Skip to main content

Thẻ: Nghề nghiệp

Lời khuyên về sự nghiệp từ nhà sáng chế trẻ nhất mọi thời đại tại Estonia

Có một bài học mà Bà Hindriks – doanh nhân, diễn giả, CEO trẻ nhất của kênh truyền hình về âm nhạc MTV, đã rất khó khăn mới học được trên con đường phát triển sự nghiệp.

Lời khuyên về sự nghiệp từ nhà sáng chế trẻ nhất mọi thời đại tại Estonia
Source: Jobbatical

Từng phạm sai lầm lớn khiến công ty đầu tiên xuống dốc, nên hiện tại, khi điều hành các công ty mới, Bà Karoli Hindriks đã đưa ra một lời khuyên sự nghiệp đặc biệt giá trị không chỉ với các nhà khởi nghiệp.

Khi sáng lập doanh nghiệp đầu tiên ở năm 16 tuổi (chuyên cung cấp các loại phụ kiện phản chiếu dành cho người đi bộ), Hindriks trở thành nhà sáng chế trẻ nhất mọi thời đại ở Estonia. Và lúc đó, cô bất ngờ nhận ra, có thứ gì đó đã thay đổi.

“Với doanh nghiệp đầu tiên này, tôi trở nên nổi tiếng quá nhanh. Tôi được mời đến nói chuyện ở vô số trường học và các diễn đàn doanh nhân.

Rồi rốt cuộc tôi đã dành nhiều thời gian để nói chuyện về doanh nghiệp của mình hơn là thực sự vận hành nó”, Hindriks nói với CNBC.

Khi MTV mở rộng phạm vi hoạt động vào Estonia, Hindriks đã được chọn là CEO của MTV tại Estonia, rồi sau đó làm việc ở vị trí này hơn 3 năm. Nhưng điều này cũng dẫn đến tình trạng doanh nghiệp ban đầu của Hindriks ngày càng xuống dốc.

“Không có gì trong số những điều đó giúp tôi hoặc doanh nghiệp tôi tiến bộ hơn, chúng khiến tôi bị phân tán thời gian lẫn sự chú ý”, Hindriks chia sẻ.

“Vì muốn có một sự nghiệp thành công, bạn sẽ dễ dàng bị cám dỗ để gật đầu với tất cả mọi người về tất cả mọi thứ. Trong khi điều bạn cần làm là vạch ra những giới hạn và xác định thời điểm cần nói Không“, Karoli Hindriks cho biết trên CNBC.

Đây đã từng là sai lầm mà nhà sáng chế trẻ nhất Estonia (hiện tại 35 tuổi) khẳng định sẽ không lặp lại đối với các doanh nghiệp mới do mình làm chủ hoặc điều hành, nổi bật trong số đó là Jobbatical – một website tuyển dụng ở phạm vi quốc tế.

Và đây cũng là lời khuyên sự nghiệp mà Karoli Hindriks thường xuyên chia sẻ với các ứng viên của mình.

Giờ đây, bất kỳ khi nào nhận được lời yêu cầu nào có liên quan đến công việc, Hindriks đều tự hỏi mình 3 câu hỏi đơn giản:

  • Nó có giúp ích cho doanh nghiệp tôi?
  • Nó có giúp ích cho gia đình tôi?
  • Nó có giúp ích cho bản thân tôi?

Nếu bất kỳ câu trả lời nào trong số này là “Có”, Hindriks sẽ chấp nhận lời yêu cầu đó. Ngược lại, Hindriks sẽ kiên quyết nói “Không”.

“Việc này có thể khiến tôi trông có vẻ kỳ quặc, nhưng tôi biết tôi sẽ trở thành một người mẹ, một CEO và một người tốt hơn, nếu tôi biết khi nào nên đặt ra những giới hạn”, Hindriks chia sẻ.

Thậm chí cho đến bây giờ, Hindriks vẫn thấy việc này rất khó khăn, và thú nhận rằng mình vẫn “đang phải học dần”. Kiểu tiêu chuẩn này cũng giúp Hindriks trở nên chủ động hơn, sáng tạo hơn trong việc quản lý thời gian, và để có thể nói “Có” với những cơ hội tốt và phù hợp.

Chẳng hạn, nếu được mời dự một bữa ăn tối để bàn công việc, cựu CEO của MTV tại Estonia có thể sẽ yêu cầu được chuyển thành một bữa ăn trưa, nhằm để dành cho mình một buổi tối rảnh rỗi để chơi với con gái, chạy bộ, hoặc chỉ đơn giản là để tận hưởng được buổi tối sớm hơn một chút.

“Khả năng, nguồn lực của tất cả chúng ta đều có hạn, vì thế, bạn chỉ nên tập trung thời gian cho những điều bạn thực sự quan tâm và có thể tạo ra sự khác biệt với nó”, Bà Hindriks nhấn mạnh.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn

Bill Gates và Sundar Pichai coi đây là cách tốt nhất để chọn nghề

Khi nói đến việc lựa chọn một nghề nghiệp mà bạn có nhiều khả năng thành công nhất, đây là cách mà cả nhà sáng lập Microsoft và CEO của Google đều đồng ý.

Bill Gates và Sundar Pichai coi đây là cách tốt nhất để chọn nghề
Bill Gates and Sundar Pichai. Getty Images

Mọi người thường thích đọc về thói quen, sở thích và hành trình sống của những người siêu thành công hay giàu có, nếu bạn thử tìm kiếm với vài từ khoá đơn giản bạn có thể bắt gặp ngay vô số những bài viết dạy bạn cách để thành công.

Bản chất vốn có của con người là tìm kiếm một con đường tốt và êm ả nhất để đi theo, nhưng nếu bạn càng đọc những bài viết kiểu đó, bạn sẽ sớm nhận ra rằng: Những người mà bạn ngưỡng mộ đã đi những con đường rất khác nhau trước khi chạm đến thành công.

Jeff Bezos đã dành toàn bộ tâm huyết của mình cho lĩnh vực tài chính trước khi xây dựng Amazon, Bill Gates bắt đầu kiếm tiền bằng việc viết phần mềm từ khi còn học trung học. Một số tỷ phú là người ưa dậy sớm, những người khác lại chọn cách làm “cú đêm”.

Một số dường như đã sinh ra với những sự tự tin và năng lực siêu phàm, những người khác thừa nhận rằng họ đã đấu tranh với vô số sự nghi ngờ.

Khi bạn đọc những câu chuyện thành công này, rõ ràng là sẽ không có bất cứ một con đường duy nhất nào dẫn đến sự vĩ đại hay giàu có.

Điều đó có nghĩa là ngay cả khi những người thành công nhất cùng đồng ý về một lời khuyên về cách đạt được thành công, việc chúng ta cần làm là bình tĩnh, ghi chú và lựa chọn những cách thức cho riêng mình.

Niềm đam mê có thể mang lại cho bạn động lực để thành công.

Trong một bài nói chuyện của Bill Gates với các sinh viên trường Harvard, khi đó ông được hỏi: Làm thế nào để bạn chọn đúng con đường sự nghiệp khi bạn không chắc chắn về những điều mình muốn trong cuộc đời?

Câu trả lời của Bill Gates có thể khiến nhiều người khó hiểu. Ông nói: “Điều có thể khiến bạn trở nên thành công nhất là bất cứ điều gì bạn bị ám ảnh từ năm bạn 12 đến 18 tuổi”.

Khi nói về thời niên thiếu, trong khi phần lớn chúng ta thường nghĩ về những sự bối rối vu vơ hoặc coi nhẹ những câu chuyện của chính cuộc đời mình, nhưng Bill Gates lại coi chúng là một cánh cửa dẫn đến niềm đam mê thực sự của bạn.

Và bạn rất có thể sẽ trở nên siêu thành công trong lĩnh vực nào đó mà bạn thực sự đam mê, bởi vì niềm đam mê mang lại cho bạn động lực để thực hiện và vượt qua những công việc khó khăn, điều mà sự thành công luôn luôn đòi hỏi.

Cũng nói về điều này, CEO của Google Ông Sundar Pichai chia sẻ:

“Tôi luôn cảm thấy rằng, hơn cả những gì lý trí mách bảo, bạn cần phải tìm hiểu xem trái tim mình đang bị kích thích bởi điều gì. Đó là một cuộc hành trình và bạn sẽ biết nó khi bạn tìm kiếm nó. Nếu bạn tìm thấy điều đó, mọi thứ sẽ sớm trở thành hiện thực.”

Bạn vẫn nghe nhiều lời khuyên nói rằng, đừng theo đổi đam mê?

Nếu như Bill Gates hay Sundar Pichai dường như tin rằng theo đuổi đam mê của bạn là con đường dẫn đến sự thống trị trong sự nghiệp cá nhân. Thì vẫn còn một số quan điểm có vẻ như là hơi khác.

Nhà đầu tư và doanh nhân người Mỹ Ben Horowitz và nhiều người khác đã khẳng định rằng “hãy theo đuổi đam mê của bạn”, trên thực tế, là một lời khuyên nghề nghiệp tệ hại.

Trong bài phát biểu của mình khi nói đến việc theo đuổi đam mê của bạn, Horowitz nói: “Hãy tự suy nghĩ. Tự suy nghĩ nghe có vẻ đơn giản và tầm thường, nhưng thực tế thì nó cực kỳ khó khăn và rất cần sự sâu sắc.”

“Nếu bạn nhìn nhận một cách trung thực về các kỹ năng và sở thích hiện có của mình và kết hợp chúng với cách bạn có thể đóng góp để giải quyết các vấn đề của thế giới, thì thế giới sẽ khen thưởng bạn như là một cách phản hồi.”

Các câu nói có thể khác nhau, tuy nhiên, nếu xét về ý nghĩa và mục đích cuối cùng thì cả Bill Gates, Sundar Pichai và Horowitz thực ra không khác gì mấy.

Theo đuổi đam mê của bạn một cách mù quáng vào các lĩnh vực mà bạn không có tài năng là một ý tưởng thực sự tồi, bằng cách này, bạn có thể bỏ qua những điểm mạnh và sở thích của bản thân, và bạn chỉ đang cố gắng để trở thành bất cứ điều gì mà bạn tưởng tượng là thế giới (hoặc cha mẹ bạn) muốn bạn trở thành.

Trước khi có thể tạo ra được bất cứ dấu ấn nào trên thế giới, bạn cần biết mình thực sự là ai, bạn thích gì, bạn giỏi điều gì và mục đích của bạn ra sao.

Nghe thì có vẻ hơi khó nhưng đó là cách mà bạn nên làm.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn

Bạn có đang sai lầm khi nghĩ về khái niệm “nấc thang nghề nghiệp”

Kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng không có bất cứ một nấc thang chung nào dẫn đến thành công.

Bạn có đang sai lầm khi nghĩ về khái niệm "nấc thang nghề nghiệp"

Để dẫn đến thành công, không có một nấc thang nào là giống nhau. Bạn cần phải tìm hết chỗ đứng này đến chỗ đứng khác và tiến lên từ nơi mà ở đó bạn tìm thấy mình.

Đây chính xác là cách tôi đã làm điều đó. Nó không phải là một con đường bình thường.

Trên suốt đường đi, những nơi và khoảnh khắc không mong đợi nhất đã thúc đẩy tôi phải tiến lên phía trước.

Đó là một quá trình học hỏi không ngừng và tìm ra một nấc thang phù hợp.

Mỗi bước trên con đường này đã dạy cho tôi rất nhiều bài học, dưới đây là 4 bài học được coi là những bước ngoặt lớn nhất giúp tôi phát triển sự nghiệp của mình.

Đừng lo sợ khi phải thay đổi định hướng.

Công việc chuyên môn đầu tiên của tôi sau khi học xong đại học là tại một công ty luật ở Sydney. Luật không dành cho tôi, nhưng nó đã kết nối tôi với chủ một trang trại ở Bendemeer, New South Wales, Úc, người đang tìm kiếm một người quản lý ngắn hạn.

Một ngày nọ, sau khi chở một chiếc xe tải đầy gia súc đến chợ, tôi kinh ngạc khi phát hiện ra rằng giá gia súc đã giảm đi đáng kể.

May mắn thay, chủ trang trại đã phòng ngừa rủi ro trên thị trường kỳ hạn (cũng có thể gọi là thị trường giao chậm: futures market), điều mà tôi chưa bao giờ nghe nói đến trước đây.

Và đây cũng là sự khởi đầu của một niềm đam mê lâu dài của tôi với thị trường.

Tôi đổi bốt và quần jean thành áo khoác và giày cao gót, và đi đến Sydney Futures Exchange (môt sàn giao dịch ở Sydney, Úc).

Với tư cách là một trong ba nữ giao dịch viên trên sàn vào thời điểm đó, chúng tôi đã chứng tỏ mình cũng nhanh chân không kém các đồng nghiệp nam khác.

Nếu không nhận công việc tại công ty luật đầu tiên đó, không trở thành một người làm trang trại tay ngang, có lẽ tôi đã không bao giờ khám phá ra niềm đam mê của mình với thị trường. Đó là một dấu ấn lớn của tôi.

Đừng bao giờ giả sử là…bạn không thể.

Tôi đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để xây dựng và vận hành các doanh nghiệp toàn cầu tại J.P. Morgan, nơi ban đầu tôi cho rằng có một mức độ hạn chế nhất định về nấc thang nghề nghiệp của các phụ nữ.

Điều đó đã thay đổi khi sếp của sếp tôi – một người phụ nữ – được thăng chức lên làm giám đốc điều hành, một vai trò mà tôi nghĩ là sẽ dành cho những người đàn ông tóc bạc.

Tôi đã nỗ lực nhiều hơn và cuối cùng tôi được thăng chức lên làm giám đốc điều hành – may mắn thay, điều này xảy ra trước khi tóc tôi bạc đi.

Theo tôi, sẽ luôn có một rào cản vô hình nào đó trong nhiều tổ chức và ngành công nghiệp, bạn hãy thừa nhận điều đó và phải làm việc nhiều hơn để đạt được mục tiêu của mình.

Đừng bao giờ cho rằng bạn không thể đạt đến một trình độ hay vị trí nhất định nào đó chỉ vì giới tính hay những rào cản vô hình khác.

Bạn cần mang trong mình suy nghĩ rằng bạn có thể thành công. Nếu bạn chạm phải những rào cản vô hình, hãy giải quyết và vượt qua nó tốt nhất có thể – thông qua bộ phận nhân sự, thảo luận với các nhà quản lý hoặc làm bất cứ điều gì cần thiết.

Đừng thoả hiệp với các ưu tiên của bản thân.

Thói quen làm việc của tôi không giống với J.P. Morgan hay những năm 1990. Trước khi mặt trời mọc trên Phố Wall, tôi đã ở văn phòng, cầm trên tay cốc cà phê để 12 giờ sau có thể về nhà ăn tối với gia đình.

Về nhà sớm cho các bữa tối gia đình là điều mà tôi sẽ không bao giờ muốn từ bỏ. Cuối cùng, qua nhiều lần trao đổi, thấu hiểu và tin tưởng, tôi và sếp đã đi đến một thỏa thuận phù hợp với cả hai.

Ví dụ, thay vì yêu cầu tôi “chuyển cái này cho tôi trước khi kết thúc giờ làm việc” ở những thời điểm không phù hợp (trừ những trường hợp đặc biệt), anh ấy bắt đầu tin tưởng tôi và cho tôi một khoảng thời gian phù hợp hơn.

Tôi đã có thể vừa thành công và vừa duy trì những khoảng thời gian quan trọng dành cho gia đình bằng cách sáng tạo, trình bày rõ ràng hơn về sở thích của mình và chứng minh rằng tôi là người đáng tin cậy.

Đừng bao giờ đánh mất tầm nhìn dài hạn.

Trong những khoảng thời gian có nhiều thay đổi đáng kể trong cuộc đời, tôi đã dành nhiều thời gian hơn cho bản thân.

Việc dành thời gian và không gian riêng cho bản thân, thoát ra khỏi những công việc hàng ngày để lấp đầy những suy nghĩ cho phép tôi tập trung vào các mục tiêu dài hạn của mình.

Sau đó, thay vì chỉ đưa ra quyết định về các bước đi tiếp theo, tôi đã có thể nhìn thấy môt bức tranh dài hạn hơn và cũng biết tôi nên làm gì để đến được đó.

Tôi quay lại J.P. Morgan với tâm thế tỉnh táo hơn. Một trong những nghĩa vụ của tôi là tham gia vào một ban chỉ đạo về sự đa dạng trong tổ chức.

Nhiệm vụ mang tính tầm nhìn của tôi đã mở đường cho một lộ trình mới, giúp phụ nữ vươn lên trong kinh doanh: Tôi hỗ trợ cho các doanh nhân nữ.

Nếu có một bài học tổng quát nào đó từ những kinh nghiệm này của tôi, thì đó sẽ là một nấc thang riêng biệt. Đó là sự lựa chọn của bạn để dịch chuyển và nắm bắt bất kỳ cơ hội nào đến với bản thân.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn

6 cách để phát triển nghề nghiệp của bạn nếu doanh nghiệp không quan tâm đến điều đó

Để thành công một cách chuyên nghiệp, nhân viên ở tất cả các cấp độ phải học cách xác định điểm yếu của họ, phát hiện ra các điểm mù, củng cố từng phần chuyên môn và kỹ năng của họ.

6 cách để phát triển nghề nghiệp của bạn nếu doanh nghiệp không quan tâm đến điều đó
Cre: Lattice

Chúng ta hiện đang sống trong một thời đại phát triển sự nghiệp “do-it-yourself”. Nơi mà các doanh nghiệp ít khi cung cấp các khóa đào tạo chính thức cho nhân viên của họ.

Điều này một phần có thể là do nhân viên đang thay đổi công việc thường xuyên hơn khiến các doanh nghiệp không còn thấy được giá trị của việc đầu tư vào yếu tố con người.

Tại PepsiCo, chủ yếu là trong những năm 1990, “phát triển cá nhân” từng được coi như là một sáng kiến ​​quan trọng hàng đầu của công ty.

Tuy nhiên, các tổ chức ngày nay, vì đang ngày càng xem nhẹ hơn vấn đề này mà họ đã để lại cho nhân viên những lỗ hổng kỹ năng và những điểm mù có thể làm ảnh hưởng xấu đến cả cá nhân lẫn tổ chức của họ.

Korn Ferry, một đơn vị chuyên về tư vấn quản trị phát hiện ra rằng các nhà quản lý hiện chỉ tự đánh giá họ dựa trên các kỹ năng quản lý, còn kỹ năng phát triển những người khác, cụ thể là nhân viên của họ thì hầu như không còn được coi trọng.

Trong bối cảnh này, những người lao động ở tất cả các cấp độ cần phải tự học cách xác định điểm yếu của họ, phát hiện ra các điểm mù, tự cũng cố chuyên môn và kỹ năng để luôn sẵn sàng phát triển sự nghiệp của mình.

Dưới đây là những cách mà bạn có thể làm.

Hiểu những gì bạn được đánh giá.

Thành công ở vị trí của bạn sẽ được trông như thế nào? Mục tiêu công việc và thước đo thành công của bạn là gì? Tốt nhất là bạn nên xác định những điều này với người quản lý của mình, nhưng nếu điều đó không xảy ra, thì hãy tự viết ra những gì bạn hiểu về các mục tiêu và chỉ số hiệu suất chính.

Sau đó, chủ động đưa chúng cho sếp của bạn để nhận được sự đồng ý hay ý kiến của họ.

Mọi thứ sau đó bạn cần chỉ là đối thoại liên tục để đảm bảo rằng bạn luôn đi đúng hướng.

Giải quyết các điểm mù của riêng bạn.

Những nhân viên xuất sắc nhất luôn tự học hỏi và điều chỉnh, đồng thời họ thường xuyên tìm kiếm những phản hồi từ sếp, đồng nghiệp và cấp dưới của họ. Nếu sếp của bạn không chủ động đưa ra các phản hồi cho bạn, hãy tự mình bắt đầu các cuộc trò chuyện đó.

Cuối cùng, bạn chỉ cần lắng nghe và cảm ơn sếp của bạn vì những phản hồi.

Mã hóa những kiến ​​thức của bạn.

Bạn có thể ghi nhận các phản hồi và học hỏi bằng cách ghi chép lại chúng. Hãy liệt kê 5 đến 10 kỹ năng hoặc năng lực chuyên môn bạn cần để phát triển ở vị trí của mình và tự đánh giá cho từng kỹ năng hoặc năng lực đó.

Ví dụ: nếu bạn là một content marketer, bạn có thể ưu tiên những kỹ năng hàng đầu như: nghiên cứu thị trường (khách hàng, đối thủ, sản phẩm…), copywriting, hay SEO.

Tăng cường sự hiện diện của bạn với C-suite.

Không phải lúc nào bạn cũng có thể được các nhà lãnh đạo cấp cao chú ý thông qua công việc trực tiếp của mình, tuy nhiên, bằng cách chủ động đóng góp các sáng kiến, hoặc tham gia vào các sự kiện của công ty bạn cũng có thể gây ấn tượng với họ.

Với những nhà quản lý cấp cao, những gì họ cần thấy từ bạn là bạn đang chủ động hành động bất chấp sự yêu cầu từ họ. Dần dần, họ bắt đầu quan tâm đến các ý kiến của bạn.

Trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà doanh nghiệp của bạn rất quan tâm.

Doanh nghiệp của bạn có thể đang phải vật lộn với những sự gián đoạn từ các công nghệ mới như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây hay cả việc ứng dụng chuyển đổi số. Nếu bạn là một chuyên gia thực sự trong các phạm vi đó, rất có thể bạn sẽ trở thành một điểm sáng của doanh nghiệp.

Việc phát triển chuyên môn trong một lĩnh vực mới có thể giúp bạn đến gần hơn với những sự thăng tiến và các cơ hội nghề nghiệp khác.

Không ngừng tìm kiếm những lời khuyên.

Bạn nên cố gắng tiếp cận và gặp gỡ các chuyên gia hay nhà cố vấn trong ngành một cách thân thiện nhất: trong quán cà phê, trong các buổi dã ngoại hoặc cùng tham gia một trò chơi nào đó chẳng hạn.

Khi mọi thứ trở nên gần gũi hơn, bạn có thể chủ động hỏi những thứ liên quan và hy vọng nhận được câu trả lời từ họ.

Ở hầu hết các vị trí, cho dù đó là bán hàng doanh nghiệp, tiếp thị thương hiệu hay tài chính doanh nghiệp, người có năng lực thực sự thường có các kiến ​​thức chuyên môn sâu trong bốn hoặc năm phạm vi công việc khác nhau.

Nếu bạn không sẵn sàng nhận thêm nhiều nhiệm vụ, đặc biệt là các nhiệm vụ khó, một bộ kỹ năng toàn diện sẽ rất khó để có được. Nó cần sự kiên nhẫn và nỗ lực từ bạn.

Bộ kỹ năng này của bạn cuối cùng là vốn nghề nghiệp của bạn, vì vậy hãy dành thời gian để phát triển nó.

Ngoài ra, việc chuyển từ công việc này sang công việc khác quá nhanh (chẳng hạn như trong vòng 1-2 năm) thường sẽ không cho phép bạn phát triển chuyên môn mà bạn cần để thăng tiến sự nghiệp của mình. Do đó bạn cũng nên lưu ý là nên làm việc ít nhất 2 năm nếu một doanh nghiệp nào đó bạn cảm thấy là phù hợp.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Nam Nguyen

Career Path: Lời khuyên nghề nghiệp từ những người cực kỳ thành công

Những lời khuyên tuyệt vời về nghề nghiệp có thể giúp bạn chuyển đổi. Nó có thể đưa bạn đến một quỹ đạo hoàn toàn mới, một vai trò mới hoặc thậm chí là thúc đẩy bạn thực hiện một thay đổi lớn.

Career Path: Lời khuyên nghề nghiệp từ những người cực kỳ thành công

Tôi đã từng ngồi đối diện với một ông chủ và lắng nghe ông ấy đọc bản đánh giá hiệu suất  công việc của tôi trung thực đến mức tàn nhẫn.

Vào thời điểm đó, tôi đang làm việc với tư cách là nhà tâm lý học người tiêu dùng cho một công ty quảng cáo đa quốc gia.

Công việc của tôi liên quan đến việc tư vấn cho các thương hiệu lớn về cách thuyết phục khách hàng tương tác với sản phẩm và dịch vụ của họ một cách tốt nhất.

Mặc dù tôi không nhớ gì về những phản hồi tích cực mà tôi đã nhận được vào ngày hôm đó, nhưng có một phần phản hồi mang tính xây dựng thì nó đã ở lại với tôi.

Ông ấy nói với tôi: “Vấn đề đối với anh là, anh thích đúng hơn là được yêu thích.”

Những gì ông ấy muốn là cam kết kiên định của tôi về việc hãy nói với khách hàng của tôi rằng họ đã sai nếu họ đề xuất bất kỳ điều gì mâu thuẫn với những insights mà tôi đã có được thông qua nghiên cứu của mình.

Tôi thì không quan tâm đến việc xây dựng các mối quan hệ. Tôi chỉ quan tâm đến việc báo cáo về các dữ kiện và đảm bảo mọi người khác làm việc dựa trên các dữ kiện đó.

Nhưng hóa ra, đây không phải là một cách tốt nhất để thuyết phục mọi người – mà trớ trêu thay, đó lại chính là công việc của chính tôi.

Trong khi, lúc đầu tôi đã chống lại lời khuyên của sếp mình, tôi đã dần dần bắt đầu nỗ lực để xây dựng mối quan hệ tốt hơn với khách hàng của mình và hiểu rằng mối quan hệ giữa các cá nhân cũng quan trọng như một phương pháp thuyết phục khác.

Đối với tôi, bài học đó đã thay đổi cơ bản cách tôi nghĩ về giao tiếp và tôi vẫn sử dụng nó để thuyết phục mọi người rằng những ý tưởng của tôi là những ý tưởng tuyệt vời.

Tất cả những người thành công mà tôi từng gặp đều đồng ý rằng những lời khuyên công việc tuyệt vời có thể tạo ra sự chuyển đổi. Nó có thể đưa bạn đến một quỹ đạo hoàn toàn mới, một vai trò mới hoặc thậm chí là thúc đẩy bạn thực hiện một thay đổi lớn.

Dưới đây là danh sách những lời khuyên đã được sử dụng để thúc đẩy sự nghiệp của họ về phía trước. Có lẽ bạn cũng sẽ thấy nó hữu ích.

Không phải tất cả các phản hồi đều khách quan.

Alison Watkins, giám đốc điều hành của tập đoàn của Coca-Cola Amatil, bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một người được mô tả là “người quá mức không an toàn”.

Do tính chất công việc, cô rất dễ bị tổn thương bởi những phán xét của người khác.

Tuy nhiên, cuối cùng cô nhận ra rằng những người đưa ra các phán xét có thể không thực sự có khả năng nhận định đặc biệt tốt.

Trải qua nhiều năm trong những vai trò cấp cao, Watkins đã học cách chấp nhận một quan điểm khác khi cô nhận ra rằng việc chấp nhận những đánh giá hay phán xét của mọi người không có lợi cho cô.

“Tôi đã trở nên tốt hơn rất nhiều khi chấp nhận rằng không phải ai cũng sẽ đồng ý với những lựa chọn mà tôi đưa ra hoặc những điều tôi nói hoặc làm,” Watkins nói.

“Tôi đã học được giá trị của những đánh giá từ những người được cho là thông thái hoặc được cân nhắc, và phản hồi của họ thực sự rất quan trọng đối với tôi. Tôi cố gắng không để mình bị tổn thương trước những đánh giá của những người ít hiểu biết hơn.”

Mẹo chuyên nghiệp: Thay vì phản ứng lại tất cả các phản hồi ngay lập tức, hãy dành một chút thời gian cho những người đưa ra phản hồi.

Hãy tự hỏi bản thân: Họ có nghĩ đến lợi ích tốt nhất của bạn không? Họ có kinh nghiệm hoặc chuyên môn về chủ đề mà họ đã phản hồi cho bạn không? Nếu câu trả lời là không cho cả hai câu hỏi, bạn nên cân nhắc về việc tiếp nhận phản hồi.

Thử thách “tôi của tương lai”.

Việc bản thân có được cảm giác thôi thúc để thử các vai trò hoặc con đường sự nghiệp khác nhau là điều hết sức bình thường.

Scott D. Anthony, một nhà lãnh đạo tư tưởng đổi mới toàn cầu cũng là một ‘người hâm mộ’ với quan điểm thử thách này.

Ông nói:

“Ý tưởng là bạn thử nghiệm một cách có ý thức với các vai trò khác nhau, làm việc với phong cách của môt nhà lãnh đạo thực thụ, để xem điều gì là phù hợp nhất.

Ví dụ, tôi nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở thành một giáo viên. Nhưng liệu tôi có thực sự yêu thích công việc dạy học không?

Có những thử nghiệm nhỏ mà tôi có thể thực hiện trong vai trò hiện tại của mình để giúp tôi hiểu điều đó tốt hơn, bao gồm việc trò chuyện với những người đã thực hiện được chuyển đổi tương tự để xem điều gì đã xảy ra với họ.”

Mẹo chuyên nghiệp: Hãy cố gắng thoát ra khỏi chế độ làm việc và rơi vào chế độ chơi thường xuyên hơn. Như Anthony gợi ý, hãy coi nó như là một thử nghiệm nhỏ.

Hãy khơi dậy sự tò mò của bạn, lập danh sách những điều bạn muốn biết và những câu hỏi bạn có thể hỏi. Đây chính là lúc bạn tiến lên.

Lên lịch kiểm tra thường xuyên.

Nhà tâm lý học Adam Grant nói rằng tất cả chúng ta nên lên lịch kiểm tra cuộc sống của mình hai lần một năm.

Kiểm tra cuộc sống bao gồm việc tự hỏi bản thân xem bạn đang theo dõi sự nghiệp và công việc của mình như thế nào. Nó giúp bạn đảm bảo rằng bạn không mù quáng đi theo con đường sự nghiệp mà bạn sẽ phải hối tiếc nhiều năm sau đó.

Nếu bạn đang dự tính chuyển sang một công ty mới, thì điều đáng để suy nghĩ nhất đó là xem điều gì đã thu hút bạn đến với công việc và tổ chức hiện tại của mình, sau đó suy nghĩ xem liệu bạn có thực sự cần thiết phải rời đi để hoàn thành mục tiêu của mình hay không.

Khi mọi thứ đã rõ ràng, bạn có thể dành thời gian trò chuyện với sếp để chia sẻ mục tiêu của mình và hỏi xem họ có thấy bất kỳ cơ hội nào cho bạn ở tổ chức của họ không.

Làm tốt công việc hiện tại của bạn – ngay cả những công việc nhàm chán.

Millennials (Gen Y) nổi tiếng là thế hệ có kỳ vọng cao về công việc của họ. Đó là một điều thực sự tốt. Nhưng cũng nên chấp nhận rằng không có công việc nào là thú vị hoặc thách thức tại tất cả mọi thời điểm.

Đối với Wendy Stops, giám đốc hội đồng quản trị của Commonwealth Bank of Australia, ngân hàng lớn nhất ở Úc, lời khuyên cơ bản nhất về nghề nghiệp mà bà dành cho mọi người là hãy làm tốt công việc của mình.

Stops thừa nhận rằng phản ứng đầu tiên của mọi người đối với lời khuyên này là, “Đó là điều hiển nhiên.” Nhưng bà cho rằng không phải vậy.

Stops đã quan sát những người trẻ tuổi, những người có tham vọng trong sự nghiệp của họ đã cố gắng né tránh những công việc mà họ cho là khó hơn hoặc phàn nàn về những công việc mà họ cho là nhàm chán.

Nhưng bà khuyên rằng khi bạn làm tốt công việc cơ bản của mình, nó sẽ cho phép bạn sáng tạo hơn khi bạn làm những công việc lớn lao hơn.

Nếu mọi người tin tưởng rằng bạn có thể làm những việc nhỏ, họ có nhiều khả năng tin tưởng rằng bạn cũng có thể làm được những việc lớn.

Mẹo chuyên nghiệp: Đừng phàn nàn về những phần công việc nhàm chán hoặc tẻ nhạt của bạn. Mỗi công việc đều là sự pha trộn của những điểm tốt và xấu. Làm tất cả chúng thật tốt là điều bạn nên làm để toả sáng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Người trẻ không có tự tin như chiến binh ra trận không đem binh khí

Với những ứng viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, sự tự tin chính là yếu tố quan trọng giúp họ tạo được ấn tượng đầu tiên trước nhà tuyển dụng, dẫn dắt họ đến đến cơ hội nghề nghiệp mới mẻ.

Người trẻ mà thiếu sự tự tin giống như chiến binh ra trận mà không sẵn sàng binh khí để đánh giặc. Lúc lâm trận, ắt hẳn sẽ mang trong mình đầy nỗi sợ hãi và rụt rè.

Tất nhiên, kết cuộc trận chiến sẽ không bao giờ nghiêng về kẻ yếu mang trong mình đầy nỗi sợ hãi. Thế mới thấy, sự tự tin chính là thứ binh khí tốt nhất và lợi hại nhất mà người trẻ mới ra trường cần sở hữu khi bước vào chiến trường phỏng vấn đầy sự cạnh tranh.

Dù bạn không có bất kỳ kinh nghiệm làm việc hay mối quan hệ xã hội nào nhưng khi đã tham gia phỏng vấn ứng tuyển, bạn phải tự tin thể hiện được năng lực và kiến thức mà bản thân đã trau dồi tron quá khứ.

Kiến thức và năng lực đó có thể là quá trình bạn học tập từ trường lớp hoặc tự đúc kết từ những trải nghiệm cá nhân.

Sự thật là với những ứng viên trẻ tuổi, hầu hết nhà tuyển dụng sẽ không đòi hỏi quá khắt khe. Điều nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy chính là bản lĩnh của ứng viên đó để đánh giá xem liệu điều đó có thật sự xứng đáng để họ đầu tư thời gian đào tạo và huấn luyện họ trong tương lai hay không.

Đừng nhầm lẫn ranh giới giữa “Tự tin” và “Tự kiêu”.

Nuôi dưỡng và rèn luyện sự tự tin đã khó, thể hiện nó đúng mực trước người đối diện lại càng khó hơn bao giờ hết. Ranh giới giữa sự “Tự tin” và “Tự kiêu” thật chất rất mỏng manh.

Bạn tin tưởng vào năng lực bản thân đã tích lũy trau dồi khác với việc phóng đại năng lực đó một cách quá đà và đề cao quá mức tầm quan trọng của cá nhân mình.

Tất nhiên, không một ai muốn trở thành cộng sự với người sở hữu trong mình sự tự kiêu. Đặc biệt là với những nhà tuyển dụng đang mong mỏi tìm kiếm nhân sự gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp của họ.

Nhà tuyển dụng không cần bạn thể hiện sự tự tin một cách “lố lăng” rằng bạn hơn hẳn so với người khác. Hãy khôn khéo thể hiện sự tự tin đó thông qua những kiến thức, kỹ năng nền tảng vững chắc mà bản thân đã bỏ công xây dựng.

Thước đo chuẩn mực của sự tự tin được tính như thế nào?

1. Tự tin thể hiện bản thân mình.

Sự tự tin được hiểu đơn giản là khi bạn cảm thấy thực sự tin tưởng vào năng lực của bản thân và thể hiện điều đó ra bên ngoài với những người đối diện khiến họ cũng tin tưởng bạn.

Một ánh mắt nhìn thẳng, một lời nói rõ ràng, dứt khoát, một tư thế bình tĩnh, điềm đạm hay một hành động khiêm nhường nhưng nhanh gọn cũng đủ chứng minh rằng bạn là người đầy sự tự tin.

Chỉ khi tin vào chính mình, tin rằng mình làm được việc gì đó thì cơ hội thành công mới thực sự rộng mở.

Khi bạn không có sự tự tin, điều này đồng nghĩa với việc bạn luôn e dè mọi thứ, không đặt mục tiêu cố gắng đến cùng. Và điều này vô tình khiến bạn bỏ lỡ nhiều cơ hội quý báu trong nghề nghiệp lẫn cuộc sống

Không một nhà tuyển dụng nào lựa chọn một ứng viên vừa không có kinh nghiệm vừa không có sự tự tin và bản lĩnh riêng.

Một doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư công sức và tiền của vào việc đào tạo và huấn luyện nhân sự không có kinh nghiệm nhưng sở hữu trong mình sự tự tin và bản lĩnh hơn người thay vì lựa chọn một nhân sự không có ý chí tiến thủ, mãi rụt rè trong vỏ bọc của sự sợ hãi thất bại.

Thế mới thấy sự tự tin chính là chìa khóa mở ra cánh cổng nghề nghiệp quan trọng đầu đời của người trẻ.

2. Tự tin trong khuôn khổ.

Thực tế đã có rất nhiều cá nhân đạt được thành công trong công việc, cuộc sống khi họ tin vào chính mình và nỗ lực hoàn thành những việc lớn lao mà trước đó họ tưởng chừng như rất xa tầm với.

Không chỉ vậy, sự tự tin dám đón nhận những trải nghiệm, thách thức mới còn có thể mang đến cho bạn những bài học kinh nghiệp, cơ hội phát triển đầy mới mẻ.

Tuy nhiên, sự tự tin này nên được thể hiện và kiểm soát trong một khuôn khổ nhất định để không bị sa đà vào sự tự kiêu, tự phụ… và nhận lấy những trái đắng ngậm ngùi.

Bạn có quyền tự tin về bản thân với thành quả mà mình đạt được nhưng đừng quá phóng đại thành quả đó như thể đó là điều không tưởng, không ai có thể thực hiện được ngoại trừ bạn.

Sự tự tin chính là giá trị cốt lõi mà mỗi con người chúng ta cần nuôi dưỡng và hoàn thiện từng ngày.

Đặc biệt là đối với những người trẻ đầy năng lực và sự sáng tạo thì sự tự tin này sẽ là vũ khí quan trọng giúp họ chinh chiến trên các mặt trận phát triển sự nghiệp tương lai.

Với một nền tảng kiến thức kỹ năng vững chắc và bản lĩnh tự tin hơn người, người trẻ chắc chắn sẽ gặt hái được những quả ngọt trong công việc và cuộc sống.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn | MarketingTrips 

Career Plan: 5 dấu hiệu cho thấy bạn nên thay đổi kế hoạch nghề nghiệp của mình

Đôi khi những kế hoạch thay đổi lại không mang lại thành công như bạn nghĩ. Dưới đây là cách để biết khi nào bạn cần một thứ gì đó mới.

Career Plan: 5 dấu hiệu cho thấy bạn nên thay đổi kế hoạch nghề nghiệp của mình

Khi nói đến sự nghiệp của mình, một số người chọn nắm ngay lấy cơ hội khi chúng xuất hiện. Một số khác có kế hoạch từ 5 đến 10 năm và cố gắng thực hiện từng bước một.

Tất nhiên, có rất nhiều lợi ích khi bạn có một mục tiêu dài hạn. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng đi theo một con đường thẳng và quá rõ ràng, con đường mà bạn nghĩ sẽ dẫn bạn đến đích có thể không phải là con đường tốt nhất để đến đó.

Dưới đây là 05 dấu hiệu mà bạn có thể cần phải rời khỏi bản kế hoạch cứng nhắc mà bạn đã đặt ra cho mình và cần một kế hoạch mới.

1. Khi công việc của bạn ảnh hưởng một cách tiêu cực đến các khía cạnh khác của cuộc sống của bạn.

Khi những căng thẳng (stress) trong công việc trở nên nghiêm trọng hơn, nó có thể bắt đầu ảnh hưởng đến các khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn – đó có thể là về sức khỏe, các mối quan hệ hay cảm xúc của bạn.

Chuyên gia về lãnh đạo, Ông Jill Morgenthaler đã từng chia sẻ với Fast Company rằng:

“Tôi khuyên mọi người đừng nên mang những vấn đề (khủng hoảng) trong công việc về nhà vì những người ở nhà không thể giải quyết chúng”.

Nhưng đôi khi, khi tình huống trở nên nghiêm trọng, bạn không thể không để những vấn đề đó ảnh hưởng đến mình, đặc biệt là khi bạn không còn sự lựa chọn nào khác để giải quyết chúng với chủ doanh nghiệp hay cấp trên của mình.

Trong trường hợp này, tốt nhất là bạn nên rời đi và tìm kiếm một công việc mới hoặc một nghề nghiệp mới cho riêng bạn.

2. Khi công việc hoặc doanh nghiệp bạn đang làm việc không còn phù hợp với giá trị của bạn.

Mặc dù đôi khi đó là suy nghĩ xa vời khi bạn mong muốn luôn say mê với công việc của mình, nhưng ít nhất, nó cũng phải mang lại cho bạn một cảm giác tự hào và ý nghĩa.

Như tác giả và chuyên gia về trí tuệ cảm xúc (EQ) Harvey Deutschendorf đã từng nói:

“Nếu việc nói với mọi người khác về nơi bạn làm việc khiến bạn phải thu mình lại, thì đó là một dấu hiệu tốt cho thấy bạn không có nhiều sự tôn trọng đối với công ty tuyển dụng bạn.

Có thể công ty đó thậm chí đang làm điều gì đó đi ngược lại với đạo đức cá nhân của bạn và khiến bạn cảm thấy không thoải mái.”

3. Khi bạn không thể xây dựng danh tiếng hay uy tín mà bạn muốn tại công ty mà bạn đang làm.

Đối với hầu hết mọi thứ, hành động của bạn sẽ thể hiện và xây dựng danh tiếng của bạn.

Chiến lược gia về nghề nghiệp, cũng là một nhân sự cấp cao về marketing cho một thương hiệu toàn cầu, Ông Joseph Liu từng viết:

“Đôi khi, tập trung vào các kế hoạch dài hạn cũng có thể đồng nghĩa với việc bạn phải chuyển đổi công ty để xây dựng danh tiếng của riêng bạn.”

4. Ngành nghề của bạn đang thay đổi và công việc hiện tại của bạn sẽ sớm ‘biến mất’.

Lực lượng lao động đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Nhiều việc làm cũng đang biến mất dần, bạn cũng phải là ngoại lệ.

Nếu bạn quá cứng nhắc trong tham vọng nghề nghiệp của mình, bạn chỉ đang tự làm hại mình bằng cách không mở ra cho mình những cơ hội mới mà nó có thể phù hợp hơn với sở thích, năng lực và kỹ năng của bạn.

Bằng cách cởi mở để thay đổi mọi thứ, bạn có thể tạo ra cơ hội cho riêng mình. Khi Kyle Walker phỏng vấn xin việc tại Amazon, ông đã trình bày một ý tưởng cho một sản phẩm mới, Amazon Exclusives, điều mà cuối cùng, ông đã được tuyển vào Amazon với vai trò lãnh đạo để điều hành công việc đó..

5. Những kỳ vọng của bạn đã không thể trở thành hiện thực.

Công việc hoặc sự nghiệp lý tưởng của bạn không phải lúc nào cũng diễn ra theo cách bạn mong đợi.

Theo tác giả Suzan Bond đã chỉ ra trước đây trong một bài báo:

“Đôi khi bạn phải trải qua một vài công việc không-quá-xuất-sắc để nhận ra rằng sự nghiệp hiện có của bạn không phải là thứ bạn muốn và điều đó không sao cả.

Với những lần khác, ở một công việc hay doanh nghiệp khác, bạn có thể ưu tiên cho những thứ hay ngành mà bạn muốn.”

Sẽ rất hữu ích nếu bạn có một chiến lược rõ ràng để tìm ra hành trình nghề nghiệp thực sự của mình. Đôi khi chúng là những trở ngại cần phải vượt qua, và những lần khác, chúng là những cơ hội dẫn bạn đến một con đường chuyên nghiệp hoàn thiện hơn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Đan Linh | MarketingTrips

5 điều tôi ước tôi đã có thể biết chúng khi bắt đầu sự nghiệp

Dưới đây là cách để bắt đầu sự nghiệp của bạn và đạt được những thành công có ý nghĩa vào năm 30 tuổi.

Khi tôi suy nghĩ về sự nghiệp của mình, đây là năm điều mà tôi ước ai đó đã nói với tôi khi tôi bắt đầu sự nghiệp của mình.

1. Ưu tiên phát triển kiến thức và kỹ năng hơn là lương thưởng.

Những ngày đầu trong sự nghiệp của tôi, tôi đã thất bại trong việc này. Tôi theo đuổi công việc tại một công ty lớn vì tôi biết công việc đó sẽ giúp tôi có được ‘một khoản hậu hĩnh’ chứ không phải vì tôi mong muốn được học hỏi và phát triển bản thân.

Bạn đừng nên mắc phải sai lầm này. Những cá nhân ưu tiên lương thưởng hơn là phát triển kỹ năng và kiến thức cuối cùng sẽ phải làm việc cho những người vốn ưu tiên việc phát triển bản thân từ những ngày đầu trong sự nghiệp của họ.

Nói một cách đơn giản, hãy đầu tư vào chính bạn hơn là tài khoản ngân hàng của bạn; các khoản lương thưởng nếu có chỉ là thứ phụ đi kèm.

2. Không ai có thể biết tất cả.

Là một thực tập sinh hoặc một người mới, bạn có thể cảm thấy rất áp lực khi phải liên tục có những câu trả lời đúng. Việc muốn tạo ấn tượng tích cực ban đầu là điều dễ hiểu, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cần phải ‘toàn tâm toàn trí’ với nó.

Trên thực tế, tôi có thể tự tin khi thừa nhận rằng tôi vẫn chưa biết hết tất cả và không ai có thể biết tất cả.

Bất kể bạn đang làm việc trong lĩnh vực nào, những năm đầu tiên trong sự nghiệp của bạn sẽ luôn đầy rẫy những khó khăn và xoay vòng với khái niệm học hỏi.

Kiến thức bạn học được ở trường chắc chắn hữu ích, nhưng không phải lúc nào nó cũng chuẩn bị cho bạn những thứ để vượt qua những trở ngại bạn gặp phải khi làm việc. Không có trình độ học vấn hay bằng cấp nào có thể thay thế được kinh nghiệm làm việc.

Hãy tiếp thu càng nhiều kiến ​​thức và kinh nghiệm càng tốt, hãy nắm lấy các kênh giao tiếp có ích và luôn đặt những câu hỏi.

3. Phỏng vấn và thực tập vốn không phải là chuyện một chiều.

Khi bạn gặp một người quản lý tuyển dụng hoặc các đồng nghiệp tương lai, hãy nhớ rằng bạn đang phỏng vấn họ cũng giống như họ đang phỏng vấn bạn.

Những câu hỏi bạn hỏi người phỏng vấn thậm chí có thể quan trọng hơn những câu hỏi mà họ đã hỏi bạn.

Về bản chất, một cuộc phỏng vấn là cơ hội để bạn xác định xem một công ty, một văn hoá và nhân viên của công ty đó có phù hợp với sở thích và mục tiêu trong tương lai của bạn hay không.

Hơn nữa, các kỳ thực tập có thể được coi là các cuộc phỏng vấn mở rộng. Người giám sát của bạn sẽ đánh giá hiệu suất của bạn và song song đó, bạn sẽ cảm nhận được cuộc sống tại văn phòng là như thế nào. Hãy sử dụng thời gian này một cách khôn ngoan.

4. Hãy chấp nhận rủi ro nhiều hơn và mắc sai lầm vốn không phải là sai lầm.

Thất bại không phải là một yêu cầu để thành công, nhưng nó thường là con đường mà bạn phải trải qua nhiều nhất.

Sinh viên mới tốt nghiệp thường chấp nhận công việc thực tập đầu tiên hoặc vị trí toàn thời gian mà họ được giao. Theo rất nhiều cách, nỗi sợ thất bại thường chiếm ưu thế, nhưng phản ứng này là sai lầm.

Nỗi sợ hãi không phải là điều bạn cần tránh, mà là thứ bạn phải đối mặt. Khi nhìn lại, những quyết định khiến bạn sợ hãi nhất cuối cùng sẽ được chứng minh là xứng đáng nhất.

Sai lầm, trong hầu hết các trường hợp, chúng là thứ không thể tránh khỏi. Hầu hết các nhà lãnh đạo vĩ đại đều từng trải qua những sai lầm của riêng họ.

5. Thời gian là tài nguyên quý giá nhất của bạn.

Bài học cuối cùng có thể là bài học rõ ràng nhất, nếu không muốn nói là quan trọng nhất.

Thời gian vốn là thứ hữu hạn. Vì vậy, hãy sử dụng nó một cách khôn ngoan.

Hãy chắc chắn bạn có thể thức dậy sớm. Và thực hiện nhiều nhất có thể mục tiêu của bạn trong một ngày làm việc.

Điều này nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng nếu bạn chăm chỉ hơn, dù chỉ là một giờ mỗi ngày hoặc cả đời. Khi bạn lớn lên, bạn sẽ thấy rằng thời gian sẽ ngày càng trở nên khan hiếm hơn theo từng khoảnh khắc mà nó trôi qua.

Đó chính xác là lý do tại sao nó là tài sản quý giá nhất của bạn. Cuối cùng, đó là sự lựa chọn của bạn về cách bạn phân bổ tài sản quý giá này.

Bạn có thể sử dụng nó để học một ngôn ngữ mới, một kỹ năng mới, hoặc một thứ kiến thức chuyên môn gì đó mới. Có thể nói rằng sai lầm lớn nhất mà bạn có thể mắc phải với thời gian đó là bạn đã lãng phí nó.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Long Trần | MarketingTrips 

LinkedIn chia sẻ mẹo để tối đa hoá cơ hội nghề nghiệp trên nền tảng

Mạng lưới chuyên nghiệp đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc xác định những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai của bạn – điều vốn ngày càng trở nên quan trọng trong 12 tháng qua?

LinkedIn chia sẻ mẹo để tối đa hoá cơ hội nghề nghiệp trên nền tảng

LinkedIn chia sẻ mẹo để tối đa hoá cơ hội nghề nghiệp trên nền tảng

Mạng lưới chuyên nghiệp đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc xác định những cơ hội sự nghiệp trong tương lai của bạn – điều vốn ngày càng trở nên quan trọng trong 12 tháng qua?

Để thu thập những thông tin chi tiết về vấn đề này, LinkedIn gần đây đã phân tích một mẫu ngẫu nhiên gồm 03 triệu thành viên LinkedIn từ khắp nơi trên thế giới để xác định xem các kết nối và mạng lưới hoạt động trên LinkedIn của họ đã tạo điều kiện cho việc chuyển đổi và phát triển nghề nghiệp như thế nào.

Nghiên cứu của LinkedIn tập trung vào mối quan hệ giữa biểu đồ kết nối trên LinkedIn của người dùng và khả năng chuyển đổi trong nghề nghiệp – tức là ai đó đang chuyển sang công việc tiếp theo của họ nhanh như thế nào.

Được tính toán bởi một loạt các biến số, LinkedIn nhận thấy rằng trong số những người dùng có chung nhân khẩu học, nền tảng giáo dục và kinh nghiệm nghề nghiệp thì:

  • Các thành viên có ít nhất 13 mối quan hệ từ các công ty khác với công ty hiện tại của họ có khả năng chuyển sang công việc tiếp theo nhanh hơn 22,9% so với những người không có.
  • Các người dùng là thành viên của ít nhất một nhóm trên LinkedIn sẽ nhanh hơn 8,6% trong việc chuyển đổi sang công việc tiếp theo của họ so với những người không phải là thành viên của bất kỳ nhóm nào.
  • Các thành viên theo dõi ít ​​nhất 5 tổ chức trên LinkedIn sẽ nhanh hơn 7,1% trong việc chuyển đổi sang công việc tiếp theo của họ so với những người không theo dõi.

Theo nhiều cách cảm nhận khác nhau, điều này là hoàn toàn hợp lý.

Nếu bạn tích cực tham gia hơn vào việc thiết lập các kết nối thì bạn sẽ có nhiều khả năng tìm thấy các cơ hội mới hơn và kết quả dịch chuyển là nhanh hơn.

Nhưng nó cũng có thể phản ánh cách các nhà quản lý tuyển dụng đánh giá mọi người dựa trên sự hiện diện của họ trên LinkedIn, điều vốn có thể phản ánh sự tham gia tương tác và tập trung vào ngành của họ đang làm việc.

LinkedIn cho biết:

“… nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một mạng lưới chuyên nghiệp ‘đa dạng’ và chứng minh chúng không bị giới hạn đối với các kết nối trực tiếp với các cá nhân.

LinkedIn cung cấp cho các thành viên một số công cụ như kết nối, nhóm, theo dõi để qua đó họ có thể tối ưu nhằm thúc đẩy sự nghiệp của họ.”

Về cơ bản, chia sẻ của LinkedIn ý nói rằng những số liệu thống kê này cho thấy bạn nên tích cực phát triển mạng lưới LinkedIn của mình nhiều hơn nếu bạn muốn xây dựng sự linh hoạt và phát triển hơn trong sự nghiệp của mình.

Điều này, một lần nữa, muốn nhấn mạnh rằng kết nối (connections) luôn là một phần của việc tìm kiếm các cơ hội. Khi bạn càng năng động và cởi mở, bạn càng có nhiều cơ hội tìm thấy các mối quan hệ và vị trí phù hợp với chuyên môn và sở thích của bạn.

Việc xây dựng những kết nối đó trên các mạng xã hội chuyên nghiệp như LinkedIn có thể rất đáng để bạn tìm kiếm và theo đuổi.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips 

“Chung thủy” với một công việc suốt nhiều năm liệu có đem lại “trái ngọt” cho sự nghiệp?

Lựa chọn gắn bó với một công ty suốt nhiều năm liền với hy vọng ngày nào đó sẽ nhận lại “trái ngọt” liệu có thật sự là quyết định đúng đắn, hay chỉ mang lại cho bạn kết quả không mong muốn sau nhiều năm đợi chờ lãng phí?

Việc trung thành với một công ty, đặc biệt trong thời đại “nhảy việc” ngày nay, hoàn toàn không phải là một điều dễ dàng.

Chỉ có một số ít ỏi cá nhân vẫn còn gắn bó với duy nhất một công ty ngay từ khi tốt nghiệp đại học.

Tuy nhiên, để lựa chọn cho mình một bước đi an toàn và nhẹ nhàng, họ chấp nhận “chung thủy” với một nơi làm việc duy nhất trong khi bạn bè xung quanh liên tục nhảy sang nhiều môi trường mới chỉ sau hai, ba năm ngắn ngủi.

Việc đánh đổi “tuổi xuân” cho một công ty là điều hiếm hoi hiện nay, thế nhưng, liệu đó có phải là bước đi đúng đắn hay là lựa chọn sai lầm trong con đường sự nghiệp?

Được gì khi trở thành “lão làng” nơi công sở?

Để trả lời cho câu hỏi liệu chung thủy với một công ty là đúng hay sai, hãy bắt đầu từ việc cân nhắc đến những lợi ích nếu như bạn trở thành một “cây đại thụ” của công ty.

Việc gắn bó 10 năm, 20 năm với một môi trường làm việc không có nghĩa là bạn mãi “ôm” chiếc bàn giấy để làm suốt một vị trí hay công việc.

Ngay cả trong nội bộ một công ty, bạn cũng có thể phát triển ở nhiều mảng khác nhau, nhiều phòng, ban và nhiều vị trí thăng tiến nếu như bạn đủ nhanh nhẹn, linh hoạt và biết nắm bắt cơ hội.

Không nhiều bạn trẻ hiện nay nhận ra ưu thế vàng của việc lựa chọn làm việc trọn đời: bạn thành công bởi công sức bỏ ra cũng nhiều như thành quả bạn đạt được.

Nếu bạn cố gắng đủ lâu, khi các lãnh đạo đều nhận ra bạn là nhân viên thâm niên duy nhất phù hợp cho vị trí cấp cao, bạn sẽ được cất nhắc để ngồi vào “ngai vàng”.

Có không ít những CEO nổi tiếng hiện nay đã từng đi lên từ vị trí nhỏ nhoi trong công ty. Một ví dụ tiêu biểu là Tổng giám đốc CTCP Sữa Vinamilk Mai Kiều Liên.

Gia nhập từ năm 1976 với vị trí là Kỹ sư công nghệ, hiện giờ nữ CEO đã trở thành 1 trong 50 doanh nhân nữ quyền lực nhất Châu Á (Theo Forbes).

Tận tụy cống hiến với một công ty hàng chục năm trời không có nghĩa là bạn sẽ không nhận lại được gì. Đôi khi, những gì bạn cần đó là sự kiên nhẫn và thời cơ thích hợp để hưởng “trái ngọt” mà thôi.

Khi nào thì sự “chung thủy” sẽ trở mặt với bạn?

Tuy nhiên, việc chung thủy với một công việc đôi khi lại đâm ra phản tác dụng khiến bạn lãng phí cả thời gian và tiềm lực bản thân.

Quá trình này sẽ ăn mòn bạn từ từ cho đến một ngày, bạn nhận ra mình không thể tiếp tục cố gắng nữa vì chẳng có thành quả nào đạt được. Sự cố chấp với một nơi làm việc, đặc biệt khi nơi ấy không phù hợp với bản thân, sẽ kìm hãm nghiêm trọng sự phát triển cũng như năng lực cá nhân.

Đừng tự hỏi vì sao bạn đã cống hiến gần chục năm tuổi xuân cho công ty nhưng vẫn là “người thua cuộc” so với những cá nhân chỉ mới nhảy vào làm được hai, ba năm. Cái bạn thua không phải là thời gian mà là những yếu tố khác như sự phù hợp, khả năng hay thậm chí là cơ hội.

Theo nghiên cứu, những nhân viên ở lại lâu hơn 02 năm được trả ít hơn 50% so với những người rời đi và bắt đầu làm việc ở nơi khác.

Không chỉ vậy, khi gắn bó quá lâu, nhân viên thường mất đi sự nhiệt huyết và sáng tạo ban đầu. Họ thiếu đi tính mới mẻ khi phải lặp đi lặp lại một công việc nhiều năm.

Một môi trường không thể gắn bó lâu thường bao hàm nhiều nguyên nhân. Cơ bản nhất chính là hai yếu tố: Sự phù hợp và cơ hội thăng tiến.

Khi cất nhắc một nơi không hội tụ được cả hai vấn đề này, bạn cần suy nghĩ lại về việc tiếp tục “chung thủy” với công ty ấy. Bạn đang lãng phí không chỉ thời gian mà cả năng lực của chính bản thân mình nếu như vẫn tiếp tục “đâm đầu” vào một lựa chọn sai lầm.

Bao nhiêu năm là đủ lâu để gắn bó với một công ty?

Thông thường, thời hạn 03 – 05 năm là đủ lâu để gắn bó với một nơi làm việc nếu bạn đặt mục tiêu học hỏi và thăng tiến lên những vị trí cao hơn ở công ty ấy.

Tuy nhiên, sau 01 năm mà bạn vẫn ở cùng một vị trí như khi bạn bắt đầu ở 01 năm trước thì nguy cơ con đường sự nghiệp phía trước của bạn trở nên tăm tối là vô cùng cao.

Do đó, nếu đã cán mốc 05 năm ở một công ty nhưng bạn mãi vẫn “dậm chân tại chỗ”, cánh cửa sự nghiệp có thể đóng sập ngay trước mắt bạn nếu bạn tiếp tục ở mãi một công ty.

Vì vậy, đừng tự “buộc đá vào chân” mình khi bạn không thật sự sẵn sàng và không có kế hoạch phát triển dài hạn ở một nơi làm việc duy nhất.

Làm sao để gắn bó lâu dài với một công việc?

Nếu bạn đang gắn bó và có suy nghĩ sẽ ở lại lâu trong công ty, việc đầu tiên bạn cần làm đó là xây dựng một mạng lưới quan hệ rộng lớn.

Trong tương lai, bạn sẽ cần đến sự hỗ trợ từ nhiều cá nhân, nhiều phòng ban khác nhau. Đừng chỉ mãi tập trung ở một phòng ban bạn đang làm việc nếu bạn có kế hoạch thăng tiến lâu dài.

Đôi khi, những mối quan hệ từ những vị trí khác trong công ty chính là cánh cửa cơ hội để bạn đi xa và nhanh hơn trong công ty.

Ngoài ra, khi bạn đã gắn bó lâu với công ty nhưng mãi vẫn không thể thăng tiến, nhưng công ty lại là môi trường làm việc bạn yêu thích và cảm thấy phù hợp.

Khi gặp trường hợp này, đừng vội nản lòng. Hãy vạch ra kế hoạch phát triển cụ thể cho bản thân. Chủ động liên hệ với cấp trên hoặc nắm bắt cơ hội để được đảm nhận những dự án quan trọng hoặc nhiệm vụ có thể giúp bạn học hỏi kinh nghiệm, phát huy năng lực bản thân.

Khi đạt được những thành tích cụ thể, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc trao đổi với cấp trên về vấn đề tăng lương và thăng chức cho mình.

Cuối cùng, đừng tự biến bản thân mình trở thành một người nhàm chán và tẻ nhạt ở công ty nhiều năm liền. Hãy luôn tự làm mới và tìm kiếm động lực sáng tạo ở những công việc bạn đang làm.

Khi bạn không lặp lại mọi trình tự như một chiếc máy tự động, bạn sẽ cảm thấy bản thân có ích hơn, đam mê hơn và quan trọng hơn hết, bạn sẽ tỏa sáng trong mắt cấp trên và có được nhiều cơ hội chứng tỏ bản thân sau một thời gian dài gắn bó.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Theo HR Insider

  • 1
  • 2