Trong mấy chục năm ngắn ngủi trên trái đất, có người đã tạo ra những thành tựu và được nhân loại nhớ mãi; nhưng cũng có rất nhiều người một đời giành giật danh-lợi.
Giáo dục phổ thông ở một số nước có khái niệm khai phóng, liberal arts, tức tìm ra năng lực cao nhất của một đứa trẻ và làm bệ phóng đẩy nó đi.
Ví dụ đứa bé này giỏi về tennis, thì cho tập luyện nhiều để thành Nadal, giỏi Piano thì tập luyện để thành Lang Lang, giỏi STEM (toán, khoa học…) thì hướng học kỹ sư, hàn lâm còn nếu không giỏi bất cứ cái gì thì cho làm thợ lành nghề.
Từ lớp 1, các bạn đều có giờ học reading, tức đọc sách, lớp nhỏ thì cô thầy đọc cho nghe, lớn thì các bạn đọc nhau nghe. Trong các bài đọc, chủ yếu là về các nhân vật nổi tiếng thế giới thì đọc đi đọc lại mãi.
Lớp nhỏ thì đọc sơ lược, lớp lớn thì đọc chi tiết. Các bạn được tiếp nhận quan niệm và cách nhìn của các nhân vật tạo ra lịch sử và các vĩ nhân, để các bạn có tư duy lớn, ước mơ lớn.
Những đứa trẻ hôm nay sẽ là lãnh đạo (top leaders, khoảng 5-20%) hay người thường (followers, 80-95%) trong tương lai.
Trong lĩnh vực kinh tế, những leaders này là những người tạo việc làm và thu nhập cho các followers. Giáo dục để tăng tỷ lệ leaders luôn là mục tiêu của các quốc gia hiện nay để tạo sự thịnh vượng cho xã hội.
Các nước giàu hiện nay đều có chương trình nhập khẩu doanh nhân, tức dạng định cư doanh nhân, với điều kiện là không được sống ở đô thị lớn của nước họ, sang tỉnh xa xôi mở doanh nghiệp giải quyết vài chục lao động thì họ cấp thẻ xanh hoặc cấp quốc tịch.
Ví dụ Canada, nếu bạn sang mở DN không phải ở Vancouver, Toronto hay Montreal, mà giúp cỡ 20 lao động ở vùng xa xôi như Nunavut chẳng hạn, bạn sẽ được thẻ xanh. New Zealand cũng vậy, trừ khu vực Auckland.
Các nước đều khuyến khích mở doanh nghiệp ở các tỉnh xa, hạn chế phát triển ĐH và doanh nghiệp ở các đô thị lớn, họ làm mọi giá để phát triển đồng đều cả nước chứ không có dồn vô Sài Gòn Hà Nội như nước mình.
Một doanh nhân lớn có quyền lựa chọn, hoặc mang tiền sang mua quốc tịch nước ngoài, hoặc về nơi hẻo lánh xa xôi của nước mình để xây dựng một cái gì đó cho bà con quê nghèo có việc làm. Đó là 1 sự lựa chọn, tuỳ thuộc vào cái tâm của họ.
Có thể chọn ở Sài Gòn để mua bán đất cát chung cư qua lại kiếm lời, hoặc về Đăk Nông Kon Tum dựng nên nông trại nhà máy. Có thể ở Hà Nội để sáng sớm ăn phở ngon, uống cà phê thơm, ngắm trai thanh gái tú qua lại như mắc cửi trên phố hay về Điện Biên Lai Châu, sáng sớm ngắm cảnh thanh bình núi rừng chim hót líu lo.
Đều là do người có trí đó lựa chọn. Họ chọn lợi ích và sung sướng cho bản thân, cho gia đình, cho gia tộc hay cho tha nhân, cho nhiều người xa lạ cùng hưởng….thì do tấm lòng và tầm vóc của họ.
Một câu nói vô cùng vớ vẩn và thiển cận là “nếu ai cũng làm chủ, thì ai làm công?” Những xã hội có tỷ lệ top leaders/boss cao như Đức, Israel, Qatar, UAE, Nhật, Hàn, Đài, Singapore….luôn thiếu lao động phổ thông, thiếu followers và họ phải thuê các nước khác làm. Lượng followers thì nhiều vô kể, không lo thiếu hụt, nhất là các nước dân số đông như Indonesia, Bangladesh, VN, Ấn Độ, Mexico, Philippines….
Chúng ta thấy người Hàn ở Việt Nam khoảng 100,000 người, cũng tương đương người Việt đang ở Hàn. Nhưng địa vị của họ khác nhau, người Hàn ở VN thường làm quản lý các công ty Hàn, hoặc làm chủ nhà hàng, bar, salon tóc, sân golf….còn người Việt ở Hàn chủ yếu là cô dâu và công nhân xuất khẩu lao động.
Cái này là thực tế, vì đặc trưng gene dân tộc họ là khai phá và du mục, còn mình là lúa nước làng xã, nghĩ nhỏ, nghĩ ngắn, luôn miệng nói “XA, ĐẮT, KHÔNG DÁM” trước 1 quyết định. Ông bà cha mẹ vặt vãnh hàng thế hệ, rồi cứ thế mà truyền cho con cháu.
Cứ tạo ra những nỗi sợ vô hình, ví dụ kể nhau nghe chuyện ma nên khiến những đứa trẻ sợ hãi, không dám đi đâu. Người sợ ma thì không thể thành doanh nhân lớn được, không lẽ nửa đêm là kêu đối tác qua ngủ cùng vì sợ ma? Cứ bày mấy cái ĐƯỢC nhỏ nhỏ phải giữ, khiến tầm thường hoá nhiều bạn, lẽ ra là ngôi sao lớn.
Chưa kể là giáo dục Hàn hiện nay, cùng hệ với giáo dục Nhật và Đức, đã tạo ra tỷ lệ boss/top leaders rất cao. Họ dám đối diện với rủi ro ở 1 nơi xa lạ hơn là “ổn định” ở chỗ quen thuộc. Nay họ ở Seoul, mai qua Nha Trang, Đà Nẵng, Bali….để định cư làm ăn là bình thường.
Nói phát đứng dậy đi ngay. Đánh bài xì dách chẳng hạn, điểm 17-18-19-20 vẫn không chốt để kiếm lợi chút xíu mà họ sẽ rút tiếp nếu được phép rút, vì có xác xuất tìm được con 4, 3, 2, 1. Cứ còn có cơ hội là còn làm. Được ăn cả, ngã về không.
Mất thôi làm lại, họ chấp nhận đánh đổi. Đó là tố chất cơ bản nhất của người làm được nghiệp lớn (nhưng người không có tố chất này, sẽ nghĩ ví dụ trên sai, không thuyết phục, vì họ tư duy khác. Người sợ mất danh mất lợi thì sẽ nghĩ khác, làm khác, đó là tư duy phổ biến của đám đông đang được cho là đúng).
Thống kê xã hội học cho thấy có khoảng 1/2, tức 50% người có khả năng làm founders, leaders (người sáng lập, lãnh đạo) khi sinh ra.
Nhưng giáo dục ở gia đình và nhà trường mấy ngàn năm nay, ở mọi quốc gia, cứ bắt mọi đứa trẻ học chương trình giống nhau, bắt vở sạch chữ đẹp, bắt làm bài văn mẫu và học thuộc công thức toán, bắt mặc đồng phục, bắt không được suy nghĩ khác đáp án của thầy cô, ở nhà không được làm khác “gia phong lễ giáo”, “phép vua lệ làng”, hành xử nên theo đám đông kẻo bị chế nhạo chê cười,….khiến tỷ lệ founders/leaders (cá tính, sáng tạo, quyết đoán) giảm dần xuống, tỷ lệ followers (đám đông bình thường) tăng lên.
Giáo dục đúng là phải tìm ra tinh hoa (elite), tạo cảm hứng cho họ, cho phép họ khác biệt để trở thành founders/leaders, để tạo ra các Samsung, Hyundai, LG, Toyota, Sony, Bosch, Mercedes, Bayer….chứ không nên hướng dẫn tinh hoa cách viết CV (hồ sơ xin việc) hay profile cho thật đẹp (phạm vi bài viết nói về lĩnh vực kinh tế, còn tinh hoa các lĩnh vực khác nữa).
Founder và boss không có CV hay profile vì họ không có nhu cầu xin việc. Họ không tập trả lời phỏng vấn thì họ phải phỏng vấn người khác.
Họ không nghĩ đến tiền bạc con con, nghĩ đến giá cả mà nghĩ đến GIÁ TRỊ mà họ nhận được. Từ đó, thái độ của họ với cuộc đời khác hẳn. Vui vẻ, xởi lởi, cám ơn, giúp người, hào phóng, quý phái, sang trọng, tích cực,…
Các trường ĐH kinh tế, dù nổi tiếng nhất nhì thế giới như Harvard Business School, cũng chỉ có thể đào tạo quản lý (manager) mà thôi, không thể đào tạo ra ông chủ sáng lập (founder). Học management thì chỉ làm được manager (gốc là chữ MANAGE). Không có lớp đào tạo chủ doanh nghiệp, vì không thể đào tạo được.
FOUNDER/BIG BOSS, năng lực quan trọng nhất của họ là TỰ HỌC. Họ sẽ tự đào tạo khi được tạo cảm hứng và chỉ rõ đích đến (hoặc tự tìm được đam mê đời mình).
Ví dụ nói có mỏ vàng ở bên kia quả núi, cách một cánh rừng và con sông, họ sẽ tự chặt cây quánh thú để tạo con đường riêng để băng qua núi, tự đóng bè hay bơi để qua sông, để tới đích.
Còn với followers, thì họ chỉ đi trên con đường ai đó đã mở sẵn. Giành nhau chen chúc dẫn tới tắc đường kẹt xe. Chớ bắt họ khai phá vì khả năng kiến tạo không có.
Có mở nhà máy cho họ làm giám đốc thì vài ba bữa cũng thấy xách cặp lên thành phố xin việc. Họ sinh ra làm mèo, không phải làm hổ.
Mèo thì bám nhà chủ ở phố để được cho ăn, hổ thì lên rừng tự xây dựng giang sơn. Hổ mà cứ bám ở thành phố thì chỉ có diễn ở rạp xiếc hoặc nhốt trong sở thú.
Trong sách giáo khoa ở Đức hay các nước áp dụng giáo dục liberal arts, các nhân vật vĩ đại trong lịch sử được các em liên tục tìm kiếm, đọc và trình bày trước lớp.
Nên hầu như em bé nào cũng rành A-rít x tốt, A lét xăng đại đế, Thành Cát Tư Hãn, Napoleon, Tần Thuỷ Hoàng, Louis Pasteur, Anh xtanh, Mozart, Edison, Bill Gates, Mark Zuckerberg, Elon Musk…và cứ thế, tỷ lệ người giỏi giang tăng lên, vì trẻ em có khuynh hướng bắt chước người chúng thần tượng. Các bạn nên mua và đọc đi đọc lại những người vĩ đại, đọc ngàn lần rất tốt cho trí óc.
Đọc lại 2 lần bài này nếu bạn có tố chất, bạn sẽ hiểu và có nhận thức khác, làm khác hôm qua.
Trí thức tức có trí và có thức, tức có thức thời và hành động để tạo ra thành tựu. Còn cái gì cũng biết, bằng cấp đầy người mà hem có chịu làm, hem có cơ ngơi thành tựu gì, thì gọi là trí ngủ.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh | MarketingTrips
Theo Tony Buổi Sáng