một danh từ và một động từ trong đại đa số mọi người.

Thay vào việc tập trung chi tiêu và nguồn lực vào các hoạt động tiếp thị hiệu suất, Airbnb sẽ tập trung vào việc tận dụng PR và tiếp thị thương hiệu.

Là một phần trong nỗ lực tiếp thị thương hiệu của mình, Airbnb đã khởi động chiến dịch thương hiệu lớn nhất trong 5 năm vào đầu năm 2021.

Công ty thừa nhận trong báo cáo hàng năm rằng tiếp thị thương hiệu có thể có một số rủi ro vì nó đắt và có thể không hiệu quả về mặt chi phí ngay tức thời nhưng ngược lại tiếp thị dựa trên hiệu suất cũng đối mặt với vô số rủi ro xung quanh dữ liệu và quyền riêng tư.

Airbnb không phải là thương hiệu đầu tiên chọn đặt trọng tâm lớn hơn vào thương hiệu trong cách làm tiếp thị của mình, nhưng quyết định của họ đã làm dấy lên mối quan tâm mới trong việc hiểu đúng giá trị của từ hiệu suất.

Điều này đặc biệt được chú ý ở Châu Á – Thái Bình Dương, một khu vực được cho là có hiệu suất cao hơn các khu vực khác do sự phát triển của thiết bị di động và kỹ thuật số.

Sau đây là chia sẻ liên quan đến vấn đề này từ 5 nhà tiếp thị hiệu suất của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC).

Câu hỏi được đặt ra cho các chuyên gia là liệu tiếp thị dựa trên hiệu suất có mang lại kết quả hay không. Chúng ta nên hiểu quan điểm này như thế nào?

Bà Monica Chia, Giám đốc SEO khu vực APAC của Reprise chia sẻ:

“Khi chúng ta bắt đầu một chiến dịch tiếp thị dựa trên hiệu suất, chúng ta cần xác định rõ kết quả dự kiến (KPIs).

Như chúng ta đã biết, việc Google ra mắt Google Travel đã làm giảm đáng kể khả năng hiển thị tìm kiếm tự nhiên (organic search) của Airbnb.

Trong bối cảnh đó, cạnh tranh để có khả năng hiển thị tìm kiếm có trả phí (paid search) trong kết quả tìm kiếm liên quan đến du lịch chắc chắn sẽ là một yếu tố ảnh hưởng xấu đến hiệu quả và kết quả tiếp thị hiệu suất của họ.

Việc Airbnb xem xét toàn cảnh cạnh tranh thường xuyên có thể giúp họ điều chỉnh việc thực hiện các hoạt động tiếp thị và hiểu liệu nó có đang thúc đẩy giá trị hay không hay chỉ đơn giản là lãng phí các lần nhấp chuột do sự cạnh tranh đầy khốc liệt.

Vì vậy, tôi không nghĩ điều này liên quan nhiều đến việc tiếp thị dựa trên hiệu suất có mang lại kết quả hay không mà thay vào đó, chúng ta nên đặt câu hỏi liệu các chiến thuật của tiếp thị dựa trên hiệu suất của họ có phù hợp với kết quả mong đợi hay không.

Động thái tập trung vào tiếp thị thương hiệu bây giờ là một động thái tốt đối với Airbnb khi đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc định hình một diện mạo mới của ngành du lịch trong thập kỷ tiếp theo, đây là thứ sẽ tiếp tục có thể xây dựng nhận thức hàng đầu trong tâm trí người tiêu dùng.”

Ông Kabeer Chaudhary, CEO của M&C Saatchi Performance chia sẻ thêm:

performance marketing là gì
Ông Kabeer Chaudhary bên trái hình.

“Có một điều rất dễ hiểu là tất cả các thương hiệu du lịch và khách sạn đều cắt giảm ngân sách tiếp thị của họ vào năm 2020 do ảnh hưởng từ Covid-19.

Mục tiêu của một số thương hiệu là luôn được người tiêu dùng nhớ đến (top of mind), từ đó khi các hoạt động du lịch trở lại bình thường, họ sẽ cân nhắc hơn đến thương hiệu đó.

Do đó, chúng ta có thể hiểu được rằng các công ty sẽ đầu tư phần lớn ngân sách của họ vào tiếp thị thương hiệu và PR thay vì tiếp thị hiệu suất.

Thực tế là Airbnb có thể tạo ra 95% lưu lượng truy cập của năm 2019 mà không cần chi tiêu cho tiếp thị hiệu suất là không đủ thông tin để đặt câu hỏi về mức độ hiệu quả của chính phương thức tiếp thị này.

Đầu tiên, tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng Airbnb sử dụng tiếp thị hiệu suất để tạo ra lưu lượng truy cập vào website làm mục tiêu chính của mình.

Thành thật mà nói, tôi mong đợi một công ty có quy mô và độ phức tạp như Airbnb sẽ phải xem xét đến các chỉ số sâu hơn như doanh thu, giao dịch, v.v. để đánh giá hiệu quả chi tiêu cho hoạt động tiếp thị của họ chứ không chỉ là lưu lượng truy cập (traffic).

Bà Nathalie Pellegrini, Giám đốc hiệu suất (CPO), Mindshare Châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ:

“Hiệu quả của tiếp thị hiệu suất phần lớn phụ thuộc vào chiến lược được xây dựng đằng sau chiến dịch và cách nó được tinh chỉnh hay tối ưu.

Các thương hiệu để đạt được thành công, họ cần kết hợp giữa tiếp thị thương hiệu và tiếp thị hiệu suất thông qua các quảng cáo có trả phí, sau đó được tối ưu hóa dần dần để mang lại kết quả mong muốn.”

Ông Martin Davie, head of international platform, Publicis Media Singapore chia sẻ:

“Tôi lại có quan điểm khác. Có vẻ như không còn là câu hỏi về việc liệu hiệu suất có mang lại kết quả hay không mà còn là câu hỏi về vai trò của nó như thế nào trong doanh nghiệp, kể cả với câu chuyện của Airbnb hiện tại.

Airbnb đang thực hiện những bước đi tương tự với nhiều nhà quảng cáo khác với mục đích là có một cái nhìn tổng thể hơn về chi tiêu tiếp thị của họ.

Không có một câu trả lời hoàn toàn chính xác nào phù hợp với tất cả câu hỏi đó, tất cả các nhà quảng cáo cần phải tự đánh giá điểm dữ liệu và hiểu giá trị mà các ý tưởng ​​khác nhau đang thúc đẩy doanh nghiệp của họ phát triển.

Hiểu việc phân bổ ngân sách và vai trò của các kênh khác nhau chưa bao giờ hết quan trọng. Trong khi sự tăng trưởng về tiếp thị hiệu suất đã dẫn đến việc phụ thuộc vào các chỉ số đo lường ngắn hạn, việc có thể cân bằng giữa giá trị ngắn hạn với giá trị dài hạn cho thương hiệu của bạn là điều rất quan trọng để tiến về phía trước.”

Ông David Ketchum đến từ Control v Exposed, một agency chuyên về hiệu suất nói:

“Hãy trò chuyện với khách hàng trước khi chúng ta tìm hiểu về hiệu quả của các phương tiện truyền thông.

Airbnb đã có một sự hiện diện với cá tính mạnh mẽ, và chắc chắn rằng tiếp thị thương hiệu và PR sẽ thu hút người tiêu dùng tốt hơn ở giai đoạn khám phá trong hành trình khách hàng.

Tuy nhiên, nhận thức về thương hiệu đó cũng phải được xem xét; chỉ vì bạn biết về thứ gì đó không có nghĩa là bạn có khả năng mua nó.

Các phương tiện truyền thông thiên về hiệu suất đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn giữa của hành trình mua hàng (mid-funnel), phù hợp với nội dung và hành vi trực tuyến của người tiêu dùng.

Quảng cáo hiển thị hình ảnh được nhắm mục tiêu tốt với những lời kêu gọi hành động có liên quan, từ phiếu thưởng, mã QR trên thiết bị di động, đến chuyển đổi khách hàng trực tuyến hay bán hàng qua các kênh thương mại điện tử.

Quảng cáo tìm kiếm có trả phí và mạng xã hội ở phần cuối của hành trình mua hàng (bottom of the funnel – BoFu) sẽ đưa mọi người từ chế độ nghiên cứu sang mua hàng.

Expedia, Booking.com và tất cả các khách sạn khác sẽ tiếp tục chi hàng tỷ USD cho hoạt động tiếp thị hiệu suất nhằm ‘đẩy’ hết lượng phòng còn trống, khi Covid-19 thoái trào, mọi người sẽ lại khao khát những điểm đến và trải nghiệm du lịch mới.

Airbnb sẽ phải đối mặt với các áp lực cạnh tranh mới. Sân chơi là bình đẳng: tất cả ‘người chơi’ phải tôn trọng quyền riêng tư về dữ liệu và thích ứng một cách phù hợp với một thế giới không cookies mới.”

FAQs – Một số câu hỏi thường gặp với thuật ngữ tiếp thị hiệu suất là gì?

  • Tiếp thị hiệu suất trong tiếng Anh có nghĩa là gì?

Trong tiếng Anh, tiếp thị hiệu suất có nghĩa là Performance Marketing, khái niệm đề cập đến một phương thức hay chiến lược làm tiếp thị trong đó doanh nghiệp tập trung vào các hoạt động tiếp thị với mục tiêu chính là thúc đẩy lượng khách hàng tiềm năng (Lead) và bán hàng (Sales).

  • Tiếp thị hiệu suất kỹ thuật số là gì?

Về cơ bản, tiếp thị hiệu suất kỹ thuật số cũng là tiếp thị hiệu suất tuy nhiên là các hoạt động chỉ diễn ra trên môi trường kỹ thuật số (Digital).

Kết luận.

Như đã phân tích tương đối kỹ như ở trên, việc lựa chọn tiếp thị hiệu suất hay tiếp thị thương hiệu tuỳ thuộc vào từng mục tiêu hay giai đoạn cụ thể của từng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bằng cách hiểu ý nghĩa thực sự của tiếp thị hiệu suất là gì và kết quả có được đằng sau mỗi cách tiếp cận, doanh nghiệp có thể chủ động và đưa ra những quyết định chiến lược bền vững hơn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Giang Nguyễn | MarketingTrips 

Tiếp thị thương hiệu là gì? Marketer nên hiểu như thế nào?

Tiếp thị thương hiệu là gì? Vai trò của tiếp thị thương hiệu với thương hiệu và doanh nghiệp? Làm tiếp thị thương hiệu là làm gì?

Tiếp thị thương hiệu hay còn được gọi là Marketing thương hiệu là thuật ngữ đề cập đến tất cả các hoạt động tiếp thị với mục tiêu cuối cùng là xây dựng tài sản thương hiệu hoặc các sản phẩm hay dịch vụ liên quan.

Tiếp thị thương hiệu là gì
Tiếp thị thương hiệu là gì? Marketer nên hiểu như thế nào?

Đối với những người làm Marketing (hay tiếp thị), khi nói đến cách phân loại chiến lược hay mục tiêu của tiếp thị, tiếp thị thương hiệu và tiếp thị hiệu suất là hai thuật ngữ phổ biến nhất.

Trong khi tuỳ vào từng mục tiêu của từng doanh nghiệp trong từng thời điểm khác nhau, tiếp thị thương hiệu và tiếp thị hiệu suất đều có những lợi thế riêng, vẫn có không ít những quan điểm sai lầm về sự lựa chọn hai cách tiếp cận này. Vậy bản chất tiếp thị thương hiệu là gì và nó khác với tiếp thị hiệu suất như thế nào.

Mục lục bài viết:

  • Tiếp thị thương hiệu là gì?
  • Các thuộc tính chính của tiếp thị thương hiệu.
  • Vai trò của tiếp thị thương hiệu trong doanh nghiệp?
  • Phân biệt tiếp thị thương hiệu và xây dựng nhận diện thương hiệu.
  • Người làm tiếp thị nên chọn tiếp thị thương hiệu hay tiếp thị hiệu suất.
  • FAQs – Những câu hỏi thường gặp với thuật ngữ tiếp thị thương hiệu là gì?

Bên dưới là toàn bộ các kiến thức nền tảng về Tiếp thị thương hiệu.

Tiếp thị thương hiệu là gì?

Tiếp thị thương hiệu là thuật ngữ đề cập đến tất cả các hoạt động tiếp thị với mục tiêu cuối cùng là xây dựng tài sản thương hiệu hoặc các sản phẩm hay dịch vụ liên quan.

Tiếp thị thương hiệu liên quan nhiều các hoạt động xây dựng mối quan hệ giữa thương hiệu với người tiêu dùng đồng thời tiếp thị đến người tiêu dùng các thuộc tính của thương hiệu, những thứ mà người tiêu dùng “cần” hình dung ra khi nghĩ về một thương hiệu cụ thể nào đó.

Như đã đề cập ở trên, tiếp thị thương hiệu là từ ghép giữa Thương hiệuTiếp thị do đó để có thể hiểu rõ hơn về thuật ngữ này bạn cũng nên tìm hiểu về thương hiệu và tiếp thị.

  • Thương hiệu là gì:

Ở góc nhìn tổng thể, thương hiệu có thể được định nghĩa là tất cả những giá trị hữu hình lẫn vô hình dùng để nhận diện hay phân biệt một sản phẩm, dịch vụ, cá nhân hay tổ chức nào đó với những đơn vị còn lại.

Thương hiệu có thể bao gồm từ các yếu tố hữu hình như logo, màu sắc thương hiệu, các kí hiệu hay slogan gắn liền với thương hiệu, bao bì, nhãn mác, đến các yếu tố vô hình như tính cách thương hiệu, hình ảnh thương hiệu hay tình cảm thương hiệu. Bạn có thể xem thương hiệu là gì để hiểu chi tiết hơn.

  • Tiếp thị có nghĩa là gì:

Mặc dù có vô số các định nghĩa khác nhau về tiếp thị, theo góc nhìn của MarketingTrips, tiếp thị là hoạt động tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng so với đối thủ cạnh tranh.

Khái niệm này đã bao gồm rất nhiều quy trình của hoạt động tiếp thị như: nghiên cứu thị trường để tìm hiểu được nhu cầu thực sự của khách hàng (insight), nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu về giá, phân phối và tất nhiên kể cả những hoạt động xúc tiến (quảng cáo, PR, khuyến mãi, tiếp thị trực tiếp, bán hàng cá nhân)…

Bạn có thể xem tiếp thị là gì để tìm hiểu chuyên sâu về tiếp thị..

Các thuộc tính chính của tiếp thị thương hiệu.

Với tiếp thị thương hiệu, thay vì làm tiếp thị cho một số sản phẩm hay dịch vụ cụ thể, doanh nghiệp tập trung xây dựng toàn bộ về thương hiệu, thông qua các sản phẩm và dịch vụ đó, doanh nghiệp muốn chứn minh với người tiêu dùng về các lời hứa thương hiệu.

Cũng tương tự như các cách thức tiếp cận khác là tiếp thị sản phẩm hay tiếp thị hiệu suất, tiếp thị thương hiệu sử dụng các phương thức truyền thông phổ biến như tiếp thị kỹ thuật số, tiếp thị nội dung, tiếp thị truyền thông xã hội và nhiều phương tiện khác.

Liên quan đến tiếp thị thương hiệu, có 2 thành phần lớn xuyên suốt là thuộc tính thương hiệu và tài sản thương hiệu.

Thông thường, phần lớn người làm tiếp thị hay đề cập đến khái niệm xây dựng thương hiệu tuy nhiên đây chỉ là quá trình mô tả các hoạt động cụ thể chứ không phải dùng để mô tả một thương hiệu.

Mục cuối cùng của doanh nghiệp khi xây dựng thương hiệu hay tiếp thị thương hiệu là xây dựng giá trị hay các tài sản xoay quanh thương hiệu.

Thuộc tính thương hiệu là gì?

Cũng giống như con người chúng ta, chúng ta có những tính cách khác nhau, thương hiệu cũng có các thuộc tính độc đáo riêng. Thuộc tính thương hiệu được hiểu là các giá trị nhận dạng mà người tiêu dùng xem như là một phần của thương hiệu.

Thuộc tính thương hiệu có thể bao gồm tên gọi thương hiệu và khẩu hiệu (Tagline/slogan), màu sắc, hoặc các âm thanh khác gắn với thương hiệu.

Ngoài ra, các thuộc tính thương hiệu cũng có thể là những cảm giác mà thương hiệu gợi lên cho người tiêu dùng. Các “thuộc tính cảm giác” ví dụ như tính xác thực, sáng tạo, đáng tin cậy, trung thực hoặc minh bạch.

Tài sản thương hiệu là gì?

Như đã phân tích ở trên, mục tiêu cuối cùng của các doanh nghiệp không phải là xây dựng thương hiệu hay tiếp thị thương hiệu mà là tạo ra các thương hiệu có giá trị hay những tài sản xoay quanh thương hiệu đó.

Một thương hiệu mạnh tức thương hiệu có tài sản thương hiệu mạnh liên quan đến mức độ người tiêu dùng biết đến thương hiệu, mức độ ưa thích của họ đối với thương hiệu, mức độ kết nối của họ với thương hiệu và mức độ trung thành của họ đối với thương hiệu.

  • Độ nhận biết thương hiệu: Độ nhận biết thương hiệu là thuật ngữ xác định có bao nhiêu người tiêu dùng biết đến một thương hiệu cụ thể và được đo lường thông qua các cuộc khảo sát hoặc (và) nhóm tập trung, các công cụ lắng nghe mạng xã hội (Social Listening) cũng như thông tin chi tiết về lượng tìm kiếm và lưu lượng truy cập website.
  • Lòng trung thành thương hiệu: Mức độ trung thành với thương hiệu được đo lường bằng cách sử dụng thông tin chi tiết về hành vi mua hàng của người tiêu dùng như hành vi mua hàng lặp lại và khoảng cách thời gian giữa các lần mua hàng.
  • Tình cảm thương hiệu: Hay mức độ yêu thích thương hiệu là chỉ số được đo lường thông qua các số liệu như ý định mua hàng (Purchase/Buying intent) hoặc các cuộc khảo sát đánh giá của người tiêu dùng với thương hiệu.

Để xây dựng một thương hiệu có giá lớn, điều quan trọng là người làm tiếp thị phải thiết lập được một mối quan hệ thương hiệu mạnh mẽ với người tiêu dùng.

Vai trò của tiếp thị thương hiệu trong doanh nghiệp và thương hiệu.

Vai trò của tiếp thị thương hiệu trong doanh nghiệp và thương hiệu.
Vai trò của tiếp thị thương hiệu trong doanh nghiệp và thương hiệu.

Thông qua quá trình phân tích ở trên hẳn là giờ đây bạn đã có thể hiểu được vai trò của tiếp thị thương hiệu với thương hiệu và doanh nghiệp.

Dưới đây là một số vai trò chính.

  • Xây dựng độ nhận biết thương hiệu: Bạn thử hình dung rằng, có nhiêu lần bạn mua một sản phẩm từ một thương hiệu nào đó mà bạn chưa từng nghe tới trước đây chưa? hay nếu bạn đã từng nghe rồi thì liệu bạn có quyết định mua nó nếu bạn không yêu thích nó không? Đây chính là vai trò đầu tiên của tiếp thị thương hiệu.
  • Xây dựng mức độ yêu thích với thương hiệu: Giả sử nếu bạn đã biết hay nghe nói về thương hiệu ở một nơi nào đó trên mạng xã hội chẳng hạn, có bao nhiêu phần trăm là bạn mua nó nếu bạn không có bất cứ mối liên hệ hay cảm xúc nào với nó. Vai trò lớn tiếp theo của tiếp thị thương hiệu là xây dựng các kết nối có ý nghĩa với các nhóm đối tượng mục tiêu, hiểu và tương tác với họ, từ đó dần dần họ “cảm mến” thương hiệu.
  • Xây dựng lòng trung thành của khách hàng và thúc đẩy doanh số bán hàng: Mục tiêu chính cuối cùng của tiếp thị thương hiệu là thường xuyên tương tác với người tiêu, trên nhiều các điểm chạm (brand touchpoint) khác nhau để từ đó họ luôn gắn kết với thương hiệu, không chuyển hướng sang các thương hiệu của đối thủ. Chính điều này sẽ làm cho thương hiệu có nhiều doanh số bán hàng hơn vì khách hàng mua lại nhiều hơn.

Phân biệt tiếp thị thương hiệu với xây dựng nhận thương hiệu.

Mặc dù xây dựng nhận diện thương hiệu và tiếp thị thương hiệu là 2 thuật ngữ gần như khác nhau hoàn toàn, chúng lại có những hiểu lầm nhất định là “xây dựng thương hiệu”, vậy sự khác biệt giữa tiếp thị thương hiệu và xây dựng nhận diện thương hiệu là gì?

  • Xây dựng nhận diện thương hiệu là gì?

Trong khi xây dựng nhận diện thương hiệu là khái niệm đề cập đến tất cả các hoạt động nhằm mục tiêu thúc đẩy mức độ nhận diện về thương hiệu từ bên ngoài như màu sắc, logo, bao bì, đóng gói…

  • Tiếp thị thương hiệu là gì?

Tiếp thị thương hiệu mang ý nghĩa rộng lớn hơn và không chỉ liên quan đến các yếu tố bên ngoài mà còn liên quan đến nhiều thành phần khác (không nhìn thấy được) như tình cảm thương hiệu, lòng trung thành thương hiệu hay độ nhận biết thương hiệu.

Ở góc nhìn chiến lược, tiếp thị thương hiệu là khái niệm lớn, còn xây dựng nhận diện thương hiệu chỉ là một chiến thuật trực thuộc tiếp thị thương hiệu hoặc phạm vi lớn hơn là Thương hiệu hoặc Tiếp thị.

Tiếp thị thương hiệu và tiếp thị thương mại.

Trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng có bộ phận tiếp thị thương mại, bộ phận tiếp thị thương hiệu thì thường có.

Tuỳ vào từng cấu trúc của từng doanh nghiệp mà tiếp thị thương hiệu và tiếp thị thương mại nằm tách biệt nhau hoặc gộp vào chung một Team.

Nếu tiếp thị thương hiệu như phân tích ở trên tập trung vào việc xây dựng các giá trị của thương hiệu (trên tất cả các kênh) ví dụ như độ nhận biết của thương hiệu hay lòng trung thành thương hiệu, tiếp thị thương mại ngược lại, hướng đến người tiêu dùng tại các điểm bán (vật lý) với mục tiêu là doanh số bán hàng (Sales).

Cũng bởi lý do này mà tiếp thị thương mại thường chỉ có ở các doanh nghiệp bán lẻ.

Marketer nên chọn tiếp thị thương hiệu hay tiếp thị hiệu suất.

Marketer nên chọn tiếp thị thương hiệu hay tiếp thị hiệu suất.
Marketer nên chọn tiếp thị thương hiệu hay tiếp thị hiệu suất.

Các nhà làm tiếp thị hay marketer dường như đang ủng hộ và tập trung quá nhiều vào các chiến dịch tiếp thị theo hướng hiệu suất (Performance Marketing) ngay cả khi thương hiệu là thứ quan trọng và giá trị hơn cả đối với người tiêu dùng.

Một câu hỏi đặt ra là liệu marketer có nên đầu tư vào các chiến dịch ToFu (Chiến dịch chủ yếu tập trung vào xây dựng độ nhận biết, độ phủ của thương hiệu) hay chỉ tập trung vào các hoạt động mang lại hiệu suất như chuyển đổi và bán hàng (BoFu).

Câu hỏi này đang là chủ đề được tranh luận sôi nổi ở rất nhiều nơi và có vẻ “tập trung vào hiệu suất” hay tiếp thị hiệu suất đang chiếm ưu thế.

Người tiêu dùng chọn những thương hiệu được tin tưởng
Một mô hình phễu bán hàng phổ biến
  • Những dữ liệu cụ thể.

Dữ liệu người tiêu dùng mới từ nền tảng phân tích dữ liệu Survata đang tạo ra những sự ủng hộ mạnh mẽ cho tiếp thị thương hiệu và số liệu từ nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các thương hiệu đáng tin cậy đang dành chiến thắng trong đại dịch.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy những phát hiện thú vị về thông điệp và những gì người tiêu dùng muốn nghe từ các thương hiệu lúc bấy giờ.

Survata đã thực hiện một cuộc bỏ phiếu cho 1.016 người ở Mỹ về hành vi mua sắm và kỳ vọng thương hiệu của họ.

Từ đây công ty này cũng đã tìm thấy một ưu tiên mạnh mẽ từ phía người tiêu dùng cho các thương hiệu uy tín hơn là các nhãn hiệu riêng (private label) hoặc các dòng sản phẩm chung chung không có thương hiệu (Generic Brands).

  • Nên ưu tiên thương hiệu mặc dù giảm chi tiêu.

Theo Survata, trong những giai đoạn nền kinh tế bấp bênh như trước đây, các sản phẩm chung chung không có thương hiệu đã tỏ ra hiệu quả hơn so với các sản phẩm có thương hiệu vì người tiêu dùng không sẵn sàng trả giá cao.

Tuy nhiên, điều đó dường như không đúng trong khoảng thời gian này, mặc dù người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu.

Trong nhiều loại sản phẩm (sản phẩm làm sạch, thực phẩm đông lạnh, cà phê, soda và thực phẩm đóng gói), người tiêu dùng cho biết họ có nhiều khả năng chọn các nhãn hiệu quen thuộc.

Ngược lại, trong các sản phẩm thuốc không theo toa và chăm sóc cá nhân, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các dòng sản phẩm không cần thương hiệu nhằm mục tiêu tiết kiệm ngân sách chi tiêu.

  • Người tiêu dùng đang trở nên thận trọng hơn và có chọn lọc hơn.

Nhiều cuộc khảo sát gần đây cho thấy người tiêu dùng đang hủy bỏ hoặc trì hoãn mua hàng trong môi trường kinh tế hiện tại.

Điều này không bất ngờ nhưng vẫn rất đáng lo ngại vì 70% GDP của Mỹ được thúc đẩy bởi việc mua hàng của người tiêu dùng và quan trọng đối với bất kỳ sự phục hồi nào.

Survata cho biết 1/4 số người được hỏi có ý định cắt giảm chi tiêu 30% – 40% và 1/5 cho biết họ sẽ giảm ngân sách từ 50% trở lên.

Trái ngược với việc cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng, thu nhập của công ty công nghệ lớn và dữ liệu khảo sát của IAB lại cho thấy rằng chi tiêu của nhà quảng cáo đã phục hồi phần nào trong tháng 4 khiến các nhà đầu tư đang có chút hào hứng.

Tuy nhiên, so với thời kì trước đại dịch thì không mấy đáng kể.

  • Những thông điệp thương hiệu mà người tiêu dùng muốn nghe.

Nghiên cứu của Survata cũng khám phá những kỳ vọng của người tiêu dùng về thương hiệu và những thông điệp họ muốn nghe. Có nhiều điều sẽ làm bạn ngạc nhiên:

  • Cam kết về tính sẵn có của sản phẩm (36%)
  • Cam kết với nhân sự của thương hiệu (25%)
  • Cam kết an toàn sản phẩm (24%)
  • Cam kết kiểm soát giá / chi phí (14%)

Ngoài thông điệp, các cân nhắc mua khác bao gồm nguồn sản phẩm trong khu vực (có phải từ khu vực bị ảnh hưởng bởi Virus không?), Giá cả (đối với một thiểu số đáng kể) và niềm tin thương hiệu.

Niềm tin là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng đối với 40% số người được hỏi. Ngoài ra, người tiêu dùng hiện có nhiều khả năng nghiên cứu sản phẩm hơn gấp 3 lần so với trước khi dịch bệnh bùng phát, theo khảo sát.

Giám đốc điều hành của Survata, Chris Kelly cho biết:

“Người tiêu dùng rõ ràng rất nhận thức được thông điệp của một thương hiệu.

Mặc dù chúng tôi biết rằng người tiêu dùng mong đợi một thương hiệu đáp ứng với thời đại hiện tại, nhưng thật đáng ngạc nhiên khi rất nhiều người tiêu dùng cảm thấy rằng điều quan trọng nhất mà các thương hiệu nên truyền đạt cho họ là một cam kết với nhân viên của họ.

Có thể có cảm giác của người Mỹ, nhưng điều đó sẽ rất quan trọng đối với các thương hiệu để đo lường sự cân bằng trong việc đưa ra những thông điệp phù hợp.”

  • Tại sao các marketer phải quan tâm đến sự thay đổi này.

Hành vi của người tiêu dùng đang thay đổi và trở nên khó dự đoán hơn bao giờ hết.

Mặc dù các người làm tiếp thị nên giải quyết bài toán lý tưởng là sử dụng hết các kênh tiếp thị và bán hàng, tuy nhiên ngân sách sẽ là rào cản khiến họ khó để thực hiện hoá điều đó, vì vậy, nhiều người làm tiếp thị theo đó đã chọn mặc định các chiến dịch dựa trên hiệu suất vì chúng dễ được theo dõi và đo lường hơn.

Bất kỳ chi tiêu nào không rõ ràng về ROI đều đang bị cắt giảm.

Nhưng dữ liệu từ Survata và các dữ liệu khác lại chỉ ra rằng khả năng hiện diện của thương hiệu tức các hoạt động liên quan đến tiếp thị thương hiệu có thể quan trọng hơn cả – đặc biệt là trong các thời gian diễn ra khủng hoảng như Covid-19.

Thay vì cắt giảm và chỉ chọn các kênh đo được hay có ROI, marketer nên tìm hiểu thật kỹ và chọn ra con đường tốt nhất cho thương hiệu. Đừng quên là…hãy lắng nghe mọi thứ!

Kết luận.

Như đã phân tích, mặc dù tiếp thị thương hiệu và tiếp thị hiệu suất đều mang lại những giá trị khác nhau cho thương hiệu tại những thời điểm khác nhau, về lâu dài, tiếp thị thương hiệu tỏ ra hiệu quả hơn.

Bằng cách hiểu rõ tiếp thị thương hiệu là gì và khi nào thương hiệu nên áp dụng nó, bạn có thể thúc đẩy thương hiệu phát triển tốt hơn trong tương lai.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Tra Nguyen | MarketingTrips

Nguồn: MarketingTrips

TikTok hợp tác với Dentsu cung cấp giải pháp đo lường mới

Nhằm mục tiêu giúp người làm digital marketing có thể đo lường tốt hơn các chiến dịch của họ trên nền tảng, TikTok vừa thông báo hợp tác với Dentsu cung cấp giải pháp mới.

TikTok hợp tác với Dentsu cung cấp giải pháp đo lường mới
TikTok hợp tác với Dentsu cung cấp giải pháp đo lường mới

Theo đó, giải pháp mới sẽ cho phép nhà quảng cáo đo lường dữ liệu người dùng thông qua Events API của TikTok, được tích hợp với X-Stack của Dentsu Digital.

Theo TikTok:

“X-Stack Connect của Dentsu Digital là một nền tảng đo lường giúp các nhà quảng cáo đo lường các hành vi trực tuyến trên các website bằng cách sử dụng lịch sử truy cập với sự đồng ý của người dùng. Chân dung của người dùng theo đó có thể được xây dựng xung quanh các hành động như truy cập trang, đăng nhập hay thông tin nhập biểu mẫu.”

Về cơ bản, việc tích hợp sẽ cho phép nhà quảng cáo hay người làm marketing đo lường hiệu quả của các chiến dịch TikTok ngay cả khi cookies (mã theo dõi web) bị loại bỏ.

Bên cạnh TikTok, các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook cũng đều đang tìm những cách thức mới để theo dõi dữ liệu của người dùng, đo lường chính xác hiệu suất của các chiến dịch khi các mã theo dõi sẽ dần được loại bỏ.

Trong khi Facebook hay Google ngày càng ưu tiên các yếu tố tự động hoá bằng cách tận dụng công nghệ máy học và trí tuệ nhân tạo để tối ưu hoá quảng cáo, TikTok lại chọn cách hợp tác với các bên thứ 3 như Dentsu.

Bạn có thể xem cách tích hợp API tại đây

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Meta có thể cấm người Canada đọc và chia sẻ tin tức trên Facebook

Meta, công ty mẹ Facebook, sẽ không cho phép tin tức xuất hiện trên các nền tảng của mình tại Canada nếu Đạo luật Tin tức trực tuyến được thông qua.

Meta có thể cấm người Canada đọc và chia sẻ tin tức trên Facebook
Meta có thể cấm người Canada đọc và chia sẻ tin tức trên Facebook

Đạo luật Tin tức trực tuyến (C-18) được giới thiệu tháng 4/2022, nhằm đưa ra quy định buộc những công ty như Meta, Alphabet đàm phán thỏa thuận thương mại và trả tiền cho nội dung của các nhà xuất bản.

Người phát ngôn Meta cho rằng một khuôn khổ pháp lý buộc họ trả tiền cho những liên kết hay nội dung họ không đăng tải, cũng không phải lý do mà đại đa số mọi người sử dụng các nền tảng của Meta là không bền vững, không có tác dụng.

Tuyên bố của Meta đưa ra sau khi Google bắt đầu thử nghiệm kiểm duyệt tin tức để phản ứng với dự luật vào tháng trước.

Ngành công nghiệp báo chí Canada đề nghị chính phủ quản lý các hãng công nghệ chặt hơn để họ bù đắp phần nào tổn thất tài chính do Meta và Google ngày một chiếm thị phần quảng cáo lớn hơn.

Ngày 12/2, Bộ trưởng Di sản Canada Pablo Rodriguez bày tỏ sự thất vọng trước lời đe dọa của Facebook, thay vì hợp tác với chính phủ.

Theo ông, dự luật C-18 chỉ nhằm mục đích yêu cầu Facebook thỏa thuận với các hãng tin trong khi Facebook kiếm lời từ những tác phẩm báo chí. Ông gọi đây là “xu hướng đáng thất vọng” khi các hãng công nghệ lớn thà từ bỏ tin tức chứ không chịu trả tiền.

Năm ngoái, Facebook đã nêu quan ngại về quy định và cảnh báo có thể phải chặn chia sẻ tin tức trên nền tảng.

(Theo Reuters)

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | Theo ICTNews

Temu và nền tảng thương mại điện tử giá rẻ

Hiện tại, Temu là ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất ở Mỹ với mức giá bán rẻ đến kinh ngạc, ít nhất là theo tiêu chuẩn của các nước phương Tây.

Temu và nền tảng thương mại điện tử giá rẻ
Temu và nền tảng thương mại điện tử giá rẻ

Tại kiện Super Bowl ngày 19/2/2023, một website có tên Temu đã chi ra hơn 7 triệu USD cho màn ”chào sân” ấn tượng dài 30 giây, đồng thời góp mặt tại một trong những sự kiện đông người xem nhất nước Mỹ.

Theo Data.ai, Temu đã có 10,8 triệu lượt tải về từ 11/12/2022 đến 4/3/2023 cùng với đó là 11,2 triệu người dùng hoạt động. Hiện tại, Temu là ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất ở Mỹ, trên cả App Store và Google Play.

Tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) hàng tháng của Temu tăng mạnh từ 3 triệu USD vào tháng 9/2022 lên tới 192 triệu USD vào tháng 1/2023, theo YipitData.

Chỉ trong thời gian ngắn, Temu nổi lên như là đối thủ lớn nhất của Shein. Được biết, cả Temu và Pinduoduo đều là các đơn vị thuộc PDD Holdings – tập đoàn đã niêm yết trên sàn Nasdaq, Mỹ. Việc được thừa hưởng nhiều “chất xám” từ Pinduoduo có lẽ là lý do khiến Temu có thể hoạt động hiệu quả đến vậy.

Thông qua Temu, người tiêu dùng có thể lựa chọn vô vàn mặt hàng đa dạng như: quần áo, đồ trang sức, đồ dùng cho thú cưng và nhà vườn…

Tại Trung Quốc, Temu được coi là cú hích lớn nhất của Pinduoduo ra nước ngoài khi nền kinh tế nước này đối mặt với Covid-19, cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng.

Theo các chuyên gia, thứ khiến Temu gây ấn tượng với người tiêu dùng đó chính là chiến lược giá bán rẻ đến kinh ngạc, ít nhất là theo tiêu chuẩn của các nước phương Tây.

Một bộ đồ bơi nữ được bán trên Temu chỉ có giá 6,5 USD, một cặp tai nghe không dây giá 8,5 USD hay một chiếc dao cạo lông mày được bán với giá 0,9 USD.

Ngoài các chiến lược giảm giá, Temu cũng có thể có lợi thế từ “mối quan hệ hiện có với các nhà sản xuất giá rẻ ở Trung Quốc chưa mở rộng sang Mỹ”.

Điều này phù hợp với chiến lược của Pinduoduo, khi công ty này đã làm chủ được mô hình C2M (consumer-to-manufacturer), tức mô hình sản xuất hướng tới người tiêu dùng và loạt bỏ phí trung gian, “mang số lượng lớn đơn hàng trực tiếp đến các nhà sản xuất”.

Cách tiếp cận từng giúp Pinduoduo hái “trái ngọt”. Sau nhiều năm xếp sau Alibaba, nền tảng này ghi nhận 788 triệu người dùng hoạt động hàng năm vào năm 2021, tức vượt qua cả đối thủ nặng ký.

Gần đây, Temu đã chính thức mở rộng sang thị trường Canada. Trang thương mại điện tử cũng được cho là sẽ sớm ra mắt tại Úc và New Zealand, sau đó đến thị trường Châu Âu.

Ông Chen Lei – CEO và Chủ tịch Pinduoduo từng nhắc đến Temu như “một sàn TMĐT quốc tế”. Tất nhiên, quá trình này sẽ tiêu tốn khá nhiều tiền, bởi theo Momentum Works, khoản lỗ của Temu trong năm đầu vận hành có thể lên tới 720 triệu USD.

Để thu hút và giữ chân những người tiêu dùng, nền tảng này đã triển khai một số dịch vụ hấp dẫn, đồng thời khuyến khích người dùng giới thiệu bạn bè cùng tải xuống Temu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | Theo The Leader

Meta sẽ dừng chia sẻ tiền thưởng đến các nhà sáng tạo Reels

Meta sẽ dừng chia sẻ tiền thưởng đến các nhà sáng tạo nội dung video ngắn Reels trên cả 2 nền tảng của mình là Facebook và Instagram.

Meta sẽ dừng chia sẻ tiền thưởng đến các nhà sáng tạo Reels
Meta sẽ dừng chia sẻ tiền thưởng đến các nhà sáng tạo Reels

Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2021, quỹ tiền thưởng dành cho Reels của Meta là động lực khuyến khích các nhà sáng tạo sản xuất ra nhiều nội dung ngắn hơn. Tuy nhiên theo một thông báo mới đây thì khoản quỹ này sẽ sớm dừng hoạt động.

Hành động về cơ bản sẽ ảnh hưởng đến tất cả những nhà sáng tạo Reels trên Facebook và các nhà sáng tạo Reels trên Instagram tại Mỹ (chương trình tiền thưởng cho Instagram Reels chỉ dành cho những nhà sáng tạo ở Mỹ).

Theo một số thông tin khác nhau, do nhiều điều kiện kinh tế không mấy khả quan, các nền tảng sẽ bắt đầu giảm bớt các khoản chi tiêu và trong trường này với Meta, nền tảng sẽ tạm hoãn việc chia sẻ tiền thưởng tới các video phổ biến trên Reels.

Quay trở lại với khoản quỹ tiền thưởng, kể từ khi định dạng video ngắn trở thành ưu tiên hàng đầu của Meta (do sự phổ biến của TikTok), các nhà sáng tạo Reels có thể nhận được một khoản thưởng cho các video triệu view của họ, điều này khá dễ hiểu khi video có nhiều view hơn có nghĩa là nhiều người hơn đang tương tác với video ngắn.

Bên cạnh việc cắt giảm các khoản phí, Meta cũng không ngừng thử nghiệm các định dạng quảng cáo mới trên Reels nhằm thúc đẩy doanh thu.

Kể từ năm 2022, Meta thử nghiệm quảng cáo lớp phủ (Overlay Ads) cho các nhà sáng tạo ở hơn 50 quốc gia bên cạnh việc hiển thị quảng cáo trong luồng (in-stream ads). Đối với cả hai định dạng quảng cáo này, Meta chia sẻ 55% doanh thu với nhà sáng tạo.

Theo báo cáo doanh thu của Meta, hiện Reels đạt doanh thu trung bình là 1 tỷ USD mỗi năm, tuy nhiên con số này đang giảm dần.

“Khó khăn tiếp theo mà chúng tôi phải tập trung vào đó là tiếp tục phát triển Reels, cải thiện khả năng kiếm tiền từ nó trên mỗi phút được xem. Hiện tại, hiệu quả kiếm tiền của Reels kém hơn nhiều so với Nguồn cấp dữ liệu (trên Feed).”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Vương quốc Anh sẽ cấm sử dụng TikTok

Theo The Times, Văn phòng Truyền thông chính phủ Anh (GCHQ) đang đánh giá rủi ro về nhạy cảm thông tin và dự kiến sớm đưa ra quy định cấm sử dụng TikTok sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan phản gián nước này.

Vương quốc Anh sẽ cấm sử dụng TikTok
Vương quốc Anh sẽ cấm sử dụng TikTok

Anh là nước tiếp theo cảnh giác trước nguy cơ chính quyền Trung Quốc sử dụng nền tảng TikTok để thu thập thông tin người dùng. Trước đó, Mỹ, Canada và Bỉ đã lần lượt đưa ra quy định cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ.

Chủ tịch Hạ viện Anh, bà Alicia Kearns, cũng tiết lộ “nhiều nghi vấn quanh khả năng TikTok hoạt động như một gián điệp dữ liệu”.

Nhiều tổ chức, cơ quan chức năng của Anh đã đóng kênh TikTok chính thức nhưng nhiều thượng nghị sĩ và bộ trưởng vẫn đang sử dụng nền tảng này để tiếp cận các cử tri trẻ.

Thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance ở Trung Quốc nhưng TikTok khẳng định đã chuyển trụ sở về Singapore vào năm 2020. TikTok đã tách khỏi tập đoàn mẹ của Trung Quốc từ lâu và phần lớn quyền sở hữu hiện nằm trong tay các nhà đầu tư quốc tế.

Mạng xã hội TikTok phủ nhận thông tin về việc chính quyền Trung Quốc đang kiểm soát và có thể truy xuất dữ liệu của nền tảng này, tuy nhiên công ty cũng thừa nhận rằng một vài nhân viên tại Trung Quốc có khả năng tiếp cận dữ liệu của người dùng châu Âu.

Trước đó, phản hồi về lệnh cấm của chính phủ Bỉ, TikTok bày tỏ sự thất vọng với lệnh cấm và cho rằng những nguyên nhân Thủ tướng Bỉ đưa ra chỉ dựa trên những thông tin sai lệch.

Nền tảng video Trung Quốc sẵn sàng gặp mặt các chính khách để giải quyết mọi khúc mắc và làm sáng tỏ những hiểu lầm.

“Chính phủ Trung Quốc không có cách nào ép buộc một quốc gia phải giao nộp dữ liệu đang được lưu trữ trong chính lãnh thổ quốc gia đó”, TikTok nhấn mạnh.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Facebook Ads Manager là gì? Hướng dẫn cài đặt và Tối ưu

Facebook Ads Manager là gì? Facebook Ads Manager là nơi nhà quảng cáo có thể quản lý toàn bộ các tài sản quảng cáo của mình trên Facebook.

Facebook Ads Manager là gì?
Facebook Ads Manager là gì?

Facebook Ads Manager là gì? Đối với những nhà quảng cáo Facebook mới, trước khi tiến hành khởi chạy bất cứ chiến dịch quảng cáo nào, điều đầu tiên là bạn cần tìm hiểu về nguyên tắc hoạt động và những tính năng hiện có trong Facebook Ads Manager, đó chính là nơi tập hợp tất cả các tài sản quảng cáo của doanh nghiệp trên Facebook.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:

  • Facebook Ads Manager là gì?
  • Ads Manager là gì?
  • Ads là gì?
  • Một số tính năng cơ bản của Facebook Ads Manager.
  • FAQs – Những câu hỏi thường gặp xoay quanh khái niệm Facebook Ads Manager.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Facebook Ads Manager là gì?

Facebook Ads Manager là nơi nhà quảng cáo có thể khởi chạy tất cả các chiến dịch quảng cáo trên tất cả các nền tảng của Meta như Facebook, Instagram, Messenger hay Audience Network.

Từ đây, các nhà quản lý quảng cáo có thể bắt đầu tạo quảng cáo, tuỳ chỉnh các tính năng liên quan và sau đó theo dõi hiệu suất quảng cáo sau khi chúng được khởi chạy.

Ngoài việc có thể truy cập Ads Manager này từ trình duyệt web, bạn cũng có thể tải xuống ứng dụng Facebook Ads Manager (Facebook Ads Manager app) dành cho điện thoại di động (iOS và Android).

Bằng cách sử dụng ứng dụng trên điện thoại, bạn có thể tạo, chỉnh sửa và theo dõi hiệu suất quảng cáo ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào.

Ads Manager là gì?

Ads Manager là nơi nhà quảng cáo có thể quản lý hầu hết các tài sản quảng cáo như chiến dịch (Campaigns), nhóm quảng cáo (Ad sets), quảng cáo (Ads) và hơn thế nữa.

Sau khi đăng ký tài khoản thành công, từ giao diện của Ads Manager, nhà quảng cáo thể tiến hành thiết lập và khởi chạy các chiến dịch quảng cáo, phân bổ các nhóm quảng cáo và mẫu quảng cáo cho từng nhóm quảng cáo.

Trong hầu hết các Ads Manager phổ biến trên thế giới như Google, Facebook hay TikTok, phần chiếm nhiều thời gian nhất của các nhà quảng cáo hay marketer đó là phần nhóm quảng cáo và quảng cáo.

Ads là gì?

Ads là từ viết tắt của Advertising có nghĩa là Quảng cáo, khái niệm đề cập đến một phương thức truyền thông marketing trong đó các thương hiệu hay doanh nghiệp sử dụng các thông điệp hay chiến thuật tài trợ công khai để quảng bá cho một sản phẩm hoặc dịch vụ.

Thuật ngữ Ads gắn liền với các hoạt động marketing trong doanh nghiệp.

Một số tính năng cơ bản của Facebook Ads Manager.

Trong khi có rất nhiều tính năng khác nhau hiện có trong Ads Manager, dưới đây là một số nhóm tính năng chính cho các nhà quảng cáo Facebook.

Tạo các quảng cáo mới.

Facebook Ads Manager là công cụ tạo quảng cáo hợp nhất, dùng để tạo và đăng quảng cáo lên Facebook, Instagram, Messenger và Audience Network.

Quy trình tạo quảng cáo gồm 3 cấp độ riêng biệt:

  • Cấp độ chiến dịch: Là nơi chọn mục tiêu quảng cáo hoặc mục đích chung mà chiến dịch hướng tới.
  • Cấp độ nhóm quảng cáo: Là nơi xác định đối tượng muốn tiếp cận, chọn vị trí quảng cáo, quyết định ngân sách và thiết lập lịch chạy.
  • Cấp độ quảng cáo: Là nơi thiết kế quảng cáo. Bạn có thể chọn định dạng quảng cáo, tải ảnh và video lên, thêm văn bản, liên kết, v.v.

Cách tạo quảng cáo trong Ads Manager của Facebook.

  • Tạo chiến dịch: Từ bảng chính trong Ads Manager, chọn Tạo để mở cửa sổ Tạo chiến dịch. Trong cửa sổ này, hãy chọn những cài đặt cơ bản cho chiến dịch, nhóm quảng cáo và quảng cáo mới. Bạn cũng có thể dựa trên chiến dịch, nhóm quảng cáo hoặc quảng cáo hiện có khi tạo mới.
  • Tinh chỉnh cài đặt: Chọn Tiếp tục để chuyển sang phần chỉnh sửa. Phần này sẽ mở trong chế độ xem mở rộng, nhưng bạn có thể chọn để thu nhỏ. Trong phần chỉnh sửa, hãy chọn mục tiêu chiến dịch, đối tượng, vị trí quảng cáo và định dạng quảng cáo.
  • Đăng hoặc lưu dưới dạng bản nháp: Khi bạn đã sẵn sàng, hãy chọn Đăng hoặc Đóng để lưu bản nháp.

Lưu ý: Với Ads Manager, bạn còn sử dụng được tất cả các công cụ sáng tạo nâng cao của Facebook ở cùng một nơi, bao gồm công cụ sao chép quảng cáo và công cụ tải quảng cáo lên hàng loạt.

Chọn đối tượng mục tiêu (Target Audience).

Facebook sẽ tự động hiển thị quảng cáo của bạn cho những người có nhiều khả năng nhất sẽ thấy quảng cáo đó là phù hợp. Bạn có thể tiếp tục nhắm mục tiêu hoạt động phân phối quảng cáo bằng 3 công cụ chọn đối tượng.

  • Đối tượng mục tiêu cốt lõi: Bạn có thể chủ động xác định đối tượng mục tiêu của thương hiệu dựa trên các tiêu chí như độ tuổi, sở thích, vị trí địa lý, v.v.
  • Đối tượng tuỳ chỉnh: Tương tác lại với những người đã từng tương tác với doanh nghiệp hay thương hiệu cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến.
  • Đối tượng tương tự: Tiếp cận những người mới có sở thích giống với những khách hàng tốt nhất của bạn. Đối tượng tương tự là cách nhanh chóng và hiệu quả để kết nối với những người có khả năng phản hồi quảng cáo của bạn. Tất cả những gì bạn cần là tạo đối tượng nguồn gồm những người mà mình biết. Sau đó, quảng cáo của bạn sẽ tiếp cận những người có chung đặc điểm và sở thích.

Thiết lập và quản lý ngân sách quảng cáo.

Ngân sách quảng cáo là số tiền bạn muốn chi tiêu vào việc hiển thị quảng cáo cho mọi người. Đây cũng là công cụ để kiểm soát chi phí.

Công cụ này giúp kiểm soát tổng chi tiêu cho một chiến dịch hoặc nhóm quảng cáo, giống như cách chiến lược giá thầu giúp kiểm soát chi phí trên mỗi kết quả.

Từ Ads Manager của Facebook, bạn có thể đặt tổng ngân sách cho chiến dịch bằng cách tối ưu hóa ngân sách chiến dịch (CBO) hoặc đặt ngân sách riêng cho các nhóm quảng cáo.

Ngân sách chiến dịch và ngân sách nhóm quảng cáo.

Facebook hiện cung cấp một số cách khác nhau để bạn có thể chọn cách đặt ngân sách.

  • Ngân sách chiến dịch: Mọi ngân sách chiến dịch đều sử dụng tối ưu hóa ngân sách chiến dịch. Với tính năng này, bạn có thể đặt một khoản tổng ngân sách chiến dịch để liên tục phân phối cho nhóm quảng cáo có những cơ hội tốt nhất trong thời gian thực. Ngân sách chiến dịch giúp đơn giản hóa việc thiết lập chiến dịch và giảm số ngân sách mà bạn phải quản lý thủ công. Ngân sách chiến dịch mang lại nhiều kết quả nhất có thể cho chiến dịch với chi phí thấp nhất. Tính năng này hoạt động hiệu quả nhất khi bạn có thể linh hoạt trong việc chi tiêu ngân sách cho các nhóm quảng cáo.
  • Ngân sách nhóm quảng cáo: Bạn có thể chọn đặt ngân sách riêng cho nhóm quảng cáo nếu muốn kiểm soát việc phân phối của các nhóm quảng cáo cụ thể. Ngân sách nhóm quảng cáo có thể hữu ích khi bạn có sự kết hợp của cả mục tiêu tối ưu hóa và chiến lược đặt giá thầu hoặc có những khác biệt lớn về quy mô đối tượng giữa các nhóm quảng cáo.

Ngân sách hàng ngày và ngân sách trọn đời.

Đối với ngân sách chiến dịch cũng như ngân sách nhóm quảng cáo, bạn đều có thể chọn giữa việc áp dụng ngân sách cho mỗi ngày hoặc cho toàn bộ thời gian tồn tại của chiến dịch hoặc nhóm quảng cáo.

  • Ngân sách hàng ngày: Số tiền trung bình bạn muốn chi tiêu cho nhóm quảng cáo hoặc chiến dịch mỗi ngày. Ngân sách hàng ngày không phải là số tiền tối đa. Ngân sách hàng ngày phát huy hiệu quả khi bạn muốn chi tiêu số tiền gần bằng nhau mỗi ngày để đạt kết quả nhất quán hàng ngày cho chiến dịch hoặc nhóm quảng cáo.
  • Ngân sách trọn đời: Tổng số tiền bạn sẵn sàng chi tiêu trong toàn bộ thời gian chạy chiến dịch hoặc nhóm quảng cáo. Ngân sách trọn đời là số tiền tối đa, không phải là mức trung bình. Ngân sách trọn đời có thể hữu ích khi bạn không muốn chi tiêu vượt quá số tiền cụ thể. Loại ngân sách này hoạt động hiệu quả nhất khi bạn có sự linh hoạt đối với số tiền mà bạn muốn chi tiêu mỗi ngày.

Từ Facebook Ads Manager bạn có thể chạy quảng cáo trên nhiều ứng dụng hay nền tảng.

Từ Facebook Ads Manager bạn có thể chạy quảng cáo trên nhiều ứng dụng hay nền tảng.
Từ Facebook Ads Manager bạn có thể chạy quảng cáo trên nhiều ứng dụng hay nền tảng.

Những nơi bạn có thể chạy quảng cáo được gọi là Vị trí quảng cáo. Tùy vào mục tiêu bạn chọn khi tạo chiến dịch, quảng cáo của bạn có thể hiển thị trên Facebook, Instagram, Messenger và Audience Network.

Facebook Ads Manager tập họp các vị trí quảng cáo thành nhóm theo cách mọi người trải nghiệm quảng cáo trên các nền tảng. Ví dụ: mọi người trải nghiệm quảng cáo của bạn trong Tin trên Facebook, Instagram và Messenger theo cách tương tự nhau.

Bạn nên chọn phần cài đặt Vị trí quảng cáo tự động trong Ads Manager để hệ thống phân phối của chúng tôi có thể tận dụng tối đa ngân sách của bạn.

Lưu ý: Apple đã công bố các yêu cầu mới trong chính sách dành cho iOS 14, có thể ảnh hưởng đến vị trí hiển thị quảng cáo của bạn.

Dưới đây là những vị trí quảng cáo hiện có trên các nền tảng của Facebook:

Bảng tin.

  • Bảng tin Facebook: Quảng cáo xuất hiện trong Bảng tin trên máy tính khi mọi người truy cập trang web Facebook trên máy tính. Quảng cáo xuất hiện trong Bảng tin trên di động khi mọi người dùng ứng dụng Facebook trên thiết bị di động hoặc truy cập trang web Facebook qua trình duyệt di động.
  • Bảng tin Instagram: Quảng cáo xuất hiện tại bảng tin trên di động khi mọi người dùng ứng dụng Instagram trên thiết bị di động. Chỉ những người lướt xem ứng dụng Instagram mới nhìn thấy quảng cáo trên Bảng tin Instagram.
  • Facebook Marketplace: Quảng cáo xuất hiện trên trang chủ Marketplace hoặc khi ai đó lướt xem Marketplace trong ứng dụng Facebook.
  • Bảng tin video trên Facebook: Quảng cáo video xuất hiện giữa các video tự nhiên trong môi trường dành riêng cho video trên Facebook Watch và Bảng tin Facebook.
  • Cột bên phải trên Facebook: Quảng cáo xuất hiện ở cột bên phải trên Facebook. Quảng cáo ở cột bên phải chỉ hiển thị với những người lướt xem Facebook trên máy tính.
  • Khám phá Instagram: Trong trải nghiệm lướt xem, quảng cáo sẽ xuất hiện khi ai đó nhấp vào ảnh hoặc video.
  • Cửa hàng trên Instagram: Quảng cáo của bạn xuất hiện khi mọi người lướt xem tab Cửa hàng trên Instagram.
  • Hộp thư Messenger: Quảng cáo xuất hiện trong tab Trang chủ của Messenger.

Câu chuyện (Stories).

  • Facebook Stories: Quảng cáo xuất hiện trong Tin của mọi người trên Facebook.
  • Instagram Stories: Quảng cáo xuất hiện trong Tin của mọi người trên Instagram.
  • Messenger Stories: Quảng cáo xuất hiện trong Tin của mọi người trên Messenger.

Video trong luồng.

  • Video trong luồng trên Facebook: Quảng cáo xuất hiện trong Video theo yêu cầu và một số nhóm chọn lọc video phát trực tiếp được phê duyệt của đối tác trên Facebook.
  • Video trong luồng trên Instagram: Quảng cáo của bạn xuất hiện trong nội dung video trên Instagram.
  • Instagram Reels: Quảng cáo của bạn xuất hiện trong tab Reels trên Instagram.

Tìm kiếm.

Kết quả tìm kiếm trên Facebook: Quảng cáo xuất hiện bên cạnh kết quả tìm kiếm phù hợp trên Facebook và Marketplace.

Tin nhắn.

Tin nhắn được tài trợ trong Messenger Quảng cáo xuất hiện dưới dạng tin nhắn đến những người mà bạn đang trò chuyện trong Messenger.

Quảng cáo trong bài viết.

Bài viết tức thì trên Facebook: Quảng cáo xuất hiện trên Bài viết tức thì trong ứng dụng Facebook dành cho di động.

Quảng cáo trong ứng dụng.

  • Quảng cáo tự nhiên, quảng cáo biểu ngữ và quảng cáo chèn giữa trên Audience Network: Quảng cáo hiển thị trong các ứng dụng trên Audience Network.
  • Video kèm phần thưởng trên Audience Network: Quảng cáo xuất hiện dưới dạng video mà mọi người có thể xem để đổi lấy phần thưởng trong ứng dụng (như vật phẩm hoặc tiền trong ứng dụng).

Điều chỉnh hay chỉnh sửa chiến dịch trong Facebook Ads Manager.

Ở cấp độ quảng cáo, bạn có thể chỉnh sửa tên quảng cáo, danh tính và nội dung quảng cáo, chẳng hạn như tiêu đề, văn bản, hình ảnh và nút kêu gọi hành động.

Trước khi quảng cáo của bạn chạy trên Facebook hoặc Instagram, chúng tôi sẽ xét duyệt quảng cáo đó theo Chính sách quảng cáo của mình.

Quy trình xét duyệt này sẽ diễn ra tự động trước khi quảng cáo bắt đầu chạy và bạn có thể thấy trạng thái của quảng cáo trong cột Phân phối của Ads Manager.

Cách bạn có thể chỉnh sửa quảng cáo trong Facebook Ads Manager:

  1. Đi đến Ads Manager.
  2. Chọn Ads.
  3. Chọn ô bên cạnh những quảng cáo bạn muốn chỉnh sửa.
  4. Chọn Edit.
  5. Bảng điều khiển bên cạnh sẽ mở ra để bạn chỉnh sửa quảng cáo.
  6. Để đăng thay đổi, hãy chọn Publish. Để lưu thay đổi và đăng sau, hãy nhấp vào Đóng.

Cải thiện hiệu quả bằng nội dung động.

Tính năng phân bổ nội dung động sử dụng nhiều thành phần của quảng cáo (chẳng hạn như hình ảnh, video, văn bản và nút kêu gọi hành động), rồi kết hợp các thành phần này theo những cách mới để cải thiện hiệu quả quảng cáo.

Với tính năng này, bạn có thể tự động tạo các phiên bản nội dung được cá nhân hóa cho từng người xem quảng cáo với kết quả mở rộng.

Tính năng phân bổ nội dung động là công cụ tối ưu hoá lý tưởng khi bạn không chắc chắn nội dung nào thu hút đối tượng khác nhau.

Lưu ý rằng vì bạn chỉ có thể xem hiệu quả tổng hợp của tất cả các phiên bản, bạn không nên sử dụng quảng cáo động để thay thế cho thử nghiệm phân tách (A/B Testing).

Xem thông tin chi tiết theo thời gian thực.

Trong Facebook Ads Manager, bạn có thể xem thông tin chi tiết về hiệu quả của mỗi quảng cáo mình chạy trên nền tảng Facebook. Dữ liệu này bao gồm:

  • Số người nhìn thấy quảng cáo.
  • Số người nhấp vào quảng cáo.
  • Số tiền chi tiêu cho quảng cáo.

Từ Facebook Ads Manager, bạn có thể xem chi tiết về các hiệu suất quảng cáo của mình.

  • Hiệu quả: Biểu đồ Hiệu quả hiển thị số người nhấp vào quảng cáo, số người bạn tiếp cận được và tổng chi phí cho quảng cáo của bạn. Nếu cuộn qua biểu đồ đường, bạn sẽ nhìn thấy từng kết quả cho ngày đó được thể hiện trong biểu đồ. Nếu bạn muốn thay đổi kết quả xem trong biểu đồ, nhấp vào Tùy chỉnhvà chọn những số liệu bạn muốn xem. Số liệu báo cáo trong Facebook Ads Manager ít nhiều có độ trễ vì không có dữ liệu về hiệu quả ngay lập tức. Việc số liệu có độ trễ hoàn toàn bình thường.
  • Thông tin nhân khẩu học: Biểu đồ Thông tin nhân khẩu học hiển thị hiệu quả của quảng cáo đối với các độ tuổi và giới tính khác nhau. Bạn có thể cuộn qua từng phần của biểu đồ để xem từng kết quả cho mỗi nhóm tuổi.
  • Vị trí quảng cáo: Biểu đồ Vị trí quảng cáo hiển thị hiệu quả của quảng cáo trên nhiều vị trí quảng cáo khác nhau, chẳng hạn như Facebook hoặc Instagram. Tùy thuộc vào nơi quảng cáo đủ điều kiện hiển thị, bạn sẽ nhìn thấy nơi quảng cáo nhận được mức phân phối cao nhất. Bạn cũng có thể nhấp vào menu thả xuống để xem vị trí xuất hiện của quảng cáo trên thiết bị di động và máy tính.
  • Phân phối: Biểu đồ Phân phối hiển thị giá trị được dự đoán và phân phối cho Số người tiếp cận, Lượt hiển thị và Số tiền đã chi tiêu.

Một số lưu ý khi sử dụng Facebook Ads Manager.

Một số lưu ý khi sử dụng Facebook Ads Manager.
Một số lưu ý khi sử dụng Facebook Ads Manager.
  • Cũng tương tự như các Ads Manager khác ngoài Facebook, nhà quảng cáo nên tạo các Ads Manager dành cho doanh nghiệp (Facebook Business Manager) ngay từ đầu. Sau đó, từ Ads Manager doanh nghiệp này bạn thiết lập các tài sản nhỏ hơn bao gồm các tài khoản quảng cáo khác nhau.
  • Vì Facebook ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp có thông tin kinh doanh rõ ràng, bạn nên điền đầy đủ các thông tin về doanh nghiệp như tên doanh nghiệp, mã số thuế…từ trong Business Ads Manager.
  • Bạn nên thêm một số phương thức thanh toán khác nhau trong phần phương thức thanh toán, khi một phương thức nào đó có vấn đề Facebook sẽ tự động chuyển sang sử dụng phương thức thanh toán (thẻ Visa chẳng hạn) tiếp theo. Điều này vừa không làm gián đoạn quảng cáo của bạn vừa giúp gia tăng mức độ tin cậy của tài khoản với Facebook.
  • Với các Business Ads Manager thông thường, bạn sẽ có tối đa 5 tài khoản quảng cáo (Ad Account) trong mỗi Business Manager (BM). Số lượng tài khoản sẽ được mở rộng dần khi nhà quảng cáo sử dụng nhiều ngân sách hơn.
  • Cũng tương tự như tài khoản Google Analytics, số liệu chỉ được ghi nhận kể từ khi mã theo dõi (pixel) được thiết lập, bạn nên cài đặt Facebook Pixel và các mã theo dõi cần thiết ngay khi xây dựng Page. Bạn có thể sử dụng Google Tag Manager để thiết lập toàn bộ các mã theo dõi cần thiết.

Kết luận.

Như đã phân tích ở trên từ MarketingTrips, hy vọng bạn đã có thể hiểu được bản chất thực sự của Facebook Ads Manager, các tính năng, công dụng của nó và hơn thế nữa. Bằng cách xây dựng các tài sản quảng cáo ngay từ đầu trong Ads Manager, bạn có nhiều cơ hội hơn để thành công với quảng cáo của mình trên Facebook.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

Học hỏi từ chiến lược Marketing và kinh doanh của Hermès

Là một doanh nghiệp gia đình trong lĩnh vực xa xỉ phẩm, Hermès gặt hái thành công qua 6 thế hệ kể từ năm 1837. Với việc phân phối hạn chế, độc quyền và marketing có kiểm soát, doanh thu của công ty luôn đạt mức tăng trưởng hai con số hàng năm…

Học hỏi từ chiến lược marketing và kinh doanh của Hermès
Học hỏi từ chiến lược marketing và kinh doanh của Hermès

Đạt lợi nhuận kỷ lục 3,4 tỷ Euro năm 2022, nhà mốt nước Pháp quyết định thưởng lớn cho toàn bộ nhân viên trên toàn thế giới. Hermès thông báo rằng 19.700 nhân viên của họ trên toàn thế giới sẽ nhận được khoản tiền thưởng đặc biệt trị giá 4.000 euro (khoảng 100 triệu đồng) vào cuối tháng này.

Trước đó nhân viên của Hermès làm việc tại Pháp cũng đã được tăng lương 6%. Hãng dự kiến trả khoảng 1,4 tỷ Euro cho các nhà đầu tư thông qua cổ tức. Mức chi trả này tăng 63% so với năm ngoái và là một trong những khoản chi cao nhất từ trước đến nay.

GIẢI MÃ BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG

Những động thái “mạnh tay” của nhà mốt nước Pháp là do doanh thu tăng mạnh trong 2022. Theo báo cáo của Hermès, doanh thu bán hàng tăng đáng kể năm 2022 cả ở nhóm cửa hàng bán lẻ (+23% theo tỷ giá hối đoái cố định) và cả trong hoạt động bán buôn (+26%).

Mức tăng trưởng này được cho là hưởng lợi từ sự phục hồi của kênh bán lẻ du lịch cùng với việc phát triển mạng lưới phân phối độc quyền và cửa hàng trực tuyến trên toàn thế giới.

Cụ thể, doanh thu năm 2022 của thương hiệu tăng 29%, với lợi nhuận ròng tăng vọt đạt 3,4 tỷ Euro. Báo cáo cho thấy, doanh số bán hàng trong quý IV đã tăng 23% so với cùng kỳ, nâng doanh thu cả năm tăng 29% (đạt 11,6 tỷ Euro). Con số này đã giúp hãng lấy lại vị trí thương hiệu xa xỉ lớn thứ ba trong ngành công nghiệp, sau Louis Vuitton và Chanel.

Trong năm 2022, Hermès đã đầu tư 518 triệu Euro, bao gồm 214 triệu Euro cho các cửa hàng và phân phối và 192 triệu Euro cho các đơn vị sản xuất (52 địa điểm ở Pháp).

Thương hiệu có 6.000 thợ thủ công cho biết họ đã tạo ra 2.100 việc làm trong một năm, trong đó có 1.400 việc làm ở Pháp. Lực lượng lao động của họ đã tăng gấp đôi trong mười năm qua.

Với văn hóa chia sẻ giá trị của mình, Giám đốc điều hành Hermès Axel Dumas cho biết, vào cuối tháng này, toàn bộ 19.700 nhân viên chính thức trên toàn thế giới của thương hiệu nước Pháp sẽ đều nhận được tiền thưởng.

Hermès xây dựng triết lý kinh doanh giới hạn người tiếp cận sản phẩm tránh xa việc sản xuất hàng loạt, sử dụng dây chuyền sản xuất và gia công. Để không làm suy giảm hình ảnh thương hiệu, các sản phẩm của hãng không bao giờ được giảm giá.

Theo Hermès, mỗi sản phẩm ra đời dưới tên thương hiệu đều phải phản ánh sự chăm chỉ của những người thợ thủ công, biểu thị chất lượng của sự khéo léo và tính độc đáo của sản phẩm.

Cho đến thời điểm hiện tại, Giám đốc Sáng tạo – Pierre-Alexis Dumas vẫn luôn kiên nhẫn ký tên trên từng sản phẩm Hermès trước khi rời xưởng, thể hiện cam kết bền bỉ của công ty đối với chất lượng cao nhất.

Hãng luôn sử dụng chiến lược cung cấp một số lượng giới hạn các sản phẩm do mình sản xuất, đồng thời hạn chế phân phối sản phẩm trong chính các cửa hàng của mình.

Do đó, khách hàng không thể bước vào một cửa hàng Hermès và đi ra ngoài với một chiếc túi Birkin. Thay vào đó, họ phải đặt hàng và chờ vài tháng trước khi nhận được hàng.

Và thay vì phân chia nhu cầu cao theo giá cả như những gì mà luật kinh tế thông thường quy định, Hermès phân chia mọi thứ theo vị trí đặt trước.

Các nhà kinh tế học cho rằng việc phải xếp hàng mua túi Hermès đã vô tình khiến cho khách hàng quyết định tràn sang các sản phẩm “an ủi” khác của Hermès như ví và thắt lưng từ đó tạo ra nhu cầu thặng dư cho công ty.

Chính vì lý do này mà vào năm 2019, Baghunter – trang web chuyên phân phối, trao đổi túi xách hiệu – cho biết mẫu túi Birkin mang lại lợi tức lớn hơn chứng khoán và vàng trong 35 năm qua. Kết quả cho thấy việc “đầu tư” vào túi Hermès Birkins là an toàn hơn tất cả, với số lãi trung bình hàng năm trên 14%.

Nếu so sánh thì cổ phiếu và vàng đều thua xa về mức hồi vốn, trung bình chỉ lãi khoảng 11,66% (cổ phiếu) và 1,9% (vàng) tại cùng thời điểm.

TRIẾT LÝ KINH DOANH KHÁC BIỆT VỚI SỐ ĐÔNG

Hermès là một trong số ít thương hiệu xa xỉ không bổ nhiệm đại sứ thương hiệu nhưng chưa bao giờ đánh mất vị trí hàng đầu thế giới.

Thực tế là chỉ những người nổi tiếng hạng A và những người siêu giàu mới có đủ khả năng mua và tiếp cận với các sản phẩm cao cấp và độc quyền của Hermès và đây được xem là giải pháp giúp chứng thực thương hiệu tốt nhất.

Những sự kiện thời trang của Hermès không phải là nơi cánh báo chí có thể mô tả theo dạng “quy tụ hàng loạt ngôi sao đình đám”. Bởi thương hiệu cho rằng chính sự bí mật tạo ra tính độc quyền mà giới thượng lưu khao khát. 

Phù hợp với những triết lý thương hiệu này, công ty không có bộ phận tiếp thị. CEO của hãng tuyên bố rằng tất cả nhân viên của Hermès phải chịu trách nhiệm khâu marketing.

Tất cả nhân viên và nghệ nhân mới đều được lựa chọn cẩn thận và trải qua một khóa đào tạo nội bộ kéo dài ba ngày có tên “Inside the Orange Box” nhằm tìm hiểu nguồn gốc của công ty từ những người sáng lập và lịch sử phát triển của từng loại sản phẩm.

Mục tiêu của khóa đào tạo này là làm cho mọi nhân viên của Hermès cảm thấy gần gũi, gắn bó và đồng nhất với văn hóa, triết lý và giá trị của công ty.

Hai lần một năm, 1.000 đại diện cửa hàng từ các cửa hàng toàn cầu đến Paris tham dự một sự kiện có tên là “Podium”. Mỗi nhà đại diện được hướng dẫn chọn ít nhất một mặt hàng từ các danh mục sản phẩm ngoài từ mặt hàng thông thường (túi xách, khăn quàng cổ, cà vạt, nước hoa, đồng hồ).

Điều này làm tăng thêm sức hấp dẫn của thương hiệu Hermès vì không phải tất cả các sản phẩm đều có sẵn trong mỗi cửa hàng và cửa hàng trực tuyến chỉ cung cấp một số sản phẩm của công ty.

Có một khóa đào tạo bắt buộc 2 năm đối với một thợ thủ công trước khi họ có thể bắt đầu làm việc để kết hợp bất kỳ sản phẩm da nào trong danh mục đầu tư của Hermès.

Điều này làm chậm thời gian sản xuất nhưng triết lý của công ty luôn là duy trì sự khan hiếm và độc quyền. Bộ phận đồ da của Hermès chỉ thuê 200 thợ thủ công mỗi năm.

Hermès cũng không tuân theo chiến lược tung ra các bộ sưu tập hoặc cung cấp sản phẩm dành riêng cho từng khu vực, hay sản xuất ra các bộ sưu tập sản phẩm giống nhau và bán ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Ngoài ra, Hermès luôn là người đề xướng và sử dụng chiến lược “phiên bản giới hạn” và cũng hạn chế việc phân phối sản phẩm của mình trong các cửa hàng.

Cựu giám đốc điều hành Patrick Thomas, người duy nhất ngoài gia đình Hermès điều hành công ty, từng nhận xét: “Ngành công nghiệp xa xỉ được xây dựng dựa trên một nghịch lý: thương hiệu càng trở nên đáng mơ ước, thì hàng hóa bán được càng nhiều nhưng càng bán được nhiều thì sự khao khát, mong muốn sở hữu nó càng giảm”.

Nhận xét của ông đã hoàn toàn gói gọn chiến lược độc quyền và khan hiếm mà Hermès thực hiện cho thương hiệu của mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Hà Anh  | Theo VnEconomy  

Google hụt hơi trước chatbot AI ChatGPT

Từ vị thế dẫn đầu trong nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Google bỗng chốc bị vượt mặt bởi đối thủ truyền kỳ Microsoft trong cuộc đua chatbot.

Google hụt hơi trước chatbot AI ChatGPT
Google hụt hơi trước chatbot AI ChatGPT

Cách đây hơn 2 năm, Daniel De Freitas và Noam Shazeer, bộ đôi nghiên cứu tại Google đã thúc giục công ty ra mắt một chatbot tích hợp công nghệ mạnh mẽ hơn bất kỳ thứ gì lúc bấy giờ.

Đó là một chương trình máy tính có khả năng nói chuyện, tranh luận về triết học, bình luận về các show truyền hình yêu thích, thậm chí còn biết chơi chữ.

Google muốn chậm, nhưng thế giới cần nhanh.

Các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng những chương trình như trên, với sự hỗ trợ của tiến bộ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ cách mạng hoá phương thức mọi người tìm kiếm trên Internet và tương tác với máy tính.

Bộ đôi này từng gây sức ép Google cấp quyền truy cập vào chatbot cho các nhà nghiên cứu bên ngoài, cố gắng tích hợp nó vào trợ lý ảo Google Assistant và sau đó yêu cầu gã khổng lồ tìm kiếm ra mắt bản công khai dùng thử.

Các giám đốc điều hành tại Google từ chối họ nhiều lần, dẫn lý do chương trình không đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn và công bằng của công ty. Thất vọng khi đứa con tinh thần không được xuất hiện trước công chúng, De Freitas và Shazeer nghỉ việc vào năm 2021 để thành lập công ty riêng.

Giờ đây, Google chứng kiến đối thủ lâu đời nhất đang thử nghiệm công khai công nghệ mà họ từng đắn đo. Tháng trước, Microsoft công bố kế hoạch kết hợp công cụ tìm kiếm Bing với công nghệ đằng sau chatbot đình đám ChatGPT, thứ đã làm cả thế giới phải kinh ngạc vì khả năng trò chuyện giống con người.

Được phát triển bởi 1 startup 7 năm tuổi do Elon Musk đồng sáng lập có tên OpenAI, ChatGPT dựa trên những tiến bộ ban đầu về AI do chính Google tạo ra.

Nhiều tháng sau khi ChatGPT ra mắt, Google buộc phải thực hiện các bước phát hành công khai chatbot của riêng mình dựa trên một phần công nghệ mà De Freitas và Shazeer đã nghiên cứu. Dưới tên gọi là Google Bard, chatbot AI dựa trên thông tin từ web để trả lời các câu hỏi ở định dạng hội thoại.

Đầu tháng 2, Google cho biết đang thử nghiệm chatbot AI Bard bên trong và bên ngoài trước khi phát hành rộng rãi ra công chúng. Họ cũng tìm cách đưa công nghệ tương tự vào một số kết quả tìm kiếm của mình.

Elizabeth Reid, Phó Chủ tịch phụ trách tìm kiếm của công ty, cho biết trong một cuộc phỏng vấn, từ đầu năm ngoái, Google đã có những cuộc trình diễn nội bộ về các sản phẩm tìm kiếm tích hợp phản hồi từ các công cụ AI sinh ngữ như LaMDA (Mô hình Ngôn ngữ cho Ứng dụng đối thoại).

Những trở ngại với gã khổng lồ.

Cách tiếp cận tương đối thận trọng của Google được hình thành sau nhiều năm tranh cãi về nỗ lực AI của họ, từ những tranh luận nội bộ về sự thiên vị và độ chính xác cho đến vụ sa thải công khai một nhân viên tuyên bố rằng AI của họ đã đạt được tri giác vào năm ngoái.

Một trường hợp sử dụng tìm kiếm mà công ty thấy AI sinh ngữ hữu ích nhất là dành cho các loại truy vấn cụ thể không có câu trả lời đúng (NORA).

Phó Chủ tịch Google cho hay, công ty cũng nhận thấy các trường hợp sử dụng tìm kiếm tiềm năng cho một số loại từ khoá tìm kiếm phức tạp khác, chẳng hạn như giải toán.

Tuy nhiên, cũng như nhiều chương trình tương tự, độ chính xác vẫn là một vấn đề. Những mô hình như vậy có xu hướng tạo ra phản ứng khi không có đủ thông tin, điều mà các nhà nghiên cứu gọi là “ảo giác”.

Những người đã sử dụng công cụ này cho biết, trong một số trường hợp, các công cụ được xây dựng trên công nghệ LaMDA đã phản hồi bằng kết quả hư cấu hoặc câu trả lời lạc đề.

 “Nó hơi giống như nói chuyện với một đứa trẻ. Nếu đứa trẻ nghĩ rằng cần đưa ra câu trả lời cho bạn và chúng không có câu trả lời, thì chúng sẽ bịa ra một câu trả lời nghe có vẻ hợp lý”, Elizabeth Reid nói.

Reid cho biết Google đang tiếp tục tinh chỉnh các mô hình của mình, bao gồm đào tạo chúng biết khi nào nói không biết gì thay vì bịa ra câu trả lời. Công ty đã cải thiện hiệu suất của LaMDA trên các chỉ số như độ an toàn và độ chính xác.

Việc tích hợp các thuật toán như LaMDA, có thể tổng hợp hàng triệu trang web thành một đoạn văn bản, cũng có thể làm trầm trọng thêm mối thù truyền kiếp của Google với các hãng tin tức lớn và nhà xuất bản trực tuyến bằng cách làm giảm lưu lượng truy cập của các trang web.

Bên trong Google, các giám đốc điều hành đã nói rằng Google phải triển khai AI tạo ra kết quả theo cách không làm phiền chủ sở hữu trang web, một phần bằng cách bao gồm các liên kết nguồn.

Các giám đốc điều hành cảnh giác với rủi ro mà những bản demo sản phẩm AI công khai có thể gây ra cho danh tiếng của nó và hoạt động kinh doanh quảng cáo tìm kiếm đã mang lại phần lớn doanh thu gần 283 tỷ USD vào năm ngoái cho công ty mẹ, Alphabet Inc.

Gaurav Nemade, cựu Giám đốc sản phẩm của Google, người đã làm việc trên chatbot của công ty cho đến năm 2020, cho biết: “Google đang vật lộn để tìm sự cân bằng giữa mức độ rủi ro phải chấp nhận với việc duy trì tư tưởng dẫn đầu trên thế giới”.

Vào thời điểm đó, Google cho biết công việc của họ rất thú vị, nhưng có một khoảng cách lớn giữa nguyên mẫu nghiên cứu và sản phẩm đáng tin cậy, an toàn cho mọi người sử dụng hàng ngày.

Cách tiếp cận thận trọng của Google hoàn toàn có lý. Vào tháng 2, Microsoft cho biết sẽ đặt ra các giới hạn mới với chatbot của mình sau khi người dùng báo cáo AI này đưa ra nhiều câu trả lời không chính xác và đôi khi phản hồi khó hiểu khi bị “đẩy” đến giới hạn.

“Đây sẽ là một hành trình dài – cho tất cả mọi người, trên toàn lĩnh vực”, ông Pichai chia sẻ. “Điều quan trọng nhất chúng tôi có thể làm ngay bây giờ là tập trung vào việc xây dựng một sản phẩm tuyệt vời và phát triển nó một cách có trách nhiệm”.

Theo WSJ

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | Theo ICTNews

Grocery Store là gì? Khác biệt giữa Grocery Store và Convenience Store

Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu tất cả các thông tin xoay quanh thuật ngữ Grocery StoreConvenience Store như: Grocery Store là gì, Convenience Store là gì, sự khác biệt chính giữa cửa hàng tạp hóa Grocery Store và cửa hàng tiện lợi Convenience Store là gì và hơn thế nữa.

Grocery Store là gì?
Grocery Store là gì? Khác biệt giữa Grocery Store và Convenience Store

Trong khi Grocery Store và Convenience Store là hai khái niệm khác nhau đại diện cho hai loại cửa hàng bán lẻ khác nhau, vẫn có không ít sự hiểu nhầm giữa chúng, vậy thực chất, sự khác biệt giữa Convenience Store và Grocery Store là gì?

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:

  • Grocery Store là gì?
  • Convenience Store là gì?
  • Sự giống và khác nhau giữa Grocery Store và Convenience Store.
  • Sự khác nhau giữa Grocery Store và Supermarket là gì?
  • Ví dụ về một số Grocery Store và Convenience Store phổ biến.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Grocery Store là gì?

Grocery Store là các cửa hàng bán các mặt hàng thường được sử dụng hàng ngày cho người tiêu dùng như thịt, cá, rau, các thực phẩm đóng gói và tươi sống, hay các sản phẩm có nhu cầu thiết yếu cao khác như gạo, kem đánh răng, nước ngọt hay bia.

Ngoài ra, Grocery Store cũng có thể bán các sản phẩm gia dụng như nước chén, bát, nồi cơm điện và một số sản phẩm tiêu dùng nhanh khác.

Theo cách định nghĩa này, Grocery Store là các cửa hàng (Store) mà bạn có thể biết đến như Bách Hoá Xanh, Vinmart hay Nam An Market.

Grocery Store trong tiếng Việt có nghĩa là Cửa hàng bách hoá.

Convenience Store là gì?

Khác với Grocery Store chuyên bán các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày trong gia đình, Convenience Store là cửa hàng chuyên bán các sản phẩm tiện lợi như mỳ ăn liền, nước ngọt, bia, bánh kẹo, cafe, nước uống đóng chai và nhiều sản phẩm tiêu dùng có kích thước nhỏ gọn khác.

So với các Grocery Store, Convenience Store thường có ít nhân viên hơn, số lượng cửa hàng lớn hơn và với diện tích cửa hàng (mặt bằng) nhỏ hơn.

Theo cách định nghĩa này, Convenience Store là các cửa hàng (Store) mà bạn có thể biết đến như Circle K, FamilyMart, Bi’s Mart hay Seven Eleven (7-Eleven).

Convenience Store trong tiếng Việt có nghĩa là Cửa hàng tiện lợi.

Sự giống nhau và khác biệt giữa Grocery Store và Convenience Store là gì?

Sự giống và khác nhau giữa Grocery Store và Convenience Store là gì?
Sự giống và khác nhau giữa Grocery Store và Convenience Store là gì?

Như đã phân tích ở trên, mặc dù cả Grocery Store và Convenience Store đều là những cửa hàng bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (FMCG) hay hàng đóng gói (CPG), nơi người tiêu dùng có thể mua (lẻ) nhiều các sản phẩm khác nhau, giữa chúng tồn tại nhiều điểm khác nhau hay nói cách khác, chúng là các mô hình kinh doanh bán lẻ khác nhau .

Grocery Store và Convenience Store phục vụ những nhu cầu khác nhau.

Nếu như người tiêu dùng đến Convenience Store chỉ vì nhiều lúc “bất đắc dĩ” hay chỉ để mua nhanh một vài sản phẩm nhỏ lẻ (phát sinh) nào đó, họ lại chọn Grocery Store để được mua nhiều hơn (số lượng lớn hơn) với nhiều mặt hàng hơn.

Mặc dù số lượng hàng hoá mà người tiêu dùng chọn mua ở các Grocery Store không nhiều như khi họ đi siêu thị (Supermarket), tổng giá trị trên một đơn hàng vẫn lớn hơn nhiều so với các Convenience Store.

Grocery Store và Convenience Store khác nhau về quy mô cửa hàng, cả về số lượng lẫn diện tích.

Vì phục vụ cho nhu cầu mua sắm cao hơn (giá trị trên mỗi đơn hàng và số lượng các mặt hàng), các Grocery Store thường có diện tích lớn hơn và số lượng cửa hàng có thể ít hơn.

Ví dụ, bạn thấy các cửa hàng như Circle K thường nhỏ hơn so với Bách Hoá Xanh.

Grocery Store và Convenience Store khác nhau về thời gian hoạt động (bán hàng).

Nếu như các Grocery Store thường chỉ mở cửa trong giờ hành chính, tức từ khoảng 7h30 sáng đến khoảng trễ nhất là 8h tối, các Convenience Store lại mở cửa trong khoảng thời gian dài hơn, và nhiều thương hiệu Grocery Store mở cửa 24/24 (ví dụ như Circle K).

Số lượng nhân viên làm việc tại Grocery Store nhiều hơn so với các Convenience Store.

Vì bán nhiều mặt hàng hơn với số lượng lớn hơn, số lượng nhân viên bao gồm nhân viên bán hàng và thu ngân tại các Grocery Store thường nhiều hơn so với Convenience Store.

Tại một Grocery Store thường có khoảng từ ít nhất là 5 đến 10 nhân viên, số lượng này chỉ khoảng 1 đến 5 tại một Convenience Store.

Giá bán các mặt hàng tại Grocery Store cao hơn so với Convenience Store.

Cùng là các cửa hàng bán lẻ (Retail), giá bán cùng một sản phẩm giống nhau lại chênh lệnh khá nhiều ở các Grocery Store so với Convenience Store.

Cụ thể, giá bán tại Grocery Store thường thấp hơn khoảng 10% so với sản phẩm cùng loại tại Convenience Store, một phần xảy ra điều này là vì chi phí để bán 1 sản phẩm tại các Convenience Store cao hơn (người tiêu dùng mua ít hơn) so với Grocery Store.

Grocery Store và Convenience Store khác nhau về số lượng sản phẩm bày bán và chủng loại sản phẩm.

Nếu bạn từng đi mua hàng tại các Convenience Store như Circke K, bạn thấy là với một loại sản phẩm nhất định nào đó, họ thường trưng bày chỉ vài sản phẩm trong khi với các Grocery Store, số lượng này lớn hơn nhiều.

Ngoài ra, chủng loại sản phẩm (các nhãn hàng) tại các Grocery Store cũng nhiều hơn nhiều so với Convenience Store.

Sự khác nhau giữa Grocery Store và Supermarket.

Mặc dù cả Grocery Store và Supermarket đều cung cấp các sản phẩm có phần tương tự nhau, tức từ các sản phẩm tươi sống, trái cây đến các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày khác, 2 loại hình cửa hàng này kinh doanh theo các mô hình khác nhau.

Grocery Store và Supermarket khác nhau về quy mô.

Nếu bạn từng trải nghiệm mua sắm tại BigC và Winmart thì bạn có thể cảm nhận ngay sự khác biệt này, so với các Grocery Store như Winmart thì các Supermarket như BigC có diện tích lớn hơn nhiều, số lượng hàng hoá có sẵn, lượng nhân viên làm việc trong cùng một ca cũng lớn hơn.

Grocery Store cung cấp ít chủng loại sản phẩm hơn so với Supermarket.

Vì Supermarket phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng hơn, loại hình kinh doanh này cung cấp vô số các sản phẩm với nhiều chủng loại khác nhau, đa dạng từ hàng ngang (dòng sản phẩm) đến hàng dọc (các sản phẩm trong cùng một dòng sản phẩm nhưng lại được phát triển thành các sản phẩm phục vụ cho các mục đích khác nhau).

Giá bán ở Supermarket rẻ hơn và nhiều khuyến mãi hơn so với Grocery Store.

Với cùng một sản phẩm, giá bán tại các Supermarket thường rẻ hơn Grocery Store. Vì bán với số lượng lớn và trải rộng nhiều dòng sản phẩm, Supermarket là điểm phân phối chính của các nhà sản xuất và do đó, các chương trình khuyến mãi được diễn ra với tần suất cao hơn nhiều so với Grocery Store hay cả Convenience Store.

Tạm kết.

Một khi hiểu grocery store là gìConvenience Store là gì, cũng như phân biệt được sự khác nhau giữa 2 kiểu cửa hàng bán lẻ này, bạn thấy rằng, tuỳ thuộc vào từng nhu cầu cụ thể khác nhau mà người tiêu dùng có thể lựa chọn khác nhau.

Họ có thể chọn đến Grocery Store để mua sắm nhiều hơn hay chọn Convenience Store nếu họ muốn mua cái gì đó tiện và nhanh hơn (tức thời).

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Ads Manager là gì? Các Ad Manager phổ biến nhất

Cùng tìm hiểu Ads Manager là gì hay Ad Manager là gì, các Ads Manager của các nền tảng quảng cáo phổ biến nhất thế giới hiện nay như Facebook, Google, TikTok, LinkedIn, Twitter, Zalo, Facebook Ads Manager là gì, và hơn thế nữa.

Ads Manager là gì
Ads Manager là gì? Các Ad Manager phổ biến nhất trên thế giới

Ads Manager là gì? Ads Manager hiểu đơn giản là các trình quản lý các tài sản quảng cáo của các nền tảng quảng cáo như Facebook hay Google. Khi Digital Marketing hay tiếp thị kỹ thuật số tiếp tục thể hiện được vai trò của mình trong sứ mệnh phát triển của doanh nghiệp, việc thấu hiểu các Ads Manager của các nền tảng đóng một vài trò quan trọng không kém.

Những nội dung sẽ được MarketingTrips đề cập trong bài bao gồm.

  • Ads Manager (Ad Manager) là gì?
  • Business Ads Manager là gì?
  • Ads Manager của Facebook là gì?
  • Các Ads Manager phổ biến nhất thế giới như Google, Facebook, TikTok, LinkedIn và Twitter.
  • Một số lưu ý chính cho các nhà quảng cáo hoặc người làm marketing khi sử dụng Ads Manager là gì?
  • Một số Ads Manager phổ biến ở Việt Nam như Zalo và Cốc Cốc.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Ads Manager là gì?

Ads Manager là nơi nhà quảng cáo có thể quản lý hầu hết các tài sản quảng cáo như chiến dịch (Campaigns), nhóm quảng cáo (Ad sets), quảng cáo (Ads) và hơn thế nữa.

Sau khi đăng ký tài khoản thành công, từ giao diện của Ads Manager, nhà quảng cáo thể tiến hành thiết lập và khởi chạy các chiến dịch quảng cáo, phân bổ các nhóm quảng cáo và mẫu quảng cáo cho từng nhóm quảng cáo.

Trong hầu hết các Ads Manager phổ biến trên thế giới như Google, Facebook hay TikTok, phần chiếm nhiều thời gian nhất của các nhà quảng cáo hay marketer đó là phần nhóm quảng cáo và quảng cáo.

Trong khi bạn có thể dễ dàng chọn mục tiêu chiến dịch hay mục tiêu kinh doanh của thương hiệu ở phần Chiến dịch, để đạt được các mục tiêu (KPIs) đề ra, bạn cần rất rất nhiều thời gian cho việc thiết lập và tối ưu hoá quảng cáo ở phần Nhóm quảng cáo và Quảng cáo.

Ngoài ra, từ Ads Manager, nhà quảng cáo cũng có thể xem chi tiết các chỉ số hiệu suất quảng cáo theo thời gian thực (real-time).

Business Ads Manager là gì?

Business Ads Manager là trình quản lý quảng cáo dành cho doanh nghiệp, nơi nhà quảng cáo có thể quản lý nhiều tài sản quảng cáo khác nhau như nhiều fanpage, nhiều tài khoản quảng cáo cho các nhóm sản phẩm khác nhau và hơn thế nữa.

Khác với các Ads Manager cá nhân, nơi chỉ có duy nhất một tài khoản quảng cáo (Ad Account), Business Ads Manager hay Business Manager (BM) có thể có nhiều tài khoản quảng cáo khác nhau.

Ngoài thuật ngữ Manager mang ý nghĩa là trình quản lý, bạn cũng cần hiểu về khái niệm Ads, bên dưới là những gì bạn có thể tham khảo.

Ads là gì?

Ads là khái niệm đề cập đến một phương thức truyền thông marketing trong đó các thương hiệu hay doanh nghiệp sử dụng các thông điệp hay chiến thuật tài trợ công khai để quảng bá cho một sản phẩm hoặc dịch vụ.

Thuật ngữ Ads gắn liền với các hoạt động marketing trong doanh nghiệp.

Cũng tương tự như marketing, Ads cũng được định nghĩa theo một số cách khác nhau tuỳ vào cách tiếp cận, dưới đây là một số định nghĩa phổ biến nhất.

Theo Wikipedia, Ads là một hình thức truyền thông tiếp thị sử dụng các thông điệp được tài trợ công khai để quảng bá hoặc bán một sản phẩm, dịch vụ hoặc ý tưởng.

Các nhà tài trợ cho Ads thường là các doanh nghiệp muốn quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của họ. Ads được phân biệt với quan hệ công chúng (PR) ở chỗ nhà quảng cáo phải trả phí để quảng cáo và họ có quyền kiểm soát các thông điệp.

Theo một định nghĩa khác từ Cambridge, Ads hay Quảng cáo là hoạt động các doanh nghiệp thực hiện các chiến thuật khác nhau với mục tiêu thuyết phục người khác mua các sản phẩm hoặc dịch vụ của họ.

Mặc dù Ads có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bản chất lớn nhất để nhận dạng đâu là một mẫu Ads đó là việc các doanh nghiệp hay thương hiệu trả tiền để truyền tải một nội dung nào đó tới khách hàng.

Những gì mà Ads hướng tới đó là doanh số bán hàng và thông thường, nó là một phần trong kế hoạch truyền thông marketing tích hợp (IMC) của thương hiệu.

Adslà từ viết tắt của Advertisingtrong tiếng Việt có nghĩa là Quảng cáo.

Một số Ads Manager phổ biến nhất trên thế giới.

1. Ads Manager của Facebook – Facebook Ads Manager.

Theo Meta, Facebook Ads Manager là điểm khởi đầu để chạy quảng cáo trên các nền tảng của Meta như Facebook, Instagram, Facebook Messenger hoặc Mạng lưới đối tượng (Audience Network).

Đây là một công cụ ‘all-in-one’ để tạo quảng cáo, kiểm soát về thời gian và vị trí chúng sẽ chạy cũng như theo dõi kết quả của các chiến dịch.

Với ứng dụng quản lý quảng cáo (Ads Manager app) dành cho iOS và Android, bạn có thể theo dõi chiến dịch của mình ở bất cứ nơi đâu, dù bạn ở đâu, bạn cũng sẽ có quyền tạo và chỉnh sửa quảng cáo, theo dõi hiệu suất và nhiều tính năng khác.

Dưới đây là hình ảnh giao diện chính của Facebook Ads Manager (để các bạn có thể dễ dàng theo dõi các thuật ngữ gốc, bài viết sẽ sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ mặc định trong các giao diện cài đặt).

trình quản lý quảng cáo facebook
Giao diện chính của Ads Manager Facebook

Như bạn có thể thấy ở trên, từ giao diện chính của trình quản lý, bạn có thể lựa chọn các mục tiêu khác nhau tuỳ theo doanh nghiệp ở phần chiến dịch.

Nếu bạn muốn xây dựng độ nhận biết thương hiệu bạn có thể chọn mục tiêu là Awareness hay nếu thương hiệu của bạn cần các chuyển đổi bán hàng, bạn có thể chọn là Conversions.

Tuỳ vào mỗi mục tiêu khác nhau ở phần chiến dịch, các thông số ở phần nhóm quảng cáo và quảng cáo sẽ thay đổi.

Ví dụ, nếu bạn chọn mục tiêu là Brand Awarenss (Độ nhận biết thương hiệu), bạn không thể thiết lập biểu mẫu khách hàng tiềm năng (Lead Forms) ở phần quảng cáo và ngược lại.

Cũng bởi lý do này, chất lượng quảng cáo hay các mục tiêu kinh doanh của thương hiệu có đạt được hay không cũng phụ thuộc không nhỏ vào tư duy tổng thể của các nhà quảng cáo từ những giai đoạn đầu khi hình thành mục tiêu.

trình quản lý quảng cáo facebook
Facebook Ads Manager – Phần Chiến dịch.

Ở phần mục tiêu của chiến dịch như bạn có thể thấy ở trên, hiện Facebook cung cấp 6 lựa chọn khác nhau bao gồm: Độ nhận biết thương hiệu (Awareness), lưu lượng truy cập (Traffic), tương tác với khách hàng mục tiêu (Engagement), tìm kiếm khách hàng tiềm năng (Lead), thúc đẩy ứng dụng (App promotion) và thúc đẩy doanh số bán hàng (Sales).

Theo cập nhật mới nhất từ Facebook, các mục tiêu của quảng cáo sẽ tiếp tục được cập nhật trong 2022 nhằm mục tiêu giúp thương hiệu dễ dàng quản lý các chiến dịch của họ nhiều hơn nữa.

Facebook cho biết:

“Để có thể hướng dẫn các nhà quảng cáo một cách hiệu quả về cách thiết lập chiến dịch, chúng tôi đang thiết kế lại trải nghiệm lựa chọn mục tiêu khi tạo một chiến dịch mới trong Ads Manager.

Chúng tôi đang chuyển sang mô hình trải nghiệm quảng cáo dựa trên kết quả đầu ra (ODAX), nơi các nhà quảng cáo có thể lựa chọn kết quả kinh doanh đầu ra mong muốn của họ (ví dụ: Xây dựng nhận thức thương hiệu, Lưu lượng truy cập (Traffic), Tương tác, Khách hàng tiềm năng…) và giao diện thiết lập chiến dịch mới sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn họ cách để đạt được các mục tiêu đó.”

Như đã phân tích ở trên, các nhà quảng cáo thường không mất quá nhiều thời gian ở phần chiến dịch, thay vào đó, phần lớn các nỗ lực tối ưu hiệu suất quảng cáo nằm ở phần nhóm quảng cáo và quảng cáo.

trình quản lý quảng cáo facebook
Facebook Ads Manager – Phần Nhóm quảng cáo

Hầu hết các thông số cài đặt quảng cáo như ngân sách và thời gian chạy quảng cáo, lựa chọn đối tượng mục tiêu, vị trí phân phối quảng cáo (Ad Placements), chiến lược giá thầu hay kiểu phân phối quảng cáo đều được hiển thị ở đây.

Trình quản lý quảng cáo Facebook
Facebook Ads Manager – Phần Quảng cáo

Và cuối cùng là phần quảng cáo, nơi bạn có thể thiết lập tất cả những thứ liên quan đến nội dung quảng cáo. Cũng tuỳ vào từng mục tiêu khác nhau của chiến dịch mà phần thiết lập quảng cáo cũng có các tính năng khác nhau.

Liên quan đến khái niệm Ads Manager là gì, Facebook cũng cấp trình quản lý kinh doanh (BM – Business Manager), nơi nhà quảng cáo có thể tạo và quản lý tất cả các tài khoảng quảng cáo, đối tượng mục tiêu hay các tài sản quảng cáo khác.

Giao diện chính của Facebook Business Manager

Như bạn có thể thấy ở trên, từ giao diện chính, bạn có thể truy cập ngay vào các phần khác như Ads Manager, Audience (đối tượng), trình quản lý sự kiện (Events Manager) và nhiều tính năng khác của doanh nghiệp.

Hiện tại, với mỗi trình quản lý kinh doanh bình thường, Facebook cấp tối đa (chủ yếu phân bổ theo ngưỡng chi tiêu) là 5 tài khoản quảng cáo con.

Nếu doanh nghiệp của bạn có nhiều thương hiệu hoặc sản phẩm, tốt nhất bạn nên bắt đầu với trình quản lý doanh nghiệp tức BM hơn là tài khoản quảng cáo cá nhân hay Ads Manager.

2. Trình quản lý Google Ad Manager.

T
Giao diện chính của Ads Manager của Google

Cũng tương tự như Facebook, Google Ads Manager của Google cũng khá phức tạp với nhiều tính năng khác nhau.

Google Ad Manager là một nền tảng trao đổi quảng cáo hoàn chỉnh của Google tạo điều kiện thuận lợi cho cả việc mua và bán quảng cáo trên nhiều mạng lưới quảng cáo và địa điểm khác nhau, bao gồm AdSense và (trước đây) AdExchange.

Nếu trước đây bạn đã từng sử dụng các công cụ quảng cáo của Google, bạn có thể nhận thấy rằng Google Ad Manager kết hợp các tính năng được cung cấp bởi DoubleClick for Publishers và DoubleClick AdExchange, (đã được Google mua lại vào năm 2007).

Google Ad Manager cho phép các nhà quảng cáo tạo ra một mạng lưới rộng hơn và tăng tính cạnh tranh cho các quảng cáo bằng cách quản lý quảng cáo và không gian quảng cáo trên nhiều mạng lưới quảng cáo (ad networks).

Tuy nhiên, vì Google Ad Manager được xem như là nền tảng tổng cho các doanh nghiệp lớn, các nhà xuất bản lớn hay các Media Agency, nền tảng này ít khi được các đơn vị nhỏ chú ý.

Liên quan đến thuật ngữ Ads Manager của Google, có không ít marketer hay nhà quảng cáo (mới) nhầm lẫn với khái niệm tài khoản quảng cáo hoặc chạy quảng cáo trên Google (Google Ads) vốn được triển khai trên một nền tảng hoàn toàn riêng.

Giao diện tổng quan của Ads Manager của nhà quảng cáo

Với những bạn mới, các bạn cần phân biệt tài khoản quảng cáo dành cho người quản lý (Manager Account) và tài khoản quảng cáo (Ad Account).

Tài khoản dành cho người quản lý (tên gọi trước đây là MCC – My Client Center), là tài khoản tổng dùng để quản lý các tài khoản quảng cáo con, hiện tại theo giới hạn của Google, bạn có thể tạo tối đa 20 tài khoản quảng cáo con này trong mỗi tài khoản tổng.

Để có thể dễ hình dung hơn, nếu như với Facebook bạn dùng tài khoản doanh nghiệp (BM – Business Manager) để quản lý các tài khoản quảng cáo thì với Google cũng tương tự, bạn dùng Google Ads (Manager Accounts) để quản lý các Ad Account.

Cũng giống với cấu trúc của Facebook, để có thể tiến hành khởi chạy các chiến dịch quảng cáo, bạn cần thao tác trên 3 phần chính là chiến dịch, nhóm quảng cáo và quảng cáo. 

Như bạn có thể thấy ở trên, ở phần thiết lập chiến dịch, Google cho phép bạn lựa chọn các mục tiêu khác nhau như bán hàng, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, xây dựng độ nhận biết thương hiệu và một số mục tiêu khác. 

Sau khi lựa chọn được mục tiêu, Google cho phép bạn lựa chọn các kiểu chiến dịch, tức cách mà các quảng cáo sẽ được chạy và hiển thị.

Bạn có thể chọn cách hiển thị trên công cụ tìm kiếm, trên các website và ứng dụng, chạy các chiến dịch mua sắm hay video.

Ads Manager của Google – Phần nhóm quảng cáo

Sau khi đã chọn xong các thông số ở phần chiến dịch, lại một lần nữa tương tự như Facebook, nhóm quảng cáo (ad group) và quảng cáo (ads) là những phần tốn nhiều thời gian và công sức nhất.

Với mục tiêu là hiển thị quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm (Search), tại phần thiết lập nhóm quảng cáo, từ khoá (keywords) là một trong những phần quan trọng nhất.

Bên cạnh các yếu tố khác của công việc tối ưu quảng cáo, một chiến lược lựa chọn từ khoá đúng có tác động rất lớn đến thành cộng của một chiến dịch nhất định.

Tuỳ vào từng từng mục tiêu kinh doanh khác nhau, bạn có thể chọn các chiến lược từ khoá khác nhau, hiện Google cung cấp các kiểu đối sánh từ khoá như đối sánh chính xác, đối sánh rộng và đối sáng cụm từ.

Cuối cùng, phần thiết lập nội dung quảng cáo của Google cũng có gì đặc biệt.

Ngoài Google Ads, Google Ads Manager, nếu bạn là người làm marketing cho các doanh nghiệp vừa và lớn, bạn cũng nên tìm hiểu và sử dụng nền tảng marketing tích hợp của Google (Google Marketing Platforms), nơi bạn có thể quản lý tất cả các sản phẩm khác của Google như Google Search Ads 360, Analytics 360, Google Tag Manager…

3. Ads Manager của TikTok – TikTok Ads Manager.

So với các Ads Manager của Facebook và Google, TikTok Ads Manager có phần đơn giản và dễ sử dụng hơn.

3. Ads Manager của TikTok - TikTok Ads Manager.
3. Ads Manager của TikTok – TikTok Ads Manager.
Ads Manager của TikTok - TikTok Ads Manager.
Ads Manager của TikTok – Phần cài đặt chiến dịch.

Cấu trúc tài khoản của TikTok cũng có 3 phần chính là chiến dịch, nhóm quảng cáo và quảng cáo, nơi các nhà quảng cáo có thể thiết lập và khởi chạy các chiến dịch quảng cáo.

Ads Manager của TikTok - TikTok Ads Manager.
Phần cấu trúc trong Ads Manager của TikTok.

Trước hết, ở phần cài đặt mục tiêu của chiến dịch, TikTok cho phép bạn lựa chọn các mục tiêu khác nhau như kết nối với khách hàng, tăng lượng người dùng truy cập website, tìm kiếm khách hàng tiềm năng và thúc đẩy chuyển đổi bán hàng.

trình quản lý quảng cáo tiktok - lựa chọn đối tượng mục tiêu

Tiếp theo, bạn có thể lựa chọn các nhóm đối tượng mục tiêu khác nhau và mức ngân sách bạn muốn cho chiến dịch. Và cuối cùng là kết nối tài khoản và thiết lập chi tiết nội dung quảng cáo.

Cũng tương tự như tài khoản doanh nghiệp (Business Manager) trong Facebook và tài khoản người quản lý (Manager Accounts) trong Google, TikTok cũng cung cấp trình quản lý doanh nghiệp riêng.

Tại đây, nhà quảng cáo có thể cài đặt và quản lý các tài sản quảng cáo của doanh nghiệp như đối tác, người dùng, và cả các tài khoản của các nhà quảng cáo.

Theo TikTok, dưới đây là một số tính năng nổi bật của trình quản lý doanh nghiệp TikTok Business Center:

  • Khi bạn thêm một tài khoản của nhà quảng cáo (Advertiser Account) vào trình quản lý doanh nghiệp, bạn có thể xem các dữ liệu, insight, quản lý các quyền truy cập tài sản quảng cáo, và có thể truy cập ngay Ads Manager.
  • Bạn có thể mời và phân quyền tài sản cho các nhà quảng cáo khác nhau.
  • Bạn cũng có thể thêm các trình quản lý doanh nghiệp khác vào tài khoản của bạn như là đối tác quảng cáo.
  • Cuối cùng, vì bạn có thể quản lý tất cả các tài sản quảng cáo tại một nơi duy nhất, bạn có thể dễ dàng truy cập và phân tích hiệu suất của các tài khoản quảng cáo khác nhau.

4. Ads Manager của LinkedIn: LinkedIn Campaign Manager.

Ads Manager của LinkedIn: LinkedIn Campaign Manager.
Ads Manager của LinkedIn: LinkedIn Campaign Manager.

Ngoài các nền tảng phổ biến như Google, Facebook và TikTok, với gần 800 triệu người dùng tính đến năm 2022, LinkedIn là một trong những nền tảng quảng cáo lớn nhất toàn cầu đặc biệt là trong ngành B2B.

Sau khi tạo Trang (LinkedIn Company Page) và truy cập vào Ads Manager, bạn sẽ thấy giao diện như bên dưới.

Sau khi tạo chiến dịch, LinkedIn cũng cho phép nhà quảng cáo lựa chọn các mục tiêu khác nhau tương tự Facebook hay TikTok, như độ nhận biết thương hiệu, lượng truy cập website, lượng tương tác hay thúc đẩy khách hàng tiềm năng (Lead generation).

Tiếp đó, bạn có thể cài đặt hàng loạt các tính năng khác như định dạng quảng cáo, nơi hiển thị quảng cáo, ngân sách hoặc đo lường chuyển đổi.

Ads Manager của LinkedIn – Quảng cáo

Cuối cùng bạn có thể tiến hành thiết kế nội dung quảng cáo cho các mục tiêu và chiến dịch đã chọn. Nếu xét về giao diện tổng thể, LinkedIn Campaign Manager có phần tương tự Facebook Ads Manager nhất.

5. Ads Manager của Twitter.

Giao diện Ads Manager của Twitter.

So với các nền tảng quảng cáo khác như Google, Facebook, TikTok hay LinkedIn, quảng cáo trên Twitter có phần ít phổ biến hơn.

Tuy nhiên, với hơn 200 triệu người dùng trên toàn cầu tính đến năm 2022, nếu đối tượng mục tiêu của bạn ở ngoài phạm vi của thị trường Việt Nam thì Twitter cũng là một nền tảng đầy hứa hẹn.

Như giao diện bạn có thể thấy ở trên, về cơ bản quảng cáo trên Twitter cũng tương tự như các nền tảng quảng cáo khác, cấu trúc chiến dịch được tách thành chiến dịch, nhóm quảng cáo và cuối cùng là các mẫu quảng cáo.

Hiện Twitter cung cấp các hình thức (format) quảng cáo như quảng cáo bài đăng (Promoted Tweets), quảng cáo tài khoản nhằm mục tiêu gia tăng lượt người theo dõi (Promoted Accounts), quảng cáo xu hướng (Promoted Trend) và quảng cáo các khoảnh khắc (Promoted Moments).

Một số lưu ý cho các nhà quảng cáo hoặc người làm marketing khi sử dụng Ads Manager là gì?

Như bạn có thể thấy qua các phân tích ở trên, để có thể tối ưu hoá được các tài sản quảng cáo theo thời gian, nhà quảng cáo nên tiến hành xây dựng từng bước cấu trúc của tài khoản, hãy bắt đầu từ việc xây dựng các tài khoản doanh nghiệp, sau đó mới đến các tài khoản quảng cáo con.

Nếu bạn là doanh nghiệp lớn và có nhiều sản phẩm hay thương hiệu, việc chuẩn bị cho mình nhiều tài khoản quảng cáo có thể giúp ích rất nhiều cho bạn sau này.

Bên cạnh đó, với những Ads Manager như Facebook, vì số lượng các tài khoản quảng cáo sẽ được mở rộng biến thiên dựa theo ngân sách chi tiêu và mức độ cung cấp các thông tin liên quan đến doanh nghiệp.

Việc xây dựng từ sớm các tài khoản doanh nghiệp thay vì chỉ là các tài khoản quảng cáo cá nhân có thể giúp cho bạn có nhiều tài khoản quảng cáo hơn, chủ động phân bổ sản phẩm và nguồn lực dễ dàng hơn.

Cập nhật những Ads Manager khác ở thị trường Việt Nam.

1. Ads Manager của Zalo – Zalo Ads.

Mặc dù chỉ hoạt động chủ yếu tại thị trường Việt Nam và không mấy phổ biến, Zalo cũng được không ít các nhà quảng cáo để ý đến.

1. Ads Manager của Zalo - Zalo Ads.
1. Ads Manager của Zalo – Zalo Ads.

So với các nền tảng quảng cáo như Google, Facebook hay TikTok, Zalo có cấu trúc cài đặt và khởi chạy chiến dịch khá đơn giản và ít tính năng.

Như bạn có thể thấy ở trên, ở phần chọn mục tiêu chiến dịch, Zalo cũng cho phép nhà quảng cáo chọn các mục tiêu phổ biến như tìm kiếm khách hàng tiềm năng, tăng lưu lượng truy cập website, tăng mức độ tương tác hoặc thúc đẩy khả năng tiếp cận với khách hàng mục tiêu.

Nằm trong hệ sinh thái của VNG, sau khi cài đặt và khởi chạy chiến dịch, quảng cáo chủ yếu hiển thị trên Zalo Feed (nguồn cấp dữ liệu của Zalo với khoảng hơn 10 triệu người dùng), Zing News, Báo mới và một số nền tảng liên kết khác của.

Cũng tương tự như các Ads Manager khác, tuỳ vào mỗi mục tiêu chiến dịch khác nhau, nhà quảng cáo có thể chọn các kiểu quảng cáo khác nhau như quảng cáo bài viết, quảng cáo điền biểu mẫu khách hàng hoặc quảng cáo video.

2. Ads Manager của Cốc Cốc – Cốc Cốc Ads.

Cốc Cốc Ads Manager là gì?

Là nền tảng quảng cáo chạy trên hệ sinh thái của trình duyệt Cốc Cốc, Cốc Cốc Ads hiện cung cấp nhiều định dạng quảng cáo khác nhau như: quảng cáo tìm kiếm, quảng cáo hiển thị banner (hiển thị trên trang chủ của trình duyệt Cốc Cốc), quảng cáo icon (hiển thị icon của thương hiệu trên trang chủ của trình duyệt) và quảng cáo mua sắm.

2. Ads Manager của Cốc Cốc - Cốc Cốc Ads.
2. Ads Manager của Cốc Cốc – Cốc Cốc Ads.

Cũng tương tự như Zalo, Ads Manager của Cốc Cốc khá đơn giản và không có quá nhiều tuỳ chọn.

Kết luận.

Như đã phân tích ở trên, công việc đầu tiên và quan trọng nhất của các nhà quảng cáo hay Digital Marketer không phải là vận hành các chiến dịch quảng cáo mà là thấu hiểu tất cả các Ads Manager, hiểu ads manager là gì, các tính năng hiện có và hơn thế nữa.

Hy vọng với bài viết tương đối toàn diện nói trên, bạn sẽ có những kiến thức căn bản nhất trước khi bắt tay vào công việc.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Nguồn: MarketingTrips

Bing tích hợp ChatGPT mới có hơn 100 triệu người dùng mỗi ngày

Việc công cụ tìm kiếm Bing được tích hợp nền tảng trí tuệ nhân tạo ChatGPT khiến người dùng đổ xô tìm đến công cụ tìm kiếm này.

Bing tích hợp ChatGPT mới có hơn 100 triệu người dùng mỗi ngày
Bing tích hợp ChatGPT mới có hơn 100 triệu người dùng mỗi ngày

Trong bài viết trên blog và Twitter hôm 9/3, Phó chủ tịch tập đoàn Microsoft ông Yusuf Mehdi cho biết công cụ tìm kiếm Bing hiện có 100 triệu người dùng, con số từng được xem là “bất khả thi”.

“Chúng tôi vui mừng chia sẻ rằng sau vài năm phát triển ổn định và sự thúc đẩy từ hàng triệu người dùng trải nghiệm Bing mới, chúng tôi vượt mốc 100 triệu người dùng hoạt động hàng ngày (MAU)”, Yusuf Mehdi viết trên blog.

Ngoài ra, lãnh đạo Microsoft tiết lộ trong hàng triệu người dùng trải nghiệm Bing mới, có khoảng 1/3 lần đầu sử dụng công cụ tìm kiếm của họ. Thành công của Bing AI cũng giúp họ nhìn ra hướng đi mới trên thị trường. Đó là tích hợp tìm kiếm, trả lời câu hỏi, trò chuyện và sáng tạo trong một nền tảng.

Sau khi Bing AI ra mắt, người dùng tò mò thử nghiệm các tính năng kiểu ChatGPT trên Bing và trình duyệt Edge. “Khi ngày càng có nhiều người sử dụng Bing và Edge mới, chúng tôi chứng kiến ​​quá trình dùng thử và áp dụng khả năng mới, chứng minh giá trị của trải nghiệm tìm kiếm và trò chuyện tích hợp”, Yusuf Mehdi cho biết thêm.

Vào tháng 2, Microsoft ra mắt phiên bản công cụ tìm kiếm Bing mới, tích hợp trí tuệ nhân tạo nền tảng của OpenAI. Đó là một bước đi táo bạo nhằm giành lấy lưu lượng truy cập (traffic) từ đối thủ Google, vốn đang thống trị thị trường.

Động thái này đồng thời cho thấy Bing không có quá nhiều thứ để mất nếu thử nghiệm thất bại. Giờ đây, có vẻ như nước đi mạo hiểm của Microsoft đã mang về thành quả.

So với hơn một tỷ người hàng ngày vẫn “Google” mỗi khi cần tìm kiếm gì đó trên Internet, con số 100 triệu của Bing vẫn còn nhỏ bé. Song đó là cột mốc quan trọng đối với công cụ từng bị xem là “trò hề” bên cạnh gã khổng lồ Google.

Hơn một triệu lượt đăng ký vào danh sách chờ trải nghiệm Bing AI, mạng xã hội và truyền thông tràn ngập tin tức, phản hồi từ người dùng được sử dụng sớm. Thậm chí tờ New York Times còn đăng toàn bộ cuộc trò chuyện kéo dài 2h giữa Bing và biên tập viên phụ trách mục công nghệ Kevin Roose.

Tất nhiên, cũng có những phàn nàn về sai lầm và quan điểm có phần đáng sợ của Bing AI. Microsoft sử dụng chính các phản hồi này để huấn luyện, hoàn thiện công cụ của họ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Nam Nguyen | Theo ZingNews

Fintech: MoMo đứng số 1 về lượng thảo luận trên mạng xã hội

Theo báo cáo của Reputa, MoMo hiện đứng số 1 bảng xếp hạng công ty thanh toán điện tử theo mức độ phổ biến trên mạng xã hội, với tổng điểm cao nhất.

Fintech: MoMo đứng số 1 về lượng thảo luận trên mạng xã hội
Fintech: MoMo đứng số 1 về lượng thảo luận trên mạng xã hội

Bảng xếp hạng ngành Fintech năm 2022 được Reputa – nền tảng lắng nghe mạng xã hội (Social Listening) ghi nhận, có hơn 1,6 triệu lượt thảo luận liên quan đến lĩnh vực này ở Việt Nam (số liệu do hệ thống Reputa thu thập).

Trong đó, thanh toán điện tử là nhóm ngành được thảo luận nhiều nhất với gần 1,1 triệu thảo luận, gấp hơn 3 lần lượng thảo luận về ngân hàng số (gần 350.000 lượt).

Nhóm đối tượng thảo luận sôi nổi nhất thuộc độ tuổi từ 25 – 34 tuổi, chiếm đến 60%. Đây cũng là thế hệ sử dụng các ứng dụng fintech nhiều nhất.

Theo báo cáo của Reputa, MoMo hiện đứng số 1 bảng xếp hạng công ty thanh toán điện tử theo mức độ phổ biến trên mạng xã hội, với tổng điểm cao nhất.

Số điểm mà MoMo có được cao gấp gần 4 lần so với đơn vị xếp thứ hai – Shopee Pay. Ở vị trí thứ ba là VNPay, theo sau lần lượt là VTC Pay và Viettel Money.

Kết quả này cho thấy, mạng xã hội thực sự là một “cuộc đua” gay cấn với các fintech tại Việt Nam. Việc đầu tư nghiêm túc vào các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội phần nào giúp các fintech nâng cao giá trị uy tín và hiệu quả kinh doanh.

Ông Nguyễn Bá Diệp – Đồng sáng lập MoMo chia sẻ: “Trên mạng xã hội, thương hiệu cũng như một con người, có tiếng nói, có cộng đồng, có hình ảnh riêng.

Bằng việc tương tác, trò chuyện, thương hiệu và người dùng dần trở thành những người bạn. Niềm tin và tình yêu của người dùng cũng dần được hình thành theo quá trình truyền thông của thương hiệu”.

Bên cạnh đó, bảng xếp hạng cũng phân tích những yếu tố người dùng quan tâm khi sử dụng các sản phẩm fintech. Báo cáo của Reputa khẳng định hơn 97% người dùng trải nghiệm thanh toán cảm thấy hài lòng.

Ngoài ra, hỏi đáp về luồng trải nghiệm, chương trình khuyến mãi hấp dẫn hay tư vấn, hỗ trợ nhanh, nhiệt tình cũng là những yếu tố được người dùng quan tâm hàng đầu.

Đặc biệt, trong các yếu tố người dùng quan tâm khi sử dụng, người dùng các sản phẩm fintech thường quan tâm nhiều đến các hoạt động quảng bá từ KOL và các sự kiện, chiếm hơn 66% lượng quan tâm.

Trong khi đó, lỗi bảo mật là yếu tố mà người dùng quan tâm trong trải nghiệm chăm sóc khách hàng, chiếm 80,85% lượng thảo luận.

Chẳng hạn, như chiến dịch MoMo hợp tác với Gojek, Starbucks Vietnam tạo tiếng vang lớn trên mạng xã hội, thu hút đông đảo sự tương tác từ cộng đồng mạng, đặc biệt là tạo nên màn đối đáp hài hước và “bắt trend” giữa fanpage của MoMo và các thương hiệu.

Các chương trình, sự kiện ưu đãi được MoMo tung ra đúng thời điểm, đáp ứng đúng nhu cầu của người dùng. Chính những điều này đã giúp MoMo giữ vững vị trí dẫn đầu về mức độ phổ biến trên mạng xã hội trong năm vừa qua.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Việt Hưng | The Leader

Meta sẽ ra mắt mạng xã hội phi tập trung cho nội dung văn bản

Meta Platforms Inc, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook sắp ra mắt mạng xã hội phi tập trung (decentralized social network) mới, tập trung vào nội dung văn bản (Text), nhằm đối đầu với Twitter.

Meta sẽ ra mắt mạng xã hội phi tập trung cho nội dung văn bản
Meta sẽ ra mắt mạng xã hội phi tập trung cho nội dung văn bản

Meta Platforms Inc theo đó đang xây dựng và sẽ sớm ra mắt một mạng xã hội phi tập trung độc lập dành riêng cho nội dung văn bản (Text), ứng dụng mới sẽ là đối thủ trực tiếp với mạng xã hội Twitter.

Theo thông tin từ Reuters, người phát ngôn của Meta cho biết: “Chúng tôi đang khám phá một mạng xã hội phi tập trung độc lập mới, nơi người dùng có thể chia sẻ các nội dung bằng văn bản.

Chúng tôi tin rằng đây sẽ là nơi mà những nhà sáng tạo và nhân vật của công chúng có thể chia sẻ các cập nhật của họ một cách kịp thời nhất.”

Theo một trang tin tức kinh doanh của Ấn Độ là Moneycontrol.com, ứng dụng nội dung mới của Meta sẽ hỗ trợ ActivityPub, một giao thức mạng xã hội phi tập trung (decentralized social networking protocol) được sử dụng cho đối thủ của Twitter là Mastodon và nhiều ứng dụng được liên kết khác.

Trong khi các nền tảng mạng xã hội tập trung như Twitter và Facebook được kiểm soát bởi một tổ chức hay một doanh nghiệp cụ thể, các nền tảng mạng xã hội phi tập trung như Mastodon được cài đặt trên hàng nghìn máy chủ và phần lớn được điều hành bởi các quản trị viên tình nguyện tham gia vào hệ thống.

Ứng dụng mới của Meta cũng sẽ mang thương hiệu Instagram và cho phép người dùng đăng ký hoặc đăng nhập thông qua cổng thông tin đăng nhập của Instagram.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Tiếp thị kỹ thuật số là gì? Ứng dụng Marketing kỹ thuật số trong doanh nghiệp

Cùng tìm hiểu các nội dung về thuật ngữ Tiếp thị kỹ thuật số (Digital Marketing) như: tiếp thị kỹ thuật số là gì, tiếp thị kỹ thuật số bao gồm những thành phần chính là gì, các hình thức và công cụ tiếp thị kỹ thuật số, ví dụ về tiếp thị kỹ thuật số, tìm hiểu mô hình 5Ds trong phạm vi tiếp thị kỹ thuật số và hơn thế nữa.

Tiếp thị kỹ thuật số là gì
Tiếp thị kỹ thuật số là gì

Tiếp thị kỹ thuật số trong tiếng Anh có nghĩa là Digital Marketing. Là phương thức làm tiếp thị (marketing) trên các nền tảng kỹ thuật số (Digital), sử dụng các yếu tố công nghệ và thường là dựa trên môi trường internet để truyền tải các thông điệp tiếp thị đến khách hàng.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:

  • Tiếp thị kỹ thuật số là gì?
  • Vai trò của tiếp thị kỹ thuật số trong doanh nghiệp.
  • Phân biệt tiếp thị kỹ thuật số và tiếp thị trực tuyến.
  • Các hình thức phổ biến của tiếp thị kỹ thuật số là gì?
  • Làm tiếp thị kỹ thuật số là làm gì?
  • Tìm hiểu mô hình và chiến lược 5Ds trong tiếp thị kỹ thuật số.
  • Và nhiều hơn thế nữa.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Tiếp thị kỹ thuật số là gì?

Tiếp thị kỹ thuật số là khái niệm bao gồm tất cả các nỗ lực tiếp thị sử dụng một thiết bị điện tử hay kỹ thuật số nào đó hoặc sử dụng internet.

Khi tiếp cận tiếp thị kỹ thuật số, các doanh nghiệp tận dụng các kênh kỹ thuật số (digital channels) như công cụ tìm kiếm (SEM – Search Engine Marketing), phương tiện truyền thông xã hội (Social Media), email và các website khác để kết nối với khách hàng hiện tại và tương lai của mình.

Tiếp thị kỹ thuật số còn được gọi là Marketing kỹ thuật số.

Phân biệt tiếp thị kỹ thuật số và tiếp thị trực tuyến.

Nhìn vào cụm từ thì chúng ta có thể thấy cả tiếp thị kỹ thuật số và tiếp thị trực tuyến đều có cùng chữ Tiếp thị, tuy nhiên sự khác biệt lại nằm ở Kỹ thuật sốTrực tuyến.

Trong khi tiếp thị kỹ thuật số thực hiện các hoạt động tiếp thị trên các phương tiện hay kênh kỹ thuật số như: Mobile, PC, Smart TV, Website, ứng dụng (App), các công cụ tìm kiếm (Google, yahoo…), các ứng dụng mạng xã hội (Facebook, LinkedIn, Instagram, TikTok….), các frame OOH thang máy, các Billboards có tích hợp yếu tố kỹ thuật số hay điện tử… cùng nhiều kênh và phương tiện kỹ thuật số khác mà không nhất thiết phải Trực tuyến.

Ngược lại, tiếp thị trực tuyến đề cập đến các hình thức tiếp thị được triển khai trên môi trường trực tuyến (internet).

Điều này có nghĩa là tiếp thị trực tuyến nhấn mạnh đến yếu tố Trực tuyến hay nói một cách nôm na là “Lên mạng” trong khi tiếp thị kỹ thuật số thì không nhất thiết phải như vậy.

Qua 2 khái niệm thì chúng ta có thể thấy, tiếp thị kỹ thuật số bao hàm và rộng lớn hơn nhiều so với tiếp thị trực tuyến khi nó bao gồm luôn cả khía cạnh Ngoại tuyến.

Hãy lấy một ví dụ đơn giản như này, chúng ta sử dụng Mobile SMS để làm tiếp thị. Khi này chúng ta chỉ cần một chiếc điện thoại có gắn Sim là có thể gửi tin nhắn đi được mà không cần phải kết nối mạng (Trực tuyến). Khi này Mobile SMS không thuộc tiếp thị trực tuyến nhưng lại thuộc tiếp thị kỹ thuật số.

Lợi ích của tiếp thị kỹ thuật số trong doanh nghiệp.

Trong khi tiếp thị truyền thống có thể tồn tại trong quảng cáo in (Print Ads), giao tiếp qua điện thoại (Phone Communications), tiếp thị trực tiếp (Physical Marketing) thì tiếp thị kỹ thuật số có thể xảy ra dưới dạng điện tử và cả trực tuyến.

Điều này có nghĩa là có một tiềm năng vô tận cho các thương hiệu bao gồm email, video, phương tiện truyền thông mạng xã hội hoặc các cơ hội tiếp thị dựa trên các website.

Ở giai đoạn này, tiếp thị kỹ thuật số đóng vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp và độ nhận biết về thương hiệu (Brand Awareness).

Có vẻ như mọi thương hiệu khác đều có ít nhất một website. Và nếu bạn không làm như vậy, ít nhất bạn phải có sự hiện diện của thương hiệu bạn trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội hoặc chiến lược quảng cáo kỹ thuật số.

Nội dung số (digital content) và tiếp thị phổ biến đến mức người tiêu dùng hiện mong đợi và dựa vào đó như một cách để tìm hiểu về các thương hiệu của bạn.

Tóm lại, để trở nên cạnh tranh hơn cho doanh nghiệp của bạn, bạn sẽ phải cần nắm lấy một số khía cạnh của tiếp thị kỹ thuật số, ít nhất là như thế.

Bởi vì tiếp thị kỹ thuật số có rất nhiều lựa chọn và chiến lược liên quan khác nhau nên bạn có thể sáng tạo và thử nghiệm nhiều chiến thuật tiếp thị khác nhau dựa trên mức ngân sách của bạn.

Với tiếp thị kỹ thuật số, bạn cũng có thể sử dụng các công cụ như bảng điều khiển phân tích (Analytics Dashboards) để theo dõi thành công và ROI của các chiến dịch của bạn nhiều hơn so với nội dung quảng cáo truyền thống – chẳng hạn như bảng quảng cáo (Billboards) hoặc quảng cáo in (Print Ads).

Các hình thức và công cụ phổ biến của tiếp thị kỹ thuật số.

Các hình thức và công cụ phổ biến của tiếp thị kỹ thuật số là gì?
Các hình thức và công cụ phổ biến của tiếp thị kỹ thuật số là gì?

Tuỳ vào từng mục tiêu khác nhau mà doanh nghiệp có thể lựa chọn các hình thức tiếp thị kỹ thuật số khác nhau, dưới đây là những gì bạn có thể tham khảo:

  • Tiếp thị qua công cụ tìm kiếm (SEO và SEM).
  • Tiếp thị nội dung
  • Tiếp thị qua mạng xã hội
  • Quảng cáo có trả phí
  • Tiếp thị liên kết
  • Quảng cáo tự nhiên
  • Tiếp thị tự động
  • Tiếp thị qua email
  • PR Online
  • Inbound Marketing
  • Sponsored Content

1. Tiếp thị qua công cụ tìm kiếm (SEO và SEM).

SEO là quá trình tối ưu hóa website của bạn để tăng “xếp hạng” cao hơn trong các trang kết quả của công cụ tìm kiếm (SERPs – Search Engine Results Page), do đó làm tăng lưu lượng truy cập không phải trả tiền (Organic Traffic) mà website của bạn nhận được. Các kênh được hưởng lợi từ SEO bao gồm các website, App, blog và infographics.

Có một số cách để tiếp cận SEO để tạo lưu lượng truy cập đủ điều kiện đến website của bạn. Bao gồm 3 phần chính:

  • Thứ nhất là SEO Onpage

Loại SEO này tập trung vào tất cả các nội dung tồn tại onpage hay “trên trang” khi bạn nhìn vào một website nào đó. Bằng cách nghiên cứu từ khóa cho khối lượng tìm kiếm và ý định (hoặc ý nghĩa) của chúng, bạn có thể trả lời câu hỏi cho người đọc và xếp hạng cao hơn trên các trang kết quả của công cụ tìm kiếm (SERPs) mà những câu hỏi đó tạo ra.

  • Thứ hai là SEO Offpage

Loại SEO này tập trung vào tất cả các hoạt động diễn ra bên “ngoài trang” khi muốn tối ưu hóa website của bạn. Bạn có thể thắc mắc: “Hoạt động nào không có trên website của tôi sẽ ảnh hưởng đến thứ hạng của website?”. Câu trả lời là các inbound links (liên kết đến website) hay còn được gọi là backlink (liên kết ngược).

Số lượng các website hay nhà xuất bản (Publisher) liên kết với bạn và “thẩm quyền” tương đối của những nhà xuất bản đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ xếp hạng của bạn đối với các từ khóa bạn quan tâm.

Bằng cách kết nối với các nhà xuất bản khác, viết bài đăng của khách trên các website (và liên kết trở lại trang web của bạn) và tạo sự chú ý từ bên ngoài, bạn có thể kiếm được các liên kết ngược (backlinks) mà bạn cần để đưa website của bạn lên trên tất cả các SERPs phù hợp.

  • Thứ ba là SEO Technical (SEO kỹ thuật)

Loại SEO này tập trung vào phần backend (nền tảng kỹ thuật của website) của website của bạn và cách các trang của bạn được code (mã hóa). Nén hình ảnh, dữ liệu có cấu trúc và tối ưu hóa tệp CSS là tất cả các hình thức SEO kỹ thuật có thể tăng tốc độ tải của website của bạn – một yếu tố xếp hạng quan trọng trong mắt của các công cụ tìm kiếm như Google hay Bing.

2. Tiếp thị nội dung.

digital marketing là gì

Thuật ngữ tiếp thị nội dung biểu thị việc tạo và quảng bá tài sản nội dung của thương hiệu cho mục đích tạo ra nhận thức về thương hiệu, tăng trưởng lưu lượng truy cập (traffic), tạo khách hàng tiềm năng. Các kênh có thể đóng một phần trong chiến lược tiếp thị nội dung bao gồm:

  • Viết Blog

Viết và xuất bản bài viết trên blog (website) của công ty giúp bạn thể hiện chuyên môn trong ngành và tạo lưu lượng tìm kiếm không phải trả tiền cho doanh nghiệp của bạn.

Điều này cuối cùng mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn để chuyển đổi khách truy cập website thành khách hàng tiềm năng, từ đó có thể hỗ trợ nhiều cho đội ngũ sales của bạn.

  • Ebooks

Ebooks và những nội dung dài tương tự giúp giáo dục thêm cho khách truy cập website của bạn. Nó cũng cho phép bạn trao đổi nội dung để lấy thông tin liên hệ của người đọc, tạo khách hàng tiềm năng cho công ty của bạn và đưa mọi người đi qua hành trình mua hàng – Customer Journey.

  • Infographics

Đôi khi, độc giả muốn bạn thể hiện chứ không chỉ là những lời nói. Infographics là một dạng nội dung trực quan giúp khách truy cập website hình dung ra một khái niệm mà bạn muốn giúp họ tìm hiểu một cách tốt nhất.

3. Tiếp thị qua mạng xã hội.

Tiếp thị qua mạng xã hội giúp thúc đẩy thương hiệu và nội dung của bạn trên các kênh truyền thông xã hội để tăng nhận thức về thương hiệu, thúc đẩy lưu lượng truy cập và tạo khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp của bạn.

Các kênh bạn có thể sử dụng trong tiếp thị truyền thông xã hội bao gồm:

  • Facebook.
  • Twitter.
  • LinkedIn.
  • Instagram.
  • Snapchat.
  • Pinterest.

4. Quảng cáo có trả phí (PPC).

PPC là một phương pháp hướng lưu lượng truy cập (traffic) đến website của bạn bằng cách trả tiền cho nhà xuất bản (Publisher) mỗi khi quảng cáo của bạn được nhấp (Click).

Một trong những loại PPC phổ biến nhất là Quảng cáo Google, cho phép bạn trả tiền cho các vị trí hàng đầu trên các trang kết quả của công cụ tìm kiếm của Google với cách tính giá “mỗi lần nhấp” của các liên kết bạn đặt.

Các kênh khác mà bạn có thể sử dụng PPC bao gồm:

  • Quảng cáo trả tiền trên Facebook: Tại đây, người dùng có thể trả tiền để tùy chỉnh video, bài đăng hình ảnh hoặc trình chiếu, mà Facebook sẽ xuất bản lên các bản tin của những người phù hợp với đối tượng doanh nghiệp của bạn.
  • Chiến dịch quảng cáo Twitter: Tại đây, người dùng có thể trả tiền để đặt một loạt bài đăng hoặc profile Badges (tài khoản cá nhân được chứng thực có dấu tick) cho nguồn cấp tin tức (Newfeeds) của một đối tượng cụ thể, tất cả tuỳ thuộc vào tiêu cụ thể cho doanh nghiệp của bạn. Mục tiêu này có thể là lưu lượng truy cập website, nhiều người theo dõi Twitter hơn, tương tác trên tweet hoặc thậm chí tải xuống ứng dụng.
  • Tin nhắn được tài trợ trên LinkedIn: Tại đây, người dùng có thể trả tiền để gửi tin nhắn trực tiếp đến người dùng LinkedIn cụ thể dựa trên ngành và nền tảng của họ.

5. Tiếp thị liên kết.

Tiếp thị liên kết là một hình thức tiếp thị dựa trên hiệu suất khi bạn nhận được hoa hồng để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của người khác trên website hay kênh của mình. Các kênh tiếp thị liên kết thường bao gồm:

  • Lưu trữ quảng cáo video thông qua Chương trình Đối tác của YouTube.
  • Đăng link liên kết từ các tài khoản truyền thông mạng xã hội của bạn.
  • Đặt banner, bài viết hay link… của đối tác liên kết (Advertiser) lên website của người chạy chương trình liên kết (Publisher).

6. Quảng cáo tự nhiên.

Quảng cáo tự nhiên đề cập đến các quảng cáo chủ yếu dựa trên nội dung và nổi bật trên nền tảng cùng với các nội dung không phải trả tiền khác.

Mặc dù cũng mới được phát triển rầm rộ trong vàì năm trở lại đây tuy nhiên quảng cáo tự nhiên hay native advertising lại nhận được sự chú ý rất lớn bởi tính hiệu quả của nó.

Như hình bên dưới là một ví dụ về hình thức này. Đặc điểm nổi bật của hình thức này là tính “tự nhiên”, nội dung quảng cáo được lồng ghép một cách “ngẫu nhiên” vào các nội dung khác trên website (app).

Những native ads thường có hình ảnh, tiêu đề và một phần mô tả nhỏ để tăng cường CTA (call to action).

Native Advertising.
Native Advertising trong Tiếp thị kỹ thuật số.

 

7. Tiếp thị tự động.

Tiếp thị tự động hay tự động hóa tiếp thị đề cập đến các phần mềm phục vụ cho việc tự động hóa các hoạt động tiếp thị cơ bản của doanh nghiệp. Nhiều bộ phận tiếp thị có thể tự động hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại mà bạn thường làm bằng tay, chẳng hạn như:

Bản tin email: Tự động hóa email không chỉ cho phép bạn tự động gửi email đến người đăng ký của bạn. Nó cũng có thể giúp bạn thu nhỏ và mở rộng danh sách liên lạc của bạn khi cần để bản tin của bạn chỉ đến những người muốn xem chúng trong hộp thư đến của họ.
Lập lịch đăng bài trên mạng xã hội: Nếu bạn muốn tăng sự hiện diện của tổ chức của mình trên mạng xã hội, bạn cần đăng bài thường xuyên.

Các công cụ lập lịch truyền thông xã hội giúp đẩy tự động nội dung của bạn lên các kênh truyền thông xã hội, vì vậy bạn có thể dành nhiều thời gian hơn để tập trung vào chiến lược nội dung.

Quy trình công việc nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng: Tạo khách hàng tiềm năng và chuyển đổi những khách hàng tiềm năng đó thành khách hàng, có thể là một quá trình lâu dài. Bạn có thể tự động hóa quy trình đó bằng cách gửi các email và nội dung cụ thể khi chúng phù hợp với các tiêu chí nhất định, chẳng hạn như khi có ai đó tải xuống và mở ebook của bạn thì bạn nên gửi gì? Hãy làm chúng một cách tự động.

Theo dõi và báo cáo chiến dịch: Một chiến dịch tiếp thị có thể bao gồm rất nhiều người khác nhau, nhiều email khác nhau, nhiều nội dung khác nhau, hoặc cũng có thể nhiều website khác nhau và hơn thế nữa.

Tự động hóa tiếp thị có thể giúp bạn sắp xếp mọi thứ bạn làm theo chiến dịch mà bạn muốn và sau đó theo dõi hiệu suất của chiến dịch đó dựa trên tiến trình mà tất cả các thành phần này tạo ra theo thời gian.

8. Tiếp thị qua email.

Các công ty thường sử dụng tiếp thị qua email như một cách để giao tiếp với khách hàng của họ. Email thường được sử dụng để quảng bá nội dung, giảm giá và sự kiện, cũng như để hướng mọi người tới website của doanh nghiệp cho một sự kiện nào đó. Các loại email bạn có thể gửi trong chiến dịch tiếp thị qua email bao gồm:

  • Blog đăng ký bản tin.
  • Email tới khách truy cập website đã tải xuống một cái gì đó.
  • Email chào mừng khách hàng mới
  • Email Khuyến mãi ngày lễ cho các khách hàng trung thành

9. PR Online.

PR Online là một loạt các hoạt động nhằm bảo vệ độ bao phủ của “earned online media – kênh thảo luận về thương hiệu” gắn liền với xuất bản số (digital puclications), xuất bản nội dung (blog) và các website dựa trên nội dung khác (content-based-website).

PR online cơ bản giống như PR truyền thống, chỉ khác về môi trường trực tuyến (online) so với môi trường ngoại tuyến (offline). Các cách thức bạn có thể sử dụng để tối đa hóa các nỗ lực PR Online của mình bao gồm:

Tiếp cận cộng đồng thông qua phương tiện truyền thông xã hội: Chẳng hạn, nói chuyện với các nhà báo trên Twitter là một cách tuyệt vời để phát triển mối quan hệ với báo chí tạo ra cơ hội earned media cho công ty của bạn.

Thu hút các đánh giá trực tuyến về công ty của bạn: Khi ai đó đánh giá công ty của bạn trực tuyến, cho dù đánh giá đó là tốt hay xấu, cơ bản thì bản năng của bạn có thể không “chạm” hay cảm nhận hết được. Ngược lại, đánh giá công ty hấp dẫn giúp bạn nhân cách hóa thương hiệu của bạn và cung cấp thông điệp mạnh mẽ nhằm bảo vệ danh tiếng của thương hiệu.

Thu hút ý kiến trên trang web hoặc blog cá nhân của bạn: Tương tự như cách bạn phản hồi đánh giá về công ty của bạn, trả lời những người đang đọc nội dung của bạn là cách tốt nhất để tạo ra cuộc trò chuyện hiệu quả trong ngành của bạn.

Ngoài ra thì thông báo báo chí, xuất bản các Editorial, Testimonial…online cũng một là trong những cách tiếp cận hiệu quả giúp bảo vệ và tạo danh tiếng cho thương hiệu của bạn.

10. Inbound Marketing.

Inbound Marketing đề cập đến một phương pháp marketing hay tiếp thị trong đó bạn thu hút, tương tác và làm hài lòng khách hàng ở mọi giai đoạn của hành trình mua hàng.

Bạn có thể sử dụng mọi chiến thuật tiếp thị kỹ thuật số được liệt kê ở trên, trong suốt chiến lược inbound marketing, để tạo trải nghiệm khách hàng, làm việc với khách hàng chứ không phải chống lại họ.

11. Nội dung được tài trợ.

Với nội dung được tài trợ, bạn với tư cách là một thương hiệu trả phí cho một công ty hoặc tổ chức khác để tạo và quảng bá nội dung thảo luận về thương hiệu hoặc dịch vụ của bạn theo một cách nào đó.

Một loại nội dung được tài trợ phổ biến là tiếp thị người có ảnh hưởng. Với loại nội dung được tài trợ này, một thương hiệu tài trợ cho một người có ảnh hưởng trong ngành của mình để xuất bản các bài đăng hoặc video liên quan đến công ty trên phương tiện truyền thông xã hội hoặc cái kênh truyền thông khác.

Một số loại nội dung được tài trợ khác có thể là một bài đăng trên blog hoặc bài viết được viết để làm nổi bật một chủ đề, dịch vụ hoặc thương hiệu trên các website hoặc các kênh khác.

Tìm hiểu mô hình 5Ds trong thuật ngữ tiếp thị kỹ thuật số.

Trong những năm tới, khi công nghệ tiếp tục phát triển và giữ vai trò mũi nhọn trong các hoạt động kinh doanh và chuyển đổi của doanh nghiệp, khi mọi người chuyển sang thế giới ảo để thực hiện các công việc hàng ngày của họ, để truy cập mọi thể loại thông tin, để kết nối với bất kỳ ai từ khắp nơi trên thế giới, để tìm kiếm giải trí…thì con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn.

Việc có các tiện ích như điện thoại thông minh, máy tính xách tay và máy tính bảng hiện là một cảnh tượng phổ biến trong một thế giới được kết nối (connected world), nơi công nghệ gần như là trung tâm của mọi thứ chúng ta làm.

Với xu hướng này, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta đang thấy rằng những người làm tiếp thị hay các chuyên gia truyền thông đã chuyển sang thế giới ảo và tối ưu hóa tất cả các loại nền tảng kỹ thuật số như một con đường mang tính đổi mới và sáng tạo để nâng cao nhận thức về thương hiệu và phát triển doanh nghiệp.

Tiếp thị kỹ thuật số không chỉ nổi lên mà còn từ lâu đã chiếm lĩnh một sức hút quan trọng trong thời đại hiện đại ngày nay.

Những lợi ích của tiếp thị kỹ thuật số đơn giản là vô cùng to lớn. Công cụ hiệu quả về mặt chi phí này không chỉ mang lại sự tiện lợi và nhắm mục tiêu theo nhân khẩu học một cách chính xác, mà nó còn cho phép các nhà marketer đo lường và theo dõi kết quả của các hoạt động nhanh chóng hơn và dễ dàng hơn.

Mô hình 5Ds trong tiếp thị kỹ thuật số là gì?

Mô hình 5Ds trong tiếp thị kỹ thuật số là gì?
Mô hình 5Ds trong tiếp thị kỹ thuật số là gì?

Tiếp thị kỹ thuật số chủ yếu xoay quanh mô hình 5Ds bao gồm: Digital Devices (thiết bị kỹ thuật số), Digital Platforms (nền tảng kỹ thuật số), Digital Media (phương tiện kỹ thuật số), Digital Data (dữ liệu kỹ thuật số) và Digital Technology (công nghệ kỹ thuật số).

5Ds tạo điều kiện để xây dựng các tương tác một cách hiệu quả giữa thương hiệu và đối tượng khách hàng mục tiêu cũng như cung cấp những thông tin chi tiết về hành vi thị trường để xây dựng và thực hiện những chiến lược kinh doanh tốt hơn.

  • Digital Devices.

Chữ D đầu tiên của mô hình đề cập đến các thiết bị kỹ thuật số. Nó chủ yếu tập trung vào sự tương tác của các đối tượng mục tiêu trên các website và ứng dụng di động thông qua việc sử dụng kết hợp các thiết bị được kết nối. Những thiết bị này có thể bao gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính để bàn, TV và thiết bị chơi game.

  • Digital Platforms.

Các nền tảng kỹ thuật số là một thành phần khác liên quan đến việc phân tích các nền tảng hoặc dịch vụ ưa thích của các đối tượng mục tiêu. Hầu hết các tương tác diễn ra thông qua việc sử dụng các nền tảng phổ biến như Facebook, Instagram, Google, YouTube, Twitter, Snapchat và LinkedIn.

  • Digital Media.

Phương tiện truyền thông kỹ thuật số thường đề cập đến các kênh truyền thông có trả phí (Paid Media), kênh do thương hiệu sở hữu (Owned Media) và các kênh nơi khách hàng nói về thương hiệu (Earned Media) được sử dụng để xây dựng sự tương tác với thị trường mục tiêu thông qua một số phương pháp tiếp cận như như quảng cáo e-mail, nhắn tin, công cụ tìm kiếm và mạng xã hội.

  • Digital Data.

Dữ liệu kỹ thuật số thường bao gồm thông tin về đối tượng mục tiêu, các bản phân tích các dữ liệu thu thập được trên website, ứng dụng, các mô hình tương tác với các doanh nghiệp, trong khi công nghệ kỹ thuật số (Digital Technology) tập trung vào việc xây dựng các trải nghiệm tương tác trên nhiều nền tảng, từ website và ứng dụng dành cho thiết bị di động đến các cửa hàng thực (physical Store) của thương hiệu.

5Ds sẽ làm thay đổi cách các doanh nghiệp làm kinh doanh trên toàn cầu.

Tất cả các thành phần trong mô hình 5Ds đều rất cần thiết nếu những người làm tiếp thị muốn đạt được những lợi thế vô song trong các chiến dịch tiếp thị kỹ thuật số.

Từ góc nhìn tiếp thị truyền thống, chúng đã chuyển đổi ngành một cách hiệu quả nhằm mang đến những phương tiện hiệu quả hơn để nâng cao nhận biết về thương hiệu, phát triển mạnh mẽ trong thời đại cạnh tranh cao và tập trung nhiều hơn vào công nghệ.

Việc tối ưu hóa lợi ích và trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực tiếp thị kỹ thuật số với mô hình 5Ds được coi là một bước đi đúng hướng trong thời đại cạnh tranh cao ngày nay.

Kết luận.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về khái niệm Tiếp thị kỹ thuật số (Digital Marketing). Với tư cách là một người làm tiếp thị, với bất cứ hình thức nào, dù là tiếp thị kỹ thuật số hay tiếp thị người có ảnh hưởng, nhiệm vụ của bạn là hiểu bản chất của nó là gì và áp dụng vào thực tế ra sao. Bằng cách này, bạn luôn có thêm những cơ hội mới để phát triển thương hiệu của mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Tra Nguyen | MarketingTrips

TikTok muốn đẩy mạnh mảng quảng cáo tìm kiếm

Nguồn tin nội bộ từ TikTok tiết lộ mạng xã hội này đang tích cực thúc đẩy sản phẩm quảng cáo tìm kiếm (Search Ads) với các nhà quảng cáo, đối đầu trực tiếp với ông lớn Google.

TikTok muốn đẩy mạnh mảng quảng cáo tìm kiếm
TikTok muốn đẩy mạnh mảng quảng cáo tìm kiếm

Khi Google và Microsoft đang tranh giành quyết liệt cho vị trí dẫn đầu trong tương lai của lĩnh vực tìm kiếm bằng AI, TikTok lại âm thầm chuẩn bị cho kế hoạch đầy tham vọng nhắm đến dịch vụ quảng cáo trên công cụ tìm kiếm.

Cụ thể, kể từ tháng 3/2022, TikTok đã chạy thử nghiệm dịch vụ quảng cáo trên công cụ tìm kiếm trên bản ứng dụng dành cho những người dùng được mời.

Theo nguồn tin từ một công ty quảng cáo, trong những tuần gần đây, đại diện TikTok liên tục chào mời các sản phẩm quảng cáo tìm kiếm với tần suất ngày càng tăng.

Quảng cáo tìm kiếm là hướng kiếm tiền mới của TikTok.

Động thái quyết liệt này, cộng với các bài đăng tuyển dụng công việc gần đây trên TikTok nhắm đến vị trí kỹ sư quảng cáo tìm kiếm phát triển “hệ thống quảng cáo quy mô lớn”, cho thấy các sản phẩm quảng cáo tìm kiếm của mạng xã hội TikTok nhiều khả năng chuẩn bị xuất hiện rộng rãi trên nền tảng này.

Shamsul Chowdhury, phó chủ tịch công ty quảng cáo Jellyfish, tin rằng điều này là “không thể tránh khỏi” và thậm chí sẽ xảy ra ngay trong quý III/2023. Điều này sẽ giúp TikTok có thời gian để tìm hiểu xu hướng tìm kiếm trước khi mạnh tay chi tiền cho quý IV/2023.

“Gen Z ngày nay đang sử dụng TikTok để tìm kiếm với tốc độ tương tự như khi họ sử dụng Google. Nếu TikTok có thể tận dụng lượng truy cập (traffic) khổng lồ đó với các đối tác quảng cáo, điều đó đồng nghĩa với việc họ có thể tăng doanh thu lên rất nhiều lần”, Chowdhury nhận định.

Theo Insider, sự thúc đẩy doanh thu đột biến đó sẽ đến từ việc TikTok chính thức bước chân vào khai thác thị trường quảng cáo tìm kiếm được định giá lên đến 112 tỷ USD trong năm 2023.

“TikTok đang xem xét kế hoạch này một cách nghiêm túc. Họ thực sự có thể tạo ra một nguồn doanh thu từ quảng cáo theo cách hoàn toàn mới”, Brendan Gahan, đối tác và giám đốc xã hội của công ty quảng cáo Mekanism cho biết.

Ngay cả khi TikTok chỉ có thể chiếm lấy một tỷ lệ nhỏ của thị trường tìm kiếm, con số đó cũng có thể tạo ra nguồn lợi nhuận khổng lồ. Microsoft gần đây cho biết họ có thể tăng thêm 2 tỷ USD tiền doanh thu quảng cáo cho mỗi điểm phần trăm thị phần tìm kiếm mà Bing có thể giành được từ Google.

Đột phá với các nền tảng tìm kiếm lớn khác.

Trong một chiến dịch quảng cáo gần đây mà Insider có được, TikTok mô tả định dạng quảng cáo đi kèm kết quả tìm kiếm của mình là “lối vào mới dẫn đến trải nghiệm cộng đồng và nội dung quen thuộc do người dùng tạo ra”.

Theo đó, các đối tác quảng cáo được chọn tham gia phiên bản thử nghiệm hiện có thể chọn chuyển đổi linh hoạt giữa chiến dịch quảng cáo truyền thống trên TikTok sang xuất hiện dưới dạng hình thu nhỏ trên trang kết quả tìm kiếm.

Tuy nhiên, các nhà quảng cáo không được chọn chính xác nơi những quảng cáo tìm kiếm đó sẽ xuất hiện. Thay vào đó, những quảng cáo đó sẽ hiển thị dựa trên đối tượng mà chúng đang cố gắng tiếp cận và truy vấn tìm kiếm mà người dùng đã nhập.

Cụ thể, một tìm kiếm trên TikTok cho từ khóa “sneakers” trong cuộc thi Austin Marathon cuối tuần qua sẽ hiển thị quảng cáo của hãng giày chạy kane Kane, với một video quảng bá sản phẩm có sự tham gia của VĐV nổi tiếng Matt Choi.

Peter Chun, trưởng bộ phận quan hệ đối tác và phát triển toàn cầu tại công ty VaynerX, cho biết ví dụ từ quảng cáo của hãng giày Kane cho thấy cách tiếp cận của TikTok là khác biệt với các ông lớn tìm kiếm lớn khác.

“TikTok quan tâm đến các khía cạnh khác nhau của một phần nội dung mà không nền tảng nào khác làm được”, Chun nói.

Ông Chun cũng nói thêm rằng phương pháp của TikTok cho phép quảng cáo trên nền tảng này được cá nhân hóa hơn theo sở thích của từng người dùng.

Nhiều thứ cần làm trước khi có thể đánh bại sự thống trị Google.

Google từ lâu đã thống trị lĩnh vực tìm kiếm. Tuy nhiên, ông lớn này giờ đây đang phải cảnh giác “phòng thủ” nhiều hơn khi hàng loạt công ty lớn khác như TikTok, Microsoft và Amazon đều cố gắng cắt giảm thị phần của mình.

Phó chủ tịch Google Prabhakar Raghavan cho biết trong báo cáo năm 2022 rằng các nghiên cứu của hãng cho thấy gần 40% những người dùng trẻ tuổi khi tìm một địa điểm ăn trưa sẽ dùng đến TikTok hoặc Instagram, thay vì Google Maps hoặc công cụ tìm kiếm.

Tuy nhiên, TikTok cũng phải đối mặt với những khó khăn rất khác biệt so với Microsoft và Amazon trong việc thách thức Google ở mảng tìm kiếm.

Sản phẩm tìm kiếm trên nền tảng này chưa được phổ biến, đồng nghĩa nó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sản xuất video trên TikTok.

Bên cạnh đó, TikTok cũng đang bị hạn chế bởi khi bị xem là mối đe dọa an ninh với nhiều quốc gia, đặc biệt là tại Mỹ. YouTube và Meta đã tận dụng điều này rất tốt khi liên tục củng cố các sản phẩm video dạng ngắn tương ứng để thu hút một số người dùng và nhà quảng cáo quay lại từ TikTok .

Ngoài ra, một số đối tác quảng cáo cũng nghi ngờ rằng liệu TikTok có các biện pháp bảo vệ an toàn thương hiệu thích hợp cho sản phẩm quảng cáo tìm kiếm của mình hay không.

“Chúng tôi nghi ngờ TikTok vẫn chưa tích hợp tất cả yếu tố an toàn thương hiệu vào việc cung cấp sản phẩm dịch vụ quảng cáo trên công cụ tìm kiếm. Điều này vẫn khiến nhiều khách hàng của chúng tôi không thể sử dụng nền tảng này”, Courtney Berry, CEO của công ty quảng cáo kỹ thuật số Barbarian cho biết.

Theo bộ phận bán hàng của TikTok, các nhà quảng cáo có thể đặt một danh sách các từ khóa “từ chối” để đảm bảo quảng cáo không xuất hiện trên một số cụm từ tìm kiếm được cho là không phù hợp với thương hiệu của mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh | Theo ZingNews

Facebook Ad Library hay Thư viện quản cáo Facebook là gì?

Tìm hiểu facebook ad library (ad library fb) là gì, thư viện quảng cáo facebook là gì, cách sử dụng facebook ad library và hơn thế nữa.

Facebook Ad Library hay Thư viện quản cáo Facebook là gì?
Facebook Ad Library hay Thư viện quản cáo Facebook là gì?

Facebook Ad Library hay Thư viện quảng cáo Facebook là gì?

Trong số các Ad Library hay Thư viện quảng cáo, thư viện đầu tiên phải kể đến đó là thư viện của Facebook hay Facebook Ad Library (hay còn được gọi là Meta Ad Library).

Giao diện chính của Facebook Ad Library.
Giao diện chính của Facebook Ad Library.

Theo như hình ảnh bạn có thể thấy ở trên, từ giao diện chính của trình thư viện quảng cáo của Facebook (Meta), bạn có thể lựa chọn các khu vực quốc gia, danh mục quảng cáo hay các thương hiệu cụ thể hiện đang chạy quảng cáo trên Facebook.

facebook ad library của Starbucks

Ví dụ với từ khoá Starbucks, bạn có thể xem các mẫu quảng cáo (Ad) mà thương hiệu này đang chạy trên Facebook (và cả trên Instagram).

Bạn có thể truy cập ngay Facebook Ad Library tại đây.

Instagram Ad Library.

Nằm trong hệ sinh thái của Meta, Ads Library của Instagram hiển thị các mẫu quảng cáo của các thương hiệu đang chạy (active) trên nền tảng. Để kiểm tra các mẫu quảng cáo này, nhà quảng cáo truy cập cùng liên kết với liên kết tới thư viện quảng cáo của Facebook (như đã đề cập ở trên).

Ad Library là gì?

Ad Library hay Ads Library là thư viện quảng cáo thương được sử dụng và giới thiệu bởi các nền tảng quảng cáo như Facebook, TikTok, YouTube, Google hay LinkedIn, nơi những người làm digital marketing hay các nhà quảng cáo có thể kiểm tra các mẫu quảng cáo đang chạy của các đối thủ hay thương hiệu khác trên nền tảng.

Dựa vào Ad Library, các nhà quảng cáo có thể học hỏi, tìm hiểu, phân tích hay tối ưu hoá các mẫu quảng cáo, cách tiếp cận quảng cáo của thương hiệu của mình.

Bạn có thể xem ad library là gì để hiểu sâu hơn về khái niệm này.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Thuật toán của TikTok ưu tiên các nội dung độc hại vốn nhiều ‘view’

Dù được phản ánh về tình trạng thuật toán đề xuất nội dung độc hại cho thanh thiếu niên, mạng xã hội TikTok được cho là vẫn “hành động quá chậm”.

Tại sao TikTok tràn ngập video chế biến thức ăn thảm họa
Tại sao TikTok tràn ngập video chế biến thức ăn thảm họa

Theo Guardian, Hiệp hội phòng chống ngược đãi trẻ em (NSPCC) và tổ chức Molly Rose của Anh đã yêu cầu TikTok tăng cường kiểm duyệt sau khi phát hiện các nội dung nguy hại trên nền tảng.

Cụ thể, thuật toán TikTok ưu tiên hiển thị video có hành vi tự tử, rối loạn ăn uống tới thanh thiếu niên sau khi nắm bắt được thói quen của người dùng trong vài phút.

Trong thư gửi tới Eric Han, Giám đốc an ninh TikTok, các tổ chức yêu cầu ứng dụng phải hành động ngay để cải thiện việc kiểm duyệt nội dung, cũng như xóa bỏ những thông tin có hại.

Tuy nhiên, theo thống kê của hơn hai mươi tổ chức ở Mỹ, trong đó có Hiệp hội Tâm lý và Liên minh rối loạn ăn uống, TikTok vẫn hành xử chậm chạp, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ các tổ chức xã hội.

Trung tâm Chống thù ghét kỹ thuật số (CCDH) cho biết mạng xã hội này chỉ xóa 7 trong số 56 hashtag về rối loạn ăn uống. Trong khi đó, tính từ tháng 11 năm ngoái đến nay, đã có thêm 1,6 tỷ lượt xem video bắt đầu bằng những hashtag này.

“Từ khi báo cáo của CCDH được công bố vào tháng 12/2022, TikTok chọn phủ nhận vấn đề và trì hoãn thực hiện bất kỳ hành động có ý nghĩa nào”, các tổ chức viết trong thư.

Trong khi đó, đại diện TikTok cho biết nghiên cứu của CCDH không phản ánh trải nghiệm hoặc thói quen xem của người dùng ngoài đời thực. Thậm chí, nhiều người vốn vật lộn với hội chứng rối loạn ăn uống đang dùng ứng dụng để hồi phục.

“Trong nguyên tắc cộng đồng, chúng tôi quy định rõ việc cấm quảng cáo, bình thường hóa hoặc đề cao chứng rối loạn ăn uống. TikTok đã xóa nội dung được đề cập trong báo cáo vi phạm của CCDH và sẵn sàng tiếp nhận phản hồi”, người phát ngôn của TikTok nói.

TikTok hiện là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất thế giới. Tuần trước, ứng dụng bổ sung tính năng giới hạn thời gian sử dụng với thanh thiếu niên còn một giờ mỗi ngày.

Tuy nhiên, điều chỉnh này được đánh giá là vô nghĩa vì người dùng có thể tùy ý thay đổi hoặc khóa cài đặt.

Sau thời gian phát triển thần tốc, TikTok đang gặp rắc rối với hàng loạt cơ quan chức năng trên thế giới.

Ngoài vấn đề liên quan đến kiểm duyệt nội dung, mạng xã hội có nguồn gốc từ Trung Quốc đối mặt nhiều rủi ro liên quan đến quyền riêng tư, dữ liệu người dùng và an ninh quốc gia. Ngày 8/3, Nhà Trắng phát đi thông báo ủng hộ dự luật của Thượng viện nhằm tăng khả năng cấm TikTok của Mỹ.

An Thu (theo Guadian)

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh | Theo VnExpress

Meta sẽ gộp Messenger vào lại Facebook

Sau gần 10 năm tách riêng thành một nền tảng nhắn tin hoạt động độc lập, Messenger đang được tích hợp trở lại vào ứng dụng Facebook.

Meta sẽ gộp Messenger vào lại Facebook
Meta sẽ gộp Messenger vào lại Facebook

“Chúng tôi đang thử nghiệm việc mọi người có thể đọc tin nhắn ngay trong ứng dụng Facebook”, Tom Alison, người đứng đầu bộ phận Facebook, thông báo trên blog tuần này.

Messenger từng là một tính năng trong mạng xã hội Facebook, nhưng được tách ra từ năm 2014. Khi đó, CEO Mark Zuckerberg muốn biến công cụ nhắn tin thành một ứng dụng riêng để mang lại trải nghiệm tốt hơn.

Tháng 6 năm ngoái, The Verge cũng đã đưa tin Meta lên kế hoạch gộp hai ứng dụng. Tháng 12/2022, nhà tư vấn truyền thông xã hội Matt Navarra phát hiện công ty đang âm thầm thử nghiệm việc hợp nhất. Ông đánh giá động thái này giúp Facebook cạnh tranh tốt hơn với TikTok.

Lý do Meta đưa Messenger trở lại Facebook là để người dùng nhanh chóng chia sẻ những gì họ khám phá trên nền tảng qua nhắn tin mà không cần chuyển sang ứng dụng khác.

TikTok hiện cho phép gửi video qua tính năng nhắn tin trực tiếp được tích hợp sẵn. Do đó, dù Meta đang quay trở lại cách hoạt động cũ, họ vẫn bị chê là bắt chước đối thủ cạnh tranh.

Trước tình hình đi xuống của mạng xã hội lớn nhất thế giới và sự nổi lên của đối thủ TikTok, có ý kiến rằng Facebook đang “chết dần”.

Đại diện Meta sau đó lên tiếng trấn an rằng Facebook sẽ không chết, thực tế mạng xã hội đang phát triển mạnh với hai tỷ người dùng hoạt động hàng ngày.

Meta cũng nỗ lực chuyển đổi Facebook từ một ứng dụng giúp người dùng cập nhật thông tin với gia đình và bạn bè sang nền tảng giải trí và khám phá.

Công ty đã triển khai tính năng video ngắn Reels trên Facebook và Instagram, nhưng chưa thực sự thành công so với TikTok.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

HSBC: Bức tranh tiêu dùng tại thị trường Đông Nam Á 2023

Tăng trưởng tiêu dùng có thể sẽ ở mức vừa phải vào năm 2023, nhưng ít nhất, đây vẫn là một trụ cột chính hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế ASEAN nói chung, theo đánh giá mới nhất từ HSBC. 

HSBC: Bức tranh tiêu dùng tại thị trường Đông Nam Á 2023
HSBC: Bức tranh tiêu dùng tại thị trường Đông Nam Á 2023

Năm 2022, chất xúc tác cho màn tăng trưởng ấn tượng của ASEAN chính là sự bùng nổ tiêu dùng cá nhân.

Sau khi mở cửa trở lại trên diện rộng, nhu cầu bị dồn nén bấy lâu đã được giải phóng khi người tiêu dùng đổ xô quay trở lại các trung tâm mua sắm, ăn uống bên ngoài nhiều hơn, và đi du lịch vào dịp nghỉ lễ.

HSBC trong nghiên cứu mới nhất về khu vực ASEAN nhận định rằng tăng trưởng tiêu dùng có thể sẽ ở mức vừa phải vào năm 2023, nhưng ít nhất, đây vẫn là một trụ cột chính hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

“Tiêu dùng sẽ đi đâu về đâu trong năm 2023 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm lạm phát, chính sách tài khóa, tâm lý người tiêu dùng, sự phục hồi của thị trường lao động và tỷ lệ tiết kiệm”, HSBC phân tích.

Lạm phát.

Đầu tiên và quan trọng nhất, lạm phát vẫn là một mối quan tâm chính của người tiêu dùng. Hầu hết các nền kinh tế ASEAN đã vượt qua giai đoạn đỉnh lạm phát, mặc dù Philippines và Việt Nam vẫn tiếp tục chứng kiến áp lực tăng giá ngày càng gia tăng.

Mặc dù vậy, lạm phát nhiều khả năng sẽ giảm dần, nghĩa là áp lực giá tăng kéo tới ít nhất là nửa đầu năm 2023. Xét cho cùng, lạm phát cơ bản đã tăng lên ở hầu hết các nền kinh tế, phản ánh thị trường lao động sôi động.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà hoạch định chính sách ở ASEAN ít khả năng sẽ triển khai các biện pháp tài khóa quy mô lớn hướng tới người tiêu dùng. Sau ba năm hỗ trợ mạnh mẽ ở một số nền kinh tế, cả khu vực đều đồng thuận rằng ASEAN cần theo đuổi định hướng củng cố tài khóa, mặc dù tốc độ mỗi nước một khác.

Đơn cử, Malaysia và Philippines có thể là hai ví dụ về tốc độ triển khai củng cố tài khóa chậm hơn so với những quốc gia khác.

Malaysia nhiều khả năng sẽ công bố kế hoạch ngân sách cho năm 2023 đa phần điều chỉnh tương tự so với kế hoạch của chính quyền trước đây. Trong khi đó, Philippines đã khởi đầu năm 2023 với việc giảm thuế thu nhập cá nhân.

Indonesia đang đặt mục tiêu lấy lại mức thâm hụt tài khóa 3% trước đại dịch, còn triển vọng tài chính của Thái Lan có thể không chắc chắn, xét bối cảnh bầu cử sắp diễn ra vào tháng 5.

Trong trường hợp của Singapore, ngân sách năm tài khóa 2023 đã bao gồm các biện pháp tài khóa bổ sung để bù đắp chi phí sinh hoạt gia tăng, mặc dù về bản chất đối tượng của các biện pháp này không phải là tất cả người dân.

Ngay cả khi hầu hết các nền kinh tế ASEAN nhiều khả năng sẽ rút dần các cứu trợ tài chính thì tâm lý người tiêu dùng ở ASEAN vẫn ở mức cao.

Tâm lý người tiêu dùng Indonesia đã trở lại mức trước đại dịch, Malaysia cũng có xu hướng tương tự. Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng ở Thái Lan vẫn còn ảm đạm khi sự phục hồi của nước này tụt lại phía sau so với các quốc gia trong khu vực.

Sự phục hồi của việc làm và sức mua.

Động lực tiếp sức cho người tiêu dùng ngay từ đầu là việc làm của người lao động, và thu nhập từ công việc đó.

Theo dự báo của HSBC, tiêu dùng tại mỗi nước ASEAN sẽ dịch chuyển với tốc độ khác nhau, khi tiêu dùng tại Philippines có thể sẽ chậm lại nhiều nhất, trong khi Việt Nam, Malaysia và Singapore có thể cho thấy sự vững vàng nhất định.

Liên quan đến vấn đề việc làm, khi so sánh tỷ trọng số lượng người có việc làm so với xu hướng trước đại dịch, dữ liệu cho thấy lao động Philippines và Thái Lan lần lượt đã vượt trên mức xu hướng, góp phần hỗ trợ phục hồi tiêu dùng ở cả hai nền kinh tế trong năm ngoái.

Tuy nhiên, sang năm 2023, nếu chu kỳ lặp lại thì sẽ không có lợi cho họ. Phục hồi về việc làm có thể đã tới ngưỡng vào năm 2022, và sẽ khó có thể tạo thêm nhiều việc làm trong nền kinh tế để thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình hơn nữa vào năm 2023.

Tuy nhiên, khác với Philippines, Thái Lan vẫn có thể dựa vào sự bùng nổ du lịch dự kiến diễn ra trong năm 2023, để tạo việc làm hoặc thay thế công việc cũ bằng những công việc được trả lương cao hơn.

Mặt khác, cơ hội phục hồi ở Việt Nam và Malaysia vẫn còn, khi đó sẽ hỗ trợ tiêu dùng hộ gia đình ở một mức độ nào đó.

“Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin lưu ý rằng có những rủi ro suy giảm khi các nền kinh tế này chịu ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng thương mại toàn cầu chậm lại”, HSBC nhấn mạnh.

Sự phục hồi thị trường lao động của Indonesia cũng hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng. Đặc biệt, mức tăng lương ở thành thị (chiếm 57% dân số) mạnh hơn mức tăng lương ở nông thôn, mặc dù vẫn ở dưới mức trước đại dịch do lạm phát cao hơn nên mức hưởng lợi cũng bị ảnh hưởng.

Liên quan đến thu nhập từ việc làm, Việt Nam và Indonesia là hai nước ghi nhận mức tăng giữa làn sóng lạm phát năm 2022, trong khi Malaysia và Philippines chứng kiến giá hàng hóa và dịch vụ có tốc độ tăng nhanh hơn tiền lương vào năm 2022, làm “xói mòn” sức mua và cắt giảm tiêu dùng trong tương lai gần.

Tác động do lạm phát thường không thấy ngay được và các hộ gia đình có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh lại chi tiêu của họ trong suốt cả năm do chi phí sinh hoạt tăng mạnh.

Tuy nhiên, mức độ suy giảm của mỗi nước ASEAN một khác. Sức mua của tiền lương không giảm nhiều ở Malaysia, nơi thị trường lao động tiếp tục phục hồi gần mức trước đại dịch, trong khi sức mua ở Việt Nam thậm chí còn tăng lên, tiếp thêm sự vững vàng cho nền kinh tế trong năm 2023.

Tuy nhiên, Philippines đã chứng kiến sức mua của tiền lương giảm đáng kể, trong đó chi phí sinh hoạt lại tăng gần gấp đôi so với mức tăng tiền lương.

Tình trạng suy giảm này có thể sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong năm 2023 khi các hộ gia đình tìm cách để duy trì cuộc sống trong bối cảnh ngân sách hộ gia đình eo hẹp.

Vấn đề tiết kiệm.

Tiêu dùng cũng là một vấn đề trong câu hỏi bao nhiêu thu nhập được dành để tiết kiệm, và câu trả lời thường phụ thuộc vào mức lãi suất mà người tiêu dùng được hưởng. Lãi suất hoạt động theo cả hai cách. Lãi suất cao sẽ hạn chế người tiêu dùng đi vay (nghĩa là tiêu dùng nhiều hơn), đồng thời thúc đẩy tiết kiệm do thu nhập từ tiền lãi tiết kiệm tăng lên.

Theo nghĩa đó, Philippines và Thái Lan có thể sẽ chứng kiến những thay đổi lớn nhất trong tiết kiệm toàn nền kinh tế, trong khi Malaysia sẽ chứng kiến ít thay đổi nhất.

Dựa trên dữ liệu và dự báo, HSBC cho rằng Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia – BNM) có thể sẽ bình thường hóa lãi suất về mức trước đại dịch, trong khi các ngân hàng trung ương còn lại có thể tăng lãi suất đủ cao để thực hiện chính sách tiền tệ tương đối hạn chế nhằm kiềm chế nhu cầu. Đứng đầu danh sách là Philippines.

HSBC dự báo Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) sẽ tăng lãi suất lên mức cao thêm 250 điểm cơ bản so với mức trước đại dịch, từ đó sẽ ảnh hưởng tới hoạt động vay và tiêu dùng nói chung.

Thật vậy, các nền kinh tế ASEAN có khả năng áp dụng chính sách tiền tệ theo hướng hạn chế là những nền kinh tế đã chứng kiến tỷ lệ tiết kiệm trên toàn nền kinh tế của họ giảm trong giai đoạn năm 2020 – 2022, ngoại trừ Singapore.

Việc giữ lãi suất cao sẽ là cần thiết để đưa tỷ lệ tiết kiệm trở lại mức trước đại dịch, nhằm thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai và thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng phải trả giá bằng hấp thu trong nước thấp đi, do khả năng chi tiêu tiêu dùng giảm, khi thanh khoản bị vắt kiệt trong nền kinh tế.

Ngay cả ở cấp hộ gia đình, tỷ lệ tiết kiệm ở một số nền kinh tế có thể đã giảm xuống. Các hộ gia đình có thể đã rút hết tiền tiết kiệm do nhu cầu bị dồn nén được giải phóng khi nền kinh tế mở cửa trở lại, hoặc để đối phó với tình hình chi phí sinh hoạt cao hơn (do sức mua của người lao động giảm sút).

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | Theo The Leader

Công ty mẹ của Shopee công bố lần đầu có lãi sau 14 năm

Cổ phiếu Sea đã tăng 22% lên 80,06 USD trong phiên giao dịch ngày 7/3 tại New York, mức cao nhất trong sáu tháng qua, qua đó nâng khối tài sản ròng của tỷ phú Forrest Li lên hơn 5 tỷ USD, theo Forbes Real Times.

Công ty mẹ Shopee lần đầu có lãi
Công ty mẹ Shopee lần đầu có lãi

Sea Limited, công ty mẹ Shopee, đã công bố lợi nhuận hàng quý lần đầu tiên có lãi sau 14 năm kể từ khi thành lập. Cổ phiếu công ty đã tăng vọt, giúp nhà đồng sáng lập tỷ phú Forrest Li kiếm thêm 919 triệu USD chỉ sau một đêm.

Theo đó, ngày 7/3, công ty có trụ sở tại Singapore đã công bố khoản lợi nhuận ròng 426,8 triệu USD trong quý IV/2022, vượt xa khoản lỗ ròng 616,3 triệu USD năm ngoái. Tổng doanh thu quý tăng 7,1% lên mức 3,4 tỷ USD, vượt dự báo của các nhà phân tích.

“Chúng tôi đã bước vào năm 2023 mạnh mẽ hơn”, Li, Chủ tịch kiêm CEO Sea cho biết trong một tuyên bố. “Chiến lược cắt giảm chi phí, tập trung vào hiệu suất và lợi nhuận kể từ cuối năm ngoái đã giúp chúng tôi cải thiện doanh thu tích cực”.

Trong thời gian qua, Sea đã mạnh tay thực hiện loạt biện pháp tiết giảm chi phí như sa thải hàng nghìn nhân viên, cắt giảm lương thưởng, đồng thời giảm 61% chi phí bán hàng và marketing trong quý xuống còn 473,6 triệu USD.

Shopee đã tạm dừng kế hoạch mở rộng toàn cầu, ngừng hoạt động ở Ấn Độ và Châu Âu để tập trung vào các thị trường trọng điểm ở Đông Nam Á, Đài Loan (Trung Quốc) và Brazil.

“Chúng tôi đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi và duy trì tập trung vào tăng trưởng bền vững. Cách tiếp cận của chúng tôi là ít hơn nhưng “chất” hơn”, Li giải thích. “Trong bối cảnh kinh tế bất ổn hiện tại, chúng tôi phải theo dõi thị trường sát sao hơn để liên tục điều chỉnh phương án hoạt động của công ty”.

Mức lãi trong quý IV đã giúp thu hẹp khoản lỗ ròng cả năm của Sea từ 2 tỷ USD xuống còn 1,7 tỷ USD. Tổng doanh thu tập đoàn đã tăng 25% lên 12,5 tỷ USD trong năm 2022, trong đó doanh số bán hàng thương mại điện tử tăng 64% lên 7,5 tỷ USD.

Dù vẫn là ngành kinh doanh sinh lãi nhất của Sea, mảng giải trí kỹ thuật số ghi nhận doanh thu giảm 10% xuống còn 3,9 tỷ USD, sau khi tựa game Free Fire bị “cấm cửa” tại thị trường Ấn Độ.

Cổ phiếu Sea đã tăng 22% lên 80,06 USD trong phiên giao dịch ngày 7/3 tại New York, mức cao nhất trong sáu tháng qua, qua đó nâng khối tài sản ròng của tỷ phú Forrest Li lên hơn 5 tỷ USD, theo Forbes Real Times.

Cùng với Gang Ye và David Chen, Forrest Li đã sáng lập Sea và giới nền tảng trò chơi trực tuyến Garena vào năm 2009. Sáu năm sau, Sea ra mắt Shopee tại Singapore và trở thành gã khổng lồ thương mại điện tử (eCommerce) trong khu vực.

Trong quý 2 năm 2022, giá trị của 2 tỷ đơn hàng giao dịch thành công trên Shopee (GMV) đạt 19 tỷ USD.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

ChatGPT cho Digital Marketing và SEO: Cách ứng dụng để tăng trưởng

Khi ChatGPT hay các công cụ AI tổng hợp đang góp phần thúc đẩy hiệu suất công việc của nhiều ngành khác nhau, những người làm marketing nói chung cũng không nằm ngoài đường đua này. Tham khảo ngay cách các Digital Marketer có thể sử dụng ChatGPT để cải thiện hiệu suất cho hoạt động Social Media, Content Marketing, Digital Marketing, SEO và hơn thế nữa.

Cách ứng dụng ChatGPT trong Digital Marketing và SEO
Cách ứng dụng ChatGPT trong Digital Marketing và SEO

Theo đó, chatbot AI ChatGPT có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau để cải thiện chất lượng của hoạt động SEODigital Marketing, dưới đây là những gì bạn có thể tham khảo.

Bài viết từ MarketingTrips sẽ phân tích một số ứng dụng của ChatGPT vào:

  • Hoạt động phân tích và dữ liệu (Analytics and Data).
  • Digital Marketing.
  • SEO kỹ thuật (Technical SEO).
  • Nghiên cứu từ khoá SEO.
  • SEO trên trang (On-Page SEO).

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Cách sử dụng ChatGPT cho Digital Marketing.

Trước khi ứng dụng ChatGPT cho bất cứ hoạt động nào của Digital Marketing, dù là làm SEO hay Advertising, bạn cần nhớ rằng, hiện các dữ liệu của ChatGPT chỉ mới cập đến 2021.

Do đó, nếu bạn muốn sử dụng nó để nghiên cứu thị trường hay làm brand marketing, hãy cân nhắc với những dữ liệu mà công cụ đã đề xuất.

Dưới đây là một số cách mà bạn có thể tham khảo.

1. Xây dựng chân dung khách hàng mục tiêu (Personas).

Giả sử nếu bạn đang làm việc tại một agency về quảng cáo và muốn biết đối tượng của mình là ai để từ đó bạn có thể xây dựng các chiến lược marketing phù hợp.

Nhiệm vụ của bạn đơn giản chỉ là đặt các câu hỏi phù hợp cho ChatGPT và nhận được các lời khuyên sau đó.

Ví dụ, bạn có thể hỏi rằng “hãy xây dựng chân dung khách hàng sử dụng các dịch vụ quảng cáo b2B”.

2. Phân tích ma trận SWOT.

Dành cho những bạn mới, ma trận SWOT là sơ đồ phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, cùng với đó là các mô hình kết hợp được sử dụng để phân tích các lợi thế và bất lợi của doanh nghiệp trên thị trường.

Nếu bạn muốn biết SWOT của một thương hiệu nào đó, hay đơn giản là tìm hiểu thêm về khái niệm ma trận SWOT, bạn chỉ cần hỏi ChatGPT.

3. Ứng dụng ChatGPT để xây dựng các mục tiêu S.M.A.R.T.

Nếu bạn đang muốn xây dựng mục tiêu cho các hoạt động marketing hay cho doanh nghiệp của mình theo mô hình SMART, bạn có thể có được nó theo cấu trúc bên dưới:

Ví dụ, bạn nhập lệnh vào ChatGPT: “hãy xây dựng mục tiêu SMART cho công ty phần mềm abc…”. Hàng loạt các ý tưởng sau đó sẽ được đưa ra cho bạn.

4. Xây dựng một bản tin hay chương trình nào đó.

Bạn cũng có thể sử dụng ChatGPT để tạo dàn ý cho một chiến dịch truyền thông nào đó mà bạn sắp chạy.

Giả sử thương hiệu của bạn có chương trình giảm giá vào ngày Thứ Sáu Đen tối và bạn muốn gửi bản tin đến khách hàng của mình để giới thiệu ưu đãi.

Bạn có thể hỏi ChatGPT “Xây dựng một chiến dịch email để gửi tới khách hàng với nội dung chính là thông báo giảm giá 20%, đồng thời thêm nút lời kêu họi hành động (CTA) ở cuối email”.

Sử dụng ChatGPT cho SEO (Technical SEO).

Sử dụng ChatGPT cho SEO (Technical SEO).
Sử dụng ChatGPT cho SEO (Technical SEO).

5. Tạo lược đồ cho phần những câu hỏi thường gặp (FAQ Schema).

Với giao diện như hiện tại của ChatGPT, dù là bạn muốn nó làm gì thì cách thức triển khai vẫn giống nhau đó là “hỏi và nhận nội dung”.

Trong trường hợp này, bạn có thể yêu cầu ChatGPT tạo mã (code) cho phần những câu hỏi thường gặp theo kiểu lược đồ, nhiệm vụ của bạn là cung cấp các nội dung bao gồm câu hỏi và câu trả lời kèm với lệnh yêu cầu tạo mã lược đồ.

Bên dưới là những gì bạn có thể nhận được.

ChatGPT giúp tạo lược đồ trong SEO.
ChatGPT giúp tạo lược đồ trong SEO.

Tất nhiên, nếu bạn đang sử dụng các nền tảng quản trị nội dung (Content Management System – CMS) kiểu như WordPress thì bạn có thể sử dụng các Plugin thay vì code.

6. Tạo lược đồ HowTo ( How-To Schema).

Bạn cũng làm tương tự như ở trên.

7. Sử dụng ChatGPT để tạo quy tắc cho Robots.txt cũng là một cách làm hay trong SEO và Digital Marketing.

Nếu bạn là chuyên gia về SEO, bạn có thể rất quen thuộc với khái niệm robots.txt.

Giờ đây, với ChatGPT, bạn đã có một công cụ mới có thể giúp bạn tạo bất kỳ quy tắc robots.txt nào một cách dễ dàng.

Ví dụ, nếu bạn muốn chặn Google thu thập dữ liệu từ các trang đích được lập ra để chạy quảng cáo (Landing Page) nhưng lại muốn Google Ads có khả năng truy cập để phân tích dữ liệu quảng cáo,

Bạn có thể yêu cầu ChatGPT cung cấp quy tắc về robots.txt và sau đó bạn có đoạn code như bên dưới, dán nó vào trang đích của bạn.

Sử dụng ChatGPT cho robots.txt trong SEO.
Sử dụng ChatGPT cho robots.txt trong SEO.

8. Tạo quy tắc chuyển hướng (redirect).

Giờ đây, bạn có thể tạo quy tắc chuyển hướng htaccess hoặc Nginx bằng ChatGPT.

Ví dụ, nếu bạn muốn chuyển hướng thư mục1 sang thư mục2, hãy tạo quy tắc chuyển hướng nxig và htaccess:

Sử dụng ChatGPT để tạo quy tắc chuyển hướng trong SEO.
Sử dụng ChatGPT để tạo quy tắc chuyển hướng trong SEO.

9. Ứng dụng ChatGPT để kết nối với API (cổng tích hợp) và Coding (mã hoá).

Nếu bạn là người làm SEO nhưng lại ít có khả năng về lập trình, và bạn cũng muốn tìm nạp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, ChatGPT là một trợ lý phù hợp.

Về cơ bản, bạn có thể sử dụng ChatGPT để viết mã (code) bằng tất cả các loại ngôn ngữ lập trình như python hay php.

Nếu bạn là một Digital Marketer muốn thiết lập chuyển đổi tùy chỉnh khi người dùng thực hiện một số hành động nhất định trên website, trong khi bạn có thể sử dụng Trình quản lý thẻ của Google (Google Tag Manager), bạn cũng có thể sử dụng các đoạn mã code từ ChatGPT.

Ví dụ: nếu bạn cần gửi một sự kiện chuyển đổi (conversion event) khi một người dùng truy cập vào trang đích của bạn và xem qua (cuộn trang) 35% nội dung của trang.

Nhiệm vụ của bạn bây giờ là truy cập ChatGPT và hỏi: “Cách gửi sự kiện chuyển đổi tùy chỉnh Facebook pixel khi người dùng cuộn qua 35% trang bằng JavaScript”.

Bạn có thể sao chép đoạn mã code có được và dán nó vào thẻ <head> trong HTML.

Hiển nhiên, một lần nữa, nếu bạn sử dụng các CMS như WordPress, bạn có thể sử dụng các plugin như WPCode để thực hiện.

Sử dụng ChatGPT cho việc nghiên cứu từ khoá SEO.

Sử dụng ChatGPT cho việc nghiên cứu từ khoá SEO.
Sử dụng ChatGPT cho việc nghiên cứu từ khoá SEO.

10. Nhận ý tưởng từ khóa.

Một trong những ví dụ đơn giản nhất về cách sử dụng ChatGPT cho SEO hay Digital Marketing đó là sử dụng nó để lấy các ý tưởng về từ khoá.

Chỉ với một câu lệnh đơn giản chẳng hạn như “danh sách các từ khoá hay nhất về Content Marketing“, bạn có ngay một loạt các ý tưởng để xây dựng nội dung cho khách hàng của mình.

Như MarketingTrips đã đề cập ở trên, ChatGPT được đào tạo dựa trên tập dữ liệu cho đến quý 3 năm 2021 do đó có nhiều nội dung sẽ không mang tính cập nhật.

11. Thấu hiểu mục đích hay ý định tìm kiếm của truy vấn (Search Intent).

Sau một khoảng thời gian nhất định, khi bạn có vô số các keyword trong Google Search Console hay từ tài khoản quảng cáo Google Ads, giờ đây bạn có thể sao chép và dán nó vào ChatGPT để tìm kiếm những ý định đằng sau các truy vấn cụ thể.

Với câu lệnh đơn giản ví dụ “ý định tìm kiếm của khách hàng là gì đằng sau các từ khoá…”, bạn sẽ nhận được các đề xuất tương ứng.

12. Ứng dụng ChatGPT để xác định cụm từ khóa liên quan đến cụm ngữ nghĩa là một phương án khả thi khác để tối ưu SEO và Digital Marketing.

Một lần nữa, bạn có thể sử dụng ChatGPT để sắp xếp các từ khóa mà bạn muốn xếp hạng – và bạn cũng muốn nhóm các từ khoá có nghĩa tương tự nhau.

Ví dụ: bạn muốn tìm kiếm và xếp hạng các từ khoá liên quan đến Social Media và bạn sẽ nhận được kết quả như bên dưới.

Sử dung ChatGPT để xếp hạng các từ khoá liên quan đến Social Media.
Sử dụng ChatGPT để xếp hạng các từ khoá liên quan đến Social Media.

13. Tạo từ khóa liên quan và từ đồng nghĩa.

Với tư cách là người làm SEO, bạn hiểu rằng việc đề cập đến các từ khóa liên quan và từ đồng nghĩa trong nội dung là vô cùng quan trọng.

Bạn có thể sử dụng ChatGPT để liệt kê tất cả các từ khoá này.

14. Sử dụng ChatGPT để tạo tiêu đề cho bài viết dựa trên từ khóa.

Theo cách làm tương tự, bạn sẽ có hàng loạt các tiêu đề gợi ý cho bài viết của mình khi bạn nhập từ khoá kèm yêu cầu cho ChatGPT.

15. Xây dựng thẻ mô tả (Meta Descriptions).

Cách sử dụng cuối cùng với ChatGPT cho SEO là sử dụng nó để tạo thẻ mô tả cho bài viết có sẵn (cung cấp bài viết cho ChatGPT).

Bạn chỉ cần copy và dán nội dung của bài viết vào ChatGPT kèm yêu cầu là hãy tạo thẻ mô tả cho bài viết, ChatGPT sẽ trả kết quả là một thẻ hoàn chỉnh.

Ứng dụng ChatGPT cho hoạt động phân tích và dữ liệu (Analytics and Data).

16. Soạn các biểu thức thông thường trong báo cáo Analytics.

Khi nói đến các báo cáo phân tích (miễn phí), Google Search Console (GSC) hoặc Google Analytics (GA) là những công cụ có thể được nhắc đến đầu tiên.

Đối với những người làm marketing nói chung, hay thậm chí là cả với các Digital Marketer, khi phần lớn trong số họ thường không có nền tảng về kỹ thuật, các công việc liên quan, từ việc cài đặt đến triển khai gặp khá nhiều khó khăn.

Như ví dụ bên dưới về một báo cáo trong Google Search Console, hỗ trợ lọc tuỳ chỉnh theo biểu thức chính quy (regexp – regular expression).

Nếu bạn là một marketer không có nền tảng kỹ thuật, bạn có thể gặp nhiều khó khăn khi sử dụng tính năng này và hiển nhiên, bạn sẽ tự giới hạn những gì mà bạn có thể làm được.

Tuy nhiên, giờ đây với ChatGPT, mọi thứ đã dễ dàng hơn nhiều.

Nhiệm vụ của bạn bây giờ chỉ là yêu cầu (nhập lệnh) cho ChatGPT.

Ví dụ nếu bạn muốn lọc tất cả những từ khoá có chứa các từ cụ thể trong báo cáo Google Search Console, sau khi bạn yêu cầu cho ChatGPT, công cụ này sẽ gửi cho bạn một đoạn code như bên dưới:

ChatGPT gửi code. Hình: MarketingTrips

Tiếp theo, khi bạn copy và dán đoạn code này vào trường bộ lọc trong Google Search Console, bạn sẽ có tất cả các truy vấn hay từ khoá có chứa “là gì” và “cách”.

17. Soạn các công thức bảng tính phức tạp.

Với những ai làm digital marketing, Excel hoặc Google Sheets là những công cụ không mấy xa lạ. Tuy nhiên, với những ai không chuyên, việc tìm kiếm các công thức hay tên hàm đúng thực sự mất khá nhiều thời gian và công sức.

Nhiệm vụ của bạn giờ đây tiếp tục là yêu cầu cho ChatGPT, tương tự như ở trên, công cụ này sẽ trả về cho bạn các công thức (hàm) tương ứng và bạn chỉ cần copy và dán nó vào bảng tính làm việc của mình.

18. Soạn truy vấn SQL.

Một ứng dụng khác của ChatGPT vào hoạt động Digital Marketing đó là nạp dữ liệu.

Theo thông tin trực tiếp từ Google, Google Analytics (UA) sẽ được thay thế bằng Google Analytics 4 (GA4) kể từ ngày 1 tháng 7 tới, và khi điều này xảy ra, những người làm marketing có thể thường xuyên cần tìm nạp dữ liệu (fetch data) từ BigQuery (Google hiện cung cấp miễn phí kết nối GA4 với BigQuery).

Để truy vấn tập dữ liệu (dataset), bạn cần phải học và biết về SQL. Theo các cách làm như ở trên, bạn chỉ cần yêu cầu ChatGPT tạo một truy vấn cụ thể để giúp bạn trích xuất dữ liệu mà không cần lấy mẫu từ tập dữ liệu.

ChatGPT giúp soạn truy vấn SQL.
ChatGPT giúp soạn truy vấn SQL.

Một lần nữa, nhiệm vụ của bạn chỉ cần Copy & Paste.

Kết luận về vai trò của ChatGPT với Digital Marketing, Social Media và SEO.

Trên đây là toàn bộ các hướng dẫn của MarketingTrips về cách sử dụng ChatGPT cho các hoạt động Digital Marketing, SEO, Content Marketing và Social Media.

Cũng tương tự như việc tận dụng các xu hướng Digital Marketing hay SEO trong năm mới 2023, bạn có thể xem ChatGPT là một trợ thủ đắc lực khác, thứ có thể giúp đơn giản hoá việc triển khai, giảm thiểu thời gian làm việc, tăng cường hiệu suất và hơn thế nữa.

Xem thêm:

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Doanh thu của Biti’s thấp nhất 5 năm kể từ 2016

Sau năm 2019 đạt đỉnh một phần nhờ chiến dịch influencer marketing đình đám, doanh thu của Biti’s liên tục sụt giảm.

Doanh thu của Biti's thấp nhất 5 năm kể từ 2016
Doanh thu của Biti’s thấp nhất 5 năm kể từ 2016

Thành lập những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Biti’s khởi đầu từ một cơ sở sản xuất nhỏ, sau đó trở thành hợp tác xã mang tên Bình Tiên, chuyên sản xuất dép cao su với chỉ vài chục công nhân.

Biti’s nhanh chóng trở thành cái tên được chú ý cuối thập niên 90, với các mẫu sandal hay giày thể thao trở thành sản phẩm được mong ước của nhiều học sinh, có ưu điểm lớn nhất là độ bền. Khi đó, những cái tên như Biti’s, Thượng Đình hay Bita’s là người chơi chính chiếm thị phần áp đảo của thị trường giày dép Việt.

Ở giai đoạn mở cửa, khi kinh tế ngày càng phát triển, thu nhập người dân tăng lên, nhu cầu “ăn chắc, mặc bền” đã chuyển thành “ăn ngon, mặc đẹp”. Ưu thế “bền” của Biti’s dần mất đi. Sản phẩm chất lượng nhưng điểm yếu của Biti’s cũng như nhiều thương hiệu nội địa khác là sự sáng tạo và bắt nhịp với xu hướng chung.

Sự xuất hiện của những thương hiệu lớn trên thế giới, cùng với hàng Trung Quốc với mẫu mã đa dạng, giá rẻ khiến cuộc chơi ngay “sân nhà” càng trở nên khó khăn. Cơ cấu doanh thu cũng chuyển dịch về phía xuất khẩu.

Dù vậy, khác với những thương hiệu Việt đình đám trong quá khứ, Biti’s đã tìm cách trở lại.

Khi thị trường tưởng rằng Biti’s đã yên vị với tỷ trọng gần nửa doanh thu đến từ xuất khẩu, gia công cho nhiều nhãn hàng lớn như Skechers, Clarks, thương hiệu này bất ngờ thay đổi.

Cuối năm 2015, thông tin Biti’s chi hàng triệu USD để đầu tư cho công nghệ sản xuất giày thể thao bắt đầu xuất hiện. Năm 2016, các dòng sản phẩm của Hunter ra đời, khi thương hiệu Biti’s bước sang tuổi 34.

Sản phẩm này tạo được sự chú ý với thiết kế đẹp, giá rẻ trong phân khúc, dù chưa thực sự tạo được tiếng vang lớn nhưng doanh nghiệp cho biết, chính là sản phẩm khởi đầu cho sự trở lại sau này.

Cuối năm 2016, Biti’s bất ngờ trở thành hiện tượng khi xây dựng chiến dịch marketing hợp tác với hai ca sĩ trẻ là Sơn Tùng M-TP và Soobin Hoàng Sơn.

Việc xuất hiện của Biti’s trong MV ca nhạc của Sơn Tùng M-TP là sự cài cắm mang lại thành công ngoài mong đợi, còn sự hợp tác với Soobin Hoàng Sơn mang nội dung theo hướng đi ngược với những suy nghĩ thông thường – đi để trở về.

Những đôi giày mang thương hiệu Biti’s Hunter – sản phẩm xuất hiện trong hai MV âm nhạc – cháy hàng trên mọi kênh phân phối, thậm chí người tiêu dùng phải đặt trước để được sở hữu, điều hiếm thấy với một thương hiệu Việt.

Đại diện Biti’s khi đó cho biết, doanh số bán hàng tăng vọt 300%, lượng giày sản xuất được bán hết trong chưa tới một tuần kể từ khi MV xuất hiện.

Sự thành công của chiến dịch quảng cáo này không chỉ tạo ra sự chú ý của thị trường, sự quan tâm của khách hàng mà còn đánh dấu sự lột xác theo cách mà các thương hiệu Việt còn thiếu là sáng tạo.

“Tôi nghĩ không phải người Việt Nam nào cũng có thể mua được những sản phẩm đắt tiền của Adidas hay Nike và Biti’s muốn hướng tới nhóm khách hàng còn lại ở phân khúc trung và cao cấp”, ông Hùng Võ, cựu Giám đốc Tiếp thị (CMO) của Biti’s từng nhận xét.

Giá mỗi sản phẩm của Biti’s chỉ bằng một phần ba đối thủ, giúp thương hiệu này trở lại đường đua với mảnh ghép còn thiếu trên thị trường. Kết quả rõ ràng nhất là sự tăng trưởng doanh thu liên tục của Biti’s trong ba năm liên tiếp.

Năm 2017, doanh thu thuần của Biti’s công ty mẹ đạt hơn 1.580 tỷ đồng. Con số này tăng thêm hơn 26% chỉ trong hai năm sau đó, đạt gần 2.000 tỷ đồng vào năm 2019.

Lợi nhuận của của Biti’s cũng ở mức đỉnh với trung bình trên 100 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài công ty mẹ Biti’s, công ty con của Biti’s là Bình Tiên Đồng Nai cũng ghi nhận kết quả tăng trưởng liên tục.

Sự thành công của Biti’s những năm cuối thập niên 90 gắn với vai trò lãnh đạo của hai nhà sáng lập là ông Vưu Khải Thành và bà Lai Khiêm.

Còn sự trở lại của Biti’s gần đây diễn ra cùng thời điểm doanh nghiệp này chuyển giao quyền lực từ hai nhà sáng lập sang thế hệ F1 của gia đình này – CEO Vưu Lệ Quyên, người đảm nhận vai trò điều hành Biti’s từ năm 2018.

Nhưng như nhiều doanh nghiệp sản xuất khác, đại dịch Covid-19 là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh gần đây của Biti’s. 

Họ phải áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt trong những lúc diễn biến dịch phức tạp, khiến chi phí hoạt động tăng cao. Hệ thống bán lẻ, vốn là kênh phân phối chính của thương hiệu này bị gián đoạn liên tục.

Ảnh hưởng từ thị trường, người lao động khiến Biti’s nói riêng và nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng nói chung gặp khó.

Không chỉ tại thị trường trong nước, sức ép lên doanh nghiệp này cũng đến từ các thị trường xuất khẩu chính trước tác động của đại dịch hay những diễn biến chưa có tiền lệ như căng thẳng Nga – Ukraine, sự thu hẹp đến từ các đối tác gia công – một trong những mảng kinh doanh chính của Biti’s.

Kết quả là chuỗi tăng trưởng liên tục bị gián đoạn. Doanh thu của Biti’s giảm dần trong hai năm 2020 và 2021. So với mức đỉnh năm 2019, doanh thu thuần năm 2021 của Biti’s giảm gần 40%, còn hơn 1.200 tỷ đồng.

Lãi ròng trên báo cáo tài chính riêng lẻ của Biti’s (Công ty TNHH Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên) xuống dưới 10 tỷ đồng, giảm hơn 90%.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Salesforce tích hợp ChatGPT vào Slack

Công ty mẹ của ứng dụng Slack là Salesforce vừa thông báo tích hợp với chatbot AI ChatGPT sau khi ký kết làm đối tác với OpenAI.

Salesforce tích hợp ChatGPT vào Slack
Salesforce tích hợp ChatGPT vào Slack

Salesforce Inc cho biết rằng nền tảng này vừa ký kết hợp tác với OpenAI, là doanh nghiệp sở hữu ChatGPT, để thêm các tính năng chatbot và trí tuệ nhân tạo vào phần mềm cộng tác Slack, Salesforce theo đó cũng sẽ tích hợp nhiều công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo tổng hợp (Generative AI) tới các sản phẩm của mình.

Được gọi với cái tên là EinsteinGPT, Salesforce sẽ kết hợp công nghệ AI độc quyền của mình với AI của các đối tác bên ngoài, bao gồm OpenAI.

ChatGPT cũng sẽ được tích hợp với Slack để giúp người dùng tóm tắt các cuộc trò chuyện giữa các người dùng với nhau, recap các cuộc họp giữa các đội nhóm, đồng thời xử lý nhiều các truy vấn tìm kiếm (từ khoá) khác.

Hợp tác mới cũng cho thấy rằng các công ty công nghệ đang thực sự chạy đua trong cuộc đua xây dựng và ứng dụng AI tổng hợp, công cụ có thể tạo văn bản, hình ảnh và nội dung dựa trên đầu vào là dữ liệu có sẵn.

Bên cạnh Salesforce, cách đây không lâu Microsoft Corp cũng đã thông báo rằng các nền tảng của mình như Windows 11 hay công cụ tìm kiếm Bing cũng đã được tích hợp công nghệ ChatGPT của OpenAI.

Bà Clara Shih, tổng giám đốc của Salesforce cho biết trong một cuộc họp báo rằng các mô hình AI (AI models) và dữ liệu độc quyền của Salesforce sẽ giúp tạo ra nhiều sự khác biệt cho sản phẩm của họ.

“Các công cụ AI tổng hợp của Salesforce sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ ‘hình dung lại hoàn toàn cách họ tương tác với khách hàng của mình'”.

Salesforce cũng đã công bố một quỹ đầu tư mới vào các công ty khởi nghiệp có khả năng nghiên cứu và phát triển công nghệ AI tổng hợp.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Hãy làm Marketing với tinh thần của chủ doanh nghiệp

Người làm marketing giỏi là người đặt mình vào vị trí và tâm thế của người làm chủ doanh nghiệp, nghĩ như người khởi nghiệp đồng thời đội các “mũ” của những phòng ban khác để có thể quản trị sự thay đổi và nắm được câu chuyện của toàn chuỗi giá trị.

Hãy làm Marketing với tinh thần của chủ doanh nghiệp
Hãy làm Marketing với tinh thần của chủ doanh nghiệp

Một thập kỷ đầu lập nghiệp khi mà Sunhouse còn chưa có tên tuổi trên thị trường, ông Nguyễn Xuân Phú (Shark Phú) trên cương vị của người làm chủ đã đưa ra những quyết định liên quan đến chiến lược marketing (tiếp thị) mà có lẽ nếu chỉ đứng ở góc độ marketing thì sẽ ít ai làm như vậy.

Một trong số đó là bán toàn bộ sản phẩm với chi phí rẻ để có thể đưa hàng qua các kênh khác nhau, tăng độ nhận diện cho thương hiệu. Nếu chỉ nhìn từ góc độ markting, rõ ràng điều này tốn rất nhiều chi phí.

Nhưng từ góc độ của chủ doanh nghiệp là người có một góc nhìn toàn cảnh, thấu hiểu toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp và chuỗi giá trị, đó là một quyết định mang lại nhiều lợi ích, không chỉ về mặt thương hiệu mà còn thúc đẩy hiệu suất của người lao động, giảm chi phí quản lý…

“Trong 10 năm đầu lập nghiệp, người làm marketing giỏi nhất ở Sunhouse chính là anh Phú”, ông Lê Tùng, Giám đốc marketing Tập đoàn Sunhouse khẳng định.

Các lãnh đạo cấp cao giờ đây, bao gồm giám đốc marketing (CMO) đang hướng cho mình trở thành một cố vấn, một cánh tay phải đắc lực của tổng giám đốc. Nhưng để làm được điều đó, những thứ họ làm và tư duy của chính bản thân họ sẽ phải vượt lên vai trò và chức danh vốn có.

Như Giáo sư Hermawan Kartajaya, một trong những chuyên gia marketing có tầm ảnh hưởng nhất hiện nay đã chia sẻ, hãy làm marketing với tinh thần của người làm chủ doanh nghiệp.

“Marketing không đơn thuần là bán hàng, marketing phải có chiến lược, phải tạo ra doanh thu bền vững, thắng trong dài hơi. Marketing là phải tạo sự khác biệt”, vị giáo sư nói trong chương trình Marketing với tinh thần doanh chủ do CSMO tổ chức.

Gia nhập Sunhouse cách đây 8 năm, hiện ông Tùng là Giám đốc Chiến lược của Sunhouse Invest kiêm Giám đốc Marketing (CMO) của Sunhouse mảng gia dụng. Ông là người quản trị tất cả chỉ số liên quan đến từng ngành hàng và thành viên tập đoàn.

“Vai trò và chức danh thì chỉ làm truyền thông quảng cáo, vậy làm sao để tác động được đến PNL (lãi lỗ trong kinh doanh), sản phẩm…Làm thế nào để chủ doanh nghiệp dám giao chuỗi giá trị cho người mới”, ông Tùng đặt vấn đề.

Để marketing có thể tác động được đến hàng nghìn sản phẩm, chuỗi cung ứng… là cả một quá trình 8 năm ông làm và hiểu rõ chuỗi giá trị cũng như tác động của marketing vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp.

Như GS. Hermawan Kartajaya đã nhấn mạnh, người làm marketing cần thấu hiểu chính mình, doanh nghiệp của mình và khách hàng để có thể chứng minh sự khác biệt của thương hiệu trên thị trường. Thứ doanh nghiệp bán là sự khác biệt!

Điều quan trọng là người làm marketing dám làm những thứ mà người khác hoặc chính bản thân họ nghĩ về marketing. Chẳng hạn, làm marketing bằng hàng tồn kho, bằng logistics, bằng tài chính… được ông Tùng cho là những thứ hấp dẫn.

Làm marketing cần nghĩ như người khởi nghiệp. Marketing phải tác động đến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hàng ngày, cân bằng yếu tố tư duy dài hạn và ngắn hạn.

Trong số 4 chữ C mà GS. Hermawan Kartajaya đã chia sẻ, vị giám đốc marketing của Sunhouse đặc biệt coi trọng chữ Change (quản trị sự thay đổi), bên cạnh các yếu tố như khách hàng (customer), công ty (company) và đối thủ (competitor).

Trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng, cần ứng dụng các hình thức marketing hiện nay, kết hợp con người và công nghệ để giảm thiểu tác động tiêu cực và quản lý sự thay đổi một cách nhanh nhất, nắm bắt được bức tranh tổng thể và đưa ra các quyết định sáng suốt như một người làm chủ.

“Thị trường không được quyết định bởi công nghệ hay chính trị. Thị trường quyết định bởi văn hóa, xã hội. Do đó, chúng ta buộc phải thay đổi thói quen. Thay đổi thói quen mới là người thắng cuộc”, vị giáo sư đồng tác giả 10 cuốn sách cùng Philip Kotler nói.

Khi khởi nghiệp trong lòng Tập đoàn FPT một thập kỷ trước, đội ngũ FPT Play phải đố mặt với một sự cân não để đưa ra quyết định lựa chọn truyền thống hay chạy thẳng vào công nghệ mới.

Bà Tô Nam Phương, Phó tổng giám đốc FPT Play cho biết, thị trường lúc đó chưa biết đến các ứng dụng mới, họ có thể giơ mắc áo bằng nhôm lên cao để bắt được nhiều kênh mà không sẵn sàng trả tiền dù chỉ bằng một bát phở để xem những thứ có bản quyền.

Bộ gen của người FPT sẵn có – chấp nhận sự đổi mới và sẵn sàng đổi mới- đã thúc đẩy họ làm những thứ khác biệt, song song với tận dụng những thế mạnh sẵn có về quản trị sản phẩm và quản trị người dùng. Họ áp dụng công nghệ để mang lại trải nghiệm cho khách hàng và rồi đẩy thành thông điệp của thương hiệu.

“Bất cứ giai đoạn nào và bất cứ thành viên nào trong doanh nghiệp cũng đều được khuyến khích và chấp nhận sự sáng tạo và thay đổi. Tương lai marketing được quyết định bởi những người trẻ sáng tạo và dám làm”, bà Phương chia sẻ.

Nói về việc làm marketing với tinh thần doanh chủ, GS. Hermawan Kartajaya cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần hợp tác:

“Đừng bao giờ tạo ra kẻ thù cho dù ta có ghét họ bao nhiêu đi nữa”, hay “đừng bao giờ ăn trưa một mình vì có thể sẽ mất đi nhiều cơ hội”. 

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo Quỳnh Chi | The Leader

Người tiêu dùng số sẽ là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Đông Nam Á

Báo cáo mới đây của YCP Solidiance nhận định, sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người tiêu dùng số dự kiến sẽ là động lực chính cho nền kinh tế của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm nay.

Người tiêu dùng số sẽ là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Đông Nam Á
Người tiêu dùng số sẽ là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Đông Nam Á

Báo cáo của YCP Solidiance chỉ ra rằng, ASEAN đang trên đà trở thành thị trường lớn nhất thế giới vào năm 2030, với dòng vốn đầu tư và kinh doanh được thiết lập để mang lại lợi ích cho một số ngành, bao gồm cả nền kinh tế số.

Báo cáo trích dẫn một báo cáo khác tựa đề “Đầu tư vào ASEAN 2023” cho biết, với tốc độ tăng trưởng dự kiến thuộc hàng nhanh nhất thế giới, nền kinh tế số của khu vực được dự đoán sẽ vượt 300 tỷ USD vào năm 2025 và 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế khu vực ASEAN trong năm nay được dự báo sẽ vượt tốc độ tăng trưởng 2,7% của nền kinh tế toàn cầu. Dữ liệu từ ADB năm 2022 cho thấy, nền kinh tế số chiếm 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của ASEAN.

Báo cáo của YCP Solidiance cho rằng, sự tăng trưởng của nền kinh tế số ASEAN là nhờ các tổ chức chính thức hỗ trợ sự phát triển số trong khu vực, đồng thời lưu ý tầm quan trọng của các tổ chức này trong việc tạo ra các khuôn khổ và sáng kiến tập trung nhằm thúc đẩy nền kinh tế Internet.

Bên cạnh đó, động lực cho tiêu dùng số sẽ là thế hệ Millennials (Gen Y) và thế hệ Z (Gen Z) vốn chiếm tới 75% người tiêu dùng trong khu vực.

Sự chuyển đổi số của tài chính và sự xuất hiện của lĩnh vực công nghệ tài chính cũng là một trong những yếu tố giúp kích thích sự tăng trưởng của các nền kinh tế trực tuyến trong khu vực và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới từ các nguồn trong và ngoài khối gia nhập.

YCP Solidiance cho biết: “Thông qua các công nghệ số và Internet, nền kinh tế số đã mang đến cho các chủ doanh nghiệp và những người kinh doanh độc lập những cách thức mới để kết nối với khách hàng, mở rộng thị trường cũng như tăng thu nhập của họ.”

Theo một nghiên cứu của ngân hàng HSBC, số hóa đứng đầu trong các chương trình nghị sự của doanh nghiệp, với các công ty sẵn sàng đầu tư vào công nghệ cần thiết để chuyển đổi doanh nghiệp.

Một nửa số người được hỏi cho biết họ sẽ đầu tư 5-10% lợi nhuận hoạt động để cải thiện các chiến lược số hóa, trong khi 26% đầu tư hơn 10%.

Từ đó, báo cáo của YCP Solidiance khuyến nghị các nhà đầu tư tiềm năng và những người tham gia thị trường nên xem xét vai trò của hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân vì sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế số của ASEAN.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Hà Anh | Theo Doanh Nhân Sài Gòn

ChatGPT gia nhập cuộc đua đốt tiền mới

Với những gã khổng lồ công nghệ như Microsoft hay Google, việc tích hợp AI vào công cụ tìm kiếm đặt ra bài toán trị giá hàng tỷ USD.

ChatGPT gia nhập cuộc đua đốt tiền mới
ChatGPT gia nhập cuộc đua đốt tiền mới

Bard, chatbot AI của Google cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT, đã khiến công ty chủ quản bay hơi 140 tỷ USD giá trị thị trường dù chưa ra mắt.

Alphabet – công ty mẹ Google dù đã cố gắng bỏ qua sự cố này, nhưng một thách thức khác đang xuất hiện từ nỗ lực tích hợp công nghệ Generative AI – AI tổng hợp vào công cụ tìm kiếm của hãng: Chi phí vận hành.

John Hennessy, chủ tịch Alphabet cũng thừa nhận với Reuters mặc dù việc tinh chỉnh sẽ giúp chi phí giảm xuống, việc huấn luyện AI, hay còn được biết đến như một mô hình ngôn ngữ lớn, tốn kém gấp 10 lần so với tìm kiếm bằng từ khóa theo cách thông thường.

Chi phí gấp nhiều lần tìm kiếm thủ công.

Ra mắt vào tháng 11/2022, ChatGPT nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích của hàng triệu câu hỏi từ người dùng.

Chỉ sau 2 tháng kể từ thời điểm trình làng, lượng người dùng đăng ký ChatGPT đã cán mốc 100 triệu, qua đó trở thành ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất trên phạm vi toàn cầu.

Nhưng thành tựu cũng đi kèm với khó khăn. ChatGPT thường xuyên gặp tình trạng quá tải vì phải xử lý khối lượng công việc khổng lồ và nhiều người dùng tìm cách lách luật, vi phạm các điều khoản an toàn của chatbot.

Bên cạnh đó, ChatGPT vẫn là một khoản đầu tư tốn kém vì vẫn chưa có quảng cáo. Trong khi đó, trung bình mỗi cuộc hội thoại OpenAI đều phải tốn phí để vận hành bộ máy phần cứng, con số tổng lên đến hàng triệu USD/tuần CEO Sam Altman cho biết.

Do đó, để trang trải phần chi phí này, công ty phần mềm đã ra mắt bản ChatGPT Plus thu phí 20 USD/tháng.

Rowan Curran, nhà phân tích tại Forrester Research cho biết đối với các mô hình AI lớn, quy trình xử lý tiêu tốn đến hàng triệu USD, chưa bao gồm chi phí trả cho các kỹ sư.

Vào tháng 12/2022, Giám đốc điều hành của OpenAI Sam Altman nói trên Twitter rằng chi phí trung bình cho mỗi truy vấn của ChatGPT là 1 cent.

Trong khi đó, một phân tích của ngân hàng Morgan Stanley lại đưa con số này lên mức 2 cent. Con số này gấp khoảng 7 lần chi phí trung bình cho một lần tìm kiếm trên Google và nó có thể tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới.

Morgan Stanley ước tính 3,3 nghìn tỷ lượt truy vấn tìm kiếm của Google trong năm 2022 tiêu tốn khoảng 0.25 cent cho mỗi lượt. Con số này sẽ còn tăng thêm tùy thuộc vào lượng văn bản mà AI phải tạo ra.

Các nhà phân tích dự đoán Google có thể phải đối mặt với khoản chi phí tăng thêm đến 6 tỷ USD vào năm 2024 nếu tích hợp AI giống như ChatGPT để xử lý một nửa số lượt truy vấn mà họ nhận được với câu trả lời dài 50 từ.

Điều làm cho tìm kiếm với AI đắt hơn so với cách tìm kiếm theo từ khóa nằm ở sức mạnh tính toán liên quan đến nó. Theo Reuters, những công cụ AI như ChatGPT phụ thuộc lớn vào những con chip trị giá hàng USD.

Bên cạnh đó, theo ước tính qua phân tích từ bên thứ ba của các nhà nghiên cứu, việc huấn luyện cho mô hình GPT-3, công nghệ đứng sau ChatGPT tiêu thụ khoảng 1.287 MWh và dẫn đến lượng khí thải tương đương hơn 550 tấn CO2.

Bài toán nan giải.

Quá trình xử lý một truy vấn tìm kiếm do AI cung cấp được gọi là “suy luận”. Trong đó, một “mạng lưới thần kinh” được mô hình hóa một cách lỏng lẻo dựa trên đặc điểm sinh học của bộ não con người nhằm đưa ra câu trả lời cho một câu hỏi từ quá trình mà AI đã được huấn luyện trước đó.

Ngược lại, với cách tìm kiếm theo từ khóa, trình thu thập dữ liệu web của Google chỉ việc quét mạng Internet để biên soạn một chỉ mục thông tin. Khi người dùng nhập truy vấn, Google sẽ cung cấp các câu trả lời phù hợp nhất được lưu trữ trong chỉ mục này.

Quá trình xử lý một truy vấn tìm kiếm do AI cung cấp được gọi là "suy luận" dựa trên đặc điểm sinh học của bộ não con người nhằm đưa ra câu trả lời. Ảnh: NVIDIA.
Quá trình xử lý một truy vấn tìm kiếm do AI cung cấp được gọi là “suy luận” dựa trên đặc điểm sinh học của bộ não con người nhằm đưa ra câu trả lời. Ảnh: NVIDIA.

Richard Socher- CEO công cụ tìm kiếm You.com, một đối thủ cạnh tranh khác của Google, cho biết việc tích hợp tính năng trò chuyện bằng AI cũng như các ứng dụng của nó cho biểu đồ, video và công nghệ tổng hợp khác đã làm tăng chi phí từ 30% đến 50%.

Trong khi đó, một nguồn thân cận với Google nói với Reuters rằng còn quá sớm để xác định chính xác chi phí của Chatbot vì hiệu quả và cách sử dụng rất khác nhau tùy thuộc vào công nghệ liên quan và mô hình AI đằng sau nó.

Paul Daugherty, giám đốc công nghệ của Accenture thừa nhận chi phí khổng lồ là một trong hai lý do chính khiến những gã khổng lồ tìm kiếm và truyền thông xã hội với hàng tỷ người dùng không dám triển khai chatbot AI trong một sớm một chiều.

“Đầu tiên là độ chính xác. Sau đó, bạn phải mở rộng quy mô này theo đúng cách”, ông Daugherty nói.

Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu tại Alphabet và các nơi khác đã phải nghiên cứu cách đào tạo và vận hành các mô hình ngôn ngữ lớn với chi phí rẻ hơn.

Các mô hình ngôn ngữ lớn hơn, sẽ yêu cầu nhiều chip hơn để “suy luận”, dẫn đến chi phí tăng cao. Trí tuệ nhân tạo, công nghệ đã làm người dùng khắp thế giới choáng váng vì khả năng suy nghĩ giống như con người, đã phình to về quy mô khi đạt tới 175 tỷ tham số.

“Những mô hình này rất đắt tiền và do đó, cấp độ phát minh tiếp theo sẽ phải tìm cách giảm chi phí đào tạo và suy luận của các mô hình này để chúng tôi có thể đưa nó vào trong mọi ứng dụng”, một giám đốc giấu tên trả lời Reuters.

Theo nguồn tin của Reuters, hiện tại các nhà khoa học máy tính của OpenAI đã tìm ra cách tối ưu hóa chi phí suy luận thông qua những đoạn mã phức tạp giúp chip hoạt động hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, một vấn đề dài hạn là làm thế nào để giảm số lượng tham số trong mô hình AI xuống 10 hoặc thậm chí 100 lần mà không làm giảm độ chính xác.

“Làm thế nào để giảm bớt các tham số đi một cách hiệu quả nhất, đó vẫn là một câu hỏi mở”, Naveen Rao, người từng điều hành mảng chip AI của Intel cho biết.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Anh Tuấn | ZingNews

Nghiên cứu: Các CEO làm gì mỗi ngày với doanh nghiệp của họ

Nếu bạn từng có thắc mắc rằng các CEO hay Giám đốc điều hành làm gì mỗi ngày ở doanh nghiệp của họ hay liệu họ có xứng đáng với những gì mà họ nhận được, hãy tham khảo ngay dữ liệu từ nghiên cứu dưới đây.

Nghiên cứu: Các CEO làm gì mỗi ngày với doanh nghiệp của họ
Nghiên cứu: Các CEO làm gì mỗi ngày với doanh nghiệp của họ

Theo một nghiên cứu mới đây, mặc dù một số CEO có thể làm việc nhiều hơn mức trung bình so với các CEO khác, khoảng 60 giờ mỗi tuần đó là thời gian mà họ dành cho doanh nghiệp của họ.

  • Trung bình khoảng 9,7 giờ mỗi ngày trong tuần, tức là 48,5 giờ một tuần.
  • Khoảng 4 giờ mỗi ngày cuối tuần.
  • 2,4 giờ mỗi ngày nghỉ.

Tổng cộng khoảng 62,5 giờ một tuần.

Các CEO đã làm những công việc gì với khoảng thời gian đó của mình.

Theo nghiên cứu, khoảng 75% thời gian của CEO đã được lên kế hoạch trước, và 25% là làm những công việc tự phát.

Dưới đây là phân bổ chi tiết:

  • 25% cho các vấn đề liên quan đến con người và các mối quan hệ.
  • 25% được sử dụng để đánh giá các phòng ban.
  • 16% cho tổ chức và văn hóa doanh nghiệp.
  • 21% cho chiến lược.
  • 3% cho các hoạt động phát triển nghề nghiệp (chuyên nghiệp).
  • 4% được sử dụng để nghiên cứu hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A).
  • 4% cho kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp.
  • Đáng ngạc nhiên, chỉ 1% dành cho quản lý khủng hoảng.

Theo nghiên cứu của Harvard:

61% thời gian hoạt động giao tiếp của các CEO là trực tiếp (face-to-face), 24% qua thư điện tử, và 15% qua điện thoại.

Theo nhà chiến lược kinh doanh và marketing, Michael Porter, Giáo sư Đại học tại Trường Kinh doanh Harvard: “Chúng tôi xem xét các CEO khác nhau trong nhiều ngành khác nhau, quy mô trung bình doanh nghiệp của họ khoảng 13 tỷ USD, vì vậy đây là những công ty lớn, phức tạp, trong một số trường hợp là công ty đa quốc gia.”

“Chưa bao giờ chúng tôi có những dữ liệu như thế này trước đây, chúng tôi chưa bao giờ biết các CEO làm gì mỗi ngày, nhưng giờ đây, tôi có thể nhận định rằng, thời gian thực sự là nguồn tài nguyên khan hiếm nhất đối với các CEO và doanh nghiệp.”

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng mức lương của các CEO đã tăng lên nhanh chóng kể từ cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Trong khi mức lương của những người lao động bình thường đã thay đổi không đáng kể, các CEO hiện kiếm được trung bình gấp 271 lần mức lương của những người lao động bình thường. (Điều đáng chú ý là tỷ lệ này không cao như trong những năm trước cuộc Đại suy thoái kinh tế).

Vào năm 1965, con số này là 20 lần, vào năm 1989, con số này là 59 lần. Với tỷ lệ như hiện tại, có nghĩa là cứ 1 USD mà một nhân viên bình thường kiếm được, các CEO lại nhận được gần 300 USD.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen  | MarketingTrips   

Giám đốc Marketing của IntelePeer: Hướng đi mới trong tự động hóa tiếp thị

Các công nghệ marketing mới giúp các nhà tiếp thị mang lại sự liền mạch, cá nhân hóa và tốc độ nhanh hơn trong trải nghiệm giao tiếp với khách hàng.

IntelePeer cung cấp các giải pháp truyền thông có thể triển khai nhanh chóng cho một thế giới luôn kết nối. Được hỗ trợ bởi AI và phân tích dữ liệu, nền tảng đa kênh của IntelePeer có thể ngay lập tức cải thiện trải nghiệm giao tiếp với khách hàng.

Brian Gilman là Giám đốc Marketing (CMO) tại IntelePeer. Ông đã có hơn hai thập kỷ làm việc trong lĩnh vực Marketing và truyền thông.

Là một nhà lãnh đạo tiếp thị chuyển đổi với thành tích ấn tượng trong việc phát triển và thực hiện các kế hoạch tiếp thị B2B chiến lược, ông chịu trách nhiệm tạo ra các chiến dịch theo chủ đề với quy mô toàn cầu trải dài trên tất cả các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp của IntelePeer.

Ông có thể chia sẻ về hành trình gây dựng công ty của mình từ điểm xuất phát cho đến thời điểm hiện tại?

Mặc dù ở thời điểm hiện tại là một nhà tiếp thị, nhưng hành trình của tôi bắt đầu trong lĩnh vực tài chính công nghệ cao.

Sự nghiệp marketing của tôi chỉ bắt đầu tại Avaya vào năm 2000. Tôi đã quản lý chức năng trí tuệ cạnh tranh của họ và làm việc chặt chẽ với nhóm tiếp thị trong một số dự án.

Cuối cùng, bộ phận marketing đã đề xuất tôi tham gia cùng. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nhà tiếp thị, nhưng tôi sớm nhận ra kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực trí tuệ cạnh tranh, nghiên cứu và phân tích là một sự phù hợp lý tưởng cho vai trò này.

Bước ngoặt trong sự nghiệp đến khi tôi bước vào không gian của truyền hình. Vào thời điểm đó, tôi đã làm việc cho một doanh nghiệp có quá nhiều đối thủ cạnh tranh nổi tiếng.

Chúng tôi dường như không thể đánh bại họ trong cuộc chiến công nghệ, vì vậy tôi đã sử dụng cách kể chuyện để làm nổi bật giải pháp của công ty. Tôi đã mang theo trải nghiệm này đến với IntelePeer.

Theo ông, điều gì khiến IntelePeer khác biệt so với đối thủ cạnh tranh?

Ngành công nghiệp API truyền thông đang ở trong vũng lầy của các chiến lược và phương pháp luận kế thừa. Mặt khác, IntelePeer có cách tiếp cận hiện đại đối với công nghệ truyền thông. Nền tảng của chúng tôi sử dụng các ứng dụng không mã / mã thấp và trình thiết kế trực quan kéo và thả để có thời gian đưa ra thị trường và thời gian giá trị nhanh hơn.

Các giải pháp rất phức tạp, nặng về lập trình giờ đây có thể được xây dựng nhanh chóng với nguồn lực tối thiểu bởi những người có ít hoặc không có kinh nghiệm phát triển.

Các công nghệ marketing(Marketing Tech hay MarTech) đang mang lại sự thay đổi nào trong trải nghiệm giao tiếp với khách hàng?

Các công cụ MarTech mới giúp các marketer mang lại sự liền mạch, cá nhân hóa và tốc độ cho trải nghiệm giao tiếp với khách hàng.

Các giải pháp MarTech này cũng cho phép tương tác trôi chảy trên các kênh và được chứng minh là giúp tăng khả năng duy trì, tăng ROI và củng cố giá trị lâu dài của khách hàng.

Các công ty có thể nhanh chóng xây dựng quy trình làm việc, tăng khả năng thích ứng với các nhu cầu truyền thông/tiếp thị khác nhau.

Hơn nữa, khả năng chia sẻ dữ liệu có thể thực hiện được thông qua các chuyển đổi mới nhất trong MarTech cho phép chuyển giao thông tin quan trọng giữa các thành viên trong nhóm một cách suôn sẻ, tăng cường sự phối hợp và cuối cùng, điều chỉnh các nỗ lực tiếp thị cho từng cá nhân.

Theo ông, Tự động hóa Tiếp thị đã tác động như thế nào đến toàn bộ bối cảnh Tiếp thị và Bán hàng?

Tự động hóa tiếp thị là một lợi ích không chỉ cho các công ty mà còn cho khách hàng của họ. Ví dụ, một doanh nghiệp có thể sử dụng thông báo SMS tự động, tin nhắn thoại hoặc phương tiện truyền thông xã hội để nhắc nhở khách hàng về các cuộc hẹn sắp tới, giảm tình trạng vắng mặt, tăng doanh thu đồng thời cắt giảm chi phí và thời gian liên quan đến giao tiếp thủ công.

Tương tự, các thông báo tự động này có thể giúp các nhà tiếp thị quảng bá sản phẩm và dịch vụ mới hoặc gửi mã khuyến mãi và tin nhắn cảm ơn, củng cố mối quan hệ giữa khách hàng và thương hiệu. Khách hàng được hưởng lợi nhiều hơn từ tự động hóa tiếp thị khi họ nhận được phản hồi ngay lập tức liên quan đến các thắc mắc của họ với thương hiệu.

Ví dụ, các doanh nghiệp có thể xây dựng các chiến dịch đa kênh với các thông báo tự động, kích hoạt khi khách hàng thực hiện một số hành động nhất định như truy cập trang web, trò chuyện với trợ lý ảo hoặc để lại đánh giá. Sự giao tiếp qua lại gần như tức thời này giữa hai bên khiến khách hàng cảm thấy có giá trị và tăng lòng trung thành.

AI và phân tích dữ liệu đã và đang đóng vai trò như thế nào trong các hoạt động Tiếp thị và Bán hàng và sẽ phát triển ra sao trong những năm tới?

Vai trò của một nhà tiếp thị hiện nay là một thứ gì đó kết hợp giữa nhà khoa học dữ liệu và quảng cáo. Các chuyên gia tiếp thị và bán hàng hiện đại cần hiểu các chỉ số và tỷ lệ chuyển đổi, hỗ trợ và thực hiện chiến dịch dựa trên các con số.

Hơn nữa, các chuyên gia này có thể sử dụng các công cụ phân tích để liên tục tinh chỉnh hành trình của khách hàng và người mua, đặc biệt là để khám phá các điểm dừng chuyển đổi. Rất may, có rất nhiều công cụ phân tích độc đáo và sáng tạo được hỗ trợ bởi AI giúp các công ty có thể triển khai với chi phí thấp. Trên thực tế, hầu hết các nguồn lực này, tùy thuộc vào tốc độ hoạt động của doanh nghiệp, có hiệu quả cao và giá cả hợp lý.

WordPress và Google Analytics là hai ví dụ, vì chúng cung cấp thông tin chi tiết hữu ích về hành vi của người mua sắm.

Ông có lời khuyên gì dành cho những bạn trẻ muốn bước vào thế giới công nghệ Marketing?

Quá nhiều người tin rằng họ sẽ chỉ thành thạo trong việc tiếp thị cho một ngành hoặc giải pháp cụ thể. Các nhà tiếp thị đặc biệt rất linh hoạt, bất kể môi trường nào. Bằng cách làm việc linh hoạt, bạn sẽ mang kiến thức và kỹ năng có được cho mọi vai trò mới, bất kể công nghệ hoặc dịch vụ khác nhau đến mức nào.

Hãy luôn sẵn sàng học hỏi các công nghệ và công cụ mới và thích ứng nhanh khi thử nghiệm, tuy nhiên, đừng bối rối vì thất bại. Trên thực tế, cũng sẽ có những bài học tốt khi thất bại, đó là lý do tại sao các thử nghiệm A /B rất có giá trị.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo Bảo Ngọc | VnEconomy

ChatGPT sẽ ảnh hưởng đến Google và nạn Spam SEO như thế nào

Liệu khi trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển lên giai đoạn kế tiếp, các chatbot được hỗ trợ bởi AI như ChatGPT có thay thế vai trò của các công cụ tìm kiếm như Google.

ChatGPT sẽ ảnh hưởng đến Google và nạn Spam SEO như thế nào
ChatGPT sẽ ảnh hưởng đến Google và nạn Spam SEO như thế nào

Theo nhận định của biên tập viên Cnet Jackson Ryan, vài năm tới chúng ta có thể sống trong một thế giới không cần công cụ tìm kiếm của Google. AI cùng với các thành tựu dựa trên nền tảng này sẽ đóng vai trò thay thế.

Hơn 2 thập kỷ, thanh tìm kiếm trống rỗng của Google trải tấm thảm chào mừng và mang hàng tỷ người đến với thế giới World Wide Web.

Cũng từng đó năm, những kẻ thách thức thường xuyên xuất hiện, đe dọa truất ngôi vua trên thị trường tìm kiếm nhưng chưa đối thủ nào thành công. Thậm chí, hầu hết “Google killer” bị xóa sổ nhanh chóng.

Google nhận báo động đỏ.

Kể từ thời điểm ChatGPT xuất hiện sau đó gây sốt trên toàn cầu vào cuối năm 2022, mọi thứ đã thay đổi. Đây là một chatbot AI có thể viết các câu trả lời tự nhiên, giống với cách trò chuyện của con người.

Về cơ bản, ChatGPT là một hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI), có thể giải đáp bất kỳ câu hỏi nào của người dùng, kể cả viết mã lệnh, trả lời bài luận, làm thơ hoặc văn xuôi. Nó tốt đến mức các chuyên gia công nghệ, nhà báo và những người sáng tạo nội dung bắt đầu tự hỏi: Liệu ChatGPT có giết chết Google?

Không chỉ là quan điểm của bên thứ 3, tiếng chuông báo động vang lên khắp các văn phòng của Google. Chỉ 2 tháng sau khi ChatGPT xuất hiện, gã khổng lồ công nghệ bắt đầu phản hồi “Code Red”, yêu cầu các nhóm phát triển tìm cách đối phó với mối đe dọa từ chatbot AI.

Vấn đề càng cấp thiết hơn khi Microsoft bổ sung hỗ trợ AI cho Bing, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Google Search.

Từ lâu, Google đã dùng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ công cụ tìm kiếm của mình. AI mang đến các thuật toán xếp hạng trang kết quả, cung cấp liên kết có liên quan để người dùng sàng lọc.

Tuy nhiên, AI tạo sinh hứa hẹn sẽ xây dựng lại hoàn toàn mối quan hệ giữa con người với công cụ tìm kiếm. Việc chúng ta truy cập web — thông qua màn hình máy tính, smartphone — đang biến đổi từ một tấm thảm chào mừng thành một tấm thảm đỏ.

Kết quả là, trong tương lai không xa, chúng ta có thể thấy mình đang sống trên một hành tinh không có Google Search. Hoặc ít nhất công cụ tìm kiếm không còn giống hiện nay. Đó là một thế giới mà chúng ta chưa hiểu hết, không đo lường được tiềm năng và hệ lụy.

Google tìm kiếm hụt hơi?

Công cụ tìm kiếm của Google đã thay đổi cơ bản Internet và cách chúng ta truy cập thông tin. Hiện tại, nó chiếm khoảng 9/10 lượt tìm kiếm trực tuyến và xuất hiện mặc định trên mọi thiết bị hỗ trợ Internet. Nếu bạn muốn tìm thứ gì đó trên web, Google Search gần như là cách tốt nhất.

Uy quyền tối cao giúp Google chuyển từ công cụ thu thập thông tin web thành một động từ, một thực thể biết tất cả theo đúng nghĩa của nó.

Dù vậy, sau 2 thập kỷ thống trị, Google bắt đầu bộc lộ điểm yếu. Ngày càng nhiều lời phàn nàn đối với chất lượng kết quả tìm kiếm.

“Nếu gần đây bạn thử tìm kiếm một công thức hoặc bài đánh giá sản phẩm thì có thể thấy kết quả của Google trở nên tệ hơn”, Dmitri Brereton, một kỹ sư phần mềm đam mê các công cụ tìm kiếm cho biết.

Tác giả Cory Doctorow phàn nàn về việc “chuẩn hóa” các dịch vụ Internet đang trở thành xu hướng chủ đạo, biến trải nghiệm hữu ích của người dùng trở thành khoản sinh lợi cho các công ty. Điển hình là Google.

Angela Hoover, người đồng sáng lập công cụ tìm kiếm thông qua đàm thoại Andi, có 2 điều thất vọng lớn với Google: quảng cáo và spam SEO. Bà cho rằng đó chính là nguyên nhân dẫn đến một số kết quả tìm kiếm “không tốt lắm”.

Quảng cáo là nguồn doanh thu sinh lợi cao nhất cho Alphabet, công ty mẹ của Google. Theo báo cáo tài chính năm 2022, quảng cáo tạo ra 224 tỷ USD, chiếm gần 80% tổng doanh thu, tăng 13,5 tỷ đô la so với năm 2021.

Tùy thuộc vào cụm từ tìm kiếm và tiện ích mở rộng trình duyệt, quảng cáo có thể tràn ngập một nửa phía trên khung kết quả tìm kiếm. Các nhà quảng cáo chi tiêu lớn cho Google vì phạm vi tiếp cận khổng lồ. Sự thống trị của họ trong ngành lớn đến mức Bộ Tư pháp Mỹ muốn Google bán bớt mảng kinh doanh quảng cáo.

Spam SEO là một vấn đề khác nhưng có liên quan. Ngay cả khi không biết quá nhiều về SEO hoặc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, bạn cũng thấy khi truy vấn Google, sẽ gặp hàng loạt liên kết màu xanh với những tiêu đề gần giống nhau.

Bằng cách này, Google định hình lại việc đăng tải nội dung trên Internet. Một cuộc chạy đua không hồi kết giữa các blogger, nhà xuất bản, hãng tin lớn, nhà sáng tạo tạo nội dung… để đảm bảo tiêu đề của họ được xếp hạng tốt trên Google Search.

Nếu người dùng nhấp vào liên kết, họ có thể kiếm được một ít tiền quảng cáo. Vì vậy, có những công việc dành cho lĩnh vực tìm hiểu cách Google xếp hạng trang và các thuật toán chi phối SEO.

Tiềm năng to lớn của AI.

Trên lý thuyết, tìm kiếm được hỗ trợ bởi AI có thể xoa dịu những nỗi thất vọng mà Google tạo ra. Hoover nói rằng Andi không có kế hoạch phân phối quảng cáo trong kết quả tìm kiếm qua hội thoại. Thay vào đó, họ sẽ bán gói thuê bao tài khoản và API (cổng tích hợp) cho doanh nghiệp.

Một loạt lựa chọn thay thế khác như YouChat và Neeva đang cố gắng cải thiện mọi thứ theo cách tương tự. Các trang web không còn phải tìm cách tối ưu SEO Google, họ chỉ cần viết nội dung chính xác, phù hợp với tìm kiếm của người dùng.

Hiện tượng spam SEO có thể bị dập tắt, ít nhất là đối với những người dùng sẵn sàng chi một khoản nhỏ hàng tháng cho gói thuê bao.

Hôm 7/2, Microsoft công bố tích hợp AI vào Bing trong một sự kiện hoành tráng. Đây được xem là khởi đầu của “Cuộc chiến Chatbot Tìm kiếm”. Một số người tin rằng Bing mới sẽ thâm nhập vào vương quốc Google và thậm chí có thể “tiêu diệt trùm cuối”.

Khi giới thiệu Bing cho một nhóm thử nghiệm được chọn trước, Microsoft đã nổ phát súng tấn công đầu tiên của cuộc chiến này.

Hầu hết phóng viên có cơ hội khám phá Bing mới đều khen ngợi. Stephen Shankland của Cnet so sánh Bing AI với Google. Kết quả là, với 10 truy vấn phức tạp, 8 lần Bing mang đến kết quả tìm kiếm tốt hơn.

Nó có thể đưa ra gợi ý cho một chuyến đi trong ngày giữa LA và Albuquerque, trả lời tin tức về kinh khí cầu Trung Quốc bay qua Mỹ, viết email xin lỗi vì đến muộn.

Phiên bản thử nghiệm gây ấn tượng mạnh với phóng viên Kevin Roose của New York Times đến nỗi ông tuyên bố sẽ chuyển công cụ tìm kiếm mặc định trên máy tính sang Bing. Tuy nhiên, một tuần sau ông rút lại ý định này.

Còn quá sớm để thay thế.

Theo Cnet, đến thời điểm hiện tại, việc từ bỏ Google, chuyển đổi hoàn toàn sang công cụ tìm kiếm hỗ trợ AI còn quá sớm, thậm chí là nguy hiểm.

Bing AI sử dụng Mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model – LLM), nền tảng cốt lõi của ChatGPT. AI này có thể tạo ra các câu, đoạn văn và toàn bộ bài luận. Nó dự đoán về từ hoặc cụm từ sẽ xuất hiện tiếp theo. Những dự đoán dựa trên một mô hình toán học, sau đó được điều chỉnh bởi những người tham gia thử nghiệm.

Vì vậy, LLM dễ bị “ảo giác” – thuật ngữ được các nhà nghiên cứu sử dụng để mô tả một công cụ AI tạo ra mọi thứ, ngay cả khi đã có những thông tin thực tế.

Một ví dụ điển hình là câu trả lời về suất chiếu phim Avatar 2: The Way of Water. Trợ lý AI của Bing không chỉ ghi sai năm mà còn tỏ thái độ hung hăng với người dùng khi nói rằng: “Tôi đang cố gắng trở nên hữu ích, nhưng bạn không lắng nghe tôi”.

Đây không chỉ là vấn đề đối với Bing. Khi Google giới thiệu Bard, vũ khí họ dùng để đối đầu với ChatGPT, các nhà thiên văn nhanh chóng nhận ra AI này nói sai sự thật về Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA. Lỗi ngớ ngẩn khiến công ty mẹ Alphabet mất hơn 100 tỷ USD trên thị trường chứng khoán.

Người phát ngôn của Google cho biết Bard vẫn chưa sẵn sàng cho việc sử dụng rộng rãi. Công ty sẽ không phát hành cho đến khi chúng đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng và an toàn.

Đại diện Microsoft cho biết họ nhận ra “vẫn còn nhiều việc phải làm và mong rằng hệ thống có thể mắc lỗi trong giai đoạn thử nghiệm này”, đồng thời chỉ ra rằng hàng nghìn người dùng tương tác với phiên bản xem trước của Bing và cung cấp phản hồi sẽ “giúp các mô hình trở nên tốt hơn”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo Nguyễn Hiếu | ZingNews

Market Research là gì? Hướng dẫn chi tiết cách làm Market Research

Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng tìm hiểu toàn diện các nội dung cần biết về thuật ngữ Market Research như: market research là gì, các ví dụ về market research (nghiên cứu thị trường), các phương pháp market research chính hiện có, hướng dẫn chi tiết cách làm market research và hơn thế nữa.

Market Research là gì? Làm Market Research là làm gì?
Market Research là gì?

Market Research là gì? Market Research là tập hợp bất kỳ những kỹ thuật nào được sử dụng để thu thập thông tin và hiểu rõ hơn về thị trường mục tiêu của công ty. Bạn không thể kiểm soát những gì bạn không thể nhìn thấy và các phương pháp hay nhất của Market Research sẽ giúp bạn có được câu trả lời.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài:

  • Market Research là gì?
  • Cách làm Market Research.
  • Tại sao Market Research lại rất quan trọng?
  • Primary Market Research là gì?
  • Secondary Market Research là gì?
  • Qualitative Market Research là gì?
  • Quantitative Market Research là gì?
  • 4 loại hình Market Research chính.
  • FAQs – Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến hoạt động Market Research.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Market Research là gì?

Market Research (hoặc Marketing Research) là tập hợp bất kỳ những kỹ thuật nào được sử dụng để thu thập thông tin và hiểu rõ hơn về thị trường mục tiêu của công ty.

Các doanh nghiệp hay thương hiệu sử dụng thông tin này để thiết kế ra những sản phẩm, cải thiện trải nghiệm người dùng, xây dựng chiến lược marketing nhằm thu hút khách hàng tiềm năng và cải thiện tỷ lệ chuyển đổi tốt hơn.

Để giúp tối ưu các nỗ lực Market Research hay Marketing Research của bạn trở nên dễ dàng hơn, hãy tham khảo các loại Market Research bên dưới để đảm bảo bạn có tất cả dữ liệu và thông tin cần thiết để thúc đẩy các chiến lược marketing của mình.

Tại sao làm Market Research lại rất quan trọng?

Nếu bạn đã hiểu Market Research là gì hẳn là bạn đã có thể nhận thấy được vai trò quan trọng của nó trong doanh nghiệp.

Market Research rất quan trọng vì nó giúp xác định các điểm mạnh và điểm yếu trong chiến lược marketing của bạn.

Mặc dù việc tuân theo những trực giác hay kinh nghiệm marketing của riêng bạn cũng là một yếu tố quan trọng, tuy nhiên, bạn cần có dữ liệu và mức độ hiểu biết sâu hơn về những gì khách hàng của bạn muốn hay những gì đối thủ cạnh tranh của bạn đang nỗ lực để thành công hơn.

Market Research có thể giúp bạn khám phá những dữ liệu định lượng như quy mô thị trường và nhân khẩu học, thậm chí là cả dữ liệu nghiên cứu định tính như tâm lý học để hiểu rõ hơn về quy mô và phạm vi ngành kinh doanh của bạn.

Một lợi ích khác của Market Research là khả năng xác định chính xác các đối thủ cạnh tranh trong ngành của bạn.

Market Research có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về các bối cảnh cạnh tranh của mình bằng cách trả lời các câu hỏi như: Bạn đang cạnh tranh với các doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp lớn? Họ là ai, Họ mạnh yếu như thế nào?

Thị trường mục tiêu của họ như thế nào so với thị trường của bạn? Doanh nghiệp của bạn có đủ nhận thức về thương hiệu để cạnh tranh không?

Có lẽ là điều quan trọng nhất, Market Research cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc (insight) về đối tượng mục tiêu của bạn. Bạn cần làm Market Research để hiểu rõ hơn về các insights đó.

Dữ liệu bạn tìm thấy được từ các cuộc nghiên cứu có thể giúp doanh nghiệp hay thương hiệu của bạn phục vụ tốt hơn cho những nhóm người dùng cụ thể mà bạn đang nhắm mục tiêu và thậm chí là có thể mở ra những cánh cửa mới cho các sản phẩm mới mà họ có thể muốn mua trong tương lai.

Hoạt động Market Research cung cấp động lực để thúc đẩy khách hàng mua hàng nhiều hơn vì nó giúp thương hiệu hiểu chính xác những gì họ muốn và cần.

Nói tóm lại, Market Research là yêu cầu bắt buộc của bất kỳ chiến lược hay hoạt động marketing nào, để có thể hiểu sâu hơn về ngành marketing, bạn có thể xem tại: marketing là gì

4 loại hình hay phương pháp Market Research chính là gì?

nghiên cứu thị trường là gì
Market Research là gì – Những phương pháp Market Research chính

Trong khi tuỳ thuộc vào nhu cầu của từng doanh nghiệp, bạn có thể lựa chọn từng phương pháp Market Research khác nhau, dưới đây là những gì bạn có thể tham khảo.

Primary Market Research là gì?

Primary Market Research (Nghiên cứu thị trường sơ cấp) là phương pháp đề cập đến những dữ liệu hoặc thông tin của bên thứ nhất (first party data).

Dữ liệu hoặc thông tin của bên thứ nhất là tất cả những dữ liệu và thông tin bạn đã tự thu thập được – bạn không trích dẫn từ bất kỳ nguồn nào khác.

Ví dụ về Primary Market Research bao gồm:

  • Các nhóm tập trung (Focus groups).
  • Phỏng vấn (Interviews).
  • Thăm dò ý kiến (Polls).
  • Khảo sát (Surveys).

Loại hình Market Research này có thể giúp củng cố chiến lược marketing của bạn rất hiệu quả vì dữ liệu và thông tin đến trực tiếp từ khách hàng của bạn.

Đây được cho là loại Market Research có giá trị nhất vì nó chỉ dành riêng cho những nhóm khách hàng mục tiêu của thương hiệu.

Điều này cho phép bạn có được những thông tin chi tiết về điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp để hiểu được trải nghiệm tổng thể của khách hàng.

Các ví dụ điển hình về Primary Market Research mà bạn thường nhìn thấy đó là các cuộc khảo sát và thăm dò ý kiến ​​trực tuyến, đây là một cách tuyệt vời để nhận được một số lượng lớn phản hồi trực tiếp từ khách hàng mục tiêu của bạn.

Secondary Market Research là gì?

Secondary Market Research (Nghiên cứu thị trường thứ cấp) đề cập đến các dữ liệu hoặc thông tin của bên thứ hai (second party data) hoặc bên thứ ba (third party data).

Dữ liệu của bên thứ hai và thứ ba được thu thập từ những gì vốn đã tồn tại trên thị trường.

Nghiên cứu này không phải do bạn thực hiện mà do các doanh nghiệp hoặc tổ chức khác đã từng thực hiện trước đó.

Ví dụ về Secondary Market Research bao gồm:

  • Các bài viết.
  • eBooks.
  • Infographics.
  • Video.
  • Các nghiên cứu có sẵn từ các công ty Market Research.
  • Các bản nghiên cứu từ cục thống kê, viện nghiên cứu….

Loại Market Research này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về toàn bộ ngành của mình.

Bạn sẽ có thể xác định cách các đối thủ cạnh tranh đang hoạt động, các số liệu thống kê quan trọng trong ngành và những thông tin chi tiết có giá trị khác mà bạn có thể sử dụng để giúp bạn tạo ra một chiến lược marketing sáng suốt hơn.

Làm Secondary Market Research là cách tốt nhất để có được ‘cảm nhận’ về dữ liệu và thông tin đã tồn tại trong ngành và giữa các đối thủ cạnh tranh.

Việc xác định đúng dữ liệu và thông tin đó không chỉ cung cấp cho bạn các ý tưởng tốt hơn về những gì bạn đang làm từ góc độ của người làm marketing mà nó còn là nơi bạn có thể cải thiện và tối ưu các chiến lược marketing mới.

Có thể đối thủ cạnh tranh của bạn đã viết một bài viết tuyệt vời nào đó và mang lại cho họ rất nhiều lưu lượng truy cập và tìm kiếm tự nhiên. Đây là lúc bạn có thể ‘học hỏi’ từ họ.

Qualitative Market Research là gì?

Qualitative Market Research là gì?
Qualitative Market Research là gì?

Qualitative Market Research (Nghiên cứu thị trường định tính) đề cập đến việc thu thập dữ liệu không thể đo lường được.

Qualitative Market Research có thể là nghiên cứu sơ cấp (Primary Research) hoặc thứ cấp (Secondary Research). Bạn có thể sử dụng các phương pháp nghiên cứu sơ cấp như phỏng vấn, thăm dò ý kiến ​​và khảo sát để tìm hiểu cảm nhận của khách hàng về các sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.

Mục đích của quá trình này là để hiểu cách họ đang suy nghĩ. Đây là những gì bạn có thể hỏi đối tượng mục tiêu của mình:

  • Điều gì đã khiến bạn mua sản phẩm hoặc dịch vụ của chúng tôi?
  • Đâu là điểm khiến bạn nghĩ rằng sản phẩm hoặc dịch vụ của chúng tôi có thể vượt qua hoặc tốt hơn các đối thủ cạnh tranh?
  • Bạn thích những tính năng hay công dụng nào trong sản phẩm hoặc dịch vụ của chúng tôi và tại sao?
  • Bạn nghĩ sản phẩm hoặc dịch vụ của chúng tôi có thể được cải thiện ở những khía cạnh nào và tại sao?

Loại hình Market Research này cho chúng ta cái nhìn sâu sắc nhất về những gì khách hàng đang suy nghĩ; đó là cách duy nhất để khám phá lý do tại sao khách hàng quyết định tin tưởng bạn hoặc thương hiệu khác (của đối thủ).

Khi bạn tiến hành nghiên cứu khách hàng, bạn có thể hỏi khách hàng những câu hỏi cụ thể về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.

Câu trả lời từ những câu hỏi này sẽ giúp bạn hình thành các chiến lược marketing tốt hơn xuất phát từ việc hiểu tất cả những cảm xúc, suy nghĩ hay tâm tư của họ về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.

Mục tiêu của các bản Qualitative Market Research hay nghiên cứu định tính là nhận được càng nhiều phản hồi của khách hàng về sản phẩm của bạn càng tốt. Làm Qualitative Market Research có thể giúp bạn đánh giá xem liệu sản phẩm hay dịch vụ của bạn đã đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng hay chưa.

Nếu đối thủ của bạn đang làm tốt hơn? Qualitative Market Research cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc về cách khách hàng đang cảm nhận về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.

Quantitative Market Research là gì?

Quantitative Market Research là gì?
Quantitative Market Research là gì?

Quantitative Market Research (Nghiên cứu thị trường định lượng) là khái niệm đề cập đến việc thu thập dữ liệu hay thông tin bằng các con số để phân tích thống kê. Cũng giống như Qualitative Market Research, Quantitative Market Research có thể là sơ cấp (Primary) hoặc thứ cấp (Secondary).

Loại nghiên cứu này tập trung vào các số liệu (tương đối chính xác) để tối ưu chiến lược marketing. Các số liệu thống kê không phải là theo cảm nhận hay tự phỏng đoán, chúng phải là các bằng chứng thực nghiệm hay các con số thực tế.

Ví dụ về phương pháp Quantitative Market Research có thể là:

  • Tỷ lệ thoát trang (Bounce rate).
  • Số lần xem trang (Pageviews).
  • Số lượng người theo dõi trên mạng xã hội.
  • Số lượng tương tác cụ thể trên mạng xã hội.
  • Tổng số đối thủ cạnh tranh trực tiếp hiện có trên thị trường.
  • Tổng số lượng thảo luận của thương bạn so với đối thủ.
  • Phần trăm lượng tiếp cận của thương hiệu bạn so với đối thủ.
  • Số lượng tìm kiếm (volume) về thương hiệu (Brand Search).

Dữ liệu định lượng có thể đóng vai trò như một bản tiêu chuẩn để đánh giá về hiệu quả marketing, nơi bạn đang dành rất nhiều thời gian và tiền bạc cho các nỗ lực marketing.

Khi bạn biết chính xác mình đang đứng ở vị trí nào trên thị trường, bạn có thể điều chỉnh chiến lược marketing của mình sao cho phù hợp với hiện tại.

Không giống như một số loại nghiên cứu khác được nêu ra trong bài viết này, Quantitative Market Research có một lợi thế rất khác biệt đó là bạn có thể sử dụng các nền tảng hay công cụ phân tích và đo lường để thu thập và theo dõi tiến độ của công việc.

FAQs – Những câu hỏi thường gặp liên quan đến Market Research.

  • Market Research Analyst là gì?

Market Research Analyst là người hay nhà phân tích thị trường. Công việc chính của người này là xác định các phương pháp làm Market Research, tiến hành thu thập dữ liệu, và sau đó đưa ra các báo cáo kèm nhận định về thị trường.

  • Market Research Method là gì?

Chính là các phương pháp làm Market Research, theo các phân tích ở trên, bạn có thể chọn các phương pháp như Quantitative Market Research, Primary Market Research và hơn thế nữa.

  • Market Research Template là gì?

Là các mẫu (framework) mà bạn có thể dựa vào đó để xác định các công việc cần làm khi tiến hành Market Research. Về bản chất, đó chính là kim chỉ nam mang tính định hướng cho toàn bộ nghiên cứu.

Kết luận.

Tuỳ thuộc vào từng nhu cầu trong từng bối cảnh cụ thể, doanh nghiệp hay thương hiệu có thể cần đến những kiểu market research khác nhau, tuy nhiên mục tiêu cuối cùng của các đợt market research vẫn là tìm hiểu xem thực sự khách hàng đang mong đợi điều gì và doanh nghiệp có thể làm gì để đáp ứng lại các kỳ vọng đó.

Bằng cách hiểu market research là gì cùng các phương pháp tiếp cận tiềm năng, bạn có thể có nhiều cơ hội hơn để thấu hiểu khách hàng và thúc đẩy doanh nghiệp.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Nam Nguyen | MarketingTrips

Nguồn: MarketingTrips 

Chabot AI sẽ là trợ lý đắc lực cho việc tạo nội dung số

Hiện nay, hầu hết nội dung (content) trên Internet do con người tạo ra, nhưng chatbot AI được dự đoán sẽ sớm đảm nhận nhiệm vụ này.

Chabot AI là trợ lý đắc lực cho nội dung số
Chabot AI là trợ lý đắc lực cho nội dung số

Các chuyên gia tại Viện nghiên cứu tương lai Copenhagen (CIFS) cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ trở nên thông minh hơn và thay con người làm một số công việc, trong đó có sáng tạo nội dung số.

Hiện nay, các công cụ như ChatGPT đã có thể soạn email, dựng kịch bản, viết văn, làm thơ. Dall-E, Midjourney, Stable Diffusion vẽ tranh, tạo ảnh theo lệnh của người dùng. MusicLM có khả năng sáng tác mọi thể loại nhạc chỉ bằng một vài từ khóa mô tả. Vall-E bắt chước âm sắc, giọng nói của một người trong ba giây. Hay Notion và Lark cũng đều là những công cụ phổ biến dựa trên nền tảng chính là trí tuệ nhân tạo (AI).

Khi những công cụ kiểu này được cải tiến và tích hợp vào trong các ứng dụng phổ biến, người dùng sẽ chỉ cần ra lệnh để AI giúp họ chụp và chỉnh sửa ảnh, đăng status, bình luận trên mạng xã hội, tự phân tích và trả lời email cùng nhiều hoạt động khác.

Timothy Shoup, cố vấn cao cấp của CIFS, ước tính AI có thể chủ động thu thập thông tin, sáng tạo 99% nội dung trên các nền tảng số trong 3-7 năm tới. “Nội dung trên Internet sẽ trở nên rất phức tạp, khó đoán định”, ông nói.

Theo ông, khi khả năng của AI được cải tiến, nó sẽ thống trị thế giới trực tuyến. Còn hiện nay, dữ liệu trên mạng vẫn do con người tạo ra và AI chỉ đóng vai trò tổng hợp, trích dẫn thông tin.

Theo Futurism, việc AI có thể tự tạo nội dung không phải điều xấu. Tuy nhiên, phản hồi của chatbot hiện vẫn chứa thành kiến của người đào tạo nó. Ngoài ra, chúng cũng đưa ra nội dung một chiều, tự bịa đặt câu trả lời, từ đó có thể khiến thông tin sai lệch tràn lan trên Internet.

Hiện tại, các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT đều dựa vào “AI tổng quát”. Chatbot trả lời câu hỏi bằng cách tìm kiếm thông tin liên quan trong kho dữ liệu từ Internet và tập hợp chúng thành những câu phản hồi mạch lạc.

Một chuyên gia Google Developer Expert (GDE) trong lĩnh vực máy học cho biết AI hiện có thể thay thế một phần công việc, nhưng vẫn còn khoảng cách rất xa trước khi có thể đảm nhận các nhiệm vụ phức tạp hơn.

“AI chưa thể thay thế hoàn toàn con người trong việc tổng hợp kiến thức mới, cũng như nội dung chuyên sâu, phức tạp. Vẫn cần con người tham gia vào quá trình chỉnh sửa và biên tập nội dung.”

AI có những ưu điểm giúp có thể sớm thay thế con người trong tương lai, như tiết kiệm chi phí tạo nội dung, trong khi tốc độ xử lý nhanh chóng. Ngược lại, nhược điểm của AI ở giai đoạn này là chưa chuyên sâu, chưa xác minh được độ tin cậy thông tin nên cần thêm thời gian phát triển.

Nhiều quan điểm cũng cho rằng điểm yếu của AI là độ tin cậy của thông tin do nó tạo ra còn thấp, nhưng sẽ được khắc phục trong tương lai.

Nghiên cứu từ năm 2022 của công ty cung cấp dịch vụ doanh nghiệp Capterra cho thấy, 33% người làm marketing được khảo sát cho biết có sử dụng trí tuệ nhân tạo và phần mềm máy học để tạo nội dung. Ứng dụng AI giúp họ hoàn thành nhanh và tiết kiệm hơn so với việc thuê người ngoài.

“Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người, nhưng sẽ là trợ thủ đắc lực cho những người làm nội dung biết cách ứng dụng AI vào công việc”, ông nói.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

[Download] Báo cáo The Connected Consumer Q4 2023

The Connected Consumer là báo cáo hàng quý do Decision Lab thực hiện, bắt đầu từ năm 2019. Báo cáo này tập trung vào thói quen trực tuyến của người tiêu dùng, bao gồm sử dụng mạng xã hội, giải trí (nhạc, phim, video trực tuyến) cũng như mua sắm trực tuyến. Dữ liệu trong báo cáo này được thu thập bằng bảng điều khiển trực tuyến của Decision Lab.

[Download] Báo cáo The Connected Consumer Q4 2023
[Download] Báo cáo The Connected Consumer Q4 2023
Một số điểm đáng chú ý từ báo cáo người tiêu dùng kết nối The Connected Consumer Q4 2023.

Vị thế ứng dụng mạng xã hội duy nhất (primary app) của TikTok giảm 1% trong quý IV/2022. Đặc biệt, mức độ sử dụng ứng dụng này đã giảm đến 9% với Gen Z.

Ở hạng mục video giải trí, trong khi YouTube đang trở lại cuộc đua khi tăng 4% mức độ yêu thích của người dùng, TikTok lần đầu tiên “vấp ngã” với mức giảm 2%.

Sự hồi sinh của YouTube có thể được nhìn thấy giữa Gen X (+8%) và Gen Z (+3%), trong khi thế hệ sau ngày càng ít say mê TikTok (-5%).

Nhưng đòn giáng mạnh nhất vào TikTok có lẽ nằm ở mục short form video. Facebook Reels và YouTube Shorts đã có lượt sử dụng tăng đáng kể trong quý IV/2022, khiến Facebook vượt TikTok trở thành nền tảng được sử dụng nhiều nhất để xem video ngắn.

TikTok không còn là sự lựa chọn duy nhất của Gen Z khi tìm đến video ngắn. Mức độ yêu thích của thế hệ này với “con gà đẻ trứng vàng” của ByteDance liên tục giảm trong hai quý qua. Xu hướng này cũng đang bắt đầu xuất hiện với Gen Y.

Có vẻ như sự thống trị của TikTok trong mảng video ngắn đã đến hồi kết, YouTube và Facebook đã sẵn sàng để chiếm lấy ngai vàng.

Quý IV/2022 không hẳn quá ảm đạm với TikTok. Nền tảng này liên tục tăng trưởng trong danh mục thương mại điện tử, tăng 5% theo quý.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này diễn ra trong một bối cảnh lành mạnh, với những cái tên lớn trong ngành cũng chứng kiến sự tăng trưởng.

Bạn có thể tải xuống báo cáo đầy đủ tại đây.

The Connected Consumer là báo cáo hàng quý do Decision Lab thực hiện, bắt đầu từ năm 2019. Báo cáo này tập trung vào thói quen trực tuyến của người tiêu dùng, bao gồm sử dụng mạng xã hội, giải trí (nhạc, phim, video trực tuyến) cũng như mua sắm trực tuyến. Dữ liệu trong báo cáo này được thu thập bằng bảng điều khiển trực tuyến của Decision Lab.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Câu chuyện thương hiệu về chiếc đồng hồ của Hermès

Đồng hồ của Hermes không quá đình đám về mặt kỹ thuật nhưng lại gây ấn tượng về mặt thương hiệu và kiểu dáng, chất liệu dây da. 

Câu chuyện thương hiệu về chiếc đồng hồ Hermes
Câu chuyện thương hiệu về chiếc đồng hồ Hermes

Hermes được Thierry Hermes thành lập vào năm 1837 và nhanh chóng nổi tiếng. Hãng đã xây dựng đế chế thời trang của mình lấy cảm hứng từ thế giới cưỡi ngựa, ban đầu là thiết bị cho ngựa, sau đó là phụ kiện du lịch, rồi chuyển sang khăn quàng cổ, đồ gia dụng và trang sức.

Đến năm 1912, chiếc đồng hồ đeo tay Hermes đầu tiên được tạo ra như một món quà dành cho con gái Emile Hermès với thiết kế tối giản và thiết thực.

Tuy nhiên, phải đến sau năm 1928, thương hiệu Pháp mới bắt đầu làm đồng hồ cho mục đích thương mại, khi hợp tác với Movado của Thụy Sĩ.

Lịch sử sản xuất đồng hồ của thương hiệu Hermes.

Năm 1978 đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử sản xuất đồng hồ của Hermes: Bộ phận “La Montre Hermes” được thành lập tại Biel, Thụy Sĩ, để phát triển và phân phối những chiếc đồng hồ thanh lịch của hãng. Cùng năm, chiếc đồng hồ Arceau mang tính biểu tượng được ra mắt.

Sau khi tạo ra một số đồng hồ mới vào cuối thế kỷ XX, Hermes mua lại 25% cổ phần của Vaucher với giá gần 25 triệu USD vào năm 2006. Bước đi quan trọng này cho phép thương hiệu gia đình đầu tư vào kỹ thuật sản xuất đồng hồ và cung cấp những chiếc đồng hồ cao cấp hơn nhiều.

Ngày nay, nhà mốt này sản xuất hơn 60.000 chiếc đồng hồ mỗi năm và sở hữu hơn 10 thiết kế đồng hồ chính bao gồm: Médor, Kelly, Dressage, Arceau, Heure H, Slim, Galop, Cape Cod, Nantucket, Faubourg, Carré H.

Mối liên hệ giữa ngựa và các sản phẩm của Hermes là không thể phá vỡ và mỗi chiếc đồng hồ của thương hiệu này gợi nhớ đến thế giới cưỡi ngựa về hình dáng, tên gọi, chất liệu và các quảng cáo.

Phong cách thời trang mang tính biểu tượng.

Ban đầu, Hermes chỉ sản xuất đồng hồ dành cho nữ, chủ yếu chạy bằng bộ máy thạch anh. Sự phát triển về cơ khí đã diễn ra dần dần về sau.

Bước ngoặt quan trọng nhất là vào năm 2006, khi Hermes mua lại 25% cổ phần của Vaucher và sau đó vài năm cho ra đời hai bộ máy H1837 và H1912, với cơ chế tự lên dây cót đồng thời có chế độ hiển thị giờ, phút, giây và ngày tùy thuộc vào kiểu máy.

Vào năm 1991, khi Hermes yêu cầu Henri d’Origny thiết kế một chiếc đồng hồ hình vuông nhưng đối tác sáng tạo lâu năm của nhà sản xuất đã phản đối hình dạng tiêu chuẩn của ngành và thay vào đó đã đưa ra concept Cape Cod – một hình vuông bên trong một hình chữ nhật. Năm 1998, Martin Margiela đã thiết kế dây da bọc đôi nổi tiếng, giúp Cape Cod trở thành một biểu tượng phong cách ngay lập tức cho cả nam và nữ.

Nói về dây da, Hermes có thể tự tin là một trong những nhà sản xuất nổi tiếng nhất. Họ có hai chiếc túi kinh điển nhất mọi thời đại là Birkin và Kelly, đều là những món đồ da thượng đẳng.

Đồng hồ và dây đeo là sản phẩm duy nhất mà Hermes sản xuất bên ngoài nước Pháp. Cả hai đều có nguồn gốc từ đất nước Thụy Sĩ, nơi có những phụ nữ khâu vá, dán, đục lỗ và dập dây.

Quy trình bắt đầu trong phòng bảo quản da được kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm, với những miếng da cá sấu hồng bóng, da bê mềm như bơ và da Barenia cứng cáp. Chúng đến từ khắp nơi ở châu Âu cũng như xưởng thuộc da của Hermes ở Italia.

Lớp lót của dây đeo Hermes đều được làm từ da Zermatt vì chất liệu rất mềm này phù hợp với vùng da rất nhạy cảm ở cổ tay. Một trong những sản phẩm kinh điển của của Hermes chính là da Barenia, một loại da dày màu nâu cho cảm giác hơi nhờn khi chạm vào nhưng sẽ càng trở nên sáng bóng theo thời gian.

Da được chế tạo bởi duy nhất một xưởng thuộc da ở vùng Alsace của Pháp, nơi nắm giữ bằng sáng chế cho những bí mật của quy trình thuộc và sản xuất da.

Những chiếc dây đeo được chăm chút rất tốt và được hoàn thiện bằng một chữ “H” được khâu ở bên trong mà chỉ người đeo đồng hồ mới có thể nhìn thấy.

Các dây đai được đánh bóng bằng sáp ong và sau đó chúng được kiểm tra chất lượng theo đúng quy trình nghiêm ngặt của Hermes. Trên thực tế, khách hàng sở hữu túi xách Hermes Kelly thường chọn đeo đồng hồ có dây đeo đồng điệu.

Ngày càng “sừng sỏ”.

Trong báo cáo thường niên gần nhất được công bố, Hermes cho biết doanh thu năm 2021 tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái, lên gần 9 tỷ euro.

Trong đó, danh mục nổi bật nhất là đồng hồ, với doanh thu tăng 72,5% – con số cao hơn mức trung bình của cả ngành đồng hồ cao cấp Thụy Sĩ. Đại dịch đã xóa sổ rất nhiều nhà máy sản xuất đồng hồ trong năm 2020, nhưng Hermes thì vẫn đứng vững.

Guillaume de Seynes, Chủ tịch của bộ phận kinh doanh đồng hồ Hermes cho biết: “Chiến lược của chúng tôi trong 15 năm qua là mong muốn được coi như một nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ đích thực. Kỹ thuật thủ công đỉnh cao trong đồng hồ Thụy Sĩ là cơ khí. Hermes tập trung nhiều vào sự sáng tạo.

Các sản phẩm cơ khí cao cấp tinh xảo của hãng như Arceau Le Temps Suspendu và Arceau L’Heure De La Lune đều từng đoạt giải thưởng danh giá của ngành đồng hồ Grand Prix d’Horlogerie de Genève, danh hiệu giúp nâng cao cả tên tuổi lẫn doanh thu của hãng”.

Năm 2021, Hermes sản xuất 65.000 chiếc đồng hồ, tăng từ 50.000 chiếc vào năm 2019 với mức giá trung bình tăng từ 6.075 euro lên 7.500 euro, đã bao gồm thuế. Ngoài ra, Hermes còn giảm doanh số bán lẻ bên ngoài xuống chỉ còn 10% để kiểm soát lợi nhuận tốt hơn.

Dữ liệu từ Morgan Stanley và Luxe Consult cho thấy Hermes đang vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh. Trong báo cáo năm 2021 của họ về ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ, được công bố vào tháng trước, họ đã tính toán rằng kết quả của Hermes đã đưa hãng trở thành nhà sản xuất đồng hồ lớn thứ 19 của Thụy Sĩ theo doanh thu, tăng 7 bậc kể từ năm 2019.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | Theo NDH